When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Nghĩa
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 45
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1679 / 48
Cập nhật: 2018-06-11 22:41:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 30
hằng Minh ôm hộp phim đi vội về nhà. Giờ này, má nó đi bán bánh bèo chưa về. Nó đặt hộp phim trên bàn, hấp tấp mở ra để xem những thứ được đựng trong hộp phim có đúng với suy nghĩ của nó hay không?!
Đầy nhóc, gần kín cả hộp là những đoạn phim ngắn. Phim trắng đen có. Phim màu Eastmancolor có. Phim trắng đen thường là phim Việt Nam. Phim Tây, cao bồi Mỹ, phim hoạt họa mới có được tô màu “téc-níc-cu-lơ”. Vừa nhìn đống phim, thằng Minh biết ngay đây là những đoạn phim bị đứt mà chú Hai đã cắt ra và thay vì đem bán lấy tiền đã để dành cho nó.
Thằng Minh cầm một đoạn phim soi nghiêng qua ánh sáng thì nhận ra đây là cảnh đánh nhau giữa con chằn tinh và Thạch Sanh do La Thoại Tân đóng trong phim Thạch Sanh - Lý Thông [1]. Nhìn đoạn phim này, quái lạ, nó không nhớ đến cảnh trong phim ra sao mà chỉ nhớ là chú nói với nó “Làm người thì đừng làm thằng Lý Thông mặc dù đời thì lắm thằng Lý Thông mà hiếm thằng Thạch Sanh”. Cầm một đoạn phim khác lên nó nhận ra ngay phim Con khỉ đột - một phim Nhật Bổn. Nó nhớ lại một buổi chiều đang mưa và hình ảnh con khỉ đột khiến nó liên tưởng đến con khỉ trong sở thú khi chú nói “Con vật cũng như con người, nhất là con khỉ. Cũng yêu, thương, giận ghét. Đừng tàn ác với nó”. Chú kể chuyện mấy cha thương gia Hoa kiều trùm gạo, trùm vải trong chợ Soái Kình Lâm thường ăn óc khỉ trong Đồng Khánh đại tửu lầu. “Đồ dã man!”, chú thốt lên. Trong phim, con khỉ đột quay lại giết ông chủ của nó, vốn là một tay gian ác. Còn những con khỉ trong nhà hàng thì làm sao có thể trả thù?
Mỗi khúc phim cắt rời, dù ngắn cỡ mười hình hay dài cỡ ba mươi hình đều gợi cho thằng Minh một chút hoài niệm gì đó giữa nó và chú Hai Ngon. Có thể là một vài câu nói bâng quơ hay chú đang nhờ nó làm việc gì đó trong phòng máy: lau máy chiếu phim, châm nhớt vào máy hoặc cuốn những đoạn phim đứt lại. Đây là những đoạn phim mà nó yêu thích nhưng lúc ấy chú chưa cho nó. Nó không hiểu tại sao? Nhưng bây giờ, nó mới biết rằng ông đã gom góp lại, cất vào một hộp phim để dành. Hay là ông đã chuẩn bị cho cuộc “tàng hình” lần thứ hai. Chú đi đâu? Bao giờ gặp lại? Nó không biết trả lời cho những câu hỏi mà nó tự đặt ra cho bản thân mình.
Một miếng giấy nhỏ rớt ra từ trong những đoạn phim cắt rời đó. Thằng Minh vội vàng mở ra xem. Vài dòng chữ ngắn, viết vội: “Ráng học. Bớt coi chớp bóng. Muốn làm thầy tuồng, đạo diễn thì phải học cho giỏi. Học từ từ, chậm mà chắc. Ráng đậu đệ thất năm nay nghe mậy để sau này ngon lành. Tụi mình dầu hèn cũng thể mà”. Ước mơ mà nó đã nói trong câu chuyện bâng quơ mà chú cũng nhớ sao?
- Lớn lên mầy muốn làm nghề gì?
- Chiếu bóng.
- Làm chiếu bóng. Cực lắm con ơi. Làm chiếu bóng như tao là làm thân cu li cho mấy ông chủ rạp. Mầy phải ước làm chủ rạp chiếu bóng mới được.
- Ai mà thèm làm chủ rạp chú.
- Chủ rạp vẫn ngon hơn thằng chiếu phim.
- Con không làm chủ rạp cũng không làm chiếu phim mà làm ra phim.
- Cái gì? - Chú Hai Ngon mở tròn mắt ngạc nhiên khi nghe thằng Minh có chí lớn như vậy - Mầy quay phim?
- Không con làm... con làm ra cái tuồng phim rồi chỉ cho mấy thằng nghệ sĩ, tài tử hát, ra điệu bộ giống như lúc nghệ sĩ tập tuồng cải lương vậy đó.
Thằng Minh lim dim đôi mắt. Nó nhớ lại cái hôm nó được xem nghệ sĩ của đoàn Dạ Lý Hương tập tuồng Tuyệt tình ca ở rạp Tân Bình. Trời ơi, nó không ngờ kép Thanh Sang đẹp trai quá cỡ, đào Bạch Tuyết hát hay không chỗ chê vậy mà còn bị ông thầy tuồng ốm nhom, ốm nhách, mặc đồ pi-ja-ma chỉ chạy tới, chạy lui gần chết. Kép Việt Hùng đang hát, ổng bảo ngưng là ngưng, rồi ổng hoa chân múa tay, cầm cuốn tuồng giơ lên, giơ xuống nói gì đó. Các nghệ sĩ, đào kép ba quân tướng sĩ nghe lời ổng răm rắp. Ông thầy tuồng nhỏ xíu con mà như có võ nghệ đầy mình. Nhỏ xíu con mà như ông tướng chỉ huy khắp trận tiền của một vở cải lương. Nhờ nghe lóm được hai anh kéo màn và nhắc tuồng nó mới biết được ông thầy tuồng tên là Hoa Phượng [2]. Tên như tên con gái. Ẻo lả như hoa phượng, nhưng lại chì một cây xanh rờn. Từ đó hình ảnh ông thầy tuồng cứ nằm trong tâm trí nó. Làm thầy tuồng chắc phải giỏi lắm. Mà nếu như quay phim thì chắc cũng như vậy thôi. Bắt đào kép, nghệ sĩ đi tới, đi lui, nói vài câu rồi lấy máy quay phim quay thì thành phim chứ gì.
Nó nói tiếp, giọng chắc nịch như đã quyết định từ lâu:
- Con làm thầy tuồng.
- Thầy tuồng là mấy ông soạn giả cải lương mầy ơi. Trong phim người ta gọi là... gọi là đạo diễn.
- Đạo diễn?
- Ừ. Đạo diễn chỉ cho tài tử bắn súng, đánh võ, khi nào chết, khi nào sống...
Nó vỗ tay:
- Rồi. Con khoái làm đạo diễn. Nhưng mà nè chú, con ngựa là loài vật làm sao nó nghe lời đạo diễn khi nào chạy thì chạy, khi nào té thì té. Trong phim Lý Chơn Tâm, anh hùng cưỡi củi tại sao La Thoại Tân còn biết bay lên trời nữa vậy chú? Sao thần bí quá vậy?
- Thần bí là vì mình không biết. Mình không biết là do mình dốt. Mình dốt là vì mình không đi học. Cái đó là kỹ thuật, kỹ xảo là mánh lới mầy ơi. Mầy muốn làm được đạo diễn phim thì mầy phải học sói đầu. Mấy ông đạo diễn toàn là học đại học không. Có người còn đi học từ bên Tây, bên u về nữa.
- Thì con sẽ học đại học để làm đạo diễn.
- Bây giờ mầy học lớp nhứt. Muốn học đại học mầy phải đậu đệ thất trường công đã...
Nó gật đầu, cặp mắt long lanh, nói với chú Hai mà như nói với chính mình:
- Thì con sẽ đậu đệ thất năm nay. Rồi sẽ vào trung học. Rồi sẽ học đại học. Rồi sẽ làm đạo diễn phim cho chú chiếu chơi. À, mà không. Lúc đó chú là chủ rạp, con sẽ đưa phim cho chú chiếu miễn phí...
- Làm cái gì cũng được. Chủ rạp hay chiếu phim hay thầy tuồng gì cũng không sao miễn là mầy phải tinh thông làu làu nghề đó. “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” mà mậy.
- Làm nghề gì thì cũng phải làm cho thiệt là giỏi. Mỗi người có một cái nghề để sống, để trở thành người có ích cho xã hội. Học chỉ là thu thập sự hiểu biết để làm cho nghề mình hay hơn thôi...
Điều chú Hai Ngon dạy nó đã được học trong sách Em tập tính tốt. Nó sẽ cố gắng học thật giỏi. Sẽ đậu đệ thất năm nay. Rồi sẽ lên trung học, đại học. Nó sẽ làm thầy tuồng, đạo diễn phim cho thật giỏi. Và khi nó có tiền, nó sẽ xây rạp chiếu bóng. Nó sẽ mời chú Hai Ngon làm chủ rạp chiếu phim. Một tuần sẽ có một suất chiếu cho mấy đứa con nít xóm nhà nghèo coi chơi, không lấy tiền. Vậy mới là “dầu hèn cũng thể” chớ!
Chú thích:
[1] Theo thống kê của báo Điện Ảnh (Sài Gòn) thì trong năm 1958 có 23 bộ phim Việt Nam được trình chiếu ở 120 rạp (toàn miền Nam) do chín hãng phim tư nhân thực hiện. Do làm phim thương mại, nên chất lượng phim không cao. Tờ báo nhận định: một năm làm nhiều phim nhất nhưng lại là năm điện ảnh buồn tẻ nhất. Đến năm 1965, báo Kịch Ảnh (Sài Gòn) nhận định: “Trong năm 1965, hầu như hoạt động điện ảnh Việt Nam không hoạt động gì”.
[2] Các gánh cải lương trước 75, các soạn giả cải lương kiêm luôn chỉ đạo diễn xuất. Hoa Phượng là một soạn giả cải lương nổi tiếng. Ông thường viết chung với soạn giả Hà Triều những vở cải lương như “Con gái chị Hằng”, “Nửa đời hương phấn”, “Tuyệt tình ca”...
Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy - Lê Văn Nghĩa Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài & Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy