"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Lân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Sakitabi
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2929 / 59
Cập nhật: 2016-06-17 07:58:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ừ đêm nghe tiếng khóc của ông lão ăn mày mù lòa ấy, anh chàng hiệp sĩ gỗ bỗng sinh ra nghĩ ngợi. Tiếng khóc khơi ra trong cái đời sống tù hãm của anh những khát vọng kỳ lạ.
Anh muốn hóa thành người thực, và thanh gươm của anh thành một thanh gươm thực. Anh sẽ mang thanh gươm báu ấy ra khỏi cái hòm gỗ bé nhỏ này bước vào cuộc sống đầy khổ cực, bất công của xã hội bên ngoài kia. Anh sẽ vung thanh gươm ấy lên như khi anh vung gươm diễn trò trên sân khấu, san bằng mọi bất công, oan trái ở trên đời. Anh sẽ làm cho trên mặt đất này không còn có tiếng khóc thảm thiết như tiếng khóc của ông lão ăn mày mù mất chó. Những mơ ước viển vông ấy làm cho anh chàng hiệp sĩ ấy hăng hái, vui sướng, anh nuôi những ý nghĩ ấy trong lòng.
Mấy hôm nay anh chàng hiệp sĩ còn nhận ra ở dưới gốc cây đa đen ngòm và lạnh lẽo kia không phải chỉ có một ông lão ăn mày khóc. Ở đấy còn có nhiều tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở khác nữa. Càng gần ngày giáp tết tiếng rên rỉ từ trong bóng tối cây đa đưa ra càng nhiều. Đó là những người ăn mày, những đứa trẻ vô thừa nhận, những người già ốm yếu không có con cái, cửa nhà; ban ngày lang thang đầu đường xó chợ kiếm ăn, ban đêm lại kéo nhau về nằm vạ nằm vật dưới bóng cây đa này.
Ý muốn hóa thành người thật lại càng nung nấu, day dứt trong người anh chàng hiệp sĩ gỗ.
Một đêm anh đem cái ý nghĩ ấy ra trình bày với các bạn trong họ nhà rối của anh. Anh nói với tất cả tấm lòng tha thiết chân thành của mình. Nhưng bạn rối lúc ấy đang mải cãi nhau về chuyện ngày Tết. Vẫn lại cô công chúa khăn vàng cãi nhau với ông lão say. Mẹ con bà gấu đòi ăn tết mật ong, chị chàng tam thể lại thích tết nhất phải có món thịt chuột, còn anh bò vàng thì run rẩy cãi lại lão hổ xám.
Anh chàng hiệp sĩ phải nói đến lần thứ ba, đám rối mới ngừng cãi nhau để nghe. Và, khi họ nghe thủng cái ý muốn của anh chàng hiệp sĩ rồi thì cả bọn đều lăn ra mà cười. Họ bảo anh ta là đồ dở hơi, đồ gàn, đồ điên... Cái thứ bằng một mẩu gỗ mọt ấy mà dám nghĩ đến chuyện làm người. Gã công tử bột chun mũi lại, mà cười:
- Này anh chàng hiệp sĩ của tôi ơi! Anh đừng tưởng rằng anh tài giỏi gì lắm đâu. Nhà em xin mời ông anh cứ thử bước ra ngoài kia, khỏi cái vòng thơm hắc của mùi băng phiến này xem, mấy cái thằng gián hung tợn ở ngoài ấy nó lại không leo ngay lên mặt anh mà nhấm hết cả hồ dán trên tóc, trên mũ, trên áo quần của anh ấy à. Hừ, tưởng bở!...
Anh chàng hiệp sĩ lặng thinh không nói. Họ không hiểu nổi anh thật. Làm sao mà những con gấu, con bò, lão say rượu với gã công tử bột... hiểu nổi tâm sự của một chàng hiệp sĩ!
Anh ngao ngán nhìn qua khe thùng gỗ thở dài.
Trong đêm tối, những ánh đèn đỏ úa đang lừ đừ qua lại dưới mấy cái xóm nghèo ngoài bến sông. Đêm nay là đêm ba mươi tết rồi, những ánh đèn ấy là những ánh đèn đi đòi nợ. Từ những ánh đèn quỷ quái ấy tiếng chửi bới cứ rú lên những tiếng nanh ác, sắc nhọn như mũi dao đâm vào da thịt. Và, ở dưới gốc cây đa tối, mỗi lần tiếng chửi rủa vẳng đến thì những tiếng than thở, rên rỉ, lại đưa ra thê thảm, ai oán hơn.
- Mẹ ơi!... Sao lại không ngủ ở nhà hả mẹ?
Có tiếng một em bé nào nói khe khẽ ở dưới gốc đa. Tiếng em thanh thanh, run rẩy như tiếng chim non:
- Thôi ngủ đi con. Đừng hỏi nữa, khổ mẹ lắm con ơi!...
- Cơ mà con rét lắm mẹ ạ.
Tiếng người mẹ lại thều thào vẳng lên:
- Đây, mẹ vẫn ôm con vào lòng đây. Mẹ đã cởi hết áo của mẹ ủ cho con rồi... Con ngủ đi chóng ngoan... Con tôi...
Một trận gió ào lên thổi bạt tiếng người mẹ đi. Đêm tối thăm thẳm, và lạnh buốt. Bóng những ngọn đèn nhập nhòe vẫn đi lại trong mấy cái xóm nghèo dưới bến. Các bạn rối đã quên hết những chuyện cãi nhau, ngủ im cả rồi. Ông lão múa rối, đêm nay không biết lang thang ở đâu vẫn chưa thấy về. Có lẽ ông lão buồn. Năm cùng tháng tận, một mình thân già tha phương cầu thực...
Tiếng em bé lại cất lên hỏi mẹ. Tiếng em nghe ngoan quá.
- Mẹ ơi! Bao giờ thì mẹ con ta được về nhà hả mẹ?
- Đến giao thừa con ạ. Năm mới về thì người ta không đòi nợ nữa...
À thì ra đó là hai mẹ con nhà ai đêm ba mươi tết trốn nợ ra đây. Anh chàng hiệp sĩ nghe mà tối sầm cả tâm trí. Sắp qua một năm rồi, anh càng bồn chồn, nóng ruột. Anh muốn thành người ngay. Anh phải là người thật, thanh gươm của anh phải là thanh gươm thật, anh mới thực sự giúp ích cho đời. Nhưng tiếng em bé ngoài gốc đa bỗng reo lên, cắt ngang ý nghĩ của anh chàng hiệp sĩ gỗ.
- Năm mới người ta không đòi nợ nữa à. A, thế thì thích quá mẹ nhỉ. Năm mới mẹ phải may áo mới cho con nhá. Mẹ gói cả bánh chưng nữa nhá, mẹ mua cả tranh tết nữa nhá. Con thích tranh lắm cơ.
Tiếng em bé trong sáng và vui tươi lạ lùng. Ngừng một lúc - chắc là em đang tưởng tượng cái năm mới đầy hạnh phúc của em - em tiếp:
- À mẹ này! Năm mới bố con có về không mẹ nhỉ? Những đứa bạn con, chúng nó cứ bảo: bố mày chết rồi. Chúng nó nói dối đấy mẹ ạ, không phải đâu, năm nay thế nào bố cũng về... bố về thì mẹ phải mua rượu cho bố uống nữa nhé!...
- Ừ, thôi ngủ đi con!
- Không, con không ngủ nữa. Con phải thức chờ năm mới chứ. Bao giờ năm mới hả mẹ?
- Chốc nữa, bao giờ có nhiều pháo nổ thì là năm mới.
- Thế ư? Thế thì sướng quá. Con sướng quá. Lạy giời pháo nổ mau lên! Pháo nổ mau lên, cho chóng đến năm mới...
Em bé bỗng nín bặt. Từ dưới bến sông, một ngọn đèn đỏ quạch lừ đừ đi lên.
- Người ta đến bắt nợ, mẹ ơi!...
- Im con.
Ngọn đèn lẳng lặng đi qua gốc đa, rồi rẽ vào trong nhà trọ của ông lão múa rối.
Anh chàng hiệp sĩ bỗng thấy một cái đầu người đàn bà thò vào trong thùng gỗ. Một tay mụ cầm ngọn đèn nhỏ giơ ra phía trước, một tay cầm cái quạt giấy che kín nửa mặt. Hai con mắt nhỏ sáng, hau háu lấc láo đảo nhìn quanh hòm xe. Mụ cất tiếng khàn khàn hỏi:
- Ngủ cả rồi à?... Có ai còn thức không?...
- Tôi. Tôi còn thức đây. - Anh chàng hiệp sĩ lên tiếng - Bà đến đòi nợ ai đấy? Bà nhầm nhà rồi.
- Không. Tao đi tìm thằng hiệp sĩ gỗ. Mày có biết nó đâu không?
- Tôi đây. Tôi là hiệp sĩ gỗ đây.
- À...
Mụ đàn bà giơ ngọn đèn soi lên mặt anh chàng hiệp sĩ gỗ, khẽ reo lên:
- Mày là hiệp sĩ... Anh là hiệp sĩ đấy.
- Vâng.
- Tôi đi tìm anh từ chập tối... Ai biết ông lão lại trọ mãi tận đây... Anh có biết đêm nay tôi tìm anh có việc gì không?...
Mụ yên lặng nhìn anh chàng hiệp sĩ, những nếp răn ở đuôi hai con mắt nheo lại. Mụ cười:
- Mày thì biết thế nào được, tao là bà tiên đây. Cuối năm tao xuống trần gian để giúp đỡ muôn loài. Tao biết mày vẫn thích thành người. Cho nên hôm nay tao đến đây phù phép cho mày thành người thật.
Anh chàng hiệp sĩ bàng hoàng cả người. Anh không biết trả lời thế nào. Sự việc đến với anh đột ngột quá, anh bối rối, ngờ vực. Anh không dám tin lời mụ già nói là thật. Mụ già ấy lại hỏi:
- Thế nào mày nói lên chứ. Mày có... anh có muốn làm người không? Ta là bà tiên thật đây mà, ta không nói dối đâu.
- Bà là bà tiên thật ư?...
Anh chàng hiệp sĩ gỗ khe khẽ hỏi lại, giọng anh run lên vì cảm động.
- Thưa bà tiên, vâng, từ lâu tôi vẫn ao ước thành người...
- Thế thì ta sẽ cho anh thành người. Ta sẽ cho cả thanh gươm gỗ của anh thành thanh gươm thật. Một thanh gươm quý chém sắt như bùn, chém rụng đầu người không kịp dây máu. Ha ha anh sẽ ở với ta. Ta sẽ cho anh một con ngựa hồng. Anh cưỡi con ngựa hồng, đeo thanh gươm báu đi suốt dọc hai bờ con sông thị trấn này: chỗ nào có vườn cam, vườn quýt ấy là của ta, anh sẽ thu về cho ta. Anh muốn bạc vàng, có bạc vàng, anh muốn có châu báu được châu báu...
- Không! Không, thưa bà... - Anh chàng hiệp sĩ vội ngắt lời mụ già - Tôi muốn làm người không phải để cưỡi ngựa hồng, đeo gươm quý, không phải để có được nhiều bạc vàng, châu báu. Bà tiên ơi! Bà hãy quay đầu lại nhìn ra gốc cây đa ngoài kia mà coi... Đấy! Ở trong cái hốc tối như miệng một cái cửa ngục ấy đêm đêm tiếng rền rỉ, khóc than đưa ra ai oán, thê thảm lắm. Ở dưới có ông già mù cả hai mắt, có những người què quặt, đói rét, có bà mẹ trốn nợ đêm ba mươi, phải cởi trần lấy áo ủ cho con, và đứa con thì chờ tết để được về nhà, được ăn bánh, chơi tranh và mặc áo mới... Bà ơi! Bà tiên ơi... Tôi làm người, tôi sẽ mang thanh gươm của tôi đi, tôi sẽ diệt trừ hết những quân cường bạo, những đứa gian tham. Tôi sẽ diệt trừ chúng nó như ông lão chủ tôi diệt trừ những con gián, con mọt ghê tởm làm hại loài rối chúng tôi. Bà tiên ơi! Tôi muốn rằng trên mặt đất sẽ không còn có người mù lòa tàn tật, không còn có tiếng than vãn, khóc lóc. Không có người ốm, không có người chết. Trẻ em có áo mới mặc ngày tết, người già mùa rét có chăn đắp, mẹ con được thương yêu nhau ở dưới mái nhà ấm cúng của mình... Thưa bà tôi sẽ...
Anh chàng hiệp sĩ gỗ nói rất say sưa. Anh nói với tất cả những mong mỏi, khao khát bấy lâu của lòng mình. Còn mụ già lại rũ xuống mà cười, mụ cười khành khạch, khành khạch.
Dứt cơn cười, mụ nhìn anh chàng hiệp sĩ lắc lắc cái đầu, có vẻ thương hại:
- Mày!... Mày, cái thứ bằng một mẩu gỗ mọt ấy cũng dám có những ý nghĩ ngông cuồng đến thế ư?... Nhưng thôi cũng được. Tao cũng cho mày làm người. Ui chao ơi! Sao cái bọn trẻ ranh chúng mày đứa nào cũng giống nhau thế. Đứa nào cũng mơ tưởng những là thế này thế nọ... Rồi đấy! Mày sẽ biết. Tao cũng cầu giời khấn phật mong cho mày giữ được những lời mày nói... Thôi bây giờ thì tao hóa cho mày thành người thật biết không. Nhưng mày phải hứa với tao, mày phải thề trước mặt tao rằng thành người rồi, việc trước tiên là mày phải giết một người...
- Phải giết một người?
- Ừ. Phải giết một đứa con gái.
Mụ già nhìn chằm chặp vào mặt anh hiệp sĩ. Hai mắt mụ nhỏ lại, trong suốt.
- Thưa bà, vì sao tôi lại phải giết người?
- Vì sao à? - Mụ già hỏi lại - Vì... vì có giết một người thì tao mới lấy hồn nó cho mày được. Nếu không mày chỉ sống được đến gà gáy thứ nhất mày sẽ trở lại kiếp gỗ. Vì tao là bà tiên. Mày nhớ tao là tiên chứ? Tao thấy đứa con gái ấy là một đứa gian ngoan ghê gớm. Nó đã giết mẹ nó đấy, cho nên phải trừng trị nó. Thế nào? Mày có dám giết nó không?
Mụ cười khẩy:
- Tao nghe mày nói làm người, mày sẽ mang thanh gươm của mày đi làm những cái gì gì ghê gớm lắm, thế mà giết một đứa con gái cũng không dám kia à?... Thôi, đây này. Một đằng làm người thật, và một đằng làm người giả, người gỗ thì...
- Thưa bà... - Anh chàng hiệp sĩ vội lắp bắp hỏi -Thưa bà đứa con gái ấy nó giết mẹ nó?...
- Ừ. Nó giết mẹ nó. Nó còn đang định giết cả em nó nữa kia đấy.
- Nó định giết cả em nó nữa?... Vâng. Tôi xin nhận.
- Thế thì mày phải thề trước mặt tao, mày thề đi. Mày phải thề rằng nếu mày không giết đứa con gái ấy thì sấm sét sẽ đánh chết mày. Mày sẽ lại trở về kiếp gỗ, muôn đời nghìn kiếp chỉ là một khúc gỗ mọt. Mày thề đi!
- Vâng. Tôi xin thề như vậy.
Mụ già gật gù cái đầu, mụ đặt cây đèn lên nóc hòm xe, nhắc anh chàng hiệp sĩ gỗ ấy ra khỏi cái đinh sắt, giơ lên. Tay kia mụ cầm chiếc quạt phẩy nhẹ vào mặt anh ba cái liền. Một luồng gió thơm ngát bay ra, tức thì hai con mắt khô cứng vẫn mở trân trân của anh chàng hiệp sĩ nhấp nháy, đảo qua đảo lại, môi mấp máy, và hai cánh mũi phập phồng thở ra những làn hơi ấm. Chân tay anh đã biết cựa quậy.
Mụ già đặt anh hiệp sĩ đứng xuống đất. Anh lảo đảo trên đôi chân còn run rẩy của mình. Từ đất bỗng chuyển lên một sức mới, anh rùng mình vươn lên, thở ra một tiếng thật dài, biến thành một người bằng xương bằng thịt cao lớn, vững chãi. Mụ già cầm lấy tay chàng hiệp sĩ kéo đi. Mụ nói như ra lệnh:
- Thôi, đi theo ta, mau!...
Anh Chàng Hiệp Sĩ Gỗ Anh Chàng Hiệp Sĩ Gỗ - Kim Lân Anh Chàng Hiệp Sĩ Gỗ