I've never known any trouble that an hour's reading didn't assuage.

Charles de Secondat, Baron de la Brède et de Montesquieu, Pensées Diverses

 
 
 
 
 
Tác giả: Victor Hugo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 84
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2193 / 40
Cập nhật: 2017-08-25 13:31:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3: Tại Vendée - Quyển 2: Ba Đứa Trẻ - Chương 2: Dol
ác vị chức sắc nhà thờ vẫn gọi Dol là thành phố Tây Ban Nha trên đất Pháp, trong xứ Bretagne, nhưng Dol không phải là một thành phố mà chỉ là một đường phố. Một đường phố lớn, cũ kỹ kiểu gô-tích, hai bên đường rộng thênh thang san sát những dãy nhà có cột chẳng ra hàng lối gì, cái thụt vào, cái nhô ra. Còn lại là một mạng lưới những ngõ ngách nhỏ nối liền với đường lớn và đổ về đó như nhiều con suối đổ vào một dòng sông. Thành phố không có cửa ô, chẳng có tường thành, trống trải, điểm cao là núi Dol, bị bao vây thì không thể nào chống lại được; nhưng đường phố thì có khả năng chống giữ. Những ngôi nhà nhô lên, năm mươi năm trước người ta vẫn còn thấy, và hai dãy hiên giữa hàng cột lớn làm cho đường phố trở thành một vị trí chiến đấu hết sức kiên cố và có thể cầm cự được lâu dài. Bao nhiêu nhà là bấy nhiêu pháo đài; và phải chiếm từng nhà một. Cái chợ cũ xây gần giữa phố.
Lão chủ quán ở Croix-Branchard đã nói đúng, chính lúc lão kể chuyện là lúc phố Dol đang ngập trong một cuộc hỗn chiến điên cuồng. Một trận đọ súng ban đêm đột nhiên nổ ra trong thành phố giữa bọn Trắng tới đây ban sáng và phe Xanh thình lình kéo đến lúc chiều. Lực lượng hai bên chênh lệch nhau, phe Trắng có sáu nghìn quân, phe Xanh chỉ có nghìn rưỡi, nhưng kể về quyết tâm chiến đấu thì hai bên lại ngang nhau. Điều đáng chú ý là chính phía nghìn rưỡi quân đã tấn công phía sáu nghìn.
Một bên là đám ô hợp, một bên là quân đội chính quy. Một bên là sáu nghìn dân quê, trên áo da gắn hình trái tim Chúa, đội mũ tròn buộc những giải băng trắng, trên băng tay viết những châm ngôn Thiên Chúa giáo, thắt lưng đeo tràng hạt, trang bị bằng nhiều chàng nạng hơn là gươm, hoặc bằng súng ngắn, không có lưỡi lê, dùng dây thừng buộc pháo mà kéo, tổ chức kém, kỷ luật kém, trang bị kém, nhưng hết sức cuồng tín. Còn bên kia là một nghìn rưỡi binh sĩ đầu đội mũ chào mào có huy hiệu tam tài, áo thân trước rộng và ve áo to, dây đeo kiếm bắt chéo lại, gươm cong và có chuôi bằng đồng và súng trường cắm lưỡi lê dài, có hàng ngũ thuần thục, và cũng hung dữ, biết tuân lệnh như những người đã từng biết chỉ huy, cũng là lính tình nguyện, nhưng là tình nguyện vì tổ quốc, ngoài ra thì trang phục rách rưới, chân không; bên phía bảo hoàng là những dân quê phiêu lưu, bên phía cách mạng là những vị anh hùng chân đất; ở cả hai phe người chỉ huy là linh hồn của đơn vị, bên bảo hoàng là một lão già, bên cộng hòa là một chàng trai. Một bên là Lantenac, một bên là Gauvain.
Cách mạng có những thanh niên vĩ đại như Danton, Saint-Just và Robespierre và những thanh niên lý tưởng như Hoche và Marceau. Gauvain là một trong những người ấy.
Gauvain trạc ba mươi tuổi, vóc người lực lưỡng có cặp mắt nghiêm nghị của một nhà tiên tri và nụ cười của một em bé. Ông ta không hút thuốc, không uống rượu, không văng tục. Ra trận ông ta đem theo đồ trang điểm; ông ta giữ gìn rất cẩn thận móng tay, hàm răng, mái tóc đẹp màu đen nâu. Và những lúc dừng chân, ông ta tự tay giũ trước gió bộ quân phục chỉ huy của mình đã bị đạn bắn thủng lỗ chỗ và bụi bám trắng xóa. Luôn luôn hăng say lao vào đám hỗn chiến, ông ta chưa bao giờ bị thương. Tiếng nói của ông hết sức dịu dàng nhưng lâm thời lại có những giọng sang sảng đột ngột của người chỉ huy. Ông nêu gương nằm đất, dưới gió rét, dưới mưa, trong tuyết, mình cuộn tròn trong áo khoác, đầu gối lên một tảng đá. Một tâm hồn dũng cảm và trong trắng. Lúc tay vung gươm thì nét mặt ông ta thay đổi hẳn. Cái dáng điệu ẻo lả của ông khi lâm trận lại trở nên táo tợn.
