The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
ÔI RẤT THÍCH xem Diane tạo hình và trang trí bánh kem, nhất là bánh cưới, vì đó là những chiếc bánh cầu kỳ nhất, một số đẹp rất khác kiểu bánh cưới trắng đính hoa. Chẳng hạn như chiếc bánh Diane đã chuẩn bị cho một đôi cùng làm việc ở tổ chức Hòa Bình Xanh. Họ muốn một chiếc bánh thể hiện được (lời của họ) “tính nhất thể của sự sống và sự hài hòa của biển cả, mặt đất và bầu trời”. Không đặt ra cho Diane chủ đề cụ thể nào, họ muốn chị ấy hãy (lời của họ) “tự do thả sức sáng tạo”.
Mấy tuần liền, Diane xem đủ loại tạp chí ảnh và thiên nhiên, sách nghệ thuật, và phác thảo ý tưởng. Cuối cùng, chiếc bánh gồm ba lớp - sô-cô-la, chanh và hạt phỉ - chồng lên nhau bất đối xứng. Lớp phủ bằng kem bơ và sô-cô-la trắng được nhuộm màu xanh dương phớt lá cây ở tầng dưới cùng, tượng trưng cho đại dương, sô-cô-la nâu ở giữa là mặt đất, và trên cùng là bầu trời màu thiên thanh nhạt như cẩm thạch, điểm xuyết những dải mây trắng. Nghe có vẻ lạ đời, nhưng quả thực chiếc bánh tuyệt đẹp. Diane dày công tạo hình những sinh vật biển, chim muông và hoa lá rất sinh động để trang trí ba tầng bánh. Cô dâu và chú rể được tượng trưng bằng nàng tiên cá và chàng tiên cá - hai bức tượng nhỏ bằng sứ không biết cô dâu đã kiếm được ở đâu về.
Cuối cùng, cô dâu và chú rể có một người bạn làm cho tờ Post Intelligencer, một tấm ảnh màu chụp chiếc bánh đã lên trang đầu mục “Phong cách”, và bây giờ điện thoại tới tấp gọi đến hiệu bánh.
Công việc bận đến mức tôi không thể chỉ ngồi xem mọi người làm nữa. Diane hướng dẫn tôi làm kem bơ và phết kem lót lên cốt bánh. Đó là lớp kem mỏng đầu tiên bao kín cốt bánh, tạo ra bề mặt trơn nhẵn để phủ lớp kem ngoài cùng lên. Chỉ cần xúc một chút kem và dùng phới phết lên bánh cho mịn. Nhưng tôi lập tức nhận ra rằng thao tác đó cần nhiều sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và mắt, và nhiều kiên nhẫn hơn là tôi vốn có.
Một buổi chiều u ám, khi chỉ có hai chúng tôi, Diane nhờ tôi phụ giúp một công thức mới - kem cam phủ lên một chiếc bánh sô-cô-la kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới. Đứng bên bếp trông chừng đường tan chảy và chuyển màu cánh gián cũng hấp dẫn từa tựa như đứng nhìn sơn khô đi, nhưng sự thành bại trong thử nghiệm với một chiếc bánh cần được giao vào lúc mười giờ sáng mai là điều thực sự khiến tôi hào hứng.
- Nếu không ổn thì sao hả chị? - Tôi lấy chổi ướt quét những tinh thể đường dính trên thành khuôn.
- Thì tôi sẽ ở lại đến nửa đêm và làm lại cho được. Vậy hãy dũng cảm tiến lên nhưng phải thận trọng. - Diane bật bếp đun một chảo sữa.
- Giá mà chị chuyển sang làm nghệ thuật nhỉ. Thế nào mà chị lại ở đây vậy? - Tôi hỏi Diane. - Mẹ chị ngày trước là thợ làm bánh sao?
Tiếng cười của chị đanh lại.
- Mẹ tôi là bà hoàng bất động sản ở Baltimore. Hoặc đã là bà hoàng cho đến khi nghỉ hưu. Bà chẳng bao giờ ở nhà đủ lâu để làm bánh. Hoặc để làm nhiều việc khác nữa. Này cẩn thận. Không có thứ gì cháy như caramel nóng đâu.
Đường đã đổi màu nâu óng, vạch thủy ngân trên nhiệt kế chuyên dụng chấp chới chỉ một trăm tám mươi độ C, nên tôi tắt bếp. Khi đổ sữa vào, tất cả sôi lên như một cái vạc thần kỳ.
- Để trả lời cho câu hỏi của cô, bà của tôi làm bánh tuyệt khéo. Bà đã nuôi ba chị em tôi. Cho đến ngày bà mất, rồi tôi nối nghề.
- Thế bố chị làm gì?
- Uống cho đến khi bị suy gan. - Giọng Diane nhàn nhạt, không chút cảm xúc. Chị ghé đầu qua vai tôi nhìn vào xoong. - Thế là được rồi đấy. Cô chuyển sang làm kem trứng đường meringue kiểu Ý đi.
Tôi tách lòng trắng và lòng đỏ trứng, để phần lòng trắng trôi qua các ngón tay như Diane đã dạy tôi cách đây mấy tuần, một phương pháp lép nhép ra tay nhưng hiệu quả.
- Có lẽ đó là lý do tại sao tôi thích nghệ thuật, may vá và nấu nướng. - Diane trầm ngâm. - Tất cả những thứ mẹ tôi dường như không quan tâm. Để chọc tức mẹ tôi vì bà không phải là bà mẹ quanh quẩn ở nhà, làm bánh sinh nhật cho con, đưa con đi mua áo váy Phục sinh, hay thậm chí dán miếng băng cứu thương lên mấy cái đầu gối củ lạc của con.
Với lòng trắng trứng đã đánh bông trong một máy trộn nhỏ, tôi bắc xoong đường và nước lên bếp để làm một chút xi-rô đơn giản.
- Vui thật. Mẹ em làm em phát điên vì lúc nào mẹ cũng có mặt lo toan mọi chuyện tươm tất. Còn cố công dạy em chơi piano và may vá. Có lẽ các bà mẹ sẽ chẳng bao giờ giành được phần thắng.
Diane dừng đánh crème anglaise và nhìn xa xăm.
- Ai mà biết được.
Trong tích tắc, tôi nghĩ Diane sẽ bật khóc. Nhưng chị chỉ khụt khịt mũi và đặt bát crème anglaise vào một bát lớn hơn đựng đầy đá.
- Các chị em của chị đang ở đâu ạ?
- Ở Baltimore. Đã kết hôn, sinh con, những bà nội trợ mẫu mực. - Diane cười buồn. - Họ đã dàn hòa với mẹ tôi từ lâu rồi, sau đó chỉ việc sống như họ muốn. Bây giờ họ nấu món hầm cho bà, còn bà chăm đám cháu ngoại, rất là đầm ấm và thắm thiết. Còn tôi, đã phải đến tận Tây Timbuktu lập nghiệp. Và không phải việc gì cũng làm. Phải là những việc mẹ tôi không thể, hoặc không bao giờ làm. - Tiếng cười của chị sít lại. - Chắc tôi ham thể hiện với mẹ tôi, nhỉ?
Tôi vắt nước mấy quả cam, cô đặc nước cốt lại trong khi Diane bật máy Hobart, đánh khoảng một cân bơ cho xốp như xa-tanh trắng.
- Chị có hay về nhà không?
- Tôi chưa từng về. Đã gần sáu năm rồi. - Chị đưa ống tay lên vén tóc mai khỏi mặt. - Chỗ này xong rồi đây.
Nụ cười quyết tâm của Diane gần như méo đi. Chị cho thêm trước tiên là kem, rồi đến kem trứng đường, va-ni, xi-rô cam, và bơ, trong khi lưỡi phới trong máy trộn quay từ từ theo tốc độ đã đặt. Cuối cùng, chị thả thêm một ít bột cam tạo màu và vỏ cam bào vào.
Diane có cách nếm rất độc đáo, đặt một chút gì đó vào giữa lưỡi, mài nó lên vòm miệng vài lần để nếm bằng cả khoang miệng.
- Ừm... cô thử mà xem.
Tôi lấy thìa xúc một ít. Từng mùi vị kể trên bùng nổ trong khoang miệng.
- Ngon tuyệt. Vị đường cháy vừa độ quện với cam, kem bơ mềm như lụa... Em chỉ muốn phết thứ này lên khắp người thôi.
- Đồ phí phạm kem bơ. - Diane cười lớn. - Trừ khi cô đang mơ tưởng sẽ có người muốn liếm sạch.
o O o
Sáng thứ Sáu đầu tiên của tháng Hai, Tyler gọi điện xin nghỉ vì bị cúm.
Ellen nhăn nhó:
- Wyn ơi, tôi bí lắm rồi mới phải hỏi cô, liệu cô có thể ở lại làm đến tầm chín rưỡi, mười giờ không? Hoặc ít nhất là qua giờ cao điểm buổi sáng.
- Em ở lại được, nhưng em không biết gì về cái máy kia đâu.
- Misha sẽ xoay xở máy pha cà phê. Cô cứ ở phía sau làm bánh muffin và scone với Jen đi. Mà này, - Ellen mỉm một nụ cười thông cảm và thấu hiểu - trong xe tôi có mớ dụng cụ cho cô đấy.
Tôi lấy một tách cà phê mocha và quay lại bếp. Jen toét ra nụ cười rộng nhất mà tôi từng thấy trên mặt cô. Người thấp và đậm đà, nước da trắng, tóc sẫm màu, trông cô hệt như em gái của Pillsbury Doughboy* vậy.
- Sao thế?
- Không có gì. Em vui vì Misha phải làm ngoài đó còn em thì không.
- Làm ngoài cửa hàng thì sao?
Jen nhún vai.
- Chắc cũng tùy xem chị có thích loay hoay với đám khách không. Là em thì em thà dọn phưn bằng thìa còn hơn. - Đôi mắt xanh biếc của cô ánh lên tinh nghịch.
Jen lấy xô bột bánh muffin ngũ cốc đã nhào ra khỏi tủ lạnh, đưa cho tôi cái dụng cụ múc kem.
- Chúng ta làm ba tá bánh. Khi nào chị xong, các nguyên liệu khô cho bánh muffin nam việt quất ở đằng kia. - Jen chỉ một góc trên mặt bàn bếp rộng mênh mông. - Trộn với những thứ ướt, rồi chị cũng múc bột bằng cái này.
Mấy phút sau, Ellen quay lại, tay cầm tờ khăn giấy thấm thấm lên trán. Chị bê một khay bánh muffin việt quất đã nguội.
- Sáng nay đúng là điên đảo. Muffin ngày mai là loại nào nhỉ?
- Nam việt quất, ngũ cốc, em sẽ làm thêm bí ngô khi nào xong chỗ bánh cuộn quế này. - Jen đáp.
- Để chị làm muffin bí ngô cho.
- Thế tốt quá. - Ellen hất đầu về phía bàn làm việc màu nâu của chị. - Công thức ở trong cuốn sổ bìa đỏ ấy.
Tôi rửa tay, lật qua các trang cho đến khi tìm thấy.
Muffin bí ngô - hạt kê của Miska
1 ¼ cốc bột mì trắng, không tẩy
¼ cốc bột mì nguyên cám
2 ½ thìa cà phê hỗn hợp gia vị bí ngô (xem bên dưới)
¼ thìa cà phê bột nở
1 thìa muối nở
¼ cốc đường
½ cốc hạt kê
2 quả trứng
½ cốc dầu thực vật
1 cốc bí ngô
⅓ cốc nước
2 thìa canh xi-rô phong
½ cốc nho khô
Trộn các nguyên liệu khô và hạt kê vào nhau. Trong một bát khác, đập trứng vào, cho thêm dầu thực vật, bí ngô, nước, xi-rô và nho khô. Cho phần nguyên liệu ướt vào bát nguyên liệu khô, trộn đều thành hỗn hợp thống nhất. Múc vào khuôn muffin đã được phết chống dính hoặc lót giấy chống dính. Nướng ở 190 độ C trong 25 đến 30 phút. Làm được một tá.
Hỗn hợp gia vị bí ngô
¼ cốc bột gừng tán mịn
¼ cốc bột quế tán mịn
3 thìa canh bột bạch đậu khấu tán mịn
3 thìa canh bột đinh hương tán mịn
Trộn thật đều các gia vị, bảo quản trong lọ kín.
Jen cười ngất khi thấy tôi nhăn mặt tính toán.
- Mỗi lần làm sáu tá bánh. Định lượng ở phía sau. Hỗn hợp gia vị ở trong kho, giá đầu tiên bên tay trái. Chắc chị sẽ phải mở hộp bí ngô mới đấy.
Jen quay lưng ra phía cửa hàng, nhưng tôi chốc chốc lại rời mắt khỏi đám muffin để theo dõi cuộc tấn công đầu tiên - dân công sở trong những bộ vest đầy vẻ quyền lực, đỗ xe BMW bên vệ đường; những chiếc bán tải chở các cậu công nhân “cổ cồn xanh” làm việc ở Ballard, phía bên kia cầu; tiểu thương quanh khu vực Queen Street. Tầm từ tám rưỡi đến chín giờ, làn sóng thứ hai quét qua - những người còn lại của thế hệ hippie, dân nghiền nhạc punk, sinh viên; và, cuối cùng, khoảng mười giờ, mấy bà mẹ đẩy xe nôi và dắt theo những đứa trẻ lẫm chẫm, và một nhóm tuyền nhuộm tóc xanh.
Tiếng rì rầm nói chuyện thỉnh thoảng bị gián đoạn vì tiếng sập cửa, tiếng rít và nhả khói từ máy pha cà phê, tiếng ro ro từ máy xay cà phê, tiếng tinh tinh từ máy tính tiền, và tiếng xe cộ từ ngoài đường vọng vào. Các giác quan đều quá tải nếu so với sự yên tĩnh vào nhịp nhàng khi làm bánh vào ban đêm.
Jen nướng bánh cuộn quế trong lò chừng bằng thời gian tôi hoàn thành mẻ bánh muffin. Lau tay vào tạp dề, tôi nói:
- Chị xem em làm bánh scone được không? Chị thích bánh đấy lắm nhưng chưa lần nào làm được thế này cả.
- Có hai trường phái làm bánh scone. - Khóe môi Jen khẽ cười. - Ít ra là gần đây. Một loại rất xốp - có nhiều kem và trứng hơn. Vị hơi giống bánh quy. Và một loại nữa chắc hơn, em cũng thích hơn, thêm đường và rất nhiều bơ. Loại này đặc ruột hơn, gần như bánh bơ nướng. - Jen nhấn công tắc máy xay trộn, cắt bơ thả vào các nguyên liệu khô trong khoảng năm nhịp ấn máy. Cô đổ hỗn hợp chưa mấy kết dính ấy lên mặt bàn bếp, nhẹ nhàng lật hai lần, cán thành một hình chữ nhật dài. - Bánh scone của hiệu mình đứng trung lập giữa hai trường phái trên.
Jen giơ hai ngón tay dính bột lên.
- Hai điều cần nhớ. Bơ phải thật lạnh, thậm chí đông cứng cũng được. Và không nhào bột nhiều hơn mức cần thiết. Như thế bánh sẽ bị chai lại. Chị dùng dao bình thường, dao cắt bột bánh quy hoặc bất cứ dao gì cũng được, miễn là phải sắc. Dao càng sắc thì bánh nở càng cao.
Jen cầm con dao phay kiểu Trung Quốc đưa tới đưa lui, cắt bột thành những miếng tam giác. Chúng tôi xếp tất cả vào khay và cất vào tủ lạnh để mai nướng.
o O o
Ellen kiên quyết lái xe đưa tôi về nhà lúc mười một giờ và giúp tôi xách cái xô cỡ hai chục lít, đựng đầy những dụng cụ anh Lloyd đã soạn ra cho trình độ nhập môn như tôi. Trong xô còn có một miếng bạt xanh - Ellen gọi nó là “tạp dề dụng cụ” - với các túi nhỏ để đựng các dụng cụ khác nhau. Ở giữa có cái khoan và dây nối dài màu da cam khá nặng. Còn có cả cưa máy lưỡi tròn, có thể trở thành vũ khí lợi hại nếu ta bị tấn công trong khi cưa đang cắm điện.
Tôi thở dài:
- Đến cả giấc mơ hoang đường nhất của em cũng chưa bao giờ có cảnh em tay năm tay mười với mớ dụng cụ oách thế này.
Ellen cười híp mắt.
- Đến cả giấc mơ hoang đường nhất của tôi cũng chưa bao giờ có cảnh tôi chung sống với người như ông xã tôi bây giờ. Hi vọng là anh ấy đã không quá thúc bách cô.
- Em sẽ nói rằng anh ấy có lập trường rất vững chắc. Cơ mà anh ấy nói đúng. Có lẽ ai cũng nên biết cách dùng tua vít như thế nào. - Tôi ngả người dựa vào lưng ghế. - Anh ấy có kể cho em nghe chuyện anh chị gặp nhau.
Ellen xua tay gạt đi.
- Ai anh ấy cũng lôi chuyện đó ra kể. Tại ngày bé anh ấy được nuôi dạy theo đạo Tin lành giáo hội Luther nên thế đấy. Lần nào anh ấy kể, tôi cũng thấy ngứa ngáy hai vai, cứ như tôi sắp mọc cánh đến nơi. Mà thôi, tôi quay lại cửa hàng đây để cô còn đi ngủ. Cảm ơn cô sáng nay đã ở lại giúp mọi người nhé.
Sau khi Ellen rời đi, tôi để đại đám dụng cụ ở bàn làm việc, rúc luôn vào chăn, còn chẳng buồn mở tấm đệm ra hết cỡ cho rộng, và chìm vào giấc ngủ mệt nhoài không mộng mị.
o O o
- Hôm qua không thấy chị, - Mac chào khi tôi lách mình lên ghế đẩu ở quầy bar.
- Một cô ở chỗ làm bị ốm nên hôm qua tôi làm thêm năm tiếng nữa. Mãi tám giờ tối tôi mới bò khỏi giường.
Tôi đã thành khách quen ở quán bar này. Nhìn chung có thể nói vậy. Một, tuần tôi đến đây khoảng ba hoặc bốn buổi tối, đọc và chậm rãi uống một ly rượu vang. Hai, nếu đêm đó tôi không phải làm việc. Ngày trước tôi từng thấy thương hại những người nhẵn mặt ở các quán bar, thậm chí còn hơi lên mặt kẻ cả với họ - kiểu như, nếu biết sống cho ra hồn thì đã chẳng vác xác đến bar. Còn giờ tôi đã hiểu có thể nói nhiều lời tốt đẹp hơn về các quán bar, tất nhiên cũng phải cẩn thận lựa chọn chỗ tử tế.
Tôi sẵn lòng cược rằng bất cứ ai đến quán Bailey cũng sống trong phạm vi bán kính năm cây số tính từ mạn đầu Queen Anne. Nếu là khách vãng lai, chắc chẳng ai dừng chân lại đây. Bailey không phải nơi các tín đồ nhiệt thành tụ tập nếm thử rượu pinot noir hảo hạng từ bang Oregon chỉ đóng chai số lượng hạn chế. Tôi luôn mang theo một cuốn sách, nhưng nhiều lần nhận ra mình chỉ chằm chằm nhìn vào trang sách trong khi mải nghe đám đàn ông tranh luận những chuyện linh tinh trong làng thể thao chẳng mấy ai biết, hoặc ba hoa rằng con mình ném phạt bóng rổ xuất sắc đến mức nào.
Các cô gái ngồi ở những bàn lớn, gần lò sưởi, tán dóc và càm ràm về bạn trai; trong khi một nhóm phụ nữ nhiều tuổi hơn tự nhận là “Các bà nội bà ngoại đêm thứ Năm” rôm rả bắn bi-a và bật mí với nhau công thức làm những thứ như bánh Bùn Mississippi và nước sốt a-ti-sô bỏ lò.
Tôi không tham gia nhiều vào các câu chuyện, trừ thỉnh thoảng nói với Mac và một nhân viên pha chế rượu khác. Kenny nhiều tuổi hơn Mac, chừng năm mươi, thấp và vạm vỡ, mái tóc sẫm màu đang mỏng dần, mắt xanh long lanh và sống mũi chừng như đã gãy ít nhất hai lần. Anh từng thi đấu quyền anh, nhưng giờ chỉ huấn luyện tụi nhỏ ở trung tâm cộng đồng tại Capitol Hill.
Hai người họ làm việc ăn ý với nhau trong không gian nhỏ hẹp sau quầy bar, có lẽ vì mỗi người có một phong cách riêng. Chuyển động của Kenny trực tiếp, ngắn và giật cục, nhưng rất hiệu quả, đúng như những gì có thể trông đợi ở một tay thiện chiến. Mac thì cao - hơn một thước tám - với nét duyên dáng lêu nghêu rất lạ mắt. Họ đồng thời làm việc nhưng không bao giờ vướng víu nhau, không bao giờ quên mình đang làm gì, không bao giờ với tay lấy thứ gì đó mới phát hiện ra là không có. Tôi thích xem họ làm.
Thôi được, thành thực thì tôi thích xem anh ấy. Mac. Tôi thích cách anh làm việc, như thể không có gì trên đời anh muốn làm hơn là ngay lúc này mang cho một cụ lẩm cẩm nào đó ly Ballard Bitter cụ đã gọi. Tôi thích cách anh dành toàn bộ chú ý đến bất cứ ai nói chuyện với anh, dù người ấy có khó chịu hay bất lịch sự đến đâu. Cách anh nhập tâm theo âm nhạc đến mức không hay biết chính mình đang lẩm nhẩm hát theo.
Một buổi chiều, Mac kể với tôi rằng anh là người New York, bỏ ngang năm thứ hai Đại học New York để phượt loanh quanh. Anh đến Seattle vì đang trên đường đi Alaska, cạn tiền nên dừng chân, nhận một chân phục vụ quầy bar, đâu đó quanh quảng trường Pioneer, rồi ở lại.
Tôi có nghe nhắc đến cô bạn gái cũ là Laura, chủ một phòng trưng bày nghệ thuật ở Bellevue. Họ chia tay cách đây sáu tháng, sau hai năm dập dìu lúc nóng lúc lạnh. Cô ấy nói anh có vướng mắc về tài chính và sẽ luôn như vậy, và cô cần ai đó có nhiều tham vọng hơn.
Mac không lộng lẫy kiểu tuấn mã như David, cơ mà, có ai như David được chứ? Mac có khí chất của chim ưng, với sống mũi dài và gò má cao, cặp mắt xám sâu - một chút dữ dằn có thể nói là không quyến rũ.
Nhưng quý bà Morrison không nuôi dạy cô con gái nào rửng mỡ đến mức rảnh rang ngồi ngắm một anh nhân viên pha chế rượu và tự hỏi nếu anh ta cởi áo sơ-mi ra thì trông sẽ ra sao trong chiếc quần jeans cạp trễ bạc phếch kia.
Tôi kể với Mac chút ít về David. Thôi được, thành thực thì tôi kể với anh khá nhiều. Không phải là chủ ý của tôi, chỉ là nói với anh thật dễ chịu, nên câu chuyện cứ thế trôi đi. Dù sao, anh nói anh biết ngay từ lần gặp đầu, rằng tôi đã kết hôn. Khi tôi hỏi tại sao anh lại biết, Mac đáp: “Trông chị buồn. Tôi đã từng thấy như vậy nhiều rồi”.
o O o
Các thứ Bảy, nếu muốn tôi có thể ở lại đến lượt phục vụ cuối cùng, vì tôi không phải vội về nhà ăn tối và đi làm. Từng bản nhạc đều tuyệt hay như Mac đã hứa. Tôi thích cách anh chọn bật các bản nối tiếp nhau.
Đôi khi, anh dạo đầu đầy hoang dại, như Billy Idol, rồi ngược dòng với The Platters, vụt lướt đến The Stones, và du dương phiêu lãng với Joni Mitchell. Những lần khác anh mở màn bằng chút gì đó buồn và chậm như “Tình yêu tôi nồng nàn thế đấy” của Otis Redding, rồi dần tươi tắn hơn với Chuck Berry hoặc Eric Clapton. Nếu anh chìm đắm, có thể sẽ là một giờ liền của Motown, hoặc The British Invasion, hoặc nhạc surf, nhưng thường là sự pha trộn thú vị.
Và rất thường xuyên, anh sẽ tới góc tôi ngồi và hỏi “Chị có thích bản này không?”. Tôi sẽ thừ người ra nghe một lúc, nhận ra The Drifters đang hát “Cô ấy đã đi rồi”. Rối tôi sẽ đáp là có, tôi thích đấy, và anh sẽ chỉ ra cho tôi thấy rằng lời hát thực ra là một đoạn thơ.
Hoặc anh sẽ nói, “Wyn, chị thử để ý tiếng kèn trong bài này của Otis Redding đi, có thấy nó láy lại lời hát không? Kéo chị ngay vào cầu hát tiếp theo nhỉ?”.
Thông thường, tối thứ Bảy quán đông nghẹt. Nhưng tối nay có trận chung kết giải bóng rổ các trường trung học trong quận, nên nhiều người đang theo dõi cuộc đấu. Mac bật những bài thời đầu của Dylan, từ hồi “Tóc vàng trên tóc vàng” và “Trở lại đường cao tốc 61”. Tôi đọc dở một cuốn tiểu thuyết kỳ bí của P.D. James. Thám tử Dalgliesh đang giải thích với hạ sĩ Martin tại sao kẻ tống tiền lại sát hại người chủ phòng mạch, đúng lúc ấy Mac gõ gõ mu bàn tay xuống mặt quầy, ngay trước tôi.
- Chị đói bụng không?
- Tôi sẽ đi quanh kiếm thứ gì đó. Nhưng đừng mang lạc cho tôi nữa. Anh mang ra là tôi lại ăn hết thôi.
- Chị muốn đi ăn đồ Ý với Kenny và tôi không?
- Ở đâu cơ?
- Hiệu Lofurno. Dưới mạn Fifteenth. Chị có thể đi cùng luôn sau khi bọn tôi đóng quán, hoặc chị cứ về nhà, một rưỡi bọn tôi qua đón.
o O o
Tôi không hề hỏi Mac sao lại biết nhà tôi, mãi cho đến khi anh đã tới trước cửa, tôi mới sực thắc mắc. Anh đang lơ đãng dựa vào lan can bao quanh hiên, và khi anh đưa tay lên vành mũ lưỡi trai, chuyển động như dừng lại và hình ảnh thu vào một tầm điểm hoàn hảo. Tôi nhìn Mac chằm chằm.
- Ôi trời ơi!
- Sao thế?
- Anh đã chở gỗ đến cho tôi. Đó là lý do vì sao anh không cần hỏi nhà tôi ở đâu.
Khóe mắt anh ánh lên vẻ thích thú.
- Chị mất nhiều thời gian gớm nhỉ.
- Tóc anh. Hôm đó rất dài.
- Đó là ngày trước kỳ xén tóc hàng năm của tôi.
- Sao trước anh không nói gì đến chuyện đó?
- Ừ thì... - Anh thọc tay vào túi quần jeans. - Tôi có ấn tượng rất rõ nét rằng hôm đó chị không muốn tiếp tôi.
- Không muốn tiếp ư? Trông anh có khác gì một gã điên thích giết người đâu.
Anh phá ra cười đến mức gập cả đầu gối lại. Rồi tôi cũng không nén được, và chỉ phút chốc sau cả hai đều ôm bụng cười đến chảy cả nước mắt. Tôi hồi lại, đóng cửa ra vào và xoay chìa khóa ổ khóa bu-lông chìm.
- Đi thôi, chắc anh Kenny đang tưởng anh bị lạc đấy.
Chúng tôi xuống thềm, bước chân lạo xạo trên lối đi trải đá dăm, được nửa đường anh mới nói:
- Kenny thất hẹn mất rồi. Bà xã muốn anh ấy đêm nay ở nhà. -Anh dạt cành độc cần sang một bên để tôi đi qua.
- Tôi không biết là anh ấy đã có gia đình.
- Vậy ổn chứ?
- Miễn là họ hạnh phúc.
Một chiếc xe bán tải xập xệ màu trắng đỗ bên vệ đường. Trông như nó còn trụ được là nhờ dây thép gai và bã kẹo cao su.Tấm chắn bùn bên trái được trát sơn màu xám.
- Ôi trời, đây là cỗ Millennium Falcon* phải không?
- Xin lỗi chị, tuần này em Beamer phải ở cửa hàng.
Tôi trèo vào xe.
- Vậy thứ này là gì?
- Em này là Elky. - Anh sập cửa, tôi cứ ngỡ sẽ thấy cánh cửa đó long ra.
Tôi lướt ngón trỏ trên lớp nhựa cứng bọc ghế trong khi Mac đi vòng ra phía ghế lái xe và ngồi vào.
- Xe Elky là sao?
- Chính là El Camino 454 SS. Một nghìn chín trăm bảy mươi mốt. - Anh nói vẻ tự hào. Động cơ lọc xọc, mạnh lên rồi tắt ngúm. Ba lần.
- Anh có biết lượng phát thải của những chiếc xe kiểu này là thế nào không?
- Em bán tải này và tôi đã cùng nhau trải qua nhiều chuyện.
- Có lẽ nên lấy tên anh đặt cho một lỗ thủng trên tầng ô-zôn. - Cố lần thứ tư, động cơ đã hoạt động. Anh vào số và chúng tôi rời khỏi vệ đường. - Vào năm bảy mốt, không ai quan tâm đến lượng hi-đrô các-bon, ô-xít ni-tơ và hạt... Mà xe này được phép chạy tổng số bao nhiêu cây anh có biết không?
Chúng tôi dừng ở một góc phố và anh ngoái nhìn tôi.
- Tôi thì nghĩ đây là một cách tái chế. Nếu tôi không lái thì em Elky này đang hoen rỉ trong sân nhà ai đó rồi.
o O o
Lofurno cũng là một nơi ta sẽ không bao giờ tình cờ đặt chân đến. Cứ chạy xe theo hướng Fifteenth, ta sẽ không bao giờ để ý đến căn nhà gỗ xám bong tróc nép co ro vào chân núi. Mà nếu có để ý, có lẽ ta sẽ tặc lưỡi nghĩ rằng đó là nhà hoang. Không biển hiệu, không đèn cửa sổ đủ sáng, chỉ có vài chiếc xe trên bãi đỗ lầy lội. Ở hành lang trải vải sơn phía sau cánh cửa chính, có một bóng đèn trần dòng xuống bằng sợi dây điện đen. Bên trái là cánh cửa gỗ trơn, bên phải là cầu thang đi lên.
Mac mở cánh cửa dẫn vào một nơi mà nếu ở trong phim có thể là xưởng nấu rượu lậu. Không khí quánh mùi tỏi và khói thuốc lá, được chiếu sáng ấm áp bằng những ngọn đèn màu hổ phách. Một phụ nữ da màu mặc đồ may bằng sa tía ngồi bên chiếc piano, nhấp một thứ trong suốt, quá sánh so với nước. Tóc chị màu bạc nhưng gương mặt căng mịn và như không tuổi. Chị nháy mắt với Mac, đưa điếu thuốc lên môi bằng bàn tay đeo nhiều trang sức, rít một hơi và từ từ nhả khói. Có hai đôi đang ngồi bên quầy bar bằng gỗ sẫm màu, chạy dọc chiều dài căn phòng, và một người đàn ông ngẩng lên nhìn khi chúng tôi bước vào.
- Mac, chào. Mọi việc thế nào?
Anh ta trượt khỏi ghế và vừa bước nặng nề vừa xốc lại quần. Trông anh ta nhang nhác tài tử Victor Mature, với đôi môi như tạc, mũi nở và đẹp, cặp mắt đen, và sóng tóc xám ánh kim rủ xuống trán. Và kiểu áo gi-lê bó tôi chưa từng thấy ở đâu, ngoại trừ trong các bộ phim về mafia. Anh ta tên là Tony, gì nữa nhỉ? Và khi Mac giới thiệu tôi, Tony dành cho tôi cái gật đầu đầy nam tính đến mức tôi đã nghĩ đến những giai thoại tiếu lâm về sự khiêu gợi của người Ý. Rồi anh ta mang hai quyển thực đơn tới, dẫn chúng tôi đến một trong mấy bàn có vách cao ở đối diện quầy bar. Vài phút sau, người phục vụ mặc gi-lê đen và đeo tạp dề trắng dài mang ra một chai Chianti và hai ly thủy tinh.
- Vang đỏ được chứ? - Mac hỏi tôi. - Hay chị có muốn dùng gì khác không?
- Vang đỏ là được.
Người phục vụ rót rượu vào ly và nói:
- Hiện chúng tôi đã hết món scaloppine rồi, và lasagne chỉ còn một suất thôi.
Khi anh ta đi khỏi, tôi nhoài về phía trước và nói khẽ:
- Người mặc vét đen, thắt cra-vát trắng, mang theo súng máy trong hộp đàn violin đâu?
Mac bật cười.
- Nơi này đúng là dễ liên tưởng đến khung cảnh ngày xưa thật. Nhưng đồ ăn ngon lắm. Arlene cũng rất tuyệt. Nữ ca sĩ ấy.
- Trông như chị ấy đã biểu diễn xong rồi.
Mac lắc đầu.
- Chị ấy đang nghỉ chút thôi. Arlene sẽ hát cho đến khi người cuối cùng ra về. Giọng chị ấy làm tôi nhớ đến Lauren Bacall. Hát “Có hay không có”, đúng không nhỉ?
- Cả “Phải chăng tôi buồn”. Và Hoagy Carmichael đệm đàn. - Tôi mở thực đơn ra xem. - Anh bảo món gì ngon?
- Tất cả. Nhưng hi vọng chị thích tỏi chứ?
- Tôi thích lắm.
- Tốt rồi. Vậy gọi xa-lát Caesar đi.
Chúng tôi chọn món xong, Mac đưa một tờ năm đô-la cho người phục vụ để anh này thả vào cái âu cá vàng đã rất đầy của Arlene. Chị châm một điếu thuốc nữa bằng đầu mẩu của điếu vừa hút xong, nhưng chị mỉm cười và nhả giọng qua micro:
- Được rồi, anh bạn.
Rồi chị vuốt lại nếp váy, phủi tàn thuốc vương đây đó, và bắt đầu đàn dạo đầu bài “Mỗi lần tạm biệt”. Đột nhiên, tôi như được nghe chất giọng khàn ấm áp của Ella Fitzgerald, thấy bố tôi ngồi trên ghế, đôi mắt nhắm lại, ngón tay khẽ gõ nhịp lên cuốn sách đặt trong lòng.
Và giờ khi chúng tôi ngồi đối diện nhau, tôi chợt cảm thấy sự trần trụi của ngón thứ ba trên bàn tay trái. Mãi gần đây tôi mới nhận ra rằng nhẫn cưới có tác dụng như một lá bùa bảo vệ người mang. Ta có thể nói chuyện với một người đàn ông, tươi cười, thậm chí quyến rũ một cách vừa phải, và không ai tự động cho rằng như thế là có thể lên giường ngay được. Không có chiếc nhẫn, ta chỉ trơ trọi một mình.
- Vậy anh có còn làm ở Rừng Na Uy nữa không?
- Tôi chỉ giúp Rick những đợt cao điểm thôi.
Người phục vụ mang xa-lát trong một bát gỗ lớn ra bàn chúng tôi. Anh ta còn làm dây ít tỏi bằm lên bát, có lẽ như vậy mới đúng điệu. Quả thực đó là một trong những món ngon nhất tôi từng ăn - vị chanh, cá khô và tỏi bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo, trứng luộc lòng đào và dầu ô-liu khiến tất cả dịu lại, phô mai Parmesan mới bào, vừa đủ sốt ớt Tabasco để thoáng tê nhè nhẹ. Có bánh mì bột chua với lớp vỏ dày mà tôi đã bóc ra để thấm những giọt sốt trộn xa-lát cuối cùng. Tôi có thể dừng bữa ăn tại đây và cảm thấy vô cùng thỏa mãn, nhưng rồi người phục vụ bưng ra mì tagliatelle sợi to bản và dài, với sốt Bolognese mà tôi đã gọi, và tôi lập tức lấy làm mừng rằng mình chưa quyết định dừng bữa. Tôi chưa bao giờ nếm nước sốt thịt nào như thế này, ngọt và ngậy. Tôi nhai từ tốn, thật ra là chầm chậm hút mì vào, cố gắng đoán xem họ đã chế biến như thế nào.
Chợt một lúc tôi nhìn lên thì thấy Mac đang mỉm cười với tôi - gần như là cười thành tiếng - và tôi nhận ra anh vẫn ngồi đó, tiếp rượu cho tôi, còn tôi từ mười phút nay đã chẳng nói nửa lời với anh.
- Xin lỗi đã để anh ngồi không, nhưng mà... món này thật là... không thể tin được, ngon kinh ngạc.
- Chị luôn tập trung cao độ thế ư?
- Chỉ khi liên quan đến đồ ăn thôi. Sao mà họ nấu được thế này nhỉ?
Anh nhún vai.
- Chị hỏi anh phục vụ xem. Tôi không nghĩ nhiều, tôi chỉ ăn thôi.
- Chỗ này có vẻ rất New York. Hay có lẽ là New Jersey. Có phải vì thế mà anh thích đến đây không?
- Tôi thích vì đây là một nơi rất tuyệt. Tôi không hoài cổ nhớ vùng Bờ Đông cho lắm.
- Tôi chợt nhận ra anh biết vô cùng nhiều về tôi trong khi tôi biết vô cùng ít về anh.
Anh cuộn mì spaghetti quanh dĩa hết sức điệu nghệ.
- Như thế có làm chị không thoải mái không?
- Như thế làm tôi tò mò.
- Chị cứ tự nhiên đặt câu hỏi.
- Rồi nhé. Anh đã ở đâu? Trong mười năm qua.
- Sau khi bỏ học, - anh tỏ ra đăm chiêu, trông như đang cân nhắc xem nên nói gì, nên giữ lại điều gì, - tôi lái xe về hướng tây. Ba năm ở Colorado và Utah.
- Anh làm gì ở đó?
- Trượt tuyết rất nhiều và làm bồi bàn một ít.
- Mùa hè thì làm sao mà trượt tuyết được.
- Thì leo núi đá ngoài trời và trong nhà.
- Leo núi ư? Anh tham chết sợ sống nhỉ.
- Không hẳn. Nó dựa trên cơ sở phải học một loạt kỹ năng mới, giống như bất cứ môn thể thao nào thôi.
- Thôi được, chỉ như các môn thể thao khác thôi. Trừ thực tế rằng anh giơ mông ra trước miệng vực.
Mac bật cười, ngả đầu vào vách tựa phía sau.
- Vấn đề nằm ở dấu vết trí nhớ.
- Ở đâu cơ?
- Chị có biết cách lái xe số sàn không?
Tôi gật.
- Là như thế đấy. Hoặc giống như động tác vung gậy đánh golf, hoặc giao bóng trong quần vợt. Những cử động nối tiếp nhau sẽ hình thành nên chuỗi xung động thần kinh trong não. Mỗi lần lặp lại là một lần củng cố thêm. Đó là một dấu vết trí nhớ. Một khi nó đã định hình, chị có thể gần như tự động thực hiện các động tác, và lúc ấy bộ não có thể tự do tập trung vào việc khác.
- Chẳng hạn như tập trung vào thực tế rằng anh giơ mông ra trước miệng vực. Thôi được. Vậy rồi sao nữa? Sau thời gian leo núi đá ấy.
- Tôi vẫy xe xin đi nhờ vòng quanh New Zealand trong một năm. Rồi Ý và Thụy Sĩ thêm một năm nữa.
- Năm năm rồi.
- Sau đó tôi về nhà. Được khoảng sáu tháng, rồi lại vừa kiếm sống vừa đi về phía tây. Và như từng kể với chị, tôi đến đây và ở lại.
Tôi chống khuỷu tay lên bàn.
- Anh giỏi thật. Đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thời gian, thế mà không hé ra chuyện gì đáng kể.
- Chọn từ hay đấy, “đáng kể”. - Anh cười rộng miệng. - Chỉ là không có gì đặc biệt thú vị mà kể.
- Không có sự vụ gì dính đến pháp luật ư? Không có cuộc đánh nhau tay đôi nào sao?
- Không hề.
- Chưa từng kết hôn luôn?
Anh lưỡng lự chừng một phần nghìn giây.
- Đã từng suýt.
- Cô ấy tên là gì?
- Gillian. Cô ấy sống trong một trang trại cừu ở New Zealand.
- Anh kể cho tôi nghe được không?
- Để lúc nào đó khác nhé.
Sau khi đã nhồi mì tagliatelle nhiều hết mức có thể vào bản thân và phần còn lại vào hộp mang về nhà, tôi bạo miệng hỏi người phục vụ xem bí quyết của họ là gì. Anh ta mỉm cười và rót nốt rượu vào ly cho chúng tôi.
- Là sữa, - anh phục vụ nói. - Chị nấu thịt với sữa trước khi cho cà chua vào. Sau đó, tất nhiên là đun liu riu thật lâu, bốn hay năm tiếng gì đó. Anh chị dùng cà phê chứ?
- Mấy phút nữa nhé, - Mac trả lời. Rồi anh nhìn tôi. - Tôi đoán như vậy nghĩa là chị thích chỗ này.
- Chỗ này tuyệt vời! Cảm ơn anh đã đưa tôi đến đầy. Tự tôi sẽ không bao giờ tìm ra được.
Giờ đây Arlene đang chơi bản “Điệu blues trong đêm”. Mac mỉm cười:
- Chị ấy có ý nhắc một lần boa nữa. Mà nhân tiện, thứ Sáu tới Jimmy Turner sẽ đến Bailey đấy.
- Ông ấy là ai?
- Một nghệ sĩ dòng nhạc blues ở đây. Ông ấy thường chơi ở mấy chỗ khá là nhặng xị, nhưng thỉnh thoảng cũng cất công lên núi. Chị sẽ thích ông ấy cho mà xem.
- Tôi sẽ phải đợi dịp khác thôi. Sáng thứ Sáu tôi đi Los Angeles mất rồi.
- Chán thế. - Anh đợi một giây rồi hỏi. - Ngày trọng đại phải không?
- Tôi e là thế. - Ánh sáng lộng lẫy của đêm này rút cục đã mờ đi.
Anh đặt ly xuống, xoay xoay chân ly.
- Sao chị lại thấy khó chấp nhận đến vậy?
- Tôi không biết nữa. Mỗi lần nghĩ đến là trong dạ dày tôi vẫn có cái nút thắt thít chặt lại.
- Chị không giống với kiểu con thích làm mình làm mẩy trước cơ hội được hạnh phúc của mẹ. Sau mười năm hay bất kể là gì.
- Mười lăm năm. - Tôi nhún vai. - Cơ mà cũng chẳng sao. Tôi sẽ ổn thôi. Có bạn thân nhất của tôi đi cùng.
- Sẽ là có sao nếu nó cứ thắt nút trong dạ dày chị. - Anh uống nốt rượu, đặt cái ly rỗng xuống gần cạnh bàn. - Chị có nghĩ sẽ gặp...
- David ư? Không. Anh ấy còn không biết tôi sẽ về Los Angeles.
Người phục vụ mang ra cà phê sánh và đen như mực trong tách trắng, và một bình sữa nhỏ. Tôi biết lẽ ra nên gọi cà phê tách ca-phê-in, nhưng như thế thật không công bằng. Sau một bữa tối mà từng chi tiết đều thật một cách không khoan nhượng đến vậy, ai lại có thể cam lòng uống cà phê giả.
Mac dùng hết cả gói đường và rón rén rót thêm vài giọt sữa. Anh có một dải bò liếm rất ngộ ngay phía trên mắt trái, ở đường ngôi có một lọn tóc mọc hướng ra sau, ngược chiều với tất cả các đồng đội khác xung quanh. Như để nhấn mạnh sự khác biệt, riêng lọn tóc ấy lại ngả sang màu xám.
- Sao anh lại bỏ học? - Tôi hỏi. Anh không rời mắt khỏi tách cà phê. - Anh không muốn học lấy bằng ư?
Một nụ cười rộng lượng.
- Chỉ là một mảnh giấy nói lên rằng chị đã hoàn thành những việc được mong đợi.
- Rất dễ tầm thường hóa những việc như học hành, hoặc hôn nhân, khi nói rằng nó chỉ là một mảnh giấy.
- Những thứ đó vốn đã bị tầm thường hóa rồi. Mục đích khi đến trường đại học không phải để học, mà là để lấy được mảnh giấy đó. Mục đích của mảnh giấy là kiếm cho chị công việc để chị có thể tiếp tục làm những gì được mong đợi.
- Anh thực sự đầy hoài nghi đến thế ư? - Tôi thổi cà phê cho nguội bớt, dè dặt nhấp thử một chút.
- Tôi không hoài nghi. Tôi thực tế. Tôi thích cuộc đời mình. Tôi không cần hơn những gì đang có.
- Bây giờ thì ổn. Anh trẻ và khỏe mạnh. Còn tương lai thì sao?
- Tương lai là thứ được thêu dệt bởi các công ty bảo hiểm và những vị cố vấn ở trường trung học để ngăn chị tận hưởng hiện tại.
- Anh sẽ già đi, Peter Pan ạ. Lỡ mà ốm đau thì sao? Lỡ...
Anh cười lớn.
- Lúc ấy tôi sẽ phóng hỏa đốt cầu luôn, để khỏi phải tính đến đường rút nữa.
Chúng tôi vừa uống hết cà phê, anh phục vụ đã xuất hiện định rót thêm. Chúng tôi từ chối, anh ta liền đưa phiếu thanh toán ra. Đã bốn giờ sáng. Tôi lấy ví ra.
- Để tôi nhé, - Mac xuề xòa nói.
- Không. - Giọng tôi chợt trở nên quá to trong gian phòng hầu như không còn ai. - Có phải chúng ta hẹn hò gì đâu. Hãy chia đôi hóa đơn đi.
Mac giơ hai tay lên đầu hàng.
- Thôi được, chị đưa tôi mười lăm đô-la.
Chúng tôi không nói chuyện nhiều trên đường về nhà, và khi tấp xe vào vệ đường, Mac tỉnh queo nói:
- Vì chúng ta có hẹn hò gì đâu, nên tôi sẽ không đưa chị đến tận cửa. Vào đến nhà thì chị nháy đèn ra hiệu nhé.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn