"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 34
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Quyền Được Tin
e buýt số 64 dừng ở nhà thờ thánh Peter nên lúc nào nó cũng đầy chặt người hành hương hoặc là bọn vô công rồi nghề – tùy người ta nghĩ. Đấy là một khu vực săn lý tưởng cho bọn móc túi. Mallon không phải là người hành hương và theo ý anh thì cũng không phải kẻ vô công rồi nghề. Người vợ đã ly thân của anh là người Ý gốc Thụy Sĩ; anh nói tiếng Ý thành thạo và thường đến Rome vì công việc; ngày hôm đó anh phải ở trên xe buýt 64 – và bị một bàn tay lần túi – bởi vì anh có một cuộc hẹn gần Vatican và bị kẹt trong một cơn mưa lớn mà lại không vẫy được taxi.
Xe buýt chật kín những con người ẩm ướt. Họ va vào nhau mỗi lần xe dừng và rẽ, và trong một lần va chạm đó, Mallon cảm thấy một bàn tay đang lần vào túi quần sau của anh – cả hai túi đều rỗng. Cả tập tiền và hộ chiếu của anh đều được nhét sâu trong túi trong ngực áo khoác có cài cúc. Bàn tay sờ nặng nề, lộ liễu. Trước khi anh có thể quay người để gửi cho kẻ móc túi một cái nhìn cảnh cáo, bàn tay đó lần vào túi ngực trước của anh. Sự trơ trẽn của cử động này làm anh kinh ngạc – nó được thực hiện thô thiển ngang với việc Mallon thọc tay vào túi tìm tiền xu.
Bàn tay thò vào túi sục sạo trong đó một lúc. Túi rỗng nhưng bàn tay có vẻ không sẵn sàng chấp nhận sự thật này. Mallon tò mò không biết chuyện này sẽ kéo dài bao lâu. Anh thờ ơ quan sát sự ăn cắp vụng về này – một sự tò mò an toàn, mơ màng. Không khí ấm, nhớp nháp. Xe dừng lại để lấy thêm người và tên móc túi bị ép vào lưng Mallon. Bàn tay hắn tiếp tục sục sạo như một con chuột đang sục tìm vụn thức ăn. Ngay lúc đó, xe buýt chồm lên trước và tên móc túi ngoặc vào chân Mallon khi hắn bị ngã lùi về sau. Chuyện này làm Mallon giật mình. Anh bừng tỉnh, lấy sức và thúc mạnh khuỷu tay ra sau; khuỷu tay anh thúc vào một đám mềm lạ lùng, như một cái gối. Một hơi thở nóng hổi phà vào gáy anh và cái tay biến mất. Mallon quay đầu và nhìn thấy một người đàn ông đang cúi gập người, hai tay ôm lấy bụng. Ông ta đang rên khẽ. Những hành khách xung quanh – trông bề ngoài thì đa phần là người Phi-líp-pin – nhìn ông ta lo lắng. Đó là một người đàn ông thấp, béo, mặc đồ đen – áo jacket da đen, quần ống thụng đen, đi một đôi giày mũi nhọn màu đen và nhỏ như giày trẻ con. Da đầu của ông ta lộ ra dưới mái tóc mỏng màu đen và dài đang rủ xuống sàn. Không ai nhìn Mallon mà đằng nào thì xe buýt cũng đang chậm lại để vào trạm dừng của anh. Nhưng kẻ móc túi vẫn gập người rên rỉ.
Mallon cúi xuống nắm cánh tay ông ta. Anh cố nâng ông ta dậy nhưng ông ta không chịu đứng lên. “Đi nào”, Mallon nói bằng tiếng Ý. “Đi nào, ông chả sao đâu. Đi thôi”. Kẻ móc túi giật ra và tiếp tục hổn hển thở. Mallon đặt một tay lên lưng ông ta trong lúc xe buýt đóng cửa lại – anh đã lỡ bến của anh. “OK”, anh nói. “Đi nào, đi thôi, đi”. Anh khoác tay người đàn ông và dìu ông ta về phía cửa, cố giữ ông ta vững trong lúc xe buýt lắc lư và rồi đứng khựng lại. Cửa mở ra và anh đỡ ông ta xuống xe trong lúc ông ta vẫn gập người, thở hổn hển. Những người khác giãn ra nhường đường như thể họ đang tránh hủi.
Mưa đã tạnh nhưng bầu trời màu thẫm, đầy vẻ đe dọa. Mallon dẫn kẻ móc túi vào dưới mái hiên một cửa hiệu và nhìn ông ta giả vờ nôn ọe ầm ỹ mặc dù không có kết quả. Mallon vỗ vào vai ông ta. Anh có thể thấy những người qua đường nhìn thẳng về phía trước, như anh chắc cũng sẽ làm thế, và anh thấy khuôn mặt họ đanh lại vì xấu hổ. Một tờ poster về bức tượng Pieta nằm chình ình trên khung kính cửa hiệu, bên dưới là một dãy những tượng thạch cao và những quyển kinh thánh lòe loẹt.
Người ta không nên nhìn đồng hồ đeo tay vào lúc như thế – khi có một người có vẻ như đang sắp gục chết dưới chân – nhưng cái đồng hồ lớn ở trên vỉa hè có vẻ hoàn toàn sai, giống như tất cả các đồng hồ công cộng ở Rome; thế nên Mallon không có lựa chọn nào khác. Đã bốn giờ mười. Anh đã muộn mười phút và cần ít nhất năm phút để đi bộ trở lại văn phòng bác sĩ Silvestri. Một cuộc họp quan trọng. Cuộc thảo luận hôm qua đã đi chệch hướng; Mallon đã nhấn vào một vài lỗi sai trong đề án của ông bác sĩ. Cơ quan phát triển mà Mallon đang làm việc có thể trợ giúp cho chương trình của Silvestri – chương trình nhằm vào một vài dự án lọc nước ở Đông Phi. Những lỗi sai trong đơn xin tài trợ của ông bác sĩ khá dễ hiểu và thực ra hội đồng tài trợ ở cơ quan Mallon đã quyết định sẽ chi tiền cho chương trình này. Anh có mặt ở đây để hướng dẫn ông bác sĩ về các điều khoản của việc tài trợ chứ không phải để khoe khoang tài phát hiện lỗi. Nhưng ngày hôm qua, anh đã lỡ làm thế với ông bác sĩ và có thể đã khiến ông ấy nghĩ rằng toàn bộ dự án sẽ đổ xuống sông. Mallon cần phải điều chỉnh ấn tượng này trước khi báo cáo lại với cấp trên của anh ở Geneva.
Anh cúi xuống tên móc túi. Ông ta không còn hổn hển và ho khạc ầm ỹ nữa nhưng vẫn làm ra vẻ khó thở. “Tốt hơn rồi đấy”, Mallon nói. “Ông đứng lên được không? Thử đứng lên xem nào. Đây”, anh nói và nắm vào cánh tay ông ta để buộc ông ta đứng thẳng người lên, cho đến lúc anh nhìn thấy mặt ông ta lần đầu. Đó là một khuôn mặt tròn, da thẫm màu, với một cái miệng nhỏ, môi dày và mềm mại như môi con gái. Bất chấp những giọt mồ hôi trên đôi má phính và hàng ria được kẻ bằng bút chì, cùng với những lọn tóc mướt mát trên vầng trán ẩm ướt, Mallon có cảm giác người này là một người tử tế; một người tử tế đang bị xúc phạm. Trong lúc ông ta tiếp tục cố thở, ông ta nhìn Mallon với đôi mắt đen. “Làm sao mà anh nỡ?”, đôi mắt đó như đang hỏi.
Mallon suýt nói “Bởi vì ông đã ăn cắp của tôi”. Nhưng anh vẫn còn ý thức rõ cái niềm vui mà anh cảm thấy lúc anh thúc khuỷu tay vào người đàn ông – khi anh biết anh đã đánh một người. Nó vẫn còn phảng phất trên da anh – một cảm giác mơ hồ về sự dũng mãnh, về sức sống. Anh không rõ niềm vui đó đến từ đâu nhưng anh biết nó có gốc rễ ở một nơi sâu hơn là việc đánh một kẻ ăn cắp vụng về.
Những giọt mưa lớn bắt đầu đập lên mái hiên.
“Ông sao rồi?”, Mallon hỏi. “Ông có đi được không?”
Kẻ móc túi quay đi như thể bị xúc phạm bởi sự đạo đức giả của Mallon. Ông ta chống hai tay vào cửa kính và gục đầu trong lúc vai liên tục nhấp nhô. Một phụ nữ tóc muối tiêu trong cửa hàng gõ gõ vào mặt kính và làm động tác xua đuổi. Khi kẻ móc túi tảng lờ bà ta thì bà gõ mạnh hơn, gõ liên tục. Ông ta quả nhiên là một người thấp bé; bà kia nhìn xuống ông ta như bà giám thị đang mắng một học sinh mắc lỗi.
“Tôi phải đi đây”, Mallon nói. “Tôi xin lỗi”. Anh ngẩng lên nhìn trời. Anh ước mình có thể gọi điện cho bác sĩ Silvestri để nói với ông rằng anh đang trên đường tới đó nhưng anh đã quên điện thoại di động ở khách sạn mà lại không có trạm điện thoại công cộng nào quanh đây. “Tôi xin lỗi”, anh nhắc lại và bước vào màn mưa rồi rảo bước dọc phố.
Một trong những người bán ô gốc Bangladesh vốn vẫn đứng nhan nhản ở Rome đang chào khách ở góc phố. Mallon vừa bỏ ra bảy euro để mua một cái ô thì anh nghe tiếng một phụ nữ la to. Anh không muốn quay đầu nhìn nhưng anh vẫn làm thế. Chính là người đàn bà trong cửa hiệu; bà ta đang vừa đánh vừa đẩy người đàn ông móc túi ra khỏi cửa hiệu trong lúc ông ta chúi xuống, hai tay che đầu như một võ sĩ quyền anh đang cố gắng đỡ đòn trong những giây cuối hiệp. Mallon bỏ cục tiền trở lại trong túi áo jacket và cầm lấy cái ô mà người bán hàng Bangladesh đã mở sẵn cho anh. Anh ngập ngừng, rồi quay lại.
Người đàn ông móc túi đã bước ra vỉa hè, dưới mưa. Người đàn bà đứng dưới hàng hiên, hai cánh tay khoanh lại trước ngực.
“Xin lỗi, signora”, Mallon nói trong lúc tiến về phía họ. “Ông này đang ốm. Ông ấy cần nghỉ một chút”.
“Tôi lạ gì bọn này”, bà kia nói. “Tôi không muốn họ lảng vảng ở đây”.
Mưa nặng hạt; chảy ròng ròng trên đầu và khuôn mặt bóng nhẫy của kẻ móc túi. Những giọt nước treo thành một hàng tua ở gấu áo da của ông ta, nhỏ tong tỏng từ cái quần sũng nước và đôi giầy lấm lem.
“Đây” Mallon nói và đưa cho ông ta cái ô nhưng ông ta đáp lại bằng một cái nhìn của người bị tổn thương và cúi đầu như thể đang từ chối tham gia màn kịch giả dối về lòng trắc ẩn của loài người. Mallon dúi cán ô vào vai ông ta. “Đây, cầm lấy đi”, anh nói. Cuối cùng, với một ánh mắt đầu hàng miễn cưỡng, ông ta cầm ô. Ông ta đứng giữa Mallon và người đàn bà, vẫn hổn hển khẽ, tay cầm cái ô một cách bất cần. Ông ta dường như không để ý đến nước từ cái ô đang chảy xuống lưng và dường như cũng không đi được. Người đàn bà cũng nhất định không đi, bà ta vẫn lạnh lùng đứng đó. Mallon bước vào mái hiên, không phải để tránh mưa mà chủ yếu để thoát khỏi cái thế kẹt này.
Ngay lúc đó, anh nhìn thấy ở góc đường một chiếc taxi có đèn sáng trên nóc xe. Thật khó tin là lại có một chiếc taxi không khách trong trời mưa như thế này, có lẽ người lái đã quên tắt đèn; nhưng Mallon vẫn chạy ra ngoài mưa vẫy tay và chiếc xe tấp sát vào vỉa hè, làm té một vạt nước lên giày của anh. Anh mở cửa xe nhưng vẫn không thể không ngoái đầu lại. Kẻ móc túi đang bỏ cái ô xuống đất, để cho nó ngửa lên và đang tựa vào cái cán ô, đầu cúi thấp, gáy hở toang. Người đàn bà vẫn đứng nhìn cảnh giác.
“Chờ chút”, Mallon nói với người lái xe rồi chạy trở lại túm ống tay áo kẻ móc túi, đẩy ông ta vào xe. Anh cụp ô lại, vứt nó xuống sàn xe dưới chân anh. “OK, ông sống ở đâu?” anh hỏi.
“Không chở bọn Di-gan đâu”, người lái xe nói thõng. Anh ta đã quay hẳn người lại, hằm hằm nhìn kẻ móc túi.
“Di-gan? Anh nhìn này, ông ấy bị ốm. Tôi sẽ trả tiền”, Mallon nói.
Người lái xe lắc đầu. “Không chở bọn Di-gan”. Người lái xe là một anh chàng có vai dày, với một cái cằm dài, mũi diều hâu và một đôi lông mày đen rậm. Cái đầu trọc của anh ta lún phún tóc. “Bảo lão ấy xuống đi”, anh ta nói. Mallon bất ngờ vì sự giận dữ và ánh mắt xám xanh miệt thị của anh ta; và trước khi anh kịp trả lời, người lái xe đã túm áo tên móc túi lắc mạnh “Cút đi”.
“Không”, Mallon tuồn vào ngồi cạnh kẻ móc túi. “Ông ấy cần về nhà”, anh nói. “Tôi sẽ đi cùng”.
Người lái xe chém một ngón tay vào Mallon. “Ra đi” Mallon nhìn tên người lái xe: Michele Kadare. Anh nói hú họa “Thế là sai luật. Nếu anh không chở chúng tôi, signor Kadare, tôi sẽ báo cáo công ty anh và anh sẽ mất giấy hành nghề. Tin tôi đi, tôi không đùa đâu”.
Người lái xe chiếu đôi mắt xám vào anh trong lúc gạt nước vẫn đang giật cục trên mặt kính; rồi anh ta quay người lên và đặt hai tay lên vô lăng. Những ngón tay múp míp của anh ta cũng trắng bệch và nhẵn nhụi như phấn. Anh ta nhướng mắt nhìn qua gương chiếu hậu và đối mắt với Mallon. “OK, ông người Mỹ”, anh ta nói. “Ông trả tiền đấy”.
Người lái xe im lặng lái xe ngang qua sông, xuyên qua dòng xe cộ. Kẻ móc túi đã không hề đưa địa chỉ; ông ta chỉ nói bằng một thứ tiếng Ý bập bẹ rằng cứ đi theo đường Tiburtina về phía đường Tivoli, sau đó ông ta sẽ chỉ tiếp. Rồi ông ta dựa vào góc xe, hai mắt nhắm hờ, thở khò khè. Có thể là ông ta đã cường điệu một chút nhưng Mallon to lớn hơn ông ta nhiều và anh đã thúc khuỷu tay rất mạnh. Anh thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin ông ta.
Mưa đã ngớt, chỉ còn lây rây, và một thứ ánh sáng vàng nhẹ bao phủ không khí. Mallon có thể cảm thấy đôi tất ướt của anh đang ấm dần lên. Thỉnh thoảng người lái xe lại nhìn anh qua gương chiếu hậu. Kadare. Không phải một cái tên Ý. Mallon đã từng đọc một cuốn sách của một nhà văn Albany có tên Kadare, chắc anh ta người Albany. Thế cũng có lý; nó giải thích được tại sao anh ta đã gọi người móc túi là Di-gan, và bà bán hàng cũng gọi ông ta là “bọn này” và nó giải thích cả lý do tại sao Mallon đã cảm thấy chờn chợn về người đàn ông – một sự chờn chợn trước một giống người bí ẩn, nó bao hàm cả sự bất an và tò mò. Nhưng làm sao cả người lái xe lẫn người phụ nữ đều biết người đàn ông này là dân Di-gan? Ông ta chẳng cầm violin trong tay, cũng chẳng đeo khuyên tai. Mallon có thể phát hiện ra các phụ nữ Di-gan bằng vào những cái khăn trùm đầu, những cái váy dài sặc sỡ và cách họ bước mạnh mẽ, uyển chuyển trên vỉa hè, nhưng những người đàn ông thì anh chịu chết. Trong mắt anh, người đàn ông móc túi có thể là người Bồ Đào Nha hay Ấn Độ, hoặc có thể là một người vùng vịnh Napoli. Nhưng người lái xe và người phụ nữ bán hàng đã lập tức nhận ra ông ta, đã cảnh giác với ông ta bằng một thứ bản năng cổ đại nào đó, một thứ cảnh giác ăn vào máu mà với Mallon thì chỉ là một chút chờn chợn hẳn là được di truyền xuống đến anh từ những ông bà tổ tiên gốc Ireland, Ba Lan, và Nga.
Thông thường, Mallon không tin những chuyện mê tín dị đoan của nông dân – ví dụ là vứt muối qua vai để trừ tà, treo tỏi trên xà nhà để đuổi quỷ, hay việc sợ chim quạ, sợ đổ rượu, và sợ bị người lạ nhìn; mặc dù thỉnh thoảng anh tự hỏi liệu, khi đi qua bộ lọc văn hóa Mỹ, liệu máu của anh có trở nên trong hơn hay là loãng hơn, như thể một yếu tố quan trọng nào đó trong tính cách, trong cái tôi, trong con người – những thứ vốn thuộc về những bản năng xa xưa – đã bị tẩy rửa đi mất.
Chiếc áo da ướt của kẻ móc túi tỏa ra một thứ mùi khai khai. Mallon quay kính cửa sổ xuống một chút và choáng ngợp bởi không khí mát lành. Anh nhắm mắt lại, tận hưởng làn gió nhẹ mơn man trên mặt. Khi anh mở mắt ra, anh thấy người lái xe đang quan sát anh trong gương.
“Anh là người Albany à?” Mallon hỏi.
Người lái xe đập vào đồng hồ tính tiền. Đã 18 euro rồi và họ vẫn chưa tới đường Tiburtina. “Chỉ lấy tiền mặt thôi, ông người Mỹ. Không lấy thẻ tín dụng Mỹ đâu”.
“Còn xa không?”, Mallon hỏi kẻ móc túi. Ông ta đang khoanh tay trước ngực, người lắc lư. Ông ta nhìn thẳng ra phía trước và không trả lời.
Kadare. Có thể là người Albany. Cuốn sách mà Mallon đã đọc có liên quan đến một thằng bé đang chờ bị giết bởi một dòng họ đối nghịch; thằng bé đã bắn chết một con trai của dòng họ kia để trả thù việc anh nó bị giết chết. Nợ máu hai nhà kéo dài đến nỗi không ai còn nhớ nó bắt đầu từ đâu nhưng những người đàn ông cứ tiếp tục chết vì nó, thậm chí, hơn thế, họ sống vì nó. Nợ máu mang lại một con đường rõ ràng về bổn phận và danh dự; nó cũng mang lại cái sức mạnh xả thân để bảo vệ những người phụ nữ của họ; nó sơn phủ những cuộc đời và những cái chết phí phạm bằng một mục đích bi tráng. Nhưng cái mà Mallon nhớ nhất là sự nhận biết ngày càng lớn và sâu sắc của thằng bé về cái chết đang đến gần. Nó tận hưởng ánh mặt trời trên mặt nó, mùi mỡ cừu nhỏ xèo xèo trên than, và sự lấp lánh của những hòn đá cuội trắng trên các triền núi bao quanh. Nó lang thang trong các con đường vắng người nhưng không bao giờ một mình: Cái chết luôn đi đồng hành và thôi thúc bản năng sống của thằng bé, cho đến lúc nó tràn trề sự sống đến nỗi nó đã đánh đổi sự sống đó cho một thằng bé khác lẽ ra sẽ bị giết.
Mallon đã thích cuốn sách, mặc dù đồng thời cảm thấy tội lỗi. Anh đã cưỡng lại sự ngưỡng mộ của mình đối với những nền văn minh bạo lực và không tán thành cái ý niệm rằng việc đặt cái chết ở sát gót chân người ta sẽ mang lại ý nghĩa và vẻ đẹp cho sự sống. Anh cảm thấy khá chắc chắn rằng hầu hết con người sẽ muốn được an toàn, muốn không bị đe dọa, và dĩ nhiên muốn có nơi ở tử tế, có thức ăn trên bàn, muốn có cảm giác thăng hoa khi biết rằng mình bất tử – nếu như cảm giác đó có tồn tại. Những điều kia chỉ là những cảm giác hư cấu có nguồn gốc tôn giáo và lãng mạn – Mallon đã tin thế cho đến lúc chính anh bắt đầu trải nghiệm những cảm giác này.
Không lâu sau sinh nhật lần thứ 11, con gái anh bắt đầu phàn nàn về những cơn đau đầu. Rồi người ta phát hiện ra con bé bị u não. Con bé qua khỏi và những cuộc thử máu đều cho kết quả âm tính trong ba năm qua; tuy thế, đã có những thời điểm, trong lúc Lucy phải xạ trị và hóa trị, cả Mallon và vợ anh đã tin chắc là họ sẽ mất con bé. Chiara trở nên cay đắng. Cô ấy luôn luôn giận dữ âm thầm, lúc nào cũng im lìm, hầu như không ăn gì, chỉ ru rú trong căn phòng dành cho khách, nơi cô ấy đã chuyển tới ngủ kể từ sau khi Lucy bị chuẩn đoán u não. Cô ấy thường nói rằng cô ấy ước mình chưa bao giờ ra đời.
Mallon thì không. Trong suốt thời gian con gái anh ốm, Mallon nhận thức ngày càng rõ nét về sự sống như một cái gì đó tốt tự thân, cả sự sống của anh lẫn sự sống của vợ anh. Cái nhận thức này có hình hài của sự kiên nhẫn chứ không phải một tiếng cười vui sướng hay niềm hy vọng, và anh đã thận trọng không dùng nó để đáp lại sự tuyệt vọng của Chiara; nhưng anh có thể cảm thấy cô ấy lờ mờ nhận ra và không thích điều đó; kể từ lúc Lucy ốm, cô ấy đã không thích mọi thứ về anh – sự điềm tĩnh của anh, việc anh vẫn có thể đi làm, giọng nói và sự động chạm của anh, thậm chí cả việc anh ăn ngon miệng hơn – điều mà anh đã chấp nhận, thậm chí nuông chiều mình đến mức lần đầu tiên trong đời, anh trở nên hơi mập.
Vào một buổi chiều tháng Một xám xịt, trong lúc đi bộ dọc bờ hồ sau khi rời bệnh viện, Mallon đã ngẩng lên quan sát những đợt sóng thẫm màu xô nhau vào bờ; và hiểu rằng vợ anh không còn yêu anh. Liệu cô ấy có bao giờ yêu anh trở lại không? Anh không nghĩ thế và thời gian đã chứng minh là anh đúng. Mặc dù Chiara cố gắng gộp anh vào trong hạnh phúc của cô ấy khi Lucy ra viện về hẳn nhà, nhưng cô ấy không muốn có anh bên cạnh. Mallon nghĩ sự hổ thẹn là gốc rễ của cảm giác khó chịu này bởi vì cô ấy đã đối xử tệ bạc với anh; tuy thế, Mallon biết Chiara sẽ không nhận ra điều đó; cô ấy thông minh và có học, cô ấy là chuyên gia phân tích bản thảo cổ quý hiếm tại Đại học Geneva, nhưng cô ấy không thích mổ xẻ bản thân, nhất là mổ xẻ tình cảm. Cô ấy tin tưởng sự chân xác của chúng và chấp nhận chúng vô điều kiện. Mặc dù Mallon đã hưởng lợi từ phẩm chất này lúc Chiara bỏ qua phản ứng của gia đình cô ấy để phá vỡ một lời đính ước từ trước mà kết hôn với anh, bây giờ nó khiến chính anh mất hy vọng.
Họ đã ly thân hơn một năm. Cô ấy giữ lại căn hộ. Anh thuê một căn hộ studio gần đó để anh và Lucy có thể đến thăm nhau thường xuyên khi muốn. Ý tưởng ban đầu là thế. Trên thực tế, sự lạnh lùng của Chiara nặng nề đến nỗi anh hiếm khi tới căn hộ của họ và thường phải đợi Lucy đến thăm anh, mà điều ấy thì không thường xuyên như anh mong muốn. Anh không thể trách con bé. Nó luôn bận bịu với trường học và bạn bè, rồi bọn con trai và dàn đồng ca – nó bận bịu với tất cả những thứ mà anh cầu mong con bé sẽ sống để tận hưởng.
Là người đánh giá dự án trong cơ quan, Mallon luôn luôn phải đấu tranh để có thời gian với gia đình. Gần đây, anh trở nên cương quyết hơn. Trong hai tháng vừa rồi, anh chỉ ở Geneva có 9 ngày giữa các đợt đi Zimbabwe và Uganda, nơi anh đã sống trong các khách sạn đắt tiền với những cái điều hòa hỏng, những bể bơi không có nước, những ụ súng máy bằng bao cát đặt cạnh cửa ra vào, và các thiết bị nghe trộm lộ liễu trong điện thoại. Những người quản lý dự án ở địa phương làm anh mệt mỏi bằng những bài thuyết trình Powerpoint và những cuộc họp với các lãnh đạo địa phương. Trong những chiếc xe Land Cruiser mới, họ đưa anh tới các địa bàn dự án, nơi những điều tốt đẹp chỉ đang bắt đầu hình thành; sau đó họ đưa anh tới những bữa tối đầy các bài phát biểu dài đằng đẵng và đôi lúc tới một vũ hội của bộ lạc hay cái gì đó tương tự như vậy.
Và dĩ nhiên là chả có gì thay đổi cả – nhiều khả năng là thế. Những con người nghèo khổ, đói khát mà anh liếc thấy qua cửa sổ lấm láp của những chiếc xe phóng nhanh vẫn sẽ nguyên như thế khi người đánh giá dự án sau tới – thường là với sức ép không được đánh giá thấp dự án để tránh làm mếch lòng những người đã phê duyệt chúng lúc đầu.
Những người nghèo sẽ vẫn nghèo, thậm chí họ sẽ ngày càng đông; nhưng ít nhất họ cũng không lố bịch. Sự lố bịch phải được dành cho những người quản lý dự án – những kẻ hút thuốc Benson & Hedges, dùng bật lửa Cartier, đồng hồ Rolex mạ vàng, nước hoa Armani và những thứ rượu châu Âu mà họ ép Mallon uống với một niềm tự hào dè dặt, cảnh giác. Với anh, họ lố bịch chính bởi vì anh và những người như anh – những người khách từ những nơi còn lố bịch hơn – đã khiến họ trở nên như thế; đã tạo nên cả một dàn những kẻ buôn nước bọt đáng ghét từ những tờ séc béo bở và những viễn cảnh xa thực tế nhưng nghe hay hớm đến nỗi chỉ có sự dối trá mới đáp ứng được chúng. Thế mà Mallon đã rời bỏ một công việc tốt ở hãng Nestle để chạy theo những điều này; anh đã xấu hổ trước sự thành công của anh trong một thế giới mà việc theo đuổi tiền và những thứ phát sinh từ tiền giờ đây dường như là thứ sòng phẳng, rành mạch nhất.
Họ đã ở trên phố Tiburtina. Người lái xe gõ vào đồng hồ tính cước taxi – đã bốn mươi mốt euro. Anh ta nhìn Mallon ái ngại trong gương. Giao thông di chuyển chậm chạp, trừ có những người đi xe máy phóng vùn vụt lên vệ đường và luồn vào khoảng cách hẹp giữa các làn xe. Hai bên đường san sát trạm xăng và các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng đồ gỗ giảm giá và các cửa hàng ô tô giăng đầy các dải dây phấp phới. Túi ni-lông bay dọc phố, mắc vào các hàng rào xoắn trôn ốc. Nếu không có bóng dáng của những bức tường La Mã hoặc tàn tích một miệng cống vòm ở một cánh đồng phía xa thì Mallon đã tưởng mình đang trở lại Illinois.
Người đàn ông móc túi ngả về phía trước và lẩm bẩm gì đó.
“Chỗ nào?” người lái xe hỏi.
Người móc túi chỉ vào một siêu thị bên kia đường.
Người lái xe lạng xe sang làn đường vòng lại và chờ một khoảng ngớt xe. Nhưng xe chạy không ngớt. Anh ta không chửi thề cũng chẳng nói gì nhưng Mallon có thể thấy những cơ hàm anh ta bạnh ra và chắc chắn anh ta đang thu gom can đảm để đánh liều. “Chờ đã”, anh nói, nhưng ngay lúc đó một chiếc xe tải đi chậm lại nhường đường cho họ và chiếc xe vọt sang bên kia đường, vào bãi đậu xe. Người móc túi chỉ anh ta lái về phía sau siêu thị, chỗ có một con đường rải sỏi chạy ra khỏi bãi, xuyên qua một dãy các kho chứa đồ, và tới một khu nhà có hàng rào. Khu nhà chất đầy những máy móc rỉ sét và những cái lõi gỗ lớn để cuộn dây cáp. Người lái xe lái quá nhanh trên con đường; chiếc xe như bay lên khỏi những ổ gà sâu, nham nhở.
“Sâu hơn” người móc túi nói. “Sâu thêm tí nữa”.
Rồi con đường dẫn tới một khoảng đất bùn. Ở cuối khoảng đất, một vài cái xe nhà nhỏ và xe chở đồ đã được kéo sát vào một dãy nhà chung cư đang xây dở; các cửa sổ của chúng đều không có kính, ban-công không có lan can, những vệt nước chạy loang lổ trên các bức tường xi măng. Hai cậu bé tảng lờ trời mưa đang nhún nhảy trên một cái đệm nằm giữa khoảng đất trong lúc những đứa trẻ khác ngồi xem trên xác hai chiếc xe hỏng. Hai đứa nhảy xuống đất và vừa chạy vừa la hét về phía chiếc taxi trong lúc chiếc xe khổ sở bò ngang qua một đống các vành bánh xe kim loại đã hỏng, săm lốp, giấy báo và những chai nhựa loáng sáng một cách kỳ lạ. Một con ngựa lùn đang giấu mõm trong một cái hộp các-tông. Nó né ra khi chiếc xe và đám trẻ chạy qua, vừa né vừa đá đá lấy lệ để che giấu sự lẩn trốn. Một thằng bé nhảy lên ca-pô chiếc taxi và cười toe toét với người lái; nó có một hàm răng trắng khỏe trên một khuôn mặt đầy bùn. Người lái xe lạnh băng nhìn ra phía trước.
Kẻ móc túi cũng tảng lờ bọn trẻ. Ông ta có cái vẻ của một người đàn ông đang bận rộn suy nghĩ trong lúc ngồi trong khoang một chiếc limousine có tài xế riêng. “Đằng kia”, ông ta nói và ra hiệu mơ hồ về phía khu nhà. Chiếc xe đi chậm lại rồi dừng hẳn và thằng bé trên ca-pô xe trượt xuống, giơ nắm đấm như một người chiến thắng trong lúc bọn trẻ con cười ngặt ngẽo và lấy hông huých nó.
Kẻ móc túi ra khỏi xe. Một đứa bé gọi ông ta “Miri!” và những đứa khác cũng gọi theo “Miri! Miri!” nhưng ông ta tỏ ra không nghe thấy gì. Khi Mallon ra khỏi xe định nói vài lời cuối cùng với ông ta thì ông ta quay đầu bước đi vài bước rồi dừng lại và cúi đầu như một người đang chịu tang. Mallon đi đến cạnh ông ta. “Chờ tôi chút”, anh nói với người lái xe trong lúc nắm lấy khuỷu tay kẻ móc túi.
“Không. Trả tiền đi. Bốn mươi tám euro”.
“Chờ đã. Cứ để đồng hồ chạy, tôi sẽ trả tiền”.
Lối vào khu nhà được rải bằng những tấm nhựa. Người đàn ông móc túi đẩy chúng sang hai bên và Mallon theo sát ông ta, vừa đi vừa đỡ ông ta vào trong sảnh chính – một cái sảnh xi măng thô đầy những miếng ngói vỡ đang lấp lánh dưới ánh sáng một ngọn đèn dầu treo trên trần nhà. Một người đàn bà Di-gan đang cúi gập người trên một cái chậu sắt bốc khói đặt trên một cái bếp lò; bà ta đang chà một tấm vải vào một cái bàn giặt. Bà ta đứng dậy nhìn Mallon. Khuôn mặt ngăm đen của bà ta chằng chịt những nếp nhăn sâu và cả hai hốc mắt mà từ đó đôi mắt nhỏ của bà ta nhìn ra như chiếu từ một nơi ẩn nấp. Đầu bà ta xệ xuống, hai vai nhô lên cao gần đến tai; lúc nào cũng như đang nhún vai. Bằng một giọng ồm ồm, bà ta nói gì đó mà Mallon không hiểu. Người đàn ông móc túi rúm người lại, lẩm bẩm gì đó vẻ hối lỗi. Bà già vứt tấm vải vào trong chậu và lau tay vào mặt trước của cái váy đang mặc rồi dẫn họ qua sảnh, xuống một hành lang tối tới một cái cửa có treo một tấm chăn. Bà ta giữ tấm chăn sang một bên và Mallon bỏ tay khỏi khuỷu tay người đàn ông. “OK, ông về nhà rồi”, anh nói và ông ta cúi đầu đi vào mà không nói một lời.
Bà già vẫn giữ cái chăn, gật đầu ra hiệu về phía trong.
“Không, tôi không thể’, Mallon nói.
“Avanti”, bà ta thúc giục, để lộ hàm răng vàng.
Mallon bước vào.
Mallon bước vào – kinh ngạc với sự dễ bảo của anh và bồn chồn vì sợ. Tại sao chứ? Anh chờ đợi gì, ruột anh quặn lên trong lúc anh bước qua cửa? Tất nhiên là không phải căn phòng này – ánh sáng yếu, giường ở góc phòng khá gọn, cái sô-pha màu vàng bóng lộn và một cái ghế cùng màu, một cây cọ giả. Không phải căn phòng này, và không phải hai đứa bé xinh đẹp đang ngước nhìn anh. Một đứa bé gái khoảng 8,9 tuổi và một cậu bé trai lớn hơn một chút; cả hai đều gầy và có những đôi mắt to. Chúng đứng hai bên của kẻ móc túi, đứa bé gái ôm lấy tay ông ta và tựa vào ông ta. Bọn trẻ lùi lại khi bà già đi vượt qua Mallon và tóm lấy vai áo của kẻ móc túi, rồi lột cái áo ra bằng những cú giật khiến cho ông ta loạng choạng. Không có cái jacket, trông ông ta càng nhỏ bé – nhỏ bé hơn và tròn hơn. Bà già vừa hầm hè vừa bắt ông ta nằm xuống giường rồi nói gì đó với con bé – nó giúp ông ta nằm xuống rồi quỳ bên cạnh để tháo giày cho ông ta.
Bà già vẫn nhìn, một tay chống nạnh. Rồi bà ta quay ra Mallon. “Ngồi!”, bà ta nói. Trước khi anh kịp trả lời, bà ta chỉ vào cái ghế vàng và cứ chờ cho đến lúc anh tuân lệnh. Rồi bà ta nói “Cứ ở đấy!” và đi khỏi phòng.
Người đàn ông móc túi nằm trên giường, thở dài. Đứa bé gái ngắm nghía Mallon từ chân giường, thằng bé thì từ cạnh cửa sổ ở cuối phòng. Cái cửa sổ đã được che bởi một tấm nhựa, thế nên chỉ có một thứ ánh sáng màu xam xám lọt qua. Đứa bé gái có một cánh tay gầy guộc với một cái khuỷu tay lớn; nó mặc một chiếc áo phông có hình gấu trúc trên ngực. Mallon cười với con bé. “Bố cháu à?” anh hỏi, hất đầu về phía kẻ móc túi.
Con bé không trả lời nhưng tiến một bước về phía Mallon.
“Hay là cậu?”
Hai đứa trẻ nhìn nhau rồi con bé phá lên cười – cái cười của một người lớn; rồi nó kéo cái áo phông lên che miệng.
Bà già gọi vọng vào từ bên ngoài. Đứa bé cụp mắt xuống và xoắn hai tay vào nhau; nó đi ngang qua phòng bằng những bước õng ẹo ngắn như thể đang bắt chước bà già. Thằng bé tiếp tục nhìn Mallon. Mallon nghĩ đến việc bỏ đi nhưng cái ghế sâu và ấm, và trước khi anh có thể thu vén ý chí mà đứng lên khỏi ghế thì con bé quay lại và đứng ngay trước mặt anh với một cái âu đựng sô-cô-la đã bóc trần và một chai Coca-Cola. Mặc dù Mallon lắc đầu từ chối, con bé vẫn cứ chìa ra mời, mắt nhìn thẳng vào mắt anh, đầu gật gật liên tục. Việc từ chối trở nên không thể. Anh lấy chai Coca-Cola. Nó ấm và đầy bọt trong miệng anh nhưng anh làm ra vẻ hết sức biết ơn; anh ngửa cổ ra sau và nhắm mắt trước khi đặt cái chai xuống sàn.
Người đàn ông móc túi rên rỉ và lăn về phía bức tường, vừa lăn vừa lẩm bẩm gì đó. Con bé quay lại nhìn ông ta rồi nhìn thằng bé lúc này đã lân la đến cạnh ghế của Mallon. Con bé tựa vào đầu gối Mallon, nhún nhún liên tục và lơ đãng, giống như những đứa trẻ vẫn làm khi mải nghĩ hoặc đang chú ý đến một chuyện gì đó. Hoàn toàn theo bản năng, anh nắm tay quanh sườn con bé và kéo nó vào lòng, rồi nhìn thằng bé đứng đó một mình và cũng lôi nó lên lòng anh. Mọi chuyện thật tự nhiên – cả với anh và với hai đứa trẻ. Nhẹ bỗng và mềm mại, chúng tựa vào người anh, đầu ở trên ngực anh. Từ trên nhìn xuống, hai đứa giống hệt nhau. Một mùi thơm dễ chịu, có mùi đất phảng phất từ đầu hai đứa. Người đàn ông móc túi lại lăn ngửa trở lại và bắt đầu ngáy. “Miri”, thằng bé thì thầm, rồi bắt đầu bắt chước người đàn ông bằng những tiếng nấc và khụt khịt giống hệt. Con bé rung người. Nó lấy cả hai tay để bịt miệng nhưng một tiếng cười giòn vẫn cứ bung ra khỏi những ngón tay con bé.
Mallon ngả đầu về phía sau. Anh mệt và cái ghế thì dễ chịu, và hai đứa bé thì ấm áp và thân thuộc với anh. Anh nhắm mắt. Thằng bé chỉ nghịch ngợm một lúc rồi bắt đầu im lặng và con bé cũng thế. Mallon có thể cảm thấy chúng thở – những hơi thở non nớt, nông, và đều nhau lạ lùng. Anh chợt nghĩ có thể hai đứa sinh đôi. Anh nghĩ đến cái bí ẩn của những cặp sinh đôi; anh chợt nhớ – lần đầu tiên sau rất nhiều năm – đến cặp anh em sinh đôi mà anh đã lớn lên cùng – Jerry và Terry, hay là Jerry và Larry nhỉ; nhưng anh mất dấu ý nghĩ và chấp nhận bỏ lửng ý nghĩ đó, còn anh để mình trôi nổi, bập bềnh theo những tiếng ngáy của người đàn ông móc túi, cho đến lúc anh gần như cũng nghe thấy tiếng ngáy của chính anh. Về sau, anh băn khoăn không biết chuyện này kéo dài bao lâu. Chắc là không lâu mặc dầu khi anh cảm thấy bọn trẻ trườn xuống khỏi anh thì anh mở mắt và cảm thấy tỉnh táo như thể anh đã ngủ hàng tiếng đồng hồ.
Bà già đang đứng trước cái ghế. “Có cậu kia muốn gặp anh”, bà ta nói.
Họ trở lại trên phố Tiburtina. Vẫn còn một đoạn xa mới tới trung tâm Rome và khách sạn của anh, tiền taxi đã lên tới 115 euro khi Mallon đập tay vào túi áo. Người lái xe nhận ra cử chỉ của anh và dướn mắt nhìn anh qua gương. Mallon – vẫn nhìn ra trời mưa qua cửa kính loáng nước – không để lộ điều gì. Khoảnh khắc trôi qua. Anh ngáp ầm ỹ rồi vừa giả vờ ngọ nguậy người, anh vừa vỗ vỗ vào ngực để khẳng định là cục tiền của anh đã biến mất.
Họ tiếp tục đi trong mưa lớn và những ánh đèn xe loang loáng. Mới chỉ ngoài 6 giờ nhưng bầu trời đen thẫm và chỉ lóe sáng dưới những tia chớp. Miệng Mallon khô. Anh hít một hơi sâu đến nỗi người lái xe lại nhìn anh khi anh thở ra.
“Tôi có một vấn đề”.
Đôi mắt người lái xe liên tục dịch chuyển giữa con đường và gương chiếu hậu.
“Tôi đã mất ví tiền rồi”.
“Cái gì?”
Ví của tôi biến mất rồi.
“Ông không có tiền hả?”
“Ngay bây giờ thì không. Tôi có thể lấy tiền ở khách sạn. Người quản lý có thể ứng cho tôi một ít”.
Người lái xe chúi người về phía trước, nhìn xuyên qua màn mua và bật xi nhan rẽ.
“Chắc tối nay tôi không lấy được tiền nhưng mai thì được, mai thì chắc chắn. Tùy xem ông quản lý khách sạn có đây không. Signor Marinelli. Ông ta quen tôi”. Mallon thấy mình nghe như một kẻ lừa đảo, nhưng anh vẫn thêm “Tôi sẽ trả anh”.
“Ông biết thừa”, người lái xe nói.
“Cái gì? Anh nói gì?”
Không có câu trả lời. Người lái xe tấp vào vỉa hè và dừng xe lại. Có cái gì đó kinh khủng trong sự quả quyết, sự im lìm và cách anh ta ngồi yên với cái cổ cứng đờ, hai tay đặt trên vô-lăng, mắt nhìn thẳng ra phía trước. “Ông người Mỹ”, anh ta nói và hít hơi vào giữa hai kẽ răng. Những chiếc xe phóng vụt qua. Mưa vẫn đập trên nóc xe. Mallon muốn nói gì đó nhưng rồi lại sợ – như thể sự căm ghét của người lái xe là một thứ dầu có thể cháy bùng nếu anh thốt ra một từ. Anh cảm thấy như anh đã mất quyền nói.
“Ra khỏi xe đi”, anh ta nói.
Cho đến lúc Mallon ra khỏi xe và đóng cửa lại, hai ống quần anh đã ướt và dính chặt vào người. Chỉ đến lúc chiếc xe vọt đi anh mới nhớ đến cái ô. Mưa chạy dài trên mặt anh. Anh bỏ áo jacket phủ lên đầu, tay giữ cổ áo ra phía trước như cái mũi tàu; anh rảo bước dọc vỉa hè một lúc rồi đi giật lùi khi gió tạt thẳng vào mặt anh. Có cái gì đó vấp vào chân anh và suýt làm anh ngã. Một nửa tấm xi măng đã làm bung đế giày của anh. Anh giật cái đế lên, nhìn nó, rồi vứt sang bên và tiếp tục bước.
Người lái xe có ý gì? Ông biết thừa. Biết cái gì? Và tại sao khi nói xong, anh ta lại thấy như là đã bại lộ, đã lỡ lời? Anh ta không thể biết điều Mallon biết; nhưng Mallon biết điều mà anh biết. Chỉ bây giờ anh mới nhận ra điều này; nhưng anh đã biết, biết rõ, từ cái lúc ở trong căn phòng đó, người ngả ra sau mơ màng nhưng không hề ngủ, rằng đang có một bàn tay thò vào trong ngực anh, giữa áo jacket và áo sơ mi, rồi lặng lẽ lấy cục tiền ra. Anh nhớ rõ sự nhẹ bỗng khi cục tiền ra khỏi ngực áo anh, như thể nó đã là một khối chì. Sự nhẹ bỗng ấy – nó lạ lùng làm sao.
Sấm rền ở đâu đó. Mưa tạt áo sơ mi của Mallon dính vào lưng anh và làm nhòe ánh đèn những chiếc xe đi ngược chiều với anh. Cao hứng, anh thò một ngón tay ra. Anh đã không đi nhờ xe từ hồi đại học, và cả hồi đấy cũng hiếm khi đi nhờ xe. Có thể là cái cà vạt sẽ giúp anh. Mà có thể là nó khiến mọi thứ trông quá tính toán, quá nham hiểm – một dấu hiệu nguy hiểm. Anh lại đang ướt lướt thướt, như người ta sẽ thấy rõ. Liệu chính anh có cho anh đi nhờ xe không? Anh nhanh chóng từ bỏ ý định và quay đi nhưng anh thấy đèn sau một chiếc xe đang nháy sáng và một người đàn ông chạy lại phía anh với một cái ô để mở.
Chính là anh chàng lái xe lúc nãy. Anh ta đi khập khiễng trên những cái chân ngắn. Anh ta chạy tới chỗ Mallon và chìa ô ra; cái ô oằn lên và tả tơi trong gió.
“Muộn rồi”, Mallon nói.
“Không, làm ơn”, Anh ta che ô một cách vô ích trên đầu Mallon. “Đi nào, xin ông, đi nào”. Anh ta kéo anh trở lại taxi và mở cửa cho anh. “Mời ông”, anh ta nói khi Mallon lưỡng lự.
Anh vào xe. “Tôi sẽ trả tiền”, anh nói.
“Không, không tiền, nhìn này!”, anh ta chạm vào đồng hồ tính tiền. Nó đã được tắt đi.
“Tôi sẽ trả”.
“Không, tôi tặng. Nhưng ông đừng báo cáo, ok?”
Mallon nhìn vào mắt người lái xe qua gương. “À”, anh nói.
“Không báo cáo?”
“Không báo cáo. Nhưng tôi vẫn trả tiền anh”.
“Tôi tặng. Ông người Mỹ, đúng không? California đúng không?”
Mallon nói phải để tránh phải giải thích. Chả ai biết Illinois; mà đằng nào anh cũng không ở đó nhiều năm rồi.
“Ông đi xe gì? Chevrolet hả? Cái taxi này của bố vợ tôi. Michele. Ông ấy ốm. Không có tiền”.
Người lái xe tiếp tục huyên thuyên: nào là bố vợ anh ta ốm, chị gái anh ta ốm, giấy phép lái xe có vấn đề. Trong lúc nói, anh ta liên tục nhìn vào gương theo dõi thái độ của Mallon. Anh ta nghe như một giám đốc dự án đang cố giải trình và thanh minh về một thất bại. Mallon thấy chán ngán và thất vọng. Thế mà anh cứ tưởng đây là hậu duệ của giống người sơn cước giang hồ, một kẻ báo thù không gớm tay.
Bộ quần áo ướt của Mallon đã trở nên lạnh bủng. Chân anh đang bơi trong đôi giày hỏng. Chả sao – anh còn một đôi khác trong phòng, và một bộ đồ khác, và còn đầy quần áo ở nhà. Dĩ nhiên là người quản lý khách sạn sẽ chào đón anh bằng những câu cảm thán thông cảm và sẽ đưa cho anh tất cả những gì anh cần cho đến lúc Geneva gửi tiền cho anh vào sáng mai. Anh chỉ cách cái bồn tắm ấm áp của anh có vài phút nữa thôi. Anh sẽ bước ra khỏi bồn tắm đó vào căn phòng có điều hòa nhiệt độ và đứng cạnh cửa sổ. Cái áo bông tắm sẽ dày và mềm, và anh sẽ khoác nó lên, hai tay thọc sâu vào trong túi áo trong lúc anh nhìn những người đi lại ở con phố bên dưới. Anh có thể nhìn thấy mình đang làm điều đó. Đến chiều mai, anh sẽ có một cái hộ chiếu mới, một loạt thẻ tín dụng mới, tất cả mọi thứ. Anh biết rằng có nhiều người, có thể là hầu hết những người bị mất những gì anh mất hôm nay – tiền của họ, căn cước của họ – sẽ cảm thấy vô vọng trong thế giới này. Nhưng anh không phải là họ. Anh có muốn thế thì người ta cũng không cho phép. Và bất chấp tất cả những suy nghĩ của anh về sự sa ngã trước vật chất và đặc quyền, anh có muốn khác đi không? Không, anh đoán là không. Anh đã sẵn sàng để kết thúc cái chuyến phiêu lưu này rồi.
Cho đến lúc họ tấp vào khách sạn, cơn giông đã qua và người gác cửa khách sạn đã phải lấy tay che mắt khỏi ánh nắng chiều xuyên từ phía cuối phố. Người lái xe nhanh chân hơn người gác cửa khách sạn; anh ta mở cửa xe cho Mallon và giơ tay ra cho anh vịn như với một người phụ nữ. Mallon tảng lờ nó; anh bước ra ngoài, ẩm ướt và nheo mắt.
“Ok?” người lái xe nói. “Ồ còn cái ô, cái ô của ông đâu?” Anh ta cúi người vào trong xe. “Đây rồi! Bạn bè chứ, ok?”
“Không báo cáo!” Mallon nói.
“Ông California!” người lái xe nói. “Hollywood, phải không?”
“Phải” Mallon nói. “Hollywood!”
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu