Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1277 / 13
Cập nhật: 2017-09-18 10:27:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
iống như lão Ngụy sau này khoác lác, hai người bạn nhà văn của lão sau khi đến thăm đã viết một bản kiến nghị, cực lực phê phán cơ chế ở trại giam. Thêm vào đó là sự kiện vượt ngục trước đấy không lâu gây chấn động mạnh mẽ. Cấp trên cuối cùng quyết định phá bỏ trại giam với cơ cấu quản lý cũ lạc hậu, xây dựng mới. Thế là, tôi và chín lao động viên khác, cùng ba mươi phạm nhân đã kết án sẽ chuyển đến trại tạm giam của tỉnh trong nửa năm. Những tháng ngày hạnh phúc của tôi đã bị hai kẻ nhà văn nhiễu sự kia phá hỏng.
Hôm đó, hai xe cảnh sát và ba xe tù lăn bánh vào trại giam. Hơn mười viên cảnh sát mặt mày bụi bặm xuống xe, lớn tiếng càu nhàu đây là chỗ chết tiệt nào mà hôm nay đen đủi quá, mỗi người ít nhất phải ăn đến nửa cân bụi đất. Thực ra ở đây đang sửa đường, đúng là khó đi thật, nhưng không đến nỗi khiến họ bực tức đến thế, vừa tới đã cau có mặt mày. Phần đông trong số họ rút điện thoại di động ra gọi, quát tháo ầm ầm, không còn thì giờ đi bắt tay những người quản giáo đang chờ đón. Bọn họ phủi bụi, rửa mặt, vuốt tóc, cọ giày, đi nhà vệ sinh một lượt, lại chế giễu trong nhà vệ sinh còn nuôi thêm lợn, ngay giấy chùi cũng không tiêu chuẩn, suýt nữa bắt họ phải hái lá tre chùi đít, đúng là chất quê đậm đặc! Lúc uống trà họ cũng không vừa lòng, nói chỗ này sao vẫn còn dùng cốc sứ, không có cốc giấy dùng một lần, truyền thống cách mạng là tốt, nhưng sợ bệnh truyền nhiễm. Người nhà phạm nhân đến cũng dùng mấy cái cốc này à? Người nhà phạm nhân không bị mồm hôi, viêm gan, tiêu chảy, lao phổi hay AIDS ư?
Một viên cán bộ cảnh sát to con, có vẻ là cấp trên, rút một tờ tiền đưa cho quản giáo Xa: “Người anh em, chúng tôi không quen tình hình ở đây, phiền anh đi mua một thùng nước tăng lực, nếu không nước khoáng cũng được.”
Quản giáo Xa thu lại bình nước và tất cả cốc sứ đem đi, không nói gì, lại mồ hôi nhễ nhại vác về hai thùng nước ngọt, cái mặt ngựa dài ra.
Trình tự giao nhận phạm nhân cũng không phức tạp. Quản giáo đọc một tên, một phạm nhân liền đứng lên phía trước, đợi cảnh sát từ tỉnh về đối chiếu với sổ tên thu nhận, sau đó lên xe tù ngồi chờ.
Lúc đến lượt tôi lên xe, một tay cảnh sát cao lớn chỉ cái chai Coca Cola tôi đang cầm trên tay. “Đây là cái gì?”
Tôi nói là trà, để uống trên đường đi.
“Vứt đi!”
“Cả đoạn đường bốn năm tiếng đồng hồ...”
“Dài cả ngày cũng không được uống! Uống nhiều là lại đái, đã đái là sinh sự. Muốn bỏ trốn hả?”
“Quản giáo Xa đã đồng ý rồi.”
“Quản giáo Xa? Quản giáo máy bay cũng không được!”
Các bạn của hắn cười. Tôi quay đầu liếc nhìn, phát hiện quản giáo của trại không ai cười, quản giáo Xa mặt tối sầm, nhưng không hề lên tiếng.
“Bám váy đàn bà!” Trong thùng xe có người lẩm bẩm.
Đại khái là thuận chiều gió, tiếng thì thầm ấy lại lọt vào tai tay kia, hắn sững người. “Kẻ nào nói? Nói gì đấy?” Hắn quay đầu lại, nhìn chằm chằm mặt từng người trên xe, nhìn một lượt coi như đã chắc chắn kẻ vừa lẩm bẩm. “Mày - chính mày - xuống đây!”
Kẻ lẩm bẩm đương nhiên không muốn xuống, chúi ra đằng sau mọi người. Chúng tôi cũng lấy chân ngầm che chắn cho y. Tay cảnh sát nổi cáu, gọi mấy tiếng không có kết quả, giận dữ khua gậy trèo lên xe, một tay chộp lấy kẻ kia ấn xuống ghế. “Mày nói lại lần nữa xem, nói!” Giày da và gậy cảnh sát cùng đập xuống, góc thùng xe tru tréo kêu lên.
Quản giáo Xa đột nhiên hét lên: “Dừng tay!”
Tay cảnh sát thở hổn hển quay lại, “Cái gì?”
“Đánh chó cũng phải xem mặt chủ. Ở đây là chỗ anh có thể tùy tiện làm liều à? Anh quen diễu võ dương oai rồi hả? Đến đây chẳng có tí quy củ nào. Trong mắt anh không có bọn khốn nạn chúng tôi chứ gì?”
“Tôi đánh thằng đểu này, ông thương xót cái gì? Kỳ lạ thật, ông tên là gì? Có quan hệ thế nào với bọn cặn bã này? Chả trách người ta bảo Đường Gia Hà các ông loạn lắm, ban đầu tôi còn không tin, hôm nay coi như mắt thấy tai nghe. Cảnh sát trộm cướp thân thiết như anh em, xương gãy gân vẫn chưa lìa, bình thường chắc phong bì nhận nhiều lắm hả?...”
“Thằng nhãi nói năng lếu láo, cẩn thận không ông đây nhét cho đầy mồm phân lợn.”
“Ông dám!”
Đôi bên đều chẳng phải tay vừa, đều có đồng đội bên cạnh, bất kể có lý hay không cũng trợ giúp cho nhau, không thể ủng hộ người ngoài. Bọn họ đầu tiên tranh cãi, tiếp đó xô xô đẩy đẩy, cuối cùng không biết ai ra tay trước, súng ống đều lôi cả ra, khẩu nọ chĩa vào khẩu kia, ghìm nhau từng miếng. Những cảnh sát không mang súng thì lôi gậy ra, hoặc thuận tay rút được cái cuốc, giơ ghế hoặc hòn gạch lên, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Ngay cả một con chó trong nhà bếp cũng căng thẳng tru lên, khiến phạm nhân trong xe, ngoài xe sợ hãi tròn mắt há miệng, không tin được vào mắt mình. Một trận chiến cảnh sát đấu cảnh sát sắp sửa nổ ra.
Tình thế trở nên cam go, ngay tiếng thở cũng có thể nghe rõ, không ai dám manh động. Cảnh sát tỉnh thành xanh một màu quân phục và vũ khí, xanh một màu tuổi trẻ, đối mặt với quản giáo địa phương già trẻ không đều, ăn mặc lộn xộn, đúng là quân hiến binh gặp phải đám ô hợp. Nhưng quân hiến binh dù gì cũng người ít lực mỏng, trong vòng vây của họng súng đành phải tự mình nhượng bộ. Tay to con đầu tiên thu súng, nói có gì từ từ bảo nhau, người một nhà động đến binh đao còn ra gì nữa. Hắn phẩy tay, đồng bọn liền hạ súng xuống. Người bên này thấy đối phương lùi một bước, cũng thu lại các kiểu vũ khí tạp nham. Tay to con kéo quản giáo Xa ra một bên, còn mời thuốc, châm lửa, vỗ vỗ vai, nói năng một hồi, khiến đối phương cuối cùng dịu lại, nhả ra một bụm khói.
Quản giáo Xa vẫn dài mặt, đi đến trước xe tù, nói với tay to con: “Cậu nghe đây, bốn mươi người này giao cho cậu, sau nửa năm các cậu trả về. Đây là lệnh của cấp trên, không phải chúng tôi cầu các cậu đến cứu giúp. Các cậu không muốn nhận người, đi tìm cấp trên mà nói, có tức giận cũng đừng trút vào chúng tôi. Phải không? Trình độ trên tỉnh của các cậu cao, tốt thôi, nhưng chớ có xem người của Đường Gia Hà không phải là người, năm sau bốn mươi người này trả về, ai thiếu mất cẳng chân cánh tay, cái răng hay nốt ruồi, các cậu phải theo mất mát bồi thường, đừng hòng lờ đi, tới lúc đó chớ nói bậc cửa Đường Gia Hà khó bước qua.”
Ông lại trừng mắt nhìn chúng tôi: “Các cậu nghe rõ đây, mấy cái mồm thối đánh sạch cho tôi! Mấy cái đầu rùa rụt bớt vào một chút! Ra ngoài làm chuyện bậy bạ, làm hỏng danh tiếng của Đường Gia Hà thì đừng trách lão già này không nể mặt!”
Chúng tôi ra sức gật đầu.
“Cầm lấy!” Ông nhặt chai Coca Cola đựng nước trà nằm bên đường lên, xoa sạch bụi đặt vào tay tôi.
Xe tù đóng xoạch cửa, khóa lại, chuyển bánh. Chúng tôi chen chúc vào ô cửa sổ bé tẹo đằng sau, tranh nhau giơ tay ra để quản giáo Xa trông thấy. Tôi thấy ông rút một điếu thuốc, khom lưng, gồng mình đóng cổng sắt lớn, thậm chí không thèm ngước về phía chúng tôi, chớp mắt đã biến mất trong lớp bụi đất vàng đang cuộn lên đằng sau xe. Và dù ông có nhìn về phía này thì cũng không thể xuyên qua cái cửa sổ ngập bụi ấy nhìn thấy những cánh tay chúng tôi đang vẫy từ biệt, nhìn thấy nước mắt chúng tôi đang rơi. Tôi lắc lư trong thùng xe, rất nhanh không nhớ nổi khuôn mặt của ông nữa, dường như chuyện cũ đang lắc lư lắc lư rồi vỡ ra, tan ra, không còn nữa, không thể hợp lại nguyên hình. Tôi lắc lư lắc lư, chỉ nhớ lúc thu dọn rác trong phòng làm việc, phát hiện thấy đầu mẩu thuốc lá thừa của ông rất thảm hại, điếu nào cũng đốt tới tận đầu lọc, thậm chí cháy quá đầu lọc. Tôi lắc lư lắc lư, còn nhớ thêm điều này, cổ tay ông thường buộc một sợi dây vải màu đỏ - chắc là trò mê tín tránh tà ma, không chừng là do cái bồn cây bạch ngọc lan thần bí trong khu trại giam dọa cho sợ hãi. Lúc đó, tôi còn nghĩ tới chuyện không biết liệu ông có suốt ngày mặc cái quần đùi màu hồng không.
Tháng Năm năm 2005
Báo Cáo Chính Phủ Báo Cáo Chính Phủ - Hàn Thiếu Công Báo Cáo Chính Phủ