One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 328 / 39
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Thứ Nhất
am đưa trả mẹ tiền tàu, tiền ăn quà mẹ cho và nói:
– Mẹ ơi, con không đi thăm bố nữa đâu.
– Sao thế con? Hay là con tôi ốm rồi?
– Không phải, mẹ ạ. Con đi vắng lâu, ở nhà ai nấu cơm cho mẹ. Với lại còn con thỏ đen, ai cắt cỏ, tìm lá cho nó?
Mẹ vuốt tóc Nam:
– Con tôi ngoan quá. Nhưng con không phải lo. Mẹ sẽ nuôi hộ thỏ. Con cứ đi chơi với bố nửa tháng rồi về ôn hè cũng vừa. Đây là quà thưởng của bố mẹ cho con. Năm vừa rồi con là học sinh tiên tiến của lớp 5A1 mà.
1 Theo hệ thống giáo dục mười năm.
Nam rơm rớm nước mắt, thầm cảm ơn mẹ rồi ra tàu đêm, về thành phố cảng thăm bố.
Dạo này tàu khách rút bớt chuyến để dành đường cho tàu chở hàng từ cảng về Thủ đô. Ngồi ở sân ga, Nam đợi mãi. Nhưng chỉ có những chuyến tàu hàng dài dằng dặc vút qua, bánh tàu dập ình ình trên đường sắt, vang động cả một khu ga mênh mông. Thùng sắt lớn bằng cả một gian nhà, xếp thành hàng trên những dãy toa trần. Sắt thép từng bó, máy cày đỏ chóe dưới nắng chiều. Lại một chuyến tàu nữa qua. Bông trắng từng kiện lè ra cửa sổ. Đoàn tàu hàng nào cũng dài, cũng nặng và bánh xe nghiến ầm ĩ trên đường sắt. Bao nhiêu hành khách đợi tàu, kẻ ngồi, người đứng, ai cũng sốt ruột. Cuối cùng, nhà ga thông báo: Chuyến tàu khách từ Hà Nội về sẽ rời sân ga xuống thành phố cảng vào mười giờ đêm.
Mười giờ tàu chạy. Nam lên một toa đen, có ghế dài, ngồi thu mình bên cạnh mấy chú bộ đội trẻ và nghịch. Mẹ bảo rằng, đi tàu, đi xe cứ ngồi cạnh các chú bộ đội là yên trí nhất. Ai bắt nạt thì các chú ấy bênh vực. Lên tàu, xuống xe, các chú ấy thường giúp đỡ người già và trẻ con. Chẳng ai bắt nạt Nam, Nam cũng có thể tự mình lên xuống tàu. Nhưng Nam thích ngồi gần mấy chú là vì những khẩu súng còn mới, mới từ quai đến báng, đến nòng làm Nam mê mẩn.
Hai giờ sáng, tàu đến ga Hải Phòng. Nam thấy tiếc, giá tàu cứ chạy mãi để Nam được ngồi gần mấy chú bộ đội. Nhưng phút chia tay đã đến rồi, các chú đưa Nam ra cửa soát vé, rồi sân ga. Các chú đi công tác ra đảo, phải ra bến Bính đợi tàu thủy đi Cát Bà. Đồng chí chỉ huy thấy mấy chú còn bịn rịn bên Nam liền nói:
– Chuẩn bị, thành hàng!
Chỉ đến khi đó tiểu đội lính mới dứt ra được khỏi Nam. Một chú lính vui tính bẹo tai Nam, nhoẻn cười:
– Chào cậu cả. Nếu đường tối thì ở lại sân ga, sáng hãy về nhé.
– Vâng ạ! – Nam trả lời, cố làm ra giọng đàng hoàng.
Đã hai giờ sáng, tất nhiên là Nam chẳng về nhà làm gì, vừa làm bố mất ngủ, vừa sợ đường tối. Nam ngồi lại sân ga, dưới cái cột đèn cao áp giữa sân. Chú chỉ huy đưa tiểu đội lính đi. Nam nhìn theo và nghĩ lớn lên mình cũng sẽ như các chú ấy. Bây giờ thì hẵng ngồi lại đây đợi trời sáng.
Đêm trên sân ga cũng vui như trên tàu. Nam ngắm nhìn tất cả mọi người, mọi hoạt động, ngắm cả những người ngủ gà ngủ gật dưới mái hiên đợi chuyến tàu sáng. Tàu hỏa, sân ga, thành phố… từ lâu là những thứ gợi lên trong lòng Nam những cảm giác thèm thuồng…
Nam bỗng thấy bố mặc một bộ quần áo tây rất đẹp, chân đi giày đen, tươi cười bước lại gần Nam và nói:
– Con ở nhà quê ra bao giờ vậy?
Đúng là bố rồi, bố hay dùng tiếng “nhà quê” để chỉ làng Phượng Vĩ xinh đẹp và vui tươi của Nam. Cộp! Đầu Nam đập vào một vật cứng. Nam mở mắt ra. Thôi chết rồi, mình vừa ngủ gật và bố chỉ là một giấc mơ ngắn. Một bàn tay mềm mềm vỗ lên vai Nam.
– Chú mình ngủ gật mà say nhỉ?
Nam dụi mắt. Một cậu bé hơn Nam khoảng hai, ba tuổi (nghĩa là độ mười bốn, mười lăm là cùng), đầu tóc cắt vừa phải, mặc chiếc áo sơ mi có túi, có cầu vai, ngắn tay, đang cho hai ngón tay cái chọc vào dưới thắt lưng, nghiêng đầu nhìn Nam miệng huýt sáo khe khẽ.
– Em vừa trên tàu xuống – Nam lúng túng, muốn nói một câu gì đó để làm quen.
Gương mặt của cậu bé kia rất khôi ngô, lanh lợi, đẹp như một cô gái.
Cậu bé nhìn nghiêng xuống phía chân Nam và đến lúc này Nam mới thấy rằng cậu ta hơi hơi lé. Hơi lé một chút thôi, nhưng cũng gọi là lé.
Cậu ta ngừng huýt sáo:
– Này, lần sau thì đừng vội gì mà khai nhé. Có phải cái còi đâu mà chưa thổi đã kêu. Chú mình đói hẳn?
Quả thật, Nam đã thấy đói. Nhưng Nam trả lời:
– Em không đói.
– Nói dối rồi. Trông chú mình vã mồ hôi thế kia. Này, ngốn đi. Bánh còn nóng giòn đây.
Cậu ta đưa cho Nam nửa cái bánh mì. Còn nửa kia, cho vào miệng nhai. Trông ngon quá. Thật khó mà từ chối lòng tốt của cậu ta được. Vả lại, bánh mì… Bánh mì thì ở thành phố mới có thôi, thứ bánh vừa nóng vừa giòn ấy. Còn ở làng Phượng Vĩ người ta bán những que củi chứ không phải là bánh nữa. Nó vừa lạnh vừa khô không khốc. Nam cầm nửa cái bánh nhỏ, cũng cho vào mồm, nhai không kém ngon lành.
Chú nhãi vừa ăn vừa ngắm Nam. Cứ cắn một miếng bánh chú lại hát:
Bé bé bằng gang
Cắn một miếng nữa rồi lại hát:
Đôi má vàng vàng
Một miếng nữa:
Bé đi câu cá
Một miếng nữa:
Cá câu cua càng …
– Này – Cậu ta nói – Chú mình đi đâu đó? Nam im lặng. Nam không phải là cái còi.
– Tớ hỏi, chú mình đi đâu đó? Bây giờ tớ hỏi nghĩa là chú mình phải trả lời, nghe không? Có phải hội đuôi không?
Hội đuôi là hội gì nhỉ? Nam chẳng biết trả lời thế nào.
– Em ở quê nhà lên thăm bố. Em sợ, sáng mới về nhà.
– Vậy hả? Thế chú mình tên là gì?
– Em tên là Nam.
– Nam gì mới được chứ? Như anh đây tên là Hùng. Nhưng là Hùng Lé. Như thế mới gọi là tên chứ.
– Em con bố Thành. Chúng nó gọi em là Nam Thành để khỏi nhầ̀m với Nam con bà Linh, gọi là Nam Linh.
– Nam Thành, quỷnh lắm. Không ra sao cả. Cứ gọi là Nam Quỷnh cho rồi. Như thế oai hơn, rõ chưa?
Nam im lặng. Ai muốn gọi Nam thế nào thì gọi.
– Bây giờ ăn bánh rồi, chú ngồi đây, ngồi đúng chỗ này. Tí nữa anh nhờ chú mày tí việc.
Hùng Lé huýt sáo, bỏ đi. Bóng nó khuất vào đám người lố nhố trên sân ga.
Nam ngồi chờ. Chờ mãi, nhưng không thấy Hùng Lé trở lại nữa. Thế mà trời đã sáng hẳn rồi. Nam chờ một lúc nữa.
Hùng Lé vẫn không trở lại, Nam đứng dậy, vươn vai, đi ra cổng, bước vào đường phố còn ngái ngủ.
Đường phố sạch sẽ hơn đường trong làng, nhưng lại khó nhận ra vì quá nhiều ngã ba, ngã tư. Nam đã đến nhà bố nhiều lần, vậy mà phải lạc mất hai bận mới tìm được đường phố quen thuộc. Chả là vì có một dãy xe cần cẩu mới tinh vừa đưa từ cảng lên che khuất mất lối vào. Nam đi qua mà không nhận ra. Nhưng rồi nó vẫn nhìn thấy ngôi nhà ba tầng đằng sau một dãy tường chạy dọc theo đường phố. Nó vào sân, bước lên cầu thang giữa, đi dọc một đoạn theo hành lang gác hai và đứng trước phòng của bố. Đúng là phòng của bố rồi. Trước cửa có một cái chậu rửa mặt cũ đổ đầy đất. Trong chậu trồng một cây đinh lăng bố mang từ vườn nhà lên. Còn cái cửa sổ thì không nhầm đi đâu được. Thành cửa có một vết dao như cái sẹo. Dạo Nam bảy tuổi, lên chơi với bố, Nam kề miếng gỗ vào thành cửa sổ đẽo cái súng diêm. Lưỡi dao chém nhầm vào thanh gỗ ngang phía dưới.
Nhưng cửa đã khóa chặt. Trên ván cửa, một hàng chữ phấn viết vội: “Thành đi nghỉ mát, 25 tháng 6 mới về”. Nam muốn khóc òa lên một tiếng thật to. Thế là không còn hi vọng gặp được bố. Bây giờ biết làm thế nào đây? May mà Hùng Lé cho nửa chiếc bánh mì không thì đói rã tay chân. Cái khóa bi còn mới như nói với Nam: Xin lỗi bạn, bạn hãy đứng bên ngoài!
Nam quay người, xuống thang gác. Bây giờ chỉ còn mỗi việc là ra ga, mua vé rồi lên chuyến tàu chợ sẽ chạy vào quãng bốn giờ chiều nay để về nhà. Nhưng lấy tiền đâu mua vé nữa? Mẹ cho Nam đủ tiền tàu, xuống thành phố đã có bố lo cho ăn uống, lúc về thì bố mua vé tàu hay gửi Nam theo xe cơ quan về tận làng, còn lo gì nữa. Hai mẹ con đã không tính được chuyện bất trắc này. Số tiền còn lại trong túi chỉ vừa đủ mua một cái bánh mì thôi. Nam dừng lại góc đường mua bánh, nhưng chưa ăn vội mà cho vào túi. Thôi, cứ ra ga hẵng hay. Người ta nói nếu không có tiền mua vé thì có thể chen vào, lên tàu rồi tìm cách trốn khi người ta soát vé. Cách ấy gọi là lậu vé. Nam thì chịu, Nam không hề làm những chuyện như thế bao giờ.
Chỉ còn một hi vọng thế này nữa thôi. Ra ga, ngồi chờ và nếu như gặp một người quen nào đó cùng làng, nhất là một người bà con thì… Nam có thể vay tạm một ít tiền mua vé. Hay là… quay lại cơ quan bố? Ngượng chết đi được. Hay là hỏi vay tiền tàu của bác Nga, bà hàng xóm của bố? Bác ấy sẽ nghĩ như thế nào? Đúng rồi, thằng lỏi con chắc là bị mẹ đánh, bỏ quê nhà trốn lên với bố đây. Vào đây, vào đây… Và thế là bác ấy căn dặn, giảng giải… phải thế này nên thế kia, không thể như thế được…
Vừa nghĩ đến đó, chân đã bước tới sân ga. Nam ngồi xuống bậc thềm nhà đợi, rút chiếc bánh, nhấ́m nháp từng miếng nhỏ, lòng buồn như chấu cắn.
Là dân ở sân ga, mọi việc xảy ra trong khu đất lắm người và hàng hóa này đều không qua khỏi mắt Hùng Lé. Nó chỉ như một chiếc lá trong đám lá, một hạt thóc trong đống thóc, nhưng nó khác mọi người ở chỗ này, trong khi người ta không hề để ý gì đến nó thì nó lại để ý đến tất cả mọi người. Vì vậy, Nam Quỷnh vừa trở lại sân ga, Hùng Lé nhìn thấy ngay. Từ xa, dựa vào một gốc cây bàng nhỏ, Hùng lặng lẽ quan sát thằng bé nhà quê mất hút từ sáng sớm nay. Hồi sáng, nó định nhờ thằng bé làm một việc nhỏ, nhưng rồi không cần nữa. Thằng bé đã trở về kia rồi, đang ngồi nhai bánh ngon lành. Hùng thủng thẳng bước tới.
– Trở lại hả? Sao chú mình không đến chỗ bố? Hay là nói dối đấy?
Nam mừng lắm. Dẫu sao cũng gọi là gặp người quen trong cảnh bơ vơ này. May ra Hùng Lé có thể giúp Nam việc gì chăng?
