"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 55
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
au khi cao điểm cuối cùng của dãy bình phong khu Đông bị ta tiêu diệt nốt, khu trung tâm Mường Thanh của địch bắt đầu nhốn nháo. Thừa thắng, ngày hôm sau, quân ta từ bốn phía đánh vào. Đờ Cát cho thọc thử một mũi ra ngoài vòng vây của ta. Hắn biết từ trước việc làm này sẽ không kết quả, nên ngay sau khi mũi quân này bị chùn lại, hắn bãi bỏ lệnh chuẩn bị đánh ra, đồng thời cũng khước từ luôn lệnh rút chạy khỏi Điện Biên Phủ sang Thượng Lào của Hà Nội. Thông thường là như vậy, đến giờ chót, điều bọn chúng nghĩ ngay đến đầu tiên là làm sao để bảo vệ tính mạng của mình.
Cuộc chiến đấu quanh hầm Đờ Cát không gay go, mặc dù khi đó hắn còn trong tay hơn một vạn quân. Trước đây vài giờ, hắn đã ra lệnh cho các sĩ quan cấp dưới hủy bỏ tài liệu, chuẩn bị đầu hàng. Chỉ có điều là bộ đội ta đã tiến vào Mường Thanh sớm hơn, và binh lính địch đã kéo cờ trắng trước khi có lệnh của hắn. Một tổ ba người của ta xông vào hầm Đờ Cát. Toàn bộ chỉ huy địch đã mặc quần áo tề chỉnh. Dưới chân chúng, chiếc ba lô cóc của đứa nào cũng chặt căng. Hai tên lính hầu của Đờ Cát đã được chủ rỉ tai phải thồ hết lên người tất cả những thứ gì có thể đem theo được, tất nhiên không phải là cho họ.
Một chiến sĩ nhỏ nhắn trẻ măng như một chú bé chĩa lưỡi lê vào ngực Đờ Cát, bắt hắn giơ tay, Đờ Cát còn lừng khừng chưa chịu làm động tác này vì hắn thấy trong những người tiến vào còn thiếu một người có dáng chỉ huy. Bộ mặt bừng bừng khí thế chiến đấu và đôi mắt nảy lửa của người chiến sĩ trẻ tuổi làm cho hắn hốt hoảng vội cất tay lên khỏi đầu. Hắn ngạc nhiên không hiểu tại sao mặt người chiến sĩ lại đỏ như vậy và hắn nghĩ hay là tướng Giáp đã cho quân của ông uống rượu trước khi đánh nhau(!).
Chiều ngày mồng bảy tháng năm, năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ kết thúc. Đơn vị Trường Sơn được cử vào thu dọn chiến trường và cứu chữa cho thương binh địch.
Tuấn đã báo cáo xong, đứng lên định đi ra thì chính ủy đại đoàn hỏi:
- Nhà thơ dự định bao giờ thì hoàn thành bản anh hùng ca về Điện Biên Phủ?
Tuấn nở một nụ cười thay cho câu trả lời. Chính ủy cũng mủm mỉm nói:
- Văn nghệ thường thường là lạc hậu hơn thực tế nhỉ!
Tuấn bước ra khỏi dãy hầm làm bằng sắt cuốn vẫn còn cái mùi hoi hoi tanh tanh của bơ sữa và súng đạn. Hầm này cách đây mấy ngày là sở chỉ huy của tướng Đờ Cát. Nay nó là sở chỉ huy của bộ chỉ huy tiếp quản Mường Thanh.
Trời mờ mờ ánh trăng thượng tuần. Hơi sương mát lạnh. Suốt ngày đêm, các loại xe vận tải và những đoàn dân công đã ra sức vận chuyển chiến lợi phẩm ra ngoài đề phòng địch thả bom, nhưng đến hôm nay, mọi thứ vẫn như còn nguyên vẹn, ngổn ngang, chất thành gò đống.
Tuấn vừa đi vừa nghe bước chân mình gõ đều đều trên con đường nằm giữa hai hàng chiến hào, cách đây ít ngày còn là một nơi ghê gớm. Vô số những chiếc lều hình nón bằng dù địch, đã được dựng lên. Ban đêm không nhìn rõ những màu sặc sỡ, chỉ thấy ánh trăng đổ trên mái lều loang loáng. Dưới những chiếc dù đó, nơi là những hòm chiến lợi phẩm đã được xếp gọn, nơi là chỗ ở của bộ đội vào tiếp thu, chỗ ở của dân công, nơi là lán chứa thương binh địch. Những tên lính khốn khổ này đã được moi lên khỏi cái địa ngục trần gian do chúng tự tạo ra dưới lòng đất, để trở về với ánh sáng của mặt trời, với bầu không khí trong lành. Từ nơi chúng nằm vẳng ra những tiếng đàn, tiếng hát nghêu ngao. Bọn chúng không có vẻ là những tên bại trận. Phần lớn chúng đều vui vẻ, vì chiến thắng của chúng ta đến sớm một ngày là một ngày sớm hơn, chúng được đưa về với cuộc sống.
Ô tô, máy bay, xe tăng, pháo lớn, súng đạn nằm lổng chổng, ngổn ngang. Chỗ này một ngọn đèn măng xông tỏa ánh sáng xanh trong. Chỗ kia, một đốm lửa đỏ dữ dội. Đèn đóm lập lòe khắp nơi như cảnh một phiên chợ họp đêm.
Ta đã báo cho địch biết thương binh chúng tập trung ở Mường Thanh, và chúng được phép hạ máy bay xuống để lấy đi. Vì thế mấy ngày nay, máy bay địch không hoạt động. Tuy vậy, những đơn vị pháo cao xạ đã được điều vào giáp quanh vị trí để phòng bất trắc khi cần sẽ ra sức bảo vệ cho bộ đội hiện đang làm nhiệm vụ ở đây, và cả cái chiến trường lúc này đã trở thành một kho vũ khí, quân dụng khổng lồ.
Gần đến căn lều của mình, Tuấn chưa muốn về ngủ vội, anh dừng lại, ngồi trên một chiếc hòm đạn. Vừa rồi, anh tới báo cáo, thái độ của đồng chí chính ủy rất vui. Chính ủy cho Tuấn biết, hội nghị Giơ-ne-vơ đã họp, đồng chí Phạm Văn Đồng và phái đoàn ta bước vào phòng họp với tư thế của những người chiến thắng... Ta đã toàn thắng trên chiến trường Điện Biên to lớn này và còn thắng địch trên nhiều mặt trận khác.
Bên kia dòng sông Nậm Rốm, quả đồi A1 đỏ lòm và lỗ chỗ như tổ ong ban ngày đã được ánh trăng và sương đêm phủ lên một lượt lụa thưa trắng nhạt, mất hẳn vẻ dữ dội, lẫn vào những rặng núi xa xa. Tuấn vẫn ngẫm nghĩ về câu hỏi cuối cùng của đồng chí chính ủy. Đây là lần thứ hai trong chiến dịch này, đồng chí hỏi đến chuyện làm thơ của anh. Lần trước sau khi trận đánh gặp khó khăn, trong căn hầm của chính ủy, Tuấn đã lúng túng không tìm ra câu trả lời. Lần này, anh không trả lời chính ủy, lại vì một lẽ khác... Vì lúc này anh có rất nhiều điều muốn nói. Anh muốn nói với đồng chí đó... đúng là anh chưa làm xong được một bài thơ, nhưng hiện nay anh đã có khá nhiều bài thơ mới ở trong tâm hồn. Chưa bao giờ Tuấn nhìn thấy được nhiều những điều bí mật kỳ diệu để làm một bản anh hùng ca như lần này. Anh còn chưa hiểu hết, nhưng anh đã bắt đầu nhìn ra rồi.
Khi còn đang chờ đợi quyết định của trên cho ra đơn vị chiến đấu một vài người bạn đã đến khuyên Tuấn nên ở lại văn công. Họ nói là anh thích làm thơ, anh cần sống và làm việc ở những nơi có sinh hoạt nghệ thuật. Tuấn đã viện ra một số lý lẽ để cãi với họ, là chính bởi vì muốn làm thơ cho hay nên anh cần phải xuống đơn vị chiến đấu. Tuấn cần phải tự mình nhìn thấy những con người, những sự việc những khung cảnh hùng tráng. Tất cả những cái đó chính là những chất liệu của thơ mà ở đây không có. Anh còn một ước ao khác mà anh không nói ra với họ, anh muốn được làm một bài thơ trong đó cái "tôi" là một người cầm súng chiến đấu. Dù sao, những điều của anh nói ngày đó cũng chỉ mới là những suy luận. Nhưng bây giờ sự thật đã đem lại cho anh hơn thế rất nhiều...
