I divide all readers into two classes; those who read to remember and those who read to forget.

William Lyon Phelps

 
 
 
 
 
Tác giả: Jerome K. Jerome
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Three Men In A Boat
Dịch giả: Petal Lê
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2109 / 149
Cập nhật: 2016-06-20 20:55:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
Wargrave – Các hình sáp – Sonning – Món hầm của chúng tôi – Montmorency bị chế nhạo – Cuộc chiến giữa Montmorency và cái ấm trà – Sự nghiệp nghiên cứu đàn banjo của George – Không được khuyến khích – Những khó khăn trên con đường chơi nhạc nghiệp dư – Học chơi kèn túi – Harris thấy buồn sau bữa ăn khuya – George và tôi đi dạo – Quay về đói mềm và ướt sũng – Có gì đó kỳ lạ ở Harris – Harris và đám thiên nga, một câu chuyện đáng nhớ – Harris có một đêm rắc rối.
SAU BỮA TRƯA CHÚNG TÔI bắt được một cơn gió nhẹ thổi thuyền nhẹ nhàng lướt qua Wargrave và Shiplake. Êm ả dịu dàng trong ánh mặt trời uể oải chiều hè, náu mình nơi khúc ngoặt của dòng sông, Wargrave tạo nên một bức tranh cổ đẹp đẽ, một bức tranh còn đọng lại thật lâu trong những võng mạc của ký ức người nhìn.
Quán “George & Rồng” ở Wargrave có một tấm biển hiệu được sơn bên này bởi Leslie, bên kia bởi Hodgson, cả hai đều là Viện sĩ Viện hàn lâm Hoàng gia. Leslie đã mô tả cuộc chiến đấu còn Hodgson tưởng tượng ra quang cảnh “Sau trận chiến” – George, công việc đã hoàn thành, đang thưởng thức vại bia.
Day, tác giả của cuốn Sandford và Merton đã sống và bị giết (chuyện này còn góp nhiều công sức hơn trong việc mang lại danh tiếng cho nơi đây) ở Wargrave. Trong nhà thờ có một tấm bia tưởng niệm bà Sarah Hill, người đã để lại khoản tiền thưởng Phục sinh thường niên một bảng chia đều cho hai cậu bé và hai cô bé “chưa bao giờ cãi lời cha mẹ; chưa bao giờ bị phát hiện thấy nói tục, nói dối, ăn cắp hay làm vỡ kính cửa sổ.” Cứ thử hình dung phải từ bỏ những thứ ấy chỉ vì năm xu mỗi năm xem! Thật chả bõ.
Dân thị trấn đồn rằng nhiều năm trước, từng có một cậu bé không bao giờ làm những việc ấy thật – hay trong mọi trường hợp, đúng theo những gì người ta ta yêu cầu hay có thể trông đợi, chưa bao giờ bị phát hiện là làm thế – và do đó đã giành được vương miện vinh quang. Suốt ba tuần sau đó cậu được triển lãm ở tòa thị chính trong một cái lồng kính.
Không ai biết chuyện gì xảy ra với món tiền. Người ta nói rằng nó luôn luôn được chuyển đến cuộc trình diễn hình sáp gần nhất.
Shiplake là một ngôi làng xinh xắn, nhưng từ mặt sông không thể nhìn thấy nó đang ngự trên đồi. Nhà thơ Tennyson đã cưới vợ ở nhà thờ Shiplake.
Trên đường đến Sonning, con sông chảy ngoằn ngoèo qua nhiều hòn đảo nhỏ, rất bình lặng, êm ả và đơn côi. Mãi tới lúc chạng vạng mới có một vài cặp tình nhân thôn quê đi dạo dọc bờ sông. Harry và ngài Fitznoodle[14] đều bị bỏ lại Henley, còn vùng Reading bẩn thỉu ảm đạm thì vẫn chưa tới. Đó là một khúc sông thích hợp để mơ màng về quá khứ, về những gương mặt những hình dáng không còn nữa và về những gì lẽ ra có thể phá hoại chúng nhưng đã không làm được.
Đến Sonning chúng tôi rời thuyền đi dạo quanh ngôi làng. Đó một góc nhỏ thần tiên nhất trên toàn bộ con sông. Nó giống một ngôi làng trên sân khấu hơn là được xây từ gạch đá vôi vữa. Nhà nào cũng ngập trong hoa hồng, và bây giờ, giữa những ngày đầu tháng Sáu, hoa hồng đang bừng nở thành những đám mây rực rỡ đáng yêu. Nếu bạn dừng lại ở Sonning, hãy đến quán “Bò mộng” ngay sau nhà thờ. Đó là hiện thân thực thụ của một quán trọ nông thôn xưa, với một mảnh sân nhỏ xanh tươi vuông vắn phía trước, nơi tối tối, các cụ già tụ tập dưới gốc cây để uống bia và bàn tán về những chuyện xảy ra ở làng; với những căn phòng thấp kỳ quặc và cửa sổ mắt cáo, cầu thang khó đi, lối đi ngoằn ngoèo.
Chúng tôi chơi rong quanh vùng Sonning tươi đẹp đó khoảng một tiếng đồng hồ, và rồi vì đã quá muộn để có thể cố đi qua được Reading, chúng tôi quyết định quay lại một trong những hòn đảo của Shiplake và nghỉ đêm ở đó. Khi chúng tôi tới nơi trời vẫn còn khá sớm, và George bảo, vì chúng tôi còn vô khối thời gian, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để thử một bữa tối ngon lành đến tứa cả nước miếng. Hắn nói hắn sẽ cho chúng tôi thấy cách thức nấu nướng trên sông, và gợi ý rằng với rau cỏ, phần thịt bò nguội còn lại và những thứ linh tinh khác, chúng tôi nên làm món hầm Ailen.
Có vẻ đấy là một ý tưởng quá tuyệt vời. George gom củi nhóm lửa, Harris và tôi bắt đầu gọt khoai tây. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng gọt khoai tây lại khó đến thế. Đây hóa ra lại là một trong những việc khó khăn nhất tôi từng làm. Chúng tôi bắt đầu một cách vui vẻ, thậm chí còn có thể nói là hớn hở háo hức, nhưng sự nông nổi của chúng tôi đã tan biến sau khi củ khoai đầu tiên được gọt xong. Chúng tôi càng gọt thì chỗ vỏ còn lại dường như càng nhiều hơn; cho đến khi chúng tôi gọt hết vỏ và loại bỏ xong toàn bộ mắt thì chẳng còn củ khoai nữa – ít nhất là một củ khoai có thể gọi là củ khoai. George đến ngó một cái – nó chỉ còn độ bằng hạt lạc. Hắn bảo:
“Ôi, làm thế không được đâu! Các cậu lãng phí khoai quá. Các cậu phải cạo đi.”
Thế là chúng tôi cạo vỏ khoai, và nó còn vất vả hơn việc gọt nhiều. Đám khoai tây ấy, chúng có những hình thù đúng là phi thường hết sức, toàn những u cùng bướu, chỗ lồi chỗ lõm. Trong suốt hai mươi lăm phút làm việc bền bỉ, chúng tôi xử lý được bốn củ khoai. Thế rồi chúng tôi bèn đình công. Thà dành suốt thời gian còn lại của buổi tối để cạo chính mình còn hơn.
Tôi chưa bao giờ thấy một việc gì có thể làm cho người ta điên lên như việc cạo vỏ khoai. Thật khó tin được rằng công việc cạo vỏ khoai mà Harris và tôi đảm trách, suýt nữa thì tắc thở, lại có thể giải quyết xong bốn củ khoai. Điều này cho thấy phương pháp tiết kiệm và sự chú tâm có thể làm được những gì.
George bảo thật phi lý nếu chỉ có mỗi bốn củ khoai tây trong món hầm Ailen, vì thế chúng tôi rửa khoảng nửa tá khoai và trút vào nồi mà chẳng cần gọt vỏ. Chúng tôi còn cho thêm một cái bắp cải và nửa hộp đậu hạt nữa. George ngoáy tất cả lên và bảo có vẻ như còn rất nhiều chỗ, vì thế chúng tôi bèn sục trong cả hai cái hòm và lôi ra tất tật những thứ linh tinh, những của đầu thừa đuôi thẹo và bổ sung vào món hầm. Còn lại nửa cái bánh nhân thịt và một mẩu thịt muối luộc nguội ngắt, vậy là chúng tôi cho chúng vào luôn. Rồi George tìm thấy nửa hộp cá hồi đóng hộp và hắn trút sạch vào nồi.
Hắn nói đó chính là ưu điểm của món hầm Ailen: ta tống khứ được hàng đống thứ kiểu như thế. Tôi mò được hai quả trứng đã rạn vỏ và chúng tôi cho chúng vào nồi. George nói chúng sẽ làm nước hầm sánh hơn.
Có thêm nguyên liệu nào nữa thì tôi quên rồi, nhưng tôi biết chẳng có gì bị phí hoài cả; và tôi còn nhớ rằng, đến phút cuối, con Montmorency, kẻ đã bộc lộ niềm hứng thú tột cùng trong suốt quá trình kể trên, thong thả lượn đi với vẻ nghiêm chỉnh và trầm ngâm rồi vài phút sau tái xuất hiện với một con rái cá chết trong mõm, thứ mà nó rõ ràng muốn được coi như phần đóng góp cho bữa tối; dù tôi không biết là với tinh thần mỉa mai hay với một khao khát hỗ trợ thật sự.
Chúng tôi đã có hẳn một cuộc tranh luận xem liệu có nên sử dụng con rái cá hay không. Harris nói rằng hắn nghĩ món ấy trộn với các thứ khác thì cũng được thôi, và rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào dù là nhỏ nhoi cũng đáng giá cả; nhưng George đã bảo vệ cho các tiền lệ. Hắn nói hắn chưa bao giờ nghe nói có rái cá trong món hầm Ailen, và hắn muốn chắc ăn hơn, không thử nghiệm gì cả.
Harris bảo:
“Nếu không thử một thứ mới thì làm sao cậu biết nó thế nào? Chính những kẻ như cậu đã kìm hãm sự phát triển của thế giới. Cứ thử nghĩ về người đầu tiên thử món xúc xích Đức mà xem!”
Đó là một thành công vĩ đại, cái món hầm Ailen ấy. Tôi không nhớ ra đã có lần nào được thưởng thức một bữa ăn ngon lành đến thế hay chưa. Nó có gì đó thật mới mẻ và kích thích. Khẩu vị của chúng tôi đã chán những món ăn cũ nhàm: đây là một món có mùi vị mới, có một vị không giống bất kỳ thứ gì trên thế giới.
Và nó còn bổ dưỡng nữa. Như George đã nói, có bao nhiêu thứ bổ béo trong ấy. Đậu và khoai tây lẽ ra nên mềm hơn chút nữa, nhưng chúng tôi đều có bộ nhá khá tốt, vậy nên không vấn đề gì; còn nước hầm thì đúng là một bài thơ – có lẽ hơi nhiều chất đối với một cái dạ dày yếu, nhưng giàu chất dinh dưỡng.
Chúng tôi kết thúc bằng món trà và bánh tạc anh đào. Trong bữa trà, con Montmorency đã ẩu đả với cái ấm nước, và rồi thua đau thua đớn.
Suốt chuyến đi con chó đã bày tỏ sự tò mò sâu sắc dành cho cái ấm. Nó ngồi ngắm ấm nước sôi với vẻ bối rối ra mặt, và thỉnh thoảng gầm gừ cố chọc tức cái ấm. Khi cái ấm bắt đầu kêu lục bục và phì hơi nước, nó coi đó là một thách thức và định xông vào tẩn cho một trận, chỉ có điều ngay lúc đó, luôn có người xông tới xách cổ con mồi của nó lên trước khi nó kịp tấn công.
Hôm nay nó quyết sẽ ra tay trước. Ngay khi cái ấm rít lên tiếng đầu tiên, nó đứng dậy, gầm gừ và tiến về phía cái ấm với vẻ đe dọa. Đấy chỉ là một cái ấm bé tí, nhưng lại không thiếu lòng dũng cảm, sẵn sàng đương đầu và phun phì phì về phía con chó.
“Á! Mày dám à!” Montmorency vừa gầm gừ vừa nhe răng ra; “tao sẽ dạy cho mày một bài học vì dám láo xược với một con chó chăm chỉ đáng kính, cái đồ vô lại khốn khổ mũi dài bẩn thỉu kia. Nào!”
