If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Hữu Mạnh
Upload bìa: Hiroshi Kobayashi
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5847 / 325
Cập nhật: 2015-05-15 10:53:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9: Nguyên Nhân Thắng Lợi Và Bài Học Lịch Sử
"... Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận,
cả nước ra sức, nên bọn giặc phải chịu bị bắt...”
Trần Quốc Tuấn
Bọ ngựa dám chống xe, liệu sẽ ra thế nào?” ( ), Ô Mã Nhi Bạt Đô (‘Omar-ba-atur) đã hỏi Đỗ Khắc Chung như vậy ở bên bờ sông Hồng, trước Thăng Long năm 1285. Nhưng viên tướng Mông Cổ đó cũng như toàn bộ đoàn thuyền chiến của y không bao giờ trở về nữa sau trận Bạch Đằng. Đạo quân xâm lược Nguyên Mông đã thất bại thảm hại trong ba lần tân công vào Đại Việt và một lần tấn công vào Chiêm Thành. Nhân dân Việt Nam đã cầm vũ khí đứng lên trả lời cho kẻ thù như thế đó.
Vì sao “sức bọ ngựa” Việt Nam lại có thê làm đổ được cỗ xe của đế quốc Mông Cổ đã từng hằn bánh chiến thăng lên khắp các miền Âu-Á? Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng sức mạnh của đội quân Mông Cổ, tính chất thiện chiến và kỹ năng bắn cung phi ngựa tuyệt vời của họ là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều quốc gia và dân tộc phải chịu ách thống trị của kẻ thù hung hăng hoặc không còn tên trên bản đồ thế giới. Tài năng quân sự của Trin-ghít Khan (Thành Cát Tư Hãn) và những người thừa kế y có góp phần vào các chiến thắng của người Mông Cổ, nhưng điều đó cũng không phải là quyết định. Phải tìm nguyên nhân chủ yếu sự bại vong của các quốc gia đó ỏ bên trong. Chính sự chia rẽ, phân tán suy nhươc của giai cấp phong kiến thông trị ở các nước đó đã làm mất sức chiến đấu trước sự xâm lược của quân Mông Cổ. Lịch sử tất cả các nước bị đế quốc Mông Cổ chinh phục nói lên rất rõ điều đó.
Vương quốc Khô-re-xmơ (Khorezm) ở Trung Á bị Trin-ghít Khan tấn công năm 1219. Vua Khô-re-xmơ là Mu-ham-mét (‘Alã-al- Dĩn Muhammed) đã bóc lột nhân dân rất tàn tệ và đã mở rộng đất đai của mình bằng cách luôn luôn gây các cuộc chiến tranh ăn cướp đẫm máu. Khi nghe tin Mông Cổ tấn công, Mu-ham-mét vô cùng khiếp sợ, theo y, “quân Mông Cổ đông đến nỗi chỉ ném roi ngựa cũng đủ để lấp hào thành”. Vì thế, quân Mông Cổ chưa đến, y đã bỏ thành chạy. Trước khi rời bỏ Khô-re-xmơ, y còn đem tất cả vương hầu các nước đã bị y chinh phục còn bị giam dìm chết ở sông A-mu Đa-ry-a. Nhân dân nguyền rủa y. Bọn thống trị các tiểu quốc cũng căm giận y, chúng đầu hàng Mông Cổ và đem quân đánh đuổi y. Cuối cùng Mu-ham-mét chết trên một hòn đảo nhỏ trong biển Lý Hải. Các thành thị văn minh ở Trung Á như Bu-kha-ra, Xa-mác-khan, lần lượt bị hủy diệt, tuy nhân dân ở đây đã chiến đấu rất anh dũng.
Khi quân Mông Cổ từ Trung Á tiến đánh châu Âu, liên quân các công quốc Nga Xu-dơ-đan, Xmô-len, Ki-ép, Tréc-ni-gốp đã chặn giặc ở sông Kan-ka. Nhưng ngay trong giờ phút nguy cấp, các công vương đã bất hòa với nhau và chiến đấu đơn độc, cuối cùng đã thất bại bi thảm. Nước Nga cũng như các nước Đông Âu đã bị vó ngựa Mông cổ giày xéo vì chế độ phong kiến phân tán bấy giờ đã làm cho giai cấp thống trị không thể nào đoàn kết được với nhau và huy động được nhân dân kháng chiến.
Ở phương Đông, nước Kim cũng chịu chung một số phận. Bọn thống trị phong kiến khuynh loát lẫn nhau và nhân dân Trung Quốc liên tiếp nổi dậy chống ách thống trị ngoại tộc đã làm cho vương quốc Kim hoàn toàn suy yếu. Khi Mông Cổ tấn công, vua Kim đã phải bỏ Biện Kinh, chạy về Quy Đức. Khi Xu-bê-tai vây Biện Kinh, bọn tướng Kim giữ thành chém giết lẫn nhau rồi dâng thành cho địch, ở Quy Đức, bọn tướng Kim cũng giết lẫn nhau, côn quân lính thì vô cùng căm giận bọn thống trị. Cuối cùng vua Kim phải chạy vể Thái Châu rồi tự sát khi thành sắp vỡ.
Nước Kim mất, quân Mông Cổ vượt Trường Giang đánh Tống. “Hốt Tất Liệt ở Trung Quốc không thu được kết quả (như Hu-lê-gu ỏ Ba-gơ-đát), y đã gặp sức chống cự mãnh liệt của người Tống ở Nam Trung Quốc” ( ). Nhưng mặc dầu nhân dân Nam Tống đã anh dũng chống giặc, nhất là dưới sự chỉ huy của người anh hùng Văn Thiên Tường, tình thế vẫn không thể cứu vãn được. Triểu đình Nam Tông đã hoàn toàn suy yếu. “Cái nạn cường hào kiêm tinh ruộng đất, đến nay là tột độ” ( ). “Dân đều tan nhà phá sản, oán hận vào sâu xương tủy” ( ). Quyền binh triều đình nằm trong tay bọn gian thần Giả Tự Đạo, Trần Nghi Trung, khiếp nhược trước kẻ thù, chỉ mong cầu hòa, không dám tổ chức nghĩa quân để giữ nước, vì sợ sức mạnh nông dân, hãm hại những người yêu nước, tước bỏ mọi khả năng vũ trang phòng ngự. Kết quả là nhà Tống mất.
Sau khi lây được Nam Tống, bọn xâm lược Mông Cổ ra sức xâm lược các nước xung quanh. Vua Triều Tiên là Cao Tông Triệt buổi đầu đã rời đô ra đảo Giang Hoa, chống lại kẻ thù. Nhưng khi con trai ông là Điển làm con tin ở triều đình Mông Cổ về nước thì tình hình đổi khác. Điển biến thành tay sai đắc lực cho kẻ thù. Y lại dời đô về Khai Thành và Triều Tiên thực sự trở thành một thuộc quốc của đế quốc Mông Cổ.
Trên bán đảo Đông Dương, số phận của nước Miến cũng không khá hơn. Năm 1284, khi bị Mông Cổ tấn công, vua Miến là Narasĩhapati đã bỏ thành chạy. Sau khi Naraslhapati chết, con trai là Sihasũra đã giết anh là Urzana để đoạt ngôi. Tình trạng hỗn chiến, chém giết và khuynh loát lẫn nhau đó đã làm cho vương triều Pagan suy nhược. Năm 1287, quân Mông Cổ đánh chiếm được kinh đô Pagan, vương triều Pagan đổ.
Như vậy là từ những miền xa xôi cho đến những nước gần Việt Nam, cái nguyên nhân quyết định sự thất bại trước quân xâm lược Mông Cổ quyết không phải là nguyên nhân bên ngoài, ở sức mạnh của người Mông Cổ, mà là nguyên nhân bên trong. Đó là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp thông trị phong kiến, không đoàn kết được nhân dân đứng lên bảo vệ đất nước.
Tình hình Việt Nam thế kỷ XIII khác hẳn các nước trên. Chính quyền phong kiến Việt Nam bấy giờ là một chính quyền tập trung chứ không phải là phân tán như nhiều quốc gia châu Au. Nó cũng không giống với chính quyền tập trung đang ngắc ngoải của Nam Tống. Sau khi chấm dứt được tình trạng hỗn chiến cát cứ cuối thời kỳ Lý, vương triều Trần đã xây dựng được một chính quyền tập trung mạnh mẽ. Đời sống của nhân dân được ổn định, mức sản xuất phát triển ( ). Vào lúc đó đế quốc Mông Cổ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, mâu thuẫn giữa giai cấp phong kiến Đại Việt và nông dân còn được hòa hoãn, chưa phải đã phát triển đến mức độ gay gắt. Đứng trước cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, giai cấp phong kiến Đại Việt đã đoàn kết được toàn dân đứng dậy kháng chiến cứu nước. Bấy giờ, giai cấp phong kiến còn đóng vai trò lịch sử của nó. Từ khi xây dựng được nhà nước phong kiến tự chủ vào thế kỷ X, giai cấp phong kiến còn mang trong bản thân nó tinh thần dân tộc. Đó là ý thức xây dựng một nhà nước tự chủ độc lập. Tinh thần đó được đánh dâu trong chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, trong chiến thắng của Lê Hoàn năm 981 và của Lý Thường Kiệt nỗm 1075. Đó là những trang sử sáng chói trong lịch sử dân tộc. Giai cấp phong kiến thế kỷ thứ XIII còn giữ được tinh thần đó qua những thế kỷ hùng tráng buổi đầu.thời ký tự chủ. Trước nguy cơ đất nước rơi vào tay giặc ngoài, quý tộc phong kiến Trần đã quyết tâm kháng chiến đến cùng. Quyết tâm đó không thể chỉ giải thích một cách đơn giản bằng yêu cầu bảo vệ thái ấp điền trang và các quyền lợi vật chất khác. Quyết tâm đó còn nói lên tinh thần yêu nước nồng nàn của họ. Câu của Trần Thủ Độ nói với Thái Tông: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, và câu của Trần Quốc Tuấn nói với Nhân Tông: “Trước chém đầu thần rồi sau hãy hàng”, biểu hiện khí phách anh hùng của quý tộc họ Trần. Chú bé Trần Quốc Toản phẫn nộ không được tham dự hội nghị quân sự Bình Than, đã tự mình lập đội quân cảm tử với lá cờ thêu sáu chữ vàng, luôn luôn xông lên phía trước làm quân thù khiếp sợ. Trần Bình Trọng bị giặc bắt, không chịu hàng, khảng khái thét vào mặt kẻ thù: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, câu nói ấy còn ghi mãi trong những trang sử vẻ vang của dân tộc. Tinh thần yêu nước bất khuất của quý tộc Trần cũng phản ánh tinh thần của cả một dân tộc quyết đứng dậy bảo vệ đất nước, không chịu cúi đầu làm nô lệ cho bọn cướp nước. Có bộ phận quan liêu quý tộc đầu hàng giặc nhưng đó chỉ là một phân số nhỏ. Những tên hèn nhát đó đã bị lịch sử lên án, nhưng không phải vì thế mà chúng ta quên rằng đại bộ phận quý tộc Trần đã xứng đáng với Tổ quốc.
Lúc Tổ quốc lâm nguy, tầng lớp quý tộc Trần đã đoàn kết thành một khối. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn không vì mối thù gia đình mà bỏ nghĩa cả. Ông không theo di mệnh của cha ( ), cùng triểu đình Trần và toàn thể quân dân một lòng một dạ chiến đấu vì đất nước. Hai người tướng tài Trân Quốc Tuấn và Trần Quang Khải vốn bất hòa với nhau nhưng trước sự tấn công xâm lược của giặc Mông Cổ, đã đoàn kết với nhau chung lo việc nước ( ).
Nhưng không phải chỉ có thế. Tầng lớp quý tộc còn tập hợp được nhân dân quanh mình để đánh giặc, giữ nước. Đó là vì "người nông dân xưa coi việc bảo vệ nền độc lập của nước nhà là công việc của chính mình chứ không phải là công việc của giai cấp phong kiến” ( ). Trong cuộc kháng chiến vĩ đại này, chính sức mạnh đoàn kết và tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn dân là yếu tố quyết định chiến thắng. Mặc dầu còn những mặt hạn chế do thời đại và giai cấp, không nghi ngờ gì n.ữa, cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XIII là một cuộc kháng chiến của toàn dân, một cuộc chiến tranh nhân dân, theo cách nói của Angghen, “một cuộc chiến tranh nhân dân để bảo tồn dân tộc”, “một cuộc chiến tranh pro aris et focis (bảo vệ quê cha đât tổ)” ( ). Đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của một kẻ thù tàn bạo hung hãn nhất trên thế giới đương thòi. Sức mạnh chính nghĩa đó đã huy động được toàn dân tham gia kháng chiến, đã khơi được tinh thần anh dũng chống giặc của nhân dân. Những tiếng hô “quyết đánh” của các bô lão vang lên ở điện Diên Hồng vào mùa đông năm Giáp Thân (1285) là tiếng nói của cả dân tộc. Hội nghị lịch sử đó đã thể hiện quyết tâm sắt đá kháng chiến của toàn dân trước kẻ thù xâm lược. Đã gần bảy trăm năm trôi qua, nhưng mỗi khi giở lại những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm thế kỷ XIII, chúng ta còn nghe như âm vang tiếng hô quyết đánh ở điện Diên Hồng. Quyết chiến và quyết thắng, dầu kẻ thù có mạnh mẽ hung bạo đến đâu! Cuối cùng tên kẻ cướp khổng lồ đó đã ngã gục, chính là vì nó đã gặp một dân tộc đứng lên với tinh thần Diên Hồng, tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước. Hội nghị Diên Hồng còn biểu hiện sự gắn liền yêu cầu độc lập dân tộc của nhân dân với yêu cầu tự do dân chủ. “Lực lượng quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc bao giờ cũng là khối đoàn kết chặt chẽ của cả dân tộc mà nông dân là lực lượng lớn nhất, mạnh nhất. Trong khi đấu tranh cho độc lập dân tộc, nhân dân ta cũng biểu thị nguyện vọng dân chủ, ý thức làm chủ đất nước. Câu hỏi “hòa hay chiến” cùng tiếng trả lời “quyết chiến!” Ở hội nghị Diên Hồng ngày xưa chính là một trong những biểu hiện sơ khai của sự kết hợp giữa tinh thần cứu nước và ý thức dân chủ của nhân dân ta" ( ).