Chưa bao giờ Tuấn được sống trong một thời gian ngắn những phút thật sôi nổi, phong phú như những ngày qua. Anh hiểu thế nào là một cuộc chiến đấu với mọi vẻ kỳ lạ của nó. Anh nhìn thấy rõ bộ mặt dữ dội của nó, anh đã thấy rõ những đồng chí, đồng đội của anh đã vượt qua những móng vuốt ghê gớm của nó như thế nào. Anh được nhìn tận mắt những con người anh dũng và đôi lúc cả những kẻ ươn hèn. Anh thấy được cái sức mạnh kỳ lạ của tiếng gọi của Đảng, của lòng yêu nước, của ý chí quyết thắng... đã đưa hàng ngàn vạn con người vượt qua những hiểm nghèo của cuộc chiến tranh. Bây giờ anh mới được nhìn thấy rõ là khi vào cuộc những con người có thể sống như thế và làm việc như thế. Anh đã biết thế nào là sự tủi nhục khi nhiệm vụ không làm tròn và niềm vinh quang khi chiến thắng. Và sau nữa, nhưng riêng với anh là to lớn hơn cả, ấy là những biến chuyển trong con người của chính anh.
Không bao lâu nữa, những lớp cỏ xanh, cả những bông hoa riềng tươi thắm kia, sẽ xóa hết những dấu vết ác liệt của quả đồi A1 ngay dưới cả ánh mặt trời, như lúc này Tuấn nhìn thấy nó hiền lành nằm chìm trong ánh trăng và sương đêm. Người ta sẽ khó mà hình dung được nó như trong những ngày vừa qua. Nhưng anh, anh đã là một người may mắn được biết nó khi nó là cái cửa ải cuối cùng trên đường anh đi đến đây. Máu của những người đồng chí đã thấm trên mảnh đất này. Mỗi tấc đất đó đều chứa đựng buồn vui của anh, và đã trở thành những mảnh tâm hồn của anh.
Ngày xưa, anh đã ước mơ sẽ đem cả cuộc dời của mình ra để tạo nên những bài thơ, không cần nhiều, có khi chỉ là một tập thơ nhỏ thôi, nhưng mỗi lời thơ phải mang tâm huyết của anh. Lúc này, rõ ràng là anh đang thực hiện đúng điều ước mơ đó. Những điều mà anh còn cảm thấy là mơ hồ khi viện ra để tranh luận với các bạn ngày trước, đã trở thành sự thật. Đúng là, muốn ca ngợi được những cái đẹp của cuộc chiến đấu này thì trước tiên phải là một người trong cuộc phải là một người đứng trong đội ngũ chiến đấu. Anh đã bước đầu làm được điều đó, anh đang đi cùng họ những bước đầu tiên. Qua cái cửa ải cuối cùng kia trước khi đến đây, ngọn lửa chiến đấu đã tôi luyện anh với họ thành một khối rồi. Anh đã kề vai sát cánh cùng họ khi chiến đấu, anh đã vui cái vui, buồn cái buồn của họ.
Buổi chiều nay, cả tiểu đoàn của Tuấn vừa tập trung lại làm lễ đón nhận huân chương. Tuấn bước ra nói chuyện trước mọi người với một niềm vui dào dạt. Chưa bao giờ anh có một niềm vui như thế. Tiểu đoàn của anh vắng đi một số người mà anh sẽ không bao giờ quên được. Nhưng tất cả những người còn lại đứng trước mắt anh, đều lớn bổng lên một cách lạ kỳ. Chưa bao giờ Tuấn nói chuyện với bộ đội một cách thanh thản, thoải mái như lần này. Những lần trước, khi nói chuyện cùng họ, anh thường cảm thấy những lời mình nói chưa thực là của mình; anh còn phải vay mượn. Nhưng chiều hôm nay, anh đã nói với họ những lời nói thực sự là của mình.
Tuấn đã nhiều lần được khen trong công tác. Mỗi lần như vậy, anh đều thấy mình được khuyến khích. Nhưng với sự suy nghĩ nhiều khúc mắc của anh, ít khi anh tự bằng lòng mình. Thực ra, nếu cố gắng, anh có thể làm tốt hơn những cái mình đã làm. Lần này, trước việc cả tiểu đoàn được khen chung, niềm vui trong lòng anh tăng lên gấp bội. Anh tự thấy bằng lòng mình. Anh cũng đang khen ngợi chính bản thân mình và thấy mình xứng đáng được sự khen ngợi chung cùng với những người đang có mặt.
Tuấn thấy những lời mình nói ra không suôn sẻ chút nào. Và những người đồng chí với đôi bàn tay vững chắc lạ thường đã đỡ vực anh trong những lúc lao đao, đã dìu dắt anh đi tới đây, lúc này đang nhìn anh bằng cặp mắt đầy mến thương, tin cậy của những người chiến đấu cùng đội ngũ...
Ồ, tất cả những điều đó mình không thể nói ra với chính ủy trong chốc lát được. Nhưng rồi sẽ có lúc mình nói với đồng chí đó. Trước sau rồi mình cũng sẽ làm được một bài thơ hay. Tuấn tự nói với mình.
Trên dãy đồi khu Đông phía trước vừa bay lên mấy cái pháo hiệu xanh. Đã bao lần nhắc nhở các chiến sĩ không được bắn súng, bắn pháo hiệu mà việc này vẫn cứ xảy ra. Sau những ngày dầm mình trong lửa đạn, đánh đu với thần chết, nhiều khi phải nén cả từ một tiếng ho, mọi người đều cần phải làm một cái gì để bộc lộ niềm vui sướng. Tuấn không cảm thấy bực với họ. Anh lại còn nhìn thấy màu sáng xanh của những chiếc pháo dù thật là dẹp. Đồi A1 sáng hơn lên một chút dưới ánh sáng của những ngọn đèn dù. Thứ ánh sáng xanh này vào lúc im tiếng súng không thể làm cho quả đồi dữ dội hơn. Nhưng với Tuấn thì dù nó ở dưới màu sắc nào, dưới dạng nào, nó cũng không thể làm anh quên được những điều kỳ lạ mà anh đã nhìn thấy trên con đường vượt qua nó để đi đến đây... Rồi đây trong chiến đấu chắc sẽ còn những quả đồi như thế này đứng chặn trên con đường của mình đi, nhưng mình sẽ không dừng lại, mình đã biết rõ là vượt được qua những quả đồi như thế, mình sẽ đi đến đâu... Lần này, ta đã tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mười bảy ngàn quân. Rồi đây, chúng sẽ phải dựng những tập đoàn cứ điểm với bao nhiêu ngàn quân? Và với những tập đoàn cứ điểm như vậy, tất cả quân đội viễn chinh Pháp sẽ dựng được ở Đông Dương bao nhiêu cây số vuông như thế này? Cái câu hỏi vui mừng, phấn chấn đó lại hiện lên trong đầu óc Tuấn như nó đã nhảy nhót từ mấy hôm nay trong đầu óc mọi người...
Một câu nói làm đứt đoạn những suy nghĩ của anh:
- Thưa ông chỉ huy, ông có thể cho tôi xin một que diêm được không?
Tuấn ngoảnh lại thấy một tên lính Pháp, tay quấn băng trắng treo trước ngực, ngồi sau anh tự lúc nào mà anh không biết. Giọng nói của nó có vẻ cầu khẩn, ngại ngùng. Tuấn lẳng lặng móc túi lấy bao diêm đưa cho nó rồi quay đi.
- Thưa ông chỉ huy... tôi đau tay.
Tuấn nhớ ra nó có một tay không thể dùng thứ diêm giấy chiến lợi phẩm này được. Anh lại gần bật một que diêm châm vào điếu thuốc cho nó. Anh thấy mắt tên lính xanh biếc. Mặt nó còn trẻ măng.
- Thưa ông, nếu các ông không vào sớm thì ở đây họ đã cưa của tôi cánh tay này rồi. Ông quan ba bác sĩ của các ông đã ra lệnh cho đốc tờ của chúng tôi... Ồ... nó là một tên đồ tể thì đúng hơn, nó cắt bao nhiêu chân tay rồi mà không chán, ông quan ba bác sĩ của các ông đã ra lệnh cho nó không được cưa và ông ấy đã bó bột cho tôi. Ông xem chỉ ít ngày nữa là cánh tay của tôi sẽ lành.
Tuấn nói bằng một giọng lạnh lùng:
- Đến ngày đó liệu anh có còn cầm súng tiếp tục bắn chúng tôi không?
- Ồ... thưa ông... không bao giờ, không bao giờ, thưa ông.
Cặp mắt xanh biếc của nó ánh lên một cái gì như dấu hiệu của sự thành thật.
Tuấn ngồi nói chuyện một lúc với tên lính.
Từ năm 1950 trở về đây, trong những lần đưa đoàn văn công đi phục vụ bộ đội ở các chiến dịch, Tuấn thường gặp những tên lính như thế này. Chúng bao giờ cũng tỏ ra mềm dẻo, khôn khéo, tránh làm phật ý bộ đội ta. Nhưng không phải vì vậy mà chúng không tìm cách này, cách khác để tỏ ra chúng rơi vào tay ta vì bị đánh bất ngờ, hoặc vì chúng chỉ là một đồn binh nhỏ, đóng lẻ loi, bị tràn ngập bởi số dông. Chúng không thể tin rằng một đội quân châu âu hiện đại lại có thể thua những người du kích bé nhỏ, gày gò, đội mũ lá, đi chân đất, chưa biết đến cả động tác đi đều và cách chào hỏi theo kiểu nhà binh. Câu nói gần tám chục năm trước của một viên tướng tổng chỉ huy quân đội viễn chinh vẫn còn vang bên tai chúng: "Các anh hãy nhớ lấy từ khi trái đất tồn tại, chưa bao giờ một quân đội trên lục địa châu Á lại có thể phá vỡ được một vị trí đã bị một quân đội châu Âu chiếm giữ".
Quả thật là từ khi cuộc kháng chiến bắt đầu, trong mười năm qua, với những trang bị vũ khí kém hẳn quân địch, ta chỉ toàn dành cho chúng những vố bất ngờ, những trận phục kích, tập kích, trừ một số trận diễn ra nhanh chóng ban ngày, ta thường xuất hiện trong đêm và biến đi trước khi trời rạng sáng. Đến trận Điện Biên Phủ này, lần đầu quân đội ta ngang nhiên mặt đối mặt với quân địch trong một trận đánh dài ngày tại một chiến trường do chính chúng lựa chọn với ý định "nghiền nát" quân đội ta. Không phải chỉ riêng bộ chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp mà cả "thế giới tự do" đặc biệt là đế quốc Mỹ, đã tìm mọi phương sách để cứu nguy cho đoàn quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, nhưng cuối cùng, chúng vẫn cứ thua.
Lần này, những tên lính bị bắt, kể cả tên đang ngồi trước anh, không còn tìm cách thanh minh về thất bại của chúng ở đây. Tuấn nhận thấy tự đáy lòng chúng, chúng đã thú nhận là chúng đã thua.
Tuấn để tên lính ngồi đó, đứng lên đi chỗ khác. Anh bước chầm chậm giữa những viên đạn vàng chóe rơi vãi khắp trên dọc đường. Bao nhiêu đồng chí của anh đã ngã vì những thứ được chế tạo tinh vi đẹp đẽ như thế này! Trong tay bọn chúng nó, những phát minh mới nhất của khoa học còn đang được dùng vào việc làm nên những thứ để giết người... Đêm nay, những đồng chí của anh đang đổ tâm não, mồ hôi và những thứ thuốc hiếm hoi của bộ đội vào việc chạy chữa những vết thương cho kẻ địch. Nhưng liệu khi những vết thương kia lành, chúng có từ bỏ việc tiếp tục cầm súng bắn anh và các đồng chí của anh không?...
Có những tiếng cười giòn giã từ phía trước vang lại. Tuấn đi lại nơi có ánh lửa, lố nhố bóng người. Mấy chiến sĩ đang ngồi quây quanh một cụ già dân công, Tuấn cũng sà vào ngồi cạnh đống lửa.
Một chiến sĩ mặt láu lỉnh, răng trắng bóng, nói:
- Bố ơi? Bố đun nước thế này không sợ "Hen-cát" nó cù cho à?
Tuấn để ý nhìn, nhận ra ông cụ bắc bếp nấu nước ngay trước mũi một chiếc máy bay đổ bẹp rúm. Cảnh này gợi cho anh một ý nghĩ vui vui.
- Nó cù thì sẵn nước sôi đây các anh làm lông nó luôn. Ấy chỉ có dân công đi chiến dịch Điện Biên Phủ này mới được lắm cái sướng... Chiều hôm kia, một anh lái xe thồ trong bọn chúng tôi được bắt tay Đại tướng đấy! Tôi với anh ta đang ngồi dưới sông vo gạo thì có một người đội mũ "cát", đi đôi ủng đen qua cầu Mường Thanh. Mình chưa biết là ai, nhưng nó trẻ tinh mắt nhận ngay ra là Đại tướng. Anh ta vứt luôn cả nồi cả gạo dưới bờ sông, chạy lên đón đường. Rồi anh ta chìa luôn tay ra nói: "Anh cho em bắt tay anh một cái", Đại tướng cười nắm tay anh ta rồi còn khen: "Các đồng chí xe thồ chiến dịch này khá lắm!". Cậu ta sướng quá, chạy xuống kể lại với tôi. Mình ngồi nghe cứ tiếc ngẩn người. Lúc ấy mà tôi biết là Đại tướng thì tôi cũng chạy lên.
Nhìn bộ mặt cụ già khi nhắc lại chuyện này còn ngẩn ngơ, mọi người đều cười. Một chiến sĩ nói:
- Chúng cháu cũng tiếc hộ cụ đấy!
Một người khác hỏi:
- Cụ lên đây đã lâu chưa?
- Lên được hai tuần thì các anh nổ súng Trần Đình.
- Cụ ở tỉnh nào?
- Đông Anh, Vĩnh Phúc. Tôi ở xã Nam Hồng.
Thấy các chiến sĩ vẫn thản nhiên, cụ hỏi lại:
- Các anh có biết xã Nam Hồng không? Không biết à? Ồ... nếu không ai biết thì các anh đồng chí là bộ đội đóng ở miền ngược rồi. Bộ đội ở trung du, hậu địch thì ai cũng phải biết tiếng xã Nam Hồng. Xã tôi ấy à ba bề bốn bên toàn là bốt địch, nhưng vẫn tự do. Địch về không bao giờ đóng lâu được qua ba ngày. Tám năm kháng chiến, dân tôi chưa chịu tề một ngày nào. Nó làm dữ lắm! "Dê-em", tàu bò, lội nước nó càn đi càn lại như ta bừa đám mạ ấy. Làng tôi trước kia, cây cối xanh như rừng, bây giờ cũng đỏ hon hỏn như cái đồn Điện Biên này. Thế mà dân tôi vẫn cứ ở được, vẫn giết được giặc, chiến dịch vẫn góp được người được của với Chính phủ không chịu thua kém bà con hàng huyện, hàng tỉnh, các anh bảo dân tôi có cứng không nào?
Cụ già tháo chiếc khăn mặt buộc tùm hum trên đầu. Những sợi tóc vuốt ngược chắc ngày xưa tốt lắm, bây giờ đã gần trắng hết. Ánh lửa soi rõ những đường răn đánh võng hai bên mang tai.
- Tôi ở nhà cũng vào du kích! Cũng mấy thâm niên du kích rồi. Bắn súng to thì tôi thua các anh, nhưng đánh mìn, đánh chông thì ở đây ít anh ăn được tôi... Xong trận Điện Biên này thì các anh về xuôi chứ? Về với dân tôi! Tôi lại đi với các anh. Tôi sẽ cố sống lấy vài chục năm nữa với các anh. Kìa nước sôi rồi!
Cụ già quờ quạng bàn tay to hằn những đường gân, định tìm một thứ gì lót tay. Một chiến sĩ đã nhanh nhẹn nhích lại bên bếp, lùa hai thanh gỗ nhỏ, nhấc chiếc vỏ hộp bánh chiến lợi phẩm đầy nước, đặt xuống đất.
Câu chuyện giữa cụ già dân công với các chiến sĩ làm cho Tuấn vui hẳn lên. Cụ già này ở xã Nam Hồng. Hai tiếng "Nam Hồng" quen quen, hình như Tuấn đã nghe ai nói một đôi lần... Tuấn ngồi ghé lại bên cụ dân công, nhìn vào cặp mắt đục lờ nhưng vẫn nhấp nhánh một niềm vui của cụ, rồi hỏi:
- Năm nay cụ thọ bao nhiêu rồi?
- Anh hỏi tuổi tôi à?.. Cảm ơn anh. Ờ ờ...
Sáu chục xuân thu, người vẫn khỏe
Một con bộ đội sử ghi công.
Tuổi tôi đấy! Năm nay ăn Tết chiến dịch, tôi vừa gánh gạo cho các anh vừa nghĩ hai vế câu đối chơi. Tôi năm nay tuổi thực thì sáu mươi hai, nhưng trong câu đối tôi chỉ lấy sáu chục thôi. "Sáu chục xuân thu, người vẫn khỏe...". Các anh trông tôi có khỏe không nào? Suốt từ khi đi phục vụ chiến dịch đến giờ, tôi không bỏ buổi nào, trời tạnh cũng như trời mưa, cứ đều đều trên vai ba mươi ký. Thanh niên nhiều người gánh khỏe hơn. Nhưng tôi, tôi cứ lấy mức ấy thôi. Có nhiều anh chưa già cũng lấy nê già, chưa yếu cũng kêu rằng yếu, muốn đòi con cái đi phục vụ về giúp đỡ mình. Tôi thì tôi khỏe, tôi cứ nói là tôi khỏe. Ờ ờ... "Một con bộ đội sử ghi công..." Chữ "sử" là to lắm! Việc đời cái gì hay nhất mới đưa vào sử. Tôi chỉ có một đứa con trai, tôi cho nó đi từ năm nó mười sáu tuổi đến giờ. Tôi còn khỏe, Đảng cần nó đi, nó cứ đi. Ai hỏi con tôi công tác gì? Cấp bộ gì? Tôi không cần phô trương. Tôi chỉ nói nó là Trần Quách Cương, ở bộ đội. Thế thôi... Thế là vinh dự lắm rồi! Nào các anh, mỗi người chúng ta làm ngụm nước cơm cháy liên hoan nào. Ngon hơn chè Chính Thái ướp sen đấy...
Tuấn giương to mắt nhìn cụ già. Anh ngồi lặng đi một lúc. Nên nói với cụ như thế nào đây? Nhưng không thể không nói điều đó với cụ! Anh sẽ nói hết với cụ, người con yêu độc nhất của cụ đã chiến đấu như thế nào... Anh tin rằng cụ sẽ chịu đựng được. Anh nắm lấy bàn tay to và xương xẩu của cụ rồi nói:
- Cháu ở cùng đơn vị với đồng chí Cương... Đêm nay, cháu sẽ đón cụ về đơn vị chơi với chúng cháu. Cụ sẽ coi tất cả chúng cháu như con trong nhà. Cháu sẽ nói chuyện với cụ nhiều... Nhất định rồi chúng cháu sẽ về trung du, về xã Nam Hồng cùng cụ.
Vừng trăng lưỡi liềm như một con thuyền bập bềnh trôi trên nền trời, những đám mây đen dông bão đã chuyển sang màu sáng bạc. Ánh trăng đêm nay chuốt xuống những người ngồi quanh đống lửa một màu đẹp lạ lùng.
Cuộc tấn công ở khu Đông bắt đầu khi những cành ban trút lá để đơm hoa. Đêm nay hoa ban vẫn nở trắng rừng Tây Bắc.
Viết xong lần đầu 17-4- 1961
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng