Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Banana Yoshimoto
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Quang Huy
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2959 / 170
Cập nhật: 2015-09-11 19:41:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 Đường Về
ình về thôi!
Em tôi nói vậy vào bữa tối của ngày thứ bảy kể từ hôm chúng tôi tới Kochi. Đang định gắp miếng sashimi (món cá (hoặc thịt) sống nổi tiếng và rất phổ biến ở Nhật - ND), tôi ngừng tay lại, như một cảnh trong phim truyền hình, mặt nghệt ra trong giây lát. Thật đáng ngạc nhiên. Bởi đến hôm đó, chính tôi cũng đang tự nhủ, có lẽ đã đến lúc phải về rồi. Tôi chỉ đang phân vân không biết phải nói ra chuyện đó thế nào. Với tình trạng của em tôi lúc này, có thể nó sẽ thản nhiên nói: "Được! Mình về thôi!" cũng có thể vừa nghe tôi nói xong, nó sẽ nổi đóa lên, gào khóc: "Không, em không về!" Phản ứng nào cũng có thể xảy ra và chẳng có gì là lạ cả. Tôi không tài nào đoán trước được. Từ khi đến đây, hàng ngày ngắm biển, ngắm bình minh và hoàng hôn, từ một thằng bé sắc mặt u ám, luôn rúm ró, hoảng hốt trước đây, nó như đã trở thành một người khác, một đứa trẻ luôn vui tươi. Nhưng cả khi đang đi dọc bãi biển, cả khi xuống phố chơi pachinko (một trò chơi bạc giữa người với máy, rất phổ biến ở Nhật - ND), trúng một ván to, cười như nắc nẻ, cả khi xem tivi trong phòng mỗi buổi tối, cả khi yên lặng đọc sách trước khi đi ngủ, nó tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện nhà hay trường học. Cũng không hề nói đến chuyện tại sao hai chị em lại tới đây.Tôi không biết nó đã tổn thương đến mức nào, không thể đo được nó cần bao nhiêu thời gian để xoa dịu những vết thương đó, chỉ đoán rằng có lẽ chính vì thế nên nó quyết định không đả động gì đến chuyện đó chăng. Thế là tôi chẳng còn nghĩ ngợi gì nữa và cũng ra sức tận hưởng kỳ nghỉ này. Đến nỗi tôi còn bắt đầu nghĩ, cứ thế này mãi cũng được. Song dù thế nào đi nữa, thời điểm sẽ tự nó đến, không thể đoán trước, đúng vào lúc ta ít ngờ tới nhất.
Ngày hôm đó, chúng tôi câu cá. Chúng tôi thuê cần và tập tọng câu ở biển. Dạo trước, có lần tôi câu thử và cũng được khá nhiều cá nhỏ nên lần này quen mui diễn lại. Chúng tôi ngồi trên đê chắn sóng, quay mặt ra biển. Hai chị em chẳng ai câu được gì. Gió rất mạnh và mặn chát vị biển, khối bê-tông trên thân đê lạnh buốt. Đến nỗi, phơi mình ra đó một lát, tự nhiên mặt mũi tôi đanh cả lại. Em tôi, tất nhiên là mặt cũng đanh lại, đứng thả câu ngay cạnh tôi. Một làn mây dịu nhẹ giăng ngang trời, vừa vặn như một lớp mạng trắng phủ lên nền trời trong xanh. Sóng đánh ầm ầm tít phía dưới chân đê, làm tung một lớp bọt mịn như kem trên mặt nước. Hàng ngàn con sóng nhỏ như những hoa văn hình tam giác chuyển động không ngừng. Ngắm toàn bột quang cảnh đó, bất giác trong đầu tôi vang lên mấy chữ "Có lẽ đến lúc rồi!" Bỗng nhiên, tôi thấy chán cái cảnh đẹp này. Tiếng sóng âm vang lặp đi lặp lại, như muốn nói một điều gì.
Về được rồi còn gì!
Cái cần xem thì cũng đã xem rồi đấy thôi!
Có lẽ vậy!
Không biết em tôi nghĩ sao?! Tôi nhìn sang, nét mặt thằng bé vẫn đanh lại, và tay vẫn nắm chặt cần câu. Không thể biết được nó đang nghĩ về điều gì. Về vũ trụ, về trường học, về cuộc đời, hay nó đang lắng nghe tiếng sóng, hay đang nhủ thầm sao chẳng câu được gì, hay còn gì khác nữa?! Tôi chịu. Và vì thế, tôi im lặng.
Nghĩ đến chuyện trở về, khuôn mặt mọi người ở Tokyo lại hiện lên. Mẹ, Mikiko, cô Junko, Eiko, mọi người ở quán. Đi chưa lâu mà sao tôi cảm thấy xa xăm quá. Bất giác, tôi nhớ đến Ryuichiro. Muốn gặp anh quá. Không biết giờ này anh ra sao. Nhìn những tia sáng nhạt của mặt trời chiều nhảy nhót trên những khối đá kè bờ, tự nhiên tôi thấy nhớ đến day dứt. Nhưng trở về cũng có gặp được anh đâu. Nghĩ đến đó mới thấy ngày thường chẳng mấy khi tôi có cảm giác ấy, vậy mà lúc này, tôi bỗng thấy thật buồn khi muốn gặp anh lại không thể gặp được. Đúng lúc đó, một con thuyền từ từ tiến lại. Một chiếc thuyền cá nhỏ. Nó đậu lại trong một cảng nhỏ cách đó không xa. Từ trên thuyền, một lão ngư và một thanh niên, có lẽ là một chàng rể, vì nhìn không giống ông cụ chút nào, bước lên bờ. Lát sau, họ ôm theo lưới và đủ thứ lỉnh kỉnh đi ngang qua phía sau chúng tôi.
- Có được con nào không? Họ vừa cười vừa hỏi.
- Hoàn toàn không!
Nghe tôi trả lời dứt khoát như vậy, họ bật cười và cho chúng tôi một con bạch tuộc. Hai chị em tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng, cảm ơn rối rít và nghỉ câu ngay lập tức. Không phải vì đó là một con bạch tuộc mà vì chúng tôi đã có một cái cớ để nghỉ câu. Về đến phòng, tôi mang thân nó ra làm món sashimi, còn phần đầu đem làm nước xúp tương. Giữa bữa tối như thế thì đột nhiên, lần đầu tiên kể từ khi đến đây, em tôi nói ra một điều "mang tính hiện thực". Nên cũng chẳng có gì là lạ khi tôi ngạc nhiên vì điều đó.
- Bất ngờ quá nhỉ! Sao vậy?! Tôi hỏi, rồi thong thả húp một ngụm xúp tương đầy hương vị biển.
- Hôm nay, trong lúc ngồi câu em đã nghĩ vậy, rằng có lẽ mình phải về thôi. Nếu ở đây thêm nữa, sơ sẽ không còn muốn về nữa đâu! Thằng bé nói.
Giỏi lắm, tôi nghĩ thầm. Nó không hề bỏ sót một dấu hiệu thay đổi nhỏ nào trong chính bản thân mình, không cố tình lảng tránh vì sợ hãi, trong khi thực ra thì đâu cần phải gắng gỏi đến vậy.
- Không cần phải gắng gượng thế đâu! Chị có thể ở đây đến lúc nào cũng được mà. Nếu em chán chỗ này rồi, mình lại đi chỗ nào đó nhé. Như thế cũng được mà.
- Không! Thằng bé nói sau một hồi suy nghĩ. Mình cứ về thử xem! Nhưng em muốn nhờ chị một chuyện!
- Chuyện gì thế? Nói chị nghe nào!
- Nếu em lại có chuyện, chị lại đưa emđi như thế này nhé! Chị phải thuyết phục để cả mẹ đồng ý nữa nhé! Cả lần này cũng thế! Thằng hé nói, với đôi mắt rất nghiêm trang.
- Chị hứa. Chuyện đó có gì khó đâu! Thậm chí bất kỳ lúc nào, chị cũng có thể làm việc đó cho em, cho đến khi nào em đủ lớn để có thể một mình đi đến bất cứ đâu. Tôi nói. Chuyến này vui thật. Mình sẽ lại đi nữa nhé! Cả đến chị cũng cảm thấy được nghỉ ngơi kha khá rồi đấy!
Chuyện xảy ra vào đêm hôm ấy. Tôi và em tôi đã xem một chương trình tivi đáng sợ trong căn phòng tối.
Sau khi chúc ngủ ngon và tắt đèn, tôi lần vào bếp, kiếm chút rượu uống cho dễ ngủ. Nhấm nháp chút uýt-ki trong chai rượu rất cũ, có vẻ như đã bị bỏ quên từ hàng năm nay mà hôm trước tôi mới phát hiện ra, bất giác tôi với tay bật tivi lên. Đúng lúc đang có chương trình "Bộ sưu tập những câu chuyện đáng sợ", với sự tham gia của rất nhiều văn nghệ sĩ và từng người trong số họ tự kể về những chuyện đáng sợ mà mình đã trải qua. Tôi không dứt ra được nhu7ngca2ng xem càng sợ, và cuối cùng, không dám thức một mình, tôi đánh thức cả em trai dậy. Lúc đầu, nó làu bàu trách cứ, nhưng sau đó cũng thực sự bị cuốn hút và thế là cả hai chị em cứ ngồi lì trong bóng tối như hai đứa dở hơi, vừa nhủ thầm "Nốt chuyện này! Nốt chuyện này!" vừa xem hết đoạn này đến đoạn khác.
- Chị Saku! Chị trông thấy ma bao giờ chưa?
- Chưa!
- Thế tại sao dân văn nghệ sĩ lại nhiều người trông thấy ma thế nhỉ?!
- Ừ nhỉ!
- Không biết mẹ đã trông thấy bao giờ chưa nhỉ?!
- Chị nghĩ là chưa! À, nhưng đúng vào ngày Mayu mất ấy... Sao?! Em không nhớ à?!
- Nhớ gì chứ?
- Từ bệnh viện trở về, chẳng hiểu sao chỉ có mỗi con búp bê Kokeshi (một loại búp bê truyền thống ở vùng Tohoku của Nhật - ND) mà Mayu rất thích từ hồi bé lại rơi khỏi giá vỡ tan tành đấy thôi!
- Nghe sợ quá!
- Thấy chưa?!
- Nhưng nếu cứ nghĩ đó chính là chị Mayu thì cũng không đến nỗi.
- Ma thường chỉ là những người thân thôi nhỉ!
- Vâng!
Đáng ra phải bật đèn lên, nhưng chúng tôi lại tiếp tục nói những chuyện đó trong ánh sáng nhập nhoạng hắt ra từ tivi. Những lúc nói đến chuyện rờn rợn như thế, tự nhiên ta thấy lành lạnh sống lưng, toàn thân căng cứng. Có người còn nói rằng, ta cảm thấy thế là vì khi nói những chuyện đó, ma sẽ cảm nhận được những xung động này và ngay lập tức rủ nhau kéo đến. Dù nói gì đi nữa, tôi luôn cảm thấy đó mới là chuyện đáng sợ nhất.
Một giờ đêm, Inagawa Junji, nhân vật chính của chương trình bắt đầu câu chuyện của mình, cũng là lúc mà nỗi sợ lên đến đỉnh điểm và chúng tôi gần như nín thở, mắt dán chặt vào màn hình.
- Pinh... poong...!
Tiếng chuông cửa ngân vang. Tôi thét lên, còn em trai tôi kinh ngạc, nhảy dựng. Đúng là khi thực sự kinh ngạc, người ta sẽ nhảy dựng lên thật. Tôi ôm chặt lấy thằng bé.
- Gì... gì thế...? Tôi hỏi, giọng lạc đi. Không lẽ lại có ai đến sao?! Đến đây...?! Vào cái giờ này...?!
- Em cũng muốn hỏi câu đó đây! Thằng bé trả lời với giọng bình tĩnh đến ngạc nhiên. Nhưng... không lẽ...?!
- "Không lẽ"... cái gì chứ? Tôi hỏi dồn.
- Không... Chẳng lẽ...
- Chị... chị sợ lắm... Bỏ cái kiểu nói lấp lửng ấy đi! Xin em đấy!
Đúng lúc ấy, chuông cửa lại reo lên lần nữa.
Một, nhầm phòng.
Hai, say rượu, cướp.
Ba, ma.
Tôi thầm tự nhủ. Trường hợp nào cũng ớn cả. nhưng không còn cách nào khác, tôi đành bước về phía cửa. Khu chung cư này có khóa tự động, và đứng sau cửa có thể nhìn thấy mặt khách qua một màn hình.
(Một chuyện nhỏ xảy ra sau đó làm tôi thấy sợ ngay lúc ấy những thực ra đó là một chuyện kỳ lạ thì đúng hơn, nó để lại một cảm giác dễ chịu, cũng không phải một chuyện đáng buồn và mãi về sau tôi mới hiểu ý nghĩa của nó. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại chuyện đó, tôi lại thấy ngộp thở trong nỗi nhớ da diết cái hương vị hạnh phúc phảng phất trong không gian ấy).
Thận trọng ngó vào màn hình đặt cạnh cửa, tôi thấy một người phụ nữ đang đứng đó. Vì là màn hình đen trắng nên nhìn không rõ lắm, nhưng dù có cố nhớ đến đâu, tôi vẫn thấy không quen người này. Một phụ nữ nhỏ bé với khuôn mặt xinh xắn, trong bộ quần áo có lẽ là màu đỏ. Một cảm giác vui tươi, thanh thản. Cô ấy có một vẻ thân thiện rất đặc biệt, đến mức mà rõ ràng là tôi chưa từng quen biết cô ấy nhưng vẫn có cảm giác như là đã gặp ở đâu đó rồi. Đang định nhìn cho rõ hơn thì màn hình nhòe đi thành một màu hồng nhạt. Vừa lúc tôi định thôi không cố nhìn nữa thì hình ảnh lại rõ nét trở lại. Một cảm giác thật lạ. Cô ấy chỉ tay vào màn hình và cuối cùng cười một cách đầy ẩn ý. Rồi cô ấy mở to miệng nói một điều gì đó không thành tiếng.
- Gì cơ?! Chị nói lại đi!
Biết là không thể nghe thấy được, vậy mà tôi vẫn buột miệng yêu cầu như thế. Cô ấy lại lặp lại, nói một điều gì đó, cố ý cử động miệng thật rõ. Nóng ruột vì không đoán ra được, tôi hơi nhăn mặt lại thì cô ấy vụt tránh khỏi camera và biến mất khỏi màn hình. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi đứng ngẩn ra mất một lúc.
Em tôi lại gần.
- Này, vừa xong nhé...
Tôi còn đang nói dở thì chuông lại reo lên lần nữa. Và em tôi hét lên:
- Anh Ryuichiro...o...!
- Hả...?!
Tôi nhìn vào màn hình. Đúng là Ryuichiro trong đó. Tại sao anh ấy lại đến đây? Và gần như đồng thời với câu hỏi đó, tôi cảm thấy sốc với chuyện anh ấy dẫn theo một người đàn bà. Mà cũng có gì lạ đâu, tôi lại nghĩ, lâu lắm mình cũng không gặp anh rồi còn gì. Dù đã có gì với nhau cũng vậy thôi. Sự chuyển đổi cảm xúc trong tôi những lúc như thế này phải nói là nhanh đến mức thiên tài. Một không gian nhận thức mới ngay lập tức xen vào và nhanh chóng được dung nạp. Không một vết gợn hay chút mâu thuẩn nào. Từ sau khi bi ngã, tôi còn giỏi chuyện đó hơn trước. Không biết một tôi thơ dại, hờn khóc suốt cả một ngày chỉ vì giận mẹ đã hứa đưa đi siêu thị rồi lại thất hứa vì uống quá say, giờ đã đi đâu. Và đâu rồi một tôi buồn đau khi chia tay Ryuichiro sau cái đêm hôm ấy, một mình bước dọc hành lang khách sạn, cố kìm nén những giọt nước mắt đến nỗi ong cả đầu?
Thật đáng thương. Nhưng, giờ đã không còn nữa rồi! Song nhất định, ở một nơi nào đó thật buồn, vẫn còn đó những đứa trẻ đã từng một lần là tôi.
Tôi nhấc ống nghe và hỏi:
- Ryuichiro phải không?
- Đúng! Đúng rồi! Một giọng trầm đục phát ra từ chiếc loa nhỏ.
Tôi bấm bút, mở cửa lối vào dưới tầng một. Lát sau, có tiếng bước chân lại gần, dừng lại trước cửa và một tiếng chào. Tôi gỡ xích an toàn, mở cửa.
- Chà... Ryuichiro nói, khuôn mặt đỏ lựng.
- Anh uống à?
Có bao nhiêu câu khác để hỏi, không hiểu sao tôi lại hỏi câu đó.
- Ờ, anh uống suốt từ lúc lên máy bay đến giờ đó! Ryuichiro đáp. Chao ôi! Yoshio lớn quá rồi nhỉ!
- Vâng! Em tôi cười.
Thật là lạ. Người mà tôi mong nhớ lúc chiều giờ đang ở ngay đây. Tôi cảm thấy chuyện đó còn có phần hoang đường hơn cả những câu chuyện ma.
- Ô, thế người đi cùng anh đâu? Tôi hỏi.
- Sao?! Đi cùng á?! Ryuichiro ngạc nhiên hỏi lại. Làm gì có ai đi cùng! Chỉ có mình anh thôi mà!
- Không thể thế được! Lúc nãy em còn thấy trong màn hình kia mà! Một phụ nữ, mặc bộ quần áo đỏ.
- Đâu có ai như thế kia chứ! Cô ấy đứng trước anh sao?
- Ngay trước anh!
- Em sợ! Em trai tôi hét lên.
- Trước anh làm gì có ai cơ chứ! Thật đấy!
- Đáng sợ thật! Cô ấy còn cười với em nữa kia mà!
- Ma đấy!
- Thôi đi!
- Sợ chết đi được!
- Cái gì thế nhỉ?!
- Sợ quá!
Cho dù vẫn không thể hiểu người phụ nữ đó là ai, chuyện gì đã xảy ra lúc đó, cuối cùng chúng tôi vẫn bình tĩnh lại và cùng nhau uống cà phê. Trước nỗi sợ hãi có thật, chương trình tivi hoàn toàn trở nên vô hiệu và chỉ còn là một bản nhạc nền. Tôi nhớ lại một câu chuyện của Ono Yoko đã đọc hồi xưa, viết rằng: "Ta có thể cảm thấy tivi đúng là một người bạn, song kỳ thực, nó không khác gì một bức tường, bởi vì nếu có cướp đột nhập và giết chết chủ nhân của căn phòng, nó vẫn tiếp tục chiếu những hình ảnh như không có gì xảy ra." Kể ra cũng có lý đấy chứ! Tôi tự nhủ. Vừa mới đây thôi, nó còn chế ngự cả hai chị em tôi cùng toàn bộ căn phòng này bằng những xung đột của nỗi sợ hãi, giờ lại chỉ còn là một cái hộp vô tri.
- Bọn em đang định mai về đấy! Tôi nói.
- Sao?! Thật thế à?! Ryuichiro ngạc nhiên. Anh cứ tưởng hai chị em sẽ còn ở lại đây kha khá nữa kia đấy. Về tới sân bay Osaka, anh gọi điện ngay đến nhà em. Mẹ em nghe điện thoại và nói em đã đưa em trai đi nghỉ rồi. Anh cứ lo nếu không tìm được hai chị em ngay thì sẽ không gặp được mất.
- Lại nói linh tinh rồi!
- Thế là anh đi thẳng một mạch tới đây. Đến nơi rồi, anh vào ăn ở quán một người quen, thế là lại uống ở đó, đâm ra mới tới muộn thế này, làm hai chị em nháo nhào cả lên. Xin lỗi nhé!
- Tại anh đến đúng lúc quá đấy thôi! Tôi nói, và em tôi khẽ gật đầu.
Thế còn người phụ nữ đó là ai nhỉ?! Tôi lại bắt đầu nghĩ. Cái nét thân thuộc ấy..., xa xôi, như đã thấy ở đâu đó rồi... Khuôn mặt ấy...
Tôi chưa trông thấy ma bao giờ, và biết đâu, đó chẳng qua chỉ là ảo ảnh mà trí não tôi tạo ra từ một rãnh nhỏ nào đó trong ký ức. Lẽ ra đó là người tôi phải biết, chỉ tại tôi không còn nhớ người đó mà thôi, và giờ là lúc phải nhớ ra. Có thể thế lắm! Tôi cứ nghĩ mãi, đến đau cả đầu mà vẫn chẳng hiểu gì cả nên đành thôi. Biết làm sao được vì lúc này cô ấy không có ở đây. Dù thế nào đi nữa, gặp lại một người bấy nay xa cách, trong căn phòng giữa đêm khuya thế này thật là một điều tuyệt vời. Hệt như đang đón giao thừa vậy.
- Vậy thì có lẽ mai anh cũng về. Ryuichiro nói. Mấy người bạn cũng đã gặp rồi. Bay chuyến đêm chứ hả?! Mình cùng bay nhé!
- Vâng! Bọn em cũng không vội mà! Tôi đáp.
Khi xa cách cũng có nhớ nhung gì đâu, vậy mà chỉ nghĩ đến chuyện bay về cùng, tôi bỗng thấy háo hức lạ. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện Ryuichiro có bạn bè ở khắp nơi trên thế giới, đến cả ở Kochi này cũng có nữa, và có lẽ tôi cũng chỉ là một trong số đó, thì tự nhiên tôi lại có cảm giác nhói đau nơi lồng ngực. Một cảnh sắc khi mỗi ngày đi qua, một hình bóng chỉ để mong nhớ từ xa, một bãi biển trưa hè ta mường tượng giữa chiều đông, có lẽ tôi cũng chẳng hơn gì những thứ ấy. Tôi thấy hơi buồn một chút về chuyện đó.
- Anh Ryu (cách gọi thân mật trong tiếng Nhật, giống như gọi Sakumi là Saku - ND)! Anh đã đi những đâu thế? Em tôi hỏi.
- Gần đây anh ở Hawaii suốt! Hawaii, và sau đó là Saipan! Anh có người bạn kinh doanh cửa hàng đồ lặn và một số công việc khác nên qua giúp ấy mà. Anh được cấp cả giấy phép lặn rồi đấy nhé!
- Phương Nam hay thật đấy! Tôi nói.
- Nhưng mà đồ ăn thì dở lắm. Rồi sẽ quen thôi nhưng lúc nãy, lâu lắm mới ăn lại món cá thu nướng, thấy ngon ơi là ngon, ngon tưởng phát điên lên được đấy!
- Anh làm nhiều thứ quá nhỉ! Em tôi nhận xét.
- Sao em không thử xem?! Ryuichiro nói.
- Nhưng em đang không khỏe lắm, đến mức không hiểu nổi mình muốn làm gì. Khi nãy, em còn biết trước là anh sẽ đến nữa kia. Tại lúc câu cá, khuôn mặt anh cứ hiện ra trước mắt em. Những lúc như thế, em không còn phân biệt được đó chỉ là do em muốn gặp anh, hay đúng là anh sẽ đến thật!
- Hiện ra trước mắt em?! Khuôn mặt bạch tuộc ấy hả?!
Tôi nói đùa, song em tôi chẳng hề cười lấy một tiếng. Có thể nó đang bịa chuyện làm nũng, cũng có thể đó là sự thật. Đúng là lúc nãy, khi chuông cửa reo, nó có nói: "Nhưng... không lẽ...?!" thật. Chuyện này có lẽ đúng như nó nói, có vẻ như cả hai khả năng đó đều có thực, lẫn lộn vào nhau, không phân biết được. Không biết Ryuichiro nghĩ sao nhỉ?! Tôi nhìn sang. Một nét mặt pha trộn sự chú ý quan sát và tò mò, cảm giác tin tưởng xen lẫn một chút nghi hoặc. Và cuối cùng, vẫn như mọi khi, trên gương mặt đó là một nét tươi sáng như muốn nói "Dù gì chăng nữa, tôi biết sự thật thế nào mà!" Một bảo vật chỉ của riêng anh ấy. Tôi rất thích xác nhận mọi chuyện bằng Ryuichiro. Tôi thấy an tâm. Và nghĩ thầm, giá mà lúc nào cũng có anh ấy ở bên để có thể xác nhận mọi chuyện như thế này thì thật là thích. Riêng trong chuyện này, đối với tôi, anh ấy là một sự duy nhất, không thể thay thế. Tôi có thể nghĩ rằng chẳng có gì đáng lo vì em tôi vẫn đang ở trong trạng thái mà nó cần phải thế.
- Chuyện đó thì đằng nào mà chẳng được hả em?! Ryuichiro nói. Thế này nhé, những người sử dụng trí não một cách không bình thường như Yoshio hoặc như anh sẽ làm cho não phát triển quá mức, nếu không biết cách lắng nghe ngôn ngữ của cơ thể mình thì trí não và thể xác sẽ không còn là một và mọi thứ sẽ trở nên nghiêm trọng đấy! Em hiểu chứ?
- Em nghĩ là em hiểu. Yoshio gật đầu.
- Như anh đây, sử dụng trí não là công việc nên anh luôn phải cố gắng để điều chỉnh chuyện đó. Nhưng tuyệt đối không được nghĩ ngợi quá nhiều. Thậm chí chỉ cần chạy hoặc bơi thôi cũng được. Nếu có việc muốn làm mà không cố gắng làm ngay không do dự thì đấu óc sẽ phát sốt lên và quá tải mất. Và rồi sẽ chẳng dừng lại được đâu. Có lẽ một số phận không bình lặng cũng đang đợi em phía trước, nhưng sẽ ổn cả thôi, nếu em biết mình phải làm gì. Thêm nữa, có thể sẽ có rất nhiều người nói với em rất nhiều điều, nhưng cho dù họ có nói những điều nghe có vẻ đúng đến mấy chăng nữa, dù họ có hiểu em đi chăng nữa, em không được tin bất kỳ ai, ngoại trừ một kẻ đang cất tiếng từ chính trong con người em. Những người đó không biết thế nào là một số phận không bình lặng nên họ có thể nói bất cứ điều gì, dù không phải là sự thật. Và nếu em không dùng linh cảm để phân biệt xem ai là người đang nói thật, ai al2 người đang nói bằng những trải nghiệm thực tế của chính mình thì em sẽ gặp phải những vấn đề sống còn đối với em đấy. Bởi vì em đang dùng trí não của mình theo cái cách không để nó chơi không như những người khác! Ryuichiro nói.
- Nhưng em không đủ tự tin! Em tôi nói.
- Rồi sẽ đủ! Ryuichiro cười. Anh cũng vậy mà!
Trông thằng bé có vẻ chưa hoàn toàn an tâm. Chắc hẳn, trong lòng nó đang nghĩ thầm "Tay này chắc gì đã trải qua những chuyện khổ sở như mình!" Nhưng tôi nghĩ như thế cũng tốt. Cứ như thế, nó sẽ so sánh, sẽ thầm giễu cợt người khác, sẽ không đạt được mong muốn, để rồi một giây phút nào đó, nó sẽ nhận ra tầm vóc của chính mình, sáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Lúc này, nét mặt Ryuichiro lại như đang nói "Anh biết cả điều đó nữa! Em muốn nghĩ sao cũng được!" Và cho dù có khả năng đoán trước mọi việc, gọi được cả đĩa bay, rõ ràng là em tôi đang lép vế. Có vẻ thằng bé cũng đã hiểu điều đó. Nó chỉ không biết phải đặt niềm tin của mình vào đâu. Lúc này, chính việc chỉ có một niềm tin duy nhất lại đang gây rắc rối cho nó.
Phần tôi, những lúc Yoshio như thế này, tôi chỉ biết ước giá mà có thật nhiều kỹ năng để giúp thằng bé bớt căng thẳng, kiểu như "Nhưng nếu chơi Columns thì đây sẽ không thua đâu nhá!" thì chắc là sẽ dễ dàng hơn, hoặc ngồi nghe và nhủ thầm "Quả thật con trai thì cần phải có bố!" Đó là vị trí của tôi.
Amrita Amrita - Banana Yoshimoto Amrita