If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hà Mã
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lục Hương
Biên tập: Gió
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 259
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 38303 / 2074
Cập nhật: 2019-09-10 12:01:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32: Bát Trường An Và Vạn Phật Các
gười trẻ tuổi lấy chiếc PDA ra, liếc nhìn chấm đỏ trên đó, “Có tín hiệu rồi, hả? Ở phía dưới chúng ta à? Hai tên này cũng nhanh thật. Không được, còn một số thứ vẫn chưa sắp xếp xong, phải nhanh lên vượt trước chúng mới được” Y thầm nghĩ, rồi rảo chân bước nhanh hơn.
Đi hết vòng này đến vòng khác, qua vô số cánh cửa và cửa sổ, người trẻ tuổi dẫn cả nhóm người đến đầu bên kia đại điện, một đường hầm hình tròn rộng rãi hiện ra trước mắt họ. Bên trong đường hầm tối om như mực, không biết là thông đến đâu.
Đi được một đoạn, đường hầm hoàn toàn đen kịt, đèn gắn trên mũ của bọn lính đánh thuê chỉ có thể chiếu sáng khoảng một hai mét trước mặt. Khafu đề nghị: “Hay là, bật đèn pha công suất lớn lên, ngài Thomas?”
“Không cần,” người trẻ tuổi cười khẩy, giơ tay lên vỗ vỗ hai cái. Lữ Cánh Nam ở sau lưng y, cảm giác âm thanh qua lớp bao tay không giống người đang vỗ tay, mà như thể một người đang đập bàn tay vào cọc gỗ vậy. Có điều, mỗi nghi hoặc của cô không có căn cứ gì cả, Lữ Cánh Nam nhanh chóng bị sự việc xảy ra sau đó làm cho sững sờ, nên cũng không nghĩ sâu hơn về vấn đề này.
Sau hai tiếng vỗ tay ấy, toàn bộ đường hầm bừng sáng như đã được lắp sẵn vô số ngọn đèn điều khiển bằng âm thanh vậy. Xung quanh họ, dường như có rất nhiều đèn neon uốn thành hình tròn. Không phải, chúng không sáng lên từng ngọn từng ngọn một, mà là từng đám từng đám như ngọn lửa, nhanh chóng lan xa.
Cả đường hầm lập tức nhuộm đầy ánh sáng rực rỡ đủ màu, hồng rực đỏ, xanh huỳnh quang, lam bảo thạch, … từng vòng từng vòng sáng lan ra, nhấp nháy đây đó tựa ngàn sao trên bầu trời đêm, hay như mặt nước gợn sóng lăn tăn hắt lên ánh sáng lấp lóa.
Ánh sáng lan đến đâu, chỗ ấy liền vang lên tiếng trầm trồ kinh ngạc của bọn lính đánh thuê. Khafu thở hắt ra đầy cảm thán: “Kỹ thuật thần kỳ thật, làm như thế nào vậy?”
Lữ Cánh Nam và pháp sư Á La cũng cảm thấy rất tò mò.
Người trẻ tuổi cười khẩy đáp: “Nói toạc ra thì chẳng đáng một xu nữa, cổ nhân đã nuôi dưỡng ở chỗ này một lượng rất lớn các vi sinh vật phát ra ánh sáng huỳnh quang, giống như thứ rong trong hồ nước kia vậy. Những vi sinh vật này khi chịu tác động của âm thanh, sẽ phát ra ánh sáng. Phỏng chừng hơn nghìn năm nay, những vi sinh vật này đã sinh sôi nảy nở rất nhiều, quả không hổ là kỹ thuật nuôi dưỡng sinh vật lợi hại nhất.” Vừa nói, y vừa thầm so sánh với năng lực của chính mình, lòng cũng không khỏi khâm phục trí tuệ và kỹ thuật của cổ nhân một nghìn năm về trước.
Mặc dù người trẻ tuổi đã nói vậy, song những người có mặt trong đường hầm vẫn trầm trồ kinh ngạc. Ánh sáng thần kỳ ấy tựa như một dòng điện lưu nhìn thấy được, lan truyền đi theo hình sóng, lại giống như kỹ thuật nhuộm màu trong tranh quốc họa(26), khuếch tán ra bốn phía xung quanh. Một đợt sóng ùa tới, những màu sắc biến ảo qua đi, lại thêm một đợt sóng nữa, những màu sắc biến ảo khác cấp tập đuổi theo nhau. Bất giác, tất cả mọi người đều có chung một cảm giác đường hầm càng lúc càng rộng rãi ra. Bọn họ giống như đang men theo một đường xoáy trôn ốc từ bên trong vỏ ốc đi ra thế giới rộng lớn bên ngoài vậy.
Phía trước đã thấy có ánh sáng, những cái bóng so le vạch ra đường ranh giới nơi ánh sáng và bóng tối giao nhau.
Ánh sáng rất mạnh, tựa như mặt trời ban trưa chiếu thẳng vào cửa sổ. Người trẻ tuổi thầm ngạc nhiên, tự nhủ: “Sao có thể lấy được ánh sáng tốt vậy nhỉ?” Mặc dù tài liệu y sở hữu đã miêu tả khá nhiều, nhưng xét cho cùng, đây cũng là lần đầu tiên y tận mắt chứng kiến. Rất nhanh sau đó, y liền phát hiện ra, con đường dưới chân họ không phải là bề mặt nham thạch thô ráp xù xì nữa, mà thay vào đó là mặt đường trơn nhẵn phẳng lì như gương, lại hơi ẩm ướt. Hiển nhiên, người xưa đã đổ lên bề mặt nham thạch một lớp gì đó kiểu như sáp nến chẳng hạn.
“Đây có lẽ là một loại pha lê phản quang rất mạnh.” Người trẻ tuổi thầm nhủ, quả nhiên, vòng qua một chỗ rẽ, tuy không thấy nguồn sáng, nhưng cả đường hầm đã được chiếu sáng rõ như ban ngày.
Chỉ thoáng sau, mọi người liền phát hiện ra một chuyện kỳ quái. Ở hai bên đường hầm bắt đầu xuất hiện một số vật bày biện, có bình, có ấm, có bát, …, nhưng điều khiến người ta kinh ngạc là những thứ này toàn bộ đều lơ lửng giữa không trung, giống như bị ai dùng ma thuật ếm lên vậy.
Vài tên lính đánh thuê tò mò bước tới gần, định bụng xem cho rõ rốt cuộc là thứ ma thuật gì, nhưng mới đi được vài bước, đã nghe bọn chúng “a” lên một tiếng, dường như đụng phải một bức tường vô hình, tên nào tên nấy đưa tay lên ôm chặt mũi, có tên còn đau đến nỗi ngồi thụp cả xuống.
Lúc này, cả bọn mới phát hiện ra, các vật bày trên đó được đặt trên những kệ pha lê trong suốt. Những cái kệ này gần như lẫn vào không khí, nếu không lại gần nhìn thật kỹ thì chịu không tài nào phân biệt nổi. Liền sau đó, họ lại phát hiện, những chiếc kệ này gắn liền với mặt đất, mà không chỉ mặt đất, toàn bộ đường hầm này đều bị phủ lên một lớp vật chất giống như pha lê vậy. Ánh sáng, chính là được khúc xạ vào đường hầm thông qua thứ vật chất này.
Một tên lính đánh thuê dính đòn đau muốn trút giận lên cái bát khiến hắn bị thương ấy, giơ báng súng lên định phang, song giữa chừng lại bị ngăn lại. Pháp sư Á La đã vươn cánh tay khẳng khiu của ông ra đỡ lấy báng súng ấy.
Người trẻ tuổi đứng bên cạnh cầm cái bát trắng lên nói với tên lính đánh thuê định đập phá để trút giận ấy: “Mày có biết đập một cái thế này là đốt mất bao nhiêu tiền không?”
“Hả! Thứ này cũng đáng tiền sao?” Tên lính đánh thuê vốn không hiểu gì về đồ sứ, huống hồ cái bát sứ này chỉ trắng tuyền một màu, bên trên thậm chí còn chẳng vẽ bông hoa nào, mà cũng không đẹp cho lắm, tùy tiện mua một cái trên phố trông còn đẹp hơn.
“Hừ!” Người trẻ tuổi ngắm nghía cái bát trên tay, tựa như trong lòng bát có thể nở ra một đóa hoa vậy. Chỉ nghe miệng y khẽ lẩm bẩm đọc: “Mỏng như cánh ve nhẹ như lông hồng, chưa được Phật quang lẫn mộng phù sinh. Công nghệ thần kỳ này còn cao hơn cả công nghệ đồ sứ mỏng như giấy trong truyền thuyết một cảnh giới. Để tao mở mắt cho chúng mày vậy! Mang đèn lại đây!”
Một tên lính đánh thuê giơ chiếc đèn gắn trên mũ tới, người trẻ tuổi để cái bát lên ngọn đèn. Sau một tiếng “cách”, sự lạ liền xảy ra. Cái bát trắng ấy giống như một chiếc chụp đèn thủy tinh màu trắng sữa, ánh đèn hoàn toàn chiếu xuyên qua nó, không chỉ nhìn rõ được hình dáng bóng đèn bên trong, mà cả dây điện dưới bóng đèn cũng hiện lên rõ mồn một. Đó rõ ràng là một cái bát sứ kia mà.
Người trẻ tuổi cười khẩy nói: “Thấy chưa hả, kỹ thuật thấu quang này là tuyệt kỹ của lò gốm Hình Châu thời Tùy Đường, đến giai đoạn đầu của thời Đại Đường thịnh thế, kỹ thuật này đã được phát huy đến đỉnh cao, trở thành công nghệ trong truyền thuyết… là thấu quang hắt bóng. Chúng mày tản ra một chút!” Cả bọn liền xôn xao lùi lại, để trống ra một khoảng. Người trẻ tuổi tăng độ sáng của bóng đèn lên, những tiếng “ồ!” kinh ngạc lại đồng loạt vang lên.
Chỉ thấy ở chỗ ánh sáng không mạnh lắm trên vách đường hầm, ánh đèn hắt qua bát sứ trắng để lại trên tường pha lê một hình ảnh tương đối rõ nét khiến pháp sư Á La và Lữ Cánh Nam tưởng chừng như đang thấy lại hình ảnh của Hương Ba La mật quang bảo giám, chỉ có điều, hình chiếu này là hình đen trắng. Bóng ảnh hắt lên chỗ sáng chỗ tối, lần lượt phơi bày các kiến trúc cổ đại san sát cạnh nhau như bát úp, đường phố thênh thang rộng rãi, hàng quán đẹp đẽ rộn ràng, ngựa xe nườm nượp, nước chảy qua cầu… giống như một bức “Thanh minh thượng hà đồ”(27) được tạo thành từ bóng ảnh.
“Đây … ruốt cuộc là…”
“Không thể tin được!”
“Thần kỳ, ma thuật phương Đông!”
Trước những tiếng kêu đầy kinh ngạc ấy, người trẻ tuổi cũng không khỏi cảm khái trong lòng. Mặc dù y biết lai lịch của cái bát này, cũng biết sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng khi mọi thứ diễn ra, sự thực hiển nhiên trước mắt còn hơn cả những gì y tưởng tượng. Y lớn tiếng nói: “Trông thấy chưa hả? Đây chính là trung tâm của thế giới hơn một nghìn năm về trước… Trường An!” Ngừng lại giây lát, y tiếp lời: “Đây là kỹ thuật nung đồ gốm sứ cao nhất toàn thế giới thời bây giờ… Thấu quang hắt bóng. Tao sẽ cho chúng mày xem điều thần kỳ hơn nữa. Mang nước lại đây!”
Một bình nước được đưa tới tay người trẻ tuổi. Y cầm bình nghiêng đi, một dòng nước trong vắt chầm chậm đổ vào đầy bát, rồi dập dềnh tràn ra, phủ lên mặt bát như một lớp sa mỏng. Lúc này, nhìn lại bóng ảnh trên tường, cả bọn mới nhận ra, trên kỳ tích, lại có kỳ tích nữa. Khi nước tràn ra, cũng chính là lúc bóng ảnh trên tường sống dậy. Đột nhiên, toàn bộ bức tranh hắt bóng trên tường đang ở trạng thái tĩnh, tựa như trở mình sống lại. Những người tiểu thương, hàng rong chừng như đang đi dọc phố sá rao hàng; gã hầu bàn mới mở cửa tiệm dường như vừa thò đầu ra, ngó nghiêng quanh quất, một chiếc xe song mã cuối bụi đất lên, băng qua phố lớn; nước sông dưới chân cầu đang cuồn cuộn chảy.
Người trẻ tuổi vừa đổ nước, vừa nhìn cảnh tượng chuyển động, lẩm bẩm: “Công nghệ đã đạt đến tầm ma thuật, ngay cả khoa học kỹ thuật hiện tại cũng không thể phục nguyên tái hiện. Hơn một nghìn năm rồi, đây chính là trí tuệ của tổ tiên các người từ hơn một nghìn năm trước đấy.”
Lữ Cánh Nam quan sát sự thần kỳ của cái bát, rồi lại đưa mắt nhìn vị trí bày biện của nó. Cô cũng biết một số nghi thức tế bái của Mật giáo, bèn khẽ hỏi pháp sư Á La: “Cái bát này, chắc hẳn phải có lai lịch gì đó?”
Pháp sư Á La khẽ lắc đầu, ý bảo nhất thời ông cũng không nghĩ ra được nhiều.
Người trẻ tuổi ngoảnh đầu lại nói: “Khi Văn Thành công chúa vào đất Tạng, có mấy món đồ nàng mang theo không được ghi vào danh sách, các ngươi biết chuyện này chứ.”
Pháp sư Á La biến sắc, ông nhớ ra rồi, khi Văn Thành công chúa vào đất Tạng, có mấy món đồ cực kỳ tinh xảo, đều là vật phẩm tùy thân của nàng, bấy giờ không được ghi vào trong danh sách. Nhưng trong các truyền thuyết, mấy món bảo vật đó lại được miêu tả hết sức tỉ mỉ tận tường, chẳng hạn như có một chiếc Ma kính(28), dọc đường Văn Thành công chúa gặp phải rất nhiều yêu ma quỷ quái cản trở, nàng chỉ cần dùng Ma kính chiếu một cái, đám yêu ma ấy sẽ lập hiện nguyên hình. Thần kỳ hơn nữa là, khi Văn Thành công chúa nhớ nhung người thân, nàng chỉ cần nghiêng tấm gương ấy đón ánh sáng từ các hướng khác nhau, trên tường sẽ hiện ra hình bóng những người thân khác nhau của nàng.
Chỉ nghe người trẻ tuổi ấy lại tiếp lời: “Văn Thành công chúa từ Trường An đến Thổ Phồn, đường đi vừa xa xôi vừa gian khổ, vì sợ nàng nhớ nhung quê hương, nên bấy giờ triều đình đã làm riêng cho nàng mấy món đồ đặc biệt. Ý tứ của mấy món đồ này chính là để khi nàng nhớ quê, có thể lấy ra xem, nhìn lại hình ảnh quê hương.”
Pháp sư Á La giật mình hiểu ra, thốt lên: “Đây chính là bát Trường An.”
Người trẻ tuổi không trả lời, giơ ngón tay chỉ vào mấy tên lính đánh thuê, bảo chúng: “Mày, mày, cả mấy đứa chúng mày, trong mắt các chuyên gia, có mười cái bao tải chứa đầy những thứ như ở trong ba lô chúng mày cũng không bằng một cái bát này đâu.” Nói thì nói vậy, nhưng y vẫn tùy tiện quăng cái bát đi, cơ hồ không nghĩ đến hậu quả, cũng có nghĩa là, trong mắt y, đã không còn để ý đến truyền thống văn hóa và giá trị lịch sử nữa, đồ vật đáng tiền mấy cũng chỉ như không mà thôi. Vậy thì, kẻ này đến Bạc Ba La thần miếu, rốt cuộc là muốn là gì chứ?
Một cái bát nhìn có vẻ tầm thường mà đã giá trị nhường ấy, vậy những thứ đặt trên kệ ngang hàng với nó, chắc chắn cũng không phải vật tầm thường. Người trẻ tuổi vừa quay người đi, bọn lính đánh thuê đã tràn lên quét sạch mấy món đồ còn lại. Có tên không cướp được món nào, đỏ mặt tía tai định xông vào liều mạng. Nhưng Khafu đã lập tức quát lên ngăn lại, bọn lính đánh thuê ồn ào huyên náo một hồi lâu rồi mới từ từ lắng xuống. Bấy giờ, bọn chúng mới nhận ra, người trẻ tuổi và pháp sư Á La đã đi qua chỗ ngoặt tiến vào đại điện.
Ánh sáng bập bùng biến ảo tỏa ra từ phía trung tâm đại điện. Đại điện này khác hẳn với gian trước đó. Gian điện họ vừa đi qua hình vuông, bên trong có vô số đường vòng tròn, còn nơi này lại là một đại điện hình tròn. Cảm giác đầu tiên của người bước vào đây là, chỗ này giống như một cái chụp đèn bằng giấy khổng lồ, hoặc có thể nói là một cái chuông lớn trong đền chùa nào đó, kết cấu dạng tháp, chiều cao lớn hơn đường kính đáy.
Trong đại điện có hai cây cột đá lớn, cao bằng nhau, trông như tim đèn của bóng đèn chân không. Từ đằng xa, cũng có thể thấy rất rõ, chính là hai cây cột này phát ra ánh sáng cực mạnh chiếu rọi toàn bộ đại điện. Ngoài ra, không cần bất cứ nguồn sáng nào khác nữa.
“Đây chính là Vạn Phật điện.” Tuy họ vẫn ở cửa đường hầm, bị ánh sáng mạnh che mất tầm nhìn, không thể nhìn rõ được toàn bộ điện mạo của Vạn Phật điện này, nhưng khí thế hừng hực tỏa ra cũng đủ khiến người ta tưởng tượng ra vô số thứ rồi.
Người trẻ tuổi đưa bàn tay lên che mắt, quan sát nguồn sáng qua các kẽ ngón tay. Chỉ thấy hai cột đá kia tựa như hai cây thông Noel, phân ra rất nhiều nhánh nhỏ, mỗi nhánh nhỏ lại phân ra rất nhiều nhánh con, ở chỏm đầu mỗi nhánh con ấy đều bùng lên một ngọn lửa cháy hừng hực. Không, không phải lửa, ngọn lửa phát ra ánh sáng đỏ, còn thứ đang cháy kia lại phát ra những tia sáng màu trắng bạc. Người trẻ tuổi cẩn thận xem xét một hồi, phát hiện chỗ bùng cháy còn cách đầu mút của nhánh cây nhỏ một khoảng. Tới đây, y đã hiểu được ánh sáng chói mắt ấy là từ đâu. Cổ nhân đã sử dụng kỹ thuật nào đó, làm nhiên liệu bốc hơi thành khí thể, sau đó sử dụng áp lực mạnh phun khí thể ấy ra. Cũng chỉ có chất khí bốc cháy, mới phát ra được ánh sáng chói mắt màu trắng bạc như thế. Hỏa thư ngân hoa(29), dùng cụm từ này để miêu tả cảnh tượng trước mắt cũng thật hợp lý.
Sau khi dần thích ứng với ánh sáng mạnh mẽ ấy, đoàn người cũng bước ra khỏi đường hầm xoáy ốc, tiến vào bên trong gian đại sảnh hình dạng như cái chuông khổng lồ. “Chà chà”, những tiếng kêu kinh ngạc lại lần nữa vang lên dồn dập như nước thủy truyền. Ngoài nguồn sáng màu trắng bạc ở chính giữa, toàn bộ đại điện hình tròn này ánh lên sắc hoàng kim lấp lóa, chính là thứ màu sắc mà người phàm xưa nay vẫn ưa thích nhất.
Không biết người xưa đã đổ vào đại điện này bao nhiêu thứ vật chất dạng pha lê kia nữa, toàn bộ bức tường phủ kín một lớp pha lê trong suốt. Trên bức tường pha lê khảm vô số các khám thờ lớn nhỏ, mỗi khám thờ đặt một pho tượng Phật vàng. Màu sắc sáng rực đó, không thể nào sai được, ngay cả bọn lính đánh thuê không phải dân trong nghề cũng chỉ liếc qua là nhận ra ngay tức khắc, đó tuyệt đối là vàng nguyên chất. Bức tường pha lê trong suốt gần như dung nhập với không khí, nên các pho tượng trông như đang bay lơ lửng trên không vậy. Thoạt nhìn qua tưởng như bọn họ đang ở trong một gian đại điện đầy những pho tượng Phật bằng vàng bay lơ lửng, số lượng nhiều không kể xiết, khiến người ta nhìn mà mắt hoa đầu váng.
Pháp sư Á la ngẩng đầu ngước nhìn, phát hiện ra có đến quá nửa số tượng Phật đặt ở đây ông không nhận ra được, hiển nhiên nơi này không chỉ có tượng phật của Đại Đường và Thổ Phồn, cũng không chỉ có tượng Phật của Ấn Độ. Tạo hình và y phục của một số bức tượng còn có đặc điểm rất rõ rệt của vùng Trung Á, thậm chí là cả Tây Âu nữa.
Pháp sư Á La nhớ lại lịch sử, phải rồi, các tượng Phật ở đây hẳn còn có cả tượng do mấy chục quốc gia nhỏ ở Tây Vực thời bấy giờ thờ cúng. Người xưa không đem thánh vật của các giáo phái dị đoan ấy đi nung chảy đúc lại, mà còn bao dung, bảo lưu lại thánh vật của các tôn giáo khác. Mỗi pho tượng, mỗi vật phẩm, đều là một đoạn lịch sử của dân tộc, là những câu chuyện xưa phủ bụi thời gian.
Người trẻ tuổi cũng đưa mắt nhìn quanh quất, có điều thứ y nhìn không phải những pho tượng Phật bằng vàng ròng tinh xảo đẹp đẽ kia, mà y đang tìm kiếm lối ra và cơ quan cạm bẫy trong đại điện này. Trong tư liệu mà y nắm được, Vạn Phật các này dường như không có cơ quan cạm bẫy nào, chỉ có hai câu khắc trên Luận hồi đài: “ Những kẻ mê đắm trong tham lam, sẽ rơi vào vực sâu vô tận.”
“Đương nhiên, không có cạm bẫy là tốt nhất, nhưng lối ra đặt ở đâu nhỉ? Hay là ở phía sau cột đèn kia?” Người trẻ tuổi đang ngẫm nghĩ, đột nhiên liếc thấy mặt đất dưới chân không dưng nứt toác, chỉ cần bước thêm một bước nữa thôi, y sẽ rơi xuống vực sâu không đáy.
Thân hình người trẻ tuổi đột ngột sững lại, một chân như bị đinh ghim chặt lên mặt đất, bàn chân nhấc lên kia cũng chầm chậm thu về, đồng thời hai cánh tay dang ra, định ngăn cản đám lính đánh thuê ở sau lưng.
Nhưng bọn lính đánh thuê ngay từ đầu đã bị những bức tượng Phật ánh vàng chói lọi kia làm cho hoa mắt, đang ồ ạt ào lên, mặt đất lại trơn nhẵn, nhất thời làm sao có thể thu chân về kịp. Thấy trước mặt mình lù lù hiện ra một hang sâu không đáy đen ngòm, mấy tên đi trước lập tức rú lên thảm thiết.
Sau tiếng rú đó, mấy tên lính đánh thuê lại cảm thấy dường như mình không rơi xuống, ngạc nhiên ngoảnh lại nhìn đồng bọn đang đứng bên rìa vực. Bọn lính đánh thuê đứng bên bờ vực lại càng kinh ngạc hơn, mấy tên lẽ ra phải rơi xuống kia sao cứ ngây thộn mặt ra đứng lơ lửng giữa chừng không, chẳng khác nào những pho tượng Phật trên cao vậy. Cảnh tượng quả thực quái dị hết sức.
Người trẻ tuổi thầm thở phào, thì ra chỉ là lo hão một phen, ngay sau đó, y lại ngấm ngầm tán thưởng. Chơi sang thật, quả nhiên là rất bạo tay. Thì ra, người xưa không chỉ phủ thứ vật chất dạng như pha lê ấy lên bốn vách núi xung quanh, khiến tượng Phật trông như đang lơ lửng giữa chừng không, mà họ còn tạo ra một cái lồng pha lê trong suốt khổng lồ, chèn vào giữa lòng núi, phần đáy của cái lồng ấy, toàn bộ cũng đều bằng thứ pha lê trong suốt như không khí, khiến người ta có cảm giác cả đại điện này đang trôi nổi giữa không trung.
Pháp sư Á La và Lữ Cánh Nam đưa mắt nhìn nhau cùng lúc nhớ đến Nam Cực miếu ở giữa sông băng và những khe băng ở đó. Xem ra, thông đạo pha lê giữa các khe rãnh ấy không phải do hàn băng đông kết tạo thành mà được tạo ra bởi một công nghệ chế tác của người xưa.
Thấy đồng bọn không rơi xuống, lại có mấy tên khác bạo gan thử bước chân lên, cảm nhận cảm giác đứng lơ lửng giữa không trung. Sau khi người trẻ tuổi kia cũng đặt chân trên lớp pha lê trong suốt, những tên còn lại mới yên tâm tiếp tục cất bước.
Thân thể đứng giữa không trung, mắt ngước nhìn những tượng Phật trang nghiêm lơ lửng xung quanh, cảm giác của mỗi người đều cực kỳ lạ lẫm, tựa như đang đứng trong Đại Lôi Âm tự ở Tây Thiên, chỉ một bước đã lên Tiên giới vậy. Bọn lính đánh thuê hết sức hưng phấn, những pho tượng Phật bằng vàng ròng lấp lánh thoạt nhìn như gần trong gang tấc, chỉ cần vươn tay ra là với được. Trong tiếng hoan hô ầm ĩ, có mấy tên còn nổi hứng chơi trò trượt băng trên mặt sàn trơn bóng. Những tên còn lại đa phần chạy ùa ra chỗ chân tường pha lê trong suốt, nhao nhao lấy dây móc định trèo lên bức tường vô hình lấy xuống vài bức tượng không lớn lắm. Vách tường pha lê trơn nhẵn vô cùng, dây móc không sao bám vào được, thi nhau rơi xuống. Bọn lính đánh thuê vẫn không cam tâm, lại tràn sang một bức tường khác, rốt cuộc cũng có tên móc được vào mép khám thờ, tiếng hoan hô váng động cả đại sảnh. Bọn chúng bị sắc vàng chói lóa làm mê hoặc, sớm đã quên đi tình cảnh gặp phải ở Đại diễn Luân hồi đài rồi.
Thế nhưng, tiếng hoan hô không kéo dài được bao lâu, thoáng sau đó đã nghe trong tiếng reo mừng pha lẫn mấy tiếng rú thảm thiết không được du dương cho lắm.
Chú thích
(26) Tranh quốc họa: Một họa pháp của hội họa Trung Quốc, dùng mực loãng hoặc màu nhạt soa phủ lên tranh đã vẽ để tăng hiệu quả nghệ thuật.
(27) “Thanh minh thượng hà đồ” là tên của một số tác phẩm hội họa khổ rộng của Trung Quốc, trong đó bản đầu tiên và nổi tiếng nhất là bức tranh của họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ đời nhà Tống. Tác phẩm mô tả cảnh sống của người dân Trung Quốc đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (tức khai phong ngày nay) với đầy đủ những sinh hoạt thường nhật, trang phục, ngành nghề, cá chi tiết kiến trúc, đường sá cũng được mô tả kỹ lưỡng với nhiều màu sắc trên một diện tích rộng.
(28) Ma kính: Gương ma thuật.
(29) Hỏa thư ngân hoa: Cây lửa hoa bạc; ý chỉ cảnh đèn hoa rực rỡ.
Mật Mã Tây Tạng Mật Mã Tây Tạng - Hà Mã Mật Mã Tây Tạng