Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Tác giả: David Gilmour
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2469 / 49
Cập nhật: 2015-08-24 18:21:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ột hôm, Jesse dẫn theo một cô gái về nhà. Cô bé tên là Rebecca Ng, một cô gái người Việt rất khác thường. “Rất vui được gặp bác, David,” cô gái nói: nhìn thẳng vào mắt tôi.
David ư?[2]
“Hôm nay bác thế nào?”
“Hôm nay tôi thế nào ư?” Tôi nhắc lại hết sức ngu ngốc. “Mọi chuyện đều tốt đẹp cả.”
Tôi có thích sống ở đây không à? Tại sao nhỉ, có chứ, cảm ơn.
Rebecca nói: “Cháu có một người cô họ, sống cách đây chỉ vài dãy phố thôi. Cô ấy rất đẹp. Thuộc tuýp người cổ nhưng rất đẹp.”
Tuýp người cổ ư?
Rebecca Ng (phát âm là Ning) diện ngất trời với quần jeans trắng muốt, áo cánh khoét cổ sâu màu hạt đẻ, áo khoác da, chân đi bốt kiểu Beatle. Người ta dễ có cảm giác là cô bé đã tự kiếm tiền để mua sắm quần áo, bằng công việc làm thêm sau giờ học tại một cửa hàng bán quần áo nhỏ ở Yorkville, phục vụ đồ uống vào thứ Bảy cho các ủy viên ban quản trị tại quầy bar của Khách sạn Bốn mùa (mỗi khi cô bé không thể nhanh chóng giải quyết bài toán nợ nần với ngân hàng). Khi cô gái quay đầu lại để nói chuyện với Jesse, tôi bắt gặp mùi nước hoa thoang thoảng. Tinh tế, đắt tiền.
Cô bé nói: “Vậy là chúng ta ở đây rồi.”
Sau đó, Jesse dẫn Rebecca xuống tầng dưới để vào phòng ngủ của mình. Tôi há hốc miệng để phản đối. Căn phòng dưới đó như một cái nhà kho. Chẳng hề có cửa sổ cũng như chút ánh sáng tự nhiên nào. Ở đó chỉ có một chiếc giường với một tấm chăn màu xanh lá cây nhàu nhĩ, quần áo vứt đầy trên sàn nhà, đĩa CD lung tung khắp phòng, một chiếc máy tính được đặt đối diện với bức tường, một “thư viện” bao gồm một tác phẩm có bút tích ký tặng của Elmore Leonard[3] (chưa hề đọc), cuốn Middlemarch của George Eliot[4] (một món quà đầy hy vọng từ mẹ nó), cộng với một bộ sưu tập các tạp chí về nhạc hip-hop mà hình ảnh ở trên trang bìa là một người đàn ông da đen với bộ mặt cau có. Một bộ sưu tập những chiếc cốc uống nước dính chặt trên chiếc bàn đầu giường. Mỗi khi bị cậy lên khỏi mặt bàn, chúng kêu răng rắc như tiếng bắn súng lục. Ngoài ra còn có những tạp chí “người lớn” (Tờ 1-800- Slut) được đút lén lút vào khoảng trống giữa nệm và bục kê nệm. Nó nói với tôi thản nhiên như không: “Con không có vấn đề gì với sách báo đồi trụy đâu.”
Tôi nói: “Còn bố thì có đấy, thế nên giấu kỹ nó đi.”
Phòng bên cạnh là phòng giặt là, một nửa số khăn tắm trong nhà tung tóe trên sàn xi măng. Nhưng tôi im lặng. Tôi cảm thấy rằng bây giờ không phải là lúc thích hợp để đối xử với con mình như một đứa trẻ: “Tại sao hai đứa không ăn một ít bánh quy và uống sữa trong lúc bố phải quay trở lại cắt nốt đám cỏ chết tiệt trước nhà nhỉ?”
Không lâu sau, tiếng ghi-ta điện vang lên ầm ĩ từ phía tầng của Jesse. Người ta còn có thể nghe thấy giọng Rebecca cao hơn cả tiếng nhạc đang bật, sau đó là đến giọng của Jesse, trầm ầm hơn và đầy tự tin. Sau đó là những tràng cười giòn giã. Tôi nghĩ, tuyệt quá, con bé đã khám phá ra Jesse vui tính đến mức nào.
“Cô gái đó bao nhiêu tuổi thế?” Tôi hỏi ngay khi Jesse quay trở về, sau khi đưa Rebecca ra ga tàu điện ngầm.
Nó nói: “Mười sáu. Thế nhưng cô ấy đã có bạn trai rồi ạ.”
“Bố có thể tưởng tượng ra được.”
Nó mỉm cười ngập ngừng: “Bố nói thế nghĩa là sao ạ?”
“Không có gì đặc biệt đâu.”
Nó có vẻ lo lắng.
Tôi nói: “Bố cho rằng, ý bố là nếu nó đã có bạn trai rồi thì tại sao còn đến nhà mình làm gì?”
“Cô ấy rất xinh, phải không bố?”
“Tất nhiên rồi. Và nó cũng tự biết điều đó.”
“Ai cũng thích Rebecca cả. Tất cả mọi người đều mong muốn được làm bạn của cô ấy. Cô ấy để họ được chở cô ấy đi chơi khắp nơi.”
“Bạn trai của nó bao nhiêu tuổi nhỉ?”
“Tầm tuổi cô ấy ạ. Thế nhưng anh chàng ấy là một kẻ khờ khạo và chán ngắt.”
Tôi nói một cách cứng nhắc: “Điều đó lại tốt cho cô ấy đấy.”
“Sao lại thế hả bố?”
Tôi trả lời: “Điều đó sẽ khiến cô ấy càng trở nên thú vị hơn.”
Jesse tự liếc thấy hình ảnh của chính mình thoáng hiện ra qua tấm gương trên bồn rửa bát. Hơi quay đầu sang một bên, nó hóp má lại, mím chặt môi và gương mặt hết sức nghiêm trang. Đây chính là “bộ mặt trong gương” của nó. Một bộ mặt nó không bao giờ thể hiện cho người khác, trừ lúc đứng trước gương. Mái tóc dày rậm như lông gấu trúc của nó dường như đang dựng đứng lên.
Nó nói: “Nhưng anh chàng đáng yêu trước của cô ấy cũng 25 tuổi rồi.” (Nó muốn nói về Rebecca.) Nó cứ nhìn chằm chằm vào hình ảnh của mình trên gương, có chút gì đó không được thoải mái lắm, rồi nét mặt của nó dần trở lại bình thường.
“25 tuổi à?”
“Bố ạ, cô ấy thu hút mọi chàng trai ở xung quanh mình. Như ruồi ấy.”
Trong khoảnh khắc ấy, Jesse có vẻ khôn ngoan hơn tôi lúc tôi bằng tuổi nó. Không đến mức khốn khổ một cách mù quáng như thế. (Không đáng gọi là một thành tích cho lắm.) Nhưng toàn bộ câu chuyện về Rebecca Ng lại khiến tôi cảm thấy lo lắng. Nó giống như cảm giác đứng nhìn Jesse bước vào một chiếc xe hơi cực đắt tiền. Tôi có thể ngửi được cả mùi ghế bọc da còn mới nguyên.
Nó hỏi: “Trông con không hề giống một kẻ đang chuẩn bị tán tỉnh cô ấy hay đại loại như vậy, phải không bố?”
“Không, không hề giống chút nào.”
“Không lo lắng hoặc có biểu hiện gì khác sao?”
“Không. Mà con đang lo lắng đấy à?”
“Ngoại trừ những lúc con nhìn cô ấy thật gần, còn lại thì con thấy mình ổn bố ạ.”
“Bố thấy, con có vẻ khá “đỉnh” đấy chứ.”
“Có đúng không bố?” Và một lần nữa, bạn có thể thấy sự nhanh nhẹn, hoạt bát lại trở về trên tay chân nó. Tôi nghĩ những gì tôi có thể dành cho nó thật là ít ỏi - những lời động viên chỉ là những miếng táo nhỏ để làm yên lòng nó, giống như việc cho những con thú quý hiếm ở vườn thú ăn vậy.
Qua bức tường, tôi có thể nghe thấy tiếng bà Eleanor, người hàng xóm của chúng tôi. Bà ấy đang lạch cạch ở quanh nhà bếp, pha trà, nghe đài. Một thứ âm thanh cô đơn. Tôi nửa lắng nghe bà, nửa suy nghĩ về những lo lắng của riêng mình. Tôi thấy mình đang chập chờn nhớ lại “cuộc hẹn” đầu tiên của Jesse. Lúc đó nó khoảng 10, hay 11 tuổi gì đó. Tôi đã theo dõi lúc nó chuẩn bị cho cuộc hẹn; khoanh tay nhìn nó đánh răng, bôi thuốc khử mùi của tôi lên chiếc nách bé xíu của nó, vận một chiếc áo phông màu đỏ, chải tóc và bắt đầu lên đường. Tôi đã lén theo nó, nấp sau cây cối và bụi rậm, cố tránh để không bị phát hiện. (Dưới ánh mặt trời, nhìn nó thật đáng yêu, dáng người mảnh khảnh với mái tóc màu tía.)
Một lúc sau, nó xuất hiện trên đường dẫn vào một ngôi nhà kiến trúc kiểu Victoria rất khang trang, bên cạnh là một cô bé. Cô bé nhìn còn nhỉnh hơn nó một chút. Tôi đi theo hai đứa đến phố Bloor, nơi chúng bước vào quán Coffee Time và sau đó tôi làm mất dấu chúng.
“Bố không nghĩ là Rebecca ngoài tầm với của con chứ?” Jesse hỏi tôi, bắt gặp hình ảnh của chính mình ở trong gương, khuôn mặt nó đang biến dạng.
“Chẳng có ai là ngoài tầm với của con cả,” tôi nói. Nhưng tim tôi lại bối rối khi nói điều đó.
* * *
Mùa đông đó tôi có nhiều thời gian rỗi. Tôi đang chuẩn bị một ít tư liệu cho chương trình mà chẳng ai đoái hoài xem, nhưng hợp đồng của tôi sắp chấm dứt và vị giám đốc sản xuất đã thôi không trả lời những e-mail có đôi chút hấp tấp của tôi. Tôi có một cảm giác không thoải mái rằng sự nghiệp truyền hình của tôi đang trở nên bấp bênh.
“Có lẽ anh cũng phải tìm lấy một công việc như mọi người khác thôi,” vợ tôi nói. Điều đó khiến tôi sợ hãi. Đi loanh quanh với mũ trong tay, khúm núm xin việc ở cái tuổi ngũ tuần.
Cô ấy nói: “Em không nghĩ mọi người sẽ nhìn nhận sự việc như vậy đâu. Chỉ là một người đi tìm việc thôi. Ai cũng làm như vậy mà.”
Tôi gọi điện cho một vài đồng nghiệp từ ngày xưa, những người đã từng ngưỡng mộ công việc của tôi (tôi nghĩ thế). Nhưng họ đều đã chuyển sang làm các chương trình khác, có vợ, có con. Người ta có thể cảm nhận được sự thân mật của họ và cùng lúc đó là sự xuất hiện không thích hợp của tôi.
Tôi đã ăn trưa với những người đến vài năm nay tôi chưa gặp lại. Những người bạn cấp ba, bạn đại học, bạn từ những năm tháng rong ruổi ở Caribê. Sau 20 phút, tôi nhìn qua nĩa của mình và nghĩ, tôi không được phép làm điều này một lần nào nữa. (Tôi chắc rằng họ cũng đang nghĩ như vậy.) Tôi tự nghĩ, làm cách nào mà tôi có thể sống nốt quãng đời còn lại? Cộng thêm năm hay 15 năm nữa trong hoàn cảnh hiện tại, mọi thứ không ổn cho lắm. Niềm tin dễ dãi của tôi rằng mọi thứ rồi sẽ “đâu vào đấy” và “kết thúc tốt đẹp” đã tan biến.
Tôi vẽ lên một biểu đồ buồn tẻ. Giả như không ai thuê tôi nữa, tôi có đủ tiền để sống trong hai năm. Lâu hơn nếu tôi không đi ăn hàng nữa. (Thậm chí lâu hơn nữa nếu tôi qua đời.) Nhưng sau đó thì sao? Đi dạy thêm ư? Một việc mà tôi chưa hề làm suốt 25 năm qua. Ý nghĩ đó khiến bụng tôi quặn lại. Chuông điện thoại réo inh ỏi lúc sáu rưỡi sáng, tôi lao ra khỏi giường, tim đập liên hồi và một mùi vị kinh tởm ở trong miệng; mặc áo sơ-mi, đeo cà-vạt và choàng ra ngoài chiếc áo khoác thể thao mốc meo; chuyến xe điện ngầm đáng sợ đưa tôi đến một ngôi trường trong khu phố tôi không hề quen, những hành lang quá sáng, văn phòng của hiệu phó. “Có phải anh thường xuyên xuất hiện trên truyền hình không?” Những ý nghĩ đó khiến bạn chỉ muốn rót ngay một ly rượu mạnh vào lúc 11 giờ sáng. Đó lại là điều mà thi thoảng tôi cũng làm, và tất nhiên, kèm theo đó là cảm giác nao nao khó chịu. Bạn đã quản lý cuộc sống của mình một cách nửa vời.
Một sáng nọ, thức dậy quá sớm, tôi lang thang vào một quán ăn không quen. Khi hóa đơn được mang đến, giá tiền ít một cách vô lý; hiển nhiên đó là một lầm lẫn và tôi không muốn lấy mất khoản tiền hoa hồng của người phục vụ. Tôi vẫy cô phục vụ lại. “Bữa ăn này hình như hơi rẻ quá, cô ạ,” tôi nói.
Cô ấy nhìn vào hóa đơn thanh toán, sau đó mỉm cười rạng rỡ: “À không, không, đó là suất ăn đặc biệt cho người đứng tuổi, bác ạ.”
Suất ăn đặc biệt - dành cho người 65 tuổi trở lên. Thậm chí còn thảm hại hơn. Trong tôi có chút gì đó như muốn tỏ lòng biết ơn. Dù gì thì tôi cũng đã tiết kiệm được tận gần 2 đô-la và 50 xu cho bữa sáng với thịt lợn và trứng.
* * *
Bên ngoài, sự u ám và ảm đạm đang xâm chiếm. Trời bắt đầu có tuyết; những bông tuyết ẩm ướt trượt dài trên ô kính cửa sổ. Bãi đỗ xe nhỏ bên đường đã biến mất trong làn sương. Bạn có thể thấy hai chiếc đèn đuôi xe màu đỏ đang di chuyển xung quanh, có ai đó đang đỗ xe. Ngay lúc đó, mẹ của Jesse, Maggie Huculak (đọc là Hu-su-lắc) gọi điện. Cô ấy vừa mới rót cho mình một cốc rượu vang đỏ trên gác xép của tôi và muốn có người cùng bầu bạn. Đèn đường vụt hiện lên; màn sương tỏa sáng một cách kỳ diệu và mờ ảo quanh các ngọn đèn. Đột nhiên, đó lại trở thành một buổi tối thoải mái và hoàn hảo cho hai bậc phụ huynh trò chuyện về đứa con trai yêu quý – về chế độ ăn uống của nó (nghèo nàn và ít ỏi), chế độ tập luyện (không hề tập), việc nó hút thuốc (rất đáng lo ngại), Rebecca Ng (rắc rối), ma túy (nếu theo chúng tôi biết thì nó không nghiện), đọc sách (không hề), bộ phim nó xem North by Northwest (Bắc đến Tây Bắc) [1959] của Hitchcock), uống rượu (ở các bữa tiệc) và tính cách vốn có của nó (mơ mộng).
Và trong khi chúng tôi đang nói chuyện, một lần nữa tôi lại bất thình lình nghĩ đến một thực tế là chúng tôi đã từng yêu nhau. Không phải tình yêu thể xác hay lãng mạn - điều đó đã qua rồi - mà là một thứ gì đó sâu sắc hơn thế. (Hồi còn trẻ, tôi đã không tin là còn có thứ gì sâu sắc hơn có thể tồn tại.) Chúng tôi tận hưởng sự thoải mái khi bầu bạn cùng nhau bằng giọng nói ôn hòa. Bên cạnh đó, phải rất khó khăn tôi mới nhận ra rằng ngoài cô ấy ra, không có ai trên trái đất này tôi có thể kể chuyện của mình chi tiết đến mức thừa thãi - từ việc sáng nay Jesse đã nói gì, đến việc nó thông minh ra sao, bảnh bao thế nào khi diện chiếc áo chơi bóng bầu dục mới. (“Anh nói đúng lắm! Nó rất hợp với tông màu tối!”)
Không ai có thể chịu đựng được khi nghe những chuyện như thế đến quá 30 giây mà không lao ra ngoài cửa sổ. Tôi nghĩ, thật đáng buồn - quả là lãng phí cho những bậc phụ huynh mà lòng thù hận của họ dành cho nhau đã tệ đến mức nó cướp mất của họ những cuộc trò chuyện tuyệt vời như thế này.
Tôi hỏi: “Dạo này em đã có bạn trai chưa?”
Maggie trả lời: “Chưa. Chưa có anh nào đẹp trai cả.”
“Rồi em sẽ tìm được một người thôi. Anh hiểu em mà.”
Cô ấy nói: “Em cũng không biết nữa. Cách đây vài ngày, có ai đó đã nói với em rằng ở tuổi này em nên bị bọn khủng bố giết hơn là lấy một tấm chồng.”
“Sao lại ăn nói hay vậy nhỉ. Ai nói với em thế?”, tôi hỏi.
Cô ấy nhắc tới tên một nữ diễn viên có khuôn mặt lừa tình mà cô ấy tập vở Hedda Gabler cùng.
“Bọn em đã đọc qua kịch bản vở kịch, và đến lúc cuối, ông đạo diễn, người em đã quen nhiều năm qua nói: ‘Maggie, cô như một ly rượu Scotch được cất bằng lúa mạch vậy.’”
“Vậy sao?”
“Và anh biết cô ta nói gì không?”
“Nói gì?”
“Cô ta nói: ‘Đó là loại rẻ tiền phải không?’”
Một lúc sau, tôi nói: “Em là một diễn viên giỏi hơn cô ta nhiều, Maggie ạ; cô ta sẽ không bao giờ tha thứ cho em vì đã giỏi hơn cô ta đâu.”
“Anh luôn nói những điều tốt đẹp với em,” cô ấy nói, giọng run run. Maggie rất dễ khóc.
* * *
Tôi không thể nhớ rõ nữa. Có thể chính cái đêm đầy sương đó hoặc có thể vài đêm sau, Rebecca Ng gọi điện đến nhà tôi vào lúc bốn giờ sáng. Chuông điện thoại len lỏi vào giấc mơ của tôi (ngôi nhà nghỉ hè của gia đình ở nông thôn, mẹ tôi đang làm một chiếc bánh sandwich kẹp cà chua trong bếp, tất cả đã qua đi rất lâu rồi) một cách hoàn hảo đến mức lúc đầu tôi không bị tỉnh giấc. Sau đó, nó cứ kêu đi kêu lại và tôi nghe máy. Lúc đó đã rất muộn, với một cô gái ở tuổi ấy, việc thức muộn như thế đã là không bình thường, hơn nữa lại còn gọi điện khắp nơi nữa. Tôi nói: “Gọi giờ này là rất muộn rồi đấy, Rebecca, quá muộn.”
“Cháu xin lỗi ạ,” con bé nói bằng giọng không-có-ý-xin- lỗi lắm. “Cháu nghĩ là Jesse có điện thoại riêng trong phòng.”
“Kể cả nếu nó có…”, tôi bắt đầu nói nhưng lưỡi tôi dường như cứng lại như của một bệnh nhân bị đột quỵ vậy.
Bạn không nên tấn công một thằng bé mới lớn ngay khi nó vừa ngủ dậy, hãy đợi cho đến khi nó đã đánh răng rửa mặt, đi lên nhà, ngồi xuống bàn và ăn đĩa trứng rán. Sau đấy bạn mới mắng nó. Bạn sẽ nói: “Chuyện quái quỷ gì xảy ra tối qua thế hả?”
“Cô ấy đã mơ thấy con.” Nó cố hạ thấp niềm hứng khởi của mình nhưng trên gương mặt lại sáng bừng lên niềm phấn khích của một người vừa thắng một ván bài poker lớn.
“Nó nói với con thế à?”
“Cô ấy nói với anh ta như thế ạ.”
“Ai cơ?”
“Bạn trai của cô ấy ạ.”
“Nó kể với bạn trai rằng nó mơ về con sao?”
“Vâng.” (Càng ngày chuyện này càng giống một vở kịch của Harold Pinter.)
“Chúa ơi.”
“Sao bố?”, nó nói giọng đầy lo lắng.
“Jesse, khi mà một người phụ nữ nói với con rằng cô ta đã có một giấc mơ về con, con biết chuyện gì đang xảy ra, đúng không?”
“Chuyện gì ạ?” Nó biết câu trả lời. Nó chỉ muốn nghe tôi nói câu ấy thôi.
“Điều đó có nghĩa là nó thích con. Đó là cách để nói với con rằng nó đang nghĩ đến con. Thực sự nghĩ đến con.”
“Đúng thế đấy ạ. Con nghĩ cô ấy thích con.”
“Bố không nghi ngờ gì về chuyện đó. Bố cũng thích con”, tôi bỗng ngừng lại, không biết phải nói sao nữa.
“Nhưng sao ạ?”
Tôi nói: “Nó hơi đáng nghi thôi. Và tàn nhẫn nữa. Con sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn gái của con nói với con rằng cô ấy đang mơ về một người con trai khác?”
“Cô ấy sẽ không làm thế đâu ạ”
“Ý con là nếu con bé ở bên con, thì nó sẽ không bao giờ mơ về một người khác?”
“Vâng,” nó nói, giọng không hoàn toàn chắc chắn.
Tôi tiếp tục: “Điều mà bố đang cố nói với con, Jesse, là cái cách con bé đối xử với bạn trai cũ cũng là cách nó sẽ đối xử với con.”
“Bố nghĩ thế à?”
“Bố không nghĩ. Bố biết. Hãy nhìn mẹ con xem; mẹ con đã luôn luôn dịu dàng và rộng lượng với những người bạn trai cũ của mình. Đó là lý do vì sao mẹ không rót những lời độc địa vào tai con hoặc lôi bố ra tòa.”
“Mẹ sẽ không làm thế đâu ạ.”
“Đó chính là điều bố đang muốn nói. Nếu mẹ con không làm thế với những người khác, thì mẹ con cũng không làm thế với bố. Đấy là lý do bố lấy mẹ và sinh con mà không phải với bất cứ ai khác.”
“Bố biết là bố mẹ sẽ chia tay à?”
“Ý bố là nếu lên giường với một thằng khốn nhưng không có con với hắn thì cũng không sao.”
Câu đó khiến nó im lặng.
* * *
Tôi giữ danh sách các bộ phim chúng tôi đã xem (những tấm thẻ vàng đính trên tủ lạnh), vậy nên tôi biết, trong mấy tuần đầu tôi đã cho nó xem bộ phim Crimes and Misdemeanors (Trọng tội và khinh tội) (1989). Phim của Woody Allen xem vào thời buổi này có cảm giác như một kiểu làm bài về nhà vội vàng, như thể ông ấy đang cố hoàn thành chúng và dẹp chúng sang một bên để có thể chuyển sang làm một thứ gì khác. Thứ gì khác đó, đáng lo thay, lại chính là một bộ phim khác. Đó là một vòng xoáy ốc đi xuống. Nhưng dù sao, sau khi đã cho ra đời hơn 30 bộ phim, có thể ông ấy đã hoàn thành công việc của đời mình; có thể từ giờ trở đi, ông ta được đặc cách lái xe với bất cứ tốc độ nào mình muốn.
Mặc dù vậy, đã có một thời gian ông hoàn thành toàn những tuyệt tác, hết phim này đến phim khác. Trọng tội và khinh tội là một bộ phim mà nhiều người đã xem qua một lần, nhưng giống như những truyện ngắn của Chekhov, người ta khó có thể hiểu hết được nếu mới chỉ xem lần đầu tiên. Tôi luôn luôn nghĩ đó là một bộ phim khiến người ta thấy được cách mà Woody Allen nhìn nhận về thế giới - một nơi mà những người như hàng xóm của bạn có thể thực sự trốn được tội giết người và những anh chàng ngu ngốc luôn kiếm được những cô bạn gái xinh đẹp.
Tôi nói trước cho Jesse biết về lối dẫn chuyện tài tình của bộ phim, cách tập trung vào cuộc tán tỉnh giữa vị bác sĩ nhãn khoa (Martin Landau) và cô bạn gái cuồng loạn của anh ta (Angelica Huston) có hiệu quả như thế nào. Chỉ cần vài nét phác họa và chúng ta có thể hiểu được tình cảm của họ đã phát triển đến đâu, từ một cuộc tình lãng mạn đến thời điểm giết người.
Jesse nghĩ gì về bộ phim này? Nó nói: “Con nghĩ con sẽ thích Woody Allen ngoài đời thực.” Và chúng tôi dừng lại ở đó.
Sau đấy, tôi cho nó xem một bộ phim tài liệu Volcano: An Inquiry into the Life and Death of Malcolm Lowry (Núi lửa: Cuộc điều tra về sự sống và cái chết của Malcolm Lowry) (1976). Bạn chỉ có thể nói điều này một lần và đó là điều này: Núi lửa là bộ phim tài liệu hay nhất tôi từng xem trong đời mình. Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu làm truyền hình, tôi đã hỏi một đạo diễn kỳ cựu xem bà ấy đã nghe nói đến bộ phim đó chưa.
Bà ấy nói: “Anh đùa đấy à? Đó chính là lý do tôi làm truyền hình.” Bà ấy thậm chí còn có thể trích dẫn một số lời bình trong bộ phim: “Làm sao mà, trừ khi anh uống rượu nhiều như tôi, anh có thể thấu hiểu được vẻ đẹp của một bà lão người Tarasco chơi đô-mi-nô vào bảy giờ sáng được.”
Bộ phim đã kể một câu chuyện thật tuyệt: Malcolm Lowry, một chàng trai giàu có, rời Anh Quốc vào tuổi 25, túy lúy ở mọi nơi anh ta qua trên khắp thế giới, nhưng lại định cư ở Mexico, nơi anh ta bắt đầu một câu truyện ngắn. Sau 10 năm chìm đắm trong men rượu, anh đã mở rộng câu truyện ngắn đó ra thành tiểu thuyết vĩ đại nhất từng được viết về việc rượu chè, Under the Volcano (Dưới núi lửa,), và gần như trở nên điên loạn trong lúc thực hiện bộ phim. (Lạ lùng thay, hầu hết các tiểu thuyết của ông đều được viết ra tại một căn nhà gỗ nhỏ, cách Vancouver khoảng 10 dặm về phía bắc.)
Tôi giải thích với Jesse rằng một số tác giả có cuộc đời và cái chết tạo cảm hứng cho sự tò mò và lòng ngưỡng mộ cũng nhiều như những gì họ đã sáng tác. Tôi nhắc tới Virginla Woolf (bị chết đuối), Sylvia Plath (chết vì ngạt khí ga), F. Scott Fitzgerald (uống rượu quá nhiều và chết rất trẻ). Malcolm Lowry là một người tương tự. Cuốn tiểu thuyết của ông là một trong những bài ca tụng lãng mạn nhất của văn học về sự quyên sinh.
Tôi nói với Jesse: “Thật đáng sợ khi tưởng tượng xem đã có bao nhiêu thanh niên tầm tuổi con uống rượu say, nhìn vào gương và nghĩ rằng chúng thấy Malcolm Lowry đang nhìn thẳng vào mình. Có bao nhiêu thanh niên nghĩ rằnghọ đang làm điều gì đó quan trọng hơn, thơ mộng hơn là chỉ say bí tỉ.” Tôi đọc cho Jesse một đoạn trong cuốn tiểu thuyết để cho nó thấy nguyên nhân vì sao. Lowry viết: “Và đây là điều tôi thi thoảng cảm thấy về bản thân mình, như một nhà thám hiểm vĩ đại phát hiện ra một miền đất kỳ diệu mà không bao giờ có thể trở về để nói cho cả thế giới biết khám phá đó: nhưng tên của miền đất này lại là địa ngục.”
Jesse nói: ngồi sụp xuống ghế đi-văng: “Chúa ơi, bố có nghĩ là ông ấy đã nghĩ như vậy không, rằng ông ấy đã thực sự khám phá ra bản thân mình như thế?”
“Có, bố nghĩ thế.”
Sau một hồi suy nghĩ, nó nói: “Con biết, đáng ra chuyện không xảy ra như vậy, nhưng kỳ lạ thay, nó khiến con người ta muốn ra ngoài và tự hủy hoại chính mình”. Sau đó, tôi yêu cầu nó đặc biệt chú ý vào văn phong lời bình trong bộ phim tài liệu, thường phù hợp với tầm cỡ văn chương của riêng Lowry. Sau đây là một ví dụ, mô tả của nhà làm phim người Canada, Donald Britain, về cuộc sóng bị giam cầm của Lowry trong một nhà thương điên ở New York: “Đây không còn là thế giới tư sản giàu có mà con người ta có thể cười nói vô tư trên những thảm cỏ mềm mại. Ở đây là những thứ giữ con người ta tồn tại mặc dù thực tế là họ không thể hồi phục được nữa.”
“Bố có nghĩ là con còn quá trẻ để đọc tiểu thuyết của Lowry không?” nó hỏi.
Câu hỏi khó đây. Tôi biết rằng tại thời điểm này trong cuộc đời nó, chỉ đọc 20 trang sách là nó sẽ bỏ cuộc. Tôi nói: “Con cần phải đọc một vài loại sách khác trước khi đọc sách của Lowry.”
“Loại nào ạ?”
Tôi nói: “Con sẽ được đọc khi học đại học.”
“Thế chẳng lẽ bây giờ con không đọc được ạ?”
“Có một số loại sách người ta chỉ đọc khi buộc phải đọc. Đó là điều tuyệt vời của giáo dục chính quy. Nó khiến con người ta đọc rất nhiều thứ mà bình thường không bao giờ để tâm đến.”
“Và đó là một điều tốt?”
“Rốt cuộc thì đó là một điều tốt.”
Đôi khi Tina từ cơ quan vòng về nhà để quan sát tôi dụ dỗ Jesse lên trên gác bằng một chiếc bánh sừng bò trong tay - như thể tôi đang huấn luyện một chú cá heo ở trung tâm sinh vật biển Sea World.
“Anh ấy rất hiểu công việc làm cha mẹ là như thế nào,” cô ấy đã nói vậy. Cô ấy đã từng đi làm thêm suốt mùa hè, kể cả ngày nghỉ và cuối tuần, để tự trang trải qua đại học, chắc cô ấy phải cảm thấy chuyện xảy ra ban chiều hơi khó chịu.
Một đôi lời về Tina. Lần đầu tôi thấy Tina là khi cô ấy vội vã đi qua phòng tin tức - đó là gần 15 năm trước - tôi đã nghĩ: “Cô ấy quá xinh đẹp. Bỏ qua thôi.”
Tuy vậy, chúng tôi cũng tán tỉnh nhau chóng vánh đến mức chỉ sau một vài tuần, cô ấy đã đưa ra lời nhận xét lạnh lùng rằng dù khi “uống rượu cùng nhau rất vui,” nhưng tôi “không đủ tiêu chuẩn để làm bạn trai.”
“Ở tuổi của mình,” cô ấy nói, “tôi không thể tiếp tục trong hai năm với một mối quan hệ bế tắc được.”
Một vài năm trôi qua. Chiều nọ, khi vừa bước ra khỏi ngân hàng ở một khu thương mại, tôi bắt gặp cô ấy dưới chân cầu thang cuốn. Thời gian đã khiến cô ấy gầy đi và hơi xanh xao. Tôi đã hy vọng đó là một mối tình buồn. Tôi đã thử thêm một lần nữa. Chúng tôi đã có một vài cuộc hẹn ở nơi này nơi khác, và vào một buổi tối, khi đi bộ về nhà, tôi nhìn thấy cô ấy và nghĩ rằng mình phải kết hôn với người phụ nữ này. Như thể là một cơ chế tự bảo quản đã tự động bật lên, như lò sưởi trong một đêm lạnh lẽo. Như người ta vẫn bảo kết hôn với người phụ nữ này và ngươi sẽ chết vì hạnh phúc.
Sau khi nghe tin này, Maggie kéo tôi sang một bên và thì thầm: “Anh không được làm hỏng cuộc hôn nhân này đâu đấy.”
Sau đó, tôi cho Jesse xem phim Citizen Kane (Công dân Kane) (1941) - “Khá hay nhưng không thể là bộ phim hay nhất từng được thực hiện”; The Night of the Iguana (Đêm của cự đà) (1964) - “Nhảm nhí.” Rồi On the Waterfront (Trên mặt nước) (1954).
Tôi bắt đầu với một câu hỏi hoa mỹ. Liệu Marlon Brando có phải là diễn viên điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại không?
Rồi tôi bắt đầu kể chuyện. Tôi giải thích rằng bộ phim Trên mặt nước có vẻ như kể về câu chuyện quét sạch nạn tham nhũng trên bến cảng New York, nhưng thực ra nó nói về sự xuất hiện của một hình thức mới trong phong cách diễn xuất của phim Mỹ, phong cách “Method”. Kết quả là, khi các diễn viên nhập thân vào một nhân vật bằng cách liên hệ với kinh nghiệm thực tế, có thể hơi quá riêng tư và không cần thiết, nhưng nhờ vậy họ đã diễn xuất tuyệt vời.
Tôi tiếp tục giải thích rằng có một số cách để hiểu bộ phim này. (Bộ phim đã giành được tám giải Oscar.) Ở mức độ bình thường, đây là một câu chuyện thú vị về một chàng trai trẻ (Brando), anh ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thật sự của lương tâm. Liệu anh có bỏ qua cho những việc xấu xa không, mặc dù những việc đó do bạn anh làm? Hay anh sẽ lên tiếng?
Nhưng còn một cách khác để nhìn nhận bộ phim. Đạo diễn bộ phim, Elia Kazan, đã vấp phải một trong những sai lầm khủng khiếp sẽ còn đeo bám ông cả đời: ông tự nguyện làm nhân chứng trước Ủy ban điều tra những hoạt động chống lại Hoa Kỳ của thượng nghị sĩ Joseph McCarthy vào những nảm 1950. Trong những “cuộc điều tra” của Ủy ban, các diễn viên, nhà văn và đạo diễn thường xuyên bị liệt vào danh sách đen của Đảng viên Cộng sản; cuộc sống của họ đã bị hủy hoại.
Kazan bị gán cho biệt danh “Kazan hớt lẻo” vì cung cách cố làm hài lòng người khác và cái cách mà ông ta sẵn sàng “chỉ điểm.” Các nhà phê bình khẳng định rằng Trên mặt nước là lời bào chữa khéo léo cho việc phản bội bạn bè.
Mắt Jesse đã bắt đầu lim dim nên tôi kết thúc bằng cách nhắc nó để ý tới cảnh Marlon Brando và Eva Marie Saint ở công viên; anh ta lấy chiếc găng tay của cô, đeo vào tay mình; cô muốn đi, nhưng không thể đi được nếu anh ta còn giữ chiếc găng ấy. Khi Kazan kể về Brando, ông luôn kể về khoảnh khắc ấy.
“Anh đã xem cảnh đó chưa?”, ông thường hỏi những phóng viên bằng giọng nói của người đầu tiên đã chứng kiến một sự kiện mà đáng ra không thể xảy ra trong thế giới tự nhiên - nhưng đã xảy ra.
Tiếp theo, tôi cho cho nó xem Who’s afraid of Virginia Woolf? (Ai sợVirginia Woolf?) (1966); Plenty (Vô kể) (1985) do Meryl Streep thủ vai. The Third Man (Người thứ ba) (1949) của Graham Greene. Jesse thích một vài bộ phim, một số phim làm nó chán. Nhưng như thế vẫn hơn đứt việc phải trả tiền thuê nhà và phải đi tìm việc. Tôi đã bất ngờ khi tôi cho nó xem A Hard Day’s Night (Đêm của một ngày nặng nhọc) (1964).
Thật khó để một người không sinh vào những năm đầu thập kỷ 1960 có thể hình dung được ban nhạc Beatles quan trọng như thế nào. Vừa bước qua tuổi mới lớn, nhưng ở bất cứ nơi nào họ đến, họ đều được đối xử như những ông hoàng La Mã. Họ có một khả năng đặc biệt làm cho bạn cảm thấy như thể, bát chấp sự nổi tiếng quá mức của họ, chỉ một mình bạn mới có thể hiểu được họ tuyệt vời như thế nào.
Tôi kể cho Jesse nghe về lần xem Beatles biểu diễn tại sân vận động của trường Maple Leaf Gardens ở Toronto (Canada) vào năm 1966. Tôi chưa từng thấy điều gì như thế: sự bùng nổ của những bóng đèn, sự cường điệu hóa của John Lennon suốt cả bài “Long Tall Sally.” Cô gái trẻ đứng cạnh tôi giật lấy ống nhòm của tôi mạnh đến mức cô ca suýt kéo cả đầu tôi theo.
Tôi kể cho nó nghe lần phỏng vấn George Harrison vào năm 1989 khi ông ra album cuối cùng của mình; khi đang chờ trong văn phòng của ông tại xưởng phim Handmade Films, tôi suýt ngất lịm khi quay người lại và thấy ông đang đứng ngay đó, một người đàn ông trung tuổi, gầy gò với mái tóc đen dày. Ông nói bằng giọng người ta đã nghe thấy trong chương trình The Ed Sullivan Show: “Đợi một chút, tôi phải chải tóc đã.”
Tôi nói cho Jesse biết về họ đã “đúng” như thế nào khi thực hiện bộ phim A Hard Day’s Night - từ cách quay bằng những thước phim đen trắng, đến việc cho họ mặc những bộ vest đen rất mốt cùng sơ-mi trắng, cho tới cách dùng máy quay cầm cay để mang đến cho bộ phim nét chân thực như phim tài liệu vậy. Phong cách sáng tạo mới mẻ đó đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ những nhà làm phim sau này.
Tôi chỉ nó xem một vài trích đoạn thú vị. George Harrison (diễn viên giỏi nhất trong nhóm, theo nhận xét của đạo diễn Richard Lester) và cảnh quay với những chiếc áo sơ mi khủng khiếp; cảnh John Lennon thổi miệng chai Coca- cola trên tàu. (Có vài người hiểu được câu chuyện cười đó.) Nhưng phần ưa thích nhất của tôi, đơn giản là đoạn nhóm nhạc Beatles chạy xuống một cầu thang và ra ngoài trời để đến một cánh đồng rộng. Với ca khúc “Can’t Buy Me Love” nổi lên làm nhạc nền, một khoảnh khắc hấp dẫn, mê hoặc đã xâm chiếm lấy tôi mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy, đó là cảm giác gần chạm đến - nhưng không thể sở hữu - một cái gì đấy quan trọng một cách rất sâu sắc. Sau bấy nhiêu năm, tôi vẫn không thể biết được chính xác “cái gì đấy” là gì, nhưng tôi có thể cảm nhận được khi tôi xem bộ phim này.
Ngay trước khi bật bộ phim này lên, tôi đề cập tới chuyện vào năm 2001, những thành viên còn lại của Beatles phát hành một tuyển tập các ca khúc hàng đầu của nhóm. Album này leo thẳng lên vị trí đầu tiên trên bảng xếp Hạng tại 34 quốc gia khác nhau. Từ Canada, Mỹ, Ailen và khắp châu Âu. Đây là thành tích của một ban nhạc đã tan rã từ cách đó 31 năm.
Jesse yên lặng ngồi xem bộ phim một cách lịch sự, và khi bộ phim kết thúc, nó chỉ nói một câu đơn giản: “Quá tệ.” Nó nói tiếp: “Và John Lennon là diễn viên tệ nhất trong nhóm.” (Đến đây nó nhại lại Lennon với độ chính xác một cách đáng ngạc nhiên.) “Một gã hoàn toàn đáng xấu hổ.”
Tôi không thể nói nên lời. Âm nhạc đó, bộ phim đó, phong cách diễn xuất… Nhưng trên hết, đó là Beatles đấy nhé!
“Chờ bố một chút được không?”, tôi nói. Tôi lục quanh trong đống đĩa Beatles của mình cho đến khi tìm thấy “It’s Only Love” trong album Rubber Soul. Tôi cho đĩa vào máy và bật bài này lên cho nó nghe (ngón tay tôi giơ lên để thu hút sự chú ý của nó, đề phòng nó mất tập trung dù chỉ là một phần nghìn giây thôi.)
“Đợi đã, đợi đã,” tôi gào lên đầy phấn khích. “Hãy đợi đến phần điệp khúc! Lắng nghe giọng hát này đi, nó như dây thép gai vậy.”
Tôi gào trên tiếng nhạc: “Đây không đơn giản chỉ là giọng hát tuyệt vời nhất trong dòng nhạc rock and roll đúng không?”
Khi đến đoạn kết của ca khúc, tôi ngồi xuống chỗ của mình. Sau một hồi im lặng thận trọng và bằng giọng nói thiếu tự nhiên (nó vẫn hại tôi, cái tuổi này), tôi nói: “Thế con nghĩ sao?”
“Họ có chất giọng khá được.”
Khá được á?
“Nhưng con cảm thấy thế nào?” tôi gào lên.
Đánh giá tôi một cách thận trọng bằng đôi mắt thừa hưởng từ mẹ, nó nói: “Thật lòng ạ?”
“Thật lòng.”
“Không thấy gì cả.” Im lặng. “Con không cảm thấy gì hết.” Nó đặt tay lên vai tôi cỏ vẻ giảng hòa. “Con xin lỗi bố.”
Liệu trên môi nó có một vẻ thích thú ẩn giấu không? Liệu có phải tôi đã trở thành một ông già lẩm cẩm rồi không?
Cha, Con Và Những Thước Phim Cha, Con Và Những Thước Phim - David Gilmour Cha, Con Và Những Thước Phim