If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Moacyr Scliar
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: truonghoangngan
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3637 / 147
Cập nhật: 2023-03-26 22:57:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Sao Paolo: - Một Quán Ăn Tunisia,
ất nhiên, giờ đây khi tôi không còn móng ngựa nữa thì không thể được nữa rồi, nhưng tôi vẫn thấy muốn đá và đập móng xuống sàn nhà cho đến lúc có một anh hầu bàn nào đó chạy ra. Cái quán này phục vụ ngày càng tồi. Chẳng thấy mặt anh hầu bàn nào cả. Trong khi đó thì ruồi nhặng bu quanh đầu tôi mỗi lúc một nhiều, cái lối vo ve của chúng là để cố tình thử thách lòng kiên nhẫn của tôi.
Ngồi đối diện với tôi, Tita vẫn đang chuyện trò với cô gái đeo kính đen. Tôi đã thuộc lòng câu chuyện nàng đang kể. Đại khái nó cũng giống hệt như câu chuyện mà nàng đã kể cho Bela. Điều làm tôi ngạc nhiên là Tita kể rất cặn kẽ và tiết lộ cả những bí mật cho một người lạ hoàn toàn như cô gái này. Sao vậy? Vợ tôi say rồi chăng? Hay nàng đã tìm được một người chị em tâm giao mới? Thì cũng chẳng sao. Với tôi thì nàng có thể kể câu chuyện ấy kiểu gì cũng được. Anh chàng Guedali mà nàng đang nói đến kia chỉ là một giả tưởng đối với tôi, cũng như một con nhân mã với bất kỳ ai khác vậy. Thế nhưng câu chuyện mà Tita đang kể kia lại rất thật, ai nghe cũng phải tin. Không có con nhân mã nào trong các cảnh cưỡi ngựa mà nàng mô tả. Có một thằng bé đang được sinh ra trong hạt Quantro Irmaos, Rio Grande do Sul, nhưng không có con ngựa có cánh nào bay lượn trên ngôi nhà gỗ lúc nó chào đời. Có thể là trước lúc ấy, một cái gì đó đã chập chờn trên mái nhà, cái linh hồn nhỏ bé của đứa trẻ tương lai mà theo sách của Zohar (51) thì nó đã có mặt ngay khi cha mẹ thằng bé ấy còn đang ôm ấp nhau (dịu dàng hay dữ dằn, tuyệt vọng hay hy vọng, thờ ơ hay khao khát) để tạo nên sự khởi đầu cho cuộc sống mới đó. Guedali không biết rằng Tita có đọc sách Zohar, văn cảo bí hiểm mà những tín đồ Cabalist Do Thái đã săm soi để tìm kiếm lời giải đáp cho những điều không thể biết được của vũ trụ. Nghĩa là: Tita nghĩ rằng Guedali không biết là nàng đọc Zohar; giữa họ vẫn có những bí mật với nhau. Nhưng Guedali biết. Hắn biết nhiều thứ. Trí thông sáng vốn có tận trong lõi tủy của những bộ móng ngựa của hắn vẫn còn đó, mặc dù hắn đã giải phẫu.
Tita kể về cuộc sinh nở khó khăn. Guedali bào thai nằm lộn ngược trong tử cung; đáng nhẽ đầu hắn phải ra trước, thì lại là chân. (Chân. Với Tita thì đó là một cặp chân người). Mụ đỡ kéo cái thai một cách tuyệt vọng. Dona Rosa rú lên, hai người chị khóc lóc, tất cả hoảng loạn. Sau khi đứa trẻ ra đời, người mẹ bị một trận suy nhược tinh thần trầm trọng. Bà nằm bất động nhiều ngày liền không nói năng gì với bất kỳ ai và hầu như không ăn uống gì.
Ngay khi bà đã đỡ hơn, người cha quyết định làm lễ cắt bì cho đứa trẻ. Lại thêm một cảnh hỗn loạn nữa: thầy Mohel, một lão già nghiện rượu, lúc nào cũng nhìn thấy những ảo ảnh. Lúc đến nhà, ông ta không nhìn thấy một đứa trẻ bình thường, mà là một đứa bé có thân mình với bốn cái chân ngựa. Ông ta hoảng hốt định bỏ chạy. Leon Tartakovsky ngăn ông ta lại và họ tranh cãi. Cuối cùng khi nhìn thấy cái cần dái của đứa bé (một cái cần dái khổng lồ dưới con mắt của ông ta) thầy Mohel mới chịu tiến hành nghi lễ ấy. Rõ ràng ông ta bị cuốn hút vào một cơ hội được cắt bì cho một cái dương vật độc nhất vô nhị như vậy.
(Cô gái kia cười. Hai hàm răng khỏe mạnh hoàn hảo. Chắc chúng đã nghiền rất nhiều thịt bò, những cái răng ấy. Và hẳn đã ngoạm rất nhiều bờ vai con đực)
Guedali lớn lên tại một nông trại. Là một đứa trẻ ít nói, hắn thích đi bộ, mặc dầu bị một dị tật bẩm sinh, hắn có một bàn chân hơi giống như chân ngựa, và vì vậy phải đi giày loại đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ. Đi bộ có hơi khó khăn, nhưng hắn cưỡi ngựa tuyệt giỏi, thường phi nước đại như bay trên đồng cỏ. Leon không thích con trai đi chơi ra xa nhà, nhưng Guedali chỉ thấy thoải mái khi ở ngoài trời. Ở ngoài đó, hắn có thể trò chuyện với một người bạn tưởng tượng, một thằng bé người Indian tên là Peri. Quả thực, ở một nơi hẻo lánh như thế, hắn chẳng có người bạn nào khác.
Hắn thích cưỡi ngựa và chơi vĩ cầm. Nhiều lần hắn vừa phi vừa kéo đàn, khiến cho cha mẹ hắn rất thán phục. Họ hy vọng. Liệu con trai họ có phải là một nhạc công vĩ đại hay không? Một Mischa Elman, một Yehudi Menuhin, một Zimbalist? (52). Nhưng họ có biết đâu: một hôm, chẳng có lý do gì, Guedali quẳng cây vĩ cầm xuống dòng nước bùn lầy của con sông gần nhà. Hắn là thế đấy, không biết đâu mà lần. Cha mẹ và hai chị vẫn yêu thương hắn lắm. Nhưng anh Bernardo của hắn thì ghét hắn rất vô cớ, và không để lỡ một cơ hội nào để hành hạ hắn. Thế vẫn chưa đủ, Guedali còn có thêm một kẻ thù nữa là Pedro Pento, con trai nhà trại chủ láng giềng. Thằng bé có đầu óc bệnh hoạn này bắt Guedali phải bò bốn chân cho hắn cưỡi lên lưng như cưỡi ngựa. Chuyện đó là giọt nước cuối cùng làm tràn bát nước của Dona Rosa. Đã từ lâu bà muốn rời bỏ cuộc sống nông trại. Chuyện này chứng tỏ chúng ta không thể nuôi dạy con cái giữa những quân súc sinh nhan nhản xunh quanh như thế được, bà nói với chồng.
Họ dọn về Porto Alegre, sống tại một ngôi nhà trong khu Teresopolis. Guedali vào tuổi vị thành niên, vẫn nhút nhát và hay cáu bẳn, đến nỗi lễ bar mitzvah của hắn phải cử hành ở nhà, chỉ có người trong gia đình tham dự.
