Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Moacyr Scliar
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: truonghoangngan
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3637 / 147
Cập nhật: 2023-03-26 22:57:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Nông Trại Nhỏ Trong Nội Địa, - Hạt Quatro Irmaos,
hững ký ức đầu tiên của ta, tất nhiên rồi, sẽ chẳng thể mô tả được bằng từ ngữ thông thường. Chúng ban sơ, không thể lí giải được. Những con ấu trùng trong trái cây, những con sâu còn đang oằn oại trong bùn. Những xúc cảm xa xôi, những nỗi đau vô định. Những nhỡn ảnh hỗn mang: một bầu trời giông bão trên một biển cả hung dữ; từ giữa những đám mây đen, một con ngựa có cánh đang đường bệ bay xuống. Nó nhanh chóng bay qua đại dương và lục địa, bỏ lại sau những bãi biển và thành phố, những khu rừng và núi non. Dần dần từng tí một nó giảm tốc độ, và bây giờ thì nó lượn thành những vòng tròn rộng lớn, lông bờm nó bay như sóng lượn.
Bên dưới, tắm trong ánh trăng, là một túp nhà gỗ thôn dã đơn sơ, im ắng và biệt lập. Từ những khuôn cửa sổ, ánh sáng yếu ớt vàng vọt từ trong nhà lọt ra ngoài và lẫn vào sương mù. Cách đó một quãng ngắn là chuồng ngựa. Xa hơn nữa là một đám rừng nhỏ, và sau đó là những cánh đồng rộng. Trong những đám cây rậm rạp, những con thú nhỏ bay, chạy, nhẩy, bò, ẩn núp, săn đuổi và ăn thịt lẫn nhau. Ríu rít, chí chóe, tru tréo.
Tiếng kêu thét chói tai của một người đàn bà vang vọng qua khắp thung lũng. Mọi vật bỗng nín lặng, không có gì chuyển động nữa. Con ngựa có cánh lượn trên không trung, đôi cánh dang rộng. Một tiếng kêu thét nữa, rồi một tiếng nữa. Một chuỗi các tiếng kêu, rồi lại im lặng. Con ngựa có cánh lượn vòng trên túp nhà một lần nữa rồi biến dạng vào những đám mây, không một tiếng động.
Đó chính là mẹ tôi đang kêu thét; bà đang sinh nở. Hai đứa con gái của bà và một mụ đỡ già trong vùng đang ở bên bà. Bà đã đau đớn nhiều tiếng đồng hồ, nhưng đứa bé vẫn chưa có dấu hiệu gì muốn ra. Bà đang kiệt sức; gần như ngất xỉu. Ta không thể chịu nổi nữa, bà thì thào. Mụ đỡ và hai cô con gái nhìn nhau lo lắng. Họ có nên gọi bác sỹ không? Nhưng bác sỹ ở cách đó hàng bốn chục cây số, liệu có kịp không?
Trong căn phòng kế bên là cha tôi và anh tôi. Cha tôi đi đi lại lại, còn anh tôi thì ngồi trên giường, ngó trân trân lên bức tường trước mặt. Những tiếng kêu thét ngày một nhiều hơn, nối đuôi nhau ngày một nhanh hơn, và giữa chúng là những câu rủa xả bằng tiếng Yiddish (5) khiến cha tôi phải rùng mình: Thằng tội đồ kia! Nó mang chúng ta ra khỏi nhà và đem chúng ta đến chốn địa ngục này, đến cái xó tận cùng của trái đất này! Ta đang chết đây, chính vì nó mà ta chết, quân giết người! Ôi, lạy Chúa, con hư hoại mất rồi, hãy cứu vớt lấy con! Mụ đỡ cố an ủi bà; thưa bà Rosa, xin bà đừng hoảng hốt, mọi việc đều ổn cả. Nhưng giọng nói của mụ thật hốt hoảng. Dưới ánh sáng của ngọn đèn bão, mụ sững sờ ngó cái bụng khổng lồ và cứng nhắc. Cái gì ở bên trong đó?
Cha tôi ngồi xuống, vùi đầu vào hai lòng bàn tay. Vợ ông nói đúng, ông là người có lỗi trong những gì xẩy ra ở đây. Tất cả những người Do Thái đi khai hoang ở vùng này, những người đã từ nước Nga sang đây cùng với ông, đều đã về các thành phố cả rồi-Santa Maria, Passo Fundo, Erechim, hoặc Porto Alegre. Cuộc cách mạng năm 1923 đã xua đuổi những tàn dư cuối cùng của quá trình khai hoang thuộc địa.
Cha tôi đã nhất định ở lại. Tại sao vậy, Leon? mẹ tôi hỏi. Tại sao lại bướng bỉnh như thế? Bởi vì Nam tước Hirsch (6) đã đặt lòng tin của ngài vào chúng ta, ông đáp. Ngài Nam tước không vô cớ đưa chúng ta từ châu Âu sang đây. Ngài muốn chúng ta ở lại đây, khai khẩn đất đai, trồng trọt và gặt hái, để cho bọn dị giáo thấy người Do Thái cũng hệt như tất cả mọi người.
Một người tốt, cái vị Nam tước ấy. Năm 1906, nước Nga đã thất bại trong cuộc chiến tranh với Nhật Bản, và những người Do Thái nghèo, thợ may, thợ mộc, tiểu thương sống trong những túp lều bẩn thỉu ở những làng mạc nhỏ, kinh hoàng trong nỗi đe dọa của những trận pogroms (7).
(Pogrom là thế này: những người Cossack say rượu tấn công ngôi làng, thúc những con ngựa điên của họ xông thẳng vào người già và trẻ con, vung những lưỡi mã tấu của họ vào mọi phía. Họ sẽ giết đám dân sống ở đó, cướp phá và đốt trụi ngôi làng, rồi kéo nhau đi, để lại sau những tiếng gào thét than khóc còn vọng mãi trong đêm tối đớn đau.)
Trong dinh thự của Ngài ở Paris, Nam tước Hirsch thường giật mình thức giấc giữa đêm thâu, hãi hùng tưởng như đang nghe thấy tiếng vó ngựa. Người vợ ngái ngủ của Ngài sẽ bảo, có chuyện gì đâu, Hirsch, anh cứ yên trí ngủ đi, chỉ là một cơn ác mộng thôi mà. Nhưng giấc ngủ không đến với Ngài Nam tước. Hình ảnh những con ngựa ô dày xéo những tấm thân bất động không chịu biến đi. Hai triệu bảng, Ngài thì thào một mình. Ta có thể giải quyết vấn đề này nếu có hai triệu bảng (Anh).
Ngài thấy cảnh người Do Thái Nga sống hạnh phúc tại những vùng đất xa xôi ở Nam Mỹ; thấy những cánh đồng được cày cấy, những ngôi nhà khiêm tốn nhưng tiện nghi, những trường dạy nghề nông. Ngài thấy trẻ con chơi đùa dưới bóng cây; thấy những thanh ray sắt của công ty hỏa xa (mà Ngài có rất nhiều cổ phần trong đó) tiến xa dần vào khu rừng nguyên khai.
Ngài Nam tước đã rất tốt với chúng ta, cha tôi luôn miệng nhắc lại điều đó. Một người giầu có như Ngài không việc gì phải lo lắng như thế cho người nghèo. Nhưng không, Ngài đã không quên đồng bào Do Thái của mình. Giờ đây chúng ta phải chịu khó làm việc để khỏi phụ lòng một con người thánh thiện và hào phóng như Ngài.
Quả thực cha mẹ tôi đã làm việc cật lực. Một cuộc sống không có đền đáp: phát quang đất đai, trồng trọt mùa màng, chữa bệnh kí sinh cho gia súc, mang nước từ giếng đi các nơi, nấu nướng. Họ sống trong niềm sợ hãi đối với đủ mọi thứ: hạn hán, lụt lội, sương muối, mưa đá, dịch côn trùng. Cái gì cũng khó khăn, họ không có tiền, và sống biệt lập với mọi người. Hàng xóm gần nhất của họ sống cách đấy năm cây số.
Nhưng con cái tôi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, cha tôi tự an ủi. Chúng sẽ học, sẽ được giáo dục tốt. Và một ngày nào đó chúng sẽ cảm ơn tôi vì những gì tôi đã phải hy sinh. Vì chúng, và cũng vì Nam tước Hirsch.
Những tiếng kêu thét chấm dứt. Một khoảng khắc im lặng, cha tôi ngẩng đầu lên, rồi có tiếng khóc của đứa trẻ mới ra đời. Mặt ông rạng rỡ. Con trai rồi! Chắc chắn là con trai rồi! Cứ nghe tiếng nó khóc thì biết!
Một tiếng kêu thét, lần này là một tiếng rú kinh hoàng. Cha tôi nhảy dựng lên, đứng lặng một giây không hiểu ra sao. Rồi ông chạy sang căn phòng bên cạnh.
Mụ đỡ gặp ông ở cửa phòng, mặt mụ lấm lem những máu, hai mắt lồi hẳn ra ngoài: Ôi, thưa ông Leon, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi chưa bao giờ thấy có cái gì như thế, không phải lỗi tại tôi! Tôi cam đoan với ông tôi đã làm tất cả mọi thứ theo khuôn phép!
Cha tôi nhìn quanh, chưa hiểu gì hết. Hai cô con gái đang chúi vào nhau trong một góc phòng, thổn thức vì sợ hãi. Mẹ tôi nằm trên giường, mê man bất tỉnh. Có chuyện gì ở đây thế này? Cha tôi hét ầm lên, rồi ông nhìn thấy tôi.
Tôi đang nằm trên bàn. Một đứa bé hồng hào, khỏe mạnh, đang khóc và động đậy hai bàn tay nhỏ xíu một đứa trẻ bình thường từ thắt lưng trở lên. Từ thắt lưng trở xuống là lông ngựa. Những bàn chân của một con ngựa những bộ móng ngựa. Một cái đuôi ngựa, vẫn còn đẫm nước ối. Từ thắt lưng trở xuống, tôi là một con ngựa. Tôi là-và cha tôi thậm chí còn không biết có cái từ ấy trên đời-một con nhân mã. Một con nhân mã.
Cha tôi đến gần cái bàn.
Cha tôi, người khai hoang Leon Tartakowsky. Một người đàn ông cứng rắn, chai sạn, đã từng thấy nhiều chuyện trong đời, những chuyện khủng khiếp. Một lần có người nông dân bị đâm bằng dao găm trong một cuộc cãi lộn và cha tôi đã nhét hết cả ruột gan vào lại trong bụng cho anh ta. Một lần khác, ông thấy một con bọ cạp trong chiếc ủng của mình và đã dùng bàn tay trần giết chết nó. Lại một lần khác, ông đã cho hẳn tay vào tận tử cung của một con bò cái để lôi ra con bê bị ngược thai. Nhưng cái mà ông nhìn thấy lần này là kinh khủng hơn cả. Ông co rúm người, phải dựa vào tường cho khỏi ngã. Ông nắm tay đưa lên miệng cắn, không, ông không được kêu thét lên như thế. Tiếng thét của ông sẽ làm vỡ hết các cửa sổ của căn nhà, sẽ vang xa qua hết các cánh đồng, đến tận những triền núi Serra do Mar, đến tận đại dương, đến tận cửa trời.
Ông không thể kêu thét, nhưng ông có thể nức nở. Những tiếng nức nở bóp gãy cả thân thể to lớn của ông. Một con người khốn khổ. Một gia đình khốn khổ.
Khi cú sốc ban đầu đã qua đi, mụ đỡ lại làm chủ được tình hình. Mụ cắt dây nhau, bọc tôi vào một tấm khăn tắm-cái to nhất trong nhà-rồi đặt tôi vào nôi. Đến đó thì mụ gặp nỗi khó khăn đầu tiên: tôi to con quá. Những bàn chân của tôi-nghĩa là những cái móng ngựa của tôi-cứ thò ra khỏi nôi. Mụ đỡ tìm được một cái thùng gỗ, lấy chăn lót vào đó (Mụ có nghĩ đến rơm không hả mụ đỡ? Nói thật đi, mụ có thoáng nghĩ đến rơm rạ không nào?) rồi đặt tôi vào. Trong những ngày sau đó người đàn bà can đảm ấy lo hết mọi việc trong nhà: lau chùi, giặt rũ, nấu nướng, lại còn đem thức ăn đến cho từng người nữa. Mụ ép họ phải ăn và giữ sức. Họ đã bị một cú sốc nghiêm trọng, những người Do Thái tội nghiệp, và họ cần phải hồi phục.
Quan trọng hơn cả, mụ chăm sóc tôi, con nhân mã. Mụ cho tôi bú bình, vì mẹ tôi chỉ khóc và không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy tôi, nói gì đến việc cho tôi bú. Mụ tắm táp cho tôi và giữ tôi sạch sẽ-không dễ dàng gì, vì phân tôi là thứ phân ngựa có mùi thối rất khẳn. Rồi mụ hiểu ra rằng tôi cần các thứ rau cỏ xanh, thế là mụ băm nhỏ lá bắp cải rồi trộn vào với sữa cho tôi.
(Đã nhiều lần, nhiều năm sau này mụ đỡ đã thú nhận, mụ đã toan lấy gối đè cho tôi chết ngạt. Có thế mới chấm dứt được tai họa đau đớn này cho gia đình. Mà mụ đã từng làm rồi. Đã có lần mụ bóp chết một đứa hài nhi chỉ có một mắt và không có chân tay gì, mụ bóp cái cổ mảnh dẻ của nó cho đến khi con mắt duy nhất ấy đờ đẫn kéo màng vào cái chết.)
Thằng bé thực chẳng đến nỗi xấu trai chút nào, mụ thở dài, mỗi lần đặt tôi vào thùng cho tôi ngủ. Nét nó được lắm, tóc và mắt đều nâu rất xinh. Nhưng từ thắt lưng trở xuống thì... thật là khủng khiếp! Mụ đã từng nghe chuyện quái vật, những con vật nửa gà nửa chuột, hoặc nửa lợn nửa bò; hoặc nửa chim nửa rắn; những con cừu năm chân, rồi người sói (8 ); mụ biết những thứ đó đều có thật cả, nhưng chưa khi nào tưởng đến việc sẽ có ngày phải chăm nuôi một con như thế. Ngủ đi con, mụ thì thầm. Gì thì gì, mụ ưa tôi thật, một người đàn bà cay đắng vì đã mất cả bốn đứa con cho thần chết.
Các chị tôi khóc suốt. Anh tôi, vốn lúc nào cũng im lặng và lạ lùng, lại càng lặng lẽ và lạ lùng hơn. Còn cha tôi, ông có việc phải làm, cho nên ông lao vào việc. Ông khai quang đất đai, đốn dọn cỏ lác. Trong khi chặt cây bằng dìu, tấn công đất bằng cuốc, ông dần dần lấy lại được tự chủ. Ông đã có thể suy nghĩ mà không bị rơi vào những tầng sâu thẳm của tuyệt vọng. Trong đau đớn, ông tìm kiếm những lời giải đáp, đặt ra những giả thuyết.
Cha tôi không phải là người có những suy tưởng sâu sắc. Mặc dù xuất thân trong một gia tộc toàn những thầy cả (9) và những người thông thái, ông lại là một người rất hạn chế. Ngay khi còn ở làng tại nước Nga, chỉ vì những sai lầm nghiêm trọng trong cách giải nghĩa kinh Talmud (10) mà ông đã phải chọn công việc đồng áng làm nghề nghiệp. Thượng Đế không ban cho ta một cái đầu thông thái, ông luôn nói vậy. Tuy thế, ông biết tin tưởng ở cái cảm thức bản năng lành mạnh của mình; ông biết cách lí giải những phản ứng của riêng mình, ví dụ như tại sao lông trên hai cánh tay ông lại dựng đứng hết cả lên, tại sao tim ông đập loạn xạ, tại sao mặt ông lại nóng bừng. Những thứ đó đều có thông điệp của nó cả. Đôi khi ông có cảm tưởng rằng Thượng Đế đang nói với ông từ bên trong, từ một chỗ ở quãng giữa rốn và đỉnh trên của dạ dày. Ông đang tìm kiếm một thứ gì đó chắc chắn như vậy. Ông muốn biết sự thật, cho dù nó có buồn thảm đến thế nào cũng mặc.
Tại sao chuyện này lại xảy ra với ông? Tại sao? Tại sao ông lại bị chọn để hứng chịu chuyện này mà lại không phải là một tên Cossack Nga? Tại sao lại là ông, mà không phải là một người nông dân hoặc trại chủ nào khác trong vùng? Ông đã phạm tội gì vậy? Ông đã làm điều gì sai trái đến nỗi Thượng Đế phải trừng phạt ông như thế? Có tự kiểm điểm kiểu gì đi nữa, ông cũng vẫn không thể xác định được mình có tội gì. Chắc chắn là không có những tội lỗi nghiêm trọng. Lầm lỡ lặt vặt thì còn có thể. Đã có lần ông vắt sữa một con bò cái trong ngày Sabbath (11), ngày nghỉ linh thiêng, nhưng là vì con bò tức sữa quá, ông không thể để mặc nó đau đớn. Mà ông có uống sữa ấy đâu, ông đổ hết đi kia mà. Tội lỗi ư? Làm gì có.
Trong khi ông tin chắc là mình vô tội, một nỗi nghi ngờ lại nổi lên: liệu con nhân mã ấy có phải là con ông?
(Nhân mã. Một ngày nào đó tôi sẽ giảng cho ông ý nghĩa của từ này. Hiện nay thì ông không được rành về các truyền thuyết và cổ tích cho lắm.)
Nhưng ngay lập tức ông lại thấy đau nhói vì ân hận. Làm sao ông có thể có ý nghĩ đó? Rosa tuyệt đối chung thủy với ông mà. Mà thậm chí có không phải như vậy thì ai, loại đàn ông nào có thể khiến cho nàng đẻ ra một đứa con kì lạ như thế? Trong vùng quả thật có những hạng lạ lùng, những con người sầu thảm, tối tăm, cha căng chú kiết, trộm cướp, thậm chí có cả người Indian. Nhưng ông chưa bao giờ thấy ai có chân móng ngựa.
Trong vùng cũng có nhiều ngựa, thậm chí cả ngựa hoang, những con vật bất kham mà đôi khi những tiếng hý của chúng vẳng đến tận tai ông từ rất xa. Nhưng có lẽ nào... lại là một con ngựa! Ông biết là có những hạng đàn bà bệnh hoạn có thể giao hoan với đủ loại súc vật, thậm chí cả với ngựa. Nhưng... Rosa của ông không phải là người như thế. Nàng là một người đàn bà giản dị và phúc hậu, chỉ biết sống cho chồng cho con. Một người làm việc không biết mệt mỏi, một nội trợ tuyệt vời. Và chung thủy, rất chung thủy. Có hơi dễ cáu bẳn, đôi khi hơi khe khắt, nhưng thật lòng tử tế, sáng suốt. Và rất chân thật với ông.
Tội nghiệp mẹ tôi. Giờ đây bà nằm bất động trên giường, mắt mở to, và không thiết gì nữa. Mụ đỡ và hai cô con gái mang súp đến cho bà, những bát nước súp đặc và bổ. Bà không phản ứng gì, không nói năng gì, không chịu ăn uống gì. Họ cố lấy thìa cạy răng bà, nhưng bà không chịu, bướng bỉnh cắn chặt hai hàm răng. Dù sao, một vài giọt súp, một vài vụn trứng, một chút vụn thịt gà vẫn lọt được vào miệng bà, được bà nuốt một cách vô ý thức. Rõ ràng là nhờ vậy mà bà còn sống.
Còn sống, nhưng im lặng. Sự im lặng của bà là lời buộc tội chồng: Leon, tại anh tất cả. Anh đã đưa tôi đến cái xó tận cùng này của trái đất, nơi không có một bóng người, chỉ toàn thú vật. Con trai tôi ra đời như thế là vì tôi đã nhìn quá nhiều ngựa. (Bà có thể kể các ví dụ khác: đàn bà hay cười với khỉ sẽ đẻ con có lông; đàn bà hay nhìn mèo thì con đẻ ra sẽ kêu meo meo trong nhiều tháng trời.) Hoặc giả bà sẽ nghi ngờ lí lịch gia đình: anh có rất nhiều họ hàng ốm đau dị tật, ông bác anh sinh ra đã sứt môi, người anh họ cả hai bàn tay đều có sáu ngón, rồi bà chị mắc chứng tiểu đường. Tóm lại, là tại anh cả! Bà có thể kêu lên như thế. Nhưng bà không kêu. Bà không có sức để kêu.
Vả lại, ông là chồng bà. Bà đã chưa bao giờ bị một người đàn ông nào khác hấp dẫn, cũng chưa bao giờ tơ tưởng một ai khác. Ông thân sinh bà bảo: Con sẽ lấy con trai nhà Tartakowsky, nó là một thằng bé tốt lành. Và thế là số phận của bà được định đoạt. Bà là ai mà dám cãi lại kia chứ? Thực tế là việc chọn chàng trai trẻ Leon cũng không phật ý bà. Chàng là một trong những thanh niên đẹp trai nhất trong làng, khỏe mạnh và vui vẻ. Bà là người may mắn.
Họ lấy nhau. Lúc đầu cũng không tốt lắm... trong chuyện chăn gối, là nói vậy. Chàng vụng về và hơi thô bạo; chàng làm nàng đau. Nhưng chẳng mấy chốc nàng đã quen với chàng, và thực sự sung sướng trong chuyện chăn gối vợ chồng. Mọi thứ đều tốt đẹp—cho đến cái đêm ấy, khi họ bừng tỉnh vì tiếng vó ngựa và tiếng hò hét man rợ của bọn Cossack. Họ chạy chốn vào khu rừng gần sông và ẩn náu ở đó, run bắn lên vì sợ và lạnh, chỉ biết nhìn về phía ảnh lửa đang đốt cháy rụi cả ngôi làng. Sáng hôm sau, họ quay về giữa những thây người bị băm vằm ngổn ngang khắp con phố chính và những đống đổ nát của những căn nhà đã bị đốt cháy vẫn còn nghi ngút khói. Chúng ta hãy rời khỏi nơi này, Leon nói, giọng nghiêm nghị. Anh không thiết gì đến mảnh đất bị nguyền rủa này nữa.
Rosa không muốn rời nước Nga. Pogrom hay không pogrom, bà vẫn thích ngôi làng ấy. Đó là nơi thân thuộc của bà. Nhưng Leon đã quyết chí ra đi. Khi những sứ giả của Nam tước Hirsch đến địa phương mình, ông là người đầu tiên tình nguyện đi mở thuộc địa Do Thái ở Nam Mỹ! Rosa hãi hùng tưởng tượng những con người dã man trần truồng, hổ báo và rắn rết khổng lồ. Bà thà chịu đựng bọn Cossack! Nhưng chồng bà không muốn bàn cãi gì hết. Gói ghém đồ đoàng đi, ông ra lệnh. Bụng mang dạ chửa và hổn hển vì mệt mỏi, bà làm theo lời ông. Họ xuống tầu từ Odessa, một con tầu chở hàng.
(Nhiều năm sau bà vẫn kinh hoàng khi nhớ lại chuyến đi ấy: hết lạnh đến nóng, nóng đến ngạt thở; những cơn buồn nôn; mùi những bãi nôn cùng với mùi mồ hôi; sàn tầu đông nghẹt hàng trăm người Do Thái, đàn ông đội mũ bêrê, đàn bà đội khăn che đầu, trẻ con không bao giờ ngớt khóc.)
Mẹ tôi đến Porto Alegre vừa ốm vừa sốt. Nhưng cuộc hành trình của bà chưa kết thúc. Họ phải đi vào tận vùng đất sâu trong nội địa, đầu tiên bằng tầu hỏa, rồi sang đến những toa xe ngựa kéo trên một con đường mòn cắt ngang những khu rừng rậm, để đến khu vực thuộc địa. Một đại diện của Ngài Nam tước chờ họ ở đó. Mỗi gia đình được nhận một khoảnh đất—khoảnh của cha tôi là xa nhất—một căn nhà, dụng cụ, và gia súc.
Hàng ngày, cha tôi tỉnh dậy, miệng hát vang. Ông rất hạnh phúc. Mẹ tôi thì không. Bà thấy cuộc sống ở thuộc địa tồi tệ hơn—ngàn lần tồi tệ hơn—so với cuộc sống trong ngôi làng nước Nga. Ngày lại ngày lao động đến gẫy lưng, đêm tối đầy những tiếng động bí hiểm: ríu rít, chí chóe, sột soạt. Và nhất là sự có mặt vô hình của những người Indian đang quan sát căn nhà. Cha tôi chế riễu mẹ. Idian nào hả bà! Quanh đây không có một người Indian nào hết! Bà sẽ im lặng. Nhưng mỗi khi đêm đến, lúc họ ngồi cạnh bếp lò uống trà, bà lại thấy những cặp mắt Indian thao láo trong đống than hồng. Trong những cơn ác mộng của mình, bà thấy những người Indian đột nhập vào nhà trên lưng những con ngựa ô giống như của bọn Cossack. Bà thường giật mình kêu thét lên, và cha tôi phải vỗ về dỗ dành cho bà ngủ lại.
Thế mà rồi dần dần bà cũng quen hơn với nơi này. Mặc dù sinh nở lần nào cũng khó khăn, sự ra đời của những đứa con đã là một niềm an ủi cho bà. Và ý nghĩ rằng con cái mình sẽ được nuôi dạy trong một đất nước mới mẻ, thực sự có tương lai, đã là một nguồn khích lệ đối với bà. Bà bắt đầu thấy hạnh phúc. Nhưng Leon chẳng bao giờ thỏa mãn—ba con là chưa đủ với ông. Ông phải nài cho được một đứa thứ tư. Ông muốn một đứa con trai nữa. Bà kịch liệt phản đối ý đồ đó, nhưng cuối cùng cũng chịu thua. Đó là một kỳ thai nghén khó khăn; bà nôn ọe suốt ngày và hầu như không thể đi lại được vì bụng rất to và nặng. Có lẽ tôi sẽ đẻ sinh bốn hoặc sinh năm mất thôi, bà thường rên rẩm vậy. Lại thêm chuyện bà cứ bị những ảo giác làm phiền: bà thường nghe thấy tiếng xao xác của những cặp cánh khổng lồ ngay trên nóc nhà. Cuối cùng, cơn đau đẻ khủng khiếp kéo dài—rồi thì con quái vật.
Biết đâu lại chỉ là một hiện tượng nhất thời, cha tôi thầm hy vọng. Cũng như vợ, ông đã nghe chuyện trẻ con đẻ ra có lông như khỉ—nhưng sau ít ngày chúng lại mất hết chỗ lông ấy. Ai mà biết được, có thể đây cũng là cái gì đó tương tự thế. Điều họ phải làm chỉ là chờ đợi thêm một chút. Có thể những bộ móng ngựa ấy sẽ tự nó rụng đi, bộ da ngựa ấy sẽ long ra từng mảng, để lộ cái bụng và hai cái chân bình thường, cho dù có hơi teo một chút vì bị bọc kín lâu quá. Nhưng một khi chúng đã được giải phóng, chúng sẽ bắt đầu động đậy, những cái chân tí xíu và nhanh nhẹn ấy. Ông sẽ tắm cho đứa con trai của mình một trận ra trò rồi đốt hết những mảnh lông da kinh tởm kia trong lò. Khi ngọn lửa đã nuốt hết chúng rồi, mọi việc sẽ chìm vào quên lãng, như một giấc mơ xấu vậy thôi, và họ sẽ hạnh phúc trở lại.
Ngày lại ngày cứ trôi qua, những bộ móng ngựa của tôi chẳng rụng đi cho, phần da ngựa của tôi cũng chẳng thấy nứt nẻ ra tí nào. Cha tôi bèn nảy thêm một ý nghĩ khác: đây chỉ là một căn bệnh mà thôi. Và có thể chữa được. Mụ nghĩ thế nào? ông hỏi mụ đỡ. Có thể nó là một căn bệnh chăng, cái thứ mà con tôi đang bị ấy?
Mụ đỡ không thể nói chắc. Mụ đã từng thấy những trường hợp lạ lùng: một đứa trẻ sinh ra có vẩy cá, một đứa khác có đuôi—chỉ dài mười phân tây, chỉ thế thôi, nhưng rõ ràng là một cái đuôi hẳn hoi. Có phương thuốc nào chữa trị không ư? A... cái đó thì mụ không biết. Phải là bác sỹ mới có thể nói được.
Một bác sỹ. Cha tôi biết Đốc-tờ Oliveira là một bác sỹ giỏi. Có thể ông ta sẽ có câu trả lời, có thể ông ta sẽ giải quyết được vấn đề của một đứa-trẻ-ngựa bằng một cuộc phẫu thuật, hoặc thậm chí chỉ cần một vài liều thuốc tiêm vào phần chân sau khiến cho bộ móng ấy khô đi rồi rụng như hai cành cây gẫy, rồi phần da ngựa kia sẽ tróc hết đi và để lộ những mầm mống của hai cái chân bình thường sẽ mọc lại được. Hoặc giả chỉ cần những giọt thuốc uống, thuốc viên, vài loại nước thần dược gì đó—Đốc-tờ Oliveira chắc chắn phải thành thạo nhiều lại thuốc men khác nhau, một trong những thứ đó chắc phải có tác dụng.
Nhưng có một điều khiến cha tôi rất lo lắng: liệu Đốc-tờ Oliveira có giữ kín được sự tồn tại của đứa trẻ này không? Bọn người bài Do Thái có thể dùng sự kiện này để chứng minh rằng dân Do Thái có quan hệ với Quỷ Satan được lắm. Cha tôi biết rằng ông cha mình đã bị thiêu trên lò lửa trong thời Trung Cổ chỉ vì những lí do vớ vẩn hơn thế này nhiều (12).
Nhưng ông không thể chần chừ lâu hơn nữa. Cuộc sống của một đứa con trai quan trọng hơn bất kì sự rủi ro nào có liên quan. Cha tôi thắng con ngựa cái vào chiếc xe có mui rồi đi vào thị trấn để thưa chuyện với ông bác sỹ.
Hai ngày sau đó Đốc-tờ Oliveira xuất hiện trên lưng con ngựa có bộ lông mầu hạt dẻ lấm chấm trắng tuyệt đẹp. Cao lớn và lịch lãm với bộ râu cằm xén tỉa cẩn thận, ông bác sỹ khoác một tấm áo choàng dài để bảo vệ bộ comlê vải tuýt kiểu Anh khỏi bị bụi bẩn dọc đường.
“Xin chào cả nhà, rất vui được gặp các bạn!”
Thật là một gã vui tính nhanh nhẩu mồm miệng. Ông ta bước vào nhà, thân ái xua đầu các chị tôi, chào hỏi mẹ tôi mà không hề được bà đáp lại—bà vẫn còn chưa qua được cơn sốc. Đây là đứa trẻ tôi đã nói với ông, cha tôi nói, chỉ về phía cái thùng gỗ.
Nụ cười của Đốc-tờ Oliveira vụt biến mất, và ông ta thực sự lùi hẳn một bước về phía sau. Sự thực là ông bác sỹ đã không tin câu chuyện của cha tôi; ông ta đã chẳng vội vàng gì khi theo cha tôi về nhà. Nhưng bây giờ thì ông ta đang tận mắt nhìn thấy cái vật ấy, và thực sự choáng váng. Choáng váng và hoảng sợ. Là một nhà chuyên môn lão luyện, ông bác sỹ đã thấy nhiều chuyện dị thường, nhiều chứng bệnh xấu xa. Nhưng chưa bao giờ ông thấy một con nhân mã. Một con nhân mã đã khiến ông phải vượt qua mọi giới hạn tưởng tưởng của mình. Nhân mã không được liệt kê trong các tài liệu y khoa. Đã có đồng nghiệp nào của ông thấy một con nhân mã bao giờ chưa? Không có ai hết. Kể cả các vị giáo sư của ông, cả những bậc danh tiếng trong giới y khoa Brazil cũng vậy. Không nghi ngờ gì nữa, đây thực sự là một trường hợp độc nhất vô nhị.
Ông bác sỹ ngồi phịch xuống chiếc ghế do cha tôi đưa ra cho ông, cởi bỏ găng tay, rồi lặng lẽ ngắm nghía con nhân mã nhỏ bé. Cha tôi nôn nả nhìn vào mặt ông ta, cố tìm xem ông ta đang nghĩ gì. Nhưng ông bác sỹ không nói một lời nào. Ông lấy từ túi áo một cái bút máy và một cuốn sổ ghi chép bìa da rồi bắt đầu viết:
"Một con vật kì lạ. Có khả năng là một dị dạng bẩm sinh. Các chi sau và dưới có sự tương tự đáng kinh ngạc với các bộ phận của loài ngựa. Cho đến tới vết sẹo dây nhau thì là một đứa trẻ khỏe mạnh đầy đủ và bình thường. Phía dưới đó, cơ thể giống như loài lừa ngựa. Mặt, cổ, và phần ngực có da nhẵn mầu hồng, rồi đến một vùng chuyển tiếp dầy và nhăn nhúm báo hiệu những gì tiếp theo ở phần dưới. Lớp lông mầu vàng trên phần da của khu vực này chuyển mầu sẫm dần, và tàn nhẫn thay, cuối cùng trở thành một thứ lông da ngựa mầu hạt dẻ. Tất cả các phần hông, đùi, cẳng chân, móng, đuôi, đều giống hệt ngựa. Đặc biệt đáng chú ý là bộ phận cần dái, to một cách quái lạ đối với một hài nhi. Một trường hợp phức tạp. Giải phẫu đặc biệt ư? Không thể được."
Cha tôi không thể nhịn được nữa. “Thế nào, thưa Bác sỹ?”
Ông bác sỹ giật mình, nhìn cha với vẻ hung dữ.
“Thế nào cái gì hả Tartakowsky?”
“Đó là cái gì vậy? Con trai tôi mắc bệnh gì vậy?”
Đây không phải là bệnh, ông bác sỹ vừa nói vừa cất cuốn sổ ghi chép đi. Vậy thì là cái gì? cha tôi hỏi gặng. Nó không phải là một chứng bệnh, ông bác sỹ nhắc lại. Vậy phải làm gì? Cha tôi cố ghìm giọng.
“Chẳng làm được gì hết, thật không may,” Đôc-tờ Oliveira đáp và đứng dậy. “Trường hợp này không có cách chữa trị nào hết.”
“Không có cách nào ư?” Cha tôi không thể tin được chuyện đó. “Không có thuốc men gì cho nó ư?”
“Đúng thế, không có thuốc men nào hết.”
“Hoặc giả có cách giải phẫu nào chăng?” Người cha tội nghiệp của tôi càng thêm đau khổ.
“Không có. Không có cách giải phẫu nào hết.”
Cha tôi im lặng một lúc, rồi lại cố thử một lần nữa. “Liệu chúng ta có thể đưa nó sang Argentina...”
Đốc-tờ Oliveira đặt tay lên vai cha tôi.
“Không được đâu, Tartakowsky. Tôi nghĩ ở Argentina họ cũng sẽ chẳng có cách điều trị nào đối với một trường hợp loại này. Sự thật là, tôi nghĩ thậm chí còn chưa có một bác sỹ nào từng nhìn thấy một thứ như thế này, một sinh vật... lạ thường đến thế.” Ông ta nhìn con nhân mã nhỏ bé đang ngọ nguậy trong cái thùng gỗ và hạ giọng, nói:
“Nói thật nhé, Tartakowsky. Chỉ có hai điều có thể làm được: để cho nó chết, hoặc chấp nhận nó như nguyên dạng. Anh phải lựa chọn thôi.”
“Tôi đã lựa chọn rồi, Bác sỹ ạ,” cha tôi thì thầm. “Ồng biết tôi đã lựa chọn rồi mà.”
“Tôi khâm phục lòng can đảm của anh, Tartakowsky. Và tôi luôn sẵn sàng phục vụ anh. Tôi chẳng làm được gì nhiều đâu, nhưng anh có thể tin ở tôi.”
Ông ta nhặt bộ đồ nghề bác sỹ của mình lên.
“Hết bao nhiêu tiền, thưa Bác sỹ?” cha tôi hỏi.
Ông bác sỹ mỉm cười, “Ô, thôi đi nào, không phải tiền nong gì cả.”
Ông ta bắt đầu bước ra cửa. Nhưng rồi bỗng nẩy ra một ý tưởng, một ý tưởng khiến ông ta quay phắt trở lại.
“Tartakowsky này... Tôi chụp ảnh con trai anh có được không?”
“Để làm gì?” Cha tôi ngạc nhiên và nghi ngờ. “Để đăng báo ư?”
“Tất nhiên là không phải thế,” ông bác sỹ cam đoan, miệng mỉm cười. “Chỉ là để cho một tạp chí y khoa thôi. Tôi muốn viết một bài nghiên cứu về trường hợp này.”
“Viết bài ư?”
“Đúng thế. Khi một bác sỹ bắt gặp một trường hợp hiếm hoi như thế này, anh ta nên công bố những gì anh ta đã thấy.”
Cha tôi nhìn ông bác sỹ, rồi lại nhìn con nhân mã nhỏ bé. Tôi không tin đó là ý kiến hay, ông lầm bầm.
Ông bác sỹ nài nỉ: "Tôi sẽ đậy mặt nó lại, sẽ không có ai biết nó là con anh."
"Tôi không tin đó là ý kiến hay," cha tôi nhắc lại.
Đốc-tờ Oliveira không chịu thua: "Tartakowsky này, đó là một tạp chí được đông đảo bác sỹ tìm đọc. Biết đâu chẳng có người sẽ có ý kiến về cách chữa trị cho nó."
“Nhưng bản thân ông vừa nói không có cách chữa trị nào còn gì!” cha tôi hét tướng lên.
Đốc-tờ Oliveira biết là mình đã phạm sai lầm. Ông ta biện hộ: Tôi muốn nói rằng cho đến nay chưa thấy có các chữa trị nào cho một trường hợp loại này. Nhưng trong tương lai sắp tới biết đâu lại có một đồng nghiệp có thể phát hiện ra một loại thuốc mới nào đó, một phương pháp giải phẫu nào đó. Và rồi anh ta sẽ nhớ đến bài viết đã đọc được trong tạp chí ấy, sẽ liên lạc với tôi—biết đâu lại có thể làm được gì đó cho con trai anh?
Cuối cùng thì cha tôi bằng lòng. Làm sao có thể khác được? Nhưng ông đặt điều kiện: Đốc-tờ Oliveira phải mang các thiết bị chụp ảnh riêng của ông ta đến nhà chúng tôi—một chiếc máy ảnh to tướng cùng với chân đỡ—bởi lẽ cha tôi sẽ không chấp nhận đám thợ ảnh chuyên nghiệp. Cho người lạ đến đây ư, không bao giờ!
Việc chuẩn bị cho các bức ảnh thật phức tạp. Họ trói tay chân tôi vào với nhau, nhưng tôi vẫn quậy đuôi loạn xạ và thế là họ lại buộc nốt cả đuôi tôi lại. Lúc họ lấy vải đen trùm lên đầu tôi thì tôi bắt đầu khóc. Dừng lại, vì lòng yêu kính Thượng Đế, xin hãy dừng lại, một chị tôi hét ầm lên. Im đi, ông bác sỹ vừa gầm gừ vừa loay hoay với cái máy ảnh cổ lỗ. Đã đến nước này, nhất định ta phải làm cho xong chứ. Lửa ma-nhê sáng lóe, khiến cho hai chị tôi hoảng hốt khóc ré lên. Đưa chúng ra ngoài, Tartakowsky, Đốc-tờ Oliveira ra lệnh. Cha tôi bảo các chị tôi ra khỏi phòng, kể cả mụ đỡ cũng vậy. Ông bác sỹ tiếp tục chụp ảnh, hết kiểu này đến kiểu khác.
“Thôi đủ rồi!” cha tôi hét, không còn bình tĩnh được nữa. “Thế là đủ rồi!”
Ông bác sỹ biết cha tôi đã không thể chịu đựng được nữa. Không nói một lời, ông ta thu dọn máy ảnh các thứ lỉnh kỉnh khác rồi tếch thẳng.
(Ông ta gửi các tấm phim đến Porto Alegre để in tráng. Một thất bại hoàn toàn. Chúng đều tối đen và mờ mịt, tồi tệ nhất là chúng không thể hiện được phần bên dưới của thân thể tôi. Người xem có thể phân biệt được là có một cái gì đó khác ở bên dưới thắt lưng, nhưng không thể nhận ra được là cái gì. Ông bác sỹ rất thất vọng vì không thể dùng được một bức ảnh nào. Chúng không nói được điều gì và không thể chứng minh được điều gì. Có xuất bản một bài viết minh họa bằng những bức ảnh như thế thì ông ta chỉ tổ bị đồng nghiệp coi là dối trá mà thôi. Cuối cùng, ông ta đành vứt hết những bức ảnh đó đi, nhưng vẫn giữ lại các âm bản.)
Dần dần cuộc sống gia đình tôi trở lại bình thường. Mọi người bắt đầu chấp nhận sự có mặt của con nhân mã.
Hai cô con gái—Deborah, mười hai tuổi, nhậy cảm và dịu dàng; và Mina, lên mười, hăng hái và thông minh—chăm sóc tôi. Họ thích nghịch với các ngón tay tôi và chọc cho tôi cười; thậm chí họ quên cả thân hình kì dị của tôi—tất nhiên là chẳng được bao lâu vì những cử động hoảng hốt của những bộ móng ngựa của tôi sẽ lại đem họ trở về thực tại. Tội nghiệp thằng bé, họ thở dài, đâu có phải lỗi tại nó.
Bernardo cũng nhận tôi là em trai, nhưng vì các lí do khác. Anh ấy ghen; anh ấy cảm thấy tôi độc chiếm sự quan tâm chú ý của tất cả mọi người trong nhà mặc dù chỉ là một con quái vật. Anh thực sự tị với tôi: anh đã ước mình cũng có móng ngựa như tôi, nếu nhờ thế mà có được tình thương của hai chị gái.
Mụ đỡ tiếp tục giúp chúng tôi, và cha tôi vẫn làm công việc của ông ngoài cánh đồng. Nhưng mẹ tôi vẫn nằm bẹp, không động cựa, chỉ suốt ngày nhìn lên trần nhà. Cha tôi lo sợ bà có thể phát điên. Nhưng ông không làm gì hết; ông không cho mời Đốc-tờ Oliveira. Ông tránh làm bà khó chịu. Ông muốn bà có thời gian; đợi cho vết sẹo đáng sợ kia tự lành. Đêm đến, ông để một ngọn đèn trong phòng, vì ông biết rằng những ý nghĩ kinh hoàng luôn nhân lên gấp bội trong bóng tối. Trong bóng đêm, những nhỡn ảnh xấu xa cũng sinh sôi nảy nở như ròi bọ trong thịt thối vậy. Trong ánh sáng của cây đèn bão ấy, cha tôi cởi quần áo (nhưng không bỏ đồ lót; không ai nên trần truồng để người khác có thể nhìn thấy.) Ông nhẹ nhàng nằm lên giường. Ông không đụng đến bà, vì ông có thể cảm được nỗi đau của bà như thể nó nằm ngay trong da thịt của chính mình.
Hành vi thông minh và nhẫn nại của ông bắt đầu có kết quả. Mẹ tôi bắt đầu có những dấu hiệu bình phục: thỉnh thoảng một tiếng rên, thỉnh thoảng một tiếng thở dài.
Có một đêm, như thể mộng du, bà trở dậy và bước đến chỗ thùng gỗ nơi tôi nằm. Cha tôi lo lắng quan sát bà từ đàng sau cánh cửa—liệu bà sẽ làm gì đây? Bà chăm chú nhìn tôi trong vài giây. Rồi, với một tiếng kêu—“Con trai tôi!” —bà nhào xuống ôm lấy tôi. Giật mình trong giấc ngủ, tôi bắt đầu khóc. Nhưng cha tôi mỉm cười, miệng thầm thì, “Con xin tạ ơn Thượng Đế! Con xin tạ ơn Thượng Đế”, vừa nói vừa lau nước mắt.
Bây giờ, khi cả nhà đã quây quần trở lại quanh bàn ăn, mọi chuyện đã ổn, cha tôi quyết định đã đến lúc phải cắt da quy đầu cho đứa trẻ. Một con người thành tín, ông phải hoàn tất các bổn phận của mình. Cần phải cho đứa bé ra nhập tín ngưỡng cổ truyền của tổ tiên.
Thận trọng, sợ bà phản ứng, ông trình bày vấn đề đó với mẹ tôi. Bà chỉ biết thở dài (từ đó trở đi bà rất hay thở dài) rồi bảo, “Thôi được, Leon. Đi mời thầy Mohel (13) đi, hãy làm những gì phải làm.”
Cha tôi thắng con ngựa cái vào chiếc xe có mui vốn chỉ dùng đến trong những dịp đặc biệt như thế này, rồi vào thị trấn tìm thầy Mohel. Ông bảo thầy này rằng ông có một đứa con trai, rồi không đi vào chi tiết (tức là không nói thằng bé là một con nhân mã), đề nghị thầy Mohel đến làm lễ cắt da quy đầu cho đứa bé ngay hôm đó vì thời hạn do luật định bắt buộc đã qua mất rồi. Mà phải làm lễ này ở nông trại nhà, vì mẹ đứa bé ốm không thể đi đâu được.
Thầy Mohel, một người đàn ông nhỏ bé có bướu trên lưng và tật nháy mắt liên hồi, càng nghe cha tôi nói càng thấy nghi ngờ. Câu chuyện có vẻ sặc mùi bê bối chi đây. Cha tôi khẩn khoản: thầy ơi, chúng mình phải đi ngay thôi, đường xa đấy. Thế còn người làm chứng thì sao? thầy Mohel hỏi. Thật không may là tôi chưa tìm được ai làm chứng, cha tôi nói, nhưng phải làm lễ này cho thằng bé không cần người làm chứng thôi. Không có ai làm chứng ư? Thầy Mohel càng lúc càng không ưa vụ việc này. Nhưng ông ta đã quen với cha tôi khá lâu, và biết cha tôi là một người đứng đắn đáng tin. Hơn nữa, ông ta cũng đã quen với những thói kì quặc của dân quê. Ông ta lấy túi dụng cụ, cuốn kinh và tấm khăn lễ, rồi trèo lên xe ngựa.
Trên đường đi, cha tôi bắt đầu chuẩn bị tư tưởng cho ông ta. Thằng bé sinh ra có dị tật, ông nói, cố làm ra vẻ thản nhiên. Thầy Mohel lại lo lắng: có tệ lắm không? Tôi không muốn có đứa trẻ nào chết vì lễ cắt bì đâu nhé! Ồ không, không có gì phải lo cả, cha tôi an ủi, thằng bé dị tật nhưng rất khỏe, rồi thầy sẽ thấy.
Họ về đến nhà lúc mặt trời lặn. Thầy Mohel phàn nàn vì nỗi khó khăn của việc làm lễ cắt bì dưới ánh đèn. Vừa ra khỏi xe, ông ta vừa lầm bầm vừa văng tục.
Cả nhà đã đông đủ cả trong phòng ăn. Thầy Mohel chào hỏi mẹ tôi, khen các chị tôi, nhắc lại chuyện ông đã làm lễ cắt bì cho Bernardo: cái anh chàng kia đã làm cho ta phải loay hoay mãi đấy nhá! Ông ta choàng tấm khăn lễ lên người, rồi hỏi nào đứa bé đâu rồi.
Cha tôi nhấc tôi ra khỏi thùng rồi đặt tôi lên bàn.
“Xin Thượng Đế hãy thương lấy chúng con!” thầy Mohel kêu lên, đánh rơi túi đồ và co rúm lại. Ông ta quay người chạy ra cửa. Cha tôi đuổi theo túm chặt lấy ông. Đừng chạy thế, thầy Mohel! Hãy làm việc phải làm đi chứ! Nhưng nó là một con ngựa! thầy Mohel kêu thét lên, cố thoát khỏi tay cha tôi, ta không có nghĩa vụ phải cắt bì cho ngựa! Nó không phải ngựa, cha tôi hét tướng lên, nó là một đứa trẻ tật nguyền, một thằng con trai Do Thái!
Mẹ và hai chị tôi thút thít khóc. Thấy ông Mohel đã thôi dãy dụa, cha tôi buông ông ta, khóa cửa lại. Con người nhỏ bé ấy loạng choạng dựa vào tường, hai mắt nhắm nghiền, toàn thân lẩy bẩy. Cha tôi nhặt túi đồ mang đến cho ông ta, nào, thầy Mohel. Tôi không làm được đâu, ông ta rền rĩ, tôi hãi lắm. Cha tôi vào bếp rồi mang ra một cốc rượu mạnh (14).
“Thầy uống cái này đi. Sẽ thấy khá hơn đấy.”
“Nhưng tôi không có lệ...”
“Uống đi!”
Thầy Mohel uống một hơi cạn cốc rượu. Ông ta nghẹn, ho sặc sụa. “Khá hơn chứ?” cha tôi hỏi. Có khá hơn, ông hổn hển. Ông hướng dẫn cha tôi cách thức giữ tôi trên lòng, rồi lấy lưỡi dao nghi lễ từ trong túi đồ ra. Nhưng ông lại chần chừ. Ông đã giữ nó thật chặt chưa? ông ta hỏi, ngước mắt qua cặp kính gọng. Rồi, cha tôi đáp, thầy cứ làm đi, đừng sợ gì hết. Nó có đá tôi không? ông Mohel lại hỏi. Không có nguy hiểm gì đâu, cha tôi cam đoan, thầy cứ làm đi.
Thầy Mohel đến gần. Cha tôi kéo hai chân sau tôi dạng ra. Và thế là họ đối mặt nhau: cái cần dái tôi và thầy Mohel, cái cần dái khổng lồ và thầy Mohel tí hon, thầy Mohel nhỏ bé đầy kinh hoàng. Thầy Mohel Rachmiel chưa hề bao giờ thấy một cái cần dái như thế, phải, chính ông, người đã từng cử hành không biết bao nhiêu lễ cắt bì trong đời. Ông ta cảm thấy đây sẽ là một trải nghiệm bao trùm hết mọi thứ trong cuộc đời chuyên môn của mình, một lễ cắt bì vĩ đại nhất, kí ức của nó sẽ theo ông xuống tận nấm mồ của chính mình. Ngựa hay không không thành vấn đề mấy nữa. Có một lớp da qui đầu đây kia, và ông sẽ làm những gì mà luật định đòi hỏi đối với những lớp da qui đầu Do Thái ấy. Ông lấy lưỡi dao, hít vào một hơi thật dài...
Thầy Mohel ấy là một bậc lành nghề. Chỉ trong vài phút công việc đã xong xuôi, và ông ta kiệt sức ngồi phịch xuống chiếc ghế dựa trong khi cha tôi cố dỗ dành nựng nịu tôi đang khóc rống lên từng hồi, hết bọc tôi vào khăn lại bế tôi đi đi lại lại. Cuối cùng thì tôi cũng nín, và cha tôi lại đặt tôi vào trong thùng. Mẹ tôi xỉu hẳn; Deborah và Mina dìu bà vào giường nằm.
Cho xin thêm rượu mạnh đây, thầy Mohel thì thào, hầu như không nghe thấy tiếng. Cha tôi rót cho ông ta một cốc, cho mình một cốc. Gì thì gì, cha tôi cũng thấy hài lòng; Luật định đã được thực hiện. Cha tôi mời thầy Mohel ngủ lại qua đêm: chúng tôi có giường cho thầy. Thầy Mohel nhẩy dựng lên. Không đâu! Tôi không muốn thế! Cho tôi về nhà! Xin theo ý thầy, cha tôi đáp, vừa ngạc nhiên vừa băn khoăn—mọi việc đã xong xuôi tốt đẹp cả, sao phải nhặng xị lên như thế nhỉ? Cha tôi khoác áo choàng lên rồi nói: nào, tôi xin hầu thầy. Thầy Mohel thu nhặt dụng cụ nhét cả vào cái túi, rồi chẳng chào hỏi gì ai, cứ thể mở cửa đi ra xe ngựa.
Chuyến về của họ im như tờ. Họ tới cửa nhà ông Mohel vào lúc tờ mờ sáng, gà đã bắt đầu gáy. Tôi nợ ông bao nhiêu? cha tôi hỏi lúc đỡ ông Mohel xuống xe. Không tiền nong gì cả, ông ta lẩm bẩm, ông không phải nợ nần gì tôi sất, tôi không muốn ở ông cái gì sất. Thôi được rồi, cha tôi nói, tay giữ chặt lấy ông ta, nhưng có một việc này. Chuyện này chỉ có ông với tôi biết với nhau thôi đấy, ông nghe chưa? Thầy Mohel nhìn cha tôi đầy căm ghét, giằng mạnh người ra khỏi tay cha tôi, bước vào nhà và dập cửa đánh sầm. Cha tôi lại trèo lên xe, chặc lưỡi ra lệnh cho con ngựa cái. Con vật mệt nhọc lại bắt đầu cất bước. Cha tôi đang trở lại với nông trại của mình, với gia đình của mình, với thằng Guedali bé bỏng.
Vài tuần lễ sau, tôi đã bắt đầu tập đi. Cái phần ngựa của cơ thể tôi phát triển nhanh hơn phần người. (Liệu nó có già đi trước không? Có chết đi trước không? Những năm sau này đã cho thấy là không phải thế.) Hai bàn tay tôi vẫn động đậy không theo chủ đích gì, không có phối hợp gì với nhau; hai mắt tôi chưa nhận ra được các hình ảnh rõ rệt, và hai tai tôi cũng chưa phân biệt được các tiếng động khác nhau. Vậy mà hai cặp chân có móng ngựa của tôi đã nhông nhông chạy quanh, mang trên nó một tấm thân còn chưa đủ sức thẳng người lên, cứ oặt ẹo bên này bên kia như một con búp-bê bằng giẻ. Họ không nhịn được cười, cha mẹ và hai chị tôi (nhưng anh tôi thì không) khi thấy tôi vừa mới đang nằm trong thùng mà chỉ nhoáng cái đã chạy rông ngoài sân—làm cho họ lại phải vội vội vàng vàng đem tôi vào trong nhà. Có một điều cha tôi lập tức quyết định ngay: Guedali không được ra khỏi phạm vi nông trại. Nó có thể chạy quanh trên các cánh đồng gần nhà, nhặt dâu dại, tắm dưới suối. Nhưng không được để ai khác nhìn thấy nó. Là một người từng trải, Leon Tartakowsky biết cái tàn nhẫn của thiên hạ. Cần phải bảo vệ đứa con trai của mình, vì dù sao thì nó cũng là một sinh linh mỏng manh. Mỗi khi có người lạ đến trại, tôi ẩn nấp trong tầng hầm hoặc trong vựa lúa. Nép chặt mình giữa đống dụng cụ mòn vẹt hoặc đống đồ chơi cũ rích (búp-bê mất đầu, ôtô gẫy) hoặc giữa đám bò cái đang im lặng nhai lại, tôi đau đớn với ý thức ngày càng rõ về những cẳng chân và móng ngựa của mình. Tôi buộc lòng phải nghĩ đến việc mà người ta gọi là đóng cá sắt cho những bộ móng ấy. Càng ngày tôi càng có ý thức về cái đuôi dầy và đẹp của mình, về cái dương vật khổng lồ đã mang dấu cắt bì. Tôi cũng nhận ra cái bụng mình (to tướng, làm sao đôi bàn tay bé bỏng của tôi có thể gãi hết cái bụng này?) và bộ ruột dài dằng dặc giúp tiêu hóa và đồng hóa những thức ăn của tôi, thường là rất ngon đối với khẩu vị của người, đặc biệt là người Do Thái, những thứ như súp bò, cá rán, và bánh mỳ không có bột nở trong dịp lễ Vượt Qua (15), nhưng lại không thể đủ no đối với cơ thể ngựa của tôi.
(Tất nhiên, trước đấy tôi cũng đã hình thành một cảm nhận lờ mờ về tấm thân quái dị của mình. Hãy tượng tượng ví dụ này. Đang nằm trong cái thùng của mình lúc mới vài tháng tuổi, chắc là tôi đã đưa một bàn chân lên miệng như những đứa hài nhi vẫn thường làm; và chắc là cái móng ngựa đã cứa đứt môi tôi, và chắc là cái cảm giác đau nhói nhức nhối ấy đã để lại trong tôi một cảm nhận về sự đối chọi giữa cứng và mềm, giữa cái dữ dằn và cái tinh tế, giữa chất ngựa và chất người. Đêm đó tôi đã nôn mửa. Cũng chẳng lạ gì.)
Dần dà, cái ý thức về thân phận quái dị của chính mình cứ sinh sôi nẩy nở mãi ra trong tôi, trở thành một phần của bản ngã tôi, thậm chí trước khi tôi biết mở miệng hỏi cha mẹ tôi cái câu hỏi không thể lẩn tránh: Tại sao con lại như thế này? Cái gì đã khiến cho con sinh ra đời như thế này?
Với câu hỏi ấy, cha mẹ tôi chỉ biết trả lời quanh co. Những câu quanh co ấy chỉ làm tăng nỗi dằn vặt ngày càng thấm sâu vào toàn bộ con người tôi— một nỗi dằn vặt bắt nguồn từ những khởi đầu xa xôi nhất của tôi; đến tận, tôi nghĩ vậy, cái hình ảnh của con ngựa có cánh ấy. Nỗi dằn vặt ấy rồi sẽ kết tinh, đọng lại mãi mãi trong lõi tủy của xương cốt tôi, trong những mầm răng tôi, trong tế bào của bộ gan tôi. Nhưng tình yêu thương trong gia đình có tác dụng như một thứ dầu xoa thấm dần; những vết thương lành lại, những bộ phận dị biệt hòa hợp được với nhau, nỗi đau khổ trở thành có ý nghĩa. Tôi là một con nhân mã, một con vật huyền thoại, nhưng tôi cũng là Guedali Tartakowsky, con trai của Leon và Rosa, em trai của Bernardo, Deborah, và Mina. Tôi là một thằng bé Do Thái. Nhờ những hiện thực ấy, tôi không mất trí. Tôi đối mặt với cơn gió lốc khủng khiếp, đi qua bóng tối của nhiều đêm trường, và tới được phía bên kia vừa chóng mặt vừa mệt lả. Chỉ là một nụ cười nhợt nhạt mà Mina nhìn thấy trên mặt tôi buổi sáng ấy, nhưng thế cũng đã đủ để chị ấy vui sướng vỗ tay.
“Nào, Guedali! Lại đây chơi nào!”
Mina yêu thích cây cỏ và súc vật. Chị ấy biết tên của mỗi cái cây, biết phân biệt tiếng hót của những loài chim trong vùng, và có thể đoán được thời tiết qua cách chúng bay lượn. Chị câu cá giỏi hơn tất cả mọi người, dám tay không bắt rắn và nhện, chạy chân đất qua những cánh đồng mà không bị gai đâm, và trèo cây thoăn thoắt đến lạ lùng. Sờ nó chỗ này này, chị ấy bảo Deborah, xem da nó có mềm không này. Deborah nhú nhát đến gần hơn. Những ngón tay chị vuốt ve tôi, nghịch đuôi tôi. (Cái cảm giác ấy sống động trong tôi trong nhiều năm; mỗi lần nhớ lại, da tôi lại căng lên và rúng động như có một làn sóng sâu tràn qua trên khắp người.) Nếu tôi nằm xuống đất, các chị cũng nằm theo, dựa đầu vào hông tôi. Ở đây mới thích làm sao, Deborah nói, mắt ngước nhìn trời. (Một bầu trời không có mây, không có những hình thù có cánh.) Mina nhẩy lên: mình chơi đuổi bắt đi nào! Tôi cố tình chạy chậm thôi để các chị bắt được, và mọi người cười ngặt nghẽo thật vui vẻ.
Bernardo quan sát chúng tôi từ xa. Càng ngày anh ấy càng thu mình lại nhiều hơn. Cha tôi rất ưa anh, một thằng bé cần cù, rất được việc ngoài đồng. Anh ấy còn rất có khả năng về cơ khí. Anh cải tiến các dụng cụ đồng áng, làm lấy những đồ làm bếp mà mẹ tôi rất tự hào khoe với mọi người, và làm cả các cái bẫy bắt chuột và thỏ. Nhưng anh ấy hầu như không nói với tôi một lời, mặc cho Deborah và Mina nài nỉ thế nào cũng mặc. Anh ấy thà làm như không biết có tôi trên đời này. Nhẽ ra tôi phải ở chung phòng với anh, nhưng cha tôi, cảm thấy thái độ thù nghịch của anh, quyết định xây một thêm một phòng khác cho tôi. Chỗ ở của tôi thật rộng, có một cái cửa riêng tha hồ đi khóa về mở. Mà thực là tôi cũng không nên quanh quẩn trong nhà nhiều quá. Chân tôi đi làm rung cả các bức tường, và những chiếc cốc pha-lê dùng để uống rượu vang mà mẹ tôi đã đem từ tận châu Âu sang, kho báu duy nhất của mẹ, cứ lanh canh rất đáng sợ trong tủ bát đĩa. Dù sao thì mọi người vẫn phải tề tựu đầy đủ trong bữa ăn cho đúng nếp gia đình. Tôi đứng gần bàn, hai tay giữ đĩa thức ăn; cha tôi kể các câu chuyện trong Kinh Thánh và mẹ tôi canh chừng rất kĩ để yên trí là tôi được ăn no. Dần dần mọi người cũng phát hiện ra những cái đặc biệt trong khẩu phần của tôi: tức là tôi ăn rất nhiều (tôi nặng bằng nhiều đứa trẻ cùng lứa cộng lại) và hơn thế nữa là phải có rất nhiều rau cỏ lá lẩu, như mụ đỡ đã nhận ra từ rất sớm. Kết quả là cha tôi trồng cả một khu vườn lớn cung cấp bắp cải, xà-lách và rau cần cho tôi. Tôi lớn lên khỏe mạnh và phát triển đầy đủ.
Còn những vấn đề khác nữa, ví dụ như quần áo. Mẹ tôi đan những áo len chui đầu vừa với cơ thể tôi. Chúng có phần dưới giống như một thứ chăn bọc kín lưng và hai chân, vì miền Nam Brazil vào mùa đông cũng lạnh. Những việc ấy cũng an ủi mẹ được phần nào, mặc dù mẹ không bao giờ có thể hoàn toàn bình phục sau cú sốc từ bữa tôi ra đời. Nhiều lần mẹ nhìn tôi với một vẻ ngạc nhiên đau đớn, như thể đang tự hỏi, Đây là cái gì vậy? Làm sao một con vật như thế lại có thể chui ra từ bào thai của ta? Nhưng mẹ không nói gì, chỉ ôm tôi thật chặt, mà vẫn tránh không chạm vào bộ da của tôi vì bà có chứng dị ứng với lông ngựa.
Trong thời kỳ Cách mạng năm 1892, có nhiều câu chuyện lưu truyền về một con vật bí hiểm, nửa người nửa ngựa, thường xâm nhập các trại lính Bảo hoàng vào ban đêm, bắt một tân binh tội nghiệp rồi đem anh ta ra bờ sông chặt đầu. Đó không phải là tôi. Mãi sau này tôi mới ra đời kia mà.
Deborah dạy tôi đọc từ một cuốn sách về các huyền thoại của vùng Nam Brazil. Tôi học cực kì dễ dàng. Negrinho do Pastoreio và Salamanca do Jarau (16) đã thành bạn bè, thành một phần trong cuộc sống thường nhật của tôi. Tôi thích nghe Deborah đọc sách. Tôi thích ngắm nhìn chị viết hoặc vẽ. Và hơn hết cả, tôi thích nghe chị chơi vĩ cầm.
Cây vĩ cầm đã ở trong gia đình tôi qua nhiều thế hệ. Ông nội tôi, Abraham Tartakowsky, đã trao nó cho cha tôi với hy vọng biến ông thành một nhạc công vĩ đại như nhiều tên tuổi khác đã xuất hiện ở nước Nga trong thời kỳ ấy: Mischa Elman, Gabrilovitch, Zimbalist—tất cả đều là những thần đồng Do Thái. Nhưng cha tôi không thích âm nhạc. Ông miễn cưỡng học cách chơi cây đàn ấy, và ngay khi sang đến Brazil, ông cất nó vào hộp và không nhớ gì đến nó nữa. Deborah đã phát hiện ra cây vĩ cầm và đòi cha tôi dạy cách chơi. Chị có tai nhạc tuyệt vời và học được ngay lập tức. Từ bấy giờ, chị vẫn tập đàn mỗi ngày.
Một cảnh tượng đẹp:
Đứng trong căn phòng tràn ngập nắng của mình một buổi sáng, Deborah chơi đàn. Say sưa, hai mắt lim dim mơ màng, chị chơi những bản nhạc đã thuộc lòng, bản “Giấc mơ Tình yêu số 5” và nhiều bản khác. Tôi ngắm nhìn chị qua cửa sổ. Chị mở mắt và để ý thấy tôi, hơi giật mình, rồi mỉm cười. Chị chợt có một ý tưởng: Guedali, em có muốn học chơi đàn không?
Tôi có muốn không ư? Hơn tất cả mọi thứ là đàng khác. Chị em tôi xuống tầng hầm—nơi từ bữa đó đã thành phòng học đàn của chúng tôi—và Deborah chỉ cho tôi các tư thế ngón tay, các chuyển động của cung vĩ. Tôi học rất nhanh.
Tôi lang thang trên những cánh đồng, vừa đi vừa chơi đàn. Giai điệu nhạc hòa trộn với tiếng gió thở dài, với tiếng chim hót và âm thanh rung động của những bầy châu chấu; tất cả đẹp đến nỗi mắt tôi dưng lệ. Tôi quên mọi thứ, quên cả chuyện tôi có móng ngựa và một cái đuôi. Tôi là một nhạc sỹ vĩ cầm, một nghệ sỹ.
“Guedali!” mẹ tôi gọi từ xa. “Về ăn đi con!”
Ăn ư? Tôi không muốn ăn. Tôi muốn chơi vĩ cầm. Tôi kéo đàn trên những sườn đồi, trong những đầm lầy với bộ móng ngập trong nước lạnh giá, trong những bụi rậm nơi lá cây rụng xuống hông và dính vào bộ da ướt át của tôi.
Một chiều mưa tháng 9. Trên một bờ suối cao, tôi chơi một giai điệu tự mình nghĩ ra. Đột nhiên nghe một tiếng “póp”: một giây đàn bị đứt. Tôi ngừng chơi và trân trân ngó cây đàn. Rồi không nghĩ ngợi gì, không ngập ngừng gì hết, tôi cứ thế ném nó xuống con suối bên dưới. Giòng nước ngầu bùn từ từ cuốn nó đi. Chạy dọc bờ suối, tôi đi theo chuyển động của cây đàn. Tôi thấy nó vướng vào một thân cây ngập dưới suối, tôi thấy nó chìm. Rồi tôi đi về nhà.
Trên đường đi tôi mới vỡ nhẽ việc mình vừa làm. Bây giờ thì sao đây? Tôi luống cuống. Biết nói với mọi người thế nào? Tôi chạy nước đại, hết tới lại lui, không đủ can đảm về nhà. Cuối cùng tôi mở cửa. Deborah đang ngồi trong phòng ăn, đọc sách dưới ánh đèn lồng. Em đánh mất cây vĩ cầm rồi, tôi nói ngay từ ngưỡng cửa. Chị nhìn tôi, không thể tin được: “Em đánh mất đàn hả Guedali? Như thế nào mới được chứ?”
Em đánh mất nó rồi, tôi nhắc lại, giọng run rẩy và lo lắng. Cha tôi vào: Có chuyện gì vậy, Guedali? Con đánh mất cái đàn ư? Con mất nó rồi, tôi nói lại, con để quên nó ở đâu đó, con không thể nhớ là ở chỗ nào.
Mọi người đổ đi tìm cây đàn, mang theo đèn bão. Họ đi khắp các cánh đồng trong nhiều giờ đồng hồ. Cuối cùng thì họ cũng tin rằng cây đàn đã mất thật rồi. Và với mưa đang rơi như trút thế này thì nó sẽ hỏng hết mất thôi. Mọi người quay về nhà. Deborah khóa cửa phòng lại rồi khóc, còn Mina thì mắng tôi vì tội cẩu thả đến thế.
Khuya đêm hôm đó, tôi cố tự tử bằng được.
Một mình trong tầng hầm, tôi loay hoay nhổ một cái đinh thật to từ một tấm ván mục. Tôi đâm cái đinh ấy vào lưng, vào bụng, vào chân, cắn răng để khỏi khóc. Máu chảy; tôi không ngừng tay, mà tiếp tục gây thương tích cho chính mình. Đúng lúc ấy thì Bernardo xuất hiện, vào tìm một dụng cụ gì đó. Anh ấy thấy tôi: Mày làm cái gì vậy hả? anh hốt hoảng. Rồi anh hiểu ra, tiến lại phía tôi, cố tước võ khí của tôi. Tôi chống lại. Chúng tôi đánh nhau, rồi thì anh giằng được cái đinh trong tay tôi. Anh chạy đi gọi Deborah và Mina.
Các chị tôi chạy đến. Họ băng bó cho tôi. Và suốt đêm đó họ ở lại bên tôi, kể chuyện cho tôi nghe. Những câu chuyện về các con rồng và những chàng hoàng tử, bọn tí hon và những người khổng lồ, phù thủy và thầy cúng. Chẳng ra gì, các chị ơi, tôi nói, em ước gì mình được là người, là người như cha, như Bernardo. Các chị tôi chẳng biết nói gì, họ hoang mang, chỉ biết khuyên tôi hãy cầu nguyện thật nhiều. Và thế là tôi cầu nguyện, tâm trí hướng cả về Thượng Đế cho đến lúc ngủ thiếp đi. Nhưng cái hình hài hiện đến với tôi trong giấc mơ không phải là của Đức Jehovah (17), mà là của con ngựa có cánh bí hiểm.
Những tuần lễ sau đó tôi tránh mặt mọi người trong nhà. Tôi không muốn nói chuyện với ai. Tôi chạy nước đại khắp các cánh đồng, mỗi ngày một xa hơn. Vì thế mà tôi gặp cậu bé người Indian (18 ).
Cậu bé từ trong rừng bước ra khi tôi đang bước dọc con đường mòn. Cuộc chạm chán thình lình làm cả hai chúng tôi đứng sững lại. Vừa ngạc nhiên vừa nghi ngại, chúng tôi ngó nhau chằm chặp. Tôi thấy một thằng bé trần truồng mầu đồng đỏ tay cầm cung tên—một người đi săn. Tôi biết về cuộc sống của người Indian từ các câu chuyện kể của hai chị tôi. Nhưng nó đang nghĩ gì về tôi? Nó có thấy tôi lạ lùng không? Không thể biết được. Nó nhìn tôi hoàn toàn không tỏ một thái độ gì hết.
Tôi chần chờ. Nhẽ ra tôi phải chạy trốn, phải về nhà ngay, như lời cha tôi đã dặn, nhưng tôi không muốn bỏ chạy một tí nào. Tôi đến gần cậu bé Indian, bàn tay phải đưa lên làm dấu hiệu hòa bình, miệng nhắc đi nhắc lại, “Bạn, bạn,” giống như các nhân vật da trắng trong những câu chuyện của chị tôi kể. Nó đứng im, không rời mắt khỏi tôi. Tôi nên có quà cho nó, nhưng cái gì mới được nhỉ? Tôi chẳng có gì trong người. Thế rồi tôi chợt nghĩ ra. Tôi cởi chiếc áo len chui đầu và đưa nó cho cậu bé, “Quà tặng, bạn!” Nó không nói gì, nhưng nó mỉm cười. Tôi nài: “Cầm lấy, anh bạn! Áo tốt đấy! Mẹ đan đấy!” Bây giờ thì chúng tôi đứng rất gần nhau. Cậu bé cầm lấy cái áo len, tò mò xem xét nó, ngửi nó. Rồi cậu buộc cái áo quanh thắt lưng. Cậu đưa cho tôi một mũi tên, từ từ bước lùi lại chừng hai mươi bước. Rồi cậu quay lưng, biến mất vào rừng.
Tôi về nhà và khóa cửa phòng. Cha tôi đến gọi tôi ra ăn tối; tôi bảo cha con không ra đâu, con không đói. Tôi không muốn nói chuyện với ai hết. Tôi đi nằm, nhưng không thể ngủ được, tôi quá phấn khích. Đời tôi đã thay đổi rồi, vì tôi đã tìm được một người bạn. Nắm chặt mũi tên trên ngực, tôi nghĩ ra các kế hoạch. Tôi sẽ dạy thằng bé Indian (thậm chí tôi đã đoán tên nó là Peri) ngôn ngữ của tôi, còn nó sẽ dạy tôi ngôn ngữ của nó. Chúng tôi sẽ là những người bạn đồng hành vĩ đại, Peri và tôi. Chúng tôi sẽ cùng nhau thám hiểm khu rừng. Chúng tôi sẽ có những chỗ ẩn náu bí mật, những thỏa ước, những nghi lễ. Và chúng tôi sẽ không bao giờ rời nhau.
Không đợi được đến sáng, tôi chạy ù ra chỗ tôi đã gặp cậu bé, mang theo một vài món quà quí giá: những món đồ chơi tôi đã có trong các dịp sinh nhật, trái cây đang mùa, và một cái vòng cổ của mẹ tôi mà tôi đã nhón được qua cửa sổ. Mẹ tôi thích cái vòng cổ ấy lắm, tôi biết. Nhưng mà vì bạn, người ta có thể làm mọi chuyện, kể cả ăn cắp.
Thằng bé Indian không có đó. Mà tại sao nó lại phải ở đó chứ? Tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng nhất định tôi sẽ gặp nó ở đó, rằng nó không thể không có mặt ở đó được. Tôi dạo một vòng ngắn quanh chỗ ấy; tôi trèo lên một trái đồi và nhìn ra khắp nơi. Không có ai cả. Tôi lại vào rừng:
“Peri! Tớ đây mà!”
Nó không xuất hiện. Tôi đợi nó nhiều tiếng đồng hồ. Chẳng có gì hết. Thất vọng, tôi trở về nhà, giam mình trong phòng, lại không chịu ăn. (Bụng tôi, cái bụng ngựa của tôi, sôi òng ọc, nhưng mồm miệng tôi khô đắng, không muốn đụng đến thứ gì hết.)
Hôm sau tôi lại đến chỗ gặp nhau. Và hôm sau nữa, Peri vẫn không đến. Cuối cùng, tôi buộc lòng phải kết luận rằng thằng bé đã bỏ rơi tôi. Ngay cả bọn Indian cũng không muốn dây đến tôi rồi, tôi cay đắng trong lòng.
Lại một lần nữa tình thương của hai chị tôi đã cứu sống tôi. Họ chơi đùa với tôi và xua tan mọi ưu phiền ra khỏi trí óc tôi. Nhờ có hai chị, tôi lại bắt đầu biết cười.
Nhưng tôi không quên được Peri. Có thể nó đã gặp chuyện gì đó, có thể nó ốm; có thể nó sẽ còn tìm cách gặp lại tôi. Tôi biết người Indian rất giỏi lần dấu vết. Đôi khi tôi tỉnh giấc giữa đêm khuya và tưởng tượng như có ai đang gõ cửa phòng mình.
“Peri đấy ư?”
Không phải Peri. Chỉ là gió, hoặc con chó Pharaoh của chúng tôi. Tôi thở dài, lần tìm mũi tên vẫn dấu ở dưới nệm, rồi lại ngủ thiếp đi.
Có vứt đàn vĩ cầm xuống suối hay không, có cố tự tử hay không, có tìm thấy bạn rồi lại mất bạn hay không, tôi vẫn tiếp tục sống.
Cuộc sống nông trại rất yên bình. Những ngày trong tuần đều đầy ắp những công việc nặng nhọc. Và tôi cũng bắt đầu góp sức mình. Cha tôi giận dữ phản đối việc tôi kéo cầy, nhưng bây giờ tôi đã trồng được cả một mảnh vườn riêng của mình, và còn trồng cả ngô nữa. Những bắp ngô chín với hạt mẩy như vàng ròng thẹn thò sau lần vỏ bẹ cho tôi một khoái cảm sâu xa.
Vào những tối Thứ Sáu, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Chúng tôi quây quần quanh bàn ăn. Bộ cốc pha lê mang từ châu Âu sang sáng lấp lánh trên nền khăn trải bàn trắng muốt. Mẹ tôi thắp nến, cha tôi ban phước lành cho rượu vang, và chúng tôi cùng đón mừng ngày Sabbath đang đến. Chúng tôi cũng kỉ niệm lễ Vượt Qua và Năm Mới Do Thái. Chúng tôi nhịn ăn trong dịp lễ Yom Kippur (19)—mọi người (trừ tôi) đều đến nhà nguyện trong thị trấn ngày hôm đó. Trong những dịp ấy cha tôi và thầy Mohel thường đưa mắt liếc xéo nhau mà không nói một lời.
Lúa mỳ trồng theo vụ; gà ấp, đẻ trứng, rồi bị giết để hiến tế. Bò cái đẻ con. Một lần (thật khủng khiếp) một đám mây châu chấu bay qua trại, may mà không gây quá nhiều thiệt hại. Mùa màng nối tiếp nhau. Theo lời cha thì đó là những năm tháng tốt lành, không bị quá khô hạn, cũng không quá nhiều mưa. Nhờ ở cha mà tôi hiểu được các tuần trăng, và ông còn dạy tôi cả những bài hát bằng tiếng Yiddish. Chúng tôi cùng nhau hát quanh chiếc lò sưởi đốt củi nơi ngọn lửa cháy lung linh thật dễ chịu. Chúng tôi uống trà với bánh ngọt, nhiều lần còn có ngô rang, hạt dẻ nóng, khoai lang nướng. Hình ảnh một gia đình đoàn tụ thật hấp dẫn, đến nỗi có thể che khuất cả hình ảnh một con vật nửa ngựa (đang nằm dưới sàn nhà và đắp chăn gần kín) vốn là nửa kia của một con vật nửa người. Nhìn mặt tôi thì hầu như có thể được—ở tuổi 11, tôi là một thằng bé dễ coi, với bộ tóc nâu, cặp mắt linh lợi, một cái miệng khỏe mạnh—cũng như có thể nhìn cả phần trên của cơ thể tôi, còn phần dưới thì quên đi. Tôi có thể thư giãn hầu như hoàn toàn trong hơi ấm của lửa sưởi và mặc cho thời gian trôi đi, không nghĩ đến bất cứ chuyện gì.
Nhưng cha mẹ tôi không quên, cũng không thể thư giãn, hoặc ngừng nghĩ ngợi, đặc biệt là cha tôi. Nhiều lần ông trở dậy trong đêm để quan sát tôi trong giấc ngủ. Ông nhìn tôi sợ hãi, đầy lo âu: tôi ngủ không yên, mồm lúng búng, hai chân ngọ nguậy. Ông nhìn chăm chú cái cần dái khổng lồ của tôi, một cái cần dái đã cắt bì, nhưng vẫn cứ là một cái dái ngựa. Đàn bào nào (Đàn bà: cha tôi thậm chí không thể tưởng đến có một giống cái nào khác. Một con ngựa cái chẳng hạn, không bao giờ lọt vào ý nghĩ của ông. Với cha, tôi là một thằng con trai đang lớn, một thằng con trai với những bộ phận thừa thãi dị thường, có thể thế, nhưng vẫn cứ là một thằng con trai.) có thể chấp nhận nó, cha tự hỏi, đàn bà nào có thể chịu ngủ với nó? Một gái điếm, có thể, một đàn bà điên khùng say rượu, một đồ mạt hạng. Còn một đứa con gái Do Thái nhà lành ư, như bọn con gái nhà Erechim chẳng hạn? Không bao giờ! Chỉ cần nhìn thấy nó thôi là chúng sẽ ngất xỉu hết.
Dù sao, cha tôi biết, sẽ đến ngày đứa con trai Guedali của ông sẽ thấy thèm muốn một đàn bà. Một thèm muốn không thể cưỡng lại được. Rồi sẽ xảy ra chuyện gì? Cha tôi thậm chí không muốn nghĩ đến chuyện gì có thể sẽ xẩy ra vào một đêm xuân tháng 9.
Buổi tối sinh nhật lần thứ 12 của Guedali.
Một đêm nóng bức, ngay cả với tháng 9. Nóng không chịu nổi.
Đêm ấy, thằng con trai không thể ngủ được. Bứt rứt, mặt nóng bừng, nó sẽ lăn từ phía này sang phía kia trên chiếc nệm rơm. (Một cơn cương cứng: ống dái vĩ đại của nó dựng đứng, rần rật. Làm gì bây giờ? Thủ dâm chăng? Không thể được, những ngón tay nó không chịu sờ vào dái ngựa.) Không thể chịu đựng nổi nữa, Guedali sẽ đi ra khỏi cửa và thẳng ra phía cánh đồng. Nó sẽ cọ vào cây cối, nhẩy xuống sông, nhưng không có gì làm cho nó bình tĩnh lại được. Nó sẽ phi nước đại mà không biết phóng đi đâu, khiến cho bọn chim ăn đêm phải giật mình.
Trong một nông trại láng giềng, gần một hàng rào làm bằng thân cây, nó sẽ gặp một đàn ngựa. Ngựa cái và ngựa đực, im lìm dưới ánh trăng, đều nhìn nó chằm chằm.
Con nhân mã sẽ nhẹ nhàng lẻn đến. Con nhân mã sẽ thấy một con ngựa cái, một con ngựa cái mầu trắng tuyệt đẹp với bộ bờm dài. Con nhân mã sẽ vuốt ve cái cổ lụa là bằng đôi bàn tay run rẩy, con nhân mã sẽ thì thầm những lời vô nghĩa ngọt ngào vào đôi tai cô nàng. Con nhân mã: miệng khô, mắt thao láo, con nhân mã sẽ thình lình trèo lên nàng. Và nơi ấy bỗng hoang dại hẳn đi, cả bầy súc vật cuống cuồng chạy lên chạy xuống, ném mình vào hàng rào, trong khi con nhân mã hét lên, “Ta sẽ ấy nó! Mẹ kiếp, ta đếch cần gì hết, ta sẽ ấy nó bằng được!”
Bất cần đời, nó sẽ thỏa mãn rất nhanh, như thể một kẻ muốn chết. Rồi nó sẽ chạy ra sông và cử hành một cuộc tắm tẩy trần.
(Móng nó sẽ dẫm phải cái gì đó dưới lớp bùn đáy sông. Có phải cây vĩ cầm chăng?) Nó sẽ trở về nhà và im lặng lẻn vào phòng mình như một tên kẻ trộm.
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Đến thế thì cha tôi còn có thể chịu được, ít nhất là trong những tưởng tượng nửa mơ nửa tỉnh của ông. Nhưng đâu phải chỉ có thế.
Con ngựa cái bắt đầu theo chân Guedali khắp nơi.
Đang đêm, con nhân mã tỉnh giấc, bồn chồn, và nghe tiếng ư ử van vỉ: con ngựa cái đang ở ngay bên ngoài cửa sổ phòng nó.
Guedali vùi đầu xuống dưới gối. Không ăn thua gì. Nó vẫn thấy con kia. Nó trở dậy, cố xua con ấy đi: “Đi khỏi đây ngay! Biến đi!” nó hạ giọng gầm gào, rất sợ sẽ làm cha mẹ nó thức giấc. Nhưng con ngựa cái không đi. Guedali ném đá vào nó, lấy cán chổi đánh nó. Không ăn thua gì.
Cô nàng còn theo nó giữa thanh thiên bạch nhật. Người chủ cô nàng buộc phải đến tìm. Đầy nghi ngờ, ông ta nói với Leon, “Chẳng biết con Magnolia nhà tôi có chuyện gì mà lúc nào nó cũng xổng chuồng chạy sang đây như thế.” Ông ta đóng yên cương cho nó, nó chồm lên, kêu nhặng xị, không chịu đi. Ông ta quất nó bằng roi, thúc sâu bộ đinh thúc ngựa ở gót giầy vào hai sườn nó, và cuối cùng họ chạy đi và biến mất vào một đám mây bụi. Từ trong chỗ ẩn náu của mình dưới hầm nhà, Guedali thở dài nhẹ nhõm. Nhưng khi đêm đến—lại những tiếng ư ử nài nỉ ấy. Đến gần sáng thì nó chợt nghĩ: liệu con ngựa cái có đang mang thai hay chăng? Khả năng ấy làm nó hãi hùng. Hình ảnh một con nhân mã nữa, một con ngựa, hoặc tồi tệ hơn nữa là một con quái vật mình ngựa đầu người, hoặc một con ngựa với cặp môi người, hoặc cặp tai người, hoặc một con ngựa cái non với cặp vú người, hoặc một con ngựa với cặp chân người— những hình ảnh ấy không để cho Guedali yên.
Mà Pasha cũng không thể yên. Pasha, con ngựa đực to lớn mầu hạt dẻ, bạn tình nghiêm chỉnh của con ngựa cái mà giờ đây bị nó khinh bỉ. Pasha sẽ tìm đến nó và đòi hỏi trả thù. Và Guedali sẽ không thể tránh được trận tử chiến cuối cùng.
Một đêm Pasha sẽ đập cửa Guedali với bộ móng của nó. Guedali sẽ hét lên, “Thế là đủ rồi!” và xông ra đối mặt với địch thủ của mình dưới tia nhìn đầy khích lệ của con ngựa bạch cái.
Sẽ là một trận móng chọi móng, và đôi bàn tay trai trẻ chọi với bộ răng ngựa đực, một trận đấu khủng khiếp. Về mặt sức vóc cơ thể, con ngựa đực sẽ có lợi thế; nếu Guedali có cắn nó cũng khó lòng làm da nó bị xây xước. Những cú đấm của Guedali có thể mạnh mẽ, nhưng hàm răng Pasha còn mạnh mẽ hơn. Còn trí thông minh của Guedali thì sao? Liệu nó có áp đảo được bản năng và cơn giận dữ của một con thú đang chiến đấu vì cuộc sống và bạn tình của nó? Liệu Guedali có đủ nhanh trí để trang bị cho mình một con dao chặt thịt, và sử dụng được nó đúng vào giây phút may mắn nhất?
Cha tôi thổ lộ những lo sợ của ông với mẹ tôi. Bà không để lỡ thời cơ ấy: vậy thì chúng ta hãy rời khỏi nơi này, Leon à. Tôi vẫn luôn bảo ông rằng mình nên đến một nơi nào có ít thú vật thôi, nhất là ngựa. Mình về thành phố đi, Leon. Ở đó có bác sỹ giỏi, có bệnh viện—có khi họ sẽ biết cách chữa trị thế nào đó cho con trai. Mình có tiền tiết kiệm, ông có thể mở một doanh nghiệp. Và mình sẽ sống ở một chỗ hẻo lánh, nơi sẽ không có ai phát hiện ra Guedali.
Rời bỏ nông trại ư? Cha tôi tự hỏi trong khi dạo bước trên những cánh đồng. Ý tưởng ấy làm phiền ông, bởi lẽ ông rất gắn bó với nơi này. Ông thích được cày bừa, gieo hạt, được cảm thấy những bông lúa chín chĩu chịt giữa các ngón tay mình. Hơn nữa, chẳng phải việc rời bỏ mảnh đất này sẽ là một hành động phản bội lại những kí ức thiêng liêng về Nam tước Hirsch hay sao? Cha tôi không biết quyết bề nào.
Rồi thì những sự kiện xẩy đến thình lình đã buộc ông phải quyết định.
Tôi bị phát hiện.
Không phải do ai mà lại chính là thằng Pedro Bento, con trai của ông chủ trại hàng xóm, một thằng tính tình rất đáng ghét. Cưỡi con Pasha để đuổi theo một con bê xổng chuồng, nó bất ngờ lạc vào đất của chúng tôi.
Cha tôi và tôi ở rất xa nhà, đang trồng lúa mỳ trên một cánh đồng. Cha nổi giận: tôi đã cứ khăng khăng đi theo trái với ý ông. Và đúng lúc ông đang nói với tôi rằng ông không thích tôi cứ lộ diện nhiều như thế thì Pedro Bento xuất hiện. Chạy đi, Guedali! cha tôi hét lên, nhưng đã quá muộn; trước khi tôi kịp trở tay, Pedro Bento đã ở ngay bên chúng tôi. Nó xuống ngựa và đến gần hơn, kinh ngạc xem xét tôi. Nó định chạm vào tôi, nhưng tôi sợ hãi lùi lại, trong khi cha tôi, mặt đau đớn, chỉ biết đứng nhìn một cách bất lực.
“Ông Leon, đây là con vật gì vậy?” Pedro Bento hỏi. “Nói đi nào, nó là cái gì vậy? Ông tìm đâu ra một con vật buồn cười đến thế?”
Cha tôi lắp bắp giải thích chẳng ra đâu vào đâu, cuối cùng đề nghị Pedro Bento giữ bí mật chuyện này. Cha cho nó tiền. Thằng ranh cầm tiền, hứa sẽ không nói với ai, nhưng đặt một điều kiện: nó muốn hàng ngày quay lại để nhìn tôi. Cha tôi chẳng có cách nào khác, phải đồng ý vậy.
Thế là ngày nào Pedro cũng quay lại. Nó bắt đầu hỏi chuyện tôi, còn tôi thì trả lời nhát gừng. Nhưng tôi bắt đầu thích nó. Nó thân thiện, kể những chuyện thú vị. Liệu nó có thành người bạn đầu tiên của tôi? Liệu nó có thay thế được Peri?
Một hôm nó mời tôi đi dạo với nó trong cánh đồng. Như thường lệ, nó cưỡi con Pasha, và chúng tôi lên đường nước đại. Nó có vẻ khang khác; phấn khích, mắt long lanh, và không trả lời các câu hỏi của tôi. Thỉnh thoảng nó lại huýt một tiếng sáo thật dài. Rồi bất thình lình, khi chúng tôi đang băng qua một quãng rừng, nó nhẩy ra khỏi con ngựa và phóc lên lưng tôi.
“Mày làm cái gì thế hả?” tôi kêu lên, vừa giật mình vừa tức giận.
Nó cười phá rồi rú lên những tiếng kêu đắc thắng, và lập tức tôi hiểu ra vấn đề: ba thằng to con, đều là anh em với Pedro, từ trong rừng bước ra.
“Thấy chưa?” nó tru lên. “Thấy chưa nào? Tao có nói dối không nào?”
Bật khóc vì sợ hãi, tôi đứng dựng lên và quay xung quanh, cố hất nó ra khỏi lưng. Nhưng không thể được. Đã quen với việc luyện thuần những con ngựa hoang, Pedro Bento xiết chặt hai cánh tay quanh cổ tôi, xuýt nữa làm tôi chết nghẹt. Cuối cùng, tôi vùng phóng chạy về nhà. Lúc ấy thì nó sợ.
“Dừng lại, Guedali! Dừng lại! Cho tao xuống! Tao chỉ đùa thôi mà!”
Tôi mặc kệ. Tôi không nghe. Tôi phóng chân chạy miết cho đến khi về đến nhà. Giật mình vì tiếng ầm ĩ, cha tôi từ trong vựa lúa chạy ra. “A, thằng chó đẻ!” ông hét lên, mất hết lý trí. Ông giật Pedro Bento ra khỏi lưng tôi, giáng một cú đấm làm nó ngã lộn nhào, và cứ thế đấm đá nó cho đến khi thằng khốn ngất xỉu trên đất, mặt mũi đầm đìa máu.
Đêm đó có một trận bão. Rồi trời mưa không ngớt trong suốt hai tuần lễ liền. Vụ lúa mỳ hỏng hết. Nước lũ xói những khe rãnh lớn trên mặt đất đỏ, làm lộ ra những hòn cuội hình thù kì dị, những mũi tên, những bình bát bằng đất sét. Và cả một bộ xương ngựa, một bộ xương nguyên vẹn, nằm nghiêng, đầu vươn lên trước với bộ hàm há hốc, hai hố mắt lấp đầy đất sét.
Chúng ta phải đi khỏi đây thôi, cha tôi nói. Phải về thành phố thôi.
Thật đau đớn cho tôi phải rời cái nông trại đó. Bộ móng ngựa của tôi đã biết quá rõ những vạt đồng cỏ và đất đai ở đây, liệu chúng có chấp nhận mặt bê-tông của chốn thị thành? Tôi phóng qua những cánh đồng ấy một lần cuối, chào biệt cây cối, chim chóc, và con suối. Tôi thì thầm giã biệt đám bò cái và bê nghé. Ở chỗ tôi đã gặp Peri, tôi để lại một món quà, một chiếc áo sơ-mi gói trong một tờ báo.
Tôi trở lại phòng mình, nhìn quanh, và thở dài. Mặc dù mọi chuyện, cuộc sống ở nơi này đã thực sự tốt lành.
Không có xe tải và cũng không biết lái xe, cha tôi thuê hai cỗ xe ngựa có mui khổng lồ để dọn nhà. Trên một xe, do anh tôi cầm cương, là vài thứ gia dụng: đồ đạc, quần áo, bộ cốc pha lê mang từ châu Âu sang, bức ảnh chụp Nam tước Hirsch. Trên cỗ xe kia, do cha tôi cầm cương, có tôi, ẩn nấp kĩ dưới một tấm vải bạt. Mẹ tôi và hai chị đi bằng xe buýt.
Mụ đỡ đến chào từ biệt. Vừa khóc, mụ vừa ôm chầm lấy tôi, nước mắt ướt đầm bộ da tôi. Cầu xin Thượng Đế phù hộ cho con, con trai của ta! Mụ đưa cho tôi một gói bưu phẩm của Đốc-tờ Oliveira gửi đến. Trong gói là những tấm phim âm bản mà ông đã chụp tôi, và một mảnh giấy viết rằng tôi nên tự mình hủy những tấm phim ấy, hoặc giữ chúng làm kỉ niệm phòng khi có ngày, nhờ một cách điều trị nào đó, tôi lại thành một con người bình thường.
Ngay trước lúc chúng tôi lên đường, thầy Mohel xuất hiện. Ông ta không nói gì, chỉ đưa cho tôi một cuốn kinh cầu nguyện bằng tiếng Hebrew và một tấm khăn lễ thêu rất cầu kỳ, rồi bỏ đi.
Và thế là chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.
Tôi chỉ còn nhớ được những kỉ niệm lẫn lộn về chuyến đi ấy: hình ảnh cha tôi ngồi trên chỗ xà ích, người quấn trong một tấm chăn của nông dân, nước mưa ròng ròng từ mép chiếc mũ rộng vành. Những cái lưng ướt đẫm của cặp ngựa kéo xe ánh lên dưới ánh sáng nhợt nhạt của buổi rạng ngày. Con đường nhỏ hẹp lầy lội. Cây cối với những cành gẫy gục. Cái sọ trăng trắng của một con bò đực cắm trên một cây cọc rào. Những con chim sáo mầu đen đậu vắt vẻo trên lớp giây thép gai.
Chúng tôi chậm chạp tiến, dừng lại nghỉ nhiều lần. Chúng tôi tự nấu nướng và ngủ ngay bên vệ đường. Ban đêm, tôi duỗi chân, tê dại vì suốt ngày không động cựa. Tôi phi qua những cánh đồng bên đường, chạy lên một quả đồi nhỏ, chồm lên trên hai chân sau, đấm hai nắm tay lên ngực, hí lên một tiếng man dại. Bernardo nhìn tôi trách móc, còn cha tôi thì kêu lên, đồ ngốc kia, quay lại đây ngay! Mày muốn chúng nó phát hiện ra mình à? Tôi chạy nước đại trở lại, dừng trước mặt cha rồi ôm chặt lấy ông. Cha tôi cao, nhưng tôi còn cao hơn vì cặp chân dài, và tôi phải cúi xuống để thì thầm vào tai ông: “Cha ơi, con đang hạnh phúc.” (Thật thế, tôi đang hạnh phúc.)
Chúng tôi trở lại chỗ lửa trại của mình. Anh tôi lẳng lặng nấu cơm, gương mặt rắn đanh của anh ấy sáng bừng lên vì ánh lửa.
Cuối cùng, chúng tôi đến Porto Alegre. Cha tôi thở dài nhẹ nhõm: ở đây con sẽ được yên bình, con trai của ta. Sẽ không có ai soi mói con. Người thành phố không quan tâm đến cái gì hết.
Chú Thích
(5) Yiddish là ngôn ngữ của các cộng đồng Do Thái sống ở Đông và Trung Âu. Nó là một thứ ngôn ngữ Đức có pha trộn từ vựng Hebrew (tiếng Do Thái) và Slavic.
(6) Một nhân vật có thật trong lịch sử: Nam tước Maurice de Hirsch (1831 - 1896), một nhà công nghệ rát giàu có ở Pháp. Ông đó cùng với vợ là Clara Hirsch làm rất nhiều việc từ thiện, đặc biệt là giúp đỡ người Do Thái ở khắp thế giới. Năm 1909, ông giúp Hiệp hội Khai hoang Do Thái mua 94.000 âycơ đất trong hạt Quatro Irmaos để những người Do Thái ở Đông Âu có thể lánh nạn sang đó lập nghiệp. Gia đình Tartanovsky trong truyện này chính là một trong những gia đình Do Thái ấy.
(7) Progrom là thế này: những người Côdắc say rượu tấn công ngôi làng, thúc những con ngựa điên của họ xông thẳng vào người già và trẻ con, vung những lưỡi mã tấu của họ vào mọi phía. Họ sẽ giết đám dân sống ở đó, cướp phá và đốt trụi ngôi làng, rồi kéo nhau đi, để lại sau những tiếng gào thét than khóc còn vọng mãi trong đêm tối.
(8 ) Nguyên văn: werewolf - một quái vật rất hay gặp trong các truyền thuyết phương Tây, là người, nhưng trong những đêm sáng trăng lại biến thành chó sói.
(9) Rabbi (đọc là ra-bai) là trưởng quan tôn giáo trong một nhà nguyện (đền thờ) Do Thái, đồng thời cũng được coi là thủ lĩnh tinh thần của cộng đồng đó. Khi dịch Kinh Thánh, ông Phan Khôi dịch chữ này thành "thầy cả tế lễ". Tôi thường dùng chữ "thầy cả", và có vẻ đó thực sự là ý nghĩa của chữ này trong cách xưng hô của người Do Thái với Rabbi của mình.
(10) Tiếng Hebrew (Do Thái), Talmud có nghĩa là "răn dậy, hướng dẫn, chỉ bảo". Kinh Talmud là tập hợp các luật lệ và truyền thống của người Do Thái, viết thành hai tập là Mishna và Gemara. Hiện có hai bản Talmud, một bản có từ năm 400 và viết ở đất Palestine, một bản khác, quan trọng hơn và lớn hơn, có từ năm 500 và được viết ở đất Babylone.
(11) Trong tín ngưỡng Do Thái, ngày thứ bẩy trong tuần là ngày Sabbath, trong ngày đó, người ta chỉ hoàn toàn làm việc tín ngưỡng và nghỉ ngơi, không được làm bất kì việc gì có tính chất vụ lợi. Cả đạo Cơ Đốc và đạo Hồi cũng có ngày Sabbath của mình. Sabbath rơi vào ngày thứ Bẩy (Chủ Nhật là ngày đầu tiên của tuần lễ). Sabbatic Year là năm thứ bẩy trong mỗi chu kỳ 7 năm, trong năm đó, người Do Thái không cầy cấy ruộng đất, để mặc cho đất nghỉ. Trong các trường đại học phương Tây, cứ bẩy năm một lần, các giáo sư được có hẳn một năm không dậy học, chỉ làm việc nghiên cứu riêng của mình, và năm đó cũng gọi là Sabbatic Year. (ND)
(12) Hàm ý về thời kỳ Giáo hội Thiên chúa giáo đàn áp dã man người Do Thái và những người không tin theo những giáo điều của mình. Nhà thiên văn học Galileo cũng đã bị đàn áp trong thời kì này. (ND)
(13) Mohel là người chuyên làm lễ cắt da quy đầu cho các trẻ trai Do Thái khi đứa bé đã ra đời được 8 ngày. (ND)
(14) Nguyên văn là cognac, một thứ rượu nho có độ cồn cao và rất thơm, thường uống sau bữa ăn (ND).
(15) Tiếng Anh là Passover, lễ kỷ niệm ngày người Do Thái thoát khỏi thân phận nô lệ của mình khi được Moses dẫn đường vượt thoát ra khỏi đất Ai-cập. (ND)
(16) Có lẽ là tên của hai nhân vật chính trong các truyền thuyết Nam Brazil. (ND)
(17) Cùng một Thượng Đế sáng tạo ra thế giới, nhưng người Do Thái gọi là Đức Jehovah, người Hồi Giáo gọi là Allah, người Công giáo gọi là Đức Chúa Cha... (ND)
(18 ) Thổ dân da đỏ ở châu Mỹ. (ND)
(19) Còn gọi là Lễ Sám Hối, tổ chức vào ngày thứ 10 của tháng Tishri trong lịch tế lễ của người Do Thái. (ND)
Con Nhân Mã Ở Trong Vườn Con Nhân Mã Ở Trong Vườn - Moacyr Scliar Con Nhân Mã Ở Trong Vườn