The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Nguyên tác: “Генеральный Штаб В Годы Войны”
Dịch giả: Trần Anh Tuấn
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2840 / 59
Cập nhật: 2016-06-04 04:54:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Dành Cho Những Người Chiến Thắng Và Các Anh Hùng
ảng và nhân dân ngợi khen những người con xứng đáng. – Bàn về những phần thưởng hàng đầu và những chiến sĩ có công đầu. – Nhật lệnh chào mừng đầu tiên. – Loạt súng chào ở Mát-xcơ-va, lịch sử và sự kế tục truyền thống. – Duyệt binh Chiến thắng. – Tiệc ở Cung lớn điện Crem-li. – Vài lời về những vị chỉ huy quân sự.
Việc gì cũng có lúc phải kết thúc và tôi đã đi tới phần cuối tập hồi ký của mình viết về bốn năm chiến tranh. Tôi mong muốn được kết thúc tập hối ký này bằng những dòng chữ nói về những con người đã lấy ngực mình ra bảo vệ Tổ quốc Xô-viết
Vì lẽ ấy mà đã có chương này, hơi khác với các chương khác đôi chút. Trong chương này, hồi ức của tác giả quyện chặt với những tư liệu giới thiệu rõ nét việc Đảng và Chính phủ đã ghi công một cách xứng đáng chiến công của các anh hùng và những người chiến thắng. Tôi lại phải tham khảo những tư liệu có nói tới Bộ tổng tham mưu và trong chừng mực nào đó, đã phản ánh một phần những công việc hàng ngày của Bộ tổng tham mưu.
Chúng tôi, trong Bộ tổng tham mưu, khi xây dựng kế hoạch các chiến dịch, theo dõi diễn biến và phân tích kết cục các chiến dịch ấy, đã tiếp xúc với đông đảo quần chúng bộ đội với khả năng chiến đấu của các tập đoàn chiến dịch lớn mà ta cần phải sử dụng tốt nhất đế chiến thắng quân thù theo đúng tất cả những nguyên tắc và quy luật của chiến tranh. Dường như ở đây khó mà có thể lo nghĩ được tới từng người một. Mới nhìn, thì Bộ tổng tham mưu là một cơ quan cách xa người chiến sĩ và người chỉ huy đơn vị.
Không có gì phải tranh luận nữa, đúng là giữa các đơn vị bộ đội với Bộ tổng tham mưu có những điểm khác nhau về tình hình và đặc điểm hoạt động. Và, tất nhiên lại còn khác xa nữa. Nhưng, trong thực tế thì giữa bộ đội với Bộ tổng tham mưu lại không có gì ngăn cách.
Ở đây ta không đề cập tới vấn đề sâu xa của triết học về vai trò con người trong chiến tranh, nhưng tôi cần phải nói là chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy thấm thía rằng mọi dự định và kế hoạch của chúng tôi, rốt cuộc phải phụ thuộc vào người chiến sĩ xô-viết, phụ thuộc vào khát vọng chiến thắng kẻ thù của họ. Qua những dòng chữ ít ỏi trong các thông báo tác chiến và báo cáo chiến đấu ngắn gọn, cuộc sống đã nhắc nhở chúng tôi hàng ngày nhớ đến những điều ấy Những khái niệm như “gan dạ”, “dũng cảm”, “anh hùng” mà Bộ tổng tham mưu hằng cảm thụ được, như sờ thấy, như trông thấy, cả bằng mắt lẫn bằng tay.
Ngày 24 tháng Sáu 1941, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sán (b) toàn Liên bang đã quyết nghị thành lập Phòng Thông tin Liên Xô, một cơ quan thông tấn riêng về tình hình các mặt trận và tinh thần dũng cảm của bộ đội ta. Nhiều nơi gửi tài liệu đến đây và một trong nhưng nơi đó là Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu. Đảng giao cho chúng tôi trách nhiệm chuẩn bị tài liệu cho Phòng Thông tin Liên Xô củng cố mối liên hệ giữa chúng tôi với bộ đội thêm chặt chẽ, buộc chúng tôi phải chú ý đến con người đang xông lên chiến đấu vì Đảng và sẵn sàng xả thân vì tự do, độc lập của đất nước thân yêu của mình và của nhân dân mình.
Mặc dầu tình hình trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh rất gay go, Đảng vẫn không quên thưởng công cho các anh hùng. Ngay trong những trận chiến đấu đầu tiên chống bọn phát-xít Đức xâm lược. Xô-viết tối cao Liên Xô đã tặng thưởng huân chương và huy chương cho những quân nhân có thành tích xuất sắc, và một số quân nhân lập nên những chiến công vẻ vang nhất đã được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Liên Xô.
Nhưng. thủ tục khen thưởng áp dụng trong thời bình đã tỏ ra không phù hợp với thời chiến, với đặc điểm của tập thể quần chúng anh hùng. Vi vậy, Đoàn chủ tịch Xô-viểt tối cao đã ra sắc lệnh ngày 18 tháng Tám 1941 sửa đổi thủ tục ấy. Hội đồng quân sự các phương diện quân, các hạm đội và các tập đoàn quân độc lập được quyền thay mặt cơ quan tối cao của chính quyền nhà nước trao huân chương và huy chương trực tiếp trong quân đội đang tác chiến, tại vị trí công tác của những quân nhân được khen thưởng.
Nhưng biện pháp này cũng vẫn còn chưa tốt vì phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi văn kiện khen thưởng từ đơn vị đến Mát-xcơ-va và từ Mát-xcơ-va trở về đơn vị. Từ ngày 22 tháng Mười năm ấy, các hội đồng quân sự không những chỉ được quyền trao tặng, mà còn được quyền thay mặt Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô tự xét lấy việc khen thưởng. Sau này, để khỏi sót những người xứng đáng mà chưa được khen thưởng, Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao lại ra sắc lệnh ngày 10 tháng Mười một 1942, trao quyền khen thưởng tới cấp quân đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, và về sau tới tư lệnh các binh chủng.
Trong năm đầu chiến tranh, có ba loại huân chương – Lê-nin, Cờ đỏ, Sao đỏ – và nhiều huy chương tặng thưởng cho bộ đội. Trong thời gian chiến tranh, nói chung đã tặng thưởng tất cả 8.800 Huân chương Lê-nin, 238.000 Huân chương Cờ đỏ và 2.811.000 Huân chương Sao đỏ.
Về sau, thấy cần phải nêu rõ chiến công của chiến sĩ và của người chỉ huy trong chiến đấu chống chính quân phát-xít Đức xâm lược, nên ngày 20 tháng Năm 1942, đã đặt ra một loại huân chương mới, Huân chương Chiến tranh giữ nước hạng nhất và hạng nhì để tặng thưởng cho sĩ quan và chiến sĩ.
Ngày 29 tháng Bảy 1942, lại đặt ra Huân chương Xu-vô-rốp (Xu-vô-rốp A. V. – danh tướng Nga (1730-1800), nổi tiếng về chiến lược, không bao giờ bại trận, thường thắng quân địch đông hơn mình nhiều. – ND.) và Huân chương Cu-tu-dôp (Cu-tu-dốp M. I. – danh tướng Nga (1745-1813), Tổng tư lệnh quân đội Nga trong cuộc Chiến tranh giữ nước chống Na-pô-lê-ông năm 1912. – ND.), cả hai huân chương đều có ba hạng: nhất, nhì và ba, và Huân chương A-lếch-xan-đrơ Nép-xki (A-lêch-xan-đrơ Nép-xki – anh hùng dân tộc Nga (1220- 1263), công tước Nốp-gô-rốt, đã chiến thắng quân Thụy Điển xâm lược (1240), quân Đức xâm lược (1242), mở đầu lịch sử quân sự vẻ vang của dân tộc Nga. – ND.). Những huân chương này chỉ tặng cho các đồng chí chỉ huy, hơn nữa Huân chương Xu-vô-rốp hạng nhất chỉ dành tặng cho “…các tư lệnh và phó tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân, các tham mưu trưởng, các cục trưởng và trưởng ban tác chiến, chủ nhiệm binh chủng (pháo binh, không quân, xe tăng thiết giáp và súng cối) của phương diện quân và tập đoàn quân).
Trong những năm chiến tranh, tổng số các loại huân chương đã khen thưởng như sau: Huân chương Chiến tranh giữ nước hạng nhất 324.800, hạng nhì 951.000; Huân chương A-lếch-xan-đrơ Nép-xki 40.000; Huân chương Xu-vô-rốp hạng nhất 340, hạng nhì 2.100, hạng ba 3.000; Huân chương Cu-tu-dôp hạng nhất 570, hạng nhì 2.570, hạng ba 2.200.
Tháng Mười 1943, khi nổ ra những trận chiến đấu ác liệt giải phóng U-crai-na, đã đặt ra Huân chương Bốc-đan Khơ-men-nít-xki (Bốc-đan Khơ-men-nit-xki – anh hùng dân tộc U-crai-na, nhà chính trị và chỉ huy quân sự lỗi lạc đã lãnh đạo nhân dân U-crai-na khởi nghĩa chống phong kiến Ba Lan, giành độc lập (1648) và thống nhất với dân tộc Nga (1654). – ND.) cũng có ba hạng. Những huân chương này tặng thưởng cho các tướng lĩnh, cán bộ chỉ huy và chiến sĩ Quân đội Liên Xô, các đồng chí chỉ huy du kích và các chiến sĩ du kích. Số huân chương đã tặng thưởng như sau: hạng nhất 200, hạng nhì 1.450, hạng ba 5.400.
Ngày 3 tháng Ba 1944, Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô lại đặt ra Huân chương U-sa-cốp (U-sa-cốp Ph. Ph. – đô đốc hải quân Nga, người sáng lập chiến thuật hải quân Nga, nổi tiếng trong các trận hải chiến, đã dùng chiến hạm đánh chiếm pháo đài của quân Pháp ở Coóc-phu (1799). – ND..) và Huân chương Na-khi-môp (Na-khi-môp P. X. – đô đốc hải quân Nga đã chiến thắng một hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ ở trận hải chiến Xi-nôp, trong cuộc Chiến tranh Chum (1853-1856) chống quân xâm lược cả ba nước Anh – Pháp – Thổ – ND.), mỗi huân chương có hai hạng, và cả những huy chương cũng mang tên hai đô đốc hải quân ấy để tặng thưởng riêng cho hải quân. Quy chế tặng thưởng như sau: các huân chương thì dành cho các đô đốc, tướng lĩnh và sĩ quan Hải quân, còn huy chương thì tặng thưởng cho hạ sĩ quan và các chiến sĩ Hải quân. Trong thời gian chiến tranh đã tặng thưởng như sau: Huân chương U-sa-nốp hạng nhất 30, hạng nhì 180; Huân chương Na-khi-môp hạng nhất 70 và hạng nhì 450. Huy chương U-sa-cốp 14.000, Huy chương Na-khi-môp 12.800.
Trong các huân chương và huy chương tặng thưởng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang gồm ba hạng, đặt ra ngày 8 tháng Mười một 1943, có một giá trị đặc biệt. Trong không quân, huân chương này dùng cho các chiến sĩ không quân, quân hàm thiếu úy. Việc thưởng huân chương này tiến hành tuần tự bắt đầu từ hạng ba rồi lên các hạng trên. Hơn nữa, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất phải do Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô tặng thưởng.
Có 2.200 người đã được tặng cả ba hạng huân chương này. Trong đó có ba đồng chí: I. G. Đra-tsen-cô, A. V. A-lô-sin và P. Kh. Đu-bin-đa, cả ba còn được tặng cả danh hiệu Anh hùng Liên Xô (Năm 1980 mọi người lại được biết đến tên tuổi của vị anh hùng thứ tư là N. I. Cu-dơ-nét-xốp, người đã được tặng thưởng cả ba hạng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. – BT.). Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì đã tặng cho 46.000 quân nhân, và hạng ba cho 868.000 người.
Ngày 8 tháng Mười một 1943, Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô đặt ra huân chương cao cấp cho quân đội là Huân chương “Chiến thắng”, để tặng thưởng các tướng soái đã tiến hành những chiến dịch quy mô lớn thắng lợi. Các đồng chí được tặng thưởng huân chương này là A. I. An-tô-nốp, L. A. Gô-vô-rốp, I. X. Cô-nép, R. I-a. Ma-li-nôp-xki, K. A. Mê-rét-xcốp, C. C. Rô-cô-xốp-xki, X. C. Ti-mô-sen-cô, Ph. I. Tôn-bu-khin. Được tặng thưởng hai lần Huân chương “Chiến thắng” là các đồng chí: A. M. Va-xi-lép-xki, Gh. C. Giu-cốp và I. V. Xta-lin.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, chủ nghĩa anh hùng đã và vẫn là nét đặc trưng của các chiến sĩ ta, nét ấy trực tiếp gắn liền với nguồn gốc chủ yếu của những chiến công: lòng yêu nước nồng nàn của con người xô-viết. Không nên trách các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy đã đảm nhận những trận chiến đấu gay go đầu tiên chống quân phát-xít mà không được tặng thưởng. Khì rút lui từ biên giới về các chiến sĩ ta đã không tiếc sức lực và ngay cả tính mạng mình để quần nhau với địch. Tiêu diệt được những đạo quân lớn của Hít-le, họ đã chặn đứng địch và phá tan uy lực bộ máy chiến tranh của Đế chề thứ ba.
Do nhiều nguyên nhân – và trước hết là do ta không còn bụng dạ nào để nghĩ tới việc khen thưởng nữa – nên năm 1941 mới có hơn 32.700 quân nhân được tặng thưởng; năm 1942 đã gần 395.000. Năm 1943 là năm đánh dấu những thắng lợi rực rỡ của Quân đội Liên Xô, nên cũng có đặc điểm là số người được tặng thưởng tăng vọt lên, tới 2.050.000. Năm 1944, con số này lại còn tăng hơn nữa, tới 4.300.000. Năm 1945, chiến sự diễn biến chưa đầy sáu tháng, nhưng số lần tặng thưởng vượt quá 5.470.000, trong số này có 3.530.000 lần tặng thưởng do các trung đoàn trưởng ký lệnh, nghĩa là việc khen thưởng đã tiến hành trực tiếp trên chiến trường.
Căn cứ vào số liệu ngày 1 tháng Chín 1948, thì riêng tổng số lần tặng thưởng huân chương vì có chiến công và dũng cảm trong các trận chiến đấu chống quân phát-xít Đức xâm lược và bọn đế quốc Nhật, đã vượt quá 5.300.000. Số người được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô là 11.603 người, trong đó có 87 nữ. Có 98 quân nhân được tuyên dương hai lần Anh hùng; và ba lần Anh hùng thì có ba đồng chí: Gh. C. Giu-côp, I. N. Cô-de-đúp, A. I. Pô-crư-skin (A. I. Pô-crư-skin là phi công lái máy bay chiến đấu đã hoàn thành 550 nhiệm vụ chiến đấu, dự 156 trận không chiến và hạ 59 máy bay địch, hiện là thượng tướng không quân Liên Xô và tác giả cuốn hồi ký “Bầu trời chiến tranh”. – ND.).
Rất nhiều người được tặng thưởng các huy chương “Vì lòng dũng cảm” và “Có chiến công”. Huy chương thứ nhất đã tặng thưởng 4.230.000 lần và thứ hai 3.320.000 lần.
Hầu như không một ai bị bỏ quên. Theo chỉ thị của Đại bản doanh, Bộ dân ủy quốc phòng đã nghiên cứu tỉ mỉ và ra những mệnh lệnh đặc biệt, công bố tổ chức khen thưởng những đồng chí có công tiêu diệt máy bay và xe tăng địch, cứu thương binh và mang được vũ khí ra khỏi trận địa, có thành tích vượt sông. Đối với những người có thành tích thật xuất sắc khi vượt những sông hồ rộng, thì Đại bản doanh đề nghị tuyên dương Anh hùng Liên Xô, và tặng những huân chương khen thưởng chiến công, kể cả Huân chương Xu-vô-rốp và Huân chương Cu-tu-dốp.
Nhưng sau khi ngừng bắn, lại phát hiện ra là có nhiều người lao động bình thường đã phục vụ trong chiến tranh nhưng chưa được đền bù thích đáng, nên trong năm 1946 đã khen thưởng 240 000 người có công trong thời kỳ chiến tranh, năm 1947 – 408.000 người, năm 1948 – 4.000 người nữa; và việc khen thưởng còn tiếp tục cho đến ngày nay, cụ thể là đợt khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày kết thúc thắng lợi cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Những chiến sĩ đã từng đổ máu trong chiến đấu đều được đặc biệt tôn trọng; trong những năm sau chiến tranh đã khen thưởng như vậy hơn 840.000 người.
Trong năm 1942 đã đặt ra những Huy chương “Phòng thủ Lê-nin-grát”, “Phòng thủ Ô-đét-xa”, “Phòng thủ Xê-va-xtô-pôn”, “Phòng thủ Xta-lin-grát”. Năm 1944 lại bổ sung thêm ba thứ huy chương nữa là “Phòng thủ Mát-xcơ-va”, “Phòng thủ Cáp-ca-dơ” và “Phòng thủ Da-pô-li-a-riê xô-viết” và cuối cùng, sau chiến tranh khá lâu, ngày 21 tháng sáu 1961, lại đặt ra thêm Huy chương “Phòng thủ Ki-ép”.
Được tặng thưởng các huy chương trên là những đồng chí đã tham gia phòng thủ Lê-nin-grát gồm hơn 930.000 người, Mát-xcơ-va – 477.000, Ô-đét-xa – gần 25.000, Xê-va-xtô-pôn – hơn 39.000, Xta-lin-grát – 707.000, Ki-ép – 62.000. Cáp-ca-dơ – 580.000, Da-pô-li-a-riê – hơn 307.000. Ngoài ra, hơn 6.716.000 người được tặng thưởng những Huy chương “Chiếm Bu-đa-pét”, “Chiếm Cơ-ních-xbe”, “Chiếm Viên”, “Chiếm Béc-lin”, “Giải phóng Bê-ô-grát”, “Giải phóng Vác-sa-va” và “Giải phóng Pra-ha”.
Những huy chương đặc biệt cũng được đặt ra để kỷ niệm ngày toàn thằng nước Đức phát-xít và nước Nhật quân phiệt. Huy chương “Chiến thắng Đức trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945” đã tặng thưởng cho khoảng 13.666.000 người và Huy chương “Chiến thắng Nhật” tặng cho 1.725.000 người.
Cuối cùng, hơn 127.000 nam, nữ du kích có thành tích thật xuất sắc và cả những đồng chí tổ chức và lãnh đạo phong trào du kích, đã được tặng thưởng những huy chương đặc biệt “Tặng người du kích trong cuộc Chiến tranh giữ nước” hạng nhất và hạng nhì.
Nói chung, số người tham gia cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại được khen thưởng đã vượt quá 35.234.000 người.
Từ năm 1943, bắt đầu tặng thưởng huân chương cho cả những binh đoàn và binh đội đang tác chiến và cho Hải quân. Trong thời gian chiến tranh, đã tặng thưởng tất cả hơn 10.900 huân chương như thế, trong số đó có hơn 200 Huân chương Lê-nin, 3.270 Huân chương Cờ đỏ, 3 Huân chương Xu-vô-rốp hạng nhất, 8 Huân chương U-sa-côp hạng nhất, 3 Huân chương Cu-tu-dốp hạng nhất, 10 Huân chương Bốc-đan Khơ-men-nít-xki hạng nhất, 5 Huân chương Na-khi-mốp hạng nhất, 676 Huân chương Xu-vô-rôp hạng nhì, 13 Huân chương U-sa-côp hạng nhì, hơn 530 Huân chương Cu-tu-dôp hạng nhì, 850 Huân chương Bốc-đan Khơ-men-nít-xki hạng nhì, 2 Huân chương Na-khi-môp hạng nhì, 849 Huân chương Xu-vô-rốp hạng ba, 1.060 Huân chương Cu-tu-dốp hạng ba, 216 Huân chương Bôc-đan Khơ-men-nít-xki hạng ba, hơn 1.480 Huân chương A-lêch-xan-đrơ Nép-xki, 7 Huân chương Chiến tranh giữ nước hạng nhất, hơn 1.740 Huy chương Sao đỏ.
Lại còn có những biện pháp khác nhằm động viên bộ đội tác chiến thắng lợi, do khôn khéo biết tìm cách đánh.
Ngay trong năm 1941, trong điều kiện quân ta đang rút lui và gặp rất nhiều khó khăn, đã nổi bật bốn sư đoàn bộ binh 100, 127, 153 và 161. Các sư đoàn này, hành động trên hướng chiến lược chủ yếu, đã nhiều lần tổ chức phản kích quyết liệt vào quân địch đang điên dại vọt tới Mát-xcơ-va. Vì lập nhiều công trạng trong chiến đấu, có tổ chức và kỷ luật biết bố trí đội hình rất mẫu mực, nên các sư đoàn này được bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng ra mệnh lệnh ngày 18 tháng Chín tặng thưởng danh hiệu cận vệ. Từ ấy, các sư đoàn bộ binh 100, 127, 153 và 161 được mang tên là những sư đoàn bộ binh cận vệ 1, 2, 3 và 4.
Những đơn vị cận vệ xô-viết ra đời như thế đó.
Một chế độ đặc biệt được quy định cho các đơn vị cận vệ: toàn thể sĩ quan, cán bộ chỉ huy của đơn vị được trả lương gấp rưỡi, còn chiến sĩ thì gấp đôi. Các chiến sĩ cận vệ được đeo huy hiệu riêng trên ngực, còn các binh đội và binh đoàn thì có cờ cận vệ riêng.
Sau này, ngày 16 tháng Tư 1943, Đại bản doanh lại quy định chế độ sử dụng các đơn vị cận vệ. Các sư đoàn cận vệ dày kinh nghiệm hơn và trung kiên hơn các sư đoàn khác nên được sử dụng để giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất trong các chiến dịch tiến công, còn trong chiến đấu phòng ngự thì để phản kích vào quân địch. Như vậy thật là hợp lý về mọi mặt, mà chủ yếu là đã củng cố hơn nữa uy tín cho danh hiệu cận vệ, mặc dù cho đến ngày đó, danh hiệu ấy vẫn tượng trưng cho lòng dũng cảm của chiến sĩ và là vinh dự cao quý của bộ đội.
Đến năm 1943, lại có thêm một hình thức khen thưởng mới nữa cho những binh đội, binh đoàn và liên binh đoàn lớn có thành tích xuất sắc nhất. Như mọi người đều biết, đó là năm xảy ra bước ngoặt cơ bản trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Ngay từ đầu năm, ở những khu vực quan trọng nhất trên mặt trận Xô – Đức, quân đội Hít-le đã suy sụp. Tập đoàn xung kích của địch bị bao vây và tiêu diệt trong bãi tuyết ở Xta-lin-grát. Sau khi đánh tan quân địch ở Vô-rô-ne-giơ, Quân đội tiên Xô đã tiến tới những cửa ngõ bên ngoài của Khác-cốp và đến ngưỡng cửa khu Đôn-bát. Từ đấy, bắt đầu đuổi hàng loạt quân chiếm đóng ra khỏi đất nước Liên Xô. Để ghi lại những thắng lợi đã giành được, Đại bản doanh đề nghị Bộ tổng tham mưu chuẩn bị nhật lệnh chào mừng gửi các đơn vị bộ đội của tám phương diện quân.
Đây là bản nhật lệnh chào mừng đầu tiên của Tổng tư lệnh tối cao trong lịch sử cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, đề ngày 25 tháng Giêng 1943. Mang tính chất chào mừng chung, trong bản nhật lệnh ấy không nêu phiên hiệu các binh đoàn đã đạt được những thành tích xuất sắc, cũng như không nêu tên họ các đồng chí chỉ huy trưởng các binh đoàn, tên các đồng chí tư lệnh các tập đoàn quân, phương diện quân. Nội dung bản nhật lệnh rất gọn:
“Kết quả hai tháng tiến công của Hồng quân là đã chọc thủng được một chính diện phòng ngự rộng của quân đội phát-xít Đức, tiêu diệt 102 sư đoàn địch, bắt hơn 200.000 tù binh, thu 13.000 khẩu pháo và nhiều khí tài khác, tiến lên phía trước sâu 400 ki-lô-mét. Quân đội ta đã giành được thắng lợi to lớn. Cuộc tiến công của quân đội ta đang tiếp tục.
Tôi chúc mừng các chiến sĩ, các đồng chí chỉ huy và cán bộ chính trị của các phương diện quân Tây – Nam, Nam, Sông Đôn, Bắc Cáp-ca-dơ, Vô-rô-ne-giơ, Ca-li-nin, Vôn-khốp và Lê-nin-grát đã chiến thắng quân phát-xít Đức xâm lược và quân chư hầu của chúng: Ru-ma-ni, I-ta-li-a, Hung ở Xta-lin-grát, ở vùng sông Đôn, ở Bắc Cáp-ca-dơ, ở Vô-rô-ne-giơ, ở khu vực Vê-li-ki-ê Lu-ki, phía Nam hồ La-đô-ga.
Tôi cám ơn các bộ tư lệnh và bộ đội dũng cảm đã đánh tan quân đội của Hít-le ở cửa ngõ Xta-lin-grát, đã giải vây cho Lê-nin-grát, đã đuổi quân chiếm đóng Đức, giải phóng các thành phố: Can-tê-mi-rốp-ca, Bê-lô-vốt-xcơ, Mô-rô-dốp-xki, Min-lê-rô-vô, Xta-rô-ben-xcơ, Cô-ten-ni-cô-vô, Di-mốp-ni-ki, Ê-li-xta, Xan-xcơ Mô-dơ-đốc, Nan-tsích, Mi-ne-ran-nư-e Vô-dơ, Pi-a-ti-goóc-xcơ, Xta-vrô-pôn, Ác-ma-via, Va-lui-ki, Rốt-xô-sơ, Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ, Vê-li-ki-ê Lu-ki, Lít-xen-bua, Vô-rô-ne-giơ, và nhiều thành phần khác, cùng với hàng nghìn vùng dân cư trù mật”.
Kết thúc bản nhật lệnh là lời kêu gọi hoàn thành nhiệm vụ trước mắt:
“Tiến lên, tiêu diệt quân Đức chiếm đóng và đuổi chúng ra khỏi biên giới Tổ quốc ta!”
Văn kiện này được công bố trên tất cả các báo chí và phát đi nhiều lượt trên đài phát thanh.
Một tuần lễ sau, vào rạng ngày 3 tháng Hai 1943, đại diện Đại bản doanh – nguyên soái pháo binh N. N. Vô-rô-nốp – và tư lệnh phương diện quân sông Đôn – thượng tướng C. C. Rô-cô-xốp-xki – báo cáo đã thanh toán xong quân địch bị bao vây ở khu vực Xta-lin-grát. Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh điện trả lời tức khắc cho các đồng chí đó. Bức điện được thảo ngay và sửa chữa xong, có nội dung như sau:
“Tôi chúc mừng các đồng chí và bộ đội phương diện quân Sông Đôn đã hoàn thành thắng lợi việc tiêu diệt các đơn vị quân địch bị vây ở Xta-lin-grát. Tôi cám ơn tất cả các chiến sĩ, các đồng chí chỉ huy và cán bộ chính tri phương diện quân sông Đôn vì đã chiến đấu rất xuất sắc”.
Sáng ngày 3 tháng Hai, theo sáng kiến của Bộ tổng tham mưu, bức điện trên không phải sửa chữa thêm bớt gì, được dùng làm nhật lệnh của Tổng tư lệnh tối cao.
Thời gian trôi qua, chiến tranh vẫn tiếp tục. Ngày 5 tháng Bảy 1943, quân địch bắt đầu tiến công, mở đầu giai đoạn phòng ngự trong chiến dịch nổi tiếng ở Cuốc-xcơ. Hết ngày 23 tháng Bảy, bộ đội ta đã đánh bật quân Hít-le về những tuyến cũ và hoàn toàn khôi phục được hình thái mặt trận lúc ban đầu
Như thường lệ, trước khi báo cáo thường kỳ cho Tổng tư lệnh tối cao, quyền Tổng tham mưu trưởng A. I. An-tô-nôp có đánh giá tình huống và rút ra kết luận: nhiệm vụ phòng ngự của ta đã được hoàn thành thắng lợi, cuộc tiến công của những lực lượng chủ yếu của quân đội phát-xít Đức trên hướng Ô-ri-ôn -Cuôc-xcơ đã bị phá sản hoàn toàn, cả kế hoạch toàn bộ chiến cục mùa hè của địch cũng bị chôn vùi. Nhiệm vụ mới được đặt ra là tiêu diệt tập đoàn chủ yếu của địch và phát triển tiến công theo kế hoạch mà Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã định.
Tất cả những vấn đề trên, Bộ tổng tham mưu đã báo cáo cho I. V. Xta-lin vào rạng ngày 24 tháng Bảy và đến sáng thì Tổng tư lệnh tối cao gọi dây nói tới Bộ tổng tham mưu và lệnh cho chúng tôi phải chuẩn bị ngay bản nhật lệnh chào mừng các đơn vị bộ đội đã đánh thắng địch trong chiến dịch Cuốc xcơ. Đây là bản nhật lệnh thứ ba thuộc loại này. Đến trưa, chúng tôi làm xong bản dự thảo gửi các tư lệnh phương diện quân Trung tâm, Vô-rô-ne-giơ và Bri-an-xcơ là: đại tướng C. C. Rô-cô-xốp-xki, đ tướng N. Ph. Va-tu-tin và thượng tướng M. M. Pô-pop.
Khoảng 16 giờ, An-tô-nốp và tôi được lệnh triệu tập tới Đại bản doanh. Xta-lin rất vui. Đồng chí không nghe báo cáo tình hình của chúng tôi (vì không căn báo cáo, đồng chí cũng đã biết) mà yêu cầu chúng tôi đọc ngay bản dự thảo nhật lệnh.
Phần mở đầu văn kiện, do chúng tôi chuẩn bị, nêu rõ kết quả chiến lược quan trọng nhất mà Quân đội Liên Xô đã giành được: “Hôm qua, 23 tháng Bảy, bộ đội chúng ta đã thu nhiều thằng lợi trong chiến đấu, đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc tiến công tháng Bảy của quân Đức từ những khu vực phía Nam Ô-ri-ôn và phía Bắc Bê-lơ-gô-rốt về hướng Cuốc-xcơ”.
Sau đó, chúng tôi thông báo vắn tắt tình hình địch: “Từ sáng ngày 5 tháng Bảy, quân đội phát-xít Đức đã sử dụng nhiều lực lượng xe tăng và bộ binh, được rất nhiều máy bay chi viện, chuyển sang tiến công trên những hướng Ô-ri-ôn – Cuốc-xcơ và Bê-lơ-gô-rốt – Cuốc-xcơ. Quân Đức đã tung những lực lượng chủ yếu của chúng tập trung ở các khu vực Ô-ri-ôn và Bê-lơ-gô-rot để tiến công bộ đội ta”.
Tổng tư lệnh tối cao không có ý kiến gì về phần mở đầu bản nhật lệnh, nên chúng tôi lại tiếp tục đọc:
“Về phía địch, tham gia tiến công có tất cả 17 sư đoàn xe tăng, 3 sư đoàn cơ giới và 18 sư đoàn bộ binh Đức.
Sau khi đã tập trung những lực lượng trên tại những địa đoạn hẹp ngoài mặt trận, bộ chỉ huy Đức dự định mở những mũi đột kích tập trung từ phía Bắc và phía Nam tiến công theo hướng chung tới Cuốc-xcơ, chọc thủng phòng ngự của ta, bao vây và tiêu diệt bộ đội ta đang bố trí tại vòng cung chỗ lồi Cuốc-xcơ,”
Sau đó chúng tôi nói rằng cuộc tiến công của quân Đức không làm cho bộ đội ta bị bất ngờ. Bộ đội ta đã sẵn sàng, không những chỉ để đánh lui cuộc tiến công của quân Đức, mà còn để giáng những đòn phản kích mạnh. Đến đây, chúng tôi dẫn ra những số liệu cụ thể:
“Quân địch mới chọc vào phòng ngự ta trên hướng Ô-ri ôn – Cuốc-xcơ, sâu được 9 ki-lô-mét, và trên hướng Bê-lơ-gô-rôt – Cuôc-xcơ chừng 15 đến 35 ki-lô-mét, đã phải trả giá bằng những tổn thất lớn về sinh lực và khí tài. Bộ đội ta đã làm cho những sư đoàn tinh nhuệ của quân Đức bị tiêu hao và kiệt quệ trong những trận chiến đấu ác liệt; bằng những cuộc phản kích quyết liệt tiếp theo, không những đã đánh bật quân địch trở lại và khôi phục hoàn toàn hình thái mặt trận đã chiếm lĩnh trước ngày 5 tháng Bảy, mà còn chọc thủng tuyến phòng ngự địch, tiến sâu về phía Ô-ri-ôn từ 15 đến 25 ki-lô-mét”.
Chúng tôi sang phần kết luận: “Như vậy là kế hoạch tiến công mùa hè của quân Đức đã hoàn toàn phá sản”. Tổng tư lệnh tối cao cho ngừng đọc và bổ sung vào như sau: “Điều đó đã vạch trần cái thuyết cho rằng mùa hè quân Đức tiến công bao giờ cũng thắng lợi và quân đội xô-viết thì bắt buộc phải rút lui; cái thuyết ấy là hoang đường”.
- Cần phải nói như vậy chứ. – Đồng chí giải thích. – Bọn phát-xít, đứng đầu là Gơ-ben, sau mùa đông thất bại ở Mát-xcơ-va, vẫn duy trì cái thuyết hoang đường này.
Sau đó, bản nhật lệnh nêu tên những đơn vị bộ đội có thành tích xuất sắc và tên họ các tư lệnh tập đoàn quân. Đoạn cuối của bản nhật lệnh lần này, không giống như những nhật lệnh lần trước. Ở đây chúng tôi không thể không tưởng nhớ tới những đồng chí đã xả thân cho cuộc chiến thắng. Nhật lệnh kết thúc như sau:
“Tôi chúc mừng các đồng chí và bộ đội của các đồng chí đã hoàn thành thắng lợi việc đánh tan cuộc tiến công mùa hè của quân Đức. Tôi cám ơn tất cả các chiến sĩ, các cấp chỉ huy và cán bộ chính trị trong bộ đội do các đồng chí lãnh đạo đã tác chiến thật xuất sắc.
Vinh quang muôn đời thuộc về những anh hùng đã hy sinh trên chiến trường trong cuộc đấu tranh vì tự do và vinh dự của Tổ quốc chúng ta”.
Nhật lệnh được ký ngay, rồi đài phát thanh truyền đi tức khắc. Đại bản doanh hài lòng về bán nhật lệnh ấy. Các đồng chí đề nghị chúng tôi sau này cứ viết nhật lệnh theo thể thức đó, tức là nhật lệnh gửi cho các tư lệnh phương diện quân, có nêu rõ tên họ các đồng chí tư lệnh tập đoàn quân, các đồng chí chỉ huy bộ đội có thành tích xuất sắc, trình bày vắn tắt kết quả của trận đánh. Đoạn cuối trong bản nhật lệnh nói về những anh hùng đã hy sinh thì vẫn giữ nguyên, rồi được hoàn chỉnh dần và cuối cùng thì như sau:
“Vinh quang muôn đời thuộc về những anh hùng đã hy sinh trong cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của Tổ quốc chúng ta! Quân Đức xâm lược phải chết!”.
Nhật lệnh ban hành trong dịp kết thúc thắng lợi toàn bộ cuộc chiến tranh có đoạn cuối này, nhưng bỏ câu “Quân Đức xâm lược phải chết”
Ngày 5 tháng Tám 1943, khi chiếm được Ô-ri-ôn và Bê-lơ-gô-rốt, Đại bản doanh nảy ra ý định mới. Khi tư lệnh các phương diện quân vừa báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao là đã chiếm được những thành phố trên (các tư lệnh phương diện quân bao giờ cũng muốn báo cáo trực tiếp ngay cho Tổng tư lệnh tối cao về những chiến thắng như thế), thì tướng An-tô-nốp và tôi được lệnh triệu tập tới Đại bản doanh. Xta-lin vừa đi công tác ở phương diện quân Ca-li-nin về. Tất cả các đồng chí ủy viên còn lại trong Đại bản doanh đều được triệu tập đến họp đông đủ.
Tổng tư lệnh tối cao quay sang phía An-tô-nốp và tôi, hỏi:
- Các đồng chí đã đọc lịch sử chiến tranh chưa?
Chúng tôi bối rối, không biết trả lời như thế nào. Câu hỏi hơi lạ: sao lại hỏi chúng tôi lúc này về lịch sử!
Thế rồi Xta-lin lại nói tiếp:
- Có dịp đọc lịch sử, các đồng chí sẽ biết rằng, ngay từ thời cổ đại, mỗi khi quân đội chiến thắng thì chiêng trống các loại đều nổi lên để ăn mừng các vị thống soái và ba quân. Chúng ta ăn mừng chiến thắng càng giòn giã thì càng tốt chứ sao, mà không phải chỉ dùng có hình thức nhật lệnh chào mừng. Chúng tôi nghĩ rằng, – đồng chí vừa nói vừa hất hàm về phía các đồng chí ủy viên Đại bản doanh đang ngồi bên bàn, – nên bắn pháo chào mừng các đơn vị bộ đội có thành tích xuất sắc và các đồng chí chỉ huy các đơn vị bộ đội ấy và cũng nên tổ chức hội hoa đăng…
Thế là có quyết nghị bắn những loạt đại bác trọng thể ở Mát-xcơ-va và mỗi loạt lại kèm theo pháo hoa, để ăn mừng chiến thắng của quân đội ta; và trước tiên là tất cả các hệ thống phát thanh của toàn Liên bang xô-viết sẽ truyền đi khắp nơi bản nhật lệnh ấy của Tổng tư lệnh tối cao. Bộ tổng tham mưu chịu trách nhiệm về các việc này.
Cũng trong ngày hôm ấy, ngày 5 tháng Tám, được ban hành nhật lệnh chào mừng và bắn loạt đại bác đầu tiên chào mừng ngày giải phóng Ô-ri-ôn và Bê-lơ-gô-rốt. Đồng thời lại có lệnh tặng cho ba sư đoàn bộ binh (5, 129 và 380) danh hiệu sư đoàn Ô-ri-ôn và cho hai sư đoàn (89 và 305) danh hiệu sư đoàn Bê-lơ-gô-rôt.
Đợt bắn đại bác chào mừng đầu tiên gồm 12 loạt, có 124 khẩu đại bác tham gia. Bấy giờ, chúng tôi nghĩ rằng sau này cứ mỗi lần chiến thắng cũng sẽ lại bắn như vậy. Nhưng ngày 23 tháng Tám, khi chiếm lại Khác-cốp, thì thấy rằng không thể coi tất cả những chiến thắng đồng đều như nhau được. Việc giải phóng Khác-cốp có ý nghĩa rất lớn, nên có đề nghị cho bắn 20 loạt đại bác, với số lượng 224 khẩu tham gia, để mừng ngày ấy. Chúng tôi cũng đã làm như vậy.
Không những nhân dân thủ đô, mà cả những đơn vị bộ đội đang tác chiến cũng rất hân hoan chờ đón những đợt bắn súng chào ấy. Có ngày, các mặt trận gọi dây nói về nhiều lần xin phép bắn chào sau mỗi lần chiếm lại được một vùng đông dân cư. Bởi vậy, cần phải tiến hành phân cấp về việc này như thế nào đây, vì rõ ràng việc giải phóng những thành phố như Ki-ép và Béc-đi-tsép, Ri-ga và Si-a-u-lai, Min-xcơ và Đu-khốp-si-na đều không thể có một ý nghĩa hoàn toàn như nhau được.
Sau này, Bộ tổng tham mưu nghiên cứu và Tổng tư lệnh tối cao đã phê chuẩn ba cấp bắn chào: cấp một có 324 khẩu pháo bắn 24 loạt, cấp hai: 224 khẩu bắn 20 loạt và cấp ba: 124 khẩu bắn 12 loạt. Mỗi lần bắn chào phải được Tổng tư lệnh tối cao cho phép. Không theo lệ ấy thì chỉ có một số trường hợp như Mát-xcơ-va bắn chào mừng những người chiến thắng nhân ngày đánh đuổi quân địch ra khỏi một số vùng đông dân cư.
Danh sách những đơn vị bộ đội và tên họ những đồng chí chỉ huy cần nêu để tuyên dương trong các nhật lệnh đều do các tư lệnh phương diện quân đề nghị gửi lên. Cục tác chiến chuẩn bị các bản nhật lệnh. Phần mở đầu của mỗi bản nói về đặc điểm hoạt động của các đơn vị, hay như ta gọi hồi đó là phần “mũ” của bản nhật lệnh, thì nội dung nhất thiết phải báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao. Thông thường phần mở đầu ấy được báo cáo bằng điện thoại và qua điện thoại được quyết định luôn cả cấp bắn chào mừng.
Thường trung tướng A. A. Grư-dơ-lốp hoặc tôi viết phần mở đầu bản nhật lệnh, Grư-dơ-lốp rất thạo việc này. Phần ấy ít khi phải bổ sung, nếu có thêm gì thì thường là những nhận định về lịch sử; chẳng hạn, trong nhật lệnh ngày 27 tháng Giêng 1945 chào mừng việc đột phá hàng phòng ngự địch ở khu vực hồ Ma-dua, Tổng tư lệnh tối cao có thêm câu: “hệ thống phòng ngự kiên cố của quân Đức từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất”. Như thế để nêu bật hơn ý nghĩa của chiến thắng.
Theo quy định, đại bác bắn chào mừng cấp một – 324 khẩu, 24 loạt – chỉ dành cho những trường hợp giải phóng thủ đô các nước cộng hòa trong Liên bang, chiếm được thành phố thủ đô của các nước khác hoặc dành cho những sự kiện thật đặc biệt nào đó. Trong thời gian chiến tranh, đã bắn tất cả 23 đợt như vậy những khi tiêu diệt và đánh đuổi quân địch ra khỏi Ki-ép, Ô-đét-xa, Xê-va-xtô-pôn, Pê-tơ-rô-da-vốt-xcơ, Min-xcơ, Vin-ni-út, Ki-si-ni-ôp, Bu-ca-rét, Tan-lin, Ri-ga, Bê-ô-grát, Vác-sa-va, Bu-đa-pét, Cra-cop, Viên, Pra-ha, và cả những khi chiếm được Cơ-ních-xbe và Béc-lin. Ngoài ra, còn bắn chào mừng cấp một ngày 26 tháng Ba 1944, khi quân đội ta tiến đến biên giới phía Nam đất nước, ngày 8 tháng Tư 1944, khi tiến ra đến biên giới Tây – Nam, và vào dịp quân ta liên lạc được với quân Anh – Mỹ ở khu vực Toóc-gan-u ngày 27 tháng Tư 1945. Trong thời gian chiến tranh với đế quốc Nhật, cũng đã bắn hai đợt chào mừng cấp một: nhân dịp tiêu diệt Đạo quân Quan Đông và ngày 3 tháng Chín 1945 nhân dịp toàn thắng đế quốc Nhật.
Mát-xcơ-va bắn chào mừng cấp hai – 224 khẩu, 20 loạt – tất cả 210 lần: khi giải phóng những thành phố lớn – 150 lần, khi chọc thủng tuyến phòng ngự kiên cố mạnh của quân địch – 29 lần, khi kết thúc việc tiêu diệt những tập đoàn lớn của quân địch – 7 lần, khi tiến công vượt qua được sông lớn – 12 lần, khi đột nhập vào được những tỉnh của quân Đức, vượt qua được dãy núi Các-pát, chiếm được những hải đảo – 12 lần.
Bắn chào mừng cấp ba – 124 khẩu, 12 loạt – tất cả có 122 lần, chủ yếu khi chiếm được những đầu mối đường sắt, đường bộ lớn và cả những vùng đông dân cư có ý nghĩa chiến dịch.
Ngày toàn thắng nước Đức phát-xít, ngày 9 tháng Năm 1945, thì 1.000 khẩu đại bác bắn tất cả 30 loạt.
Có những trường hợp, hệ thống phát thanh chỉ truyền đi những bả nhật lệnh cám ơn, không có bắn súng chào mừng kèm theo; chẳng hạn, ngày 12 tháng Tám 1943, khi bốn sư đoàn chúng ta chiếm được thành phố Ca-ra-tsép. Và ngày 18 tháng Chín 1943, Đại bản doanh đã ký một bản nhật lệnh cám ơn quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 về việc đột phá vào hậu phương địch, vượt sông Đê-xna và trụ lại giữ bàn đạp đầu cầu chờ cho đến khi chủ lực tới. Khi quân ta vượt sông Đni-ép-rơ, cũng đã ban hành hai bản nhật lệnh như vậy.
Còn trường hợp như thế này nữa: ngày 6 tháng Mười một 1943, nhân dịp giải phóng Ki-ép đã có bắn súng chào mừng rồi, nhưng mười ngày sau lại phát hiện ra là phương diện quân báo cáo còn sót tên của 5 trung đoàn độc lập (3 trung đoàn súng cối, 1 trung đoàn pháo nòng dài và 1 trung đoàn xe tăng) đã tham gia chiến đấu chiếm thủ đô U-crai-na. Chúng tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao việc này và được chỉ thị ra thêm nhật lệnh bổ sung không bắn chào mừng, và 5 trung đoàn trên đều được tặng danh hiệu “trung đoàn Ki-ép”.
Trong thời gian chiến tranh với nước Đức Hít-le đã ban hành tất cả 373 nhật lệnh cám ơn, có 20 nhật lệnh không bắn súng chào mừng.
Thông thường, súng bắn chào mừng chiến thắng của một phương diện quân nào đó. Nhưng có 27 trường hợp súng bắn chào mừng chung ba, bốn, có khi tới năm phương diện quân đã cùng nhau hiệp đồng tác chiến. Còn trong trường hợp một thành phố ở ven biển, có cả những chiến hạm cùng với những đơn vị bộ đội hiệp đồng giải phóng thì súng bắn chào luôn cả hạm đội.
Tất nhiên, việc chuẩn bị những nhật lệnh cám ơn và tổ chức những đợt bắn đại bác chào mừng là một nhiệm vụ khiến cho chúng tôi rất phấn khởi, vì nó trực tiếp gắn với những thắng lợi của các Lực lượng vũ trang chúng ta. Trong khi lượng công tác chung của Cục tác chiến. việc đó chưa phải đã chiếm vị trí hàng đầu, nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự chú ý.
Khi chuẩn bị nhật lệnh, phải kiểm tra tỉ mỉ phiên hiệu các binh đoàn, binh đội, tên họ các đồng chí chỉ huy, không được nhầm lẫn và bỏ sót một ai. Mà thời gian thường là “eo hẹp”, ít khi được chuẩn bị hơn hai tiếng đồng hồ. Báo cáo chiếm được những thành phố thường về vào buổi chiều, mà súng chào thì không được bắn sớm trước khi trời tối, vì như vậy sẽ mất hết tác dụng của việc bắn pháo hoa, nhưng cũng không được chậm quá 23 giờ. Có những ngày lại phải bắn súng chào hết đợt này đến đợt khác, và đúng là đã nhờ có những sĩ quan và tướng lĩnh có năng lực công tác cao, hiểu rõ tình hình, quen thuộc phiên hiệu các đơn vị và tên họ các cán bộ chỉ huy, chúng tôi mới làm trọn được nhiệm vụ trong những lúc khó khăn này.
Những bản nhật lệnh thường được nối tay nhau hoàn thành ngay trong buồng làm việc của cục trưởng Cục tác chiến, khi tôi báo cáo “phần mở đầu” cho Tổng tư lệnh tối cao, thì những đồng chí trợ lý gần gũi của tôi đã chuẩn bị xong phần văn bản còn lại.
Trước ngày 30 tháng Mười một 1944, những nhật lệnh cám ơn chỉ gửi cho các tư lệnh phương diện quân. Sau đó có ghi thêm một người nhận thứ hai nữa là tham mưu trưởng phương diện quân. Có việc này là do sáng kiến của bên dưới. Khi chuẩn bị nhật lệnh thường lệ gửi cho bộ đội của phương diện quân U-crai-na 2, chúng tôi thường xác định rõ chi tiết với thượng tướng M. V. Da-kha-rốp. tham mưu trưởng phương diện quân. Mát-vây Va-xi-li-ê-vích Da-kha-rốp góp ý với chúng tôi là đánh giá chưa hết vai trò của các cơ quan tham mưu, vì trong nhật lệnh có ghi công lao của tất cả nhưng không có một chữ nào nói đến các cơ quan tham mưu. Chúng tôi báo cáo cho Tổng tư lệnh tối cao biết việc này. Tổng tư lệnh tối cao thông cảm với sự góp ý ấy và nói:
- Da-kha-rốp nói đúng. Vai trò của các cơ quan tham mưu rất lớn. Từ nay về sau, nhật lệnh viết cho hai người nhận: tư lệnh và tham mưu trưởng.
Và chúng tôi đã làm như thế. Nhật lệnh đầu tiên viết như vậy gửi cho phương diện quân U-crai-na 2 cùng ngày hôm ấy, 30 tháng Mười một 1944.
Việc ra những nhật lệnh cám ơn và bắn súng chào không phải lúc nào cũng đều diễn ra thuận lợi cả, vì thường phải tranh luận xem đơn vị nào chiếm được cứ điểm này hay cứ điểm kia? Cũng đã xảy ra những trường hợp Bộ tổng tham mưu từ chối không cho bắn súng chào thì các bộ tư lệnh không hài lòng. Các đồng chí tư lệnh một số phương diện quân hoạt động trên những địa bàn chỉ có rất ít vùng dân cư đông, đã có lần khẩn khoản đề nghị cho bắn súng chào khi đơn vị của họ chiếm được những vùng dân cư tương đối ít. Bộ tổng tham mưu không đồng ý thì các đồng chí ấy gặp thẳng Tổng tư lệnh tối cao, đôi khi Tổng tư lệnh tối cao đã thỏa mãn những đề nghị của các đống chí ấy; chẳng hạn trưởng hợp giải phóng Đu-khốp-si-na. Và. cũng có trường hợp, Xta-lin từ chối không cho bắn súng chào, nhưng lại chỉ thị cho làm nhật lệnh cám ơn.
Nhật lệnh được viết rất tỉ mỉ. Tổng tư lệnh tối cao đích thân soát lại nhật lệnh và không tha thứ một sai sót nào. Có lần, đồng chí chỉ thị là khi gặp những thành phố đã đổi tên thì nhất thiết phải ghi trong ngoặc đơn tên cũ của các thành phố ấy, ví dụ như: Tác-tu (I-u-rép, Đe-rơ-ptơ); bởi vậy chúng tôi đã phải phân công riêng cho một đồng chí chuyên làm cái việc xác định rõ tên cũ của các thành phố đã đổi tên. Sau này, khi giải phóng Ba Lan, lại còn thêm một việc làm nữa là phải ghi trong nhật lệnh những thành phố ta đã chiếm được vừa bằng tên tiếng Ba Lan, vừa bằng tên tiếng Đức.
Lúc ban đầu, tất cả những binh đội và binh đoàn được nêu tên trong nhật lệnh cám ơn đều được mang tên thành phố đã giải phóng làm danh hiệu. Vì thế, đã xuất hiện những sư đoàn Vô-rô-ne-giơ, Cuôc-xcơ, Khác-cốp. Nhưng về sau, cuộc tiến công càng phát triển rộng thì những thành phố được giải phóng càng nhiều, thế là một vấn đề tự nó được đặt ra: có những binh đoàn và binh đội đã giải phóng đến ba bốn thành phố và nhiều hơn nữa. Như vậy phải tính sao đây? Tặng cho những binh đội, binh đoàn ấy cả bốn danh hiệu hay sao? Sau khi chúng tôi nghiên cứu, vấn đề này được Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị đúng đắn như sau: chỉ có thể tặng danh hiệu kép, tặng hai lần mà thôi, chẳng hạn sư đoàn không quân cường kích Vô-rô-ne-giơ – Ki-ép 291, đối với những đơn vị bộ đội nhiều lần lập nên những thành tích xuất sắc, thì dùng những biện pháp khích lệ khác như tặng thưởng huân chương, hoặc tặng danh hiệu đơn vị cận vệ.
Chúng tôi đã có sự thỏa thuận về nguyên tắc với Tổng tư lệnh tối cao về mọi chi tiết của bản nhật lệnh cám ơn. Nhưng dù sao, những khi vội cũng có lần không tránh khỏi những sai sót nhất định. Tôi còn nhớ một trường hợp. Một hôm, trong lúc chúng tôi đang báo cáo ở Đại bản doanh thì Cô-nép gọi điện thoại tới và báo tin trực tiếp cho Xta-lin là đã giải phóng một vùng dân cư lớn nào đấy. Lúc đó vào khoảng 22 giờ nhưng Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị cho bắn súng chào ngay trong ngày hôm ấy. Vậy là chúng tôi chỉ còn không đầy một tiếng đồng hồ để chuẩn bị mọi mặt.
Tôi viết “phần mở đầu” của bản nhật lệnh tại chỗ và được phê chuẩn. Sau đó, tôi sang phòng bên có đặt máy điện thoại, nói chuyện với Grư-dơ-lốp để xin chuyển đến ngay phiên hiệu các đơn vị và tên các đồng chí chỉ huy, rồi gọi điện cho Pu-din báo phải chuẩn bị cho phát thanh bản nhật lệnh sắp gửi đến; và cuối cùng, gọi đồng chí tư lệnh thành phố Mát-xcơ-va bàn việc tổ chức bắn súng chào.
Mang “phần mở đầu” đã viết tới cho các đồng chí đánh máy, tôi ngồi soạn nốt phấn còn lại của bản nhật lệnh, sử dụng bản đồ công tác của mình và danh sách các đồng chí chỉ huy vừa điện tới chỗ tôi. Chừng nửa giờ sau, tôi cùng với Grư-dơ-lốp kiểm tra lại nội dung những số liệu trong bản nhật lệnh, rồi đem đến buồng đánh máy đánh nốt phần còn lại và gửi đến đài phát thanh. Xong xuôi đâu đấy, tôi trở về văn phòng của Tổng tư lệnh tối cao báo cáo là mọi việc đã hoàn thành và đến 23 giờ thì bắn súng chào mừng.
- Ta cùng nghe xem, – Xta-lin nói và mở chiếc loa phát thanh tròn đã cũ, trên bàn làm việc.
Đọc nhật lệnh cũng phải tính thế nào để khi đọc xong độ trên dưới 1 phút là đại bác bắt đầu bắn chào ngay. Lần ấy cũng đúng như thế. Giọng nói trịnh trọng, đặc biệt của đồng chí I-u. B. Lê-vi-tan cất lên:
- Gửi đồng chí tư lệnh phương diện quân U-crai-na 1! Bộ đội của phương diện quân U-crai-na 1…
Nghe đến đây, Xta-lin bỗng kêu lên:
- Tại sao Lê-vi-tan lại bỏ sót tên họ của Cô-nép? Đưa bản nhật lệnh cho tôi xem!
Tên họ đồng chí Cô-nép không có trong văn bản. Tôi có lỗi trong việc này, vì khi viết “phần mở đầu” tôi viết tắt cái nhan đề (gửi T.L.P.D.Q.U. 1”, mà quên khuấy mất rằng viết đây không phải là viết cho các đồng chí đánh máy của Bộ tổng tham mưu, ở trong Bộ tổng tham mưu chúng tôi các đồng chí đánh máy đã quen với lời viết tắt của tôi và tự họ đánh lấy đầy đủ cả tên họ của người nhận nhật lệnh.
Xta-lin nổi nóng:
- Tại sao lại bỏ sót tên họ đồng chí tư lệnh? – Tổng tư lệnh tối cao hỏi, nhìn chằm chằm vào tôi. – Nhật lệnh mà không có tên họ thì còn ý nghĩa gì nữa? Đầu óc đóng chí để đi đâu vậy?
Tôi im lặng.
- Ngừng phát thanh ngay và cho đọc lại từ đầu. – Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh.
Tôi lao ngay tới máy điện thoại, báo cho sở chỉ huy chưa được cho bắn súng chào ngay khi đọc xong. Tiếp theo đó, tôi gọi dây nói tới đài phát thanh đúng lúc Lê-vi-tan vừa đọc xong, đề nghị đồng chí đọc lại từ đầu, và nhất thiết phải đọc rõ tên họ của đồng chí Cô-nép.
Lê-vi-tan đọc lại nhật lệnh lần thứ hai gần như chỉ một hơi. Tôi lại gọi dây nói tới sở chỉ huy và ra lệnh bắn súng chào theo kế hoạch đã định, sau khi đọc xong. Tất cả những việc ấy diễn ra trước mắt Tổng tư lệnh tối cao. Đồng chí như theo dõi từng động tác, cử chỉ của tôi, và cuối cùng khi thấy tôi đã chữa xong khuyết điểm của mình, mới nói:
- Có thể ra về được.
Tôi thu dọn bản đồ trên bàn, rồi bước ra. đợi A. I. An-tô-nốp.
- Thật chẳng ra sao cả, – An-tô-nốp nói khi vừa ra khỏi văn phòng.
Vì trước tôi, đã thay đổi năm cục trưởng Cục tác chiến rồi, nên tôi biết trước là việc này rồi sẽ ra sao. Thực tình mà nói, lúc này tôi có hai tình cảm: nửa buồn mà cũng nửa vui. Không làm cục trưởng Cục tác chiến nữa, tôi rất có thể được ra mặt trận. Nhiều đồng chí chúng tôi đều mong được như thế, vì công tác ở Bộ tổng tham mưu hồi ấy tinh thần luôn luôn vô cùng căng thẳng. Và nói chung nguyện vọng được ra tiền tuyến trong lúc này cũng là nguyện vọng tự nhiên của mỗi một người công dân Xô-viết.
Các đồng chí trong Bộ tổng tham mưu và ở các phương diện quân không ai biết chuyện xảy ra quanh cái nhan đề bản nhật lệnh ấy. Chỉ có thắc mắc là tại sao nhật lệnh lại đọc hai lần. Nhưng về phần chúng tôi thì đã rút ra cho mình được một bài học. Tất cả chúng tôi được lệnh nghiêm ngặt tuyệt đối không được viết tắt trong những bản nháp; từ nhan đề cho đến nội dung phải được viết cả chữ.
Hai ngày sau tôi không đến Đại bản doanh và sáng sáng Tổng tư lệnh tối cao không gọi điện thoại cho tôi như mọi khi. Tất cả những vấn đề có liên quan với Bộ tổng tham mưu, lúc ấy Tổng tư lệnh tối cao chỉ giải quyết với An-tô-nốp.
Sang đến ngày thứ ba, khi A. I. An-tô-nôp đến báo cáo thường kỳ ở Đại bản doanh thì được tin bộ đội của phương diện quân U-crai-na 2 đã giải phóng một vùng dân cư lớn. Như thường lệ, chúng tôi vội vàng bắt tay ngay vào viết “phần mở đầụ” của bản nhật lệnh cám ơn. Tôi gọi dây nói tới Pô-xcri-ơ-bư-sép và đề nghị cho tôi báo cáo “phần mở đầu) bản nhật lệnh ấy với An-tô-nốp. Liền ngay lúc đó, An-tô-nốp gọi điện thoại cho tôi:
- Đồng chí mang bản nhật lệnh tới đây…
Mấy phút sau, tôi đã đến buồng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao.
- Đồng chí đọc xem, – Tổng tư lệnh tối cao nói, – không quên tên họ chứ?
Tôi đọc xong và được phép cho phát thanh bản nhật lệnh. Từ đó, mọi việc lại tiến hành như cũ.
“Nhật lệnh chào mừng”, như chúng tôi vẫn gọi, càng ngày càng làm cho chúng tôi bận rộn. Chúng tôi viết những bản nhật lệnh ấy rất vội vã. Đôi khi phải đưa đến phòng phát thanh từng đoạn một. I-u. B. Lê-vi-tan đã đọc sang trang hai, thì trang ba mới đưa đến. Nhưng Lê-vi-tan và cả chúng tôi đều làm trôi chảy mọi việc. Tất cả sắp kết thúc êm đẹp, thì bỗng lại sinh ra chuyện rắc rối mới.
Chuyện xảy ra vào ngày cuối cuộc chiến tranh, khi chúng tôi bắn súng chào mừng việc chiếm được Béc-lin. Nhật lệnh viết trong dịp này không nhắc tới tên họ tướng V. V. Nô-vi-cốp. Có thể là Cơ quan tham mưu phương diện quân không báo cáo tên của đồng chí, và cũng có thể là chúng tôi trong Bộ tổng tham mưu nhầm lẫn, nên người ta có cảm tưởng như quân đoàn xe tăng 7 không tham gia trận đánh chiếm thủ đô nước Đức. Ngày hôm sau, V. V. Nô-vi-cốp gửi điện cho Tổng tư lệnh tối cao, khiếu nại về việc này.
Tổng tư lệnh tối cao rất không vừa lòng. Đồng chí cho rằng: có lẽ Bộ tổng tham mưu còn bỏ sót tên những đồng chí chỉ huy khác nữa. Cuối cùng, chúng tôi được chỉ thị: viết cho Nô-vi-cốp một nhật lệnh riêng, gửi tới tay đông chí ấy, nhưng không đem ra phát thanh, rồi thi hành kỷ luật những đồng chí có khuyết điểm. Ngày 4 tháng Năm, Xta-lin đã ký bản nhật lệnh ghi số 11080. Nhật lệnh viết:
“Quân đoàn xe tăng cận vệ 7 của thiếu tướng bộ đội xe tăng Nô-vi-côp, vì nhầm lẫn nên trong nhật lệnh của Tổng tư lệnh tối cao không có tên ở danh sách những binh đoàn đã tham gia đánh chiếm Béc-lin, nay được bổ sung vào nhật lệnh và được tặng thưởng danh hiệu “Quân đoàn Béc-lin” cùng với huân chương”.
V V Nô-vi-cốp chắc hẳn vừa lòng. Nhưng, chúng tôi lại gặp điều không hay là mấy người bị thi hành kỷ luật…
Nhân dịp ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Ngày 1 tháng Năm và Ngày Hồng quân, chúng tôi đã viết những bản nhật lệnh đặc biệt và cho phát thanh đi toàn quốc. Những bản nhật lệnh thời chiến ấy, nhất thiết đều có tóm tắt đặc điểm tình hình ngoài mặt trận, thay mặt Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ đội và những người lao động ở hậu phương trong thời gian sắp tới, lại đánh giá thích đáng công lao những người anh hùng trong chiến đấu và lao động. Sau đó cũng xuất hiện những ngày kỷ niệm các binh chủng như: Ngày hội pháo binh, Ngày hội bộ đội xe tăng, v. v.. Trong những ngày hội ấy, ở Mát-xcơ-va đều có bắn súng chào, và hiện nay cả những thành phố anh hùng cũng đều có bắn súng chào như ở thủ đô Liên Xô.
Bắn súng chào và chăng đèn đã trở thành nghi thức trong những ngày hội của toàn dân chúng ta.
Ngày 8 tháng Năm 1945, ở Các-hoóc-xtơ, ngoại ô Béc-lin, đã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện của những lực lượng vũ trang Đức. Bộ máy chiến tranh cua Hít-le đã bị đánh tan. Đế chế thứ ba đã bị sụp đổ.
Tuy vậy, đêm rạng ngày 9 tháng Năm. chúng tôi vẫn ở trong tình trạng báo động. Bọn cầm đầu phát-xít sẽ thi hành những điều khoản của hàng ước, hay là sẽ có thái độ xem đó là mảnh giấy lộn như chúng vẫn xem những điều ước quốc tế khác? Nhưng đến sáng thì những mối lo ngại của chúng tôi đều tan hết. Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh bắt đầu nhận được báo cáo rằng ở khắp mọi nơi, quân Đức đã hạ vũ khí và nộp mình làm tù binh.
Chỉ riêng ở Tiệp Khắc là tình hình vẫn còn căng thẳng. Quân địch ở đây chưa chịu hàng, vẫn kháng cự như trước và rắp tâm thoát về phía Nam và phía Tây. Bộ đội của các phương diện quân U-crai-na 1, 4 và 2 tức tốc chuyển sang chi viện cho lực lượng khởi nghĩa ở Pra-ha, giáng những đòn mãnh liệt vào quân thù.
Hai tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 và 4 từ Béc-lin lao nhanh tới đây, mờ sáng đột nhập thủ đô Tiệp Khắc và cùng nhân dân Pra-ha quét sạch quân địch ra khỏi thành phố trong vòng có mấy tiếng đồng hồ. Đến trưa, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 4 tiến vào Pra-ha. Và đến tối, thì cả bộ đội của phương diện quân U-crai-na 2 cũng tới đây. Tàn quân ít ỏi của lực lượng vũ trang Đức do thống chế Séc-nơ và tướng Ve-le chỉ huy đã kiệt lực và về mặt nào cũng cho thấy rõ là ngày tận số của chúng cũng chẳng còn xa xôi gì.
Trong khi ấy, ở Mát-xcơ-va đang tràn ngập niềm vui sướng lớn. Ngày 9 tháng Năm được công bố là Ngày Chiến thắng, ngày hội của toàn dân. Chúng tôi viết nhật lệnh bắn súng chào mừng chiến thắng từ sáng. Khác với lệ thường, lần này I-u. B. Lê-vi-tan được mời đến Đại bản doanh để phát thanh bản nhật lệnh ấy. Cũng ngay tại đây, trong điện Crem-li này, hồi 21 giờ, I. V. Xta-lin đã đọc một bài diễn văn ngắn trước nhân dân Liên Xô. Đồng chí tuyên bố là việc đầu hàng của nước Đức phát-xít đã thành hiện thực, nhưng cũng không bỏ qua việc tập đoàn của Séc-nơ và Ve-le đang ngoan cố cầm cự. Sau đấy, Tổng tư lệnh tối cao nói tiếp:
“Nhưng tôi tin rằng, Hồng quân sẽ làm cho tập đoàn ấy phải tỉnh ngộ. Bây giờ chúng ta có đủ căn cứ để có thể tuyên bố rằng: ngày lịch sử kết thúc việc tiêu diệt nước Đức quốc xã, ngày vĩ đại mà nhân dân ta chiến thắng chủ nghĩa đế quốc Đức đã đến. Những hy sinh lớn lao của chúng ta vì tự do và độc lập của Tổ quốc, vô vàn những tổn thất và đau khổ nặng nề mà nhân dân ta phải chịu đựng trong quá trình chiến tranh, bao nhiêu lao động căng thẳng ở hậu phương và tiền tuyến hiến dâng cho Tổ quốc không phải đã mất đi một cách vô ích, mà đã đem lại những thắng lợi rực rỡ cho toàn dân…”
Phải nói rằng, chế độ làm việc quy định chặt chẽ cho Đại bản doanh trong suốt thời kỳ chiến tranh, đến cuối tháng Tư bỗng bị vi phạm. An-tô-nốp và tôi được triệu tập đến Đại bản doanh ngày mấy lượt, không kể giờ giấc gì hết. Chúng tôi thảo ra nhiều văn kiện trực tiếp tại đấy. Tình hình phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt mọi dự định.
Còn từ ngày 2 tháng Năm, khi chiếm được Béc-lin, toàn bộ Mát-xcơ-va sống trong một không khí khác thường, náo nhiệt hẳn lên. Phố xá tưng bừng như trong ngày hội lớn, ở Hồng trường, đêm ngày lúc nào cũng chật ních người.
Một hôm, vào ngày đầu tháng Năm, tôi cùng với A. I. An-tô-nốp từ điện Crem-li ra về. Khác với mọi lần, chúng tôi qua cổng Xpát-xki để ngắm cảnh hân hoan của nhân dân Mát-xcơ-va. Khi ô-tô của chúng tôi vừa mắc nghẽn trong biển người trên quảng trường, chúng tôi mới nhận ra là việc làm của mình thật nông nổi. Nhân dân hô “u-ra”, lôi chúng tôi ra khỏi xe để “tung hô”. Lúc này, bất kỳ ai mặc quân phục ở đây cũng đều được “tung hô” như thế cả, tất nhiên là không loại trừ chúng tôi. Chẳng còn cách gì để thoái thác được. Cuối cùng, An-tô-nốp bị lôi ra khỏi xe, và chỉ một loáng là đã thấy hai chân đồng chí chới với trên cao; còn tôi thì ngồi lại ôm lấy hai chiếc cặp đựng đầy tài liệu, lo lắng cho những văn kiện tác chiến bên trong. May có các đồng chí vệ binh của điện Crem-li kịp tới, chúng tôi mới có thể đi bộ trở lại điện và lên xe khác đi về Bộ tổng tham mưu qua cổng lớn Bô-rô-vít-xki.
Mấy ngày sau khi ký nhật lệnh báo tin chiến thắng, Tổng tư lệnh tối cao lệnh cho chúng tôi suy nghĩ và báo cáo những dự kiến của mình về việc tổ chức lẽ duyệt binh mừng chiến thắng nước Đức Hít-le.
- Cần phải chuẩn bị và tiến hành một cuộc duyệt binh thật đặc biệt, – đồng chí nói. – Làm sao để cho đại biểu của tất cả các phương diện quân và tất cả các quân chủng, binh chủng đều được tham gia. Theo phong tục của người Nga, cũng nên mở tiệc để ăn mừng chiến thắng nữa, vì vậy nên tổ chức một bữa tiệc trọng thể ở điện Crem-li. Ta sẽ mời các đồng chí tư lệnh các phương diện quân và một số cán bộ quân đội khác theo danh sách đề nghị của Bộ tổng tham mưu. Không nên để muộn quá, nên tổ chức trước ngày duyệt binh.
Ngày hôm sau, Bộ tổng tham mưu nhộn nhịp hẳn lên vì công việc. Hai nhóm được lập ra: một nhóm cùng với Tổng cục chính trị chuẩn bị danh sách những người được mời đến dự tiệc, còn một nhóm chuyên về việc chuẩn bị tổ chức lễ duyệt binh. Cần phải quy định thành phần tham dự, xác định toàn bộ nghi thức buổi lễ khác hẳn nghi thức thường lệ, ấn định lễ phục, thời hạn chuẩn bị và thu xếp bố trí ở chỗ ở cho những người từ các mặt trận về Mát-xcơ-va, và còn nhiều vấn đề tổ chức khác nữa đòi hỏi phải được giải quyết thật đúng đắn.
Hai ba ngày sau, chúng tôi đã sơ bộ dự tính xong và thấy là dù có tính toán thế nào đi nữa thì ít ra cũng phải hai tháng mới chuẩn bị kịp lễ duyệt binh. Sở dĩ như thế chủ yếu là vì cần may hơn một vạn bộ lễ phục. Khắp nơi, ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương, quân nhân chúng ta không ai còn nhớ rõ hình dáng bộ lễ phục như thế nào nữa, và dĩ nhiên chẳng có ai còn giữ lại được một bộ lễ phục nào. Rồi lại cũng cần phải có thời gian cho những người tham dự tập qua những động tác đội ngũ để đi duyệt binh cho đều nữa: trong bốn năm chiến tranh dài đằng đẵng, nào có ai quan tâm đến những cái ấy đâu.
Chúng tôi đề nghị mỗi phương diện quân hiện hành cứ một trung đoàn hỗn hợp gồm 1.000 người, không kể những đồng chí chỉ huy. Trung đoàn hỗn hợp phải có đại biểu của tất cả các loại lực lượng vũ trang, các binh chủng và mang theo 36 ngọn cờ chiến đấu của các binh đoàn, binh đội xuất sắc nhất của phương diện quân để diễu binh trên Hồng trường.
Tham gia lễ duyệt binh tất cả có mười trung đoàn hỗn hợp của các phương diện quân và một trung đoàn hỗn hợp của Hải quân với 360 ngọn cờ chiến đấu đi đầu. Ngoài ra, các học viện quân sự, các trường quân sự và bộ đội của các đơn vị đóng ở Mát-xcơ-va cũng được tham gia duyệt binh.
Theo dự kiến của chúng tôi, ngọn cờ Chiến thắng đã từng phấp phới trên nóc nhà Quốc hội Đức ở Béc-lin sẽ đi đầu đoàn diễu binh, do chính những chiến sĩ đã cắm lá cờ ấy trên thủ đô nước Đức Hít-le là M. V. Can-ta-ri-a, M. A. Ê-gô-rốp, I. I-a. Xi-a-nốp, C. I-a. Xam-xô-nốp và X. A. Ne-u-tơ-rô-ép tự mình cầm đi và hộ tống.
Ngày 24 tháng Năm, đúng vào ngày tổ chức bữa tiệc long trọng mừng chiến thắng, chúng tôi trình kế hoạch ấy với Xta-lin. Đồng chí thông qua những đề nghị của chúng tôi, duy có vấn đề thời hạn chuẩn bị là đồng chí không đồng ý:
- Đúng một tháng nữa phải tiến hành lễ duyệt binh, ngày 24 tháng Sáu. -Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị như vậy và nói tiếp đại khái như sau: – Chiến tranh chưa chấm dứt mà Bộ tổng tham mưu đã chuyển sang lối làm việc thời bình. Phải hoàn thành trong thời hạn đã định! Và còn việc này nữa: mang theo cả những lá cờ của Hít-le trong cuộc diễu binh và đem ném một cách nhục nhã xuống dưới chân những người chiến thắng. Các đồng chí suy nghĩ xem, nên làm như thế nào… Và theo các đồng chí thì ai sẽ chỉ huy cuộc duyệt binh và ai là người đứng ra duyệt binh?
Chúng tôi yên lặng vì biết chắc là đồng chí đã tự mình quyết định đâu vào đấy cả rồi và chỉ hỏi chúng tôi lấy lệ mà thôi. Bấy giờ chúng tôi đã biết kỹ mọi lề lối làm việc ở Đại bản doanh, nên rất ít khi lầm trong việc phán đoán của mình. Lần này cũng thế, chúng tôi quả đã không lầm. Sau vài phút im lặng, Tổng tư lệnh tối cao tuyên bố:
- Người duyệt binh là Giu-cốp, còn người chỉ huy duyệt binh là Rô-cô-xốp-xki.
Cũng ngày hôm ấy, N. M. Svéc-ních (N. M. Svéc-ních bấy giờ là Phó chủ tịch thứ nhất Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên bang Nga. – ND.) trao Huân chương “Chiến thắng” cho các nguyên soái Gh. C. Giu-cốp, C. C. Rô-cô-xốp-xki, I. X. Cô-nép, R. I-a. Ma-li-nôp-xki, Ph. I. Tôn-bu-khin.
Tên tuổi những đồng chí đại biểu lỗi lạc ấy của nền nghệ thuật quân sự xô-viêt đã đi vào lịch sử của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí, kế hoạch những chiến dịch nổi tiếng đã được xây dựng và tiến hành trong thực tế, mà cuối cùng đã kết thúc bằng việc cắm ngọn cờ Chiến thắng lên nóc nhà Quốc hội Đức và việc tiêu diệt hoàn toàn nước Đức Hít-le.
Ghê-oóc-ghi Côn-xtan-ti-nô-vích Giu-cốp, trong thời gian chiến tranh được tặng thêm hai Huân chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô. Huân chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô đầu tiên đồng chí nhận được năm 1939. Các đồng chí I. X. Cô-nép, C. C. Rô-cô-xốp-xki và R. I-a. Ma-li-nốp-xki được tặng thưởng hai lần huân chương này. Ph. I. Tôn-bu-khin được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1965.
Những chương trước đây đã nói nhiều về nguyên soái Gh. C. Giu-côp. Nhưng dầu sao cũng vẫn cần phải nói thêm rằng đó là một con người tài năng, một vị chỉ huy lỗi lạc, táo bạo và độc đáo trong những kết luận của mình, rất kiên trì khi thực hiện những quyết định, không chịu dừng lại trước bất kỳ một khó khăn nào, khi phải đạt lấy mục tiêu chiến tranh đã định. Khi cảm thấy mình đúng trong một vấn đề đang tranh luận, Giu-côp có thể tranh luận khá kịch liệt đối với ý kiến của Xta-lin, việc mà những người khác ít khi dám làm như vậy.
Phong thái chỉ huy của Côn-xtan-tin Côn-xtan-ti-nô-vích Rô-cô-xôp-xki rất linh hoạt. Đồng chí đã đảm nhiệm một vai trò cực kỳ khó khăn trong chiến dịch Xmô-len-xcơ nổi tiếng năm l941 và trong những trận chiến đấu phòng ngự tại những cửa ngõ tiếp cận Mát-xcơ-va.
Đồng chí chỉ huy bộ đội của phương diện quân sông Đôn ở Xta-lin-grát và đã hoàn thành xuất sắc việc tiêu diệt tập đoàn xung kích của quân phát-xít Đức bị bao vây. Sau đó, dưới sự chỉ huy của C. C. Rô-cô-xốp-xki, bộ đội của phương diện quân Trung tâm đã ngoan cường chống đỡ được mũi đột kích của quân Đức ở vòng cung Cuốc-xcơ và trong quá trình phán công sau này, đã hiệp đồng với những phương diện quân bạn đánh tan cánh quân Ô-ri-ôn của địch.
Đồng chí chỉ huy phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, hoạt động trên hướng chủ yếu của chiến dịch lịch sử Bê-lô-ru-xi-a. Tên tuoi đồng chí gắn liền với những chiến dịch thắng lợi ở Đông Phổ, Đông Pô-mê-ra-ni và cuối cùng ở Béc-lin, trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Rô-cô-xốp-xki có sức thuyết phục và cảm hóa con người rất mạnh. Có lẽ tôi không nhầm nếu nói trắng đồng chí chẳng những được mọi người vô cùng kính trọng, mà tất cả những ai đã có lần tiếp xúc và cộng tác với đồng chí cũng đều chân thành quý mến đồng chí.
I-van Xtê-pa-nô-vích Cô-nép tỏ ra có biệt tài về mặt quân sự khi chỉ huy các phương diện quân Ca-li-nin, Thảo nguyên và về sau là phương diện quân U-crai-na 2. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, năm 1943 bộ đội ta đã giải phóng Khác-cốp và tiến công vượt sông Đni-ép-rơ, tiến hành chiến dịch Ki-rô-vô-grát.
Một trang sử rực rỡ trong lịch sử cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại là chiến dịch Coóc-xun – Sép-tsen-cốp-xki, và tên tuổi của I-van Xtê-pa-nô-vích Cô-nép cùng gắn liền với chiến dịch ấy. Đồng chí đã tiến hành thắng lợi việc tiêu diệt tập đoàn U-man của quân đội phát-xít Đức. Tiếp sau đó là chiến dịch tiến công Lơ-vốp – Xan-đô-mia, giải phóng miền Tây U-crai-na và bắt đầu đuổi quân địch ra khỏi lãnh thổ Ba Lan.
Năm 1945, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 1, dưới sự chỉ huy của Cô-nép, hiệp đồng với những phương diện quân bạn, đã gây cho địch những tổn thất nặng ở miền Xi-lê-di và đã thực sự hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong quá trình chiến dịch Béc-lin. Cuối cùng trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, I-van Xtê-pa-nô-vích đã góp phần quyết định vào chiến dịch Pra-ha, giải phóng thủ đô Tiệp Khắc.
Trong hàng ngũ các tướng lĩnh, Cô-nép vẫn được tiếng là một vị chỉ huy vững vàng và kiên quyết. Nhiều đồng chí chúng ta hằng ao ước có được năng lực và tính tích cực như đống chí. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng cố nhìn chiến trường tận mắt và chuẩn bị rất tỉ mỉ cho từng chiến dịch. Cố gắng đi sâu vào mọi chi tiết của từng chiến dịch, quả là Cô-nép đã bắt cấp dưới phải làm việc hết sức mình.
Rô-đi-ôn I-a-côp-lê-vích Ma-li-nôp-xki nổi lên trong những trận chiến đấu ở Xta-lin-grát. Là tư lệnh tập đoàn quân cận vệ 2, đồng chí đã cùng với tập đoàn quân 51 giáng cho thống chế Man-stai-nơ, tướng được Hít-le tin cậy, một đòn trí mạng ở đấy. Sau đó, bộ đội do R. I-a. Ma-li-nốp-xki chỉ huy quét địch ra khỏi Rô-xtốp và hiệp đồng với bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin (phương diện quân Nam) đã giải phóng miền Đôn-bát. Tiếp đó. phương diện quân của đồng chí đã vượt sông Đni-ép-rơ và tham gia giải phóng Hữu ngạn U-crai-na.
Tên tuổi Ma-li-nốp-xki gắn liền với chiến dịch I-át-xư – Ki-si-ni-ốp, tiến hành hiệp đồng thắng lợi với phương diện quân U-crai-na 3, gắn liền với những chiến thắng ở Bu-đa-pét và ở Viên, với những trận chiến đấu giải phóng Tiệp Khắc. Về sau, như đã nói ở trên, Rô-đi-ôn I-a-cốp-lê-vích chỉ huy phương diện quân Da-bai-can ở trên hướng chủ yếu đánh Đạo quân Quan Đông.
Phê-đô I-va-nô-vích Tôn-bu-khin là một cán bộ tham mưu chuyển sang làm cán bộ chỉ huy. ở cương vi tư lệnh tập đoàn quân, đồng chí đã tỏ ra xứng đáng trong chiến dịch lịch sử Xta-lin-grát và ngay từ tháng Bảy 1943 đã bắt đầu giữ chức tư lệnh phương diện quân Nam. Đồng chí đã chỉ huy những trận đánh đột phá tuyến phòng ngự của địch trên sông Mi-u-xơ và giải phóng miền Nam Đôn-bát, đánh tan quân địch trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a và ở Xi-va-sơ, giải phóng Crưm. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 đã đánh tan quân địch ở khu vực phía Nam Ki-si-ni-ốp, tiến tới vùng Ban-căng, giải phóng Bun-ga-ri và cùng với những người yêu nước Nam Tư, quét sạch quân chiếm đóng ra khỏi Bê-ô-grát.
Con đường tiếp theo của đồng chí được đánh dầu bằng thắng lợi ở hồ Ba-la-tôn, bằng cuộc tiến công thắng lợi vào thủ đô nước Áo. Riêng tôi nhớ đến Ph. I. Tôn-bu-khin như nhớ đến một con người rất tốt và có lẽ là người khiêm tốn nhất trong tất cả các tư lệnh phương diện quân. “Hạt nhân tham mưu” còn giữ lại mãi ở con người đồng chí, đôi khi còn chiếm ưu thế, lấn cả cái “hạt nhân chỉ huy”. Đồng chí lại luôn luôn tạo điều kiện cho cấp dưới có thể phát huy được rộng rãi tính chủ động.
Đối với chúng tôi, những cán bộ trong Bộ tổng tham mưu, ngày 24 tháng Năm 1945 có lẽ là ngày căng thẳng nhất sau khi nước Đức Hít-le đầu hàng. Ngay sau khi báo cáo cho Xta-lin những dự kiến của chúng tôi về lễ duyệt binh, chúng tôi phải ngồi vào viết cho xong bản chỉ thị gửi các phương diện quân và phải kịp gửi đi trước lúc dự tiệc chiêu đãi ở điện Crem-li. Bản chỉ thị này, theo tôi, chưa thấy được công bố trong một ấn phẩm nào gần gũi với đông đảo bạn đọc, vì vậy cho phép tôi được chép lại toàn văn bản chỉ thị ấy ra đây:
“Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh:
1. Mỗi phương diện quân sẽ chọn ra một trung đoàn hỗn hợp để tham gia lễ duyệt binh ở Mát-xcơ-va mừng chiến thắng nước Đức.
2. Tổ chức trung đoàn hỗn hợp như sau: năm tiểu đoàn, biên chế mỗi tiểu đoàn là hai đại đội và mỗi đại đội có 100 người (gồm 10 tiểu đội, mỗi tiểu đội 10 người). Ngoài ra, còn có 19 cán bộ chỉ huy: 1 trung đoàn trưởng, 2 trung đoàn phó (1 về đội ngũ và 1 về chính trị), 1 tham mưu trưởng trung đoàn, 5 tiểu đoàn trưởng, 10 đại đội trưởng và 36 người cầm cờ cùng với 4 sĩ quan trợ lý; như thế mỗi trung đoàn hỗn hợp có 1.059 người và 10 người dự bị.
3. Trong trung đoàn hỗn hợp có 6 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo thủ, 1 đại đội chiến sí lái xe tăng, 1 đại đội phi công và 1 đại đội hỗn hợp gồm kỵ binh, công binh, thông tin liên lạc.
4. Biên chế các tiểu đội trưởng trong đại đội gồm những sĩ quan trung cấp, còn biên chế các tiểu đội gồm những chiến sĩ và hạ sĩ.
5. Chọn những chiến sĩ và sĩ quan có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và đã được tặng thưởng huân chương tham gia lễ duyệt binh.
6. Trung đoàn hỗn hợp sẽ trang bị như sau: 3 đại đội bộ binh mang súng trường, 3 đại đội bộ binh mang tiểu liên, 1 đại đội pháo binh đeo các-bin sau lưng, 1 đại đội chiến sĩ lái xe tăng và 1 đại đội phi công đeo súng ngắn, 1 đại đội chiến sĩ công binh, thông tin liên lạc và kỵ binh đeo các-bin sau lưng, ngoài ra chiến sĩ kỵ binh còn mang theo kiếm.
7. Tư lệnh phương diện quân và tất cả các tư lệnh tập đoàn quân, kể cả những tập đoàn quân xe tăng và không quân, phải có mặt để dự lễ duyệt binh.
8. Trung đoàn hỗn hợp đến Mát-xcơ-va ngày 10 tháng Sáu năm nay, mang theo 36 ngọn cờ chiến đấu của các binh đoàn, binh đội đã lập được thành tích chiến đấu xuất sắc nhất và tất cả những lá cờ chiến đấu của các binh đoàn, binh đội quân địch mà bộ đội phương diện quân đã chiếm được, không kể số lượng.
9. Lễ phục cho tất cả những người tham gia duyệt binh sẽ cấp phát ở Mát-xcơ-va.
Ngày 24 tháng Năm 1945.
An-tô-nốp”.
Các cán bộ lãnh đạo Bộ tổng tham mưu được mời đến điện Crem-li vào khoảng 8 giờ tối. Ở đày, trong gian phòng Ghê-oóc-ghi-ép-xki, cùng với các đồng chí bên quân đội, có mặt các đồng chí ủy viên Chính phủ, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, các nhà hoạt động nổi tiếng nhất trong nền kinh tế quốc dân, trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, văn học và nghệ thuật.
Cốc rượu đầu tiên được nâng lên chúc mừng sức khỏe các chiến sĩ Hồng quân, hải quân, các sĩ quan, tướng lĩnh và đô đốc. Cốc rượu thứ hai, trong tiếng hoan hô nhiệt liệt chúc mừng Đảng và Ban chấp hành trung ương Đảng.
Tiếp đó là cốc rượu chúc mừng nước Ba Lan dân chủ anh em, mà nhân dân đã đứng lên đấu tranh vũ trang đầu tiên chống những đạo quân Hít-le ăn cướp. Trong buổi tiệc trọng thể của chúng ta, có mặt một đoàn đại biểu những người thợ mỏ Ba Lan mặc quần áo dân tộc, đến với một đoàn xe chở than đá làm quà tặng nhân dân Mát-xcơ-va. Các đồng chí Ba Lan tiến đến bàn Đoàn chủ tịch, nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các nguyên soái Liên Xô ngồi, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí rồi cất tiếng đồng ca một bài hát chúc mừng thật hay. Cả phòng vỗ tay như sấm hoan hô đoàn đại biểu.
Cốc rượu chúc mừng Mi-khai-in I-va-nô-vích Ca-li-nin (M. I. Ca-li-nin bấy giờ là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô ND.) được tán thưởng nhiệt liệt. Tiếp đó là những cốc rượu chúc mừng từng đồng chí tư lệnh các phương diện quân và chúc mừng các vị lão thành trong hàng ngũ tướng soái của Hồng quân: C. E. Vô-rô-si-lốp, X. M. Bu-đi-on-nưi, X. C. Ti-mô-sen-cô. Và mọi người cũng không quên nâng cốc chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Hải quân quang vinh, các nguyên soái các quân chủng, binh chủng, Hội đồng quốc phòng Nhà nước với Chủ tịch Hội đồng và Bộ tổng tham mưu.
Thời gian xen kẽ khá dài giữa mỗi lần nâng cốc chúc mừng được dành cho một chương trình âm nhạc đặc sắc. Những bài hát Nga từ sân khấu vọng lại. Các diễn viên ba-lê và diễn viên múa dân gian biểu diễn trước toàn thể tân khách.
Lúc kết thúc, I. V. Xta-lin đứng dậy, hướng về tất cả các đồng chí có mặt, nâng cốc:
- Các đồng chí, cho phép tôi nâng cốc chúc rượu một lần nữa, lần cuối cùng. Tôi xin nâng cốc chúc sức khỏe của nhân dân xô-viết chúng ta, và trước hết là chúc sức khỏe nhân dân Nga.
Cử tọa hô “u-ra” và nhiệt liệt hưởng ứng bằng những tràng hoan hô rất dài.
- Tôi uống, – Xta-lin nói tiếp, – trước hết để chúc mừng sức khỏe nhân dân Nga, vì đó là dân tộc lỗi lạc nhất trong tất cả các dân tộc hợp thành Liên bang Xô-viết.
- Tôi nâng cốc chúc sức khỏe nhân dân Nga, vì trong tất cả các dân tộc trên đất nước chúng ta, nhân dân Nga đã được nơi nơi, người người công nhận là lực lượng lãnh đạo của Liên Xô trong cuộc chiến tranh này.
- Tôi nâng cốc chúc mừng sức khỏe của nhân dân Nga không chỉ vì nhân dân Nga là một dân tộc lãnh đạo, mà còn vì nhân dân Nga có trí tuệ sáng suốt, ý chí kiên cường và đức tính nhẫn nại.
- Chính phủ chúng ta đã mắc nhiều thiếu sót; trong những năm 1941-1942, ta đã có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, khi quân đội chúng ta rút lui, bỏ cả những làng mạc và thành phố thân yêu của chúng ta ở U-crai-na, Bê-lô-ru-xi-a, Môn-đa-vi-a, tỉnh Lê-nin-grát, miền Pri-ban-tích, nước Cộng hòa Ca-rê-li-a – Phần Lan, phải bỏ đi vì không còn con đường thoát nào khác. Nếu là một dân tộc khác, thì đã có thể nói với chính phủ rằng: các anh không xứng đáng với lòng mong đợi của chúng tôi, hãy cút đi, chúng tôi sẽ lập một chính phú khác, chính phủ ấy sẽ giảng hòa với Đức và sẽ bảo đảm cho chúng tôi được yên lành. Nhưng nhân dân Nga không chọn con đường ấy, vì nhân dân Nga tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Chính phủ và sẵn sàng xả thân để bảo đảm việc đánh tan nước Đức. Lòng tin cậy ấy của nhân dân Nga đối với Chính phủ Liên Xô là sức mạnh quyết định bảo đảm cho chiến thắng lịch sử trước kẻ thù của loài người, trước chủ nghĩa phát-xít.
Xin cám ơn nhân dân Nga, cám ơn lòng tin cậy ấy!
Xin chúc sức khỏe nhân dân Nga!
Chúng tôi cho rằng: tiếng nói của Xta-lin chính là tiếng nói của Đảng với chúng tôi. Thế là dưới mái vòm của điện Crem-li lại nổi lên những tràng vỗ tay hoan hô như sấm dậy.
Bữa tiệc liên hoan hôm ấy còn in sâu trong tâm hồn mỗi người chúng tôi. Chúng tôi nhớ lại nhiều điều, suy nghĩ đến nhiều việc.
Đất nước đã chuyển từ chiến tranh sang lao động thời bình. Cần phải khắc phục tình trạng kinh tế đổ nát, không ổn định trong đời sống. bồi dưỡng sức khỏe và khả năng lao động cho những người bị thương tật trong chiến đấu, phải quan tâm chăm sóc những trẻ mồ côi, những người vợ góa, những bà mẹ mất con. Tất cả những việc ấy đã gặp biết bao nhiêu khó khăn.
Bộ tổng tham mưu đã nghiên cứu và chuẩn bị để hàng triệu quân nhân chuyển sang hoạt động cho nền kinh tế quốc dân.
Trong khi ấy, các phương diện quân đang bắt tay vào tổ chức và tập trung những trung đoàn hỗn hợp, đưa họ lên đường tới các trạm tiếp đón.
Phải nói thêm là một số phương diện quân, được phép đặc biệt của Bộ tổng tham mưu, tổ chức ra trung đoàn hỗn hợp có số lượng tiểu đoàn và đại đội hơi khác, còn số người ở đại đội thì cũng có khác so với quy định trong chỉ thị ngày 24 tháng Năm. Tổng tư lệnh tối cao biết việc đó, nhưng không phản đối.
Trong khi chờ đợi các trung đoàn hỗn hợp đến, hầu như tất cả các xưởng may ở Mát-xcơ-va đều tập trung may lễ phục cho các chiến sĩ. Rất nhiều xưởng may và hiệu may được dành ra để may lễ phục cho các sĩ quan và tướng lĩnh. Nhà cho các đơn vị tham gia duyệt binh ở cũng phải thu xếp. Sân bay Trung ương thì dành cho việc tập dượt đội ngũ.
Rồi lại đến việc vạch kế hoạch tổ chức bắn súng chào, chăng đèn, kết hoa và bắn pháo hoa trong ngày lễ. Tổng cục chính trị đề nghị thả những quả bóng khinh khí trên bầu trời Mát-xcơ-va, mang theo những chân dung, cờ đỏ, và hình mẫu các Huân chương “Chiến thắng” và Sao đỏ; kích thước tất cả các thứ ấy mỗi bề lớn đến 18 mét, có những đèn pha cực sáng chiếu vào. Lại dự kiến mắc cả loa phóng thanh công suất lớn vào những quả bóng ấy nữa.
Ngày 10 tháng Sáu, các đơn vị hỗn hợp tham gia duyệt binh đã tập hợp ở Mát-xcơ-va và bắt đầu tập dượt. Hai con ngựa được chọn trước cho đồng chí duyệt binh và đồng chí chỉ huy cuộc duyệt binh: nguyên soái Giu-côp con ngựa bạch và nguyên soái Rô-cô-xốp-xki; con ngựa ô. Cả hai đồng chí đều là những kỵ sĩ lão luyện, nên gần như không phải tập dượt gì cả.
Các trung đoàn hỗn hợp mang về rất nhiều cờ của các binh đoàn và binh đội Hít-le đã bị đánh tan, trong đó có cả lá cờ hiệu của chính Hít-le. Mang tất cả những lá cờ ấy tới Hồng trường cũng không cần thiết, nên chỉ chọn lấy có 200 chiếc. Một đại đội được tách riêng ra để mang những tàn tích chiến đấu ấy của quân địch. Chúng tôi đã đồng ý với nhau là đại đội mang những lá cờ ấy sẽ cầm nghiêng cán, ngọn cờ chúc xuống, nhưng không quét lê mặt đất; rồi đến khi tiếng của hàng chục chiếc trống nổi lên thì sẽ ném tất cả xuống chân Lăng Lê-nin.
Nghiên cứu xong các nghi thức, chúng tôi đến báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao, nhưng Xta-lin không nghe. Đồng chí nói:
- Đó là công việc của các đồng chí quân đội. Các đồng chí giải quyết lấy thôi.
Sau đó, Gh. C. Giu-côp và C. C. Rô-cô-xốp-xki hoàn toàn tập trung vào việc chuẩn bị lễ duyệt binh. Các đồng chí xem xét toàn bộ nghi lễ và đặc biệt chú ý tới những lá cờ chiến đấu và cách cầm cờ của các trung đoàn hỗn hợp lúc tiến vào Hồng trường, vì mỗi lá cờ trong số 360 lá cờ ấy đều đại diện cho một binh đội hay binh đoàn nào đấy. Ngọn cờ nào cũng đã thấm máu trong những trận đánh, ngọn cờ nào cũng đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian khổ từ chân thành Mát-xcơ-va và Xta-lin-grát, từ chân dãy núi Cáp-ca-dơ và thành phố Lê-nin, nơi chôn nhau cắt rốn của cách mạng chúng ta, cho đến Bu-ca-rét và Bu-đa-pét, Viên, Bê-ô-grát, Béc-lin và Pra-ha, đến đường tiến quân tận cùng, nơi những tên lính Hít-le cuối cùng phải giơ hai tay lên hàng.
Lại có lệnh phải tổ chức đón rước thật trọng thể về Mát-xcơ-va lá cờ Chiến thắng đã cắm trên nóc nhà Quốc hội Đức. Sáng ngày 19 tháng Sáu, tại sân bay Béc-lin, đại tá Ph. I-a. Li-xít-xun, chủ nhiệm cơ quan chính trị tập đoàn quân đột kích 3, đã long trọng trao lá cờ ấy cho các Anh hùng Liên Xô: hạ sĩ Can-ta-ri-a, trung sĩ Ê-gô-rốp, thượng sỉ Xi-a-nôp, các đại úy Xam-xô-nốp và Ne-u-xtơ-rô-ép.
Cũng trong ngày hôm ấy, các đồng chí về tới sân bay Trung ương của thủ đô, ở đây ngọn cờ Chiến thắng được hàng rào danh dự của đơn vị bộ đội Mát-xcơ-va nghênh tiếp; chiến sĩ cầm cờ là Anh hùng Liên Xô, thượng sĩ Ph. A. Ski-rép, hai đồng chí trợ thủ, cũng là Anh hùng Liên Xô: chuẩn úy cận vệ I. P. Pa-nư-sép và trung sĩ P. X. Ma-sta-côp.
Trước ngày duyệt binh, ngày 23 tháng Sáu, khóa họp của Xô-viết tối cao Liên Xô kết thúc. Sau khi nghe báo cáo của Tổng tham mưu trưởng A. I. An-tô-nốp, Xô-viết tối cao Liên Xô đã thông qua quyết nghị cho phục viên những lớp người nhiều tuổi trong quân đội tác chiến.
Lễ Duyệt binh Chiến thắng ấn định tổ chức vào ngày hôm sau, tựa hồ sự kết thúc hợp lý của khóa họp. Liên bang Xô-viết bước vào hòa bình.
Từ sáng ngày 24 tháng Sáu ở Mát-xcơ-va, trời mưa rả rích, nhưng mọi người đều rộn ràng phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi rất xúc động, vì nhận thức được tất cả những gì là tính chất đặc biệt của lễ duyệt binh này. Trong toàn bộ lịch sử của các Lực lượng vũ trang Liên Xô, chưa thấy có cuộc duyệt binh nào như thế. Hơn nữa, Hồng trường đã có từ tám thế kỷ nay, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến có cuộc duyệt binh nào như hôm nay.
Đúng 9 giờ 45 phút, những đợt sóng vỗ tay lan khắp khán đài. Những đại biểu của Xô-viết tối cao Liên Xô, những người lao động tiên tiến của các công xưởng và nhà máy ở Mát-xcơ-va, các cán bộ khoa học và văn hóa, rất đông các vị khách nước ngoài đang đứng trên khán đài, chào mừng các ủy viên Chính phủ và các ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, lúc vừa bước lên Lăng Lê-nin. Các tướng lĩnh của Liên Xô tập hợp trên một lễ đài đặc biệt đối diện với Lăng Lê-nin. Nguyên soái C. C. Rô-cô-xốp-xki đứng ở vị trí riêng, sẵn sàng bước ra đón nguyên soái Gh. C. Giu-cốp duyệt binh.
Chuông đồng hồ điện Crem-li điểm đền tiếng thứ mười, thì vang lên khẩu lệnh: “nghiêm!”. Tiếng vó của đôi tuấn mã khua rộn trên nền đường, tiếng nguyên soái Rô-cô-xốp-xki chỉ huy cuộc duyệt binh báo cáo, rồi đến tiếng nhạc trọng thể của đội quân nhạc vút lên cao, lan ra khắp Hồng trường.
Bắt đầu duyệt binh. Các trung đoàn hỗn hợp hô “u-ra” vang dậy đáp lời chào mừng của nguyên soái Gh. C. Giu-cốp. Rồi khi hai nguyên soái cùng trở về Lăng Lê-nin thì tiếng hô “u-ra” cứ thế vang theo, từ cuối phố Goóc-ki, từ quảng trường Tê-át-ra-li-nai-a và quảng trường Ma-ne-giơ-nai-a vang dội về tới Hồng trường.
Dàn nhạc hỗn hợp gồm 1.400 người, do thiếu tướng X A. Tre-rơ-nét-xki và đại tá V. I. A-gáp-kin chỉ huy, tiến vào giữa quảng trường và cử bài “Vẻ vang thay, nhân dân Nga”.
Gh. C. Giu-cốp, thay mặt và được sự ủy nhiệm của Chính phủ Liên Xô và Đảng cộng sản toàn Liên bang, từ trên lễ đài Lăng Lê-nin đọc một bài diễn văn ngắn, chúc mừng thắng lợi tất cả những người có mặt. Đài phát thanh truyền bài diễn văn chào mừng này đi khắp thủ đô, đi khắp cả nước. Tất nhiên, bài diễn văn chào mừng ấy còn bay xa hơn nữa, tới các đơn vị bộ đội của ta đang đóng ở Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung, Ru-ma-ni, Nam Tư. Và cả những đồng chí, sau khi chiến thắng ở phía Tây, lại chuyển sang đóng quân ở Viễn Đông, cũng chăm chú nghe.
Các trung đoàn hỗn hợp bắt đầu diễu binh trọng thể theo thứ tự bố trí các phương diện quân, từ Bắc xuống Nam. Trung đoàn của phương diện quân Ca-rê-li-a đi đầu, nguyên soái C A. Mê-rét-xcốp đi phía trước. Tiếp theo là phương diện quân Lê-nin-grát có nguyên soái L. A. Gô-vô-rốp đi đầu Sau đó là trung đoàn của phương diện quân Pri-ban- tích 1 có đại tướng I. Kh. Ba-gra-mi-an đi đầu. Nguyên soái A. M. Va-xi-lép-xki đi phía trước trung đoàn hỗn hợp của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3. Thượng tướng C. P. Tơ-rúp-ni-cốp, phó tư lệnh của nguyên soái Rô-cô-xốp-xki, hướng dẫn trung đoàn của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2, còn trung đoàn của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 thì có trung tướng I. P. Rốt-xlưi hướng dẫn; vị phó tư lệnh phương diện quân này là đại tướng V. Đ. Xô-cô-lôp-xki đi ở trên đầu.
Các đại biểu của quân đội Ba Lan đi thành một đội ngũ riêng có Tổng tham mưu trưởng Ba Lan V. V. Coóc-trít đi đầu
Tiếp theo là trung đoàn của phương diện quân U-crai-na 1 do nguyên soái I. X. Cô-nép đi đầu. A. I. Pô-crư-skin – ba lần Anh hùng Liên Xô – mang lá cờ của phương diện quân.
Trung đoàn của phương diện quân U-crai-na 4 do đại tướng A. I. Ê-ri-ô-men-cô hướng dẫn. Sau đó là trung đoàn của phương diện quân U-crai-na 2 có nguyên soái tư lệnh R. I-a. Ma-li-nôp-xki. Cuối cùng là phương diện quân ở xa mãi phía cực Nam, phương diện quân U-crai-na 3, có nguyên soái Ph. I. Tôn-bu-khin đi đầu. Cuối đoàn diễu binh là hải quân có trung tướng hải quân, phó đô đốc V. G. Pha-đê-ếp đi đầu.
Đoàn quân nhạc khổng lồ cử những hành khúc chiến đấu theo nhịp bước của các đoàn quân diễu qua, nối tiếp nhau không hề gián đoạn. Âm thanh đang dồn dập, dồn dập như thác xô bão cuốn, thì bỗng nhiên im bặt. Đó là lúc ngừng tiếng nhạc duy nhất trong toàn cuộc diễu binh, những người có mặt tưởng như nghe rõ tiếng tim mình đang đập. Nhưng rồi giữa không khí im lặng sâu xa ấy, bỗng nổi lên hồi trống đột ngột, một đoàn quân xuất hiện trên quảng trường mang theo 200 lá cờ của quân địch, những ngọn cờ chúc xuống mặt đường láng nước. Đi qua Lăng Lê-nin, các chiến sĩ dừng lại quay sang phải và vứt mạnh gánh nặng đáng ghê tởm ấy xuống mặt đá sũng nước của Hồng trường.
Trên lễ đài, những tràng vỗ tay vang dậy. Nhiều người hô lớn: “u-ra”. Tiếng trống vẫn đổ hồi liên tục và trước Lăng Lê-nỉn, đống cờ nhục nhã cứ cao dần lên mãi.
Xong, nhạc lại tiếp tục khi các đơn vị của bộ đội Mát-xcơ-va tiến vào Hồng trường. Trung đoàn hỗn hợp của Bộ dân ủy quốc phòng tiếp theo, rồi đến các đơn vị của các Học viện quân sự Phrun-de, pháo binh, mô-tô cơ giới, không quân và các học viện khác. Sau các đoàn học viện, đến đơn vị kỵ binh chạy nước kiệu, rồi pháo binh, xe tăng và pháo tự hành lao vút qua trước lễ đài.
Cuộc diễu binh kéo dài hai tiếng đồng hồ. Mưa như trút nước, nhưng hàng ngàn người đứng chật Hồng trường hình như không hề chú ý đến. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu, nên phần diễu hành của những đoàn người lao động thủ đô phải bỏ bớt đi.
Tối đến trời tạnh hẳn, phố xá Mát-xcơ-va lại tưng bừng ngày hội. Những lá cờ đỏ thắm phấp phới tít trên cao trong ánh đèn chiếu sáng rực, Huân chương “Chiến thắng” lấp lánh, rực rỡ giữa trời. Trên các quảng trường đều có biểu diễn văn nghệ, các dàn nhạc cẻ hành cho nhân dân nhảy múa.
Đến ngày hôm sau, 25 tháng Sáu, trong Cung lớn điện Crem-li, tổ chức chiêu đãi những đơn vị tham gia lễ duyệt binh. Ngoài những nhân vật chính của buổi chiêu đãi, còn có mặt những nhà hoạt động nổi tiếng nhất trong giới khoa học, kỹ thuật, văn học và nghệ thuật, có cả những chiến sĩ “xta-kha-nôp” của các xí nghiệp ở thủ đô, những chiến sĩ thi đua trên các đồng ruộng nông trang, đại biểu của những người đã rèn đúc vũ khí cho mặt trận, đã khai thác kim loại, đã nuôi dưỡng và may mặc cho quân đội và hải quân chúng ta: tất cả hơn hai nghìn năm trăm người.
Cũng như trong bữa tiệc chiêu đãi trước, cốc rượu thứ nhất uống mừng các chiến sĩ và các vị chỉ huy Hồng quân và Hải quân cùng những người đã hy sinh vì thắng lợi. Sau đó, đến các cốc rượu mừng Tổng tư lệnh tối cao, nguyên soái Liên Xô I. V. Xta-lin, mừng từng đồng chí tư lệnh các phương diện quân trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại cùng các chiến hữu gần gũi của các đồng chí ấy.
Khi gọi đến tên mình, các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân tiến đến bàn của Chính phủ và chạm cốc ở đấy với tất cả mọi người. Dàn nhạc liền nổi kèn chào, hoặc cử một hành khúc. Tổng tư lệnh tối cao thì chúc mừng từng đồng chí một.
Khi nâng cốc chúc mừng nguyên soái Gh. C. Giu-côp, tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và các tướng V. Đ. Xô-cô-lốp-xki, V. I. Tsui-cốp, V. I. Cu-dơ-nét-xôp, X. I. Bô-gđa-nốp, M. E. Ca-tu-cốp, A. V. Goóc-ba-tốp, P. A. Bê-lốp, V. I-a. Côn-pác-tsi, Ph. I. Pe-rơ-khô-rô-vích, X. I. Ru-đen-cô và các đồng chí bước đến bên bàn thì Xta-lin lấy cốc rượu của V. I. Tsui-cốp, đổi cốc khác đầy hơn. Va-xi-li I-va-nô-vích Tsui-cốp cầm cốc ấy chạm với Tổng tư lệnh tối cao và tất cả cùng cạn chén.
Tôi xin nói rõ thêm là trong bữa tiệc trọng thể lần này ở điện Crem-li, mới chỉ có mặt một phần của đội ngũ vẻ vang các tư lệnh tập đoàn quân. Trong thời gian chiến tranh. có khoảng 200 đồng chí đã giữ trọng trách ấy trong các tập đoàn quân binh chủng hợp thành. Tất cả các đồng chí ấy, trừ một số rất cả biệt, đều là những tướng lĩnh có trình độ xuất sắc giàu kinh nghiệm thực tiễn trong bộ đội. Trong số ấy có 66 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Liên Xô và 11 đồng chí được thưởng hai Huy chương “Sao Vàng”. Sau này có bốn đồng chí là A. A. Grê-xcô, N. I. Crư-lốp, C. X. Mô-xca-len-cô và V. I. Tsui-cốp, được phong Nguyên soái Liên Xô. Được phong quân hàm cao quý đó cũng có cả P. Ph. Ba-tít-xki, P. C. Cô-se-vôi, nguyên là quân đoàn trưởng, và quân đoàn phó quân đoàn xe tăng 1 I. I-a-cu-bốp-xki.
Đặc biệt phải nói tới các đồng chí tư lệnh các tập đoàn quân xe tăng. Những liên binh đoàn chiến dịch ấy xuất hiện trong Quân đội Liên Xô từ tháng Năm 1942. Năm 1944 đã có tất cả sáu tập đoàn quân xe tăng và con số ấy không thay đổi cho đến lúc kết thúc chiến tranh. Giữ chức tư lệnh tập đoàn quân xe tăng trong từng thời kỳ, có tất cả 11 đồng chí: X. I. Bô-gđa-nốp, V. M. Ba-đa-nốp, V. T. Vôn-xki, M. E. Ca-tu-cốp A. G. Cráp-tsen-cô, Đ. Đ. Lê-liu-sen-cô, A. I. Rát-di-ép-xki, A. G. Rô-đin, P. L. Rô-ma-nen-cô, P. A. Rốt-mi-xtơ-rốp, P. X. Rư-ban-cô. Năm đồng chí trong số ấy được tuyên dương Anh hùng Liên Xô hai lần; sau chiến tranh, ba đồng chí được phong nguyên soái bộ đội xe tăng thiết giáp, và P. A. Rốt-mi-xtơ-rôp thành nguyên soái tư lệnh bộ đội xe tăng thiết giáp.
Những tướng lĩnh có tài năng, táo bạo và kiên quyết nhất, có khả năng nhận toàn bộ trách nhiệm vè những hành động của mình và không bao giờ chùn bước trước khó khăn, đã được lựa chọn để giữ chức vụ tư lệnh các tập đoàn quân xe tăng. Chỉ những người như thế mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ giao cho các tập đoàn quân xe tăng. Các tập đoàn quân ấy thường được sử dụng để đột phá và hành động trong tung thâm chiến dịch, xa những lực lượng chủ yếu của phương diện quân, tiêu diệt những đội dự bị của địch, đánh phá sau lưng chúng, làm rối loạn hệ thống chỉ huy của chúng, đánh chiếm những tuyến có lợi và những mục tiêu quan trọng nhất.
Pa-ven Xê-mi-ô-nô-vích Rư-ban-cô chỉ huy tập đoàn quân xe tăng lâu hơn cả. Đống chí là một người có học vấn uyên thâm và tính tình cương nghị: trong những năm đầu tiên sau chiến tranh, đã gánh trách nhiệm vẻ vang đứng đầu tất cả những đơn vị bộ đội xe tăng thiết giáp của ta. Đồng chí đã góp nhiều công lao và nghị lực vào việc cải tổ và trang bị lại những tập đoàn quân xe tăng.
Trong số những đồng chí chỉ huy xuất chúng của bộ đội xe tăng, tất nhiên phải kể đến Pa-ven A-lếch-xây-ê-vích Rốt-mi-xtơ-rốp. Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn phong phú thu thập được trong chiến đấu và những kiến thức sâu rộng của mình, đồng chí cũng đã góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kỹ thuật xe tăng sau chiến tranh và đào tạo những cán bộ chỉ huy xe tăng có trình độ cao.
Mi-khai-in E-phi-mô-vích Ca-tu-côp là một quân nhân chân chính, rất am hiểu việc huấn luyện và chiến thuật bộ đội xe tăng. Lữ đoàn xe tăng do đồng chí chỉ huy trong chiến dịch Mát-xcơ-va là lữ đoàn xe tăng đầu liên của Quân đội Liên Xô được tặng danh hiệu cận vệ. Từ ngày đầu đến tận ngày kết thúc cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Mi-khai-in E-phi-mô-vích luôn luôn bám sát chiến trường.
Đơ-mi-tơ-ri Đa-ni-lô-vích Lê-liu-sen-cô được nhiều người trong các Lực lượng vũ trang Liên Xô biết đến với tư cách là một cán bộ chỉ huy bộ đội binh chủng hợp thành. Từ tháng Ba 1944, chắc là do tính cương quyết, lạc quan và linh hoạt nên đồng chí được chỉ định giữ chức tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 4 và đã chỉ huy xuất sắc tập đoàn quân ấy cho đến lúc kết thúc chiến tranh.
Là một “vị tướng xông xáo” – anh em đặt tên cho đồng chí như vậy – Đơ-mi-tơ-ri Đa-ni-lô-vích hầu như không chịu ngồi yên trong cơ quan tham mưu, mà suốt ngày đêm lúc nào cùng ở ngoài tiền duyên. Khó mà tìm được đồng chí một khi đã nổ súng chiến đấu.
Tôi còn nhớ trường hợp sau đây, trong trận đánh ở Đôn-bát: một hôm Tổng tư lệnh tối cao muốn nói chuyện riêng với Lê-liu-sen-cô. Bộ tổng tham mưu phải mất đến gần một ngày đêm ra công tìm kiếm mới biết được đồng chí ở đâu, mặc dầu thông tin liên lạc với cơ quan tham mưu tập đoàn quân vẫn ổn định. Kết quả là sau việc ấy, phải ban hành một chỉ thị đặc biệt quy định các tư lệnh tập đoàn quân không được rời khỏi sở chỉ huy của mình trong một thời gian lâu.
Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng cận vệ 2, Xê-mi-ôn I-lích Bô-gđa-nôp nổi tiếng vì lòng dũng cảm tuyệt vời. Bắt đầu từ tháng Chín 1943, tập đoàn quân của đồng chí đã tham gia hầu hết những trận đánh quyết định trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Cả trong thời gian sau chiến tranh, Xê-mi-ôn I-lích cùng tỏ ra có tài năng lỗi lạc, đồng chí đã làm giám đốc học viện và gần năm năm giữ cương vị tư lệnh bộ đội xe tăng của các Lực lượng vũ trang Liên Xô.
Tên tuổi của An-đrây Gri-gô-ri-ê-vích Cráp-tsen-cô gắn liền với tất cả những chiến thắng của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 và nhất là với đợt tiến công tuyệt diệu vượt qua dãy núi Đại Hưng An ở Viễn Đông.
Các đồng chí tư lệnh tập đoàn quân không quân hợp thành một đội ngũ, như ta thường nói, thật là độc đáo. Trong thời gian chiến tranh, trong các Lực lượng vũ trang Liên Xô có tất cả 17 tập đoàn quân không quân thuộc các phương diện quân.
Chỉ huy những tập đoàn quân không quân ấy trong một thời gian dài là các đồng chí: M. M. Grô-môp, X. A. Cra-xốp-xki, N. Ph. Pa-pi-vin, K. A. Véc-si-nhin, X. C. Gô-riu-nốp, Ph. P. Pô-lư-nin, I. M. Xô-cô-lốp, T. T. Khơ-ri-u-kin, A. X. Xê-na-tô-rốp, V. A. Vi-nô-grát-đốp, V. N. Bi-bi-cốp, T. Ph. Cu-xe-va-lốp, X. Đ. Rư-ban-tren-cô, I. P. Giu-ráp-li- ốp, N. Ph. Na-u-men-cô, X. I. Ru-đen-cô, V. A. Xu-đét. Và còn sáu đồng chí nữa cũng đã từng giữ nhưng cương vị này là: X. A. Khu-đi-a-côp, C. N. Xmi-rơ-nốp, Đ. Ph. Côn-đra-chi-úc, V. N. Giơ-đa-nốp, Đ. I-a. Xlô-bô-gian, I. G. Pi-a-tư-khin.
Đứng đầu các Lực lượng không quân trên các hạm đội là: M. I. Xa-mô-khin, N. A. Ô-xtơ-ri-a-cốp, V. V. Éc-ma-tren-cốp, A. A. Cu-dơ-nét-xốp, A. Kh. An-đrê-ép, E. N. Prê-ô-bra-gien-xki, P. P. Lê-me-scô.
Trong suốt một thời kỳ chiến tranh dài (từ tháng Hai 1942 đến hết tháng Chạp 1944), A. E. Gô-lô-va-nốp chỉ huy không quân hoạt động tầm xa, một phương tiện đột kích của Đại bản doanh. Còn chỉ huy các Lực lượng không quân của Hồng quân là P. Ph. Gi-ga-rép (cho tới tháng Năm 1942) và A. A. Nô-vi-cốp (từ tháng Năm 1942 cho đến khi kết thúc chiến tranh).
Tôi xin nhắc lại là, không phải tất cả những con người xứng đáng trên đâu có thể có mặt đông đủ tại Ngày hội Chiến thắng ở Crem-li và cũng không phải tất cà đều được nêu tên trong bữa tiệc mừng ngày hội lớn ấy, nhưng tên họ của mỗi đồng chí đều đáng được nhắc đến và được hoan nghênh nhiệt liệt. Chặng đường chiến đấu của một số đồng chí không dài lắm, nhưng kết quả đấu tranh của bộ đội do các đồng chí lãnh đạo thật lớn lao.
Những đồng chí trong những năm chiến tranh đã lãnh đạo các quân chủng, binh chủng trong các Lực lượng vũ trang, lãnh đạo những cơ quan trọng yếu trong bộ máy quân đội cũng đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Đến lượt các đồng chí pháo binh tiến đến bên bàn Chính phủ. Đi đầu là nguyên soái tư lệnh pháo binh N. N. Vô-rô-nốp có vóc người cao lớn đĩnh đạc. Sau đến các nguyên soái pháo binh N. Đ. I-a-cô-lép, M. N. Tsi-xti-a-cốp, các tướng G. E. Đéc-chi-a-rép, G. Ph. Ô-đin-xôp, N. M. Khơ-lép-ni-cốp, M. M. Bác-xu-cốp, A. C. Xô-côn-xki, V. I. Ca-da-cốp, X. X. Va-ren-xốp, N. X. Phô-min, M. I. Ne-đe-lin.
Sau đó, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng M. I. Ca-li-nin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, người đã giúp đỡ chúng tôi, những quân nhân, hiểu được công tác của mình, người cổ vũ nhiệt thành những truyền thống chiến đấu và những phẩm chất cao quý như lòng dũng cảm, tính gan dạ, nghĩa vụ quân đội, lòng trung thành với Tổ quốc.
Mọi người nhiệt liệt tán thưởng cốc rượu mừng chính sách đối ngoại đúng đắn của Liên Xô.
Tiếp đến là những tràng vỗ tay và cốc rượu Chúc mừng các nguyên soái C. E. Vô-rô-si-lốp, X. M. Bu-đi-on-nưi và X. C. Ti-mô-sen-cô, mừng nguyên soái tư lệnh không quân A. A. Nô-vi-cốp, nguyên soái tư lệnh bộ đội xe tăng thiết giáp I-a. N. Phê-đô-ren-cô và bộ trưởng Bộ dân ủy hải quân – đô đốc N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp. Khi Bộ tổng tham mưu được nhớ đến, thì A. I. An-tô-nốp và tôi được mời lên. Chúng tôi bước đến bàn Chính phủ cùng vui mừng với tất cả các đồng chí và chạm cốc chào mừng thắng lợi của chúng ta. Mọi người lại nhiệt thành chúc mừng các cán bộ hậu cần của Hồng quân, với người lãnh đạo công tác hậu cần không hề biết mỏi mệt là đại tướng A. V. Khơ-ru-li-ôp.
Công lao của những nhà hoạt động khoa học cũng được đánh giá cao. Đại biểu của họ có mặt ở đây là Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Liên Xô V. L. Cô-ma-rôp và nhiều viện sĩ.
Tất cả lại nâng cốc chúc mừng đại biểu các công trình sư tiên tiến: A. X. I-a-cô-vlép, B. G. Spi-tan-nưi. V. G. Gra-bin, Ph. V. Tô-ca-rép. V. A. Đéc-chi-a-rép, X. G. Xi-mô-nốp, X. V. I-liu-sin, A. A. Mi-cu-lin, A. I. Mi-côi-an, X. A. La-vốt-xkin, V. Ph. Bôn-khô-vi-ti-nốp, A. Đ. Sơ-ve-xốp, A. N. Tu-pô-lép, V. I. Cli-môp.
Xta-lin đề nghị nâng cốc chúc mừng lần cuối cùng: “Chúc sức khỏe nhân dân xô-viết chúng ta!”.
Chúng tôi chia tay nhau, rời khỏi điện Crem-li lúc những tia nắng cuối cùng của ngày dài tháng Sáu còn chiếu sáng vòm nóc những ngôi nhà thờ lớn. Tôi nhớ mãi hình ảnh gian phòng khánh tiết ấy, ở đó chủ yếu tập trung các tướng lĩnh, các vị chỉ huy cao cấp của Hồng quân và hải quân. Không một đồng chí nào giống đồng chí nào. Nhưng dù khác nhau về bề ngoài, về tính cách, về phong cách, về kinh nghiệm, về học vấn, họ đều có một đặc điểm quyết định chung duy nhất là bất kỳ ở đâu và lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh thế nào, họ vẫn mãi mãi là những người yêu Tổ quốc nhiệt thành, những đảng viên cộng sản chân chính.
Từ ấy, đã nhiều năm qua. Đã có nhiều biến đổi trên hành tinh chúng ta, trên đất nước chúng ta và trong quân đội thân yêu của chúng ta. Nhưng, những đảng viên cộng sản vẫn là những đảng viên cộng sản. Những phẩm chất cao đẹp của các đồng chí, như ngọn đuốc trao tay nhau, truyền từ đời cha sang đời con, đời cháu, sang những người đang cầm chắc vũ khí trong tay, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân xô viết ngày nay và cả mai sau.
HẾT.
Bộ Tổng Tham Mưu Xô Viết Trong Chiến Tranh Bộ Tổng Tham Mưu Xô Viết Trong Chiến Tranh - Sergei Matveevich Shtemenko Bộ Tổng Tham Mưu Xô Viết Trong Chiến Tranh