A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Mark Haddon
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Ace Lê
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 204 / 8
Cập nhật: 2020-01-25 21:18:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Máy Bộ Đàm
harlie đã lên kế hoạch tỉ mỉ như một tên trộm nhà băng thực thụ.
Nó sẽ tranh thủ giờ giải lao lẻn vào phòng giám hiệu và gắn cái máy bộ đàm xuống dưới một chiếc ghế. Buổi họp giáo viên hằng tuần sẽ diễn ra ngay sau giờ tan trường. Và khi sân trường đã vắng vẻ, chúng tôi sẽ lẻn vào nấp trong phòng thể chất, bắt sóng từ cái bộ đàm thứ hai.
Nếu các thầy cô không nói gì nghĩa là tôi trắng án, và hai đứa tôi sẽ đi đổ nước xốt mayonnaise vào mũ bảo hiểm xe máy của Becky. Còn trong trường hợp họ nhắc tới việc tống cổ tôi đến Fenham thì đã đến lúc tôi chong đèn lên cày bài tập về nhà ba tiếng mỗi tối và đi mua quà biếu tất tần tật các thầy các cô không sót vị nào.
Tất nhiên kế hoạch này vẫn còn có nhiều kẽ hở. Nhỡ đâu các thầy cô bận bàn nhiều chuyện quan trọng hơn chuyện của tôi. Nhỡ đâu họ đã bàn từ tuần trước rồi. Thật lòng mà nói, tôi nghĩ Charlie háo hức đột nhập vào phòng giám hiệu hơn là quan tâm xoa dịu nỗi lo của tôi.
Nhưng tệ nhất là khả năng bị ông bảo vệ phát hiện. Năm ngoái, lúc ông McLennan bắt quả tang hai đứa sinh đôi nhà Patterson trong phòng thể chất, ông ấy cứ dửng dưng làm bộ như chẳng nhìn thấy ai sất và nhốt béng hai đứa nó trong đó suốt một đêm. Ông suýt bị sa thải nhưng cuối cùng cô hiệu trưởng lại phán rằng giao việc trông coi trường học cho một ông điên nguy hiểm sẽ làm bọn học sinh phát sợ mà giảm bớt tần suất phá hoại của công.
Mặt khác, nếu không làm vậy tôi cũng đâu còn cách gì khác nữa? Tự tôi chẳng thể nghĩ ra bất cứ kế hoạch thiên tài nào cả, và ít nhất đây cũng là một việc tích cực. Làm việc tích cực, như mẹ thường dạy, thì lúc nào cũng tốt. Tốt hơn nhiều so với ngồi rầu rĩ cả ngày. Như một thành viên nào đó trong gia đình tôi.
Bên cạnh đó, lại còn có hai người muốn xử đẹp tôi nữa chứ. Một bà nội trợ múa kéo tỉa cây và một gã lái mô tô có món kung fu chết người. Một người lấy nhà Charlie làm sào huyệt còn người kia thường xuyên tá túc tại căn hộ nhà tôi. Thế nên xét toàn diện thì phòng thể chất có vẻ lại là nơi an toàn hơn cả.
o O o
Sáng hôm sau, tôi hẹn Charlie ở cổng trường ngay trước giờ tập trung. Bàn tay phải của nó quấn một dải băng trắng toát to đùng, lại còn có mấy vệt máu mờ rỉ thấm qua đó. Một cảnh tượng kinh hoàng chợt bay vụt qua đầu tôi.
“Chúa ơi!” tôi thốt lên. “Mẹ cậu cắt mất ngón tay cậu rồi.”
“Hả?”
“Bằng cái kéo tỉa cây.”
“Không, không, không,” Charlie lắc đầu cười ngặt nghẽo. “Mẹ tớ chập cheng thật nhưng chưa điên tới mức đó. Là tớ cố trốn ra ngoài đấy chứ, nhảy qua bậu cửa sổ và nháo nhào trèo xuống cái thang dây. Tớ nghĩ khi nào mẹ hạ hỏa thì sẽ quay về.”
“Nhưng mẹ cậu đã cắt đôi cái thang rồi còn gì.”
“Thì lúc đấy mới phát hiện ra.” Nó giơ hai bàn tay đầy thương tích lên. “Thế là hạ cánh xuống đống chậu cây cảnh cũ.”
“Ghê quá.”
“Thế còn may đấy,” nó nói. “Ngay sát cạnh đấy là một cái hộp đựng toàn đồ làm vườn cơ.”
o O o
Đầu giờ sáng hôm đó là tiết Vật lý của thầy Kosinsky. Thầy Kosinsky cứ đinh ninh mình pha trò hài hước lắm. Lũ chúng tôi lại thấy thầy hệt như một con bọ que mang toàn những đôi bít tất dị hợm. Bít tất lúc nào cũng lộ ra vì quần thầy ngắn ngủn. Sáng nay thầy vận một đôi, chi chít các hình ông già tuyết nhỏ xíu.
“Thật là quá đã. Những bộ óc lớp Bốn vĩ đại,” thầy vừa nói vừa thoăn thoắt cởi cái áo khoác ra choàng lên lưng ghế. “Nào, lần trước ta học đến đâu rồi nhỉ? Có phải vai trò của các hạt vật chất và hạt truyền tương tác trong lý thuyết trường lượng tử?”
“Lực hấp dẫn, thưa thầy,” Mehmet lên tiếng. “Ta đang học về lực hấp dẫn ạ.”
“À đúng rồi, tôi nhớ nhầm,” thầy Kosinsky khoan khoái thả tấm thân lêu nghêu xuống ghế. “Bây giờ ai tóm tắt cho tôi nội dung buổi học hôm thứ Hai nào?”
Dennis bèn gióng thẳng tay lên và bắt đầu thao thao kể cho cả lớp về Isaac Newton và vận tốc thoát ly và giải thích tại sao đi vệ sinh trong tàu vũ trụ lại khó khăn đến thế.
Tôi nhìn vào mắt thầy Kosinsky. Liệu thầy có nghĩ tôi là một đứa đầu óc ngu si tứ chi phát triển không nhỉ? Có thật là thầy không thể chịu được việc dạy dỗ tôi nữa không? Thầy có phải loại người chuyên đuổi học con nhà người ta không?
Tôi liếc nhìn Megan Shotts. Như thường lệ, con bé ngồi ở hàng cuối, tay cầm con dao nhíp đẽo đẽo mấy mẩu gỗ từ cái bàn học ra. Megan chuyên nện nhừ tử mấy thằng nhỏ hơn trong sân chơi. Nó còn đập vỡ hai cái gương chiếu hậu trên xe ô tô của cô Benton. Mùa hè vừa rồi, nó thả châu chấu bay hết khỏi phòng thí nghiệm sinh học, một con bay cả vào hộp đựng bữa trưa của tôi. Tôi cũng biết thỉnh thoảng mình hay phá bĩnh. Nhưng tôi chỉ đáng xách dép cho con nhỏ Megan thôi.
Tôi đảo mắt qua bên kia. Barry Griffin. Năm ngoái, thằng nhóc này giơ tay xin trả lời vài câu hỏi, nhưng đều sai tóe loe, từ đó trở đi nó im thin thít như con gấu ngủ đông. Tiết học nào nó cũng nhìn vào khoảng không xa xăm, bất động vô hồn, y hệt người đang đeo tai nghe nhạc. Duy có điều nó chẳng có cái tai nghe nào cả, thay vào đó là đôi chân ngắn lũn chũn và hai tay dài loằng ngoằng. Nhìn nó tôi lại cứ ngỡ nhìn thấy người tiền sử. Đứng cạnh Barry tôi trông ngon lành như một phi hành gia vũ trụ NASA.
Vậy làm sao lại là tôi chứ không phải là hai đứa kia bị tống sang cái trường thiểu năng đó? Becky chắc hẳn đã bịp tôi rồi.
“Trái đất gọi Jim, nghe rõ trả lời.”
Tôi ngước nhìn thầy Kosinsky lúc này đang đứng ngay cạnh bàn tôi.
“Dạ?” tôi hỏi.
“Thủy triều, Jim ạ. Vì đâu mà có thủy triều?”
“Ơ...” tôi lúng ba lúng búng.
Thầy Kosinsky cúi xuống nhìn vào lỗ tai tôi. “Thật kỳ khôi. Tôi nhìn thông thống được cả sang bên kia.”
Cả lớp cười rần rần.
“Vì đâu mà có thủy triều hả cậu Jim?” ông thầy lặp lại câu hỏi. “Có phải chăng là do lực hấp dẫn từ mặt trời?”
“Dạ chắc là đúng ạ,” tôi rụt rè đáp.
“Hay là do một con cá khổng lồ có tên Brian?”
“Dạ chắc không đâu ạ,” tôi trả lời.
“Này cậu Jim,” ông thầy thở dài trong khi quay lại bục giảng, “đôi lúc tôi tự hỏi không biết cậu tốn công đi học làm gì.”
Tim tôi thắt lại. Thôi có khi Becky nói đúng mất rồi.
o O o
Sau giờ ăn trưa, tôi lảng vảng ngoài cửa phòng giám hiệu, theo dõi Charlie hành sự. Với cái bộ đàm cất ngay ngắn trong túi áo khoác, nó đưa tay gõ cửa văn phòng. Cửa mở và thầy Kidd ló ra với cái miệng nhồm nhoàm bánh cuộn xúc xích, tay cầm quyển tạp chí Xe gì?.
Thầy Kidd dạy môn mỹ thuật. Thầy chẳng hợp với công việc giáo viên chút nào. Nhìn thầy cứ như thể vài năm trước thầy đi lạc vào một ngôi trường và không cách nào tìm được lối ra. Cà vạt xộc xệch, tay áo lúc nào cũng xắn lên nhăn nhúm và gương mặt luôn phảng phất nét gì u ám. Tôi nghĩ chắc thầy chỉ ước ao được về nhà xem kênh Thể thao Trên không và nhâm nhi một lon bia Đức. Nhưng phải nói là thầy vẽ ngựa rất giỏi. Mà những con ngựa thì cực kỳ khó vẽ.
“Thưa thầy,” Charlie lên tiếng. “Cho em vào nói chuyện với thầy vài phút được không ạ?”
“Em đứng...” Thầy Kidd nuốt ực đống bánh cuộn xúc xích trong miệng. “Em cứ đứng ngoài đó nói được không?”
“Dạ là chuyện riêng tư thầy ạ,” Charlie đáp.
“Thế à, thôi được, thôi được,” thầy Kidd đồng ý, tay vẫy quyển tạp chí đưa Charlie vào phòng.
Vài phút sau Charlie trở ra hành lang, nhìn tôi cười nhăn nhở.
“Xong xuôi rồi chứ?” tôi hỏi.
Nó quàng tay vỗ vai tôi khi hai đứa rảo bước đi. “Có những lúc tớ thấy mình tài ba quá xá, đến bản thân còn phải ngạc nhiên!”
“Thế chuyện gì riêng tư đây?”
Nhưng đúng lúc này thì chuông reo.
“Lát tớ kể cho,” Charlie nói, và chúng tôi quay lại lớp học.
o O o
Chiều hôm đó, chúng tôi được cô Pearce giảng về Cách mạng Công nghiệp. Máy dệt đa sợi. Động cơ hơi nước của Watt. Trẻ con bị bắt chui xuống lao động dưới hầm mỏ. Nói là chúng tôi nghe giảng, nhưng thực ra là cả lớp, trừ tôi. Tôi ngồi cuối lớp, trong đầu chỉ lởn vởn chuyện bị quẳng đến Fenham, bị Mặt Rỗ hành hình và nhận ra rằng so với hai chuyện này thì việc chui xuống hầm mỏ còn tốt chán.
o O o
Sau giờ tan trường, chúng tôi la cà chừng mười phút rồi lẻn vào phòng thể chất. Charlie lôi từ trong cặp ra cái bộ đàm thứ hai và bật nó lên, lúc này chúng tôi đã chính thức trở thành điệp viên do thám các thầy cô.
Trong vài phút đầu, đây đúng là việc hay ho nhất tôi từng làm. Nhưng chỉ khoảng mười lăm phút sau thì nó nhanh chóng trở thành công việc tẻ nhạt nhất đời. Họ nói về số tiền 400 bảng dự định dùng mua sách mới cho thư viện. Họ nói về buổi tập phòng cháy chữa cháy. Họ nói về những nhà thầu chuẩn bị được thuê đổ lại nhựa đường cho sân chơi. Họ nói về chị thư ký đang nghỉ dưỡng thai. Họ nói về nhà vệ sinh cho giám hiệu bị hỏng bộ phận xả nước.
Tôi bắt đầu hiểu tại sao thầy Kosinsky lại hay đi bít tất dị hợm. Có lẽ việc chọn xem hôm nay mang đôi tất nào là phần ly kỳ nhất trong một ngày của thầy.
“Tiện đây nói luôn,” giọng thầy Kidd rèn rẹt trong bộ đàm, “giờ ăn trưa hôm nay Charlie Brooks đến gặp tôi. Chắc các anh chị cũng thấy tay trò đó bị băng bó rồi.”
Cả phòng xôn xao bàn tán.
“Kìa, họ đang nói về cậu đấy,” tôi suỵt Charlie.
“Ssssuỵt!” nó suỵt lại tôi.
“Hóa ra,” thầy Kidd tiếp tục, “trò đó bị con chó hàng xóm cắn. Có vẻ là giống hung tợn đấy. Tội nghiệp cậu bé suýt bị mất mấy ngón tay. Bố mẹ phải đưa vội trò đó vào bệnh viện.”
“Cậu bị gì cơ?” tôi lắp bắp quay sang Charlie.
Nhìn nó mới tự đắc làm sao.
“Thế nên mấy ngày này các anh chị nương tay cho trò đó một chút,” thầy Kidd nói.
“Nghe giọng trò đó có vẻ vẫn còn bị sốc nặng lắm.”
Những tiếng tán thành lẩm bẩm vang ra từ chiếc bộ đàm nhỏ màu đen.
Tôi liếc qua Charlie. “Chiêu này ‘trình cao’ thật.”
Charlie chỉ mỉm cười và nói, “Đấy, còn cậu nữa, có vẻ như cũng được an toàn rồi.”
“Chắc không đâu,” tôi đáp.
“Việc gì quan trọng hơn?” Charlie hỏi. “Việc đuổi học cậu hay việc nhà vệ sinh xả nước yếu? Nếu cậu bị đuổi học kiểu gì họ chả phải bàn đến.”
“Cậu nói cũng đúng,” tôi đồng tình.
“Thế nào,” Charlie nói, “khi nào ta đi đổ mayonnaise vào mũ bảo hiểm của Becky đây?”
“Giờ nghĩ kỹ tớ thấy đó chưa chắc đã là trò hay.” Tôi đứng dậy. “Tớ không muốn chọc cho Mặt Rỗ điên thêm nữa.”
Trong phòng giám hiệu các thầy cô đang đẩy ghế lùi ra, cất đồ vào cặp và đi về nhà.
“Cho họ thêm năm phút nữa để giải tán,” Charlie vừa nói vừa duỗi cẳng chân, miệng ngáp dài. “Thế là mặt trận sạch bóng và bọn mình có thể đường ai nấy đi.”
Chính vào cái giây phút đó đã diễn ra một sự kiện hết sức kỳ lạ. Tôi nhặt cái bộ đàm lên chuẩn bị tắt nó đi thì một giọng phụ nữ vang lên, “Bretnick.”
Tôi lắc lắc cái máy, nghĩ bụng chắc một sợi dây bên trong bị lỏng ra.
“Toller bandol venting,” một giọng nam giới đáp trả.
“Charlie,” tôi thì thầm. “Nghe xem này.”
Nó bước tới và cúi xuống, vừa kịp nghe người phụ nữ nói, “Loy. Loy garting dandle. Nets?”
Miệng chúng tôi há hốc, mắt mở to trừng trừng.
“Zorner.”
“Zoner ment. Cruss mo plug.”
“Bo. Bo. Tractor bonting dross.”
“Cậu có nghe thấy những gì tớ vừa nghe không?” Charlie hỏi.
“Có chứ. Nhưng ai đang nói đấy nhỉ?”
Charlie chăm chú nghe. “Là cô Pearce.”
“Wendo bill. Slap freedo gandy hump,” cô Pearce nói.
“Chúa ơi, cậu nghe đúng đấy. Còn người kia là ai?” Tôi vặn loa to lên và tập trung cao độ.
“Zecky?” Giọng người đàn ông cất lên. “Spleeno ken modernmill.”
“Là thầy Kidd,” tôi nói.
“Tớ nghĩ đầu tớ sắp nổ tung mất,” Charlie nói.
“Đợi tí...” tôi gạt lên gạt xuống từng công tắc một trên cái máy bộ đàm. Tôi tháo pin ra rồi lại tra vào. Vẫn là những tiếng đó vang lên. Thầy Mỹ thuật và cô Lịch sử của chúng tôi đang đứng giữa phòng giám hiệu không người mà lải nhải “Tractor bonting dross,” và “Slap freedo gandy hump” với nhau một cách tự nhiên không thể tưởng được.
“Gasty pencil,” cô Pearce nói.
“Spudvetch!” thầy Kidd thốt lên.
“Spudvetch!” cô Pearce lặp lại.
Có tiếng hai cái ghế bị đẩy ra sau, bốn chiếc giày lạch cạch trên sàn nhà, cửa mở ra lại đóng vào, rồi im lặng.
Charlie và tôi quay qua nhìn nhau, nhướng lông mày cùng một lúc. Chúng tôi không nói được câu nào. Mà cũng không cần nói. Chúng tôi đang suy nghĩ về cùng một thứ.
Thôi quên béng Fenham đi. Một chuyến phiêu lưu đang chờ phía trước. Một chuyến phiêu lưu trên chiếc tàu trăm tấn chạy bằng năng lượng nguyên tử, có ghế dựa nằm và tủ chứa đồ ăn vặt. Và con tàu đang tiến vào trạm khởi hành ngay lúc này đây.
Bùm Bùm - Mark Haddon Bùm