Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: E.b.white
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Charlotte's Web
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2734 / 50
Cập nhật: 2017-05-09 22:25:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Tiến Bộ Quá
ãi khuya trong đêm, trong khi các sinh vật khác ngủ, Charlotte làm việc trên mạng của mình. Thoạt tiên chị nhện xé ra một ít những sợi tơ vòng cầu gần trung tâm. Chị để nguyên những sợi tơ chạy xuyên tâm, vì đó là những sợi cần để chịu lực. Chị nhện làm việc, có tám cái chân thật là hữu dụng. Và răng cũng hữu dụng như thế. Chị thích giăng mắc và chị là một chuyên gia về việc này. Khi chị nhện hoàn tất việc dỡ tơ ra, cái mạng của chị trông như thế này:
Một con nhện có thể sản xuất ra nhiều loại sợi tơ. Chị nhện vẫn dùng tơ khô, chắc để làm nền, và dùng tơ dính để làm bẫy - chính những sợi tơ này bắt và giữ côn trùng. Charlotte quyết định dùng tơ khô chắc để viết thông điệp mới.
“Nếu mình viết từ ‘Cực kỳ” bằng tơ dính,” chị ta nghĩ, “tất cả những con bọ đi qua đều bị dính vào đó và làm mất hết hiệu quả.”
“Xem nào, chữ cái đầu tiên là C.”
Charlotte leo lên một chỗ trên đỉnh phía bên trái của mạng nhện. Nhún nhún cho bộ nhả tơ vào vị trí, chị ngoắc sợi tơ vào và rồi buông mình xuống. Khi chị nhao xuống, những ống xe tơ bắt đầu hoạt động và chị thả tơ ra. Đến đáy, chị lại ngoắc sợi tơ lại. Giờ đã có một phần của chữ C. Tuy nhiên, Charlotte chưa vừa ý. Chị lại leo lên và ngoắc thêm một sợi nữa, ngay sát cạnh sợi tơ đầu tiên. Rồi chị lại thả sợi tơ xuống, thế là chị có một sợi kép chứ không phải là sợi đơn. “Chữ sẽ nổi hơn hẳn nếu như mình làm toàn bộ bằng sợi kép.”
Chị lại leo lên, dịch ra chừng một in-sơ về phía phải, chạm bộ nhả tơ vào mạng nhện và kéo một sợi tơ về bên trái, làm thành phần đầu của chữ C. Chị làm lại lần nữa, để có một sợi kép. Tám chân chị xoay xở liên hồi kỳ trận...
“Nào, giờ thì đến Ư!”
Charlotte chăm chú quá đỗi vào công việc của mình, chị bắt đầu tự nói chuyện với mình, như thể để khích lệ bản thân. Nếu bạn ngồi im trong nhà kho khu chuồng tối hôm đó, bạn có lẽ đã nghe được những thứ đại để thế này:
“Nào, giờ thì lại C! Ta lên nào! Nối này! Xuống này! Nhả ra này! Họ! Nối này! Tốt! Mày lên nào! Lại lần nữa! Nối này! Xuống này! Nhả ra này. Họ, cô mình! Từ từ đã nào! Nối này! Trèo này! Nối này! Qua phải đê! Nhả ra này! Nối này! Giờ thì qua phải và xuống và ngoặt cái vòng này nữa này lại nữa này! Giờ thì qua trái! Nối này! Trèo này! Lại lần nữa! Được rồi! Nhẹ nhàng nào, để những sợi này cùng với nhau! Rồi, giờ thì xuống làm chân của C! Nhả ra nào nào! Họ! Nối này! Trèo này! Lại lần nữa! Cô mình giỏi ghê!”
Và cứ thế, vừa tự nói với bản thân, chị nhện vừa thực hiện công việc khó khăn của mình. Khi việc đã xong xuôi, chị cảm thấy đói. Chị ăn một con bọ nhỏ mà chị vẫn để dành. Rồi chị ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, Wilbur thức dậy và đứng dưới mạng nhện. Nó hít không khí buổi sớm mai vào đầy trong phổi. Những giọt sương, bắt ánh mặt trời, khiến cái mạng nhện thật sự nổi bật. Khi Lurvy mang bữa sáng tới, thì đã thấy một con lợn phong độ, và ở trên nó, được dệt bằng chữ in hoa ngay ngắn, là hai từ CỰC KỲ. Lại một phép màu nữa.
Lurvy chạy vội đi và gọi ông Zuckerman. Ông Zuckerman chạy vội đi và gọi bà Zuckerman. Bà Zuckerman chạy ra điện thoại và gọi nhà Arable. Cả nhà Arable trèo lên xe tải và phóng vội đến.
Tất cả mọi người đứng trước chuồng lợn và nhìn chằm chằm vào mạng nhện và đọc hai chữ đó, đọc đi đọc lại, trong khi Wilbur, thật sự cảm thấy mình cực kỳ, đứng lặng im ngực nở hết cả lên và ngọ ngoạy mõm từ bên này sang bên kia.
“Cực kỳ!” ông Zuckerman thở ra trong sự ngưỡng mộ sung sướng. “Edith, tốt hơn là em nên điện thoại cho phóng viên tờTuần tin và kể cho anh ta nghe chuyện gì đã xảy ra. Anh ta sẽ muốn biết về chuyện này đấy. Anh ta cũng có thể sẽ mang cả thợ ảnh đến nữa. Cả cái bang này không có con lợn nào cực kỳ như con lợn nhà ta đâu.”
Tin tức loan ra. Những người đã làm cuộc hành trình đến xem Wilbur khi nó là “lợn cừ” bây giờ lại quay lại để xem khi nó thành lợn “cực kỳ.”
Chiều đó, khi ông Zuckerman đi vắt sữa bò và lau rửa gióng buộc, ông vẫn nghĩ mãi về việc mình đã sở hữu một con lợn kỳ diệu làm sao.
“Lurvy!” ông gọi. “Đừng có mà vứt phân bò vào chuồng lợn nữa đấy. Tôi có một con lợn cực kỳ chứ đùa à. Tôi muốn con lợn mỗi ngày khi đi nằm phải có rơm mới, sạch. Rõ chửa?”
“Vâng, thưa ông,” anh người làm Lurvy đáp.
“Còn nữa,” ông Zuckerman nói, “tôi muốn anh bắt đầu làm một cái hòm gỗ cho Wilbur. Tôi đã quyết định mang con lợn đi dự Hội chợ Hạt vào mồng sáu tháng Chín. Hãy làm cái hòm to vào và sơn nền xanh với chữ vàng!”
“Sơn chữ gì ạ?” Lurvy hỏi.
“Nên là chữ Lợn Trứ danh nhà Zuckerman.”
Lurvy nhặt cái xỉa rơm lên và đi lấy rơm sạch. Có một con lợn quan trọng như vậy thì có nghĩa là sẽ thêm hàng đống việc, anh ta biết rõ như vậy.
***
Dưới vườn táo, ở cuối lối đi, có một đống rác mà ông Zuckerman vứt vào đó đủ loại phế thải cùng những thứ chẳng ai thèm nữa. Nơi đây, trong cái khoảnh đất được che khuất bởi những cây tổng quán sủi non và những bụi mâm xôi dại, là một đống đáng kinh ngạc những chai cũ và đồ hộp rỗng và giẻ rách bẩn và những mẩu kim loại và chai vỡ và bản lề vỡ và lò xo vỡ và pin chết và tạp chí cũ và giẻ lau bát hỏng cũ và quần áo lao động rách và chấn song han và xô thủng và những nút chai không ai màng và đủ thứ tạp nham vô dụng khác, trong đó có cả một cái tay quay lỡ cỡ đối với cái máy làm kem bị hỏng.
Templeton biết rõ đống rác và thích nó. Có vô số những chỗ nấp tốt - chốn che thân tuyệt diệu cho một con chuột. Và thường thì vẫn có một cái hộp mà thức ăn hãy còn dính ở bên trong.
Giờ thì Templeton đang ở đó, lục lọi mọi chỗ. Khi gã quay trở về khu chuồng, gã ngậm theo trong miệng một miếng quảng cáo mà gã xé ra từ một tạp chí nhàu nát.
“Cái này thì sao?” gã hỏi, đoạn chìa miếng quảng cáo ra cho Charlotte. “Nó viết ‘Cứng và Giòn.’ ‘Cứng và Giòn’ là những chữ hay để nhà chị giăng lên mạng.”
“Thật là một ý tưởng sai lầm,” Charlotte trả lời. “Không thể nào tệ hơn. Chúng ta không muốn Zuckerman nghĩ rằng Wilbur cứng và giòn. Ông ta có thể sẽ bắt đầu nghĩ về khoai tây chiên miếng, thịt lợn muối xông khói cứng và giòn cùng giăm bông hảo hạng. Cái này sẽ giội ý tưởng vào trong đầu ông ta. Chúng ta phải quảng bá những phẩm chất cao quý của Wilbur, chứ không phải hương vị của cậu ấy. Làm ơn đi kiếm từ khác đi, Templeton!”
Gã chuột tỏ vẻ chán ghét. Nhưng gã cũng lẻn ra đống rác và sau một lúc thì trở lại với một mảnh áo vải bông. “Cái này thì sao?” gã hỏi. “Đây là nhãn hiệu xé từ một cái áo sơ mi cũ.”
Charlotte kiểm tra cái nhãn hiệu. Nó viết là KHÔNG-CO.
“Tôi xin lỗi, Templeton,” chị ta nói, “nhưng ‘Không-co’ là hoàn toàn không thể được. Chúng ta muốn Zuckerman nghĩ rằng Wilbur béo tốt hoàn hảo, chứ không phải co rút ra làm sao hết. Tôi phải đề nghị anh cố gắng lần nữa vậy.”
“Nhà chị cho tôi là loại gì đây hử, một thằng đưa tin chắc?” gã chuột gầm gừ. “Tôi sẽ không mất cả ngày cả buổi để chạy xuống cái đống rác ấy mà tìm chất liệu quảng cáo đâu.”
“Chỉ một lần nữa thôi - làm ơn đi!” Charlotte nói.
“Tôi nói cho chị biết tôi sẽ làm gì,” Templeton nói. “Tôi biết có một hộp xà phòng bột trong lều chứa củi. Trên đó có viết chữ. Tôi sẽ đem cho chị một mảnh hộp đó.”
Gã trèo lên sợi dây treo trên tường và biến vào trong một cái lỗ trên trần nhà. Khi gã quay lại, gã cắn trong mồm một miếng bìa nửa xanh nửa trắng.
“Đây!” gã nói, vẻ đắc thắng. “Cái này thì sao?”
Charlotte đọc các chữ: “Với Tác động Ngời sáng Mới.”
“Cái này nghĩa là gì nhỉ?” Charlotte hỏi, cả đời chị ta chưa bao giờ dùng một tí xà phòng bột nào.
“Làm sao tôi biết được?” Templeton nói. “Nhà chị muốn từ ngữ thì tôi đã mang về đấy thôi. Tôi chắc là tiếp theo đây chị lại muốn tôi đem về một cuốn từ điển.”
Bọn họ cùng nhau nghiên cứu mẩu quảng cáo xà phòng. “Với tác động ngời sáng mới,” Charlotte nhắc lại một cách chậm rãi. “Wilbur!” chị ta gọi.
Wilbur đang ngủ trong ổ rơm, nhảy dựng lên.
“Chạy vòng quanh đi!” Charlotte ra lệnh. “Tôi muốn xem tác động của cậu thế nào, xem cậu có ngời sáng không.”
Wilbur phóng thẳng ra cuối sân quây.
“Giờ quay lại đây, nhanh nữa lên!” Charlotte nói.
Wilbur phi thật lực trở lại. Da cậu lợn sáng lên. Đuôi của nó xoắn thành vòng đẹp.
“Nhảy lên trên không nào!” Charlotte kêu lên.
Wilbur nhảy cao hết mức có thể.
“Cứ để đầu gối thẳng ra và chạm đất bằng hai tai!” Charlotte hét.
Wilbur tuân lệnh.
“Hãy lộn lại một nửa vòng nào!” Charlotte kêu lên.
Wilbur lộn ra đằng sau, vừa vặn vừa uốn éo thân hình.
“Được rồi, Wilbur,” Charlotte nói. “Cậu có thể đi ngủ lại được rồi. Được đấy, Templeton, quảng cáo xà phòng tốt đấy, tôi nghĩ vậy. Tôi không chắc chắn tác động của Wilbur có chính xác là ngời sáng hay không, nhưng cũng thú vị đấy.”
“Thật sự là,” Wilbur nói, “tôi cảm thấy ngời sáng.”
“Vậy ư?” Charlotte nói và trìu mến nhìn cậu lợn. “Ồ, cậu là một chàng lợn hay, và cậu sẽ ngời sáng nữa. Giờ thì tôi đã dấn sâu vào việc này quá rồi - và tôi chắc sẽ phải đi tới cùng.”
Nhảy nhót mệt, Wilbur nằm xuống chỗ rơm sạch. Nó nhắm mắt lại. Rơm có vẻ rặm - không thể nào dễ chịu bằng phân bò, thứ mà đã lăn vào thì luôn mềm mại khôn tả. Vì thế, nó đẩy rơm ra một bên và duỗi người nằm dài lên đám phân. Wilbur thở dài. Thật là một ngày bận rộn - cái ngày đầu tiên mà nó là cực kỳ. Hàng đống người đã đến xem sân quây của nó vào buổi chiều, và nó đã phải đứng và tạo dáng, ra vẻ cực kỳ hết mức có thể. Giờ thì nó mệt. Fern cũng đã đến và ngồi lặng im trên ghế của cô ở một góc.
“Hãy kể cho tôi một câu chuyện đi, Charlotte!” Wilbur nói trong khi nằm dài chờ đợi giấc ngủ kéo đến. “Kể cho tôi một câu chuyện đi!”
Vì thế nên Charlotte, cho dù cũng rất mệt, đã làm điều Wilbur muốn.
“Ngày xửa ngày xưa”, chị bắt đầu, “tôi có một người chị họ xinh đẹp cố gắng giăng một cái mạng nhện ngang qua một dòng suối nhỏ. Một ngày kia có một con cá bé nhảy vọt lên không và bị mắc vào trong mạng. Chị họ tôi dĩ nhiên là kinh ngạc quá thể. Con cá quẫy đập một cách man dại. Chị họ tôi hầu như không dám ngăn chặn nó. Nhưng chị ấy đã làm. Chị ấy đâm bổ xuống và nhả ra hàng đống chất liệu bao phủ quanh con cá và chiến đấu dữ dội để bắt nó.”
“Chị ấy có thắng không?” Wilbur hỏi.
“Đó là một trận chiến không-bao-giờ-quên-được,” Charlotte nói. “Đằng này là con cá, chỉ bị mắc một bên vây, và đuôi của nó thì quẫy đập man dại và chói sáng dưới ánh nắng. Đằng kia là cái mạng nhện, bị võng xuống rất nguy hiểm dưới trọng lượng của con cá.”
“Con cá nặng bao nhiêu?” Wilbur hăng hái hỏi.
“Tôi không biết,” Charlotte nói. “Chị họ tôi ở đó, lạng vào, lách ra, đánh không thương tiếc lên đầu con cá quẫy đập man dại, nhảy vào, nhảy ra, tung tơ ra và vật lộn dữ dội. Đầu tiên chị ấy tung một cú chân trái vào cạnh đuôi. Con cá quật lại. Rồi một cú chân trái vào đuôi vào một cú chân phải vào khúc giữa. Con cá quật lại. Rồi chị ấy lách ra một bên và tung một cú chân phải, rồi một cú chân phải nữa vào vây. Rồi một cú chân trái vào đầu, trong khi cái mạng nhện đung đưa và căng hết ra.”
“Xong rồi sao?” Wilbur hỏi.
“Chẳng sao cả,” Charlotte nói. “Con cá thua trận. Chị họ tôi quấn nó chặt đến nỗi nó chẳng thể nào nhúc nhích nổi.”
“Xong rồi sao?” Wilbur hỏi.
“Chẳng sao cả,” Charlotte nói. “Chị họ tôi giữ con cá một lúc, thế rồi, khi chị ấy đã sẵn sàng và phấn chấn, chị ấy ăn nó.”
“Hãy kể cho tôi câu chuyện khác đi!” Wilbur nằn nì.
Charlotte bèn kể cho nó nghe về một bà chị họ khác nữa của chị ta, một nhà hàng không.
“Nhà hàng không là cái gì?” Wilbur hỏi.
“Là một thợ lái khinh khí cầu,” Charlotte nói. “Chị họ tôi chuyên đứng dốc ngược đầu và nhả ra đủ tơ để làm thành một quả cầu. Thế rồi chị ấy buông ra và tất cả được phóng lên trên không và được làn gió ấm cuốn lên cao mãi.”
“Có thật không?” Wilbur hỏi. “Hay là chị chỉ bịa ra?”
“Thật đấy,” Charlotte trả lời. “Tôi có nhiều chị họ giỏi lắm. Còn bây giờ, Wilbur, đến lúc cậu phải ngủ rồi.”
“Hãy hát gì đi!” Wilbur nằn nì, và nhắm mắt lại.
Vì thế Charlotte bèn hát một bài hát ru, trong lúc lũ dế kêu líu ríu ở trong cỏ và khu chuồng tối dần. Đây là bài hát của chị nhện:
“Ngủ, ngủ đi, người thương, người yêu,
Say, say vào, trong đống phân và trong bóng tối,
Đừng cô đơn và đừng sợ chi!
Vào giờ này cả ếch và chim hét
Đang ngợi ca thế gian trong rừng và ruộng cói.
Đừng lo nghĩ chi, hỡi người yêu hỡi người duy nhất,
Say trong đống phân và trong bóng tối!”
Nhưng Wilbur đã ngủ rồi. Khi bài hát chấm dứt, Fern đứng dậy và đi về nhà.
Charlotte Và Wilbur Charlotte Và Wilbur - E.b.white Charlotte Và Wilbur