Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: David Gilmour
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2469 / 49
Cập nhật: 2015-08-24 18:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ột buổi sáng, sau khi trời nóng kéo dài gần như suốt cả tuần, thời tiết đột nhiên thay đổi. Mùa thu, mặc dù không phải ngày mai hay kể cả tuần sau, đang đến gần. Tôi đang đi đường tắt qua tòa nhà Manulife trên phố Bloor thì thấy Paul Bouissac ngồi một mình trong quán cà phê cạnh cầu thang cuốn. Ông ấy là một người gốc Pháp dáng người thấp, mặt cú vọ, dạy tôi một khóa về chủ nghĩa siêu thực ở trường đại học 30 năm về trước và là người luôn chê bai sự nghiệp truyền hình của tôi suốt từ lúc ấy. Ông ấy không thèm xem chương trình của tôi, nhưng người bạn của ông ấy, một nỗi ác mộng với bàn tay ướt mồ hôi, lại là một fan hâm mộ cuồng nhiệt. (Tôi khá nghi ngờ điều này, nhưng cũng không sao.)
Bouissac giơ bàn tay bụ bẫm, trắng trẻo lên và vẫy tôi qua. Tôi ngoan ngoãn ngồi xuống. Chúng tôi nói về chuyện này, chuyện kia, tôi đưa ra những câu hỏi (như thường lệ). Khi đề cập đến chủ đề Jesse (Nó làm gì để giết thời gian trong ngày?), tôi tuôn ra một tràng về nỗi chán ghét trường học “có thể là một căn bệnh”, có lẽ thậm chí là “một cái gì đó đáng khích lệ” làm thế nào tôi có thể đối phó với một đứa con không thích xem tivi hay không nghiện thuốc phiện. Đứa trẻ hạnh phúc đó sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, v.v và v.v... Tôi huyên thuyên một lúc và khi nói, tôi thấy mình thở hổn hển một cách kỳ lạ, như thể tôi vừa mới chạy lên hàng loạt các bậc cầu thang. Bouissac vẫy vẫy ra hiệu cho tôi im lặng và thật buồn cười, tôi có thể thấy chiếc xe nhỏ của mình bị kéo vào vỉa hè, lắc lư rất vô duyên.
“Cậu phòng thủ quá đấy,” ông ấy nói bằng một giọng tiếng Anh rất nặng. (40 năm ở Toronto mà vẫn nghe như Charles de Gaulle vậy.) Tôi nhấn mạnh là tôi không như thế và lại phòng thủ kỹ hơn. Giải thích những thứ không cần phải giải thích, tự bảo vệ mình khỏi những lời chỉ trích chưa được giải tỏa.
“Chỉ có một khoảng thời gian dành cho việc học thôi. Sau đó thì đã quá muộn rồi,” Bouissac nói với cái kết không một chút vị tha kiểu Pháp.
Quá muộn ư? Tôi tự hỏi, liệu có phải ý ông ấy là việc học cũng giống như việc thành thạo một ngôn ngữ, người ta phải “biết” nói trước một độ tuổi nhất định (12 hoặc 13 gì đó) nếu không, người ta sẽ không bao giờ nói được ngôn ngữ đó? Thoáng lo âu hiện ra trong đầu tôi. Liệu chúng tôi có nên gửi Jesse vào một trường quân sự không?
Mất hứng thú (và thể hiện điều đó ra mặt) về câu trả lời hoảng hốt của tôi, Bouissac lang thang tìm kiếm cho mình một đôi găng tay dùng để bắc bánh ra khỏi lò. Tối hôm đó, ông ấy chủ trì một bữa tiệc cho các nhà ký hiệu học quốc tế, một đám người ngu ngốc tự mãn. Cuộc chạm trán khiến tôi ngạc nhiên một cách kỳ lạ. Tôi cảm thấy như thể mình bị phản bội, đột ngột bán đứng chính mình. Liệu tôi có đang che giấu khuyết điểm của Jesse hoặc của chính mình hay không? Liệu có phải tôi đang khoác lác như một thằng nhóc lên mười trên sân trường hay không? Liệu điều đó có rõ ràng hay không? Có lẽ có. Nhưng tôi không muốn có ai đó nghĩ rằng tôi đã làm hư Jesse. (Tôi không thể rũ bỏ được hình ảnh Jesse lái xe, phì phèo khói cần sa.)
Có ba cô bé mới lớn ăn diện đi lướt qua, để lại mùi kẹo cao su và luồng khí lạnh. Tôi nghĩ, có thể chúng tôi đã đánh giá quá cao sự ảnh hưởng của mình lên con cái. Chính xác thì người ta làm thế nào để có thể buộc một đứa trẻ mới lớn, cao đến gần l,9m làm bài tập về nhà? Không, cả mẹ nó lẫn tôi, đều đã đánh mất cái quyền đó.
Cảm giác không ưa Bouissac, giống như một cơn gió đột ngột, bất ngờ thổi qua và tôi có cảm giác rằng đôi khi hành vi hiếu kỳ của mình giống như khi còn là sinh viên và sự tôn trọng thường thấy này đang phải trải qua những thay đổi khá khó chịu.
Ngay tại bàn của mình, tôi lấy ra một cái bút và viết một danh sách lên tờ giấy ăn liệt kê những chàng trai trẻ tôi từng học đại học cùng mà rốt cuộc toàn làm những chuyện vặt vãnh. Có B., anh ta uống say bí tỉ ở Mêhico; G., người bạn thân nhất từ thuở nhỏ của tôi, đã bắn vào mặt một người đàn ông trong khi say ma túy. M., một thiên tài toán học, thể thao, tất cả mọi mặt, giờ đây dành cả ngày thủ dâm trước màn hình máy tính trong khi vợ anh làm việc cho một công ty luật ở trung tâm thành phố. Đó là một danh sách mang tính an ủi và hơi kịch tính. Còn có cả anh trai tôi nữa, ông anh buồn bã của tôi - ngôi sao điền kinh, vua của hội nam sinh ở trường đại học - giờ đây sống trong căn phòng ở góc của một nhà an dưỡng, sau ngần ấy năm, vẫn chửi rủa sự bất công trong sự nghiệp học hành của mình.
Nhưng nếu tôi sai thì sao? Nếu như nó không lao ra khỏi tầng hầm và “coi trời bằng vung” thì sao? Nếu tôi cho phép nó hủy hoại cả cuộc đời nó dưới một giả thuyết sai lầm mà nhỡ đâu lại là sự lười biếng với một sự diễn dịch khôn lẻo? Một lần nữa, tôi lại mường tượng hình ảnh một chiếc taxi lái châm chậm xuống phố University vào một đêm mưa rả rích. Làm ca đêm, Jesse được mọi người trong cửa hàng bánh vòng, mở thâu đêm, biết đến. “ChàoJess. Vẫn món bình thường hả? Thế này là đủ đấy.”
Trong suốt năm vừa qua, Jesse đã học được điều gì từ sự “dạy dỗ” của tôi? Liệu có kiến thức nào được xem là đáng giá hay không? Để xem nào. Nó biết những thứ về Elia Kazan và Ủy ban điều tra những hoạt động chống lại Hoa Kỳ, nhưng liệu nó có biết những người cộng sản này là gì không? Nó biết rằng Vittorio Storaro thắp sáng căn hộ trong Last Tango in Paris (Bản Tango cuối cùng ở Paris) bằng cách đặt các ngọn đèn phía ngoài cửa sổ của căn hộ, thay vì đặt bên trong như bình thường trong cảnh này, nhưng liệu nó có biết Paris ở đâu không? Nó biết rằng người ta chỉ đặt chiếc dĩa úp xuống khi đã ăn xong, rằng các loại rượu vang của Pháp thường chua hơn một chút so với rượu của California. (Một thứ rất quan trọng.) Còn gì nữa nhỉ? Nó còn biết nhai khép miệng (không thường xuyên), biết vệ sinh lưỡi cũng như đánh răng vào buổi sáng (phải bắt ép). Biết rửa sạch nước cá ngừ rơi ra cạnh bồn rửa bát khi làm xong bánh sandwich (gần như thế).
Ồ, nhưng nghe này. Nó rất yêu cảnh Gary Oldman lao điên cuồng qua hành lang với khẩu súng săn trong phim The Professional (Kẻ chuyên nghiệp) (1994). Nó thích cảnh Marlon Branđo gạt hết bát đĩa trên bàn ăn xuống đất trong phim A Streetcar Named Desire (Chiếc xe mang tên dục vọng). “Chỗ tôi sạch rồi. Có cần tôi dọn bên anh không?” Nó thích phim Swimming with Sharks (Bơi cùng cá mập) (1994), không phải những khoảnh khắc đầu phim, (“Đó chỉ là một khả năng nhất định”) mà là phần cuối. (Nó nói: “Đó là đoạn khá sâu sắc!”) Nó thích Al Pacino trong phim Scarface (Mặt thẹo) (1983). Nó thích bộ phim đó giống như tôi yêu thích các băng nhóm trong The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại). Người ta biết họ thô tục và nông cạn nhưng dù sao vẫn muốn được đi với họ. Nó suốt ngày xem đi xem lại phim Annie Hall. Thế nào sáng hôm sau tôi cũng sẽ tìm thấy vỏ đĩa DVD trống không vất trên ghế đi-văng. Nó biết rõ từng đoạn, có thể trích dẫn các câu trong phim. Với phim Hannah and Her Sisters (Hannah và các chị em gái) (1986) cũng khiến nó thích thú. Nó ngồi như bất động khi xem Lolita (Nàng Lolita xinh đẹp) (1997) của Adrian Lyne. Chúng tôi cần xem phim này vào dịp Giáng sinh. Tôi có nên hạnh phúc với những điều trên hay không?
Thực tế là có.
Nhưng rồi một ngày, tuyết rơi phía ngoài cửa sổ phòng khách, chúng tôi đang xem lại bộ phim Scarface (Mặt thẹo), khi đến cảnh Al tới Miami, Jesse quay lại và hỏi tôi Florida ở đâu.
“Hả?”
Nó nói: “Từ đây. Người ta có thể đi đến đó bằng cách nào?”
Sau khi im lặng một lúc để đầu óc tỉnh táo (liệu nó có đang đùa không nhỉ?), tôi nói:
“Con đi xuống phía nam.”
“Hướng Eglinton hay hướng King Street?”
“Hướng King Street.”
“Thế ạ?”
Tôi thận trọng tiếp tục nói nhưng với giọng điệu hết sức lưu tâm của một người có thể bị phục kích bất cứ lúc nào bởi một trò đùa ác ý. Nhưng chẳng hề có trò đùa nào cả. “Con đi xuống hướng King Street và sau đó tiếp tục đi cho tới khi gặp một cái hồ; đi qua hồ và đó chính là điểm đầu của nước Mỹ.” Tôi chờ đợi nó ngắt lời mình.
Nó nói: “Nước Mỹ ở ngay phía bên kia hồ?”
“Ừ, ừ.” Im lặng. “Con đi tiếp xuống phía dưới, khoảng 1.500 dặm, là Pennsylvania, Carolinas, Georgia” - tôi vẫn đang chờ nó ngắt lời mình - “cho tới khi con thấy một bang có hình dạng giống ngón tay, chìa ra ngoài mặt biển. Đó chính là Florida.”
“À.” Im lặng. “Sau Florida là bang nào?”
“Sau Florida?”
“Vâng.”
“À, để xem nào. Con đi đến phần đất cuối cùng của mảnh đất hình ngón tay, đi cho đến khi chạm đến mảnh đất khác phía bên kia biển; đi tiếp khoảng 100 dặm nữa, con sẽ gặp nước Cuba. Con nhớ nước Cuba chứ? Đó là nơi chúng ta đã có một cuộc nói chuyện rất lâu về Rebecca.”
“Đó là một cuộc nói chuyện thú vị.”
Tôi nói: “Lại đây với bố, đi qua Cuba, đi thật xa, cho tới khi con đến Nam Mỹ.”
“Đó là một quốc gia hả bố?”
Im lặng. “Không, đó là một lục địa. Con tiếp tục đi, qua hàng nghìn, hàng nghìn dặm, xuyên qua rừng rậm và thành phố, rồi lại rừng rậm và thành phố, tất cả các con đường đều đến điểm cuối cùng là Argentina.”
Nó nhìn chăm chăm vào khoảng đất trống. Nó đang nhìn thấy thứ gì đó cực kỳ sinh động trong trí tưởng tượng của mình, nhưng chỉ có Chúa mới biết được đó là gì.
Nó hỏi: “Đó có phải là điểm cuối cùng của thế giới không ạ?”
“Gần như vậy.”
Tôi có đang làm đúng hay không?
Mùa xuân đã đến trên phố nhà Maggie. Những hàng cây đang trổ nụ ở đầu cành như móng tay dường như đang hướng những tán cây của chúng về phía mặt trời. Khi tôi đang cho nó xem một trong những bộ phim nghệ thuật rất khoa trương, một điều kì lạ xảy ra, một bức tranh minh họa hoàn hảo của chính bài học mà bộ phim đó truyền tải. Chuyện bắt đầu khi tôi nghe nói nhà bên cạnh sắp sửa bán. Không phải bà Eleanor, nhà hàng xóm sát vách của chúng tôi - cách duy nhất bà ta có thể rời khỏi nhà mình là nằm trên cáng cứu thương với lá cờ Anh Quốc kẹp trên trán - mà là đôi vợ chồng phía bên kia, người phụ nữ mảnh mai đeo kính râm và ông chồng hói của tóc.
Hoàn toàn do trùng hợp ngẫu nhiên mà vào tuần đó tôi lựa chọn cho Jesse xem bộ phim kinh điển của Italia, The Bicycle Thief (Kẻ cắp xe đạp) (1948). Đó thật sự là một câu chuyện buồn nhất từ trước đến nay. Một anh chàng thất nghiệp cần một chiếc xe đạp cho công việc, phải khó khăn lắm mới có được một chiếc xe; toàn bộ các hành vi của anh đều thay đổi, sự tự tin về giới tính đã quay trở lại với anh. Nhưng ngay ngày hôm sau, chiếc xe đạp đã bị đánh cắp. Anh ấy hết sức đau xót. Nam diễn viên Lamberto Maggiorani đã thể hiện được niềm đau không nói nên lời của đứa trẻ hoàn toàn suy sụp. Anh ấy phải làm gì? Không có xe đạp tức là sẽ không có việc làm. Thực sự rất buồn khi xem đến cảnh anh ấy chạy khắp thành phố cùng với con trai mình để tìm chiếc xe đạp đã bị mất. Sau đó, anh phát hiện có một chiếc xe không được ai trông giữ và lấy cắp nó. Hay nói cách khác, anh đã lựa chọn gây ra một vết thương tương tự như ai đó đã làm với mình. Tôi giải thích, giá trị của câu chuyện nằm ở chỗ, rằng chúng ta đôi khi thay đổi quan điểm của mình, điều gì đúng, điều gì sai, phụ thuộc vào việc chúng ta cần gì ở một thời điểm nhất định. Jesse gật đầu; khái niệm đó cuốn hút nó. Người ta có thể thấy nó đang khám phá ra các sự cố xảy ra trong chính cuộc đời của mình, ngừng lại ở chỗ này, chỗ khác, tìm kiếm sự tương đồng với chính mình.
Nhưng thủ phạm trộm xe đạp đã bị bắt, và bị bắt một cách công khai. Như thể cả khu phố đổ ra để xem anh ta bị giải đi. Trong đó có cả con trai của anh, với khuôn mặt biểu lộ một thứ cảm xúc mà không ai trong số chúng ta muốn thấy trên mặt con mình.
Ngay hôm sau buổi chiếu phim, có thể là vài ngày sau đó, nhà bên cạnh ra vào tấp nập; tôi thấy một anh chàng gầy gò, với khuôn mặt tráo trở, nhòm ngó xung quanh trên đường đi cạnh đống thùng rác mới của tôi. Rồi một buổi sáng, thành phố trông rất ảm đạm theo một vẻ kiên cố, nhìn những vũng nước và rác rưởi trên đường người ta cảm tưởng như một trận thủy triều vừa mới rút (bạn gần như mong được thấy một con cá đang sắp chết vẫy vùng trong ống máng), và một chiếc bảng BÁN NHÀ xuất hiện.
Tôi tự thấy mình đang phân vân, đầu tiên rất vẩn vơ, sau dần dần nghiêm túc hơn, rằng liệu tôi có nên bán căn gác độc thân và chuyển sang nhà bên cạnh con trai và người vợ cũ. Tất nhiên là nếu họ muốn tôi chuyển sang. Tôi càng nghĩ lại càng muốn làm như thế, chuyện lại càng trở nên cấp bách. Chỉ trong một vài ngày, câu hỏi đó đã trở thành một vấn đề quan trọng có tính sống còn. Thậm chí có khi tôi còn có thể giữ lại một ít tiền sinh hoạt sau khi trả tiền đặt cọc cho ngôi nhà. Đây không phải cách tôi muốn sống, nhưng tôi đã có những ý nghĩ tồi tệ hơn thế này. Có thể ngôi nhà sẽ đổi vận cho tôi chỉ bằng cách tới sống gần hai người đó. Chiều muộn hôm đó, người hàng xóm hấp dẫn đeo kính râm của tôi đỗ chiếc xe nhỏ nhắn nhưng rất hữu dụng ở góc phố và vội vã bước lên bậc thềm với chiếc vali trong tay.
Tôi nói: “Nghe nói cô đang định bán nhà?”
“Đúng thế,” cô ấy vừa nói rất tự tin, vừa tra chìa khóa vào ổ.
“Liệu tôi có thể xem qua trước được không?”
Người ta có thể thấy rằng nhân viên bất động sản phải tranh giành quyết liệt và vất vả như thế nào để cảnh báo với cô ấy phòng ngừa những việc kiểu như thế này. Nhưng cô ấy hết sức lịch sự và nói: Chắc chắn rồi.
Đó là một ngôi nhà nhỏ, một ngôi nhà của người Pháp, nhưng sạch sẽ và thân thiện, ngay cả ở một nơi kín đáo như dưới tầng hầm (không giống như tầng hầm của nhà Maggie, chỉ có chiếc máy giặt đã quá cũ kỹ, phòng trường hợp cá sấu tấn công). Những hành lang, bậc cầu thang nhỏ hẹp, phòng ngủ được sơn tỉ mỉ, gần nơi làm việc trang trí nhiều chi tiết và một tủ thuốc cá nhân trong phòng tắm tuy nhiên cô ấy dường như không có vẻ gì giống một người dành quá nhiều tiền cho việc thuốc men.
“Bao nhiêu?”, tôi hỏi.
Cô đưa ra một con số. Giá lại cao ngất ngưởng, nhưng giá căn gác của tôi cũng không kém trong lần thẩm định gần đây, người ta bảo tôi là nó đang “trở thành một trào lưu” với một loạt những câu chuyện về thành công của giới trẻ (điện thoại di động, bộ râu để-ba-ngày). Một nơi cho những người thắng cuộc, cho những người tân thời. Cho những con người khốn nạn, nói theo cách khác.
Tôi giải thích trường hợp của mình: tôi rất thèm muốn được sống gần đứa con trai đang tuổi mới lớn và người vợ cũ. Điều đó làm cô ta suy nghĩ. Liệu cô có thể cho tôi cơ hội đầu tiên để mua ngôi nhà không? Có, cô ấy nói. Cô sẽ bàn vói chồng mình.
Nhà tôi trở nên khá nhộn nhịp. Những cuộc gọi đến ngân hàng, đến Maggie hiện đang ở trên gác xép của tôi (một ánh đèn xanh tươi tắn cùng với những đôi mắt ướt đẫm), một cuộc nói chuyện nữa với cô Mảnh Mai nhà bên cạnh. Mọi thứ dường như rất ổn thỏa.
Nhưng rồi, vì những lý do mà tôi không tài nào hiểu được, Mảnh Mai và ông chồng đầu trọc lốc của mình quyết định không dành cho chúng tôi bất kì ưu ái nào. Vào một buổi tối ông ta cứng nhắc báo với tôi rằng sẽ có hai buổi xem nhà, sau đó chúng tôi có thể đưa ra giá mua, cùng với những người khác. Không phải tin tốt. Greektown đang trở thành một khu đắt đỏ; giá đất đang tăng một cách khủng khiếp. Nhà ở đây thường đắt hơn giá người mua đưa ra tầm 200.000 đô-la.
Một hoặc hai ngày trước “ngày xem nhà”, tôi kéo Jesse lại. Tôi bảo nó tụ tập đám bạn thân vào buổi chiều trước hiên nhà. Bia và thuốc lá sẵn sàng. Thời gian bắt đầu chính xác là hai giờ chiều.
Bạn có thể tưởng tượng ra cảnh đó. Trong lúc người xem nhà đang leo lên cầu thang ở nhà bên, họ đi ngang qua nửa tá những đứa rỗi việc đeo kính râm, đội mũ đầu bếp ngồi uống rượu và hút thuốc ở ban công bên cạnh. Họ nghĩ đó là “hàng xóm”, chỉ cách có ba mét. Một vài chiếc xe đỗ lại, dừng để xem xét ngôi nhà, sững sờ sau làn kính cửa xe, và rồi rời đi chỗ khác.
Sau khoảng một giờ hoặc hơn, gã nhân viên bất động sản láu cá xuất hiện và hỏi đám thanh niên xem chủ nhà có nhà hay không. Tôi đang co rúm lại trong phòng khách, cố gắng xem tivi, ruột gan run bắn lên như thể trong người tôi có cả một chiếc còi báo động đang kêu inh ỏi. (Lương tâm dằn vặt vì mặc cảm tội lỗi.)
Tôi thì thào với Jesse: “Không, không, nói bố không có nhà nhé.”
Vào lúc bốn giờ chiều, buổi xem nhà kết thúc. 20 phút sau, khi tôi đang đi xuống cầu thang phía trước nhà như một tên ăn trộm để đi uống rượu ở một nhà hàng Hy Lạp trong thành phố, tôi giật bắn người: gã nhân viên xuất hiện. Anh ta có khuôn mặt xương xương, lộ vẻ khó chịu như đang bị ai đó chỉ trích. Thưa “quý ông trước hiên nhà”, anh ta nói với điệu bộ “thật có vấn đề”. Tôi cố gắng thay đổi chủ đề; bằng giọng vui vẻ, tôi hỏi anh ta về công việc kinh doanh bất động sản, về hàng xóm; có lẽ tôi muốn lợi dụng anh ta - tôi đang chuẩn bị mua một ngôi nhà. Ha ha ha, nụ cười kín đáo của tôi. Anh ta không lảng tránh lời yêu cầu. Không hề mỉm cười, anh ta nói rằng mình đang gặp rắc rối với những lời hứa hẹn của hàng loạt những người mua nhà kiểu như thế này. Không bao giờ! Tôi nói như thể đang bảo vệ nữ hoàng của mình.
Ngày hôm sau cũng có một buổi xem nhà, vào Chủ nhật. Trời đang mưa rào, bầu trời mang màu xám nhạt, những con mòng biển bay thấp qua công viên, một vài con đi bộ đầu ngửa lại phía sau, mỏ mở rộng như thể đang súc miệng vậy. Bất chấp nỗi lo sợ rất lớn, tôi tiếp tục chiến thuật của mình. Nhiều bia hơn, nhiều thuốc lá hơn, nhiều tên rỗi việc ngồi nhìn trời hơn. Tôi không đủ can đảm để ngồi quanh đó và chuồn qua cầu bằng xe đạp để làm một số việc tôi tưởng tượng ra. Đến bốn giờ, tôi mới quay về. Mưa đã ngớt. Tôi vừa đi ngang qua nhà hàng Hy Lạp nơi chúng tôi thường ăn tối thì thấy Jesse đi bộ dọc vỉa hè đến chỗ tôi. Nó đang mỉm cười nhưng có điều gì đó cẩn trọng, thoảng nét phòng thủ trong nụ cười ấy.
“Chúng ta có một vấn đề nho nhỏ bố ạ,” nó nói. Một vài phút sau khi buổi xcm nhà bắt đầu, gã đầu hói xông qua thảm cỏ - lần này chính gã ta đeo kính râm - và gõ cửa nhà tôi bằng cả hai nắm tay. Thấy lũ rỗi việc, ông ta đòi gặp tôi.
Tôi ư?
“Bố tôi không có nhà,” Jesse bảo ông ta.
“Tôi biết ông ta đang làm trò gì rồi,” gã đầu hói gào lên. “Ông ta đang cố ám sát vụ bán nhà của tôi.”
Ám sát vụ bán nhà ư? Nghe ghê gớm quá. Đặc biệt là khi chuyện đúng là như vậy. Đột nhiên tôi cảm thấy một cú sốc của sự nhục nhã; tồi tệ hơn nữa, tôi có một linh cảm trẻ con, rằng tôi đang gặp “rắc rối lớn”. Rằng tôi đã lấy xe của bố mình đi mà không có bằng lái, và đâm hỏng nó. Tôi còn có một cảm giác không mấy thoải mái rằng Jesse biết tôi sai, sai ngay từ đầu. Còn không kể đến chuyện tôi còn kéo cả nó vào kế hoạch của mình. Một ví dụ điển hình về sự dìu dắt của phụ huynh. Cách giải quyết một vấn đề khủng hoảng. Cách để đạt được những gì mình muốn. Đặt nó vào tay anh, Maggie ạ, anh chắc chắn rằng nó sẽ đứng đắn hơn và đi đúng đường.
“Con bảo mọi người vào trong rồi,” nó nói.
“Bây giờ quay lại có an toàn không?”
“Nếu là con thì sẽ đợi một lúc. Ông ấy có vẻ điên tiết lắm.”
Một vài ngày sau, tôi yêu cầu một người bạn của mình “vào cuộc” cùng tôi, giả vờ anh ấy là một người mua nhà và ra một cái giá cho căn nhà đó. Nhưng họ phải thấy rõ điều đó; phải bận rộn cả ngày với anh ta. Tất cả mọi chuyện rốt cuộc cũng chẳng để làm gì, những âm mưu của tôi, lôi kéo đám trẻ vào một âm mưu ngu ngốc. Một cặp đôi đồng tính, chủ một cửa hàng hoa, đã sở hữu căn nhà sau khi trả gần nửa triệu đô-la.
Tôi tự hỏi: Chuyện này liệu có trở thành một trong những điều mà Jesse sẽ nhớ mãi trong suốt phần đời còn lại của mình hay không? Ngày hôm sau, tôi kéo nó sang một bên. Tôi nói: “Đó là sai lầm khủng khiếp mà bố đã mắc phải.”
Nó nói: “Chẳng có gì là sai khi mong muốn được sống bên cạnh gia đình của mình”.
Nhưng tôi đã ngắt lời nó.Tôi nói: “Nếu một gã nào đó cũng làm tương tự như thế với bố, khi bố đang cố gắng bán mảnh đất của mình, bố sẽ mang súng máy đến gặp hắn.”
Nó khăng khăng nói: “Con vẫn nghĩ rằng bố đã làm đúng.”
Thật khó để làm cho nó nhìn nhận sự việc một cách khác đi. Tôi nói: “Bố giống như anh chàng trong bộ phim The Bicycle Thief (Kẻ cắp xe đạp). Bố làm điều phải làm chỉ bởi vì bố cần phải thực hiện điều đó.”
“Nếu giả dụ điều đó là điều phải làm thì sao hả bố?”, nó đáp lại sắc sảo.
Sau đó, khi chúng tôi đi ra ngoài hút thuốc trước khi xem phim, tôi thấy mình đang lén lút nhìn quanh để xem gã đầu hói hay vợ của gã ta có ở quanh đây không.
Tôi nói: “Con thấy hậu quả chưa? Bây giờ bố phải đề phòng gã này mỗi khi đi ra ngoài hiên nhà mình. Đó là một cái giá. Đó là một cái giá thực sự.”
Cha, Con Và Những Thước Phim Cha, Con Và Những Thước Phim - David Gilmour Cha, Con Và Những Thước Phim