Hắn thông minh nhất nhà, nhưng không chịu đến trường học, khiến cha mẹ hắn tuyệt vọng không biết làm thế nào. Họ mong cho hắn có một tương lai tốt đẹp hơn là việc thu ngân ở cửa hàng rau quả của gia đình. Nhưng Guedali đọc rất nhiều sách, lấy nhiều phương trình hàm thụ, và học nhiều ngoại ngữ bằng phương pháp Berlitz. Hắn có một thú chơi đặc biệt: hắn thích quan sát bầu trời bằng kính viễn vọng.
“Cũng vì thế mà anh ấy có được mối tình đầu”, Tita nói. “Với một người hàng xóm mà anh ấy chỉ biết qua kính viễn vọng; thử tưởng tượng mà xem, anh ấy chưa bao giờ nói với cô ta một lời. Cùng lắm thì anh ấy chỉ có thể gửi cho cô ấy một lá thư tình qua trung gian con bồ câu đưa thư tên là Columbo. Chỉ hiềm một nỗi, đáng nhẽ phải chuyển lá thư đó thì Columbo lại lợi dụng cơ hội ấy để bỏ trốn mất tăm”.
Cô gái mỉm cười. Cô ta thật đáng yêu, cái cô gái này. Thực ra thì cô ta không trẻ đến thế, khó có thể đoán tuổi cô vì cặp kính đen kia. Có khi cô ta còn lớn tuổi hơn tôi; tôi chỉ biết rằng cô ta đang làm cho tôi cương cứng lên thật khổ sở. Tôi còn tưởng tượng ra nhiều cảnh: tôi đuổi theo cô trên những quả núi ở Tunisia, lừa cô vào một thung lũng không có lối ra. Tôi tiến đến gần cô, vừa đi vừa cười. Cô cũng vừa cười vừa cởi cúc áo. Rồi cô nhảy chồm lên tôi như một con sư tử cái, điên cuồng vì thèm muốn, và chúng tôi làm tình trong thung lũng ấy ở Tunisia.
Một cảnh khác: hai chúng tôi tế ngựa bên nhau trên thảo nguyên, cả hai đều khỏa thân. Tôi nhảy ra khỏi con ngựa của mình, và phóc lên con ngựa của cô; hai chúng tôi ngã lăn xuống nền cỏ mềm, cười ầm ĩ. Rồi sau đó, mọi chuyện lại diễn ra hệt như trong thung lũng nọ tại Tunisia.
Cảnh thứ ba: ngay đây trong quán ăn này. Cô ta chợt nhớ đã quên cái gì rất quan trọng ở trong ô tô, có thể là thẻ tín dụng chẳng hạn. Cô nhờ tôi cùng đi với cô ra ngoài để lấy chúng. Tôi đồng ý. Trời đang mưa nhè nhẹ. Mình chạy đi, cô nói, và chúng tôi chạy, tôi hơi loạng choạng một chút vì hơi men. Nào, cô nói, cầm lấy tay tôi. Tôi quàng tay ôm lấy sườn cô và chúng tôi cùng chạy đến chỗ cái xe, một chiếc Galaxy đậu trên sườn đồi. Cô mở cửa xe và ngồi ngay sau tay lái. Tôi ngồi cạnh cô. Trong giây lát, chúng tôi cùng hổn hển và nhìn nhau cười loáng thoáng. Đèn pha của những chiếc xe thỉnh thoảng chạy qua rọi lên mặt cô, cổ cô, một thoáng đôi vú cô dưới lần ngực áo để phanh hơn một nửa. Mưa nặng hạt hơn; bấy giờ đã trút xuống ầm ầm lên nóc xe. Làm thế nào để ra khỏi đây bây giờ? Cô hỏi. Ra làm gì vội, tôi nói, mình sẽ chờ mưa tạnh đã. Khi cô cúi người sang để lấy mấy cái thẻ tín dụng trong hộp để găng tay ở đầu xe, ngực áo cô tuột hết ra và một bầu vú bật hẳn ra ngoài. Rồi cô nằm trong tay tôi. Chúng tôi hôn nhau cuồng nhiệt. Cô nằm xuống ghế xe và tôi nằm đè lên cô, cả hai cử động rất khó khăn vì chật chỗ quá. Tôi tốc váy cô lên, mặc kệ những lời phản kháng yếu ớt của cô (điên quá, Guedali, điên quá rồi!) và rồi có một bất ngờ xảy ra khiến cho tình huống của chúng tôi càng thêm hứng thú. Tôi gạt phải cái cần số, và chiếc xe, không kéo phanh tay bảo hiểm, bắt đầu trôi xuống dốc. Nhưng tôi không thể dừng lại. Tôi sắp rồi, và cô rú lên, Guedali! Cái xe trôi! Và lúc ấy tôi cũng đã xong, liền vụng về duỗi một chân xuống đạp vào phanh. Tôi nhìn cô. Cô tái mặt, hai mắt trợn tròn. Em có đau ở đâu không? Tôi hỏi. Không, cô nói, chỉ sợ thôi. Rồi cô nói thêm: Tiếc quá, Guedali, em đang sắp thích. Không sao, tôi nói, mình làm lại nhé. Thế là chúng tôi làm lại. Và lần này thì cô ta sướng đến cực cảm. Chúng tôi ngồi lên và nhìn nhau. Rồi bắt đầu phá lên cười. Cười rú lên. Tôi đập tay vào bánh lái, làm phát ra một hồi còi ầm ĩ khiến chúng tôi càng cười khỏe hơn. Rồi vẫn cứ khúc khích với nhau, chúng tôi quay lại quán.
Đau khổ vì say đắm không thành, Guedali bỏ nhà ra đi. Hắn lang thang trên những ngả đường nhỏ ít người qua lại trong vùng Rio Grande, thường xuyên đói khát. Hắn phải ăn trộm để có cái ăn. Cuối cùng hắn xin được việc làm trong một gánh xiếc. Vận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để sáng tạo một màn diễn khôi hài, hắn làm một bộ giả trang hình nhân mã bằng một tấm da ngựa. Hai chân trước là chân hắn, phần thân ngựa và hai chân sau nhồi rơm. Công chúng sướng phát cuồng mỗi khi con nhân mã Guedali xuất hiện trong vòng diễn.
Thế rồi đến mối tình thứ hai của hắn.
“Với một bà dạy sư tử!”, Tita nói, rồi vừa cười vừa nói thêm, “Ít nhất thì cũng không phải là một con sư tử cái!”
Bà dạy sư tử: một người đàn bà bí hiểm và có sức cuốn hút đầy ma thuật. Bà ta thích Guedali. Một đê, bà ta mò vào chỗ ngủ của hắn. Chàng trai chưa từng biết mùi đời nhào vào bà, muốn dùng sức mạnh chiếm cứ bà. Sợ hãi, bà dạy sư tử kêu ầm lên. Một con ngựa. Một con ngựa thực sự! Guedali chạy trốn. Một lần nữa hắn lại lang bạt không nhà, cuối cùng đến tận vùng biên ải. Chính ở đó hắn gặp Tita, cô con gái nuôi của nhà điền chủ Zeca Fagundes và phu nhân Dona Cotinha.
“Cha tôi là một người rất khó tính”, Tita nói, bỗng nhiên nghiêm giọng đến mức u hoài. “Ông cai trị nông dân trong trại như một nhà độc tài. Và rất hám đàn bà, một con người thực sự đồi bại. Ngay cả tôi cũng phải ngờ rằng không phải lúc nào ông ta cũng coi tôi là một đứa con gái trong gia đình. Ông ta chết vì một cơn đau tim, tội nghiệp, đúng vào cái ngày mà Guedali đến trại chúng tôi”.
