Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Tác giả: Moacyr Scliar
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: truonghoangngan
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3637 / 147
Cập nhật: 2023-03-26 22:57:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Morocco - 18 Tháng 7 – 18 Tháng 9, 1972
ôi thấy bệnh viện trong cảnh điêu tàn. Những bức tường, trước đây đã bẩn thỉu, bây giờ đã đang sụp lở rồi; thậm chí cổng vào cũng không còn nữa. Một con chó hoang đang nằm ngủ dưới nắng, khi tôi đến gần nó bắt đầu nhe nanh gầm gừ. Tôi vỗ tay thật kêu và lên tiếng gọi. Mãi mới thấy người giúp việc của ông bác sĩ, đã thành một ông già buồn thảm, ra đưa tôi vào. Trả lời những câu hỏi của tôi từng tiếng một, lão đưa tôi đi qua vườn, nơi vẫn còn sống sót vài bụi hồng giữa một rừng cỏ dại. Thằn lằn tắm nắng trên cái đài phun nước đổ nát. Không thấy một bóng người. Rõ ràng là bệnh viện đã không còn bệnh nhân nào nữa.
Ông bác sĩ Morocco đã lụ khụ hẳn đi, cái đầu hói nhẵn nay lại tương phản với bộ râu cằm xám xịt rối bù, rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Cơn gió lành nào đưa ông tới đây vậy, Guedali? Ông đi công việc hay là đi chơi thế? Cũng có chút công việc, tôi nói, cũng mới chỉ là vài ý tưởng thôi. Ông ta biết chưa phải là lúc gặng hỏi, bèn hỏi thăm Tita và bọn trẻ con. Chúng tôi chuyện trò một lát, rồi tôi bảo ông là tôi hơi mệt, liệu ông có thu xếp một phòng cho tôi được không? Tôi nói thêm: tôi sẽ trả tiền theo ngày, tất nhiên rồi. Mặt ông ta sáng lên: sao lại không, Guedali, tôi rất vui mừng là đằng khác! Tôi nghĩ có lẽ ông sẽ ưa dùng một trong những phòng hạng nhất của chúng tôi. (Rõ ràng là ông ta đang rất cần tiền)
Ông đưa tôi vào phòng. Đó là căn phòng mà tôi và Tita đã ở sau khi mổ. Cũng như những nơi khác trong bệnh viện, trông nó hoàn toàn hoang tàn: mạng nhện chăng đầy trần nhà, tường phòng rạn nứt hết, màn cửa bạc phếch. Chính ông bác sĩ cũng phải nói: phòng này phải dọn dẹp sạch sẽ lại đã. Người của tôi sẽ lo việc đó. Nhưng ngày mai kia. Còn giờ thì ông phải nghỉ ngơi đi đã.
Tôi qua một đêm mất ngủ, đi tới đi lui, lúc đầu còn trong phòng, sau thì ra ngoài vườn. Khi trời sáng thì ông bác sĩ xuất hiện.
“Thế nào, mình nói chuyện công việc được chưa?”. Mặc dù đã lấy giọng nhẹ nhàng tự nhiên, ông ta vẫn có vẻ lo lắng, nhưng không nhiều lắm: Ông là một người từng trải và biết rõ những rủi ro của chúng tôi (chẳng hạn chỉ cần một động mạch nhỏ trong não đứt một cái là có thể gây tử vong ngay lập tức) và có lẽ còn hơi có tư tưởng định mệnh nữa vì sống gần các bộ lạc cuồng tín thường tin vào số phận định sẵn. Ông là người sẽ không ngạc nhiên trước bất kỳ điều gì mà tôi sắp nói với ông, cho dù chúng có bất thường và kịch tính đến mấy.
“Tôi muốn có một cuộc giải phẫu nữa. Tôi muốn lại trở về làm một con nhân mã”.
Ông ta không chỉ ngạc nhiên, mà còn chết lặng. Tất cả những biểu hiện của một trạng thái kinh ngạc đến cực điểm, hai mắt ông lồi hẳn ra ngoài, miệng há hốc, mặt tái ngắt (không rõ lắm vì da ông ngăm đen), tất cả đều hằn rõ trên khuôn mặt ông. “Nhưng mà”, ông ngắc ngứ “Nhưng mà”, ông ta nắm chặt lấy chỗ đầu giường để khỏi ngã. Quả thật ông không hề nghĩ trước đến khả năng này.
“Ông muốn làm gì cơ, ông Guedali?”
“Tôi muốn có một cuộc giải phẫu nữa. Tôi muốn lại trở về làm một con nhân mã”.
Ông bác sĩ giải phẫu phải nhanh chóng trấn tĩnh khỏi cơn choáng. Và chỉ ngay sau đấy, ông ta đã bình tĩnh lại, mỉm cười và thần sắc bình thường. Ông chớp nhoáng đánh giá tình hình và chọn giải pháp phớt lờ điều tôi vừa nói, chí ít cũng là trong lúc này.
“Thế này nhá”, ông nói, “mình ăn sáng cái đã, rồi nói chuyện sau”.
Bữa điểm tâm được dọn trên cái bàn nhỏ trong vườn. Cốc chén vẫn là đồ sứ, nhưng đã sứt mẻ cả; còn khăn ăn thì ố vàng, những cái đó cũng chẳng có nghĩa gì với tôi. Tôi muốn lại được là một con nhân mã, tôi đã nói vậy, và sau khi nói thế tôi mới phát hiện ra điều gì đã đem tôi sang Morocco. Về một mặt nào đó thì tôi thấy ngạc nhiên, nhưng cũng không nhiều lắm. Tôi vừa nói ra lời nỗi dằn vặt đau đớn của mình, và chính cái việc nói thành lời ấy đã khiến tôi bình tĩnh lại một cách rất lạ lùng. Mặc dù không hẳn thật hoan hỉ, nhưng tôi cảm thấy ít nhất thì mình cũng vui vẻ một cách khiêm nhường. Hóa ra đấy chính là điều tôi muốn! Phi nước đại một lần nữa qua thảo nguyên, làm chủ cả bốn bộ móng ngựa của mình. Tôi không còn muốn có Tita nữa, và cả con cái, công việc, bạn bè, khu nhà biệt thự; chẳng còn thiết gì hết nữa. Ông bác sĩ Morroco (một nghệ sĩ thực thụ) đang bình thản tán gẫu về sự siêu việt của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ. Cứ như thể tôi chưa hề nói gì với ông ta. Nhưng tôi nào có để ý gì đến cà phê.
“Thế nào ông bác sĩ, ông nghĩ sao?”
Ông ta nhìn tôi, bớt ngạc nhiên hơn trước, nhưng hãi hùng hơn. Vậy là tôi nói chuyện nghiêm chỉnh thật rồi. Vậy là những điều tôi nói không phải chỉ là sản phẩm của một đầu óc còn đang lẫn lộn vì đi đường mệt mỏi, vì thay đổi múi giờ, vì khó ngủ. Cái từ “nhân mã” không phải là cái gì bị đêm tối bỏ sót lại, không phải là một cơn ác mộng đang xen vào thế giới đang thức tỉnh. Tôi có thể đọc được trong mắt ông rằng ông đã bắt đầu cảm thấy lòng quyết tâm của tôi, có thể chưa được vững chắc lắm, nhưng đang mỗi phút một vững chắc thêm.
“Thế nào?”
“Nhưng ông đang nói chuyện gì vậy Guedali?”. Bây giờ thì ông ta chau mày, mặt mũi khổ sở. Cặp môi ông ta hình như run lên. “Ông đang nói với tôi cái gì cơ?”
“Ông đã nghe rồi mà, bác sĩ. Tôi muốn làm một con nhân mã một lần nữa.”
“Ồ, cái này nghiêm trọng đây” ông lẩm nhẩm, “thực sự là rất nghiêm trọng đây”. Ông để mặc chiếc khăn ăn rơi sang một bên và ngả mình vào lưng ghế.
“Tôi đã giả định có chuyện hệ trọng, Guedali. Chẳng hạn một biến chứng do vụ mổ trước của ông. Nhưng tôi không hề nghĩ đến chuyện này. Tôi xin thề đấy.”
“Nhưng chuyện là vậy thật mà.”
