Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Chân Phương
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1142 / 4
Cập nhật: 2015-12-10 22:46:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 Trận Tụy Động
ầu tháng mười, thời tiết thay đổi, đang rét ngọt bỗng đổ mưa từng trận nhỏ, lai rai suốt ngày. Đúng là “mưa rươi” như người xưa chiêm nghiệm: “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”.
Đương đầu với mưa lạnh thấu xương, đoàn quân của Mã Kỳ ở mé sông Bùi ngong ngóng chờ ám hiệu xung phong từ canh một.
Hết canh tư, vẫn chưa thấy động tĩnh. Chúng uể oải, mong sớm được rút lui chờ bữa khác giao tranh.
Ở bến đò Mai Lĩnh, quân của Trần Hiệp mỏi mệt không kém. Chúng đã phải vội vã lên đường, vội vã sang đò và yên trí được nghỉ ngơi đến sáng.
Nhưng thình lình, vào giữa canh năm, tiếng súng hiệu nổ vang. Đúng lúc ít ai chờ đợi nhất.
Hai tiếng ngập ngừng 5 chập, rồi một tiếng sau cùng kéo dài như cương quyết xé không gian.
Đúng là súng hiệu nhà! Họ Mã, Phương thúc quân tiến tới. Từ hai mặt, trên dưới bẩy vạn quân lăn xả vào chỗ không người.
Trong bóng tối mờ mờ, nghe như có tiếng người ngựa xô nhau chạy.
Ruộng chiêm chỗ thấp chỗ cao, chỗ lầy lội rút chân lên không được, chỗ lại trơn như đổ mỡ, chúng nhắm mắt đuổi bừa, ngã lên ngã xuống.
Chỉ có một người quất ngựa xông vào cõi u minh mà thấy hiển hiện trước mắt một trời rực rỡ. Đó chính là Trần Hiệp, linh hồn của giặc.
Bằng ảo giác của một tay nghiện ngập, y thấy trước một chiến tích lẫy lừng trong Minh sử, một chiến công oanh liệt của riêng y. Một đoàn tù binh đang được áp giải đến tận Bắc Kinh và một lễ tiến triều rất mực huy hoàng trong đó y hãnh diện nhận sắc phong Vương tước.
Hàng trăm tiếng nổ long trời bỗng kéo y ra khỏi cơn mê. Rồi tiếng quân reo, tiếng voi gầm, ngựa hí từ mạn Chúc Sơn và Phụng Hoàng đổ xuống.
Kinh hoàng, chúng lắng tai nghe. Có tiếng ào ào như thiên binh vạn mã đuổi theo sau bén gót.
Chết rồi! Nước từ mặt tây bắc đổ xuống ầm ầm như thác. Bây giờ chúng mới nhớ đến cái cống Đồng Chữ ở gần bến sông Bùi.
Xa xa, mạn chính nam, tiếng gầm thét muôn phần ghê rợn của con sông Đáy, của con sông Bùi tắc nghẽn.
Từ Ngã ba Thá đổ lên, nước quay cuồng giận dữ, phá tung bờ, tràn vào cánh đồng chiêm mạnh như thác lũ.
Quân Minh, đông như kiến cỏ, dẫm đạp lên nhau trong bãi bùn mênh mông, không biết lối nào là lối sống vì bốn phương tám hướng đều có tiếng quân reo và tiếng trống trận thúc liên hồi.
Chốc chốc, tiếng trống lặng im trong khoảnh khắc nhường chỗ cho những tiếng loa:
- Vương Thông! Trần Hiệp! Muốn sống hàng đi!
- Phương Chính, Mã Kỳ! Xuống ngựa, hàng đi!
- Chúng bay mắc mẹo quân sư ta rồi! Muốn sống về với vợ con thì hàng ngay đi!
Mắc mẹo! Viên Binh bộ thượng thư họ Trần của nhà Minh há đợi đến khi có tiếng loa nhắc mới biết mình mắc mẹo sao?
Tuyệt đỉnh thông minh, y thấy ngay thế cờ của Nguyễn Trãi bày ra để hơn y một nước. Trong chớp mắt, y bừng tỉnh ngộ. Ôi thôi! Ở đây, chẳng có Bình Định Vương nào hết. Tin giả trá chỉ là một miếng mồi thơm nhử cá.
Ở đây, chẳng có một tên quân, chẳng có một mống dân. Họ ngấm ngầm rút khỏi khu vực trống trơn bằng đường thủy.
Y đoán ra, sáng suốt như chính mắt y trông thấy, hoạt động của dân ba làng Lương Xá, Quảng Bị, Tụy Động dưới quyền chỉ huy của Trần Kiện trong mấy ngày đầu tháng. Nào đẵn tre, đan thật nhiều thuyền thúng làm phương tiện tới lui. Nào chuẩn bị bao cát cho thật nhiều để khi nghe tiếng súng hiệu thì ném xuống lấp khúc sông nơi Ngã ba Thá. Nào đồn quân ở phía bên kia đường cái với voi, với ngựa, để đổ xuống phá cống Đồng Chữ, chẹn đứt lối về của đoàn quân vừa mắc bẫy…
Y thầm nghĩ: Thế cờ hiểm hóc cách mấy cũng có thế phá giải. Trong chỗ mười phần chết, thế nào cũng còn một đường sống. Chịu khó tìm, ắt thấy.
Và y bình tĩnh tính toán: Vương Thông còn trong tay trên dưới ba vạn quân. So với lực lượng bao vây, số quân này không phải là ít. Họ Vương có thể đánh thốc qua sông, quét sạch con đường cái dài có mấy chục dặm từ bến đò Mai Lĩnh đến bến đò Tích Giang. Đại quân ta sẽ có lối về sau một hai ngày bị vây khốn là cùng…
Nếu chuyện ấy Vương Thông làm không nổi, ta sẽ tính sau… Sao sao cũng phải tìm ra lối thoát!...
Trời sáng rõ, họ Trần thản nhiên truyền lệnh cho ba quân lên những chỗ đất cao mà đóng.
Kéo vào các làng Quảng Bị, Tụy Động và Lương Xá ẩn mình sau những luỹ tre xanh, chúng ngạc nhiên thấy mấy trăm tên quân tinh nhuệ nằm chết ngổn ngang, rải rác. Thì ra bọn này đã xông vào đây từ lúc cuối canh năm và đã bị những toán dân quân ở lại giữ làng hạ sát trước khi rút cả ra sông.
Nước mỗi lúc một lên, sáu bẩy vạn quân ướt như chuột lột chen chúc ở trong ba làng như ở trên những hòn đảo chơ vơ.
Tụy Động là hòn đảo cao nhất và rộng nhất, nhưng không phải vì thế mà dễ sống nhất. Vì khắp cả ba nơi, không một hạt gạo, không một hạt thóc. Không cả đến một củ khoai, một dây sắn.
Một chiếc thuyền thúng cũng không tìm đâu ra nữa. Quân Minh phải liều chết bơi ra những chỗ khá sâu mong đoạt được một ít thuyền làm phương tiện di chuyển. Nhưng tên nào ra xa là tên ấy bị bắn chết tươi liền.
Hai ngày trôi qua, viện binh vẫn không thấy tới. Đôi khi lắng tai nghe thấy có tiếng trống thúc liên hồi chen lẫn với tiếng reo hò inh ỏi, song chỉ một lát sau lại thấy im lìm. Chắc Vương Thông độ quân sang sông không nổi rồi. Biết tính sao đây?
Trong lúc cùng quẫn, Trần Hiệp ngồi thừ ra ngẫm nghĩ, bỗng giật mình nghe có người hiến kế:
- Tôi có mẹo nhỏ, nếu quan Tham tán dùng, may ra thoát được.
- À! Anh Rực! Mẹo thế nào, nói thử nghe coi!
Rực ghé miệng thì thầm, tay chõ về hướng đông làng Lương Xá. Họ Trần tươi hẳn nét mặt, vỗ vai y:
- Trời chưa nỡ tuyệt ta nên mới xui khiến cho anh ở bên cạnh lúc này… Ta sẽ không quên công lao khó nhọc của anh đâu.
Trần Hiệp nhớ lại việc đã qua như vừa xẩy ra trước mắt. Lúc sắp cất quân, Nguyễn Lịch bỗng nổi cơn đau bụng kinh niên. Lăn giường trên xuống giường dưới. Thiếu Lịch, họ Trần như gẫy một cánh tay. Chưa biết tính sao, bỗng thấy thầy trò Vương Thông tới. Rồi Đặng Rực tình nguyện đi theo họ Trần để làm tai mắt.
Mấy trăm quân còn mạnh khoẻ đẵn cấp tốc mấy chục cây tre và đan cấp tốc lấy mươi chiếc thuyền thúng.
Mỗi thuyền chở được hai người, một lo chèo chống và một lo cự địch.
Những tên đầu sỏ vào hạng nhất leo cả lên thuyền. Đặng Rực cưỡi một chiếc đi đầu, quanh co theo một con đường tắt. Chín chiếc khác nối đuôi theo, rời làng Lương Xá và lướt như bay về giòng sông Đáy ở hướng đông.
- Thế là thoát hiểm!
Chúng vỗ tay reo, sung sướng như đàn cá vừa quẫy mình ra khỏi chậu. Nhưng chợt tiếng trống trận nổi lên quyện theo ngọn gió bấc thổi ù ù tới. Từ thượng lưu sông Đáy, một đoàn mười chiếc thuyền thúng vùn vụt trên mặt nước nhanh như tên bắn.
Chúng đã bị đội tuần tiễu mặt Đông chặn đầu. Và chúng rụng rời cả chân tay khi nghe viên tướng cao lớn cầm siêu đao thét:
- Ta là Trần Kiện ở Lương Xá đây. Muốn sống, hàng đi!
Tiếng thét chưa dứt, thuyền đã lao tới sát thuyền có tên tướng mặt chuột mặc áo bào tía và đội mũ khảm ngọc long lanh.
Ánh đao loé lên phản chiếu ánh sáng mặt trời. Đầu Trần Hiệp được vớt bay sang thuyền Trần Kiện thật ngọt.
Trong thời gian chớp nhoáng ấy, một tướng Minh khác cũng bào tía xênh xang choáng tai khi nghe tiếng thét ở sát thuyền:
- Lý Hậu ở Chúc Sơn đây! Chết này!
Lưỡi đoản đao phập xuống lúc âm vang của hai tiếng “Chết này” chưa dứt. Đầu nội quan Lý Lượng lăn lông lốc trong lòng thuyền.
Mũi đao của họ Trần, họ Lý chỉ về phía nào, thuyền chuyển vèo vèo sang phía ấy, nhanh như ngựa chạy trên đất bằng.
A! Thằng giặc bán nước đây rồi!
Thanh siêu đao một lần nữa lại vung lên.
- Đừng giết, chú!
Tiếng la hốt hoảng của Hậu không đủ nhanh để kìm hãm làn đao thần tốc của họ Trần sà xuống vai Đặng Rực.
Hậu nhẩy ùm xuống nước vớt xác gã đồng hương. Chàng thở dài:
- Thôi thế cũng xong! Bắt sống về cho thầy xử chỉ thêm đau lòng cho gia đình vô tội của y thôi.
Lớp kịch vừa rồi tuy diễn ra trong nháy mắt, cũng đủ cho những thuyền ngăn giặc phân tâm. Lợi dụng thời cơ, 17 tên còn lại hè nhau nhẩy xuống sông sau khi vội vàng thả hết giáp bạc, mũ đồng trôi lều bều trên mặt nước hay quấn quanh những chiếc thuyền vô chủ.
Trần Tráng và Toàn Trâu Nước đâu chịu buông tha. Như hai con rái cá tinh khôn, họ chỉ quẫy mình mấy cái là đã tóm được hai tên quăng lên cho người trên thuyền trói lại, cứ thế cho đến khi không còn một mống.
Trần Kiện cười bảo hai gã sau khi kiểm điểm và tra hỏi tù binh:
- Chúng bay bắt được 15 con cá nhưng vẫn để tuột mất hai con lươn. Hai thằng Mã Kỳ, Phương Chính lùi thoát được, kể cũng là những tay lặn khá!
° ° °
Quân Minh bị bao vây như rắn mất đầu. Nhưng chúng rất đông, và từng đợt, từng đợt, chúng hè nhau chạy tìm đường sống.
Trong bốn năm ngày liền, không một tên nào trốn thoát. Những mũi tên đầy sinh lực của dân quân lúc nào cũng hờm sẵn để chờ đón những kẻ nào liều lĩnh nhất. Những đứa may mắn thoát được họa này lại không đủ sức vượt qua được hàng rào sắt thép trên đường cái quan hay giòng nước vô tình của hai con sông Bùi, sông Đáy.
Đến ngày thứ bẩy, quân Minh hoàn toàn kiệt quệ.
Cống Đồng Chữ được bít lại, những bao cát ở Ngã ba Thá được lấy đi. Mực nước quanh ba làng hạ xuống thật nhanh. Quân ta kéo vào, mặc sức chém giết những tên ương ngạnh còn cầm khí giới trong tay. Những tên sắp chết đói đầu hàng vô số.
Tính ra, trận Tụy Động năm Bính Ngọ 1 thật là một trận ly kỳ. Giặc có bẩy vạn quân và bốn tên đầu sỏ ghê gớm nhất. Ta chém được hai tên là Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng, và để sổng mất hai tên là Phương Chính, Mã Kỳ. Còn bẩy vạn quân thì chết hại đến hơn năm vạn, phần bị tên bắn, giáo đâm, phần giày xéo lẫn nhau mà chết, phần lại ngã xuống sông chết đuối hoặc đói lả gục xuống đám ruộng chiêm ngập nước để không bao giờ đứng lên được nữa.
Số còn lại cả thẩy hơn một vạn người đều bị bắt sống, không một tên nào lọt lưới.
Các đồ đạc khí giới, quân ta thâu được không biết bao nhiêu mà kể.
--------------------------------
1 Bính Ngọ: 1426.
Cô Gái Chúc Sơn Cô Gái Chúc Sơn - Chân Phương Cô Gái Chúc Sơn