Ngày hôm đó: còn rất sớm Guedali đã đến khu trại. Hắn thấy một con ngựa đang gặm cỏ. Nhớ đến gia đình và nông trại xưa ở nhà, hắn thèm được cưỡi ngựa. Hắn nhảy lên lưng con ngựa, không yên cương. Con vật hơi dữ dằn, nhưng cũng chấp nhận người cưỡi. Bị thúc bởi đôi gót chân nóng nảy của Guedali, nó phóng nước đại trên cánh đồng.
Trong khi ấy, Tita cũng ra ngoài làm một cuộc phi ngựa. Hôm đó là sinh nhật nàng, và nàng muốn được cả ngày ở ngoài trời.
Nhà điền chủ nhìn thấy nhìn thấy nàng cưỡi con ngựa màu hạt dẻ qua màn sương nhẹ của buổi sáng mùa đông. Vẫn còn chưa tỉnh rượu (sau một đêm vui chơi nhậu nhẹt) ông ta không thấy đó là con gái nuôi của mình, mà là một con mái ngon lành, khỏa thân đến tận ủng – một tiên nữ của đồng cỏ. Nhanh như chớp, ông đóng yên một con ngựa và phóng đuổi theo nàng.
Guedali, đi từ phía đối diện, đã nhìn thấy cả hai đang từ xa tiến đến mỗi lúc một gần. Hắn vội vàng xuống ngựa và cả người lẫn ngựa lẩn vào trong một túp lều hoang, theo dõi hai người kia qua một kẽ hở trên vách lều. Khi thấy một cô gái không được bảo vệ đang bị một người đàn ông rượt đuổi, hắn không chần chừ gì hết. Hắn lên ngựa và phóng ào ra khỏi cửa. Nhìn thấy hắn, nhà điền chủ kêu thét lên một tiếng và ngã ngựa, chết ngay lập tức.
Guedali phóng đi cứu cô gái, vì con ngựa của cô đang phi hết tốc lực không thể ghìm lại được. Hắn khống chế con vật, đỡ cô xuống ngựa và đưa cô vào túp lều. Cô gái đáng thương đang khủng hoảng tinh thần, run bần bật, mắt không còn thấy gì. Guedali cố trấn tĩnh cô. Tita bật lên nức nở không kìm lại được và đầy vẻ hàm ơn. Hắn để cho nàng khóc, thì thầm nhưng lời âu yếm, và lau nước mắt cho nàng. Hắn nhẹ nhàng hôn nàng. Nàng lưỡng lự, rồi hôn trả lại. Rồi hắn làm tình với nàng, lần này thì không vụng về nữa. Ngược lại, được dẫn dụ bởi một kho kiến thức bí hiểm mà chính hắn cũng phải ngạc nhiên, hắn là một nghệ sĩ với những cái vuốt ve của mình, và dần dần đánh thức niềm khát khao giống cái của nàng. Run rẩy vì khoái lạc, nàng lẩm bẩm, em thích, em thích quá…
“Nhưng tôi không cảm thấy đó là tình yêu”, Tita nói với cô gái. “Không phải tình yêu theo đúng nghĩa của từ này, chị có hiểu không? Nó có vẻ giống một sự đam mê, một cái gì đấy có tính biểu tượng. Theo một nghĩa nào đó, Guedali đang thay thế người cha quá cố của tôi, chị thấy không? Mãi sau tôi mới nhận ra điều này qua những buổi phân tâm của mình”
Nàng dụi tắt điếu thuốc lá.
“Thực sự là anh chàng vô tích sự ấy ở lại như thể để lợi dụng mọi cơ hội hoang tưởng ấy của tôi. Mà thậm chí anh ta không nói gì đến hôn nhân hết. Chị biết đấy, tôi không phải là người Do Thái, anh ta không muốn cha mẹ mình phải phiền lòng. Anh ta sợ họ lắm”
Dona Cotinha là một người mẹ thực sự của cả hai. Guedali và Tita không phải lo lắng gì. Họ chạy khắp đồng cỏ, chạy bộ hoặc cưỡi ngựa, và làm tình. Họ làm tình thường xuyên, bất kỳ lúc nào cơn thèm muốn ập đến. Một lần, họ thấy con ngựa đực của Guedali nhảy con ngựa cái của Tita. Cảnh ấy kích thích họ, và thế là họ cười váng lên, họ trút bỏ hết quần áo và nằm ngay ra đó, trên đỉnh đồi, giữa thanh thiên bạch nhật.
Những ngày hạnh phúc đó đột ngột bị gián đoạn.
Guedali cho đến lúc ấy là một thanh niên khỏe mạnh, tự nhiên ngã bệnh. Hắn bị những cơn đau đầu khủng khiếp kèm theo những cảm giác kỳ lạ. Hắn thấy dường như thân thể hắn đang to ra ghê gớm, da bàn chân hắn cứ dày lên mãi và cứng lại, như móng ngựa. Hắn có những hành vi khiến người khác phải lo ngại, cứ nửa đêm lại choàng dậy và chạy ù ra cánh đồng. Tita phải chạy theo giữ hắn lại; hắn không muốn về nhà. Hắn nghĩ hắn là một con nhân mã.
“Nhân mã!” Cô gái thốt lên đầy kinh ngạc. “Thôi đi nào!”. Có thể thấy cô ta đang muốn cười phá lên, nhưng rồi phải ghìm lại, không biết chuyện này có khôi hài như vẻ hơi đùa bỡn trong giọng kể của Tita hay không, hay lại là dấu hiệu của một cái gì nghiêm trọng đang sắp được tiết lộ. Gì thì gì, có vẻ như cô ta không thể tin có ai lại cứ choàng dậy nửa đêm để chạy ù ra ngoài cánh đồng vì tưởng rằng mình là một con nhân mã.
Thật thế ư? Cô không tin ư? Thế còn đôi chân này, suốt ngày chúng không ngừng nhấp nhổm và suốt đêm không cho tôi ngủ lấy một phút nào thì sao? Tại sao những cái chân này không bao giờ yên như thế, hả cô gái? Năng lượng vô tận nào khích động chúng như thế? Cô gái ơi, có những đêm tôi chạy hết dặm này đến dặm khác. Không phải tôi muốn thế, nhưng chân tôi không chịu dừng lại. Tất nhiên tôi có thể ngoắc chúng lại với nhau, lấy chính cái này áp đảo cái kia. Chỉ hiềm là nếu làm vậy tôi có thể sẽ khiến chúng liền vào nhau mất. Cô có tưởng tượng được hai chân tôi bị liền vào nhau thành như một dải thịt thừa không? Cô có thể tưởng tượng cái đuôi kiểu mới ấy sẽ mọc vảy và biến tôi thành một thứ thậm chí còn bất khả dĩ hơn cả một con nhân mã, tức là một con nhân ngư không?
Tita không biết nghĩ sao, nhưng Dona Cotinha ngờ rằng Guedali mắc một chứng bệnh nghiêm trọng. Bà cho mời nhiều bác sĩ; họ đều đồng ý với nhau rằng đó là một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, có thể do một khối u não gây ra, nhưng họ không thể biết chắc được. Dona Cotinha sốt ruột, đòi họ phải có một chuẩn đoán hoàn chỉnh, tiền nong không thành vấn đề. Họ liền giới thiệu bệnh nhân đến một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, một bác sĩ giải phẫu hành nghề ở Paris, nhưng lúc ấy ông ta vừa dọn sang Morocco. Không thể thuê một chuyên cơ, Dona Cotinha thuê một chiếc tàu thủy. Chuyến đi thật kinh khủng, Guedali nôn ọe suốt dọc đường, nhưng Tita và hắn cuối cùng cũng đến nơi. Ông bác sĩ khám cho hắn và quyết định phải mổ ngay.
“Và quả thật đó là một khối u não”, Tita nói “Khổng lồ! Ông bác sĩ nói chưa bao giờ thấy một khối u to đến thế ở đúng vị trí ấy và với một hình dáng lạ lùng như thế”.
Khối u. Hay thật. Khối u. Một cái khối u có chức năng khiến người ta phải tưởng tượng mình là một con nhân mã. Hãy tưởng tượng hắn đang bất động, trong tư thế sẵn sàng phi nước đại, đầu vươn ra phía trước, hai bàn tay nắm chặt, gân cốt căng thẳng. Hình ảnh ấy, mặc dù chỉ là tưởng tượng, tất nhiên sẽ phát ra một nguồn năng lượng khổng lồ xâm nhập qua hai đồng tử nở rộng, tràn theo mạch thần kinh thị giác vào trong não, và tụ lại ở đó như nước trong một cái đập. Khi nguồn năng lượng ấy cuối cùng tràn ngập cả con đập thì nó lập tức làm cho những tế bào vốn vẫn im lìm từ xưa tự nhiên hoạt động trở lại một cách phi thường, khiến cho chúng điên cuồng sinh sôi nảy nở theo kiểu những đám dân cư bị bóc lột và không có đặc quyền đặc lợi vậy. Chẳng mấy chốc ta sẽ có những cái mầm và chúng cứ thế mọc ra, phát triển thành những thứ giống như chân ngựa, bộ ngực người, hai cánh tay, cái đầu người, và thế là ta đã có nó rồi đấy. Một hình mẫu nhỏ xíu của một con nhân mã ngay trong não bộ. Tất nhiên nó sẽ ở tư thế lộn ngược, vì nó giống hệt với cái hình ảnh đã sản sỉnh ra nó theo cái kiểu ấy, theo con đường lộn ngược của thị giác (53). Chỉ có điều là nó có thật, rất thật, chí ít thì cũng đối với Tita, người thậm chí đã chụp cả X-quang để có tài liệu về hiện tượng này.
Guedali vẫn còn mê man trong phòng hậu phẫu thì một tai nạn xảy đến với Tita. Một cái xe thùng đâm thẳng vào bệnh viện và tông phải nàng, chỉ vì sự bất cẩn của tài xế. Bị hắt văng đi một quãng xa, nàng bị gẫy vỡ nhiều chỗ ở xương hông và hai chân. Ông bác sĩ Morocco phải cấp cứu mổ ngay cho nàng.
“Và thế là cả hai chúng tôi đều phải nằm bệnh viện. Nằm ngay cạnh nhau, tôi thì nửa người bó bột. Nếu không đau đớn thì cảnh ngộ của chúng tôi lúc ấy thật hài hước”.
o O o
Guedali bình phục nhanh, Tita thì chậm hơn. Mọi việc có vẻ ổn, nhưng chẳng mấy chốc họ lại bị một thử thách nữa: tin Dona Cotinha từ trần khiến họ đau buồn vô hạn.
Ngày ra viện đã đến. Trước mặt tất cả mọi người trong bệnh viện, họ nhảy một điệu luân vũ giã biệt. Họ quay về Brazil, không về điền trang nữa vì nó chẳng còn ý nghĩa gì với họ, mà về Sao Paolo. Với món tiền được thừa hưởng, họ mua một ngôi nhà và Guedali mở một hãng buôn. Lúc đầu mọi việc đều khó khăn. Guedali đôi khi vẫn có những cơn đau đầu và hoang tưởng; Tita thì đi lại vẫn khó khăn, và cũng như hắn, nàng phải đi giày điều trị ở cả hai chân. Vì những vấn đề ấy, Guedali không muốn có con. Tuy nhiên, hắn đồng ý chính thức hóa cuộc sống chung của họ bằng hôn nhân. Đám cưới được tổ chức ở Pôrto Alegre. Cả hai đều vui, duy có mẹ hắn chưa tin tưởng ở con dâu.
Khi Tita tuyên bố nàng có mang, Guedali lên một cơn khủng hoảng tinh thần. Rồi thì hắn cũng trấn tĩnh lại được, nhưng yêu cầu phải nhờ mụ đỡ già đã đỡ cho hắn ra đời trước đây giúp cho việc sinh nở. Mụ đỡ, lúc ấy, đã rất già, phải tìm mãi mới ra và phải đưa mụ đến Sao Paolo bằng máy bay. Mọi việc suôn sẻ, Guedali trở thành cha của hai thằng con trai sinh đôi.
“Hắn đã không muốn làm cha”, Tita nói, giọng bỡn cợt, “và thế là để trừng phạt, hắn có hẳn hai thằng con sinh đôi”.
Họ bắt đầu có thêm bạn bè. Trước đó, họ bị coi là một cặp khác người. Họ không bao giờ ra bãi biển vì Tita rất hay thẹn, không muốn ai thấy mình mặc áo tắm, nhất là với những vết sẹo mổ trên người. Hơn nữa, vì phải đi giày điều trị chân, lúc nào nàng cũng phải mặc quần dài. Tuy vậy, bạn bè họ rồi cũng quen đi và để họ được hoàn toàn tự nhiên theo ý mình. Quần dài và ủng đang thành mốt, và Tita lại đâm ra được mọi người khâm phục vì vẻ thanh lịch của nàng.
Trong không khí thân ái ấy, ý tưởng thành lập một khu chung cư biệt thự đến với họ rất tự nhiên. Trong cuộc sống mới bắt đầu, hạnh phúc và yên bình. Chỉ có một vấn đề khi họ dọn nhà: Guedali gặp Pedro Bento, kẻ thù xưa của hắn, bấy giờ lại là trưởng nhóm bảo vệ khu nhà. Guedali suýt nữa thì lâm vào tâm trạng khủng hoảng, nhưng hắn nhớ đến lời của đức Jehova: ân oán là việc của ta. Hắn muốn hòa giải với quá khứ và không có một Pedro Bento nào có thể ngăn được hắn làm việc đó.
Cũng khoảng thời gian này, Guedali bắt đầu bị những cơn ghen tuông hành hạ. (Trong khi hắn là kẻ mà ai cũng biết là đã tình tang với Fernanda!). Hắn nghi ngờ mọi cuộc điện thoại của Tita, nghi ngờ mọi giây phút im lặng của nàng. Mãi sau này hắn mới thấy là những cơn ghen tuông ấy hoàn toàn vô căn cứ và rất bệnh hoạn. Nhưng trong khi ấy thì cứ tuần này tháng nọ trôi qua. Một tình trạng đã khổ sở rồi lại còn bị câu chuyện Ricardo làm cho thêm nghiêm trọng nữa.
Tita kể câu chuyện về Ricardo. Với nàng, anh ta không phải là một con nhân mã, mà là một chàng trai trẻ đã bị giết chết tại khu biệt thự vào ngày 15 tháng 7 năm 1972. Nhân mã ư? Không, không phải nhân mã tý nào.
