A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Tác giả: E.b.white
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Charlotte's Web
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2734 / 50
Cập nhật: 2017-05-09 22:25:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Xổng Chuồng
hu chuồng quây rất rộng. Và nó rất cũ. Nó có mùi cỏ khô và nó có mùi phân. Nó có mùi mồ hôi của lũ ngựa mệt mỏi và hơi thở ngọt ngào tuyệt diệu của lũ bò nhẫn nại. Nó thường xuyên có một thứ mùi yên bình - như thể là chẳng có điều gì tồi tệ có thể xảy ra nữa trên đời. Nó có mùi hạt ngũ cốc và mùi xi đánh yên cương và mùi mỡ bôi trục xe và mùi ủng cao su và mùi dây thừng mới. Và bất cứ khi nào con mèo được cho một cái đầu cá để ăn, khu chuồng lại có mùi cá. Nhưng hầu như là nó có mùi cỏ khô, bởi cỏ khô thì luôn có trong gác xép lớn ở trên đầu. Và cỏ khô thì luôn được ném xuống cho lũ bò và lũ ngựa và lũ cừu.
Khu chuồng quây ấm áp một cách dễ chịu vào mùa đông khi mà lũ súc vật hầu hết thời gian đều ở trong chuồng, và nó mát mẻ một cách dễ chịu vào mùa hè khi các cửa lớn được mở rộng ra đón gió nhẹ. Khu chuồng quây có chuồng ở trên sàn chính cho lũ ngựa kéo, có chỗ buộc ở trên sàn chính cho lũ bò, có một chỗ quây cừu ngay phía dưới cho lũ cừu, một chuồng lợn ngay phía dưới cho Wilbur, và có đủ mọi thứ mà bạn vẫn thấy trong các khu chuồng quây: thang, đá mài, chĩa, mỏ-lết, hái, máy xén cỏ, xẻng xúc tuyết, rìu tay, xô đựng sữa, thùng đựng nước, vỏ bao đựng hạt giống, bẫy chuột han rỉ. Đó là kiểu chuồng quây mà chim nhạn thích vào làm tổ. Đó là kiểu chuồng quây mà trẻ con thích vào chơi. Và sở hữu tất tật những thứ ấy chính là chú của Fern, ông Homer L. Zuckerman.
Nhà mới của Wilbur ở phía dưới chuồng quây, ngay bên dưới lũ bò. Ông Zuckerman hiểu rằng đống phân là một chỗ tốt để nuôi lợn con. Lợn cần được ấm, mà ở dưới đây, phía Nam chỗ nhà kho khu chuồng quây này thì thật là ấm và dễ chịu.
Fern hầu như ngày nào cũng đến thăm nó. Cô bé tìm được một cái ghế đẩu dùng để vắt sữa cũ kỹ đã bị bỏ đi, và cô đặt cái ghế ở trong chỗ quây cừu liền kề chuồng của Wilbur. Ở đó cô bé ngồi yên lặng suốt những buổi chiều dài dặc, nghĩ ngợi và lắng nghe và quan sát Wilbur. Lũ cừu nhanh chóng quen cô và tin tưởng cô. Nhà ngỗng, cùng ở với lũ cừu, cũng thế. Tất cả các con vật đều tin tưởng cô, cô bé trầm lặng và thân thiện đến thế. Ông Zuckerman không cho cô đem Wilbur ra ngoài, và ông cũng không cho cô được vào trong chuồng lợn. Nhưng ông bảo Fern rằng cô có thể cứ ngồi trên ghế và nhìn Wilbur bao nhiêu lâu tùy thích. Chỉ cần ở bên con lợn là cô bé đã vui, và con lợn cũng vui khi biết rằng cô đang ngồi đó, ngay ngoài chuồng nó. Mà con lợn cũng chẳng bao giờ có tí thú vui nào - chẳng đi dạo, chẳng đi xe, chẳng tắm bùn.
Một buổi chiều tháng Sáu, khi Wilbur đã gần hai tháng tuổi, nó lang thang ra bãi rào nhỏ của nó ở ngoài khu chuồng. Fern hãy còn chưa tới, như lệ thường. Wilbur đứng dưới nắng, cảm thấy cô đơn và buồn chán.
“Quanh đây chẳng bao giờ có gì để làm,” nó nghĩ. Nó bước chậm chạp tới máng ăn của nó và ngửi hít xem có gì còn sót lại từ bữa trưa không. Nó tìm thấy một miếng nhỏ vỏ khoai tây và ăn liền. Lưng nó bị ngứa, vì thế nó dựa vào hàng rào và cọ xát vào mấy tấm ván. Khi nó đã cọ chán, nó lại vào trong chuồng, trèo lên đỉnh đống phân, và ngồi xuống. Nó không cảm thấy buồn đi ngủ, nó không cảm thấy muốn đào bới, nó phát chán đứng yên, phát chán nằm xuống. “Mình mới chưa đầy hai tháng tuổi và mình đã phát chán cuộc sống,” nó nói. Nó lại bước ra ngoài bãi rào lần nữa.
“Khi mình ra ngoài này,” nó nói, “thì chẳng có chỗ nào khác để đi ngoài quay vào. Khi mình đã vào chuồng, thì chẳng có chỗ nào khác để đi ngoài trở ra bãi rào.”
“À đó mới thật là sai đấy, anh bạn ạ, anh bạn ạ,” một giọng nói cất lên.
Wilbur nhìn qua hàng rào và thấy ngỗng cái đứng đó.
“Anh chẳng việc gì phải ở trong cái bãi quây bẩn-tí-hin bẩn-tí-hin bẩn-tí-hin đó,” con ngỗng nói, có vẻ hơi bị nhanh quá. “Một tấm gỗ bị long đấy. Húc mạnh vào, húc-húc-húc mạnh vào, và phóng ra ngoài!”
“Cái gì?” Wilbur nói. “Nói chậm thôi xem nào!”
“Khéo-khéo-khéo, khéo tôi cứ phải lặp đi lặp lại mãi,” ngỗng cái nói, “tôi gợi ý rằng anh hãy ra ngoài. Ở ngoài rất tuyệt.”
“Có phải chị nói một tấm ván bị long?”
“Phải tôi nói, phải tôi nói,” con ngỗng nói.
Wilbur tiến lại gần hàng rào và thấy ngỗng cái nói đúng - một tấm ván bị long. Nó cúi thấp đầu xuống, nhắm mắt lại, và húc. Tấm ván bung ra. Trong một phút, nó đã lách qua hàng rào và đứng giữa đám cỏ tốt bượp ngoài bãi quây của nó.
Ngỗng cái tấm tắc.
“Được tự do cảm thấy thế nào?” nó hỏi.
“Tôi thích,” Wilbur nói. “Nghĩa là, tôi cho rằng tôi thích.” Thực ra, Wilbur thấy kỳ quặc thế nào ấy khi ở ngoài bãi quây của nó, chẳng có cái gì che chắn nó với thế giới rộng lớn.
“Chị nghĩ tôi nên đi đâu thì tốt?”
“Bất cứ đâu anh thích, bất cứ đâu anh thích,” ngỗng cái nói. “Chạy quá xuống vườn cây ăn quả, mà lật rễ cỏ lên! Chạy quá xuống vườn rau, mà đào bới củ cải! Hãy đào bới tất tật! Xơi cỏ! Tìm ngô! Tìm yến mạch! Cứ xéo cho hết sạch! Vừa uốn vừa éo, vừa nhún vừa nhảy! Hãy chạy qua vườn cây và tản bộ trong rừng! Thế giới mới tuyệt làm sao, khi mà ta còn trẻ.”
“Tôi rõ rồi,” Wilbur trả lời. Nó nhẩy cẫng lên trên không, cuộn người, chạy vài bước, dừng lại, nhìn xung quanh, ngửi hít những mùi vị của buổi chiều, thế rồi bắt đầu đi xuyên qua vườn cây ăn quả. Dừng lại dưới bóng một cây táo, nó dúi cái mõm rất khỏe của nó xuống đất và bắt đầu dũi, đào, và lật rễ lên. Nó cảm thấy rất hạnh phúc. Nó đã bươi được một khoảnh đất kha khá mà không hề có ai nhận ra. Bà Zuckerman là người đầu tiên nhìn thấy nó. Bà thấy nó qua cửa sổ nhà bếp, và ngay tức thì bà gọi váng mấy người đàn ông.
“Ho-mer!” bà kêu. “Lợn xổng! Lurvy! Lợn xổng! Homer! Lurvy! Lợn xổng. Nó ở dưới cây táo kia kìa.”
“Rắc rối bắt đầu rồi đây,” Wilbur nghĩ. “Giờ thì mình sẽ bị tóm là cái chắc.”
Ngỗng cái nghe thấy huyên náo và chính nó cũng bắt đầu la hét. “Chạy-chạy-chạy xuống đồi, vào ngay rừng, ngay rừng!” nó hét lên với Wilbur. “Họ sẽ không-không-không bao giờ tóm được cậu trong rừng.”
Con chó cốc tai quýp nghe thấy náo động nên đã chạy từ trong khu chuồng ra để tham gia đuổi bắt. Ông Zuckerman nghe thấy, và ông chạy ra từ kho để máy móc nơi ông đang sửa dụng cụ. Lurvy, anh người làm, nghe thấy ầm ĩ, đã chạy lên từ khoảnh đất trồng măng tây nơi anh đang nhổ cỏ dại. Mọi người ai cũng tiến về phía Wilbur và Wilbur chẳng biết phải làm gì. Rừng dường như còn xa mới tới, và dù sao đi nữa, nó cũng chưa bao giờ ở trong rừng cả và không chắc là nó có thích hay không.
“Đi vòng ra đằng sau nó ấy, Lurvy,” ông Zuckerman nói, “và lùa nó về phía khu chuồng! Mà nhẹ nhàng thôi-đừng dồn ép nó! Tôi sẽ đi lấy một xô cám.”
Tin Wilbur xổng chuồng lan ra nhanh chóng giữa bọn súc vật trong khu. Bất cứ khi nào một con vật xổng ra khỏi trang trại nhà Zuckerman, thì đó là một sự kiện đáng quan tâm đối với mọi con khác. Ngỗng cái la lên cho con bò ở gần nhất rằng Wilbur đã tự do, và chẳng mấy chốc tất cả lũ bò đều biết. Thế rồi một con trong lũ bò nói với một con trong lũ cừu, và chẳng mấy chốc tất cả lũ cừu đều biết. Bọn cừu con biết chuyện từ mẹ chúng. Lũ ngựa, trong các ngăn chuồng, đã dỏng tai chúng lên khi nghe ngỗng cái la hét; và chẳng mấy chốc lũ ngựa cũng biết đang xảy ra chuyện gì. “Wilbur xổng ra ngoài,” cả bọn nói. Mọi con vật cùng lắc lư cái đầu rồi trở nên phấn khích khi biết rằng một trong số các bạn của nó đã được tự do và không còn bị quây nhốt hay trói chặt nữa.
Wilbur chẳng biết phải làm gì hay là phải chạy theo lối nào. Cứ như thể là tất cả mọi người đều săn đuổi nó. “Nếu tự do chính là như thế này,” nó nghĩ, “thì mình tin chẳng thà mình cứ bị nhốt trong bãi quây của mình còn hơn.”
Con chó cốc tai quýp xồ ra từ một phía bên sườn nó, Lurvy anh người làm vọt ra từ phía bên kia. Bà Zuckerman đã đứng chặn nó phòng khi nó xộc vào vườn rau, và bây giờ đây ông Zuckerman đang tiến đến chỗ nó mang theo một cái xô. “Thế này thì thật kinh khủng,” Wilbur nghĩ. “Tại sao Fern không tới?” Nó bắt đầu khóc.
Ngỗng cái liền nắm lấy quyền chỉ huy và bắt đầu ra lệnh.
“Đừng có đứng ì ra đấy, Wilbur! Luồn lách đi, luồn lách đi!” con ngỗng cái hét lên. “Nhảy xung quanh, chạy về phía tôi đây, lạng tới lạng lui, lạng tới lạng lui, lạng tới lạng lui! Phóng vào hẳn rừng! Quay và ngoắt!”
Con chó cốc tai quýp nhảy xổ vào chân sau Wilbur. Wilbur vọt lên và chạy. Lurvy vươn tay ra và vồ. Bà Zuckerman la hét Lurvy. Ngỗng cái hoan hô Wilbur. Wilbur lẩn qua hai chân Lurvy. Lurvy trượt mất Wilbur và vồ phải con chó cốc. “Làm hay lắm, làm hay lắm!” ngỗng cái kêu. “Thử lần nữa xem, thử lần nữa xem!”
“Chạy xuống đồi!” lũ bò gợi ý.
“Chạy về phía tôi!” ngỗng đực hét.
“Chạy lên đồi!” lũ cừu la.
“Quay và ngoắt!” ngỗng cái kêu.
“Nhún và nhảy!” gà trống nói.
“Coi chừng Lurvy!” lũ bò gọi.
“Coi chừng Zuckerman!” ngỗng đực hét.
“Cẩn thận con chó!” lũ cừu la.
“Nghe tôi đây, nghe tôi đây!” ngỗng cái thét.
Sự rùm beng này khiến Wilbur tội nghiệp mụ mị và bàng hoàng cả người. Nó không thích là trung tâm của tất cả sự om xòm này. Nó cố gắng làm theo những chỉ dẫn mà bạn bè mách bảo, nhưng nó không thể vừa chạy xuống đồi lại vừa chạy lên đồi, và nó không thể nào quay và ngoắt một khi đang nhún và nhảy, và nó khóc dữ đến nỗi nó gần như chẳng thấy được chuyện gì đang diễn ra. Xét cho cùng, Wilbur là một con lợn hãy còn bé - thật vẫn chẳng khác nào lợn con. Nó ước giá Fern ở đó để bế nó trong vòng tay và an ủi nó. Khi nó trông lên, và thấy ông Zuckerman đứng khá gần nó, xách một xô cám nóng, nó cảm thấy yên lòng. Nó giương cao mũi và ngửi hít. Cái mùi thật là ngon - sữa nóng, vỏ khoai tây, bột mì, vụn ngô Kellogg, và một cái bánh nướng xốp còn lại từ bữa sáng của nhà Zuckerman.
“Nào lợn, lại đây!” ông Zuckerman nói, đập đập vào cái xô. “Nào lợn, lại đây!”
Wilbur tiến một bước về phía cái xô.
“Chớ-chớ-chớ!” ngỗng cái nói. “Đó là ngón xô cũ rích, Wilbur. Chớ để bị hạ, chớ để bị hạ! Ông ta đang cố lừa anh trở về cái chỗ quây nhốt-ốt. Ông ta đang đánh vào cái dạ dày của anh.”
Wilbur không quan tâm. Thức ăn tỏa mùi ngon tuyệt. Nó dấn thêm bước nữa về phía cái xô.
“Nào lợn, nào lợn!” ông Zuckerman nói bằng một giọng hiền hòa, và bắt đầu đi từ từ về phía khu rào quây, nhìn khắp xung quanh với vẻ cứ như không có chuyện gì, như thể ông không biết rằng một con lợn lang bé đang đi theo đằng sau ông.
“Anh sẽ phải hối tiếc-tiếc-tiếc,” ngỗng cái gọi.
Wilbur không quan tâm, nó tiếp tục bước theo xô cám.
“Anh sẽ nhớ tiếc tự do cho xem,” ngỗng cái kêu. “Một giờ tự do đáng giá cả một thùng tô-nô cám đó.”
Wilbur không quan tâm.
Khi ông Zuckerman tới chuồng lợn, ông trèo qua hàng rào và đổ cám vào trong máng. Rồi ông kéo tấm gỗ long ra khỏi hàng rào, để có hẳn một cái lỗ rộng cho Wilbur đi qua.
“Nghĩ lại đi, nghĩ lại đi!” ngỗng cái gào lên.
Wilbur không hề để tâm. Nó bước qua hàng rào vào trong sân quây của mình. Nó đến bên máng và tợp một lèo cám là cám, chít sữa một cách thèm khát và ngấu nghiến cái bánh nướng. Trở về nhà mình thật là tốt.
Trong khi Wilbur ăn, Lurvy mang tới một cái búa và mấy cái đinh 8-phân và đóng lại tấm gỗ như cũ. Rồi anh ta và ông Zuckerman uể oải dựa vào hàng rào và ông Zuckerman gãi lưng Wilbur bằng một cái que.
“Nó ra dáng một con lợn ghê,” Lurvy nói.
“Ờ, nó sẽ là một con lợn tốt đấy,” ông Zuckerman nói.
Wilbur nghe thấy những lời khen. Nó cảm thấy sữa ấm ở trong dạ. Nó cảm thấy cái que gãi gãi dễ chịu dọc theo cái lưng ngứa ngáy của nó. Nó cảm thấy bình yên và hạnh phúc và buồn ngủ. Đúng là một buổi chiều mệt nhọc. Mới chỉ có bốn giờ nhưng Wilbur thì đã sẵn sàng đi nằm.
“Mình thật sự còn quá trẻ để ra ngoài đời một thân một mình,” nó vừa nghĩ vừa đặt mình nằm xuống.
Charlotte Và Wilbur Charlotte Và Wilbur - E.b.white Charlotte Và Wilbur