Cái tốt đẹp nhất trong mọi cái là việc học. Tiền có thể bị mất, sức khỏe và sức mạnh có thể bị mất, nhưng những gì trong đầu bạn thì là của bạn mãi mãi.

Louis L’Amour

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1727 / 73
Cập nhật: 2017-09-21 01:06:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
VII - Nhà Máy Ở Blackland
ác vị khách vội vàng nhận lời. Họ đảo mắt nhìn quanh lần cuối. Các chú “ong vò vẽ” vẫn tiếp tục cuộc dạo chơi vòng tròn của chúng và bọn tấn công đã không dám thâm nhập vào khu vực nguy hiểm.
Theo sau viên kỹ sư, các vị khách đi qua nhiều phân xưởng: xưởng lắp ráp, xưởng mộc, xưởng rèn, xưởng đúc, rồi bước vào một khu vườn nằm về hướng cung điện.
Tường cao che khuất cung điện. Nhưng khi họ đi ra xa khoảng năm mươi mét thì chiếc tháp của Harry Killer đã hiện ra trên thành tường. Lập tức trên đỉnh tháp vang lên tiếng súng và đạn bay vút qua đầu những người đi dạo...Họ lùi vội lại.
— Đồ ngốc nghếch! – Marcel Camaret bình tĩnh nói và giơ một tay lên.
Sau hiệu lệnh của ông, các vị khách nghe rõ tiếng rít dữ dội. Bất giác họ ngoảnh mặt về phía nhà máy. Nhưng viên kỹ sư đã chỉ tay về hướng cung điện. Chiếc kính viên chu đặt trên tháp của cung điện biến mất.
— Việc này sẽ cho hắn một bài học nên thân, – Camaret nói. – Tôi cũng có mìn bay và có nhiều hơn hắn nữa kìa vì chính tôi chế tạo ra chúng mà.
— Nhưng, thưa ông, – Amédée Florence nhận xét, – nếu ông đã có nhiều mìn bay thì tại sao ông không dùng chúng để chống lại Harry Killer?
— Tôi ấy à! – viên kỹ sư trả lời, giọng trầm trầm. – Tôi sẽ tấn công vào công trình của mình ư?
Amédée Florence và các bạn nhìn nhau. Vâng, con người phi thường này có một nhược điểm, đó là tính kiêu ngạo. Họ im lặng đi tiếp. Cung điện đã hiểu rõ bài học nên không có gì khiến cho những người đi dạo phải lo lắng, họ rời khu vườn khi đã đi xuyên qua nó.
— Chúng ta đã đi vào khu vực rất hấp dẫn, – Camaret nói. – Phòng máy trước đặt ở đây, còn đây là động cơ hơi nước, chúng tôi đã phải đốt củi để chạy động cơ khi không có loại nhiên liệu nào khác. Nhưng chúng tôi làm việc ấy không bao lâu, sau những trận mưa đầu tiên do tôi gây ra, sông có nước, chúng tôi xây dựng ngay một nhà máy thủy điện, cách xa thành phố mười hai km về phía hạ lưu và chúng tôi sử dụng năng lượng của nó.
Họ đi sang phòng khác.
— Đây là những máy biến thế. Chúng tôi thu nhận và biến đổi dòng điện do nhà máy điện chuyển về đây.
— Thế cơ à! – Amédée Florence kinh ngạc thốt lên. – Chẳng lẽ các ông có thể mang về đây những cỗ máy này!
— Một phần nhỏ thôi, – Camaret trả lời, – phần lớn do chúng tôi tự làm lấy.
— Nhưng các ông phải có nguyên liệu chứ. – Amédée Florence phản đối. – Họa có quỷ mới mang nổi nguyên liệu đến sa mạc cho các ông.
— Dĩ nhiên! – Camaret nói, rồi trầm ngâm mặc tưởng. – Ông nói đúng, ông Florence ạ. Làm thế nào mà người ta mang được đến đây những chiếc máy đầu tiên và số vật tư mà từ đó chúng tôi chế ra những cái khác? Thú thật, tôi chưa hề nghĩ đến điều đó. Tôi đã yêu cầu và người ta đã cung cấp. Nhưng bây giờ ông đã làm tôi phải chú ý...
— Hẳn biết bao nhiêu người đã chết để chuyển những thứ ấy qua sa mạc, trong khi các ông chưa có tàu lượn?
— Đúng vậy, – Camaret tái mặt nói.
— Còn tiền? Ông giàu lắm phải không?
— Tôi ấy à! – Camaret phản đối. – Từ lúc tôi đến đây, tôi không có lấy năm xu trong túi.
— Thế ai có?
— Harry Killer...– Camaret bắt đầu rụt rè.
— Thôi, rõ rồi! Nhưng hắn kiếm đâu ra tiền? Harry Killer của ông là tỷ phú hay sao?
Camaret khoát tay. Các câu hỏi của Amédée Florence làm ông quẫn trí. Vẻ mặt của ông hoàn toàn lúng túng. Bác sĩ Châtonnay thương hại ông.
— Chúng ta sẽ thảo luận sau về vấn đề này, – bác sĩ nói – còn bây giờ hãy tiếp tục đi xem.
Camaret đưa tay vuốt trán và im lặng bước vào gian kế bên.
— Đây là mấy cái máy nén khí, – giọng ông lạc hẳn đi vì xúc động. – Chúng tôi dùng không khí và các chất khí khác ở dạng lỏng. Tôi đã tìm ra chất cách nhiệt tuyệt đối. Khí lỏng đựng trong bình làm bằng chất đó luôn luôn giữ được nhiệt độ ban đầu và không thể giãn nở. Phát minh này cho phép tôi thực hiện được nhiều sáng chế khác, ví dụ như tàu lượn với phạm vi hoạt động rất lớn. Tàu lượn của tôi có ba đặc điểm chủ yếu, liên quan đến tính ổn định, sức nâng và lực đẩy. Khi chim bay, gặp gió mạnh, nó không phải tính toán để giữ thăng bằng, việc lấy lại trạng thái cân bằng của những con chim sắt của tôi cũng tự động như thế. Các ông đã nhìn thấy chúng và biết rằng chúng có hai cánh, đặt trên đỉnh của một cái tháp cao năm mét, phần dưới của tháp là sàn chở động cơ, người lái và hành khách. Như vậy, trọng tâm nằm ở phần dưới. Chỗ nối của tháp với hai cánh di động được. Khi chưa bị các bánh lái tầm và hướng định hình một phần hay toàn bộ, nó có thể quay qua quay lại quanh trục thẳng đứng. Thế là, nếu hai cánh không phụ thuộc vào tay lái, nghiêng ngang hay nghiêng dọc, thì cái tháp, bị trọng lượng của bản thân kéo xuống, có xu hướng tạo với hai cánh một góc khác. Khi chuyển động như thế nó làm cho các đối tượng trượt song song hay vuông góc với hai cánh hoạt động ngay, đồng thời hai cánh giữ được vị trí cần thiết. Do đó, như tôi đã nói, những sai lệch ngẫu nhiên của tàu lượn được tự động điều chỉnh lại ngay.
Macxen vừa nhìn xuống vừa giải thích với vẻ nhu mì của một giáo sư đang giảng bài.
— Chúng ta chuyển sang điểm thứ hai. Khi bay lên, hai cánh của tàu lượn gập xuống bên hông tháp. Lúc ấy trục của chong chóng chuyển động trong mặt phẳng đứng, vuông góc với hai cánh, được nâng lên và cỗ máy biến thành phi cơ trực thăng. Nhưng khi nó đạt độ đủ cao thì hai cánh mở ra, đồng thời trục chong chóng nghiêng về phía trước và nằm ngang. Chong chóng nâng trở thành chong chóng đẩy và phi cơ trực thăng biến thành tàu lượn. Còn động lực thì do khí lỏng tạo ra. Từ các bình chứa có hệ thống van điều tiết, khí lỏng tuôn vào các xilanh tinh xảo. Ở đấy, dưới áp suất rất lớn, nó nhanh chóng chuyển sang trạng thái khí và làm cho động cơ chuyển động.
— Các tàu lượn của ông đạt đến tốc độ bao nhiêu? – Amédée Florence hỏi.
— Bốn trăm km/giờ và bay liên tục năm nghìn km, – Camaret trả lời.
— Bây giờ chúng ta đang ở giữa nhà máy, – ông nói khi họ đã trở lại tháp. – Tháp này có mười tầng. Chắc các ông đã nhìn thấy cột kim loại cao trên đỉnh của nó: Đó là “pha sóng”. Hơn nữa, toàn bộ bề mặt của tháp rải đầy những pha sóng có kích thước bé hơn...
— Ông nói “pha sóng” ư? – bác sĩ Châtonnay hỏi.
— Tôi không định giảng chương trình vật lý cho các ông, – Camaret mỉm cười nói, – nhưng cũng cần giải thích một vài điều. Nhà vật lý nổi tiếng người Đức Hertz từ lâu đã nhận ra rằng giữa hai đầu cực của một cuộn cảm có tia phóng qua, nó gây ra sự phóng điện thay đổi: mỗi cực lần lượt lúc thì dương, lúc thì âm. Tốc độ của các dao động đó hay tần số của chúng, có thể rất lớn – đến trăm tỷ lần trong một giây. Những lần phóng điện như thế làm cho các ete có đầy trong vũ trụ và trong khoảng trống giữa các phân tử của các vật thể dao động. Dao động ete lan mãi ra gọi là sóng Hertz. Tôi nói dễ hiểu đấy chứ?
— Tuyệt lắm! – Barsac, người am hiểu những vấn đề khoa học ít nhất đoàn reo lên.
— Trước tôi, sóng Hertz được coi như là điều kỳ lạ trong phòng thí nghiệm. Người ta dùng chúng để nhiễm điện các vật kim loại tương đối xa. Nhược điểm chính của loại sóng này là ở chỗ chúng lan ra khắp các hướng, giống như những vòng tròn đồng tâm trên mặt ao khi viên đá rơi xuống đó. Năng lượng ban đầu của chúng nhỏ dần, yếu dần khi càng lan ra xa và chỉ cách nguồn phát vài mét thì không còn đáng kể nữa. Các ông rõ không.
— Rõ như ban ngày! – Amédée Florence khẳng định.
— Trước tôi, người ta đã phát hiện ra rằng loại sóng này, cũng như ánh sáng, có thể phản xạ, nhưng từ điều này họ không rút ra một kết luận nào cả. Nhờ phát minh ra chất siêu dẫn, tôi đã chế tạo ra các gương phản xạ có khả năng tập trung gần như tất cả sóng về hướng tôi muốn. Mặt khác, phương tiện thay đổi tần số dao động đã được biết đến nên tôi có thể hình dung ra những chiếc máy thu sóng, chỉ cảm nhận tần số nhất định. Máy thu sẽ phản ứng với các sóng có tần số đã thiết kế mà thôi. Số lượng các tần số có thể sử dụng được là vô tận. Tôi có thể chế tạo vô số các động cơ mà trong đó sẽ không có hai cái đáp lại cùng một sóng. Các ông vẫn hiểu đấy chứ?
— Hơi lờ mờ, – Barsac thú nhận. – Nhưng dần dần chúng tôi thấy hứng thú hơn.
— Tuy nhiên, tôi kết thúc đây, – Camaret nói. – Chúng tôi đã vận dụng điều này để chế tạo ra rất nhiều máy nông nghiệp, năng lượng truyền đến cho chúng từ một pha sóng nào đó trên tháp. Chúng tôi điều khiển những chú “ong vò vẽ” cũng theo cách này. Bốn cái chong chóng, cái nào cũng có một động cơ nhỏ được điều chỉnh cho thích hợp với một sóng nhất định. Bằng phương pháp này tôi có thể phá hủy toàn bộ thành phố, nếu như tôi có ý nghĩ ngông cuồng đó.
— Từ đây ông có thể phá hủy thành phố?! – Barsac thốt lên.
— Rất đơn giản. Harry Killer đã đề nghị tôi làm thành phố kiên cố và tôi đã thực hiện. Dưới tất cả các đường phố, nhà ở, dưới cung điện và dưới cả nhà máy đều có chôn nhiều khối thuốc nổ với những kíp nổ được điều chỉnh theo tần số mà chỉ mình tôi mới biết thôi. Để cho thành phố nổ tung, tôi chỉ việc phát sóng có tần số xác định đến mỗi quả mìn là đủ.
Amédée Florence đang hý hoáy ghi chép vào sổ nhật ký, anh muốn hỏi, có nên kết liễu cuộc đời của Harry Killer bằng cách này không, nhưng anh đã kịp kiềm chế.
— Thế còn cột tháp? – Bác sĩ Châtonnay hỏi.
— Sóng Hertz rơi xuống đất như bị hút và mất đi ở đó. Phải phát ra từ trên cao chúng mới đi xa được. Tôi muốn sóng chẳng những đi xa, mà còn đi cao, đi cao lại khó hơn nữa. Dù sao tôi cũng đã làm được chuyện ấy nhờ cột tháp gắn với máy phát sóng và gương chiếu trên đỉnh cột.
— Phát sóng lên cao để làm gì?
— Để gây mưa. Nguyên lý phát minh của tôi khi gặp Harry Killer là thế này: nhờ cột tháp và gương chiếu, tôi phát sóng đến những đám mây đen và làm cho những giọt nước trong mây nhiễm điện. Khi hiệu thế của mây và của mặt đất đủ mức, cơn giông nổ ra và mưa trút xuống.
— Nhưng phải có mây đen, – bác sĩ Châtonnay nhận xét.
— Dĩ nhiên, song thế nào cũng có ngày có mây đen. Và nhiệm vụ là làm cho chúng bay qua đây, chứ không phải bay qua chỗ khác. Khi đồng ruộng đã được canh tác, cây cối mọc lên xanh tươi thì chu trình đều của độ ẩm hình thành và mây đen xuất hiện thường xuyên hơn. Mây đen vừa đến là tôi xoay núm vặn liền và sóng của máy phát một nghìn mã lực bắt đầu bắn phá nó.
— Tuyệt quá! – các thính giả thốt ra.
— Tôi tin rằng nhờ sóng điện có thể đánh điện tín hoặc gọi điện thoại khắp nơi trên trái đất mà không cần nối các trạm đường dây lại với nhau.
— Không cần dây dẫn! – các thính giả kêu lên.
— Không cần dây dẫn. Để làm việc này chỉ cần chế ra cho được máy thu thích hợp. Tôi đã ở bên đích, nhưng chưa đến đích.
— Chúng tôi bắt đầu không hiểu gì, – Barsac thú nhận.
— Không có gì đơn giản bằng, – Camaret càng hưng phấn, quả quyết. – Đây là chiếc máy Morse được dùng để đánh điện tín thông thường, tôi đã nối nó vào một mạch kín. Tôi còn mỗi một việc là ấn nút bấm để dòng phát sóng lệ thuộc vào mạch. Khi nút bấm trồi lên, pha sóng không phát sóng Hertz. Khi nút bấm tụt xuống thì cột tháp tỏa sóng. Cần phải phát sóng theo hướng của máy thu và điều chỉnh gương chiếu cho thích hợp. Nếu không biết vị trí của máy thu thì bỏ gương đi cũng được: sóng sẽ lan ra không gian bao quanh và tôi có thể hoàn toàn tin rằng máy thu sẽ bắt được. Tiếc thay, hiện nay chưa có loại máy thu nào như thế. Nhưng các ông sẽ hiểu rõ hơn bằng một ví dụ. Chúng ta sẽ làm như đã có máy thu. Cô muốn đánh điện cho ai? – Camaret ngồi xuống bên chiếc máy.
— Ở xứ sở này tôi không biết ai cả, – Jane mỉm cười, nói. – Ngài đại úy Marcenay, – nàng nói thêm, hơi đỏ mặt.
— Thì đánh cho đại úy Marcenay, – Camaret đồng ý, ông cho máy Morse hoạt động. – Ông đại úy ấy ở đâu? - Tôi nghĩ, giờ này đang ở Tombouctou.
— Tombouctou, – Camaret lập lại, tiếp tục sử dụng nút bấm – Hình như, cô tên là “Jane Buxton”...
— Xin lỗi, – Jane cắt ngang, – đại úy Marcenay chỉ biết tôi dưới cái tên Mornas.
— Không quan trọng, vì dù sao bức điện cũng sẽ không đến được, nhưng chúng ta hãy để “Mornas” vậy. Tôi đánh đi đây: “Hãy đến cứu Jane Mornas đang bị giam ở Blackland...” – Marcel Camaret ngưng phát. – Thế giới không biết Blackland, nên tôi đánh thêm: “... vĩ độ 15050, kinh độ Tây...” – ông đứng phắt dậy. – Bực thế cơ chứ! Harry Killer cúp điện mất rồi!
Các vị khách của ông xúm lại, họ không hiểu gì cả.
— Tôi đã nói cho các ông biết là chúng tôi nhận điện năng từ máy điện. Harry Killer đã cắt đứt chúng ta với nhà máy điện, thế thôi.
— Nhưng như vậy, – ông bác sĩ nói, – máy móc sẽ ngừng lại sao?
— Chúng đã ngưng cả rồi, – Camaret trả lời.
— Thế còn những chú “ong vò vẽ”?
— Đã rơi xuống đất là cái chắc.
— Nghĩa là, Harry Killer sẽ chiếm được chúng? – Jane Buxton kêu lên.
— Tôi không tin như vậy, – viên kỹ sư không tán thành. – Chúng ta hãy đi lên trên và các ông sẽ thấy rằng những chuyện này không quan trọng.
Họ đi nhanh lên tháp và bước vào kính viên chu. Họ nhìn thấy mặt ngoài của bức tường và con hào bao quanh nó, mấy “chú ong vò vẽ” bất động, nằm chỏng chơ trong con hào. Ngoài bãi đáp, các Chàng trai Vui tính reo hò đắc thắng. Chúng lại tấn công. Một số tên nhảy xuống hào để trừng trị mấy “chú ong vò vẽ” đã chết, mà trước đây đã làm cho chúng khiếp sợ đến thế. Nhưng vừa mới chạm vào mấy “chú ong vò vẽ”, bọn chúng đã hoảng hốt nhảy lùi lại và định trèo lên khỏi hào. Không một tên nào lên được cả, cả bọn đều lăn xuống đáy và không còn dấu hiệu của sự sống.
— Mạng của chúng chẳng đáng là bao, – Marcel Camaret lạnh lùng nói. – Chính tôi đã thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra nên đã áp dụng các biện pháp của mình. Harry Killer cúp điện, do đó hắn đã phát động một thiết bị làm cho các bình đựng axit cacbonic lỏng đổ ra hào và axit chuyển ngay sang trạng thái chất khí. Chất khí này nặng hơn không khí nên nằm lại dưới hào và những kẻ nhảy xuống đều bị chết ngạt.
— Thật là một lũ khốn khổ! – Jane Buxton nói.
— Bọn chúng sẽ phải khốn khổ hơn nữa kia, – Camaret đáp lại. – Tôi không thể cứu chúng được. Còn máy móc của tôi sẽ chạy bằng khí lỏng, nhiều vô kể ở chỗ chúng tôi. Máy móc đã bắt đầu hoạt động rồi đấy, “ong vò vẽ” sẽ lại bay lên.
Quả thật, các chong chóng của “ong vò vẽ” bắt đầu quay và đám các Chàng trai Vui tính bỏ chạy về cung điện.
Marcel Camaret xoay người về phía các vị khách. Ông rất xúc động nên mắt ông thường ánh lên nét lo âu.
— Nghe chừng, chúng ta đã có thể ngủ yên rồi đấy, - ông nhận xét, giọng đầy vẻ hiếu danh chân chất.
Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac - Jules Verne Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Lạ Của Đoàn Barsac