– Em đến nhà bố, nhưng bố đi vắng, không vào được.
– Vậy hả? Bố chú mình đi những đâu?
– Bố đi nghỉ mát, một tuần nữa mới về.
Hùng Lé nghiêng đầu bên này, rồi bên kia, hai ngón tay bật vào nhau tanh tách. Nó huýt một tiếng sáo miệng rồi hát:
Bố đi mất đâu
Bố đi lối nào
Ngồi khóc, ngồi khóc
Nhóc ơi là nhóc
Giờ biết tính sao?
– Bây giờ chú mình định thế nào hả?
– Em đợi tàu về quê đây – Nam nói.
Hùng Lé vỗ vai nó:
– Quỷnh ơi là Quỷnh! Sao chú mình ngốc thế hả? Cứ vào nhà bố mà ngủ, nấu cơm, nấu mì ăn rồi rong chơi mấy ngày cho biết phố xá thì đã sao? Về quê làm gì? Chăn trâu à? Chăn trâu sao vui bằng bát phố hả?
– Nhưng em không có chìa khóa! Em không vào nhà được.
– Quỷnh ơi là Quỷnh! Đi theo tao, tao mở cho mà vào – Hùng Lé kéo vai áo Nam, lôi nó đứng dậy.
– Anh có chìa khóa đâu mà mở? Bố em cầm chìa cơ mà?
– Bố chú mình gửi chìa khóa cho tao. Nhiều nhà trong phố đi đâu vắng đều gửi chìa khóa cho tao. Rồi chú mình sẽ biết, tao mở cho mà xem – Nó hạ giọng – Nhưng hàng xóm có ai hỏi thì bảo rằng bố chú mình đưa chìa khóa nhé. Còn tao là anh họ, anh họ nhớ chưa? Tao tên là Hùng. Tao là anh họ chú mình đấy.
Nam không còn đủ thì giờ để suy nghĩ nữa. Hùng Lé xốc nách nó bước ra cổng ga. Nam đi cạnh Hùng như một đôi bạn thân, về nhà của bố. “Phải đấy, ta sẽ quét dọn, lau chùi bàn ghế, đồ đạc cho bố. Bố về chắc là sẽ ngạc nhiên lắm…” – Nam nghĩ.
Bác Nga là người hàng xóm hay tò mò của bố Nam. Chẳng những hay tò mò mà bác còn thích tham gia vào chuyện người khác. Bác là nhân viên kế toán của cơ quan nọ, bây giờ bác về mất sức, gọi là về “một cục”, thường làm nghề đan len để kiếm thêm tiền. Bác gặp Hùng và Nam ở cầu thang, gần phòng của bố.
– Chào bác ạ! – Không tránh được bác, Nam chào vui vẻ.
– Thằng Nam! Cháu lên bao giờ? Bố đi nghỉ mát rồi, cháu vào nhà thế nào được.
Nam lí nhí đáp:
– Bố cháu đưa chìa khóa cho cháu, cháu sẽ ở đây rồi đợi bố cháu về.
– Vậy hả? Nhưng phải cẩn thận đấy, đi đâu là phải khóa kĩ, nghe chưa?
– Vâng ạ!
Lần đầu tiên Nam nói dối. Nó thấy tai nóng dừ lên vì xấu hổ.
– Cậu nào đây? – Bác Nga tò mò.
– Cháu là Hùng, anh họ Nam ạ – Hùng lễ phép nói.
– Anh họ cháu – Nam ngập ngừng.
– Ở quê ra hả? Cẩn thận nhé, đi đâu là phải khóa cửa ngay.
Thôi, bác đi chợ đã.
Hai anh em không gặp ai trong cầu thang và hành lang nữa. Mọi người đều đi làm. Ở các gian nhà khác người ta khóa cửa, nhốt trẻ con ở trong.
Hùng Lé nhìn ổ khóa. Nó bật ngón tay cái tách:
– Vừng ơi, mở cửa. Vừng ơi… mày biết chuyện ấy không hả Nam? Truyện Alibaba ấy mà? Vừng ơi, mở cửa… thế là cái cửa hang bằng đá mở ra cho bọn cướp vào.
Nó vừa huýt sáo vừa rút trong túi ra một chùm chìa khóa. Nam chưa bao giờ nhìn thấy một chùm chìa khóa như vậy, hình như ở đấy có mọi loại chìa khóa trên đời. Hùng lúi húi một chốc bên cái ổ khóa và… một tiếng tách nhỏ, cái khóa bật ra. Cửa mở. Một mùi ẩm mốc mát lạnh. Nam khoan khoái bước vào nhà bố – nhà của mình.
– Tao còn là Hùng-vạn-năng nữa kia đấy, chú mình ạ. Nhưng tao thích cái tên Hùng Lé hơn. Hùng Lé, oai hơn phải không chú mình? Chà, nhà bố chú mình mát quá. Nhưng bố chú mình nghèo thật đấy. Trong nhà chẳng có cóc khô gì cả!
Nam chẳng hề để ý xem bố giàu hay nghèo. Nó hồi hộp nhìn thùng đựng gạo của bố. Nó mở nắp thùng ra. May quá, còn những nửa thùng. Rồi nó nhấc chiếc bếp dầu dưới nhà lên. Dầu sóng sánh ra tay nó. Vậy là tuyệt rồi.
– Em nấu cơm, anh Hùng nhé!
– Phải đấy, nấu cơm mà ăn. Còn tao không ăn đâu. Tao ăn quán quen rồi. Cũng có nhiều lúc đói như mẻ, nhưng bây giờ thì no căng, no như quả bóng thế này này. Chà, nhà bố chú mình nghèo quá, chẳng có cái cóc khô gì cả. Nhưng được cái mát thật, tao chợp mắt tí đây.
Nam đã nấu cơm xong. Không có tiền mua rau, nhưng trong chạn bố còn tôm rảo kho đường. Bát đũa thì có sẵn. Mỗi lần lên thành phố thăm bố, thế nào mẹ cũng mang theo một bó đũa, mẹ ngồi vót đũa những lúc rỗi rãi, những đôi đũa mẹ vót bằng gốc tre đực, bóng như đũa mun. Mẹ vẫn thường nói: “Tội nghiệp bố, nấu ăn lủi thủi một mình!”. Mẹ biết rằng bố còn bận công tác, bố không thể chuyển về quê nhà làm việc được. Bởi vì bố là kĩ sư đóng tàu thủy, bố về xã làm gì?
Nghe nói nhà máy đóng tàu của bố rộng mênh mông, bố và các chú công nhân đang đóng những con tàu hàng ngàn tấn.
– Anh Hùng ơi, dậy ăn cơm đi! Hùng Lé bật dậy, hốt hoảng:
– Chết rồi! Tao ngủ đã lâu chưa hả chú mình? Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?
– Chưa đến mười một giờ đâu – Nam nói.
– Thôi được, không sao – Hùng nhìn nồi cơm, đĩa tôm kho đường – Mày nấu cơm gạo quê à? Thơm điếc cả mũi. Ngon đấy, sáng nay tao ăn hết một xỉa mà bây giờ đã đói rồi.
– Một xỉa là gì hả anh?
– Là mười đồng ấy mà. Rồi mày cũng biết những thứ đó ngay thôi. Nhưng mày ăn cơm đi chứ!
– Cả anh ăn nữa.
– Không, tao chỉ ăn một con tôm thôi. Tao phải đi ra ga đây. Chậm chút nữa là Râu Xồm nó luộc tao chín như khoai ấy.
Hùng ăn một con tôm và ra đi. Nam nghe tiếng huýt sáo dọc cầu thang. Nó cầm bát cơm lên ăn, vừa ăn vừa suy nghĩ. Hùng Lé là người thế nào? Nó có vẻ tốt mà vẫn thế nào ấy. Nhất là thỉnh thoảng nó nói ra những tiếng lóng nghe chối tai không chịu được. Nhưng không có Hùng Lé thì từ sáng đến giờ mình biết xoay xở thế nào? Dù sao thì cũng phải cám ơn nó, nó chê mình quỷnh là phải. Mình thì ngố, còn nó lại tài ba làm sao!
Nam khép cửa, đưa bát ra phía nhà tắm để rửa. Lúc trở về phòng, nó đi qua một cánh cửa sổ mở toang. Hai cái trán trẻ con dựa vào song cửa, mớ tóc con gái rủ lơ thơ. Nam nhớ ra rồi, đây là bé Liên và bé Hương, hai đứa trẻ sinh đôi của nhà bác Thịnh. Năm ngoái Nam ra chơi, chúng còn bé tí, vậy mà bây giờ đã ra dáng học sinh lớp một rồi.
Nhà bác Thịnh giàu, rất giàu nữa là khác. Người trong dãy nhà ba tầng này nói thế. Bố cũng bảo thế. Bác Thịnh trai là quản đốc phân xưởng, bác thường được đi nước ngoài tham quan người ta đóng tàu. Bác gái đi học ở Đức về, nay làm giám đốc một nhà máy làm sợi len. Trong nhà bác Thịnh, toàn là những thứ đồ đẹp cả. Nào quạt, nào máy truyền hình, nào quần áo len dạ, xe máy nữa. Nhà có nhiều đồ đạc như thế nên khi hai bác đi làm, bé Liên và bé Hương đều bị nhốt. Bác Thịnh trai – tính rất cẩn thận – đã khóa cửa bằng một cái khóa đồng to tướng mua tận Tiệp Khắc. Như vậy là chắc chắn lắm rồi. Lũ trộm chỉ còn ngồi bên ngoài mà khóc thôi. Chỉ tội nghiệp Liên và Hương. Giá như con nhà khác thì chúng đã được giao chìa khóa, muốn đi đâu chỉ việc khóa cửa lại, tha hồ mà chơi.
Nam đặt rổ bát xuống hành lang, lại bên cửa sổ.
– Meo, meo… – Nó làm tiếng mèo kêu và bẹo vào mũi bé Liên.
– Anh Nam, mở cửa cho em ra với. Chúng em bị nhốt từ sáng đến giờ rồi – Liên nũng nịu. Nó vẫn bị Nam gọi là Liên Mèo từ năm ngoái.
– Anh chịu thôi. Anh có chìa khóa đâu.
– Hay là anh bắt hộ em con chuồn chuồn đậu trên hành lang kia – Bé Hương, giống Liên như đúc một khuôn, nói.
– Được, để anh bắt cho.
Nam thè lưỡi, nín thở, đưa tay ra, nhưng con vật bé bỏng mà khôn ngoan đã bay sang đậu một chỗ khác cách đó dăm mét.
Chuồn chuồn có cánh thì bay…
Tiếng Hùng Lé nói sau lưng Nam. Có lẽ nó về lúc Nam đang lúi húi rửa bát đĩa.
Hùng nhanh như một con chồn, nó lần theo bức tường, một nháy mắt, con chuồn chuồn đã nằm trong tay nó.
– Cho em, cho em.
Hai cánh tay đưa ra cửa sổ.
Hùng Lé bước lại, đặt con chuồn chuồn đã bị hớt mất một mẩu cánh vào tay bé Liên. Nó nhoẻn cười với hai đứa trẻ đang vui như hội và nhìn qua song cửa, mắt bỗng sáng lên như có một tia nắng chiếu vào. Nhưng tia sáng ấy lại tắt ngấm ngay.
– Về đi.
Nam nói và kéo tay Hùng Lé về nhà bố.
Cửa lớn khép hờ, Nam giật mình, trong nhà có ai đó. Nó định thần lại và nhìn thấy một thanh niên vạm vỡ, râu quai nón phủ kín hai bên má, từ dưới tai kéo xuống tận cằm. Mái tóc anh ta không để dài mà cắt cao, nhưng vì bộ râu, vì đôi lông mày rậm, trông anh ta dữ tợn như đang muốn đánh ai.
– Vào đây em, vào đây!
Nam ngạc nhiên vì nghe thấy tiếng anh thanh niên gọi nó một cách dịu dàng, thân ái nữa. Dưới chân anh ta là một bao tải trong đựng thứ gì đó có vẻ nặng lắm. Phút chốc Nam tưởng như anh ta là một anh thợ hiền lành vừa đi làm về. Mặt anh khó đăm đăm, có lẽ vì anh quá mệt.
– Em cất bát rồi ngồi xuống đây, anh bảo – Anh ta nói tiếp, vẫn với giọng rất dịu dàng.
Hùng Lé khép cửa. Nó ngồi xuống mép giường của bố. Trông nó không được nhanh nhẹn như khi chỉ có hai đứa với nhau. Nam cảm thấy Hùng sợ anh thanh niên lạ mặt này lắm. Anh ta bảo Hùng:
– Hùng, giới thiệu chú với bạn Nam đi!
– Đây là chú ruột tớ – Hùng nói, vẻ miễn cưỡng.
– Thế đấy – Anh thanh niên nói – Vậy là từ đây ta thành chú họ của cháu, Nam ạ. Chú tên là Sáu, làm nghề thợ điện cùng một nhà máy với bố cháu, nghĩa là cái nhà máy trước đây, khi bố cháu vừa học ở nước ngoài về cơ, bây giờ bố cháu chuyển sang nhà máy khác rồi. Nghe Hùng kể chuyện, chú mừng lắm. Vậy là đã năm sáu năm, chú không gặp bố cháu. Còn trước kia thì quấn quýt nhau như hai anh em vậy. Chả chú là cây sáng kiến của nhà máy mà. Còn bố cháu là kĩ sư giỏi.
Có những người bề ngoài rất khó coi, hung dữ nữa là khác, nhưng bên trong thì rất hiền lành. Ở làng Phượng Vĩ có một ông già quắc thước dữ tướng như hùm, nhưng chiều chuộng trẻ con hết mức. Chú Sáu này có thể là một người như vậy chăng?
