To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: James Mcgovern
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2176 / 76
Cập nhật: 2016-02-22 20:55:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Cuộc Chiếm Giữ Kho Tàng
áng sớm chủ nhật ngày 2 tháng 5 năm 1945 trên một chiếc xe Ford nhỏ, hai người dân sự Đức rời Nordhausen để đi về các vùng núi trên quần sơn Harz. Chiếc xe len lỏi dài theo các con lộ hoang vu qua các làng hầm mỏ. Sự xuất hiện này thật cũng lạ. Một nhân chứng dù kém nhận xét đến đâu cũng tự hỏi làm thế nào hai người dân chính này lại có được một chiếc xe vừa ở trong tình trạng sử dụng được, vừa lại có xăng cần thiết để đi. Họ như rong chơi không có chủ đích gì. Cũng như các du khách thường thấy, họ dừng lại ở mỗi làng hay thị trấn nhỏ để chỉ hỏi mỗi một câu - một câu hỏi cũng kỳ lạ: Thưa, có biết trong vùng này, có khu mỏ nào bỏ hoang?
Hai du khách đó tên là Eberhard Rees và Karl Otto Fleischer. Tiến sĩ Rees từ 1940, phụ trách về các thiết trí cơ sở ở Peenemunde. Và từ khi các cơ sở này được đưa về Nordhausen thì Fleischer là giám đốc thương vụ của cơ sở điện cơ E.W. (Elektromechanische Werke), và cũng là người duy nhất ở Nordhausen biết đại khái trong vùng nào được cất giấu các tài liệu V2: Huzel và Tessmann có cho ông biết trước khi họ lên đường về Alpes.
Fleischer và Rees chạy đi suốt cả ngày. Cho đến chiều, họ mới gặp được một người thợ mỏ già Andreasberg cho biết là trước kia, ông có làm việc trong khu mỏ giống như nơi họ vừa mô tả - mỏ này ở bên làng Dornten.
Chiếc Ford lại lên đường, xa khoảng 50 cây số, họ tới khu mỏ hoang. Sau cuộc tiếp xúc với ông già gác dan, công việc của họ kể như đã có kết quả: họ đã tìm được nơi cất giấu kho tàng.
Đây là do sự sắp xếp của Thiếu tá Staver. Ông này đã khởi sự công tác từ ba tuần lễ trước, khi ông ta đến vùng Nordhausen bị tàn phá này.
Đến được Nordhausen cũng là cả một vấn đề cho Thiếu tá Staver. Cuối tháng 4, hai tuần lễ sau khi bị chiếm giữ bởi sư đoàn 3 Thiết giáp, thành phố này vẫn còn bị liệt vào khu giao tranh và các điều tra kỹ thuật không được phép vào nơi các khu chiến. Thất vọng vì lý do trên, Staver cầu viện đến Đại tá Toftoy, là người hiểu rõ vai trò quan trọng mà Trichel đã giao phó. Biện pháp duy nhất cho phép Staver đến Nordhausen là bổ dụng ông vào một đơn vị đã ở tại nơi đó: đấy cũng là trường hợp của toán thám báo số 1 của sở quân cụ tăng phái bên cạnh đội quân thứ nhất của Mỹ.
Đại tá Toftoy là vị sĩ quan xuất thân từ trường Võ bị West Point, một sĩ quan nhà nghề và cũng là người nhiều thủ đoạn biết quyền biến khi tình thế bắt buộc. Khi đứng trước một trái thủy lôi ngầm thuộc loại mới mẻ của Đức, mà ông phải tháo ngòi và khảo sát để tạo an toàn nhanh chóng cho hải cảng Cherbourg, ông chỉ giản dị ra lệnh cho mọi người tránh xa ra rồi tự mình tháo lấy vũ khí lạ kia. Lần này, ông cấp cho Staver một công tác lệnh hơi cắc cớ là chỉ định ông này được sung dụng vào toán thám báo số 1 và như vậy Staver được quyền đến Nordhausen.
Mưu chước trên đã thành tựu mỹ mãn. Staver đến Nordhausen ngày 3 tháng 4, cùng đi chung với ông còn có viên kỹ sư của chương trình Hermès là Ed. Hull. Hai người viếng Mittelvverke và hàng chực cơ xưởng, phòng thí nghiệm ẩn khuất trong lòng quần sơn Harz. Tuy nhiên cho đến ngày 12 tháng 5, họ chưa qui tụ được người vào thuộc thành phần của cơ sở "Elektromechanische Werke". Hiển nhiên, các chuyên viên Đức chưa biết W. Von Braun đã tự ý qui thuận người Mỹ ngày 2, vì với những người dân chính, không có máy thu thanh, điện thoại, cũng không cả phương tiện liên lạc với Garmisch. Các người của E.W. đã phân tán khắp nơi. Bọn họ đã ẩn náu sâu trong các làng quanh vùng. Và trái hẳn với Von Braun, không ai trong bọn họ có sáng kiến qui thuận. Giờ đây, vào chiều ngày 12 tháng 5, nhờ một tin tức nhận được từ toán công tác đặc biệt, Thiếu tá Staver truy ra được dấu vết của Karl Otto Fleischer. Vì chiến tranh đã dứt, Fleischer sẵn sàng hợp tác với người Mỹ, nhưng ông lảng tránh việc nói với họ rằng ông là người duy nhất ở Nordhausen đã biết chỗ chôn giấu các tài liệu V2. Tuy nhiên, ông giới thiệu Staver với tiến sĩ Eberhard Rees. Tới phiên ông này chứng tỏ thiện chí và cho người sĩ quan Mỹ biết có một số lớn các chuyên viên quan trọng về hỏa tiễn hiện có mặt quanh vùng Nordhausen.
Ngày 14 tháng 5, Staver hay tin có một thành phần quan trọng của nhóm Peenemunde đang bị cầm tù ở Saalfeld, cách Nordhausen 90 cây số: Đó là Walther Riedel, trưởng ban cơ giới ngành hỏa tiễn. Riedel bị bắt là do một sự hiểu lầm của một nhân viên phản gián Mỹ, người này cho rằng ông đã phụ trách về hơi độc và bom vi trùng. Nhưng Thiếu tá Staver này đã can thiệp kịp thời với cấp sĩ quan cầm quyền quân sự, để được thả người tù nhân này và đưa ông về Nordhausen.
Riedel chỉ còn việc hợp tác và đem lợi cho người đối thoại của ông. Ông kê lập một bảng đầy đủ về các nghiên cứu của Đức trong địa hạt hỏa tiễn. Nhưng cũng đồng quan niệm với Von Braun (hiện giờ ông này cũng đang bị Dr. Porter gạn hỏi ở Garmisch) là các áp dụng quân sự của V2 đối với Riedel chỉ là một khía cạnh. Và Riedel quả quyết điều khích động thật sự mối quan tâm của nhóm Peenemunde (Staver chuyển các sự việc này về Ba Lê để được truyền đạt về Ngũ Giác Đài) chính là: "các hỏa tiễn vận tải, các trạm vệ tinh bay vòng quanh trái đất, các đài gương đặt trong không gian có khả năng dùng cho việc lợi ích cũng như điều nguy hại, các cuộc du hành ngắn hạn trên mặt trăng, và các cuộc thám hiểm vũ trụ rất là táo bạo".
Walther Riedel cũng cho Staver hiểu là việc đưa về Mỹ một số, ít nhất là những con người cốt cán của Peenemunde, khoảng 40 người, là một việc làm rất sáng suốt cho riêng người Mỹ. Nhóm người này sẽ thừa khả năng để tiếp tục công trình của họ ở Mỹ quôc - Nếu người Mỹ không nắm lấy sáng kiến này, thì người Nga sẽ có thể trọn hưởng được bọn họ. Riedel còn thêm, có vài tin đồn cho là Hồng quân Nga sẽ vào Nordhausen ngày 1-6-1945 để thay chân các lực lượng Mỹ.
Staver biết rõ việc ấy còn hơn cả việc đồn đãi thông thường kia và người Nga hiện cũng đã lên đường đi tiếp nhận. Ông gởi một bức thư về Ban tham mưu của ngành Quân cụ ở Ba Lê, thuyết phục họ cho gởi về Mỹ khoảng 100 kỹ thuật gia của Peenemunde, hiện giờ là các tù nhân. Các người này phải cho đi trong thời hạn 30 ngày. Staver nói rõ rằng họ có thể được dùng vào việc thực hiện loại hỏa tiễn phòng không cải biến Wasserfall, có thể áp dụng cho chiến trận ở Thái Bình Dương trong trường hợp cuộc chiến với Nhật còn kéo dài lâu hơn điều ước định. Ông nghĩ rằng các luận cứ trên có thể khiến được Ngũ Giác Đài phải suy nghĩ. Thật ra, ý hướng của ông là sau cuộc đầu hàng của Nhật, các nhà bác học Đức dủ nhập vào Hoa Kỳ sẽ có thể tiếp tục lại ở đây, các công trình của họ về các vũ khí vô tuyến điều khiển xuyên lục địa.
Nhưng các cuộc thẩm vấn Riedel, Rees và các người khác nữa, đã không đem lại cho Staver tin tức gì về một điểm cốt yếu: tài liệu V2 đã cất giấu ở đâu? Ông có tham dự vào các cuộc tiếp thu những bộ phận của hỏa tiễn trong khuôn khổ của công tác
đặc biệt về V2, nhưng ông biết rằng việc ráp lại và thí nghiệm ở White Sands, 100 hỏa tiễn được chuyển về Mỹ sẽ gần như không thể nào thực hiện được nếu người ta không phối trí được các bức vẽ và các đồ án của V2. Cho đến giờ nay cũng chưa có người nào mà ông đã hỏi qua, biết được - hoặc nhận có biết - chỗ cất giấu tài liệu. Ngày 18 tháng 5, hai điều tra viên dân sự của Tổng hành dinh Eisenhower, Frankel và Robertson đến Brunswick bằng phi cơ, trong ý định gom về Garmisch, các ông Riedel, Rees và tất cả các chuyên viên nòng cốt của Peenemunde mà Staver đã giữ trong tay. Nhưng Staver đã quyết liệt từ chối: vì việc đem đi các ông này sẽ làm hỏng cả chương trình truy vấn của ông, đang đem lại nhiều kết quả tốt trong việc phăng tìm manh mối chỗ cất giấu. Mặt khác, họ còn đang giúp hoàn thành một công tác quan trọng bằng cách tìm các dụng cụ còn giấu ở Nordhausen - một thứ dụng cụ không có ở Bavière. Sau nữa, người ta còn hy vọng thuyết phục được người Đức tiết lộ nơi cất giấu tài liệu và cứ theo như sự khẩn bách về người Nga sắp đến đây, người ta không được phép chậm trễ một phút nào nữa.
Robertson cảm thấy lý luận trên rất hữu lý. Ông rút trong túi ra cuốn sổ tay và ông lật từng tờ rồi đọc ghi chú như sau: "Theo Von Ploetz, tướng Dornberger có nói với tướng Rossman là các tài liệu liên quan đến vũ khí V được cất giấu trong khu hầm muối ở Bleicherode. Von Ploetz là sĩ quan tình báo của Kammler. Robertson thêm ý kiến là Rees và Fleischer có thể chỉ cho Staver tọa độ hầm muối kia. Đấy là tin duy nhất mà ông có được.
Staver đã bỏ hết buổi chiều để tra hỏi khéo Riedel với ý định duy nhất trong đầu: rút phần đúng nhất của đường dây mỏng manh vừa được Robertson tiết lộ. Dĩ nhiên, các tài liệu quan trọng về V2 không nằm trong hầm muối ở Bleicherode, mà hầm này chỉ tang trữ các tài liệu có giá trị phụ thuộc thôi. Đến 18 giờ, cùng với Riedel ra khỏi văn phòng của nhà đương cuộc quân sự, Staver gặp Fleischer đang chờ ông. Sau khi chào Fliecher, người Mỹ giả bộ lạnh lùng và đến lượt ông ta rút trong túi, quyển sổ tay và đọc như sau:" Von Braun, Steinhoff và tất cả những người quy thuận ở phía Nam, hiện đang bị câu lưu ở Garmisch. Các sĩ quan tình báo của ta có nói đến tên Ploetz, tướng Dornberger, tướng Rossman và tướng Kammler. Theo các câu chuyện với những người này thì một số lớn các họa đồ và tài liệu quan trọng đã chôn trong khu hầm mỏ, tại một vài nơi quanh vùng và Riedel hoặc ông, Fleischer có thể giúp tìm được các tài liệu đó". Tất nhiên đó chỉ là một mánh khóe cốt làm cho Fleischer và Riedel lầm tưởng rằng các vị chỉ huy của họ cho họ toàn quyền khai báo. Staver lý luận như sau: Nếu các người Đức biết chỗ giấu, thì họ sẽ nghĩ rằng họ hiện đang đứng trước một sự lựa chọn, hoặc là tiết lộ hoặc là chịu bị cầm tù để bảo mật các tài liệu, trong khi ấy thì các vị chỉ huy của họ lại đang muốn để người Mỹ toàn quyền sử dụng. Đấy là một đòn đánh lận con đen. Riedel không nhúc nhích. Nhưng Staver chú ý thấy Fleischer nhíu mày và mắt giương to. Tuy nhiên ông này vẫn giữ yên lặng. Để tránh cho các người này có cẩm tưởng rằng ông đang nóng long, Staver khuyên họ nên nghĩ kỹ và hẹn gặp lại họ lúc 11 giờ ngày hôm sau tại Bleicherode.
Staver đã đến trễ hơn giờ hẹn một cách cố ý vào lúc giữa trưa. Riedel đã y hẹn nhưng không có mặt Fleischer, điều này làm cho viên thiếu tá Mỹ lo âu. Nhưng Riedel cho Staver biết là bạn của ông có "các tin rất quan trọng" và hiện đang đợi ở Haynrode, một làng kế cận đấy. Hai người Mỹ và Đức này liền đến đấy. Riedel, một gã con trai to lớn, tóc vàng, được xem như là người trẻ nhất trong nhóm chuyên viên kỹ thuật ở Penemunde, chưa quá 35 tuổi. Ông ta bước vào quán" Ba đóa hoa Tilleuls" và hỏi vị chủ nhân có tin gì cho ông không?
- Có một.
Biết được vậy, ông ra hiệu cho Staver theo ông và hai người lần theo một con đường nhỏ hẹp dẫn đến ngôi nhà mục sư. Vị mục sư rất thạo tiếng Anh, nói với họ rằng Fleischer hiện ở đây và ông sẽ đi gọi.
Fleicher xuống lầu. Ông có vẻ hốc hác của một người thức trắng đêm. Lễ phép ông xin vị giáo sĩ để một mình ông ở lại với khách và dưới cội cây táo tây đầy bông, với một giọng nói gần như thiểu não, khó nghe, ông ngại ngùng tỏ thật với Staver rằng ông đã thiếu sự thẳng thắn với ông này: ông có một khái niệm phỏng chừng về nơi cất giấu tài liệu. Nhưng ông không có trách nhiệm phải tiết lộ nơi giấu kia, nay nếu thượng cấp của ông muốn ông làm công việc trên, thì ông không còn lý do để giữ im lặng lâu hơn nữa. Staver bảo đảm với ông đây là trường hợp đúng thật như vậy.
Với một giọng chắc chắn hơn, Fleicher quả quyết với Staver rằng các tài liệu không nằm trong hầm muối ở Bleicherode, ở đấy chỉ chứa các giấy tờ không quan trọng lắm; chỗ chôn giấu chính yếu là một khu mỏ bỏ hoang, nằm cách đây ít nhất cũng khoảng 50 cây số và ông mô tả được nơi đó. Nơi chôn giấu có thể nằm gần làng Doren( ở đây muốn nói là làng Dornten: không có làng nào tên Doren và chính sự lầm lộn nhỏ về danh từ đã tạo ra trọn một ngày rong chơi vô ích). Fleischer yêu cầu người Mỹ này, ngày hôm sau, cho ông được đi với Rees để tìm khu mỏ đang đề cập đến – ông nói rõ ràng nếu không có một sĩ quan Mỹ đi theo họ thì cái may mắn để tìm ra nơi giấu sẽ nhiều hơn.
Vấn đề phải được trả lời ngay, và Staver phải liều để tin tưởng hai người Đức này – ông cung cấp cho họ nhiên liệu và giấy thông hành cho phép đi sau giới nghiêm, vì các người dân chính Đức bị bó buộc như vậy. Hôm sau, ngày 20 tháng 5, Staver đến Lehesten với Riedel để xem xét các bàn thử cho động cơ hỏa tiễn, đồng thời tự hỏi không biết sẽ gặp Fleischer và Rees ngày nào đó không! Ngày 21, ông trở lại Bleicherode dưới cơn mưa dữ dội. Vào 13g30, bất chợt ông đến nhà Fleischer. Người Đức này mỏi mệt ngã mình trên chiếc ghế dài, với giọng uể oải, Fleischer cho Staver biết là Rees và ông đã tìm được nơi chôn giấu kho tài liệu.
Việc tìm này cũng không phải là chuyện dễ khi vào giờ chót, thì hai người vẫn tìm được vị trí khu mỏ vậy, nhưng lúc ban đầu, người gác dan già Nubelung đã thề với thiên địa rằng không có tài liệu nào cất giấu nơi đây. Nhưng sau một giờ bàn luận – Fleischer quả quyết rằng ông là một trong các người chịu trách nhiệm trong chương trình hỏa tiễn của Đức và hành động theo lệnh của các tướng phụ trách chương trình này – ông già, gác dan có vẻ xiêu lòng, và sau rốt công nhận là vào đầu tháng 4 có ba xe vận tải chở các tấn thùng, được gởi vào kho, trong một gian phòng nhỏ ở sâu trong một đường hầm. Sau đó, kho hầm này đã cho nổ mìn để lấp lại, đêm trước nữa, Nebelung cũng đã cho tung một gói chất nổ để án ngữ lối vào kho chôn giấu.
Fleischer đã thuyết phục người gác dan cho khởi sự ngay việc tháo mở kho hầm và bảo đảm với ông sẽ không có gì phải e ngại nếu được ông hợp tác. Fleischer cho tuyển một toán thợ mỏ thất nghiệp để thực hiện công tác thu dọn. Họ chia làm tám toán mỗi toán ba người, nhưng đường hầm quá chật hẹp nên các toán rút lại còn mỗi toán 2 người. Trước khi trở về, Fleischer báo cho Nebelung biết rằng các sĩ quan Mỹ sắp đến Dorsten để điều khiển công tác và thu lấy các thùng tài liệu.
Mục đích của Staver là cốt sao chiếm được số tài liệu quan trọng nhất của Đức, nay công tác sắp hoàn thành không còn nghi ngờ gì nữa. Song ông chưa phải đã hết khó khăn – Đến nay là ngày 21 tháng 5 rồi và ông biết vì lý do các sửa đổi có tính cách địa lý của các khu chiếm đóng, người Anh sẽ phải vào Dornten ngày 27 tháng 5 để thay người Mỹ ở nơi đây. Vậy ông chỉ còn có 6 ngày để thực hiện công tác thu hồi các tài liệu. Vệc này đòi hỏi các phương tiện chuyên chở khá quan trọng – Nếu thất bại việc này, tất cả tài liệu sẽ lọt vào tay người Anh ngay.
Để Fleischer và Rees ở lại, ông tìm đến Trung úy Hochmuth và toán Tình báo số 1, đoạn chỉ thị cho viên sĩ quan này ngay ngày hôm sau đến Dornten để trông chừng công tác. Vì không có liên lạc điện thoại hay vô tuyến giữa Nordhausen và Bale, Staver quyết định đến tổng hành dinh ngành quân cụ bằng phi cơ để xin nhân công và xe cộ cần thiết cho việc chở các tài liệu về khu vực chiếm đóng của Mỹ. Ngày 22, lúc 3 giờ sáng, ông đánh thức bạn già là Thiếu tá Bromley, để mượn chiếc xe Jeep và người tài xế hầu kịp đến phi trường gần nhất ở Kassel cách khoảng 60 cây số.
Đến nơi, Staver được biết không có phi vụ chính thức nào được ấn định trước khi đi Ba lê ngày hôm nay. Tuy nhiên có một chiếc P.47 đang sửa soạn cất cánh. Vị thiếu tá không có công tác lệnh,khẩn thiết yêu cầu viên phi công cho ông cùng đi. Viên phi công không thấy có chút gì trở ngại để giúp đỡ người đồng chủng này, nhưng ngặt nỗi phi cơ của ông ta là chiếc phóng pháo một chỗ ngồi. Staver đến quan sát thấy có một góc nhỏ sau chỗ ngồi duy nhất, ông giải thích rằng ông có việc đến Ba lê rất khẩn cấp nên ông xin nhận chịu một chuyến du ngoạn ngồi co ro phía sau. Viên phi công ái ngại nhưng rồi ông ta chấm dứt bằng câu nói, chiến tranh đã chấm dứt. Vậy thì…
Chiêc P.47 đáp xuống phi trường Orly vào lúc 10 giờ sáng. Staver ra hiệu cho ngừng xe và chiếc xe Jeep thả ông xuống chỗ tổng hành dinh Quân cụ ở tại Champs-Eslysees. Ông được vị trưởng ban kỹ thuật là Đại tá Holmes tiếp kiến. Ông này trước kia là huấn luyện viên của ông ở trường đào tạo của bộ tại Stanford. Staver báo cho ông này biết là bọn ông đã tìm được các tài liệu mật về V2 của Đức. Theo ước định thì cần phải có hai chiếc bán móc hậu loại 10 tấn để sử dụng ở No- rdhausen.
Nhưng Staver lại còn một ý kiến khác trong đầu. Nhắc lại các khoản trong phúc trình của ông trước kia, ông nhấn mạnh điều ích lợi của việc cho gởi ít nhất một số nhân viên của Peenemunde về Mỹ. Để xác định lại vai trò khá hấp dẫn nhằm khai thác cấp bách về quân sự, ông giải thích sự trợ lực của hỏa tiễn phòng không Wasserfall có thể đem lại trong cuộc chiến với Nhật.
- Vâng, - Holmes nói – thật hơi lạ nhưng tôi thấy ý kiến này rất sáng suốt. Hãy thảo công điện. Tôi sẽ ký cho.
Trong cùng ngày, một bức điện mang dấu "Mật" được chuyển về Ngũ giác đài cho Đại tá Trichel với văn bản như sau:
" Chúng tôi đang cầm giữ hơn 400 nhân viên trụ cột Peenemunde. Đã hoàn thành loại V2.Đã sản xuất vừa rồi loại hỏa tiễn phòng không Wasserffal nặng 3 tấn…Tưởng rằng phát minh này có thể rất hữu dụng cho cuộc chiến Thái Bình Dương. Các vị quản đốc nghiên cứu nghĩ rằng nếu nhóm họ được gởi về Mỹ, sau một tháng tổ chức lại, và ba tháng tích cực làm việc, họ có thể tái thực hiện trọn vẹn các đồ ánWasserfall. Hầu hết nhóm họ cũng như tất cả nhân viên cho rằng không thể tiếp tục chương trình hỏa tiễn tại lãnh thổ Đức. Phần đông họ dưới 35 tuổi và không biết nghề nào khác. Họ ước muốn được tiếp tục nghiên cứu tại nước nào cho phép thực hiện được, như nước Mỹ thì thích hợp nhất, kế là ở Anh, hoặc nước thứ ba nữa là ở Pháp…Các vị quản đốc khoa học của nhóm này tin tưởng đã có 25 năm đi trước người Mỹ…Đang khởi thực hiện chương trình hỏa tiễn A10, mà sức đẩy của nó sẽ thuộc vào hàng mạnh đến 110 tấn. Công dụng sau này của hỏa tiễn A10 cho phép nối liền Âu châu – Mỹ quốc, tức hỏa tiễn liên lục địa.
Chúng tôi yêu cầu cho 100 chuyên viên ưu tú nhất của nhóm nghiên cứu này được gởi ngay về Mỹ hầu tái lập lại trọn vẹn các dự án về Wasserfall. Chúng tôi cũng yêu cầu cho chyển tất cả vật liệu hình vẽ và tài liệu cho nhóm này, để dễ dàng công việc của họ tại Mỹ.
Chúng tôi yêu cầu hành động gấp để ngăn các đối thủ khác đang lăm le muốn bắt giữ tất cả hoặc từng phần nhóm người này…Xin phúc đáp khẩn cấp".
Ngày 23-5, Thiếu ta Staver trở lại Đức. Tại Brunswick, ông tiếp xúc với Đại tá Warner của sở quân cụ. Ông này đi với ông bằng xe đến khu mỏ Dornten và quanh đây có sư đoàn 83 phụ trách canh chừng 24 giờ trên 24. Đường hầm cũng chưa được khai thông và người Anh sẽ đến đây trong 4 ngày nữa. Trung úy Hochmuth giải thích lý do sự chậm trễ này: 2 ngày trước đây, một toán lính Anh có sĩ quan hướng dẫn, đã đến các nơi này, họ đi tìm các vật liệu chiến tranh cất giấu. Hochmuth, đã phối hợp làm việc ở đây với Fleischer, cả 2 người này đều cho rằng đó là các nhà địa chất học. Các thợ mỏ được lệnh làm như là đang xem xét các mẫu quặng. Cuối ngày, các người Anh trở lại quả quyết rằng không có vũ khs trong khu vực này. Tuy vậy, việc đó cũng đã làm mất đi một ngày.
Lo lắng, Staver yêu cầu công việc khai thông phải được nhanh hơn. Đến thứ bẩy ngày 26 tháng 5, người Anh đã chực đợi 6 giờ ngày hôm sau đường hầm được tháo mở và các thùng tài liệu được chất lên các toa xe chở đất trước lối vào. Cho đến giờ này Staver cũng chưa thấy đến Nordhausen các xe vận tải 10 tấn mà Ba lê dành cho ông sử dụng. Ông điện thoại cho Trung tá Wood, phụ tá củaWarner. Ông này ra lệnh cho tiểu đoàn 71 quân cụ đóng ở Nordhausen gởi đến Dornten 6 xe vận tải 2 tấn rưỡi. Đoàn xe chuyển bánh ngày 26 lúc 6 giờ sáng; dưới sự giám sát của Staver và Bromley, các thùng tài liệu được gấp rút mang lên xe và đoàn vận tải rời khỏi nơi đây. Họ đến vùng chiếm đóng của Mỹ cùng lúc với người Anh khởi thiết lập các rào cản trên các lộ giới.
14 tấn tài liệu còn nằm lại 5 ngày tại Nordhausen. Cuối cùng hai chiếc xe bán móc hậu mười tấn đến nơi. Tài liệu được chuyển về Ba lê dưới sự hộ tống của quân đội, và đến Trung tâm lượng giá tài liệu hải ngoại của trung tâm thí nghiệm Aberdeen thuộc tiểu bang Maryland. Thêm lần này nữa, người Anh đã rất quan tâm theo sát hơn cả Mỹ và Nga về loại V2 ngay từ lúc đầu, lại đã phải thua cuộc: người Mỹ bây giờ đã chiếm hữu được 100 hoả tiển và tất cả các tài liệu mấu chốt. Tuy nhiên, họ cũng còn thiếu một cái gì: chính các kỹ thuật gia Đức vậy - Họ chưa soạn thảo kế hoạch để đem các chuyên gia Đức và gia đình họ về Mỹ, và bao nhiêu người của Peenemunde nữa hãy còn ở lại trên lãnh thổ Đức. Sở Tình báo Anh đã kiên nhẫn đeo đuổi các cố gắng của họ để kết nạp các chuyên gia Đức về làm việc cho hoàng gia Anh.
Cuộc Săn Tìm Vũ Khí Bí Mật Của Hitler Cuộc Săn Tìm Vũ Khí Bí Mật Của Hitler - James Mcgovern Cuộc Săn Tìm Vũ Khí Bí Mật Của Hitler