Let us always meet each other with smile, for the smile is the beginning of love.

Mother Teresa

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Hữu Mạnh
Upload bìa: Hiroshi Kobayashi
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5847 / 325
Cập nhật: 2015-05-15 10:53:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Cuộc Kháng Chiến Lần Thứ Nhất
"... Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”
Trần Nhân Tông
Năm 1251, đại hội quý tộc (Quriltai) trên bờ sông Ô-nôn - (Onon) đã đưa Mông Ke (Mongka) lên ngôi hãn. Tên chúa Mông Cổ mới vẫn nuôi mộng chinh phục thế giói. Năm 1253, Mông Ke ra lệnh cho em y là Hu-lê-gu (Hulagu) tiến hành xâm lược Ba Tư và Tây Á. “Hãy thiết lập tập quán, phong tục và pháp luật của Trin-ghit Khan (Cinggis-qan) từ bờ sông A-mu Đa-ri-a đến cuối xứ Ai Cập... Kẻ nào không khuất phục thì hãy làm cho hắn nhục nhã”. Đó là lệnh của hãn Mông Cổ ( ).
Về phía đông, Mông Ke chuẩn bị tấn công xâm lược quốc gia Nam Tống. Đồn điền và thành lũy của quân đội Mông Cổ mọc lên trên một tuyến dài từ sông Hán đến sông Hoài. Đe uy hiếp mặt tây nam của Nam Tống, từ năm
1252, Hốt Tất Liệt (Qubilai, Khu-bi-lai), em của Mông-ke, được lệnh đánh chiếm vùng Vân Nam Trung Quốc. Năm 1253, Hốt Tất Liệt và tướng U-ry-ang-kha-đai (Uriyarigqađai) ( ) vượt sông Kim Sa, đánh chiếm thủ đô nước Đại Lý. Vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí bỏ trốn. Năm 1254, Hốt-tất-liệt trơ về Bắc, U-ry-ang-kha-đai ở lại tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Đoàn Hưng Trí bị băt ở Thiện Xiển ( ) và đầu hàng quân Mông Cổ. Các dân tộc thiểu số ở Vân Nam lần lượt bị chinh phục ( ). Đến năm 1256, toàn bộ vùng Vân Nam bị chia thành phủ huyện, nằm dưới ách thống trị của Mông Cổ. Nước Đại Lý mất.
Năm 1257, chúa Mông cổ là Mông Ke tế cờ trên bờ sông Kê-ru-len (Kärulän) rồi xuất quân đánh Tống ( ). Theo kế hoạch của Mông Ke, quân Mông Cổ sẽ tấn công vào đất Tống từ bốn mặt. Mông Ke thân dẫn đại quân tiến vào theo con đường Tứ Xuyên. Một cánh quân dưới quyền chỉ huy của Hốt Tất Liệt vượt Trường Giang đánh chiếm châu Ngạc (Vũ Xương, Hồ Bắc). Một cánh quân khác do Tô-ga-tra (ToyaCar)( ) chỉ huy, tấn công mạn hạ lưu Trường Giang, vào vùng Kinh Sơn. Cánh quân của U-ry-ang-kha-đai được lệnh từ Đại Lý đánh thẳng xuống Đại Việt, rồi từ đó, đánh vào châu Ưng (Nam Ninh, Quảng Tây), châu Quế (Quế Lâm, Quảng Tây), tiến lên gặp các cánh quân kia ở châu Ngạc ( ). Cánh quân này sẽ trở thành mũi dao đâm vào sau lưng Trung Quốc.
Như vậy, việc tiến quân xâm lược Đại Việt là nằm trong kế hoạch thâm độc trên của tên chúa Mông Cổ. Chúng ta không biết được chính xác số quân của U-ry-ang-kha-đai khi tiến vào Đại Việt. Nhà sử học Ba Tư Ra-sit ut-Đin (Rasĩd ud-Dĩn) cho biết rằng U-ry-ang-kha-đai đã đem ba vạn quân xuống Vân Nam nhưng trước khi tiến lên châu Ngạc gặp Hốt Tất Liệt thì quân số còn lại không quá năm nghìn tên. Ngoài số quân Mông Cổ, tên vua Đại Lý đã đầu hàng là Đoàn Hưng Trí cùng với chú y là Tín Thư Phúc còn đẹp hai vạn quân người Thoán Bặc (người Di ở Vân Nam) làm quân tiên phong cho U-ry-ang-kha-đai, tiến vào Đại Việt.
Như vậy, đội quân của U-ry-ang-kha-đai, gồm cả quân Thoán và kỵ binh Mông Cổ, phải trên hai vạn rưởi người. Trước khi tiến quân vào biên giới Đại Việt, U-ry-ang-kha-đai đã nhiều lần sai sứ dụ hàng Trần Thái Tông ( ). Nhưng biện pháp ngoại giao của y đã hoàn toàn thất bại. Triều đình Trần cũng như toàn dân Đại Việt không mảy may run sợ trước uy lực của Mông Cổ. Khi được tin Mông Cổ sắp tấn công xâm lược, triều đình lập tức chuẩn bị khẩn trương để chống giặc. Tháng 8 năm Đinh Tỵ (10-9 -8-10-1257), trại chủ Quy Hóa ( ) là Hà Khuất báo tin sứ Mông Cổ đến. Tháng 9 (9-10 - 7-11-1257), Thái Tông đã xuống chiêu cho Trần Quốc Tuấn chỉ huy các tướng đem quân thủy bộ lên phòng ngự ở biên giới. Đến tháng 11 (8-12-1257 đến 5-1-1258), triều đình lại xúc tiến việc chuẩn bị kháng chiến thêm một bước nữa. cả nước được lệnh sắm sửa vũ khí ( ). Vua Trần và tôn thất, đại thần vốn thường say mê luyện tập vũ nghệ, lúc này đã sẵn sàng chờ ngày xuất trận. Để tỏ rõ ý chí kiên quyết của mình, vua Trần không một chút kiêng sợ, đã ra lệnh tống giam tất cả những tên sứ Mông Cổ.
U-ry-ang-kha-đai tiến quân đóng ở A-mân ( ) phía bắc biên giới Đại Việt, chờ mãi không thấy sứ trỏ về, liền quyết định xâm lược bằng quân sự. Y sai Trê-trếch-đu (Cacakdu) ( ) và một viên tướng khác mỗi tên đem một nghìn quân, chia làm hai đường dọc theo sông Thao tiến xuống ( ). Viên tướng trẻ A-ju (Aju) con của U-ry-ang-kha-đai, được phái đi tiếp viện cho các đạo quân đi trước. Đồng thời, A-ju còn có nhiệm vụ dò xét tình hình phòng ngự của quân ta.
Thấy quân ta rất đông, đã dàn ra sẵn sàng, A-ju vội sai người về báo. Được tin U-ry-ang-kha-đai liền tiến binh xuống gấp rút. Tháng chạp năm Đinh Tỵ, hai đạo quân Mông Cổ gặp nhau ( ). Ngày 12 tháng chạp (17-1-1258), U-ry-ang-kha-đai kéo quân đến Bình Lệ Nguyên.
Trần Thái Tông liền ra trận trực tiếp chỉ huy chiến đấu ( ). Vua cho bày trận ở bên này sông đợi giặc. Quân lính, voi ngựa dàn ra san sát. Bên kia sông, U-ry-ang-kha-đai cũng tìm cách cho quân vượt sông sang giao chiến. Y chia quân ra làm ba đội, cho Trê-trếch-đu làm tiên phong qua sông trước, y dẫn đại quân, đi tiếp theo, còn phò mã Khai-đu (Qaidu) ( ) và A-ju thì chỉ huy hậu quân, U-ry-ang-kha-đai vạch kế hoạch tấn công cho Trê-trếch-đu như sau: “Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh chúng vội, chúng tất đến chống lại ta. Phò mã (chỉ Khai-đu -T.G.) theo sau cắt hậu quân của chúng, ngươi rình cướp lấy thuyền. Quân Việt nếu tan vỡ chạy ra sông không có thuyền tất bị ta bắt”.
Trê-trếch-đu theo hạ lưu sông sang trước. Vừa lên đến bờ, y liền cho quân xông ngay vào đánh. Nhưng, quân Mông Cổ đã gặp sức chiến đấu mãnh liệt của quân ta. Vua Trần Thái Tông dấn thân vào giữa làn mưa đạn xông lên phía trước, tự mình đốc thúc tướng sĩ đánh giặc. Quân Mông Cổ tấn công ào ạt. Quân ta vẫn dũng cảm không chịu rời bỏ kẻ thù. Tướng Lê Tần gan dạ hiên ngang cưỡi ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt bình tĩnh, không một nét bối rối lo sợ. Nhưng rồi trận địa của ta bị lấn dần. A-ju đã dùng những tên lính thiện xạ Mông cổ bắn vào voi của quân ta làm voi hoảng sợ, lồng trở lại. Bấy giờ, có người khuyên vua Trần đứng ở nhà trạm để chỉ huy và quan sát trận đánh. Nhưng trước mũi nhọn tấn công rất mạnh của giặc, Lê Tần - viên dũng tướng kiêm mưu sĩ tài ba, biết rằng quân ta chưa thể đương nổi ngay với chúng trong điều kiện này nên đã cố sức khuyên vua Trần hãy tạm rút lui. Quân ta rút về đến sách Cụ Bản thì quân cứu viện của tướng Phạm Cụ Chích vừa đến. Sau một trận giáp chiến, Phạm Cụ Chích hy sinh, nhưng vua Trần đã rút lui an toàn. Quân Mông Cổ vẫn không cướp được thuyền của ta. Vua Trần đến bến Lãnh Mỹ thì xuống thuyền. Quân Mông Cổ đuổi theo tới nơi, đứng trên bờ bắn loạn xạ. Lê Tần đã lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên của giặc ( ). Thuyền quân ta xuôi về Phù Lỗ. Như vậy là âm mưu cướp thuyền, bắt sống vua tôi nhà Trần của U-ry-ang-kha-đai đã hoàn toàn thất bại. Y nổi giận, đòi trừng trị tên tướng tiên phong. Trê-trếch-đu hoảng sợ, uống thuốc độc tự tử ( ).
Hôm sau, ngày 13 tháng chạp (18-1-1258), vua Trần cho phá cầu Phù Lỗ, bày trận ở bên sông ( ). Quân U-ry-ang-kha-đai kéo đến bờ bên kia, muốn sang sông nhưng không có thuyền và không biết rõ nông sâu thế nào. Bọn lính Mông Cổ đi dọc theo bờ sông, bắn tên xuống nước, hễ thấy chỗ nào tên không nổi lên thì biết đấy là chỗ nông ( ). Kỵ binh của địch theo những chỗ đó lội qua sông.
Khi đàn ngựa Mông Cổ đã nhảy lên bờ, kỵ binh địch chia thành các cánh tấn công vào trận địa ta. Tôn thất nhà Trần là Phú Lương hầu tử trận ( ). Sau trận đánh cản địch ở Phù Lỗ, quân ta tiếp tục rút lui về hướng Thăng Long.Quân Mông Cổ vẫn đuổi theo quân ta cho đến Đồng Bộ Đầu (tức bến Đông) trên sông Hồng, phía đông thành Thăng Long ( ).
Trước thế giặc mạnh đang tấn công ồ ạt, để bảo toàn lực lượng, triều đình đã quyết định rút khỏi kinh đô Thăng Long. Quân ta theo sông Hồng về đóng giữ ở sông Thiên Mạc ( ). Linh từ Quốc mẫu - vợ Trần Thủ Độ, đứng ra quán xuyến việc lánh nạn cho các cung tần mỹ nữ cùng vợ con các tướng ở vùng sông Hoàng Giang ( ).
Thăng Long bỏ trống. Trước bốn cửa thành, không còn bóng quân Tứ Sương ( ). Khi quân Mông Cổ kéo vào kinh thành, lực lượng cùa ta đã rút hết. Bọn giặc tìm thấy trong ngục những tên sứ mà U-ry-ang-kha-đai đã sai vào Đại Việt trước kia. Chúng đều bị trói chặt bằng thừng tre lằn sâu vào thịt. Khi cỏi trói ra, một tên đã chết. Bọn xâm lược Mông cổ điên cuồng, tàn phá Thăng Long để trả thù.
Giặc chiếm cứ kinh đô, đại quân phải rút lui, tình hình đó không khỏi làm cho một số ít người hoang mang dao động. Thái úy Trần Nhật Hiệu, khi vua đến hỏi kế đánh giặc, đã hoảng sợ đến nỗi chỉ ngồi trên thuyền lấy tay chấm nước viết hai chữ “nhập Tống” (chạy vào đất Tống) lên mạn thuyền. Y cũng không còn biết cánh quân Tinh Cương mà y chỉ huy ở đâu. Nhưng trong toàn quân, toàn dân và trong triều đình, ý chí kiên quyết kháng chiến đến cùng vẫn chiếm ưu thế. Đại thần, tôn thất, tướng tá vẫn quây quần quanh vua, cùng vua mưu tính kế hoạch phản công địch. Lê Tần, tức Lê Phụ Trần, vẫn kín đáo ra vào dưới trướng bàn việc cơ mật. Thái sư Trần Thủ Độ, người tướng già mưu lược, người đã xây dựng tổ chức vương triều Trần, lúc này càng tỏ rõ vai trò của mình. Khi Trần Thái Tông hỏi ý kiến, Thủ Độ đã trả lời “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Lời nói mà sử sách còn lưu truyền mãi mãi đó đã củng cố" thêm tinh thần của vua Trần và quần thần. Lời nói kiên quyết đó, lòng tin tưởng sắt đá đó đồng thời cũng thể hiện ý chí của toàn dân.
Triều đình lại tích cực củng cố lực lượng quân ngũ. Tướng tá, quân sĩ và cả hậu phương đều rộn rịp chuẩn bị phản công. Linh từ quốc mẫu đã đi thu thập tất cả những quân khí cất ở trong thuyền của các gia đình đi lánh nạn để gửi ra cho quân đội. Sau một thời gian rất ngắn khẩn trương chuẩn bị, lực lượng đã hồi phục khí thế chiến đấu lại bừng lên. Trong khi đó quân Mông Cổ đã bắt đầu khổ sở và lúng túng vi thiếu lương thực trong một tòa thành trống. Kẻ địch đã cố gắng tiến hành những cuộc cướp phá rộng ra vùng xung quanh Thăng Long nhưng ở đâu chúng cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của nhân dân. Chẳng hạn như khi quân Mông Cổ tiến đến Cổ Sở (nay là xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) nhân dân ở đây đã đoàn kết chiến đấu, bảo vệ xóm làng, đánh cho bọn chúng một trận tơi bời, đầu giặc rơi rụng, ngựa giặc ngã què, khiến lũ cướp nước phải tan tác bỏ chạy ( ).
Điều kiện chủ quan và khách quan đó đã tạo nên một thời cơ rất tốt cho cuộc phản công. Ngày 24 tháng chạp năm Nguyên Phong thứ 7 (29-1-1258), Trần Thái Tông đã cùng thái tử Hoảng chỉ huy lâu thuyền ngược dòng Thiên Mạc, phá tan giặc ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại kinh thành ( ). Bị đánh bật khỏi Thăng Long, quân Mông Cổ quay đầu chạy dài về Vân Nam. Đang lúc chỉ mong thoát thân thì quân Mông Cổ lại bị dân tộc vùng núi ở trại Quy Hóa theo lời kêu gọi của trại chủ Hà Bổng đổ ra tập kích. Trận đánh bất ngờ này làm cho chúng thất bại rất nặng ( ). Bây giờ khác với thái độ nghênh ngang hung hãn khi tiến sang, bọn xâm lược Mông Cổ bị tan tác, len lén tìm đường trốn cho nhanh. Chúng không còn dám nghĩ đến chuyện cướp bóc đốt phá. Để chê giễu thái độ đó của chúng, người bấy giờ đã gọi chúng bằng cái-tên khá mỉa mai là “giặc Phật” ( ). U-ry-ang-kha-đai đem quân chạy ra khỏi biên giới, về Vân Nam, đóng ở thành Áp-xich ( ).
Viên tướng bách chiến bách thắng, con trai của Xu-bu-tai - Dũng sĩ (Subutai - ba’atur) đã thất bại thảm hại như thế đấy. U-ry-ang-kha-đai đã từng theo Gu-y-uc (Guyuk) đánh Nữ Chân miền Liêu Đông đã tấn công vào Ba Lan và Đức dưới cờ tây chinh của Ba-tu (Ba-tu) ( ). Y cũng đã từng nhận lệnh cùng với Hu-lê-gu, tiến sang phía tây, đánh vào vương quốc Ba-gơ-đát (Bagdad) ( ). Có lẽ trong đời chinh chiến của mình U-ry-ang-kha-đai chữa bao giờ bị thua nhục nhã như lần này. Kinh thế đại điển tự lục và Nguyên sử đã cố gắng che đậy sự thất bại của quân Mông Cổ, đổ lỗi cho cái khí hậu uất nhiệt của phương Nam ( ). Nhưng vì sao một đội quân khoảng ba vạn tên, dưới quyền chỉ huy của những viên tướng lão luyện ( ) như vậy lại có thế rút khỏi kinh đô Đại Việt trong một thời gian rất ngắn? Phải chăng đúng như ý kiến của nhà sử học tác giả Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng "Lúc đó, người Nguyên mới lấy Vân Nam, du binh xâm lược đến, không có ý đánh lấy nước ta? Hoàn toàn không phải như vậy! Nguyên sử đã cho chúng ta biết rõ âm mưu chiếm cứ nước ta của bọn xâm lược Mông Cổ: U-ry-ang-kha-đai vào Giao Chỉ định kế ở lâu dài”. Nhưng mưu đồ đó đã không thực hiện được. Quân dân Đại Việt đã giáng cho bọn xâm lược một đòn chí mạng. Có thể nói chắc chắn rằng chiến công mùa đông năm Nguyên Phong thứ bảy (1258) này là do quân đội ta anh dũng, nhân dân ta miền xuôi miền ngược đồng lòng.
Chiến công rực rỡ này cũng do ý chí kiên quyết của giai cấp phong kiến mà lúc này quyền lợi còn đang gắn liền với vận mệnh của nhân dân cả nước. Quân dân ta, dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần, chẳng những đã phá tan mưu đồ chiếm đóng Đại Việt của Mông Cổ mà còn bẻ gãy gọng kìm của chúng tấn công vào mặt Nam của Nam Tống. U-ry-ang-kha-đai không còn mong từ Đại Việt tiến quân vào Ung, Quế nữa mà phải chạy trở về Vân Nam. Khi được lệnh của hãn Mông Kesai tiến quân vào đất Tống để hội quân với Hốt Tất Liệt ở châu Ngạc, y đã phải dẫn quân từ Vân Nam vào châu Ung theo con đường trại Hoàng Sơn (phía đông huyện Ung Ninh, tỉnh Quảng Tây) ( ). Con đường này hoàn toàn bất lợi đối vớị cuộc hành quân của U-ry-ang-kha-đai. Nhưng y không thể nào làm khác được. Chiến thắng của nhân dân Đại Việt đã khiến cho âm mưu dùng Đại Việt làm căn cứ để tấn công Nam Tống của bọn xâm lược Mông Cổ hoàn toàn thất bại. Từ đấy cho đến khi đất nước Trung Quốc hoàn toàn rơi vào tay bọn ngoại tộc Mông Cổ, âm mưu đó không bao giờ được thực hiện.
Theo Ra-sit ut-Đin, đạo quân ba vạn kỵ binh Mông Cổ của U-ry-ang-kha-đai kéo xuống Vân Nam, trước khi tiến lên châu Ngạc, còn lại không quá năm nghìn tên. ở đây, chúng ta phải nói đến sự quật khởi của các dân tộc thiểu số vùng Vân Nam và sức chiến đấu ngoan cường của nhân dân Nam Tống. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Đại Việt năm 1258 đã góp một phần vô cùng to lớn trong việc tiêu hao sinh lực cánh quân này.
Sau khi đuổi kẻ thù ra khỏi kinh thành, quân Trần tiến vào Thăng Long. Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Ngọ (5-2-1258), trong buổi triều đầu tiên của một năm mới, Trần Thái Tông đã phong thưởng cho các tướng có công. Lê Tần tức Phụ Trần, viên dũng tướng ở trận Bình Lệ Nguyên được phong chức ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu. Nhà vua đã nói với ông: “Trẫm không có khanh há lại có ngày nay!”. Người anh hùng dân tộc miền núi ở trại Quy Hoá là Hà Bổng cũng được phong tước hầu. Trần Khánh Dư được khen thưởng vì đã có công thừa cơ tập kích giặc.
Công lao của những người chiến thắng không phải chỉ được ghi một lần vào ngày đầu xuân năm đó. Trần Nhân Tông, ông vua anh hùng của cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ năm 1285 và năm 1288, trong một bài thơ của mình, đã có câu:
“Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”.
(Còn có những ngưòi lính bạc đầu,
Luôn luôn kể lại chuyện đời Nguyên Phong)
Cuộc chiến đấu và chiến thắng năm Nguyên Phong thứ 7 không phải chỉ là một niềm tự hào của quân dân đời Trần mà mãi mãi được ghi trên những trang sử sáng chói của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii - Hà Văn Tấn- Phạm Thị Tâm Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Mông Nguyên Thế Kỷ Xiii