That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ẤT KỂ LINDA CÓ RA SAO, tôi vẫn thấy yêu công việc của mình. Thậm chí cả cảm giác đều đặn nhàn nhạt khi hàng tuần làm cùng một thứ bánh cũng không sao. Cho đến khi tôi cảm nhận lại được nhịp độ. Cho đến khi tôi có thể chỉ cần nhìn bát trộn bột là biết bao nhiêu cốc, bao nhiêu lạng thì đủ. Cho đến khi tôi có thể cầm nắm bột nhào trong tay và nói được chính xác là bột quá ướt hay bị khô.
Tôi thích rời khỏi chỗ làm lúc bảy giờ sáng, đi bộ về nhà khi thành phố vừa tỉnh giấc và lũ mèo còn vặn mình dưới các mái hiên. Tôi thích cảm giác thấy phần lớn những người tôi lướt qua đều đang đi-đều-bước với những nghĩa vụ thường nhật, trong khi tôi đã xong việc. Cả ngày mới đang đến là của tôi.
Nghe lời Linda, tôi bắt đầu đi ngủ ngay sau khi ăn sáng. Với cái chăn bông dày giữ ấm, đệm kê trước lò sưởi và rèm kéo kín cửa sổ, tôi ngủ những giấc say nhất từ nhiều năm nay.
Thức dậy, tôi sẽ đi dạo vòng vòng nếu trời không mưa. Tôi bắt đầu nhận ra những người hàng xóm đang làm việc trong sân nhà, những bà mẹ đẩy xe nôi, trẻ con đùa nghịch với những chú cún. Chúng tôi mỉm cười chào nhau, chúc nhau một ngày tốt lành, hoặc hỏi nhau không biết tối nay trời có mưa không nhỉ. Tôi phát hiện ra một công viên xinh xắn trên đỉnh đồi ở Eighth Place và Highland, với băng ghế khi ngồi có thể chiêm ngưỡng một trăm tám mươi độ cảnh quan dãy núi Sound và Olympic.
Thỉnh thoảng tôi đọc sách, thỉnh thoảng chỉ ngồi đó, mải miết nhìn nắng hắt lên từ mặt nước, lung linh như những vốc kim cương. Tôi quan sát những con phà công cộng rì rì chạy đến đảo Bainbridge, giữa dập dờn những cánh buồm lớn của đội thuyền đua. Khi mặt trời trôi về sau dãy núi, gió dậy lên và nhiệt độ hạ thấp, phải chịu lạnh cũng đáng vì đường về nhà là khung cảnh rặng Olympic bén ánh hoàng hôn cháy lên rực rỡ, hoặc miên man khói sóng bảng lảng cuộn lên từ mặt nước.
Đôi khi, tôi cố gắng quên đi lý do mình ở đây. Rằng tôi chỉ đang đợi David tự hiểu ra anh muốn gì. Bất kể gói lựa chọn của anh có tôi hay không. Tôi ngồi trên cái ghế băng đó, tưởng tượng ra những đối thoại từ tận đáy lòng mình giữa tôi và anh. David nói rằng anh yêu tôi, rằng tất cả chỉ là một lỗi lầm tai hại, anh không thể sống thiếu tôi, anh đã nói rõ với Kelley và mọi chuyện đã qua rồi. Tôi cười buồn và lẩm bẩm rằng tôi không dám chắc liệu tôi và anh có thể tiếp tục như xưa được hay không.
Giọng David như vỡ ra khi anh nói: “Tin anh đi mà Wyn, anh hiểu chứ, nhưng nếu em để anh được bù đắp cho em, anh thề rằng em sẽ không bao giờ phải hối tiếc đâu”.
o O o
Giặt giũ chưa bao giờ là chuyện to tát trong trật tự thế giới cũ của tôi. Suốt bảy năm qua, Hildy, quản gia nhà tôi, quán xuyến chuyện giặt giũ và hầu hết những việc khác nữa. Ga trải giường, khăn tắm, quần áo cứ thế màu nhiệm xuất hiện trong ngăn kéo và tủ - đã giặt là tinh tươm, được gấp gọn hoặc treo thẳng. Phần tham gia đáng kể nhất của tôi chỉ là mua thêm xà phòng mỗi khi Hildy nói sắp hết.
Giờ thì giặt giũ đã trở thành một vấn đề nặng tính hậu cần. Tôi không có cả máy giặt lẫn máy sấy. Cho nên khi hết đồ để mặc, tôi nhét tất cả quần áo bẩn vào một cái vỏ gối và vác tới hiệu Queen Anne Launderland ở đối diện A & J Meat Market.
Mất vô khối thời gian. Phải ngồi chờ trong khi quần áo qua các bước giũ nước, giặt, vắt, giũ nước, xả và vắt. Rồi phải đợi trong khi cái máy sấy công nghiệp sấy quần lót Calvin Klein xoắn lại như khoai tây chiên. Phải, tất nhiên có thể đọc sách. Nhưng nếu vùi đầu vào sách và chưa kịp đứng dậy lấy quần áo ra ngay lúc máy dừng, thì khả năng cao là một ông anh tay bẩn như ma sẽ vung vẩy cái áo lót nâng ngực màu đen cao quá đầu và hét toáng lên: “Cỡ 38B này của ai đây?”.
Được, cứ cho là tôi quá kỹ tính đi, cơ mà tôi rất sợ vi trùng. Có trời mới biết người ta đã làm gì với quần áo của mình. Dám là họ đã lăn lê bò toài ở những chỗ có chất thải sinh học độc hại không phân hủy được lắm. Rồi tôi sẽ phải dùng chung máy giặt với họ ư?
Sau hai lần xâm nhập nền văn hóa lạ lùng này, cuối cùng tôi rút ra kết luận rằng thời điểm tốt nhất để giặt đồ là sáng sớm. Tôi tha lôi cái áo gối kiêm túi đựng đồ giặt đến chỗ làm, rồi ghé Launderland trên đường về nhà. Bảy giờ ba mươi là quá sớm với những người khác, trừ vài cụ đã nghỉ hưu tranh thủ vừa uống cà phê vừa ngồi cắt phiếu mua hàng giảm giá, và một cậu nào đó đội mũ bóng chày không bao giờ rời mắt khỏi cuốn sổ đang viết. Thêm nữa, cái giờ tinh mơ đó ít nhất cũng mang lại tác dụng tâm lý rằng máy móc đều sạch.
o O o
Hiệu bánh chính thức đóng cửa lúc hai giờ chiều, nhưng Diane và Ellen thường ở lại với Jen và Misha, nhân viên làm ban ngày, tới tận năm, sáu giờ để sắp xếp các đơn đặt hàng đặc biệt, đặt số lượng lớn, và các việc chuẩn bị khác. Tôi có đến vào một, hai buổi chiều mỗi tuần để chuyện gẫu mấy tiếng.
Tôi xem Diane hoàn thiện những chi tiết cuối trên các ổ bánh được đặt cho sáng sớm hôm sau, và giúp chị gói cốt bánh mới nướng cất vào tủ lạnh. Ellen đảo qua các giấy tờ, viết từng đầu mục vào sổ cái trên bàn làm việc. Chị vào bếp không nhiều, nhưng đôn đốc nhóm thợ buổi chiều làm bánh quế cuộn, bánh muffin, bánh quy và các thanh Mazurka, có thể coi là món nổi tiếng nhất của tiệm.
Ellen đã sáng chế ra thanh Mazurka - Ít nhất là phiên bản của chị - hồi còn ở New Hampshire, và chị đã đưa công thức theo mình đi về hướng tây, giống như thế hệ phụ nữ tiên phong. Duy có điều khi ấy là thập kỷ bảy mươi và Ellen lái cái xe Volkswagen Beetle cũ, chứ không nhong nhong xe ngựa có mui.
Tôi chưa từng nghe nói đến thanh Mazurka cho tới khi vào làm, nhưng nhanh chóng phát hiện ra món đó mê người đến chừng nào - một thanh bánh với lớp đế mỏng giòn tan bên dưới, ở giữa nhân chanh hoặc sô-cô-la/ espresso hoặc táo/ nho khô hoặc quả mâm xôi, phía trên cùng là thứ bánh xốp mà bất cứ thợ làm bánh nào cũng sẵn sàng đốt nhà giết người để biết được công thức. Giòn giòn xốp xốp thực dễ gây nghiện. Không quá ngọt và không vụn tứ tung khi cắn.
Quả là công thức Mazurka được bảo mật gần như công thức Coca-Cola, nhưng Ellen sẵn lòng kể cho tôi nghe toàn bộ đầu đuôi.
- Tôi thử nghiệm một trong các công thức cũ của mẹ tôi. Định làm mấy món tráng miệng khác nhau để mang đi dã ngoại, nhưng lần đầu bị vụn quá. Ngày trước mẹ tôi chỉ dùng chanh làm nhân. Mỗi thế thôi thì chán phải không?
Không đợi tôi trả lời, chị cứ thế lan man nói, lơ đãng xếp hóa đơn thành từng hàng hết dọc lại ngang xen kẽ. Ellen kể những tháng đầu mới đến Seattle, công việc duy nhất chị tìm được là phục vụ bàn ở nhà hàng Five Spot.
- Chỗ đó cũng ổn. Tôi không hái được ra tiền, nhưng chủ tiệm là những người tốt, và các khách quen rất vui tính. Tất nhiên họ không cho tôi đứng bếp, còn tôi thì muốn chết đi được. Thế là tôi bắt đầu làm từng mẻ Mazurka trong căn hộ của mình, gói bọc đàng hoàng, cẩn thận mang lên xe buýt đi vào trung tâm thành phố. Tôi cứ đi quanh các rạp chiếu phim hoặc đến khu Seattle Center nếu họ tổ chức trò chơi Sonics ở đó...
- Luôn đi trước sở y tế một bước, - Diane chêm vào.
Ellen cười lớn.
- Họ không bao giờ biết được tiếp theo cô nàng Mazurka sẽ xuất hiện ở đâu.
Bà ngoại tôi từng nói, những điều ta nghe thấy trong khi không nói gì luôn đáng ngạc nhiên, và ngoài câu chuyện về thanh Mazurka, tôi còn nhặt được vô khối những mẩu lý thú khác trong những buổi chiều nhàn nhã đó. Như muốn bánh bông lan nở thì bí quyết là đánh bơ và đường càng nhiều càng tốt, để quện được thật nhiều không khí vào trong. Diane thường tranh thủ làm việc khác trong khi để cái máy hiệu Hobart miệt mài đánh.
Chị bọc khăn ướt quanh khuôn để bánh nở đều, tránh bị phồng lên ở giữa. Tôi biết được rằng nếu vẩy chút xíu nước lên hạt phỉ trước khi đút lò nướng thì hơi nước sẽ làm lớp vỏ bong ra mà không cần nhọc công. Và rằng tất cả các loại bánh cỡ nhỏ - muffin, scone, thậm chí cả bánh quy - đều có thể giữ đông lạnh khi chưa nướng, và rồi có thể nướng ngay mà không cần rã đông. Tôi xem Jen dùng chỉ nha khoa cắt từng miếng bánh phô mai đều nhau tăm tắp, và Misha lấy dao lưỡi mỏng khéo léo lạng những góc xém đen trên chiếc bánh bị quá lửa.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất tôi học được là hầu như thảm họa nào, bất kể tệ hại đến đâu, cũng có thể khắc phục được nếu ta giữ bình tĩnh và không vội gạt hết tất cả vào thùng rác.
o O o
Ngày trả lương là thứ Sáu hàng tuần. Vì không hoàn toàn tín nhiệm độ tin cậy của khoản tiền hàng tháng từ David, tôi bắt đầu có thói quen cứ chiều thứ Sáu là lấy séc lương rồi mang đến chi nhánh ngân hàng Washington Mutual ở Queen Anne Avenue. Một chiều tháng Mười một ẩm ướt, tôi mở cửa hậu, thấy bên trong tối và không có ai, nhưng chắc chắn có tiếng nước chảy. Ở gian trước, Tyler nghiêng người bên bồn rửa, không mặc áo ngoài và đang đổ một dung dịch màu xanh da trời lên đầu. Có vẻ cô không nhận ra, hoặc chẳng mảy may quan tâm, thực tế rằng ai cũng có thể thấy cô nếu nhìn từ cửa sổ mặt tiền.
- Chào chị Wyn, - Tyler nheo mắt nhìn tôi trong tư thế đầu vẫn cúi ngược, và trả lời ngay câu hỏi tôi còn chưa nêu ra. - Chị Ellen đồng ý cho em nhuộm tóc ở đây vì bố cấm em làm ở nhà.
Tôi nhìn mấy giọt màu da trời bắn tung tóe.
- Màu này có bám lại không đấy?
- Cũng hơi hơi ạ, nhưng đằng nào cũng trôi đi thôi.
- Chị Ellen không sợ bị độc sao?
Tyler khúc khích đáp:
- Nếu có lỡ dính vào đầu thì cũng không độc đầu chị. Chỉ là bột trái cây Kool-Aid thôi mà. - Cô chỉ một gói nhỏ nhăn nhúm ở trên quầy.
- Cái gói bé tí mà nhuộm được thế này cơ à?
- Ôi, em phải tẩy màu tóc em trước đã chị. Hai lần liền, tóc em cũng hơi sẫm màu mà. - Tyler đứng thẳng dậy, cuốn tóc bằng cái khăn bông loang lổ xanh. - Giờ này chị đến làm gì ạ?
- Chị đến lấy séc lương.
- Chị với bầu trời nhân cách ấy làm việc cùng nhau thế nào? Linda LaGardia khả ái ấy? - Tyler nhả giọng theo nhịp phối nhạc như DJ.
- Cứ cho là chị với bà ấy đang quen dần với nhau đi. - Tôi ngồi mớm lên cái ghế đẩu cao gần quầy và xem Tyler lau tóc bằng khăn bông.
Cô chui vào cái áo phông đen, nhặt gói Kool-Aid nhăn nhúm lên, nhắm mục tiêu và bắt một phát hoàn hảo vào thùng rác. Rồi, điềm nhiên trước ánh mắt trợn tròn của tôi, Tyler nhảy lộn ngược về sau một cú hoàn hảo, tiếp đất trong tư thế xoạc thẳng hai chân.
- Em từng biểu diễn trong đội cổ vũ hả?
- Xa xưa cổ tích rồi chị, - Tyler cười toét miệng. - Em bị bắn ra khỏi đội khi bắt đầu nhuộm tóc xanh.
Mấy vuông giấy phủ kín một mặt bàn dành cho khách. Tranh màu nước. Khung cảnh Seattle trong mưa. Đĩa đựng nước, hộp màu vẽ, và vài cây cọ trong cái khay mỏng trên mặt quầy.
- Mấy bức này là em vẽ hả?
- Bài tập giữa kỳ đấy chị, - Tyler đáp. - Tất cả phải nộp vào thứ Hai.
- Đẹp quá!
Tyler nhăn mặt.
- “Nặng tính phái sinh”. Lần trước thầy của em đã phê như vậy ạ. Làm như em vẽ chẳng ra sao cả.
- Làm chị nhớ đến mấy bức vẽ Paris trong mưa theo trường phái Ấn tượng. - Tôi quyết tâm khen Tyler, dù không biết cô có muốn nghe hay không.
Trông cô có vẻ không hoàn toàn đồng tình.
- Ý đồ đúng là muốn gợi ra hình ảnh đó ở người xem. Vì thế mà quá nặng tính phái sinh.
Tôi bật cười.
- Chị vẫn thấy đẹp. Em thích vẽ màu nước không?
Tyler nhún vai.
- Sao em lại theo học mấy lớp này?
- Phải làm gì đó chứ chị. Em đần lắm học đại học không nổi.
- Em không ngốc đâu, chỉ là không đi đường thẳng thôi.
Tyler bật cười, hất món tóc mái ra trước, rồi lại vuốt ngược về phía sau.
- “Không đi đường thẳng”. Hay. Em ưng đấy.
Tôi nhìn quanh các bức tranh trên tường.
- Có bức nào của em ở đây không?
- Hổng có. Chị Ellen nói sẽ treo gì đó của em, nhưng em chưa vẽ được gì mà em khoái đến mức đấy. Cơ mà em viết thực đơn đấy.
- Rất cổ điển. Chị rất thích mấy chữ viết hoa thếp vàng.
Tyler nhìn tôi với vẻ hơi hiếu kỳ.
- Sao chị biết về nghệ thuật thế? Hết trường phái Ấn tượng lại đến chữ hoa thếp vàng.
- Chị biết in ít về rất nhiều thứ, nhưng không biết sâu về bất cứ mảng nào cả.
Tyler gật đầu với vẻ rất hiền triết, rồi biến vào phòng tắm. Mấy giây sau, có tiếng máy sấy tóc vọng ra. Tôi ngắm mấy bức màu nước, tưởng tượng nếu lồng khung một bức rồi treo lên tường phòng khách nhà tôi thì thế nào nhỉ.
Lát sau Tyler từ phòng tắm đi ra với mái đầu xanh bông xù trông hệt như gà con đồ chơi dịp lễ Phục sinh.
- Thế là xong à? - Tôi hỏi.
- Gần xong, còn phải vuốt nữa chị. - Cô mở tủ lạnh. - Chị có cần lòng đỏ trứng không?
- Không hẳn là cần.
- Em vuốt tóc bằng lòng trắng trứng, nhưng không động đến lòng đỏ. Chị có thể dùng để đắp mặt gì đó.
- Người ta đắp mặt bằng lòng trắng chứ, - tôi cho Tyler biết.
Cô nhăn trán, lấy một quả trứng ra, thành thạo tách riêng hai lòng, và thả lòng đỏ vào một cái tách uống espresso. Cô đánh lòng trắng với vài giọt nước rồi lại biến vào nhà tắm.
- Tối nay em đi nghe U2.
- Đi vui nhé.
Tôi đút tờ séc vào túi trong áo khoác rồi rời đi. Trong tích tắc, tôi ước giá mình đi nghe U2 nhỉ, dù rằng tôi cũng chẳng thích nhạc của họ. Tôi nghĩ đến CM và tôi hồi trạc tuổi Tyler bây giờ, từng chạy như điên trong thung lũng với bè lũ mấy đứa con gái khác. Lái xe đến rạp ngoài trời Sepulveda và ngồi xem chiếu bóng trong con Chevy đen cổ lỗ với nắp đậy trục bánh xe màu đỏ và không có ghế sau của tôi. Hamburger Hamlet và Jake’s Pizza và trung tâm thương mại Topanga.
o O o
Nhân viên bảo vệ ngân hàng khóa cánh cửa kính sau lưng tôi. Bốn giờ chiều, sương mù bắt đầu giăng quanh các cây đèn đường trong ánh chớm tà. Queen Anne Avenue nằm chênh vênh trên khe Gentrification nhưng không có vẻ sẽ sa xuống vực. Chưa. Những tụ điểm tân kỳ như Starbucks, Haagen-Dazs, Sonora Southwestern Gourmet, Avant Card, và hiệu sách mới mọc lên như chỉ sau một đêm, như những mũ nấm nhô lên trên thảm rừng.
Nhưng phần nhiều trên phố vẫn là những nơi chốn cũ - hiệu chuyên dụng cụ bơm thông Arch trưng ra qua các ô cửa sổ đủ loại thiết bị phụ tùng từ trước thời có dung dịch thông tắc Liquid-Plumr. Hiệu Fancy Fabrics, nơi khó có thể nhúc nhích được nhiều giữa các bàn xếp cơ man những súc gấm, vải chấm bi và vải dạ. Nhà hàng Hy Lạp cũ kỹ nơi Ellen đảm bảo có món khoai và hành tây chiên giòn mĩ mãn nhất Seattle. Một hiệu bánh nữa có loại bánh nướng Đan Mạch tôi từng rất thích, và những chiếc bánh ga-tô trang trí bằng kem đường nhai đến đâu giòn tan đến đấy. Cửa hàng quần áo cũ với cái tên Sơ Sài Sắm Sang, cửa hàng đồ uống có cồn, siêu thị Thriftway, và vài quán bar.
Một quán bar tên là Bailey, tôi đã nhiều lần đi ngang qua. Trông cũng như mọi quán bar khác quanh đây, vừa phải và không có gì đáng sợ. Kiểu địa điểm phụ nữ độc thân có thể lui tới, gọi một ly vang đỏ và đọc sách. Hoặc viết một bức thư. Hoặc nếu muốn chỉ ngồi vẩn vơ mà không sợ bị làm phiền. Tôi không quen ra ngoài một mình, đặc biệt tới các quán bar. Nhưng sương đã dày lên thành mưa, đi bộ trong tiết trời này thật không mấy dễ chịu. Tôi do dự một phút đặt tay lên cánh cửa.
Không. Chưa.
o O o
Chẳng rõ chính xác khi nào và như thế nào, nhưng Linda và tôi đã định hình được cách cư xử không mấy thoải mái giữa chúng tôi. Bà thôi châm chích tên, tuổi và những việc tôi từng làm; tôi thôi cố gắng làm thân và nói ra những ý tưởng mới với bà.
Có lẽ Linda bắt đầu thích có tôi ở quanh. Chậc, có thể không hẳn là cá nhân tôi, mà là có ai đó. Cổ tay Linda phải đeo băng vì chứng viêm gân. Quần chun y tế lộ ra dưới gấu quần tây quá ngắn của bà. Linda phàn nàn bị đau vai phải, có lẽ do viêm khớp. Bà phải lấy làm mừng vì tôi đủ sức bê những khay to nặng bột nhào, xách nổi từng bao bột cỡ hai chục cân, phụ trách phần lớn công đoạn xếp bột vào lò và dỡ bánh. Tất nhiên, nếu phải nuốt thủy tinh nghiền thì may ra Linda mới chịu thừa nhận điều đó, kể cả với chính bản thân.
Tôi kể với Linda về Jean-Marc. Một hôm thấy tôi đang xoa gáy, anh đã bảo rằng “Đau mỏi một chút là tốt Wynter ạ. Nghề đang ngấm vào mình đó”. Linda “ha” lên một tiếng rõ to khi nghe đến đoạn đó.
“Ăng-ten” của tôi dần bắt được thêm chút thông tin về đời tư của bà. Có một ông chồng. Rồi tôi biết được rằng là chồng cũ. Bà gọi ông là Bubba. Ellen nói ông ấy tên là Walter và vẫn còn thấp thoáng lởn vởn trong cuộc đời bà.
Tyler kể ông từng là thuyền trưởng trên những con phà.
- Kiếm bộn, nhưng bị hạ bệ thành thuyền viên vì uống rượu trong khi làm việc. Hình như hồi đó cũng là lúc Linda thấy ớn. Họ có hai con, chị biết đấy.
- Không, chị có biết gì đâu.
Ellen cau mày.
- Hai cô biết tôi nghĩ gì về chuyện buôn dưa lê nấu cháo vịt rồi đấy.
Tyler và tôi nhìn nhau và ráng nín cười.
o O o
Ngay trước lễ Tạ ơn, trời chuyển từ u ám sang thê thảm - xám xịt, ẩm ướt và lạnh thấu xương - ngày nào trong tuần cũng như vậy. Ellen bật cười khi tôi rên rẩm.
- Em gái ơi, mới thế đã nhằm nhò gì. Cứ đợi đến tháng Hai, mưa ròng rã hai tháng trời luôn.
Một buổi tối, trong nỗ lực cứu vớt tâm trạng đang tụt dốc không phanh, tôi gọi điện cho mẹ. Hộp thư thoại tự động và tiếng mẹ nói rằng “gia đình Morrison” đang đi vắng, nhưng “một trong chúng tôi” sẽ gọi lại ngay khi có thể. Đã chín giờ mười lăm, không, chín rưỡi rồi. Mẹ đi đâu nhỉ? Tôi không nhắn gì lại. Vừa đặt ống nghe xuống thì chuông lập tức reo và tôi giật mình nhảy dựng lên.
- Ra là bồ chưa chết trôi sông.
- CM! Về rồi à?
- Ừ, tạ ơn Chúa.
- Mọi chuyện thế nào?
- Tuyệt. Ghi hình được nhiều và ổn, nhưng tôi mệt muốn chết.
- Bồ có đi Los Angeles nghỉ lễ Tạ ơn không?
- Tôi sẽ cách ly sân bay một thời gian nữa. Bồ tính làm gì?
- Hiệu bánh đóng cửa hết cuối tuần.
- Thứ Năm đến đây đi, nấu thịt gà tây nhá?
o O o
Thứ Ba tôi gọi điện cho CM, hỏi cô muốn tôi mang gì theo. CM có vẻ còn mệt, nhưng nói sẽ nghỉ cả tuần nên chắc đến ngày Tạ ơn sẽ khỏe lại thôi. Tối thứ Tư cô gọi cho tôi, vừa nghe tiếng CM tôi đã biết là không ổn chút nào.
- Tôi không muốn bồ phải quýnh lên đâu, nhưng tôi bị cúm lây kiểu gì ý.
- Ôi trời. - Tôi nhìn trân trân ra màn đen bên ngoài cửa sổ, nghe mưa tầm tã tuôn trên kính. - Tôi làm được gì không? Bồ cần thuốc hay đồ gì không?
- Tôi có đủ rồi. Bác sĩ đã kê mấy loại kháng sinh. Tôi có súp gà trong tủ lạnh. Mà ăn gì mấy đâu. Chắc tôi sẽ ngủ trong bốn mươi tám tiếng tiếp theo.
- Nhớ uống thuốc đấy. Cần gì thì gọi tôi. Cuối tuần tôi ở nhà thôi mà.
o O o
Khoảng trưa ngày Tạ ơn, tôi dậy, kéo hết rèm lên rồi quay lại cái ổ ấm áp. Sương giăng ngoài cửa sổ, dày đến mức tưởng chừng như có thể kẹp lấy giữa các ngón tay. Tôi ngước nhìn tường trần nham nhám. Ngôi nhà nhỏ này không tệ. Nhiều người sẽ bảo rằng như thế là xa xỉ. Còn tôi chấp nhận rằng sự thiếu thốn ở đây cũng có cái hay riêng, giống như đi cắm trại ở một hoang mạc trên cao vậy.
Ừ thì chỗ này khá là ảm đạm. Lạnh lẽo, nhợt nhạt, và chẳng có gì. Tôi phát ốm vì màu sắc - như gấu trắng trong cơn bão tuyết vậy. Mắt tôi quét quanh các bức tường, không có gì thu hút hoặc đổi hướng quan sát của tôi cả. Chẳng hiểu sao, bất chợt một giọng đầy chỉ đạo vang lên trong đầu tôi, Vậy sơn đi.
Vớ vẩn. Ai lại sơn nhà đi thuê.
Tất nhiên sơn được mà. Trước khi chuyển đi chỉ việc sơn lại màu trắng thôi.
Tôi ngồi dậy, chăn rơi xuống khỏi vai. Dạ dày phấp phới một niềm hứng khởi bất ngờ. Các cửa hàng đều đóng cửa hôm nay, nhưng sáng mai tôi có thể đi mua sơn. Chỉ có hai phòng thôi. Sẽ mất bao nhiêu thời gian nhỉ? Tôi vùng dậy mặc thêm áo ấm, đi tất và giày, thêm áo len và áo khoác. Một tiếng đồng hồ sau tôi trở về từ cửa hàng tiện lợi mở cửa hai mươi tư giờ một ngày, với một ôm những tạp chí nội thất để tham khảo, và ung dung nhai một thanh yến mạch.
Tôi lật từng trang, hầu như không đọc chữ, chỉ cốt để tranh ảnh oanh tạc tôi bằng những sắc màu rực rỡ. Vấn đề của tôi chính nằm ở đây. Tôi đã chống chọi quá lâu với chứng suy giảm màu sắc cấp tính. Giờ đây tôi tham lam ngốn ngấu tất cả. Màu sắc của thức ăn - sô-cô-la đen, cá hồi tươi hồng hào, bánh tart nho, và quế cay nồng. Bảng màu của cỏ hoa - oải hương, dương xỉ, thủy tiên, lam nhật thảo. Gam trầm của đất - đất sét và xám lam, sắc đen ánh kim, nâu đỏ màu gụ. Uống sang tách cà phê thứ hai, tôi quyết định sẽ sơn màu đất nung cho phòng sau và nhà tắm, và vàng tươi cho phòng chính. Một sắc vàng ấm như thái dương, giống phòng ngủ nhỏ của tôi trên tầng ba nhà Guillaume ở Toulouse.
o O o
Trải nghiệm của tôi với Pháp là như vậy đó - được thả tõm vào. Còn hơn là ở một thành phố khác, đất nước khác, nền văn hóa khác. Như một cô cá nước ngọt đột nhiên bơi giữa Thái Bình Dương - vô cùng mất phương hướng. Ban đầu tôi chật vật với tất cả, việc đơn giản như hỏi đường và luận ra đường đi cũng đủ khiến tôi mệt nhoài.
Chẳng mấy giống như ngồi trong lớp tiếng Pháp học giao tiếp theo chủ đề, thời tiết chẳng hạn – Il fait beau aujourd’hui, n’est-ce pas? Hoặc hành vi kỳ quặc của các con vật nhỏ - Le chat est sur le lit et le chien est sous la table*. Thực tế ai cũng nói nhanh, đặc biệt là tụi cùng nhóm với tôi, và tất nhiên chẳng ai lại dạy tiếng lóng ở trong lớp. Một lần cao hứng cố ra vẻ ta đây, tôi đã gọi ai đó là connard (gần giống nghĩa với “đồ cặn bã”) thay vì một từ êm ái hơn là canard (con vịt). Từ sau đó tôi quyết định sẽ trung thành với tiếng Pháp trong sách giáo khoa, dù như thế có hơi khách sáo.
Các bạn của Sylvie đều rất tốt với tôi, nhưng tôi vẫn thấy mình như Gulliver giữa những người Lilliput bé nhỏ. Không ai cao quá một thước bảy, tất cả đều gọn gàng mảnh dẻ dù ai cũng ăn uống thoải mái và không lo giữ eo. Phần lớn bọn họ đều rất xinh, thậm chí có những người không cố làm điệu mà chỉ đơn giản là đậm chất Pháp thôi. Họ có thể mặc quần jeans và áo phông, rồi chỉ quàng thêm chiếc khăn, hay đi ủng da cao gót, hoặc khoác áo da nhẹ, đội một kiểu mũ mới, thế là trông như vừa bước ra từ tạp chí thời trang Vogue. Và họ biết phải làm mọi việc như thế nào. Động tác hút thuốc hoặc ngồi thế nào, đi trong phòng hoặc ngoài phố ra sao, gọi đồ uống khai vị gì, trong khi chẳng có đứa nào tầm tuổi tôi ở Mĩ biết đến đồ uống khai vị.
Bữa tối ở nhà Guillaume là điều tôi mong đợi mỗi ngày với một chút sờ sợ. Ngoài chuyện ăn nói nhã nhặn, quan sát Sylvie để bắt chước dùng loại thìa hay dĩa nào cho từng món, tôi thường vắt óc ra đoán xem món được dọn ra là gì, trước khi cho vào miệng một lượng bất khả nhè ra.
Đến khi oải quá rồi, như phải trải qua khóa huấn luyện thể lực cường độ cao, tôi chấp nhận thực tế rằng mọi thứ, kể cả bầu không khí mà tôi thở, đều hoàn toàn khác biệt, khi ấy tôi mới bắt đầu thả lỏng được. Điều đó xảy ra bất ngờ, chừng khi tôi đã ở được hai tuần. Một buổi tối tại bữa ăn, tôi ngồi phịch xuống ghế, mệt bã đến mức không muốn nói chuyện, cũng chẳng buồn để ý tôi có đang dùng đúng dao ăn cá không, và thôi tự hỏi mình đang nuốt gì. Rồi tất cả từ từ chợt trở nên rõ ràng. Ít nhất tôi hiểu được mạch chuyện mọi người đang nói mà không cần căng tai lên nghe. Có lẽ vì không căng tai lên nên tôi hiểu được chăng. Bất giác tôi ngồi thẳng trên ghế. Mắt tôi tập trung vào Jean-Marc, dõi vào khoảng không phía trên đầu anh, và anh dành cho tôi một nụ cười rộng miệng tuyệt đẹp.
- Bienvenue, Wynter, - anh nói.
Sau tối hôm đó, tôi an tâm, cảm thấy cuối cùng mình đã có chút thuộc về nơi này. Lớp học bớt căng thẳng đi. Ở chỗ làm tôi có thể tập trung vào công việc, chứ không liên tục bận tâm xem mọi người nói gì với tôi và tôi nên trả lời ra sao. Tôi thấy dễ chịu hơn khi tụ tập trong các quán cà phê với nhóm bạn của Sylvie, kháo nhau về các kiểu người trong mộng lý tưởng, hoặc xem tạp chí thời trang và nghe Francis Cabrel.
Không có nghĩa là không cần nỗ lực gì, mà nó giống như chạy bộ vậy, cái cách đôi khi ta vắt kiệt sức mình vì gắng quá mức. Cơ bắp cháy vì a-xít lác-tíc, cơ thể trì lại và buồng phổi đau nhói. Và khi cảm giác như không thể chạy thêm nổi chục mét nữa, ta chợt đều đặn sải bước, hàng dặm đường trải dưới chân, và ta có thể chạy được suốt cả ngày dài.
o O o
Thứ Bảy, mây bay đi và mặt trời hào phóng trải nắng xuống. Tôi sẽ không coi trời đẹp là chuyện đương nhiên nữa. Để ngỏ tất cả các cửa sổ trong nhà để mùi sơn chóng bay đi, tôi bắt xe buýt số mười ba vào thành phố, quên béng mất rằng cuối tuần này bắt đầu vào mùa mua sắm cho Giáng sinh.
Bầu không khí ngột ngạt trong khu thương mại Westlake đặc quánh mùi bỏng ngô cũ và cả chục loại mùi thơm từ các gian thời trang tỏa ra. Các thương hiệu san sát nhau, Williams-Sonoma và Timberland, Jessica McClintock, Godiva, chen tiếng rì rầm như thể một bầy ong giận dữ đang bay đâu đây. Tôi len qua một nhóm hát không nhạc đệm trong trang phục thời Dickens. Vài mảnh giai điệu và tiếng váy áo sột soạt nhắc tôi nhớ đến những bữa tiệc mùa lễ hội trong tòa nhà trắng ở Woodrow.
Mỗi năm chúng tôi mở rộng cửa đón khách vào cuối tuần đầu tiên của tháng Mười hai, mời tất cả bạn bè, mọi người Ở JMP, từng khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng và khách hàng cũ của David. Một dịp chiêu đãi thịnh soạn. Thế nên chúng tôi thường thuê đội ngũ phục vụ tiệc thời thượng nhất, năm có nhóm tứ tấu đàn dây, năm là ban nhạc phong cách zydeco từ bang Louisiana, một năm khác là nhóm nhạc dân gian Mexico. Một lần, chúng tôi mời được cả dàn hợp xướng của một trường trung học đến đứng ở cổng trước và hát thánh ca khi khách khứa tới. Mà đó mới chỉ là chút lớp váng của buổi tiệc thôi đấy.
Còn bây giờ tôi phải ra khỏi khu thương mại này. Đi qua các cửa kính, ra với gió trời mát rượi. Các băng-rôn mùa lễ hội phấp phới trên mỗi cột đèn, và cửa sổ các gian hàng rực rỡ đèn màu. Một ban chơi trống thiếc rất vui tai đang hòa nhịp những bản thánh ca Giáng sinh ở ngay trước khu Nordstrom.Toàn bộ dân số Seattle dường như đều đang uống cà phê Stewart Brothers và đung đưa trong chút nắng tháng Mười một hiếm hoi. Những người giao hàng bằng xe đạp trong áo khoác màu da cam, lao đi vun vút hoặc linh hoạt lách qua đám đông, nom như những chú cá rực rỡ miền nhiệt đới.
Tôi len qua đám đông và sang phía bên kia, đi dọc Second Avenue, tiếng nhạc văng vẳng xa dần. Những tòa nhà mạn này chưa được tu bổ, những khối phù điêu và phào trang trí đen sạm màu thời gian. Mấy người đàn ông râu ria luống tuổi áo len xám bạc đứng tụm nhau ở ngưỡng cửa, nhả khói thuốc và đánh mắt nhìn mấy cô gái ăn sương mặc quần soóc xa-tanh, đi ủng cao gót, đùi lạnh nổi gai ốc.
Trong một hiệu đồ cũ treo biển quảng cáo “Đẹp và độc cho mọi bộ sưu tập”, tôi mua một cuốn tạp chí phụ nữ từ năm 1915 đầy tranh vẽ hoa lá, và hai khung trang trí. Rồi xuống Cost Plus chọn mấy tấm vải phủ kẻ ca-rô đỏ và vàng, để trùm lên mấy cái ghế xấu xí của tôi và làm rèm cửa, thêm một tấm thảm giả kiểu Tây Tạng, để trải trước lò sưởi.
Thong thả trở lại Third Avenue, tôi thấy mây đã kéo lên, nhưng mỏng, nhợt nhạt và lững lờ, không phải những quầng mây béo phị, ken trũng xuống như hứa hẹn trút mưa đến nơi.
o O o
Nhà tôi rét cóng như một khoang lạnh bảo quản thịt, nhưng mùi sơn đã gần như bay hết. Tôi thả các túi xuống đệm rồi lập tức đóng hết cửa sổ lại, nhóm lò sưởi, bật đèn lên và đổ nước vào ấm đun. Tôi giỡ những đồ mới sắm trong túi ra, xé miếng ghi giá, trải luôn thảm ra. Tôi buộc lớp vải bọc tự chế lên ghế, và buông rèm mới ra ngoài tấm chống nắng cũ. Nước sôi, tôi pha cho mình một cốc trà, chuẩn bị ít súp ăn tối. Vừa uống trà tôi vừa lướt qua cuốn tạp chí phụ nữ, quyết định xem nên cắt tranh hoa nào ra lồng vào khung.
Tôi gọi số CM, chuông reng reng mãi mà không chuyển sang hộp thư thoại tự động, nên tôi nghĩ CM đã rút dây điện thoại ra. Tôi chằm chằm nhìn điện thoại chừng một phút, ngón tay nhăm nhăm trên những con số, chực muốn gọi cho David. Không. Có thể Kelley sẽ trả lời. Hoặc nếu David trả lời, có thể anh chỉ bực dọc vì tôi làm phiền anh.
Tôi gọi số nhà mẹ.
- Cảm ơn đã gọi đến gia đình Morrison. Hiện giờ chúng tôi không có nhà...
Tôi nhắn lại:
- Mẹ ơi, con đây ạ. Con gọi chào mẹ thôi, định hỏi xem mẹ...
- Wyn à, mẹ nghe đây. Con thế nào? - Tiếng mẹ có vẻ hơi đuối hơi.
- Ốn cả ạ. Mẹ thế nào ạ?
- Mẹ ổn lắm. - Nghe cứ như hai người mua bán hàng qua điện thoại đang nói chuyện với nhau.
- Mẹ đi đâu suốt thế ạ?
- Mẹ có đi đâu đâu. Sao thế con?
- Con gọi mấy lần mà mẹ toàn không có nhà.
Mẹ cười lớn.
- Mẹ làm việc chăm chỉ mà, con biết đấy.
- Cả buổi tối ạ?
- À, thỉnh thoảng mẹ có ra ngoài. Với bạn bè và... - Tiếng mẹ nhỏ dần đi, như thể đồng thời mẹ đang cố nói chuyện với ai khác.
- Mẹ đang hẹn hò ai phải không ạ?
Lưỡng lự.
- Ừ, mẹ nghĩ con có thể nói như vậy. - Giọng mẹ đột nhiên chuyển tông. - Nhưng con thế nào? Có tin gì của David không? Hoặc cô... Goody?
- Là luật sư Gooden. Đều không có tin gì ạ.
- Thế lễ Tạ ơn con làm gì? - Mẹ hào hứng hỏi.
- Con cầm cọ ạ.
- Cầm cọ ư? Ý con là vẽ tranh hả?
- Không, ý con là sơn tường. Con sơn lại nhà con.
- Thật à? - Im lặng một chút, rồi mẹ nói tiếp. - Hay đấy! - Chỉ nghe cũng biết mẹ hoàn toàn không để tâm đến những điều tôi đang nói.
- Mẹ ơi, nhà đang có khách ạ?
Lại im lặng.
- Ừ đúng, có khách. Đang có mấy... người ở đây.
- Sao mẹ không nói với con từ đầu?
- Vì mẹ muốn nói chuyện với con, tất nhiên rồi.
- Mẹ cứ để tâm đi đâu ấy. Hay khi nào hết bận mẹ gọi cho con nhé?
- Mẹ có bận gì đâu Wyn, chỉ là...
Mẹ chưa nói hết nhưng tôi đã ngắt máy.
o O o
Sau lễ Tạ ơn, hiệu bánh bùng nổ hết công suất, mọi người ai cũng túi bụi. Linda và tôi làm bánh mì nhân quả khô kiểu Milan và bánh cam Hanukkah theo công thức của mẹ Ellen. Linda chẳng mảy may xúc động vì lịch hàng ngày bị xáo trộn, nhưng tôi mừng rơn khi được làm thứ mới. Diane nhận các đơn đặt bûches de Noel (bánh khúc cây Giáng sinh).
Tất cả cùng xắn tay vào làm bánh quy - Diane làm bánh gừng hình các cô cậu bé theo kiểu đố-ai-bắt-chiếc-nổi, với mẫu riêng cho từng nghề, từng sở thích, từ diễn viên múa ba-lê đến nhân viên cứu hộ vật nuôi vô chủ. Khách hàng tranh nhau mua hình vận động viên trượt băng nghệ thuật và trượt tuyết. Ellen giao cho những người còn lại phụ trách bánh quy kiểu Pháp và Ý. Chúng tôi làm brutti ma buoni (xấu nhưng tốt), hạnh nhân nghiền bọc trong vỏ cam chanh ngào đường; bad di dama (những nụ hôn của quý cô) mềm ngậy như bơ; zaletti, bánh bột ngô nho khô; bánh quy hạt phỉ và bánh xốp vừng. Chúng tôi làm cả dentelles Russes (bánh đăng-ten Nga) thơm nức mùi rượu rum, bánh sable vàng óng như cát, carrés aux marrons (bánh hạt dẻ vuông) dậy vị sô-cô-la đắng, và tất nhiên, cả bánh con sò nữa.
Tủ kính trong hiệu bánh bây giờ trông như trang bìa tạp chí ẩm thực Bon Appétit) và tôi thực sự phải lòng những màu sắc và mùi vị khác nhau. Nhưng một buổi sáng, khi đứng chiêm ngưỡng những thành quả đẹp đẽ vừa hoàn tất, ký ức về những chiếc bánh tròn giản dị bọc đường màu ngày xưa bà ngoại làm chợt gõ cửa, và cảm giác sung túc năm xưa trở lại trong tôi, gần như một đau đớn. Về đến nhà, tôi nhấc ngay điện thoại gọi cho mẹ. Tất nhiên, mẹ đã đi làm rồi.
- Con đây mẹ ạ, - tôi để lại lời nhắn. - Con lại gọi để chào mẹ thôi. Mà nhân thể, mẹ còn công thức làm bánh quy đường của bà không ạ? Con sắp đi ngủ rồi, nhưng khoảng ba rưỡi chiều sẽ dậy. Tối mẹ gọi lại cho con được không?
Giọng mẹ toát lên mọi vẻ hớn hở khi gọi lại. Hẳn là mẹ đã có một ngày thú vị.
- Mẹ thấy công thức của bà rồi. Mai mẹ gửi fax đến hiệu bánh cho con nhé?
- Hiệu bánh không có máy fax ạ.
Mẹ chưng hửng chừng một giây.
- Ở đó không có máy fax ư? Thời buổi cạnh tranh kinh doanh mà...
- Đây không phải kinh doanh với chữ K viết hoa đâu mẹ. Chỉ là hiệu bánh nhỏ thôi. Công nghệ rất thô sơ. Cho nên mẹ cứ đọc để con chép lại là được.
- Tất nhiên rồi, con có bút chưa?
Bánh quy bơ đường của Bà
1 cốc bơ lạnh, cắt miếng nhỏ
2 quả trứng
3 cốc bột làm bánh
1 thìa cà phê bột tartar
Vỏ bào một quả chanh
1 cốc đường bột
1 cốc đường kính
1 thìa cà phê va-ni
1 thìa cà phê bột nở
¼ thìa cà phê muối
Đường kính để lăn bánh
2 thìa canh nước cốt canh hoặc sữa
Trộn bơ và đường, đánh nhuyễn. Đập trứng và thêm va-ni vào hỗn hợp. Rây bột làm bánh, bột nở, bột tartar và muối vào. Thêm vỏ chanh bào. Dùng thìa gỗ trộn đều toàn bộ hỗn hợp trên.
Làm nóng lò trước ở 180 độ C. Phết một lượt bơ mỏng lên khay để chống dính. Nhào hỗn hợp vừa trộn từ 15 đến 20 phút, nếu cần thêm chút bột khô cho khỏi dính tay. Vê bột thành các viên cũ bằng quả óc chó. Lăn các viên bột qua đừòng kính để bao áo. Xếp vào khay đã chuẩn bị từ trước. Nhúng đáy một cốc thủy tinh vào đường kính, dùng đáy cốc đó ấn các viên bột cho dẹt lại còn chừng nửa phân. Nướng từ 12 đến 15 phút, cho đến khi chuyển mầu nâu nhạt. Dùng phới xúc bánh ra giá để nguội. Nếu muốn, đun hỗn hợp đường bột với nước cốt chanh hoặc sữa. Khi hỗn hợp này còn nóng, phủ một lớp lên trên bánh. Làm được khoảng sáu chục chiếc bánh.
- Cảm ơn mẹ, - tôi duỗi các ngón tay cứng đờ vì viết. - Con quên mất đoạn nhào bột.
- Đó là bước quyết định độ xốp của bánh. - Giọng mẹ nghe mơ màng như đang chu du về quá khứ.
Tôi chần chừ.
- Cảm ơn mẹ đã gọi lại. Con xin lỗi lần trước đã ngắt máy...
- Ổ, không sao. Hôm ấy mẹ cũng mất tập trung. Mẹ xin lỗi nhé.
- Công việc thế nào ạ?
- Nhiều thách thức hơn hồi làm ở Hubbell.
- Anh David từng nói “nhiều thách thức” là cách nói giảm khinh của “cái gai trong mắt”.
- Thực lòng mẹ thích công việc đó. Học thêm được nhiều. Còn cuộc đời cô thợ làm bánh thì thế nào?
- Con thấy thích. Chỉ có điều một bà chị làm cùng cũng... đầy thách thức.
Mẹ cười ngất, rồi im lặng chen giữa chúng tôi như một bà to béo án ngữ chỗ ngồi ở giữa trên máy bay.
- Giáng sinh mẹ có kế hoạch gì ạ? - Tôi hỏi. - Con chỉ được nghỉ một ngày nên không đi đâu được. Hay mẹ có định đến đây không? Chỗ con nhỏ thôi, nhưng chúng ta có thể...
- Ôi, Wyn, mẹ muốn đi lắm, nhưng giá mà con nói với mẹ sớm hơn. Mẹ đã có kế hoạch đi Tahoe với mấy người ở văn phòng rồi.
- Không sao ạ, con chỉ chợt nghĩ có thể mẹ không làm gì thôi.
- Mẹ đã đồng ý với mọi người rồi, cũng đã đặt chỗ nữa.
- Vâng.
Không muốn tự ái, nhưng đúng là tôi cảm thấy như vậy. Mẹ mới làm ở đó từ tháng Chín mà họ đã thân thiết đến mức đi nghỉ Giáng sinh cùng nhau được ư? Mẹ còn chẳng buồn hỏi xem tôi sẽ làm gì.
- Để mẹ hỏi xem có hủy được không nhé.
- Mẹ, đừng làm vậy. Thực sự không sao đâu ạ.
- Mẹ không muốn để con nghỉ Giáng sinh một mình.
- Con không một mình đâu. Có hai người ở chỗ làm mời con đến ăn tối, và nếu CM có nhà thì con sẽ qua đấy. Bây giờ con phải đi ăn rồi còn đi làm. Con gọi lại sau mẹ nhé.
- Wyn ơi, mẹ xin lỗi chuyện Giáng sinh nhé.
- Sang mùa xuân có khi con sẽ về nhà mấy ngày.
Không đến mức nói dối toàn tập. Tyler và Ellen đều mời tôi đến ăn tối. Nhưng có thể hình dung được viễn cảnh tôi lịch sự nói chuyện với từng người, ngồi nghe những câu chuyện bất tận về các nghi thức truyền thống trong gia đình, cả những câu chuyện ngồ ngộ như có năm ông bác George đã châm nhầm con mèo Muffy trong khi thắp nến, vân vân và vân vân, cho nên tôi đã từ chối một cách nhã nhặn hết mức có thể.
o O o
Mười lăm tháng Mười hai - sinh nhật thứ ba mươi hai của tôi. Mẹ gửi đến một tấm séc và bưu thiếp. Mẹ gọi điện lúc chín giờ sáng, quên mất rằng tôi ngủ vào ban ngày, cho nên mẹ thấy xấu hổ còn tôi thì lầu bầu trong điện thoại. Sau đó CM gọi trong khi đang dự xê-mi-na về các cách viết đơn xin tài trợ tại Phoenix.
Năm ngoái - tôi ở đâu nhỉ? Ờ, phải rồi. Nhà mẹ. David phải đi gặp khách hàng ở Cancun hay đâu đó. Nhưng hai năm trước, sinh nhật thứ ba mươi của tôi, anh đã đưa tôi đến Paris nghỉ một đợt cuối tuần dài. Đó là lần đầu sau hơn một năm chúng tôi mới lại đi xa cùng nhau, và hệt như tuần trăng mật thứ hai vậy. Chúng tôi ở khách sạn Ritz, sáng nào cũng ngủ nướng, tỉnh dậy để yêu nhau và ăn những chiếc bánh sừng bò hoàn hảo nhúng ngập sô-cô-la nóng còn bốc khói. Mỗi buổi chiều chúng tôi đều đi dạo trên các đại lộ cho đến khi bóng tối mùa đông trùm xuống. Những vòm cây trụi lá chĩa lên nền trời xam xám, và rồi thành phố rực rỡ như một đèn lồng khổng lồ, lung linh tỏa sáng từ trong ra. Một đêm chúng tôi đi du thuyền bateau mouche, nép vào nhau trong gió sông buôn buốt, và dùng bữa tối sinh nhật tôi tại nhà hàng Taillevent. Tôi thấy mình như một nàng công chúa. Có thể nào anh đã quên hay không?
Tôi dậy uống một viên giảm đau Tylenol PM, rút dây điện thoại ra, thả mình vào một giấc mơ.
Ngày đầu năm học mới. Không biết phải đi đâu, tôi lang thang qua những hành lang hun hút, hai bên các cánh cửa đều đóng im ỉm. Các học sinh khác đều cao hơn tôi, chúng mỉm cười với nhau mà không cúi xuống nhìn tôi.
Cuối cùng, tôi đến một lớp còn mở cửa. Mọi người đang đi vào, tôi đi theo, nhưng không còn chỗ ngồi. Ai cũng đang bận làm gì đó. Rồi một cô gái ở phía cuối đứng dậy khỏi bàn và tiến lại, vòng tay ôm lấy tôi. Đó là mẹ tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi biết mẹ sẽ hướng dẫn tôi phải làm gì.
Mẹ dẫn tôi lại bàn mẹ, ngồi xuống và tiếp tục việc đang dở. Tôi chỉ đứng đó nhìn mẹ. Thỉnh thoảng mẹ lại ngước lên nhìn tôi và mỉm cười, nhưng rõ ràng là tôi sẽ không được mẹ hướng dẫn bất cứ điều gì.
o O o
Chiều hôm đó ở Thriftway, tôi mua bột mì đa dụng, đường kính và một hộp phẩm màu thực phẩm. Ở bãi đỗ xe, các đôi đang chọn cây Giáng sinh; mấy người phụ nữ mua vòng hoa trang trí và giày bệt không thấm nước, trong khi tụi trẻ con nhảy nhót đùa nghịch qua mấy vũng nước. Ai cũng lùm xùm áo khoác dày, khăn quàng sáng màu và mũ len. Và một người đàn ông có tuổi mặc cái áo khoác thể thao vá, đang nướng hạt dẻ trên một hỏa lò nhỏ. Tôi mua một túi con con. Khi hạt dẻ đầu tiên còn vương khói mềm ra giữa hàm răng, tôi biết mình phải mua cây thôi.
o O o
Một bên mắt Linda bị đen. Thực ra “bị đen” là không chính xác lắm. Đó là một mảng nửa tím nửa xanh lá cây trông rất gớm, và lòng trắng có một vết đỏ bầm do vỡ mạch máu. Môi dưới của bà sưng gấp đôi bình thường.
Không phải là chuyện có thể vờ như không biết, nên tôi hỏi thăm:
- Chị gặp chuyện quái quỷ gì vậy?
- Lão già cũ của tôi, quái quỷ tôi đã gặp đấy.
- Chị cũng cho lão ta nếm mùi tương đương chứ?
- Tôi đã làm thế, cô bé ạ. Tôi đã làm thế. - Bà vỡ ra một nụ cười nhỏ xíu. - Lão của nợ say khướt mò đến. Tru lên như chó hoang. Tôi đành phải cho lão vào không thì người ta gọi cảnh sát mất. Lúc ấy lão giở trò tòm tem, tôi bảo lão đi mà đút vào hốc cây ấy, thế là lão kéo tôi xềnh xệch rồi thụi thế này đây. - Bà đưa tay gần chạm vào hàm. - Tôi với lão thụi qua thụi lại ác chiến, cho đến khi hàng xóm sang tống lão đi.
- Chị có kiện không?
Linda tỏ vẻ khinh miệt.
- Chỉ tổ mất thời gian. Phần nhiều là thời gian của tôi ấy.
- Có thể sẽ có lệnh cấm...
Linda cười hắt ra và thốn đau.
- Có thì để làm gì? Nói với lão “Nhìn đi, Bubba, lệnh cấm ông lại gần tôi đây” chắc? Lệnh với chả cấm, trời ơi. Có mà lấy ra lợp nhà cũng được.
Đột nhiên Linda nhớ ra mình đang nói chuyện với ai, và hết sức cáu bẳn khi thấy tôi tỏ vẻ thông cảm.
- Có gì mà phải ngậu lên, cô bé ơi.
o O o
Sáng Giáng sinh tôi thức giấc lúc năm giờ. Lẽ ra phải giữ nhịp sinh hoạt đều đặn, như Linda suốt ngày rao giảng, nhưng tôi không thể chịu được viễn cảnh thức cả đêm Giáng sinh chỉ để nhớ lại các đêm Giáng sinh khác. Tôi trở mình. Trời vẫn còn tối, có lẽ tôi có thể ngủ lại. Giá mà tôi đã lên kế hoạch cho hôm nay nhỉ, giờ mới nghĩ đến thì muộn rồi. Cứ quay cuồng thì vất vả, nhưng đôi khi không quay cuồng lại còn tệ hơn.
Bảy rưỡi, tôi dậy hẳn, cuốn chăn quanh người rồi cuộn mình trên ghế. Khúc củi đêm qua cháy còn cục than đỏ trong lò. Mùi gỗ nhắc tôi nhớ kỷ niệm những Giáng sinh bên hồ Tahoe, ngôi nhà nhỏ chúng tôi từng thuê. Bố thích nghỉ Giáng sinh trên núi. Có lẽ như vậy khiến bố nhớ lại tuổi thơ ở New England, và luôn có chút khả năng may rủi rằng tuyết sẽ rơi. Suốt kỳ nghỉ, đêm nào tôi cũng nằm trong cái giường trên gác xép và cầu trời sẽ có bão tuyết. Tôi muốn chúng tôi sẽ cố thủ trong căn nhà nhỏ, mặc tuyết tơi bời ngoài kia, bố đốt một đống lửa lớn trong lò sưởi, và mẹ làm sô-cô-la nóng với những viên kẹo bông xinh xắn bồng bềnh bên trong.
Năm nào mẹ cũng cằn nhằn về trời lạnh, nhưng khi cả nhà đã đến nơi thì mẹ lại vui. Mẹ hay ngồi đọc trên xô-pha cạnh lò sưởi, lơ đãng ăn bỏng ngô, trong khi bố con tôi ra ngoài đi dạo vào buổi chiều. Cả buổi tối nữa, nếu trời có trăng. Mỗi năm khi đi bộ phía sau, tôi vẫn ghi lại cỡ dấu chân tôi in lên dấu chân bố. Không khí tĩnh lặng, lạnh và trong vắt đến mức tưởng chừng chỉ tiếng động nhỏ nhất thôi cũng đủ làm tất cả tan vỡ thành những mảnh băng và rơi xuống đất. Bố con tôi không bao giờ nói chuyện trong những cuốc đi bộ ấy. Nếu muốn tôi chú ý điều gì, bố sẽ giơ tay chỉ. Âm thanh duy nhất là nhịp thở của chúng tôi, chút lạo xạo của lá thông khô, thi thoảng ủng cà xuống mặt đất ken két, và một lần, tiếng đập cánh lộng lẫy của một con cú lớn bay ngang trên đầu chúng tôi.
Chúng tôi luôn có một cái cây nhỏ tự mang về, và sẽ trang trí bằng bỏng ngô, quả nam việt quất, bánh gừng và giấy thủ công. Đó là sở trường của mẹ. Mẹ đã học nghệ thuật gấp giấy origami từ một người bạn Nhật của ông ngoại, và mẹ tạo hình được đủ loại chim chóc, trăng sao, chó mèo, cây cối và các thiên thần. Mẹ đục những lỗ bé xíu ở hai đầu quả trứng, thổi hết ruột ra, rồi tỉ mẩn vẽ lên vỏ. Mẹ có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ miệt mài làm những thứ đó, như người thủy thủ chạm khắc vỏ ốc bên chiếc đèn lồng suốt những đêm dài trên biển.
Khó có thể chấp nhận thực tế rằng mẹ sẽ thung thăng đến Tahoe với một nhúm người xa lạ, khi đó là nơi chúng tôi nghỉ Giáng sinh cùng bố. Không biết mẹ có ngồi trước lò lửa cằn nhằn trời lạnh như ngày xưa không, hay là mẹ sẽ mặc thật ấm rồi lao ra tuyết, hăng hái chơi thể thao, khiến mọi người trầm trồ: “Xem chị Johanna kìa! Nhanh nhẹn hoạt bát quá!”.
Giáng sinh luôn biến David thành một cậu bé mười tuổi mặc quần áo hiệu Armani và lái xe Mercedes. Tối nào cũng vậy, anh đi làm về là chúng tôi sẽ cùng nhau ngồi đọc hết tất cả các thiếp bưu điện gửi đến trong hôm đó. Có đến hàng chục tấm, phần nhiều là các mối quan hệ công việc, các họa sĩ, nhà thiết kế và nhà văn, nên có thể coi mỗi thiếp là một tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ. Chúng tôi bày thiếp khắp nhà, cùng với hàng mét dây hoa trang trí và ruy-băng bạc lấp lánh. Đó là thời gian duy nhất trong năm David chịu để nhà cửa đầy nhóc những thứ lí nhí đó.
Chúng tôi phải có một cây Giáng sinh thật lớn - phải cao hai mét rưỡi, một năm tận ba mét. Nó phải thật dày dặn xum xuê, và phải được trang trí bằng bóng trắng hoặc màu bạc, những giọt băng trong suốt bằng thủy tinh, và những ngọn đèn trắng nhỏ xíu. Chúng tôi luôn nhóm lửa trong lò sưởi và uống rượu vang được hâm nóng. Những năm miền nam California đem tháng Mười hai ra phơi trong cái nắng hai mươi sáu độ, chúng tôi chỉ việc bật điều hòa ở mức lạnh nhất và lại tiến hành các nghi thức Giáng sinh như bình thường.
David là một ông già Noel hào phóng và rất sáng tạo. Sau khi các gói quà đã được mở hết, luôn còn một món nữa, quà đặc biệt, được giấu ở đâu đó trong nhà. Đêm Giáng sinh năm ấy chúng tôi lên gác đi ngủ, và một chiếc váy ngủ màu vàng nhạt hết sức tinh tế phủ trên gối của tôi. Một năm khác, vòng đeo tay kim cương hững hờ lồng vào chiếc tất Giáng sinh tôi đã treo, trông như lắc đeo ở cổ chân vậy. Năm khác nữa, vé đi nghỉ trên du thuyền được cuộn lại trong chiếc thuyền đồ chơi dập dờn trên mặt nước trong bồn tắm.
Sáng nay tôi không khỏi tự hỏi, anh tặng quà gì cho Kelley nhỉ? Cô ấy tặng gì cho anh?
Hi vọng là thứ gì đó cần đến penicillin.
Đến chín rưỡi, sắc xám đục đủ tiêu chuẩn là ánh ngày mùa đông đã tràn đến những góc tối nhất trong nhà. Tôi đứng dậy, vươn vai và quyết định sẽ không ngồi nghĩ quẩn cả buổi. Tôi thêm củi vào lò sưởi, đặt bình pha cà phê lên bếp và lôi từ trong tủ ra hai hộp quà chưa mở.
Tôi mở hộp của CM trước. Trông như hai củ khoai khổng lồ bỏ lò vậy. Dưới đáy hộp có dòng chữ “ủng mềm mùa đông, cỡ 10”. Tôi mỉm cười. Cô bạn vô cùng thực tế của tôi nhớ rằng bàn chân tôi hay bị cóng. Tôi xỏ ủng vào chân, đi lại lăng xăng. Đế lót ủng dày đến ba phân, và chân tôi to đùng ra, trông như xỏ vào hai cái xuồng vậy, nhưng chỉ năm phút thôi là ấm đến từng đầu ngón chân.
Quà của mẹ là áo len đan tay với những họa tiết vặn thừng, sợi pha lên màu như yến mạch. Tôi tự hỏi không biết mẹ đã mua ở phiên hội chợ Giáng sinh nào. Trong hộp còn có hai áo cổ lọ sợi cô-tông, một màu tía, một màu rêu nhạt, và tờ séc một trăm đô-la.
Chà. Vui thật. Tôi cho bơ vào ngăn đông lạnh cho dễ cắt miếng, lấy trứng ra để cân bằng với nhiệt độ trong phòng. Xếp bột, đường và phẩm màu thực phẩm lên bàn. Có nhiều cách trải qua ngày Giáng sinh còn đáng chán hơn là nướng bánh nhiều.
Đứng dưới hiên trong đôi ủng mới, tôi chậm rãi uống cà phê, hầu như không cảm thấy sương sa trên cái áo nỉ đang mặc. Sương mù phủ mờ đường viền tòa nhà lớn, những cành độc cần phất phơ, trông hư ảo như cánh tay của những kẻ mộng du. Uống được chừng nửa tách cà phê, tôi mới để ý đến Douglas, chậu linh sam bé nhỏ đặt ở bậc thềm cuối. Dù sao ở ngoài này cậu ta có vẻ vui đấy chứ. Tôi cầm chậu cây lên, rúc mũi vào nhánh lá kim xanh mềm mại, long lanh những hạt nước li ti. Mùi hương ngan ngát thanh sạch lập tức đánh thức tôi, làm tôi dịu lại. Tôi ngỡ mình đã khóc cạn nước mắt từ lâu, nhưng hóa ra không phải.
o O o
Đi bộ đến chỗ làm rất lạnh, nhưng bao nhiêu nhà trưng ra cây Giáng sinh bên cửa sổ với vô số những đốm đèn trắng sáng lung linh, nên có cảm giác như tôi đang đi qua xứ sở thần tiên vậy. Dù có đang cô đơn thì cũng khó có thể phiền não trước khung cảnh huyền ảo này. Và lần đầu tiên trong lòng tôi nhen lên chút tức tối với David vì anh đã cư xử như tôi không hề tồn tại. Một cảm giác có thể nói là dễ chịu.
Đêm nay Linda có vẻ đã bình tĩnh lại, bằng chứng là bà dè bỉu bánh quy tôi mang tặng bà. Giáng sinh là để như vậy mà - chỉ ra được cái dễ bị tổn thương, dù ở những người miễn dịch cao với đủ mọi hình thức bộc lộ cảm xúc. Tất nhiên, Linda không hề hé lời cảm ơn tôi.
- Hôm nay chị làm gì? - Tôi hỏi trong khi xếp mẻ bánh mì đầu tiên vào lò.
Linda nhún vai.
- Một ngày như mọi ngày. Dậy lúc bốn giờ. Ăn ít súp. Có người đến. - Đoạn cuối khẽ đến mức tôi gần như không nghe thấy.
- Có người đến ạ? Ông xã cũ hả chị?
- Hử, không. Chắc đến trưa là lão bí tỉ rồi. Bọn trẻ con tôi.
- Tôi không biết là chị có con đấy, - tôi nói dối.
- Sao cô phải biết? - Linda khoặm mặt lại. - Có lúc chính tôi còn không biết tôi có con nữa là. Chỉ nghỉ lễ chúng nó mới mò đến. Và chỉ nếu như chúng nghĩ chắc có gì cho mình.
- Thế chị được mấy cháu?
- Hai.
- Trai hay gái thế?
- Một trai một gái.
Tôi đẩy hai ổ bánh cuối cùng lên tầng nướng trên cùng.
- Hai đứa nhà chị tên là gì?
- Cái nhà cô này, biết tên chúng nó để làm gì?
- Tôi tò mò chút thôi.
Bà nhướn mắt qua rìa cặp kính nhìn tôi.
- Cô không nghe chuyện cái tật tò mò đã khiến con mèo bị làm sao à? Bị thắt nút lại đấy, biết chưa?
- Được rồi, chị quên điều tôi vừa hỏi đi.
Tôi mở sổ, bắt đầu rà các nguyên liệu làm bánh mì quế với nho khô và phô mai cheddar.
- Cô làm riết ba tháng nay rồi, còn chưa nhớ nổi công thức sao?
- Không chị ạ, - tôi cố đáp bằng giọng vui vẻ.
- Cô vào loại chậm tiếp thu đấy, nhỉ?
Tôi cắt dây buộc bao bột và kéo chỉ ra cho đến khi mở được bao.
- Ra đến cửa là tôi quên hết, mà như thế tốt chứ. Vì nếu nhớ được từng ấy mà phải đến đây làm việc với chị thì chắc tôi không bao giờ quay lại nữa.
Linda cười khẩy, thích thú trưng ra bản mặt Bà Thợ Bánh Ác Ma.
o O o
Hiệu bánh yên ắng vì không nhiều người đi làm hôm nay. Sau khi Linda đã về, tôi pha một tách cà phê tách ca-phê-in và ngồi xuống bàn đầu hồi. Ellen lại ngồi cùng tôi.
- Suy thoái hậu Giáng sinh, - Ellen lẩm bẩm, thả mình xuống ghế. Có mấy quầng thâm dưới cặp mắt sẫm màu của chị. - Hôm qua có hai chục khách đến ăn tối. Và tôi là người Do Thái, ôi chao. Gia đình nhà Lloyd. À, mà bánh theo công thức của bà ngoại cô ngon lắm. Sang năm có khi chúng ta thử làm ở đây đi. - Chị xoay xoay cần cổ và xoa bóp gáy. - Chỗ đặt gánh căng thẳng của tôi đây. Thế hôm qua cô làm gì? Không đến nhà CM à?
- Em định đến nhưng CM lại đi Los Angeles.
- Thế ra cô có một mình thôi à? Giá biết thì tôi đã gọi điện rồi. Ít ra cũng có thể cổ vũ tinh thần cho cô.
- Chị chu đáo quá, nhưng em cũng ngại đông người.
Ellen mỉm cười.
- Ai đã nói gì đến khách khứa chưa? Biết đâu tôi té đến chỗ cô để tị nạn đám khách thì sao? - Chị kéo tay áo chiếc váy len đen đang mặc, để lại mấy dấu bột hình ngón tay. - Không bao giờ nên mặc đồ đen đi làm nữa. Cô xem này. - Rồi chị liếc sang tôi. - Có tin tức gì của thằng cha Cặn Bã đó không?
- Không. - Tôi lấy khăn giấy quệt mắt. - Mà cũng chẳng mong.
Ellen quàng vai tôi chừng một phút.
- Ta không bao giờ mong, nhưng ta luôn hi vọng. Khổ là ở đấy.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn