We don’t believe in rheumatism and true love until after the first attack.

Marie E. Eschenbach

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Hữu Mạnh
Upload bìa: Hiroshi Kobayashi
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5847 / 325
Cập nhật: 2015-05-15 10:53:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Thời Ký Đấu Tranh Ngoại Giao 1258-1284
"... Sứ giặc đi lại ngoài đường...
thác mệnh Hốt Tất Liệt
mà đòi ngọc lụa...” (Hịch tướng sĩ)
Trần Quốc Tuấn
Thăng Long giải phóng. Những ngày thanh bình trở lại trên đất nước. Dân nghèo và nô tỳ theo vương hầu đi khai hoang. Những người thợ nề xây chùa Phổ Minh. Nhà sử học Lê Văn Hưu cặm cụi hoàn thành bộ sử của mình và Hàn Thuyên làm thơ nôm đuổi cá sấu ở sông Hồng.
Nhưng không phải chỉ như vậy, từ 1258-1284 còn là thời kỳ những sứ bộ Mông Cổ phóng ngựa vào cửa kinh thành và những đoàn thuyền chiến tiến lên tập trận ở sông Bạch Hạc. Đó là thời kỳ của một cuộc đấu tranh ngoại giao quyết liệt giữa vương triều Trần và bọn phong kiến Mông Cổ, thời kỳ của căm hờn, nhẫn nhục và kiên quyết.
Nước Việt nhỏ bé ỏ phương Nam này dám đương đầu với đế quốc Mông Cổ hùng mạnh đang chiến thắng khắp nơi trên thế giới, không phải không gặp nhiều khó khăn. Vì thế, vương triều Trần phải áp dụng một chính sách ngoại giao hết sức khôn khéo trong những ngày hòa bình này. Đó là đường lối ngoại giao vừa mềm dẻo vừa cương quyết. Phải mềm dẻo có thể có nhân nhượng với kẻ thù, để tránh được binh đao khi còn có thể tránh và có thì giờ chuẩn bị lực lượng, nhưng phải cương quyết, giữ vững nguyên tắc không để mất chủ quyền và tổn hại quốc thể. Dựa vào thực lực của quốc gia, của toàn dân, nhà Trần đã đối phó với bọn phong kiến Mông Cổ một cách linh hoạt. Cuộc bang giao Việt - Mông trong hơn hai mươi lăm năm trời quả là một cuộc đấu tranh vô cùng gay go phức tạp.
Năm 1258, ngay khi vừa bị đuổi chạy dài về đến Vân Nam, U-ry-ang-kha-đai đã sai ngay hai sứ sang dụ vua Thái Tông vào chầu. Căm phẫn vì thấy kinh đô Thăng Long bị tàn phá, Thái Tông với khí thế của người chiến thắng, đã sai trói hai sứ lại, đuổi về ( ). Đồng thời, vua Trần vẫn cho sứ sang Nam Tống cống voi và nói ý định truyền ngôi cho con ( ). Ngày 30 tháng 3 năm 1258 (24 tháng hai năm Mậu Ngọ), Thái tử Hoảng lên ngôi tức Trần Thánh Tông ( ). Lúc này, một phần vì sứ Mông Cổ nhiều lần sách nhiễu, một phần vì nhà Trần đã suy xét về thực lực của Mông Cổ và của Tống nên đã quyết định đặt quan hệ với Mông Cổ. Lê Phụ Trần - ngưòi tướng tài dũng cảm ở trận Bình Lệ Nguyên, lần này lại là một nhà ngoại giao. Ông cầm đầu sứ bộ, Chu Bác Lâm làm phó, tiến vào đất địch. Từ Vân Nam, U-ry-ang-kha-đai đã dẫn họ đến gặp chúa Mông Cổ là Mông-ke bấy giờ ở vùng Thiểm Tây, đang tiến quân đánh Nam Tống. Sứ bộ này đã đi đến thoả thuận là định lệ ba năm cống một lần ( ).
Chúa Mông Cổ liền sai Nu-rut-Đin (Nur-ud-Dĩn) ( ), một tín đồ Hồi giáo, đưa thư sang Đại Việt. Nội dung bức thư như sau: “Trước ta sai sứ thông hiếu, các ngươi giữ lại không cho về, vì thế mới có việc xuất quân năm ngoái, làm cho chúa nước ngươi phải chạy ra nơi thảo dã. Ta lại sai hai sứ đến chiêu an, các ngươi lại trói đuổi sứ của ta. Nay đặc sai sứ sang dụ rõ ràng: nếu các ngươi thật lòng nội phụ thì quốc chủ phải thân đến, nhược bằng còn không sửa lỗi thì nói rõ cho ta biết”. Trước những lời đe dọa đó, Trần Thái Tông vẫn không sang chầu, chỉ trả lời một cách khôn khéo: “Nước nhỏ thành tâm thờ bề trên thì nước lớn đối đãi lại như thế nào?” ( ).
Nu-rut-đin trở về Vân Nam, U-ry-ang-kha-đai liền nói lại với tên thân vương Mông Cổ trấn giữ Vân Nam bây giờ là Bu-kha (Buqa) ( ). Thấy Thái Tông không chịu vào chầu, Bu-kha lại sai Nu-rut-Đin sang Đại Việt lần nữa. Vua Trần đã lựa lời lảng tránh: “Đợi đức âm ban xuống sẽ lập tức sai con em sang làm con tin”. Bu-kha sai Nu-rut-đin trở về tâu với hãn Mông-ke ( ).
Bấy giờ Mông-ke đang tiến quân vào vùng Tứ Xuyên của Trung Quốc. Năm 1259, Mông-ke đem quân vây Hợp Châu (tức Hợp Xuyên, Tứ Xuyên). Tướng Tống là Vương Kiên đã đoàn kết quân dân, giữ vững tòa thành nhỏ trên núi Điếu Ngư, anh dũng chống cự với giặc trong suốt năm tháng ròng. Ngày 11 tháng tám năm 1259, Mông-ke trúng đạn chết ( ). Hàng vạn quân Mông cổ đã thất bại nặng nể phải rút đi trước “thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu” này ( ).