Toàn dân đã tỉch cực tham gia kháng chiến, ở đây, quân Mông Cổ không phải chỉ đọ sức với quân đội Trần mà là đương đầu với cả toàn thể nhân dân Đại Việt. Khi tiến vào đất chúng ta, quân địch đã thấy treo ở khắp nơi những tấm biển với dòng chữ: “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”. Với một lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước đã thực hiện mệnh lệnh kháng chiến của triều đình. Toàn dân đã tham gia vào việc cất giấu lương thực, làm vườn không nhà trống. Việc đó đã gây cho địch những khó khăn lớn. Trong mấy lần chiến tranh, quân giặc đều khốn đốn vì thiếu lương thực, không những thuyền lương bị quân đội Trần đánh tan mà còn là vì chúng không tài nào cướp được lương thực trong nhân dân. Trong khi đó, nhân dân lại tích cực giúp đỡ quân đội Trần mọi mặt. Chính sử không chép rõ, nhưng điều này được phản ánh qua truyền thuyết ở nhiều nơi. Chẳng hạn đền Vua Bà ở gần sông Bạch Đăng là đền thờ một người phụ nữ đã mang lương thực ủng hộ quân Trần và mách cho Hưng Đạo vương Quốc Tuấn ngày còn nước của sông này. Có những truyền thuyết khác nói về sự tham gia của nhân dân trong việc đóng cọc ở sông Bạch Đằng. Thần tích làng Do Lễ (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) trân trọng ghi lại chiến công của người anh hùng Vũ Nguyên mà dân làng tôn thờ. Đó là một cố nông phải cày thuê cuốc mướn để nuôi mẹ già. Thế rồi một hôm, quân Trần lớp lớp kéo qua làng, Vũ Nguyên gặp Hưng Đạo vương bên bờ ruộng, giữa buổi cày và chàng rời bỏ ruộng đồng, từ tạ mẹ già, theo vương đi giết giặc, lập công lớn trong trận Bạch Đằng. Tất cả những truyền thuyết đã nói lên một điều có thật, đó là mối tình đoàn kết quân dân đời Trần và vai trò lớn lao của nhân dân trong cuộc kháng chiến. Chính toàn dân đã cầm vũ khí đánh giặc giữ làng giữ nước. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại chiến công oanh liệt của một làng chiến đấu bên bờ sông Đáy, làng Cổ Sở. Năm 1258, người dân Cổ Sở đã đánh tan bọn giặc Mông Cổ khi chúng toan tiến vào cướp phá thôn xóm. Năm 1288, Cổ Sở lại anh dũng chống giặc và quân thù không thể nào xâm phạm được cái hương ấp bé nhỏ mà quật cường này ( ).
Hoạt động chiến đấu của nhân dân khắp nơi đã làm địch khiếp sợ. Nhân dân đã tổ chức lại thành các đội dân binh -như sử cũ đã chép - chiến đấu ở các địa phương, phối hợp với các đơn vị triều đình. Những đội dân binh đó chẳng những đã chiến đấu ỏ các địa phương mà lúc thòi cơ đến, đã phối hợp với quân chủ lực của triều đình trong cuộc phản công lớn như các đội dân binh do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền chỉ huy kéo về giải phóng Thăng Long năm 1285.
Một biểu hiện tính nhân dấn của cuộc đấu tranh chống xâm lược thế kỷ XIII là sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân vào cuộc chiến đấu một mất một còn này. Lực lượng chủ yếu tất nhiên là những người nông dân tự do của các làng xã hay là những người nông dân lệ thuộc trong các thái ấp. Đẳng cấp có địa vị thấp kém nhất trong xã hội bấy giờ là nô tì đã có những cống hiến lớn vào cuộc kháng chiến. Bên cạnh những đội quân được tổ chức từ những người nông dân tự do, những đội quân của vương hầu mà ỉực lượng chủ yếu là nô tì củng có một tác dụng quan trọng trong chiến tranh. Yết Kiêu, Dã Tượng ( ), Nguyễn Địa Lô là những gia nô của Trần Quốc Tuấn đã lập được nhiều chiến công. Nguyễn Địa Lô đã bắn chết tên Việt gian Trần Kiện ở Lạng Sơn. Yết Kiêu đã biểu hiện lòng can đảm và tính kỷ luật trong việc cắm thuyền đợi Quốc Tuấn ở Bãi Tần. Đánh giá công lao của nô tì, Quốc Tuấn đã nói: “Ôi, chim hồng hộc có thể bay cao được tất phải nhờ vào sáu trụ xương cánh, nếu không có thì cũng như chim thường thôi!”. Trần Nhân Tông cũng đã nói về các nô tì: “Ngày thường thì bao nhiêu người hầu hạ xung quanh, đến khi nước nhà gặp hoạn nạn thì chỉ thấy có bọn ấy thôi”.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ, nhân dân các dân tộc thiểu số miền núi đã kề vai sát cánh với nhân dân dân tộc Việt, đánh cho quân thu thất điên bát đảo. Trong cuộc kháng chiên lần thứ nhất năm 1258, quân Mông Cổ đã tan tác sau trận tập kích của người anh hùng vùng núi Hà Bổng ở trại Quy Hóa. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, hai anh em Hà Đặc và Hà Chương đã lập được những chiến công rực rỡ. Sau cuộc kháng chiến lần thứ ba Hà Tất Năng được phong tước hầu vì đã có công lớn. ở mặt Lạng Sơn, các tù trưởng vùng núi như Nguyễn Thế Lộc Nguyễn Lĩnh đã cùng đội dân quân của mình, chiến đấu bên cạnh quân triều đình, làm quân thù nhiều phen hoảng sợ. Nổi tiếng là trận đánh bọn Trần Kiện và tên tướng Mông Cổ, Mang-lai Xi-ban vào năm 1285. Cuộc chiến tranh yêu nước thế kỷ XIII quả đã cho chúng ta một hình ảnh đẹp đẽ về khốì đại đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Sức mạnh đoàn kết toàn dân, nguồn gốc của thắng lợi còn được phản ánh qua tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân đội. Trần Quốc Tuấn đã từng nói với các tướng sĩ: “Lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười”. Nhà quân sự thiên tài đó đã nhận thấy khối đoàn kết quân sĩ là một yếu tố để chiến thắng. Ông đã nói với Trần Nhân Tông: “Làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà mới có thể dùng được”. Điều đó đã trỏ thành nguyên tắc xây dựng quân đội thời Trần. Những tướng tài dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Tuấn đã tuân theo nguyên tắc đó. Phạm Ngũ Lão từng đồng cam cộng khổ với quân sĩ và đội quân của ông được gọi là “phu tử chi binh”. Chính quân đội thời Trần, với tình gắn bó bền chặt giữa tướng lĩnh và quân sĩ như cha với con, với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc biểu lộ ở hai chữ “Sát Thát” thích trên cánh tay, đã trực tiếp góp phần vào chiến thắng của dân tộc.
Con đường dẫn tới thắng lợi của cuộc kháng chiến đã được Trần Quốc Tuấn chỉ ra rất rõ ràng trong lời nói với vua Trần Nhân Tông ngày 24 tháng 6 nốm Canh Tý (11-7-1300), lúc ông bệnh nặng sắp mất:
“Ngày trước Triệu Vũ dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, bấy giờ tiểu dân làm chước thanh dã (phá hết hoa màu ở đồng nội) còn đại quân ra châu Liêm, châu Khâm, đánh Trường Sa, dùng đoản binh đánh tập hậu, đấy là một thời. Đời Đinh - Lễ, dùng được người hiền tài, phương Nam đương mạnh, phương Bắc đương suy, trên dưới đồng tâm, lòng dân không ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống, đấy là một thời. Vua Lý dựng nghiệp, quân Tống xâm lấn địa giới, lúc ấy dùng Lý Thường Kiệt, đánh Khâm - Liêm, đến tận Mai Lĩnh, đấy là có thế lực mạnh. Mới rồi Toa Đô, ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhưng vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước ra sức, nên bọn giặc phải chịu bị bắt, đó là do trời xui khiến.
