Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Banana Yoshimoto
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Quang Huy
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2959 / 172
Cập nhật: 2015-09-11 19:41:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 Sự Cố Gắng Của Mẹ
ẹ tôi là một người kỳ lạ. Sống bên bà hơn hai mươi năm nay mà tôi vẫn không hiểu hết. Nước dai hơi sẫm màu, đôi mắt xếch, vóc người nhỏ, trông bà như Matsuoka Kikko thu nhỏ. Mặc dù bà luôn tỏ ra bực tức mỗi khi nghe thấy điều này nhưng quả thực tôi cảm thấy đúng như vậy. Thực ra mẹ tôi chỉ là một phụ nữ hết sức bình thường và chỉ hơi xinh một chút, vốn tính cả lo và dễ mất bình tĩnh kể cả vì những việc không đâu vào đâu, song thỉnh thoảng bà cũng quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Những chuyện này, trái lại, nhiều khi lại rất tốt. Những lúc như thế, bà luôn nói bằng một giọng rành rọt như tiếng sấm truyền, với đôi mắt nhìn thẳng long lanh, tạo ra một âm hưởng đầy vẻ tự tin và không một chút vẩn đục, một thứ tài sản riêng của những cô gái lớn lên trong tình yêu thương. Không hẳn là sự ngạo mạn, cũng không phải là yếu đuối. Đó là sức mạnh vĩ đại của một trái tim bao dung. Ví như khi tôi ra nước ngoài, nhớ về hình ảnh của bà từ một phương trời xa, không hiểu sao, mẹ không bao giờ dịu dàng, cũng chẳng bao giờ cười. Sinh tôi, sinh Mayu, mất chồng, tái giá, sinh Yoshio, ly hôn, mất Mayu, một cuộc đời nhiều sự kiện hơn hẳn những người bình thường. Không hẳn là giận đời, cũng không phải đau buồn mà là một ánh mắt mạnh mẽ, hơn cả sự giận dữ, một thế giới của người phụ nữ mà ở đó sự bất bình với những trò đùa của số phận và niềm tự hào đã vượt qua tất cả những thứ đó như trộn lẫn với nhau. Mẹ tôi ở đó, nhìn ra xa với khuôn mặt như của thần Siva đứng giữa trung tâm bức họa đồ Mandala (bức họa đồ ghi điều răn của Đức Phật - ND).
Hình dung của tôi về mẹ luôn là thế. Đến lúc về nước, nhìn tận mắt lại chỉ thấy mẹ luôn miệng bình phẩm các món quà tôi mang về hay kể lể những chuyện bực mình không đâu trong lúc tôi đi vắng, nói rồi cười ha hả, hết sức bình thường, vậy mà không hiểu sao cứ xa bà là trong tôi lại hiện lên hình ảnh ấy. Ở mẹ tôi, còn có phần nào đó vẫn luôn được giấu kín. Tôi luôn cảm thấy như vậy. Không biết bố tôi có từng cảm thấy vậy không. Không biết tất cả những người đàn ông yêu mẹ có cảm thấy vậy không.
Phải nói thêm là tôi ngồi nghĩ lan man về tất cả những chuyện đó trong ánh nắng sớm, với cái đầu ong ong ngái ngủ là vì vừa trông thấy mẹ tôi lộp cộp khua đôi guốc đi khuất dần trên con đường nhỏ trước nhà, mái tóc nâu như nhảy nhót trong nắng. Mẹ tôi được mời đến trường của Yoshio vì thằng bé tự ý bỏ học nhiều ngày liền. Chuyện mới thứ năm tuần trước.
- Sao? Không đi học ư? Mẹ tôi hỏi với giọng hoảng hốt.
Lúc đó khoảng hai giờ chiều. Tôi vừa ngủ dậy, đang lơ đễnh nhìn màn hình tivi, nghe thấy thế bỗng tỉnh hẳn. Tôi nghe tiếp một lúc và hiểu ra đó là chuyện của Yoshio. Thằng ngốc, tôi thầm nghĩ. Ai lại đi nghỉ nhiều đến mức lộ tẩy như thế. Tiếp đó, trong lúc vẫn nghe giọng nói điện thoại lúc to lúc nhỏ của mẹ, trong đầu tôi bỗng hiện lên rõ nét một hình ảnh mà bấy lâu nay tôi đã quên hẳn.
Đó là hồi cấp hai, lần đầu tiên tôi bỏ học để hẹn hò với một cậu hơn tuổi. Tôi gần như đã quên hẳn chuyện đó nên lúc này, dù cố đến mấy cũng không thể nhớ nổi khuôn mặt của cậu ta. Thực ra thì trước đó cũng đã có lần tôi nghỉ học nhưng bỏ học một cách có tính toán thì đó là lần đầu tiên. Chúng tôi tình tứ nắm tay nhau đi xem phim, hôn nhau trong bóng tối giữa đoạn quảng cáo, bước ra phố lúc giữa trưa và uống trà ở một quán cà phê bốn phía đều ốp kính. Một chiếc bàn rất đẹp, những chiếc thìa nhỏ bằng bạc, cốc nước trong suốt thoảng hương chanh... Cà phê Expresso và bánh ngọt... Chúng tôi vừa nói chuyện, vừa nhìn ra ngoài cửa sổ. Phía bên kia đường là một cửa hàng trò chơi điện tử, cái cửa hàng giữa ban ngày cũng thắp đèn nê-ông, có cảm giác như nghe được cả tiếng ồn trong đó. Chà! Hẹn với chả hò! Chơi game vẫn thích hơn. Chắc mình chưa đến tuổi đây mà!" Tôi nhẩn nha nghĩ, "Chắc chắn còn thích hơn là hôn với hít!".
Tôi nhớ lại tất cả, dù trước đó đã gần như quên hẳn. Tôi vốn không hay nhớ những chuyện quá khứ nên nhiều lúc chuyện hôm qua nhưng lại không đi kèm với tâm trạng của hôm qua, hay như chuyện đã lâu lắm rồi nhưng có lúc lại bất chợt hiện về, cả không gian, tâm trạng, tình huống, thật đến mức chỉ có thể nghĩ rằng đó là chuyện đang diễn ra trong hiện tại. Tôi thực sự lẫn lộn với sự sinh động quá mức đó. Khi gặp một ai đó, tôi luôn cảm thấy một sự liên hệ và nhờ vậy có thể cảm nhận được chính mình cho đến giờ phút đó, qua chính những gì đã xảy ra giữa tôi và người ấy. Để rồi sau đó, tôi thấy nhẹ cả người vì đã tìm được chỗ bấu víu. Có lẽ chính vì thế, mỗi lúc chia tay, tôi thường cảm thấy một sự lo lắng không rõ nguồn cơn, đến mức gần như bấn loạn. Cách đây mấy bữa, lúc trời chiều, gặp lại cô bạn gái đã lâu không gặp, sau khi ôn lại chuyện xưa, tôi sợ trở về một mình đến nỗi không dám chia tay và cuối cùng phải nhờ cô ấy đưa về tận nhà. Lần đó, đúng lúc định đứng dậy ra về, hướng ra phố nhìn một lượt, tôi thấy từng dãy nhà đứng sừng sững, những tia nắng chiếu chói chang, dòng người bất tận chảy phía ngoài cửa sổ và chẳng còn hiểu chuyện gì với chuyện gì, không biết mình định đi đâu, về đâu. Không biết chỗ tôi sẽ về có đúng là chỗ tôi đang nghĩ không. Mình làm thêm ở đâu nhỉ? Nhà mình có mấy người? Vừa mới ra khỏi nhà sáng nay mà sao bỗng thấy xa đến vậy? Tôi bấn loạn và lo lắng. Tất cả xa xôi, mông lung, hệt như một giấc mơ tôi đã từng thấy tự lúc nào lâu lắm. Và bỗng, chỉ còn mình tôi, trơ trọi giữa không gian, một mình, cách đều tất cả mọi thứ xung quanh một cách kỳ lạ. Chuyện như thế vẫn thường xảy ra, để rồi chỉ mấy giây sau đó, mọi chuyện lại trở lại bình thường như chưa hề có chuyện gì và tôi lại bước trên đường về nhà. Tự nhiên thấy tôi mắt đỏ hoe như thể sắp chia tay người yêu, cô bạn tôi hoảng hốt hỏi:
- Cậu làm sao thế?
Nghe tôi nói, cô ấy liền chu đáo đưa về tận nhà.
- Có lẽ cậu nên đến bệnh viện cho người ta khám lại thì hơn! Vừa ăn bánh phó mát vừa uống cà phê trong phòng tôi, cô ấy nói một cách khá thoải mái.
Tôi cảm thấy một phần sự thật chính trong cái vẻ thoải mái ấy. Có lẽ nên thế thật, tôi nhủ thầm song lại nghĩ, nếu quả thật như thế, khám xong, người ta đặt cho cái trạng thái không bình thường này của tôi một cái tên bệnh nào đó thì sao. Và thế là tôi quyết định chẳng đi đâu cả. Nếu phải trở lại làm tôi trước lúc bị ngã thì thật là buồn. Và nhàm chán nữa. Tôi yêu tôi bây giờ hơn. Luôn là vậy. Người này khỏe mạnh một trăm phần trăm! Nghe có chán không? Tôi cảm thấy sự cô đơn này là một phần trong vũ trụ của tôi, và nó không phải là một bệnh lý cần thiết phải loại bỏ. Cũng giống như mẹ tôi là một nàng dâu với vận mệnh chìm nổi của mình.
Có vẻ như mẹ tôi bị mời đến trường và đang hỏi lại giờ. Tôi không muốn bị mẹ gọi đến kể về chuyện này sau khi cúp máy nên lẻn ra khỏi nhà trước khi hết điện thoại. Khu phố này chẳng lấy gì làm lớn lắm nên tôi biết ngay thằng bé ở đâu.
Y như rằng, tôi thấy cu cậu ngay trong trung tâm trò chơi điện tử trên dãy phố chợ trước cửa ga. Trong bóng tối, ánh sáng từ màn hình hắt lên khuôn mặt đang say sưa với trò Culumns (trò chơi Columns, chơi trên máy vi tính, giống trò Lain hoặc Kim Cương, phát triển bởi hãng Sega) của nó, làm toát lên một vẻ nghiêm nghị.
- Mới tí tuổi đầu mà đã ham châu báu thế này, không tốt đâu! Tôi đến gần và nói.
Thắng bé giật mình, ngừng chơi nhìn lên.
- Chị Saku! Nhưng sao...? Nó lúng búng.
- Nhà trường gọi điện về chứ sao! Tôi bật cười.
Trò chơi đã kết thúc.
- Em thích màn hình ở đây. Nhìn đẹp lắm.
Thằng bé nói, mắt lại nhìn chăm chú vào đống châu báu đủ màu sắc mà vị thần giả tưởng nọ vừa vãi xuống.
- Mẹ có giận không hả chị?
- Chị không rõ.
- Chị chuẩn bị đi làm đấy à?
- Ừ.
- Cho em đi với nhé.
- Không đâu. Mẹ sẽ mắng cả chị mất.
- Em không muốn về đâu. Thằng bé nài.
Tôi hiểu rõ tâm trạng nặng nề của nó bằng kinh nghiệm của chính mình và bỗng nhớ cái cảm giác đó vô cùng. Đúng như người ta nói, nuôi dạy trẻ con khiến người ta thấy lại chính mình, tôi nhủ thầm, dù chưa từng làm mẹ.
- Thôi nào! Cứ đi ăn tạm cái gì đó đã. Phải rồi, có muốn ăn okonomiyaki không (một món bánh bột trộn rán trên chảo nóng, còn được gọi là Japanese pizza - ND)?
- Có ạ.
Chúng tôi ra khỏi trung tâm trò chơi điện tử, hòa mình vào dãy phố chợ giữa nắng trưa. Ngay gần đó có một hiệu okonomiyaki cũ kỹ. Tôi đưa tay mở cánh cửa kéo lắp kính mờ, bên trong chẳng có khách nào cả.
- Mì xào, tempura (món rán tẩm bột, với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, có xuất xứ từ Tây Ban Nha - ND) thịt lợn, monja (một món ăn gần giống như okonomiyaki, nhưng phổ biến ở Tokyo và Saitama - ND), mỗi thứ một suất. Ngồi xuống chiếu, tôi gọi một mạch.
Sau đó, tôi luôn tay nướng với một tốc độ chóng mặt, vừa khua thìa chảo ầm ĩ, vừa ăn liên tục và hỏi:
- Nếu em nói với mẹ là mệt mỏi, không tập trung được nên muốn nghỉ một thời gian thì mẹ sẽ cho nghỉ cơ mà. Sao lại làm thế?
- Nhưng lần nào cũng phải đi đến nửa đường em mới tự nhiên muốn nghỉ cơ!
Thằng bé đã nói thật.
Ăn xong, cả hai bỗng im thin thít. Và sự ồn ào ngoài phố như tràn vào quán. Ánh nắng chiều qua ô cửa sổ rọi lên tấm chảo rán ngổn ngang như sau một cuộc chiến.
- Không biết mẹ có lo không nhỉ?
- Lo gì chứ?
- Thì lo em không bình thường ấy.
- Vớ vẩn! Em đang còn học cấp một cơ mà. Tôi nói, nhưng trong bụng nhủ thầm rằng có lẽ mọi chuyện chính là ở đó.
- Rồi đây em sẽ còn có bạn gái, uống rượu, hút thuốc, quan hệ khác giới, toàn những chuyện không thể nói được với bố mẹ. Mấy chuyện này đã ăn thua gì mà cả nghĩ thế hả? Hãy cứ làm những gì mình thấy đúng đi! Hiểu chứ?
Dù sao cũng phải công nhận gần đây mặt mũi thằng bé trông hơi lạ. Một khuôn mặt mất cân bằng, bắt đầu có những vẻ hoàn toàn khác với trước đó không lâu. Ánh nắng rọi trên khuôn mặt nặng nề của nó. Đôi lông mày dài, hai mắt cách xa nhau giống bố. Cặp môi nhỏ giống mẹ. Nhưng mọi chuyện không nằm ở đó. Khuôn mặt nó có một nét gì đó khó tả, như thể bỗng nhiên nó già hẳn đi, tuổi tác và con người thực như cách xa nhau. Một khuôn mặt mệt mỏi.
- Chị đúng là vô tình. Nó nói.
- Tại sao?
- Em cũng chẳng biết nữa.
- Thế hả?
- Sao? Chị... giận à?
- Dù có giận vẫn còn hơn chị khóc ra đây đấy! Thôi! Cứ về nhà đi đã!
Ra khỏi quán, chúng tôi chia tay nhau. Tôi quyết định cứ thế đi thẳng đến chỗ làm. Trong ánh nắng chiều, dãy phố chợ ánh lên như một bức tranh đơn sắc, cứ như tôi đang đi trong một khu chợ trời ở một đất nước nào đó. Chòm Vệ Nữ sáng lấp láy trong làn không khí se lạnh. Hai bên phố, những tấm vải màu trắng và đỏ bay lật phật trong gió với dòng chữ "Đại hạ giá" như những đường diềm trang trí. Trong khoảng mười phút cho tới lúc đến bến xe buýt, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện sinh con. Mẹ tôi chỉ còn lại hai đứa con khác cha, tuổi tác lại chênh nhau đến vậy, rồi gần đây lại phải lo lắng cho thằng em trai, chắc bà cũng cảm thấy có gì đó bất an. Đúng là gần đây mẹ tôi có khác trước. Nhưng tôi không thể nhớ được nó bắt đầu từ lúc nào và như thế nào. Chỉ có những hình ảnh cứ lần lượt hiện lên. Núm vú hồng của mẹ, sợi dây chuyền vàng lấp ló sau cổ áo trắng, dáng mẹ nhìn từ phía sau đang mê mải soi gương tỉa lông mày... Toàn những hình ảnh như thế, với tâm trạng không phân biệt rõ là của con trai hay con gái, chỉ đơn giản là cảm xúc của một đứa trẻ ngước lên nhìn mẹ. Và giữa dãy phố sáng vàng ánh chiều, tôi cũng không thể hiểu nổi đó là yêu thương, thù ghét, chia sẻ hay muốn phủ nhận. Đó quả thật là một cảm giác rất tuyệt vời. Một sắc độ rất vừa phải, bâng khuâng như thể nỗi nhớ quê.
Đêm khuya, xong việc tôi về nhà thì thấy một lá thư của mẹ đặt trên mặt bàn trong bếp.
"Sakumi,
Nghe nói hôm nay con đi ăn okonomiyaki với Yoshio. Cám ơn con nhé. Thằng bé về nhà rồi. Sáng mai mẹ phải đi sớm (trường Yoshio mời) nên mẹ ngủ trước đây. Con cũng ngủ đi nhé."
Đúng cái kiểu của mẹ, điều thực sự muốn nói ở trong dấu ngoặc đơn chứ không phải là cám ơn hay giục đi ngủ.
Mẹ đi rồi, tôi vừa định ngủ tiếp thì điện thoại reo. Nửa tỉnh nửa mơ, tôi đợi ai đó sẽ ra nhấc máy nhưng chuông cứ reo mãi mà chẳng ai ra cả. Phải rồi, lúc này tôi mới nhớ ra, cô Junko thì đã đi làm, Mikiko đến giảng đường, em trai tôi đi học, mẹ cũng đã đến trường nó rồi, nhà chẳng còn ai cả. Thế là tôi đành phải dậy, xuống cầu thang và nhấc máy.
- Alô! Alô! Một giọng phụ nữ không quen biết. Có chị Yukiko đấy không ạ?
Đó là tên mẹ tôi.
- Bây giờ mẹ cháu không có nhà. Tôi đáp. Lúc nào mẹ về, cháu sẽ nói lại. Xin lỗi, ai thế ạ?
- Người quen sơ của mẹ cháu ấy mà. À, cô xin tự giới thiệu, cô là Sasaki. Hôm trước cô nghe có người nói gần đây chị Yukiko lo phiền chuyện cậu con trai của mình nên cô gọi điện, định giới thiệu bác sĩ giỏi cho chị ấy ý mà.
- À, ra thế. Cháu sẽ nói lại.
Chuyện chẳng đâu vào đâu nên tôi ừ bừa cho qua chuyện. Không biết có phải bà ta nhận thấy trong giọng nói của tôi ý từ chối rõ ràng hay không mà vội vàng gửi lời hỏi thăm mẹ tôi rồi cúp máy. ở đời thật lắm kiểu người, tôi thầm nghĩ.
Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là loại chuẩn mực. Nào thì ngã chấn thương não, trí nhớ lờ mờ, gia cảnh phức tạp, bao nhiêu chuyện như thế, lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an. Cũng chính vì thế mà tôi chỉ toàn nghĩ đến những chuyện như ý nghĩa của cuộc đời, không những thế, những chuyện này tôi không muốn chia sẻ với người khác. Mà những chuyện như vậy, cứ im lặng thì đến một lúc nào đó người ta cũng sẽ cảm thông cho nhau. Đâu cần nói với nhau, đâu cần biết nhau. Nhiều khi thế lại làm hỏng mọi chuyện. Những chuyện quan trọng vẫn thường dần bị lãng quên ngay từ khi đang nói về nó. Chúng biến mất. Và rồi người ta thấy an tâm về chúng mặc dù mọi thứ thực ra chỉ còn lại lớp vỏ. Tôi có cảm giác như vậy.
Tôi còn một đứa bạn không bình thường gấp mấy lần tôi. Từ hồi nó ra nước ngoài, chẳng ai còn nghe tin gì về nó. Vốn mạnh mẽ, vui nhộn và là típ người có thể sống được ở bất kỳ đâu, hẳn là lúc này, dù đang ở đâu, nó cũng được mọi người xung quanh yêu mến. Nó có một đôi mắt kỳ lạ, lúc nào cũng long lanh, đến mức gây cảm giác nó có thể giết người bất cứ lúc nào. Nó có tới hai bà mẹ. Không biết có phải vì thế, hay vì nguồn năng lượng của một tính cách quá lạ lùng mà mặc dù là một đứa trẻ rất vui tính, nó không thể quen được với nền giáo dục phổ thông và lúc nào cũng ở sát lằn ranh của sự loạn trí. Từ trừ tà, tư vấn tâm lý, đến trị liệu thần kinh, nghe nói cái gì cũng đã thử hết cả. Tôi không rõ lắm, mà cũng chẳng muốn biết, nhưng nghe đâu hồi đó, nó còn theo học cả một lớp mà chính nó gọi là "học về ý nghĩa của cuộc sống với nhiều người".
- Thế nào? Tóm lại là làm những gì? Nghe chuyện nó đi học được đúng một buổi rồi bỏ, tôi tò mò hỏi.
Tôi vẫn còn nhớ rõ tối hôm đó, hai đứa đã ăn và uống với nhau ở ngoài sân trời của một quán ăn nằm trên bờ vịnh. Một đêm cuối hạ, gió mang theo hương biển. Trên bàn chỉ có ánh nến, và mái tóc dài của nó vẽ lên hình gió đêm.
- Thế này nhé! Người ta bảo đó là những chuyện không được nói với người khác. Nó nói.
- Tại sao?
- Họ nói, những chuyện xảy ra ở đó là chuyện riêng tư chỉ của những ai có mặt ở đó, không được kể lại.
- Ồ! Nhưng cậu cứ thử nói một tý xem nào. Tôi vừa cười vừa nói.
Và thế là nó đáp lại:
- Ví dụ như... Để xem nào. Thỉnh thoảng lại có màn nói cho nhau nghe điều bí mật mà bản thân chưa từng nói với ai. Đến lượt tớ thì... Mà này nhé, người đó là một ông đã già và có vẻ rất hiền hậu, còn bí mật của tớ thì...
Và cứ thế, nó kể hết với tôi không chỉ nội dung của lớp học mà cả những bí mật có lẽ chưa từng kể với ai, trừ một ông nào đó mà tôi chưa từng biết mặt. Tôi bật cười vì cái vẻ hồn nhiên rất riêng của nó và hỏi:
- Thế... có gì khác không? Kết quả thế nào?
- Thế nào nhỉ? Chẳng hạn như đi làm muộn, bị sếp mắng cũng không sợ như trước nữa này!
Nó trả lời với một bộ mặt rất nghiêm túc. Còn tôi thì cười phá lên vì cái kết quả chẳng đáng kể gì mà nó vừa nói tới. Quả thực là tôi rất bất ngờ vì chuyện nó đã bỏ ra mấy trăm ngàn theo học lớp ấy mà kết cục là chẳng có tác dụng gì. Tôi biết trị liệu theo cách ấy, có người cảm thấy khá lên, có người cảm thấy xấu đi. Nhưng chỉ có nó là không có tác dụng gì. Đúng là nó có phần không bình thường thật, nhưng vẫn luôn tự quyết lấy mọi chuyện. Cái năng lực tự quyết ở nó mạnh trên mức cần thiết. Từ trang phục, đầu tóc, bạn bè, công việc, yêu và ghét, đến cả những thứ nhỏ nhặt nhất. Tôi có cảm giác hầu như chắc chắn rằng những cái đó tích lại sẽ tạo nên một khái niệm mà ta gọi là sự tự tin. Cứ nhìn nó sống lấp lánh như một ngôi sao, tôi lại thầm nghĩ, thật đẹp khi ta sống là chính mình, cho dù có thể vì thế mà phải gục ngã, và chẳng có gì đáng để người khác quyết định thay cho ta.
Khoảng hai giờ chiều, mẹ tôi trở về với một nếp nhăn giữa trán.
- Mẹ về rồi đây.
Nói rồi mẹ bước vào bếp và thả phịch người xuống ghế, không buồn cởi áo khác ngoài. Tôi pha một ấm trà mang đến và hỏi:
- Thế nào hả mẹ?
- Đúng là mẹ không thể nào chịu được mấy cái văn phòng. Từ xưa đã vậy. Bức bối chết được! Mẹ tôi nói.
- Yoshio sao thế ạ?
- Ai ngờ ở trường nó làm đủ trò. Đi học buổi có buổi không, trốn tiết ma-ra-tông, viết lách trong giờ học, thôi thì đủ thứ, chỉ nghe cũng đã phát mệt. Mà tất cả cũng chỉ mới bắt đầu gần đây thôi, từ khi nó trở thành ông đồng bà cốt đấy! Mẹ tôi nói.
- Mẹ à, nói huỵch toẹt kiểu ấy nghe ngộ quá! Tôi phá lên cười.
- Nhưng đúng là nó ngốc thật. Con và Mayu ngày trước có đứa nào như thế đâu. Mẹ tôi than.
- Nó không bị bạn bè trêu chọc chứ mẹ?
- Chuyện đó có lẽ không!
- Hừm...
- Nhà nào mà có lắm chuyện là bọn trẻ chịu đựng nhiều nhất. Đấy con xem, nó cứ ngốc ngốc làm sao ấy! Mẹ tôi lại nói. À, nhưng hình như khi kiểm tra, cu cậu luôn trúng tủ thì phải.
- Hay nó có năng lực khác thường gì đó... Mẹ có không nhỉ?
- Kiểu như giác quan thứ sáu á? Không đâu! Hồi bố con gặp tai biến mẹ cũng có cảm nhận được gì đâu. Con thì sao?
- Không hề!
- Vậy thì ở đâu ra nhỉ?
- Lạ thật!
° ° °
Phải chăng chuyện đó đến từ một nơi nào xa thẳm giữa đại dương hằng hà sa số các tổ hợp DNA? Hay từ một nơi nào đó trong sự kết nối của các tế bào thần kinh trong não thằng bé?
- À, nói ra mới nhớ, lúc nãy có một cô tên là Sasaki gọi điện cho mẹ đấy! Tôi chợt nhớ ra và nói mà chịu không đoán được mẹ tôi sẽ phản ứng ra sao.
Mẹ tôi vốn hay lắng nghe một cách nghiêm túc những lời khuyên chân thành của mọi người, nên đã đến mức đi nói chuyện đó với người ngoài thế này, ắt hẳn mẹ tôi cũng rất lo chuyện thằng bé. Có lẽ mẹ tôi ngại phải tự nói ra điều đó, tôi nhủ thầm. Nhưng nghe vậy, lúc đầu mẹ tôi ậm ừ, rồi nhướn mày và cuối cùng cười phá lên.
- Không biết mọi người làm sao cả rồi nhỉ? Mẹ tôi nói. Tại sao cả những người mình chưa gặp lần nào cũng đi lo cho con mình cơ chứ?
Nghe có vẻ buồn cười nhưng rất dễ hiểu.
- Gọi là rỗi hơi hay gọi là gì nhỉ...? Mẹ tôi nói rồi đứng dậy đi thay đồ.
Không hiểu tại sao nhưng tôi thấy an tâm vì chí ít mọi chuyện vẫn bình thường.
Rồi tôi bỗng nhớ ra một chuyện. Có lần tôi cùng với đứa bạn "Chẳng hạn như đi làm muộn, bị sếp mắng cũng không sợ như trước" và một cô bạn gái nữa, ba đứa đi Hồng Kông. Vốn ưa thoải mái, không thích bị ràng buộc, lúc ở Nhật, nó luôn cảm thấy không tự nhiên. Vì thế mà vừa mới ra nước ngoài, nó bỗng hoạt bát hẳn lên, như con cá quẫy nước. Bởi thế mà tôi và cả cô bạn còn lại đều yêu nó vô cùng. Trong căn phòng khách sạn sang trọng tưởng như không thể sang hơn, phía ngoài cửa sổ là trời đêm, ba chiếc giường mềm mại xếp thẳng hàng. Cô bạn đi cùng ngồi uống bia bên chiếc bàn lớn, tôi và nó thì vừa tắm xong, vẫn quấn khăn tắm nằm khểnh trên giường. Đúng vậy! Chúng tôi đã rất yêu và rất hiểu nó. Cả ba thao thao nói chuyện, nào kế hoạch hôm sau, nào chuyện chàng này chàng nọ. Bỗng nó ôm chầm lấy tôi, rồi gọi:
- Mama!
Tôi nghẹt thở, bèn vật nó xuống, đùa lại. Tất cả cảm xúc lúc đó hòa theo tiếng cười giòn tan. Giấy phút đó, cảm xúc ùa về, tràn ngợp, đến mức tưởng như sẽ không thể chứa đựng nổi nếu không để chúng tan chảy theo tiếng cười. Tất cả, tất cả những cảm xúc ấy, không thể nói bằng lời. Tất cả những gì chúng tôi cùng yêu thích, những gì chúng tôi cùng ghê sợ, những gì chúng tôi cùng nâng niu. Nếu là con trai, có lẽ tôi đã nhân cơ hội này mà ôm ghì lấy nó. Nếu tôi đang manng bầu, có lẽ tôi đã nhẹ nhàng xoa tay lên cái bụng to. Tuy chỉ trong giây lát, những cảm xúc ấy thật mãnh liệt. Chắc hẳn cô bạn kia cũng thế. Hồi tưởng lại tất cả những chuyện đó, tôi như muốn phát khóc với những xúc cảm dâng trào.
Amrita Amrita - Banana Yoshimoto Amrita