Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Jerome K. Jerome
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Three Men In A Boat
Dịch giả: Petal Lê
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2109 / 149
Cập nhật: 2016-06-20 20:55:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
Vấn đề thức ăn – Những sự phản đối về dầu hỏa với tư cách là môi trường hít thở – Những lợi ích của pho mát như một vật đồng hành khi đi du lịch – Một phụ nữ đã có chồng bỏ mặc tổ ấm của cô – Những thức ăn dự trữ thêm đề phòng lật thuyền – Tôi đóng gói hành lý – Sự cứng đầu cứng cổ của mấy cái bàn chải đánh răng – George và Harris đóng gói hành lý – Cách hành xử kinh khủng của Montmorency – Chúng tôi lui về nghỉ ngơi.
SAU ĐÓ CHÚNG TÔI thảo luận sang vấn đề thức ăn. George bảo:
“Bắt đầu với bữa sáng.” (George thật hết sức thực tế.) “Chúng ta sẽ cần một cái chảo rán cho bữa sáng,” – (Harris nói cái ấy không tiêu hóa được; nhưng chúng tôi chỉ bảo hắn đừng có mà phá đám, rồi George nói tiếp) – “một ấm trà và một cái ấm đun nước, và bếp cồn nữa.”
“Không dầu hỏa,” George nói với vẻ mặt nghiêm trọng; Harris và tôi đồng ý.
Chúng tôi đã có lần mang bếp dầu theo, nhưng “không bao giờ như thế nữa”. Như thể chúng tôi đã sống cả tuần đó trong cửa hàng bán dầu vậy. Dầu bị rò ra. Tôi chưa bao giờ thấy cái gì như dầu hỏa bị rò rỉ. Chúng tôi để dầu ở mũi thuyền, và từ đó nó rỉ xuống đến bánh lái, tẩm đẫm cả con thuyền và mọi thứ trên đường đi của nó, và rỉ xuống sông, ngấm hết vào cảnh vật và hủy hoại bầu không khí. Thỉnh thoảng một cơn gió Tây sặc mùi dầu thổi qua, và có lúc là cơn gió Đông sặc mùi dầu, và thỉnh thoảng lại là cơn gió Nam sặc mùi dầu, và có lẽ cả một cơn gió Bắc sặc mùi dầu nữa; nhưng dù cơn gió đến từ Bắc Cực hay bốc lên trong miền hoang tàn của vùng sa mạc thì nó cũng đến với chúng tôi cùng mùi hương dầu hỏa đậm đặc.
Và cái thứ dầu đó còn tiếp tục rò rỉ và phá hỏng cảnh hoàng hôn; và ánh trăng thì đã cực kỳ sặc mùi dầu hỏa.
Chúng tôi đã cố chạy khỏi nó ở Marlow. Chúng tôi bỏ thuyền ở cạnh cầu và đi dạo một vòng thị trấn để trốn chạy khỏi nó, nhưng nó vẫn theo chúng tôi. Khắp thị trấn này đầy dầu hỏa. Chúng tôi đi qua nghĩa trang trong nhà thờ, và có vẻ như người ta được chôn cất trong dầu thì phải. Phố Thượng nồng nặc mùi dầu; chúng tôi tự hỏi làm thế nào mà người ta có thể sống trong con phố ấy. Và chúng tôi đi hàng dặm hàng dặm trên đường Birmingham; nhưng chẳng có tác dụng gì hết, đất nước này đã bị ngâm trong dầu hỏa mất rồi.
Cuối chuyến đi đó, chúng tôi tụ tập lúc nửa đêm trên một cánh đồng cô quạnh, dưới một cây sồi khô héo và cùng nhau thề một lời thề khủng khiếp (chúng tôi đã chửi thề cả một tuần liền về cái thứ dầu hỏa kia theo cách phổ biến của giai cấp trung lưu, nhưng đây là một vụ quan trọng) – một lời thề trang trọng kinh khủng khiếp là không bao giờ mang dầu hỏa lên thuyền nữa, dĩ nhiên là trừ trường hợp đau ốm.
Vì thế, trở lại tình huống hiện tại, chúng tôi tự hạn chế bản thân với cồn metylen. Như thế là tệ lắm rồi. Bạn sẽ có bánh kẹp metylen và bánh kem metylen. Nhưng khi hấp thụ vào cơ thể với số lượng lớn thì cồn metylen vẫn lành hơn dầu hỏa chán.
Về những thứ khác cho bữa sáng, George gợi ý trứng và thịt lợn muối vốn là những món dễ nấu, thịt nguội, trà, bánh mì và bơ, cả mứt nữa. Còn bữa trưa, hắn nói, chúng tôi có thể xơi bánh bích quy, thịt nguội, bánh mì và bơ, cả mứt nữa – nhưng không pho mát. Pho mát, cũng như dầu hỏa, thường phóng đại bản thân quá mức. Nó muốn cả con thuyền là của riêng nó. Nó đi xuyên qua giỏ đựng và ướp mùi pho mát cho tất cả mọi thứ xung quanh. Ta không thể chắc mình đang ăn bánh táo hay xúc xích Đức, hay dâu và kem nữa. Tất cả chúng đều giống pho mát cả. Pho mát quá chi là nặng mùi.
Tôi nhớ, có lần một người bạn của tôi mua ít pho mát ở Liverpool. Đó là những tảng pho mát tuyệt vời, ngấu và dịu, kèm thêm mùi hương hai trăm mã lực đảm bảo có thể bay xa được gần ba dặm và đánh gục một người ở cách đó gần hai trăm mét. Khi ấy, tôi đang ở Liverpool, và bạn tôi nói rằng nếu tôi không phiền thì nhờ tôi mang chúng về London hộ, vì cậu ta không thể về được trong một hay hai ngày tới và cậu ta không nghĩ có thể giữ được cái mớ pho mát ấy lâu hơn.
“Ồ, rất vui lòng, bạn thân mến,” tôi trả lời, “rất vui lòng.”
Tôi nhận chỗ pho mát và mang đi trong xe ngựa. Đó là một thứ xiêu vẹo, bị kéo lê bởi một tạo vật mộng du chân vòng kiềng thở hổn hển, một con vật mà chủ của nó, trong khoảnh khắc chuyện trò hưng phấn, đã gọi là một con nghẽo. Tôi chất mớ pho mát lên nóc xe, và chúng tôi khởi hành bằng một cú lết sẽ mang lại danh tiếng cho cái xe lu chạy bằng hơi nước nhanh nhất trần đời, và tất cả lên đường vui vẻ như nhạc đám ma, cho đến khi chúng tôi đến một chỗ ngoặt. Ở đấy cơn gió đã quất một cái vút từ đám pho mát xuống chỗ con chiến mã của chúng tôi. Cơn gió đã đánh thức chú, và, với một cái khịt mũi kinh hoàng, chú nghẽo phi cật lực với tốc độ gần ba dặm một giờ. Cơn gió vẫn thổi xuôi theo hướng chú, và trước khi chúng tôi đến cuối phố, chú đã nằm rạp ra phi với tốc độ gần bốn dặm một giờ, không để một người tàn tật hay một quý bà già nua béo ú nào còn xuất hiện trong tầm mắt.
Phải cần đến hai người bốc vác và cả người lái xe mới giữ nổi chú ở nhà ga; và kể cả đến lúc ấy tôi vẫn nghĩ họ chắc sẽ không thể giữ nổi nếu như một người trong nhóm không có được sự tỉnh táo kịp thời để buộc một chiếc khăn tay qua mũi chú và đốt mảnh giấy nâu khử mùi.
Tôi cầm vé và hùng dũng mang theo mớ pho mát diễu hành lên thềm ga trong khi mọi người kính cẩn dạt sang cả hai bên. Con tàu đông nghẹt, và tôi phải chen vào một toa hành khách đã có đến bảy người khác đang ngồi. Một quý ông có tuổi cục cằn phản đối, nhưng tôi vẫn cứ chen vào; đặt mớ pho mát của mình lên giá, cúi xuống chào với nụ cười hồ hởi và nói rằng thật là một ngày ấm áp quá. Vài khoảnh khắc qua đi, và rồi quý ông có tuổi bắt đầu bồn chồn ngọ nguậy.
“Ở đây chật quá nhỉ,” ông ta nói.
“Thực sự rất ngột ngạt,” người đàn ông ngồi cạnh ông ta nói.
Và rồi cả hai bắt đầu khụt khịt, và đến cái khụt khịt thứ ba, họ hít phải chính nó vào giữa lồng ngực, đứng lên mà không nói thêm lời nào nữa và đi ra. Và rồi đến một quý bà mập mạp đứng lên và nói rằng thật đáng hổ thẹn khi một người phụ nữ đã kết hôn đáng kính bị quấy rầy như thế này, và bà thu dọn túi xách cùng tám gói đồ của mình bỏ đi. Bốn hành khách còn lại ngồi tiếp một lúc nữa, cho đến khi một ông trông có vẻ nghiêm trang ngồi trong góc, mà dựa vào quần áo và vẻ bề ngoài thì hẳn là người làm trong ngành dịch vụ tang lễ, nói rằng nó khiến ông ta nghĩ đến một em bé bị chết; và ba vị khách còn lại cố gắng xông ra khỏi cửa cùng một lúc, kết quả là tự làm mình bị thương.
Tôi mỉm cười với quý ông da đen còn lại và nói rằng tôi nghĩ chúng tôi sẽ có nguyên cả toa tàu làm của riêng; ông ta cười thân mật và nói, một số người làm rộn hết cả lên chỉ vì một thứ nhỏ nhoi bé tí. Nhưng sau khi chúng tôi khởi hành, đến cả ông ta cũng trở nên ức chế một cách kỳ lạ, và vì thế, khi đến Crewe, tôi mời ông ta đi uống chút gì đó. Người đàn ông nhận lời và chúng tôi chen đến chỗ bán đồ ăn tự chọn, ở đó chúng tôi phải la hét, dậm chân và vung vẩy ô độ một phần tư giờ đồng hồ mới thấy một quý cô trẻ tuổi đến hỏi chúng tôi muốn gì.
“Ông muốn gì?” tôi nói, quay sang ông bạn kia.
“Phiền cô cho nửa đồng curon rượu brandy, nguyên chất nhé,” ông ta đáp lại.
Và sau khi uống cạn cốc ấy, ông ta lặng lẽ đi ra và chui vào toa khác, một hành vi mà tôi cho thật quá ư là tệ.
Từ Crewe trở đi, dù tàu đông nghịt thì tôi vẫn có nguyên cả toa cho mình. Khi chúng tôi đến những ga khác nhau, người ta nhìn thấy toa tàu trống của tôi và lao đến. “Đây này, Maria; đến đây, còn đầy chỗ.” “Được rồi, Tom; chúng ta sẽ vào đây,” họ hét lên thế. Và họ chạy đến, vác theo những túi xách nặng trĩu và giằng giật với nhau ở cửa để được vào trước. Và cái người đầu tiên đã mở được cửa ra, bước lên các bậc lên xuống ấy sẽ giật lùi lại vào vòng tay người đi sau anh ta; và tất cả bọn họ sẽ lại gần rồi khụt khịt mũi, sau đó đều bỏ đi và chen chúc len vào các toa khác, hoặc trả phí chênh lệch để lên toa hạng nhất ngồi.
Từ ga Euston, tôi mang pho mát đến nhà bạn tôi. Khi vợ anh ta bước vào phòng, cô ta hít hít ngửi ngửi xung quanh một lúc. Thế rồi cô ta bảo:
“Cái gì thế? Kể cho tôi tin xấu nhất ấy.”
Tôi nói:
“Pho mát. Tom mua chúng ở Liverpool và nhờ tôi mang về.”
Và tôi nói thêm rằng tôi hy vọng cô hiểu việc này chẳng liên quan gì đến tôi cả; và cô ta nói chắc chắn cô nghĩ như thế, nhưng cô sẽ nói chuyện với Tom về nó khi anh này quay về.
Bạn tôi bị giữ chân ở Liverpool lâu hơn dự tính; và ba ngày sau, vì anh ta vẫn chưa về nhà, vợ Tom đến gặp tôi. Cô ta hỏi:
“Tom đã nói gì về chỗ pho mát này?”
Tôi đáp lại rằng anh ta đã hướng dẫn rằng cần giữ nó ở một chỗ ẩm và rằng không ai được sờ vào.
Cô ta bảo:
“Chắc chẳng ai sờ vào cái của ấy đâu. Anh ấy đã ngửi nó chưa thế?”
Tôi nghĩ là rồi, và nói thêm rằng có vẻ anh ta hết sức gắn bó với chúng.
“Anh nghĩ anh ấy có cáu không,” cô ta hỏi, “nếu tôi cho ai đấy cái quyền mang nó đi xa mà chôn quách nó xuống đất cho xong?”
Tôi trả lời rằng, tôi nghĩ Tom sẽ không bao giờ mỉm cười nữa.
Thế rồi cô ta nảy ra một ý và bảo:
“Anh có phiền nếu giữ nó hộ anh ấy không? Để tôi gửi đến cho anh nhé?”
“Thưa cô,” tôi trả lời, “cá nhân tôi thì thích mùi pho mát, và tôi sẽ coi chuyến đi hôm trước cùng cái chỗ pho mát ấy từ Liverpool về đây như một cái kết có hậu cho một kỳ nghỉ vui vẻ. Nhưng trên thế gian này chúng ta cũng phải biết quan tâm đến người khác chứ. Quý bà mà tôi có vinh dự ở chung dưới cùng một mái nhà là một góa phụ, và, theo như những gì tôi biết được, có lẽ còn có một đứa con mồ côi nữa. Bà ấy có một sự phản đối mạnh mẽ, tôi có thể nói hơi có vẻ bóng bẩy như thế, với thứ mà bà ấy gọi là ’ngược đãi’. Theo bản năng, tôi cảm thấy bà ấy sẽ coi sự có mặt của chỗ pho mát của chồng cô trong nhà bà ấy như một ’sự ngược đãi’; và xin nói với cô rằng không bao giờ có chuyện để người ta nói tôi đã ngược đãi bà góa con côi được.”
“Thôi được rồi,” vợ bạn tôi nói, cao giọng lên, “tất cả những gì tôi cần nói là tôi sẽ mang bọn trẻ đến khách sạn cho đến khi mớ pho mát ấy được ăn hết. Tôi còn lâu mới sống chung một mái nhà với nó thêm chút nào nữa.”
Cô ta giữ lời, để lại ngôi nhà cho bà giúp việc trông coi, một người mà khi được hỏi liệu bà ta có thể chịu được mùi đó không thì đã trả lời, “Mùi nào cơ?” và là người mà khi được yêu cầu hít vào thật mạnh khi đến gần chỗ pho mát đã nói rằng bà ta nhận ra phảng phất như có mùi quả dưa. Từ đây có thể đoán rằng một chấn thương nhỏ nào đó đã khiến bà ta không còn cảm giác với bầu không khí xung quanh, và người ta để bà lại đấy.
Hóa đơn khách sạn lên đến mười lăm ghi nê; và bạn tôi, sau khi tính toán tất cả mọi thứ, thấy rằng chỗ pho mát đã làm anh ta tốn đến tám shilling bốn penny một pound. Bạn tôi nói rằng anh ta thật sự rất thích có một ít pho mát, nhưng như thế này thì vượt quá khả năng của anh ta rồi; vì thế anh ta quyết định sẽ thoát khỏi nó. Anh ta ném nó xuống kênh; nhưng rồi phải dùng lưới vớt lên vì những ông chủ sà lan phàn nàn ghê quá. Họ nói nó khiến họ suýt nữa thì phát ngất. Và sau đó, vào một đêm tối trời, bạn tôi mang chỗ pho mát bỏ lại ở nhà xác của giáo khu. Nhưng nhân viên điều tra những cái chết bất thường đã tìm ra và làm ầm ĩ đến phát khiếp lên, lại còn bảo rằng đấy là một âm mưu lấy mạng anh ta bằng cách dựng các xác chết sống lại.