Ngoài ra, Gauvain là nhà tư tưởng và triết gia, một bậc hiền nhân trẻ tuổi, trông thấy ông ta thì tưởng là một Alcibiade [154], nghe ông ta nói thì tưởng là Socrate, trong một cuộc đột biến lớn lao như cách mạng Pháp, chàng trai này tức khắc trở thành tướng lĩnh.
Đội quân do ông ta xây dựng, giống như một quân đoàn thời cổ La Mã, một kiểu binh đoàn nhỏ bé nhưng hoàn chỉnh. Có cả bộ binh và kỵ binh; có trinh sát, có lính đào hào, có công binh, có lính làm cầu: và quân đoàn thời cổ La Mã có máy bẫy đá, thì binh đoàn ông ta có trọng pháo. Ba khẩu pháo thắng vào xe làm cho đơn vị mạnh mà vẫn cơ động.
Lantenac cũng là một tướng lĩnh, nhưng ác hơn. Lão ta vừa suy tính kỹ hơn lại vừa táo tợn hơn. Lớp lão tướng thường điềm đạm hơn lớp thanh niên vì họ đã xa buổi bình minh, và họ táo tợn hơn vì đã gần cõi chết. Họ còn gì để mà mất? Rất ít thôi. Do đó mà Lantenac có những cuộc hành quân vừa táo bạo vừa khôn khéo. Nhưng rút cục, và hầu như bao giờ cũng thế, trong cuộc vật lộn dai dẳng giữa một lão già và một thanh niên, Gauvain vẫn chiếm ưu thế. Đó chỉ là hồng vận. Tất cả mọi diễm phúc, cho đến cả loại diễm phúc kinh khủng đều thuộc phần tuổi trẻ. Chiến thắng cũng ưa chuộng tuổi trẻ.
Lantenac giận Gauvain sôi lên, trước hết vì Gauvain thắng lão ta, sau nữa Gauvain lại là thân thuộc của lão. Sao nó lại đi theo bọn Jacobin? Cái thằng Gauvain kia! Cái thằng ranh con! Cháu thừa kế của lão, vì lão không có con, một thằng cháu họ cũng gần như cháu đích tôn! Ông bác ấy đã phải thốt lên: “Ta mà tóm được nó thì ta sẽ giết nó như giết một con chó!”
Vả lại, chính phủ cộng hòa có lý do để lo ngại về lão hầu tước De Lantenac này. Vừa mới đặt chân lên đất liền, lão đã làm rung chuyển khắp vùng. Tên tuổi lão truyền đi khắp Vendée phiến loạn như một làn thuốc súng, và tức khắc, Lantenac trở thành trung tâm. Trong một cuộc nổi loạn như kiểu này, mà tất cả ganh ghét nhau và mỗi người chiếm cứ riêng một bụi rậm, một đường hào, thì một kẻ bề trên xuất hiện có thể liên kết được bọn thủ lĩnh rời rạc, cá đối bằng đầu. Hầu hết bọn tướng lục lâm đều theo Lantenac, và dù ở gần hoặc xa cũng đều tuân lệnh răm rắp.
Chỉ có một người bỏ hắn, đó là Gavard, kẻ đầu tiên đã đi theo hắn. Tại sao vậy? Gavard là một kẻ tâm phúc. Gavard nắm được mọi điều bí mật và đã áp dụng những kế hoạch hành binh kiểu cũ của nội chiến thì Lantenac đến đã thay đổi cả. Ai lại đi kế thừa một người tâm phúc; đi thừa của La Rouarie: Lantenac không thèm xỏ chân vào. Gavard đã bỏ Lantenac để đến với Bonchamps [155].
Về mặt quân sự, Lantenac thuộc trường phái Frédéric II; lão ưa phối hợp lối đánh quy mô với lối đánh du kích. Lão không vừa lòng với một “khối ô hợp” như đội quân Thiên Chúa giáo và bảo hoàng, một đám đông chỉ đi đến chỗ bị tiêu diệt; lão cũng không ưa những toán quân tản mạn trong rừng, trong bụi, chỉ quấy rối được chứ không thể quật ngã kẻ địch. Lối đánh du kích không thể kết thúc hoặc kết thúc một cách thảm hại; lúc khởi sự thì tấn công cả một nền cộng hòa, và rút cuộc thì là cướp giật một chuyến xe ngựa. Lantenac không quan niệm cuộc chiến tranh ở xứ Bretagne này hoàn toàn là trận địa chiến ở đồng bằng như La Rochejaquelein và cũng không hoàn toàn là ở rừng rú như Jean Chouan; không thể theo kiểu Vendée cũng không thể theo kiểu Chouan được. Lão muốn một cuộc chiến tranh thực sự; sử dụng dân quê nhưng phải dựa vào quân đội. Lão muốn vừa có những toán dân quê vũ trang để dùng trong chiến lược, lại vừa có những trung đoàn trong chiến thuật. Lối phục kích và tấn công bất ngờ rất thích hợp với dân quê vũ trang, tán tụ nhanh chóng.
Nhưng những toán quân như thế lỏng lẻo lắm; như nước trong lòng bàn tay; lão muốn tạo nên một điểm vững chắc trong cuộc chiến tranh bồng bềnh và tản mạn này; lão muốn bổ sung cho đám quân, man rợ ở rừng núi một đội quân chính quy làm nòng cốt để huy động dân quê. Ý nghĩ thật thâm hiểm và ghê sợ; nếu lão thực hiện được thì loạn Vendée khó mà dẹp nổi.
Nhưng tìm đâu ra một đội quân chính quy? Tìm đâu ra binh lính? Tìm đâu ra những trung đoàn? Tìm đâu ra cả một quân đoàn có sẵn? Chỉ có ở nước Anh. Do đó, ý nghĩ như đinh đóng cột của Lantenac: làm sao đưa quân Anh đổ bộ vào. Thế là, ý thức phe phái đã sụp đổ; chiếc huy hiệu trắng đã che lấp cho chiếc áo đỏ [156]. Lantenac chỉ có một ý nghĩ: chiếm một điểm trên bờ biển và dâng cho Pitt. Vì vậy, khi thấy Dol bỏ ngỏ, lão nhảy xổ đến để chiếm Dol tức là chiếm ngọn núi Dol và từ đó chiếm bờ biển.
Địa điểm ấy thật khéo chọn. Đại bác đặt ở núi Dol sẽ quét sạch cả một vùng từ Fresnois đến Saint-Brelade, buộc hạm đội Cancale không dám tiến gần và biến cả một vùng bãi biển, từ Raz-sur-Couesnon đến Saint-Mêloir-des-Ondes, sẵn sàng chờ một cuộc đổ bộ.
Muốn cho mưu mô có tính chất quyết định đó thành công, Lantenac đem theo hơn sáu nghìn người, chọn những người lực lưỡng nhất và tất cả khẩu đội pháo gồm mười khẩu đại bác hạng nhỏ mười sáu ly, một khẩu đại bác chắp vá lại, cỡ tám ly và một khẩu loại trung đoàn bắn được bốn li-vrơ đạn. Lão dự định đặt một khẩu đội mạnh trên núi Dol theo nguyên tắc là mười khẩu trọng pháo bắn ra một nghìn phát đạn được việc hơn là năm khẩu bắn ra một nghìn năm trăm phát.
Thắng lợi tưởng như đã cầm chắc. Lão có sáu nghìn quân. Chỉ còn lo phía Avranches, quân của Gauvain có một nghìn rưỡi người và mặt Dinan có quân của Léchelle. Léchelle, tuy có hai vạn rưỡi quân thật nhưng lại ở cách xa những hai mươi dặm. Lantenac yên tâm, phía Léchelle có lực lượng lớn nhưng ở xa, còn về phía Gauvain, tuy ở gần nhưng quân số lại ít. Xin nói thêm rằng Léchelle là một anh ngu ngốc và sau này hắn đã nướng cả hai vạn rưỡi quân ở truông CroixBataille, và hắn đã tự tử vì cuộc bại trận đó.
Vậy nên Lantenac rất yên trí. Cuộc tiến quân vào Dol rất chớp nhoáng và ác liệt. Hầu tước De Lantenac đã khét tiếng là không biết thương ai. Cho nên khi vào Dol thì không một ai dám kháng cự. Dân chúng khiếp đảm ẩn trong nhà, chận kín cửa lại. Sáu nghìn quân Vendée chiếm đóng các phố, chúng lộn xộn theo lối dân quê, gần như họp chợ, không có hạ sĩ quan hậu cần, không được bố trí chỗ ở, bạ đâu hạ trại đó, nấu nướng ngay ngoài trời, tự do phân tán vào nhà thờ, vứt hết súng ống để lần tràng hạt. Lantenac cùng với vài sĩ quan pháo binh vội vã đi quan sát núi Dol và giao chức phó chỉ huy cho Gouge-le-Bruant.
Tên này đã để lại một dấu tích mờ nhạt trong lịch sử. Hắn có hai tên hiệu, một là Diệt-Xanh, vì những cuộc tàn sát của hắn đối với những người yêu nước, hai là Imânus bởi vì con người hắn có một cái gì ghê tởm không thể tả được. Chữ Imânus nói chệch đi từ một danh từ cổ vùng dưới xứ Normandie là Imânis để chỉ cái gì xấu xa nhất, loài người không thể có, mà lại có nghĩa rùng rợn hoang đường như là ma, quỷ, yêu tinh. Trong một bản thảo cổ đã thấy có viết chữ Imânus đó. Ngày nay, các cụ già ở vùng Bocage cũng không hiểu gì về Gouge-le-Bruant và Diệt-Xanh nghĩa là gì; nhưng các cụ có biết lỗ mỗ về Imânus. Cái tên Imânus còn rớt lại trong những chuyện mê tín ở địa phương. Người ta còn nhắc đến tên Imânus ở hai làng Trémorel và Plumaugat nơi mà tên Gouge-le-Bruant đã để lại vết chân dã man của hắn. Trong vụ loạn Vendée, những kẻ khác chỉ là man rợ nhưng Gouge-le-Bruant là loài tàn bạo. Đó là một thứ chúa mọi, trên người hắn ánh lên vẻ ghê tởm và gần như dị thường của một tâm hồn hoàn toàn không giống bất cứ một tâm hồn nào khác của con người. Trong chiến đấu, hắn dũng cảm một cách khốc liệt rồi dần dần trở nên bạo ngược. Một trái tim đầy rẫy những ngõ ngách quanh co, có khi rất mực trung thành, có khi rất mực cuồng bạo. Hắn có biết suy xét không? Có chứ, nhưng như kiểu rắn bò, theo đường ngoằn ngoèo. Cách suy xét của hắn là đi từ hùng dũng để tới giết người. Thật khó mà đoán được những quyết định của hắn từ đâu mà có, đôi khi những quyết định ấy vĩ đại đến trở thành quái gở. Hắn có thể làm tất cả những việc bất ngờ, khủng khiếp. Ở hắn có cả bạo ngược lẫn hào hùng.
Từ đó, hắn mang cái tên hiệu kỳ quái là Imânus.
Lão hầu tước De Lantenac rất tin cậy ở tính độc ác của hắn.
Độc ác là sở trường của Imânus; đúng thế. Nhưng về mặt chiến lược, chiến thuật thì hắn lại không sở trường bằng và khi phong hắn chức chỉ huy tác chiến, có thể lão hầu tước đã thất sách. Dù sao, lão hầu tước đã để Imânus thay lão xem xét mọi việc.
Gouge-le-Bruant, một tên hiếu chiến hơn một nhà quân sự, dùng để cắt cổ cả một bộ tộc hơn là giữ một thành phố. Tuy nhiên hắn cũng bố trí các đơn vị tiền tiêu.
Vừa chập tối, sau khi lão hầu tước De Lantenac đã quan sát địa điểm dự định đặt khẩu đại pháo và trở về Dol, thì bất thình lình lão nghe tiếng đại bác nổ. Lão chú ý nhìn. Một đám khói đỏ rực bốc lên ở phố lớn. Ở đó đã xảy ra một trận đánh bất ngờ, một trận đột kích, một cuộc tấn công; hai bên đang đánh nhau trong thành phố.
Mặc dầu vốn là người ít hay ngạc nhiên, lúc bấy giờ lão cũng sửng sốt. Lão có tính đến nông nỗi này đâu. Có thể là ai? Nhất định không phải Gauvain. Không thể lấy một mà chọi với bốn được. Hay là Léchelle? Nhưng hành quân chớp nhoáng cách nào! Chưa hẳn là Léchelle mà không thể là Gauvain được.
Lantenac thúc ngựa; trên đường hắn gặp dân phố chạy trốn; hắn hỏi thăm, họ đang hết sức hoảng sợ. Họ kêu lên: Bọn Xanh! Bọn Xanh! Và khi hắn về đến nơi, thì tình thế đã trở nên bất lợi.
Sự việc đã xảy ra thế này.
Chín Mươi Ba Chín Mươi Ba - Victor Hugo Chín Mươi Ba