Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Flipped
Dịch giả: Ngô Hà Thu
Biên tập: Ha Trang Dang
Upload bìa: admin
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 27173 / 311
Cập nhật: 2020-10-02 16:49:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4.2. Vũ Trụ Nhỏ
ớ chưa bao giờ thấy xấu hổ về ngôi nhà tớ đang sống. Tớ chưa bao giờ nhìn ngôi nhà, hay thậm chí dãy phố phía nhà tớ mà nói rằng, “Ôi, giá mà nhà mình ở khu đô thị mới thì có phải tốt hơn không? Nhà cửa ở đấy mới hơn và tốt hơn ở đây nhiều!”. Đây là nơi tớ đã khôn lớn. Đây là gia đình tớ.
Chuyện cái sân? Tớ biết chứ. Mẹ đã ca cẩm về nó đến cả tỉ lần rồi chứ không ít. Nhưng đó chỉ là những lời kêu ca thoáng qua và không đáng phải bận tâm lâu làm gì. Hoặc ít nhất là tớ nghĩ như thế. Nhưng lẽ ra tớ nên băn khoăn chuyện này từ lâu rồi mới phải. Rằng tại sao chỉ chăm chút cho bên trong còn cứ để mặc bên ngoài muốn ra sao thì ra? Trong nhà tớ thì sạch như li như lau. Trừ phòng của hai ông anh tớ ra. Mẹ đã không thèm bước vào đó kể từ khi phát hiện ra con trăn. Mẹ nói với hai ông ấy rằng, nếu hai ông ấy đủ khôn đủ lớn để nuôi một con trăn thì cũng đủ lớn đủ khôn để tự dọn dẹp phòng ốc. Matt và Mike đã giản lược một cách tài tình ý tứ đó thành đóng cửa phòng 24/7, và đương nhiên, gì chứ khoản này không thể chê các ông ấy vào đâu được.
Không chỉ có chuyện sân vườn, tớ cũng chưa bao giờ để ý tới chuyện tiền nong hay thiếu cái này cái kia. Tớ biết là nhà mình không giàu có gì nhưng cũng chưa bao giờ tớ cảm thấy thiếu thốn hay thiệt thòi gì cả. Đang nói là bất cứ thứ gì mà tớ cần đấy nhé.
Matt và Mike thì xin xỏ đủ thứ nhưng dù mẹ có nói với hai ông ấy là “Không được, nhà mình làm gì có tiền mua mấy thứ đó hả con?” thì tớ vẫn cứ hiểu là “Không được, ai chứ hai đứa thì không có quyền đòi hỏi” hoặc “Không được, hai đứa thì cần gì cái đó?”. Chỉ đến khi nghe Bryce nói nhà tớ trông quá ư thê thảm thì tớ mới bắt đầu thực sự để ý.
Không chỉ mỗi cái sân. Mà là cả cái xe tải của bố, xe của mẹ, rồi cái xe đạp phần gỉ còn nhiều hơn cả phần thép, và cả việc mỗi khi nhà tớ mua thứ gì mới thì đều như có vẻ đó là hàng mua ở chợ đồ cũ. Mà nhà tớ cũng chưa bao giờ đi đâu du lịch. Chưa bao giờ.
Sao lại thế cơ chứ? Bố là người chăm chỉ nhất trần đời, và mẹ còn làm chân thư ký cho bên Dịch Vụ Việc Làm Tạm Thời bất cứ khi nào có thời gian. Vậy bố mẹ làm việc quần quật như thế để làm gì khi rốt cuộc chỉ có thể sống “thê thảm” như thế này?
Nếu mà giờ tự dưng hỏi bố mẹ rằng nhà mình có nghèo không thì đúng là quá vô duyên. Nhưng hết ngày này qua ngày khác, tớ biết rằng tớ phải hỏi. Chỉ là phải hỏi thôi. Và ngày nào tớ cũng đạp con xe gỉ sét đến trường, dắt nó qua và tự nhủ: “Tối nay. Nhất định tối nay mình sẽ hỏi bố mẹ”.
Nhưng rồi tớ không thể. Tớ chẳng biết phải hỏi như thế nào nữa.
Rồi một ngày tớ nảy ra một cách. Một cách để nói với bố mẹ về chuyện này và biết đâu có thể giúp được bố mẹ phần nào. Vì tối đó, hai ông anh tớ làm thêm ở cửa hàng băng đĩa nhạc, và chẳng có ai nói gì trong bữa tối nên tớ đã hít một cái thật sâu rồi lên tiếng: “Bố mẹ này, sửa cái sân trước chắc cũng chẳng khó lắm đâu nhỉ? Con đang nghĩ có khi con chỉ cần có đinh, búa với lại ít sơn nữa thì chắc chẳng vấn đề gì. À, mà hạt giống cỏ độ bao nhiêu tiền ạ? Chắc cũng chẳng đắt lắm đâu nhỉ? Con định trồng một thảm cỏ với lại cả ít hoa nữa”.
Bố mẹ ngừng ăn và nhìn tớ chằm chằm.
“Con biết dùng cưa với búa mà – mình cứ coi như đấy là một dự án cỡ nhỏ đi ạ”.
Mẹ thôi không nhìn tớ nữa mà quay sang nhìn bố.
Bố thở dài và nói: “Nhà mình không phải lo sửa chữa cái sân đấy đâu, Julianna ạ”.
“Không phải ạ?”
Bố lắc đầu và nói tiếp: “Chính ra phải là ông Finnegan kia”.
“Ông Finnegan là ai ạ?”
“Là chủ cái nhà này”.
Tớ không thể tin nổi vào tai mình. “Cái gì cơ ạ?”
Bố hắng giọng và nói: “Ông ấy là chủ nhà”.
“Vậy ý bố bảo là nhà mình không phải là chủ ngôi nhà này ạ?”
Bố mẹ nhìn nhau và rõ là 2 người đang có cuộc hội thoại riêng tư không lời mà tớ không tài nào can dự vào nổi. Cuối cùng bố nói: “Bố cứ nghĩ là con biết chuyện này rồi”.
“Nhưng… nhưng con chẳng hiểu gì cả! Chủ nhà thì phải sửa sang, lo liệu các thứ phải không ạ? Kiểu như sửa mái nhà khi bị dột rồi thông cống khi bị tắc ấy? Con toàn thấy bố làm thôi. Tại sao bố phải làm khi mà đấy là nghĩa vụ của ông chủ nhà?”
“Vì…”, bố thở dài, “như thế thì dễ hơn là nhờ vả đến ông ta”.
“Nhưng nếu như…”.
“Và”, bố ngắt lời tớ, “như thế thì ông ấy không có lý gì tăng giá thuê nhà được”.
“Nhưng mà…”.
Mẹ nhoài người về phía trước và cầm lấy tay tớ. “Cưng à, cho mẹ xin lỗi vì làm con sốc. Mẹ cứ nghĩ là con biết chuyện này rồi”.
“Nhưng thế còn cái sân thì sao ạ? Tại sao nhà mình chỉ chăm chút mỗi bên trong nhà mà lại chẳng ngó ngàng gì tới phía bên ngoài cơ chứ?”
Bố nhíu mày và nói: “Khi nhà mình ký hợp động thuê nhà, ông ấy đã bảo đảm với bố mẹ là ông ấy sẽ sửa hàng rào, sửa sân trước sân sau và trồng cỏ ở sân trước nữa. Thế nhưng rồi rõ ràng là ông ta chỉ hứa suông”. Bố lắc đầu. “Mà việc đó chắc chắn là cần phải đầu tư rồi, hàng rào thì không có chuyện rẻ. Bố không thể đổ một đống tiền vào thứ không phải tài sản của nhà mình. Hơn nữa, đây là chuyện nguyên tắc”.
“Nhưng nhà mình sống ở đây”, tớ lí nhí, “mà trông nó lại quá ư thê thảm”.
Bố nhìn tớ chăm chú. “Julianna, có chuyện gì đúng không con?”
“Không ạ, chả có chuyện gì đâu mà bố”, tớ trả lời, nhưng rõ là bố biết tớ đang nói dối.
“Con gái rượu của bố”, bố khe khẽ nói, “nói bố nghe xem nào”.
Tớ biết bố sẽ nói gì nếu tớ kể chuyện này cho bố nghe, và chính vì thế mà đến giờ tớ vẫn không thể mở miệng nói ra được. Thế là tớ hít sâu một cái rồi bắt đầu kể: “Nhà Loski đã vứt trứng mà con mang sang vì sợ rằng họ có thể bị nhiễm khuẩn salmonella vì cái sân nhà mình trông quá ư nhếch nhác”.
Bố đáp: “Ô hay, thật là vớ vẩn”, nhưng mẹ thì nói như hụt hơi: “Sao cơ?” Rồi mẹ bật khóc: “Cô Patsy đã nói thế à?”
Tớ cụp mắt. “Không ạ, đấy là Bryce nói”.
“Nhưng chắc chắn là cả nhà bên đó phải nói chuyện với nhau rồi! một thằng nhóc thì làm sao lại tự nghĩ ra cái lý do như thế được…!”. Mẹ nhìn quanh, mắt ngân ngấn nước, tựa như con nai ngơ ngác vừa bị mũi tên bắn xuyên tim. Mẹ úp mặt vào tay và nói: “Em không thể chịu được nữa! Robert à, mọi thứ phải thay đổi thôi. Phải thay đổi thật thôi!”
“Trina, em biết là anh đã cố gắng hết mức có thể rồi. Anh xin lỗi về chuyện cái sân, anh xin lỗi về tình cảnh nhà mình bây giờ. Đây cũng không phải là bức tranh mà anh đã vẽ nên cho cuộc đời mình, nhưng đôi khi ta phải hy sinh vì những gì đúng đắn, em à”.
Mẹ ngước mắt lên khỏi hai bàn tay và nói: “Như thế này thì đúng đắn gì với nhà mình cơ chứ. Anh nhìn mà xem, con gái mình bị cười chê chỉ vì mình không chịu sửa cái sân nhà đấy thôi”.
“Đấy không phải là sân của nhà mình”.
“Làm sao anh lại có thể nói thế được nhỉ? Robert, anh vẫn chưa tỉnh ra à? Nhà mình sống ở đây đã mười hai năm rồi. Thế thì còn tạm thời cái nỗi gì nữa? Nếu vợ chồng mình mà muốn có được nơi nào tử tế với cái sân riêng, nếu vợ chồng mình mà còn muốn nuôi con nuôi cái, cho chúng nó đi học đại học hay làm bất cứ thứ gì mà anh đã hứa hẹn với em thì mình phải chuyển chú ấy vào cơ sở chăm sóc của nhà nước thôi”.
Bố buông một tiếng thở dài nặng nhọc và thì thầm: “Vợ chồng mình đã nói đến chuyện này bao nhiêu lần rồi mà em. Và cuối cùng thì lần nào em cũng nhất trí là nên để chú ấy ở Greenhaven cơ mà”.
Lúc đó tớ rất muốn nói: “Từ từ đã! Bố mẹ đang nói cái gì thế? Bố mẹ đang nói về ai thế?”. Nhưng cuộc đối thoại diễn ra như lửa đạn xẹt qua xẹt lại và tớ không tài nào chen vào được. Và chẳng mấy mà bố mẹ bắt đầu cãi vã kịch liệt đến mức hai người gần như hoàn toàn quên mất rằng tớ vẫn còn đang ngồi đó.
Lục lọi trong đầu, tự dưng tớ vụt nhớ ra. Mọi thứ đều sáng tỏ. Bố mẹ đang nói về em trai bố tớ. Chú tớ. Chú David.
Với tớ chú David chỉ là một cái tên. Một người nào đó mà tớ chỉ biết qua lời kể của bố mẹ chứ chưa từng gặp mặt. và mặc dù biết bố vẫn thường đến thăm chú ấy nhưng tớ chưa bao giờ biết chính xác là khi nào. Bố chưa bao giờ nói về chuyện đó.
Bố cũng nghĩ là nhà tớ không nên kể chuyện của chú David cho người khác nghe vì chú ấy bị thiểu năng. “Người ta thể nào cũng nói này nói nọ con ạ”, bố nói với tớ thế. “Họ sẽ mặc nhiên tự suy diễn là con cũng sẽ bị làm sao đó. Con cứ nghe bố, bố biết chuyện này mà”.
Thế là nhà tớ không nói gì về chuyện này. Ở nhà cũng không mà với bạn bè thì càng không. Giống như là chẳng có một chú David nào ấy cho đến ngày hôm nay. Giờ thì rõ ràng chú ấy là mắt xích quan trọng nhất, và từ trận cãi vã của bố mẹ, tớ có thể suy được ngay chú ấy chính là lý do vì sao mà nhà tớ không thể mua được nhà; chú ấy chính là lý do vì sao nhà tớ không có xe đẹp hay những thứ đồ đắt tiền. Chú ấy chính là lý do vì sao lúc nào cũng như có đám mây âu lo trĩu nặng lơ lửng trên đầu bố mẹ.
Vì sao tự dưng tớ lại lôi chuyện cái sân ra là gì cơ chứ? Tớ chưa bao giờ thấy bố mẹ cãi nhau như thế. Chưa từng. Tớ chỉ muốn kéo tay bố mẹ ra và nói: “Con xin mà, bố mẹ đừng cãi nhau nữa! Bố mẹ yêu nhau cơ mà!”. Nhưng tớ chỉ ngồi đó, nước mắt chảy ròng ròng.
Đột nhiên mẹ ngừng lại và khe khẽ nói: “Lẽ ra vợ chồng mình không nên như thế này trước mặt con!”
“Cho bố xin lỗi, Julianna”, bố nói rồi bước đến bên và nắm lấy tay tớ. “Nín đi con gái. Đây chẳng phải lỗi của ai cả. Rồi bố mẹ sẽ tìm được cách giải quyết. Bố hứa”.
Mẹ cố gắng cười trong làn nước mắt: “Lúc nào chúng ta cũng có cách mà con, luôn luôn là thế”.
Đêm hôm đó, bố mẹ, từng người một, vào phòng tớ và nói chuyện với tớ. Bố đã kể về chú David, rằng bố rất thương chú ấy và rằng bố đã hứa với ông bà là sẽ chăm sóc chú ấy. Mẹ thì nói với tớ rằng mẹ yêu bố vô cùng vì bố mạnh mẽ và nhân hậu; rằng mơ ước và thực tế đâu phải lúc nào cũng giống nhau, và rằng con người phải luôn luôn trân trọng những điều hạnh phúc và may mắn mà mình đang có. Và mẹ đã làm tớ lại khóc suốt khi mẹ hôn chúc tớ ngủ ngon và thì thầm rằng trong vô số những điều hạnh phúc và may mắn của mẹ, tớ là điều đẹp đẽ và quý giá nhất.
Tớ thấy thương bố vô cùng. Tớ thấy thương mẹ vô cùng. Nhưng trên hết, tớ thấy mình thật quá đỗi may mắn vì được làm con gái của bố mẹ.
Và sáng hôm sau khi đạp con ngựa sắt hoen gỉ tới trường, tớ đã tự hứa với lòng mình rằng khi về nhà tớ sẽ xử lí cái sân. Dù đi thuê hay làm chủ thì đây cũng là nhà tớ và tớ sẽ khiến cuộc sống ở đây tốt đẹp hơn.
Hóa ra bao giờ nói cũng dễ hơn làm. Đầu tiên, tớ mất nguyên nửa tiếng đồng hồ chỉ để sục sạo trong ga-ra tìm búa, hộp đinh, cưa và vài cái kìm tỉa cây. Rồi tớ mất thêm nửa tiếng nữa chỉ đứng đực ra đó, ngẫm nghĩ xem nên bắt đầu từ đâu. Cái sân phủ đầy các bụi cỏ dại, nhưng còn mấy bụi cây viền xung quanh sân thì sao? Tớ có nên nhổ hết hay tỉa tót lại? Mà chúng nó là cây bụi hay là cỏ dại mọc quá đà nữa không biết? Rồi còn hàng rào nữa? Tớ nên nhổ luôn đi cho đỡ phiền hay là dựng lại một cái mới? Có khi tớ nên bỏ toàn bộ phần phía trước rồi tận dụng chỗ gỗ ấy để sửa hai bên.
Càng nhìn quanh, tớ càng thấy dường như mình đang quên mất cần phải làm gì. Thật đấy, vì sao tớ phải quan tâm chứ? Đây chẳng phải là tài sản nhà tớ. Cái ông Finnegan gì gì đó mới là người phải sửa chữa đống lộn xộn này chứ?
Nhưng rồi tớ lại nghĩ đến những lời mẹ nói đêm hôm trước. Chắc chắn rồi, tớ nghĩ thầm, mấy cái bụi cây với lại dăm ba ván gỗ ọp ẹp này thì sao có thể làm khó điều hạnh phúc và may mắn đẹp đẽ nhất, quý giá nhất của một người được! Chắc chắn không thể!
Tâm tâm niệm niệm như vậy, tớ cầm cái kéo xén lên và xung trận.
Nửa tiếng đồng hồ sau, tớ đã nắm vững được định lý thứ nhất, một bụi cây bằng tổng rất nhiều cành; và định lý thứ hai, thể tích của một bụi cây sẽ tăng theo cấp số mũ khi bị cắt và ném ra giữa sân. Thật hài hước vô đối mà! Không biết tớ sẽ làm thế nào để xử lý hết đống lằng nhằng này nữa?
Mẹ đi làm về và cố nài tớ tạm nghỉ nhưng tớ nào có nghe. Không là không! Tớ đã tỉa được kha khá hai bụi cây, và rồi chẳng mấy đâu, mẹ sẽ thấy nơi này long lanh đến mức nào.
“Cái tính cứng đầu cứng cổ này giống ai chứ có giống mẹ đâu”, mẹ nói nhưng rồi chỉ một lát sau, mẹ quay lại đem theo một cốc nước quả và một nụ hôn vào má tớ. Thế là quá đủ rồi ấy chứ!
Cuối cùng ngày đầu tiên của công cuộc cách mạng, thành quả tớ thu được là một đống lộn xộn to đùng. Nhưng nếu như phải lộn tùng phèo mọi thứ lên để có được trật tự trong vũ trụ bé nhỏ của riêng mình thì chắc chắn là tớ đang đi đúng hướng. Ít nhất tớ cố động viên bản thân như thế. Tớ lết về giường và ngủ say như chết vì mệt.
Và đến chiều hôm sau – lúc tớ đang còn bận rộn với công cuộc cải tổ vũ trụ của bản thân thì bất chợt nghe thấy một giọng nói trầm trầm lên tiếng: “Rất ra dáng một cuộc cách mạng đấy, cô bé”.
Người đàn ông đứng trên vỉa hè nhà tớ là ông của Bryce. Và… tớ chỉ biết có thế. Thực ra tớ mới nhìn thấy ông ra ngoài có mỗi một lần. Còn lại tớ toàn thấy ông qua những ô cửa – có thể là cửa sổ phòng khách hoặc cửa sổ xe ô tô. Với tớ, ông chỉ là một người đàn ông tóc sẫm luôn ở phía sau những tấm kính. Giờ tự dưng ông đứng đó, cứ như thể một người từ trong ti-vi bước ra khỏi màn hình và nói chuyện với tớ vậy.
“Ông biết là ông cháu mình đã nhìn thấy nhau rất nhiều lần rồi”, ông nói, “Cho ông xin lỗi vì mãi đến hơn một năm mới qua đây để chào cháu. Ông là Chester Duncan, ông ngoại của Bryce. Còn cháu, chắc chắn là Julianna Baker rồi”.
Ông chìa tay ra bắt, nên tớ đành cởi găng bảo hộ ra và nhìn bàn tay tớ, một cách từ từ, lút dần và biến mất trong tay ông. “Cháu chào ông ạ”, vừa nói tớ vừa nghĩ thầm: “Mèng ơi, ông cụ to lớn hơn hẳn lúc nhìn qua cửa sổ phòng khách”.
Rồi điều kỳ lạ nhất đã xảy ra. Ông rút từ túi quần ra một đôi găng tay bảo hộ và một cái xén cây rồi nói: “Cháu định tỉa hết chỗ cây này cho bằng nhau à?”
“À… À, vâng ạ. Cháu đang định làm thế. Thực ra thì cháu cũng chưa rõ là phải làm sao nữa. Hay là cháu cứ nhổ quách chúng nó đi nhỉ, ông thấy có được không ạ?”
Ông lắc đầu. “Mấy bụi này là cây trà của Úc. Tỉa xong sẽ đẹp lắm”. Nói đến đây thì ông đeo găng vào và bắt đầu xén.
Đầu tiên thì tớ chẳng biết nói gì với ông. Tự nhiên được ông giúp cứ kỳ cục sao ấy, nhưng cứ nhìn cách ông làm thì có vẻ như tớ cũng không nên nghĩ gì nhiều. “Cách-cách-cách”, tiếng kéo xén của ông nghe thật vui tai, cứ như ông thực sự thích làm việc này ấy.
Rồi nhớ lại chuyện Bryce chê bai cái sân nhà tớ, và tự nhiên tớ hiểu vì sao ông lại ở đây.
“Sao thế cháu?”, ông hỏi khi ném chỗ cành ông xén vào đống cành giữa sân. “Ông tỉa thấp quá à?”
“K-không ạ”.
“Thế thì sao lại nhìn ông như thế? Ông không có ý làm cháu khó chịu gì đâu. Ông chỉ nghĩ là có thể cháu cần giúp một tay”.
“Thế thì cháu không cần giúp đỡ gì cả đâu. Cháu tự làm được ạ”.
Ông cụ bật cười và nói: “À, cái đó thì ông không nghi ngờ”, rồi lại tiếp tục xén. “Cháu biết không, Julianna, ông đã đọc bài báo viết về cháu, và ông cũng đã làm hàng xóm với cháu đến hơn một năm nay rồi. Chẳng khó gì để nhận ra cháu là một cô bé xuất sắc”.
Cả tớ và ông cùng làm việc trong im lặng, nhưng chỉ được một phút thôi. Rồi tớ thấy mình ném chỗ cành bị xén ngày một hậm hực hơn. Và đầu tớ cứ như muốn nổ tung. Tớ quả tình không thể chịu đựng được nữa, bèn tuôn một tràng: “Ông ở đây là vì ông thấy hối hận chuyện mấy quả trứng đúng không? Vậy cháu nói luôn cho ông biết, trứng nhà cháu hoàn toàn chả có vấn đề gì hết! Nhà cháu ăn trứng đó đã gần ba năm rồi và chẳng có ai bị ngộ độc hết! Cả cô Stueby và cô Helms cũng đều khỏe mạnh. Và nữa là, nếu nhà ông không thích thì lẽ ra chỉ cần nói với cháu một tiếng là xong!”
Hai tay ông cụ buông thõng xuống rồi ông lắc đầu và hỏi lại: “Trứng? Ngộ độc? Ông chẳng hiểu cháu đang nói cái gì nữa Julianna ạ”.
Tớ cáu điên lên, tớ thấy mình vừa bị tổn thương vừa bị bẽ bàng. Đến mức mà tớ không còn là tớ nữa. “Cháu đang nói về mấy quả trứng mà cháu đã mang sang cho nhà ông từ hơn hai năm nay – trứng gà nhà cháu đẻ và lẽ ra cháu đã có thể đem bán! Trứng mà nhà ông đã vứt đi ấy! Ông có biết không hả?” Tớ gào lên. Gào vào mặt một người lớn. Cứ như thể tớ chưa bao giờ được gào lên vậy.
Giọng ông trở nên trầm xuống. “Cho ông xin lỗi. Quả tình ông không hề biết gì về mấy quả trứng cả. Thế cháu đưa trứng cho ai?”
“Bryce!” Cổ họng tớ nghẹn tắc khi nhắc lại cái tên ấy một lần nữa. “Bryce ạ”.
Ông Duncan chậm rãi gật đầu và nói: “Vậy thì đó là lý do”, rồi quay lại việc tỉa cành.
“Tức là sao ạ?”
Ông thở dài. “Thằng bé vẫn cần phải cố gắng nhiều”.
Tớ chỉ đứng đó, trân trối nhìn ông và không thể mở lời dù từ ngữ dường như đang trực trào ra nơi đầu lưỡi.
“Đúng là thằng bé rất đẹp trai, không thể phủ nhận được điều này”, ông nhíu mày. Rồi ông xoẹt một cái, đứt luôn một cành cây. “Giống bố nó như tạc”.
Tớ lắc đầu. “Vậy sao ông lại sang đây hả ông Duncan? Nếu không phải vì ông nghĩ là cháu cần giúp đỡ mà cũng không phải vì thấy có lỗi về mấy quả trứng thì ông sang đây làm gì ạ?”
“Cháu muốn ông nói lý do thực sự ấy hả?”
Tớ không đáp mà chỉ nhìn thẳng vào mắt ông.
Ông gật gật rồi nói: “Vì cháu rất giống bà nhà ta”.
“Bà nhà ông ấy ạ?”
“Đúng vậy”. Ông khẽ mỉm cười rồi nói tiếp: “René thể nào cũng sẽ leo lên cái cây đó cùng cháu. Bà ấy thể nào cũng sẽ ngồi trên đó suốt đêm”.
Chỉ với hai câu nói ấy, kỳ lạ thay, cơn giận của tớ bay biến sạch, “Thật ấy ạ?”
“Chắc như đinh đóng cột luôn”.
“Bà…mất rồi ạ?”.
Ông gật đầu. “Và ta nhớ bà ấy vô cùng”. Ông tung một cành nữa vào đống cành cây bị xén rồi bật cười thành tiếng. “Trên đời này đâu có gì sánh được việc được cùng sống và cùng cười với một cô nàng bướng bỉnh”.
Chưa bao giờ tớ nghĩ là mình có thể bắt bạn với ông của Bryce. Thế nhưng đến giờ ăn tối thì tớ đã biết vô khối điều về ông, vợ của ông và những cuộc phiêu lưu họ đã trải qua cùng nhau. Đến mức cứ như tớ đã quen ông từ lâu lắm rồi. Mới lại, chính nhờ ông kể chuyện nên công việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tối đó thành quả lao động rất hoành tráng. Tất cả bụi cây đều đã được tỉa gọn, và trừ đống cành bị xén to bự ở giữa sân ra thì mọi thứ trông đều khá khẩm hơn rất nhiều.
Ngày hôm sau ông lại tới, và khi tớ mỉm cười nói: “Cháu chào ông Duncan”, ông cũng mỉm cười lại và đáp: “Cứ gọi ông là Chet là được rồi”. Ông nhìn cái búa tớ cầm rồi nói: “Hôm nay ta sẽ bắt đầu sửa hàng rào phải không?”
Ông Chet dạy tớ cách chăng dây dọi đóng các cọc hàng rào, cách cầm búa ở cuối tay cầm thay vì cà giật cà giật lưỡi búa khi gõ, cách tính khoảng cách giữa các cọc rào, và cách dùng thước căn cho các miếng gỗ đứng vuông góc. Tớ với ông làm hàng rào mất mấy ngày liền, và không có lúc nào hai ông cháu lại ngớt chuyện cả. Không chỉ mỗi chuyện về bà nhà ông thôi đâu, mà là đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Ông muốn nghe tớ kể về cây tiêu huyền và dường như ông hiểu chính xác những gì tớ muốn nói khi tớ nói về triết lý cái tổng thể còn quan trọng hơn sự hợp lại của các bộ phận. “Với con người cũng thế đấy, cháu gái”, ông nói, “chỉ khác là đôi lúc với con người ta, cái tổng thể lại ít hơn sự hợp lại của các bộ phận”.
Tớ thấy suy nghĩ này cực kỳ thú vị. Và ngày hôm sau, lúc ở trường tớ bắt đầu quan sát những người mà tớ biết từ hồi tiểu học cố gắng nhìn ra xem liệu họ có nhiều hơn hay ít hơn phép cộng gộp ấy. Và đúng như ông Chet nói. Rất rất nhiều người trong số đó rơi vào trường hợp số hai.
Đứng đầu danh sách đương nhiên là Shelly Stalls. Nếu chỉ nhìn nó không thôi thì có khi bạn sẽ nghĩ là nó có tất cả, nhưng kỳ thực, chả có cái gì dưới mớ tóc cao vồng lên như đỉnh Everest của nó. Rỗng tuếch. Và kể cả khi nó giống y như lỗ đen vũ trụ, oàm oạp hút người ta vào, thì chẳng mấy mà mọi người cũng sẽ nhận ra rằng làm bạn với nó chẳng khác gì dính vào một đứa kiêu căng vô lối và tự sướng vô đối.
Nhưng trong tất cả đám bạn học, người duy nhất mà tớ không tài nào xếp loại được chính là Bryce. Trước đây tớ vẫn có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng cậu ta tuyệt hơn – rất rất nhiều lần – phép cộng gộp đơn thuần ấy. Những gì mà cậu ta làm với trái tim tớ chỉ có thể gói gọn trong một từ mà thôi. Phép màu. Thuần túy là một phép màu không tài nào lý giải nổi.
Nhưng “không tài nào lý giải nổi” mới là một cụm từ mà tớ muốn nói đến. Lúc nhìn cậu ta trong giờ Toán, tớ không khỏi cảm thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ tới chuyện cậu ta vứt hết số trứng mà tớ đem tặng. Không hiểu nổi cậu ta thuộc hạng người gì mà lại đi làm một việc như thế?
Rồi khi cậu ta quay ra nhìn tớ và mỉm cười, tim tớ lại chao đảo. Nhưng tớ thấy giận chính bản thân mình. Làm sao tớ lại vẫn còn có thể có những cảm giác như thế sau khi biết những gì mà cậu ta đã làm cơ chứ?
Tớ tránh mặt Bryce cả ngày nhưng đến cuối buổi, trong tớ tựa hồ như có một cơn lốc xoáy điên cuồng muốn xé tung ruột gan. Tớ nhảy lên xe và phóng như bay về nhà. Pê-đan bên phải va vào tấm chắn xích và cả cái xe bắt đầu tấu nhạc, lọc cọc và rít lên ken két. Cứ như thể nó sắp sụp xuống thành đống gỉ sắt luôn được ấy.
Kể cả khi tớ đã phanh kít trước cửa nhà, cơn lốc xoáy ấy vẫn cứ cuồng loạn trong lòng. Thế là tớ trút hết sức lực trước đó dùng để nhấn pê-đan sang sơn quét. Tớ cáu kỉnh mở thùng sơn Navajo màu trắng mà bố đã mua cho tớ và bắt đầu quệt loạn xạ.
Khoảng mười phút sau thì ông Chet đến. “Ôi trời”, ông bật cười, “cháu hôm nay đang bị dư năng lượng đúng không?”
“Không ạ”, tớ vừa nói vừa dùng mu bàn tay gạt gạt mấy sợi tóc lòa xòa trước mặt, “cháu chỉ đang bực thôi”.
Ông lôi chổi quét sơn và một lon cà phê rỗng ra. “Thế cháu bực ai?”
“Chính cháu ấy!”
“Ái chà, như thế thì khó đây. Cháu làm bài kiểm tra không tốt à?”
“Không phải! Cháu…”, tớ quay sang nhìn ông rồi hỏi, “Ngày xưa vì sao mà ông lại thích bà ạ”
Ông đổ ít sơn vào lon cà phê và mỉm cười. “À, vậy là chuyện cậu chàng nào phải không?”
“Cháu chẳng có cậu chàng nào ở đây cả!”
Ông hơi ngần ngừ nhưng cũng chẳng buồn tranh cãi với tớ. Thay vào đó, ông nói: “Ta mến bà ấy một cách rất tình cờ thôi”.
“Tình cờ ấy ạ? Là sao ạ?”
“Ông không có ý định sẽ yêu bà. Khi đó ông đã có đính ước với người khác rồi, nên đâu có thể yêu đương lung tung gì nữa. Nhưng thật may là, ông đã kịp nhận ra mình mù quáng thế nào trước khi mọi chuyện quá muộn”.
“Mù quáng ấy ạ?”
“Ừ. Vợ chưa cưới của ông rất đẹp. Cô ấy có đôi mắt nâu lộng lẫy nhất trên đời, làn da đẹp như men sứ vậy. Nhưng rồi… chậc, đại để là ông đã phát hiện ra rằng cô ấy không bằng nổi một góc của René”. Ông nhúng cây chổi vào lon sơn và bắt đầu quét lên cọc. “Nhìn lại quá khứ không khó. Khuyên bảo ai đó cũng không khó. Chỉ có điều đáng buồn là, có mấy ai trong chúng ta lại không bị đắm đuối bởi những thứ bề mặt đâu, mà ta lại chỉ nhận ra khi đã quá muộn mằn”.
Hai ông cháu im lặng hồi lâu nhưng tớ vẫn có thể thấy ông Chet đang suy nghĩ. Nhìn trán ông nhăn lại, tớ biết chắc lý do chẳng liên quan gì đến những vấn đề của tớ cả. “Cháu… cháu xin lỗi vì đã gợi lại chuyện buồn”, tớ nói.
“À không, không sao đâu cháu”. Ông lắc đầu và cố mỉm cười. “Không phải ông nghĩ tới bà đâu. Ông đang nghĩ tới người khác kia. Một người không bao giờ nhìn được phía dưới bề mặt kia có những gì. Mà thực ra đến nước này rồi thì chính ông cũng không muốn người đó nhìn được gì thêm…”.
Ông đang nói tới ai thế? Tớ rất muốn biết! Nhưng tớ cảm giác nếu gặng hỏi thì sẽ thật vô duyên nên tớ tiếp tục sơn trong im lặng. Cuối cùng, ông quay sang tớ và nói: “… Ngoài đôi mắt, nụ cười hay mái tóc của cậu chàng ra… phải nhìn vào những gì thực sự bên trong con người cậu ta”.
Cách ông nói khiến tớ lạnh cả sống lưng. Cứ như thể ông biết tất cả. Và tự dưng tớ thấy hoài nghi. Phải chăng ông đang nói với tớ rằng cháu trai của ông là kẻ chẳng ra gì?
Đến tận lúc ăn tối, tớ vẫn cảm thấy khó chịu nhưng ít ra cơn lốc xoáy cũng đã tan. Mẹ nói là bố phải làm muộn còn hai ông anh tớ thì đi chơi với bạn nên chỉ có hai mẹ con ở nhà. Mẹ bảo rằng bố mẹ đã nói chuyện với nhau về việc ông Chet sang giúp đỡ và cả hai bố mẹ đều thấy như thế quả thực hơi bất tiện. Mẹ nói, có khi nên tìm cách nào đó để gửi ông ít tiền gọi là.
Tớ liền nói với mẹ rằng như thế có khi sẽ làm ông Chet cảm thấy bị xúc phạm, nhưng đến ngày hôm sau, không ngờ mẹ làm thế thật, xúc phạm ông ngay tại trận. Ông Chet nói: “Chị đừng nói thế. Tôi tự nguyện sang bên này giúp con gái chị. Tôi làm vì tôi thấy vui thôi mà”, và ông chẳng thèm nghe thêm từ nào nữa.
Rồi một tuần cũng kết thúc. Trước khi đi làm vào sáng thứ Bảy, bố chất đầy thùng xe đống cành cây bị xén. Sau đấy ông Chet và tớ mất cả ngày đào hố và nhổ cỏ dại, rồi làm đất để chuẩn bị gieo hạt.
Chính vào hôm đó, ông đã hỏi tớ: “Nhà cháu không định chuyển đi đâu đấy chứ?”
“Chuyển nhà ấy ạ? Sao ông lại hỏi thế ạ?”
“À, tại hôm qua lúc ăn tối, mẹ Bryce đã đoán thế. Cô ấy đoán là có khi nhà cháu sửa sang lại nhà cửa để chuẩn bị bán nhà”.
Mặc dù ông Chet và tớ nói với nhau rất nhiều chuyện lúc làm việc nhưng nếu như ông không hỏi về chuyện chuyển nhà thì có lẽ tớ sẽ chẳng bao giờ kể với ông chuyện ông Finnegan gì gì đó hay chuyện chú David hay vì sao mà cái sân lại lem nhem đến thế. Nhưng bởi vì ông đã hỏi nên tớ quyết định kể cho ông nghe tất cả. Và thực sự là tớ thấy nhẹ nhõm hẳn. Đặc biệt là về chuyện chú David. Tựa hồ như thổi một hơi thật mạnh lên đóa hoa bồ công anh và ngắm nhìn những hạt cây tí hon ấy lơ lửng trong không trung và bay đi thật xa. Tớ thấy tự hào về bố mẹ, và khi ngắm nhìn cái sân trước, tớ thấy tự hào cả về bản thân nữa. Cứ đợi mà xem, đến khi tớ đụng đến cái sân sau! Rồi có khi tớ còn sơn lại cả nhà luôn ấy chứ! Tớ có thể làm được. Tớ có thể.
Ông Chet trở nên khá trầm ngâm khi nghe tớ kể chuyện, và khi mẹ mang bánh mì kẹp cho hai ông cháu ăn trưa, chúng tớ cứ thế ngồi ăn bên hiên nhà mà không ai nói với ai câu gì. Rồi chính ông đã phá vỡ bầu không khí im lặng. Ông gật gật đầu hướng về phía bên kia đường và nói: “Ông không hiểu nổi tại sao thằng bé lại không sang đây và chào hỏi một câu nhỉ?”
“Ai cơ ạ?”, tớ hỏi, rồi nhìn sang bên kia đường theo hướng ông gật đầu. Tấm rèm ở phòng Bryce động đậy, và tớ không kìm được sự ngỡ ngàng: “Bryce ấy ạ?”
“Đây là lần thứ ba ông thấy nó ngó sang đây”.
“Thật ạ?” Tim tớ đập rộn ràng như thể chú chim non lần đầu tập bay vậy.
Ông nhíu mày và nói: “Thôi, có khi ông cháu mình làm nhanh nhanh để còn gieo hạt. Cố gắng tận dụng nắng ấm để hạt còn nhanh nảy mầm”.
Cuối cùng thì cũng đến lúc được trồng cỏ. Tớ thấy phấn khích cực kỳ. Nhưng cửa sổ phòng Bryce cứ khiến tớ bị xao lãng liên tục. Liệu cậu ta có đang nhìn tớ không? Cả buổi chiều hôm đó, chốc chốc tớ lại ngó nghiêng kiểm tra. Nhiều đến mức xấu hổ luôn. Và tớ sợ là ông Chet cũng nhận ra bởi vì lúc mọi việc đã xong xuôi và hai ông cháu đang chúc tụng nhau, đại loại là cái sân nhất định rồi sẽ đẹp long lanh, thì ông nói: “Có lẽ giờ nó xử sự còn có phần hèn nhát, nhưng ông vẫn rất kỳ vọng vào thằng bé”.
Hèn nhát ư? Tớ còn biết nói gì bây giờ? Tớ chỉ còn biết đứng đó, cầm vòi phun và xịt nước liên tục lên chỗ đất gieo hạt.
Còn ông Chet thì vẫy tay thật lâu rồi băng qua đường về nhà.
Vài phút sau tớ nhìn thấy phía bên kia đường Bryce đang đi bộ về nhà. Tớ đờ cả người vì ngạc nhiên. Suốt từ nãy đến giờ tớ cứ đinh ninh là cậu ta đang ở trong nhà và nhìn tớ, ai mà biết được hóa ra cậu ta lại ra ngoài loăng quăng cơ chứ? Tớ thấy tẽn tò kinh khủng.
Tớ đành phải quay lưng lại phía cậu ta và cố gắng tập trung tưới sân. Đúng là ngốc chưa từng thấy mà! Ngốc xít miễn bình luận luôn! Và đúng lúc tớ đang tức đến xịt khói lỗ tai thì… “Trông thực sự rất là đẹp đấy, Juli à. Cậu giỏi thật”.
Là Bryce, đứng ngay đó trước cửa nhà tớ. Và tự dưng tớ hết muốn bực tức bản thân nữa. Tớ bực cậu ta. Cậu ta là cái thá gì mà dám đứng đấy ra cái điều bề trên mà khen với chả ngợi chứ? Gì mà “cậu giỏi thật”? Cậu ta chả có cái quyền cóc khô gì để mở miệng ra nói bất cứ lời nào sau những gì mà cậu ta đã làm.
Tớ đang định mắng cho Bryce một trận té tát thì cậu ta nói ngay: “Này Juli, tớ xin lỗi vì những gì tớ đã làm. Tớ biết là… tớ đã sai rồi”.
Tớ nhìn cậu ta, nhìn thẳng vào đôi mắt xanh biếc sáng ngời của cậu ta. Và tớ cố gắng làm như ông Chet nói – tớ cố nhìn ngoài đôi mắt ấy. Điều gì ẩn chứa sau đôi mắt ấy? Cậu ta đang nghĩ gì? Có thực sự là cậu ta thấy có lỗi không? Hay cậu ta chỉ giả vờ giả vịt?
Nhưng giống y như nhìn vào mặt trời vậy. Tớ bị chói mắt.
Tớ không thể nhớ được là hai đứa tớ đã nói những chuyện gì sau đó, chỉ trừ mỗi việc là cậu ta đã cư xử rất thân thiện và còn làm tớ cười nữa. Và sau khi cậu ta đi rồi, sau khi tớ tắt vòi nước và đi vào trong nhà, tớ cảm thấy rất, rất kỳ lạ.
Cả buổi tối hôm đó, tớ cứ chập chờn giữa cảm giác thất vọng và bứt rứt. Tệ nhất là chính tớ cũng không biết được mình đang thất vọng hay bứt rứt vì cái gì. Đương nhiên là vì Bryce rồi, nhưng vì sao tớ lại không thể chỉ cứ bực tức cậu ta thôi? Cậu ta đúng thật là… một tên xấu xa mà. Hay là vui sướng? Vì sao tớ lại không thể chỉ cứ vui thôi? Cậu ta đã qua nhà tớ cơ mà. Cậu ta đã đứng trước cửa nhà tớ nữa. Cậu ta còn nói toàn những điều hay ho. Và hai đứa còn cười với nhau nữa.
Thế nhưng tớ lại không bực cũng chẳng vui. Và sau rốt tớ cũng nhận ra cảm giác thất vọng mạnh hơn cảm giác bứt rứt. Tớ có cảm giác như có ai đó đang dõi theo mình. Tớ thấy ghê ghê nên thậm chí còn bật hẳn dậy và chạy đi kiểm tra tứ tung, cửa sổ, trong tủ rồi cả dưới gầm giường nữa. Nhưng cái cảm giác đó vẫn cứ thường trực.
Phải đến gần nửa đêm thì tớ mới hiểu ra.
Chính tớ. Không phải ai khác. Đang dõi theo tớ.
Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi - Wendelin Van Draanen Bên Kia Đường Có Đứa Dở Hơi