Hắn ra đời, cái anh chàng Ricardo ấy, tại một ngôi nhà bên bãi biển vùng Santa Catarina, nơi mà cha mẹ hắn, vốn là người ở Curitiba, đang nghỉ hè. Cũng hệt như Guedali, hắn được thụ lễ cắt bì khi được tám ngày tuổi. Nhưng không như Guedali, hắn được nuôi dạy trong cảnh xa hoa đủ mọi bề. Cha hắn, một nhà công nghệ giàu có, không muốn con trai mình thiếu thốn một thứ gì. Cũng như Guedali, Ricardo tính tình nhút nhát và chỉ thích ở nhà, mê mải với đám đồ chơi và (sau này) với đống sách vở. Chính những cuốn sách ấy (như mẹ hắn đã lên án một cách phẫn nộ) đã làm quay cuồng đầu óc hắn: những tiểu thuyết của Michael Gold, Howard Fast, và Jorge Amado, chưa kể đến những tác phẩm của Marx và Engels. Hắn trở nên giận dữ, muốn cải tạo cả thế giới. Không ngồi yên được, hắn bắt đầu suốt ngày ở ngoài phố, phải, chính hắn, cái thằng trước đó lúc nào cũng ở nhà. Hắn lang thang khắp các quán bar ở Curitiba, đánh đu với một nhóm những tên cuồng tín trẻ tuổi như mình, và nguyện hiến cả đời mình cho cuộc cải cách xã hội bằng vũ lực. Hắn trở thành một tên khủng bố đô thị. Mặc dù không biết dùng đến cả một khẩu súng lục, hắn định cùng đồng bọn tấn công một ngân hàng ở Sao Paulo. Đó là vào năm 1967. Hắn bị bắt và tống giam. Rồi vượt ngục và bí mật trốn sang Algeria. Hắn sống ở đó vài năm, làm bồi bàn để kiếm miếng ăn. Dần dần, lòng nhiệt thành cách mạng của hắn nhường chỗ cho một mối u hoài. Hắn nhớ Brazil, nhớ bạn bè, và nhất là nhớ cha mẹ mà hắn vẫn thư từ thông qua một người họ hàng ở Pháp. Hắn muốn về nhà. Nhưng làm cách nào? Về đến nơi là hắn sẽ lập tức bị bắt giam; các cơ quan an ninh quốc gia đều có ảnh và vân tay của hắn. Một tên chuyên làm giấy tờ giả mạo người Anh mà hắn bắt quen được tại một quán ăn gợi ý cho hắn một kế hoạch. Hắn phải đổi dạng nét mặt và vân tay bằng một cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng ai có thể làm việc này? Ricardo hỏi, sẵn sàng nghe theo ý kiến đó mặc dầu thấy nó có phần quá đáng. Người Anh nọ liền cho hắn tên tuổi địa chỉ của một bác sĩ Morocco, một bác sĩ giải phẫu có thể làm bất kỳ việc gì miễn là được trả công xứng đáng bằng ngoại tệ mạnh.
Ricardo viết thư cho cha mẹ. Nhận được tiền, hắn liền sang Morocco. Hắn có ấn tượng tồi tệ đối với cái bệnh viện và ông bác sĩ kia, một nhân vật già nua mắt luôn luôn hấp háy và hai tay run rẩy. Ông bác sĩ không giấu nổi lòng tham của mình; ông ta tự hào đã từng mổ những ca kỳ lạ nhất.
Chàng trai trẻ ở lại bệnh viện nhiều ngày, vẫn chưa quyết định được. Sự thực là hắn sợ. Trước đây hắn đã từng sợ, ví dụ như lúc cướp nhà ngân hàng ấy; nhưng khi vào cuộc rồi thì hắn lại rất bình tĩnh và chuyên nghiệp, dùng súng lùa đám nhân viên ngân hàng vào trong nhà vệ sinh rồi khoá cửa lại. Nhưng bây giờ, cứ nghĩ đến bị đánh thuốc mê, rồi tỉnh dậy với bộ mặt đầy những vết cắt nhầm lẫn, là hắn lại phát hoảng. Ông bác sĩ Morocco có vẻ không thấy được tâm trạng tiến thoái lưỡng nan của hắn. Ông ta muốn tiến hành ca mổ càng sớm càng tốt, viện lý do an ninh. Nhưng Ricardo nghĩ ông ta chỉ cốt lấy tiền mà thôi. Bệnh viện không có một bệnh nhân nào khác, và ông bác sĩ thì rõ ràng là đang túng bấn vô cùng. Viện hết lý do này đến lý do khác, hắn trì hoãn ca mổ. Hắn không dám nhận là mình sợ. Hắn cố trấn an mình rằng hắn chỉ muốn thận trọng mà thôi. Hắn cần biết thêm về ông bác sĩ: liệu ông ta có phải là một kẻ thám báo hay không? Thế là, một buổi chiều lúc thấy chỉ có mình mình trong bệnh viện, Ricardo đột nhập văn phòng bác sĩ và lục lọi hồ sơ của ông ta. Hắn đọc thấy một cái tên Guedali, một người Brazil ở Sao Paulo, và ghi lại địa chỉ người ấy: nó có thể có ích.
Đêm đó ông bác sĩ tuyên bố sẽ tiến hành ca mổ vào ngày mai, không lôi thôi gì nữa. Cái trò này không còn buồn cười nữa rồi, ông ta nói, giọng bực tức, và Ricardo biết rằng ông ta đang nói nghiêm chỉnh. Đã đến lúc phải đi thôi, hắn nghĩ. Cũng ngay đêm đó, hắn gói ghém mấy thứ ít ỏi của mình và bỏ trốn. Một người Berger cho hắn cưỡi nhờ lạc đà vào thành phố. Hắn đi thẳng đến hải cảng, phát hiện một con tàu sắp đi Brazil, hắn hối lộ viên sĩ quan phụ trách thuỷ thủ đoàn để cho hắn lên tàu. Người này nhận tiền, nhưng bảo hắn phải nhảy ra khỏi tàu trước khi cập bến ở Santos. Và hắn đã làm thế. Hắn bơi vào bờ. Ban ngày ẩn náu và đi bộ suốt đêm, hắn đến được ngoại ô Sao Paulo. Hắn trú trong một căn nhà bỏ hoang và gặp ở đó một gã kỳ dị, một tên hippie đã vào tuổi trung niên, cổ lủng lẳng đeo một chiếc đồng hồ to tướng. Họ nói chuyện. Ricardo cho gã kia xem địa chỉ khu biệt thự và hỏi đường đi đến đó. Khi thấy cái tên Guedali, gã này kêu lên: Ê, nó là em tao mà! Gã khẳng định rằng Ricardo cần phải tìm Guedali, em gã chắc chắn sẽ giúp hắn về được Curitiba và thoát khỏi nguy hiểm, cam đoan là vậy.
Ricardo đến được khu biệt thự. Để cẩn thận, hắn quyết định tránh mặt bọn gác ngoài cổng. Hàng rào cao, nhưng không thành vấn đề gì với hắn; trong khi được huấn luyện để thành một kẻ khủng bố, hắn đã học được cách vượt những vật cản còn khó khăn hơn nhiều. Đêm đó, dùng một cây tre cắt từ một khóm ven đường, hắn nhảy sào qua hàng rào một cách dễ dàng.
Giấu mình sau những bụi rậm và thân cây, hắn tìm ra ngôi nhà của Guedali nhờ có tấm biển đồng khắc tên chủ nhà. Hắn vào qua lối cửa sau. Nhưng đáng lẽ gặp Guedali thì hắn lại gặp Tita.
Họ nhìn nhau. Tita không có vẻ gì sợ hãi hay ngạc nhiên, như thể nàng đã đang chờ đợi hắn ở đó. Nàng mỉm cười. Nàng cầm tay hắn và dẫn hắn vào chỗ cầu thang. Ở đó, họ rì rầm trò chuyện hàng giờ liền, kể cho nhau nghe về mình. Tita mải mê lắng nghe chàng trai, nàng khâm phục lòng cam đảm của chàng, tấm lòng vị tha của chàng. Cải tạo xã hội là thứ mà nàng chưa bao giờ nghĩ tới. Guedali về nhà. Nàng lúng túng đến mức không nói được lên lời. “Em làm sao thế?” Guedali hỏi, giọng nghi ngờ. “Không sao cả”, nàng đáp, chỉ hơi nhức đầu một chút. Nàng biết Guedali dạo này trong lòng không yên, thậm chí còn sợ hắn bị mất thăng bằng tâm lý. Hắn đi ngủ, có vẻ không để ý thấy chuyện gì.
Sáng hôm sau, khi Guedali đã đi khỏi nhà, nàng cho gia nhân về nghỉ và cảm thấy bình tĩnh hơn. Hai đứa con đang ở miền nam chơi với ông bà. Nàng làm mấy cái bánh kẹp và đem đến cho chàng trai trẻ. Họ lại trò chuyện không dứt. Cuối cùng chàng trai thổ lộ: chàng đã yêu nàng. Đột ngột nhưng không thể nhầm được, chàng tin chắc như vậy. Chàng đề nghị hai người cùng bỏ trốn. Họ sẽ sống tận sâu trong vùng nội địa, có thể ở miền nam Rio Grande, chăn nuôi gia súc và trồng trọt, nhưng chỉ cốt đủ sống thôi, vì chàng không thích tích trữ của cải. Quan trọng nhất là họ sẽ làm tình không ngừng ở đó, giữa chốn thôn quê, trên thảm cỏ xanh, ngay cạnh con suối.
Bây giờ thì Tita là người lúng túng. Nàng không biết nói gì, nàng sợ làm chàng trai trẻ bị tổn thương, con người đã phải chịu nhiều gian truân đến thế. Nàng sợ phải cam kết. Và nhất là sợ những cảm xúc của chính mình. Nàng xin được có thêm thời gian để suy nghĩ. Ricardo khẩn khoản nàng trả lời, nhưng Tita lẩn tránh bằng những nụ cười. Tối rồi, Guedali sắp về.
Ricardo không muốn dính dáng gì đến Guedali. Chàng không còn muốn gặp Guedali nữa. Chàng chỉ nghe tiếng Guedali có một lần duy nhất vào cái ngày 15 tháng 7 năm 1972 ấy: “Đừng đợi, anh sẽ về muộn đấy” Ricardo liều lĩnh ra khỏi hầm rượu, chàng muốn có câu trả lời của Tita. “Anh điên rồi”, nàng nói, “Về chỗ nấp của anh ngay đi!”. Nhưng chàng trai ném hết lòng thận trọng của mình cho gió và ôm choàng ngay lấy nàng, ngay giữa phòng khách.
Cửa mở. Đó là Guedali. “Anh đã về. Paulo…”
Guedali ngưng bặt, hắn không thể tin vào mắt mình. Em nghĩ không cần phải giấu giếm gì ở đâu cả, Tita nói. Có một giọng điệu thách thức trong câu nói ấy khiến cho Guedali càng thêm tức giận: như thể nàng hoàn toàn có lẽ phải vậy. “Người này là ai?”, Guedali hỏi, cố giữ bình tĩnh, “Và anh ta đang làm gì trong nhà tôi?”. “Chẳng là…”, Tita nói, bắt đầu thấy mất tự tin, “…anh ta đến…”.
Guedali ngát lời nàng. “Không phải cô. Cô đừng có nói một lời nào hết. Anh ta phải là người giải thích chuyện này, không được dối trá điều gì hết.”
Ricardo kể câu chuyện của mình. Hắn đang run lẩy bẩy, rõ ràng đang sợ mất mật. Hắn nói hắn chỉ muốn nhờ Guedali giúp đỡ để về được đến nhà với cha mẹ hắn.
Guedali không còn quan tâm gì đến những điều hắn nói. Anh đang nhìn Tita. Không còn nghi ngờ gì nữa, nàng đã mê mẩn phải lòng Ricardo rồi. Nàng chỉ nhìn hắn. Guedali biết phải làm cái gì đó ngay lập tức, nếu không thì…
Cửa bật mở và một nhóm người chạy ùa vào, hò hét: “Chúc mừng ngày kỷ niệm! Chúc mừng ngày kỷ niệm!”, Paulo và Fernanda, Julio và Bela, Armando và Beatrice, Tânia và Joel. Bela mang một cái bánh gatô, Armando cầm hai chai rượu vang và Tânia mang một bó hoa. Guedali bỗng nhớ ra: hôm nay là ngày kỷ niệm ngày khai trương khu biệt thự, một ngày mà họ luôn nhớ ăn mừng. Đó là lý do tại sao anh đã không tìm thấy Paulo ở nơi hẹn gặp.
Mọi người đứng sững vì kinh ngạc. Thình lình, Tania như phát điên: “Kẻ trộm đấy!", chị rú lên – “Gọi bảo vệ ngay! Lạy chúa, gọi bảo vệ ngay!”
Kêu lên một tiếng kinh hoàng, Ricardo nhào mình qua ô cửa sổ rộng và chạy biến đi trong tiếng kính vỡ loảng xoảng. “Gượm đã!”, Tita kêu lên. Beatrice cố gắng giữ nàng lại, nhưng Tita đẩy chị ra và chạy ra cửa. Tất cả mọi người chạy ùa ra theo chị. Paulo hét lên, “Nó là ai thế, Guedali, nó là ai thế?”. “Cậu im đi!”, Guedali hét, và đúng lúc ấy họ nghe nghe thấy tiếng súng chó sủa và tiếng súng nổ thành từng tràng ngắn. Họ chạy về phía công viên và từ xa đã thấy những nhân viên bảo vệ đứng vây quanh đài phun nước, còn chàng trai trẻ tuổi thì nằm úp mặt trên vũng máu của mình.
Tita chạy trước hết, vừa chạy vừa la hét. Cố hết sức bình sinh, Guedali đuổi kịp nàng trước khi nàng tới được chỗ đài phun nước và túm chặt lấy cánh tay nàng. “Buông tôi ra, đồ súc vật!”, nàng rú lên, mặt biến dạng vì căm thù và đau khổ. Anh không buông mà giữ nàng thật chặt, kéo nàng về mình. Nàng chống cự, cào cấu mặt anh và đấm thùm thụp vào ngực anh. Cuối cùng, yếu sức, nàng hầu như ngã xỉu, để mặc cho chồng dìu về nhà và đặt lên giường.
Chuông reo cửa liên hồi. Guedali ra mở cửa. Đó là Pedro Bento, khẩu súng lục vẫn còn trong tay. Hắn tái xám vì sợ hãi và vã mồ hôi như tắm. “Có phải người nhà ông không, Guedali?”, hắn thì thào hỏi. “Bạn ông phải không?”. Guedali không trả lời, anh chỉ nhìn hắn chằm chằm. Pedro Bento nói tiếp: “Tha thứ cho tôi, Guedali, nếu đó là người nhà hoặc bạn ông. Bọn tôi hốt hoảng và cứ thế nổ súng, khi tôi đến đó thì anh ta đã hấp hối rồi, tôi chỉ bắn một phát vào đầu để giải thoát cho anh ta khỏi đau đớn mà thôi”.
Ở trên gác, Tita nức nở, quằn quại. “Mọi việc ổn cả rồi”, Guedali nói với Pedro Bento và đóng cửa lại.
Những ngày sau đó, Tita khóa mình trong phòng, không gặp một ai. Mãi nàng mới cho Bela vào thăm. Nàng chỉ thổi lộ với Bela câu chuyện về chàng khủng bố trẻ tuổi, người tình của nàng. Với mọi người, Bela và Guedali chỉ nói rằng đó là một tên trộm mà Tita bất ngờ chạm chán khi hắn đột nhập vào nhà.
Người ta làm các thủ tục cần thiết. Cảnh sát đến điều tra, rồi một bài báo ngắn xuất hiện dưới nhan đề: “Tên cướp trẻ thiệt mạng khi đột nhập khu chung cư biệt thự. Một biến cố quá thông thường không ai thèm để ý. Chỉ vài ngày sau đó, ngay cả bọn trẻ con cũng quên phắt sự kiện ấy, lại mải mê vào những vụ bắn giết loạn xị trên phim ảnh truyền hình.
Những lời dối trá. Tầng tầng lớp lớp những lời dối trá. Phải là một nhà khảo cổ học mới có thể sàng lọc được sự thật từ những tầng lớp tưởng tượng ấy, nếu quả thật có một sự thật nào đó.
Guedali bỏ đi. Hắn bỏ Tita và hai đứa trẻ, đi sang Morocco. Hắn tìm đến ông bác sỹ, cũng không có gì lạ, vì ông ta là người Guedali tin tưởng tuyệt đối. Lúc ấy hắn rối loạn tinh thần vô cùng. Hắn muốn được mổ lại, như lời hắn nói, để trở lại thành một con nhân mã. Ông bác sỹ ngờ rằng hành vi lạ lùng ấy có thể là do sự tái phát của chứng bệnh ung thư ngày trước, và ông quyết định phải làm một loạt các xét nghiệm một lần nữa. Trong thời gian đó, Guedali dan díu với một cô hộ lý của bệnh viện, một cô gái Tunisia bí hiểm có cái tên là Lolah. Cô gái này tặng Guedali một cái bùa may, một cái xác ướp bàn chân của một con sư tử.
Ông bác sỹ, vốn vẫn thầm yêu cô hộ lý với một tình yêu lý tưởng không gợn dục tình, không muốn cho hai người gặp nhau nữa, liền khóa nhốt cô ta ở trong phòng. Chuyện đó suýt nữa thành một tấn thảm kịch. Cô hộ lý đột nhập phòng X-quang nơi Guedali đang phải chụp kiểm tra trong tình trạng đáng thuốc mê, và tấn công ông bác sỹ. Cuối cùng thì cô ta bị người trợ lý của ông bác sỹ bắn bị thương và đưa sang một bệnh viện khác. Cô ta hồi phục không hề hấn gì.
Còn Guedali, lúc thuốc mê tan hết thì hắn tỉnh dậy và khỏi bệnh: hắn không còn muốn giải phẫu nữa, hắn muốn về Brazil. Hắn vội về đến nỗi nếu ông bác sỹ không nhắc thì hắn đã quên cả cái bàn chân sư tử.
“Bàn chân sử tử!”, cô gái kêu lên. “Đó là thứ mà tôi thích thực sự đấy. Tôi vẫn mê những thứ đồ lấy may ghê lắm”.
“Cứ hỏi anh ấy”, Tita nói, “ Nhỡ đâu anh ấy lại cho chị thì sao”.
“Anh ấy chẳng cho đâu”, “Nào, anh có cho tôi cái bàn chân sư tử đó không, Guedali?”, cô gái hỏi tôi, nắm lấy cánh tay tôi. “Để tôi suy nghĩ cái đã”, tôi đáp nhoẻn miệng cười.
“Thế rồi thì là…”, Tita nói, “Guedali từ Morocco trở về. Vẫn còn ương bướng: hắn không muốn về nhà. Hắn mua một nông trại ở Quatro Irmaos, vốn ngày xưa là nông trại của cha hắn, và ở đó cày ruộng, có một người nông dân giúp việc. Ban đêm, hai người thường phù phép, đọc bùa chú. Guedali thích những thứ ấy chị biết không. Và người Indian kia thì có cả một kho tàng các bùa ngải và bùa may. Và mẹ chồng tôi mách với tôi là hắn ở đó, tôi liền quyết định đến ngay đấy. Chị biết không, chỉ đến lúc ấy, mà tôi phải nói với chị rằng chúng tôi đã lấy nhau bao nhiêu năm rồi đấy nhé, chỉ đến lúc ấy tôi mới thực sự nhận ra rằng mình yêu Guedali. Chúng tôi làm lành với nhau, và bây giờ thì cùng sống ở Pôrto Alegre, nơi anh ấy trông coi một chi nhánh công ty cùng thành lập với Paulo”.
Nàng nói đến ngôi nhà chúng tôi xây ở phía nam Pôrto Alegre. Một ngôi nhà đẹp theo phong cách Moore, một thứ rất khác lạ ở thành phố này. Nàng hăng hái mô tả khu vườn, nhỏ thôi nhưng rất lịch sự. “Vườn ấy mới đáng gọi là lạc Viên”, nàng kêu lên, ám chỉ cái tên của quán ăn. Nàng nói đến đài phun nước lóng lánh dưới ánh trăng, những bồn đầy những loài hoa quý hiếm, những ngọn gió làm rung động khóm lá của những cây thiên tuế, những lối đi trải sỏi.
Tất nhiên nàng không nhắc gì đến những dấu chân ngựa trên lớp đất đen ngoài luống hoa. Nàng có biết những dấu vết ấy nhưng lại cho rằng đó là dấu chân của những con ngựa thỉnh thoảng vẫn lạc vào vườn nhà từ những vùng thôn dã xung quanh còn chưa bị đô thị hóa.
Những con ngựa ấy đến từ São Paulo. Việc sử dụng động cơ đốt trong để đi lại và cày cấy đã khiến cho chúng thành những con vật vô dụng và không ai muốn nuôi nữa. Bị nhốt trong những bãi quây chật hẹp, chúng bị kết án phải chết nhục nhã trong lò sát sinh. Bản năng sinh tồn đã cứu chúng thoát ra khỏi số phận ấy. Dẫn dắt bởi một cơ chế mơ hồ nào đó, chúng tìm đường đi về phía nam, về Rio Grande. Chúng đi ngang qua Pôrto Alegre (và chính ở đó, theo lý thuyết của Tita, chúng đã lạc vào vườn nhà tôi) và đến những vùng biên ải nơi đã có thời chúng phi nước đại, đã có thời chúng là những con tuấn mã của những người đàn ông và đàn bà nhanh nhẹn. Tuy nhiên, cũng chính tại vùng đất ấy, giờ đây chúng đã già và móm mém, chẳng còn ai muốn nuôi chúng nữa. Và thế là chúng tiếp tục cuộc hành trình miễn cưỡng. Vượt qua vùng bình nguyên Patagonia, kiệt sức và hấp hối, cuối cùng chúng đến được vùng đất băng giá vĩnh cửu. Dồn hết sức lực một lần cuối, chúng leo lên đỉnh một ngọn núi đơn độc và chết ở đó, bộ hàm ngựa trễ ra trong một nụ cười bí hiểm.
“Hay đấy, Tita. Nhưng có phải thực sự như vậy không? Có phải đó là những dấu chân ngựa thật không, những cái dấu ngoài vườn ấy? Nhỡ chúng là dấu chân của ai đó chạy qua vườn giữa đêm đen thì sao? Anh đang nói đến ai đó với thân hình người hẳn hoi, thậm chí cả cẳng chân và bàn chân người, nhưng lại có lối đi đặc biệt khiến cho vết chân giống hệt như vết móng ngựa ấy. Anh đang nói đến một con nhân mã, hoặc những gì còn lại của nó. Anh đang nói về Guedali đấy, Tita à”.
Nhưng Tita không còn nói về Guedali nữa. Nàng đang kể cho cô gái nghe về hai đứa con xuất sắc của mình. Một đứa là nhà thể thao vô địch có thể bơi như một con cá thực thụ, và đứa kia đứng đầu lớp và đang học vĩ cầm. Chúng tôi sống thoải mái lắm, nàng kết thúc. Chúng tôi không thiếu gì cả, mọi chuyện đều trở thành vui vẻ.
“Nghe như một kết thúc của một bộ phim truyền hình vậy”, cô gái nói. Và đúng thế, câu chuyện đã được đan xen khéo léo với một vở tuồng cải lương loại B. Với một mục tiêu duy nhất: thuyết phục tôi rằng tôi chưa bao giờ là một con nhân mã. Và họ đang đạt được mục tiêu ấy, ít nhất là một phần. Tôi vẫn tin mình là một con nhân mã, nhưng là một con nhân mã đang mỗi lúc bị teo đi, một con nhân mã mini, một con nhân mã micro. Thậm chí, con vật hư đốn này còn đang muốn chạy trốn tôi, muốn phi nước đại ở đâu đó làm sao tôi biết được. Có lẽ tốt hơn hết là thả cho nó đi, chấp nhận thực tại mà họ đang áp đặt lên tôi: rằng tôi là một con người, rằng những con vật thần thoại đã từng gây dấu ấn sâu đậm lên cuộc đời tôi ấy thực ra không tồn tại, chẳng có nhân mã, chẳng có nhân sư, chẳng có ngựa bay nào hết.
“Tôi thích vùng Rio Grando ghê lắm”, cô gái nói. “Mà thực là tôi có một chị gái sống ở đó. Chị ấy cũng có tâm hồn mạo hiểm lắm, giống như anh vậy, Guedali”. Chị ấy đến đó với tư cách nhà báo, để viết một bài báo về các trại gia súc ở vùng biên ải phía nam. Rồi thế nào mà chị ấy lại đi theo một gánh xiếc. Ai biết được, có khi chị ấy chính là bà dạy sư tử mà anh phải lòng chưa biết chừng”.
Cả hai bật cười khúc khích. Tôi cũng cười theo. “Sao lại không chứ?”.
“Mà thực ra”, cô gái nói, “Còn có một trùng hợp nữa. Đã có một thời gian tôi sống ở nhà một người bạn cũ, gần chỗ anh ở Teresopolis ấy. Liệu tôi có phải là cô gái mà anh đã thấy qua kính viễn vọng không hả Guedali?”.
Tôi lại cười, và cô gái nháy mắt với tôi . Tôi tin chắc là cô ta vừa nháy mắt với tôi, mặc dù cô ta vẫn đeo kính đen.
Có một hôm tôi gặp một người nghèo khổ ngoài đường. Ông ta xin bố thí, phô ra một cái chân cụt. Tôi đưa ít tiền, và rồi chắc bị mặc cảm tội lỗi thôi thúc, tôi hỏi: “Ông chỉ có một cái chân thôi ư?”, “Cái đó chẳng hề gì anh bạn ạ. Cái đó không ngăn cản anh làm việc. Anh đang thấy một người đã từng có cái móng ngựa đấy, biết không? Một người từng tranh đấu và thành công. Hãy noi gương ta, anh bạn ạ, hãy chiến đấu cho cuộc chiến của mình. Hãy tin tôi đi, có móng ngựa còn tồi tệ hơn nhiều so với việc thiếu một chân.
Đúng lúc ấy tôi bỗng nảy ra một nghi ngờ. Hai bàn chân trần mà tôi đang cọ nhè nhẹ dưới gầm bàn, cũng bằng chân trần của mình, là của ai thế nhỉ? Có thể là của Tita, mà cũng có thể là của cô gái kia lắm. Cứ nhìn vẻ mặt của hai người thì không thể đoán ra được: họ đều đang mỉm cười với một vẻ thông đồng. Bằng vào cảm giác mềm mạ của làn da này, tôi có thể đoán chúng là chân Tita. Nhưng ai mà biết được, nhỡ cô gái kia cũng dùng kem dưỡng ẩm như náng thì sao? Điều chắc chắn là bàn chân của chúng tôi đang tìm đến nhau, vuốt ve nhau, những bàn chân đầu nhục cảm, đúng vậy.
Cô gái nâng cốc rượu vang của mình, và đúng khoảnh khắc ấy tôi chợt nhận ra:một bàn chân của Tita, còn bàn chân kia của cô gái. Có thế mà không nghĩ ra! Sao tôi lại không nhận ra điều đó sớm hơn nhỉ? Có những người có bàn chân có hình dạng lạ lùng, thậm chí có cả móng nhân mã, nhưng bàn chân mà ngón cái nằm ở phía ngoài thì không ai trên đời này có. Bàn chân này là của người này, bàn chân kia là của người kia.
Điều phát hiện đó khiến tôi phá lên một trận cười. Mọi người kinh ngạc nhìn tôi, đều phá lên cười theo. Sự thực là ai cũng cười: hai đứa sinh đôi, Paulo, Fernanda, Julio, Bela, tất cả mọi người. Họ cười mà không hiểu vì sao, nhưng họ cười thật sung sướng, thành những chuỗi lảnh lót như tiếng chuông. Có người cúi gập cả người vì ngặt nghẽo.
Vẫn còn đang cười, cô gái cúi sang tôi để lấy cái ví. Đúng lúc ấy, cổ áo phanh một nửa của cô thoáng để lộ một gò vú đầy đặn. Những chuỗi vòng cổ của cô đeo lủng lẳng vô số bùa trang sức: một ngôi sao David (54), những người Indian nhỏ xíu. Thấp nữa xuống chỗ khe vú thì có một con nhân sư bằng đồng, một con ngựa bay với đôi cánh dang rộng, và một con nhân mã.
Cô mở ví. Và ngay trước khi cô cất tiếng nói, trước khi cô nói rằng cô quên thẻ tín dụng ngoài xe, trước khi cô nhờ tôi đi với cô ra ngoài đó để lấy chúng, tôi đã đang đứng dậy, đã đang đứng dậy rồi. Ngay trước khi Tita, vừa mỉm cười vừa nháy mắt với tôi, kịp rủ tôi cùng quay về phòng khách sạn với nàng, tôi đã đang đứng dậy, đã đang đứng dậy rồi.
Như con ngựa có cánh sắp cất vó bay lên về phía những ngọn núi hoan lạc vĩnh hằng, về phía bộ ngực của Abraham. Như con ngựa với những bộ móng đang nhảy múa, sẵn sàng phi nước đại qua thảo nguyên. Như con nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng nhảy qua tường rào để tìm kiếm tự do.
Chú thích
(51) Zohar: Cuốn sách có từ thời trung cổ, diễn giải và bình luận về những nội dung của sách Pentateuch, là kinh điển của hệ thống lý thuyết thần học bí truyền Cabala (ND)
(52) Tên những nghệ sĩ vĩ cầm người Do Thái, nổi tiếng khắp thế giới vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (ND)
(53): Mọi hình ảnh lọt vào võng mạc qua thủy tinh thể của mắt đều lộn ngược theo quy luật quang học (ND)
(54) Ngôi sao David: ngôi sao sáu cánh, tạo bởi hai tam giác đều lồng ngược chiều nhau, là biểu tượng của người Do Thái. Theo kinh Cựu ước, thượng đế đã chọn David làm vua của người Do Thái. David là người đã dùng một thứ vũ khí giống như súng cao su để hạ được người khổng lồ Goliath. Tích này vẫn còn được nhắc đến trong văn chương phương Tây như tích châu chấu đá voi của ta (ND).
-------THE END-------
Con Nhân Mã Ở Trong Vườn Con Nhân Mã Ở Trong Vườn - Moacyr Scliar Con Nhân Mã Ở Trong Vườn