“Vậy tôi có được phép biết”, ông hỏi, hai mắt ươn ướt “điều gì đã khiến ông muốn từ bỏ thân phận người, sau tất cả những nỗ lực của ông, và cả của tôi nữa, để có được nó? Tôi có được phép biết đìêu đó không, Guedali? Tại sao ông lại đến yêu cầu tôi làm việc này? Tôi nghĩ mình cũng có quyền được biết, ông bạn ạ. Dù sao thì…”
“Phải rồi,” tôi ngắt lời ông “ Dù sao thì ông đã cho chúng tôi, Tita và tôi, nhân dạng. Tôi rất biết ơn ông. Nhưng…” Tôi lưỡng lự “Ông nghe tôi nhé, ông bác sĩ, tôi không thích ông hỏi tôi quá nhiều thế đâu. Hãy cứ cho tôi biết ông có sẵn lòng giúp tôi hay không đã.”
“Tất nhiên là tôi sẵn lòng chứ!” Ông ta đáp, giọng bất mãn “Ông không có quyền hỏi một câu như thế. Nhưng ông nói tôi giúp ông nghĩa là thế nào? Nếu ông muốn tự tử, Guedali, tôi sẽ không đưa súng cho ông đâu.”
“Nó chẳng dính dáng gì đến tự tử. Nó chỉ là…”
Là cái gì nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Chúng tôi nhìn nhau như hai anh ngốc. Chúng tôi đang nói chuyện gì vậy? Chúng tôi là ai chứ? Tất cả chuyện này có nghĩa gì?
Mặt ông ta bỗng thay đổi hẳn đi. Trong nháy mắt ông đã thành ra rất bình thản, cứ như thể chúng tôi đang nói chuyện bóng đá hoặc thời tiết vậy. Ông cúi về phía tôi.
“Thôi được rồi, Guedali. Nếu ông không muốn nói cho tôi biết thì thôi, ông không cần phải nói đâu”
Lại ngả người vào lưng ghế, ông nhoẻn miệng cười. Tôi vỡ lẽ: ông đã thôi không thắc mắc về tính logic của điều tôi đã nói. Ông đã đặt cái ý tưởng ấy vào bối cảnh của chúng tôi lúc ấy, vốn thực là đầy rẫy phi lí: khu bệnh viện hoang tàn, người giúp việc lặng câm đang dọn cốc chén và thìa dĩa, những loài cây hiếm lạ trong khu vườn bị bỏ hoang, những con chim đang sột soạt vẫy cánh trên đầu chúng tôi. Và những người Maghrib, người Berbe, những con lạc đà và cái trống bộ lạc.
“Tôi sẽ chỉ hỏi ông thêm một lần nữa thôi: ông thực sự muốn làm điều đó?”
“Vâng, đúng thế”
“Vậy nếu tôi bảo ông rằng việc đó là không thể thực hiện được về mặt kỹ thuật?”
A, ra thế. Ông ta đang tấn công từ phía khác. Ông đang lý luận với tôi về mặt y khoa, sử dụng những khó khăn kỹ thuật để phản bác lại tôi. Những bộ phận đã cắt bỏ không còn nữa, và thậm chí có còn, thậm chí chúng được bảo quản trong những điều kiện đặc biệt trong môi trường nhiệt độ cực thấp, như thi thể của các triệu phú Mỹ vẫn mong có ngày sống lại, thì vẫn còn có những khó khăn của việc tái ghép chúng. Thế rồi những bộ phận còn lại, tức chính là thân thể tôi bây giờ, chúng cũng đã biến dạng đi nhiều rồi chứ. Tôi không còn là nửa trước của một con nhân mã nữa, tôi đã là một con người hoàn chỉnh.
Tôi đáp rằng mình sẵn sàng chịu mọi rủi ro. Tôi sẽ vui lòng ký giấy cam đoan để tránh cho ông ta mọi thứ trách nhiệm đối với bất kỳ hậu quả nào của ca mổ ghép này.
“Nhưng mà là ghép cái gì chứ Guedali?”
“Một cái thân ngựa”, tôi nói “Một cái thân ngựa còn sống”
Lần này thì ông ta thực sự kinh hoàng. Một con ngựa ư, Guedali? Rồi ông cười phá lên: phi lý! Cơ thể còn sống của ông sẽ không tiếp nhận tế bào lạ. Nhưng rồi ông thôi cười, suy nghĩ một lúc, rồi ngập ngừng: “Quả thật, đã có những ca ghép gan lợn vào cho người, cho người da đen. Và ghép tim khỉ…”
“Đấy” tôi nói.
Ông có vẻ vẫn chưa bị thuyết phục. Liều lĩnh khủng khiếp đấy, Guedali ơi, một phần triệu cơ hội thành công, hoặc còn ít hơn nữa. Ngoài ra, ông ngậm ngùi, còn một vấn đề nữa. Ông giơ hai bàn tay run rẩy cho tôi xem.
“Ông thấy chưa? Tôi đã già rồi, Guedali, đã bao năm qua tôi không mổ một vụ nào. Tôi không biết mình có còn sức nữa không…”
Tôi ngắt lời: “Cái đó tuyệt đối chẳng sao hết, thưa bác sĩ. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở ông”
Ông đứng lên: “Có thật thế không Guedali? Có thật là ông tin tưởng ở tôi?”
Tôi cũng đứng lên theo: “Cho dù kết quả ra sao cũng mặc, bác sĩ ạ”. Ông không ghìm được mình nữa. Ông ôm chầm lấy tôi.
“Cám ơn ông, Guedali”, ông nói, hai tay lau nước mắt. “Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe những lời như thế. Tôi đang cần có ai nói với tôi như thế”
Ông mỉm cười.
“Ta có thể làm được Guedali. Cần gì ai! Chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu. Tôi không biết lý do ông muốn làm nhân mã là gì, nhưng thế thì đã sao! Tôi là một bác sĩ, ông là thân chủ của tôi, và tôi sẽ thực hiện những mong muốn của ông. Hơn nữa, tôi sẽ dồn hết tâm lực vào ca mổ này, ông cứ yên tâm về chuyện đó. Với ông, nó có ý nghĩa ra sao thì với tôi cũng vậy. Nó sẽ là cuộc cải tạo của tôi Guedali. Ông có tưởng tượng được không? Không những tôi đã là người bác sĩ đầu tiên cải dạng nhân mã thành người, mà tôi cũng sẽ là người đầu tiên cải dạng một người thành nhân mã trở lại! Thế giới y học sẽ phải rung động vì chuyện này”
Ông ngừng lời, chờ cho cơn phấn khích qua đi.
“Xin lỗi, Guedali. Tôi nghĩ mình vừa hơi hăng hái quá”
Không sao, tôi nói. Nhưng ông ta hầu như đã không chú ý gì đến tôi nữa; ông đã hoàn toàn bị cuốn hút vào ý tưởng của ca mổ. Ông bắt đầu đi đi lại lại.
“Muốn lại thành nhân mã… hừm… muốn lại thành nhân mã. Để xem nào…”
Ông dừng lại, đặt một tay lên vai tôi.
“Không phải dễ đâu, Guedali. Một ca mổ rất tinh vi, rất tinh vi đấy. Chúng ta phải thận trọng hết sức. Con ngựa chẳng hạn, bắt buộc phải là một con vật khỏe mạnh, trẻ và lành mạnh mọi bề. Ta sẽ chuẩn bị nó thật cẩn thận. Còn ông, Guedali, sẽ phải qua những trị liệu tiền giải phẫu rất khắt khe đấy. Ông sẽ phải dùng các thứ thuốc để loại trừ hết các kháng thể của mình. Cơ thể ông phải chấp nhận những tố chất của con ngựa như thể chúng là bạn bè với nhau chứ không phải kẻ thù. Sẽ phải mất nhiều thời gian đấy”
Ông lưỡng lự một giây rồi nói thêm “mà tôi cũng phải nói ngay với ông rằng sẽ không rẻ đâu”
“Tôi đã sẵn sàng hy sinh tất cả”, tôi đáp. “Tiền là thứ không đáng lo đến nhất”
“Tuyệt vời!” Ông nói. “Tôi biết ông là người có tư chất, Guedali ạ”
Ông lại tò mò nhìn tôi.
“Tha lỗi cho tôi tọc mạch vào việc riêng của ông… nhưng tôi phải hỏi lại ông lần nữa, tại sao ông lại muốn trở về thành nhân mã?”
(Tôi có biết không nhỉ?)
“Tôi không muốn nói chuyện ấy” tôi đáp. “Nhưng tôi có những lý do rất nghiêm chỉnh, rất… những lý do rất sâu sắc. Cứ tin tôi đi”
Ông mỉm cười thông cảm.
“Tất nhiên rồi, Guedali. Phi nước đại qua thảo nguyên… tôi biết, đó là một thôi thúc tiền sử. Ngay cả tôi, chỉ mới được cưỡi ngựa tý chút hồi còn bé, mà cũng nhiều lúc có cảm giác thôi thúc ấy”
Ông im lặng một chút, như thể đang suy nghĩ. Rồi mặt ông bỗng sáng bừng lên.
“Tôi có một đề xuất với ông. Nếu ông ứng cho tôi ít tiền, chúng ta sẽ làm một bữa tối ra trò đêm nay. Ông bảo sao? Một món mỳ ống Bắc Phi với rượu vang Pháp tuyệt hảo chứ?”
“Được quá đi” tôi nói, lấy tiền từ trong túi ra. Mắt ông sáng lên khi thấy những tờ đô la Mỹ và franc Thụy Sỹ.
“Ngoại tệ mạnh đây” ông nói, cố giấu vẻ khích động của mình, hay quá, Guedali.
Chúng tôi ăn trong phòng ăn của bệnh viện, có lão già lầm lì phục vụ. Món mỳ ống Bắc Phi rất ngon; rượu vang nặng và chúng tôi đều vui vẻ. Ông bác sĩ kể chuyện đời mình cho tôi nghe. Là con trai một người thợ giầy tại một làng quê Morocco nhỏ bé, ông đã luôn mơ ước trở thành bác sĩ. May mắn làm sao, có một vị triệu phú người Mỹ thích ông và cho ông đủ tiền để theo học y khoa tại Paris. Ông nháy mắt: để đổi lấy một vài chiếu cố khác, tất nhiên rồi.
“Tôi đi chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Sau khi tốt nghiệp một thời gian, tôi bắt đầu quan tâm đến giải phẫu chuyển giới tính”
Ông cười khúc khích. “Thật ra cũng là một cách tạ ơn người đỡ đầu của tôi. Nhưng cả ông ta và tôi đều không thể ngờ rằng rồi tôi sẽ giải phẫu cả những con vật thần thoại. Phải thú thật với ông là việc ấy thích thú hơn nhiều so với việc mổ các khối u não”
Ông ta lại cười khi vét sạch đĩa thức ăn, ợ một cái. “Xin lỗi, Guedali” rồi thở dài thoả mãn
“Lâu lắm rồi tôi mới được một bữa ăn ngon lành, Guedali. Quả thực là đã từ lâu lắm rồi”
Chúng tôi châm xì gà và im lặng hút trong vài phút. Ông ngả người về phía tôi như một kẻ tòng phạm: “Nói chuyện các con vật thần thoại, ông có bí mật của ông, Guedali, nhưng tôi cũng có bí mật của tôi… chỉ khác là tôi không ích kỷ, tôi muốn chia xẻ điều bí mật của mình ấy với ông. Nếu ông thích thế, nghĩa là… ông có muốn biết điều bí mật của tôi không, Guedali?”
Tôi nói có, mặc dù cũng không mấy quan tâm đến những điều bí mật của ông ta.
“Vậy thì ông đi với tôi.”
Chúng tôi đến một gian phòng biệt lập nhất. Ông mở cửa và ra hiệu cho tôi vào. Khi tôi đã vào phòng, ông mới bật đèn. Cái tôi nhìn thấy khiến tôi khủng khiếp. Ở đó, trong một cái cũi sắt rất to và nặng, là một con vật kỳ lạ tuyệt vời, ngay cả đối với tôi: một cựu nhân mã. Đó là một người đàn bà, hoặc đúng hơn, cái đầu và bộ ngực là của một người đàn bà, nối liền với một thân mình mà sau một lúc lúng túng tôi mới nhận định được là thân mình của một con sư tử cái. Nó đang nằm, hai chân trước duỗi dài, và đang nhìn xoáy vào chúng tôi. Cảm giác lúc ấy của tôi là một mớ hỗn độn giữa căng thẳng và khó chịu, thương cảm và kinh tởm. Tôi cảm được cái đồng cảm mà những người tàn phế, dị dạng, và bệnh tật vẫn có đối với nhau; nhưng cũng thấy được cả nỗi căm giận mà những người tàn phế, dị dạng, và bệnh tật vẫn có đối với nhau. Tôi bỗng như muốn vừa cười vừa khóc cùng một lúc. Cuối cùng thì tôi thấy mình đỏ bừng mặt. Vì xấu hổ chăng? Nhưng xấu hổ vì cái gì chứ? Còn với nó, hình như nó không để ý gì đến sự có mặt của chúng tôi.
“Đây là Lolah” ông bác sĩ nói, và cái giọng tự hào của ông khiến con vật kia càng thêm phi lý. Ông ta nói với nó bằng tiếng Pháp: “Chào anh bạn Guedali của chúng ta đi chứ, Lolah. Ông ta từ Brazil tới đó”
“Merde!” (45). Con vật gào lên, và quay mặt vào tường.
“Nhưng nó là cái gì thế?” Tôi nói khi đã hơi hoàn hồn và tìm thấy giọng mình. Ông bác sĩ cười ngất.
“Cái gì ư? Chẳng lẽ ông lại không biết, Guedali? Ông, một con vật thần thoại, mà lại không nhận ra bạn đồng hành từ trong cõi vô thức tập thể (46) của mình hay sao? Đó là một con nhân sư mà, Guedali”
Nhân sư, tất nhiên rồi. Nửa đàn bà, nửa sư tử cái. Tôi đã không nghĩ ra điều này vì khái niệm nhân sư của tôi chỉ gắn liền với hình ảnh bức tượng nhân sư Ai Cập. Còn trước mắt tôi đây đâu có phải là một bức tượng đá khổng lồ với bộ mặt long lở. Bộ mặt này đáng yêu là khác; da dẻ như màu đồng đỏ, đôi mắt to xanh lá cây, cặp môi đầy đặn, mái tóc hung hung, cặp vú chắc lẳn đẹp đẽ. Những bộ móng chân và thân hình sư tử cái, cái đuôi đang quật bên này bên kia. Một con nhân sư, rõ ràng rồi. Vậy là nhân sư có thật.
“Nó cũng thật như ông vậy, Guedali” ông bác sĩ nói, như thể đang đọc được những ý nghĩ của tôi. “N’est-ce pas (47), Lolah? Và nó rất thông minh, muốn xem không?”
Ông đi đến gần cái cũi.
“Nào, Lolah. Hãy bảo cho quý ông đây biết cái gì buổi sáng thì đi bốn chân, buổi chiều đi hai chân và buổi tối đi ba chân, nào”
Con vật không đáp. Nó vẫn quay mặt vào tường. Ông bác sĩ lén thò tay qua chấn song và giật mạnh một cái vào đuôi nó. Con nhân sư nhảy vọt lên.
“Merde!” Nó giận dữ gầm lên. “Merde!Merde!”
Nó quăng mình vào chấn song cũi, đập vào đó thình thình những cái tát khủng khiếp. Tôi sợ hãi lùi lại.Nhưng cái cũi rất chắc. Ông bác sĩ thấy tôi sợ thì cười phá lên.
“Thôi được rồi Lolah” ông nói “cô gây ấn tượng với vị khách của chúng ta thế là đủ rồi. Chúng ta sẽ để cô yên bây giờ đây, cô em yêu quý ạ. Ngủ ngon nhé, em sẽ tha thứ cho chúng ta chứ?”
Con nhân sư không trả lời. Nằm phục xuống, giấu đầu vào chân trước, nó có vẻ đang khóc nức nở. Ông bác sĩ tắt đèn và chúng tôi đi ra.
Chúng tôi ngồi ngoài vườn, lão giúp việc đem rượu vang tới.
“Con vật đó ở đâu ra vậy?” Tôi hỏi, vẫn còn chưa hoàn hồn, rồi yếu ớt đùa một câu “Có phải từ Ai Cập không?”
Ông ta tặc lưỡi: “Không, không phải từ Ai Cập. Từ Tunisia đấy. Một người bạn tôi, cũng là bác sĩ, rất thích săn bắn mãnh thú, đã tìm thấy cô ấy. Từ lâu rồi ông ta đã nghe người dân bản địa kháo nhau về một con vật có mình sư tử và vú đàn bà; và mặc dù ông ta có nghe chuyện nhân sư, ông ta vẫn không tin lời đồn đại kia. Nhưng đến khi họ chỉ cho ông ta thấy vết chân của nó thì ông ta quyết định theo vết nó ngay. Sau bốn ngày lặn lội, họ đến một thung lũng sâu xung quanh toàn vách đá dựng đứng, một nơi mà con mồi không thể trốn đi đâu được nữa. Đám tùy tùng của ông ta chặn một đầu thung, còn ông ta từ đầu kia tiến vào. Cuối cùng khi nhìn thấy cô ấy, ông ta xúc động thích thú đến mức lập tức quyết định phải bắt sống cô ấy. Lolah xé tan xác ba con chó và hai người Tunisia trước khi bọn họ tung lưới bắt được cô. Bạn tôi mê mẩn vì sắc đẹp của nàng. Biết tôi đã từng giải phẫu cho nhân mã, ông ta đem nàng đến đây với hy vọng tôi có thể biến nàng thành một người đàn bà bình thường. Tôi nghĩ ông ấy yêu nàng thực sự”
Ông bác sĩ nhấp một ngụm rượu. “Vang ngon đấy, cái này này” Ông thở dài. “Biết bao nhiêu năm rồi, Guedali, tôi mới lại được uống vang tử tế”
Một chiếc máy bay lướt qua ngay trên đầu chúng tôi với một tiếng động điếc tai.
“Máy bay của nhà vua đấy” ông nói “nó bay qua đây luôn. Nhiều khi tôi cứ nghĩ...”
Tôi ngắt lời ông.
“Vâng, thế rồi sao nữa? Đã xảy ra chuyện gì?”
“Chuyện gì ư? Ồ vâng. Còn sao nữa, tôi thấy ngay lập tức là sẽ không thể có một kết quả nào có thể chấp nhận được. Ông bà thì khác, ông và Tita ấy, cả hai đều có một nửa gần như là thân thể người bình thường, với cặp chân trước có thể dùng như chân người. Còn Lolah thì chỉ có mỗi cái đầu và cặp vú là của con người. Có mổ thành công đi nữa, cô ấy cũng sẽ chỉ thành một quái vật lạ lùng hơn nữa mà thôi, một thứ quỷ lùn với móng vuốt sư tử. Tôi nói tất cả những điều này cho ông bạn kia. Ông ta buồn khổ đến nỗi bỏ đi luôn, để lại con nhân sư cho tôi. Chỉ vài ngày sau đấy, ông ấy chết vì một cơn đau tim. Ông ấy là một người rất dễ bị kích động, ông ấy tin cả bùa chú và phép thuật, và có thể đã vì vậy mà chết. Thế là tôi giữ Lolah. Lúc đầu, nàng không muốn dây dưa gì đến tôi, và vẫn có những lúc tấn công tôi, như ông đã thấy. Nhưng dần dần tôi đã làm cho nàng tin mình. Tôi đã dạy nàng tiếng Pháp... nàng rất thông minh, học gì cũng dễ dàng nhanh chóng. Nàng đọc nhiều lắm. Nhưng nói rất ít. Đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng biết tý gì về cuộc đời của nàng.”
Ông nốc cạn cốc rượu. “Tuyệt thật, cái rượu vang này. Quả thật là tuyệt… nhưng như tôi đã nói với ông: tôi kết luận rằng không thể giải phẫu cho nàng được. Vấn đề là tôi sẽ phải làm gì với nàng đây. Xin thú thực là tôi đã nghĩ đến việc trưng bày nàng cho công chúng xem. Tôi có thể bán vé rất cao tiền, lúc ấy tôi đã lâm vào nhiều rắc rối về tài chính và rất cần tiền. Tôi nói một cách bóng gió rất thận trọng với nàng. Nàng nổi giận, kêu rằng thà chết còn hơn. Tôi đã tôn trọng nàng, Guedali ạ. Ông thấy đấy, giờ đây tôi chỉ còn là một anh bác sĩ già nua, lụn bại và hành vi của tôi không phải lúc nào cũng sạch sẽ, nhưng tôi vẫn còn lại một chút nhân phẩm. Tôi giành gian phòng ấy cho Lolah, và nàng sống với tất cả những tiện nghi có thể có được. Không biết ông có để ý không, nhưng tôi còn bố trí cả một cái TV ở đó cho nàng. Còn cái cũi, nó cũng không hẳn là nhà tù đâu. Mục đích của nó chỉ là để kiềm chế những cơn giận dữ của nàng, mà như tôi đã nói, nó không phải là hiếm. Nói cho cùng thì nó cũng là biện pháp an ninh cho chính nàng. Bản thân nàng cũng biết điều đó. Tội nghiệp Lolah, nàng thường bảo: “Tận đáy lòng, tôi là một con mãnh thú”.
Ông cười. “Mãnh thú ư? Không, nàng không phải thế đâu Guedali. Nàng là một cô gái đáng thương, không hơn. Một sinh linh bí hiểm và cô độc.”
Tôi hỏi mình có được phép chuyện trò với nàng không. Ông nhìn chằm chằm vào tôi, hơi có ý nghi ngờ, hơi có ý ghen tuông trong cái nhìn ấy, mặc dù ông đã cố che dấu chúng.
“Được thôi, nếu ông thích thế… Tôi cũng chưa biết nàng có chịu nói chuyện với ông không. Ông có thể đem thức ăn vào cho nàng ngày mai. Nếu ông đưa tôi tiền, tôi sẽ đặt mua một ít thịt cừu quay. Đó là một trong những món nàng thích nhất”
o O o
Đêm đó, đêm thứ hai của tôi tại bệnh viện, lại là một đêm thức tỉnh nữa đối với tôi. Tôi đi lang thang ngoài vườn, bồn chồn không thể ngủ được. Những tình cảm mạnh mẽ sôi âm ỉ trong lòng tôi. Tôi đã làm gì vậy? Tôi tự hỏi mình, bởi vì bấy giờ tôi đã tỉnh táo lại và đang tự cáo buộc mình đã trót hành động theo một cơn xúc động hoang dại. Đã trót bỏ vợ, bỏ con, bỏ bạn bè để nhảy lên máy bay đi ngay sang Morocco. Đã tìm đến ông bác sĩ và nói rằng mình lại muốn trở lại làm nhân mã. Cái gì đã khởi động cả một chuỗi những hành động điên cuồng như vậy? Hình ảnh Tita và con nhân mã kia ôm ấp nhau chăng? Cái chết của hắn chăng? Đúng vậy, Tita đã ôm ấp con nhân mã ấy trong tay, con nhân mã đã cố chạy trốn và bị bắn chết. Phải chăng theo cách hành xử bình thường thì tôi sẽ nói: Nào, lại đây Tita, chúng ta hãy nói chuyện này xem, hãy cùng nhau xem lại chuyện gì đã xảy ra, hãy xác định xem cái gì là thực và cái gì là tưởng tượng trong câu chuyện ấy. Phải chăng đó mới là những gì nên làm? Nhưng không, đáng lẽ phải làm thế thì Guedali lại quay lưng lại và chạy mất. Đến tận Morocco, cứ hệt như chạy đi mua thuốc lá vậy. Nhẽ ra ít nhất thì cũng phải nói chuyện với Paolo cái đã.
Những câu hỏi có lý của một người dần tỉnh lại. Nhưng vì chưa tỉnh hẳn, vẫn còn lơ lửng giữa bầu trời và mặt đất như một con ngựa bay có cánh, tôi vẫn còn lòng vòng trên mây, tôi đã bay quá cao và quá nhanh đến nỗi chóng cả mặt. Tôi không trả lời những câu hỏi của chính mình. Tôi thà mỉm cười như một thằng ngớ ngẩn, hoặc thà khóc lóc, cũng như một thằng ngớ ngẩn. Tôi thà đầu hàng cái cảm giác lơ lửng chóng mặt ấy, nghĩa là thà không thèm biết đến chuyện gì đã đang xảy ra và rồi cái gì sẽ đến. Chủ yếu là vì tôi chóng cả mặt khi nghĩ đến Lolah. Hình ảnh Lolah làm lu mờ hết mọi thứ khác. Sau khi nhìn thấy những cái mà mình đã thấy, tôi còn tự hỏi: có đúng là mình đã từng sống trước đây hay không? Có phải đó là cuộc sống, hay chỉ là một giấc mộng? Đó quả thực là cái ấn tượng mà con vật dị thường ấy đã gây ra cho tôi, cái con nhân sư tuyệt đẹp ấy. Trước mặt nàng, tất cả mọi thứ khác, cho dù có vẻ quan trọng và đáng phải quan tâm đến mấy, tự nhiên không còn tồn tại nữa. Gia đình ư? Nhân sư thôi. Công việc ư? Nhân sư thôi. Bạn bè ư? Nhân sư thôi. Nhà cửa ư? Nhân sư thôi. Xe cộ ư? Nhân sư thôi. Quần áo ư? Nhân sư thôi. Sườn nướng ư? Nhân sư thôi. Con nhân sư vượt xa tất cả mọi thứ về mặt đáng nể, về mặt kỳ diệu. Thậm chí nó còn che khuất cả hình ảnh một con nhân mã phi nước đại trên đồng cỏ. Một con nhân mã cái phi nước đại trên đồng cỏ. Một con nhân mã đực và một con nhân mã cái cùng nhau phi nước đại trên đồng cỏ.
Lolah. Tôi đi qua trước ngôi nhà có gian phòng của nàng. Cửa sổ đã bị xây gạch bịt kín lại. Rõ ràng ông bác sĩ đã cẩn thận đề phòng tọc mạch. Nhưng tôi có thể cảm thấy sự hiện diện của nàng bên trong đó. Đầu tiên nàng cũng đi đi lại lại trong cái cũi giống như tôi đi tới đi lui ngoài vườn; rồi nàng cũng đứng im phăng phắc như tôi đang đứng, tia nhìn của nàng cũng đăm đắm như của tôi, đang nghĩ đến tôi cũng hệt như tôi đang nghĩ đến nàng.
Tôi nóng lòng mong trời sáng để có thể thấy lại nàng.
Sáng hôm sau, lão người làm thầm lặng mang đến cho tôi một khay thịt cừu quay. Tôi vội vàng đem đến cho Lolah.
Tôi bước vào phòng nàng, lòng xao xuyến vô cùng. Nàng sẽ phản ứng ra sao? Nàng có nói chuyện với tôi không? Nàng có nhận thức ăn từ tay tôi không?
Nàng nằm sấp trong cũi, đang đọc một cuốn sách. Lúc tôi bước vào, nàng đang giở một trang sách, và vì móng vuốt nàng quá to, quá vụng trong việc đó, nàng đã dùng lưỡi làm việc này. Thật đáng thương. Tôi xúc động.
“Bonjour, Lolah”
Nàng nhìn tôi thờ ơ, và không đáp lại lời chào của tôi. “Tôi mang bữa trưa cho cô đây Lolah”. Tôi nói “Và thêm: món thịt cừu quay đấy”
Nàng quay phắt lại, hai mắt lóe lên. Nhưng lại lập tức giả bộ thờ ơ.
“Tốt lắm” nàng nói “làm ơn đặt nó vào trong cũi hộ tôi”
Tôi lách cái khay qua song sắt, và đưa nó cho nàng. Nàng gạt cuốn sách sang một bên và bắt đầu ăn. Tôi đứng đó rõ ràng làm nàng khó chịu, nhưng sự thực là tôi không thể bỏ đi được. Tôi mê mẩn vì người đàn bà sư tử này.
Với móng vuốt ấy, nàng nhanh chóng xé thịt thành từng mảng. Nhưng để ăn, nàng phải cúi xuống dùng răng ngoạm từng miếng mà nuốt, trông thật đau lòng.
“Cô muốn tôi giúp không?” Tôi hỏi
“Không cần đâu” nàng đáp tỉnh bơ, và lập tức tôi nhận ra câu hỏi của mình thật bất cẩn và đáng ngượng. Tôi im lặng ngắm nhìn nàng.
Bấy giờ tôi đã ở rất gần nàng và có thể ngắm nghía nàng kỹ hơn. Một cái gì đó trong gương mặt đẹp đẽ và rõ nét kia có vẻ rất quen thuộc với tôi. Có phải là cái miệng duyên dáng kia, với đôi hàm răng nhỏ và đều ấy không? Hay là cặp mắt kia?
Tôi lập tức nhận ra: Lolah làm tôi nhớ đến bà dạy sư tử ở gánh xiếc. Nàng trẻ hơn nhiều, tất nhiên, và nàng không có nước da sáng như bà kia. Nhưng họ rất giống nhau. Bà dạy sư tử. Bây giờ bà ta ở đâu? Và cả cô gái trên sân trời của khu nhà lớn ấy nữa?
“Anh có thể lấy cái khay đi được rồi” nàng nói. Nàng đã ăn xong. Tôi đến gần hơn, thò tay qua chấn song, và nguy hiểm biết bao, vuốt ve mái tóc nàng với một động tác nhanh và nhút nhát. Quả thật là nguy hiểm: nàng có thể xé nát cánh tay tôi chỉ bằng một cú vung chân, cào một phát là xong. Nhưng nàng không làm gì cả. Nàng không nhìn tôi, không động đậy, chỉ giấu mặt vào hai chân trước. Tôi lấy cái khay rồi đi ra.
Dần dần, tôi đã làm cho nàng tin mình.
Chúng tôi nói với nhau rất nhiều chuyện. Nàng không hề nhát gừng như lời ông bác sĩ. Nàng thích chuyện trò với tôi. Nàng kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Khác với tôi, nàng không ra đời từ một người mẹ, mà từ một con sư tử cái. Lúc đầu nàng bị bọn sư tử kiêu hãnh chối bỏ và đối xử tàn tệ, chỉ cho ăn những miếng thừa mà cả bầy đã gặm gạp gần hết. Lên bốn tuổi, sau khi nàng đã ăn thịt một người bản xứ đầu tiên, chúng mới chấp nhận nàng. Từ đó trở đi nàng mới có quyền kiêu hãnh lang thang qua vùng rừng núi Bắc Phi. Đó là một cuộc sống gian khổ, săn đuổi bọn linh dương, tấn công chúng trong màn đêm im lặng, luôn luôn bị bọn thợ săn đe dọa với những thứ vũ khí ngày một tinh vi hơn, mỗi ngày mỗi tiêu hao dần bầy đoàn của nàng. Ngoài chuyện ấy ra, nàng còn bị những con sư tử đực trẻ khỏe bao vây, thèm khát được cặp đôi với nàng.
“Nhưng quả thực” nàng nhăn mặt, “tôi thấy chúng đáng ghê tởm, với những đám bờm hôi hám và những vẻ mặt ngớ ngẩn. Tôi không để chúng có con với tôi, mặc dù nỗi thèm muốn dâng trào thường làm tôi phải chạy điên cuồng qua cao nguyên, tìm kiếm một mặt nước hồ để có thể dìm bộ mặt nóng bừng của mình vào đó”. Rồi cuối cùng là cuộc săn bắt và giam hãm trong bệnh viện này.
“Tôi rất thích ông bác sĩ. Ông ta đối xử với tôi rất tốt, và tôi tôn trọng ông ấy như một người cha. Có những lúc ông ấy làm tôi đau đớn, gọi tôi là đồ súc vật và đồ này đồ kia. Nhưng tôi không thể phàn nàn. Tôi có những cơn điên cuồng của tôi, và mặc dù những nguy hiểm mà tôi có thể gây ra, nói cho cùng, tôi là một con mãnh thú, ông ấy vẫn giữ an toàn cho tôi ở đây, chăm sóc tôi, thậm chí phải hy sinh nhiều thứ”
Những cuộc đối thoại kéo dài. Tôi ở bên ngoài cũi, nàng ở bên trong, với tư thế ưa thích nhất là nằm phủ phục, hai chân trước bắt chéo nhau, đầu hơi cúi, mái tóc dài rủ xuống trên cặp vú, cặp vú đáng yêu biết bao cứ rung lên mỗi khi nàng cười. Nàng thật đẹp.
Một hôm tôi hôn nàng. Có cái gì đó bệnh hoạn trong nụ hôn đầu tiên ấy, với hàng chấn song ngăn hai chúng tôi. Tôi giữ đầu nàng trong hai bàn tay, môi tôi lần tìm môi nàng.
Nàng chống cự yếu ớt, rồi cuối cùng cuồng nhiệt hôn trả tôi.
“Tại sao anh làm thế, Guedali?” Nàng thì thầm, gần như than phiền. Tôi không thể trả lời, bởi vì tôi chẳng biết nói sao. Vì nàng có gương mặt đẹp chăng (và một tấm thân sư tử chăng)? Vì đã lâu tôi chưa được ngủ với đàn bà chăng? Vì một sự hấp dẫn nào đó với sự kì cục chăng? Tôi không biết. Nhưng hậu quả là nàng phải lòng tôi, khổ thân nàng. Lập tức và bạo liệt.
Chúng tôi chỉ biết hôn nhau vậy thôi. Tôi vẫn đem thức ăn cho nàng. Tôi bước vào và bao giờ cũng thấy nàng đi tới đi lui trong cũi, đuôi quật hết bên này bên kia. Ngay giây phút thấy tôi, gương mặt nàng lập tức rạng rỡ một nụ cười. Nàng chẳng ý gì đến thức ăn, chỉ thèm những cái hôn. Có những lần tôi chậm đến vì một lý do nào đó, nàng ủ dột hoặc giận dữ, lấy chân đập dữ dội vào cũi, một cảnh tượng khiến tôi phát rùng mình.
Chẳng bao lâu, những cái hôn không còn thỏa mãn nàng được nữa. Sờ vú em đi, nàng cầu khẩn. Tôi sẽ vuốt ve nàng, làm cho nàng phát cuồng. Chính nàng bảo thế: ôi, Guedali, anh làm em phát cuồng mất rồi.
Một lần, sau một cái hôn kéo dài, nàng nhìn sâu vào mắt tôi.
“Em muốn hỏi anh một chuyện”
Nàng lưỡng lự một giây rồi vội vàng nói tiếp bằng một giọng khàn khàn: “Em muốn anh ngủ với em, Guedali”
Mới đầu tôi nghĩ nàng nói đùa. Ngủ với nàng ư? Không, tôi đã không nghĩ đến chuyện ấy, ngay cả khi tôi bị kích thích nhiều nhất. Làm tình với nàng ư? Không. Tình dục thì tôi có thể đến bất kỳ một quán bar nào đó trong thành phố và kiếm một người đàn bà. Nhưng với Lolah? Không. Hôn nàng thì được, nhưng thực sự làm…
Nàng thấy được sự ngần ngại của tôi.
“Nào, Guedali. Em có đòi hỏi anh cái gì vô lý đâu. Anh đã từng là nhân mã, anh đã từng làm tình với nhân mã cái”
Tôi không biết phải nói gì.
“Anh không yêu em, phải không Guedali?”. Nàng hỏi, nước mắt lưng tròng: “Thế anh có thích em không?”
“Không phải thế”, tôi nói “chỉ là vì…”
Tôi tuyệt vọng tìm một cách giải thích trong khi nàng đăm đắm nhìn tôi. Thế rồi tôi nghĩ ra.
“Anh không thể vào trong đó với em, Lolah. Cái cũi này khóa chặt rồi”
Nàng đáp ngay lập tức, với một nụ cười tinh quái, thật tội nghiệp.
“Chỉ việc lấy cắp chìa khóa, Guedali. Dễ lắm mà. Ông già để vạ vật chìa khóa ở khắp nơi ấy mà. Có lần ông ấy còn để quên chìa khóa ngay ở đây. Em mà có tay thì...”
Nàng ngừng lời và cụp mắt xuống. Nàng cố thế là quá sức rồi. Tôi cảm thấy mình như một con sâu, một con giun khốn khổ. Tôi ôm chặt lấy nàng trong tay.
“Được rồi em yêu. Rồi anh sẽ sớm ở bên em”
Một sự trùng hợp kỳ lạ: hôm sau ông bác sĩ đi xuống phố và để ngỏ cửa văn phòng. Khi đi ngang qua đó, tôi nhìn thấy ngay chùm chìa khóa để trên bàn.
Một thoáng do dự. Một cái liếc nhanh về phía này, một cái nữa về phía kia. Rồi, không thấy tăm hơi lão người làm lặng câm đâu hết, tôi đi vào phòng. Tôi lập tức nhận ra chiếc chìa khóa cũi (nó có khắc một chữ “L”), tháo nó ra khỏi vòng đeo rồi lẻn ra ngay như một thằng ăn trộm.
Đêm đến, tôi ngồi trong phòng. Chiếc chìa khóa trong tay, vẫn còn chưa quyết được bề nào.
Lolah? Phải, gương mặt đẹp của nàng, cái miệng cuồng nhiệt, cặp vú đầy đặn căng phồng, còn tôi, đã bao lâu rồi tôi chưa làm tình với một người đàn bà? Nhưng sự thực vẫn cứ là sự thực: nàng đâu có phải là đàn bà. Một gương mặt đàn bà và một cặp vú đàn bà. Nhưng còn lại thân thể nàng hoàn toàn là mãnh thú. Da. Lông. Đuôi. Những bàn chân có đế rất dày và đầy vuốt nhọn. Và cái mùi mãnh thú của nàng. Và có khi còn cả chấy rận nữa chưa biết chừng.
Không khác mấy với thân thể tôi ngày trước ư? Đúng thế, không khác lắm so với con nhân mã đã từng là tôi. Nhưng bây giờ tôi đâu có còn là nhân mã nữa.
Trong lúc tôi nghĩ đến Lolah, những hình ảnh bắt đầu hình thành trong đầu tôi. Tôi thấy Tita đang đi vào bệnh viện. (Nàng đã phát hiện ra tôi bằng cách nào? Nhưng thôi, đó là một câu hỏi khác). Tita, rồi Paolo và Fernanda, rồi Julio và Bela, tất cả bạn tôi. Cả bọn đang tiến vào bệnh viện, chạy dọc các hành lang, mở toang các cửa phòng và thình lình nhìn thấy tôi, trong cũi cùng Lolah, tôi đang đè lên Lolah. Bây giờ thì tôi thấy vẻ kinh hoàng trên mặt các bạn, vẻ khủng khiếp, giận dữ, buồn nôn, kinh tởm (Paolo) và có thể cả ghen tị nữa (Julio).
Những hình ảnh đó làm cho tôi phấn khích không thể chịu được. Đúng vậy, dương vật tôi đã cương cứng lên, chưa hết cỡ, nhưng mỗi lúc mỗi cứng hơn lên. Đúng thế, tôi muốn thế! Tôi vùng dậy, nhìn mình trong gương. Cái mà tôi nhìn thấy là bộ mặt của một kẻ cuồng dâm, mắt lóng lánh và răng nhe ra: tôi muốn lắm rồi!
Lén lút như một thằng ăn cắp, tôi lần mò trong bóng tối đến gian phòng của nàng.
Tôi bước vào. Trong ánh sáng lờ mờ lọt xuống từ ô cửa kính lấy ánh sáng trên mái nhà, tôi nhận ra vóc dáng nàng, hình bóng nhìn nghiêng đáng yêu của nàng, đôi vú căng phồng như vươn ra của nàng.
Một lần nữa tôi lại lưỡng lự. Tôi vẫn chưa thấy được thân thể nàng: nó chỉ là một khối lớn ẩn trong bóng tối. Nhưng tôi đã ở đây rồi. Sao lại không? Tôi tự hỏi. Sao lại không nhỉ?
Tôi đến gần hơn. Hình như nàng không biết sự có mặt của tôi; nàng nằm, rất im lặng. Với những ngón tay lẩy bẩy, tôi mở cửa cũi và bước vào. Tôi nằm xuống cạnh nàng, vuốt ve mặt nàng, vú nàng. Và thân thể nàng. Tấm thân sư tử của nàng. Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!
Tôi đã từng thấy những con sư tử to lớn ngay cạnh mình lúc còn ở gánh xiếc. Và tất nhiên tôi đã từng ôm mèo trong lòng. Nhưng tôi chưa bao giờ vuốt ve một con sư tử cái. Sự phì nhiêu đầy đặn mới vĩ đại làm sao. Tấm thân lớn lao ấy dường như tích đầy điện, lớp lông mềm dựng đứng lên khi tay tôi chạm vào chúng, những khối cơ bắp rần rật chạy dưới làn da như những con thỏ giật mình khi đang trốn dưới lần thảm trải nhà. Cái đuôi dựng ngược lên, căng thẳng và rung động.
Nàng quay lại nhìn tôi. Cơn thèm muốn dâng lên từ tấm thân dũng mãnh kia đang nuốt chửng nàng, có thể thấy rõ điều đó, nàng không thể chịu đựng nổi nữa. Có một vẻ đớn đau trong mắt nàng, cuồng nhiệt, tất nhiên rồi, nhưng cả đau đớn nữa, và điều đó cũng hiện rõ trong cặp lỗ mũi nở rộng và hai hàm răng sáng long lanh kia.
“Nào…” nàng thì thầm
Tôi run đến nỗi mãi không cởi được quần áo. Có một giây phút lưỡng lự khủng khiếp. Nàng vẫn đang nằm phủ phục: tôi phải làm sao đây? Nhưng tôi biết, một cái gì đó trong tôi biết. Tôi nhảy lên nàng từ phía sau, vuốt ve vú nàng, hau háu hôn lên cổ nàng, và luồn vào nàng như một con sư tử đực. Nàng ngoạm lấy cánh tay tôi như những con sư tử cái vẫn làm thế với con đực của chúng. Và nàng rên rỉ, kêu to đến nỗi tôi phải lấy tay bịt miệng nàng vì sợ ông bác sĩ sẽ nghe thấy.
Cuộc giao phối ngắn ngủi, nhưng cực cảm thì vĩ đại. Những quả núi Tunisia! Cực cảm ra cực cảm! Các người không biết gì đâu, hỡi những trái núi kia, nếu các người chưa biết đến cực cảm này thì các người còn chưa biết gì hết!
Khi mọi thứ đã xong, chúng tôi nằm vật xuống sàn cũi, thở hổn hển.
Dần dần, tôi tỉnh lại, bắt đầu trỗi dậy từ những thẳm sâu của bóng tối ấy và mặt biển động điên cuồng ấy. Và đúng lúc đó tôi nhận ra có cái gì đang đè chặt lên cổ tôi.
Đó là bàn chân trái của nàng. Thận trọng, tôi nhấc nó ra với một ý nghĩ rất khó chịu: nếu bây giờ mà Lolah tự nhiên nổi cơn hung dữ của nàng thì…
“Guedali”, nàng thì thầm “Guedali, tình yêu của em. Cảm ơn anh, Guedali”.
Tôi hôn nàng, ra khỏi cũi, mặc quần áo và lẻn về buồng mình, cũng lén lút như lúc từ đó đến với nàng.
Những đêm sau đó tôi đều đến với nàng, không sót một đêm nào.
Ban ngày, chúng tôi làm bộ bình thường. Tôi vẫn mang thịt cừu quay đến cho nàng và chuyện trò với nàng. Ông bác sĩ và người giúp việc chỉ thấy ở chúng tôi hai người bạn tốt, hai sinh linh có những tương đồng kỳ lạ. Nhưng quả thực Lolah cũng có nháy mắt với tôi, quả thực là nụ cười của nàng chứa đầy âm mưu, quả thực là vừa còn lại chúng tôi với nhau là nàng đã thì thầm “Hôm em đi Guedali! Hôn em đi nào”
Tôi không thích thế tý nào. Liều mạng một cách không cần thiết. Tôi cũng không thích cái lối nàng chảy chồm lên tôi mỗi khi tôi vào cũi, thường lại còn cào cấu tôi nữa. Hơn nữa, cái hau háu tình dục bị nhịn lâu ngày của tôi đã được thỏa mãn rồi, và thế là cái nực cười của tình huống đã trở nên rành rành ra đấy.Giao hợp với một con nhân sư. Tita và các bạn sẽ cười phải biết. Cười quá chứ lị: Ai lại chọc ngoáy cả một con nhân sư hả Guedali! Thôi nào, Guedali!
Ngày giải phẫu cho tôi đã đến gần. Ông bác sĩ đã tìm được một con vật thí mạng, một con ngựa đực Ả rập rất đẹp mã, rất trẻ và rất cường tráng.
“Thế nào, Guedali? Tôi đã lựa chọn tốt đấy chứ? Làm quen với nó đi, chẳng mấy chốc nó sẽ là một phần của ông đấy!”
Tôi nhìn con ngựa đứng trong chuồng, và toàn bộ sự việc có vẻ như rất lạ lùng đối với tôi. Ngựa ư? Giải phẫu ư? Nhân mã ư? Có phải tôi đã nói thế không? Đúng, tôi đã nói vậy, nhưng tôi có nói nghiêm túc không nhỉ? Phải, tôi nói nghiêm túc. Nhưng ông bác sĩ có diễn giải những lời tôi nói theo nghĩa đen như vậy không? Phải chăng là tôi đã nói theo lối ẩn dụ? Thì ẩn dụ vẫn có thể nói ra với giọng nghiêm túc đấy thôi? Ông bác sĩ có thể đã tách bạch cái thực với cái biểu tượng rồi. Có thật là ông ta muốn làm việc này không? Có đúng là ông ta quan tâm đến nó thật không? Ngoài những câu hỏi đó ra, liệu có phải ông ta đã trót đâm lao, và nay đã bị tình cảm chi phối đến mức thực sự muốn biến tôi thành nhân mã, bất kể sự thể rồi sẽ ra sao? Và có phải tôi sẽ sắp trở lại thành nhân mã, bất kể sự thể rồi sẽ ra sao, chỉ vì muốn giữ lời mình? Hoặc chỉ để tham gia vào một cuộc thí nghiệm? Hoặc phải thế cho đáng đời tôi?
Mọi thứ rất hỗn loạn. Trong cái mớ bòng bong ấy, cuộc tình với Lolah chỉ làm cho mọi việc thêm tồi tệ.
Nàng mỗi ngày một thêm dữ tính hơn. Nàng phàn nàn đủ thứ chuyện: tôi đến muộn, tôi âu yếm nàng chưa đủ. Nhưng tệ nhất là nàng không muốn tôi thành một con nhân mã. Nàng muốn tôi mổ, nhưng yêu cầu là tôi phải bắt ông bác sĩ ghép vào tôi một thân thể không phải của ngựa mà là của một con sư tử đực.
Nam nhân sư ư? Nếu không trong cảnh phiền lòng như vậy thì có lẽ tôi đã bật cười rất nhiều lần rồi. Một nam nhân sư?! Phi lý thật, không, đó thực sự là đỉnh điểm của sự phi lý.
Một con nhân mã, sau bao nhiêu nỗ lực, đã trở thành một con người; sau đó, hắn bị một cuộc khủng hoảng và quyết định trở lại thành một con nhân mã; rồi thì hắn lại không biết có thực là hắn muốn thành một nhân mã nữa hay không; trong khi đó, hắn gặp một con nhân sư rồ dại muốn hắn phải biến thành một con nhân sư đực! Thật nực cười! Mất trí kiểu thần thoại!
Không thể được, Lolah, tôi nói. Trước hết là anh không biết liệu có thể tìm được một con sư tử đực để ghép hay không đã. Tât nghiên là có, nàng nói, anh chỉ việc bỏ tiền ra thuê một bọn săn trộm là xong. Hoặc nữa là liên lạc với mấy ông chủ gánh xiếc. Hãy vì chúa, tôi bảo, em không thể muốn anh biến thành một con sư tử làm xiếc, giài nua và bất lực! jơn nữa, tôi nói thêm, đó là một cuộc giải phẫu rất khó khăn, đầy may rủi.
“Nhưng anh có dám làm việc đó vì em không?” nàng hỏi, môi run bắn, nước mắt lưng tròng. “Anh có dám không?”
“Anh thì anh sẵn sàng. Nhưng còn ông bác sỹ thì sao? Ông ấy sẽ chẳng khi nào chịu làm cuộc giải phẫu đó đâu. Để rồi cuối cùng ông ấy phải trao em cho anh ư? Ông ấy ghen, sẽ không bao giờ làm như thế, em thừa biết rồi mà.”
“Lão già ngu ngốc!” Nàng gầm lên. “Em sẽ giết lão già ngu ngốc ấy! Ta sẽ giết tất cả các người!”
Những cú đập phá dữ dội của nàng vào hàng rào song cũi khiến tôi tin rằng nàng sẽ làm vậy được lắm. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phải ra đi.
Đến thời điểm ấy, ông bác sỹ đã bắt đầu thấy nghi ngờ. Một buổi chiều, ông đang khám cho tôi và hỏi những vết xước trên tay tôi.
“Ô, cái ấy à?” Tôi nói, cố làm bộ thản nhiên. “Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ tôi bị xước lúc loay hoay với mấy bụi hồng ngoài vườn.”
Ông ta nhìn tôi đầy vẻ không tin.
“Cẩn thận đấy, Guedali. Chế độ thuốc men của ông đang loại trừ tất cả sức đề kháng trong cơ thể. Một vết xước nhỏ cũng có thể dẫn đến tử vong.”
Tử vong ư? Vậy là cuộc sống của tôi đang bị đe dọa? Bên cạnh tất cả những chuyện đang diễn ra ?
Đã đến lúc tôi phải rời khỏi nơi này. Chắc chắn là đến lúc rồi. Sau này tôi sẽ tìm hiểu xem mình có thực sự muốn trở lại làm nhân mã hay không. Tôi quyết định sẽ bỏ đi ngay ngày hôm sau.
Tôi chẳng biết mấy về những gì đang chờ đợi mình.
Đêm hôm đó tôi bị ông bác sỹ gọi dậy. Ông cầm một cái ống tiêm trong tay.
“Cái gì thế?” Tôi hỏi, chợt tỉnh hẳn ngủ. “Liều thuốc tiêm này để làm gì vậy?”
“Thuốc ngủ”, ông ta nói. “Ngày mai tôi sẽ mổ cho ông.”
Trước khi tôi kịp nói, ông ta đã ấn mũi kim vào rồi. Lập tức, tôi rơi vào trạng thái lơ mơ. Tôi muốn tỉnh, muốn kêu lên và nói với ông ta rằng tôi đã đổi ý rồi, nhưng tôi không thể động cựa hay nói năng gì nữa. Trong tình trạng đó, tôi được đặt lên một cái cáng và khiêng vào phòng mổ. Ông bác sỹ đứng đó, đã đeo khẩu trang, áo choàng, găng tay. Tất cả những gì tôi thấy ở ông là cặp mắt đang nhìn tôi chằm chặp. Người giúp việc tiêm cho tôi một phát nữa, lần này vào ven, tôi không nhìn thấy gì nữa.
Tôi tỉnh dậy, rất chóng mặt và yếu ớt, nhưng, tôi lập tức ngạc nhiên, không hề đau đớn, mà tôi lại nằm trên giường. Một cái giường bình thường nhỏ hẹp. Càng lúc càng ngạc nhiên, tôi sờ vào mình. Không thấy một tý băng gạc nào cả. Ngạc nhiên hơn nữa, tôi không thấy tý da ngựa hoặc móng ngựa hoặc đuôi ngựa đâu cả, không gì hết. Phía bên dưới tôi vẫn có cặp chân của mình. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi xoay người nhìn xung quanh. Ông bác sỹ đang ngồi trên một chiếc ghế cạnh giường, hút thốc là và thẫn thờ nhìn tôi.
“Không thể tiến hành ca mổ của ông được”, ông ta nói, không bộc lộ giọng điệu nào hết. “Có một tai nạn nhỏ. Ông biết không, chúng tôi đã phải giết Lolah rồi. Trợ lý của tôi đã bắn cô ấy. May mà anh ta lúc nào cũng mang súng sẵn trong người.”
Tôi không thể tin được: “Tại sao? Lolah đã làm gì?”
“Cô ấy lên một cơn cuồng nộ, ra khỏi cũi, vào tận phòng mổ. Không còn cách nào khác.”
Từ những lời của ông bác sỹ, tôi dựng lại cảnh tượng ấy.
Tôi đang ngấm thuốc mê và nắm trên bàn mổ. Ông bác sỹ bắt đầu công việc với con ngựa Ả rập. Khó khăn hơn ông dự định, quá thực ông đã không còn tinh tường như xưa. Ông mầy mò giữa đám đồ nghề, thường xuyên ngẩn người không biết phải làm gì tiếp theo. Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua.
Trong khi đó, Lolah nằm trong cũi, đợi tôi mang thức ăn vào cho nàng. Lúc đầu còn bồn chồn sốt ruột, sau thì nàng phát điên và bắt đầu gào thét gọi tôi, rồi gọi ông bác sỹ, nhưng không có ai đến cả.
Rồi nàng thấy cửa cũi không khóa. Nàng nhảy vọt ra, đi khắp các hành lang hoang vắng của bệnh viện, luôn miệng gọi tôi. Thình lình nàng nhớ đến cuộc giải phẫu. Trong cơn cuồng nộ, nàng lao vào phòng mổ khi ông bác sỹ vừa cắt bỏ khỏi con ngựa những bộ phận sẽ đươc ghép vào thân thể tôi. Vừa thấy nàng, ông biết ngay là nguy rồi, Lolah không còn là nàng nữa. “Đi về phòng”, ông ra lệnh, nhưng nàng không nghe thấy tiếng ông. “Trả lại Guedali cho tôi”, nàng gầm gào, từ từ tiến về phía ông bác sỹ. “Chàng là của tôi, tôi muốn chàng nguyên vẹn”. “Cẩn thận đấy!”, ông bác sỹ hét lên, cái gì trong này cũng vô trùng hết! Nàng chồm lên con ngựa (chính xác hơn là phần sau của con ngựa) và dùng móng vuốt xé tan nó thành từng mảnh. Ông bác sỹ kinh hoàng lùi mãi vào một xó. Khi nàng quay sang chuẩn bị tấn công ông, người trợ lý liền rút khẩu súng lục và nổ cả 6 viên đạn vào mặt và cổ nàng.
“Lúc đầu tôi chưa hiểu”, ông nói tiếp, dụi tắt điếu thuốc, “Cô ta đã ra khỏi cũi bằng cách nào chỉ sau đó tôi mới vỡ nhẽ”.
Ông đứng dậy, hoàn toàn không còn là mình nữa, toàn thân run lẩy bẩy, hai mắt lồi hẳn ra, ngón tay buộc tội dí vào tôi.
“Ông! Chính là ông! Ông đã mở cửa cái cũi, Guedali! Ông đã vào đó để lợi dụng xâm hại con vật nhỏ bé tội nghiệp, để thỏa mãn thú tính của mình, đồ nhân mã bẩn thỉu, đồ mọi rợ Brazil! Chính thế mà người ông lúc nào cũng có những vết xây xước, đồ khốn nạn! Ông đã lợi dụng nàng, bỏ mặc nàng phát điên lên vì say đắm rồi không thèm cả đóng cửa lại nữa! Mà ông thừa biết tâm tính của nàng bất ổn ra sao, thật là khốn khiếp! Tôi đã phải giết con nhân sư của tôi, sinh linh duy nhất mà tôi từng yêu trên đời này! Bọn Do Thái khốn nạn! Các người chỉ biết làm những chuyện như thế với người Ả rập! Bọn Do Thái các người đã cướp hết của chúng ta, lòng hiền dịu của chúng ta, tình yêu của chúng ta, tất cả mọi thứ của chúng ta!”
Ông ta nhào vào tôi. Mặc dù còn rất yếu mệt, tôi vẫn chống cự được ông, tôi đẩy ông ngã và ông lăn lộn dưới sàn nhà, khóc nức nở.
Tôi ở thêm 2 ngày nữa trong bệnh viện. Chúng tôi không nói gì với nhau, ông bác và tôi. Nhưng lạ một điều là chúng tôi vẫn sánh vai nhau đi trong vườn. Thỉnh thoảng ông ta loạng chạng, và tôi đỡ ông ta. Có những lúc tôi chóng mặt, có thể là hậu quả của những liều thuốc mê, và ông ta lại đỡ lấy tôi.
Tôi bảo ông ta là tôi sắp đi. Ông không nói một lời. Tôi đưa tiền cho ông. Ông không nhận.
Ông lấy từ trong túi ra một hộp gỗ nhỏ. Tôi mở ra. Trong đó là một bàn chân sư tử, một bàn chân sư tử cái, bàn chân trái của Lolah. Tôi rùng mình, đóng hộp lại, và nhìn ông. Không có một chút cảm xúc nào trên gương mặt ông lúc ông chìa tay cho tôi trong một cử chỉ giã biệt im lìm.
Chú thích
(45) Tiếng Pháp, là một câu chửi đổng, như tiếng “Shit!” của tiếng Anh, dịch ra tiếng Việt có thể dùng chữ “Cứt!”, nhưng chúng tôi để tiếng Pháp như trong nguyên tác (ND)
(46) “Vô thức tập thể” – một khái niệm trong phân tâm học, do Freud khởi xướng và được Yung phát triển thêm về sau này. Theo khái niệm này, cõi vô thức của mỗi cá nhân chứa đựng cả những trải nghiệm của tổ tiên và cộng đồng chứ không chỉ có những trải nghiệm của chính mình từ thuở hài nhỉ (ND)
(47) Tiếng Pháp, có nghĩa là “Có phải không nhỉ?” (ND)
Con Nhân Mã Ở Trong Vườn Con Nhân Mã Ở Trong Vườn - Moacyr Scliar Con Nhân Mã Ở Trong Vườn