Đại khái quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy vào đoản binh, lấy đoản mà chống trường là sự thường trong binh pháp. Nếu thấy quân giặc lướt đến như lửa như gió thì dễ chống lại thế giặc. Nếu chúng dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không lấy của dân, không cầu chóng được thì mình phải dùng tướng giỏi, xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến, thu hút được binh sĩ như cha con một nhà, mới có thể dùng được. Vả lại, phải nới sức dân, làm kệ rễ sâu gốc vững, ấy là thượng sách giữ nước”.
Lời nói đó đã tổng kết kinh nghiệm các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước thế kỷ XIII và cả cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ. Chẳng những Trần Quốc Tuấn đã nêu lên những nguyên nhân thắng lợi mà còn vạch ra những đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn. Đường lối đố biểu hiện thiên tài quân sự của ông.
Đồng chí Trường Chinh đã viết: “Ưu điểm trội nhất của cuộc kháng chiến đời nhà Trần là mưu cao mẹo giỏi”. Ngay một số sử gia phong kiến Trung Quốc cũng phải khâm phục phép dùng binh của những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mông Cổ của quân dân ta thòi Trần. Trương Phổ -một học giả đời Minh, khi bình luận sách Nguyên sử kỷ sự bản mạt của Trần Bang Chiêm đã viết:
“Trấn Nam vương Thoát Hoan tiến binh, vua An Nam Trần Nhật Huyên (chỉ Thượng hoàng Thánh Tông - T.G) đem quân chông lại, quân Thoát Hoan tuy có ngựa mạnh, rong ruổi nhanh như chớp, đánh thành phá ấp, nhưng giữa đưòng quay giáo lui, quân lính tan nát trong chốn của quân kia, Toa Đô, Lý Hằng đồng thời tử chiến... Thoát Hoan xuất quân lần nữa, Nhật Huyên chạy đi để rồi đón lúc về, đánh lúc mệt, quân Nguyên lại thất bại. Đó là vì quân kia tránh cái thế hăng hái lúc ban mai, đánh cái khí tàn lụn lúc buổi chiều, giấu mình nơi biển khơi, phục quân chốn ải hiểm, quân Nguyên tuy hùng hổ kéo đến, chưa từng thắng được một trận. Có thể nói là Nhật Huyên có tài dùng binh vậy”.
Tài dùng binh, theo cách nói của chúng ta ngày nay là nghệ thuật quân sự. Không nghi ngờ gì nữa, Trần Quốc Tuấn là những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược thế kỷ thứ ХШ đã có những đóng góp quý báu vào kho tàng nghệ thuật quân sự phong phú và có truyền thống lâu đời của dân tộc ta.
Cuộc chiến tranh chống xâm lược Nguyên Mông là một cuộc chiến tranh chính nghĩa và đồng thời là một cuộc chiến tranh tự vệ. Vì vậy, nó có những nét khác biệt vối những cuộc chiến tranh giải phóng. Bây giờ, chúng ta có một chính quyền dân tộc độc lập: vương triều Trần. Chúng ta có một lực lượng vũ trang được tổ chức và huấn luyện khá chu đáo, đó là “đội quân cha con”, “ba quân như hùm beo, khí thế muốn nuốt trâu”, cả đất nước đã được chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nhưng kẻ thù của chúng ta, phải nói là rất mạnh, đó là một kẻ thù “hung bạo đã xâm lược phần lớn châu Á, châu Âu và đánh đâu thắng đó”. Không thể nào ngăn chặn, đánh tiêu diệt một kẻ thù như thế khi nó đang tiến vào biên giới. Một vùng đất đai sẽ tạm thòi bị chiếm, hình thái chiến tranh cài răng lược, theo cách nói ngày nay, sẽ hình thành. Làm thế nào để cho tên cướp hung bạo đang “lướt đến như lửa như gió” kia cuối cùng hoàn toàn thất bại? Đó là tài dùng binh của Trần Hưng Đạo, đó là nghệ thuật chỉ đạo một cuộc chiến tranh tự vệ của một nước nhỏ yếu đánh thắng đội quân xâm lược của một nước lớn mạnh. Đó cũng là nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh vũ trang trong một cuộc chiến tranh tự vệ đánh lâu dài và dựa vào sức mình.
Chúng ta có thể thấy rằng phương châm chiến lược được vận dụng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông là đánh lâu dài. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong 1.000 năm lịch sử của nước ta gần đây có ba cuộc trường kỳ kháng chiến:
- Đời Trần chống quân Nguyên,
- Đời Lê chống quân Minh,
- Và cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ ngày nay”.
Đồng chí Trường Chinh cũng đã viết: “Đối nhà Trần, dân tộc ta kháng chiến trước sau ba lần trong ba mươi mốt năm mới thắng được quân Nguyên hung hãn” ( ). Đánh lâu dài là chiến lược duy nhất chính xác trong một cuộc chiến tranh mà ban đầu lực lượng ta yếu, lực lượng địch mạnh. Chỉ với phương châm chiến lược đánh lâu dài mới dần dần tiêu hao được sinh lực của địch, bồi dưỡng được lực lượng của ta, tương quan lực lượng dần dần chuyển hóa theo phương hướng có lợi cho ta, và cuối cùng đánh bại được quân thù. Có thể có người thấy rằng ba lần kháng chiến của nhân dân Đại Việt chống xâm lược Nguyên Mông đều xảy ra trong một thòi gian ngắn (cuộc kháng chiến lần thứ nhất nãm 1258 chỉ kéo dài 12 ngày, lần thứ hai năm 1285 trong 5 tháng, lần thứ ba nảm 1287-1288 trong ba tháng rưỡi) mà không nhìn nhận phương châm chiến lược đánh lâu dài của cuộc kháng chiến thế kỷ XIII. Điều đó không đúng, ba lần chiến tranh xảy ra trong thòi gian ngắn là vì quân dân Đại Việt đã có thời cơ thuận lợi để phản công thắng lợi nhanh chóng, nhưng như vậy không có nghĩa phương châm chiến lược không phải đánh lâu dài. Nhìn vào các giai đoạn chiến lược của các cuộc chiến tranh, chúng ta có thể thấy rõ ràng những người lãnh đạo kháng chiến bấy giò đã vận dụng đường lối chiến lược đánh lâu dài.
“Quá trình đánh lâu dài của bất kỳ cuộc chiến tranh tự vệ nào của ta trước đây đều là một quá trình liên tục chiến đấu tiến công tiêu diệt địch. Do sự so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng cuộc chiến tranh có khác nhau, nên quá trình đánh lâu dài của từng cuộc chiến tranh tự vệ của ta đã hình thành các giai đoạn chiến lược khác nhau. Các cuộc kháng chiến đời nhà Trần chống quân Nguyên thường có giai đoạn rút lui chiến lược và giai đoạn phản công chiến lược.
Tiến hành những cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng, chờ địch dàn mỏng, phân tán lực lượng rồi đánh tỉa, khi sức địch tiêu hao, suy yếu thì chọn đúng thời cơ để phản công chiến lược, đấy là những đặc điểm chung trong ba lần kháng chiến của quân dân Đại Việt và cũng là những bước chỉ đạo chiến lược cụ thể của Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến.
Biết rút lui và rút lui chính xác là một nét nổi bật trong tài năng quân sự của Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh thời Trần. Trong ba lần kháng chiến, vào thời kỳ đầu của chiến tranh, bao giờ quân Trần cũng tiến hành những cuộc rút lui lớn, bỏ lại sau lưng nhiều làng mạc, đất đai, và thậm chí cả thủ đô Thăng Long yêu quý. Sử cũ, nhất là sử của kẻ thù, thường mô tả những cuộc rút lui này như những cuộc thất trận. Nhưng kỳ thực, “điều đó thường xảy ra trong chiến tranh, khi mà một trong những bên tham chiến, muốn cứu nguy cho quân đội của mình và tránh cho quân khỏi bị một kẻ thù lực lượng mạnh hơn tấn công, nên đã rút lui một cách có kế hoạch, không giao chiến mà bỏ những thành phố và những vùng toàn vẹn, để có thì giờ tập hợp lại lực lượng của mình, nhằm chuẩn bị cho những trận đánh địch sắp tới” ( ).
Chính Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh đã tiến hành cuộc rút lui như vậy. Cuộc rút lui chính là nằm trong toàn bộ kế hoạch của cách dùng binh thần diệu mà như Trương Phổ đã nói là “tránh cái thế hăng hái lúc ban mai, đánh cái khí tàn lụn lúc buổi chiểu” của kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến năm 1258, lúc đầu vua Trần đã đem lực lượng ra ngăn giặc nhưng sau đó đã rút lui khỏi Thăng Long. Ý định đem toàn bộ quân lực để chặn giặc thể hiện rõ trong việc tập trung quân ỏ Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến năm 1285. Nhưng khi bị kẻ thù bao vây và tấn công, thì Trần Quốc Tuấn đã kịp thời tiến hành một cuộc rút quân chiến lược. Việc lui quân để bảo tồn lực lượng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai thật là tài tình.
Trong cuộc chiến tranh này, kẻ thù tấn công vào Tổ quốc ta từ ba mặt - không phải là hai theo như một số tài liệu trước đây: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nghệ An. Từ Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn đã rút lui về Thăng Long rồi cùng triều đình rút khỏi kinh đô. Ở mặt Tuyên Quang, Trần Nhật Duật cũng đã mưu trí tránh khỏi vòng vây của giặc, vượt qua vùng giặc đóng (bấy giờ kẻ thù đã chiếm Thăng Long) về hội vội đại quân. Về phía Nghệ An, ban đầu Trần Quốc Tuấn muốn chặn đứng cánh quân Toa Đô. Trong khi đó ỏ ngoài Bắc, Quốc Tuấn cũng đã củng cố lực lượng, kéo quân trỏ về Vạn Kiếp ỏ phía sau lưng địch, chuẩn bị phản công. Nhưng tình hình Nghệ An, Thanh Hóa xấu, Trần Quang Khải chưa vào kịp thì Trần Kiện đã đem một vạn quân hàng giặc, dẫn đường cho giặc tấn công quân ta. Chính vì thế, Trần Quang Khải đã phải rút lui và cánh quân Toa Đô tiến được ra Bắc. Do tình hình phía Nam, Trần Quốc Tuấn phải bỏ kế hoạch phản công của mình, rời khỏi Vạn Kiếp lần thứ hai trở về hội với đại quân của vua Trần ở Thiên Trường (Nam Định). Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tránh được thế bị kẹp giữa hai gọng kìm phía Nam và phía Bắc. Một kế hoạch tài tình đã được kịp thời thực hiện. Trần Quốc Tuấn và vua Trần đã cho rút quân theo ven biển các lộ phía đông đồng bằng Bắc Bộ là nơi thế lực của quân Nguyên chưa tràn đến rồi sau đó vượt biển vào Thanh Hóa. Lúc bấy giờ quân của Toa Đô đã tiến đến Trường Yên (Ninh Bình) tức là ở phía bắc đại quân ta. Như vậy là qua cuộc rút lui thần kỳ đó, chẳng những lực lượng ta được bảo toàn mà còn thoát khỏi thế bị kẹp giữa hai đạo quân giặc. Về sau,Toa Đô được lệnh của Thoát Hoan quay trở lại Thanh Hóa, nhưng đạo quân đó đã không còn sức mạnh để tiêu diệt quân ta. Và khi lực lượng ta đã mạnh, địch đã lâm vào thế lúng túng bị động thì Trần Quốc Tuấn lại cho quân vượt qua vùng đóng quân của Toa Đô, đánh ra Bắc, cắt đôi đường liên lạc hai đạo quân giặc và bắt đầu cuộc phản công thắng lợi.
Trong cuộc chiến tranh lần thứ ba thì ngay từ đầu, phương châm lui quân để bảo toàn lực lượng đã được Trần Quốc Tuấn áp dụng vững chắc. Đấy là do đã rút được kinh nghiệm ỏ các lần kháng chiến trưốc: Vì thế mà Trần Quốc Tuấn đã nói rất tin tưỏng rằng: “Năm nay đánh giặc dễ”.
Trong kế hoạch rút lui của Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến, chúng ta còn phải chú ý đến vấn để điểm rút lui cuối cùng. Vì rút lui chiến lược chỉ là để bảo toàn lực lượng chuẩn bị phản công nên rút lui về địa điểm nào là có liên quan đến giai đoạn phản công. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân Trần rút lui về sông Thiên Mạc (khúc sông Hồng qua Khoái Châu, Hưng Yên). Đóng ỏ đây, quân Trần có thể dễ dàng tiến hành cuộc phản công khi thời cơ đến. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, ban đầu quân đội Trần rút lui về Thiên Trường (Nam Định). Sở dĩ lần này quân Trần rút lui xa hơn lần thứ nhất là vì lực lượng của kẻ thù lần này mạnh hơn, có thể tiến hành những cuộc tấn công xa hơn. Khi lui về đến đây, vua Trần và Quốc Tuấn đã củng cố lực lượng và tổ chức phản công. Nhưng khi quân Toa Đô tiến ra được Trường Yên (Ninh Bình) thì Thiên Trường (Nam Định) không còn là chỗ đóng quân thích hợp nữa mà địa điểm rút lui cuối cùng phải là Thanh Hóa, vì ở đây tránh được sức tiến công của địch từ hai phía. Trong lần thứ ba, vua Trần không rút lui vào Thanh Hóa (như một số tài liệu nghiên cứu trước đây đã nhầm) vì không ở vào tình huống phải tránh thế kìm kẹp từ hai mặt như lần kháng chiến trước nữa mà chỉ rút lui về các lộ phía đông (vùng Hải Dương, Hải Phòng ngày nay), ở đây có thể tiến về phía tây theo sông Hồng, phản công chiếm lại Thăng Long và tiến lên phía bắc, bao vây và chẹn đường về của địch, chuẩn bị cho trận Bạch Đằng sau này.
Như vậy, trong việc thực hiện cuộc rút lui cũng như trong việc quyết định địa điểm rút lui cuối cùng một cách cơ động, Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến đã tỏ ra vô cùng sáng suốt, linh hoạt, luôn luôn dựa vào thực tiễn diễn biến chiến tranh mà để ra những đường lối, kế hoạch quân sự thích hợp. Đó chính là đặc điểm mà như Trần Quốc Tuấn đã nói, làm tướng phải “xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến”.
Nếu Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến thòi Trần đã thành công trong việc thực hiện rút lui chiến lược thì cũng đã thành công trong việc phản công chiến lược. Nếu cuộc rút lui chiến lược của quân Trần có ý nghĩa là “tránh cái thế hăng hái lúc ban mai” thì phản công chiến lược chính là “đánh cái khí tàn lụn lúc buổi chiều” của địch như Trướng Phổ nói.
Một điểm cần chú ý là tuy các nhà chỉ huy quân sự đời Trần đã thực hiện các cuộc rút lui chiến lược, “nhưng trong tất cả các cuộc rút lui chiến lược ấy, tổ tiên ta đều tích cực chủ động tiến công địch về mặt chiến đấu và chiến dịch, nhất là chiến đấu đê từng bước ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch. Lực lượng vũ trang chủ lực chiến lược không bao giờ dàn ra để phòng ngự, mà lúc nào cũng tập trung thành những quả đấm với những quy mô cần thiết để tiến công tiêu diệt quân địch” ( ).
Quân Trần đã chủ động tấn công địch ngay khi chúng còn ở trong thế mạnh, “lướt đến như lửa như gió”. Trên con đường rút lui, quân ta đã liên tục mở các trận đánh chặn giặc. Đó là trận Phù Lỗ trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất; trận sông Đuống, trận sông Hồng trước Thăng Long... trong cuộc kháng chiến lần thứ hai; trận Lãnh Kinh, trận Đại Than... trong cuộc kháng chiến lần thứ ba. Trận Vân Đồn nổi tiếng cũng đã xảy ra trong giai đoạn chiến lược này. Tài năng quân sự của Trần Quốc Tuân còn biểu hiện ở chỗ biết kết hợp khéo léo một cuộc rút lui vận động của quân chủ lực với cuộc tấn công của quân du kích mà cuộc tấn công này thì thật là muôn hình muôn vẻ, ở khắp nơi và bằng mọi cách đánh.
Trong khi rút lui, quân ta đã nhử địch vào sâu. Kẻ thù muốn buộc quân ta phải giao chiến với chúng, nhưng không được, chúng muôn đánh mà không được đánh, quân chủ lực của ta vẫn còn nguyên vẹn, có thời giờ để củng cố xây dựng lực lượng. Địch càng ngày càng mắc sai lầm về chiến lược, chiến thuật.Chúng phân tán lực lượng trên một tuyến rất dài. Chẳng hạn trong lần chiến tranh thứ hai, từ Lạng Sơn đến Thăng Long, quân Mông Cổ “cứ 30 dặm thì lập một trại, 60 dặm thì đặt một trạm; mỗi trại, mỗi trạm đóng 300 quân” ( ) và có cả một tuyến dài trên song Hồng từ Thăng Long về xuôi. Trong lần chiến tranh thứ ba, giặc cũng phân tán đóng ở nhiều nơi như Thăng Long, Vạn Kiếp... Việc dàn mỏng lực lượng như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta đánh tiêu hao và tiêu diệt. Quân địch dần dần mệt mỏi, mất tinh thần vì luôn luôn bị quân dân ta bao vây tập kích, chúng tác chiến cô lập “lơ lửng ở quãng giữa” và khốn đốn vì thiếu lương thực. Bao giờ cũng đúng lúc đó thì vua Trần và Quốc Tuấn tổ chức cuộc phản công. Chính nhờ tích cực, chủ động, kiên quyết và liên tục tấn công mà quân ta có thể rút ngắn thời gian rút lui chiến lược để chuyển sang phản công chiến lược. Chẳng những Trần Quốc Tuấn đã nắm đúng thời cơ phản công mà còn chọn đúng hướng, đúng mục tiêu phản công, biết tập trung binh lực đánh vào các cứ điểm quan trọng nhưng yếu hoặc sơ hở của địch. Phát huy thắng lợi của “trận mở màn”, các tướng lĩnh nhà Trần đã biết liên tiếp nhanh chóng tấn công vào các vị trí khác của địch, dồn dập nện cho địch những đòn đích đáng làm chúng không kịp trở tay, tạo thêm những điều kiện thuận lợi mới để thu thắng lợi cuối cùng. Các trận A Lỗ, Tây Kết lần thứ nhất ( ), Hàm Tử, Chương Dương trong cuộc kháng chiến năm 1285 là những ví dụ rõ rệt. Chính nhờ quy định chính xác.được hướng tấn công chủ yếu mà Trần Quốc Tuấn và các người lãnh đạo kháng chiến đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược trong tất cả các lần chiến tranh.
Thượng tướng Văn Tiến Dũng viết: “Các cuộc kháng chiến đời nhà Trần chống quân Nguyên do đã phát động được toàn dân đánh giặc, do đã kết hợp được các hành động chiến đấu của các lực lượng vũ trang chủ lực, địa phương và dân binh, kết hợp đánh du kích với đánh tập trung, nên cả ba lần đều thắng lợi” ( ). Đó cũng là một biểu hiện của nghệ thuật quân sự trong cuộc chiến tranh chống xâm lược thế kỷ thứ XIII.
Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược, Trần Quốc Tuấn đã biết xác định các phương pháp và hình thức chiến đấu thích hợp, đúng đắn. Trong tất cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ, các nhà lãnh đạo kháng chiến đã biết nâng cao tác dụng của du kích chiến. Chính trên cơ sở tính nhân dân của cuộc kháng chiến mà những người lãnh đạo đã phát động được cuộc chiến tranh du kích. Nhân dân miền xuôi, miền núi đều tham gia đánh du kích. Khi đại quân rút đi để chờ cơ hội phản công, Trẩn Quốc Tuấn vẫn để ỉại những cánh quân nhỏ hoạt động trong vùng sau lưng địch. Những cánh quân đó phối hợp với những đội dân binh địa phương, luôn luôn quấy rối, phục kích, tập kích vào quân địch. Cánh quân của quản quân Nguyễn Lộc hoạt động ở vùng Lạng Sơn nhiều phen đã làm cho quân thù khiếp vía trong cuộc chiến tranh lần thứ hai. Trong cuộc chiến tranh lần thứ ba cũng có những cánh quân nhỏ hoạt động như vậy, chẳng hạn như các cánh quân vùng Nội Bàng đã đánh tan 5.000 quân Mông Cổ và bọn Việt gian Lê Trắc. Quân địch ngày càng bị cô lập giữa vòng vây trùng điệp của các lực lượng kháng chiến nhân dân. Chúng lo lắng mất ăn mất ngủ vì đêm đêm có những đội quân cảm tử tấn công vào doanh trại chúng.Chúng hoảng sợ vì khắp nơi “từ rừng, từ núi, từ biển bỗng nhiên xuất hiện những đội quân đánh tan cánh quân Thoát Hoan đang lo cướp bóc” như lời chép của sử gia Ra-sít-ut Đin.
Trong toàn bộ cuộc chiến tranh, quân dân Trần đã sử dụng tài tình các hình thức tập kích, phục kích, trong đó phải kể đến trận đánh thuyền lương giặc ở Vân Đồn không những có ý nghĩa vể chiến thuật mà còn có ý nghĩa vể cả mặt chiến lược ( ). Có thể nói nhờ có Vân Đồn mà nhanh chóng có Bạch Đằng. Đánh vào thuyền lương tức là đánh vào cơ sở hậu cần tại chỗ của giặc và đó là một phương hướng tác chiến chiến lược chính xác.
Để tiêu hao lực lượng địch, về mặt chiến lược, Trần Quốc Tuấn đã biết phát triển tư tưởng đánh tiêu diệt trong chiến thuật chiến đấu. Trong giai đoạn rút lui cũng như phản công, quân đội Trần đều thực hiện được những trận đánh tiêu diệt. Trận tiêu diệt, lớn và gọn nổi tiếng nhất là trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng.
Trận Bạch Đằng là một kiểu mẫu về sự chuẩn bị cẩn thận cho trận đánh của các nhà chỉ huy quân sự đời Trần. Đối với Trần Quốc Tuấn, chưa chuẩn bị đầy đủ, chưa chắc thắng thì chưa đánh. Có thể dẫn chứng cho điều đó bằng cuộc kéo quân trở lại Vạn Kiếp trong kháng chiến lần thứ hai năm 1285. Bấy giờ, Trần Quốc Tuấn định tiến hành một trận vụ hồi lớn đánh về Thăng Long, nhưng tình hình biến chuyển bất lợi, quân ta ở phía nam Thăng Long đã phải rút sau trận sông Đại Hoàng và quân Toa Đô đã tiến ra được Trường Yên (Ninh Bình) cho nên Quốc Tuấn đã không đánh trận đó nữa, kiên nhẫn tiếp tục cuộc rút lui (30) Qua trận Bạch Đằng và nhiều trận khác cũng như qua các cuộc rút lui hay phản công, chúng ta còn thấy tài năng chỉ huy cùa Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh đời Trần trong việc kết hợp khéo léo các binh chủng bộ binh và thủy quân. Như chúng ta đã biết, quân ta thạo thủy chiến; thủy quân Đại Việt đã có một kỹ thuật chiến đấu cao, có truyền thống từ những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trước thế kỷ XIII. Về mặt thủy quân thì địch lại yếu, các nhà chỉ huy quân sự đời Trần đã biết dựa vào sỏ trường của quân ta, đánh vào chỗ sở đoản của quân địch.
Đánh địch bằng cách đánh mà ta đã lựa chọn và không cho địch đánh theo cách đánh sở trường của chúng cũng là một đặc điểm của nghệ thuật quân sự đời Trần. Cách đánh địch của quân dân Trần thật là phong phú và rất sáng tạo, không gò bó vào các binh thư nước ngoài. Chẳng hạn, binh pháp Tôn Tử nói rằng: “giặc cùng chớ đuổi”, thì những trận quyết chiến chiến lược của quân ta để thu thắng lợi cuối cùng đều được thực hiện vào lúc quân thù tháo chạy. Trần Quốc Tuấn có học tập kinh nghiệm của Ngô Quyền, nhưng trận Bạch Đằng chống Nguyên vẫn rất khác trận Bạch Đằng chống Nam Hán. Ở đây có sự phát huy truyền thống cũ một cách sáng tạo.
Sáng tạo trong cách đánh là một yêu cầu cấp thiết. “Ông cha ta ngày trước đã có nhiều sáng tạo về cách đánh giặc. Không có sáng tạo đó, không thể giữ được nước, không thể giành được độc lập tự do. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải luôn luôn chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do, sự sống còn của mình cho nên có tinh thần tự vệ rất mạnh. Chính trên cơ sở của tinh thần tự vệ mạnh mẽ đó đã nảy sinh ra cách đánh giặc của người Việt Nam” ( ).
Một trong những “cách đánh giặc của người Việt Nam” là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Tư tưởng quân sự này được hoàn thiện với nhà chiến lược Nguyễn Trãi nhưng rõ ràng đã được đặt cơ sở từ nhà chiến lược Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn là người đã nhấn mạnh nguyên tắc “quân cần tinh, không cần nhiều” và “lấy đoản binh chống trường trận”. Nguyên tắc trên nói về chất lượng và nguyên tắc dưới nói về số lượng. Sự kết hợp hai nguyên tắc này nói lên rằng có thể lấy số lượng ít nhưng chất lượng cao của quân ta để chiến thắng quân địch có số lượng đông nhưng chất lượng kém. Kết luận này không chỉ đúng về mặt chiến lược mà ở từng trận đánh, trong trường hợp cụ thể cũng có thể lấy ít thắng nhiều, và theo Trần Quốc Tuấn, “đó là sự thường trong binh pháp”.
Đáng tiếc là những sách binh pháp của Trần Quốc Tuấn như Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư nay không còn nữa nên chúng ta không thể nghiên cứu một cách đầy đủ tư tưởng chiến lược chiến thuật của nhà quân sự thiên tài đó. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, Trần Quốc Tuấn đã có một tri thức quân sự uyên bác.
Ông đã nghiên cứu binh pháp trận đồ Trung Quốc, đã biết rất rõ những trận mà một cánh quân ít đánh tan một cánh quân rất lán, xa như trận Phì Thủy (năm 383) nổi tiếng, ở đây tướng Tấn đã đánh tan một trăm vạn quân của Bồ Kiên, gần như trận ở thành Điếu Ngư “nhỏ như cái đấu” (năm 1259), Vương Kiên đà đánh lui hàng vạn quân Mông Cổ. Trần Quốc Tuấn cùng đã nghiên cứu cuộc tiến công của Mông Cổ trên đất Trung Quốc. Mặt khác, ông đã tổng kết kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc trước thế kỷ XIII. Nhưng cần phải nói là tài năng quân sự của Trần Quốc Tuấn đã được tôi luyện trong thực tiễn của cuộc chiến tranh yêu nước chống xâm lược Mông Cổ. Chính nhờ có tính nhân dân, tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh đó mà những người lãnh đạo kháng chiến mới có thể sáng tạo, vận dụng và phát triến được một đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn. Đường lối đó góp phần vô cùng quan trọng trong việc dẫn cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Quân Mông Cổ còn nhanh chóng thất bại do một số khó khăn khác mà chúng gặp phải. Khí hậu nóng nực ở phương Nam cũng là một trở lực lớn đối với bọn xâm lược. Mưa dầm lụt lội làm ướt hết doanh trại cũng như các bệnh dịch thường xảy ra trong quân đội địch làm bọn chúng thêm lúng túng. Nhưng nhiều tài liệu thường đề cao quá tác dụng của khí hậu đối với sự thất bại của quân Mông Cổ. Thư tịch cũ thường chép rằng các cuộc rút lui của quân Mông Cổ là do không chịu được cái khí hậu uất nhiệt ở Đại Việt. Điều đó không hoàn toàn đúng vì trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân Mông Cổ chiếm Thăng Long vào tháng chạp âm lịch (tháng 1 dương lịch). Hoàn toàn không thể nói rằng khí hậu Đại Việt lúc đó đã nóng nực kinh khủng đối với đạo quân xâm lược Mông Cổ. Vả lại, bấy giờ, chiếm đa số trong đội quân xâm lược là người Thoán ở Vân Nam. Chỉ có lần kháng chiến thứ hai, quân Nguyên rút lui vào tháng năm âm lịch (tháng 6 dương lịch). Bấy giờ có thể nói là Đại Việt đã vào mùa nóng. Trong lần kháng chiến thứ ba, quân Mông Cổ rút lui vào cuối tháng hai đầu tháng ba âm lịch (đầu tháng 4 dương lịch), lúc đó chưa phải là lúc đã rất nóng. Trong hai lần này, trong đạo quân xâm lược cũng có rất nhiều quân ở miền Nam Trung Quốc, không phải không thể chịu được cái nóng ở Việt Nam. Vì thế, chúng ta thừa nhận có sự ảnh hưỏng ít nhiều của khí hậu đối với bọn xâm lược nhưng điều đó hoàn toàn không quá lớn như trong một số tài liệu. Sử liệu Nguyên để cao vai trò của khí hậu chỉ là muốn bào chữa cho sự thất bại nhục nhã của bọn xâm lược trước sức chiến đấu mãnh liệt của quân dân ta.
Một khó khăn khác có tác động đến cuộc hành binh của quân Mông Cổ là địa hình Việt Nam không thuận tiện cho ho.ạt động của kỵ binh. Quân Mông Cổ dựa vào sức ngựa có thể tiến ào ạt nhanh chóng. Sự vận động thần tốc đó thường uy hiếp được tinh thần của đối phương và chiếm được thế chủ động trong chiến tranh. Nhưng chiến trường Đại Việt không phải như những thảo nguyên miền Bắc. Đất nước Việt Nam với những sông ngòi chia cắt làm cho kỵ binh giặc khó phát huy được sở trường của mình. Quân Trần thường chặn đánh bọn chúng trên các khúc sông - đấy là những chiến lũy tự nhiên - để tiêu diệt chúng. Để tiến quân thuận lợi hơn, vua Nguyên đã chú ý đến thủy binh. Ngay trong cuộc xâm lược Nam Tống, bọn tướng lĩnh Mông Cổ đã nhận thấy cái sở đoản của mình. Tên Hán gian Lưu Chỉnh đã nói với viên tướng Mông Cổ là A-ju trước thành Tương Dương: “Quân kỵ binh tinh nhuệ của ta, đánh đâu thắng đó, duy thủy chiến không bằng Tống, đoạt được cái sở trường của họ, tạo chiến hạm, tập thủy quân thì việc sẽ xong ngay”. Nhưng cho đến sau khi diệt xong Tống, Mông Cổ vẫn không tổ chức được một đội thủy quân mạnh. Vua Nguyên đã buộc phải dùng thủy quân trong cuộc xâm lược Nhật Bản và Chiêm Thành nhưng cuối cùng đều thất bại. Thủy quân của giặc cũng đã bị thủy quân nhà Trần đánh tan trong nhiều trận. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng phải thấy rằng khó khăn của người Mông Cổ về quân kỵ và quân thủy không phải là điều chủ yếu làm cho bọn xâm lược thất bại vì như mọi người đều biết, quân Mông Cổ đã chiến thắng Nam Tống trong điều kiện tương tự.
Cuối cùng, cần nói đến một yếu tố khác góp phần vào sự thất bại của đế quốc Mông Cổ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó là sự lủng củng trong nội bộ bọn quý tộc thống trị Mông Cổ. Chẳng hạn sau khi Hốt Tất Liệt xưng đế, y đã phải tiến hành cuộc nội chiến chống lại em là A-ric Bu-ke và phải đình chỉ cuộc xâm lược Nam Tống. Mãi đến khi A-ric Bu-ke đầu hàng, y mới có thể thôn tính Nam Tống và uy hiếp Đại Việt. Nhưng từ đó cho đến khi chết, các tập đoàn thân vương đứng đầu là Khai-đu, Đu-oa vẫn tiếp tục chống lại, luôn luôn đem quân tấn công vào vùng phía bắc của đế quốc Nguyên, làm Hốt Tất Liệt không lúc nào yên, y phải tự cầm quân đánh lại bọn Khai-đu. Biên giới phía bắc là một mối lo thường xuyên của Hốt Tất Liệt. Chính vì thế, có lúc muốn nuốt tươi Đại Việt và Chiêm Thành, y vẫn không thể dồn hết lực lượng vào cuộc chiến tranh xâm lược được.
Những điều kiện trên đây có góp phần làm cho bọn xâm lược chóng thất bại và đẩy nhanh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thế kỷ XIII đến thắng lợi nhưng đều không phải là nguyên nhân chủ yếu. Điều chủ yếu quyêt định thắng lợi chính là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của toàn dân trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Chính trên cơ sở tính nhân dân của cuộc kháng chiến mà những người lãnh đạo kháng chiến đã áp dụng và phát triển được một đường lối chiến lược chiến thuật đúng đắn, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, làm cho quân thù cuối cùng, thất bại thảm hại.
Ở đây, chúng ta không thể không đánh giá cao vai trò của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nhà chỉ huy tài kiêm văn vũ ( ) đó quả là đã có công lớn trong cuộc kháng chiến. Vào giờ phút lâm nguy của Tổ quốc, ông đã vì nước quên thù riêng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong hàng ngũ quý tộc, tướng lĩnh. Chúng ta thấy lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc của ông thấm qua từng dòng của Hịch tướng sĩ: “... Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt, nằm da, nuốt gan, uống máu quân thù, tuy trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta học trong da ngựa củng nguyện xin làm”. Những lời kêu gọi tha thiết của ông trong bài hịch đã khích động ý chí chiến đấu và lòng căm thù giặc trong toàn quân. Chính nhà quân sự thiên tài ấy là người đã xây dựng rèn luyện một đội quân có tinh thần cao, kỹ thuật giỏi trong chiến đấu và đào tạo được nhiều tướng lĩnh xuất sắc. Các tướng tá đó đã biết vận dụng tài tình các chiến lược chiến thuật như người chủ tướng của mình. Điều đó biểu hiện tính thống nhất trong quân đội Trần, và hẳn là phải kể đến tác dụng giáo dục của các sách binh pháp của Trần Quốc Tuấn.
Trần Quốc Tuấn cũng là người đã đánh giá đúng đắn vai trò của nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chính ông đã nổi rằng thời Đinh - Lê, chúng ta chiến thắng được ngoại xâm là vì “lòng dân không ly tán”, và chúng ta chiến thắng được giặc Mông Cổ là vì “cả nước ra sức”, chính ông là người đã có cái tư tưởng tuyệt vời: “Phải nới sức dân, làm kế rễ sâu gốc vững, ấy là thượng sách giữ nước”. Trong những trang sử ngòi sáng quang vinh chiến thắng của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIII, mãi mãi chói lọi tên tuổi của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Chiến thắng của quân dân Việt Nam thế kỷ thứ XIII chẳng những bảo vệ được đất nước mà còn phá tan được âm mưu lập căn cứ để xâm lược các nước phương Nam của đế quốc Mông Cổ. Tuy về sau Hốt Tất Liệt có đem binh thuyền tấn công In-đô-nê-xi-a nhưng cuối cùng đã thất bại vì phải kéo quân từ xa đến, không có tiếp viện ở một căn cứ gần, thủy quân lại yếu. Nếu chiếm được Việt Nam - Đại Việt và Chiêm Thành, Hốt Tất Liệt sẽ có nhiều thuận lợi trong việc xâm chiếm In-đô-nê-xi-a và các nước khác. Vì thế, chiến thắng của nhân dân ta thê kỷ XIII còn có một ý nghĩa quốc tế lớn. Máu người Chiêm và người Việt đã đổ xuống vì quê hương của mình, nhưng khách quan đã góp phần vào việc ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông xuống Đông Nam A.
Chiến thắng ngoại xâm thế kỷ XIII để lại cho chúng ta một bài học lớn. Đó là một khi nhân dân đã đoàn kết thành một khôĩ quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước thân yêu của mình thì có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào, dù kẻ thù đó lớn mạnh gấp mấy lần.
“Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhò lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cưóp nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy trong những ngày kháng chiến chống Pháp trước đây. Cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất đã thắng lợi. Nhưng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, câu nói đó vẫn hoàn toàn đúng. Bảy trăm năm trước, dân tộc Việt Nam đã quật ngã bọn xâm lược Mông Cổ, một kẻ thù mạnh và tàn bạo nhất trên thế giới bấy giờ. Giờ đây nhân dân Việt Nam lại đang chiến đấu và chiến thắng một tên cướp thế giới hung hãn khác là đế quốc Mỹ. Chúng ta tin tưởng rằng cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớnị nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”./.
-----------------------
Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii - Hà Văn Tấn- Phạm Thị Tâm Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii