I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Tác giả: James Mcgovern
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2176 / 76
Cập nhật: 2016-02-22 20:55:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: V2 Tấn Công
gày 20 tháng 7 năm 1944, Hitler vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc vì một quả bom nổ chậm mà Đại tá Bá tước Von Stauffenberg đã đặt phía dưới bàn hội của ông ở tổng hành dinh thuộc Đông Phổ. Nhiều sĩ quan cao cấp đã nhúng tay vào vụ mưu sát này. Thế nên sự bất tín nhiệm của ông đối với hàng tướng lãnh từ trước, nay đổi thành căm hờn và khinh bỉ.
Himmler và bọn S.S. trung thành của ông ta bây giờ trở nên lực lượng thống trị toàn cõi Đức Quốc Xã. Thái độ của Hitler đối với tướng lãnh gây ra nhiều hậu quả. Một trong những hậu quả ấy đã giúp Himmler dẹp được chướng ngại từ lâu cản trở ông ta trên đường thực hiện giấc mộng. Chiếm lấy A4. Định mệnh trớ trêu đã muốn rằng, nếu "hỏa tiễn của Hitler" không hoàn tất trước ngày 7 thì lỗi đó trước hết do Hitler gây ra, vì chính ông đã làm chậm trễ sự tiến hành của nó. Cơ quan tình báo Đồng Minh chỉ biết được sự trớ trêu này sau khi chiến tranh đã chấm dứt.
Nhưng, lúc bấy giờ Fuhrer bắt buộc V2 phải được sử dụng liền, càng sớm càng tốt. Ông đang la lối đòi xóa tên Luân Đôn trên bản đồ thế giới. Còn Himmler thì vội vàng bắt tay hành động để thực hiện ước nguyện của ông ta.
Ngày 1 tháng 8 năm 1944 Himmler đề cử Hans Kammler chức vụ ủy viên đặc biệt của chương trình A4. Trước đây, ông này chỉ làm giám đốc phân bộ kiến trúc và chỉ chịu trách nhiệm về những việc xây cất trong khuôn khổ chương trình A4 mà thôi. Bây giờ thì ông ta nắm trọn cả quyền hành, trong bất cứ giai đoạn nào, từ lúc nghiên cứu cho đến lúc phóng A4 đi. Người ta đã đọc được câu này trong sắc lệnh có chữ ký của Himmler: "Lệnh của tôi và chỉ thị của ông ấy phải được tuân hành."
Thế là cuộc tranh đấu của tướng Dornberger nhằm mục đích duy trì sự kiểm soát chương trình, mà ông đã khởi công từ năm 1930, để phục vụ quân đội đã phải chấm dứt. Việc đề cử Kammler, người hiểu biết một cách hết sức hời hợt về vấn đề hỏa tiễn, đối với ông thật là một đòn tàn nhẫn. Ông cảm thấy nản chí vô cùng. Chưa đầy một tháng trước đây Kammler có nói với ông rằng: ông đáng bị đưa ra tòa án quân sự vì tội phung phí tiền của và nhân công để thực hiện điều mơ tưởng hão huyền như hỏa tiễn tầm xa. Để diễn tả tâm trạng khi ông hay tin tên S.S. này được cử làm ủy viên chương trình, ông viết: "Tôi có cái cảm tưởng của một người đã để bao nhiêu năm dài say mê chế tạo được một cây đàn quý báu, đó là một tác phẩm chỉ còn lên dây nữa thì hoàn tất. Người ấy buộc lòng phải thất vọng theo theo cảnh mặt tên tiều phu thô lỗ, không biết tí gì về âm nhạc, đang chặt đứt đàn của mình rồi liệng bỏ như một khúc củi sần sùi."
Tướng S.S. Kammler đã gần năm mươi tuổi. Tóc đã hoa râm, đôi mắt sắc sảo, soi mói, lúc nào cũng láo liên. Dornberger đã nói: Ông ta giống như "một loại người hùng của thời Phục Hưng, một loại người sống phiêu bạt giang hồ… với cáu mũi quặp lại như mỏ ó, với cái miệng độc địa, môi dưới trề ra, lúc nào cũng bĩu môi ngờ vực. Chính cái miệng này đã biểu lộ được bản tính của hắn ta: tàn bạo, tự phụ, khinh khỉnh và kiêu hãnh…"
Lần đầu tiên trông thấy hắn, Dornberger thấy hắn có vẻ "đứng đắn, lịch sự và quyến rũ". Nhưng đến lần thứ hai thì Dornberger nghĩ khác. Cũng như Von Braun, ông cho rằng đó là một con người có nghị lực nhưng xu thời, và không đủ khả năng cần thiết để điều khiển chương trình hỏa tiễn. Chỉ trong một ngày, Dornberger nhận được 123 chỉ thị qua máy viễn ấn. Trong số đó có hằng chục cái nội dung mâu thuẫn nhau và hầu hết đều vô nghĩa, vô dụng về phương tiện kỹ thuật. Chán nản, ông đã định xin từ chức, nhưng Von Braun và Steinhoff thuyết phục ông ở lại và ông đành ở lại với tư cách "sĩ quan tham mưu ngành kỹ thuật" của Kammler. Dornberger đã tỏ ra hết sức tự chủ và đệ trình lên vị ủy viên đặc biệt những đề nghị một cách khéo léo đến nỗi vị này tưởng chừng đó là những ý tưởng do mình đưa ra. Thế nên Dornberger vẫn còn đủ phương tiện làm việc để hoàn thành A4 và để dùng gấp trong việc chống quân thù.
Trong suốt tuần lễ cuối tháng 8 năm 1944, Hans Kammler đi thanh tra những công xưởng trung ương (Mittlwerke) đặt trong làng Niedersachwerfen, cách Nordhausen 4,5 cây số. Muốn đến xưởng đó, ông phải đi bằng đường ngầm. Hai đường hầm song song, mỗi đường dài non một cây số, đã được đào sâu trong sườn núi Harz rặng núi cực Bắc nước Đức. Bốn mươi bảy đường hầm phụ dùng để chế tạo các bộ phận rời, cắt ngang đường hầm chính là nơi thực hiện công việc ráp nối và chuyển đi. Cái mê cung đó được rọi sáng nhờ những ngọn đèn gắn lên nóc hầm hình vòng cung và được thông hơi bằng những ống kính loại lớn chứa không khí đã được điều hòa ở nhiệt độ cố định.
Những đường sắt dẫn sâu vào trong các đường hầm này. Xưởng ngầm này chia ra làm hai khu vực. Một khu thì tập trung những động cơ của Junker, còn khu kia dành cho V1 và V2. Đứng bên ngoài người ta không thể nghi ngờ điều gì cả. Ở Mittelwerke người ta làm việc hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ, và mỗi tuần thì làm bảy ngày. Vì những xưởng ngầm này "thực sự chịu đựng nổi bom", nên các phi cơ Đồng Minh không bao giờ cố tấn công thẳng vào chúng.
Hans Kammler và bọn S.S. là lãnh chúa của giang san bóng tối này. Các chuyên viên từ Peenemunde, từ các trường đại học và từ các kỹ nghệ tự quy tự về để điều hành sản xuất với sự giúp sức của khoảng 3.000 kỹ thuật gia Đức. Người Đức không phải làm những công tác chuyển vận, Kammler đã dùng 6.000 nô dịch để làm công việc ấy. Những người này được tuyển từ những trại tập trung ở Nordhausen. Ở Dora và ở cả Buchenwald, cách đó hơn 60 cây số. Kammler ghi rằng: chỉ trong tháng 8 đã thực hiện được 265 hỏa tiễn tầm xa, điều này chứng tỏ đã hơn 1.000 hỏa tiễn được sản xuất từ khi bắt đầu việc chế tạo đến giờ. Dornberger và Von Braun đã khuyến cáo hắn ta là những hỏa tiễn này còn nhiều khiếm khuyết và cần phải được điều chỉnh lại trước khi có thể dùng được trên giàn phóng. Nhưng hắn ta đã bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên của hai chuyên gia viên lỗi lạc về hỏa tiễn: A4 phải được sử dụng tức khắc. Hắn ra lệnh phải chuẩn bị sẵn sang để gởi hỏa tiễn ra mặt trận miền Tây. Xong rồi hắn đáp máy bay tới Bruxelles để thông báo quyết định của hắn với vị Tham mưu trưởng của Quân đoàn thứ XV.
Cuối tháng 8, những binh sĩ phụ trách tác xạ được phát mỗi người một cuốn sách mỏng có ghi chú chữ "tối mật". Đó là cuốn cẩm nang kỹ thuật tựa đề "A-4 Fibel" (sơ bộ về A4). Những tác giả của nó đã cố hết sức để viết lời chỉ dẫn cho thật rõ ràng, dưới hình thức câu văn ngắn, lời khuyến cáo vắn tắt và những đoạn thơ linh động. Tất cả đều được tô điểm bằng những hình vẽ các cô gái cực kỳ duyên dáng trong bộ đồ tắm hay trong những bộ y phục hở hang, có khi là quang cảnh những cánh đồng phủ tuyết của nước Đức. Chương đầu có cái giọng:
TẤT CẢ NGHE ĐÂY!
Bạn đọc thân mến, đây là cuốn sách vỡ lòng mới A4.
Vấn đề khô khan này được trình bày một cách giản dị.
Vậy nó sẽ trở thành một phần của xương máu các bạn.
Tuy nhiên, các bạn hãy luôn luôn nhớ một điều:
TẤT CẢ TÀI LIỆU VỀ A4 NÀY ĐỀU TỐI MẬT.
HÃY NHỚ LẤY!
… Trên hành tinh mà bạn đang sống,
Vào thời đại của hỏa tiễn vô tuyến điều khiển này,
Một phi thuyền không gian vũ trụ
Giấc mơ ngàn đời của con người
Sẽ quyến rũ chúng ta một ngày kia trong thế kỷ này.
Nhưng bây giờ bạn phải làm chủ được một vũ khí chưa ai biết đến.
Vì nó được sắp trong loại tối mật.
Nó tên là, trong hai tiếng thôi, hỏa tiễn A4…
Người nào tiết lộ về nó là phạm tội phản bội.
Người ấy làm hại cho bản thân mình và cho Quốc gia.
Trước hết, bạn hãy nhớ
Không tham dự vào bất cứ một cuộc tranh luận nào.
Nếu một người lạ, tên do thám hay tên lưu manh hỏi bạn
Bạn sẽ trả lời với vẻ mặt khù khờ:
Tôi không biết gì cả.
BẠN LÀ THÀNH PHẦN CỦA TIỀU ĐOÀN HỎA TIỄN TẦM XA.
Bạn sắp tham dự vào việc phóng A4. Bạn sẽ làm việc với một phi đạn bay cao và nhanh hơn bất cứ một phi đạn nào từ trước đến giờ. Hiệu năng của A4 vượt trên hiệu năng của bất cứ một hỏa tiễn bay, một quả bom nào đang có hiện nay…
NHANH HƠN ÂM THANH…
Từ lúc phóng đến điểm rơi chỉ có năm phút.
Nhưng, trong vòng năm phút này, tất cả đều phải điều hành một cách hoàn hảo. Mỗi thành phần của A4 đều phải được kiểm xét tỉ mỉ và điều chỉnh trước khi được phóng đi để bắn cho trúng đích.
Một chi tiết nhỏ nhặt có thể gây ra trở ngại tác xạ…
BẠN HÃY NHỚ:
Mỗi quả bặt hụt sẽ giúp quân thù và làm hại chúng ta, vì chúng ta mất đi một tài liệu quý báu. Điều này làm cho đời sống của bạn và đồng bào bạn bị đe dọa.
TÂM NIỆM:
A4 sẽ trở lại hại bạn nếu bạn không học tập thấu đáo cẩm nang này. Khi bạn đã thấm nhuần điều trên, mỗi quả nhắm đúng sẽ làm hại được quân thù.
Bài trên đã được những nhân vật của các pháp đội đang ẩn núp trong rừng rậm ở Haagsche Bosch nghiên cứu một cách tỉ mỉ. Rừng Haagsche Bosch thì lại ở ngay ngoại biên thành phố La Haye, vậy nó chỉ cách Luân Đôn không đầy 300 cây số. Đó là vào khỏng đầu tháng 9 năm 1944.
o O o
Tình hình quân sự của nước Đức bắt đầu trở nên tuyệt vọng. Ở Ý, La Mã đã thất thủ, Ba Lê đã được giải phóng và quân Đồng Minh đang đuổi họ ra khỏi phía Bắc nước Pháp, một phần lớn nước Bỉ và Lục Xâm Bảo. Đồng Minh đang tiến lần đến sông Rhin. Những đoàn oanh tạc cơ hùng hậu trút hàng ngàn tấn bom tàn phá thành phố và trung tâm kỹ nghệ khắp toàn cõi nước Đức.
Ở mặt trận phía Đông, quân Nga đã phát động cuộc tấn công mùa hè. Lực lượng của họ như chiếc hủ lô nặng nề đã đè bẹp địch quân ở Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi và hiện đang từ từ tiến về biên thùy Hung Gia Lợi, rồi tới Vienne. Hồng quân đã tràn ngập Ba Lan; họ đang dừng bước trước thủ đô Varsovie và lượng kháng chiến Ba Lan đã bắt đầu giao chiến trong thủ đo câm lặng của họ.
Bây giờ, Hitler chỉ là một ông già không hơn không kém. Qủa bom mưu sát ông ngày 20 tháng 7 đã làm hư màng nhĩ của ông, tật điếc lát càng khiến ông thêm dễ cáu giận. Ông lại đau ruột và bị chứng nhức đầu thường xuyên hành hạ. Giọng nói của ông yếu ớt, da thì vàng mét và tay thì run run mỗi khi cử động.
Tuy nhiên, Fuhrer vẫn cầm cự được. Ông giữ việc Tổng kiểm soát toàn thể chiến lược. Tình trạng càng ngày càng bất lợi, thì Hitler càng nói nhiều hơn về những loại vũ khí mới mà các nhà khoa học Đức đang thai nghén. Nhờ những khí giới mới này, cục diện chiến tranh cải thiện một cách bất ngờ và ngoạn mục. Những tân tiềm thủy đĩnh chạy bằng thôi lực điện sẽ càn quét trên những đại dương và những phi cơ đạn lực sẽ tảo thanh khắp không trung, những vũ khí loại V sẽ thay đổi tất cả vào giờ thứ 11. Ngày 14 tháng 6, Hitler đến thị sát mặt trận ở Normandie, ông đã quả quyết với các tướng lãnh rằng bom bay sẽ là một "vũ khí quyết định chống lại Anh quốc và nước này bắt buộc phải xin hòa."
Nhưng vũ khí bom bay chưa quyết định được cuộc chiến này. Những cuộc pháo kích bằng V1 đã đạt được mục tiêu một cách tối đa vào tháng 7, tháng 8, sau đó giảm dần vì những vị trí phóng ở dọc theo bờ biển Pháp lần lượt rơi vào tay Đồng Minh cả. Nỗi lo sợ một cuộc tấn công qui mô bằng "hỏa tiễn Hitler" bắt đầu giảm nhẹ dần. Không kể ở Hà Lan, khắp nơi quân Đức đều bị đẩy lui quá khỏi cái lằn mức đặc biệt 300 cây số. Quan sát từ trên không, các phi cơ thám thính cũng không còn tìm thấy những căn cứ phóng hỏa tiễn ở Hà Lan nữa. Đối với những người biết được có sự bí mật từ lúc Sandys bắt đầu cuộc điều tra, thì cái mối hiểm họa đã làm cho họ quên ăn mất ngủ, bây giờ coi như chuyện đã qua rồi. Ngày 1 tháng 9, trong công tác phòng thủ thụ động, người Anh đã dẹp bỏ đi cách điều hành của những biện pháp đề phòng mà họ phải áp dụng trong trường hợp bị tấn công bằng hỏa tiễn. Ngày 6 tháng 9 các vị tham mưu trưởng quân lực Anh kết luận rằng "sắp hết nguy hiển", và đồng ý ngưng oanh tạc theo kế hoạch Crossbow trên những lộ tiếp vận và những kho dự trữ dành cho hỏa tiễn. Ngày 7 tháng 9 với tư cách chủ tịch ủy ban tranh đấu chống lại bom bay, Ducan Sandys đã mở một buổi họp báo ở Luân Đôn. Trong dịp này, lần đầu tiên ông đã cho công chúng biết một cách vắn tắt về sự hiện hiễn của V2, loại vũ khí từ bấy giờ đã trở thành kẻ chiến bại.
Sandys tuyên bố: "Luân Đôn đã anh dũng chịu đựng những cuộc tấn công tàn khốc. Nhưng nếu không nhờ sự cẩn mật của cơ quan tình báo của chúng ta, không nhờ những nỗ lực không ngừng của không lực Anh-Mỹ, không nhờ sự hiện hữu của công cuộc phòng thủ, thì nỗi khổ nhọc của Luân Đôn càng ác liệt hơn nữa."
Sandys không đả động gì đến hỏa tiễn V2 cho mãi đến khi có một phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề đó, lúc buổi họp sắp chấm dứt: "Tôi hơi ngần ngại khi nói về V2. Chúng ta cũng có biết một vài điều về nó. Theo tôi nghĩ, trong vài ngày sắp tới đây, báo chí sẽ có dịp biết được ngay trên chính nước Pháp những điều mà ngày hôm nay chúng ta không biết."
Nhưng lúc mới mở đầu buổi thuyết trình, Sandys đã mạnh miệng tiên đoán: "Trừ những cú bất ngờ vào giờ chót, cuộc chiến ở Luân Đôn, đã chấm dứt."
Ngay hôm sau, sau ngày 8 tháng 9 năm 1944, vào lúc 18h43 mà dân cư ở Chiswick, ngoại ô Luân Đôn, vừa đi làm về, hoặc đã ngồi vào bàn ăn, thì bỗng có một âm thanh vang lên làm họ hoảng hốt. "Tiếng ào ào rít lên giống như tiếng sấm gầm", nhưng không phải tiếng sấm. Ngay sau tiếng động là một vật thể nặng vút nhanh trong không khí. Hai mươi mái nhà sụp đổ, ba người chết, mười người khác bị thương. Mười sáu giây liền đó, vụ nổ thứ hai lại xảy ra ở Parndon Wood, gần Epping vài căn nhà cây bị tàn phá, ngoài ra không có thiệt hại nào khác nữa.
Các nhân chứng vụ nổ đều lấy làm ngạc nhiên. Không ai thấy hay nghe tiếng phi cơ oanh tạc Đức hoặc tiếng V1 cày xới trên không trung. Toán chuyên viên khoa học ùa đến Chiswick và Epping tức khắc, và họ cũng hiểu ngay rằng chính nó, cái làm đảo ngược tình thế đã đến: mặt trận Luân Đôn chưa kết thúc. Một trong hai vũ khí tối tân khủng khiếp đã đến, sau cùng, thì "loại thứ hai, chắc chắn đó là bom nguyên tử" đã bắt đầu lao vào cuộc chiến. Chỉ cần nghe lời khai của những nhân chứng, các chuyên viên điều tra cũng có thể xác định được mối nghi ngờ của họ. Họ hiểu rằng V2 đã đi nhanh hơn âm thanh: đầu tiên người ta nghe tiếng nổ, rồi hỏa tiễn mới đến, đó là "một vật thể nặng nề bay vút qua không trung".
Quần chúng im lặng trước hai vụ nổ ở Chiswick và Epping. Còn chính quyền thì tránh né, không tuyên bố chính thức về vấn đề V2 trong suốt hai tháng để đo lường hậu quả của hỏa tiễn đối với quần chúng về phương diện tinh thần. Trong thời gian hai tháng ấy có đến 200 hỏa tiễn ly kỳ đã rơi xuống miền Nam nước Anh, nhất là ở vùng đô thị Luân Đôn.
Như người ta biết trước, không có cách nào chặn đứng được chiếc hỏa tiễn V2 đang bay. Luân Đôn còn phải tỏ ra kiên nhẫn chịu đựng nữa nếu quân Đồng Minh chưa đẩy lui được lực lượng người Đức qua khỏi tầm tác xạ của A4. Và thành phố đầu tiên trên thế giới đang bị pháo kích bằng hỏa tiễn có hướng dẫn, đã biết cầm cự đợi chờ.
Điều lạ nữa là cuộc pháo kích vũ bão vào mùa đông năm 1940-1941 và hỏa tiễn V1 dường như có vẻ ác liệt hơn. Đối với V1 người ta thấy nó, người ta nghe được tiếng rào rào của nó như tiếng một loại tàu điện bay. Bỗng tiếng động cơ tắt hẳn, người ta biết ngay nó sắp rơi xuống. Tiếng rầm rầm của phóng pháo cơ Luftware cộng với tiếng rào rào của hỏa tiễn V1 tạo nên một âm thành báo hiệu có thể làm đứt dây thần kinh người ta.
Nhưng đối với V2 thì không còn những phút hồi hộp, khổ sở đợi chờ đó nữa. Người ta đang sống êm đềm trong nhà, đang đọc báo Times hay đang âu yếm vợ con; người ta đang mua bán trong những tiệm buôn đồ sợ hay đang nhâm nhi một ly bia trong quán rượu nên thơ, thình lình không có gì báo trước – trái đất rung chuyển và lòng đất mở rộng ra. Người nào còn sống sót sau vụ nổ không bao giờ quên được âm thành kỳ dị lúc V2 chạm tới mục tiêu. Ban đầu, nó giống như tiếng vút của ngọn roi, có thể là sức ép của không khí do hỏa tiễn siêu thanh tạo nên âm thanh đó như muốn xé rách lá nhĩ của bạn, nó rít lên một tích tắc trước khi đầu đạn nổ bùng lên với làn chớp trắng. Kế đó là tiéng tưởng đổ rầm rầm, rồi tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng, rồi cuối cùng V2 xuất hiện: nó rú lên và tắt lịm từ từ.
Tuy nhiên, đó là một tính chất rất trừu tượng. Người ta nhìn nhận ngay rằng cái chết chỉ là một vấn đề may rủi. Chết đi hay sống sót, già hay trẻ, cam đảm hay hèn nhát, bà nội trợ tầm thường hay ví tổng trưởng quyền uy, thì số phận cũng như nhau, không khác nhau chút nào cả. Người ta đã không làm gì được, thì lo sợ cũng không có ích lợi gì? Phản ứng của dân chúng dường như buông xuôi hoàn toàn tùy theo định mệnh.
Cường độ pháo kích của V2 tăng dần. (Trong vòng 15 ngày, tính đến ngày 14 tháng 11, đã có đến 63 vụ nổ), chính quyền chỉ dùng biện pháp đối phó khả dĩ vậy thôi. Người ta nỗ lực tối đa để làm giảm bớt áp lực đang đè nặng lên thành phố Luân Đôn, bằng cách gia tăng việc khám phá những giàn phóng và hủy diệt chúng. Người ta nhận thấy ngay phần lớn hỏa tiễn được phóng đi từ Haagsche Bosch, một công viên lớn ở thủ đô La Haye. Tuy nhiên, những cuộc tấn công trinh sát và oanh tác của Đồng Minh không ngăn chặn được hoạt động của V2, chúng vẫn tiếp tục được phóng lên trời xanh.
Đồng Minh thất bại vì một lý do thật giản dị: những cuộc không sát đã không dò ra được một căn cứ phóng cố định nào. Đồng Minh thì tin chắc rằng quân địch phải dùng loại căn cứ như vậy, nhưng người Đức không hề dùng đến chúng. Tướng Dornberger đã đắc thắng: ông đã giành lại được ưu thế nhờ dùng sàn bắn di động. Người ta có thể mang V2 đến bất cứ nơi nào vì chúng được đặt trên các chiếc Meillerwagen (xe rờ mọt dài có gắn bánh). Sau đó, đặt nó lên bốn tay cánh một cách nhanh chóng, rồi đổ nhiêu liệu vào và khai hỏa. Các nhóm lưu động tìm vị trí, bất cứ nơi nào mà họ chọn tang cây rậm rạp ở Haagsche Bosch, xong việc họ biến mất. Vài quả V2 đã bị bắn phá trong khi được chuyển đến Hà Lan, nhưng theo Von Braun: sẽ không có một sàn bắn di động nào bị thiệt hại gì cả.
Von Braun và Dornberger đã hữu lý khi xác định rằng A4 chưa hoàn tất trên phương diện sản xuất hàng loạt, cũng như trên phương diện sử dụng tác chiến. Hai nhà bác học Hà Lan, Dr. Kooy và Pr. Uytenbogaar đã quan sát những hỏa tiễn được phóng lên phía trên thành phố La Haye. Họ thông báo với cơ quan tình báo Đồng Minh rằng gần tám mươi phần trăm vụ phóng đã không thành công. Một số hỏa tiễn đã rớt ngay dưới chân giàn phóng và các hỏa pháo viên chết liền tại chỗ. Một số khác cứng đầu ương ngạnh không chịu cất bước ra đi, một số khác nữa thì lại chìm xuống dòng Bắc Hải.
Các vị chỉ huy Anh-Mỹ biết rằng V2 là một kỳ công rực rỡ về kỹ thuật. Nhưng may mắn thay nó đã góp mặt quá trễ và số lượng của nó cũng quá ít, nên nó đã không thay đổi được kết quả cuộc chiến.
Mặc dù những cuộc oanh tạc dữ dội ở La Haye và ở các căn cứ nghi ngờ dọc theo bờ biển Hà Lan, người ta ghi nhận rằng vẫn có sjự tăng gia đều đặn những "rắc rối". Một sử gia chính thức của cơ quan R.A.F. về sau có viết "đó là chữ dùng một cách dè dặt để chỉ sự tiêu hủy bất thần và ác liệt về nhà cửa cũng như dân cư." Tuy nhiên một sự kiện khác bùng nổ và chứng tỏ: sau cùng khi V2 xuất hiện thì trái phi đạn đầu tiên được hướng dẫn đó – nói theo ngôn ngữ nhà binh – chỉ là một sự đại bại, mặc dầu nó đã gây ra biết bao nhiêu là lo âu, khổ sở.
Quân lực Đồng Minh đã bắn phá những phương tiện giao thông giữa Nordhausen và Hà Lan đã xâm chiếm những xưởng chế tạo nhiên liệu của hỏa tiễn. Sau cùng, họ đuổi nốt bọn hỏa pháo viên lưu động ra khỏi đất Hà Lan. Ngày 27 tháng 3 năm 1945, một quả V2 đã rơi ở Orpington, thuộc quận Kent: đó là một vụ "rắc rối" cuối cùng. Khi chiếc kềm khổng lồ đã khép lại trên nước Đức, thì người ta quên hẳn V2. Hay, nếu có nhớ lại, thì cũng như nhớ một câu thần chú ngắn và hãi hùng ở cuối trang sách Đệ nhị thế chiến. Theo sự nhận xét bên ngoài thì đến ngày 27 tháng 3, huyền sử V2 đã chấm dứt ở Kent.
Tuy nhiên, ở Anh, ở Hiệp chủng quốc, và ở Liên Bang Sô Viết, có một nhóm kỹ thuật gia và chuyên viên vẫn không tin V2 chỉ là một hiện tượng phù du hay một sự thất bại rực rỡ. Những người này ý thức rằng nó đã làm thay đổi tính chất của chiến tranh, nhất là những cuộc chiến trong tương lai. Họ cũng biết rằng quốc gia họ chưa có hỏa tiễn nào khả dĩ đối địch được với V2 về khả năng, về tầm sát hại và về kỹ sảo.
Họ khẩn khhoản với chính quyền khả kính của họ phải để cơ quan tình báo lăn xả vào Đức quốc chiến bại để giành cho được các chuyên viên Đức và các tài liệu liên quan đến V2. Bây giờ, không còn là mối đe dọa, là cáci đích của sự truy tầm loại vũ khí bí mật, V2 trở nên đối tượng của một cuộc chinh phục khác. Trong cuộc chạy đua này, người Anh đã chia được một phần lời rõ ràng. Người Mỹ đã tham gia vào kế hoạch Crossbow và Big-Ben, nên cũng theo bén gót người Anh. Về phần người Nga, họ bị bạn Đồng Minh bỏ họ một đoạn khá xa.
Tuy nhiên, có tình báo Nga đã chứng tỏ rằng chính họ cũng đang ở trên đường tìm kiếm một chiến lợi phẩm. Chiến lợi phẩm này có thể đưa họ đến chỗ phát triển loại phi đạn tác xạ xuyên lục địa và giúp họ thực hiện việc khám phá không gian. Trước đây, vào khoảng tháng 7 năm 1944, họ đã cho nhảy dù xuống khu vực gần Peenemunde một toán tù nhân người Đức giả. Họ được trang bị đầy đủ tiền bạc, giấy tờ giả và máy phát thanh với làn sóng ngắn. Trung úy Brandt đã điều khiển vụ này. Ông thông báo tất cả những gì có lợi cho quốc gia ông. Sau lần thông tin thứ bẩy việc làm của ông bị cơ quan Funk Abwehr (trung tâm kiểm thích) phát giác, ông bị bắt và xử tử. Tháng 8 năm 1944, Hồng quân đã chiếm đóng pháo xạ trường ở Blizna. Ngày 3 tháng 9 năm 1944, người Nga đã cho phép một toán chuyên viên hỏa tiễn Anh và Mỹ đến quan sát căn cứ ở Ba Lan. Nhưng căn cứ này đã triệt thoái và di sản tất cả rồi, nên các điều tra viên không tim thấy một chi tiết gì quan trọng. Mùa đông sắp đến, nhưng cơ quan tình báo Nga vẫn không ngã lòng, và họ cũng bất chấp cả sự chậm trễ thường xuyên của họ sau bạn Đồng Minh. Họ có lý do để nghĩ rằng: họ sẽ bắt kịp bước tiến của người Tây phương và sau rốt Liên Bang Sô Viết sẽ chiếm được V2.
Cuộc Săn Tìm Vũ Khí Bí Mật Của Hitler Cuộc Săn Tìm Vũ Khí Bí Mật Của Hitler - James Mcgovern Cuộc Săn Tìm Vũ Khí Bí Mật Của Hitler