Mông-ke chết, em Hốt Tất Liệt là A-ric Bu-ke (Arĩq-Bùkă) ( ) chiếm quốc đô Mông Cổ Kha Ra Khô Rum (Qa-raqorum) tranh ngôi hãn. Nghe tin đó, Hốt Tất Liệt vội vàng ngừng cuộc tấn công Ngạc Châu, rút quân về Bắc. Năm 1260, Hốt Tất Liệt đã không triệu tập Khu Rin Tai (Quriltai, tức đại hội quý tộc), phá bỏ truyền thống cũ của chê độ tuyển cử Mông Cổ, tự xưng là đại hãn ở Khai Bình (sau đổi là Thượng Đô, ở phía đông nam Dolon-nor khu tự trị Nội Mông ngày nay) tiến hành cuộc chiến tranh chống A-ric Bu-ke.
Cuộc nội chiến đó đã khiến Hốt Tất Liệt phải tạm ngừng việc tấn công xâm lược Nam Tống và đối xử nhân nhượng hơn với Đại Việt.
Ngày mồng 5 tháng 1 năm 1261, Hốt Tất Liệt sai Mạnh Giáp và Lý Văn Tuấn mang chiếu thư sang Đại Việt. Trong chiếu thư có đoạn: “... Mới rồi thú thần nước Đại Lý là an phủ Nê-ji-mut-Đin (Nejm ud-Dìn) chạy trạm dâng biểu nói cho ta biết nước ngươi thực lòng hướng phong mộ nghĩa. Lại nghĩ trước kia vào thời tiên triều, khanh đã từng thần phục, từ nơi xa cống dâng phương vật, cho nên nay ban chiếu chỉ, sai lễ bộ lang trung Mạnh Giáp sung chức An Nam tuyên dụ sứ và lễ bộ viên ngoại lang Lý Văn Tuấn sung chức phó sứ sang hiểu dụ cho quan liêu sĩ thứ nước ngươi biết rõ: phàm áo mũ, điển lễ phong tục, cứ theo chê độ cũ của nước mình, không phải thay đổi. Như nước Cao Ly mới rồi sai sứ sang xin, hiện đã xuống chiếu cho hết thảy y theo lệ ấy. Ta đã cấm các biên tướng ở vùng tỉnh Vân Nam không được tự tiện đem quân xâm phạm bờ cõi nước ngươi, quấy rối nhân dân nước ngươi. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi hãy cứ yên ổn làm ăn như cũ...” ( )
Đấy là những lời lừa phỉnh giảo quyệt của Hốt Tất Liệt, vì bấy giờ, y đang dốc tất cả quân lực vào cuộc chiến tranh chống A-ric Bu-ke ở Mông Cổ, U-ry-ang-kha-đai cũng trở về Bắc tham gia cuộc nội chiến đó ( ), làm sao còn có thể “tự tiện đem quân xâm lược bò cõi” “quấy rối nhân dân” được. Tất nhiên nhà Trần không bao giờ tin vào những điều dối trá đó mà vẫn lo tăng cường củng cố lực lượng quân sự của mình. Từ tháng 3 năm 1261, đinh tráng ở khắp các lộ được tuyển lựa để bổ sung vào quân ngũ. Ổ các phủ, lộ, huyện củng thành lập các phong đội, tức các đội quân địa phương ( ).
Nhưng mặt khác, triều đình Trần vẫn lợi dụng tờ chiếu của Hốt Tất Liệt để đấu tranh với Mông Cổ nhằm bảo vệ chủ quyền, quốc thể, vạch trần bộ mặt giả dối và âm mưu xâm lược của bọn chúng. Khi Mạnh Giáp và Lý Văn Tuấn trở về, Trần Thái Tông sai thông thị đại phu Trần Phụng Công, chư vệ ký ban Nguyễn Thám và viên ngoại lang Nguyễn Diễn sang thông hiếu xin ba năm công một lần. Hốt Tất Liệt phong cho Trần Thái Tông là An Nam quốc vương ( ). Ngày 19 tháng 8 năm 1261, vua Mông Cổ sai Na-xi-rut-Đin (Nãsir ud-Dĩn) và Mạnh Giáp đi sứ Đại Việt ( ).
Như vậy là trên danh nghĩa từ đây Đại Việt đã thần phục Mông Cổ. Bọn phong kiến Mông Cổ càng muốn biến Đại Việt thành một thuộc quốc của chúng mà không cần dùng đến tên cứng và ngựa mạnh. Hốt Tất Liệt yêu sách vua Trần phải tăng cống phú và đặc biệt là đòi phải để cho Mông Cổ đặt chức đa-ru-ga-tri (daruyaci) ở Đại Việt. Đa-ru-ga-tri là chức quan thống trị mà đế quốc Mông Cổ đặt ở các nước bị chiếm để kiểm soát mọi công việc của nước đó.
Tháng 10 năm 1262, Hốt Tất Liệt gửi chiếu thư cho vua Trần: “Khanh đã gửi đồ lễ xin làm bề tôi, vậy bắt đầu từ năm Trung Thống thứ 4 (1263), cứ ba năm cống một lần, hãy chọn nho sĩ, thầy thuốc, ngưòi giỏi âm dương bói toán, các loại thợ, mỗi thứ ba người, cùng dầu tô hợp, quang hương, vàng bạc, châu sa, trầm hương, đàn hương, sừng tê, đồi mồi, trân châu, ngà voi, vải trắng, chén sứ đem cả đến một lúc. Ta vẫn cử Nu-rut-Đin (Nur ud-Din) làm Đa-ru-ga-tri, đeo hổ phù đi lại trong nước An Nam ( ).
Tháng 12 năm 1262, một sứ bộ mười người do Ma-hơ-mut (Mahmud) tín đồ Hồi giáo cầm đầu lại đến Thăng Long hạch sách về lễ khánh hạ ( ).
Như vậy là bọn thống trị Mông Cổ càng ngày càng lấn tới. Chúng muốn vơ vét đồ cống phú nhiều hơn, đồng thời chúng tưởng rằng với một tên Đa-ru-ga-tri đeo hổ phù nghênh ngang hoành hành trên đất nước Đại Việt là có thể khuất phục được vương triều Trần, nô dịch được nhân dân ta.
Không, những mưu toan đó của Hốt Tất Liệt không thể nào làm nhà Trần và nhân dân Đại Việt khuất phục. Từ tháng 3 năm Nhâm Tuất (22-3 - 19-4-1262), vua Trần đã ra lệnh cho các lộ chế tạo vũ khí và chiến thuyền. Các đội quân thủy lục được lệnh tập trận ở bãi phù sa sông Bạch Hạc. Năm 1263, Trần Thủ Độ lại đi tuần ở vùng Lạng Sơn ( ).
Tất cả những việc đó nói lên rằng nhà Trần không hề xao lãng việc chuẩn bị lực lượng phòng thủ và chiến đấu của mình. Nhưng bên ngoài, nhà Trần đã đối phó với bọn phong kiến Mông Cổ hết sức khéo léo. Đứng trước những việc o ép, sách nhiễu ngày càng tăng của chúng, nhà Trần tuy có nhân nhượng hơn ở một số điểm nhưng đồng thời lại kiên quyết không chịu nhượng bộ ở một số điểm khác, về mặt cống phú, vua Trần vẫn sai sứ mang lễ vật nộp đều đặn ba năm một lần, có khi chưa đến kỳ nhưng gặp dịp “tạ ơn" hãn Mông Cổ gì đó thì vua Trần cũng cho đưa cống phẩm sang ( ). Nhưng còn việc chúa Mông Cổ đòi các loại người thì nhà Trần nhất định không chịu nộp và năm 1267, vua Thái Tông đã sai Dương An Dưỡng đem biểu sang xin miễn ( ).
Mặt khác, vương triều Trần tạm để cho Mông Cổ đặt chức Đa-ru-ga-tri ở Đại Việt nhưng đồng thời đã tìm mọi cách ngăn trở khiến cho viên quan này không làm được nhiệm vụ của y, không thực hiện được âm mưu của bọn thống trị Mông Cổ.Trên thực tế, Nu-rut-Đin (Nur ud-Din) tên Đa-ru-ga-tri đầu tiên này chỉ như một sứ giả của Mông Cổ. Nu-rut-Đin sang Đại Việt năm 1262 nhưng đến tháng 12 năm 1263 y đã về nước ( ). Mãi đến tháng 3 năm 1266, Nu-rut-Đin mới trở lại Đại Việt ( ). Như vậy là trong một thời gian dài, tên Đa-ru-ga-tri này không có mặt ở nước ta. Hẳn nhà Trần đã khống chế Nu-rut-Đin bằng nhiều biện pháp làm cho y không thể “đi lại trong nước An Nam” ( ), dò xét tình hình. Để giữ bí mật, vua Trần đã ra lệnh cấm nhân dân không được nói chuyện với những người Hồi Hột (Uigur) ( ) đang ở trên đất nước ta vì trong số họ có thể có những tên gián điệp Mông Cổ hoặc vì họ dễ tiết lộ tình hình nước ta với bọn sứ thần hay Đa-ru-ga-tri Mông Cổ. Như vậy là những nguồn tin tức đến với Nu-rut-Đin đã bị cắt. Chính vì thế mà Hốt Tất Liệt đã giận dữ và đe dọa:
Lại ngay trong tờ tâu thường có câu “một nhà”. Ngay nghe Nu-rut-Đin (Nậu Lạt Đinh) nói ở đấy có lệnh cấm người Hồi Hột, không để cho giao đàm. Nếu quả như lời, thì cái nghĩa “một nhà” có lẽ nào như thế? Nghĩa vua tôi, thực như nghĩa cha con, có lẽ nào tôi, con mà lại trái vua, cha ư? Trẫm nếu không nói thì lại là đối đãi với ngươi không lấy thành thực. Ngươi nên nghĩ cho chín để toàn được thủy chung” ( ).
Mặc cho tên vua Mông Cổ muốn nói gì thì nói, vương triều Trần vẫn giữ vững đường lối của mình. Chẳng những tìm cách ngăn trở Nu-rut-Đin dò xét tình hình, nhà Trần còn dùng tiền bạc của cải mua chuộc tên Đa-ru-ga-tri người Hồi giáo này như đã mua chuộc những viên quan Hồi giáo khác ở Vân Nam ( ) khiến cho Nu-rut-Đin không thể chi phối được triều đình Trần. Chính vì thế mà nhà Trần đã yêu cầu vua Mông Cổ cho y làm Đa-ru-ga-tri dài hạn ( ). Nhưng trước sự bất lực của Nu-rut-Đin, năm 1268, Hốt Tất Liệt đã cử một tên Mông Cổ khác là Khu-rung Kha-y-a (Qurung - Qaya)( ) sang thay vì sợ Nu-rut-Đin “thông tình” với Đại Việt ( ).
Việc thay Nu-rut-Đin còn chứng tỏ rằng chính sách ngoại giao của Mông Cổ đối với Đại Việt đã thay đổi. Bấy giờ, tình hình nội bộ Mông Cổ đã tương đối ổn định. Năm 1264, A-ric Bu-ke (Aruq-Buka) đầu hàng Hốt Tất Liệt. Cùng năm đó, Hốt Tất Liệt dời đô về Yên Kinh, đô thành nổi tiếng mà người Mông Cổ gọi là Khan-ba-lic (Qanbalig, về sau đổi là Đại đô, tức Bắc Kinh ngày nay). Năm 1267, A-ju (Aju), con trai U-ry-ang-kha-đai (Uriyangqadai), viên bại tướng ở thành Thăng Long mười năm trước, nay lại chỉ huy bảy vạn quân, tấn công vào Tương Dương, mở đầu kế hoạch tiếp tục xâm lược Nam Tống của Hốt Tất Liệt. Đó cũng là lúc tên chúa Mông Cổ muốn tiến hơn một bước trong âm mưu nô dịch Đại Việt. Ngày 13 tháng 10 năm 1267 (ngày Mậu Thân (24), tháng 9, Chí Nguyên 4) Hốt Tất Liệt vừa mới chấp nhận ba đạo biểu của sứ thần Đại Việt Dương An Dưỡng thì hai ngày sau, ngày 15 tháng 10 (ngày Canh Tuất (26)), y đã ra một tờ chiếu khác, đòi Đại Việt phải thực hiện sáu việc:
1. Quân trưởng phải vào chầu.
2. Con em phải sang làm con tin.
3. Kê biên dân số.
4. Phải chịu quân dịch.
5. Phải nộp phú thuế.
6. Vẫn đặt chức Đa-ru-ga-tri để thống trị.
Đây là giọng xảo quyệt của Hốt Tất Liệt trong tờ chiếu của y:
"Theo thánh chế của đức hoàng đế Thái Tổ (tức Cing-gis-qan, Thành Cát Tư Hãn - T.G.) thì phàm những nước quy phụ, quân trưởng phải thân vào chầu, con em phải làm con tin, lại phải kê dân số, chịu quân dịch, nộp thuế má, mà vẫn đặt quan Đa-ru-ga-tri (Đạt Lỗ Hoa Xích) để thống trị. Mấy việc ấy là để tò lòng thành thực thần phục. Khanh sai tiến cống không trái kỳ hạn ba năm, đủ tỏ lòng thành, cho nên ta lấy điển lệ của tổ tông ta đã định mà nhắc bảo, cũng là lấy lòng thành thực mà hiểu dụ. Vả lại quân trưởng sang chầu, con em làm con tin, lập sổ dân, định ngạch thuế, xuất quân giúp nhau, từ xưa cũng có, nào phải bây giờ mối đặt ra lệ ấy đâu?... Khanh làm được đủ các điều đó, trẫm còn phải nói gì?” ( ).
Nhưng vua Trần làm sao có thể thừa nhận sáu điều đó được vì nếu như thế thì Đại Việt sẽ trở thành một thuộc quốc chịu sự thống trị trực tiếp của Mông Cổ, không còn một chút chủ quyển nào. Chính vì thế mà trong hơn mười lăm năm trời, vương triều Trần đã tìm mọi cách để không thực hiện những điểu đó.
Tháng 11 năm Chí Nguyên 4 (18-11 - 16-12-1267), Hốt Tất Liệt lại đòi nhà Trần phải đem nộp những thương nhân người Hồi Hột. Y mượn cớ là để biết tình hình Tây Vực ( ). Nhưng đấy chỉ là một sự dối trá, vì Tây Vực (vùng Trung và Tây Á) bấy gíờ đã nằm trong bản đồ của đế quốc Mông Cổ và người Hồi Hột có phải chỉ có ở Đại Việt thôi đâu. Trong vùng kiểm soát của Mông Cổ, thương nhân Hồi Hột càng nhiểu hơn.. Âm mưu của Hốt Tất Liệt chính là ở chỗ qua những lái buôn Hồi Hột này mà dò xét tình hình Đại Việt. Chính vì thế mà y đã tức tối khi nghe tin vua Trần cấm nhân dân không được giao dịch với người Hồi Hột.
Năm 1267, Hốt Tất Liệt lại phong cho con là Hu-ghê-tri (Hugaci) ( ) làm Vân Nam vương, đem quân xuống đóng ở Vân Nam. Đội quân của Hu-ghê-tri có nhiệm vụ khống chế các dân tộc thiểu số vùng Vân Nam đồng thòi làm áp lực quân sự đối với Đại Việt ( ).
Cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù, vương triều Trần đã ra sức tăng cường lực lượng vũ trang. Dọc biên giới, ven biển đều có lục quân thủy quân canh giữ. Luôn luôn báo về triều động tĩnh của quân Mông Cổ. Năm 1266, thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới được tin quân Mông Cổ chuẩn bị xâm lược. Vì thế, năm 1267, nhà Trần đã định lại quân ngũ, mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người, chọn những ngưòi tôn thất giỏi vũ nghệ và binh pháp làm tướng. Lực lượng vũ trang này cũng là một trong những chỗ dựa cho chính sách ngoại giao kiên quyết của triều đình Trần.
Năm 1268, Khu-rung Kha-y-a (Qurung - Qaya) được cử làm Đa-ru-ga-tri thay Nu-rut-Đin, Trương Đình Trân làm phó, sang Đại Việt, mang chiếu thư của Hốt Tất Liệt lần nữa đòi lái buôn Hồi Hột (Uigur) ( ). Nhưng Trần Thái Tông đã không chịu. Trong thư gửi Hốt Tất Liệt tháng 12 năm 1269, Thái Tông nói: “Lái buôn Hồi Hột một người tên là I Ôn đã chết lâu ngày, một người tên Bà Bà vừa bị bệnh chết” ( ). Không hẳn những người Hồi Hột đã chết ở Đại Việt, rõ ràng là vua Trần đã nhìn thấy âm mưu do thám của bọn thống trị Mông Cổ.
Cho đến đó, chẳng những vua Trần không chịu nộp các loại người (thợ, thầy thuốc...) mà ngay việc nộp cống vật cho Mông Cổ cũng cố ý trì hoãn, thoái thác. Trong bức thư nảm 1269, Thái Tông đã xin hoãn việc cống voi: "Theo lời Khu-rung Kha-y-a, bệ hạ muốn đòi mấy con voi lớn. Loài thú ấy thân thể to lắm, bước đi rất chậm chạp, không như ngựa của thượng quốc. Xin tuân sắc chỉ, đợi đến năm tiến cống sau sẽ đem dâng” ( ). Năm 1271, Mông Cổ lại nhắc việc đòi voi và đồ cống thì nàm 1272, vua Trần đã trả lời:"... Sứ đến nói việc đòi voi, trước vì sợ trái chỉ nên không dám nói thẳng là theo hay không theo chứ thật ra vì tượng nô không chịu rời nhà, khó sai họ đi, còn việc đòi nho sĩ thầy thuốc và thợ thì khi bồi thần nước tôi là bọn Lê Trọng Đà vào bệ kiến, gẩn uy quang trong gang tấc cũng không nghe chiếu dụ gì đến việc ấy. Huống chi từ năm Trung Thống thứ 4 (1263) ( ) đã được đội ơn tha cho, nay lại nhắc đến, xiết nỗi kinh ngạc...” ( )
Về mặt nghi lễ ngoại giao đối với Mông cổ, vua Trần đã hết sức khôn khéo đấu tranh để giữ được quốc thể. Không bao giờ Thái Tông chịu lạy chiếu thư của Hốt Tất Liệt. Khi Trương Đình Trân đến Thăng Long, Trần Thái Tông đã đứng nhận chiếu của vua Mông Cổ mà không lạy. Tên Hán gian đó còn căm tức vì vương triều Trần vẫn kết thân với nhà Tống nên hắn đã lên giọng dọa nạt: Nhà vua vẫn hòa mục với Tống, tưởng được cứu viện lúc gấp, nay trăm vạn quân đang vây kín ở Tương Dương, chim bay cũng không có lối, chỉ sớm tối là hạ thành, dồn quân qua sông, lật đổ kinh đô nước ấy dễ như bẻ cành khô, thế mà nhà vua còn dựa vào nơi bờ bể,cậy là môi với răng, tự tôn tự đại. Nếu tâu lên hoàng đế (vua Mông Cổ - T.G.), oai trời khẽ động, thì chẳng cần gọi đến quân Trung Quốc ở xa, mà mưòi vạn quân Vân Nam, hơn tháng là đến, sẽ biến vương miếu thành gò hoang, vương đình thành bãi cỏ, chẳng khó khăn gì...”( ). Trương Đình Trân còn hống hách, đòi vua Trần phải tiếp đãi hắn theo lễ đối với tước vương. Thái Tông đã trả lời cứng cỏi: “Thánh Thiên tử thương tôi nhưng sứ giả đến nhiều người vô lễ. Ông là quan triều liệt ( ) còn tôi là vua, mà cũng ngang lễ với nhau, từ cổ có điều đó không?”. Thái Tông còn vặn Đình Trân: “Đã xưng là nước lớn sao lại còn đòi tê tượng” ( ). Trước thái độ láo xược của Đình Trân, vua Trần đã sai vệ binh tuốt gươm trần đứng vây quanh để thị uy và sau đó, gần như là giam lỏng hắn ( ). Cái lễ vương nhân mà hắn muốn như thế đấy!
Kiên quyết giữ gìn quốc thể, vị Hoàng đế Đại Việt còn biết lợi dụng điển lễ Mông Cổ và chiếu thư của Hốt Tất Liệt để đấu tranh vói bọn phong kiến Mông cổ. Năm 1271, trung thư tỉnh Mông Cổ gửi điệp cho vua Trần, dẫn nghĩa sách Xuân thu để trách việc nhận chiếu không lạy và tiếp sứ không theo lễ vương nhân ( ). Năm 1272, trong thư trả lời, Thái Tông đã nói: “Nước tôi thờ phụng Thiên triều đã được phong tước vương, há không phải là vương nhân hay sao? Sứ Thiên triều đến lại xưng là vương nhân, nếu đãi ngang lễ thì sợ nhục triều đình. Huống chi nước tôi trước đã nhận được chiếu bảo cứ theo tục cũ (chiếu chỉ Hốt Tất Liệt năm 1261 -T.G.). Phàm nhận chiếu cứ để yên nơi chính điện còn mình thì lui tránh ở nhà riêng, đó là điển lễ cũ của nước tôi...”.( )
Từ năm 1271, Hốt Tất Liệt tiến thêm một bước trong việc củng cố địa vị thống trị của Mông Cổ ở Trung Quốc, đặt quốc hiệu là Nguyên. Nhân dịp đó, để thị uy, vua Nguyên đã cho sứ sang đòi vua Trần vào chầu.Thái Tông từ chối là có bệnh, không đi ( ).
Năm 1272, vừa muốn điều tra địa thế, vừa muốn kiếm cớ hạch sách, Hốt Tất Liệt sai U-ry-ang (Uriyang) ( ) sang hỏi cột đồng Mã Viện. Vua Trần cũng cho viên ngoại lang Lê Kính Phu cùng hắn đi tìm. Nhưng chắc hẳn nhà Trần đã mua chuộc hắn, Lê Kính Phu chỉ đưa hắn đi hỏi han qua loa ỏ một vài nơi và không đến những địa điểm quan trọng bí mật về quân sự... Sau đó, nhà Trần đã trả lời rằng cột đồng Mã Viện dựng lâu ngày nay đã mai một không còn dấu vết ( ). Năm đó, Đồng Tử Dã và Đỗ Mộc được lệnh sang sứ Nguyên ( ). Vua Mông Cổ đã sai Y-ê-si-nê (Yasina) làm Đa-ru-ga-tri thay Khu-rung Kha-y-a. Lý Nguyên làm phó. Năm sau, 1273, Y-ê-si-nê chết, Lý Nguyên thay làm Đa-ru-ga-tri và Kha-xa Kha-y-a (Qasar - Qaya) làm phó ( ).
Năm 1273 là năm thành Tương Dương, sau sáu năm trời kiên trì chiến đấu, không được triều đình.Nam Tống chi viện, đã thất thủ. Bọn xâm lược Mông Cổ dốc toàn binh lực, vượt sông Trường Giang, tiến sang một bước mới trong kế hoạch tiêu diệt Nam Tống. Năm 1274, Hốt Tất Liệt đã sai tướng đem binh thuyền đánh Nhật Bản. Trong tình hình đó, những tên Đa-ru-ga-tri Mông Cổ đến Đại Việt đã hoạt động ráo riết, hòng uy hiếp vương triều Trần, thực hiện âm mưu nô dịch của chúng.
Trung thư tỉnh nhà Nguyên lại đưa thư trách cứ, vặn lý về việc không lạy chiếu: “... Trong khoảng trời đất có hàng muôn nước mà mỗi nước có một phong tục riêng, nếu bắt thay đổi ngay có điều không tiện, nên cho phép được dùng phong tục bản quốc, nhưng có lễ tục nào lại nhận chiếu của Thiên tử mà không lạy?...” ( ).
Vương triều Trần đã đấu tranh để chống lại các yêu sách của vua Nguyên và đặc biệt là chống lại việc đặt Đa-ru-ga-tri một cách mạnh mẽ hơn trước.
Trong thư gửi vua Nguyên tháng 2 năm 1275, Thái Tông đã viết: "... Hơn mười năm nay, tuy ba năm cống một lần, nhưng sai phái sứ thần đi lại mệt mỏi, chưa hề được nghỉ ngơi lấy một ngày. Còn như Đa-ru-ga-tri (Đạt Lỗ Hoa Xích) Thiên triều sai đến đất nước chúng tôi sao có thể về không, phương chi những kẻ sai đến, động tí gì là cậy thế chèn ép nước nhỏ... vả lại Đa-ru-ga-tri chỉ nên đặt ở các vùng man di ngoài biên giới, còn tôi đã được phong vương, làm phên giậu một phương mà còn đặt Đa-ru-ga-tri để giám sát, há không bị các nước chư hầu cười cho hay sao. Sợ giám sát mà nộp công sao bằng trong lòng vui phục mà nộp công!.. Tất cả quan lại thiên triều sai đến, xin đổi làm dẫn tiến sứ để tránh được cái tệ Đa-ru-ga-tri... ( ). Chẳng những đòi bỏ Đa-ru-ga-tri mà vương triều Trần còn đòi cứ một lần nộp cống ở trung nguyên, một lần nộp cống ở Thiện Xiển (Côn Minh ngày nay) ( ).
Hốt Tất Liệt đã cự tuyệt những yêu cầu của vua Trần. Lúc này, bọn xâm lược Mông Cổ đang ồ ạt tấn công vào đất Tống. Năm 1275, mười ba vạn quân của tên thừa tướng hèn nhát nhà Tống là Giả Tự Đạo tan tác ở Vu Hồ chỉ trong một ngày. Ngạc Châu, Thường Châu, Kiến Khang (Nam Kinh) lần lượt bị tàn phá dưới vó ngựa Mông Cổ. Kinh đô Tống là Lâm An bị uy hiếp. Tống Thái hậu khóc mà xuống chiếu cần vương. Uy lực của Mông Cổ đã rất lớn trên đất Trung Quốc. Vì thế, tuy dốc tâm vào cuộc chiến tranh thôn tính Nam Tống, Hốt Tất Liệt vẫn không chịu nới lỏng miếng mồi Đại Việt. Vua Trần gửi thư vào tháng 2 năm 1275, thì tháng 3, Hốt Tất Liệt đã gửi chiếu thư yêu sách sáu việc cũ và cử Kha-xa Kha-y-a làm Đa-ru-ga-tri ( ). Y dùng những lời xảo trá hòng lừa bịp vua Trần.
“Theo chế độ tổ tông ta đã định, phàm nước nội phụ thì quân trưởng phải thân vào chầu, con em phải làm con tin, lại phải kê 80 hộ khẩu, thu nộp thuế má, điều động dân giúp việc binh, lại đặt chức Đa-ru-ga-tri để thống trị. Sáu việc đó, năm trước đã dụ cho khanh biết rồi. Thế mà quy phụ đã hơn mười lăm năm, quân trưởng chưa hề thân đến triều cận, mấy việc kia vẫn chưa thi hành, tuy ba năm có cống một lần, nhưng đồ cống cũng đều vô bổ. Nghĩ rằng khanh lâu ngày, khắc tự tính biết, nên bỏ qua mà không hỏi đến, sao mà đến nay vẫn chưa giác ngộ. Cho nên ta lại sai Kha-xa Kha-y-a (Qasar - Qaya, Hợp Tán Nhi Hải Nha) sang dụ ngươi vào chầu. Nếu vì cớ gì không vào chầu được, có thể sai con em vào thay. Ngoài ra số hộ khẩu bản quốc, nếu chưa có sổ sách nhất định thì tuyển binh thu thuê bằng vào đâu mà châm chước, như thế, nếu số dân quả là ít mà lại lấy nhiều thì sức không chịu nổi. Nay làm sổ hộ khẩu nước ngươi là muôn lượng xem nhiều ít mà định số binh số thuế. Còn gọi là điều binh cũng không phải là quân lính đi xa nơi khác, chỉ là theo thú binh tỉnh Vân Nam mà cùng hiệp lực với nhau...” ( ).
Ngoài việc tăng cường sách nhiễu, bọn thống trị phong kiến triều Nguyên đã có những âm mưu mới về mặt quân sự. Tháng 11 năm Bảo-Phù thứ 3 (19-11 - 18-12-1275), tướng của nhà Trần ở biên giới phía Bắc báo về là Nguyên cho người đi tuần biên giới để dò xét địa thế ( ). Trước tình hình đó, Trần Thánh Tông đã cử Lê Khắc Phục và Lê Túy Kim sang công và lại yêu cầu miễn sáu điều ( ). Mặt khác đầu năm 1276. Thánh Tông cho Đào Thế Quang sang Long Châu vờ mua thuốc để điều tra tình hình Mông Cổ ( ).
Năm 1277, Thượng hoàng Thái Tông mất, vua Trần sai trung thị đại phu Chu Trọng Ngạn, trung lượng đại phu Ngô Đức Thiệu sang báo với vua Nguyên ( ). Năm 1278, Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Khâm tức Nhân Tông ( ) nhưng đối với Mông Cổ, thì bấy giờ Thánh Tông mới lên ngôi. Hốt Tất Liệt lấy cớ vua mới không “xin mệnh” mà tự lập, ngày 20 tháng 8 năm 1278 ( ), sai lễ bộ thượng thư Sài Thung ( ) hội đồng quán sứ Kha-ra Tô-in (Qara-Toyin) ( ), công bộ lang trung Lý Khắc Trung, công bộ viên ngoại lang Đổng Đoan sang trách hỏi. Lê Khắc Phục cùng đi về với sứ bộ này ( ).
Trước đây, con đường qua lại của sứ thần Đại Việt và Mông Cổ là con đường qua Thiện Xiển (Côn Minh, Vân Nam), nhưng đến nay, theo lệnh của vua Nguyên, bọn Sài Thung đã đi thẳng từ Giang Lăng (Hồ Bắc) qua Ưng Châu (Quảng Tây) để vào nước ta. Vua Trần đã kiên quyết phản đối việc đó. Tháng 11 nhuận âm lịch (Chí Nguyên 15, 16-12-1278 - 13-1-1279), Sài Thung đến trại Vĩnh Bình ở Ưng Châu, Thánh Tông đưa thư nói: “Nay nghe quốc công đến biên giới tôi, biên dân không ai là không lo sợ, không biết sứ nước nào mà đến lối đó, xin đem quân về đường cũ mà đi”. Sài Thung không chịu, lại còn hách dịch, đòi phải lên biên giới đón hắn. Triều đình Trần đành phải nhân nhượng chút ít, cho ngự sử trung tán coi thẩm hình viện Đỗ Quốc Kế lên đón Thung.
Tháng 1 năm 1279, Thái úy Trần Quang Khải ra bờ sông Hồng đưa Thung vào sứ quán ở Thăng Long. Ngày 17 tháng 1 (ngày 4 tháng chạp âm lịch), Sài Thung đọc chiếu thư của Hốt Tất Liệt.
Trải bao nhiêu năm, lễ ý bạc dần, cho nên năm Chí Nguyên thứ 12 (1275) lại xuống chiếu đòi những việc thân vào chầu, giúp binh lính. Mới đây bọn Lê Khắc Phục đến, xem trong biểu chương, có điều không thực. Như nói nước ngươi quy phụ trước tiên, thì các nước bốn phương đến hàng phục trước nước ngươi có nhiều, sau ngươi thì có nhà Vong Tông... Thế thì điều ngươi nói không dối trá là gì? Lại nói Chiêm Thành [Chân Lạp], hai nước quấy rối, không thể giúp quân được thì những nước ấy ở gần nước ngươi không phải mới từ ngày nay. Đến như nói đường xa không vào chầu được thì sao bọn Lê Khắc Phục đến được? Hai điều ấy dối trá cũng đã rõ rằng!... Trước vì cha ngươi già yếu không thể đi xa, còn lượng tình được. Nay ngươi tuổi đang cường sĩ, vào chầu chịu mệnh, chính là phải thời. Huống hồ bờ cõi nước ngươi tiếp giáp với các châu Ung (Quảng Tây - T.G.), Khâm (Quảng Đông - T.G) của ta thì sợ gì mà không sang được. Nếu ngươi không yên, cố ý kháng cự mệnh trẫm, thì ngươi cứ sửa đắp thành lũy, sắm sửa giáp binh, sẵn sàng mà đợi!...” ( ).
Qua những lời ngạo mạn láo xược của Hốt Tất Liệt, chúng ta cũng thấy được cuộc đấu tranh của vua Trần chống các yêu sách của Mông Cổ trong suốt hai mươi năm trời. Trong hai mươi năm đó, bọn phong kiến Mông Cô càng ngày càng lấn lướt, nhưng cho đến nay, Hốt Tất Liệt mới thực sự đe dọa đem quân sang đánh Đại Việt. Tình hình đã căng thẳng hơn nhưng vua Trần vẫn không khuất phục. Dù chiến tranh có xảy ra, dù phải đổ máu, vương triều Trần cũng không chịu bỏ mất chủ quyền.
Vua Trần đặt tiệc ở hành lang, Sài Thung không chịu đến, phải đặt tiệc ở điện Tập Hiển, hắn mới đến dự. Trong bữa tiệc, Thánh Tông ( ) đã nói với Thung: “Trước dụ sáu việc, đã được miễn xá. Còn việc thân hành vào chầu thì vì tôi sinh trưởng ở thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường, con em thái úy trở xuống cũng đều như thế...” ( ). Như vậy là vua Trần vẫn từ chối việc sang chầu và không một ai đi làm con tin cả. Sài Thung bực tức bỏ về ( ). Vua Trần sai Trịnh Đình Toản ( ) và Đỗ Quốc Kế đem phương vật và hai con voi sang Nguyên, đưa biểu xin miễn việc vào chầu. Lời biểu cũng gần giống với lời vua Trần nói với Sài Thung trong bữa yến ở điện Tập Hiền:
"... Cô thần đương lúc có tang cha, kỳ niên cống lại đến. thần không dám vì sự lo phiền về việc tang tóc, nhân sứ trước là Lê Khắc Phục trái thời chưa đến, mà để chậm niên cống, tiếp sai trung thị đại phu Chu Trọng Ngạn, trung lượng đại phu Ngô Đức Thiệu làm hành nhân để đem biểu văn cùng phương vật đến dâng ở cửa khuyết... Kíp đến năm Chí Nguyên thứ 15 (1278), bọn Chu Trọng Ngạn chưa về, duy đoàn thiên sứ Sài thượng thư đem chiếu thư đưa lũ Lê Khắc Phục cùng về tiểu quốc... Thấy chiếu thư dụ thần vào chầu, thần kinh sợ vô cùng, mà sinh linh cả nước nghe thấy tin ấy đều nhao nhao kêu phải bơ vơ như chim mất tổ. Vì thần sinh trưởng ở đất Việt Thường, sức người yếu đuối, không quen thủy thổ, không dạn nắng mưa, tuy được xem biết văn hóa của thượng quốc, được dự làm tân khách ở vương đình, nhưng e đi đường có sự không may xảy ra, chỉ dãi phơi xương trắng để động lòng nhân của bệ hạ thương xót mà thôi, không ích chút nào cho thiên triều vậy...”.
Năm 1279, Sài Thung về Đại Đô (Bắc Kinh) trước, bắt Trịnh Đình Toản đợi ở Ung Châu (Quảng Tây).
Bấy giờ, bọn xâm lược Mông Cổ đã hoàn thành việc thôn tính Nam Tống. Từ tháng 12 năm 1278, Văn Thiên Tường, người anh hùng của nhân dân Trung Quốc, đã bị bắt. Tháng 2 năm 1279, Nhai Sơn (trong biển phía nam Tân Hội, Quảng Đông), căn cứ cuối cùng của chính quyền Hán tộc bị tấn công. Lục Tú Phu ôm vua Tống Triệu Bính nhảy xuống biển tự tử. Trương Thế Kiệt đắm thuyền. Nhà Tống mất. Nhân dân Trung Quốc lâm vào cảnh “núi sông tan nát như tơ trước gió thổi” mà Văn Thiên Tường đã nói đến trong thơ của mình ( ).
Đó cũng chính là lúc nhân dân Đại Việt đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mới.
Tháng 4 năm 1279, xu mật viện Nguyên xin Hốt Tất Liệt cho đem quân đánh Đại Việt ( ). Nhưng tên vua Mông Cổ còn cân nhắc lợi hại, chưa đồng ý. Y cho gọi sứ bộ Việt đến Đại Đô.Tháng 8 năm đó, y ra lệnh đóng chiến thuyền để chuẩn bị đánh Đại Việt ( ). Nhưng Hốt Tất Liệt vẫn còn muốn dùng uy lực khuất phục vương triều Trần bằng biện pháp ngoại giao. Tháng 12, y ra lệnh giữ Trịnh Đình Toản lại ỏ Đại Đô, sai Sài Thung và binh bộ thượng thư Lương Tằng đi cùng Đỗ Quốc Kế sang Đại Việt ( ). Lần này Hốt Tất Liệt đòi “nếu quả thật không tự vào ra mắt được thì lấy vàng thay thân, hai hạt châu thay mắt, thêm vào đó, lấy hiển sĩ, phương kỷ, con trai, con gái, thợ thuyền, mỗi loại hai người để thay cho sĩ nhân. Nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử” ( ).
Trước yêu sách ngày càng ngang ngược của kẻ thù, quan hệ ngoại giao ngày càng căng thẳng, nguy cơ chiến tranh khó bể tránh khỏi, triều đình Trần đã chuẩn bị chiến đấu khẩn trương hơn. Nhưng để trì hoãn thời gian thêm ít nữa, năm 1281, Nhân Tông đã cho chú họ là Trần Di Ái thay mình cùng Lê Tuân, Lê Mục theo bọn Sài Thung sang Nguyên ( ).
Thấy việc đòi vua Trần vào chầu thất bại, Hốt Tất Liệt nắm ngay lấy cơ hội này để thực biện dã tâm xâm lược của mình. Hốt Tất Liệt phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, Lê Mục làm hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm thượng thư ( ). Chiếu thư của Hốt Tất Liệt gửi vua Trần có đoạn: “... Cho sứ sang vời thì người kiếm cớ không đi, nay lại kiếm lời cố ý trái mệnh, chỉ sai chú là Di Ái vào chầu.Ta cũng định cử ngay quân sang đánh. Vì ngươi nội phụ và cống hiến đã lâu năm rồi, có lẽ nào bắt chước kẻ vô tri, để hại uổng tính mệnh dân chúng. Ngươi đã cáo bệnh không vào chầu, nay cho ngươi được nghỉ mà thuốc thang điều dưỡng, ta đã lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm vua nước An Nam, coi trị dân chúng của ngươi...” ( ).
Bên cạnh cái triều đình bù nhìn đó, vua Nguyên đã lắp luôn một bộ máy thống trị thực dân kèm theo. Ngày 27 tháng 11 năm 1281, đặt An Nam tuyên uý ty. Bu-y-an Tê-mua (Buyan Tâmur) ( ) được cử làm An Nam tuyên úy sứ đô nguyên soái, Sài Thung và Khu-ghe (Qugar ( ) làm phó ( ). Tháng 1 năm 1282, Hốt Tất Liệt sai một nghìn quân đi hộ tống đưa bọn này sang Đại Việt ( ).
Khi những viên quan Mông Cổ và cái triều đình bù nhìn kia đến biên giới, Nhân Tông đã ngầm sai quân đón đánh khiến Trần Di Ái hoảng sợ phải trốn về nước. Mặt khác, Nhân Tông lại sai người lên đón bọn Sài Thung về Thăng Long ( ). Sài Thung đã cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân Thiên Trường ngăn hắn lại, hắn đã lấy roi ngựa đánh họ bị thương ở đầu rồi phóng ngựa đến tận điện Tập Hiển mới chịu xuống ( ). Trước thái độ hếng hách của Sài Thung, triều đình Trần vẫn tỏ vẻ ân cần tiếp đãi hắn. Sài Thung thất bại trở vê. Cái âm mưu đặt An Nam tuyên uý ty và lập triều đình bù nhìn Trần Di Ái của Hốt Tất Liệt đã tan ra mây khói.
Trong bài thơ tiễn Sài Thung Thái úy Trần Quang Khải vẫn viết như sau:
“... Vị thẩm hà thời trùng đổ diện,
Ân cần ác thủ tự thê lương”
(Không biết đến bao giờ lại được gặp mặt,
Ân cần nắm tay nhau kể chuyện hàn huyên ( ).
Vừa đánh tan một nghìn quân địch trên biên giới, lại vừa làm thơ xướng họa với sứ thần kẻ thù âu đó cũng là một nét đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngoại giao của vương triều Trần. Nhưng sau vụ Trần Di Ái, quan hệ bang giao đến đây khó bề mà duy trì được nữa.
Cuối năm 1283, Triệu Chử theo lệnh của vua Nguyên, sang đòi nhà Trần phải giúp binh lương cho việc đánh Chiêm Thành. Lại một âm mưu mới của Hốt Tất Liệt! Vua Trần đã sai Nguyễn Đạo Học sang triều Nguyên và Phạm Chí Thanh, Đỗ Bảo Trực sang hành tỉnh Kinh Hồ đưa thư từ chối.
"Về việc thêm quân thì Chiêm Thành thờ phụng nước tôi đã lâu, cha tôi chỉ lấy đức để che chở, đến tôi cũng nối chí cha tôi. Từ khi cha tôi quy thuộc Thiên triều đến nay đã ba mươi năm, gươm giáo không dùng đến nữa, quân lính cho về làm dân đinh, một lòng cống hiến Thiên triều, trong lòng không có mưu đồ gì khác, mong các hạ thương mà xét cho. Về việc giúp lương thì nước tôi ở ven biển, ngũ cốc trồng được không nhiều. Sau khi đại quân rút đi, tràm họ lưu vong, lại thêm lụt hạn, sớm no chiều đói, ăn không đủ. Tuy vậy lệnh của các hạ không dám trái, xin đợi mang nạp ở châu Vĩnh An trên địa giới châu Khâm...” ( ).
Chẳng những vua Trần đã cự tuyệt việc giúp quân lính và lương thực cho bọn xâm lược nhà Nguyên đánh Chiêm Thành mà trước đó đã đem quân và chiến thuyền ứng viện Chiêm Thành chống lại kẻ thù chung. Sau khi thất bại ở Chiêm Thành, Hốt Tất Liệt đã quyết định tấn công xâm lược Đại Việt.
Cuộc đấu tranh ngoại giao gay go và phức tạp của vương triều Trần trong hơn hai mươi lăm năm đến đây đã kết thúc. Hai mươi lăm năm, “sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn...”. Đã qua rồi thời kỳ phải nén mọi phẫn nộ, lấy nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ”, thời kỳ vừa phải rất kiên quyết đối phó với giặc lại vừa phải chọn lời mềm mỏng cho những bức thư ngoại giao hay những bài thơ thù tiếp. Không một ai, kể cả vị tướng kiêm nhà thơ Trần Quang Khải, muốn thấy lại bộ mặt đáng ghét cùa những tên sứ hống hách kiểu Sài Thung, cả nước đã chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đón tiếp kẻ thù bằng vũ khí./.
Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii - Hà Văn Tấn- Phạm Thị Tâm Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii