Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 34
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kẻ Nói Dối
ẹ tôi đọc mọi thứ, trừ sách. Bà đọc quảng cáo trên xe buýt, bà đọc toàn bộ thực đơn nhà hàng khi chúng tôi đi ăn, bà đọc các tấm pano, áp phích – đại để, cứ cái gì không có bìa là mẹ tôi muốn đọc. Vì thế nên khi mẹ tôi tìm thấy một lá thư trong ngăn kéo của tôi thì mẹ tôi đọc, dù thư không gửi cho bà. “Đằng nào thì thằng James cũng có gì phải giấu giếm đâu?”, mẹ tôi nghĩ như thế. Bà nhét lá thư trở lại ngăn kéo sau khi đọc xong rồi đi từ phòng này sang phòng khác trong căn nhà lớn vắng người, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình. Rồi bà lấy lá thư ra đọc lại một lần nữa. Sau đó, không mặc áo khoác cũng không đóng cửa, bà xuống thềm đi về nhà thờ ở cuối phố. Dù bực mình hay hoang mang đến đâu, bà luôn đến dự buổi cầu kinh lúc 4 giờ chiều.
Hôm đó trời đẹp – xanh và lạnh và lặng gió nhưng mẹ tôi bước đi như thể đang đi trong gió mạnh; người bà gập lại, chân bước những bước ngắn, vội vã. Anh chị tôi và tôi thấy dáng di này của bà thật buồn cười và chúng tôi thường nhấm nháy nhau khi mẹ tôi đi ngang qua mặt chúng tôi để cời lửa hoặc tưới cây. Chúng tôi không để cho mẹ phát hiện ra trò của chúng tôi. Bà hẳn sẽ không thể nào tin được là mình lại có cái gì đó đáng cười. Cái gần nhất với sự hài hước ở mẹ tôi là tiếng cười ha ha, không thật. Những người lạ đôi khi kinh ngạc nhìn bà.
Trong lúc chờ ông linh mục đến muộn, mẹ tôi cầu nguyện. Bà cầu nguyện theo một lối quen thuộc, có trật tự, và thành kính: trước hết là cho người chồng quá cố của bà, tức cha tôi; rồi sau đó là cha mẹ bà – cũng đã chết. Bà sẽ cầu nguyện nhanh cho cha mẹ của bố tôi – chủ yếu là có tính nghi thức vì bà không ưa họ; cuối cùng bà cầu nguyện cho các con của bà theo thứ tự tuổi tác, tôi ở cuối cùng. Mẹ tôi không coi sự sáng tạo là một phẩm chất đáng quý và từ đầu cho đến khi tên tôi xuất hiện thì lời cầu nguyện của mẹ tôi giống hệt như mọi ngày.
Khi đến tôi, mẹ tôi cầu nguyện thẳng thừng. “Con cứ tưởng là nó sẽ không làm thế nữa. Ông Murphy nói nó đã khỏi hẳn. Giờ con phải làm thế nào đây?”. Giọng bà có vẻ trách móc. Mẹ đã đặt rất nhiều hy vọng vào việc tôi khỏi hẳn; bà đã coi đó là câu trả lời cho những lời cầu nguyện của bà. Để tạ ơn Chúa, bà đã gửi rất nhiều tiền cho Hội truyền đạo Thomasite – số tiền bà đã để dành để đi du lịch ở Rome. Bây giờ bà cảm thấy như bị lừa và cần phải bày tỏ thái độ. Khi ông linh mục bước vào, mẹ ngồi trở lại ghế và tiếp tục buổi lễ. Sau lễ ban thánh thể, bà lại bắt đầu lo lắng và đi thẳng về nhà mà không dừng lại nói chuyện với Dorothea, bà già vẫn luôn tìm mẹ sau buổi lễ để nói chuyện về những kế hoạch ám hại bà của bọn tay sai của quỷ Sa tăng, và bọn theo mật giáo. Dorothea nheo mắt nhìn bà đi khỏi.
Sau khi trở về nhà, mẹ tôi lấy lá thư trong ngăn kéo của tôi ra và mang nó vào bếp. Bà giữ nó trên bếp bằng những đầu móng tay; mặt bà quay đi chỗ khác để không phải nhìn nó, rồi bật bếp đốt. Khi ngọn lửa bắt đầu cháy gần vào các móng tay, bà thả lá thư đang cháy vào bồn rửa bát và nhìn ngọn lửa đen dãn đi, bập bùng, và thu hẹp lại như một nắm tay khép dần lại. Rồi bà xối nước cho nó trôi xuống cống và gọi điện cho bác sĩ Murphy.
Lá thư đó tôi gửi cho thằng Ralphy bạn tôi ở Arizona. Nó từng sống ở đối diện nhà chúng tôi nhưng rồi nó chuyển đi. Hầu hết lá thư chỉ kể về chuyến đi đến đảo Alcatraz của lớp tôi. Chuyện đó thì cũng chẳng sao. Cái mà mẹ tôi chú ý là khổ cuối cùng; tôi đã viết là mẹ tôi dạo này hay ho ra máu mà bác sĩ chẳng biết tại sao và chúng tôi thì chỉ biết hy vọng chuyện không có gì nghiêm trọng.
Chuyện này không có thật. Mẹ tôi tự hào về sức khỏe của bà; bà tự coi mình là một con ngựa: “Tôi là một con ngựa khỏe”, bà thường nói vậy khi người ta hỏi thăm sức khỏe bà. Từ vài năm nay tôi hay bịa đặt một số thứ không mấy hay ho và chuyện này làm mẹ hết sức phiền lòng – đến mức bà đã đưa tôi đến gặp bác sĩ Murphy và tôi đang ngồi ở văn phòng của bác ấy lúc bà đốt lá thư. Bác sĩ Murphy là bác sĩ của gia đình tôi, bác ấy không được đào tạo về phân tâm học nhưng quan tâm đến “những thứ liên quan đến đầu óc”, như lời bác ấy nói. Bác ấy đã chữa khỏi bệnh viêm ruột thừa và viêm a-mi-đan cho tôi, thế nên mẹ tôi nghĩ bác ấy cũng có thể cấy sự trung thực vào tôi dễ dàng như việc cắt một số thứ khỏi người tôi. Bác Murphy không chia sẻ hy vọng này với mẹ tôi; đại loại, bác ấy chỉ muốn giúp tôi hiểu những việc tôi đã làm và gần đây thì bác ấy đi đến kết luận là thực ra tôi luôn luôn hiểu rõ những việc tôi làm.
Bác sĩ Murphy lắng nghe mẹ kể lể về lá thư. Bác ấy tò mò về những từ ngữ tôi đã dùng và trở nên bực mình khi mẹ nói đã đốt nó. “Vấn đề ở đây là”, mẹ nói. “lẽ ra nó phải khỏi bệnh đó rồi nhưng rõ ràng là nó vẫn chưa khỏi”.
“Margaret, tôi chưa bao giờ nói với chị là nó khỏi bệnh”.
“Anh chắc chắn đã nói thế mà. Nếu không thì tại sao tôi lại gửi cả ngàn đô cho hội Thomasite?”
“Tôi chỉ nói là thằng bé hoàn toàn có ý thức về việc nó làm. Điều đó có nghĩa là James biết nó đang làm gì chứ không phải là nó sẽ thôi làm những gì nó đang làm”.
“Tôi chắc chắn anh đã nói là nó được chữa khỏi hẳn rồi”.
“Không bao giờ. Mà chị nói James được chữa khỏi là có ý gì?”
“Anh biết rõ điều đó”.
“Chị nói cho tôi biết xem”.
“Thì tức là kéo nó về với thực tế chứ còn gì nữa”.
“Thực tế của ai? Của chị hay của nó?”
“Murphy, anh nói gì thế? James không điên, nhưng nó mắc bệnh nói dối”.
“Cái đó thì chị đúng”.
“Tôi phải làm gì với nó bây giờ?”
“Tôi không nghĩ là chị có thể làm gì nhiều đâu. Cứ kiên nhẫn là được”.
“Tôi đã kiên nhẫn rồi”.
“Nếu tôi là chị, Margaret, tôi sẽ không quá lo về chuyện này. James không ăn cắp, đúng không?”
“Dĩ nhiên là không”.
“Nó không đánh nhau hoặc cãi lại chị?”
“Không”.
“Thế thì chị đã có thể cảm ơn Chúa rồi đấy”.
“Tôi không thể nào chịu được nữa. Hồi mùa hè năm ngoái thì nó bịa chuyện máu trắng. Giờ thì chuyện này”.
“Rồi thằng bé sẽ chán và dừng lại thôi, tôi nghĩ thế”
“Murphy, nó đã 16 tuổi rồi. Nếu nó không chán thì sao? Nếu như nó càng ngày càng giỏi nói dối thì sao?”
Rút cục, mẹ tôi nhận ra là bà không thể có câu trả lời thỏa mãn từ bác sĩ Murphy vì bác ấy cứ nhắc bà về những thứ bà nên biết ơn. Bà nói điều gì đó trúng tim bác Murphy khiến bác ấy vặc lại và bà cúp điện thoại. Bác sĩ Murphy nhìn chằm chằm vào ống điện thoại. “A lô?”, bác ấy nói, rồi gác điện thoại. Bác lấy tay vuốt đầu – một thói quen bác vẫn giữ từ hồi còn tóc. Để ra vẻ là người dễ tính, bác ấy hay đùa về cái đầu hói của mình nhưng tôi có cảm giác bác rất tiếc chuyện này. Bác ấy nhìn tôi từ bên kia bàn; có vẻ như đang ước là đã không nhận tôi làm bệnh nhân. Điều trị cho con của một người bạn cũng giống như mang tiền của người bạn đi đầu tư.
“Chắc bác không cần nói với cháu là ai gọi”.
Tôi gật đầu
Bác sĩ Murphy đẩy ghế lùi lại rồi xoay ngược nó để có thể nhìn ra ngoài cửa sổ phía sau. Cái cửa sổ chiếm gần hết bức tường. Bên ngoài vịnh, một vài chiếc thuyền buồm vẫn đang lướt và tiến về phía bờ. Một làn sương mù xám mỏng đã che cây cầu và đang tản ra rất nhanh. Mặt nước có vẻ lặng khi nhìn từ trên này xuống nhưng khi tôi nhìn kỹ hơn tôi có thể thấy những đốm sáng trắng khắp nơi, chứng tỏ mặt nước nhiều gợn sóng.
“Bác ngạc nhiên về cháu”, bác sĩ Murphy nói. “Sao lại vứt một thứ như thế bừa bãi trong nhà để mẹ cháu tìm thấy. Nếu cháu thực sự cứ phải làm thế thì ít nhất cũng nên tử tế mà giấu nó đi. Chuyện thế này không dễ chịu với mẹ cháu, nhất là vì bố cháu đã mất và các anh chị của cháu lại ở xa”.
“Cháu biết. Cháu đâu có định để mẹ cháu tìm ra”.
“Thật thế sao?”, bác sĩ Murphy đập đập cây bút chì vào răng cửa. Về chuyên môn, ông có vẻ không tin tôi; nhưng về mặt cá nhân thì có vẻ ông tin. “Bác nghĩ là cháu nên về nhà làm lành với mẹ cháu”.
“Cháu cũng nghĩ thế”.
“Nói với mẹ cháu là có thể bác sẽ ghé vào tối nay hoặc ngày mai. Mà này James, đừng coi thường mẹ cháu”.
Hồi bố tôi còn sống, chúng tôi thường đi rừng quốc gia Yosemite ba hay bốn ngày vào mùa hè. Mẹ tôi sẽ lái xe và bố tôi sẽ chỉ những chỗ thú vị, những đồng cỏ từng có các thị trấn thịnh vượng, những cái cây dùng để treo cổ tử tù, những dòng sông đã từng đổi dòng. Hoặc ông sẽ đọc cho chúng tôi nghe. Cũng như những người lớn khác, ông tưởng rằng trẻ con thích nghe chuyện của Dickens hay Walter Scott. Bốn chúng tôi ngồi ở ghế sau với khuôn mặt chăm chú, nghiêm chỉnh nhưng tay và chân thì đẩy, dẫm, dậm, ngoặc, móc, chọc, thúc, hoặc đá nhau.
Một tối, một con gấu đến gần trại của chúng tôi ngay sau bữa tối. Mẹ tôi đã làm món cá thu hầm và hẳn là mùi của món ấy làm con gấu thèm nhỏ dãi. Nó đi vòng quanh một lúc trong khi chúng tôi ngồi quanh đống lửa rồi đứng lên vặn vẹo người. Anh Michael nhìn thấy nó trước và lấy cùi chỏ ra hiệu cho tôi; rồi đến lượt các chị tôi nhìn thấy và hét lên. Mẹ và bố vẫn ngồi xoay lưng lại nhưng mẹ tôi hẳn đã đoán ra chuyện bởi vì bà lập tức nói: “Đừng có hét lên như thế. Nếu con làm nó sợ, thì có trời mới biết nó sẽ làm gì. Chúng ta sẽ hát và nó sẽ bỏ đi”.
Chúng tôi hát “Chèo, chèo, chèo thuyền” nhưng con gấu vẫn ở lại. Nó đi vòng quanh chúng tôi vài lần, thỉnh thoảng lại đứng lên trên hai chân sau để hít ngửi. Nhờ ánh lửa, tôi có thể thấy khuôn mặt giống như mặt chó của nó và cả những cơ bắp cử động dưới làn da bèo nhèo của nó như những hòn đá trong một cái bao tải da. Chúng tôi hát ngày càng to trong lúc nó đi quanh chúng tôi, càng ngày càng vào gần. “Được rồi”, mẹ nói. “thế là đủ lắm rồi”. Mẹ bất thần đứng bật dậy. Con gấu đứng lại quan sát mẹ. “Có giỏi thì vào đi”, mẹ nói. Con gấu ngồi xuống, nhìn qua nhìn lại. “Có giỏi thì vào đi”, mẹ nói đi nói lại và nhặt một hòn đá lên.
“Margaret, đừng!”, bố tôi nói.
Mẹ ném mạnh hòn đá và nó trúng vào bụng con gấu. Ngay cả trong ánh sáng lờ mờ, tôi có thể thấy bụi bay lên từ lông nó. Nó gầm gừ và đứng thẳng trên hai chân sau. “Mày thấy chưa?” mẹ gào lên. “Đồ gấu bẩn thỉu. Đồ bẩn thỉu!” Một chị của tôi cười khúc khích. Mẹ nhặt một hòn đá khác. “Margaret, thôi nào!”, bố tôi nói. Ngay lúc đó, con gấu quay đầu bỏ chạy. Mẹ ném hòn đá theo nó. Cho đến hết đêm đó, con gấu lảng vảng quanh trại cho đến khi nó tìm thấy cái cây mà chúng tôi treo thức ăn. Nó ăn toàn bộ số thức ăn. Ngày hôm sau chúng tôi lái xe trở lại thành phố. Chúng tôi đã có thể mua thêm thực phẩm trong thung lũng nhưng bố tôi muốn về nhà và không chịu nghe ý kiến của ai. Mặc dù bố cố làm mọi người vui lên bằng cách kể chuyện cười, anh Michael và các chị tôi tảng lờ bố và chỉ nhìn lơ đãng ra ngoài cửa sổ.
Tôi và mẹ chưa bao giờ hợp nhau, nhưng tôi chưa bao giờ coi thường mẹ. Chỉ có mẹ coi thường tôi. Hồi tôi bé, mẹ cứ nghĩ là tôi nhát vì tôi không thích bị tung bổng lên, và bởi vì khi tôi thấy mẹ với các anh chị tôi cười đùa ầm ỹ thì tôi hay lảng ra chỗ khác. Khi họ lôi tôi vào cuộc thì tôi thường bị thương, nào là bị đầu gối thúc vào môi, nào là bị gãy ngón tay, chảy máu mũi – và mẹ thường lấy những chuyện này ra để coi thường tôi, như thể tôi cố tình gây ra những chuyện đó để khỏi phải chơi.
Ngay cả những chuyện tôi làm tốt cũng vẫn làm mẹ bực mình. Tất cả chúng tôi đều thích các trò chơi chữ, trừ mẹ – vì mẹ thường không hiểu; và trong nhà thì sau bố, tôi là người chơi chữ cừ nhất. Trò mà tôi thích nhất là trò Swifty7; bố tôi thường đùa là “con chơi còn giỏi hơn bọn tội phạm”. Bố thường khuyến khích tôi biểu diễn trong bữa tối – và hẳn là với người ngoài thì điều này rất kỳ cục. Mẹ không hiểu trò chơi nhưng mẹ không thích.
Lúc nào mẹ cũng nghi ngờ tôi. Tôi không thể nào đi xem phim mà không bị mẹ lục hết các túi quần túi áo để xem tôi có đủ tiền mua vé hay không. Khi tôi đi cắm trại xa, mẹ mở tung ba lô của tôi trước mặt toàn bộ bọn con trai đang đứng chờ xe buýt bên ngoài nhà. Tôi chẳng thà đi cắm trại không có túi ngủ và một vài cái quần lót để thay (tôi bỏ quên chúng) còn hơn là bị lục ba lô như một thằng ngốc như thế.
Và mẹ lại còn nghĩ tôi là đứa vô cảm vì những gì xảy ra vào hôm bố tôi mất và những ngày sau đó. Tôi không khóc trong đám ma bố và còn tỏ ra buồn chán trong lúc người ta đọc điếu văn; tôi đã nghịch quyển thánh ca. Mẹ tôi dúi hai tay tôi vào vạt áo của tôi và tôi cứ để nguyên chúng ở đó như thể tôi đang cầm cái gì hộ ai; chuyện này làm cho mẹ hết sức bực. Vài ngày sau đó, chúng tôi có vẻ làm lành được với nhau sau khi tôi quyết định nhắm tịt mắt lại lúc đang ở trường rồi dứt khoát không chịu mở mắt ra. Khi vài giáo viên và cả ông hiệu trưởng không làm sao thuyết phục được tôi mở mắt nhìn họ hoặc nhìn cái phần thưởng mà họ hứa đưa cho tôi thì người ta giao tôi cho y tá của trường. Họ đã cố cạy mí mắt tôi mở ra và đã làm xước một bên mí mắt. Mắt tôi sưng lên và người tôi cứng đờ ra. Ông hiệu trưởng hết hồn gọi điện cho mẹ tôi đến đón tôi về nhà. Tôi không chịu nói chuyện với mẹ, cũng không chịu mở mắt ra và khi chúng tôi về đến nhà, mẹ phải hướng dẫn tôi đi từng bước một. Mẹ để tôi nằm trên ghế sô-pha rồi chơi piano cho tôi nghe cả buổi chiều. Cuối cùng, tôi cũng mở mắt ra; chúng tôi ôm nhau và tôi khóc. Mẹ không thực sự tin những giọt nước mắt của tôi nhưng cũng chấp nhận nó, kể cả nếu như tôi đã giả khóc để chiều ý mẹ.
Chuyện tôi nói dối cũng làm chúng tôi xa nhau, và cả chuyện tôi có vẻ chẳng coi trọng lời hứa sẽ không nói dối nữa. Thường thì những lời nói dối của tôi sẽ đến tai mẹ tôi; người ta sẽ dừng mẹ trên phố để chia buồn về những chuyện họ đã nghe thấy. Dĩ nhiên hàng xóm của chúng tôi không muốn làm mẹ bẽ mặt, cho nên họ không làm thế nữa sau khi họ phát hiện ra trò dối trá của tôi. Nhưng với người lạ thì mẹ vẫn phải chịu đựng. Mùa hè sau khi bố tôi mất, tôi đến thăm chú tôi ở Redding và trên đường về, tôi đã cố chuồn khỏi người đàn ông ngồi cạnh tôi nhưng không thoát được. Khi ông ta thấy mẹ đến ôm tôi, ông ta tiến tới đưa cho mẹ một cái danh thiếp và bảo mẹ liên hệ với ông ta nếu mọi chuyện tệ hơn. Mẹ trả lại thiếp cho ông ta và bảo ông ta đừng nhúng mũi vào chuyện người khác.
Mẹ không chỉ phiền lòng về chuyện tôi nói dối; cái chính là nội dung của những lời nói dối. Đấy là mấu chốt sự xung đột của chúng tôi, giống như giữa mẹ và bố. Mẹ từng làm tình nguyện ở bệnh viện nhi và ở nhà ăn thánh Anthony, mẹ từng đi quyên góp cho hội từ thiện thánh Vincent de Paul. Mẹ là người thắp nến, và ở chuyện này thì các anh chị tôi giống mẹ. Bố tôi thì lại ghét bóng tối; bố thích nguyền rủa bóng tối. Bố sinh động nhất lúc ông đang bực mình về cái gì đó. Vì chuyện này mà hoạt động quan trọng nhất trong ngày của ông là đọc báo buổi tối.
Tờ báo của chúng tôi là một tờ báo khủng khiếp. Nó chẳng quan tâm gì đến thành phố hoặc chuyện chính trị hay nghệ thuật; nó chỉ toàn tin giật gân và những sự việc kinh hoàng. Khi bố tôi ngồi trong phòng khách đọc báo, mẹ tôi ở trong bếp và giữ chúng tôi bận rộn, trừ tôi ra, bởi vì tôi thường yên lặng và có thể tự chơi. Tôi tự chơi bằng cách quan sát bố.
Bố ngồi, hai đầu gối dạng ra, người chúi về phía trước, hai mắt dí vào trang báo, đầu gật gật trong lúc đọc. Thỉnh thoảng, bố ném tờ báo xuống rồi đi đi lại lại trong phòng, rồi lại nhặt tờ báo lên và bắt đầu đọc tiếp. Có lúc ông đọc to một đoạn lên. Ông thường bắt đầu với trang tin tức giới thượng lưu mà ông gọi là trang của bọn trưởng giả hút máu. Mục này bắt đầu có vị của một trang truyện cười hoặc là truyện dài kỳ, trong đó một số nhân vật xuất hiện hầu như hàng ngày, thường là trong những bộ quần là áo lượt, tay nâng ly rượu tại các buổi lễ cho trẻ mồ côi, cười toe toét phía sau những cặp kính râm trên hành lang một túp lều trượt tuyết trong núi Sierras. Những người trượt tuyết thường làm bố tôi cáu nhất, có lẽ bởi vì ông không bao giờ hiểu nổi họ. Bản thân chuyện trượt tuyết đã là không thể nào hiểu nổi rồi. Có một cuối tuần mùa đông, các chị tôi đi chơi hồ Tahoe về và hết lời ca ngợi vẻ đẹp của chỗ đó, bố tôi đã bắt họ im đi. “Tuyết thì có cái quái gì là hay ho”, ông nói.
Rồi sau đó là mục tin tức, hoặc cái mà tờ báo tống vào mục tin tức: nào là những xác người tìm thấy ở Scotland, nào là cựu đảng viên Quốc xã trúng cử; nào là động vật quý hiếm bị giết thịt; nào là người nghèo trần truồng chết cứng trong những ngôi nhà lạnh cóng, trên những chiếc đệm có giấu hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu đôla; nào là linh mục cưới vợ; rồi diễn viên li dị; tỷ phú dầu mỏ xây lăng tẩm tưởng niệm con ngựa yêu; rồi những kẻ ăn thịt người. Cha tôi vừa đọc vừa giữ một nụ cười mỉa mai, ngán ngẩm trên mặt.
Mẹ tôi khuyến khích bố theo đuổi một đam mê nào đó hoặc tham gia các hội nhóm, nhưng bố không chịu. Ông không thoải mái với người ngoài gia đình. Bố mẹ tôi hiếm khi ra ngoài, hiếm khi mời khách đến nhà, trừ những ngày lễ lớn. Khách của họ lần nào cũng thế: bác sĩ Murphy và vợ, với một vài người khác mà họ đã quen từ lúc bé. Hầu hết họ chưa bao giờ quen nhau trước khi tới nhà tôi và họ cũng chẳng vui vẻ gì với nhau khi tới nhà tôi. Bố bỏ mặc vai trò chủ nhà bằng cách trêu chọc họ về những điều ngu ngốc mà họ đã nói hoặc làm trước đây và bắt họ phải tự cười nhạo bản thân.
Mặc dù bố tôi không uống rượu, ông vẫn khăng khăng đòi pha cốc-tai cho khách. Ông sẽ không mời khách các đồ uống không pha chế như rượu rum với Coca Cola hay rượu Scotch bỏ đá; ông chỉ mời các loại đồ uống mà ông tự tay pha chế. Ông gọi các đồ uống của mình bằng những cái tên có dính dáng đến nghề luật sư như Thẩm phán treo cổ, Kẻ truy đuổi xe cứu thương, Luật sư lắm mồm, và mô tả cách pha chế chúng một cách tỉ mỉ. Ông kể những câu chuyện dài và rắc rối, thường bằng một giọng thì thào, khiến cho mọi người đều phải ngả về phía ông để nghe, và ông lặp đi lặp lại những câu quan trọng; ông cũng nhắc lại những câu quan trọng trong những câu chuyện mà mẹ tôi kể, và sửa bà khi bà kể sai. Khi những người khách kể hết câu chuyện của mình, ông sẽ lên lớp họ về ý nghĩa đạo đức của câu chuyện họ vừa kể.
Bác sĩ Murphy có một vài giả thuyết về bố tôi mà ông thường lấy tôi ra kiểm chứng vào những lúc chúng tôi gặp nhau. Lúc này, bác sĩ Murphy đã bỏ đeo kính có gọng để chuyển sang đeo kính áp tròng; bác ấy cũng giảm cân nhiều nhờ ăn kiêng thường xuyên. Mặc dù bị hói nhưng trông bác ấy trẻ hơn nhiều so với hồi bác ấy còn tới các buổi tiệc ở nhà tôi. Không thể tin bác ấy bằng tuổi bố tôi mặc dù đấy là sự thật.
Một trong những giả thuyết của bác sĩ Murphy là bố tôi đã cố ý nhận một công việc dễ dãi trong một hãng luật tẻ nhạt bởi vì đó là tâm lý điển hình của một người đã từng là một đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh. “Bố cháu sợ phải phát hiện ra giới hạn của mình”, bác sĩ Murphy bảo tôi. “Chừng nào ông ấy còn tiếp tục ngồi phê duyệt mấy thứ giấy tờ lăng nhăng và soạn di chúc cho người khác thì ông ấy còn có thể tiếp tục tin rằng mình không có giới hạn”. Sự quan tâm đặc biệt của bác sĩ Murphy tới bố tôi làm tôi khó chịu; tôi cảm thấy mình như kẻ phản bội khi nghe những lời này. Hồi còn sống, bố tôi không bao giờ chịu để ai phân tích ông; dường như việc để người khác mổ xẻ ông sau khi ông mất là một sự phản bội.
Có điều, tôi cũng thích nghe bác sĩ Murphy kể chuyện bố tôi lúc bé. Bác sĩ Murphy kể một chuyện đã xảy ra hồi bọn họ còn ở trong đội hướng đạo. Bọn họ đã hành quân một đoạn đường dài và bố bị tụt lại sau. Bác sĩ Murphy và mấy người khác quyết định đánh úp bố khi ông đi xuống từ con đường mòn. Họ nấp trong hai bìa rừng bên đường và chờ. Nhưng khi bố tôi đi vào khu vực bẫy, không một ai dám cử động hoặc gây một tiếng động nào. “Cậu ấy có một vẻ mặt dễ thương hết sức”, bác sĩ Murphy nói. “cậu ta vừa đi vừa nghe chim hót, rồi ngửi những bông hoa, cứ như con bò Ferdinand8”. Bác sĩ Murphy cũng nói rằng những món đồ uống của bố tôi có vị như là thuốc kháng sinh vậy.
Trong lúc tôi đạp xe về nhà từ chỗ bác sĩ Murphy thì mẹ tôi bồn chồn. Mẹ thấy lẻ loi trong sự lúng túng của mình nhưng mẹ không gọi điện cho ai bởi vì bà cũng cảm thấy mình đã thất bại. Chuyện tôi nói dối đã tác động đến bà. Mẹ coi nó là một chuyện hết sức cá nhân. Vào những lúc như thế, mẹ không nghĩ đến các chị tôi – một thì đã lập gia đình hạnh phúc, một thì đang rất thành đạt ở Fordham. Mẹ cũng chẳng nghĩ đến anh trai tôi, Michael, người đã bỏ dở trường đại học để làm việc với bọn trẻ con bụi đời ở Los Angeles. Bà chỉ nghĩ đến tôi. Mẹ nghĩ là mẹ đã làm hỏng cả gia đình.
Thực ra thì mẹ tôi đã quán xuyến gia đình rất giỏi. Lúc bố tôi nằm chờ chết ở tầng trên, mẹ gom chúng tôi lại. Mẹ viết ra một danh sách việc nhà và trả công cho mỗi chúng tôi một khoản kha khá. Mẹ điều chỉnh lại giờ đi ngủ và rất nghiêm khắc với chuyện này. Mẹ đặt giờ làm bài tập về nhà. Mỗi đứa phải chịu trách nhiệm về đứa em kế bên dưới, và tôi thì phải chịu trách nhiệm về con chó. Mẹ thường bảo chúng tôi rằng mẹ yêu chúng tôi. Vào bữa tối, mỗi chúng tôi đều phải phụ giúp nấu nướng; sau bữa tối thì mẹ chơi piano và cố dạy chúng tôi hát bằng cách hòa âm với nhau nhưng tôi không thể nào làm được. Mẹ rất hâm mộ gia đình von Trapp cho nên bà coi chuyện này như một khiếm khuyết về tính cách.
Lúc bố đang chờ chết, cuộc sống của chúng tôi trật tự hơn và lành mạnh hơn lúc trước đó. Bố cũng đặt ra các quy tắc để chúng tôi tuân theo và chúng không khác nhiều so với những quy tắc mà mẹ đặt ra sau khi bố ốm, nhưng bố chỉ giám sát các quy tắc của mình một cách lấy lệ. Mặc dù về nguyên tắc bọn tôi không được đòi tiền công khi làm việc nhà nhưng chúng tôi vẫn cứ xin và bố luôn cho chúng tôi quá nhiều bởi vì bố thích được coi là hào phóng. Thỉnh thoảng bố phạt chúng tôi chẳng vì lý do gì mà chỉ vì bố đang khó chịu. Bố thường hay quyết định ngay khi chị gái tôi chuẩn bị ra ngoài đi nhảy rằng chị tôi nên ở nhà làm gì đó để trau dồi bản thân. Hoặc ông sẽ tụ tập tất cả chúng tôi vào một tối thứ Tư rồi đưa cả lũ đi trượt băng.
Bố thay đổi khi bệnh ung thư bắt đầu hoành hành. Ông nói ít hơn, mềm yếu hơn và không hay bắt bẻ người khác nữa. Ông cũng bớt trêu chọc chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu muốn ở gần bố, đầu tiên là do mẹ tôi khuyến khích, rồi dần dần tôi thích bố. Ông dạy tôi chơi bài poker và đánh cờ; thỉnh thoảng bố còn giúp tôi làm bài tập về nhà. Thường thì chúng tôi chỉ ngồi đọc sách. Tôi đang cố đọc hết bộ thám tử Sherlock Holmes; bố thì đã bỏ đọc báo và bắt đầu đọc lại bộ sử thi Bắc Âu mà ông đã say mê hồi còn học đại học, đến mức ông đã tự coi mình là một học giả về chuyện này. Thỉnh thoảng, ông sẽ dừng lại và đọc to một đoạn đặc biệt hùng tráng nào đó. “Thật là những người đàn ông cứng rắn!” bố vui vẻ nói. “những người mà ta chẳng muốn gặp ở đâu ngoài trang sách!”
Một buổi chiểu, bố ngẩng lên nhìn và thấy tôi đang quan sát ông. “Sao vậy?” ông hỏi.
“Không có gì”.
“Thôi nào, có chuyện gì?
“Bố có sợ không?”
“Dĩ nhiên là không”. Ông nhìn xuống cuốn sách, rồi lại nhìn tôi. “Có”.
“Con cũng thế”.
“Dào, con trai, bố xin lỗi. Nhưng làm ơn đừng hỏi lại bố câu đó”.
Về cuối, bố hầu như chỉ ngủ. Từ dưới nhà, thỉnh thoảng, rất khẽ, tôi nghe tiếng mẹ chơi piano. Thỉnh thoảng bố gật gật đầu trong ghế khi tôi đọc cho bố nghe; cái áo ngủ của bố sẽ bị phanh ra và tôi nhìn thấy vết sẹo ở bụng bố. Tất cả xương sườn của bố hở ra và hai chân bố trông như những sợi dây cáp.
Tôi từng đọc trong một cuốn tiểu sử của một vĩ nhân rằng ông đã “qua đời một cách yên ổn”. Tôi đoán ý tác giả định nói rằng vĩ nhân kia đã giữ nỗi đau cho riêng mình, không muốn ồn ào, và không muốn gây phiền hà cho những người ở lại. Bố tôi đã chết một cách yên ổn, thậm chí là thanh thản. Cứ như thể sự nóng nảy và cô độc trong suốt cuộc đời ông thực ra là do sợ hãi cái sân khấu cuộc đời. Ông đã đối phó với khán giả của ông – chúng tôi – bằng kinh nghiệm của một anh hề già, ông biết khi nào thì làm thằng hề, khi nào thì phải bảo vệ danh dự của mình. Tất cả chúng tôi đều cảm động và ngưỡng mộ sự dũng cảm của bố, như bố đã muốn chúng tôi làm thế. Ông mất ở dưới nhà trong cái ghế yêu thích của mình trong lúc tôi đang viết một bài tiểu luận. Tôi ở nhà có một mình và không biết phải làm gì. Cơ thể của bố không làm tôi sợ nhưng, ngay lập tức và mạnh mẽ, tôi nhớ bố. Dường như có cái gì đó sai nếu để bố ngồi trong ghế như thế, vậy là tôi cố bê bố lên gác, vào phòng ngủ, nhưng việc đó quá khó khi làm một mình. Tôi gọi cho thằng Ralphy ở bên kia đường. Khi nó sang và nhận ra tôi gọi nó để làm gì, nó bắt đầu khóc. Tôi vẫn cứ bắt nó giúp tôi. Một lúc sau thì mẹ về nhà và khi tôi nói rằng bố đã chết, mẹ chạy lên gác, gọi tên bố. Vài phút sau, mẹ chạy xuống. “Ơn Chúa”, mẹ nói. “ít nhất là bố con cũng mất ở trên giường”. Chuyện này có vẻ quan trọng với mẹ và tôi không nói cho mẹ biết sự thật. Nhưng tối đó, bố mẹ thằng Ralphy gọi điện. Họ nói rằng họ sốc vì những gì tôi đã làm, và mẹ cũng sốc khi nghe chuyện – sốc và giận. Tại sao chứ? Bởi vì tôi đã không nói thật? Hay bởi vì sau khi biết sự thật thì mẹ không thể nào tiếp tục đinh ninh là bố đã chết trên giường?
Khi tôi về đến nhà, mẹ tôi đang xếp gỗ vào trong lò sưởi; mẹ không nhìn tôi, cũng không nói gì với tôi một lúc lâu. Cuối cùng, mẹ cũng xếp xong gỗ và đứng lên phủi tay. Mẹ lùi lại nhìn ngọn lửa mẹ đã đốt. “Tốt rồi”, mẹ nói. “bị lao phổi mà làm được thế là tốt lắm rồi”.
“Con xin lỗi chuyện lá thư”.
“Xin lỗi? Xin lỗi con đã viết hay xin lỗi vì mẹ tìm thấy nó?”
“Con không định gửi đi. Con chỉ đùa thôi”.
“Ha ha”. Mẹ cầm chổi quét những vụn gỗ vào trong lò sưởi, rồi kéo rèm cửa và ngồi xuống sô-pha. “Ngồi xuống” mẹ nói. Mẹ bắt chéo hai chân. “Nghe này, mẹ lúc nào cũng khuyên bảo con à?”
“Vâng”.
“Thật thế à?”
Tôi gật đầu.
“Được rồi, mẹ đoán là mẹ có làm thế. Mẹ là mẹ. Mẹ sẽ còn phải khuyên bảo con, chỉ là để tốt cho con thôi. Con không cần phải bịa đặt những chuyện bệnh tật của mẹ đâu James. Đằng nào chúng cũng sẽ xảy ra thôi”. Mẹ nhặt nhặt gấu váy. “Con có hiểu không?”
“Dạ có”.
“Con đang lừa dối bản thân con, mẹ đã cố nói với con điều đó. Cứ thế này thì đến khi con bằng tuổi mẹ, con sẽ không còn biết gì về cuộc sống nữa. Tất cả những gì con biết sẽ chỉ là những thứ con đã bịa ra”.
Tôi nghĩ về điều đó. Có vẻ là logic.
Mẹ nói tiếp. “Mẹ nghĩ có lẽ con gần phải nghĩ đến bản thân con ít hơn. Con phải nghĩ nhiều hơn đến người khác”.
Chuông cửa reo.
“Ra xem ai đi”, mẹ nói. “Chuyện này sẽ nói sau”.
Là bác sĩ Murphy. Bác sĩ Murphy và mẹ xin lỗi lẫn nhau và mẹ khăng khăng bắt bác sĩ Murphy ở lại ăn tối. Tôi vào bếp lấy đá để bỏ vào đồ uống cho họ và khi tôi trở lại thì họ đang nói chuyện về tôi. Tôi ngồi trên sô-pha nghe. Bác sĩ Murphy bảo mẹ đừng lo. “James là một thằng bé ngoan”, bác ấy nói. “Tôi cứ nghĩ đến thằng Terry nhà tôi. Nó không phải người dối trá, nhưng nó cũng không phải đứa trung thực. Tôi không thể nào nói chuyện được với nó. ít nhất thì James nó cũng không lươn lẹo”.
“Không”, mẹ nói. “Nó chưa bao giờ lươn lẹo”.
Bác sĩ Murphy đập hai tay vào nhau giữa hai đầu gối và nhìn chằm chằm vào chúng. “Terry thì thế. Lươn lẹo”.
Trước khi chúng tôi ngồi xuống ăn tối, mẹ cầu nguyện. Bác sĩ Murphy cúi đầu, nhắm mắt và làm dấu thánh giá khi mẹ cầu nguyện xong mặc dù bác ấy đã mất niềm tin vào Chúa hồi ở đại học. Khi bác ấy kể với tôi chuyện này – trong một cuộc gặp của chúng tôi và bằng chính những lời đó – tôi cứ hình dung ra một cái áo đi mưa treo một mình bên ngoài một phòng ăn. Bác ấy uống nhiều rượu và liên tục xoay câu chuyện về mối quan hệ của bác ấy với anh Terry. Bác ấy thừa nhận rằng mình đã đi đến chỗ không ưa anh ấy. Bác ấy dùng từ “không ưa” một cách dè dặt như thể một người ăn kiêng đang cho phép mình ăn một miếng khoai tây rán. “Tôi cũng chẳng biết tôi đã làm gì sai”, bác ấy nói đột ngột, không rõ là ám chỉ chuyện cụ thể gì. “Nhưng mà cũng có thể là tôi chẳng làm gì sai cả. Tôi cũng chẳng biết phải nghĩ thế nào nữa. Thực ra chúng ta có ai biết gì đâu”.
“Tôi thì biết phải nghĩ gì”, mẹ nói.
“Những kẻ duy ngã cũng nghĩ thế. Làm thế nào để chứng minh cho một kẻ duy ngã là anh ta không tạo ra tất cả chúng ta?”
Đây là một trong những câu chơi chữ ưa thích của bác sĩ Murphy, và hầu như bất cứ tình huống nào cũng có thể khiến bác ấy bật ra câu này. Bác ấy là một thằng nhóc láu cá.
“Bắt nó đi ngủ đói”, mẹ nói. “Để nó tự tạo ra bữa tối xem”.
Bác sĩ Murphy quay sang tôi. “Tại sao cháu làm thế, hả?” bác ấy hỏi. Bác ấy chỉ hỏi thế thôi, hoàn toàn vì tò mò. Mẹ nhìn tôi nhưng mặt mẹ không có cùng vẻ tò mò như thế.
“Cháu không biết”, tôi nói và đó là sự thật.
Bác sĩ Murphy gật đầu, không phải vì bác ấy đã đoán trước được câu trả lời của tôi mà vì bác ấy chấp nhận câu trả lời ấy. “Thế cháu có thấy vui không?”
“Không, không vui. Cháu không giải thích được”.
“Làm sao mà lại lắm chuyện buồn thế chứ?” mẹ hỏi. “Tại sao lại có những thứ bệnh thế này hả giời?”
“Có thể vì những chuyện buồn là những chuyện thú vị”.
“Đâu có thú vị với tôi”.
“Cháu cũng không thấy thú vị”, tôi nói. “Nhưng mà nó cứ xảy ra”.
Sau bữa tối, bác sĩ Murphy yêu cầu mẹ chơi piano. Bác ấy đặc biệt muốn hát bài “Anh sẽ đưa em trở về nhà, Kathleen”.
“Cái bài hát cũ đấy!”, mẹ nói. Mẹ đứng chăm chú gập khăn ăn lại, rồi chúng tôi theo mẹ vào phòng khách. Bác sĩ Murphy đứng phía sau mẹ trong lúc mẹ khởi động. Rồi họ hát bài “Anh sẽ đưa em trở về nhà, Kathleen” và tôi thấy bác sĩ nhìn mẹ như thể bác ấy đang cố nhớ điều gì. Mắt mẹ nhắm lại. Sau đó, họ hát bài thánh ca “O magnum mysterium”. Họ hát bè và tôi tiếc là tôi không có giọng họa theo, bởi vì nghe thật hay.
“Nào, James”, bác sĩ Murphy nói trong lúc mẹ chơi những hợp âm cuối cùng. “Cháu không thích mấy bài hát cổ này sao?”
“Nó không biết hát đâu”, mẹ nói.
Sau khi bác sĩ Murphy về, mẹ bật bếp và pha thêm cà phê. Mẹ ngồi trong ghế bành lớn, hai chân duỗi thẳng ra phía trước, bàn chân đung đưa. “Cũng vui”, mẹ nói.
“Mẹ với bố có bao giờ làm thế không?”
“Cũng có vài lần, hồi bố mẹ mới bắt đầu hẹn hò. Mẹ nghĩ bố không thích lắm. Bố con giống con”.
Tôi tự hỏi liệu bố mẹ có hạnh phúc không. Bố ngưỡng mộ mẹ và thích ngắm mẹ; bữa tối nào bố cũng bảo chúng tôi dịch cây nến sang phải hoặc trái một tí để bố có thể nhìn thấy mẹ qua bàn ăn. Và tối nào cũng thế, lúc dọn bàn ăn, mẹ lại đặt cây nến ở chính giữa. Mẹ có vẻ chẳng nhớ bố lắm. Nhưng mà thực sự, nếu mẹ có nhớ bố rất nhiều thì tôi cũng chẳng biết được; chính tôi cũng chẳng còn nhớ bố nhiều nữa. Thường thì tôi nghĩ đến những chuyện khác.
“James?”
Tôi chờ.
“Mẹ nghĩ là có thể con muốn xuống chỗ anh Michael ở một hai tuần gì đó”.
“Thế con nghỉ học ạ?”
“Mẹ sẽ nói chuyện với cha McSorley. Ông ấy sẽ không phiền đâu. Có thể mọi chuyện sẽ ổn nếu như con bắt đầu nghĩ đến người khác, giúp đỡ người khác, như anh Michael ấy. Con không phải đi nếu con không muốn”.
“Không sao. Con muốn đi thăm anh Michael”.
“Mẹ không có ý bắt con đi”.
“Con biết”.
Mẹ duỗi chân rồi bỏ hai chân vào trong chăn. Mẹ nhấp cà phê. “Cái từ mà bác Murphy dùng nghĩa là gì nhỉ? Cái từ ấy đấy”.
“Từ hoang tưởng hả mẹ? Nó có nghĩa là một người lúc nào cũng tưởng người khác muốn hại mình. Như cái bà gì mà lúc nào cũng túm lấy mẹ sau lễ nhà thờ ấy – bà Dorothea”.
“Không phải hoang tưởng. Từ đấy thì ai chả biết. Người duy ngã ấy”.
“Ồ. Người duy ngã là người cho rằng anh ta tạo ra mọi thứ xung quanh mình”.
Mẹ gật gật đầu và thổi cà phê, rồi đặt nó xuống mà không uống. “Mẹ thích hoang tưởng hơn. Con nghĩ là bà Dorothea bị hoang tưởng à?”
“Vâng. Chuyện ấy quá rõ”.
“Ý mẹ là, bị bệnh ấy hả?”
“Vâng, thì hoang tưởng là thế mà, nó là bệnh. Thế mẹ tưởng nó là cái gì?”
“Sao con phải cáu lên thế?”
“Con không cáu”, tôi hạ giọng. “Con có cáu đâu”.
“Mẹ nghĩ bà ấy chẳng biết mình đang nói gì đâu, bà ấy chỉ muốn có ai nghe thôi. Bà ấy chắc là sống một mình trong một căn phòng nhỏ nào đó. Chúng ta nên cầu nguyện cho bà ấy. Con sẽ nhớ làm điều đó chứ?”
Tôi hình dung ra mẹ hát bài “O Magnum Mysteirum” rồi cầu nguyện với sự tự tin đơn giản. Mẹ luôn có thể tưởng tượng mọi thứ tốt lên chứ không tưởng tượng mọi thứ đổ vỡ. Mẹ nhìn tôi và tôi rúm người lại. Tôi biết mẹ sẽ nói gì.
“Con trai”, mẹ nói. “Con có biết là mẹ yêu con thế nào không?”
Chiều hôm sau, tôi đi xe buýt tới Los Angeles. Tôi đã chờ mong chuyến đi này, chờ mong sự đơn điệu của con đường và những cánh đồng trống hai bên đường. Mẹ đưa tôi đi dọc bến xe dài. Bến xe đông người và ngột ngạt. “Con có chắc là cái xe này không?”, mẹ hỏi ở chỗ lên xe.
“Vâng”.
“Trông cũ quá”.
“Kìa mẹ!”
“Được rồi”. Mẹ kéo tôi lại gần và hôn tôi, rồi ôm tôi hơi lâu để chứng tỏ là mẹ muốn ôm tôi thật chứ không phải chỉ như những người khác; mẹ chẳng bao giờ nhận ra là những người khác cũng làm y như thế. Tôi lên xe buýt và chúng tôi vẫy chào nhau cho đến lúc chuyện này trở nên ngượng ngập. Rồi mẹ bắt đầu lục tìm gì đó trong ví. Khi mẹ lục xong, tôi đứng lên và sắp xếp va li trên giá để hành lý. Rồi tôi ngồi xuống và chúng tôi mỉm cười với nhau, rồi lại vẫy tay khi người lái xe khởi động xe, rồi nhún vai khi ông ấy đột ngột đứng lên đếm số hành khách, và lại vẫy một lần nữa khi ông ấy ngồi xuống. Khi xe chuyển bánh, mẹ và tôi nhìn nhau nhẹ nhõm.
Tôi đã lên nhầm xe. Chiếc này cũng đi Los Angeles nhưng không phải là chuyến tốc hành. Chúng tôi dừng ở San Mateo, Palo Alto, San Jose, Castroville. Khi chúng tôi rời Castroville, trời bắt đầu mưa to; cửa sổ chỗ tôi ngồi lại không đóng chặt được và một dòng nước nhỏ chạy dọc khe kính xuống ghế của tôi. Để giữ khô, tôi phải ngồi dướn lên trên và xa cửa sổ ra. Mưa to hơn. Động cơ xe gầm lên như thể nó sắp sửa vỡ.
Ở Salinas, người đàn ông ngủ cạnh tôi chuyển lên phía trước nhưng trước khi tôi kịp lấy ghế của ông ta thì một người phụ nữ to béo mặc váy hoa đã lấy mất. Bà ta mang một cái giỏ mua hàng lớn. Bà ta ngồi xuống, người tràn cả sang một nửa ghế của tôi. “Giông đấy”, bà ta nói to, rồi quay đầu nhìn tôi. “Đói không?” Rồi chẳng đợi tôi trả lời, bà ấy thò tay vào túi lấy ra một miếng thịt gà và quẳng cho tôi. “Ôi giời, Chúa ơi”, bà ta kêu lên. “nhìn bằng bé nghiến ngấu cái đùi kìa”. Những người khác quay lại nhìn và mỉm cười. Tôi mỉm cười đáp lại và cứ ăn. Tôi ăn hết miếng thịt; bà ấy lại cho tôi một miếng khác. Rồi bà ấy bắt đầu đưa thịt gà cho những người ngồi xung quanh chỗ chúng tôi.
Bên ngoài San Luis Obispo, tiếng động cơ xe kêu càng to rồi đột ngột tắt lịm. Người lái xe táp xe vào vệ đường rồi ra khỏi xe, rồi lại lên xe, người ròng ròng nước mưa. Một lúc sau, ông ta tuyên bố rằng xe đã hỏng và người ta đang điều một cái xe khác đến đón chúng tôi. Một người hỏi bao lâu thì xe kia đến; người lái xe nói ông ta không biết. “Bình tĩnh đi”, người phụ nữ ngồi cạnh tôi kêu to. “Người nào định đi Los Angeles mà lại vội thì chắc là điên rồi”.
Gió đang thổi mạnh khiến mưa tạt vào cả hai bên cửa sổ. Chiếc xe lắc nhẹ. Bên ngoài, trời có màu nâu thẫm. Bà béo ngồi cạnh tôi hỏi tất cả những người ngồi quanh chúng tôi xem họ từ đâu đến và đi về đâu rồi bình luận bà ấy đã bao giờ đến đó chưa. “Cháu thì sao?” bà ấy đập vào đầu gối tôi. “Bố mẹ có trại nuôi gà hả? Bác đoán thế?”. Bà ấy phá lên cười. Tôi bảo bà ấy tôi từ San Francisco tới. Bà ấy hỏi tôi làm gì ở đó và tôi nói tôi làm việc với những người tị nạn từ Tây Tạng.
“Thật thế hả? Cháu làm gì với cái đống người Tây Tạng đó?”
“Lẽ ra họ nên kiếm nước khác mà đến”, người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi nói. “Chúng ta đâu có đến chỗ họ”.
“Thế cháu làm gì với cái đống người Tây Tạng đó hả?”, bà béo nhắc lại.
“Thì cháu tìm việc làm cho họ, tìm nhà cho họ, rồi là nghe họ nói về các khó khăn”.
“Cháu biết tiếng Tây Tạng hả?”
“Vâng.”
“Cháu có nói được không?”
“Cũng tàm tạm. Cháu lớn lên ở đấy. Bố mẹ cháu đi truyền giáo ở đấy”.
“Truyền giáo cơ đấy!”
“Bố mẹ cháu bị giết chết ở đó”.
Bà béo vỗ vỗ vào tay tôi.
“Không sao mà”, tôi nói.
“Thế cháu nói thử tiếng Tây Tạng xem nào”.
“Bác muốn nghe gì ạ?”
“Thì nói Con bò nhảy lên mặt trăng xem”. Bà béo nhìn tôi mỉm cười và khi tôi nói xong, bà ấy nhìn những người khác rồi lắc đầu.
“Sao mà hay thế chứ. Nghe cứ như hát ấy. Cháu nói gì nữa đi xem nào”.
“Nói gì ạ?”
“Gì cũng được”.
Họ nghiêng đầu về phía tôi. Những cửa sổ đã mờ đi vì mưa. Người lái xe đã ngủ gật và ngáy nhè nhẹ trong lúc cái xe lắc khẽ. Bên ngoài, ánh sáng nhập nhoạng đã chuyển thành một màu vàng xám và ở xa có những tiếng sấm. Người đàn bà cạnh tôi ngả ra sau và nhắm mắt lại; những người khác cũng thế trong lúc tôi hát cho họ nghe bằng một thứ tiếng mà họ tin chắc là một thứ tiếng cổ xưa và thần thánh.
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu