Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Joseph Delaney
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2020 / 37
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Tử Vong Báo Ứng
ôi chạy một mạch xuống đồi thẳng vào trong làng dưới cơn mưa như trút, sấm nổ đì đùng trên không trung và những tia chớp ngoằn ngoèo rạch nát bầu trời.
Tôi chẳng hề biết nhà thầy thuốc ở đâu, và trong cơn tuyệt vọng, tôi gõ gọi vào cánh cửa đầu tiên mà mình nhìn thấy. Chẳng ai ra mở cửa, thế là tôi đấm thình thịch vào cửa nhà kế tiếp. Khi làm thế mà cũng không có lấy một người đáp lời, tôi sực nhớ đến anh trai của Thầy Trừ Tà, ông Andrew, ông ấy có một cửa hiệu ở đâu đó trong làng này. Vậy nên tôi chạy sâu hơn vào trung tâm thị trấn, vừa chạy vừa té lên té xuống vấp chân vào những phiến đá lát đường, băng qua những con lạch nước mưa đang như thác đổ xuôi xuống đồi.
Phải mất một lúc lâu tôi mới tìm ra cửa hiệu của bác Andrew. Nơi này nhỏ hơn căn ông ấy thuê ở Priestown, nhưng lại tọa lạc ở vị trí thuận lợi, ngay trên ngõ Babylon, chỉ quành qua góc phố nơi hình như tập trung một loạt các cửa hiệu trong làng. Một tia chớp lóe lên soi sáng bảng hiệu bên trên cửa sổ:
ANDREW GREGORY
BẬC THẦY SỬA KHÓA
Tôi gõ thật mạnh vào cửa, và khi không thấy ai trả lời, tôi giằng lấy tay nắm cửa mà giật điên cuồng, vậy mà vẫn không ích gì. Tôi thắc mắc liệu có phải ông Andrew đang đi tác nghiệp ở đâu khác không. Có lẽ là đang qua đêm trong một ngôi làng khác. Rồi tôi nghe thấy tiếng khung cửa kính cửa sổ phòng ngủ bên trên của cửa hiệu sát cạnh được kéo lên, một giọng đàn ông bực bội gọi với ra đêm tối.
“Cút xéo! Xéo ngay đi! Mày muốn gì mà lại gây ồn ào mất trật tự vào đêm hôm thế này khi người ta cần ngủ yên thế hử?”
“Cháu cần thầy thuốc!” tôi hướng về phía cửa sổ hình chữ nhật tối om mà gào lên đáp lời. “Cấp bách lắm ạ. Có người có thể mất mạng đấy!”
“Này, thế thì mày đang phí thời gian ở đây rồi! Đấy là hiệu sửa khóa cơ mà!”
“Cháu làm việc cho em trai ông Andrew Gregory. Thầy ấy sống trong căn nhà trên hẻm núi ngay rìa đồng hoang đấy ạ. Cháu là thợ học việc của thầy ấy!”
Ánh chớp lại lóe lên và tôi nhác thấy gương mặt trên cao kia đang hằn lên vẻ sợ sệt. Chắc hẳn cả ngôi làng này đã biết em trai ông Andrew là thầy trừ tà.
“Có một thầy thuốc ngụ trên phố Bolton, về hướng nam khoảng chừng trăm mét thôi!”
“Phố Bolton là đâu thế ạ?” tôi gặng hỏi.
“Cứ đi xuống đồi, đến chỗ ngã tư đường rồi rẽ trái. Đấy là phố Bolton. Rồi đi tiếp. Là căn nhà cuối dãy ấy!”
Dứt lời, cánh cửa sổ đóng sầm lại, nhưng chẳng hề chi: tôi đã có thông tin mình cần. Thế là tôi chạy thục mạng xuống đồi, rẽ trái, chạy tiếp, thở hồng hộc, và chẳng bao lâu sau là đã gõ dồn dập lên cửa căn nhà ngay cuối dãy.
Các thầy thuốc đã quen với việc bị dựng dậy vào nửa đêm cho những trường hợp cấp bách, nên ông thầy thuốc này ra mở cửa ngay. Thầy thuốc là một người đàn ông nhỏ thó có hàng ria mép đen mỏng dính và tóc hai bên thái dương đang chuyển sang màu muối tiêu. Ông ta cầm cây nến và gục gặc khi tôi nói, trông có vẻ rất bình tĩnh và chuyên nghiệp. Tôi bảo với ông ta là có một người đang bị thương tại nông trại Cảnh Bờ Hoang, nhưng đến khi tôi giải thích là ai đang cần giúp đỡ và lý do vì sao thì cung cách của ông ta biến đổi ngay, cây nến trong tay ông ta bắt đầu lật bật.
“Cậu về đi, tôi sẽ theo chân cậu ngay khi có thể,” ông ta nói, đoạn đóng sập cửa ngay vào mặt tôi.
Tôi leo ngược về lại đồng hoang nhưng lòng vẫn lo lắng. Rõ ràng ông thầy thuốc kia sợ phải chữa trị cho một kẻ trừ tà. Ông ta có giữ lời hứa không nhỉ? Ông ta thật sự sẽ theo tôi đến nông trại chứ? Nếu ông ta không đến, Thầy Trừ Tà có thể mất mạng. Mà tôi lo là biết đâu thầy đã nhắm mắt xuôi tay rồi chứ chẳng chơi, nên với trái tim trĩu nặng tôi lê bước ngược lên đồi nhanh hết sức có thể. Lúc này đỉnh điểm cơn dông đã qua, chỉ còn lại tiếng sấm đì đùng văng vẳng xa xa trên đồng hoang cùng vài ánh chớp thi thoảng chói lòa.
Tôi không cần phải lo về thầy thuốc. Ông ta đã giữ lời và đến nông trại chỉ sau tôi chừng mười lăm phút.
Nhưng ông ta không nán lại lâu. Khi khám cho Thầy Trừ Tà, hai bàn tay thầy thuốc run lập cập đến nỗi tôi không cần cái vẻ mặt tròn mắt kinh hãi của ông ta để biết là ông ta đang khiếp đảm. Chẳng ai muốn ở gần một kẻ trừ tà cả. Tôi cũng đã kể cho ông ta nghe chuyện xảy ra ngoài sân và trong bếp, điều này khiến cho mọi chuyện càng thêm phần tồi tệ. Thầy thuốc cứ đảo mắt nhìn quanh như thể đang mong nhìn thấy một ông kẹ nào đó nhảy bổ vào mình. Nếu nãy giờ tôi không vừa buồn lại vừa lo đến vậy, hẳn tôi đã thấy tình cảnh của ông thầy thuốc này mới thật buồn cười làm sao.
Thầy thuốc đúng là có giúp tôi khiêng Thầy Trừ Tà lên lầu trên và đặt thầy vào giường. Rồi ông ta áp tai vào ngực thầy để lắng nghe cẩn thận. Khi đứng lên, thầy thuốc lắc đầu.
“Bệnh viêm phổi đã lây đến hai phổi của ông ấy rồi,” cuối cùng thầy thuốc cũng nói. “Tôi lực bất tòng tâm.”
“Thầy mạnh lắm cơ mà!” tôi phản đối. “Thầy cháu sẽ khỏe lại thôi.”
Thầy thuốc quay sang nhìn tôi với vẻ mặt trước đây tôi từng thấy những người hành nghề y hay dùng. Là khuôn mặt chuyên nghiệp pha trộn giữa lòng trắc ẩn và sự bình thản, một chiếc mặt nạ được khoác vào khi họ phải thông báo tin chẳng lành cho thân nhân của kẻ ốm nặng.
“Cậu nhóc này, tôi e là lời tiên lượng sẽ rất xấu đấy,” ông ta vừa bảo vừa vỗ nhẹ lên vai tôi. “Thầy của cậu đang hấp hối – rất ít khả năng ông ấy sẽ qua khỏi đêm nay. Nhưng cái chết rốt cuộc rồi cũng sẽ đến với tất cả chúng ta nên tôi e là ta phải chấp nhận thôi. Cậu ở đây một mình à?”
Tôi gật đầu.
“Rồi cậu sẽ không sao chứ?”
Tôi lại gật.
“Thôi, sáng mai tôi sẽ cho người lên đây,” thầy thuốc bảo, nhặt nhạnh túi đồ chuẩn bị bỏ đi. “Ông ấy sẽ cần rửa ráy sạch sẽ,” ông ta nói thêm với vẻ xúi quẩy.
Tôi biết ông ta nói thế là ý gì. Phong tục của Hạt là phải rửa sạch mình mẩy người chết trước khi chôn cất. Ý tưởng này lâu nay với tôi hình như thật ngu xuẩn. Tắm rửa cho người ta để làm gì khi kết cục là họ sẽ nằm trong quan tài chôn dưới đất cơ chứ? Tôi nổi nóng và suýt chút nữa là nói ra điều này với thầy thuốc, nhưng tôi cố kìm nén bản thân mà đi đến ngồi bên cạnh giường, lắng tai nghe Thầy Trừ Tà hớp hớp lấy hơi thở.
Thầy không thể đang hấp hối được! Tôi không muốn tin điều đó. Làm sao thầy lại có thể chết sau tất cả mọi chuyện thầy đã kinh qua? Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để chấp nhận chuyện này. Thầy thuốc đã sai rồi, chắc là vậy nhỉ? Nhưng mặc cho tôi cố bao công sức để tự thuyết phục mình rằng thầy thuốc đã nhầm lẫn, tôi vẫn bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Bạn biết đấy, tôi nhớ đến lời mẹ tôi đã nói về những điềm báo của cái chết. Tôi nhớ đến mùi hương trong phòng bố, cái mùi hương hoa ấy, và nhớ mẹ đã bảo rằng đấy là điềm báo ứng tử vong. Tôi thừa hưởng năng khiếu của mẹ và giờ đây tôi ngửi thấy mùi ấy vì nó đang bốc ra từ Thầy Trừ Tà, cứ mỗi phút trôi qua mùi hương lại càng thêm nồng.
Nhưng khi ánh nắng ban mai rọi vào, thầy tôi vẫn còn sống, và người phụ nữ mà thầy thuốc phái đến để lau rửa xác thầy không giấu được vẻ thất vọng trên mặt.
“Tôi chỉ có thể ở đây đến trưa thôi đấy. Chiều nay tôi còn có một ca khác!” bà ta gắt gỏng, nhưng rồi lại bảo tôi đi lấy một tấm trải giường sạch rồi xé nó ra thành bảy mảnh, sau đấy bưng cho bà ta một chén nước lạnh.
Sau khi tôi làm theo những gì được bảo, bà ta lấy một trong những mảnh vải trải giường gấp lại cho đến khi nó nhỏ chỉ bằng bàn tay của mình rồi nhúng mảnh vải vào nước. Đoạn bà dùng mảnh vải ấy để lau trán và cằm Thầy Trừ Tà. Thật khó khẳng định là bà ta làm thế để giúp thầy thấy đỡ hơn, hay là chỉ để tiết kiệm chút thời gian khi bà ta lau rửa xác cho thầy sau này.
Xong xuôi, bà ta ngồi xuống cạnh giường và bắt đầu đan thứ gì đấy trông như quần áo trẻ con. Bà ta kể lể thật lắm với tôi, về chuyện đời bà đồng thời khoe khoang về hai công việc của mình. Ngoài việc rửa xác người chết và sửa soạn cho họ trước khi chôn cất, bà ta còn là bà mụ trong vùng. Bà ta đang bị cảm nặng và cứ mãi ho sù sụ vào người Thầy Trừ Tà rồi lại hỉ cái mũi đỏ lựng của mình vào chiếc khăn tay to tướng lấm tấm bẩn.
Ngay trước giữa trưa bà ta bắt đầu thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về. “Sáng ngày mai tôi sẽ quay lại để liệm cho ông ta,” bà ta bảo. “Ông ta sẽ không qua nổi đêm thứ hai đâu.”
“Chẳng còn chút hy vọng nào hết ạ?” tôi hỏi bà ta, dù đã ý thức được là Thầy Trừ Tà không hề mở mắt ra từ khi đập đầu xuống đất.
“Nghe ông ta thở kia kìa,” bà ta bảo tôi.
Tôi dỏng tai lắng nghe. Tiếng thở của thầy nghe khàn đục, thoảng chút khọt khẹt. Nghe như thể khí quản của thầy bị thu hẹp lại vậy.
“Đấy là tiếng khọt khẹt khi hấp hối,” bà ta nói. “Thời hạn của ông ta trên dương gian này sắp đến hồi chấm dứt rồi.”
Ngay khi ấy ngoài cửa trước vang lên tiếng gõ cửa nên tôi đi ra xem là ai. Khi tôi mở cửa ra, Alice đang đứng gần bậc thềm, chiếc áo khoác len của cô gái cài kín đến cổ còn mũ trùm được kéo sụp xuống trước.
“Alice!” tôi thốt lên, vô cùng mừng rỡ khi nhìn thấy cô ấy. “Thầy Trừ Tà đã bị thương khi đối đầu với ông kẹ. Thầy ngã đập đầu ra sau và thầy thuốc cho là thầy sẽ chết mất!”
“Để tớ vào xem lão ấy nào,” Alice vừa nói vừa len qua người tôi. “Có lẽ không tồi tệ như thầy thuốc nghĩ đâu. Thầy thuốc nhiều khi cũng sai mà. Lão Gregory đang ở trên lầu à?”
Tôi gật đầu và đi theo Alice lên phòng ngủ. Cô đi thẳng đến chỗ Thầy Trừ Tà và đặt tay lên trán thầy. Đoạn Alice dùng ngón cái vạch mi mắt trái của thầy lên rồi chăm chú nhìn vào mắt thầy.
“Chưa hẳn là vô vọng đâu,” Alice lên tiếng. “Có lẽ tớ giúp được đấy...”
Người phụ nữ nhặt túi đồ của mình lên và chuẩn bị bỏ về, cơn giận làm bà nhíu hết cả mày. “Á à, giờ thì ta đã mở rộng tầm mắt rồi đây!” bà ta thốt lên, mắt trừng trừng nhìn xuống đôi giày mũi nhọn của Alice. “Một con oắt phù thủy đang muốn giúp một kẻ trừ tà!”
Alice ngước lên, hai mắt tóe lửa phẫn nộ, mồm ngoác nhe hết cả răng ra. Rồi cô rít phì phì về phía bà kia, bà này vội lùi hai bước tránh xa cái giường.
“Đừng có mong là ông ta sẽ cảm ơn mi!” bà ta cảnh cáo Alice, đoạn thụt lùi ra tới cửa phòng rồi bỏ chạy xuống cầu thang.
“Lão ấy có biết ơn tớ lắm đâu,” Alice nói khi bà ta đã đi khỏi. Cô bé cởi nút áo khoác và lấy ra một bịch da nho nhỏ từ túi bên trong áo. Bịch được cột chặt bằng dây, Alice tháo dây ra, lắc lắc vài chiếc lá khô vào lòng bàn tay. “Để tớ đi pha cho lão ấy một ít nước thuốc cấp thời,” cô bảo.
Khi Alice đã đi xuống bếp, tôi ngồi bên cạnh Thầy Trừ Tà, làm tất cả những gì mình có thể để giúp thầy. Toàn thân thầy đang nóng hầm hập nên tôi dùng vải ướt liên tục lau qua hàng chân mày cho thầy để hạ cơn sốt. Từ mũi thầy liên tục rỉ ra dãi lẫn máu chảy xuống hàm râu, nên tôi phải luôn tay chùi sạch. Trong suốt thời gian ấy ngực thầy khọt khẹt mãi và mùi hương hoa càng nồng hơn bao giờ hết, thế nên tôi bắt đầu cảm thấy, dù Alice có làm gì đi nữa, bà y tá kia vẫn nói không sai, rằng thầy sẽ chẳng còn cầm cự được bao lâu.
Một lúc sau, Alice trở lên gác mang theo một tách chất lỏng vàng vàng đầy đến nửa, tôi nâng đầu Thầy Trừ Tà dậy trong khi cô gái đổ thứ chất ấy vào miệng thầy. Tôi ước gì mẹ mình có ở đây nhưng tôi biết không có mẹ thì Alice cũng là lựa chọn tốt nhất: có lần mẹ đã bảo tôi, Alice rất rành về các loại thuốc pha chế.
Thầy Trừ Tà sặc lên rồi phun ra một chút nhưng chúng tôi cố gắng đổ gần hết chất thuốc xuống họng thầy. “Đây là thời điểm khó khăn nhất trong năm nhưng biết đâu tớ sẽ kiếm được vài thứ thuốc tốt hơn,” Alice bảo. “Cũng bõ công ra ngoài tìm lắm. Không phải là lão ta xứng đáng được giúp đỡ đến thế đâu, căn cứ vào cái cách mà lão ấy đã đối xử với tớ ấy!”
Tôi cảm ơn Alice rồi tiễn cô gái ra đến cửa trước. Trời đã hết mưa nhưng trong không khí ẩm ướt vẫn còn vương hơi lạnh. Những cành cây trụi trơ lá, vạn vật trông thật thê lương. “Giờ là mùa đông mà Alice. Cậu có thể tìm được gì khi dường như chẳng có thứ gì đâm chồi nảy lộc cơ chứ?”
“Kể cả vào mùa đông vẫn có những loại rễ và thân cây cậu dùng được,” Alice vừa đáp vừa cài nút áo khoác lại để ngăn cái lạnh. “Đấy là nếu như cậu biết tìm ở đâu. Tớ sẽ quay lại nhanh hết sức có thể...”
Tôi quay ngược lên phòng ngủ để ngồi bên Thầy Trừ Tà, lòng vừa buồn thiu vừa hoang mang. Tôi biết nghe thì thật ích kỷ nhưng tôi không thể không bắt đầu thấy lo cho bản thân mình. Tôi không có cách nào để hoàn tất kỳ học việc của mình mà không có Thầy Trừ Tà. Tôi sẽ phải đi lên phía bắc vùng Caster đến nơi ông Arkwright hành nghề để xin ông ta nhận mình vào. Vì từng có thời là học việc của Thầy Trừ Tà và từng sống tại Chipenden, có lẽ ông ấy sẽ chịu nhận tôi, nhưng chẳng có gì bảo đảm cả. Biết đâu ông ấy đã có chân học việc khác rồi. Nghĩ đến đấy, tôi cảm thấy còn tồi tệ hơn. Cảm thấy thật sự có lỗi. Bởi vì nãy giờ tôi chỉ đang nghĩ cho bản thân mình, chứ không phải cho thầy của mình.
Rồi, sau khoảng một giờ đồng hồ, đột nhiên Thầy Trừ Tà mở mắt ra. Đôi mắt thầy dại đi và sáng rực vì sốt, và thoạt tiên tôi không nghĩ thầy nhận biết được tôi là ai. Nhưng thầy vẫn còn nhớ cách ra lệnh, và bắt đầu lớn tiếng quát tháo như thể tôi bị điếc không bằng.
“Đỡ ta dậy! Dựng ta lên! Lên! Lên! Làm ngay đi!” thầy quát, trong khi tôi đang loay hoay đỡ thầy ngồi lên và chồng mấy chiếc gối sau lưng thầy. Thầy bắt đầu rên thật lớn, hai tròng mắt trợn lên rồi đảo ngược vào trong sọ cho đến khi chỉ còn thấy tròng trắng.
“Cho ta uống!” thầy gào tướng. “Ta cần làm một ly!”
Trên bàn cạnh giường chỉ có một vại nước lạnh nên tôi rót đầy nửa cốc và nhẹ nhàng nâng cốc lên miệng thầy.
“Uống từ từ thôi nhé thầy,” tôi khuyên lơn, nhưng Thầy Trừ Tà đã nốc một ngụm tướng rồi nhổ toẹt ra khăn trải giường.
“Thứ rác rưởi gì đây? Ta chỉ xứng đáng được từng này thôi sao?” Thầy Trừ Tà rống lên, hai con ngươi xuất hiện trở lại để trừng trừng tức tối nhìn vào tôi. “Đem rượu đến đây cho ta. Rượu vang đỏ đấy. Ta cần thứ ấy!”
Tôi không nghĩ đây là ý hay chút nào, thầy thì đang ốm như thế, nhưng thầy lại nằng nặng đòi cho bằng được. Thầy muốn có rượu vang mà phải là vang đỏ.
“Con xin lỗi nhưng ở đây không có rượu vang ạ,” tôi phân trần, cố giữ giọng mình bình tĩnh để không khiến thầy tôi thêm kích động.
“Đương nhiên làm gì có rượu vang trong này! Đây là phòng ngủ cơ mà!” thầy quát tháo. “Ở dưới bếp kia, đấy là nơi mi sẽ tìm thấy rượu. Nếu không có thì tìm dưới hầm rượu. Đi tìm đi nào. Mà tìm cho chóng vào. Đừng bắt ta chờ đấy.”
Dưới bếp có khoảng nửa tá rượu vang và tất cả đều là vang đỏ. Vấn đề là, chẳng thấy bóng dáng đồ khui chai đâu cả – mà tôi cũng chẳng tìm kỹ làm gì. Thế là tôi đem chai rượu lên phòng ngủ, bụng bảo dạ rằng đến thế này thì chịu thôi chứ còn làm gì được nữa.
Tôi đã lầm: ngay khi tôi đến gần giường, thầy tôi đã giật phắt lấy chai rượu đưa lên miệng rồi kéo núi chai ra bằng những chiếc răng còn sót lại. Trong chốc lát tôi những tưởng là thầy sẽ nuốt luôn nút chai chứ, nhưng thình lình thầy phun ra thật mạnh khiến chiếc nút chai bật thẳng vào bức tường đối diện trong phòng ngủ rồi dội trở lại.
Rồi thầy bắt đầu uống, và trong khi uống, thầy nói. Trước đây tôi chưa từng thấy Thầy Trừ Tà uống rượu, còn bây giờ thì thầy nốc không kịp nuốt. Thầy mỗi lúc một trở nên phấn khích, những lời nói bắt đầu nhường chỗ cho lời huyên thuyên. Câu cú không có ý nghĩa gì lắm vì thầy đang nói sảng do sốt và rượu. Rất nhiều câu là tiếng La Tinh, thứ ngôn ngữ tôi đang đánh vật để học lấy. Có một lúc thầy luôn tay làm dấu thánh bằng tay phải, theo cách mà các cha cố thường làm.
Hồi trước ở nông trại nhà tôi, rượu vang là thứ chúng tôi ít khi uống. Mẹ tôi tự làm thứ rượu cất bằng cây cơm cháy ngon vô cùng. Nhưng loại rượu này chỉ được dọn ra vào những dịp đặc biệt: khi còn sống ở nhà, may mắn lắm tôi mới được cho uống nửa cốc nhỏ, một năm hai lần. Thầy Trừ Tà làm sạch một chai trong vòng chưa tới mười lăm phút rồi sau đấy nôn ọe hết cả ra – nôn nhiều đến nỗi thầy sém chút là sặc chết ngay tại chỗ. Và tất nhiên, tôi phải dùng mấy mảnh khăn trải giường lau dọn sạch đống ấy.
Ngay sau đấy Alice quay trở lại và chế thêm một liều thuốc nữa bằng các loại rễ cây mà cô tìm được. Chúng tôi cùng nhau hợp sức dốc hết thứ thuốc ấy xuống cổ họng Thầy Trừ Tà, và tích tắc sau thầy lại lăn ra ngủ.
Xong xuôi mọi việc, Alice hít hít trong không trung rồi chun mũi. Ngay cả khi tôi đã thay hết chăn nệm rồi mà căn phòng vẫn thối không chịu được, thối đến nỗi tôi không còn ngửi thấy mùi hương hoa kia nữa. Ít ra thì đấy là suy nghĩ của tôi lúc ấy. Tôi không nhận ra là Thầy Trừ Tà đang trên đà hồi phục.
Vậy là cả thầy thuốc và bà y tá đều được chứng minh là đã sai lầm: trong vòng mấy giờ đồng hồ sau cơn sốt đã biến mất và thầy tôi ho khạc ra từng đống đờm dãi đặc sệt trong phổi, bao nhiêu khăn tay tôi tìm thấy cũng không kịp hứng hết, nên cuối cùng tôi phải xé thêm một tấm khăn trải giường nữa thành nhiều mảnh. Thầy đang từ từ hồi phục. Và một lần nữa thầy trò tôi lại mang ơn Alice tất tần tật.
Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà Tập 3 - Đêm Của Kẻ Đánh Cắp Hồn Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà Tập 3 - Đêm Của Kẻ Đánh Cắp Hồn - Joseph Delaney Cậu Bé Học Việc Và Thầy Trừ Tà Tập 3 - Đêm Của Kẻ Đánh Cắp Hồn