– Trời ơi, trông cháu giống bố như hai giọt nước vậy. Lại đây chú cho quà.
Anh ta kéo Nam lại, xoa đầu Nam rồi rút trong túi ra một phong kẹo lạc.
– Ăn đi cháu!
Nam cầm phong kẹo, đưa mắt tìm Hùng Lé, nhưng nó đã biến đâu rồi. Hùng đi đâu? Nó cứ nhanh như con chồn, thoắt ẩn, thoắt hiện không biết đâu mà lường được. Anh thanh niên lấy lại phong kẹo, bóc ra, ăn một thanh rồi đưa cả cho Nam. Nam lấy một thanh, ăn ngon lành.
Trong khi Nam ăn kẹo thì anh thanh niên đi lại trong gian phòng, nhìn rất kĩ bức ảnh của bố, những tờ tranh bố treo trên vách, miệng lẩm bẩm: “Chà trông bố cháu thay đổi nhiều quá đi mất. Chắc là công việc vất vả lắm!”. Rồi anh ta ngồi xuống bàn viết của bố, đưa mắt đọc những tờ giấy bố đang viết dở, lật mấy tờ lên, rút ra một quyển vở, giở ra một cách lơ đãng nhưng vẫn có ý tìm tòi một cái gì. Rồi anh đặt xuống:
– Nhà chú ở xa lắm, tận bên Thủy Nguyên cơ. Chú làm ở thành phố nhiều khi hàng tuần mới về. Đi làm về chú thường đến nhà những người bạn thân ở nhờ, nhiều khi ngủ trưa trong nhà máy. Giá mà chú biết bố cháu ở đây thì khéo chú đã đến ở với bố cháu cho vui. Nhưng được rồi, bây giờ bố cháu đi vắng, chú sẽ ở lại với cháu mấy hôm cho cháu đỡ buồn và đỡ sợ. Cháu biết không – anh hạ giọng – ở thành phố không như quê cháu đâu. Trộm cắp nhiều lắm, cháu ở đây một mình chẳng có lợi chút nào.
Nam cảm thấy chú Sáu muốn nói, nói rất nhiều về tình cảm sâu nặng của chú đối với bố. Nhưng sao chú có vẻ tò mò như thế nhỉ? Ở nhà Nam, đã thành thói quen, Nam, bé Việt và cả mẹ nữa, không ai ngồi vào bàn, lục lọi hay tò mò đọc những thứ bố viết như thế. Có lẽ ở nhà chú này thì khác chăng?
– Cháu ăn nữa đi.
– Dạ, đủ rồi ạ! – Nam mở ngăn kéo, cho gói kẹo ăn dở vào.
– Bây giờ, chú tranh thủ ngủ một chút để chiều còn đi làm. Đúng một giờ rưỡi nhớ đánh thức chú dậy nhé. Nếu Hùng về thì bảo rằng chú đã đi, chiều chú về đây, cả mấy chú cháu ăn cơm rồi cùng rửa bát.
Trong khi nói như thế, đôi mắt anh ta không rời Nam cũng như mọi vật trong phòng, đôi mắt thỉnh thoảng lại sáng lên, trông như mắt mèo.
Chờ “người chú họ” thiu thiu ngủ. Nam mở cửa ra ngoài. Nó muốn tìm một chỗ vắng nào đó để suy nghĩ, để bình tĩnh lại, vì quả thật, sự xuất hiện của người chú họ không quen biết này làm Nam thấy rối trí quá. Nó cẩn thận bóp khóa vào rồi bước dọc hành lang.
Nó nhìn thấy Hùng Lé đang đứng bên cửa sổ nhà bác Thịnh nói chuyện và đùa nghịch với hai cô bé sinh đôi. Hai đứa trẻ tỏ vẻ quyến luyến và khâm phục Hùng sau khi được nó bắt hộ con chuồn chuồn. Còn Hùng thì đang lấy giấy gấp cho chúng những đồ chơi vặt như: con chim, cái thuyền, cái quản bút. Thấy Nam, Hùng lúng túng đặt các thứ xuống thành cửa sổ.
– Bố chúng nó sắp về đấy – Hùng Lé nói và kéo Nam đi khỏi cửa sổ.
Nam thấy ghen tị, Hùng như không muốn Nam chơi đùa với hai đứa trẻ. Cả hai cô bé cũng như quên bẵng Nam, rõ là chúng đã bị Hùng lôi cuốn vì những trò chơi thú vị, những con giống bằng giấy.
Đúng một giờ rưỡi chiều, không đợi Nam đánh thức, “người chú họ” bật dậy. Anh ta lấy tay dụi mắt, tự rót nước trắng trong chai của bố uống một cốc đầy, chụp lên đầu cái mũ cối đã tàng, đeo một đôi kính đen to tướng rồi đứng trước gương ngắm nghía. Anh ta chợt thấy râu quai nón tua tủa quanh cằm liền lấy dao cạo (bố vẫn để dao trước gương, trên một tấm kính nhỏ). Cái dao bào ủi đám râu cứng kêu sồn sột nghe ớn cả người.
– Hùng đâu rồi? – Anh ta vừa cạo râu vừa nhìn vào gương hỏi Nam lúc đó đang ngồi trên mép giường phía sau anh ta.
– Đi rồi ạ.
– Tốt.
Cạo râu xong, anh ta đẩy cái bao tải vào tít gầm giường nói:
– Có mấy thứ đồ nghề của chú gửi cháu. Nhớ đừng có nghịch nhé.
– Dạ.
– Tốt.
Rồi anh ta đi ra, không quên khép kín cửa.
Nam lăn ra giường. Mát quá. Cả một đêm không ngủ, rồi bao nhiêu chuyện lại xảy ra từ sáng sớm đến giờ làm đầu óc nó mụ mị đi. Nó không thể bình thản được khi sực nhớ ra rằng đây không phải là làng Phượng Vĩ của nó. Đây là thành phố, có hằng hà sa số người sống chen chúc trong những ngôi nhà san sát như bát úp, trên một khoảng đất chật hẹp. Ở làng, đi ngủ thường ít khi phải đóng cửa. Ban ngày, người ta đi làm đồng, cửa ngõ, đồ đạc cứ bày ra đấy. Bất kì người nào vào nhà đều được mời uống nước, hút thuốc. Ai đói, người làng sẽ mời ăn cơm. Ai nhỡ đường sẽ được nhường chỗ ngủ. Chính các chú công an xóm sau khi xem giấy tờ sẽ sắp xếp chỗ ăn ở cho những người khách lạ ấy. Ai từ biệt làng Phượng Vĩ cũng luyến tiếc, nhớ nhung. Hùng Lé đã nhường bánh cho Nam ăn ở sân ga, đã chỉ vẽ cho Nam những điều bỡ ngỡ. Hùng đến nhà, Nam phải đối xử với Hùng như bạn bè. Nhưng còn “người chú họ” kia là ai? Mà thôi, nghĩ vớ vẩn như thế để làm gì khi chưa có gì xảy ra cả. Thật thế, có hai người khách đến nhà Nam và giờ họ đã ra đi. Họ chưa làm gì xấu cả, Nam cũng phải ngủ một giấc đây, ngủ bù cho đêm qua và buổi sáng vất vả. Ngủ trong nhà của bố sau khi no bụng thì có gì phải nói nhỉ? Cửa đã khép lại rồi, chỉ còn cài then bên trong nữa thôi.
Nam tỉnh dậy, sau một giấc ngủ dài và say sưa. Thật không còn biết trời đất gì nữa. Mẹ thường nói: “Ngủ say như củ khoai” là vậy đấy. Gian nhà hơi tối, nhưng mát rượi. Nắng trưa không lọt vào chỗ nào được. Nam mở cửa sổ phía hồi nhà. Mọi vật như cùng tỉnh dậy với Nam, những vật quá quen thuộc, vẫn nằm yên ở chỗ cũ, từ ngày nào Nam không còn nhớ nữa. Nam cúi nhìn xuống gầm giường, chiếc bao tải “đồ nghề” của chú râu quai nón vẫn còn đó.
Nam ra cửa lớn, đưa tay kéo cái chốt. Nó đẩy cửa để ra ngoài. Nhưng sao thế này? Một cảm giác lành lạnh chạy từ gáy dọc theo sống lưng nó. Không thể nào mở được cửa. Nó hiếng mắt nhìn qua chút khe hở và hiểu ngay: Cửa đã khóa ở bên ngoài. Ai đã khóa trong khi Nam ngủ? Hay là chú râu quai nón? Không, lúc chú ấy ra đi không nghe thấy tiếng bóp khóa. Thật ngu, lúc đi rửa bát về Nam lấy chìa ở Hùng để mở cửa rồi quên khuấy, cứ để cái khóa và cả chìa lủng lẳng ở đó. Vậy thì có ai đã nghịch ngợm khóa Nam lại, để dạy cho Nam một bài học đây. Chưa chắc. Ở khu tập thể này chẳng ai nghịch ngợm như thế. Nếu thấy Nam quên khóa ngoài cửa, họ sẽ gọi và đưa cho Nam ngay. Vậy thì ai?
Nam nghĩ đến Hùng Lé, đến “người chú họ” râu quai nón và cảm giác lạnh dọc sống lưng càng tăng. Hay là…
Phải, Nam thấy lóe lên trong đầu một dự đoán đáng sợ. Họ muốn mình phải ở trong nhà, không được đi đâu. Hay là trong chiếc bao tải kia có những thứ quý giá và đắt tiền đến mức người ta phải cẩn thận như vậy?
Nam áp tai vào cửa nghe ngóng. Không có gì đáng ngờ. Nó rón rén lại phía giường, chui vào, kéo cái bao tải ra. Cái bao tải nặng quá chừng, phải cố hết sức mới kéo ra được chỗ sáng. Nam mở sợi dây, cho tay vào trong bao. Vòng bi! Một bao tải vòng bi, dễ có đến hàng trăm chiếc. Nam hiểu ngay đây là những chiếc vòng bi đáng ngờ. Không ai giao cho người thợ điện như ông “chú họ” râu quai nón này một số vòng bi nhiều như thế.
Nó từ từ đẩy chiếc bao tải vào chỗ cũ, lại ghế ngồi, suy nghĩ. Có thể chú ấy đưa vòng bi đi chữa cho nhà máy? Có thể chú ấy đi mua về? Nhưng tại sao lại khóa cửa lại? Nam nửa tin nửa ngờ, không biết thế nào là đúng. Bây giờ có lẽ còn một việc cần làm là hô hoán lên cho hàng xóm biết rằng Nam đang bị nhốt. Không, không nên ầm ĩ như vậy trong khi chưa có chuyện gì xảy ra. Có lẽ mình đã dại dột khi đưa Hùng Lé về đây. Bây giờ tốt nhất là cứ nằm ngủ đợi vài tiếng đồng hồ nữa, Hùng Lé hay “người chú họ” sẽ trở lại và lúc đó hẵng hay.
Nó lại nằm xuống giường nhưng không tài nào chợp mắt được. Có tiếng nói chuyện lào xào đâu đây ngoài hành lang. Ngố thật – Nam nghĩ bụng – hồi nãy mình định kêu lên, nhưng kêu thì có ai thưa. Dọc hành lang chẳng nhà nào có người ở nhà. Còn lũ trẻ thì đều bị nhốt, đứa thì ngủ, đứa thì đang nấu ăn hay chơi với nhau trong nhà. Ai nói chuyện đấy nhỉ? À, có lẽ bé Liên con nhà bác Thịnh. Nam rón nhẹ chân lại phía cửa. Nó áp tai vào tấm ván, cố nghe:
– Anh Hùng ơi, mở cửa cho chúng em ra ngoài chơi với!
– Suỵt, nói khẽ chứ.
– Anh phải mở cho em ra cơ.
– Được rồi, để mở cho. Phải khe khẽ chứ.
Nam nghe những chiếc chìa khóa va vào nhau lách cách. Có lẽ Hùng vẫn chưa mở được cửa. Hùng mở để làm gì? Tốt nhất là mình lên tiếng để Hùng biết rằng mình đã biết nó đang mở cửa:
– Hùng ơi, mở hộ tôi nữa với! Nam cố hét thật to.
Có tiếng lách cách. Cửa mở ra thật và “người chú họ” bước vào như một cơn gió đen rồi đóng áp cửa lại. Anh ta ăn mặc hoàn toàn khác lúc ra đi. Quần áo bộ đội cũ, chân mang dép cao su, đầu vẫn đội cái mũ cối ấy và không đeo kính râm. Trông anh ta không còn dữ tợn như trước nữa. Cả bộ râu quai nón hình như cũng biến mất.
– Chú Sáu! – Nam nói, giọng lạc đi.
– Không chú cháu gì hết!
Anh ta đưa hai cánh tay như hai cái gọng kìm quặp lên vai Nam, ấn nó ngồi xuống chiếc ghế thấp trong góc phòng.
– Ngồi xuống đây và im mồm, nghe không, thằng nhãi!
Hắn dằn từng tiếng khi nói câu đó và trong nháy mắt Nam hiểu ngay việc gì đang xảy ra. Nó cố vùng dậy dưới hai bàn tay như vuốt đang cố ghìm vai nó xuống rồi kêu to:
– Liên ơi, đừng mở cửa…
Một cái tát như trời giáng làm Nam tối tăm mặt mũi. Nó loạng choạng nhổ xuống nền nhà một bãi nước bọt dính máu. Bàn tay phải của “người chú họ” đang dứ dứ trước mặt nó và qua những tia đom đóm trước mặt nhì nhằng Nam nhìn thấy một khẩu súng ngắn, cái nòng đen ngòm.
– Im mồm!
Hắn ấn Nam ngồi xuống, ung dung thả khẩu súng vào túi quần.
Cửa mở. Một người khác, không to lớn bằng “người chú họ”, ăn mặc như những thanh niên Nam vẫn thấy lang thang ngoài đường phố, đẩy Liên và Hương vào nhà. Cả hai đứa đều nước mắt nước mũi đầm đìa, hai má phồng to. Nam nhìn thấy trong mồm chúng cả một đống giẻ to tướng. Có lẽ là những chiếc khăn rửa mặt.
– Bịt mồm thằng này nữa!
Sáu hất hàm và thằng kia lấy ngay cái khăn của bố nhét chặt vào miệng Nam rồi trói mỗi đứa vào một chiếc ghế. Bé Liên và Hương nhìn Nam không chớp mắt. Nam cảm thấy chúng đang trách móc Nam và tim nó se lại vì hối hận. Nhưng không có cách gì nói chuyện với hai cô bé được nữa rồi. Nếu không có cái khăn mặt này thì nhất định Nam sẽ kêu toáng lên rồi ra sao thì ra!
– Cho tất cả sang đây rồi khóa cửa lại như cũ! – Sáu ra lệnh.
Thằng kia đi ra rồi trở lại ngay cùng với đồ đạc nhà bác Thịnh. Đầu tiên là cái quạt Nhật mạ kền sáng loáng, chiếc va li, một túi ni lông không biết chúng đã nhét đầy những thứ gì, một bó nữa, một bó nữa…
– Thằng Xám vẫn canh dưới cầu thang đấy chứ?
– Còn dưới đó, anh Hai à!
– Xe đến chưa?
– Dạ rồi. Có mỗi chiếc xe bò thôi, anh Hai.
– Đưa xuống rồi vù thôi. Đến 162 nghe không?
Chúng nó thay nhau mang các thứ chạy sầm sập xuống cầu thang. Nam không thấy Hùng đâu cả. Có lẽ nó đang đứng canh gác ở đâu đó. Khi mớ đồ đạc đã chuyển đi hết rồi, Sáu là người cuối cùng. Hắn có vẻ vui, bóp bóp nhẹ vào miệng Nam và hai cô bé rồi nói:
– Để xem ba cái khóa miệng có chắc không nào? Hắn nhét vào tay mỗi đứa một chiếc kẹo giấy bóng.
– Chịu khó ngồi một chốc, các “cháu yêu” nhé. Rồi bố mẹ sẽ về ngay thôi mà, lúc đó tha hồ mà ca hát.
Nam buông tay cho cái kẹo rơi xuống đất.
Sáu đi ra, đóng cửa nhẹ nhàng, rồi có tiếng khóa lách cách bên ngoài. Nhưng hắn quay lại. Hắn cúi xuống gầm giường lôi cái bao tải ra:
– Suýt thì quên mất món sò huyết – Hắn nói, cho bao tải lên vai, ra khỏi phòng, khóa lại như cũ.
Nam cố vùng vẫy để làm tung sợi dây, nhưng không có cách gì được. Gian phòng tối om, im ắng. Nam đoán thế nào Hương và Liên cũng khóc, nhưng nó không nhìn rõ nét mặt của hai đứa mà cũng chẳng nghe thấy tiếng sụt sịt nào. Hay là chúng nó đã lịm đi vì mệt và sợ? Ngộ nhỡ chúng bị ngất đi thì sao? Biết làm sao bây giờ? Có cách nào tự cởi được sợi dây thì sẽ ổn tất cả. Nhưng sợi dây là sợi dây. Nam đâu biết rằng nó đã bị trói bởi hai bàn tay của Muỗi Vằn. Những cái nút buộc của hắn đã từng nổi tiếng trong đám trộm cắp kiếm ăn quanh bến cảng.
“Tất cả chỉ tại mình hết” – Nam nghĩ – “Bác Thịnh bị mất trộm của cải là do mình đưa Hùng Lé về nhà. Bé Liên và bé Hương bị đánh, bị đày đọa, vì mình, vì mình hết!”. Nam thấy hết sợ, nhưng nó khóc vì hối hận và nhục nhã… Rồi nó lịm đi lúc nào không biết.
Những tiếng kêu khóc om sòm đánh thức cả ba đứa dậy (Hai cô bé không phải bị ngất mà vì sợ đã lịm đi trước Nam). Nam chỉ còn biết cựa quậy để cho Liên và Hương biết rằng mình đang còn ở trong phòng với chúng nó. Gian buồng nhỏ tối như hũ nút vì ngoài trời đã về chiều. Chắc là mọi người đi làm về, đã phát hiện ra vụ trộm. Bước chân chạy thình thịch ngoài hành lang, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng chép miệng của ai đó. Nổi bật nhất trong mọi thứ ồn ào là tiếng kêu khóc của bác Thịnh gái. Nam thấy bác không kêu rên vì mất của mà chỉ vì lo cho hai đứa bé con bác: “Khốn khổ con tôi, tội nghiệp con tôi, chúng đã giết chết con tôi mất rồi! Hu hu…”. Bác Thịnh trai bây giờ đang làm gì? Bác đi trình công an hay ngồi thừ trong gian phòng trống trơn không nói không rằng gì hết? “Trời ơi, khốn khổ con tôi!”... Tiếng bác Thịnh gái lại gào lên, nghe cào xé cả gan ruột. Nam thấy thương bác quá, nó muốn hét to: “Chúng cháu ở trong này cơ mà!” nhưng nó chỉ ú ớ được như người mơ ngủ. Rồi cả Liên và Hương cũng ú ớ. Chắc chúng nó đã nghe thấy tiếng mẹ bên ngoài hành lang, chúng cũng đang hét lên trong miếng giẻ: “Mẹ ơi, chúng con ở trong này cơ mà!”. Chốc chốc lại nghe thấy tiếng bác Nga: “Tôi đã biết mà, thế nào cũng có chuyện! Chúng còn bắt cả thằng Nam con anh Thành đi nữa kia. Thằng bé cũng biến đâu rồi không biết!”.
Tiếng người mỗi lúc một nhiều. Chắc là người ta đang bâu kín gian phòng bác Thịnh, ùn chật hành lang. Có nhiều người đang đứng ngay trước cánh cửa phòng bố. Nhưng chẳng ai biết trong phòng đang có ba đứa trẻ bị nhốt cả. Nam thấy sợ. Đến ngày bố về, người ta mới tìm thấy chúng thì sao? Không biết một tuần nữa cả ba sẽ trở thành cái gì?
– Này, im lặng hộ một chút xem nào!
Có tiếng đàn ông lạ nói khá to bên kia cánh cửa. Tiếng ầm ĩ có bớt đi, nhưng vẫn rì rầm như ở chợ.
– Nào, dãn ra, dãn ra, tôi nhờ một tí…
Tiếng người đàn ông hồi nãy lại nói. Người ta im lặng thật và Nam nghe rõ tiếng ai đó thở vì hồi hộp. Ngu thật! Nam tự trách mình. Sao hồi nãy đến giờ không vật mình cho ngã xuống? Nó làm ngay và dùng hết sức lực kéo cái ghế đổ theo. Mấy cái chai trên bàn lao xuống vỡ toang.
– Đúng là có người bên trong!
– Khéo bọn trộm còn ở trong đó cũng nên.
– Lùi ra, chúng nó có súng đấy!
– Tôi đã bảo mà!
Nam nghe thấy tiếng bác Nga và sau câu nói đó có tiếng guốc đi nhanh xuống cầu thang. Chắc là bác ngại lũ trộm có súng.
– Phá cửa ra thôi!
Người ta nện vào cửa mấy nhát búa và Nam bỗng thấy tối tăm mặt mũi. Ánh sáng ùa vào cùng với mấy người đàn ông. Nó định thần lại. Một chú công an đang cúi xuống cởi trói cho nó.
o O o
Trong phòng chỉ còn hai chú cháu. Không phải chú công an hôm nọ, mà là một chú khác, mặc quần áo thường, trạc tuổi với bố và hơi giống bố.
– Cháu ăn kẹo đi. Đêm qua cháu ngủ được chứ?
– Dạ, cháu ngủ say lắm.
Một chiếc chuồng chim nuôi hai con hoàng yến treo bên cửa sổ. Chúng đang rỉa cánh cho nhau. Phía sau cửa là mái nhà lợp ngói nhấp nhô như sóng biển. Xa kia là khoảng trời xanh như màu thủy tinh trong veo. Buổi sáng mùa Hè ở thành phố cảng làm Nam tỉnh hẳn. Gió ùa vào phòng lật những tờ lịch nhỏ như cánh bướm.
– Chú cháu mình làm việc nhé. Cháu có đồng ý không?
– Vâng ạ!
– Bây giờ cháu hãy kể lại cho chú nghe, chuyện xảy ra thế nào nhỉ? Cháu ở quê lên đêm hôm kia phải không?
– Dạ!
– Vậy là đêm mồng bốn tháng Sáu. Sau khi nghỉ Hè được ba hôm à?
– Vâng ạ!
Không cần chú hỏi. Nam vẫn có thể kể lại tỉ mỉ và tuần tự những việc xảy ra không bỏ sót một chi tiết nào.
Chú cán bộ đứng dậy, châm thuốc hút. Chú bước lại bên cửa sổ đứng nhìn những mái nhà nhấp nhô rồi quay lại nói:
– Đáng lẽ cháu không nên đưa Hùng Lé về nhà. Nếu không làm nghề sửa khóa thì những ai mở cửa nhà người khác bằng chìa khóa của mình đều đáng ngờ cả.
Chú đi lại cái tủ, lấy ra một tập hồ sơ. Trong tập hồ sơ có một chiếc phong bì đầy, đựng toàn ảnh. Chú rút ra từng chiếc một và đưa tới trước mặt Nam.
– Cháu có nhận ra ai đây không?
– Dạ, không ạ. Cháu không quen người này.
– Còn đây?
– Cháu cũng không biết ạ.
– Đây nữa.
– Cũng không ạ.
Bao nhiêu tấm ảnh như thế. Nam không đếm được, chỉ biết là rất nhiều, nhiều lắm.
Chú công an quẳng tập ảnh xuống bàn, thở dài:
– Thế là câu chuyện có phần phức tạp đấy cháu ạ. Này, cháu bảo lúc trở lại, thằng Sáu Xồm không còn râu quai nón nữa phải không?
– Cháu không hiểu vì sao mà bộ râu biến mất ạ.
– Cũng chẳng khó gì. Nghĩa là, sau khi cạo nhẵn râu ở nhà cháu xong, hắn bôi lên má một lớp phấn cùng màu da mặt. Thế là biến mất bộ râu. Chú và cháu, những người tử tế khác chỉ có một bộ mặt thôi. Nhưng lũ này thường có nhiều bộ mặt. Bây giờ là dơi, chút nữa lại là chuột. Thế đấy.
Nam thấy chú cán bộ có vẻ buồn phiền. Chú quay máy điện thoại mời một chú nào đó lên gặp. Một nháy mắt, chú kia đã đến, chắc chú ở tầng dưới lên.
– Đồng chí Miên, tôi đã đưa ảnh đối tượng cho cháu Nam xem, nhưng cháu không nhận ra người nào cả. Vậy là có một lũ mới?
Chú cán bộ nói xong, quay lại Nam:
– Này cháu, cháu có thể ở đây đến bao lâu?
– Mẹ cháu cho cháu đi nửa tháng ạ. Ở nhà cháu còn một con thỏ…
– Được rồi, tốt. Cháu sẽ ở đây với các chú cho đến ngày bố cháu về. Các chú không báo tin cho bố cháu biết chuyện này, để bố cháu an tâm nghỉ ngơi. Nhưng chú hỏi thật, cháu có quyết tâm giúp các chú tìm ra bọn Sáu Xồm hay không?
– Có ạ! Nhưng liệu có lấy lại của cải được không hả chú?
– Cái đó còn tùy xem chúng ta phát hiện ra bọn này sớm hay muộn. Chúng ta sẽ cố gắng tìm ra sớm. Thế này, không nhận được ảnh thì ta hãy thử nhận ra người vậy. Cháu sẽ đi lang thang trên đường phố như một chú bé nhà quê ra tỉnh thật sự. Chú Miên đi cách cháu hai mươi mét. Nếu gặp mặt một trong ba thằng ấy, cháu sẽ tìm cách báo cho chú Miên. Được không? Ta hãy thử cầu may một chút xem sao.
Nam theo chú Miên xuống tầng dưới. Nhưng vừa ra đến cửa, chú cán bộ gọi giật lại:
– Này cháu, lúc thằng kia nói rằng chỉ có mỗi chiếc xe bò thôi thì tên Sáu Xồm trả lời thế nào nhỉ?
– Nó bảo đưa đồ đạc đến 162 ạ!
– Bao nhiêu?
– 162 ạ!
o O o
Hai chú cháu, chú Miên và Nam, đã ấn định một kế hoạch hết sức chặt chẽ đến mức “không chê vào đâu được” như chú Miên bảo. Chú Miên chỉ mặc áo sơ mi ngắn tay và một chiếc quần xanh nhạt. Không biết chú giấu súng lục ở chỗ nào trên người, nhưng Nam biết chắc chắn là chú có súng. Một khẩu súng xinh xinh. Chú bảo Nam: “Đưa đi phòng xa chứ chẳng phải dùng đến. Hai tay mình đánh nhau cũng đủ rồi!”. Chú giỏi võ, điều ấy thì không nghi ngờ gì nữa.
Hai chú cháu vạch một con đường quanh co, ngoắt ngoéo làm sao để có thể đi ngắn nhất. Đường phố, cổng chợ, rạp chiếu bóng, sân ga và bến ô tô nữa. Chú Miên bảo rằng đây là một trong nhiều cách để tóm bọn trộm, cách đơn giản nhất. Cơ quan chú đang chăng lưới, đang thông báo nhận dạng chúng nó cho những trạm gác, ở cửa ngõ ra vào thành phố và các cơ sở trong nội thành. Chú còn nói: “Trước sau rồi chúng cũng vào nhà đá, quân khốn kiếp ấy!”.
Nam xách một cái làn như đi mua bán gì và sau nó, cách đúng hai mươi mét, chú Miên lững thững bước theo. Bấy giờ là khoảng mười giờ. Nắng gay gắt đổ xuống những khoảng đường không bóng cây che. Nam thấy mệt rã người. Nhưng từ hôm qua đến giờ, nó tự nhủ rằng, nếu không tìm cách đền bù lại những mất mát cho bác Thịnh và giúp đỡ các chú công an trừ được toán trộm cắp sừng sỏ này thì không còn mặt mũi nào nhìn thấy bố. Phải làm sao công việc kết thúc trước khi bố về. Bố sẽ tha thứ cho những sai lầm tai hại của nó.
Bỗng nó chú ý một dáng người to con đang lùi lũi đi vào ngõ chợ Trần Quang Khải. Nam đưa tay lên vành mũ, làm như giữ cho cái mũ đừng rơi. Đó là ám hiệu cho chú Miên đi theo sau. Nam dấn lên mấy bước, cố bám sát con người to con kia. Nhìn phía sau, nó cảm thấy như đang gặp lại hắn. Phải, chính hắn, thằng Xồm với đôi vai bè bè, đang đi giật như kiểu gấu ngựa kia. Nam dấn lên, tìm cách nhìn được mặt hắn. Nhưng hắn đâu rồi? Rõ là hắn vừa đấy kia mà, trước mặt Nam, hắn đi giữa đoàn người vào chợ đông nghịt. Tim Nam như đứng lại: Khéo Nam đã để sổng mất con mồi. Nhưng đây rồi, hắn đang đứng lại bên ngoài người bán thuốc tây ở góc chợ. Quay lưng lại phía Nam, hắn ghé vào tai người bán thuốc thì thầm. Anh bán thuốc đeo kính râm gọng vàng nghiêng đầu chăm chú nghe. Hắn đặt cái túi vải bạt có vẻ khá nặng xuống đất, lôi ra một gói nhỏ, tuồn nhanh vào các hòm gỗ dưới chân người bán thuốc. Hắn quay ngoắt về bên trái, bước nhanh ra phía cổng bên (nếu không có người bán rau chắn trước mặt, có lẽ Nam đã nhìn thấy mặt hắn rồi). Người ta chen lấn, xô đẩy Nam làm nó không thể nào lấn thêm được bước nào. Lần này thì hắn sổng mất thật. Nhưng Nam lấy lại bình tĩnh, nó quay nhìn chú Miên đang cố bám lấy mình giữa đám đông, ra hiệu cho chú biết rồi cố chen trở lại, chạy sang cổng bên đón đầu người đàn ông to lớn. Hắn kia rồi, đang bị kẹt giữa hai cái xe đạp thồ với những cái sọt to tướng chất đầy rau muống. Nam hổn hển đến bên cổng, mồ hôi nhễ nhại trên trán, ướt cả đầu tóc. Nó đứng chờ, hắn kia, đúng rồi, cả bộ râu quai nón xanh um che kín cằm và một nửa má. Vẫn cái mũ cối tàng tàng. Nam đứng né sang một bên, nấp sau một người bán đồ chơi trẻ con đang vừa rao hàng vừa thổi còi te, te.
– Này chú nhóc, xê ra, xê ra…
Một bàn tay cứng như thép, chộp lấy vai Nam, nhấc bổng nó lên rồi đặt xuống bên cạnh người bán đồ chơi. Nhưng hắn không phải là Sáu Xồm. Anh ta đặt cái túi xuống bên cạnh người bán đồ chơi trẻ con rồi giơ lên trước mặt người ra vào cổng chợ những gói thuốc bọc giấy nho nhỏ như những gói mực tím. Đó là một người bán thuốc rong.
Chiều hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chú Miên bảo Nam:
– Đừng coi thường những biện pháp đơn giản, cháu ạ. Biết bao vụ án tìm ra được cũng chỉ nhờ những cách bình thường. Chú cháu ta hãy kiên trì đi tìm chúng nó vài hôm nữa xem sao.
Nam vẫn chưa thôi xấu hổ vì hồi sáng bé cái nhầm! Nó bảo chú Miên:
– Chú cho phép cháu về qua nhà bố một chút…
– Cháu định tìm chúng nó ở đấy à? Sao cháu ngây thơ thế?
Sẽ không bao giờ chúng trở lại chỗ ấy nữa đâu.
– Không, cháu muốn xem xem bố đã về chưa. Biết đâu bố cháu về chơi cũng nên.
– Được, cháu đi đến bảy giờ tối rồi hai chú cháu ta sẽ đi ra mấy cái rạp xi nê xem sao.
Nam ra đi và đêm ấy nó không về. Mười giờ đêm, chú Miên đi tìm Nam. Nhưng gian nhà vẫn đóng im ỉm, khóa lủng lẳng bên ngoài. Chú đập cửa gọi, vẫn không có ai thưa. Tất cả mọi người đều nói rằng chiều nay không hề thấy Nam về đây. Không ai gặp nó.
Chú Miên báo cáo với cấp trên. Nhiều chiến sĩ trinh sát được phân công đi tìm Nam. Nhưng mò kim đáy biển, sáng hôm sau vẫn không có tin tức về chú bé. Chú cán bộ vò đầu nói với chú Miên:
– Lỗ to rồi, đồng chí. Tưởng bắt về được ba đứa, bây giờ lại mất đi một!
o O o
Cách nhà bố khoảng năm mươi thước. Nam gặp hắn. Lần này thì không nhầm vào đâu được nữa. Dưới bóng tối một cây sấu già, Nam đi ngược chiều với hắn và trong lúc hắn cắm đầu nhìn xuống đi giật giật như gấu thì Nam đã đủ thời giờ nhận ra đám râu quai nón, mái tóc hớt cao, bộ quần áo lính bạc màu. Hắn không nhìn thấy Nam, nhưng chính Nam đã nhận ra hắn, rõ ràng, chắc chắn như khi cùng ngồi trong phòng với hắn hôm nọ vậy.
Nam vẫn cúi đầu đi tới. Bước đến một cái máy nước có hàng chục người giặt giũ, xếp thùng, Nam lẩn vào trong bọn họ rồi quay trở lại, núp sau một cây phượng, nhìn theo bóng hắn ta. Hắn đang đứng lại, bật lửa châm thuốc hút. Hắn liếc nhanh về phía sau nhưng tỏ ra phớt đời đến lạnh lùng, hắn lại đi, lần này đi chậm hơn, rẽ vào lối bờ sông Tam Bạc. Nam bám theo hắn, cách một khoảng vừa phải. Nam tính toán khoảng cách thế nào đủ để hắn không thể nhận ra Nam, còn Nam cũng không bị sổng mất hắn. Cứ mỗi lần hắn rẽ vào ngã ba nào đó, Nam lại “bứt” lên, khi “bắt” được hắn rồi, Nam lại chậm bước, giữ cự li cũ. Phải làm cách gì để thông báo cho chú Miên hoặc một chú công an nào đó. Nhưng cũng không thể rời hắn một giây. Hắn rẽ luôn, đi theo một đường ngoắt ngoéo không như người khác. Nam chỉ còn biết theo sát hắn, điều quan trọng nhất – nó nghĩ – là không để mất hắn. Sau đó làm gì hẵng hay.
Hắn ra phía bờ sông. Con sông phập phồng trong đêm. Bè gỗ, sà lan, thuyền bè chen khít. Bóng tối cũng rập rình theo nhịp của mặt nước xao động. Hắn vẫn đi theo bờ sông, dạo này bóng điện đường ít sáng và thưa thớt nên hắn dễ lẩn vào bóng tối. Nhiều lúc Nam tưởng hắn đã sổng mất, nhưng chỉ một chút sau lại hiện ra dưới quầng sáng của một ngọn đèn nào đó dưới mặt sông hắt lên.
Một quãng bờ sông tối om. Trước mặt hắn là con thuyền lớn, loại thuyền vẫn chở hàng về thành phố. Hắn bắt đầu đi chậm lại. Ngang tầm con thuyền, hắn bỗng quay ngoắt người và nhanh như một con cáo, bước ngược lại phía Nam. Trước khi nhận thấy được điều gì xảy ra với mình, Nam đã ở trong tay hắn. Bàn tay rắn như thép của hắn bịt lấy miệng Nam, hắn dùng cả cánh tay phải xốc nách Nam, ép Nam sát vào người hắn làm chú bé đau ê ẩm. Hắn bước nhanh như chạy vài bước là hết tấm ván cầu, vứt Nam vào sạp thuyền tối om. Không kịp cho chú bé định thần, hắn nhét vào miệng chú một cái khăn mặt. Một cái đầu với mùi mồ hôi quen thuộc ghé sát đến Nam, sợi thừng nhỏ và mềm quấn quanh thân chú bé như con rắn. Muỗi Vằn làm công việc mà hắn thạo nhất.
– Đi thôi! – Nam nghe tiếng Sáu Xồm.
– Về Lò Vôi hả anh Hai? – Câu hỏi đó là của Hùng Lé.
Con thuyền dập dềnh, tiếng sào sục nước, những bước chân giẫm lên mui thuyền ầm ầm, Nam biết chắc thuyền đang rời bến. Lúc này, Nam không còn sợ nữa. Trong vài ngày chú bé đã qua nhiều nỗi hiểm nguy đến mức chú cảm thấy bình thường khi gặp lại lũ đầu trâu mặt ngựa “quen biết”.
Chỉ có một điều chú không biết: Sáu Xồm đã nhận ra Nam trước khi chú bé nhìn thấy hắn. Đó là khả năng thiên bẩm của lũ người sống thường xuyên trong bóng tối. Khi hắn dừng lại châm lửa hút thuốc, Nam đâu biết rằng hắn đang cười gằn. Cũng lúc đó trong đầu hắn nảy ra một ý nghĩ mới. Hắn sẽ làm con mồi dẫn con chuột nhắt vào cạm bẫy. Hắn muốn gạt bỏ mối nguy hiểm duy nhất đối với hắn trong thời gian ở thành phố này. Vả lại hắn cũng đang cần thêm một chú bé kháu khỉnh, thông minh và dễ thương. Hùng Lé vẫn còn chưa đủ.
Nam không biết khi Sáu Xồm kéo nó từ dưới sạp thuyền ẩm ướt lên thì đã mấy giờ đêm. Nó nhìn sao tua rua lung linh ở một phần trời. Tiếng sóng biển dào dạt đâu đây, mơ hồ vọng đến tai Nam như nhắc lại cuộc sống vừa mới qua nhưng không hiện ngày gặp lại. Thành phố, làng Phượng Vĩ, bóng dáng mẹ cần cù đi lại trong gian nhà tranh ấm cúng và sạch tinh tươm… Bé Việt, con thỏ đen tuyền và những tiếng nói, khuôn mặt quen thuộc. Nó nhớ đến bố với giọng cười sảng khoái trong những ván cờ và khi nó chiếu tướng thì bố lặng lẽ đưa tay xoa cằm. Lẽ nào nó sẽ phải từ giã tất cả? Lẽ nào nó sẽ không còn gặp lại cô Thi, bọn thằng Đào, thằng Thế và ngôi trường làng xanh um những tán bàng?
Con thuyền đang thả neo trong một cái lạch kín đáo. Nam biết Sáu Xồm cho thuyền ra phía biển, giấu thuyền giữa rừng sú. Có lần bố cho Nam đi thử một chiếc ca nô dã chiến nhà máy vừa mới đóng xong. Nam đã cùng bố và các chú đi trên những con lạch này. Nhưng sao đêm nay tất cả đều thật đáng sợ, cánh rừng và con lạch đều tối tăm với tiếng kêu buồn bã của những con mòng két lạc đàn.
Muỗi Vằn cởi trói cho Nam sau khi kéo Nam lên cho người dựa vào vách thuyền, trên tấm chiếu hoa, cùng với Sáu Xồm và Hùng Lé. Ngọn đèn Hoa Kỳ đủ sáng một khoang thuyền. Giữa chiếu là một đĩa kẹo, một chai rượu mùi và mấy khoanh giò đặt trên tấm lá chuối tươi. Sáu Xồm nói:
– Chú em láu cá lắm, chú nhà quê ạ. Chú em lại đòi bám đuôi ta cơ à? Cái thứ như chú em thì không làm được việc ấy đâu. Nhưng thôi, bây giờ ta xí xóa và chú em ăn đi. Muốn ăn gì thì ăn: kẹo, giò, thích uống rượu thì cứ uống.
– Ăn đi chứ, các chú – Muỗi Vằn nói – Xin phép anh Hai! Hắn lấy khoanh giò, nâng cốc rượu đã rót sẵn, ực một hơi.
Hùng Lé nhìn Nam. Từ nãy đến giờ nó không nói gì, nét mặt ủ dột. Nam nhìn thẳng vào mặt Hùng Lé. Đã hơn ba mươi tiếng đồng hồ rồi nó mới gặp lại thằng bạn mới làm quen trên sân ga. Trong lòng Nam sôi lên một cơn giận ghê gớm.
Nam muốn tỏ thái độ với Hùng nhưng không được. Bây giờ là lúc Nam phải tìm kế thoát thân và giúp các chú công an phát hiện ra chúng.
Nam im lặng, Hùng Lé hình như hiểu được cái nhìn của Nam. Nó quay mặt đi rồi bước ra đầu mũi thuyền. Sáu Xồm nhìn theo, một tia nhìn khó chịu. Nhưng hắn giấu ngay điều đó, trở lại vỗ về Nam:
– Chú xin lỗi cháu, vì hôm kia cũng như hôm nay phải dùng tay chân với cháu. Chẳng qua là tình thế bắt buộc mà! Cháu khá lắm, chú thấy ít đứa trẻ nào gan lì như cháu đấy – Hắn hạ giọng đủ cho Nam nghe thấy – Thằng Hùng cũng vậy đấy. Trước đây nó là đứa trẻ anh hùng ra trò. Nhưng bây giờ thì hỏng rồi, chú nói thật đấy, hỏng rồi.
Thấy Nam trân trân nhìn xuống mặt chiếu, im lặng không nói gì, Sáu Xồm nhón mấy cái kẹo đặt vào tay nó.
– Ta hẵng quên chuyện cũ đi! – Sáu Xồm uống một hớp rượu – Cái nhà hàng xóm của cháu ấy mà, nếu chú không ra tay thì cũng có hội khác chúng nó làm, cháu đừng nghĩ gì mà mệt. Bây giờ hẵng nghĩ đến ngày mai. Này cháu, đời giang hồ khoái lắm. Chú sẽ nuôi cháu, chu cấp cho cháu đủ ăn xài, muốn gì có nấy. Chú cháu ta sẽ đi đây đi đó, nơi nào dễ làm ăn ta đến, đời như con cá, con chim, cháu thích không?
Nam thấy im lặng là hơn cả.
– Đến nước này thì cháu chỉ có hai lối ra thôi – Sáu Xồm nói giọng hăm dọa – Hoặc là cháu sẽ cùng đi với bọn ta hoặc ta bắt buộc phải xử tệ với cháu. Nghĩa là dù cách nào đi nữa, cháu cũng chẳng có hi vọng trở về! Bởi vì, cháu đã biết hết bí mật của bọn ta, phải không?
Có tiếng Hùng Lé trên mui thuyền:
– Cá xanh, anh Sáu!
Tiếng nói vọng xuống từ một cái cửa mở một bên mui thuyền. Sáu Xồm và Muỗi Vằn chạy ra đằng mũi. Bỗng Nam thấy từ sát cửa sổ rơi xuống một miếng giấy nhỏ. Nó nhặt lên, đọc thấy mấy chữ viết bằng bút chì: “Đầu hàng đi. Đừng cãi!”. Nam vo viên mẩu giấy quẳng vào cái bếp lò bên cạnh tấm chiếu. Vậy là thế nào? Hùng Lé muốn gì, nghĩ gì?
Hai thằng trở vào. Sáu Xồm nói với thằng kia:
– Thằng dở hơi! Ca nô biên phòng không vào thấu đây! Họ chỉ chạy đến ngã ba rồi rẽ vào sông cái. Đây thuộc địa phận của huyện rồi.
Sáu Xồm đã biết chọn nơi làm tổ cho cái ổ trộm cắp của hắn.
– Sao? Sao chú mày cứ lặng thinh vậy?
Sáu Xồm hỏi. Nam đang mải nghĩ về miếng giấy. Nó trả lời:
– Cháu buồn ngủ lắm rồi, chú cho cháu ngủ.
– Phải đấy nhỉ! Tuổi ăn tuổi ngủ mà. Vậy thì ngủ đi, ta sẽ tiếp tục nốt câu chuyện sau khi cháu thức dậy nhé!
Hai đứa cho Nam nằm sát vách thuyền rồi ngồi uống rượu với nhau. Nam cố gắng để không ngủ thiếp đi. Suy nghĩ cứ chen chúc, xô đẩy nhau giống như những cánh bướm lắt lay trước mặt Nam. Cũng có lúc chúng biến mất, những lúc đó Nam díp mắt lại. Nhưng Nam lấy ngón tay bấu vào đùi mình để có thể nhắm mắt mà không ngủ. Điều này không ngờ lại khó đến thế. Nam phải cố gắng hết sức để có thể tỉnh táo nghe ngóng xung quanh và coi chừng những hành động tội ác của bọn cướp.
Thời gian qua chậm chạp và nặng nề. Những mối đe dọa vẫn lẩn quất quanh đây. Bây giờ chúng không làm Nam lo lắng, sợ sệt nữa, mà trái lại, kích thích Nam. Nam muốn làm một việc gì đó, một hành động phi thường gì đó để có thể giúp các chú công an tóm được bọn cướp.
Đêm đã qua về sáng. Con thuyền như lọt hẳn vào khoảng không gian mênh mông của rừng, của cửa sông. Ngoài kia sóng bể rì rầm báo trước một ngày biển động. Hai đứa vẫn ngồi ăn giò, uống rượu với nhau, chúng uống rất nhiều nhưng nói năng vẫn tỉnh táo, suôn chảy. Còn Hùng Lé? Nó vẫn phải canh gác trên mui thuyền – Nam chắc vậy.
– Có xuồng của cánh Đầu Mom, anh Sáu! – Hùng Lé nói chõ xuống cửa sổ.
– Sao biết?
Sáu Xồm ngừng nhai, vểnh tai lên. Qua đôi mắt mở hé, Nam theo dõi cử chỉ của hắn và thấy hắn như một con thú đang xé con mồi, chợt phát hiện thấy một con mồi khác to hơn.
– Họ bấm đèn báo!
– Hai, một, hai. Đúng thế không?
– Đúng. Hai, một, hai.
Sáu quỳ lên, lấy một chiếc đèn pin đưa qua cửa sổ cho Hùng Lé.
– Trả lời đi, cho chúng nó đến. Vỡ tổ hay sao mà mò đến chỗ chúng mình vào buổi này? – Sáu Xồm nói với Muỗi Vằn.
Hắn giả vờ vô tình đè cái bắp đùi nặng như đá lên tay Nam. Nam tưởng như tay mình đang gãy, nhưng chú vẫn nằm im thở nhẹ. Một lúc sau có tiếng lạch cạch bên mạn thuyền. Nam đoán có một chiếc xuồng nhỏ đang cập mạn thuyền lớn. Sáu Xồm bảo Muỗi:
– Chú ngồi đây, anh ra. Không cho chúng nó lên thuyền. Hắn lấy một gói thuốc lá bỏ vào túi, chừng để tiếp khách.
Con thuyền tròng trành dưới bước chân hắn. Rồi có tiếng thì thầm khá lâu, tiếng nước lõm bõm. Sáu Xồm trở vào khoang:
– Mặc cánh vào, đi! – Hắn bảo Muỗi.
Bộ cánh đây là chiếc áo bộ đội cũ, dài tay. Muỗi mặc vào và Nam hé nhìn thấy hắn có vẻ tử tế hẳn lên. Chú Miên bảo rằng bọn trộm cắp mua áo bộ đội cũ giá rất đắt là vì thế. Đó là bộ cánh mà con sáo mượn của con công.
Muỗi hất hàm chỉ Nam:
– Thằng kia?
– Số 8! – Sáu nói – Rồi giao nó cho thằng Hùng. Chúng nó đánh thức Nam dậy. Sáu Xồm nói:
– Này, chú bé. Vì chú chưa trả lời những điều anh nói với chú nên bắt buộc phải làm thế này. Bọn anh đi có tí việc, về ngay. Ở nhà với Hùng phải tử tế đấy nhé!
Muỗi lấy một cái còng sắt (có lẽ chúng nó tự làm lấy vì trông nó thô kệch và nhớp nhúa) đút tay Nam vào, bóp một cái tách. Chúng ra đi. Tiếng va chạm lạch cạch, nước róc rách, nghe xa dần. Một lúc lâu, Hùng Lé nhảy từ trên mui xuống làm con thuyền lạng hẳn về một bên.
– Chú mày vẫn thức cơ à? Ở trên ấydĩn1 nhiều quá. Nó ăn thịt tao nãy giờ rồi – Nó bảo Nam.
1 Một loại muỗi mắt vùng nước lợ.
Trông nó vội. Ngay cả khi nói với Nam, giọng cũng không tự nhiên. Nam nghĩ Hùng Lé đang lên cơn sốt.
– Mày đừng nhìn tao như vậy, Nam! Tao có chuyện bàn với mày – Hùng nói. Chợt nó nhìn thấy cái còng sắt trên cổ tay Nam – Lại thế nữa cơ à? Thằng Muỗi! Để tao mở cho mày.
Nó rút trong túi ra chùm chìa khóa kỳ lạ mà Nam đã từng thấy. Nó tìm chìa.
– Vừng ơi, mở cửa…
Cái khóa bật ra. Hùng Lé nghiến răng đập chiếc còng xuống sạp thuyền làm mấy cái chén nhảy lên như khiêu vũ rồi quẳng xuống sông.
Khôn ngoan, ác độc mấy cũng có lúc dại dột. Sáu Xồm và cả Muỗi nữa quên mất rằng Hùng Lé có một chùm chìa khóa, không phải chỉ mở được cửa nhiều nhà lương thiện mà còn mở được cái còng của chúng nữa.
– Thằng Muỗi đã từng còng tao một lần. Nó cóc biết rằng tao phải sắm riêng chiếc chìa này để thoát lúc chúng nó muốn nhốt tao. Nhưng bây giờ thì không còn thì giờ dông dài chuyện trò với mày nữa. Mày phải làm theo lệnh tao, nghe không? Nếu mày muốn sống và muốn thoát cái ổ này! – Hùng nói tiếp, nghĩa là nó ra lệnh – Mày đừng hỏi gì tao, mở cái sạp thuyền phía mũi lên, lấy một số thứ cần dùng rồi đi ngay. Trong vòng nửa giờ nữa, chúng sẽ trở lại, hiểu chưa?
Nam nhận ra nhiều thứ đồ đạc quen thuộc của nhà bác Thịnh. Đây là cái quạt Nhật có mấy cái cánh màu xanh da trời. Đây là cái va li da bò… Bỗng nó nhìn thấy một con búp bê nhỏ lăn lóc bên cạnh cái va li. Nó cầm lên. Đúng là con búp bê của bé Liên.
– Lấy cái này theo được không? – Nó hỏi Hùng Lé.
– Tùy mày! Còn tao thì tao đã chuẩn bị sẵn đây rồi – Nó nạy một tấm ván bên cạnh cái bếp rồi lấy lên một chiếc ba lô con cóc căng phồng.
Nam bỏ con búp bê vào túi quần (một con Mariútca1 của Liên Xô bằng nửa cái lọ mực). Giá như nó có cách gì lấy lại tất cả các thứ về trả cho bác Thịnh.Nhưng Hùng Lé vỗ vào vai nó nói:
1 Một loại búp bê gỗ nguồn gốc từ Nga, có tới bảy cỡ to nhỏ chứa trong con lớn nhất.
– Lên mui đưa thuyền vào bãi với tao.
Nam lẳng lặng làm theo lệnh Hùng. Nó nghi ngờ, khó hiểu, đầu óc cứ rối mù vì những câu hỏi không trả lời nổi. Nhưng dù sao thì thằng phản bội ấy đã mở khóa cho nó, đã quẳng cái còng xuống sông và bây giờ nó đã được tự do.
Phút chốc hai đứa đã đứng bên mép bãi sú, bùn ngập tận đầu gối. Hùng bấm đèn pin về phía mũi thuyền bảo Nam:
– Mày hãy nhớ những con số này: TX 162. Số đăng kí chính thức của chiếc thuyền buôn chạy biển. Giấy tờ của con thuyền cũng như của chúng nó đều là những giấy giả giống như thật!
Hai đứa trẻ giống như hai chiếc lá nhỏ rơi vào cánh rừng sú vẹt mênh mông ở vùng cửa sông. Bùn lỏng mút chặt cẳng chân chúng, trên đầu là màn đêm và tán lá cây đen kịt. Vừa thoát khỏi cái còng số tám của lũ trộm cướp. Nam rơi tõm vào bùn lầy và bóng đêm.
Có điều khác là, cái còng thì có thể không bao giờ được mở ra, nhưng bùn lầy rồi sẽ hết và bóng đêm sẽ lùi dần khi bình minh trở lại. Miễn là Nam có thể bước tiếp, bước mãi chứ đừng quỵ xuống bùn lầy.
Nhưng bùn lầy và bóng đêm vẫn chưa phải là điều làm Nam sợ hãi nhất.
– Hùng, mày dẫn tao đi đâu thế này?
– Im lặng là vàng, thằng nhóc.
– Tao thèm vào vàng bạc của mày. Tao không đi nữa.
– Mày điên à?
– Nhưng mày dẫn tao đi đâu mới được chứ?
– Đi trốn. Thằng ngốc, thằng thộn, thằng quê ạ.
Cứ một chữ là Hùng bước một bước, bùn ọp ọp dưới chân.
Nam sợ bị tụt lại sau. Nó dấn lên, cố đuổi kịp Hùng Lé.
– Mày vừa nói gì vậy?
– Vừa nói như thế đấy.
– Thằng phản bội! Thằng lừa đảo! Tao không để mày lừa lần nữa đâu.
– Tao còn là thằng ăn cướp nữa, mày hiểu chưa? Thằng đuôi, cái mũi, cái kính trong các vụ đánh vòm, mày vừa lòng rồi chứ? Nhưng im mồm đi, mày nói là tao đánh đấy. Ban đêm tiếng nói nghe xa đến bốn mươi kí lô mét chứ không phải vừa đâu. Cứ bơi sang cái lạch Rốn kia thì mày hát cũng được. Nào, đưa tay đây tao kéo qua cái rễ cây này.
Những cây sú đan nhau. Rễ chúng thành hàng rào, bao năm rồi, chúng phải tự vệ để chống lại sóng gió. Nam phải khó nhọc lắm mới bước qua được những hàng rào như thế trong đêm. Nhưng Hùng Lé là một con chồn ăn đêm, nó đi qua thật dễ như bước trên hè phố giữa ban ngày ban mặt vậy.
Nó kéo mạnh một cái, lôi thằng Nam ra khỏi đám lầy. Hai đứa ngồi xuống đám rễ cây, thở hổn hển.
– Tao sẽ nói cho mày sau, nhóc ạ. Nhưng nếu mày không tin tao thì quay lại đi. Để Sáu Xồm nó đón tiếp mày.
– Có phải mày quẳng miếng giấy xuống cho tao không?
– Thế mày tưởng nó ở trên trời rơi xuống à? Tao sợ mày nổi khùng với chúng nó thì sẽ khốn nạn cái thân mày. Mày có biết bơi không?
– Tao bơi được nhưng chóng mệt lắm. Chưa bao giờ tao dám bơi xa, ở chỗ sâu.
– Vậy thì mày sẽ chết chìm.
Có tiếng hú dài từ phía con thuyền đậu. Tiếng hú vọng đến chỗ hai đứa như tiếng bò rống ngày mưa. Hùng Lé nhảy xuống bùn.
– Ra lạch ngay đi, chúng nó trở về rồi đấy.
Hai đứa đã rời thuyền khoảng hơn nửa tiếng rồi. Nhưng Nam phải bơi qua một cái lạch như thế nào nhỉ? Nó sẽ chết đuối mất.
– Tao bơi kém quá, Hùng à!
– Thì mày chỉ có cách ở lại bên này thôi, chờ nước xuống mà lội sang, thằng quỷnh à! Hay là mày trở lại thuyền với bọn chúng nó?
– Tao sẽ dẫn các chú công an trở lại thuyền để bắt chúng nó.
– Thằng ngốc ơi, mày tưởng Sáu Xồm cũng quỷnh như mày đấy hẳn? Nó có phải là con bò cái đâu mà bắt dễ dàng như mày nói. Nhưng im mồm đi, mày không nghe thấy gì à?
Nam nghe tiếng rì rầm, tiếng gọi nhau và những tiếng ì oạp của nhiều người trong đám bùn. Chúng nó đang lùng tìm. Mà không chỉ có Sáu Xồm và Muỗi. Còn những đứa khác, chắc là đến trên chiếc xuồng.
Hùng không nói không rằng, tóm tay Nam vừa chạy vừa ngã dúi ngã dụi, lóp ngóp trong đám bùn. Cành sú gãy do cơn bão cuối mùa năm ngoái bây giờ đã khô, làm rách toạc mấy miếng áo của chúng. Nam bị một vết xước rỉ máu gần thái dương. Kẻ gian đuổi người ngay, tình thế thật ngược đời. Khi kẻ gian đi săn đuổi thì chúng đã thừa thãi kinh nghiệm của kẻ chạy trốn nên chúng biết cách rút ngắn khoảng cách và thời gian. Sáu Xồm biết chắc chắn Hùng Lé và Nam đang chạy trốn theo lối nào vì chính hắn đã bày vẽ cho bọn đàn em con đường tốt nhất để “tháo cày” khi bắt buộc phải rời thuyền trong tình cảnh khẩn cấp. Cho nên, theo sự chỉ huy của Sáu, mấy tên kia đã bấm đèn pin tìm đúng dấu vết hai đứa trẻ vừa để lại phía sau.
Hùng Lé và Nam đã đến mép lạch. Chỗ này có một đống đá, nguyên trước đây là móng của một ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè vào cảng. Chính Sáu Xồm đã có lần dẫn Hùng và Muỗi ra đây chỉ cho đàn em con đường ngắn nhất, dễ vượt qua lạch nhất sang bên kia.
Nhưng từ vực thẳm này, Nam và Hùng lại rơi xuống vực thẳm khác. Hai đứa vừa thoát được bóng đêm và rừng cây thì lại đứng trước một con lạch dào dạt nước thủy triều.
– Chết rồi, mày ơi! – Hùng thảng thốt – Nước đang lên!
Nước này thì đến tao cũng không bơi sang nổi.
Nam nhìn con sông, một con sông thực sự và nó thấy rằng Hùng nói đúng. Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
Hùng bỗng vồ lấy tay Nam, reo lên:
– À, phải rồi! Bây giờ ta quay lại, chiếm lấy cái xuồng rồi biến. Lại thong dong nữa chứ.
– Nhưng chúng nó cũng quay về và đuổi kịp thì sao? – Nam lo lắng hỏi.
Hùng suy nghĩ một chút, rồi bảo:
– Cởi quần dài ra, vứt lại đây, làm như tao với mày đã bơi sang bên kia. Rồi cứ theo dấu chân cũ, đi trở lại một đoạn ngắn. Sau đó rẽ đường khác tìm đến cái xuồng.
Nam vẫn khư khư cầm con búp bê của bé Liên. Nó không muốn bỏ lại thứ đồ chơi thú vị ấy. Hai đứa quay lại, rẽ sang trái đã nghe giọng Sáu Xồm:
– Tìm được Hùng Lé thì tao chọc tiết! Nó đi thì công an đến, chúng mày hiểu chưa?
Lũ chó săn đang đi ngược phía với hai con mồi.
Khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa. Có lẽ lúc Nam và Hùng Lé đến chỗ cái xuồng bỏ không ở mép bãi thì đằng kia, phía sau cánh rừng bạt ngàn, đen kịt, lũ Sáu Xồm đang đứng bàn bạc với nhau trên đống đá.
Hùng Lé nhảy lên xuồng trước. Nó nhổ sào và hai đứa nằm mọp xuống lòng xuồng, đề phòng thằng gác trên mui thuyền có thể phát hiện ra. Nhưng chúng quá lo xa. Muỗi Vằn đang ngủ. Nó buồn tình nốc hết chỗ rượu còn lại và ngủ say tít trên mui thuyền. Vả lại trời còn tối, trời chỉ sắp sáng thôi, chưa sáng hẳn.
Hai thằng bé đã có chỗ tính nhầm. Chúng không biết rằng nước thủy triều bắt đầu xuống. Vùng cửa sông đang hiền hòa bỗng trở nên hung dữ, nước cuộn chảy như sông Hồng trong mùa mưa lũ.
Hai thằng bé, với chiếc xuồng bé như lá tre, bị nước cuốn băng băng, không cách nào hãm nổi. Trên xuồng chỉ có một cái sào, khi Hùng Lé định cho sào xuống nước để lái xuống chếch về phía bờ bên kia thì sào bị hụt. Hùng buông tay ra và thế là cái sào cũng mất nốt. Chiếc xuồng trôi ra sông cái, phía xa là cửa biển. Hai đứa vừa thoát được rừng thì đang gặp phải biển. Rừng chỉ tối tăm, bùn lầy, còn biển là sóng bạc đầu, là gió lớn. Ở rừng thì sợ, vất vả nhưng lần mãi rồi thế nào cũng có lối ra. Còn ở biển thì có thể bị lật xuồng và làm mồi cho cá.
Dòng sông vẫn còn tối om khi chúng qua thành phố nổi: Đó là khu cảng. Những con tàu sáng rực ở bờ bên kia, chỉ cần lạng xuồng sang bên đó là có thể được cứu thoát, được gặp các chú công an và mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng cửa sông bên này vẫn tối om, bên kia sáng bao nhiêu thì bên này tối bấy nhiêu. Vì quầng ánh sáng lớn của những chiếc tàu thủy khổng lồ ấy mà hai thằng bé lóa mắt. Chúng không thể nhận ra phương hướng nào nữa. Chỉ biết rằng xuồng đang trôi như tên bắn và trước mặt là chân trời, thỉnh thoảng chớp sáng một ngọn hải đăng từ đâu rất xa. Chúng nó biết rằng đó là biển.
Hai đứa chạm tay làm loa kêu cứu. Nhưng tiếng kêu của chúng chỉ là một tiếng dế trong khung cảnh ồn ào của bến cảng. Một chiếc tàu kéo lưới đi qua suýt nữa va vào mũi xuồng, nhưng không ai trên tàu nghe thấy tiếng chúng gọi. Ra gần biển, sông càng rộng và chúng càng ít gặp thuyền hay tàu. Nam và Hùng Lé mỗi lúc một lo sợ hơn. Riêng Nam càng nóng ruột, nó sợ thời gian càng kéo dài thì Sáu Xồm càng có khả năng chạy trốn.
Trời sáng dần, hai đứa giật mình kinh hãi: Bốn bề là nước mênh mông. Dãy núi đảo mờ mờ đằng xa không đủ gây được ấn tượng về đất liền mà chỉ như một đám mây. Chúng thực sự bị trôi ra biển. Chiếc xuồng xem ra quá bé nhỏ với khung cảnh chung bao la, nhưng may mắn là sông buổi sáng thường nhỏ nhẹ nên ngồi trên chiếc lá tre ấy chúng nó vẫn thấy vững vàng. Vả lại, nước cũng ngừng chảy mạnh. Gió đông hây hẩy thổi chỉ đủ làm tròng trành con thuyền. Hùng Lé tươi tỉnh lắm. Nó khoan khoái hít thở bầu không khí trong sạch và khoáng đãng của biển khơi, trong khi Nam lo âu, suy nghĩ. Biết thế Hùng an ủi Nam:
– Mày biết không, ngay bây giờ đây này, xuồng chúng mình đang nằm trong ống kính ngắm của đài quan sát hải quân! Rồi bộ đội biên phòng ở Đồ Sơn và ở đảo nữa. Tao biết lắm, khó mà lọt mắt họ đâu. Oắt con ơi, tao chỉ lo người ta tóm chúng mình sớm, không được chu du một chuyến trên Biển Đông mà thôi!
Vậy ra Hùng Lé vững vàng vì nó biết chắc chắn sẽ bị tóm, đúng hơn, được cứu đúng lúc. Nhưng ngay cả điều ấy cũng không làm Nam yên tâm hơn. Nhỡ có một cơn lốc?
– Nam Quỷnh này, giá như con tàu chúng mình chắc chắn một chút thì chúng ta sẽ làm một chuyến phiêu lưu trên mặt biển – Hùng nói, vẻ tự tin – Tao sẽ là thuyền trưởng Nê-mô, còn mày, mày muốn là Nét, là Công-xôn1 hay nhà bác học?
1 Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng kinh điển của nhà văn người Pháp Jules Verne (8/2/1828 – 24/3/1905) xuất bản vào năm 1870 Hai vạn dặm dưới đáy biển (Vingt mille lieues sous les mers) thuật lại cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Nemo và con tàu ngầm của ông ta là Nautilus (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Thủy thủ). Trong tác phẩm, có tổng cộng bốn nhân vật chính là giáo sư Pierre Aronnax, Conseil, chàng thợ đánh bắt cá voi Ned Land và thuyền trưởng Ne-mo.
– Mày cũng đọc sách cơ à?
– Ừ nhỉ, mày hỏi câu ấy cũng phải. Thưa ông oắt con, Hùng này cũng đã từng học hết lớp sáu rồi đấy, nhưng tao gặp chuyện không may, vậy thôi – Hùng hạ giọng, mắt nó hơi buồn – Mà tao phải kể cho mày nghe mới được. Tao định trốn khỏi thuyền là bảo mày đến gặp công an. Mày sẽ nói với họ về bọn Sáu Xồm. Ngày hôm nay và tối nay chúng định tổ chức một trận đánh vòm vào kho cảng. Sáu Xồm phối hợp với bọn trên sông đêm qua chèo xuồng đến ấy. Rồi mày cũng sẽ nói với họ về tao, mày sẽ nộp tao cho họ. Nhưng vậy là ý định ấy không thực hiện được rồi.
– Sao mày không tự mình đến gặp các chú ấy?
– Tao không muốn. Dù sao tao với chúng nó cũng từng là một hội! Tao sẽ về quê tao.
Hùng nghẹn giọng. Nó ngả người nhìn từng đám mây trắng bay qua bầu trời, bắt đầu kể:
– Mẹ tao rất hiền…
o O o
Chú bé ấy cũng như hàng trăm chú bé ta thường gặp trên những con đường đầy bụi của Cẩm-Phả-phố. Tuy là dân Cẩm-Phả-phố, nhưng bố mẹ chú suốt ngày sống trong Cẩm-Phả-mỏ. Sáng sớm tinh sương, xe con gấu hụ còi ở ngã ba, đưa bố mẹ chú vào tầng. Những tầng than lấp lánh của mỏ Đèo Nai. Hùng ngủ muộn hơn bố mẹ một chút, chú dậy rang cơm nguội ăn hay thừa hưởng nửa cái bánh mì ca ba bố để lại trên mặt bàn, rồi cắp sách đến trường. Trưa về tự nấu lấy cơm ăn. Ăn xong, đi mua rau cho bữa tối. Thời gian còn lại, chú ra đường. Con chim đã đủ lông cánh. Nó bay vào trời xanh. Hùng Lé (hồi đó nó đã có cái tên ấy rồi) lang thang suốt ngày trên đường phố, chỉ với điều kiện là trở về trước khi bố mẹ nó có mặt ở nhà.
Tuy điều kiện rộng rãi như vậy, nhưng không phải bao giờ Hùng Lé cũng thực hiện đầy đủ. Chú còn phải ra cầu tàu thủy để xem ca nô chở hành khách từ Móng Cái, Cô Tô cập bến, đổ lên bờ những người dân đảo, xem những lồ cá người ta khiêng từ thuyền vào cửa hàng thủy sản, có khi may mắn ra, gặp được thuyền câu còn được thấy những con mực to như cái quạt mo, những con bạch tuộc có bộ râu dài trắng muốt. Rồi Hùng còn đi theo bọn bạn nhặt than rơi vãi trên đường hay trên cái dốc mịt mù bụi đen lối vào khu mỏ, đem về nhà hay bán rẻ cho dân phố. Một thúng than ở đây chỉ đổi được hai que kem, nhưng dù sao cũng có kem ăn. Và còn bao nhiêu việc, bao nhiêu trò bận rộn khác của một chú bé đường phố. Hùng Lé về muộn luôn luôn. Đáng lẽ nó phải thổi chín cơm, thức ăn, dọn cơm ra mâm rồi ngồi ở cửa đợi bố mẹ trở về trên chiếc xe con gấu chạy qua nhà. Nhưng thỉnh thoảng mới có một ngày như vậy. Còn ra… nó chỉ về nhà sau khi bố đã đi nằm và mẹ thì buồn ngủ ríu mắt nhưng vẫn phải chong đèn ngồi đợi nó bên mâm cơm. Một lần, hai lần… Mẹ nó đã gặp cô giáo. Nhưng cô giáo thì làm sao có thì giờ để theo dõi học trò của cô ở nhà. Chị phụ trách thiếu niên khu tập thể công nhân mỏ năm lần bảy lượt tìm Hùng, gọi nó đi họp Đội cùng với các bạn khác, nhưng Hùng chỉ đến một hai lần rồi sau đó, nó quên hẳn lối đi về cái hội trường mái phủ một lớp bụi than nằm ở đầu dốc núi ấy. Bạn bè, trò nghịch ngợm trên đường phố, những que kem… tất cả đều hấp dẫn lạ thường.
Bố Hùng lái xe Benla. Mỗi ngày bố chở từ các tầng than ra hai mươi hai chuyến than đen, mỗi chuyến bốn mươi tấn tròn. Bố ngồi trong ca bin chiếc xe, dưới người bố là 400 sức ngựa đang gầm thét, đang kêu gào. Trời nóng như đổ lửa. Mở cửa ca bin thì bụi than bay vào đầy mắt, đầy mũi. Đóng lại thì chẳng khác gì ngồi trong lò than. Tối về, bố tắm giặt qua loa, ăn cơm, uống một chén rượu nhỏ rồi đi ngủ, sáng mai còn lên tầng sớm. Đã nhiều lần, trong cơn ngủ chập chờn, bố Hùng nghe vợ nói với đứa con trai: “Con mà không đổi tính đổi nết, chịu khó học hành thì mẹ phải mách với bố, rồi bố mày làm sao thì làm, mẹ không biết đâu!”.
Hùng nghĩ, thực ra Hùng chưa làm điều gì hư hỏng, Hùng về nhà muộn là có nguyên do. Chẳng hạn, chiều nay mà không đưa thằng Phòng, bạn thân nhất của Hùng, về đến tận nhà thì lũ cơ khí sẽ ăn thịt nó mất. Và hình như lần về chậm nào Hùng cũng có nguyên do “chính đáng” như thế. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Trong phố, người ta đã thì thầm rằng, thằng Hùng con ông Lư lái Benla thường dẫn đầu một hội mất dạy sục sạo trong mấy dãy phố vào những buổi người lớn các nhà lên mỏ đi làm vắng. Một số nhà bắt đầu bị mất cắp quần áo phơi ở sân sau, hay gà quê nuôi trong chuồng. Bắt đầu có những tiếng chửi đổng đầy hàm ý mà Hùng không hiểu, nhưng mẹ nó, rồi bố nó thì thừa biết rằng người ta đang nói gì, nói đến ai. Và một hôm, khi Hùng còn lang thang trên phố với mấy đứa bạn, mẹ còn chong đèn đợi nó về ăn cơm, bố đang ngả lưng một chút trên tấm phản ở góc nhà, thì có một người đàn bà lạ mặt ở đâu tận cuối thị xã quẳng vào thềm một con gà trống và chửi bới té tát. Bà ta cam đoan rằng chính là lũ trẻ nhà hàng xóm mách bà: Cậu Hùng, cậu quý tử của nhà này, đã xua con gà trống giống vàng giống ngọc của bà xuống cống nước cho nó chết ngạt. Bố Hùng thấy máu sôi trong người. Ông hầm hầm ngồi nhìn ra đường, chỉ mong thấy mặt thằng con trai. Hùng về nhà, tưởng như mọi hôm, bố đã đi nằm, nhưng vừa bước lên thềm, nó bỗng thấy một bàn tay rắn như thép chộp lấy ngực. Rồi một trận đòn tối tăm mặt mũi. Hùng nhổ xuống thềm một bãi máu. Nó cũng chẳng kịp thanh minh rằng nó hoàn toàn không biết gì về chuyện con gà nọ.
Đó là trận đòn đầu tiên trong đời Hùng. Đó cũng là lần đầu tiên nó cảm thấy ghét bố. Bởi vì Hùng vẫn cho rằng mình vô tội.
Cái gì rồi cũng quen được. Ông bố vốn ít nói, hơi cục cằn trở nên lầm lì đến dễ sợ và càng ít nói, càng cục cằn hơn. Những trận đòn cũng lặp đi lặp lại thường xuyên hơn và đối với Hùng, những trận đòn ấy chẳng có nghĩa lý gì khác là làm nó căm ghét bố nó hơn.
Rồi một hôm, Hùng phạm tội thực sự, nó tham gia vào một cuộc ẩu đả giữa bọn nó và lũ cơ khí. Mấy chú bé bị dẫn vào đồn công an đến mười giờ đêm hôm đó mới được thả ra.
Hùng nhớ lại trận đòn và đêm hôm đó nó không về. Nó lang thang hai ngày ở bến ca nô, nó nghĩ rằng sẽ ra đảo, sẽ xin vào một đoàn thuyền đánh cá, sẽ… sẽ… Nhưng nó đã gặp Sáu Xồm với chiếc thuyền đi biển mang đăng kí TX 162. Cuộc đời nó rẽ sang một bước ngoặt mà chính nó cũng không hề nghĩ tới. Bước ngoặt ấy xảy ra cách đây đã hai năm.
Hai năm, thời gian khá đủ để Sáu Xồm có thể biến một đứa trẻ vốn phóng túng, tự do, thành một đứa ăn cắp – cây mở khóa có hạng.
o O o
– Như tao thì tao không ra bến tàu – Nam nói – Tao sẽ vào khu mỏ.
– Nhưng lúc ấy tao chỉ muốn làm sao thoát khỏi bố tao, muốn đi thật xa – Im lặng một tí, Hùng buồn rầu nói tiếp – Mà mày tưởng làm thợ mỏ thì sướng lắm à? Đến lúc tao thành thợ khóa thì tao chán. Một lần người ta vớ được tao lúc tao đang tra chìa vào ổ, họ đưa tao về đồn nhưng nửa đường tao tháo được. Lần khác thì chính Sáu Xồm đánh tao. Hắn bảo tao mở khóa nhà một người. Tao thấy ông bà chủ cũng là thợ lam lũ giống bố mẹ tao. Tao làm tắc khóa, nó bị một mẻ hú vía. Tao cũng đã bỏ trốn một lần. Tao nghĩ rằng cuối cùng mình là thằng dại. Sáu Xồm nó dùng tao vào những việc nguy hiểm nhất vì tao là trẻ con. Nhưng tao chỉ là đứa làm thuê cho chúng nó. Vả lại, tao cũng chán cảnh mèo hoang. Mọi người làm ăn vất vả, đầu tắt mặt tối, còn lũ chúng tao thì chỉ sống bằng mồ hôi nước mắt của người ta. Sáu Xồm bảo lũ chúng mình sướng như quan. Nhưng tao trốn không thành. Sáu Xồm cáo già quá. Nó đọc được ý nghĩ của người khác. Muỗi Vằn lấy còng khóa chân tao một tuần liền. Chính trong tuần lễ đó tao đã tìm cách mở được khóa, chúng nó rời thuyền là tao mở ngay cái còng dưới chân, chúng về, tao tự khóa lại.
– Tại sao lúc đó mày không trốn?
– Không trốn được. Tao sợ. Nó bắt được lần nữa thì nó giết.
– Còn lần này, sao mày gan thế?
– Vì mày đấy nhóc ạ. Tao thấy hối hận vì đã lừa mày, mày dại dột tin vào tao. Đáng lẽ hôm ấy mày đừng dẫn tao về nhà mới phải.
– Nếu thế thì hôm nay mày vẫn là thằng Hùng – vạn – năng trong hội Sáu Xồm.
– Cũng không phải như thế. Mấy hôm nay tao mới biết được là bọn Sáu Xồm định trốn ra nước ngoài. Chúng đang rủ rê, tìm người và liên tục đánh quả để lấy vốn mà đi. Vụ nhà hàng xóm mày rồi vụ móc nối với hội trên sông cũng là để có tiền cho chuyến đi ấy. Tao thì không thể đi theo chúng được. Đi với chúng nó sang Hồng Kông, rồi phiêu bạt giang hồ là không bao giờ tao còn nhìn thấy bố tao, mẹ tao nữa. Bây giờ tao mới nghĩ ra điều này: Trước đây tao oán bố tao là không đúng mày ạ. Bố tao đánh tao như đòn thù vì bố tao vất vả mà tao thì hư quá chứ đâu phải thù ghét gì tao. Mày không biết thợ mỏ khổ như thế nào đâu. Đen thủi đen thui như khúc gỗ cháy, làm quần quật suốt ngày. Còn mẹ tao thì tội nghiệp quá, mẹ tao già đi vì thương nhớ tao, bà ốm mấy trận, bây giờ không đi làm mỏ được nữa, bà giữ trẻ. Một lần cùng Sáu Xồm ra đánh quả ở Hòn Gai, tao lần về nhà. Tao lẻn vào, ngồi lặng đi một lúc lâu ở góc nhà, nhìn bố tao ngủ, ngáy như sấm. Còn mẹ tao thì nói mê, gọi mãi tên tao. Tao buột miệng nói: “Mẹ ơi!”. Mẹ tao ngồi dậy, tưởng là ma, bà hét lên một tiếng lớn. Tao ù té ra ngoài, đi mất. Tao theo Sáu Xồm thế cũng là quá lắm rồi. Giá hồi đó nó không lừa tao là nó ra đảo đánh cá cho hợp tác xã thì tao đã không theo nó. Bây giờ nó định trốn ra nước ngoài, nó cho tao đi, nhưng tao thiết gì.
Nam nhìn Hùng Lé, nó thấy tự tin hơn vì đã hiểu ra những điều tưởng là khó hiểu. Vả lại, khi nó tin vào người nào, nó thấy an tâm và sung sướng hơn là nghi ngờ họ. Đằng sau Hùng xuất hiện một chiếc thuyền buồm, chiếc thuyền như từ dưới nước chui lên, hai cánh buồm no gió đứng kéo chiếc thuyền đến sát xuồng chúng nó. Nam kêu lên:
– Thuyền, Hùng ơi!
Hùng quay lưng lại, nó nói bình thản:
– Của công an vũ trang đấy. Tao nói có sai đâu – Nó nói nhanh – Tao yêu cầu mày một điều, mày có đồng ý không?
– Mày nói đi.
– Vào đồn biên phòng mày đừng nói gì về tao cả. Mày nói rằng chúng mình lấy xuồng đi chơi rồi bị sóng kéo đi. Nhưng mày hãy nói ngay với họ về Sáu Xồm. Mày bảo họ chở chúng mình về đồn công an cảng, báo tin cho các chú ấy về vụ đánh quả tối nay của Sáu Xồm. Thế thôi.
– Tao sẽ còn kể cho các chú ấy nghe về mày nữa…
– Đừng! Chuyện kia cần hơn. Còn tao, không đáng nói.
o O o
Trước đồn công an cảng, Hùng Lé bảo Nam:
– Mày vào với chú ấy đi, tao đợi ngoài này.
Chú đồn trưởng đồn biên phòng dẫn Nam vào. Không ngờ Nam đã thấy chú Miên đang ngồi nói chuyện với ai đó ở phòng bên cạnh. Nam đứng lên, gọi to.
– Chú Miên! Cháu đây mà!
Chú Miên chạy vụt sang. Chú ôm chầm lấy Nam ngạc nhiên vì thấy nó chỉ còn mỗi cái quần đùi và chiếc áo ngắn tay cũn cỡn trên người. Nam nói nhanh với chú:
– 162 không phải là số nhà. Đó là số thuyền, chú ạ. Chú Miên cười, vỗ vai nó:
– Chú biết rồi. Cháu yên tâm, các chú đã dắt 162 và mấy ông chủ thuyền về chỗ ở mới. Chỉ thiếu mất Hùng Lé thôi, tiếc thật!
– Thế à? Làm sao các chú tóm được chúng sớm thế?
– Cháu tưởng rằng chỉ mình chú cháu ta săn lùng bọn trộm cướp thôi à? Chú và cháu chỉ là cái mắt lưới trong tấm lưới thôi cháu ạ. Hùng Lé sổng mất có lẽ vì mắt lưới nào đó còn thưa quá. Nó nhỏ người quá mà!
Nam vui vẻ:
– Hùng Lé còn đợi cháu ngoài cổng đồn đấy, chú này!
– Vậy à?
Chú Miên kéo Nam ra cổng. Nhưng ngoài cổng chẳng còn ai. Hùng Lé đã biến mất. Hai tiếng đồng hồ sau thì chú Miên và cả Nam nữa đều tin rằng Hùng Lé quả thật không muốn đợi hai chú cháu.
Hùng đi đâu? Chú Miên bảo Nam:
– Mới có hai ngày mà trông cháu chẳng còn chút gì là cậu bé nhà quê nữa. Cháu lớn lên nhiều quá.
– Cháu vẫn dại, chú ạ. Đáng lẽ cháu phải kéo Hùng cùng vào đồn một thể mới đúng.
Nó sực nhớ là Hùng cầm hộ nó con búp bê của bé Liên. Tự nhiên nó thấy mủi lòng. Không biết Hùng có về nhà thật không? Nếu nó về, bố nó còn đánh nó nữa không? Hay là nó lại trở về với những con đường đầy bụi?
Chú Bé Có Tài Mở Khóa Chú Bé Có Tài Mở Khóa - Nguyễn Quang Thân Chú Bé Có Tài Mở Khóa