Cuối cùng, bạn tôi cũng thoát được chỗ pho mát bằng cách mang nó đến một thị trấn duyên hải và chôn trên bãi biển. Nó đã đem đến danh tiếng lẫy lừng cho vùng đất ấy. Du khách nói rằng trước đây họ chưa bao giờ để ý thấy không khí ở đây lại nặng mùi đến thế và rồi hàng đoàn những người hay mắc các bệnh về ngực và mắc bệnh ho lao đã kéo đến đây đông nghịt suốt nhiều năm sau đó.
Vì thế dù rất chuộng pho mát, tôi vẫn kiên quyết cho rằng George đã đúng trong việc từ chối không mang đi chút pho mát nào.
“Chúng ta sẽ không cần bữa trà nào cả,” George nói (mặt Harris xị xuống khi nghe câu này), “nhưng chúng ta sẽ có một bữa ăn đầy đặn ngon lành vào lúc bảy giờ – kết hợp bữa tối, bữa trà và bữa ăn khuya.”
Mặt Harris tươi lên một tí. George đề xuất món thịt và bánh hoa quả, thịt nguội, cà chua, hoa quả và các loại rau xanh. Về đồ uống, chúng tôi mang đi một ít đồ uống tự pha sóng sánh tuyệt vời của Harris, thứ sẽ được gọi là nước chanh nếu bạn trộn cho nó ít nước; thật nhiều trà, và một chai whisky phòng trường hợp, như George nói, chẳng may chúng tôi bị lật thuyền.
Với tôi thì có vẻ George đã lải nhải quá nhiều về cái ý tưởng bị lật thuyền. Theo tôi, hình như đó không phải trạng thái tinh thần thích hợp để bắt đầu chuyến đi cho lắm. Nhưng tôi mừng là chúng tôi đã mang whisky đi.
Chúng tôi không mang theo bia hay rượu vang. Món ấy là cả một sai lầm khi ta đang lênh đênh trên sông nước. Chúng khiến ta buồn ngủ và nặng đầu. Một cốc vào buổi tối khi đi thơ thẩn quanh thành phố và ngắm nhìn các cô gái thì được; nhưng đừng có uống khi mặt trời đang đốt cháy trên đầu và ta có bao nhiêu việc nặng nhọc cần làm.
Chúng tôi lên danh sách những thứ cần mang đi và đấy đã là một danh sách dài ngoẵng trước khi chúng tôi tạm biệt nhau tối hôm đó. Tối hôm sau, tức là ngày thứ Sáu, chúng tôi gặp nhau để đóng gói hành lý. Chúng tôi có một cái va li Gladstone to đựng quần áo, vài cái giỏ mây đựng thực phẩm và dụng cụ nấu ăn. Chúng tôi đẩy cái bàn ra sát cửa sổ, chất mọi thứ thành một đống ở giữa nhà và ngồi xung quanh ngắm cái mớ ấy.
Tôi bảo cứ để tôi làm cho.
Tôi khá tự hào về khả năng đóng gói hành lý của mình. Đóng gói là một trong số những việc tôi cảm thấy mình biết nhiều hơn bất kỳ ai đang sống trên đời này. (Đôi khi chính tôi cũng ngạc nhiên, sao mình giỏi nhiều thứ thế?) Tôi nhấn mạnh thực tế đó với George và Harris và bảo rằng tốt hơn là bọn hắn nên để toàn bộ việc đó cho tôi. Hai tên này đồng ý ngay tắp lự, với một sự nhanh nhẩu có gì đó hơi vượt quá mong đợi. George ngậm một cái tẩu và nằm duỗi chân duỗi tay trên cái ghế lười, còn Harris thì vắt chân lên bàn và châm một điếu xì gà.
Đây không phải điều tôi dự tính. Ý tôi là, dĩ nhiên là tôi sẽ chỉ đạo việc này, và rằng Harris và George sẽ làm các việc vặt dưới sự hướng dẫn của tôi, thỉnh thoảng tôi sẽ gạt bọn hắn sang một bên và nói những câu kiểu như “Ôi, cậu thật là…!” “Đưa đây, để tôi làm cho.” “Đây này, đơn giản không!” – dạy cho bọn hắn cách làm, bạn có thể nói thế cũng được. Cái cách mà bọn hắn tiếp nhận ý tưởng này thật sự làm tôi khó chịu. Chẳng có gì làm tôi khó chịu hơn việc nhìn những người khác ăn không ngồi rồi trong khi mình thì đang làm việc.
Tôi từng sống với một gã thường làm tôi phát điên theo kiểu đó. Hắn ta cứ quanh quẩn bên ghế sofa và nhìn tôi làm việc hàng giờ liền, nhìn theo tôi bất kể tôi đi đến chỗ nào trong phòng. Hắn nói việc nhìn tôi làm lộn xộn mọi thứ hết lên rất có lợi cho hắn. Hắn lại còn bảo rằng việc đó khiến hắn cảm thấy cuộc sống không phải một giấc mơ tẻ nhạt để người ta luôn há hốc mồm và ngáp suốt, mà là một nhiệm vụ cao cả, đầy trách nhiệm và khó khăn. Hắn nói, trước khi gặp được tôi, hắn thường băn khoăn tự hỏi không biết mình rồi sẽ thế nào, và chẳng bao giờ có ai để cho hắn nhìn khi họ đang làm việc cả.
Thế đấy, tôi thì không như thế được. Tôi không thể ngồi im mà nhìn người khác làm quần quật như nô lệ. Tôi muốn đứng lên và giám sát, đút tay vào túi quần đi vòng quanh, và bảo người ta cần phải làm gì. Nó là nhu cầu tự nhiên vô cùng mạnh mẽ. Tôi không thể cưỡng lại được.
Tuy nhiên tôi đã không nói gì cả mà bắt tay vào đóng gói. Có vẻ như việc đó mất thời gian hơn tôi nghĩ; nhưng cuối cùng tôi cũng đóng gói xong xuôi, tôi ngồi lên cái va li và kéo khóa lại.
“Cậu không cho mấy đôi giày ống vào à?” Harris nói.
Vậy là tôi nhìn quanh và nhận ra mình đã quên béng mất đôi giày ống. Đây đúng là cái kiểu của Harris. Hắn chẳng nói chẳng rằng cho đến khi tôi đã đóng va li lại và kéo khóa, dĩ nhiên là thế. Và George thì cười khúc khích – một trong những kiểu cười khó chịu điên rồ ngu ngốc khó nghe thành tiếng của tên này. Chúng làm tôi điên tiết.
Tôi mở va li ra và nhét đôi giày ống vào; và lúc đó, ngay khi sắp sửa đóng cái va li lại, một ý nghĩ kinh khủng nảy ra trong óc tôi. Tôi đã cho bàn chải đánh răng của mình vào chưa nhỉ? Tôi chẳng hiểu làm sao, nhưng đúng là tôi chưa bao giờ biết mình đã đóng gói cái bàn chải của mình hay chưa cả.
Bàn chải đánh răng là sự ám ảnh thường trực của tôi khi đi du lịch, và nó biến đời tôi thành một nỗi khốn khổ vô biên. Tôi mơ thấy mình chưa đóng gói cái bàn chải, và tỉnh dậy trong mồ hôi lạnh, nhảy khỏi giường và săn lùng nó. Và, vì buổi sáng tôi đã đóng gói cái bàn chải trước khi dùng, nên bây giờ tôi lại phải dỡ đồ ra để lấy nó, và nó luôn là thứ cuối cùng tôi lôi được ra khỏi va li; và tôi đã lại đóng gói lại và quên xừ nó mất, và lại phải lao lên gác tìm nó vào phút chót và mang nó ra ga tàu, gói bằng khăn mùi xoa để trong túi quần.
Dĩ nhiên bây giờ tôi phải đổ hết tất cả mọi thứ nặng nề ra ngoài, và dĩ nhiên là vẫn không thể tìm thấy nó. Tôi lục tung tất cả lên, trả đồ đạc trở lại tình trạng của chúng trước khi thế giới được tạo thành và khi hỗn mang ngự trị. Dĩ nhiên rồi. Tôi tìm thấy bàn chải răng của Harris và George mười tám lần tất cả, nhưng không tài nào tìm ra cái bàn chải của tôi. Tôi xếp lại từng thứ một, vừa nhấc lên vừa lắc. Thế rồi tôi cũng tìm thấy nó trong một cái giày ống. Tôi đóng gói mọi thứ lại một lần nữa.
Khi tôi đã làm xong, George mới hỏi xà phòng đã có trong ấy chưa. Tôi nói, tôi cóc thèm quan tâm quái gì đến việc liệu xà phòng đã ở trong ấy hay chưa; tôi đóng sập va li vào, kéo khóa lại và thấy rằng tôi đã bỏ cả cái túi đựng thuốc lá của mình trong đấy và lại phải mở va li ra. Cuối cùng, đến mười giờ năm phút cái va li đã được đóng xong và vẫn còn nguyên các hòm mây chưa đụng chạm gì. Harris bảo nếu chúng tôi muốn khởi hành trước mười hai tiếng nữa thì tốt hơn hắn và George nên làm nốt những gì còn lại: tôi nhất trí, ngồi xuống và để bọn hắn làm nốt.
Bọn hắn bắt đầu với thái độ thư thái ung dung, rõ ràng định để cho tôi thấy cần phải làm thế nào. Tôi chẳng bình luận gì; chỉ ngồi đó mà chờ. Khi George đã bị trói chân trói tay rồi thì Harris sẽ là người đóng gói hành lý tệ nhất trần đời; và tôi nhìn đống đĩa tách, ấm đun nước, các hũ, và bánh, và lò, và bánh ngọt, và cà chua v.v… cảm thấy việc này rồi sẽ sớm trở nên thú vị ngay thôi.
Quả đúng thế. Bọn hắn bắt đầu bằng việc làm vỡ một cái tách. Đó là việc đầu tiên bọn hắn làm. Hai tên đó làm thế chỉ để cho ta thấy rằng bọn hắn có thể làm gì, và để khiến cho ta chú ý mà thôi.
Thế rồi Harris đóng gói món mứt dâu lên trên chỗ cà chua và ép bẹp dí chỗ cà chua ấy, và rồi bọn hắn phải lấy thìa xúc chỗ cà chua ấy ra.
Và rồi đến lượt George giẫm chân lên chỗ bơ. Tôi chẳng nói gì cả mà chỉ đi đến gần, ngồi lên cạnh bàn và nhìn bọn hắn. Việc này làm hai gã ấy bực bội hơn bất kỳ điều gì tôi có thể phát ngôn lúc đó. Tôi cảm thấy thế. Nó khiến bọn hắn căng thẳng và kích động, và cả hai tên giẫm lung tung lên các thứ, để các thứ ra phía sau lưng, và rồi không thể tìm ra thứ gì khi muốn, và bọn hắn lại còn đóng gói chỗ bánh xuống dưới cùng, để các thứ đồ nặng lên trên, kết quả là làm chỗ bánh ấy bẹp dí dì dị.
Bọn hắn đánh đổ muối lên tất cả mọi thứ, cả bơ nữa! Cả đời tôi chưa bao giờ thấy hai gã đàn ông làm được gì nhiều hơn hai gã này với một shilling hai penny tiền bơ. Sau khi George gột bơ ra khỏi đôi dép đi trong nhà của hắn, cả hai ra sức nhồi đống bơ vào cái ấm đun nước. Nhưng nhét không vào, và phần đã vào rồi lại không chịu ra. Cuối cùng thì bọn hắn cũng vét được đống bơ ấy ra và để lên một cái ghế, và rồi Harris ngồi phẹt lên, nó dính luôn vào mông hắn trong khi hai tên thì đi tìm nhặng cả lên khắp căn phòng.
“Tớ thề là tớ đã để nó xuống cái ghế kia,” George nhìn chằm chằm vào cái ghế trống tênh và nói.
“Chính tớ cũng thấy là cậu để xuống đấy chưa đầy một phút trước mà,” Harris bảo.
Thế rồi bọn hắn lại bắt đầu tìm loạn cả phòng lên lần nữa; rồi gặp nhau ở giữa căn phòng, nhìn nhau chằm chằm.
“Đây là chuyện kỳ quặc nhất mà tớ từng nghe nói đến đấy,” George nói.
“Thật bí hiểm hết sức!” Harris bảo.
Thế rồi George đi vòng ra đằng sau lưng Harris và nhìn thấy nó.
“Ôi giời, nó ở đây từ nãy đến giờ này,” hắn thốt lên đầy căm phẫn.
“Ở đâu?” Harris gào lên, quay vòng quanh.
“Cậu đứng im có được không?” George rống lên, lượn vòng vòng đằng sau Harris.
Và bọn hắn lấy chỗ bơ ra và nhét vào trong ấm trà.
Dĩ nhiên con Montmorency có mặt trong toàn bộ sự kiện này. Tham vọng cả đời của Montmorency chính là xen vào chuyện người ta và bị chửi cho vào mặt. Nếu nó có thể len vào bất cứ chỗ nào mà người ta đặc biệt không muốn sự có mặt của nó, và đóng vai kẻ quấy rối một cách hoàn hảo, làm cho người ta nổi điên lên, để rồi bị ném đầy các thứ vào đầu, thì nó mới cảm thấy rằng thời gian của mình không bị lãng phí.
Làm cho ai đó vấp phải và nguyền rủa nó liên tục suốt cả tiếng đồng hồ liền chính là mục tiêu và mục đích cao nhất của nó; và, khi đã thực hiện thành công điều này, cái vẻ dương dương tự đắc của nó trở nên gần như không thể chịu đựng nổi.
Nó đến và ngồi lên mọi thứ đúng lúc người ta cần đóng gói chúng; và với một niềm tin vững chắc, nó lao động bền bỉ để đảm bảo bất kỳ khi nào Harris hay George vươn tay ra tìm thứ gì đó thì y như rằng thứ bọn hắn thấy chính là cái mũi lạnh ẩm ướt của nó. Nó cho chân vào chỗ mứt, quậy tung lũ thìa uống trà lên, lại còn giả vờ như mấy quả chanh là lũ chuột cống, vậy là nhảy luôn vào trong giỏ, làm thịt ba quả trước khi Harris có thể phi cái chảo trúng nó.
Harris bảo rằng tôi khuyến khích nó. Tôi có khuyến khích nó đâu. Một con chó như thế không cần khuyến khích gì cả. Chính cái tội lỗi nguyên thủy, tự nhiên được sinh ra sâu thẳm bên trong Montmorency mới là nguyên nhân khiến nó làm những việc như thế đấy chứ.
Việc đóng gói hoàn tất vào lúc 12 giờ 50; Harris ngồi trên cái hòm mây to và nói rằng hắn hy vọng không có thứ gì bị vỡ. George thì bảo nếu có cái gì vỡ thì nó đã vỡ rồi, ý tưởng này có vẻ làm hắn dễ chịu lắm. Hắn cũng nói hắn đã sẵn sàng đi ngủ. Tất cả chúng tôi đều đã sẵn sàng đi ngủ. Harris sẽ ngủ với chúng tôi một đêm, vậy nên chúng tôi cùng đi lên gác.
Chúng tôi tung đồng xu để chọn giường, và Harris phải ngủ cùng tôi. Hắn hỏi:
“Cậu thích phía trong hay phía ngoài, J.?”
Tôi bảo nói chung tôi thích ngủ trong một cái giường.
Harris nói rằng cái giường đã cũ rồi.
George bảo:
“Tớ sẽ đánh thức hai cậu dậy lúc mấy giờ nào?”
Harris nói:
“Bảy giờ.”
Tôi nói:
“Không, sáu giờ,” bởi vì tôi muốn viết vài bức thư.
Harris và tôi tranh cãi một chút về việc này, nhưng cuối cùng đã lấy trung bình cộng và nhất trí là sáu giờ rưỡi.
“Đánh thức bọn tớ dậy lúc sáu rưỡi nhé George,” chúng tôi nói.
George chẳng trả lời gì cả, và khi lại xem thử, chúng tôi nhận ra hắn đã ngủ lăn quay được một lúc rồi; vì thế chúng tôi để cái chậu tắm vào chỗ hắn có thể lộn cổ vào khi ra khỏi giường sáng hôm sau rồi cũng đi ngủ luôn.
Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) - Jerome K. Jerome Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)