Rồi nó lao về phía cái ấm nhỏ tội nghiệp và ngoạm lấy vòi ấm.
Thế là sự tĩnh lặng của đêm bị xé nát bởi một tiếng rú làm đông cả máu người ta, và Montmorency nhảy ra khỏi thuyền, làm liền ba vòng quanh đảo với tốc độ 35 dặm/giờ, thỉnh thoảng dừng lại để dúi mũi vào một vũng bùn mát.
Kể từ hôm đó Montmorency nhìn cái ấm với một cảm xúc hỗn độn vừa kinh hoàng vừa nghi ngờ trộn lẫn căm ghét. Mỗi khi nhìn thấy cái ấm, nó bèn gầm gừ và vội lùi lại, đuôi cụp xuống và ngay khi cái ấm được đặt lên bếp lò, nó sẽ phóng ra khỏi thuyền rồi ngồi trên bờ cho đến khi chuyện trà nước đã xong xuôi.
Sau bữa khuya, George lôi cây đàn banjo ra định chơi, nhưng Harris phản đối: hắn nói hắn bị đau đầu và cảm thấy không đủ sức khỏe để chịu được cái của ấy. George thì nghĩ âm nhạc biết đâu lại tốt cho thằng cha ấy, hắn nói âm nhạc thường xoa dịu thần kinh và chữa khỏi cơn đau đầu; rồi hắn dạo thử vài ba nốt, chỉ để cho Harris nghe thử.
Harris bảo hắn thà bị đau đầu còn hơn.
Cho đến tận ngày hôm đó, George chưa bao giờ chơi đàn banjo. Hắn đã gặp phải quá nhiều sự phản đối từ xung quanh. Có một vài tối trong lúc chúng tôi chèo xuôi dòng, hắn cũng tập tọe chơi thử, nhưng chẳng bao giờ thành công. Ngôn ngữ của Harris đủ để làm bất kỳ ai cũng phải mất nhuệ khí; thêm vào đó con Montmorency thường ngồi xuống mà tru theo một cách bền bỉ ngay khi cuộc biểu diễn bắt đầu. Chuyện này không cho thằng cha có được một cơ hội công bằng.
“Sao nó cứ muốn tru như thế mỗi khi tớ chơi nhạc nhỉ?” George thốt lên phẫn nộ trong khi rút một cái giày ống ra nhắm vào con chó.
“Sao cậu cứ muốn chơi như thế mỗi khi nó tru nhỉ?” Harris vặn lại, tóm lấy cái giày. “Cậu để nó yên đi. Nó làm sao mà nhịn tru được. Nó có tai nhạc đấy, và nhạc của cậu làm nó tru chứ còn gì.”
Vậy là George quyết định sẽ hoãn công cuộc nghiên cứu đàn banjo cho đến khi về nhà. Nhưng kể cả ở đó hắn cũng không có nhiều cơ hội. Bà P. thường leo lên nói rằng bà ta hết sức tiếc – riêng bà ta thì bà ta rất thích nghe hắn chơi – nhưng quý bà trên gác đang trong tình trạng vô cùng yếu ớt, và bác sĩ sợ rằng thứ này sẽ làm đứa bé bị tổn thương.
Vậy là đêm đến George lôi đàn ra thử chơi quanh quảng trường. Nhưng dân cư đã phàn nàn với cảnh sát, và một đêm nọ người ta bèn phục kích, và tóm gọn hắn. Bằng chứng chống lại hắn rất rõ ràng, và hắn bị theo dõi suốt sáu tháng để duy trì sự an bình của khu vực đó.
Sau đó hắn có vẻ đã ngã lòng về vấn đề này. Hết sáu tháng ấy, hắn cũng có vài nỗ lực không đáng kể để chơi lại, nhưng lúc nào cũng vẫn sự ghẻ lạnh ấy – vẫn là nhu cầu được đồng cảm của thế giới trong việc chống lại nó; và sau một thời gian thì hắn hoàn toàn tuyệt vọng và đăng quảng cáo bán phá giá nhạc cụ ấy – “người sở hữu không sử dụng nữa” – và thay thế bằng cách học trò tráo bài.
Việc học cách sử dụng nhạc cụ chắc hẳn khiến người ta mất hết nhuệ khí. Ta tưởng rằng Xã hội, vì lợi ích của nó, sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ một người nắm bắt được nghệ thuật chơi một thứ nhạc cụ. Nhưng hóa ra không phải!
Tôi từng biết một thanh niên học chơi kèn túi, và quý vị sẽ ngạc nhiên trước tổng số trở ngại mà cậu ta phải đương đầu. Này nhé, ngay cả thành viên gia đình cậu cũng không cho cậu cái mà người ta gọi là sự khuyến khích thiết thực. Bố cậu kịch liệt phản đối việc này ngay từ đầu và nói về vấn đề này một cách không chút cảm thông.
Bạn tôi thường dậy sớm tập đàn, nhưng cậu ta phải từ bỏ kế hoạch đó vì chị gái mình. Chị cậu phần nào có thiên hướng mê tín, và cô này bảo bắt đầu một ngày như thế thì có vẻ tệ hại quá.
Vậy là cậu ta dậy giữa đêm và chơi nhạc sau khi cả gia đình đã đi ngủ, nhưng việc này cũng không ổn, nó khiến nhà này mang tai mang tiếng. Những người về nhà muộn sẽ dừng ở bên ngoài lắng nghe, rồi sáng hôm sau rêu rao khắp thị trấn rằng đêm hôm trước ở nhà ông Jefferson đã xảy ra một vụ giết người kinh khủng; và sẽ mô tả họ đã nghe thấy tiếng rú của nạn nhân, tiếng chửi thề rủa xả thô lỗ của tên sát nhân, được nối tiếp bởi tiếng cầu xin tha mạng và tiếng ặc lên cuối cùng của kẻ hấp hối.
Vậy là người ta đành để cậu tập chơi vào ban ngày, ở bếp sau và đóng chặt cửa rả; nhưng thông thường những đoạn nhạc thành công hơn của cậu vẫn lọt được vào phòng khách, bất chấp những sự phòng ngừa ấy, và khiến mẹ cậu gần như trào nước mắt.
Bà nói nó làm bà nhớ lại ông bố tội nghiệp của bà (ông này bị một con cá mập nuốt chửng, thật tội nghiệp, trong khi đang tắm ngoài biển New Guinea – mối liên hệ giữa hai chuyện này là gì thì bà ta không tài nào giải thích được.)
Thế rồi họ dựng cho cậu ta một góc nhỏ ở cuối vườn, cách nhà khoảng một phần tư dặm, và bắt cậu ta khi nào muốn chơi thì mang kèn ra đó; đôi khi nhà có vị khách chưa biết sự tình đến chơi, mà người ta lại quên mất không kể chuyện này để cảnh báo anh ta, vậy là anh ta bèn thơ thẩn ra vườn và bỗng dưng lọt ngay vào tầm nghe của tiếng kèn túi trong khi không hề chuẩn bị gì, cũng như không hay biết nó là gì. Nếu đó là một người tinh thần vững vàng, nó chỉ khiến anh ta bực mình thôi; nhưng nếu đó là một người có trí tuệ trung bình, anh ta dễ phát điên lắm.
Cũng phải thừa nhận rằng có gì đó rất buồn bã trong những nỗ lực ban đầu của một người chơi kèn túi nghiệp dư. Chính tôi cũng cảm thấy thế khi nghe người bạn trẻ của mình chơi nhạc. Có vẻ như đó là một nhạc cụ rất khó biểu diễn. Ta phải gom đủ hơi cho toàn bộ giai điệu trước khi bắt đầu – ít nhất đó cũng là điều tôi đúc rút được từ việc quan sát Jefferson.
Cậu ta bắt đầu vô cùng hoành tráng với một nốt nhạc hoang dại, âm lượng tối đa, giống như âm thanh chiến trận, khiến ta tràn đầy cảm hứng. Nhưng rồi cậu ta càng lúc càng thổi một cách êm dịu hơn, và nói chung khúc cuối cùng thường tắt lịm nửa chừng với tiếng phì phì và tiếng rít lên.
Để chơi kèn túi bạn cần phải có sức khỏe.
Chàng thanh niên Jefferson chỉ học một điệu kèn: nhưng tôi không bao giờ nghe thấy bất kỳ lời phàn nàn nào về vốn tiết mục nghèo nàn của cậu – không lời nào cả. Điệu nhạc đó là “Những người lính Campbell đang đến, Hurah… Hurah!” cậu bảo thế, mặc dù bố cậu luôn bảo rằng đó là bài “Những cái chuông xanh Scotland”. Không ai có thể dám chắc bài cậu chơi là gì, nhưng tất cả đều nhất trí rằng có vẻ là nhạc Scotland.
Những người lạ được phép đoán ba lần, và hầu hết đều mỗi lần đoán ra một điệu khác nhau.
Sau bữa tối Harris có vẻ cau có – tôi nghĩ món hầm đã làm hắn khó chịu: hắn vốn không quen với đời sống cao – vì thế George và tôi để hắn lại trên thuyền và dạo một vòng Henley. Hắn bảo hắn nên kiếm một cốc whisky, một cái tẩu, và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho đêm đó. Khi nào quay lại chúng tôi cứ kêu to lên, hắn sẽ chèo từ đảo ra đón chúng tôi.
“Đừng có lăn ra ngủ đấy, anh già,” lúc lên đường chúng tôi dặn hắn.
“Không sợ vấn đề ấy đâu chừng nào cái món hầm này còn trong bụng tớ,” hắn càu nhàu khi chèo về đảo.
Henley đã sẵn sàng cho cuộc đua thuyền và khắp nơi hối hả ồn ào. Chúng tôi gặp kha khá người quen quanh thị trấn, và với sự đồng hành dễ chịu của họ, thời gian trôi qua khá nhanh; vậy nên đã gần mười một giờ đêm khi chúng tôi bắt đầu chặng đường cuốc bộ bốn dặm về nhà – theo cách giờ đây chúng tôi dùng để gọi con thuyền nhỏ của mình.
Đó là một đêm ảm đạm lạnh giá mưa lây rây; và trong lúc lầm lũi băng qua những cánh đồng tối đen vắng vẻ, khe khẽ nói chuyện với nhau và tự hỏi không biết mình có đi đúng đường hay không, chúng tôi nghĩ về con thuyền ấm cúng với ánh đèn rạng rỡ xuyên qua lớp bạt kín; về Harris, con Montmorency, món whisky và ước gì mình đã ở trên thuyền rồi.
Chúng tôi hình dung cảnh mình đang trên thuyền, mệt mỏi và hơi đói; về con sông u ám và cây cối không hình không dạng; và như một con đom đóm khổng lồ bên dưới chúng là con thuyền cũ kỹ thân yêu của chúng tôi, gọn gàng xinh xắn, ấm cúng và vui vẻ. Chúng tôi có thể thấy mình đang ăn tối ở đó, nhấm nháp món thịt nguội và chuyền tay nhau những khoanh bánh mì; chúng tôi có thể nghe thấy tiếng dao nĩa lách cách vui tai, tiếng cười tràn ngập không gian và qua khe hở tuôn trào ra trời đêm. Và chúng tôi rảo bước để biến viễn cảnh đó thành hiện thực.
Cuối cùng chúng tôi cũng tới được đường kéo thuyền, và điều này khiến chúng tôi hân hoan vô cùng; bởi vì trước đó chúng tôi không chắc mình đang tiến về phía con sông hay đi xa khỏi nó, và khi đã mệt mỏi, buồn ngủ thì những sự không chắc chắn ấy thường khiến ta lo lắng. Chúng tôi qua Shiplake khi chuông đồng hồ điểm mười hai giờ kém mười lăm, và rồi George nói vẻ suy tư:
“Cậu có tình cờ nhớ ra đấy là hòn đảo nào không?”
“Không,” tôi trả lời, cũng bắt đầu trở nên suy tư. “Tớ không nhớ. Có bao nhiêu đảo tất cả nhỉ?”
“Chỉ có bốn thôi,” George trả lời. “Rồi sẽ ổn thôi, miễn là cậu ta còn thức.”
“Thế nếu không thì sao?” tôi hỏi; nhưng chúng tôi gạt dòng suy tưởng ấy đi.
Khi đến đối diện với hòn đảo đầu tiên, chúng tôi gào lên gọi, nhưng không có tiếng trả lời; vì thế chúng tôi đi đến gần hòn đảo thứ hai và thử lại, rồi cũng nhận được kết quả tương tự.
“Ôi! Bây giờ thì tớ nhớ ra rồi,” George nói, “đó là hòn đảo thứ ba.”
Vậy là chúng tôi khấp khởi hy vọng chạy tới hòn đảo thứ ba, cất tiếng gọi.
Không có trả lời!
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Giờ đã quá nửa đêm. Các khách sạn ở Shiplake và Henley đều đông nghịt; còn chúng tôi thì chẳng thể đi vòng vòng, dựng các chủ nhà dậy giữa đêm để hỏi xem họ còn chỗ ngủ không! George gợi ý đi bộ quay lại Henley và tấn công một viên cảnh sát, và nhờ thế sẽ có được một đêm trọ tại đồn. Nhưng rồi lại nảy ra ý nghĩ, “Thế nhỡ anh ta chỉ nện trả chứ không chịu nhốt chúng ta lại!”
Chúng tôi không thể mất cả đêm đánh nhau với cảnh sát. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không muốn làm quá tay để lĩnh sáu tháng tù giam.
Một cách tuyệt vọng, chúng tôi thử với cái trong bóng tối có vẻ như là hòn đảo thứ tư, nhưng cũng không nhận được kết quả khả quan hơn. Mưa đang rơi mau hạt, và rõ ràng là còn lâu mới tạnh. Chúng tôi ướt như chuột lột, lạnh cóng và khốn khổ. Chúng tôi bắt đầu tự hỏi không biết có phải chỉ có bốn hòn đảo hay không, liệu chúng tôi có đến gần hòn đảo nào thật không, hay liệu chúng tôi đang ở đâu đó cách độ một dặm so với nơi chúng tôi cần đến hay đã sang nhầm bờ sông bên kia rồi; trong bóng tối mọi thứ trông thật kỳ lạ và rất khác. Chúng tôi bắt đầu hiểu những gì mà những đứa trẻ lạc trong rừng phải chịu đựng.
Ngay khi chúng tôi đã từ bỏ mọi hy vọng – vâng, tôi biết trong tiểu thuyết và truyện kể đấy luôn là lúc mọi chuyện xảy ra, nhưng tôi chẳng thể làm khác được. Khi bắt tay viết cuốn sách này, tôi đã quyết tâm sẽ tuyệt đối trung thực trong mọi chuyện, vậy nên tôi sẽ làm vậy, cho dù có phải sử dụng những cụm từ nhàm chán cho mục đích ấy.
Đó chính là lúc chúng tôi đã từ bỏ mọi hy vọng, vì vậy tôi phải nói như thế. Vậy là, đúng lúc chúng tôi đã từ bỏ mọi hy vọng, bỗng nhiên tôi nhìn thấy phía dưới chúng tôi một quãng ngắn, một tia sáng kỳ lạ le lói giữa đám cây cối ở bờ sông bên kia. Trong một thoáng tôi đã nghĩ đó là ma; ánh sáng ấy kỳ lạ mờ ảo đến thế kia mà. Khoảnh khắc tiếp theo trong tôi lóe lên suy nghĩ đó là con thuyền của chúng tôi, và tôi gào vọng sang bờ bên kia một tiếng lớn đến nỗi khiến cho đêm dường như cũng rung lên trên giường ngủ của nó.
Chúng tôi nín thở chờ một lát, và rồi – ôi! thứ âm nhạc thần thánh nhất của bóng đêm! – chúng tôi nghe thấy tiếng sủa trả lời của con Montmorency. Chúng tôi đáp lại bằng một tiếng gào đủ để đánh thức đến bảy nàng công chúa ngủ trong rừng ấy chứ – chính tôi cũng không bao giờ hiểu nổi tại sao đánh thức bảy nàng công chúa ngủ trong rừng lại cần nhiều âm thanh hơn so với khi đánh thức một nàng – và, sau một lúc tưởng như cả tiếng đồng hồ, nhưng thật ra chắc chỉ độ năm phút, chúng tôi nhìn thấy chiếc thuyền sáng trưng đang chậm chạp bò qua bóng tối và nghe thấy giọng Harris ngái ngủ hỏi xem chúng tôi đang ở đâu.
Ở Harris có một vẻ kỳ lạ không thể lý giải được. Có gì đó còn hơn cả sự mệt mỏi bình thường. Hắn kéo thuyền lên một góc bờ mà chúng tôi không thể trèo lên thuyền từ đó được và ngay lập tức lăn ra ngủ.
Phải mất một tràng la hét gào rống đáng kể mới đánh thức hắn dậy lần nữa và làm hắn hiểu được chút ít vấn đề; nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thành công và lên thuyền an toàn.
Harris có vẻ hết sức buồn bã, chúng tôi nhận thấy thế khi đã lên được thuyền. Hắn gợi cho ta ý nghĩ về một người đã trải qua nhiều sóng gió. Chúng tôi hỏi có chuyện gì không, và hắn trả lời:
“Thiên nga!”
Có vẻ như chúng tôi đã buộc thuyền khá gần một tổ thiên nga, và ngay sau khi George và tôi đi khỏi, con thiên nga mái quay về làm om sòm hết cả lên. Haris xua nó đi, vậy là nó đi, và tìm ông bố già của nó. Harris nói hắn đã chiến đấu ra trò với hai con thiên nga này; nhưng cuối cùng lòng can đảm cùng sự khéo léo đã thắng thế, và hắn đã đánh bại chúng.
Nửa giờ sau chúng quay lại với mười tám con thiên nga khác! Đấy hẳn là một trận chiến kinh hoàng, theo như chúng tôi hiểu từ lời Harris. Lũ thiên nga cố lôi hắn và con Montmorency ra khỏi thuyền để dìm xuống nước, vậy là hắn phải tự vệ như một anh hùng trong suốt bốn tiếng đồng hồ và cũng giết được kha khá, rồi tất cả bọn chúng đều phải bơi đi chịu chết.
“Cậu nói có bao nhiêu con thiên nga?” George hỏi.
“Ba mươi hai,” Harris ngái ngủ trả lời.
“Vừa nãy cậu bảo là có mười tám con,” George nói.
“Không, tớ bảo thế bao giờ,” Harris làu nhàu; “tớ bảo mười hai mà. Cậu nghĩ tôi không biết đếm hẳn?”
Chúng tôi không bao giờ tìm hiểu được sự thật về lũ thiên nga này. Sáng hôm sau chúng tôi hỏi Harris về vấn đề này, vậy là hắn bảo, “Thiên nga nào?” và có vẻ như nghĩ chắc George và tôi đã mơ ngủ.
Ôi, tuyệt vời biết bao khi chúng tôi được an toàn trên thuyền sau những nỗi sợ hãi và thử thách ấy! Chúng tôi, George và tôi, ăn bữa khuya một cách nhiệt tình, và hẳn là sau đó đã uống thêm chút rượu mạnh nếu có thể tìm được whisky, nhưng chúng tôi không tìm thấy. Chúng tôi tra hỏi Harris xem hắn đã làm gì với chỗ rượu; nhưng hình như hắn không hiểu “whisky” mà chúng tôi nhắc đến nghĩa là gì, hoặc không hiểu chúng tôi đang nói chuyện gì. Con Montmorency nhìn cứ như thể biết chuyện gì đó, nhưng tịnh không nói một câu.
Đêm đó tôi ngủ khá ngon giấc, và lẽ ra còn ngủ ngon hơn nếu không có Harris. Tôi nhớ mang máng là cả đêm đã bị đánh thức ít nhất chục lần vì Harris cứ cầm đèn bão lang thang quanh thuyền để tìm quần áo. Có vẻ như hắn lo lắng về chỗ quần áo của mình suốt cả đêm.
Hắn đã hai lần lăn tôi và George sang một bên để xem liệu chúng tôi có nằm lên quần của hắn không. Đến lần thứ hai thì George nổi điên.
“Giữa đêm giữa hôm cậu muốn làm gì trò khỉ gì với cái quần ấy hả?” hắn hỏi đầy căm phẫn. “Sao không nằm xuống ngủ đi hả?”
Lần bị đánh thức tiếp theo tôi thấy hắn đang gặp vấn đề vì không làm sao tìm ra đôi tất; và ký ức mơ hồ cuối cùng của tôi là về chuyện mình bị lăn sang một bên và nghe thấy Harris lầm bầm gì đó về việc thật kỳ lạ vì cái ô của hắn đã biến đi đâu mất tiêu.
Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) - Jerome K. Jerome Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)