Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Tác giả: James G. Zumwalt
Thể loại: Hồi Ký
Dịch giả: Đỗ Hùng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 18916 / 281
Cập nhật: 2014-12-28 22:25:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giới Thiệu
âu chuyện của Trung tá Thủy quân Lục chiến - James G. Zumwalt - con trai Đô đốc chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam.
James G. Zumwalt – Xuất thân trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp, cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến James Zumwalt từng chiến đấu tại Việt Nam, tham gia cuộc can thiệp quân sự của Mỹ Panama năm 1989 và Chiến dịch Bão táp Sa mạc tại vùng Vịnh, Iraq năm 1990 – 1991.
Ông là con trai của Đô đốc Elmo Russell Zumwalt, Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ đặc trách lực lượng duyên hải và đường sông thời Chiến tranh Việt Nam. Tư lệnh Elmo Zumwalt, sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, chính là người đã phát động chiến dịch rải chất độc hóa học tại Việt Nam trong suốt một giai đoạn rất dài của cuộc chiến, để lại nhiều di họa cho đất nước Việt Nam cũng như nước Mỹ và chính gia đình ông.
Sau quãng đời binh nghiệp, ông James Zumwalt trở thành một diễn giả, tác giả của hàng loạt bài viết về quân sự và chính sách đối ngoại trên các báo và tạp chí nổi tiếng của Mỹ như USA Today, The Washington Post, The New York Times, The Washington Times, The LA Times, The Chicago Tribune, The San Diego Union, Parade…
Ông hiện là chủ tịch công ty tư vấn an ninh mang tên cha mình – Admiral Zumwalt & Consultants, Inc.
James Zumwalt viết BARE FEET, IRON WILL (CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP) sau những chuyến trở lại Việt Nam, gặp, phỏng vấn và trò chuyện thẳng thắn với những người từng đứng bên kia chiến tuyến. Cuốn sách xuất bản ở Mỹ vào ngày 26/4/2010 đã tạo ra tiếng vang lớn và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ.
Cuốn sách này dành tặng:
-----------------------
Anh trai tôi, Elmo, người đã xung phong sang Việt Nam với tinh thần trách nhiệm, danh dự và xả thân, để rồi phải mất sớm vì chính những mầm độc từ cuộc chiến ấy.
-----------------------
- 58.000 người Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
- Gần một triệu chiến binh Bắc Việt và Việt Cộng, những người đã chiến đấu vì một nước Việt Nam thống nhất, đã trải qua bao gian khó, khổ đau, bi kịch và hy sinh trong hành trình đến chiến thắng cuối cùng.
- 254.000 quân nhân miền Nam Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh người Mỹ.
- Khoảng hai triệu công dân Việt Nam, những người tham chiến hoặc là nạn nhân của cuộc chiến tại Việt Nam, đã chấp nhận trả giá với niệm hy vọng một ngày mai các thế hệ con cháu có thể sống tự do, sau những đau khổ của cha ông.
- Con gái Thea, với một tình yêu bất tận đã mang đến cho đời tôi niềm vui và niềm hạnh phúc tuyệt vời, mà ngay chính con cũng không nhận ra.
- Con trai James, người đã tiếp nối truyền thống gia đình về trách nhiệm, danh dự và hy sinh cho đất nước, bất chấp nguy nan, đã mạo hiểm cả cuộc sống và một phần thân thể của mình để cứu người khi làm nhiệm vụ vô hiệu hóa vật nổ trên chiến trường trong thời đại mới.
- Vợ tôi, Karin, người đã cho tôi biết ý nghĩa về sức mạnh của tình yêu và tiến trình hàn gắn, người vẫn còn đang tiếp thêm cho tôi nghị lực.
- Mẹ tôi, người đã chịu đựng sự khắc nghiệt của chiến tranh trong những thập niên đầu đời khi mất đi thân phụ và về sau còn mất đi một đứa con trai vì chiến tranh.
- Cha tôi, người với tấm gương chân thực của chính mình đã dạy cho tôi về bổn phận, danh dự và tinh thần hy sinh cho Tổ quốc.
“Một số ý kiến của chính quyền Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi đã nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi.
Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi. Hiểu được quyết tâm duy trì Đường mòn cũng như bám trụ tại địa đạo Củ Chi chính là hiểu được “chí thép” của họ.
Đó chính là ý chí thép đặc trưng và rất đặc biệt của người Việt Nam, vốn đã thôi thúc họ tiến lên để giành chiến thắng trong cuộc chiến trước người Mỹ - cuộc chiến mà nước Mỹ thiếu một quyết tâm tương xứng.”
James G. Zumwalt
LỜI TỰA CỦA THƯỢNG TƯỚNG PHAN TRUNG KIÊN
Tôi đang cầm trên tay cuốn sách đặc biệt về cuộc chiến chống Mỹ thần kỳ của dân tộc. Nó đặc biệt vì chính tựa sách Chân trần Chí thép được đặt bởi một Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ - Nay trở thành một người bạn thân thiết trong quá trình hòa giải và hàn gắn những nỗi đau thời hậu chiến, thúc đẩy quá trình thấu hiểu, hợp tác và hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tác giả cuốn sách James G. Zumwalt là con trai của Zumwalt Tư lệnh Hải quân Mỹ - Chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ, là người đã ra lệnh rải chất độc da cam tại Việt Nam và chính con trai đầu của ông đã chết vì chất độc da cam.
Đọc cuốn sách tôi có cảm nhận như sống lại thời chiến tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Những chi tiết quý báu, tư liệu phong phú, và nhận xét độc đáo của tác giả qua gần 200 cuộc phỏng vấn tại Việt Nam đã cho người đọc những câu chuyện sống động về ý chí kiên cường của thế hệ cha anh đã quyết lòng hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc.
Tôi khâm phục sự trung thực và dũng cảm của tác giả khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt với quan điểm thù hận thời tuổi trẻ của ông, và ở chính quyền Mỹ hồi đó. Thật không dễ để viết một cuốn sách thẳng thắn và sâu sắc như vậy. Tác giả đã cảm nhận ngoài ý chí kiên cường trong chiến đấu, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và mong muốn làm bạn với tất cả các dân tộc khác. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều cuốn sách và tấm lòng từ những cựu chiến binh khác, vì quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang thực sự trải nghiệm qua một giai đoạn mới.
Công ty First New – Trí Việt đã kịp thời dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam để các thế hệ Việt Nam hôm nay hiểu rõ hơn sự anh dũng sáng tạo và ý chí sắt thép vô song đã làm nên chiến thắng của dân tộc. Tôi tin rằng ý chí kiên cường ấy sẽ vận động tích cực đưa đất nước chúng ta tiến lên mạnh mẽ trong thời đại ngày nay và tương lai.
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2011
Thượng tướng Phan Trung Kiên
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CHXHCNVN
Anh hùng LLVTND
CUỐN SÁCH CỦA SỰ THỰC VÀ CHÍNH TRỰC
Tôi thật xúc động khi đọc CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP vì tôi cảm nhận cuốn sách thực sự được viết bằng cả trái tim và lòng khát khao đi tìm chân lý và sự thật của tác giả - Trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt, người đã trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam và người anh trai là Trung úy Elmo đã chết vì nhiễm chất độc da cam do chính cha mình – Tư lệnh Hải quân Mỹ Zumwalt đã ra lệnh rải chất độc khai hoang xuống chiến trường Việt Nam. Cũng như quyển Không Thể Chuộc Lỗi của Allen Hassan, thật hiếm khi đọc được cuốn sách hay và sống động như thế này do một cựu chiến binh Mỹ viết.
Cuốn sách cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác qua lăng kính của một người ở bên kia chiến tuyến về những con người Việt Nam CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm về ý chí kiên cường, tính mưu trí sáng tạo của thế hệ cha anh chúng ta trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Mỗi trang sách đều toát lên tính nhân bản sâu sắc, tình thương yêu và sự cảm thông giữa con người với con người – cao hơn mọi định kiến, thù hằn.
Tôi cảm ơn và trân trọng tình cảm mà tác giả dành cho mảnh đất và con người Việt Nam như một nỗ lực dứt bỏ nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi tác giả đã trực tiếp tham chiến và chứng kiến những vết thương mà cuộc chiến khốc liệt gây ra đã in hằn trong lịch sử cả hai dân tộc.
Đây thật sự là một cuốn sách có giá trị và đáng đọc – để thấu hiểu thêm một thời máu lửa hào hùng của dân tộc – và chúng ta không được quên – về sự tàn ác của chiến tranh, và cái giá phải trả để giờ đây chúng ta có được những năm tháng của ngày hôm nay.
Trung tướng Lê Thành Tâm
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh
LỜI GIỚI THIỆU
Khi James G. Zumwalt viết “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến duy nhất mà người Mỹ đối đầu với người Việt Nam. Để đảm bảo rằng bi kịch ấy không lặp lại, chúng ta cần phải thấu hiểu lẫn nhau. Bàn đạp để thực hiện điều đó là hai bên cần phải hiểu biết lẫn nhau hơn và thấu hiểu hơn nỗi chịu đựng của nhau”, thì có nghĩa là ông đã có cách lý giải thỏa đáng nhất của mình về cái mà ông coi là “vết hằn không bao giờ phai mờ cho nước Mỹ”.
Việc đối diện với “cuộc chiến nội tâm” phải chăng là một cách để thế hệ cựu chiến binh ấy thừa nhận sự ám ảnh của di sản? Chỉ biết rằng, nếu cách đó đồng thời tạo ra cảm hứng cho một cuốn sách quý thế này thì đáng trân trọng biết bao!
Tác giả của cuốn sách vốn xuất thân trong một gia đình truyền thống binh nghiệp, lại có hành trang thực tiễn của cả cha và con cùng là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, do đó những trang viết của James G. Zumwalt có nhiều sức thuyết phục bởi sự chân thực và cả những ám ảnh phải chịu đựng qua năm tháng thôi thúc ông đi-tìm-hiểu-viết. Ông viết với động cơ “để sai lầm trong cuộc chiến tranh tai Việt Nam không bao giờ xẩy ra với các thế hệ người Mỹ trong tương lai”, chứ không nhằm “đưa ra một phát ngôn chính trị”. Mặc dù thế người đọc vẫn thấy ở đoạn kết có những dòng cảm xúc vượt quá khuôn khổ cá nhân một nhà báo: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này – một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”.
James G. Zumwalt muốn triết lý rằng trong chiến tranh “Tính phổ quát” là một nguyên tắc đơn giản, “nó thừa nhận khổ đau là một phạm trù phi chiến tuyến, để từ đấy, một khi cuộc chiến kết thúc, một mảnh đất màu mỡ có thể được cày xới để gieo lên hạt giống của tình hữu nghị. Đó là một nguyên tắc mà tôi, khi đang trải qua bi kịch cá nhân, đã không nhìn thấy được”. Như thế tôi tin đây không phải là cuốn sách duy nhất của ông về đề tài này và sẽ có nhiều cuốn sách hay nữa của nhiều người có “bi kịch” về Việt Nam, làm cầu nối cho sự thông hiểu và thiết lập tình hữu nghị.
Với cuốn sách mang tên rất Việt Nam và sớm được Công ty First New – Trí Việt dịch ra tiếng Việt, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, thông điệp mà James G. Zumwalt mang đến là cho nhiều người thuộc cả nhiều bên chiến tuyến xưa, rằng: “tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất – một CHÍ THÉP – giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, CHÍ THÉP đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.
Tôi đọc một mạch CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP, rồi sau đó lại một mạch và một mạch, mặc kệ ngoài kia trời bỏ sáng qua chiều và về khuya tự lúc nào. Như thế không phải cách của một Phó Giáo sư Trưởng khoa Lịch sử, mà là người cựu chiến binh tình cờ gặp lại ở đây những câu chuyện không dứt về đồng đội cũ, chiến trường xưa. Tuy không thích cách gọi “kẻ thù cũ” của ông, nhưng từng câu chuyện của khoảng 200 cuộc gặp cứ nối với nhau thành hiểu biết và cảm thông.
Có một cách viết của James G. Zumwalt rất tự nhiên và chân thực, rất hay về bố cục 11 phần khá logic và 29 câu chuyện sống động được chọn dịch trong đó. Tuy có những câu chuyện còn có vẻ dang dở và nhiều ẩn dụ (Chẳng hạn các chuyện: Trong bụng dã thú; Trận chiến kết thúc nhưng cuộc chiến thực sự mới bắt đầu; Chạy tìm sự sống; Bay đến tự do; Sai lầm suýt chết…), nhưng nhìn chung là thú vị và rất thật, có tính điển hình và có cả chiều sâu, chuyện rất vui vì rất “lính”, rất nhân văn vì đó là chuyện của người Việt Nam trong chiến tranh yêu nước. Chính James G. Zumwalt qua sách này cũng đã góp “cái nhìn mới về cuộc chiến”. Đọc CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP như đang xem lại cuốn phim với đầy đủ những gam màu chân thực của cuộc sống thời chiến ở Trường Sơn, địa đạo Củ Chi, ở hai miền Nam – Bắc Việt Nam những năm gian khổ, ác liệt, những con người “chân trần” mà có “chí thép” đã sống, chiến đấu và chịu đựng.
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, hơn một thế hệ bấy nay đã và đang hăng say trên những giảng đường, những diễn đàn quốc tế, những vạt rừng, những cánh đồng, những bến cảng, công trường xây dựng… Nhưng không một thế hệ nào được bỏ quên quá khứ trong hành trình đi tới, bởi đó là di sản lịch sử của mỗi quốc gia dân tộc. Vì thế ta đồng tình với James G. Zumwalt khi ông đã dành những dòng cuối cuốn sách để viết bài thơ “Xin đừng quên” tưởng niệm những người hy sinh trong cuộc chiến vừa qua; và hơn thế, xin đừng quên tất cả những gì mà “Chân trần chí thép” đã hơn một lần nói đến trong cuốn sách hay này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tư, 2011
PGS. TS. Hà Minh Hồng
Trưởng Khoa Lịch sử
Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TpHCM
Lời người dịch
THẤU HIỂU KẺ THÙ
Gõ cửa nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè vào một buổi chiều đầu năm, tôi không khỏi e ngại vì câu chuyện mà tôi mang đến gợi nhớ một quá khứ đáng tự hào nhưng đầy đau thương của bà.
“Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Bà Mè đã có hơn hai lần khóc thầm lặng lẽ, có những lúc nước mắt cạn khô trước nỗi mất mát vô bờ khi ba người con trai ngã xuống trên chiến trường gần như cùng lúc. Nhưng nỗi đau vô cùng ấy đã không làm người phụ nữ mảnh mai này gục ngã. Bà vẫn tiếp tục chiến đấu cho tới tận ngày non sông thống nhất.
Chính ở những người phụ nữ như bà Mè, cựu chiến binh Mỹ James Zumwalt đã nhìn thấy một CHÍ THÉP. CHÍ THÉP ấy ẩn mình sau những đôi CHÂN TRẦN. Đó chính là sức mạnh đã giúp người Việt Nam vượt qua cuộc chiến kinh khiếp trước một kẻ thù vượt trội về công nghệ vũ khí.
Chiến tranh đi qua, kẻ thắng, người bại đều trở về nhà. Nhưng cuộc chiến không kết thúc vào lúc tiếng súng ngưng. Nó vẫn còn tiếp diễn với nhiều người, đặc biệt là những người lính trở về từ chiến trường. Nỗi đau mất đi người thân, đồng đội hoặc một phần thân thể, nỗi ám ảnh về những nghịch cảnh bạo tàn của quá khứ như bóng ma cứ đeo đuổi mãi, khiến cho vết thương tâm hồn ngày càng trầm trọng thêm, khi mà vết thương thịt da đã được chữa lành.
Nhiều người Mỹ trở về từ cuộc chiến đã mãi kẹt lại ở quá khứ, với những day dứt, hận thù, ám ảnh mà người ta từng gọi là “Hội chứng Việt Nam”.
Ông James Zumwalt, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nhiều đời binh nghiệp, có nhiều hơn một lý do để tự giam hãm mình trong cuộc chiến của quá khứ, để cho những thù hận trầm tích theo tháng năm. Trong một thời gian dài, chừng hai mươi năm sau ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông vẫn nhìn về phía Việt Nam, kẻ thù cũ của nước Mỹ và của chính bản thân ông, với một niềm hận thù dai dẳng. Cái chết của người anh trai vì căn bệnh ung thư, hậu quả của phơi nhiễm Chất độc Cam, càng khiến ông Zumwalt nung nấu lòng thù hận, với niềm tin xác quyết rằng chính người Việt Nam đã gây ra cho ông bi kịch gia đình ấy.
Thế rồi, từ một chuyến đi khai mở vào năm 1994, cơ hội hàn gắn đã đến, trước hết là cho bản thân ông. Khi tiếp xúc với những con người từng ở bên kia chiến tuyến, mà tới tận lúc bấy giờ ông Zumwalt vẫn chưa nguôi ác cảm, người cựu chiến binh Mỹ dần nhận ra nhiều điều mới mẻ, mà ông gọi là những sự khai mở tâm hồn và nhận thức.
Trước chuyến đi, ông chỉ tin rằng cuộc chiến của người Mỹ là chính nghĩa, nỗi đau mà người Mỹ hứng chịu từ cuộc chiến là duy nhất có ý nghĩa, và người Việt Nam phía bên kia chiến tuyến là kẻ thù tàn bạo, phải chịu trách nhiệm trước cuộc thua của người Mỹ và bi kịch gia đình ông. Giờ đây, qua những cuộc tiếp xúc từ các tướng lĩnh cấp cao như Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Huy Phan, tới những người dân thường, từ những trai làng xung phong ra trận tới những phụ nữ một lòng son sắt như bà Bùi Thị Mè, ông Zumwalt đã vỡ ra điều bất khả tri bấy lâu. Ông chợt nhận thấy rằng, nỗi đau mà chiến tranh gây ra không từ một phía nào, đặc biệt là đối với Việt Nam, khi phạm vi chiến cuộc bao phủ lên toàn bộ đất nước này, thì không chỉ các quân nhân và gia đình của họ, mà mọi người dân đều là nạn nhân của cuộc chiến.
Một thời gian dài sau chiến tranh, những cựu quân nhân như ông Zumwalt vẫn không hiểu đâu là sức mạnh đã giúp người Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Chỉ tới sau chuyến đi khai mở ấy, ông mới ngộ ra:
“Một vài ý kiến tại Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi đã nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi.”
Người Mỹ đã không thực sự có được ý chí ấy khi họ bước vào cuộc chiến. Họ đã không được chuẩn bị như phía Việt Nam. Đối với mỗi quân nhân Mỹ, mỗi ngày trôi qua có nghĩa là thời gian quân ngũ của họ được rút ngắn bớt một ngày. Đối với người Việt Nam, cuộc chiến trước mặt có thể diễn tiến dài lâu, và họ sẵn sàng chiến đấu tới chừng nào đạt được mục đích thống nhất. Họ không bị ám ảnh bởi thời kỳ quân ngũ.
Trong khi người Mỹ chỉ nghĩ tới chuyện về nhà, nghĩ tới “phía sau”; người Việt Nam, ngược lại, dồn hết tinh thần vào những gì ở phía trước. Chính sự khác biệt này đã giải thích cho kết cục của cuộc chiến.
Khi thấu hiểu được nguồn cơn, thấu hiểu được kẻ thù cũ, ông Zumwalt mới tìm thấy cơ hội hàn gắn vết thương chiến tranh, trước hết là của chính ông, và sau đó là nhận thức về một mối quan hệ Việt – Mỹ cần được thúc đẩy.
Người Mỹ đã được đọc và nghe rất nhiều về Chiến tranh Việt Nam. Nhưng với CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP, lần đầu tiên họ được nghe tiếng nói của những người từng ở phía bên kia chiến tuyến, trong một tập hợp có hệ thống mà ông Zumwalt đã mất hơn 10 năm tìm hiểu, từ chuyến di khai mở năm 1994, để cho ra đời cuốn sách này. Cuốn sách trước hết là một thông điệp cho chính người Mỹ, những người đang kẹt lại ở quá khứ, với những ám ảnh giày vò. Nó là phương thuốc để người Mỹ chữa lành vết thương mà chiến tranh để lại.
Thấu hiểu kẻ thù là một tiến trình đầy thách thức, và chỉ có thể đắc thụ khi người ta có một thiện chí. Ông Zumwalt, từ trong ám ảnh, đã có một thiện chí đủ lớn để tìm tới những cuộc đối thoại với kẻ thù cũ, để từ đó tường minh những chân lý mà ông chưa hề ngộ ra trước đây, để từ đó, kẻ thù cũ đã trở thành bạn bè.
CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP là một cuốn sách công phu và chân thành, nhưng nó cũng rất khó được đón nhận ở phía bên này hoặc bên kia, nếu người đọc không có một thiện chí tương đồng với người viết.
Chiến tranh đã lùi xa, kẻ thù ở bên kia chiến tuyến đã là một khái niệm của quá khứ. Kẻ thù giờ đây chính là rào cản nội tại, có thể do chính mỗi con người chúng ta tự dựng lên, để ngăn cản chúng ta tiến tới một sự thấu hiểu.
Nếu người Mỹ hiểu thấu đáo về người Việt Nam ngay từ đầu, có lẽ nhân loại đã tránh phải chứng kiến một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử. Chính vì thế mà giờ đây, khi cuộc chiến đã lùi xa, tiến trình thấu hiểu cần được thúc đẩy hơn, để từ đó có thể tránh được nguy cơ gặp lại quá khứ ở tương lai. Nhắc lại quá khứ không phải để đay nghiến lịch sử. Nhắc lại quá khứ - như tinh thần của CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP – là để hướng tới tương lai, một tương lai sự thấu hiểu và tin cậy lẫn nhau.
Khi đến gặp bà Bùi Thị Mè, trong quá trình dịch cuốc sách này, tôi đã gợi nhắc lại câu chuyện buồn quá khứ với một sự e ngại rằng điều đó một lần nữa khiến bà tổn thương. Nhưng tôi sớm nhận thấy mình hồ đồ. Người phụ nữ đã quá 90 tuổi này rốt cuộc lại chính là người đã trấn an cho tôi khỏi những lấn cấn ấy. Bà nhắc lại quá khứ với một nụ cười đầy bao dung. Niềm đau vẫn trầm tích, nhưng bà không mắc kẹt lại ở quá khứ, như nhiều người Mỹ đã và đang. Mỗi ngày bà vẫn đôn đáo cho những cuộc tiếp xúc, những hoạt động hữu nghị và nhân đạo.
Bà nói: “Nhiều người hỏi cô sao không nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Cô trả lời: những người con trai của cô từng hứa sẽ chiến đấu để thống nhất đất nước và sau đó sẽ ra sức xây dựng Tổ quốc đẹp giàu. Các anh chỉ mới hoàn thành vế đầu của lời hứa nên giờ cô phải làm phần việc còn lại”.
Rồi bà cười. Một nụ cười thanh thản.
ĐỖ HÙNG
Trưởng ban Quốc tế Báo Thanh niên
Lời cảm ơn
Từ lâu tôi đã ấp ủ dự định viết cuốn sách này. Tuy nhiên, tôi thấy rằng đấy là một công việc vô cùng khó khăn. Để nuôi được một đứa trẻ lớn khôn đôi khi cần tới sự giúp sức của cả làng, nên tôi cho rằng để viết một cuốn sách cũng cần có một nhóm đảm trách. Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không nói về những thành viên của nhóm đã giúp tôi hoàn thành tâm nguyện.
- Nguyễn Văn Phú, người anh em Việt Nam của tôi. Cuộc chiến tranh đã cướp đi của tôi một người anh trai rốt cuộc đã mang tặng tôi một cậu em. Phú cùng người thân chạy trốn khỏi Việt Nam và được gia đình tôi đưa vào Mỹ. Cậu ấy sau đó đã trở lại cố quốc và có những sự giúp đỡ vô giá trong việc liên hệ với chính quyền, phỏng vấn và dịch thuật… Chúng tôi đã cùng nhau đi dọc Việt Nam hai lần để tìm gặp các cựu chiến binh, nghe họ kể những câu chuyện đáng kinh ngạc về cuộc chiến cũng như cách nhìn cuộc chiến từ phía bên kia chiến tuyến.
- Dennis Lowery, bạn và đồng nghiệp của tôi. Viết một cuốn sách giống như một hành trình với nhiều điểm khởi đầu và kết thúc, Dennis đã cho tôi động lực và sự cố vấn để tôi có thể hoàn tất cuốn sách này. Khi đã hoàn tất bản thảo CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP, tôi hầu như không còn nghị lực để xuất bản nó. Hiểu được ý nghĩa quan trọng của thông điệp ẩn trong cuốn sách, Dennis đã hối thúc tôi công bố và cũng là người đã hỗ trợ đắc lực cho tôi trong việc xuất bản.
- Lê Đỗ Huy, người phụ trách hình ảnh của tôi. Huy đã dành nhiều thời gian thâm nhập vào các kho ảnh để tìm ra nhiều tấm ảnh in trong CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP. Sự đóng góp của anh vào các câu chuyện trong cuốn sách này là vô giá.
- Chuck Searcy, một cựu binh từ chiến trường Việt Nam và là chỗ quen biết của tôi, hiện đang sống tại Việt Nam. Anh ấy không ngần ngại bất kỳ chướng ngại vật nào trên hành trình đi tìm sự thật.
Một nhóm chỉ có thể làm việc tốt khi các thành viên trong nhóm đều làm việc tốt. Tôi rất may mắn và biết ơn khi đã có được những thành viên như thế. Cuốn sách này khó mà được hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ của nhóm. Tôi muốn tri ân tất cả về sự cống hiến và giúp đỡ trong việc thực hiện hóa giấc mơ mà tôi hằng ấp ủ.
James G. Zumwalt
Chân Trần, Chí Thép Chân Trần, Chí Thép - James G. Zumwalt Chân Trần, Chí Thép