Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 137
Phí download: 11 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8494 / 117
Cập nhật: 2015-11-21 21:14:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 119: Người Bạn Vàng Đời Không Thấy Ông Địa Chui Qua Sông Sài Gòn
an chỉ huy E phải phân tán theo đơn vị. Bảy Ga, Tư Quân và tôi mỗi người phụ trách một mảng, đóng một nơi riêng biệt hoạt động gần như độc lập để tránh bị tiêu diệt. Sau Mậu Thân, bom pháo kết hợp biệt kích hoạt động ác liệt hơn nhiều.
Toàn quận Củ Chi đều trở thành thuộc địa của vương quốc Đồng Dù. Hàng ngày, trực thăng đổ vào giữa rún "Củ Chi Giải Phóng" để xúc dân ra định cư ở các ấp chiến lược Cây Bài, Lào Táo, Trung Lập, Cây Sộp.
Tôi phải đi tìm hang chui. Ở đâu bây giờ?
Tôi chợt nhớ Sáu Hùm, là người bạn có tình xưa nghĩa cũ. Kỳ rồi trên đường đi Sài Gòn tôi đã nghỉ đêm tại hang Hùm. Rồi bị kêu lộn về, nướng hụt. Hang chui thì dễ đào, nhưng nếu có giặc thì địa đạo chiến cách nào? Chiến thuật vảy chài nhanh, thu chài nhanh làm sao thực hiện? Cái chiến thuật này tôi học ở trường lục quân hồi 1950 như một trong những bí quyết du kích chiến. Tóm tắt là khi có địch thì tập trung đơn vị phóng ra mũi tấn công diệt địch nhanh rồi thu quân lại phân tán để tránh bị phản công. Thời đó, với Pháp rùa bò thì khả dĩ thi hành được.
Nhưng bây giờ với chiến thuật trực thăng, pháo, không thể vảy mà cũng không thể thu nhanh được. Muốn đánh Mỹ phải có gan đội bom pháo rốc kết dọn bãi để chờ nó tới. Có khi dọn bãi chỗ này, nó lại đổ chỗ khác. Mình không đánh cũng bị thiệt hại. Không có một chiến thuật nào của trường học đem áp dụng ờ đây được. Mỹ đánh không như Pháp.
Ông Võ Nguyên Giáp và ông Văn Tiến Dũng không hiểu Mỹ chút nào cả. Tôi có thể nói như thế mà không sợ sai lầm. Các ông ấy xem máu chiến sĩ như nước lã. Vì trong lũ hi sinh vật này không có con cháu của Bộ Chính Trị, Trung Ương đảng, Chính Phủ. Đám con ông Phủ cháu ông Nghè bận đi học bên Liên Xô, Trung Quốc, ngay cả Trần Độ (Chín Vinh) có thằng con tên là Trần Quang cũng làm ở công xưởng chớ không ra trận. Chỉ có bần cố nông một lòng tin Cách Mạng nên mới cho con cháu vô bộ đội bị lùa đi "Giải Phóng Miền Nam thôi". Chết mất xác 300 ngàn (theo thú nhận của Đỗ Mười) đâu có giấy báo tử. Giấy để dành cho Bộ Chính Trị viết chính sách, thảo chỉ thị thừa thắng xông lên.
Tôi và thằng Tiển thằng Đá đến hang của Sáu Hùm lúc trời chạng vạng. Im vắng bốn bề không nghe tiếng Hùm con oe oe. Cô mụ Tám Mang đỡ bên Vườn Trầu, Hùm cha tha hùm con về hang lâu rồi.
Gặp tôi, Hùm hỏi ngay:
- Bộ đi Sài Gòn nữa hả anh Hai?
- Không! Mình đã "làm chủ" Sài Gòn rồi còn đi làm chi nữa!
- Mừng cho anh! - Có lẽ sợ mất lập trường, Hùm né ngang - Anh ở lại trị tụi Đồng Dù mới được. Chớ anh đi, còn ai?
Tôi rỉ tai Sáu Hùm:
- Hai đứa kéo nhau ra xa miệng hầm ngồi tỉ tê.
Hùm nói:
- Bây giờ tôi đưa anh ra xem cái hầm dưới triền dốc đường 15.
- Ở khúc nào?
- Ngay Bến Hõm.
Nghe cái tên hơi lạ, tôi ngồi im, không biết chỗ nào nhưng không muốn lòi đuôi dốt địa hình trước mặt ông thổ địa nên chưa hỏi vội.
- Chời! Anh dẫm nát Củ Chi mà không biết Bến Hõm?
- Tên gì kỳ vậy? Sao không kêu là Bến "Hùm" cho dễ nhớ?
- Gần mội nước nhỉ, chỗ thằng Lợi bị xe tăng bắn!
- À! tưởng đâu lạ! Đó là bến tàu. Từ Dầu Tiếng xuống Bình Dương liền mấy năm trước tàu đò đỗ lại đó cho khách lên xuống. Nó không có cầu tàu nhưng bờ sông có một chỗ lõm vào như cái vịnh con, tàu đâm mũi vô đó rất tiện. Phải không?
- Phải rồi, nhưng là hồi năm kia chớ bây giờ chỗ đó thành hoang địa rồi, tàu bè đâu còn tới nữa. Kể từ ngày thằng cha nhà báo gì cặm cờ quay phim, chủ tàu té đái 3 năm không dám chạy rước khách đường này nữa! Thành ra cái bến hõm cây cối mọc rậm rì như cái bẹng trâu già. Không ai thèm chú ý nữa.
Tôi gạt ra:
- Càng rậm giang thuyền càng để ý cha non ơi!
Sáu Hùm nói:
- Thời buổi này chuột không nhờ bụi rậm thì chằng lẽ lại chạy lan ra đồng trống sao anh Hai!
Hắn nói một câu hết sức chí lý làm cho tôi không còn cãi lại được. Sáu Hùm than thở:
- Thương binh tới nay vẫn còn đùn đống dưới Rạch Tra- Bình Mỹ.
- Gần Rạch Cây Dương không? - Tôi làm bộ hỏi cơ.
- Rạch Cây Da tuốt ở trên này mà. Còn Rạch Tra là gần Sài Gòn rồi. Hồi trước thì còn xuống được. Bây giờ tụi Sài Gòn truy kích rát lắm. Thương binh về được thì về chớ anh Năm E và tôi không xuống được.
Tôi làm thinh. Còn nói gì bây giờ.
- Chật! Sáu Hùm chắt lưỡi.
Tôi đoán sau cái chắt lưỡi đó còn bao nhiêu ý nghĩ khác. Hắn không nói ra. Hắn đứng dậy bảo:
- Thôi đi về anh! Ngồi lâu ngoài này không tiện.
Chúng tôi về hầm. Trời! Một kỳ công kiến trúc của thế giới. Hang cũ đã bỏ, Hùm đào hang mới. Nửa nhà nửa hang khoét trong lòng đất. Bên trong vẫn có bàn ghế, có cả bàn thờ với lư hương, bếp núc, giường ngủ gần đầy đủ như một căn nhà.
- Chú thờ ai vậy Hùm?
- Thờ chung chung. Ai cũng thờ để cho họ phù hộ mình.
- Hùm con được mấy tháng rồi?
- Dạ 3 tháng ngoài!
Tôi giật mình, không ngờ thời gian đi nhanh như thế. Mới Tết đây, mùi bánh tét chưa phai mà bây giờ đã qua năm khác lâu rồi. Trông thằng bé nằm chòi chòi 2 chân trong túp mền đen đủi, tôi gượng làm vui, nắm tay nó nói đùa mấy câu rồi móc tiền trong số 2 triệu của Tám Lệ đưa hôm nọ, bảo Út Bánh Ú - vợ Hùm:
- Thím cầm tiền mua sữa cho cháu.
- Nó uống nước cơm quậy đường không hà anh Hai. Nó tuổi Thân, con gà (!!)chắc sẽ khá.
Ăn ở như vậy, không biết tại sao thằng bé vẫn khỏe mạnh và rất kháu.
Vợ Hùm nói:
- Cũng may là nó ít khóc anh Hai à. Nếu nó khóc như con người ta thì bể hết chớ làm sao mà ở được một chỗ.
Hai Khởi có con nhưng ở trên nhà vùng Ngụy tử tế. Nếu thấy cảnh này chắc không đốc tôi "bứng gót" Tám Lệ nữa.
Đánh nữa đi các cha Hà Nội, thừa thắng xông lên! Lên đường xuống đường kiếm thêm ba mớ dây chuyền cà rá! Ma Mậu Thân có linh thiêng sao không bẻ họng bọn thằng Hồ thằng Duẩn thăng Chinh lùn? (Mà linh thật, sau này mới hay tên Hồ già ngả bệnh thành bán thân bất toại sau Tết, rồi ngủm luôn. Trèo cao té nặng nghe em! Hồn oan tử sĩ khắp miền Nam vật mày đó!)
Tôi phải nấn ná ở với Sáu Hùm mấy ngày để đợi tình hình thuận tiện mới mò được ra Bến Hõm. Xưa kia con đường từ An Nhơn Tây xuống Phú Hòa Đông dập dìu tài tử giai nhân. Bây giờ mỗi bước đi một mảnh đạn. Tài tử Tám Lệ (Ef không phải Tám Lệ góa chồng) thì đi Sài Gòn không về còn giai nhân Kim Anh, Út Lan thì mỗi người một ngã.
- Con Xuân nằm chỗ nào Đá?
- Ở bờ rừng cao su kìa anh.
Chắc tấm bia gỗ nay đã trôi mất. Tôi chợt nhớ tới bà khu ủy Năm Đang không biết sau khi bị lột... chức, trôi dạt nơi nào. Con cá lẹp này có lúc cũng lên mặt kên lập trường với đám lính tụi tôi lắm. Tội nghiệp, bây giờ cô đơn đêm khuya thân gái dặm trường.
Sáu Hùm đột nhiên kêu lên:
- Phải còn thẳng Cội bây giờ thì đỡ cho anh biết bao nhiêu anh Hai.
- Ờ!
Bây giờ tụi Trung Hòa hay đột ra sở Bà Hộ và gài mìn khúc Cầu Rạch Sơn dữ lấm! Anh đi Bến Mương phải coi chừng thiệt kỹ.
- Coi gì được mà coi em ơi! (Tôi nghĩ bụng). Chừng nào nó gầm thì mới biết. Như Năm Tiều, như Ba Nhẫn đó!
Một vùng trời đất hoang sơ chi địa. Đó là Bến Hõm ở triền dốc con đường 15 dọc theo sông Sài Gòn. Ở đâu rồi cũng thành quê hương của tên Thiên Lôi này cả. Đang ngóng xuống sông thì có 2 người đi tới. Đó là Út Lan du kích An Phú (không phải Lan vợ Bảy Nô Dtt mới chết ở Lòng Tào) và thằng Ứng du kích.
Đám này gan lắm. Thời "dũng sĩ" Năm Cội còn tung hoành, thì Út Lan cũng nổi như cồn. Nàng dám đứng núp gốc cau bắn 18 phát CKC đuổi biệt kích thằng Giắc chạy dài. Thấy nàng đến, tôi nói:
- Anh tưởng em vô ấp chiến lược rồi chớ!
- Em không như con Ba Cấm đâu anh! Em ở lại bám tới cùng. Em vừa bị thương mới mạnh.
- Sao vậy?
- Pháo dập sơ sơ.
Thằng Ứng tay cầm trái lựu đạn nội hóa của công trường quận sản xuất (khá hơn lựu đạn có đuôi VTF -Võ Thành Phát- thời đánh Tây một chút), rặn mãi mới ra một câu:
- Anh... a... anh Hai cái cái mà đi... đi nghi nghi... ên cứu đánh giang thuyền hả?
- Pa... ả... ải "gồi" - Sáu Hùm nhái lại.
Cả bọn cười ran:
- Phục... chỗ này thì ăn gọn... cái... một!
- Ờ ờ đâu mày chỉ chỗ cho anh Hai đi ra bờ sông coi địa thế chút.
Thằng Ứng vạch cỏ đi trước. Lan vác CKC theo sau. Hùm nói với tôi:
- Vùng này đào giếng phải sâu 6 thước mới có nước anh à. Vậy nên đào hầm tốt lắm.
Cả đám đi theo chân thằng Ứng, từ trên mặt đường xuống triền dốc thoai thoải như móng cầu. Sáu Hùm hỏi:
- Tụi bây gài có bỏ sót ở đây trái nào không?
- Không có đâu, anh đừng lo. Bộ anh sợ đi theo bác Năm Tiều hả?
Tôi hỏi Lan:
- Các em có được tiêu chuẩn gạo không?
- Làm gì được anh Hai. Thằng Ứng toàn đi moi gạo hậu cần của ông Ba Râu.
Thằng Ứng tiếp:
- Có lần xui xẻo ghê. Em đang moi được đầy hai ống quần vắt qua cổ sắp rút đi thì ổng tới. Em sợ quá, nhưng ổng bảo: tụi bây đói tao thí cho một lần thôi. Lần sau bắt gặp tao thiến cổ nghe chưa? Dạ, thiến thì thiến, bác Ba đừng có gài lựu đạn chết tụi cháu không còn ai cánh giặc! Ổng đi rồi, tụi em lại xoi tiếp.
- Xuống Bến Cỏ không mua được sao?
- Thằng cha xã trưởng này khôn lắm. Nó không cho ai đem gạo ra khỏi xã. Nó kiểm soát hũ gạo của từng nhà.Tiểu đoàn 2 quận Gò Môn toàn lãnh lúa tự xay giã lấy mà ăn chớ đâu có được lãnh gạo. Tụi em đói quá, lắm lúc phải vô ấp chiến lược ăn chực. Cùng cực nữa thì đi làm mướn: đào đất, đánh xe bò, vác lúa, chèo ghe.
Thằng Ứng nói luôn:
- Ở ấp Cỏ Ống xã Lộc Hưng có anh Tư Cao con bà má Sáu là đại đội phó D14 Tây Ninh bỏ về nhà làm ăn. Ông Ba Lành là anh của ông Tư Cao lâu nay phụ trách chở gạo qua Rạch Kiến, nay nghỉ rồi, nên không còn ai mướn tụi em chèo ghe. Hồi trước gạo chở kình kình trên xe bò tuốt qua bót.
- Lính để cho đi à?
- Tụi em năn nỉ, nó không bắt bớ gì nữa. Nhưng đó là lính bót chớ gặp lính sư đoàn thì chỉ có môn bỏ xe tẩu như phi. Nó bắt được thì chầu Hà Bá! - Thằng Ứng chỉ tay về phía trước- Chỗ đó tiêu 2 mạng. Hề hề, vợ con được lãnh tiền tử, đủ mua mấy ốp nhang... - Ứng tiếp- Nhưng dầu sao ở đây cũng khỏe hơn ở Gò Đình. Ở đó gần bót Trung Hòa không chơi địa được, chỉ đào hang ếch ở tạm thôi. Cứ bị moi bắt hoài. Hồi đó anh Năm Cội thường mò qua Ba Sa tìm chị Lan.
Lan với tay đấm lưng thằng Ứng:
- Đừng có nhắc nữa. Đi mau lên.
Thằng Ứng cười trừ:
- Không phải sao. Ảnh cảm chị vì mấy phát trường bá đỏ Nếu ảnh không đạp mìn thì nay đã có Cội con oe oe rồi. Anh Sáu Hùm là chú ruột của con Út Bánh Tráng hứa làm mai anh Cội cho chị mà tại ảnh vắn số quá. Mấy ảnh cứ đi hết bỏ mấy chị ở lại buồn ghê!
Nghe tiếng Lan sịt mũi, tôi gạt ngang:
- Công tác cách mạng thì phải hi sinh chớ buồn gì mà buồn. Cụ Hồ có vợ con gì đâu. - Bỗng nghe mũi cay cay, tôi hắt hơi mấy cái liền.
Thằng Ứng nói:
- Gần tới mé sông rồi. Hóa học nó rải hồi năm ngoái đó ở đây có mấy nóc nhà lưa thưa, có quán bán bánh cho khách lên xuống tàu đi Bình Dương Dầu Tiếng có cả tiệm chụp hình nữa nhưng từ khi ăn hóa học họ đi hết rồi. Nhà đứng đó nhưng không có người!
Đoàn đi xuống mút cái dốc, Sáu Hùm bảo Lan và Ứng trở lên cảnh giới trên mặt lộ còn Tiển và Đá thì canh ngoài sông. Thời buổi này phải kỹ lưỡng từng chút một kẻo mà chết không kịp trối.
Thằng Tiền rùng mình:
- Em sợ "bò" quá anh Hai.
- Bậy mày! "Bò" chìm xuống đáy sông hết chớ đâu còn trên mặt nước?
Còn lại tôi và Sáu Hùm. Anh ta mới ngó dáo dác một lúc rồi bảo:
- Miệng địa chắc đâu ở đằng gốc cây kia!
- Cái gì?
- Miệng hầm.
- Chú không nhớ chắc hay sao?
- Đào hồi Đồng Khởi tới bây giờ có rớ tới đâu anh Hai!
Cái gì không dùng thì tốt, nhưng địa mà bỏ lâu chừng ấy thì hết xài rồi. Tôi buồn rầu nghĩ bụng như thế nhưng không dám nói ra. Mình bây giờ đâu còn oai phong nữa. Bộ đội chánh qui lại cởi áo làm du kích còn dám "loe lói" gì với xã đội. Nhưng Sáu Hùm là người biết điều không lên mặt với kẻ thất thế.
Hắn bảo:
- Anh đi theo tôi! - rồi rẽ cỏ vừa lom khom đi tới vừa nói: - Hồi đó các xã thi đua đào địa, nhưng các xã An Nhơn Phú Mỹ Hưng thì tập họp dân ba ngày đào được vài ba chục thước còn ở đây gần địch đâu dám đào công khai, phải mò rờ ban đêm. Vài ba ngoe moi được một thước là cùng. Rồi hai ba đêm, có khi cả tháng mới đào tiếp.
Tôi hỏi:
- Sao lại mở miệng ở cái dốc sỏi đá này vậy?
- Ở giữa dốc xe tăng nó không chạy nhẹp. Hình như B52 nó chê, ở đây an toàn hơn chỗ khác, không dè nó lại bứng cả khúc ở Nhà Mủ Hố Bò làm rung rinh tận dưới này. Hố Bò bây giờ như Vàm Sông Soài Rạp chớ khác gì. May nó chỉ rắc tới chợ An Nhơn còn chừa khúc này cho mình sống.
Đến một bụi cây không rõ cây gì, Sáu Hùm dừng lại trỏ tay dưới một gốc cây:
- Chắc là đây. Rồi nhìn quanh như để xác nhận địa điểm một lần nữa: - Cái cây này chớ gi! Hồi mở miệng thí 1 nó có bằng cườm tay, nay thành cổ thụ.
Sáu Hùm ngồi xuống vạch cỏ. Hắn rút trong lưng ra cái cuốc chim cào cào đất. Tôi chăm chú nhìn tìm cái khoen sắt dùng để kéo nắp hầm lên. Trò chơi này tôi cũng rành không kém ai.
Hồi lâu Sáu Hùm mới tìm được cái mép khuôn gỗ.
- Miệng địa đây rồi. - Anh ta cào mạnh làm lòi ra cái khuôn gỗ hình chữ nhật.
Tôi mừng rỡ reo lên:
- Đúng rồi, khai khẩu ông địa ra coi!
Sáu Hùm moi đất ở giữa cái khuôn để tìm khoen dây thép Nhưng nó đã bị sét không còn dùng được để kéo nắp lên nữa. Cái nắp nặng 20-30 kilô chớ đâu phải nhẹ. Sáu Hùm rất kiên nhẫn. Y moi hết đất trong khung gỗ ra rồi thọc tay xuống hầm lôi bật nấp lên. Cái khung gỗ mục nát để lòi ra một khoảng trống, rễ cây trắng hếu đan qua chéo lại như mặt võng.
Hai đứa ngồi bệt xuống đất nhìn nhau, không giấu được sự thất vọng.
Sáu Hùm động viên tôi:
- Coi vậy chớ tốt lắm đó anh Hai!
Tôi làm thinh. Sáu Hùm tiếp:
- 6 năm rồi mà cái miệng chưa bít. Miệng chưa bít thì ruột còn. Mình sửa lại mấy hồi anh Hai. Anh cứ tin tôi đi. Đây là địa tốt nhất. Tụi giang thuyền có "tróc" M79 cũng không vô tới. Ở đây "ngồi thum" gió mát như quạt hầu khỏe lắm!
- Vậy hả? - tôi gượng hỏi.
- Lúc này thì chỉ còn ngồi thum chờ Hòa Bình chớ làm gì nữa anh!
Bỗng thằng Đá chạy vọt lên mặt mày ngơ ngáo, miệng há hốc:
- Anh Hai ơi! anh Hai!
ôi và Sáu Hùm bật dậy như lò-xo:
- Gì đó. Giang thuyền tới hả?
- Ơ ơ....
- Chạy mau anh Hai. Nó bắn đại liên dữ lắm!
Tôi trườn lên mặt đường. Sáu Hùm vọt theo. Thằng Đá đuổi kịp la lên:
- Không phải giang thuyền, anh Hai, anh Sáu!
- Thằng quỉ làm tao hết hồn!
Thằng Đá vừa thở vừa nói:
- Người không phải người, quỉ không phải quỉ!
- Vậy chớ cái gì? Nó ra làm sao? - Hùm hét.
- Hay là ma "bò". Ma gì hiện giữa ban ngày? - Tôi quát theo.
Thằng Đá vừa quệt mồ hôi vừa nói:
- Em với thằng Tiễn đang canh mặt sông thì nghe trên cây dừa có tiếng cười hí hí. Em bỏ ống dòm thì thấy một con khỉ, nhưng khỉ gì to thế? Em kêu thằng Tiển chỉ cho nó xem. Bỗng thằng người tuột tột tột xuống đất. Tụi em chạy. Thằng Tiển lủi đâu mất, em vọt lên đây.
Sáu Hùm hỏi:
- Nó ở đâu rồi?
- Không biết. Em chỉ thấy mặt mũi nó gớm quá. Tóc tai xõa tới lưng quần như rạ khô thấy ghê! Quần áo te tua như tổ đỉa. Em chạy suýt té đái.
- Mày học sách ông Chín tưới ướt lưng ông Năm E hả?
Sáu Hùm nói:
- Tôi biết rồi anh Hai! Đó là thằng người B52.
- Là người gì?
- Để tôi nói anh nghe. Hồi 1963, B52 rắc Láng Cát. Trời, tới bây giờ nhớ lại hãy còn rủng mình rởn óc. Đang ngủ nửa đêm bỗng nghe đùng đùng như pháo tre nổ loạt này hết loạt khác, mặt đất lắc như đưa võng. Đang nằm muốn ngồi dậy mà không ngồi được. Kỳ đó chết một ông lớn mình giấu dữ lắm, ngoài ra còn mấy chục cán bộ không biết cỡ nào. Còn súng to cũng hư hết. Chỉ còn vài ba người sống sót. Nghe người ta đồn thôi chứ ít ai thấy. Mấy ông bị vùi dưới đất rồi ngoi lên đi lang thang trong xóm. Dây "thần thông" đứt hết nên điên điên khùng khùng, ẩn ẩn hiện hiện như ma. Chắc cái thằng người này đi trong chuyến đó, không biết gốc Nam hay Bắc. Ở vùng này bà con gọi là "ông B52" chính là mấy ông nội này.
có khi du kích Bàu Tre, Bàu Tròn gặp. Hỏi tên tuổi, gốc gác, anh ta không trả lời. Đang nói chuyện phát chạy. Đang đi bỗng vọt lên ngọn cây. Giang thuyền bắt được trói bỏ xuống tàu anh ta phóng xuống sông. Lính xe tăng cho sữa, bánh, y đeo cùng mình, gặp con nít ném cho.
Tôi nói:
- Hồi lội Trường Sơn tôi cũng có gặp một người bị B52 hóa điên như vậy. Đơn vị bỏ thì không được mà đem theo thì rất khổ. Anh em phải buộc tay dắt theo. Nếu lơ đễnh anh ta chạy vuột vô rừng rậm. Cả tiểu đội đuổi theo bắt như săn nai, làm náo động các đơn vị khác.
Sáu Hùm nói:
- Lâu lâu người ta lại gặp ông ấy như ma quỉ. Du kích thương hại bắt đem về trói vô cột nhưng rồi cũng sút ra đi lang. Có người đề nghị bắn phức cho y mát thân chớ sống làm gì mà người không ra người như thế. Nhưng ông Năm E bảo chờ Hoà Bình xem có phải người Bắc thì trả về cho gia đình. Dù sao cũng còn cái xác hơn là mất tích.
Tôi ê ẩm hết cả tâm can, không biết nói sao.
Đi tìm hầm lại đụng ma quỉ. Lúc chia tay, Lan hỏi tôi:
- Anh chấm chỗ đặt DKZ chưa anh Hai?
- Được rồi!! Ký súng ngay khúc quẹo này thì bắn ngay chóc vô hông giang thuyền.
Trở về nhà trời tối mịt. Sáu Hùm vỗ vai tôi nói:
- Cái khúc địa này chui qua sông (Sài Gòn) đó nghe anh Hai.
- Vậy hả?
Sáu Hùm cười cười:
- Vậy lúc trước anh làm quận đội không có đến kiểm tra sao?
- Củ Chi có tới "cả trăm cây số địa" tôi không nhớ hết!
- Sau này ông Nguyễn Thành Lính thành Lém gì đó ở ngoài Bắc vô củng cố thêm bằng bê tông, địa qua lại sông Sài Gòn đã lắm! Bộ ông ta không có liên hệ với anh sao?
- Không! Sao bây giờ cái miệng địa bít lại vậy?
Sáu Hùm lựng khựng một chút rồi đáp:
- Đây là miệng cũ, còn miệng mới ở chỗ khác!
Tôi đẩy luôn ngọt ngào:
- Như vậy để hôm nào cho tôi chui qua đáy sông đi họp quân khu, khỏi đi trên bến Dược nguy hiểm quá.
- Cái đó dư xăng. Địa qua sông không phải mọp, cứ đi thẳng lưng như đi trên lộ đá vậy anh Hai.
Tôi gật gù:
- Thì cũng như ông Năm Ngó đưa ông già Tư đi một tua vừa rồi, có ghé dưới đít Đồng Dù nghe Phạm Sang kéo cây đờn xếp nữa. Ổng khen Củ Chi nức nở.
Sáu Hùm nói:
- Chui qua địa này chừng 15 phút thôi anh à! Tôi dắt dân công vác gạo qua bên Thanh An rồi lộn về chỉ trong một ngày. Có lần giang thuyền nó chạy ngang đầu nghe nước khua lách tách.
Tôi bảo:
- Sao không thò tay ra nắm bánh lái nó rị xuống?
Hai đứa "thông cổm" nhìn nhau cười rũ rượi. Bọn ăn mày cũng có khi mơ thành triệu phú, đẩy cây thoa mà bò với nhau.
Tôi kêu thằng Đá và thằng Tiển lấy gạo ra nấu cơm. Sáu Hùm bảo:
- Anh Năm E xả đáy rồi, lúc này cực ăn lấm, không còn tôm cá như lúc trước nữa anh Hai à!
- Vẫn còn thẳng chổng hay sao?
- Chổng thưa hơn trước, nhưng vẫn còn lai rai. Tôm càng xanh mà ăn cũng không mạnh miệng nữa anh Hai.
Một lát cơm dọn. Tôi lấy bình toong rượu rót vô mấy cái chung mắt trâu ngã lăn trong vách đất, lâm râm cúng
- Tư Nhựt, Năm Tiều có linh thiêng...
- Có linh thiêng xin đừng cho cò ỉa miệng chai rúm tụi này hết. - Sáu Hùm tiếp lời tôi.
Vừa ngồi vào mâm thì thằng Tiển báo có khách. Sáu Hùm dớn dác ngó ra cửa hầm. Nghe khách tới, ai cũng sợ. Bất cứ khách gì. Bất cứ lúc nào huống chi đêm.
Một người khách lạ kỳ nhưng Sáu Hùm không có vẻ gì ngạc nhiên hoặc lo sợ. Khách ta có cái đầu trọc như gáo dừa gọt dối, mặt lạnh như tiền, tay xách cái hũ sành bằng một chiếc gióng toòng teng, tay kia cầm một gói khô và rau sống thơm phức.
Ông khách không đợi mời thỉnh gì hết, cứ ngồi vào bày các thứ lên mâm. Tôi đoán chắc là bạn của Sáu Hùm nên không hỏi- như người khách ở nhà Hai Giả cách đây 4 năm gặp trên bàn bữa tiệc hội ngộ khi tôi về H6: chú Tám Cần người kháng chiến chống Pháp! Nhưng ông bạn này có và quái dị không giống người địa phương làm tôi nghĩ là người của đảng Rồng Xanh thằng Cử nói hôm nọ.
Giọng y cứng đơ nhưng không phải giọng cắc-chú cố sửa cho giống giọng địa phương. Rồi bất ngờ anh chàng rút ra mấy cái ống trúc kiểng cắm vào miệng hũ:
- Mời thầy Hai làm vài ngụm rượu cần.
Hai tiếng "rượu cần" làm tôi rất đỗi ngạc nhiên, thứ rượu không có ở đất Nam Kỳ mà chỉ ở thượng du Bắc Việt. Người khách cười vui vẻ:
- Tôi nghe tiếng thầy Hai lâu rồi, nay mới có dịp gặp.
Bây giờ Sáu Hùm mới lên tiếng:
- Đây là anh ruột của em.
Tôi ngạc nhiên:
- Tôi biết chỉ có Năm Cọp là anh ruột của chú thôi mà!
- Dạ đây là anh Tư Cheo, anh của Năm Cọp và Sáu Hùm này đó anh Hai. Anh Tư cũng là dân mùa Thu như anh đó.
Tôi đưa tay ra bắt như quen từ lâu:
- Anh về năm mấy, anh Tư?
- Năm mấy tôi cũng quên rồi!
Tôi hỏi tiếp:
- Hiện nay anh Tư công tác ở đơn vị nào?
- Tôi công tác độc lập.
Sự nghi ngờ anh là đảng viên đảng Rồng Xanh càngchắc chắn hơn trong tôi. Nếu không thì anh cũng ở ban công tác thành F100 nên mặt mũi có vẻ lạ lùng. Có lẽ tụi thằng Tư Tăng vượt ngục của ông Năm Đăng, bị bắt trở lại anh ta thoát về đây tá túc với người em chăng? Nghĩ vậy tôi tò mò hỏi tiếp:
- Anh về nghỉ phép được bao lâu anh Tư?
- Vô thời hạn.
- Xin lỗi anh có quen ai ờ Củ Chi này không?
- Đây là xứ tôi! Mời anh hút một ngụm đi!
Tôi cầm ống trúc bông nhưng chưa đút vào miệng thì Tư Cheo cũng cầm lấy một ống hút trước để chứng tỏ rượu ngon không có gì đáng ngại rồi mời tôi:
- Tôi kháp không giống lắm. Nhưng uống được. Tuy lạt hơn đế nhưng cũng say. Ông anh thử một ngụm sẽ nghe nóng lỗ tai ngay.
Tôi định hỏi thêm vài câu, nhưng Sáu Hùm tiếp:
- Ảnh có ở trên Lào Kay Lào Kiếc gì nữa đó anh! Đâu gần chỗ cụ Hồ ở hồi kháng chiến. Ảnh không quên thứ rượu này nên lâu lâu ảnh làm một hũ đỡ ghiền.
Tư Cheo cười, gật gù xác nhận.
Tư Cheo là dân tập kết, thuộc sư đoàn 330 của Đồng Văn Cống, đóng ở Thọ Xuân Thanh Hóa. Cheo mang cấp bậc trung úy. Bất mãn, bỏ đơn vị cùng với mấy anh em lên tận Lào Kay Bắc giang và sống bằng nghề đốn nứa xuôi Sông Hồng về bán ở bến Phà Đen. Nhiều người có vợ có con. Để trốn những tên ở đơn vị lên đây truy tầm, họ đồng hóa với địa phương nghĩa là cạo trọc sơn đầu làm người Mán (gọi là Mán sơn đầu). Một hôm nghe đài BBC rao về đường mòn Trường Sơn, Tư Cheo cùng anh em hạ san rồi giả mạo giấy tờ, tìm xin quân phục cũ, chui vô khu tập kết ở Hà Đông - đầu cầu đưa bộ đội về Nam, len lỏi về được Tây Ninh. Đến đây khác nào hổ đã về rừng, Tư Cheo trốn theo các chuyến giao liên, về đến quê tìm được Sáu Hùm. Hùm đang làm xã đội trưởng nên có phương tiện và quyền thế nên che dấu ông anh ruột đến hôm nay. Quận đội trưởng Năm E cũng biết nhưng bỏ lơ, không bắt bí. Trong tình thế "ngồi thum" của toàn quận, ai hơi đâu bới móc những chuyện như vậy. Người ta lo cho sinh mạng mình hơn chớ!
Tư Cheo tỏ vẻ có trình độ và nể nang tôi, nói năng xưng hô không phang ngang bửa củi.
- Ông anh ở Lữ Đoàn Ba Tô Ký à?
- Dạ, Xuân Mai Lương Sơn Bạt!
- Lương sơn Bạt! Há há! Tôi có bạn quen phục viên ra nông trường Xuân Mai móc rễ lim. Con gái vùng Hòa Bình đi chợ Sơn Tây thiếu gì. Họ đi ngựa và rất thích làm quen với anh đội. Ông anh có tới F330 không?
- Có chớ. Chỗ cái cống Bàn Thạch nước trong, tắm đã lắm!
- Năm 59 tôi có đi săn heo rừng một chuyến trên Hồi Xuân, La Hán. Từ Ngọc Lặc đi ngược lên 40 ki lô mét thì tới biên giới Lèo.
- Tôi không có đi tới trển.
Tư Cheo cười:
- Không phải săn heo săn nai gì mà chính là do đường về Nam. Miền Bắc khó sống quá ông anh à! Ở không khoái thì tìm đường về. Người ta không cho thì mình tự lực đi. Anh hùng Nguyễn Văn Song cũng trốn mà!
- Anh ấy mắc bệnh thần kinh. Tôi nói lấp, không để Tư Cheo bới to ra một vấn đề chính trị.
- Thần kinh thần keo gì! Người ta phao lên như vậy thôi Chớ ông bất mãn chúa.
- Bất mãn cái gì? Hồi chống Pháp ổng đào hằng trăm thước địa đạo bằng một cái lưỡi hái cùn. Cái lưỡi hái này chắc ngày nay Sáu Hùm dùng đào tiếp "cả trăm cây số địa đạo" ở Củ Chi chớ gì, phải không Hùm? Như vậy ổng được tuyên dương anh hùng cũng xứng đáng còn bất mãn gì nữa?
Tư Cheo nói tiếp:
- Tôi không biết nhưng ổng trốn là có thiệt và không phải vì bịnh điên.
Rồi cả sư đoàn tủa ra đi tìm bắt lại mà có được đâu! (Dầu có bắt lại được thì họ cũng thủ tiêu anh ta để bịt tiếng xấu)
Tư Cheo tiếp:
- Nhưng tôi trốn qua Lào cũng không đi lọt được! Lúc đó quân Ít-sa-rắc đóng lềnh khênh ở biên giới. Ông Ba Ngọt đem quân sang đánh cánh đồng Chum giao cho họ trấn giữ. Đụng đầu họ, tôi bèn quay trở lại Thọ Xuân, lội qua đập nước Bãi Thượng thuê hai tên người Mường buôn thuốc phiện lậu dắt đường qua Lèo. Đi liều mạng như vậy, năm ăn năm thua. Thà chết dọc đường dọc xá còn hơn ở ngoải cũng cốt rụi xương tàn. Chúng tôi cho tụi Mường 2 khẩu súng trường và vàng bạc đồng hồ cùng một số tiền mặt. Đêm đi ngày nghỉ. Có lần gặp một ổ heo rừng to bằng cái nhà. Từ xa gió phất đã nghe tanh mùi heo. Hai thằng Mường kinh nghiệm chạy tránh. Nếu gặp bầy heo này thì không thoát chết. Heo rừng là giống khó trị hơn cả cọp beo.
Nhưng rồi chuyến đi cũng thất bại. Cuối củng chúng tôi phải phân tán, đứa đi Lào Kay đứa lên Hoàa Bình đồng hóa với địa phương mất mấy năm sống trên núi.
Tôi hỏi:
- Rồi làm sao anh về được?
- Ơi trời! Nhiều mánh khoé và nhiều pha liều mạng lắm. Ông anh ơi! Vô khu tập kết đầu cầu gặp lại bạn cũ thiếu gì. Tôi thú thật. Tụi nó cũng im luôn: Chệt xa xứ, muốn về xứ". Chúng nó cho tôi đeo vè xe Mô lô tô va. Rồi tôi trở thành phụ lái, hách một cây. Chạy mấy tuần vô tới cầu Cần Đăng. Cheo về rừng khoác da cọp, ai dám bắt?
Tư Cheo bẻ miếng khô đưa cho tôi, rồi thở dài:
- Tôi không nghĩ là tôi về xứ được. Mà về được. Do sự ẩu tả. Chớ nếu theo nguyên tắc thì chưa chắc hiện giờ tôi ngồi được ở đây! Nhiều thằng làm quân Lèo sang đánh ở bên xứ Xu-pha-nô-vông rồi nằm lại bên đó. Muôn năm hết về! Tội nghiệp đám Nam Bộ mình đi phiêu lưu quá, xương máu rải khắp nơi như phân cứt trâu bón cây cỏ đồng đất nước người, ai biết!
Tư Cheo lại hút rượu cần, đốt thuốc bập bập rồi tiếp:
- Tôi về có nghe thầy đánh giặc. Tôi cũng dân nhà pháo đây. Nhưng là pháo yểm trợ chớ không phải pháo chuyên nghiệp như thầy. Đôi khi cũng muốn gặp thầy để nhắc chuyện xưa ngoài đó chơi, nhưng thằng Hùm nói thầy bận lắm nên tôi gác qua. Kỳ rồi thầy tới, tôi định gặp nhưng rồi thầy đi gấp quá!
Sáu Hùm dọn cơm ra:
- Thầy Hai và anh Tư ăn cơm kẻo đói bụng.
Tư Cheo bới cơm đưa cho tôi:
- Ăn đi thầy Hai. Bữa cơm đạm bạc này không có lần thứ hai.
Rượu cần từ Lào Kay được chế tạo bởi tay một thằng Nam Kỳ lãng tử và được rốc cạn cũng bằng mồm thằng Nam Kỳ lê dương. Say thì cũng chưa say, nhưng tỉnh cũng không còn tỉnh. Khi hũ rượu ngả nghiêng thì hai thằng cũng đã trở thành hai con trâu già bị xấp trụi lông nheo. Mắt coi trời bằng hột tiêu. Sá chi biệt kích và pháo nòng ngắn nòng dài.
Chú thích
1 Miệng thí là miệng hầm tạm; khởi đầu từ đó đào địa đạo, xong rồi lấp lại làm miệng khác cho địa
2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi - Dương Đình Lôi & Xuân Vũ 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi