I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Moacyr Scliar
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: truonghoangngan
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3637 / 147
Cập nhật: 2023-03-26 22:57:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Khu Chung Cư Biệt Thự - 15 Tháng 6, 1965 – 15 Tháng 7, 1972
ích thân Paolo đứng ra tổ chức bữa thịt nướng ngoài trời để khánh thành khu chung cư, có gia nhân nội bộ phục vụ. Đó là một nhóm người quê ở vùng đông bắc mà Tania đã phát hiện được. Họ là thành viên của một giáo phái tin rằng có thể chuộc lỗi bằng cách lao động cho đến kiệt sức. Những con người ấy, nhỏ bé, đen đủi, trông giống như cậu Peri người Indian, hoặc những người Jivaros trên núi Andea, không ngừng đi vòng quanh, tay cầm đĩa và dao nĩa, vừa làm vừa lẩm nhẩm cầu nguyện.
Trời nắng đẹp, và thức ăn thật tuyệt vời. Tita vui vẻ lắm; hai đứa trẻ thì đang chơi bóng quanh quẩn ở đó: “Cha ơi, đến chơi với chúng con”. Một đứa gọi, và cả đứa kia nói thêm lúc tôi đang đến gần chúng: “Nhưng cha phải cẩn thận đôi ủng đấy nhé!”
(Chúng chưa bao giờ thấy chúng tôi không mặc quần áo. Chúng hỏi tại sao chúng tôi lúc nào cũng đi ủng, tại sao Tita lúc nào cũng mặc quần dài chứ không mặc áo váy. Bác sĩ bắt vậy, tôi đáp, không áy náy gì, thực sự đúng là thế)
Julio đến chỗ chúng tôi, một cốc whiskey trong tay. Anh loạng choạng và rõ ràng đã say rồi. Tớ không thích bọn người kiểu Đông Bắc này nhìn các bà vợ của chúng ta, anh nói nhỏ. Nhưng Julio, tôi nói, họ rất ít khi rời mắt khỏi mặt đất mà. Là cậu tưởng thế thôi, anh bảo, cậu là dân Rio Grande, cậu đếch biết gì về bọn Đông Bắc đâu. Tớ đã có kinh nghiệm với chúng rồi. Julio đang lẩm bẩm cái gì thế? Bela hỏi. Có gì đâu, Julio đáp, không việc gì đến em. Em biết tỏng rồi, Bela nói, giọng giận dữ. Anh lại đang chỉ trích những người phục vụ chứ gì, thật tội cho họ. Anh là đồ vô ơn Julio ạ, ngoài chuyện vẫn là một tên bóc lột và một thành phần phản cách mạng. Người ta đến đây, làm việc khó nhọc trong khi anh ngồi đấy mà ăn, mà anh còn chỉ trích người ta. Anh phải biết xấu hổ chứ, Julio!
Chị gọi một người phục vụ và bảo anh ta rằng họ nên tự nhiên ăn uống cùng chúng tôi. Cám ơn bà, người đó đáp, chúng tôi đã có thức ăn riêng rồi ạ, xin đừng lo cho chúng tôi. Thấy chưa? Julio kêu lên, giọng đắc thắng. Anh đã bảo em rồi, phải biết cách đối xử với bọn họ mới được.
Trong khi Julio và Bela cãi nhau, Tita và tôi đi xem ngôi biệt thự của mình, vẫn còn chưa sắm đủ đồ đạc. Chúng tôi là đôi duy nhất chưa dọn vào, nhưng chúng tôi đã có kế hoạch sẽ vào sớm. Ngôi nhà của chúng tôi rất lịch sự, làm theo phong cách Địa Trung Hải, giống như những ngôi nhà ở Marocco. Tầng trên là các phòng ngủ và sân trời; tầng dưới có phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc, phòng xem TV và phòng chơi. Bên dưới còn có một hầm rượu. Mọi thứ đều tốn rất nhiều tiền, nhưng tôi không lo, việc làm ăn đang tốt đẹp chưa từng thấy.
Chúng tôi dọn vào, và lập tức đồng ý với nhau rằng cuộc sống trong khu biệt thự ấy quả là tốt đẹp. Mọi thứ hoạt động rất đâu ra đấy: nhà trẻ này, công viên giải trí này, dịch vụ bảo vệ cũng vậy, nhân viên gác cổng có vũ trang, không cho ai vào mà không có giấy phép, và đi tuần toàn bộ khu vực vào ban đêm.
Chúng tôi mua một chiếc xe thùng để chuyên chở qua lại các thứ vào thành phố. Paolo đến giới thiệu người lái xe với tôi, một người, anh nói, hoàn toàn tin cậy được, và có thể thay chân gác cổng mỗi khi có ai xin nghỉ. Anh ta cũng là người Rio Grande đấy, Paolo nói, miệng mỉm cười.
Đó là Pedro Bento. Tôi nhận ra hắn ngay tức thì. Và lần này thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa: đó đúng là người lái xe taxi mà tôi đã cố quên đi.
Nhưng hắn không nhận ra tôi, ngay cả tên tôi cũng vậy. Hắn đã từng gặp bao nhiêu người có cái tên Guedali? Nhưng quả tình là hắn không nhớ ra.
Sau khi hắn đi ra, tôi bắt đầu nghĩ. Có thể là Pedro Bento không nhận ra tôi, nhưng hắn có thể nhận ra tôi bất kỳ lúc nào – một mạch điện trong bộ não ấy đóng lại và có thể mở ra cả một vùng ký ức và khiến hắn nhớ lại con nhân mã phi nước đại. Đó là một nguy cơ mà tôi không thể chấp nhận. Nhưng tránh nó cách nào? Sa thải hắn chăng? Lấy cớ gì đây? Với Paolo, hắn là người đáng tin cậy. Tôi có thể bịa ra chuyện gì đây?
Tôi quyết định tấn công trực diện. Tôi gọi ra cửa chính và đề nghị Pedro Bento đến ngay nhà tôi. Vài phút sau, hắn tới.
“Vâng, thưa ông?”
Tôi đưa hắn vào văn phòng và đóng cửa lại. Hắn đứng đó, trước mặt tôi, tay cầm mũ, nghi ngại nhưng phục tùng. Anh không nhớ ra ta ư? Tôi hỏi. Hắn nhìn tôi chăm chú: thú thực là tôi không nhớ, thưa ông, xin ông tha lỗi. Hồi còn ở Quantro Irmaos, trong miệt vườn, tôi nói. Hắn nhìn tôi một lần nữa, hai mắt trợn trừng: “Sao thế này, ông là con trai ông Leon Tartakovsky, người con có móng ngựa” Hắn kiềm chế lại được, ôi chao, xin ông thứ lỗi, tôi…
Tôi trấn an hắn: “Không sao Pedro Bento, anh đừng lo”. Hắn có vẻ vẫn chưa tin tôi: “Thưa ông tha lỗi, tôi hỏi khí không phải, nhưng chuyện gì đã xảy ra với những cái…?”
“Móng ngựa của tôi chứ gì?”. Tôi nói, mỉm cười. “Tôi không còn chúng nữa, tôi đã giải phẫu”. Tôi ngồi xuống và chỉ một cái ghế cho hắn.
“Không, thưa ông”, hắn nói. “Tôi thế này đựoc rồi ạ”
Hắn tránh tia mắt của tôi mỗi khi tôi nhìn hắn. “Nói cho tôi hay anh đến đây như thế nào?” Tôi nói. Hắn thở dài: “Ôi chao, ông sẽ không thể tin được những gì đã xảy đến với tôi, thưa ông. Sau khi gia đình ông rời Quantro Irmaos, tôi đã làm một con bé có chửa. Ông già tôi nổi điên và đá tôi ra khỏi cửa. Tôi vất vưởng quanh Porto Alegre một thời gian, rồi dính vào một vụ đánh nhau, dùng dao găm đâm một thằng. Nó tí nữa thì chết, còn tôi thì phải ba năm tù giam. Sau khi ra tù, tôi kiếm được một việc làm trong một gánh xiếc, và tình tang với một bà dạy sư tử. Bà ta dụ tôi cùng đi về Sao Paolo, nói bà quê ở đó và quen biết rất nhiều người. Nói bà sẽ tìm cho tôi một việc làm. Thế nhưng bà ta chẳng tìm được cái cóc khô gì cho tôi hết. Cuối cùng chúng tôi chia tay… Thật ra cũng nực cười”. Hắn bật cười. “Ấy là lúc có hội giả trang, Guedali ạ. Bà ta muốn cả hai ăn mặc thành một con vật. Một con nhân mã. Khi bà ta hỏi bộ quần áo ấy sẽ phải như thế nào, tôi bảo, này, tôi biết đấy! Nó giống như Guedali ấy mà. Bà ấy ngạc nhiên lắm, nói đã từng gặp một con nhân mã thật, và hỏi chúng có thường sống ở Rio Grande không? Đại khái thế, và tóm lại thì hai chúng tôi cùng chui vào bộ quần áo giả trang ấy và diễu khắp phố. Nhưng chúng tôi lại cãi nhau, tôi nện cho bà ta một trận và bà ta bỏ đi. Sau đó tôi làm qua rất nhiều nơi, nhưng chẳng bao giờ có được một công việc ổn định”
“Thế còn cái taxi?” Tôi hỏi
“Cái taxi ư? Tôi đã đâm nó đến nát bét” hắn đáp
Hắn đứng im. “Như vậy là”, tôi nói: “anh không hoàn toàn đáng tin cậy như ông Paolo vẫn tưởng”. Pedro Bento làm bộ mặt nhăn nhó rất khổ sở: “Ôi chao, nhưng xin ông đừng nói với ông Paolo tất cả những chuyện này”. Cái đó còn tùy, tôi đáp.
Có thể thấy hắn đang rất hoảng hốt khi nhìn chằm chằm vào tôi. Anh có thích công việc ở đây không? Tôi hỏi. Hắn mỉm cười lo lắng. Ôi, thưa có ạ, thưa ông, không thể có việc gì hơn được ạ. Tôi kiếm được khá và lại có chỗ ăn ở rất tốt ạ. Nếu vậy thì, tôi nói, anh cứ liệu mà giữ mồm giữ miệng về chuyện ở Quantro Irmaos ấy, nghe chưa? Thưa ông, xin ông chớ lo, tôi xin cam đoan sẽ im như thóc ạ. (43)
Tôi dẫn hắn ra cửa. Trước khi đi, hắn quay lại: Vì lòng kính yêu thượng đế, ông Guedali, xin ông cho tôi được ở lại đây. Anh đừng lo, tôi nói, hãy cứ xử sự cho tốt và sẽ không có chuyện gì xảy ra với anh hết.
Đó là một tuần lễ đầy những sự ngạc nhiên. Hai ngày sau, vào một ngày thứ bảy, bảo vệ ở cổng chính gọi vào nhà tôi. Có một người đàn ông ở đó muốn nói chuyện với tôi. Ông ấy nói rằng ông ấy là anh trai của ông, người bảo vệ nói. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ, và không muốn để cho người ấy vào nhà.
Tôi đi ra cổng
Quả thực là Bernando. Không thể nhận được ra. Anh giống hệt một tay hippi: tóc dài rối bù, sơmi cộc tay, quần jean bạc phếch, dép quai. Lủng lẳng trên một sợi dây xích quanh cổ là một chiếc đồng hồ: cái Patek Phillipe của cha tôi. Anh ăn trộm nó đấy, Bernando nói khi hồ hởi ôm lấy tôi. Có khỏe không nào, người anh em. Đám gác cửa ngây người nhìn chúng tôi. Tôi nắm lấy cánh tay Bernando và dẫn anh vào nhà. Người anh em này, tôi bỏ cuộc rồi, anh nói, ngồi xếp bằng dưới sàn trong phòng làm việc của tôi. Tôi từ bỏ toàn bộ cái vòng luẩn quẩn ấy rồi, không kiếm tiền nữa, không mua xe bự nữa, không sống với vợ nữa, toàn những trò chán ngắt! Kể cả con cái, tất tật. Tôi thực lòng lộn mửa Guedali ạ, hoàn toàn lộn mửa. Tôi không thể tin vào mắt và tai mình. Nhưng bây giờ anh làm gì? Tôi hỏi. Làm gì? Chẳng làm gì hết. Có phải ai cũng phải làm cái gì đó hay sao hả Guedali? Tôi sống trên xa lộ Rio – Sao Paolo, tìm những nơi phát chẩn, làm một vài cái vòng cổ và những thứ linh tinh, sống với một mụ đàn bà chỗ này chỗ kia, sống, Guedali ạ. Sống. Trước đây tôi đã không biết thế nào là sống. Hồi còn ở Porto Alegre tôi đã không biết sống là gì, nhưng bây giờ thì tôi biết rồi.
Anh lấy một điếu thuốc lá rơm từ trong túi áo và châm lửa hút. Đừng có sợ, anh nói, không phải cần sa đâu, chỉ là một điếu thuốc lá rơm thôi mà. Tôi luôn thích chúng kể từ hồi còn ở Quantro Irmaos, chỉ hiềm ông già chẳng bao giờ cho tôi hút. Giờ thì tôi có thể hút tha hồ.
Anh nhìn quanh. Cậu vớ được chỗ này khá đấy, Guedali. Nhà tốt, đồ đạc tốt. Anh làm mặt kinh tởm: nhưng làm gì phải một lũ gác cổng thế? Lại còn rào với dậu nữa. Cứ như nhà tù vậy, người anh em ạ.
Anh đứng dậy, tôi cũng đứng lên theo. Anh đặt một bàn tay lên vai tôi: anh đến giải hòa với em, Guedali ạ. Và mời em đi với anh. Anh em mình cùng lên đường với nhau, nghĩ coi? Đó là một đời sống lớn lao, người anh em ạ. Chỉ việc vui đâu chầu đấy, chẳng lo nghĩ gì. Muốn đi không nào?
Không đâu, cám ơn anh. Tôi nói. Em ở đây được rồi, Bernardo ạ, em muốn ở đây thôi. Anh nhún vai: ôkê. Đến cửa, anh quay lại: này, vì em không muốn đi với anh, em có thể bớt ít tiền cho anh được không? Tôi đưa tiền cho anh, anh lại hồ hởi ôm lấy tôi rồi bước xuống lối ra cổng rải sỏi. Từ ngoài cổng, anh lại vẫy chào tôi lần nữa.
Mọi việc chạy êm trong khu biệt thự vì Paolo đích thân dành toàn bộ thời gian điều khiển công việc hành chính, cũng như chăm sóc con gái. Anh không còn thời giờ cho việc gì khác, trừ việc tập chạy cùng với tôi. Cậu phải tái giá đi thôi, tôi nói, và anh không đáp, chỉ thở hổn hển. Chạy cũng càng ngày càng khó hơn với anh. Rồi một hôm, Fernanda trở về, xin anh tha thứ. Em là con ngốc, chị nói. Họ ngã vào tay nhau, khóc nức nở. Đêm hôm sau chúng tôi mở tiệc chúc mừng họ. Fernanda và Paolo mỉm cười quàng tay ôm nhau. Về nhà thật sung sướng làm sao, chị nói.
Paolo dường như sống lại: anh lại thành con người hay nói hay cười như trước. Anh có sáng kiến chiều nào cũng tụ họp tất cả đàn ông trong nhóm để uống rượu tại quầy trong phòng tiếp tân. Ngồi trong những chiếc ghế nệm êm, chúng tôi tán gẫu về công việc và môn bóng đá. Có những lần Julio, Joel, Armando, và thậm chí cả Paolo đều hạ giọng thì thầm: này, các cậu có biết chị đầm kia không, cô nàng phát thanh trên TV ấy? Và rồi sẽ đến một câu chuyện về một chiều trong quán trọ: thế mới là đàn bà chứ, các cậu! Chúng tôi sẽ cùng cười phá lên và ngày càng hăng hái, hết chuyện này đến chuyện khác. Đôi khi chúng tôi uống đến say. Trong một lần như thế, tôi kể câu chuyện bà dạy sư tử trong gánh xiếc. Rồi tôi tiếp tục mô tả cuộc đời nhân mã, chuyện gặp gỡ Tita, thậm chí cả cuộc giải phẫu của chúng tôi. Khi tôi kể xong, mọi người im lặng, chỉ thấy tiếng lanh canh của nước đá trong những cốc rượu.
“Tớ cũng có dị tật bẩm sinh”. Julio đột ngột lên tiếng. “Tớ có một cái đuôi nhỏ chừng hai mươi phân tây, chỉ thế thôi, nhưng lông lá như một cái đuôi khỉ. Cha mẹ tớ khiếp đảm. Nhưng khi ông thầy Mobel cắt bì cho tớ, ông ta cắt luôn cái đuôi đi.”
“Còn tớ thì sao?” Joel nói. “Tớ sinh ra người phủ đầy vảy, giống như cá vậy”
(Tôi nhìn anh, quả thực anh có một bộ mặt rất giống cá. Trước đây tôi chưa từng để ý thấy điều đó, nhưng đúng là anh rất giống một con cá tuyết (44).)
“May sao”. Anh nói tiếp. “Những cái vảy ấy rồi tự nó bong hết đi.”
“Không phải chữa trị thuốc men gì à?” Julio hỏi
“Không phải chữa trị thuốc men gì.” Joel đáp
“Không phải bôi kem, không gì hết à?”
“Không gì hết, tự chúng bong hết sạch”
Tất cả bọn họ quay sang nhìn tôi chằm chằm. Rồi thình lình mọi người cười phá lên. Họ cười đến mức nghẹn ngào và ngẹt thở. Một người bỗng lấy tay chỉ vào tôi, và thế là họ lại cười rú lên. Tôi điềm tĩnh nhìn họ. Rồi tôi cúi xuống, kéo hai ống quần lên khỏi đôi ủng, nhấc một chân lên bàn.
“Nhìn đây”. Họ ngưng cười, dụi mắt. “Cái gì thế?” Julio hỏi.
“Các cậu không nhìn thấy gì ư”? Tôi gào lên.
“Có gì lạ đâu kia chứ!” Joel nói.
“Cái này thì sao nào?”
Tôi chỉ tay. Trên chân tôi, chỗ gần đầu gối, có một lớp da dày, sẫm màu, có lông cứng mọc tua tủa, to khoảng ba phân tây đường kính. Đó là tất cả những gì còn sót lại của bộ da ngựa trên người tôi.
“Ôi dào, thôi đi, Guedali”. Paolo nói “Đó chỉ là một cái bớt. Tớ cũng có một cái. Fernanda lúc nào cũng trêu tớ vì cái bớt ấy. Cô ấy bảo….”
“Fernanda là chúa trêu ngươi!” Tôi hét to “Cứ hỏi cô ta về cái giống của tớ đây này, Paolo ơi. Hỏi cô ta xem thì biết của tớ như thế nào, có phải đúng là dái ngựa không! Hỏi đi, Paolo!”
Anh điên cuồng lao vào tôi “Đồ khốn nạn bẩn thỉu! Đồ chó đẻ!”. Chúng tôi vật lộn, anh đẩy tôi ngã xuống sàn và tôi lăn trên đó. Tôi đã say đến mức không đủ sức đứng dậy nữa. Joel và Armando dựng tôi đứng lên trong khi Julio giữ chặt lấy Paolo đang hết sức tru lên: “tao sẽ giết thằng khốn nạn! Tao sẽ giết nó!”
Họ đưa tôi về nhà. Tita hoảng hốt hỏi có chuyện gì.
“Không có gì hết” Joel nói “Chả là đức lang quân đây quá chén và bắt đầu ăn nói lung tung.”
Họ đặt tôi lên giường mà không cởi quần áo cho tôi. Tôi ngủ thiếp đi ngay lập tức. Quãng hai giờ sáng thì tôi thức giấc, đầu nhức như búa bổ, lòng đầy hối hận. Tôi gọi sang nhà Paolo. Anh ấy ra ngoài rồi, Fernanda nói, giọng chua như axit. (Chị đã biết chuyện vừa xảy ra rồi ư?). Anh ấy không ngủ được và đi dạo rồi.
Tôi ra khỏi giường, hoa mắt chóng mặt, rồi đi ra ngoài. Tôi biết phải tìm anh ở đâu. Tôi ra ngoài đường chạy và đúng là anh ở đó, đang ngồi gần cái đài phun nước có đèn sáng. Anh mặc áo lót, quần sooc, giày tennis, chắc vừa mới chạy xong, vẫn còn thở hổn hển. Tôi đặt tay lên vai anh: “Tha thứ cho tớ, Paolo”. Tôi thì thầm: “Tớ mất trí, xin thề là vậy. Tha thứ cho tớ.”
Anh nhìn tôi với cặp mắt vô cảm. Chúng tôi nhìn nhau, tôi đứng bên cạnh anh như một bị cáo có tội.
“Cũng chẳng sao đâu”. Cuối cùng anh nói: “Hoàn toàn không sao hết, Guedali. Sự thực là cậu không phải thằng duy nhất, Fernanda ngủ với cả Julio nữa. Nhưng biết làm thế nào? Tớ vẫn yêu cô ta. Và con bé cần có mẹ nó, Guedali ạ. Fernanda là người duy nhất có thể cai quản nó, cho nó ăn. Khi không có nàng, tớ cứ phát rồ lên, cậu có nhớ không?”
Anh thở dài, đứng dậy “Mọi việc ổn cả Guedali. Nào, chúng mình chạy một lúc đi.”
Tôi chạy theo anh. Thật là một sự hy sinh. Đột nhiên, cặp móng ngựa của tôi đau đớn vô cùng. Tôi không thể chạy hết được sáu vòng.
Tôi chỉ đủ sức lê về được đến nhà. Tôi phải nằm xuống ngay. Cảm giác đau đớn cứ tăng lên liên tục. Có cảm giác như cặp móng ngựa của tôi đang sắp nức toác ra bất kỳ lúc nào, như hai mảnh vỏ đậu vậy.
(Tôi không sợ chúng toác ra. Tôi sợ cái khác. Tôi sợ rằng chúng có thể chứa đựng, không phải hai bào thai chân người với những nụ ngón chân nhỏ xíu, mà lại là móng ngựa nữa, rồi lại nữa, lại nữa, lại nữa như con búp bê Nga mà cha tôi thường nhắc đến ngày xưa. Cuối cùng thì tôi sẽ không thể bước đi được nữa, và niềm an ủi duy nhất của tôi sẽ là dùng kiến hiển vi để soi nhìn những cái móng ngựa nhỏ như vi trùng trong khi nhớ lại những ngày mình còn đi lại được nhờ vào những đôi ủng kia).
Cặp móng của tôi nức toác ra thật, vài ngày sau buổi chạy đêm đau đớn ấy. Chúng không chứa móng ngựa bên trong, mà là chân người. Hai bàn chân nhỏ bé và mảnh mai giống như chân hài nhi. Những ngày đầu chúng nhạy cảm đến mức tôi không thể đi được bước nào. Tôi nằm bẹp trên giường. Tita xoa, xát hai lòng bàn chân tôi bằng cát để làm cho da cứng cáp lên. Mà cặp móng của nàng cũng sắp nứt toác ra rồi. “Sớm muộn gì rồi em cũng có chân như anh cho mà xem”, tôi nói, rên rỉ vì đau khi cố bước trên tấm thảm êm. Cuối cùng thì tôi cũng quen, và bắt đầu xỏ dép đi trong nhà để ra phố mua giầy. Những đôi giày rất tốt do một chuyên gia làm theo đơn đặt hàng. Ông này nhìn tôi đầy tò mò nhưng không dò hỏi một câu nào. Tôi xúc động xỏ giày, song không giống như cái xúc động mà tôi đã có khi đi được những bước đầu tiên trong bệnh viện. Thậm chí tôi cảm thấy mình dửng dưng khi tự tay đốt những đôi ủng trong lò sưởi ngay đêm hôm đó. Giây phút ấy đánh dấu sự chấm dứt tình trạng phụ thuộc của tôi vào ông bác sĩ Morocco, người mà tôi vẫn rất hàm ơn. Tôi bảo Tita mình phải sang thăm ông ta một chuyến.
Hai thằng nhỏ thật vui mừng khi thấy cha chúng đi giầy. Bọn trẻ trong khu không còn trêu chọc chúng vì người cha lập dị nữa. “Giờ thì cả mẹ cũng sắp phải đi giày rồi, mẹ ơi”. Chúng nói, giọng nũng nịu như bắt đền. Tita im lặng gật đầu.
Trong năm 1972, chúng tôi có một chuyến đi sang Israel và châu Âu cùng ba cặp kia. Tại Jerasalem, tôi cầu nguyện trước bức Tường Than Khóc, vai quàng tấm khăn lễ mà thầy Mohel đã cho từ ngày trước (nhưng bây giờ nó không rủ xuống hai hông sau của tôi nữa.) Chúng tôi leo lên quả núi nơi có pháo đài Masada để tận mắt thấy cứ điểm cuối của cuộc kháng chiến chống lại quân La Mã của dân Do Thái. Chúng tôi bơi dưới Biển Chết và biển Hồng Hải, chỉ trừ Tita không bơi vì nàng vẫn phải đi ủng. (Tại sao mãi mà móng nàng không rụng đi? Tình trạng kéo dài ấy khiến tôi lo lắng, nhưng tôi đã học được tính nhẫn nại. Tôi tin chắc sẽ có ngày hai bàn chân người của nàng sẽ xuất hiện.) Chúng tôi đến cao nguyên Golan và vùng biên giới với Lebanon, chụp ảnh trước những khu hầm trú ẩn và những hàng rào thép gai. Tại một nông trang tập thể, chúng tôi thi đấu bóng đá với một nhóm người Argentina. Đội của họ mặc áo trắng, chúng tôi áo xanh da trời. Bốn người chúng tôi chọi lại với họ. Đó thật là một trận anh hùng mà tôi dám tham gia với đôi bàn chân người của mình. Chúng đã không làm tôi thất vọng: những cú đá của tôi đã để lại dấu vết trên ống đồng của các đối thủ, và tôi ghi được hai bàn thắng cho đội mình.
Rồi cả bọn kéo nhau đi Rome, Paris, London. Từ Madrid, Tita và tôi tạm thời chia tay các bạn để có một chuyến đi riêng. Julio nhìn tôi nghi ngờ, vì anh nghĩ tôi lợi dụng cả chuyến đi chơi chung với nhau này để tranh thủ làm ăn mảnh. Anh nghĩ cũng đúng, nhưng không đúng hẳn. Quả thực tôi cũng muốn ký lại mấy cái hợp đồng xuất nhập khẩu, nhưng ý định chính của tôi là đi thăm ông bác sỹ Morocco. Chúng tôi đi về miền nam Tây Ban Nha, theo con đường ngược với con đường của những đội quân người Moore ngày xưa đã đi để xâm chiếm bán đảo Iberia. Chúng tôi vượt Địa Trung Hải bằng tàu thủy, và một buổi chiều đã đến trước cửa bệnh viện bằng xe taxi.
Tất cả trong thật điêu tàn. Những bức tường không được sơn vôi, cánh cổng gỉ sét, không có ai mở cổng. Như một chốn bỏ hoang. Đài phun cạn nước. Rồi thình lình chúng tôi nhìn thấy ông bác sỹ.
Ông đã già hơn nhiều, đi đứng loạng choạng, tóc bạc lưa thưa. Ông không còn đeo kính đen nữa. Khi nhận ra chúng tôi, ông hồ hởi ôm chầm lấy chúng tôi rồi mời vào nhà. Chúng tôi ngồi trong phòng khám của ông, bấy giờ thật bẩn thỉu và bừa bãi. Ông mời chúng tôi một thứ nước trà đã nguội rót từ một cái phích ra và hỏi thăm chúng tôi. Tôi nói chúng tôi đều rất khỏe mạnh, và kể cho ông về cuộc đời trong khu chung cư biệt thự, về hai đứa con song sinh, và cuối cùng cởi giày chỉ cho ông xem đôi bàn chân người của mình. Ông xem xét đôi bàn chân tôi một cách cực kỳ thích thú. Thật là một phép lạ, ông lẩm nhẩm, một phép lạ thực sự. Còn bà thì sao, thưa bà? Ông hỏi, quay sang Tita. Cô ấy vẫn còn móng ngựa, tôi nói, nhưng căn cứ và những gì đã xảy ra với tôi, tôi nghĩ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Tôi rất mừng thấy ông bà thành đạt, ông bác sĩ thở dài. Ông bà là những ca thú vị nhất của tôi, là đỉnh điểm trong sự nghiệp của tôi. Trước đó và sau này, tôi không bao giờ có được những thành công xuất sắc như thế. Tôi còn viết cả một chuyên khảo về ca mổ ấy.
Ông đứng lên đi lấy bản thảo cho chúng tôi xem. Tập chuyên khảo ấy có nhan đề "Nhân mã: Mô tả và Giải phẫu Điều trị cho Hai Trường hợp." Tôi không xuất bản nó, ông nói. Sẽ không ai tin hết. Bọn bác sĩ chúng tôi đều rất đa nghi. Nhưng quả thật ông bà là niềm vinh quang nghề nghiệp của tôi, ông nhắc lại.
Chúng tôi im lặng. Đột nhiên, ông bác sĩ nhớ ra điều gì đó và mỉm cười: Ông bà có biết không, tôi cũng đã khám cho một chàng trai trẻ có vấn đề tương tự như của ông bà. Và ngẫu nhiên, anh ta cũng từ Brazil sang đây. Nhưng anh ta không chịu mổ. Anh ta đã trốn khỏi bệnh viện.
Ông bác sĩ lại thở dài. Sau khi ông bà đi rồi, chẳng có gì suôn sẻ cả. Mọi việc cứ xấu mãi đi.
Một loạt những ca mổ không thành công và hậu quả tử vong của nhiều bệnh nhân, trong đó có một nhân vật quan trọng trong chính phủ, đã dẫn đến việc cảnh sát đến đóng cửa bệnh viện theo lệnh của toà án. Sau nhiều năm chỉ biết ăn dần những gì mình có, ông lại được phép hành nghề trở lại, nhưng tình hình không còn như trước nữa. Các bệnh nhân có tiếng tăm không còn tìm đến ông, những tạp chí quốc tế không còn muốn phỏng vấn ông. Tôi buộc lòng phải làm nhiều thứ khác nhau, ông nói. Bây giờ, tôi phải làm cả nạo phá thai... và cho những lão thũ lãnh phá sản người Ả rập thuê nhà. Không còn như xưa nữa, thưa ông Guedali, tôi nói thật đấy.
Rồi mặt ông sáng lên: Tôi vừa mới nhớ ra là mình có một món quà cho ông! Ông đứng dậy và chạy ù khỏi phòng rồi quay lại ngay với một thứ rất lạ: một cái trống bằng đất sét, trang trí rất có nghệ thuật. Da mặt trống thủng lỗ chỗ.
"Cái trống này," ông giải thích, "được căng bằng da của ông đấy. Bọn thổ dân trả lại tôi. Họ bảo da không được tốt và cứ bị rách. Họ cũng trả lại cả cái roi đuổi ruồi, nhưng không biết tôi đã để nó ở chỗ nào. Ông có muốn giữ cái này làm kỉ vật không? Chỉ một món tiền nhỏ là nó sẽ thuộc về ông đấy."
Tôi đưa cho ông ta ít tiền, nhưng bảo ông hãy đốt cái trống đó đi. Tôi không muốn có bất kì cái gì có thể nhắc nhở đến quá khứ, tôi nói. Tôi hiểu, ông ta bảo.
Tôi nhắc ông rằng Tita vẫn cần ủng. Ông nói chuyện đó không phải lo. Người thợ làm ủng đã rất già, sắp chết đến nơi rồi, nhưng ông biết một người thợ khác hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Ông bà có thể yên trí quay về Brazil, ông nói khi chấm dứt câu chuyện.
Chúng tôi về Amsterdam, rồi từ đó trở về Brazil cùng với các bạn. Hai thằng nhóc song sinh đón chúng tôi tận sân bay, mỗi đứa mặc một cái áo dệt kim hở cổ của đội bóng đá yêu thích nhất của mình: một thằng là đội Quốc tế, thằng kia là đội Corinthians.
Tình hình trong khu chung cư vẫn tốt đẹp cả. Mọi thứ đều bình yên, và không có gì phá vỡ sự bình yên ấy, cho đến buổi tối ngày 15 tháng 7 năm 1972.
Một đêm, khoảng một tuần lễ trước ngày đó, tôi gặp Paulo tại sảnh tiếp tân để trao đổi về một việc hệ trọng. Hai chúng tôi đang tính lập một công ty mới. Paulo không thoả mãn với công việc làm ăn của mình, và tôi cũng vậy. Triển vọng trong lĩnh vực mà chúng tôi đang làm không được tốt lắm. Tôi có những thông tin đáng tin cậy về việc chính phủ sắp có những hạn chế mới trong nhập khẩu, là nguồn lãi chính của tôi. Paulo đang tính mở một hãng tư vấn nhỏ. Chúng tôi cũng có một đề nghị của Julio muốn chúng tôi sang làm với anh ta trong lĩnh vực phát triển bất động sản. Nhưng tớ không muốn làm công ăn lương tí nào, Paulo nói, ngay cả cho Julio cũng vậy thôi. Bàn đi tính lại những vấn đề ấy, chúng tôi ở lại chỗ tiếp tân cho đến tận khuya.
Khi tôi về nhà, Tita đã đi nằm và đang đọc sách trên giường. Tôi cởi quần áo, nằm xuống giường và thiếp đi ngay lập tức. Chẳng mấy chốc tôi bị Tita lay dậy. Có chuyện gì thế, tôi lúng búng, buồn ngủ trĩu cả người. Em nghe có tiếng động ở dưới nhà, nàng thì thào. Tôi nhìn đồng hồ: 2h15 sáng. Em tưởng tượng đấy thôi, tôi nói, rồi xoay mình sang bên kia. Nàng lại lay tôi: nhưng rõ ràng em nghe thấy có cái gì đó, Guedali, rõ ràng có ai đó đang ở dưới nhà.
Chuyện vô lý. Ai ở dưới đó mới được chứ? Đám gia nhân ngủ trong dãy nhà ngang của họ từ lâu rồi, hai đứa bé đang ở với ông bà tận Porto Alegre trong cả tháng 7, và trộm thì không thể đột nhập qua hệ thống an ninh của khu biệt thự được. Tôi giải thích tất cả những cái đó cho Tita.
Nhưng nàng vẫn khăng khăng: có người dưới nhà, Guedali, em chắc chắn là có ai đó đang ở dưới nhà. Anh không biết! Anh mệt lắm rồi, anh làm việc suốt ngày rồi và anh muốn ngủ. Thế thì anh lấy phôn gọi cho gác cổng đi, nàng nói. Em điên à? Tôi hỏi, rất khó chịu. Em tưởng anh sẽ làm phiền gác cổng rồi làm ầm ĩ cả lên chỉ vì những cảm giác hoang tưởng của em hay sao? Nếu thế thì em sẽ xuống nhà xem sao vậy, nàng giận dữ nói. Thì em đi đi, tôi đáp. Tôi xoay người ngủ tiếp. Một lúc sau tôi giật mình tỉnh dậy. Tita không ở trên giường. Tôi hốt hoảng gọi nàng.
Em đang ở dưới nhà, có tiếng nàng đáp. Nhưng em đang làm gì dưới ấy? Tôi hỏi. Em đang hút nốt điếu thuốc, nàng nói, em sẽ lên ngay, em không thích hút thuốc trên giường.
Suốt tuần lễ ấy tôi gặp Paulo hoài. Cả hai chúng tôi đều không biết quyết bề nào; tôi có cảm tưởng như chúng tôi đang chạy một vòng tròn mà cứ mỗi ngày một rộng thêm ra. Cuối cùng, đêm ngày 15 tháng 7, 1972, tôi quyết định phải chấm dứt chủ đề ấy một lần cho xong. Hoặc chúng tôi phải mở một công ty mới, hoặc về làm cho Julio, hoặc chẳng làm gì cả, tôi muốn có quyết định cuối cùng.
"Anh sẽ ra sảnh tiếp tân nói chuyện với Paulo," tôi bảo Tita. "Đừng đợi, anh sẽ về muộn đấy."
Nhưng khi tôi đến chỗ tiếp tân thì không thấy Paulo đâu. Người gác nói chưa hề thấy Paulo ngày hôm ấy. Cử chỉ ấy của Paulo có vẻ cực kì khiếm nhã đối với tôi; bực mình, tôi về ngay nhà.
Tôi mở cửa và bước vào nhà. "Anh đã về," tôi gọi. "Paulo không đến..."
Tôi sững lại, không thể tin được. Tôi đang thấy gì trước mặt tôi đây? Không phải là màn ảnh xi-nê, không phải một minh hoạ trong sách, cũng không phải là tưởng tượng của tôi, nó ở ngay kia, trước mắt tôi, đứng ngay trên tấm thảm phòng khách của tôi và đang nhìn tôi.
Một con NHÂN MÃ.
Một con nhân mã thật (Một con nhân mã thật, đúng vậy, thực sự là thật, mặc dù trong đầu tôi vẫn loé lên một ý nghĩ có thể đó chỉ là một con búp bê nhồi, một mô hình nhân mã, một bức tượng mà Tita đã mua về để trang trí phòng khách, cho dù nếu vậy thì nàng thật là ma quái.) Với một tấm áo choàng trắng, rất đẹp trai. Và rất trẻ: bộ ngực và đôi cánh tay cuồn cuộn cơ bắp, nhưng bộ mặt lại là của một thiếu niên mới lớn; tóc dài, mắt xanh, một chàng trẻ tuổi đẹp mã. Chưa thể quá tuổi hai mươi.
Bên cạnh nó là Tita. Sự thực là họ đang ôm nhau.
Họ đang ôm nhau trong tay, Tita và con nhân mã. Họ nhảy vọt ra khỏi nhau khi tôi bước vào, nhưng họ đã ôm chặt lấy nhau. Trong vòng mấy giây đồng hồ, chúng tôi nhìn nhau chằm chằm không nói một lời. Thằng bé im lặng đứng đó, hai mắt cúi gằm, mặt đỏ hồng. Tita thì cố giấu nỗi hoảng sợ lo lắng của mình bằng cách châm thuốc hút.
"Em thấy không cần phải giấu giếm gì hết," Tita nói. Có một vẻ thách thức trong giọng nói của nàng khiến tôi giận dữ, như thể nàng tin chắc là nàng hoàn toàn đúng. Hắn là ai? Tôi hỏi, hầu như không giữ nổi bình tĩnh. Một con nhân mã, nàng nói. Cái đó thì rõ rồi, tôi nói với một giọng hơi khang khác, tôi không phải là đồ ngốc. Tôi muốn biết chàng công tử nhân mã này là ai và anh ta đang làm gì trong nhà tôi, ôm riết lấy vợ tôi như thế. Chẳng là, Tita mở miệng, đã mất giọng tự tin, anh ta xuất hiện.
Tôi ngắt lời nàng.
"Tôi không hỏi cô. Cô đừng có nói một lời nào hết. Anh ta phải là người giải thích chuyện này. Con nhân mã kia. Nó sẽ phải nói cho tôi biết mọi chuyện, không được quanh co, không được giấu giếm."
o O o
Câu chuyện của con nhân mã:
Hắn cũng ra đời ở nông thôn như Tita và tôi, nhưng trong một ngôi nhà đẹp, gần một bãi biển riêng trong tiểu bang Santa Catarina. Cha mẹ hắn, một cặp vợ chồng trẻ (hắn là con đầu lòng), là người khá giả. Họ đều xuất thân từ Curitiba, chồng là con trai của một nhà sản xuất đồ gỗ giàu có và vợ là một người được thừa kế một gia tài kếch xù. Cuộc sinh nở thiếu tháng ấy được một bác sĩ quen tình cờ đang nghỉ hè ở bãi biển ấy giúp được vuông tròn, và mặc dù người bác sĩ ấy đã rất hài lòng khi thấy đứa trẻ chính mình đỡ ra đời. Khi cơn hoảng sợ ban đầu đã dịu lại, ông ta gọi người cha ra một bên. Đó là một quái vật, ông ta nói, nó sẽ không thể sống được, nếu anh muốn tôi sẽ giúp cho nó chết trong êm ái ngay lập tức. Không, người cha vừa nói vừa khóc, nó là con trai tôi, tôi không đủ can đảm làm chuyện ấy, nhưng nếu vợ tôi muốn thế thì... Ông bác sĩ hỏi người mẹ trẻ, nhưng bà không trả lời, chỉ nhìn lên trần nhà. (Đúng hệt như mẹ tôi, bà đã bị choáng đến độ câm lặng hoàn toàn.)
Ba hôm sau họ trở về nhà. Trong xe ô tô, họ giấu đứa bé nhân mã dưới nhiều lần chăn phủ, và từ đó trở đi che giấu nó rất kĩ. Toàn bộ tầng trên của ngôi nhà là dành riêng cho nó; cha mẹ chỉ ở dưới nhà. Gia nhân không ai được lên gác trong bất kì trường hợp nào, và chuyện này đã khiến cho hàng xóm lân bang đặt nhiều điều dị nghị. Người ta đồn cả đống chuyện ma quỷ và phù phép. Bọn ngốc ấy sẽ ngạc nhiên biết bao nếu chúng thấy những gì có trong tầng gác bị cấm ấy. Con nhân mã không phải là thứ kinh ngạc nhất! Chúng sẽ phải kinh hoàng trước cả một thế giới lạ lùng. Hàng ngàn đồ chơi và trò tiêu khiển tràn ngập phòng nuôi trẻ, rồi sách báo đầy màu sắc, các loại máy nghe nhạc, máy chiếu hình, máy thu hình, tất cả những gì mà một đứa trẻ có thể mơ ước. Và giữa những thứ đó mới là một con nhân mã.
Hắn lớn lên buồn rầu, nhưng không nổi loạn; u uẩn, nhưng lễ phép. Hắn bộc lộ lòng biết ơn đối với những gì cha mẹ hắn đã làm để hắn có được một cuộc đời hạnh phúc. Hắn có những cơn khủng hoảng của mình. Hắn thường khóc lóc và đá vào tường, nhưng chỉ những khi hắn có một mình mà thôi. Trước mặt cha mẹ, hắn kiềm chế được bản thân. Họ thật tốt, cha mẹ hắn, lòng thương yêu của họ khiến hắn quên mình là một con nhân mã, quên cả tình trạng cô đơn khủng khiếp của mình. Ta cần gì phải có bạn bè, hắn tự nhủ (và sau này, Ta cần gì phải có bạn gái,) một khi ta đã có một người cha và một người mẹ tuyệt vời đến thế. Tối nào họ cũng lên với hắn, kể cho hắn nghe những sự kiện trong ngày, vuốt ve hắn. Con có móng ngựa và đuôi ngựa cũng chẳng sao, hắn nói với cha mẹ; cứ nghĩ đến những người gù có bướu, những người sinh ra không chân không tay, như các nạn nhân của chất thalidomide đấy. Nhưng chẳng lẽ con không muốn ra ngoài, không muốn thấy thế giới sao? Cha hắn hỏi, giọng đau đớn. Cha với mẹ là thế giới của con rồi, hắn đáp rồi ôm choàng lấy họ.
Thế rồi tình cờ mẹ hắn dự một buổi tiệc trà từ thiện và gặp một mệnh phụ phu nhân rất đáng mến có chồng là luật sư, chính là Deborah. Họ trở thành bạn thân, và một đêm nọ người đàn bà khốn khổ cởi mở lòng mình, kể chuyện về đứa con trai. Deborah kinh ngạc nói có biết một trường hợp như thế. Nhưng có giải pháp đấy! Chị kêu lên. Hãy viết thư cho bệnh viện ấy ở Morocco, họ tiến hành những phép lạ ở đó!
Cha mẹ hắn hỏi ý kiến người bạn bác sĩ đã đỡ cho hắn ra đời và là người duy nhất biết sự tồn tại của con nhân mã. Tôi nghĩ rất đáng thử xem sao, ông ta khuyên họ như vậy.
Tuy nhiên, con nhân mã không chịu đi Morocco, mặc mọi lý do thuyết phục của cha mẹ hắn. Hắn nói sẽ không ra khỏi nhà, chấm hết. Nhưng con không muốn được giải phẫu ư, không muốn được chữa trị ư? Không. Hắn không nghĩ là mình mắc bệnh gì; hắn không cần một cuộc giải phẫu nào hết, hắn chỉ đơn giản là không giống mọi người mà thôi. Và chừng nào cha mẹ hắn còn yêu thương hắn thì mọi thứ đều ổn cả. Người bạn bác sĩ phải xen vào, rất tức giận: Ôi chao, không thể thế được! Ra đời với một thân hình ngựa là chuyện khủng khiếp, một thảm kịch của số phận. Thế mà bây giờ lại không chịu mổ, sao lại có thể thế được? Cháu phải đi Morocco, thích hay không cũng mặc cháu.
Mẹ hắn bắt đầu khóc lóc, cha hắn ngã vật xuống một chiếc ghế bành. Cuối cùng, hắn quyết định: hắn sẽ đi Morocco, nhưng sẽ đi một mình. Tại sao lại đi một mình? Ông bác sĩ kêu lên. Bác có thể đi với cháu. Cháu sẽ đi một mình, hắn gào lên, hoặc là chẳng đi đâu cả!
Rồi thì họ cũng phải đồng ý. Họ đưa hắn lên một chiếc tàu thủy, trong một khoang có những thiết bị đặc biệt và một cái tủ lạnh, một cái thùng vệ sinh dùng hoá chất, v.v... Con tàu cập bến, và chiếc xe thùng màu đen đã chờ ở đó. Ở bệnh viện, ông bác sĩ Morocco khám cho hắn. Không nghi ngờ gì nữa, hắn giống hệt như hai bệnh nhân kia! Ông bác sĩ mừng rơn: ông ta sẽ có nhiều ca phẫu thuật nhân mã nhất thế giới! (Và còn tiền nữa chứ; ông ta cần tiền lắm.) Chúng ta hãy cho giải phẫu ngay lập tức, ông ta nói.
Nhưng con nhân mã trẻ tuổi vẫn còn lưỡng lự. Hắn sợ. Hắn xin được suy nghĩ thêm vài ngày.
Nhưng chẳng ích gì; càng nghĩ hắn càng thấy bất lực hơn, hoảng sợ hơn. Hắn khóc suốt ngày, nhớ cha nhớ mẹ. Nhưng hắn cũng ngượng không muốn trở về vẫn còn là một con nhân mã, với thân và đuôi ngựa, không chịu giải phẫu; hắn cảm thấy, như những người Spartan ngày xưa, rằng hắn phải từ cuộc chiến trở về tay cầm khiên hoặc được khiêng nằm trên chính tấm khiên của mình.
Rồi hắn bắt đầu nghĩ đến cặp nhân mã đã được giải phẫu. Giá như hắn được hỏi chuyện họ! Hắn cảm thấy chắc chắn là, cũng như cha mẹ hắn, họ sẽ hiểu và giúp đỡ được hắn. Hy vọng của hắn là họ sẽ thuyết phục hắn giải phẫu. Hắn lập một kế hoạch tuyệt vọng: hắn sẽ đi Brazil, tìm cặp cựu nhân mã kia, và hỏi ý kiến họ, tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần ở họ. Khi đã có đủ can đảm, hắn sẽ quay lại Morocco và chịu giải phẫu.
Giữa đêm khuya tịch mịch, hắn đột nhập vào văn phòng của ông bác sĩ. Hắn tìm thấy tập hồ sơ nhân mã trong tủ tài liệu. Có một cái địa chỉ trong đó, địa chỉ để gửi ủng, và hắn liền ghi lại. Hôm sau, hắn bảo ông bác sĩ rằng hiện tại hắn không có ý định giải phẫu; có thể hắn sẽ nghĩ đến chuyện đó trong tương lai. Còn lúc này hắn phải quay về Brazil.
Lại đi trên con tàu hàng đã đưa hắn sang, hắn quay lại cảng Santos. Trước khi tàu cập bến, hắn nhảy xuống biển. Không biết bơi, hắn đã điên cuồng đạp chân và lóp ngóp vào đến bờ.
Hắn phi nước đại trong đêm và ẩn náu lúc ban ngày. Một sáng nọ, trước lúc bình minh, hắn liều lĩnh đột nhập vào một ngôi nhà trông có vẻ bỏ hoang ở ngoại ô thành phố Sao Paulo. Thật sai lầm, vì ngôi nhà đó không bỏ hoang. Sau mấy tiếng ngủ mê mệt, hắn tỉnh giấc và thấy một người đàn ông đang nhìn hắn chằm chằm. Một người đàn ông trung niên có mái tóc bù xù, mặc áo ngắn tay và quanh cổ có một cái dây xích đeo lủng lẳng một cái đồng hồ to tướng. Con nhân mã cố bỏ chạy, nhưng người ấy trấn tĩnh hắn, hỏi hắn từ đâu tới. Tình cờ làm sao, người đàn ông này lại biết một con nhân mã khác, chính là em ruột ông ta, tên là Guedali. Guedali ư! Hắn kêu lên. Đó chính là người tôi đang đi tìm! Người đàn ông kia chỉ đường cho hắn đến khu chung cư biệt thự, chỉ cách đó chừng vài cây số. Đêm ấy, hắn tìm đến nơi. Hàng rào điện chẳng thành vấn đề gì, hắn nhảy một cú là qua, trong đêm tối không ai nhìn thấy.
Hắn tìm được nhà chúng tôi. Cửa sau (Tita lại bất cẩn) không đóng. Hắn lẻn vào và đứng đó trong đêm tối, không biết phải làm gì, lưỡng lự không biết nên đợi hay nên lên tiếng gọi, cho đến tận rạng ngày. Có tiếng nói của đám gia nhân trong nhà. Sợ hãi, hắn ẩn mình dưới hầm rượu. Ở dưới đó, hắn làm dịu được cơn đói đau thắt ruột gan (hắn đã không ăn gì trong nhiều ngày) với vài món đồ hộp, rồi hắn mở mấy chai vang. Chẳng mấy chốc hắn lăn ra ngủ, ngà ngà say.
Khi đêm xuống, hắn mở cửa hầm rượu và đi lên nhà trên. Hắn vào đến phòng khách thì không biết nên làm gì nữa. Rồi hắn nghe tiếng chân bước trên cầu thang, sợ hãi, muốn trốn chạy, nhưng không kịp nữa rồi - mà cũng chẳng có lý do gì để phải chạy trốn vì người đang đến là Tita, một cựu nhân mã, bây giờ lại là một người đàn bà đẹp, đáng yêu hệt như trong ảnh mà hắn đã thấy trong hồ sơ bên Morocco, bức ảnh đã khiến hắn mê mẩn.
Họ đối mặt nhau. Tita chẳng có vẻ gì sợ hãi, thậm chí không cả ngạc nhiên. Nàng mỉm cười, hắn mỉm cười đáp lại. Nàng cầm lấy tay hắn và dẫn hắn vào gầm cầu thang. Họ đứng đó, thì thầm chuyện trò hàng tiếng đồng hồ, kể chuyện mình cho nhau nghe. Trước khi chia tay, nàng tặng hắn một cái hôn. Chỉ là một cái hôn thân mật lên má, nhưng đó là tình yêu. Nàng đã phải lòng chàng nhân mã trẻ tuổi.
Chiều hôm đó nàng cho gia nhân nghỉ sớm rồi xuống hầm rượu. Ở đó, trong bóng tối, họ đã ân ái nhau. Ôi, sướng biết bao, nàng rên rỉ, và thèm muốn nữa, lần nữa, lần nữa.
Đầu giờ buổi tối nay, 15 tháng 7 năm 1972, hắn nghe thấy tiếng tôi nói từ ngoài cửa: "Đừng đợi, anh sẽ về muộn." Và hắn liều lĩnh ra ngay khỏi hầm rượu. Tita ôm chầm lấy hắn, ôi anh yêu, anh điên rồi, điên rồi, điên rồi! Anh hãy quay về chỗ trốn ngay đi đã.
o O o
Đến đoạn cuối của câu chuyện, hắn run bần bật, rõ ràng đang sợ hãi đến cực điểm. Hắn nói chỉ có ý định hỏi chuyện chúng tôi, làm rõ vài điều nghi ngại và hắn sẽ đi ngay, hắn không hề có ý định làm phiền chúng tôi.
Nhưng tôi không nhìn hắn, tôi nhìn Tita. Không nghi ngờ gì nữa, nàng đã thực sự phải lòng con nhân mã trẻ tuổi, không còn biết mô tê gì nữa. Nàng đã quên tôi, hai đứa con trai của chúng tôi, quên tất cả. Nàng chỉ còn biết có hắn. Tôi biết rằng mình phải làm cái gì đó ngay lập tức, nếu không thì...
Cửa bật mở, một nhóm người chạy ùa vào, la hét: "Chúc mừng ngày kỉ niệm, chúc mừng ngày kỉ niệm!" Paulo và Fernanda, Julio và Bela, Armando và Beatrice, Tania và Joel. Bela đang mang một chiếc bánh gatô, Armando cầm hai chai rượu, và Tania mang một bó hoa. Tôi chợt nhớ ra: hôm nay là ngày kỉ niệm khai trương khu nhà của chúng tôi, một ngày mà chúng tôi không năm nào không liên hoan kỉ niệm; chính vì thế mà Paulo đã không đến chỗ tiếp tân, vì anh còn mải gọi mọi người đến liên hoan.
Bela đánh rơi chiếc gatô xuống sàn nhà. Tất cả đứng sững nhìn con nhân mã. Họ đứng như trời trồng trước cảnh tượng ấy. Đột nhiên, "Gọi bảo vệ ngay!" Tania rú lên như mất trí. "Lạy Chúa tôi, gọi bảo vệ ngay!"
Kêu lên một tiếng hãi hùng, con nhân mã lao mình qua mảng cửa sổ lớn nhìn ra vườn và chạy biến đi giữa tiếng kính vỡ rào rào. "Gượm đã!" Tita kêu thét lên, chạy ra theo. Beatrice cố giữ chặt lấy nàng, nhưng nàng đẩy chị ra rồi chạy vọt ra cửa. Tất cả chúng tôi chạy ùa theo. Paulo hét: "Cái quái gì thế, Guedali? Cái quái gì thế?"
"Im đi!" Tôi rít lên. Đúng lúc ấy chúng tôi nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng súng nổ hàng tràng nối tiếp nhau. Chúng tôi chạy đến khu công viên và thấy mấy nhân viên bảo vệ ở đằng xa, gần chỗ đài phun nước, còn con nhân mã, nó ngã gục giữa một vũng máu.
Tita chạy vượt lên tôi, vừa chạy vừa gào thét. Hết sức bình sinh, tôi đuổi kịp nàng trước khi nàng kịp chạy đến chỗ đài phun nước và túm được tay nàng. "Bỏ tôi ra, đồ súc vật!" Nàng rú lên, mặt biến dạng vì căm thù và đau đớn. Nàng chống trả, cào cấu mặt tôi, đấm thùm thụp vào ngực tôi. Cuối cùng nàng yếu sức, và hầu như ngất xỉu, để mặc cho tôi dìu về nhà. Tôi đặt nàng lên giường. Chuông cửa reo liên hồi.
Tôi đi xuống mở cửa. Đó là Pedro Bento, tay vẫn còn cầm khẩu súng lục. Hắn xanh xám đi vì sợ và mồ hôi vẫn toát ra như tắm. Đó có phải con trai ông không, Guedali? Hắn trầm giọng hỏi. Tôi không đáp, chỉ nhìn. Hắn nói tiếp: Tha thứ cho tôi, Guedali, nếu như đó là con ông. Những người khác hoảng hốt và bắt đầu nổ súng, khi tôi đến chỗ đài phun nước thì nó đã chết rồi. Tôi chỉ bắn một phát giải thoát vào đầu nó để nó khỏi đau đớn mà thôi.
Trên gác, Tita khóc lóc vật vã. Không sao đâu, tôi bảo Pedro Bento, rồi đóng cửa.
Lạ một điều là tôi hầu như không nhớ được tí gì về ba ngày sau đó. Tôi biết là buổi sáng sau khi con nhân mã chết, tôi có đi xuống phố. Tôi không đến văn phòng như lệ thường, mà vào một khách sạn nhỏ. Tôi nhớ có đến một văn phòng du lịch nhờ họ lấy hộ chiếu cho mình, cũng như đi rút tiền ở ngân hàng, bán hết cổ phiếu và trái phiếu, rồi mua vài thứ quần áo với một cái vali. Tuy nhiên, những gì khác đã diẽn ra trong những giờ đồng hồ dài dằng dặc của những ngày ấy thì tôi không nhớ một tí gì hết. Phần lớn thời gian tôi giam mình trong phòng và xem TV hoặc ngủ (tôi ngủ rất nhiều, lúc tỉnh giấc chẳng còn đang biết là ngày hay đêm nữa.) Chắc hẳn tôi đã phải suy nghĩ nhiều. Nhưng không còn nhớ mình đã nghĩ những gì, đã dự định làm gì, tại sao lại định đi du lịch như thế. Chỉ biết rằng khi đến giờ, tôi cứ thế ra sân bay, vừa kịp lên máy bay. Và chỉ một lúc sau, tôi đã trên đường sang Morocco.
Chú thích
(43) Nguyên văn là "im lặng như một nấm mồ". (ND)
(44) Nguyên văn: Haddock – một loài cá ở Bắc Đại Tây Dương, thường dùng làm thức ăn gia súc (ND)
Con Nhân Mã Ở Trong Vườn Con Nhân Mã Ở Trong Vườn - Moacyr Scliar Con Nhân Mã Ở Trong Vườn