Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Tác giả: David Gilmour
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2469 / 49
Cập nhật: 2015-08-24 18:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
rong lúc đọc qua những gì mình đã viết, tôi nhận thấy có thể tôi đã tạo ra ấn tượng rằng chẳng có việc gì khác xảy ra trong cuộc đời mình ngoại trừ việc xem phim và dính vào cuộc đời của đứa con trai. Chuyện không phải như vậy. Lúc đó tôi cũng đã kiếm được một ít việc như viết lời phê bình sách, hiệu chỉnh một cuốn phim tài liệu, kể cả một vài ngày dạy thay (đương nhiên nghe thì rất đáng sợ, nhưng công việc này cũng không đến nỗi hủy hoại thanh danh như tôi vẫn thường lo sợ).
Tôi bán căn gác xép của mình và một vận may bất ngời đã đến: vợ chồng tôi đã mua được căn nhà kiểu kiến trúc Victoria ở cạnh Khu phố người Hoa. Maggie cuối cùng cuộc sống như vậy đã trở về nhà. Thật hạnh phúc; cũng đã được hơn một năm. Tuy nhiên, Maggie vẫn cho rằng Jesse cần phải “sống cùng một người đàn ông.” Tôi cũng thấy vậy. Đến mức, hết sức nhân từ và bao dung, vợ tôi cũng cảm thấy như thế. Tại bữa tiệc gia đình vào dịp Giáng sinh, bà cô có giọng nói nhỏ nhẹ, thánh thót như chim, vốn là hiệu trưởng trường trung học đã nghỉ hưu, đã nói với tôi rằng: “Đừng xuẩn ngốc như vậy. Những đứa trẻ mới lớn cần sự quan tâm của bố mẹ nhiều như lúc chúng mới chào đời. Ngoại trừ việc, bây giờ chúng cần sự quan tâm đó từ người cha.”
Jesse theo tôi và Tina đi qua cả thành phố với ba “túi rác” to bự đầy quần áo và hàng tá đĩa CD không vỏ. Nó chuyển vào căn phòng ngủ màu xanh trên tầng ba, từ đó có thể nhìn ra tới tận hồ. Đó là phòng ngủ tốt nhất trong nhà, yên tĩnh nhất, và được thông hơi tốt nhất. Tôi mua cho nó bức ảnh những cô gái khỏa thân của John Waterhouse đang bơi trong hồ nước và treo lên tường phòng nó cạnh những bức ảnh của Eminem (một anh chàng thô kệch), Al Pacino với điếu xì gà (phim Scarface) và ảnh của một tên du côn nào đó đầu đội túi ni lông và chĩa khẩu súng lục 9 li vào mặt bạn, dòng chú thích nói: HÃY CHÀO NHỮNG KẺ XẤU ĐI.
Trên thực tế, khi viết cuốn sách này, tôi chỉ cách căn phòng ngủ buồn chán của Jesse vài thước, bây giờ đã trống trơn, một trong những chiếc áo bị Jesse bỏ lại vẫn còn được treo sau cửa. Dạo này căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp hơn, đĩa DVD bộ phim Chungking Express (Rừng Trùng Khánh) (1994) được sắp xếp có thứ tự trên chiếc bàn đầu giường nó, ngay cạnh cuốn Middlemarch (vẫn chưa đọc), cuốn Glitz của Elmore Leonard (ít nhất nó vẫn chưa bán mất cuốn này), cuốn The Cossacks của Tolstoy (mua theo ý của tôi) và The Nasty Bits của Anthony Bourdain, nó bỏ lại trong lần cuối nó cùng bạn gái ngủ lại đây. Dù sao tôi cũng xem sự tồn tại của những vật này là niềm an ủi cho bản thân mình, như thể nó vẫn còn sống ở đây; rằng thực sự một ngày nào đó nó sẽ quay về đây.
Tĩnh lặng và tôi không muốn mình khóc lóc ủy mị ở đây; một vài tối, tôi đi qua phòng ngủ của nó và lén nhìn trộm vào bên trong. Ánh trăng chiếu vào giường ngủ của nó, căn phòng vô cùng tĩnh mịch và tôi không hoàn toàn tin rằng nó đã đi khỏi đây. Vẫn còn nhiều việc khác mà chúng tôi định làm với căn phòng này, những bức tranh khác, thay chiếc móc treo quần áo khác. Nhưng chúng tôi đã không có thời gian.
* * *
Mùa thu trên Khu phố người Hoa; những chiếc lá ngả màu đỏ rực trên cánh rừng rộng lớn ở phía bắc của thành phố. Những chiếc găng tay xuất hiện trên đôi tay của người phụ nữ phóng xe đạp qua ngôi nhà của chúng tôi. Jesse đã có một công việc bán thời gian, làm việc trên điện thoại cho những người chào hàng qua điện thoại khó chịu, những người này đang gây quỹ cho một “tạp chí của lính cứu hỏa.”
Một hôm, lúc chạng vạng tối, tôi ghé qua “văn phòng”, một cái ổ chuột nhỏ bé và tồi tàn được ngăn ra thành sáu hay bảy ngăn, bên trong cùng là một thằng nhóc du côn da trắng, một gã người Pakistan, một mụ mập ú với bình Coca trước mặt, tất cả đều đang nói điện thoại. Tôi nghĩ: Chúa ơi, đây chính là cái công ty mà tôi đã để nó vào. Đây mà là tương lai sao.
Và nó kia, ngồi ngay phía đằng sau, điện thoại gí sát tai, giọng khàn khàn của nó đang vội vã nói với những người già, những người ốm yếu. Người ta có thể nói rằng nó làm việc này rất tốt. Nó nói chuyện điện thoại với mọi người, giữ chân họ, quyến rũ họ và làm họ cười, lừa phỉnh họ cho đến khi họ chịu nhả tiền ra.
Những người quản lý của nó cũng ở đó: một người lùn tịt có khuôn mặt sáng bóng, diện một chiếc áo gió màu vàng và người cộng sự lẻo mép của ông ta, một gã lừa bịp có vẻ ngoài ưa nhìn tên là Dale. Tôi tự giới thiệu bản than. Họ nói: Jesse là nhân viên giữ vị trí quan trọng của họ. Quan trọng nhất trong “tầng” này. Đằng sau chúng tôi, tôi nghe thấy một đoạn nói chuyện, tiếng Anh chỉ vừa đủ để hiểu, một giọng Đông Âu đặc sệt như trong một vở hài kịch tình huống; một giọng Bengali (Ấn Độ) phát ra từ một buồng điện thoại khác; rồi đến giọng mũi của một phụ nữ.
Jesse đi lại phía tôi, bước chân hoạt bát này chỉ xuất hiện mỗi khi nó đang vui, hết ngó sang bên trái lại ngoái sang bên phải. Nó nói: “Bố con mình ra ngoài nói chuyện đi,” điều này có nghĩa là nó không muốn tôi đứng nói chuyện quá lâu với các sếp của nó, thẩm vấn về “tạp chí của lính cứu hỏa.” Phía trong kia, liệu kia có phải một bản in mà tôi có thể xem qua? (Chắc không phải.)
Tối hôm đó, tôi đưa nó đi ăn tối tại nhà hàng Le Paradis. (Nếu tôi nghiện một cái gì đó thì đó không phải là rượu, ma túy hay các tạp chí khiêu dâm; đó là ăn tối tại các nhà hàng cho dù tôi đang khánh kiệt.)
“Con đã bao giờ thực sự nhìn thấy tạp chí của lính cứu hỏa này chưa?”, tôi hỏi. Nó nhai miếng thịt bò cắt lát một lúc, miệng há hoác ra. Có thể buổi chiều hôm đó tôi phải trải qua một giấc ngủ trưa khốn khổ, nhưng việc nó vừa ăn vừa há hoác miệng ra sau khi tôi đã nói với nó tới 4.000 lần là không được làm như thế, khiến tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng đến phát cáu.
“Jesse,” tôi nói, “xin con đấy.”
“Gì ạ?”, nó nói.
Tôi đã có một cử chỉ khá thô lỗ trên đôi môi của mình.
Thông thường, nó sẽ phải bật cười (ngay cả khi nó không được vui vì bị tôi nói), nói xin lỗi và tiếp tục câu chuyện, nhưng tối nay nó lại nói ngắc ngứ. Tôi thấy khuôn mặt mình trắng nhợt. Nó cúi xuống đĩa thức ăn như thể đã đưa ra quyết định, một quyết định khó khăn, để vượt qua cảm giác của cơ thể. Sau đó, nó nói ngắn gọn: “Được rồi.” Nhưng người ta có thể cảm nhận được hơi nóng vẫn còn trong không khí. Như thể tôi đã mở một cánh cửa lò sưởi ra và sau đó lại đóng lại.
“Nếu con không muốn bố nhắc nhở thói quen ăn uống...” tôi bắt đầu.
“Không sao,” nó nói và vẩy tay gạt di. Không thèm nhìn tôi. Tôi nghĩ: Ôi, Chúa ơi, minh đã chế giễu nó. Tôi đã xúc phạm nó khi biểu hiện bằng khuôn mặt ngu ngốc đó. Hai bố con tôi ngồi đó, nó nhai thức ăn, nhìn chăm chăm xuống đĩa của mình, tôi ngồi nhìn nó với lòng quyết tâm bị vỡ vụn. “Jesse,” tôi nhẹ nhàng nói.
“Dạ?” Nó nhìn lên, nhưng không phải là cách người ta dành để nhìn cha mình, mà giống cách Al Pacino nhìn một tên khốn trong phim Carlito’s Way (Theo cách của Carlito) (1993). Ở đâu đó, chúng tôi đã bước qua giới hạn. Nó chán ốm với việc phải sợ sệt tôi và muốn cho tôi biết điều đó. Trên thực tế, thế cân bằng đã bị thay đổi, tuy có quá đột ngột. Tôi trở thành người bị sự bất mãn của nó đe dọa.
Tôi nói: “Con có muốn ra ngoài hút một điếu thuốc để bình tĩnh lại không?”
“Con không sao.”
Tôi nói: “Bố đã có cử chỉ thô lỗ. Bố xin lỗi.”
“Không sao.”
“Bố muốn con tha lỗi cho bố vì hành động đó - được không?”
Nó không trả lời. Nó còn đang bận suy nghĩ về điều gì đó.
“Được không?” Tôi nhẹ nhàng lặp lại.
“Được, tất nhiên ạ. Xong nhé bố!”
“Cái gì?”, tôi hỏi, nhẹ nhàng hơn. Nó đang đung đưa chiếc khăn ăn trong tay. Liệu nó có nhớ cảnh James Dean cuộn sợi dây thừng? Nói không với bất cứ điều gì?
“Đôi khi con nghĩ rằng bố tạo một ảnh hưởng quá lớn lên con,” nó nói.
“Ý con là gì?”
“Con không nghĩ là những đứa trẻ khác cũng bị như vậy - nó tìm kiếm từ để nói - bị cứng đờ khi tranh luận với tôi. Một số ông bố nói với con mình để đuổi chúng ra khỏi nhà.”
“Bố không bao giờ muốn bố con mình sẽ trở thành như vậy,” tôi nói, gần như nín thở.
“Không, con cũng không muốn như thế. Nhưng chẳng phải con nên ít để bố ảnh hưởng tới mình hay sao?
“Con á?”
“Đó là lý do vì sao con không gây ra rắc rối. Con sợ bố nổi giận với mình.”
Đây không phải là cuộc nói chuyện mà tôi định sẵn khi rủ nó ra ngoài ăn một bữa tối mà tôi không đủ khả năng chi trả.
“Con sợ cái gì? Bố chưa bao giờ đánh con. Bố chưa bao giờ...” Tôi dừng lại.
“Con cứ như một đứa trẻ lên ba ấy.” Đôi mắt nó mờ đi vì thất vọng. “Đáng ra con không nên hoảng sợ khi ở bên cạnh bố”.
Tôi đặt nĩa của mình xuống. Tôi cảm thấy các màu sắc đều chạy trốn khỏi khuôn mặt mình. “Bố đặt nhiều quyền hạn lên con hơn là bố nghĩ đấy.”
“Bố á?”
“Vâng.”
“Như lúc nào?”
“Như ngay lúc này.”
“Bố có nghĩ mình đặt quá nhiều quyền hạn lên con không ạ?”, nó nói.
Tôi gặp khó khăn khi cố nén hơi thở. Tôi nói: “Bố cho rằng con muốn bố nghĩ tốt về con.”
“Bố không nghĩ rằng con chỉ là một đứa trẻ sợ sệt bố à?”
“Jesse, con đã cao đến lm9. Con đã có thể đánh bố - thứ lỗi cho bố nhé - sợ vãi tè ra nếu con muốn ấy chứ.”
“Bố có nghĩ là con có thể làm thế nào ạ?”
“Bố biết là con có thể.”
Có điều gì đó trong cơ thể nó đang thấy rất thoải mái. Nó nói: “Con muốn hút điếu thuốc đó bây giờ,” và đi ra ngoài. Tôi có thể thấy nó đi đi lại lại ở phía bên ngoài cánh cửa ra vào kiểu Pháp; một lúc sau, nó quay lại và nói điều gì đó với người phục vụ ở quầy rượu khiến người này cười, và rồi tiến gần vào phòng, một cô bé sinh viên tóc sẫm màu thận trọng nhìn nó. Tôi có thể thấy nó đang hạnh phúc, nhìn ngó bên trái rồi bên phải, bước đi như muốn nhảy lên, cuối cùng nó quay trở lại bàn, nhấc khăn ăn lên và lau miệng. Tôi nghĩ lúc này tôi đã cho nó cái nó cần, nhưng sớm muộn gì nó cũng đòi hỏi nhiều hơn.
Tôi nói: “Bố con mình có thể nói về tạp chí của lính cứu hỏa không?”
“Chắc chắn rồi,” nó nói: tự rót cho mình một ly rượu vang. (Thông thường tôi là người rót.) “Con thích nhà hàng này,” nó nói. “Nếu con giàu có, con nghĩ ngày nào con cũng ăn tối ở đây.”
* * *
Hoàn cảnh giữa chúng tôi chắc chắn đã thay đổi. Tôi biết, không xa phía dưới con đường kia, chúng tôi chuẩn bị có một cuộc đấu súng và tôi sẽ thua, cũng giống như tất cả những ông bố khác trong lịch sử. Đó chính là lý do tôi chọn bộ phim tiếp cheo để hai bố con xem.
Bạn có nhớ những lời thoại này không: “Tao biết mày đang nghĩ gì… Mày nghĩ nó bắn sáu phát hay chỉ có năm? Nói thật nhé, khi tao bị kích động, thì đây là Khẩu Magnum 44, loại mạnh nhất thế giới, có thể bắn nát đầu mày, mày sẽ phải tự hỏi: ‘Mình có may mắn không?’. Phải không, đồ chó?”
Khi Clint Eastwood về chầu trời, đoạn lời thoại đó sẽ được trình chiếu vào mỗi bản tin sáu giờ sáng trên toàn thế giới, với Dirty Harry chĩa thẳng nòng súng của mình vào tên cướp nhà băng sắp về vườn và xử lý hắn. Bộ phim - nếu không phải chỉ riêng đoạn lời thoại đó - đã đưa Clint Eastwood lên ngang hàng với những diễn viên Mỹ đang đứng đầu bảng, cùng với John Wayne và Marlon Brando. Một năm sau, vào năm 1973, một người viết kịch bản phim gọi điện đến cho Clint Eastwood, nói rằng ông ta vừa mới biết được về chuyện những biệt đội tử thần, gồm những cảnh sát ngoài vòng pháp luật xử tử những tên tội phạm mà không thèm đưa chúng ra tòa. Nếu Dirty Harry phát hiện ra sự hiện diện của những biệt đội tử thần trong lực lượng cảnh sát Los Angeles thì sao nhỉ? Người ra gọi đó là phim Magnum Force.
Bộ phim đã được đưa vào sản xuất; khi nó được trình chiếu vào mùa nghỉ lễ năm sau, doanh thu số vé còn vượt cả Dirty Harry (Harry Xấu xa); trên thực tế, bộ phim mang đến cho Warner Bros, doanh thu lớn hơn bất cứ phim nào khác trong lịch sử của hãng chỉ trong tuần đầu tiên.
Magnum Force cho tới giờ là phần tiếp diễn hay nhất của Dirty Harry, gắn kết tình yêu giữa khán giả điện ảnh và khẩu súng có khả năng “thổi bay khối động cơ của một chiếc xe từ cách đó hàng trăm thước.”
“Nhưng,” tôi nói với Jesse, “đó không phải lý do bố cho con xem bộ phim này.”
“Không phải ạ?”, nó nói.
Tôi tạm dừng bộ phim ở giữa cảnh ngay gần phần đầu phim, khi viên thanh tra “Xấu xa” Harry Callahan bước xuống vỉa hè của một con đường đầy nắng ở San Francisco và tiếp cận chiếc xe của nạn nhân vụ giết người, một cái xác bên trong xe, bị thương nặng ở đầu. Đằng sau Eastwood, trên vỉa hè, là một người đàn ông tóc dài rậm, đầy râu.
Tôi nói: “Con có nhận ra ai không?”
“Không ạ.”
“Đó là anh trai bố,” tôi nói.
Đó thực sự là người anh trai xa lạ của tôi, anh ấy vô tình đi ngang qua San Francisco khi bộ phim đang được bấm máy ở đó. Anh đang vội vã đi xuống phía tây, trong vòng bốn ngày, để gia nhập một giáo phái tôn giáo, đến giờ tôi đã quên mất đó là giáo phái nào. Nhưng khi gõ cánh cửa của giáo phái này, anh bị từ chối cho gia nhập. Vì vậy, anh ấy mua vé tham dự buổi ghi hình trực tiếp của chương trình The Merv Griffin Show và xem chương trình này thay thế. Sau đó, ngay khi vừa đến nơi, anh đã được dẫn quay trở lại Toronto. Nhưng một lúc nào đó trong ngày đầu tiên đến nơi, anh ấy lang thang lọt vào thước phim này.
“Bác của con đấy,” tôi nói.
Chúng tôi đều soi xét kỹ lưỡng cảnh tượng đó; đằng sau mái tóc rậm rạp và râu ria là một người đàn ông trẻ tuổi rất điển trai, 25 tuổi, trông hơi giống Kris Krisofferson.
“Con đã bao giở gặp bác ấy chưa ạ?”, Jesse hỏi.
“Có một lần rồi, khi con còn bé, bác ấy xuất hiện trước cửa nhà, muốn nhở vả gì đó. Bố nhớ bố đã bảo con đi vào trong nhà.”
“Tại sao thế?”
Một lần nữa tôi lại nhìn lên màn hình. Tôi nói: “Vì anh trai bố là một thiên tài về việc gây rắc rối cho mọi người. Bố không muốn bác ấy đầu độc tâm trí con khi con mới 14 tuổi và luôn sẵn sàng lắng nghe những điều xấu xa về bố. Nên bố giữ bác ấy cách xa khỏi con.”
Rồi chúng tôi bật lại bộ phim; cảnh quay bị dừng lại mờ đi, bộ phim tiếp tục trình chiếu, và anh trai tôi biến mất khỏi màn hình.
“Nhưng đó không phải là lý do duy nhất,” tôi nói. “Lý do thực sự là khi bố còn bé bác ấy đã dọa bố chết khiếp. Và người ta thường ghét những người dọa mình. Con có hiểu bố đang nói gì không?”
“Có ạ.”
“Bố không muốn chuyện đó xảy ra với chúng ta,” tôi nói. “Bố xin đấy.”
Chỉ câu “Bố xin đấy!” thôi đã mang lại cho nó một điều gì đó mà cả trăm lời xin lỗi hay giải thích không thể làm được.
* * *
Chẳng hề có tạp chí của lính cứu hỏa nào cả; đó là một mưu đồ bất lương. Vài tuần sau đó, khi Jesse đến để “làm việc”, nơi đó bị khóa kín, Dale và gã lùn tịt đã biến mất. Bọn chúng “chơi” mất vài trăm đô-la của nó, nhưng thằng bé dường như không quan tâm. Công việc này phục vụ mục đích của nó, những bước đi đầu tiên nhằm phá vỡ sự phụ thuộc của nó với bố mẹ mình. (Tôi nghĩ, bằng trực giác, nó hiểu rằng sự phụ thuộc về tài chính gắn chặt với sự phụ thuộc về tình cảm.)
Quanh đó còn có những công việc khác, tuy hơi tệ hơn, và không lâu sau nó tìm được một việc. Lại một hội bán hàng qua điện thoại nữa, lần này nó bán thẻ tín dụng cho các gia đình nghèo ở vùng Deep South, Georgia, Tennessee, Alabama, Mississippi. Tôi không được mời đi gặp ông chủ nữa. Đôi lúc nó về nhà vào buổi tối, giọng khàn đặc vì nói chuyện và hút thuốc, tôi thường tra hỏi nó. Tôi nói: “Giải thích cho bố biết tại sao MasterCard lại tin tưởng một hội thanh niên đầu đội mũ bóng chày để bán thẻ tín dụng. Bố không hiểu.”
“Con cũng không hiểu bố ạ,” nó nói, “nhưng mà lại bán được đấy.”
Trong khi đó, không hề thấy một dấu hiệu nào của Rebecca - không thấy trong câu lạc bộ hay trên đường phố, không có các cuộc điện thoại, chẳng có gì cả. Cứ như thể con bé đã triển khai một loại rađa, thông báo cho nó biết khi Jesse đến gần và con bé chỉ cần đơn giản biến mất. Khi Rebecca nói: “Anh sẽ không bao giờ gặp lại em nữa,” có vẻ như nó đã nói thật.
Một đêm, tôi bỗng dưng tỉnh giấc. Vợ tôi đang nằm ngủ bên cạnh, nét mặt căng thẳng. Đã tỉnh hẳn và hơi có chút lo lắng, tôi nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Có một quầng sáng mờ quanh mặt trăng. Tôi mặc áo choàng và đi xuống dưới nhà. Một vỏ đĩa DVD được đặt trên ghế trường kỷ. Jesse hẳn là đã về muộn và xem bộ phim này sau khi chúng tôi đã đi ngủ. Tôi tiến lại gần chiếc đầu đĩa để xem nó đã xem phim gì nhưng khi lại gần hơn, tôi có linh tính, như thể tôi đang vượt qua ranh giới của khu vực nguy hiểm vậy, rằng tôi sẽ có thể phát hiện ra những điều không lấy gì làm thích thú. Một bộ phim khiêu dâm khủng khiếp chẳng hạn, một thứ gì đó chặt đứt sự tự tin của tôi trong việc tạo ảnh hưởng khi nuôi dạy con cái.
Nhưng tính ngoan cố, sự khó chịu, một cảm giác thiếu kiên nhẫn trong quan sát, tôi cũng không biết là gì nữa, đã vượt lên trên sự cảnh giác của tôi, và tôi mở khay đĩa ra. Và cái gì đã tuột ra? Không phải những gì tôi đã trông đợi. Đó là một bộ phim Hồng Kông, Chunking Express (Rừng Trùng Khánh), mà tôi đã cho Jesse xem mấy tháng trước. Đó là hình ảnh cô gái châu Á mảnh khảnh đang nhảy một mình quanh căn hộ của một người lạ mặt. Bài hát lúc đó là gì nhỉ? À, đúng rồi, “California Dreamin,” tuyệt tác của ban nhạc The Mamas and the Papas, nghe rất trẻ trung và tỏa sáng hơn so với những gì bản nhạc này đạt được hồi thập niên 1960.
Tôi cảm thấy một sự cảnh giác khác thường, kéo mạnh tay áo tôi, như thể tôi đang nhìn chằm chằm vào một cái gì đó nhưng lại không thể biết đó là cái gì. Cũng giống như những con tem vô giá trong Charade (Trò chơi đố chữ) (1963) của Stanley Donen. Đó là cái gì?
Ở đâu đó trong nhà, tôi có thể nghe thấy âm thanh rất nhỏ, tiếng lách cách. Tôi đi lên cầu thang; âm thanh đó càng rõ rệt hơn; và sau đó tôi lên tầng ba. Khi tôi đang định gõ cửa phòng Jesse - người ta không thể bước vào phòng ngủ của một chàng trai trẻ, giữa lúc nửa đêm, mà không thông báo trước - thì tôi thấy nó qua khe cửa.
“Jesse à?”, tôi thì thầm.
Không có tiếng trả lời. Căn phòng chứa đầy một thứ ánh sáng xanh, Jesse đang ngồi trước máy tính, quay lưng lại với tôi. Nó đang viết cho một người nào đó. Một khoảnh khắc riêng tư, lách-cách, cách, lách-cách, nhưng là một khoảnh khắc cô đơn, bốn giờ sáng, viết thư cho một đứa khác cách nó hàng ngàn dặm; nói về chuyện gì? Nhạc rap, tình dục, tự tử? Và một lần nữa, tôi thấy nó đứng dưới đáy một cái giếng lung linh, thành giếng được xây bằng gạch và vôi vữa, không có cách nào để trèo lên (quá trơn), không có cách nào để phá ra một lối thoát (quá cứng), chỉ có một sự chờ đợi vĩnh hằng cho một cái gì đó xuất hiện từ phía trên: một đám mây, một khuôn mặt, một sợi dây đung đưa thả xuống.
Và tôi bỗng nhiên hiểu ra nguyên nhân vì sao bộ phim Chungking Express lại thu hút sự chú ý của tôi. Bởi vì cô gái xinh đẹp trong phim gợi cho nó nhớ đến Rebecca; và việc xem bộ phim này có phần nào giống cảm giác được ở gần con bé.
Tôi quay xuống tầng dưới và đi ngủ. Những cơn ác mộng. Một cậu thiếu niên ở dưới chiếc giếng ẩm ướt, chờ đợi.
Chiều ngày hôm sau, tôi phải gọi đến lần thứ ba nó mới chịu thức dậy. Tôi đi lên tầng trên và vỗ nhẹ vào vai nó. Nó đã ngủ rất sâu. Phải mất đến 20 phút nó mới xuống được dưới nhà. Dưới ánh nắng cuối chiều, những chiếc lá đang vội vã rời khỏi cành cây. Gần như một bức tranh vẽ cảnh biển, với màu xanh lục và vàng óng rực rỡ, chúng tôi như thể đang đứng trên mặt nước. Một đôi giày chạy (kết quả của một trò đùa tinh quái) treo lơ lửng trên dây điện ở phía trên đầu. Ở phía dưới đường, một cậu bé trong chiếc áo phông màu đỏ, xoay vòng, sà xuống theo đống lá chất chồng. Jesse nhìn có vẻ bơ phờ.
Tôi định nói với nó: “Con nên bắt đầu đi tập thể hình đi,” nhưng lại thôi.
Nó lấy một điếu thuốc.
“Xin con đấy, đừng hút thuốc trước bữa sáng.”
Nó ngồi thẳng về phía trước, nhẹ hất đầu trở đi trở lại. “Bố có nghĩ con nên gọi cho Rebecca không?”, nó nói.
“Con bé vẫn ở trong tâm trí con à?” (Câu hỏi ngốc nghếch.)
“Từng giây từng phút mỗi ngày, bố ạ. Con nghĩ là con đã phạm phải một sai lầm lớn.”
Sau một hồi, tôi nói: “Bố nghĩ Rebecca là một rắc rối lớn và con đã kịp thoát ra trước khi gặp tai họa.”
Tôi có thể thấy nó muốn một điếu thuốc, rằng nó sẽ không thể tập trung được cho tới lúc nó hút thuốc. Tôi nói:
“Nếu con muốn thì cứ hút một điếu đi. Con biết nó làm bố khó chịu mà.”
Đã bình tĩnh hơn sau khi khói thuốc tràn vào phổi nó (dường như nước da nó càng xanh xao hơn), nó nói: “Chuyện này liệu có tiếp diễn mãi mãi không bố?”
“Chuyện nào?”
“Chuyện con nhớ Rebecca.”
Tôi nghĩ về Paula Moors, nỗi đau thất tình của riêng tôi; tôi đã sụt mất chín cân chỉ trong hai tuần vì cô ta. “Nó sẽ kéo dài cho tới lúc con tìm thấy một ai đó, một người con thích nhiều như thích Rebecca,” tôi nói.
“Chứ không phải chỉ như một cô bạn gái khác ư?”
“Không.”
“Nếu như cô ấy chỉ là một người tốt thì sao? Mẹ con đã nói thế đấy.”
Lời nhận xét đó thể hiện một khía cạnh nào đó của con người Maggie, vừa đáng mến lại vừa đáng giận. Đó là một người phụ nữ đã học trung học tại khu nông trang nhỏ Saskatchewan, là người khi đến tuổi 25 đã quyết định rằng mình muốn trở thành một diễn viên, bỏ việc, và tạm biệt gia đình trong nước mắt, tạm biệt ga tàu và đến Torronto - cách đó hai ngàn dặm - để thực hiện ước muốn của mình.
Khi tôi gặp Maggie, cô ấy có mái tóc màu xanh lá cây và đang tham gia một vở ca kịch cục mịch. Nhưng không hiểu vì lý do gì, khi nói chuyện với con trai về cuộc đời nó, đặc biệt là về “tương lai” của nó, cô ấy trở thành một người luôn đưa ra những lời khuyên hết mực chất phác. (“Có lẽ năm nay con nên đến trại hè toán học.”) Nỗi lo lắng, sự quan tâm đến sức khỏe của nó đã làm mê muội trí tuệ thường rất trực giác và đáng nể của cô ấy.
Những điều cô ấy đã làm tốt nhất cho Jesse, ví dụ, truyền cho nó sự ân cần rất dân chủ, một sự tin tưởng vào mọi người mà bố nó, đôi khi quá nóng vội với những lời buộc tội, đã không làm như vậy.
Nói cách khác, cô ấy đã làm dịu đi tâm hồn của nó.
“Mẹ con có ý tốt,” tôi nói, “nhưng ở đấy mẹ nói sai rồi.”
“Bố nghĩ con bị nghiện Rebecca à?”, nó hỏi.
“Không phải theo nghĩa đen.”
“Thế nếu con không bao giờ tìm được người con thích thì sao?”
Tôi lại nghĩ về Paula Moors cô gái có mái tóc nâu với hàm răng không được thẳng lắm, nhưng đó là người phụ nữ có sức quyến rũ đến ma quái. Chúa ơi, tôi đã nhớ cô ta làm sao. Tôi đã mong mỏi được gặp cô ta, chịu đựng những tưởng tượng quái gở khiến tôi phải chạy đi thay áo lúc nửa đêm.
Tôi nói: “Con có nhớ Paula không? Lúc cô ấy ra đi, con mới 10 tuổi.”
“Cô ấy từng đọc sách cho con nghe.”
Bố cho rằng mình sẽ bị cô ấy ám ảnh suốt cuộc đời này, cho dù sau này bố có sống cùng ai đi nữa. Rằng sẽ luôn luôn nghĩ Vâng, nhưng cô ấy không phải là Paula.”
“Và?"
Tôi thận trọng lựa chọn lời nói: không muốn mọi thứ trở nên bế tắc. “Đó không phải là người phụ nữ đầu tiên, thứ hai hay thứ ba của bố. Nhưng khi chuyện xảy ra, khi mối quan hệ đó là đúng và mọi thứ phát triển lên, bố chưa bao giờ nghĩ khác về Paula.”
“Lúc đó, bố sống bừa bãi trong suốt một thời gian.”
“Con vẫn còn nhớ à?”, tôi hỏi.
“Vâng.”
“Con nhớ điều gì?”
“Con nhớ rằng sau bữa tối, bố nằm ngủ ngay trên ghế đi-văng.”
Tôi nói: “Bố đã uống thuốc ngủ. Thật quá sai lầm.” Thoáng ngập ngừng. “Một vài lần, con phải tự mình đi ngủ, đúng không?”
Tôi nhớ về mùa xuân kinh khủng đó: mặt trời quá rực rỡ, tôi đi bộ qua công viên như một bộ xương di động, Jesse liếc ánh mắt rụt rè sang phía tôi. Nó đã từng cầm tay tôi và nói: “Bố đang dần dần hồi phục, phải không bố?” Ôi Chúa ơi, đứa trẻ 10 tuổi bé bỏng này đang chăm sóc bố của nó.
“Bố giống như anh chàng trong phim Last Tango in Paris (Bản Tango cuối cùng ở Paris),” Jesse nói, “tự hỏi rằng liệu vợ mình có làm điều tương tự với anh chàng đang mặc áo choàng dưới nhà như đã làm với mình hay không.” Tôi có thể cảm thấy nó đang ngập ngừng nhìn tôi, không biết chắc có nên tiếp tục hay không. “Bố có thấy đúng không?” nó hỏi.
Tôi biết nó đang nghĩ gì trong đầu. “Bố chẳng thấy có lý do gì để nghĩ đến chuyện đó cả,” tôi nói.
Nhưng nó cần câu trả lời nhiều hơn thế. Đôi mắt của nó đang săm soi khắp khuôn mặt tôi, như thể nó đang tìm kiếm từng chấm nhỏ trên mặt. Tôi nhớ những đêm nằm dài trên giường, ép bản thân mình hình dung ra những hình ảnh khêu gợi nhất có thể tưởng tượng: Paula đang làm cái này, Paula đang làm cái kia. Tôi làm như vậy để làm mình nhụt chí, để vội vàng lao về đích, về cái thời điểm tôi không còn quan tâm xem làm gì với các ngón tay của mình hay cô ấy đút cái gì vào mồm. Vân vân và vân vân.
“Việc quên đi một người phụ nữ cần một lịch trình riêng, Jesse ạ. Nó giống như việc con nuôi móng tay ấy. Con có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn: thuốc, các cô gái khác, đi tập thể hình, không đi tập thể hình, uống rượu, không uống rượu, việc đó dường như không quan trọng. Con không thể bước sang phía đối lập ngay lập tức.”
Nó nhìn sang bên kia đường; những người hàng xóm Trung Quốc của chúng tôi đang làm vườn, gọi tên nhau ầm ĩ. “Con nên chờ đợi cho đến khi gặp một cô gái khác,” nó nói.
“Có thể cô ấy sẽ là người chặn con lại trước. Hãy nghĩ về điều đó.”
Nó nhìn chằm chằm về phía trước một lúc, khuỷu tay dài thượt đặt trên đầu gối, tưởng tượng những điều chỉ có Chúa mới biết được. “Bố nghĩ sao về việc con gọi điện cho cô ấy?”
Tôi hốc hoác miệng ra để trả lời. Tôi nhớ một sáng tháng Hai ảm đạm, tôi tỉnh dậy sớm sau khi Paula đã đi khỏi, tuyết ẩm ướt trượt xuống cửa sổ, và tôi nghĩ rằng mình sẽ phát điên vì chuỗi ngày vô tận trước mắt. Đây là thú vui xác thịt tế nhị mà người ta phải đối mặt. Hãy bước đi nhẹ nhàng.
“Con biết con bé sẽ làm gì, đúng không?” tôi hỏi.
“Làm gì ạ?”
“Trừng phạt con. Con bé sẽ làm cho con quay cuồng và ngay khi con nghĩ mình tự do, con bé hạ màn.”
“Bố nhận ra điều đó ạ?”
“Con bé không hề ngu ngốc, Jesse à. Nó sẽ biết chính xác điều con cần là gì. Và sẽ không đưa cái con cần cho con.”
“Con chỉ muốn được nghe giọng nói của cô ấy.”
“Bố nghi ngờ điều đó,” tôi nói nhưng sau đó nhận thấy vẻ không vui và sự dứt khoát dường như đột nhiên xuất hiện trên toàn bộ cơ thể nó. Rất nhẹ nhàng, tôi nói: “Bố nghĩ là con sẽ hối tiếc nếu lại bắt đầu lại với con bé. Con gần chạm tới điểm kết thúc rồi.”
“Điểm kết thúc nào ạ?”
“Quên được con bé.”
“Không, con không hề quên. Con thậm chí còn chưa hề đến gần điểm kết thúc đó.”
“Con đang ở xa hơn con nghĩ đấy.”
“Làm sao bố biết điều đó? Con không hề có ý vô lễ, bố ạ, nhưng làm sao bố biết điều đó?”
“Bởi vì bố đã trải qua chuyện này hàng trăm lần rồi, đó là lý do vì sao bố biết,” tôi nói sắc sảo.
“Con sẽ không bao giờ quên cô ấy,” nó nói. Tôi có thể cảm thấy những cái đau nhói đến phát cáu, trên da của mình - không phải vì nó tra vấn tôi, mà bởi vì nó đang khổ sở và tôi chẳng thể làm được bất cứ điều gì, không điều gì cả, để xoa dịu nỗi đau của nó. Điều đó khiến tôi tức giận với nó, như thể tôi đang muốn đánh một đứa trẻ tự làm ngã và làm đau chính mình. Nó liếc nhìn tôi - một cái nhìn đầy lo lắng như thể nói rằng: úi trời, bố đang sắp tức điên lên vì mình.
Tôi nói: “Việc này cũng giống như một anh chàng cai nghiện thuốc lá. Một tháng trôi qua, anh ta uống say bí tỉ, rồi chợt nghĩ: Việc quái gì phải thế nhỉ? Khi đang hút dở chừng điếu thuốc thứ hai, anh ta nhớ ra lý do vì sao mình phải bỏ thuốc. Nhưng lúc này anh ta đã hút lại rồi. Vì thế, anh ta tiếp tục hút thêm hàng nghìn điếu thuốc nữa trước khi quay về điểm xuất phát trước đây.”
Jesse đặt bàn tay mềm mại, ngượng ngùng của mình lên vai tôi và nói: “Con cũng không thể bỏ được thuốc lá, bố ạ.”
Cha, Con Và Những Thước Phim Cha, Con Và Những Thước Phim - David Gilmour Cha, Con Và Những Thước Phim