Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Vượt Tuyến - Chương 7: Vỏ Quýt Dày…
V
ăn Bình chỉ chợp mắt 15 phút rồi bừng tỉnh. Tú Trâm nằm bên, hơi thở thơm thơm phà vào mũi chàng. Làn da trắng toát của nàng hiện lờ mờ trong bóng tối. Chàng lặng lẽ mặc quần áo, hôn trán nàng rồi lò dò ra cửa. Khi ấy chàng mới biết là liều lĩnh và dại dột. Nếu địch ập vào trong cơn ngủ, chàng sẽ trở tay không kịp.
Chàng nhìn đồng hồ: 5g45. Tú Trâm cho chàng biết từ 5g30 đến 6g30, bin đinh không có lính gác. Dáng điệu ung dung, Văn Bình bước ra đường Quan Thánh.
Nghĩ đến những phút thần tiên vừa qua, Văn Bình nôn nao trong dạ. Sau khi rời đường Quan Thánh, chàng về thẳng biệt thự Hàng Than được bác sĩ Triệu Dung dùng làm nơi khám bệnh ban ngày và trụ sở hành động ban đêm. Văn Bình lại trèo lên giường tiếp tục giấc ngủ bỏ dở.
Và lần này chàng được ngủ nư mắt. Thức dậy, Văn Bình đau nhừ xương sống và mỏi hai tay. Dư vị những phút truy hoan vũ bão còn đọng lại trong trí não, đường gân và thớ thịt.
Nhìn qua cửa sổ biệt thự Hàng Than, Văn Bình thấy nắng vàng lóe mắt. Tuy trời nắng to mà vẫn teng teng lạnh. Ngay đầu giường, trên mặt bàn đêm, không biết ai đã đặt sẵn cái khay đồng hình chữ nhật, trên có phích cà phê, hộp đường và hộp bánh bích quy chế tạo tại Thượng hải.
Mùi cà phê rang đúng cỡ, pha vừa vặn, thơm nức gian phòng. Nâng tách cà phê lên nhắp, chàng liên tưởng đến ông Hoàng giờ này trên tàu ngầm. Chắc ông tổng giám đốc cũng thức trọn đêm và dậy trưa như chàng. Ông thích uống cà phê pha đặc, và tráng miệng bằng điếu xì gà An-lăm-bra to tướng.
Nội trong 3 ngày, chàng sẽ tái ngộ ông Hoàng. Chỉ còn 72 giờ đồng hồ nữa. Bất giác chàng nhớ đến làn da man mát và êm êm của Tú Trâm mà chàng ấp ủ đêm qua. Gớm, chàng là người sành điệu quốc tế, cọ sát làn da mỹ nữ khác nhau trong những năm trường phiêu bạt, vậy mà không quên ggược lçn da kỳ quặc, êm mượt như nhung và nóng bỏng như lửa của nàng.
Quá trưa, cửa phòng xịch mở, bác sĩ Dung bước vào nét mặt tươi tỉnh. Văn Bình hỏi trước:
- Có chỉ thị mới hả?
- Gần sáng, ông Hoàng điện cho tôi, yêu cầu hành động cấp tốc và tìm đủ cách trở về đúng hẹn. Và nếu có hoàn cảnh thì bắt luôn Bilatốp.
Văn Bình lẩm bẩm:
- Bắt Bilatốp? Kể ra cũng không lấy gì làm khó. Anh đã nghĩ ra kế nào chưa?
Bác sĩ Dung lắc đầu:
- Chưa.
Văn Bình bẻ ngón tay:
- Thôi được, anh để chuyện đó cho tôi.
Văn Bình đứng dậy, vào buồng tắm. Theo thói quen, sau nhiều năm sống ở xứ lạnh, chàng tắm nước nóng trước rồi nước lạnh sau, cho da thịt co rãn và thân thể sảng khoái. Tắm xong, chàng chọn cái sơ mi trắng trong xấp quần áo của bác sĩ Dung, mặc vào người. Cái vỏ quê mùa của cán bộ Đặng thái Trinh, chàng không cần đến nữa.
Chập tối, chàng lẻn ra cửa sau, bách bộ một quãng xa rồi gọi xích lô đến bin đinh của Tú Trâm.
Tú Trâm đợi chàng trong phòng, mặt vui như hội. Nàng ôm chàng hôn huyên thiên lên má. Văn Bình hỏi nàng, giọng thân mật:
- Em đã hẹn Bilatốp chưa?
- Rồi. Tối nay hắn đến.
Văn Bình thoải mái ngồi xuống ghế bành êm ái. Đột nhiên chàng nhìn thấy một sợi dây nhỏ dọc theo trụ đèn lăm-pa-đe bằng mây tết. Sợi dây này cũng vàng như màu mây. Đêm qua, khi tắt đèn, chàng lại gần cây đèn đêm, trầm trồ ca tụng cái chao bằng giấy ni lông, in hình hoa phong lan tuyệt đẹp và cái chân quỳ bằng mây uốn, đánh vẹc ni. Đêm qua, chàng đã nức nở khen ngợi người thợ khéo đã luồn dây điện vào trong trụ đèn, không bắt ra ngoài như các lăm-pa-đe thường bán ở tiệm.
Nhưng tối nay, khi bật đèn, chàng lại thấy sợi dây kỳ lạ này. Tuy nó là một sợi dây nhỏ biến, chìm vào thân đèn, con mắt lão luyện của chàng khám phá ra vết tích khả nghi.
Trong khi Tú Trâm vào phòng tắm, gỡ tóc và thay đồ Văn Bình nhấc cây đèn lên và men theo sợi dây màu vàng. Chàng đoán không sai: đây không phải là dây điện, mà là một loại dây lạ mới được đính vào, không liên quan đến hệ thống điện trong phòng. Sợi dây này được nối liền với một cái loa khuếch âm nhỏ bằng đồng xu bẹt, luồn dưới thảm trải nền phòng.
Một đầu dây khác nằm sát chân tường, sau lưng tủ buýp-phê, ở đó chàng lại khám phá ra một cái loa nữa. Và lần lần, sau mấy phút thăm dò, chàng đã tìm ra 4 cái loa tí hon, mỗi cái giấu ở một góc phòng.
Chàng giựt mình đánh thót. Bồ hôi giỏ giọt trong áo, khiến chàng có cảm giác như mặc đồ lạnh phơi dưới trời nắng oi bức mùa hạ. 4 ống loa trong phòng là bằng chứng rõ rệt có một vành tai bí mật muốn nghe, muốn biết mọi việc xảy ra trong phòng Tú Trâm.
Như vậy có nghĩa là lời chàng vừa nói với Tú Trâm đã bị thu vào loa và chuyển sang phòng bên, hoặc đến một chỗ nào đó, có một máy ăm-li khuếch đại lên nhiều lần rồi thu vào băng nhựa và có người nghe thường trực.
Không còn nghi ngờ gì nữa... địch đã nhận diện được chàng, và cũng có thể địch đã dùng Bilatốp làm cái bẫy để tiêu diệt cơ sở của Phong Trào Yêu nước.
Những lần đến phòng Tú Trâm chàng đều áp dụng phương pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối, như đánh lạc hướng bọn theo dõi, lẩn vào đám đông, thay ba, bốn lần xe xích lô, một hai chuyến tầu điện. Chàng không tin là địch có thể bám sát được chàng.
Tú Trâm uyển chuyển từ phòng tắm bước ra. Chàng hôn nàng một cái thật dài, đoạn hỏi âu yếm:
- Tối nay, nữa nhé!
Tú Trâm nguýt yêu:
- Gớm, anh này tham quá!
Cả hai cùng cười nắc nẻ. Lát sau, Văn Bình đổi giọng trang nghiêm:
- Mấy giờ Bilatốp đến?
- Đúng 8 giờ.
- Anh có chuyện quan trọng cần bàn với em. Tuy nhiên mình nên thận trọng. Em xem kỹ cửa sổ và cửa phòng đã đóng chặt chưa.
Tú Trâm vặn lại kê môn và khóa thêm một nấc nữa ở cửa hành lang. Văn Bình kéo nàng lại gần lăm-pa-đe, nói nho nhỏ, nhưng thừa hiểu rằng cái nho nhỏ ấy đủ để cái vành tai bí mật nghe được rõ ràng.
- Trung Ương vừa gửi thêm chỉ thị -(lời Văn Bình)- và yêu cầu thực hiện ngay. Em được chỉ định để làm việc này. Thật là một vinh dự cho em.
Tú Trâm sốt ruột:
- Việc đó ra sao?
- Không ngoài việc Bilatốp.
- Thì ta đang làm việc Bilatốp.
- Nhưng đó mới là lấy tài liệu? Trung Ương muốn ta làm mạnh thêm nữa. Nghĩa là lập kế bắt sống Bilatốp.
Tú Trâm trợn mắt:
- Bắt Bilatốp? Canh phòng chặt chẽ như vậy bắt sao được?
- Vẫn biết họ canh phòng chặt chẽ, nhưng không phải vì thế ta không làm được. Chỉ cần em ra công một chút là xong.
- Bao giờ em cũng sẵn sàng.
Nghe Tú Trâm trả lời, chắc Sở Phản gián Hà nội phải tức đến thổ huyết như Chu Du và nếu Bilatốp được nghe tận miệng cô nhân tình bé bỏng, có lẽ mấy chục năm sau hắn cũng không còn dám tí toe với gái ngoại quốc nữa.
Văn Bình hả hê, nghĩ đến bộ mặt hợm hĩnh của mấy ông trùm phản gián đang ghé tai vào cuộn băng nhựa quay đều đều trong một văn phòng Nha Công an Bắc bộ hoặc một trụ sở bí mật nào khác. Chắc họ sẽ xoa tay, thở phào hãnh diện, rồi mừng nhau một ly rượu vốt ka thượng hạng mới nhập nội.
Thật ra những điều Văn Bình hình dung trong trí tưởng tượng đều đã xảy ra trọn vẹn. Từ đúng ngọ, nhất cử nhất động trong phòng Tú Trâm đã được ghi âm và truyền đến ty biệt phái R.U.
Trong căn phòng rộng, bộ ba Bêrếp, Xilốp, Phạm Linh nín hơi theo dõi từng tiếng nói của Văn Bình. Đến đoạn Văn Bình đề nghị bắt cóc Bilatốp, Bêrếp liếc mắt nhìn Xilốp, Phạm Linh rồi buông nụ cười thích thú.
Từ cái hòm gỗ hình chữ nhật đặt trên bàn, tiếng nói của Văn Bình được chuyền về nghe rõ mồn một như nói trước mặt.
Văn Bình: Chỉ thị như thế này: Ông Hoàng tổng giám đốc của Sở đã thân chinh ra tận đây điều khiển vụ Bilatốp. Tàu ngầm chở ông và bộ tham mưu đã ghé Đồ Sơn đêm qua. Có lẽ ông đã lên bộ. Ông Hoàng sẽ chờ tại địa điểm định trước đêm nay từ 2 đến 4 giờ.
Tú Trâm: Công an khám phá ra thì nguy.
Văn Bình: Em yên tâm. Nếu em lừa được Bilatốp đi Đồ Sơn là mưu kế của ta thành tựu.
Tú Trâm: Lừa bằng cách nào?
Văn Bình: Mưu kế của anh rất giản dị. Bilatốp đang chết mê, chết mệt vì em. Giờ đây bảo hắn nhảy vào lửa hắn cũng nhảy. Đêm nay, em hãy chiều chuộng hắn hơn một chút rồi lựa lời đòi hắn lái xe cho em ra Đồ Sơn.
Tú Trâm: Trời lạnh muốn chết, ra Đồ Sơn làm gì?
Văn Bình: Ồ, thiếu gì lý do. Chẳng hạn ra Đồ Sơn để xem trăng lên.
Tú Trâm (kèm theo chuỗi cười khanh khách): Ai đời vượt gần 200 cây số đường trường ban đêm để xem trăng lên? Ở đây, ngắm trăng trên Hồ Tây còn đẹp hơn nhiều.
Văn Bình: Vậy em rủ hắn ra Đồ Sơn hưởng một đêm trăng mật.
Tú Trâm: Đồ nỡm!
Văn Bình: Em có mất mát gì đâu! Vả lại Bilatốp cũng đẹp trai đấy chứ!
Tú Trâm: Hắn chưa đẹp trai bằng anh. Chưa khỏe bằng anh.
Trong máy vẳng ra tiếng hôn chùn chụt. Phạm Linh đấm tay xuống bàn làm đổ bình mực:
- Thằng ngô con đĩ gớm thật! Dám mang nhau đến trước máy ghi âm để diễn tròn khả ố. Phen này tôi gọt gáy bôi vôi con Tú Trâm, khoét mắt thằng Z.28, rồi thả bè chuối trôi sông cả hai đứa.
Bêrếp cười ha hả:
- Đồng chí ghen rồi. No mất ngon, giận mất khôn, đồng chí quá giận nên mất cả trí suy xét. Khí giới mạnh nhất trong nghề điệp báo là trí suy xét tỉnh táo. Chúng nó không biết mình đặt máy ghi âm nên mới dẫn xác đến ống loa! Ghen là điều tối kỵ, vì ghen là chết. Đồng chí nhớ chưa? Vả lại đồng chí làm gì có quyền hành hạ và thả trôi sông chúng nó. Nhiệm vụ của đồng chí là theo dõi, bao vây, còn số phận chúng nó đã có Xilốp và tôi định đoạt.
Phạm Linh xuống nước:
- Xin lỗi hai đồng chí. Trong cơn nóng giận, tôi đã lỡ lời. Sự láo xược của thằng Z.28 làm tôi tức uất.
Xilốp khoát tay, giọng kẻ cả:
- Ai lại không tức, nhưng làm điệp báo không bao giờ được tức uất? Nếu ra lệnh tóm bắt cả hai, công trình sắp đặt từ nhiều ngày nay sẽ xôi hỏng bỏng không. Đồng chí quên bẵng nếu ta muốn, ta đã tóm được hắn đêm qua trước nhà Bưu Điện.
Bêrếp bào chữa:
- Ta có thể thộp cổ hắn ngay từ buổi hẹn ở phố Hàng Gạo trong thư quán Tiến bộ. Sở dĩ ta thả lỏng là muốn mượn nó phăng ra đầu mối rồi bắt trọn ổ. Còn con Tú Trâm, có phải đến bây giờ ta mới biết nó làm gián điệp cho địch đâu? Đồng chí quên những bản phúc trình của K4 rồi ư?
Phạm Linh chống chế:
- Thưa, không quên, nhưng không lẽ cứ dung túng cho chúng nó ôm nhau hôn hít và dở trò khỉ mãi?
Bêrếp khoát tay:
- Lại ghen rồi.
Bộ ba đột nhiên im bặt vì tiếng chút chút đã ngừng lại. Từ máy ghi âm vẳng ra rõ rệt âm thanh của cuộc vật lộn yêu đương trên đi-văng trước cây đèn lăm-pa-đe. Mọi tiếng động kín đáo từ câu mắng yêu của Tú Trâm, đến những lời Văn Bình khen ngợi các bộ phận cơ thể của Tú Trâm thốt ra giữa tiếng thở rồn rập, đều lọt vào tai ba người, và qua máy khuếch đại còn lớn hơn gấp bội.
Tiếng động ân ái này kéo dài hơn nửa giờ. Thỉnh thoảng nghe tiếng cười ví von hay rúc rích, Phạm Linh lại coi đồng hồ tay. Lâu quá! Ra cái thằng gián điệp này nghề nào cũng giỏi! Cả cái nghề ấy nữa
Câu chuyện đúng đắn giữa Văn Bình và Tú Trâm lại tiếp tục sau nửa giờ gián đoạn.
Tú Trâm: Bật đèn lên anh. Tối quá em không thấy gì cả.
Văn Bình: Chết chửa, gần 7 giờ rồi. Có lẽ anh phải về thôi.
Tú Trâm: Thong thả. Ở lại với em thêm lát nữa. Em nhớ anh quá. Nếu Bilatốp chịu lên đường, em sẽ làm gì?
Văn Bình: Em biết khách sạn cũ Đại Đóa ở Đồ Sơn chứ?
Tú Trâm: Biết. Ở gần bãi bể phải không?
Văn Bình: Phải. Sẽ có người đợi em gần khách sạn Đại Đóa từ nửa đêm đến 3 giờ sáng.
Tú Trâm: Đợi ở chỗ nào?
Văn Bình: Gần khách sạn. Người ta sẽ tìm em.
Tú Trâm: Người ta quen mặt em chưa?
Văn Bình: Em khỏi lo. Lát nữa em sẽ ngồi trên xe Chaika của Bilatốp. Xe này chạy rất nhanh, máy tốt, không sợ hỏng, nên có thể đến đúng giờ. Vả lại xe của cố vấn sô viết đi Đồ Sơn ban đêm không sợ bị khám xét lôi thôi. Dưới đó, nhân viên được lệnh tiếp xúc với em đã biết số xe của Bilatốp, và có ảnh của em lẫn của hắn nữa. Gặp y xong, em được dẫn đến chỗ dấu xuồng và bơi ra khơi xuống tầu ngầm. Em sẽ vào Nam cùng với Bilatốp.
Tú Trâm (cười sung sướng): Chao ôi! Em chỉ mong có dịp vào Nam, nay được đi ngay thì còn gì bằng! Nhưng anh ơi, làm cách nào cho hắn khỏi căn vặn lôi thôi?
Văn Bình: Anh đã lo liệu chu đáo. Quan trọng nhất không phải là ở dọc đường vì Bilatốp còn bận lái xe, còn bận tán gẫu và bận nghĩ đến cái thú được thưởng trăng đêm nay với người đẹp trong một khách sạn vắng vẻ nên thơ ở Đồ Sơn. Lúc đến gần khách sạn Đại Đóa mới quan trọng. Em đừng quên những chi tiết này nhé! Dọc đường đừng để Bilatốp lái một mình, hắn lái độ 50 cây số thì em lái thay. Nhớ chưa?
Tú Trâm: Nhớ. Nhưng như vậy để làm gì hả anh?
Văn Bình: Dễ như vậy mà cũng không biết? Ngu lắm. Phải thay đổi người lái luôn thì giác quan của Bilatốp mới có cơ hội tận hưởng kho tàng của mỹ nhân chứ!
Tú Trâm: Đồ sở khanh!
Văn Bình: Đừng đùa nữa, đến giờ rồi. Khi đến gần khách sạn Đại Đóa, em sẽ gặp một người ngoại quốc. Nên nhớ, khi cách khách sạn 100 thước thì xuống xe nghỉ một lát. Chính lúc nghỉ này em sẽ gặp tiếp xúc. Hắn là người Nga, đúng hơn, một cố vấn Nga thực thụ.
Tú Trâm: Cố vấn Nga làm việc với mình sao?
Văn Bình: Thế mới có chuyện! Em tính, nếu không có người Nga làm tay trong thì làm cách nào vào lọt thị trấn Đồ Sơn? Từ một năm nay, Đồ Sơn đã biến thành trung tâm nghỉ mát của cố vấn sô viết nên người lạ khó thể đột nhập. Người Nga này đến gần xe, dừng lại đánh diêm châm thuốc hút, sau đó sẽ khen chiếc Chaika vừa khỏe, vừa đẹp. Em đáp là tuy đẹp nhưng chạy chậm không bằng ZIL III. Người này sẽ nói nếu lắp hai cạc-buya-ra-tơ xe Chaika còn chạy nhanh cả ZIL với ZIS. Thế thôi. Thế là xong mật khẩu. Việc còn lại, đã có người đảm trách.
Tú Trâm: Việc còn lại là việc gì?
Văn Bình: Tú Trâm chỉ nên biết thế thôi. Bây giờ anh về đây. Trên đường ra Đồ Sơn, xe hơi của anh sẽ chạy sau xe em với Anh Cả. Em đừng quên lời anh dặn nhá. Sáng mai, chúng mình đã ngủ yên trên tầu, tha hồ hú hí!
Im lặng. Im lặng hoàn toàn, ngoại trừ tiếng giầy của Văn Bình nện trên nền gác xa dần.
Phạm Linh nhìn Bêrếp, như muốn hỏi ý kiến. Bêrếp hất mớ tóc hỗn loạn rồi nói:
- Đồng chí Xilốp có đồng ý ta tạm tha cho chúng nó đến đêm nay không?
Xilốp gật đầu. Bêrếp tiếp:
- Kế hoạch đối phó của ta rất giản dị. Đồng chí Phạm Linh hãy sắp đặt cấp tốc với các trạm an ninh từ đây ra Hải phòng và từ Hải phòng ra Đồ sơn, túc trực sẵn mọi phương tiện liên lạc, theo dõi và ứng phó. Chúng ta sẽ lái xe theo sau, tôi đi trước nhất, phía sau xe Bilatốp. Phạm Linh sau xe Văn Bình. Đồng chí trưởng ty Xilốp thì điều khiển tại chỗ. Ngay từ bây giờ, Thanh Lâm, phụ tá của đồng chí, phải đáp trực thăng ra Đồ sơn, tổ chức vây chặt khu vực gần khách sạn Đại Đóa, đồng thời cho hải quan tuần tiễu khắp ven biển tìm tầu ngầm của lão Hoàng.
Xilốp nói:
- Tán thành kề hoạch của Bêrếp. Tôi sẽ ở lại Hà nội điều chỉnh công tác giữa đây và Đồ sơn. Các đồng chí sẽ liên lạc với tôi tại Trung ương bằng hệ thống vô tuyến thường lệ.
Phạm Linh nắm tay Xilốp cáo từ. Bêrếp dặn với:
- Án binh bất động, nghe không? Phen này mình sẽ bắt trọn ổ.
Nghĩ đến chiếc huân chương mà sơ R.U. vĩ đại sẽ ban cấp, Phạm Linh nao nao trong lòng. Phen này dầu mọc cánh Z.28 và lão chủ già khọm của hắn cũng sẽ bó tay chịu trói!
Khi Phạm Linh rời ty biệt phái R.U. thì bộ máy phản gián của Công an, quân đội và ty biệt phái R.U. bắt đầu chuyển bánh. Vòng vây xiết chặt càng được xiết chặt thêm.
Và khi ấy, mục phiêu của cuộc săn bắt khủng khiếp, Văn Bình, Z.28, ở đâu?
Bilatốp sắp đến bin đinh của Tú Trâm. Cuộc đấu trí giữa chàng và bộ máy phản gián của địch cũng sắp bắt đầu.
Leng keng... Một chuyến tàu điện chật ních chạy qua, trên đường lên hồ Trúc Bạch. Nếu không bận công tác quan trọng, chàng đã nhảy lên tàu đến ven Hồ ăn bánh tôm ròn tan và uống nước dừa với một cô gái mĩ miều...
Một chiếc xích lô ghếch càng đợi khách gần công viên. Xa phu ngồi bệt xuống đất, phì phèo thuốc lá. Không cần lại gần, Văn Bình đã biết anh xích lô hiền lành này nhân viên phản gián của Phạm Linh, và trong túi hắn có sẵn cái máy vô tuyến liên lạc bằng sóng ngắn với tổng hành doanh RU
Chàng thừa biết từ giờ phút này trở đi địch sẽ không rời chàng nửa bước. Tuy nhiên, chàng lại cảm thấy an ninh hơn vì địch chỉ rình mò chứ chưa bắt. Địch đang dùng chàng làm đầu dây dẫn đến những bộ phận bí mật của Phong Trào Yêu nước.
Đường sá vắng tanh. Gió lạnh thổi qua vù vù, giật phăng những chiếc lá vàng cuối cùng ném xuống vỉa hè ướt át và bẩn thỉu.
Văn Bình đứng lại một giây trên vỉa hè, đánh diêm đốt thuốc. Chàng hít một hơi dài, ngửa cổ thở vòng khói lung linh lên không, rồi đút hai tay vào túi quần, vừa đếm bước một, vừ hát nhẩm bài Quốc tế ca, bài hát mà người cộng sản nào cũng thuộc lòng. Miệng chàng hát nho nhỏ nhưng óc chàng lại suy nghĩ mạnh mẽ ; Nếu ông Hoàng biết chàng hát bài Quốc tế ca trong khi bị địch theo dõi chắc sẽ phì cười. Chàng lại mường tượng đến khuôn mặt buồn xìu như mèo cụt đuôi của mấy tay tổ phản gián khi được tin đàn em bị chàng cho "ăn bụi"...
Nhưng trước hết phải kiếm xe đi cho đỡ mỏi chân...
Chàng vẫy xích lô, trèo lên, ra hiệu chạy về Hàng Đậu. Úi chào! Toán theo dõi chắc mừng rơn! Họ sắp gọi dây nói, hoặc máy walkie talkie về cho ông chủ, báo tin Z.28 đã vô tình sa bẫy, và cái bẫy đang mở rộng dần dần...
Xích lô ghé chợ Đồng Xuân. Chàng trả tiền, vào tiệm tạp hóa mua lăng nhăng những thứ không cần thiết, đoạn gọi xích lô khác. Ra đến Hàng Vải Thâm, chàng lại xuống xích lô, bước rảo về nẻo Hàng Bồ, rẽ sang Hàng Cân. Đó là nơi mà chàng định lập kế cho bọn theo dõi "ăn bụi".
Hàng Cân là con đường nhỏ không có lề, nhà cửa hai bên hầu như nghiêng về phía trước và muốn cụng đầu vào nhau. Đến một cái hẻm, Văn Bình quặt vào. Hồi trước, chàng đã sống ở Hàng Cân, và sau khi trở lại Hà nội, chàng đã dạo qua con đường thân mến này để nhìn lại những ngôi nhà, những lối đi cũ. Chàng tính nhẩm địch sẽ theo vào, nhưng chỉ theo đàng xa, vì đinh ninh đây là ngõ cụt.
Chàng dừng trước một cổng nhỏ xiêu vẹo, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Đây là cửa sau một căn nhà ăn thông ra phố Phúc Kiến ngày trước. Ngôi nhà này của một đồng bào di cư vào Nam, được nhà đưong cuộc cộng sản dùng làm câu lạc bộ cho thiếu niên Lao động. Tối nay, không phải kỳ họp nên ngôi nhà vắng ngắt.
Chàng đẩy cửa lọt vào bóng tối, mò mẫm lên nhà trên. Quen cách dò đường ban đêm, không cần đèn nên Văn Bình vượt qua cái sân rộng đầy nước ướt át dễ dàng, và chỉ mấy phút sau chàng ra đến cửa sắt. Chàng dùng sợi thép cứng mở khóa, cũng may vì đây không phải là khóa Yale, rồi chui ra ngoài.
Phố Phúc Kiến rộn rịp dưới ánh đèn điện vàng nhợt nhạt.
Văn Bình hòa vào đám đông về phía Hàng Đường, nhảy kịp lên chuyến tầu điện ngược chợ Đồng Xuân vừa chạy qua. Được một quãng, chàng thót xuống Ngõ Gạch, đi bộ vòng qua ba cái hẻm, đến ngõ Sầm Công, rồi vẫy xích lô lên Hàng Than, nơi có biệt thự của bác sĩ Dung. Giờ này, chắc công an Hà nội đã vây kín hẻm Hàng Cân, đinh ninh Z.28 mọc cánh cũng không thoát khỏi. Và đêm nay đồng bào Hàng Cân sẽ bị mẻ sợ ra trò...
*
Mặt tươi như hoa nở, Bilatốp nhảy ba bậc một, lên phòng Tú Trâm.
Đêm nay là hẹn cuối cùng của người đẹp. Nàng không thể tìm cớ lẩn tránh nữa. Đêm qua hồi chuông điện quái ác đã làm lỡ cuộc vui ngàn năm một thuở. Đêm nay...
Bilatốp vứt bỏ bộ áo cao cổ bằng ga-bác-đin ở nhà, và diện bộ âu phục bằng nỉ Đoóc-mơi thật tốt. Bilatốp cũng không quên thắt cà vạt màu hồ thủy để tương hợp với hàng nỉ xanh đậm. Từ cái mũ phớt vành to, đến vải may sơ mi, và tất, giầy, nhất nhất đều mua của các nước tư bản. Bilatốp không thích dùng đồ của Mậu dịch vừa xấu, vừa không bền. Hắn còn rắc thêm trên tóc mấy giọt nước hoa Chanel đậm đà, ý nhị, thứ nước hoa dành cho đàn bà. Phen này hẳn Tú Trâm sẽ bằng lòng...
Mà Tú Trâm bằng lòng thật...
Cửa phòng vừa mở, nàng đã bổ ra, ôm chầm Bilatốp, và cửa chưa khóa mà hai người đã dính với nhau, môi tìm môi, âu yếm.
Bilatốp dìu người yêu lại gần lăm-pa-đe, trên chiếc đi văng đầy kỷ niệm, mặt nỉ lót còn ấm hơi của Văn Bình. Cái cảnh diễn ra hồi nãy với Văn Bình đã được tái diễn, dĩ nhiên được dặm thêm một vài chi tiết khác. Bilatốp như con thú đói ăn từ lâu, xà xuống mồi ngon, Tú Trâm không cưỡng lại, phần vì Văn Bình căn dặn, phần vì thương hại. Cái áo dài của nàng bị Bilatốp cởi tung, ném xuống đất. tuy nhiên nàng cũng phản đối:
- Em không thích anh đùa nghịch như thế.
Bilatốp đáp trong mùi rượu vốt ka:
- Yêu êm mà là đùa nghịch ư?
- Yêu thì yêu, nhưng ai lại yêu ở ngoài này? Có ai ghé mắt qua lỗ khóa nhìn trộm thì xấu hổ chết.
Bilatốp cười hì hì:
- Chẳng có ai đâu. Anh đã ra lệnh cho chú lính gác xuống dưới.
Hai tay che ngực lõa lồ, Tú Trâm rúc vào nách Bilatốp:
- Anh còn quên nhân viên của Phạm Linh!
Bilatốp xì một tiếng, giọng kẻ cả:
- Cái thằng chó săn ấy à? Anh đã dặn lính gác ở đây đuổi hết bọn mật vụ ra ngoài. Đứa nào bén mảng lên đây thì chết với anh.
Tú Trâm hôn hắn:
- Aanh của em có quyềng thế quá! Em chỉ sợ sau khi được thỏa mãn anh bỏ rơi em thôi.
- Anh xin thề. Nếu anh có ý phụ em thì trời tru đất diệt. Còn về phần em ...?
- Em ấy à? Em chỉ muốn anh tắt đèn điện. Sáng quá, em thẹn muốn chết.
- Lạ quá, chỉ có mình anh trong phòng, tại sao em lại xấu hổ?
Tú Trâm không đáp. Bilatốp không thể biết ngoài hắn ra, trong phòng còn hai người đàn ông khác. Tú Trâm ngượn đỏ mặt khi nửa người trên bị Bilatốp bóc trần. Nàng sượng sùng vì nàng biết Văn Bình đang nhìn nàng. Nàng đã từ chối, không chịu đóng vai trò mỹ nhân kế với Bilatốp, song Văn Bình đã khẩn khoản yêu cầu, và sau cùng nàng đành miễn cưỡng nghe theo.
Cùng với Văn Bình, còn một nhân viên khác của Phong Trào tên là Phan Hòa.
Gặp bác sĩ Dung tại trụ sở bí mật, Văn Bình đã thuật lại sự việc xảy ra. Triệu Dung thỏa thuận cử Phan Hòa cùng đi với Văn Bình đến phòng Tú Trâm. Lọt được vào phòng nàng là việc vô cùng khó khăn vì hàng chục cặp mắt quan sát tinh tế của địch đã chĩa vào từng giây từng phút.
May thay, một toán cố vấn Trung Hoa đã cứu Văn Bình. Trên từng lầu chót, một chuyên viên sô viết mở cuộc tiếp tân, đèn đuốc sáng lòa, xe hơi dài ngoằng đậu kín đường Quan Thánh.
Súng sính trong bộ y phục "con trời", Văn Bình và Phan Hòa líu lo tiếng quan hỏa vượt qua hàng rào an ninh trước bin đinh. Suýt nữa Văn Bình chạm trán Phạm Linh. Phan Hòa mỉm cười chào hắn. Văn Bình nhanh mắt lỉnh ra nơi khác. Lên khỏi cầu thang, chàng mới hoàn hồn.
Chàng mở cửa buồng tắm lẻn vào. Nghe tiếng Bilatốp đằng hắng ngoài hành lang, hai người kéo nhau xuống bếp, tuy nhiên đã chứng kiến từ đầu đến cuối vở kịch cụp lạc đang diễn ra trên đi văng.
Đúng ra, không riêng Văn Bình và Phan Hòa được dự khán những pha ái ân thầm kín giữa Bilatốp và Tú Trâm. Mỗi tiếng động, mỗi lời nói đều lọt vào máy vi âm và chuyển đến tai Bêrếp và Xilốp.
Tú Trâm khép cửa phòng khách. Gần Bilatốp nàng cảm thấy tê mê, tuy không bằng những phút gần Văn Bình, nhưng sự tê mê này đủ làm nàng quên hết mọi vật trong khoảnh khắc. Nàng định tắt ngọn đèn duy nhất trên bàn đêm song Bilatốp ngăn cản. Quần áo của nàng bị Bilatốp xếp đống ở góc giường. Da thịt nõn nà người đẹp phô bày lồ lộ trước mắt, khiến Bilatốp như điên như dại.
Bất thần Tú Trâm quơ chiếc khăn trải giường cuộn tròn quanh mình. Bilatốp hoảng hốt:
- Tại sao hả em? Em đã hứa hồi chiều rồi mà!
Tú Trâm mỉm cười:
- Nhưng anh phải chiều chuộng em kia!
- Chiều chuộng cách nào cũng được.
- Em không đòi hỏi nhiều đâu. Em chỉ thích anh đưa em ra Đồ Sơn tắm biển. Từ ngày Liên sô lấy Đồ Sơn cho cố vấn nghỉ mát, em chưa được ra đó.
- Thế thì có gì là khó. Nhưng tại sao lại đi tắm đêm. Đợi đến mai tiện hơn.
- Đợi đến mai thiên hạ sẽ biết rõ em cùng đi với anh. Em sợ lũ bạn cười lắm!
- Được, anh sẽ đưa em đi. Nhưng tắm đêm trời rét như thế này sợ nhiễm cảm.
- Gần anh em hết thấy lạnh. Vả lại đêm nay, trăng sang, nước không lạnh đâu. Hai đứa ôm nhau bơi dưới trăng thì thú phải biết.
Bilatốp xiêu lòng, Tú Trâm cũng không nói thêm nữa. Hơi thở hai người rồn rập, Bilatốp tắt ngọn đèn đánh phụt.
Ngọn đèn vừa tắt, Văn Bình hiện ra như từ dưới đất độn thổ lên. Sở dĩ chàng chờ sau khi Tú Trâm yêu cầu Bilatốp ra Đồ Sơn mới xuất hiện vì địch đã gắn máy ghi âm trong phòng ngủ. Chàng cần địch nghe lọt câu chuyện thủ thỉ giữa Tú Trâm và Bilatốp cho họ yên lòng.
Bilatốp chưa kịp đè Tú Trâm nằm xuống nệm đi văng thì bàn tay cứng như sắt của Văn Bình đã giơ lên trong bóng tối. Nửa tích tắc đồng hồ sau, bàn tay này đã chém ngang yết hầu Bilatốp. Chàng thanh niên dại gái người Nga lịm ngất, không kêu lên được một tiếng, dẫu là tiếng ú ớ nhỏ. Văn Bình đã quen với phương pháp triệt hạ đối phương bằng atêmi nên chàng hành động dễ dàng và nhậm lẹ. Một tiếng ú ớ của Bilatốp có thể phá hỏng chương trình của chàng.
Văn Bình rút dây nhựa trong túi ra trói nghiến Bilatốp lại như khúc giồi. Trong khi ấy Tú Trâm lúi húi mặc quần áo. Sự thẹn thò làm nàng luống cuống, xỏ lộn ống quần và mặc nggược đồ lót. Văn Bình quay mặt đi, không muốn nàng bắt gặp nụ cười hóm hỉnh của chàng. Phan Hòa chiếu tia đèn bấm nhỏ màu xanh lên giường và ấn vào tay Tú Trâm một mảnh giấy ghi hàng chữ lớn bằng bút chì xanh:
- Nói đi. Y như nói với Bilatốp. Cẩn thận. Địch vẫn ghi âm.
Tú Trâm kể chuyện huyên thuyên một hồi. Ba phút sau nàng nói:
- Đi thôi anh.
Văn Bình ự hự một tiếng bằng lòng. Từ phút này, Văn Bình biến thành Bilatốp. Với tầm cao, với dáng người, với tiếng Nga nói sõi, Văn Bình có thể bị lầm là Bilatốp nếu chàng phục sức tương tự. Thì đây chàng cũng đội mũ Mốt xăng, mặc y phục xanh Đoóc-mơi, cà vạt hồ thủy, dận giầy da sư tử, đế cao su...
Văn Bình khoác tay Tú Trâm ra cửa. Chàng cất bước một cách ẻo lả như Bilatốp.
Xuống tầng dưới, Văn Bình mở cửa xe Chaika của Bilatốp và ngồi cầm lái. Cũng may khi mở cửa ra bóng điện trong xe không cháy, vì xe của Nga ít có đèn bên trong. Tuy nhiên chàng đã đề phòng điện sáng bằng cách ấn mũ phớt xụp mi mắt, và kéo cao cổ áo dạ mặc ngoài che kín cổ.
Chàng mở khóa công tắc cho máy chạy. Chiếc Chaika mới tinh hảo, cánh quạt quay phần tư vòng là động cơ nổ đều. Chàng ướm thử, tìm số "de" rồi sau khi tìm xong, sang số, ấn lút ga cho xe chạy. Vào số hai mà chiếc Chaika chạy êm ru. Xe của cố vấn Liên sô vĩ đại có khác...
Quả Phản gián ộng sản không phải xoàng! Vi tứ phía không một bóng người. Đường Quan Thánh vùi sâu trong giấc ngủ, ngoại trừ chiếc Chaika lao vút cô đơn giữa hai rặng ngô đồng cao ngất. Đã trải qua nhiều trường hợp tương tự, Văn Bình không ngạc nhiên.
Nếu Văn Bình có vành tai nghe xa một cây số thì sẽ nghe được hồi chuông reo vang trong văn phòng Bêrếp tại ty biệt phái R.U.
Bêrếp nhấc ống điện thoại:
- Alô, K55 xin báo cáo, K55 xin báo cáo. Chiếc Chaika tình nghi vừa ra khỏi cổng. Trên xe có một người đàn bà, và một người đàn ông. Trời tối nên không nhận được diện mạo, nhưng căn cứ vào dáng đi, bề cao và cách phục sức, chắc chắn là những người đã ghi trong ảnh. Alô, chiếc Chaika không chạy thẳng ra Hàng Đậu, đến Bờ Sông như đã định mà là quẹo công viên Quan Thánh, vòng lên Hàng Bún... Xin chỉ thị. K55.
Trong khi ấy, Xilốp cũng áp một ống nghe khác lên tai. Bêrếp ngước nhìn trưởng ty Xilốp. Xilốp vẫy tay ra lệnh:
- Alô, Trung ương ra lệnh cho mọi xe túc trực trong kế hoạch Chiến Thắng. Đừng theo gần. Xe A.10 ở Hàng Bún đợi họ qua mặt hãy theo.
Trong phòng im lặng. Phạm Linh cúi đầu trên bản đồ thành phố Hà nội và con đường Hải Phòng, rộng bằng mặt bàn, trong tay cầm dúm kim găm màu đỏ.
Phạm Linh nhổ kim từ chỗ này cắm ra chỗ khác. Mỗi cây kim đỏ tượng trưng cho một chiếc xe vô tuyến của công an Hà nội theo sau chiếc Chaika, thể hiện trên bản đồ bằng cây kim lớn màu xanh. Thóng nhìn bản đồ, ai cũng phải lắc đầu, le lưỡi vì đâu đâu cũng thấy kim găm đỏ ối, bao bọc cây kim xanh, ở phía sau, ở đằng trước, ở bên tả, ở bên hữu.
Tiếng phúc trình của K55 lại rền trong máy vô tuyến:
- Alô... chiếc Chaika lại quay về đường Quan Thánh và phóng ra bờ Sông... Chiếc Chaika đã đến gần Bến Nứa... Chiếc Chaika đã lên cầu Long Biên... Tuân theo chỉ thị, xe A.10 chỉ đến Quan Thánh rồi dừng lại, nhường cho A.11. Xe A.11 chỉ đến gần cầu Lonh Biên rồi thôi. Bên kia cầu là toán khác phụ trách.
Xilốp nắm ống nghe khác ra lệnh cho toán phản gián mai phục bên kia cầu Đu-me:
- Alô, tổng hành doanh kế hoạch Chiến Thắng ra lệnh cho trạm Gia Lâm... Alô, tổng hành doanh kế hoạch Chiến Thắng ra lệnh cho trạm Gia Lâm... Chiếc Chaika của địch đang chạy trên cầu Long Biên, yêu cầu trạm kiểm soát đừng làm khó dễ.
Bêrếp hút một hơi xì gà, rồi ngoảnh sang Phạm Linh:
- Thôi ta đi, để đồng chí Xilốp ở nhà.
Hai người nhảy hai bậc một xuống thang. Dưới sân hai chiếc Zis khổng lồ, sơn đen, bóng loáng đã mở cửa sẵn. Trong xe người ngồi chật ních, súng máy lăm lăm. Bêrếp trèo lên trước tiên. Trước khi khởi hành, hắn còn dặn Phạm Linh:
- Đồng chí đợi sẵn ở gầm cầu. Lát nữa xe của Văn Bình mới đến. Tôi đi trước đây.
Chiếc Zis cựa mình, lăn từ từ ra cổng, rồi phóng như tên bắn trong đêm tối.
Trong khi ấy chiếc Chaika mạnh mẽ vụt qua giốc cầu, băng lên sàn gỗ dài trên một cây số của cầu Long Biên.
Lâu lắm mới có dịp lái xe trên cầu, nhất là đêm lại đầy trăng, Văn Bình cảm thấy nao nao. Hai bên là nước đục lờ đờ, với những con đò đậu đêm san sát, không một ánh đèn. Trước mặt là thị trấn Gia Lâm, là đường đi Cầu Đuống. Chàng tốp lại trước cây sắt chắn ngang: trạm kiểm soát Gia Lâm bên kia cầu Long Biên.
Chàng cho cần tốc độ vào tử điểm, rồi ló đầu ra ngoài.
Một người lính mặc trấn thủ bông, đội mũ sắt, chạy lại nhìn số xe. Chừng như biết là xe cố vấn Liên sô người lính đứng nghiêm, bồng súng chào.
Văn Bình buông một câu tiếng Nga sành sỏi:
- Mở ra, mau lên.
Cây sắt được kéo lên.
Xe qua thị trấn Gia Lâm. Trời đã khuya mà Gia Lâm vẫn còn đông đúc. Chàng sực nhớ ra từ ngày tiếp thu, Gia Lâm đã trở nên trung tâm làm việc cả ngày lẫn đêm với xưởng gỗ ép quốc doanh, nhà máy đúc gạch, và các xí nghiệp quốc doanh khác.
Ra khỏi thị xã, chàng hãm bớt tốc độ rồi lái sát lề. Chàng ném mẩu thuốc lá hút dở xuống cỏ, trong khi Tú Trâm châm diêm hút điếu khác. Đêm nay, chắc bị cảm xúc mạnh nên chàng hút liên tiếp từ khi rời bin đinh Quan Thánh. Lúc rời Hàng Bún, Văn Bình đã đưa cho nàng một điếu, lúc gần đến cầu lại một điếu nữa, và bây giờ chàng đưa luôn gói thuốc cho Tú Trâm, miệng nói:
- Anh phải quay lại. Như hồi nãy anh đã nói với em vì điều kiện an ninh anh không thể đi cùng với em. Giờ chót, ông Hoàng ra lệnh cho Phong Trào chở Bilatốp trên chuyến xe khác được võ trang hẳn hoi, sợ bị đánh úp. Cách Hải Dương một cây số, sẽ có người đón em, người em tiếp xúc thường xuyên để nhận chỉ thị.
Tú Trâm hỏi giọng lo âu:
- Còn anh? Bao giờ anh xuống?
Văn Bình đáp:
- Không biết. Anh sẽ đi đường khác.
- Hay anh đánh lừa em?
- Đừng nói bậy.
Nàng vít đầu Văn Bình, hôn lấy hôn để. Văn Bình mở cửa xe, nhảy xuống đường. Tú Trâm lái thẳng một mạch.
Xe của Tú Trâm vừa đi khuất, một chiếc xe Meduza bốn ngựa nhỏ xíu đậu không biết từ bao giờ bên lề đường xuất hiện, với tia đèn bấm xanh lè từ trong xe chiếu ra. Một người cao lớn bước xuống: bác sĩ Triệu Dung.
Văn Bình và bác sĩ Triệu Dung lễ mễ bưng từ trên xe xuống một thùng sắt tây nặng chĩu. Trong chớp mắt, bác sĩ Dung cậy nắp thùng, đổ tung tóe trên đường nhựa một thứ nước bầy nhầy đặc xịt.
Xong xuôi, bác sĩ Dung và Văn Bình lên xe Meduza, nhưng không phóng theo Tú Trâm, cũng không quay về Hà nội. Bác sĩ Dung cho xe chạy số một vào con đường rất nhỏ, kế cận, không mở đèn, từ từ tiến vào trong làng.
Lát sau, xe hai người đến gần một vọng gác dân quân. Nhìn ngọn đèn măng sông xanh leo lét đưa đi đưa lại trên cành cây, kế vọng gác, bác sĩ Dung tắt máy, rú đèn bấm.
Bật, tắt, bật, tắt mấy cái làm hiệu. Liền khi ấy, một người dân quân từ bóng tối hiện ra nhấc cây đèn măng sông, mang vào trong trạm.
Bác sĩ Dung thì thầm với Văn Bình:
- Người của ta đó.
Hai phút sau, người dân quân đã đến cạnh xe Meduza. Sau khi trao đổi mật khẩu nhận diện, bác sĩ Dung hỏi:
- Có đông không?
Người kia đáp:
- Không đâu. Xin hai bạn theo tôi.
Dung và Văn Bình theo người dân quân, chui qua ruộng bắp cao lút đầu người, rồi men theo con đường nhỏ xuống bờ sông, hai bên bờ ruộng tiếng giun dế kêu ra rả.
Giòng nước sông Hồng nhuộm trăng hiện ra trước mặt. Tuy trời sáng trăng, nước sông vẫn đục ngầu. Thảo nào người ta gọi là sông Hồng.
Buộc vào rễ một cây xi cổ thụ là một con đò mỏng mảnh. Bác sĩ Dung xuống trước, Văn Bình xuống sau, hai người dùng mái chèo giấu sẵn trong khoang, khuấy nước, rẽ sang bên kia bờ về Hà nội.
Đột nhiên Văn Bình hỏi Triệu Dung:
- Còn xe hơi của chúng mình?
Triệu Dung cười:
- Anh khỏi lo. Người dân quân của ta sẽ lái về một ga ra riêng ở Gia Lâm.
Văn Bình lẩm bẩm:
- Thú thật tôi không ngờ anh tổ chức chu đáo đến thế.
Triệu Dung đáp, giọng buồn buồn:
- Chu đáo đến thế mà vẫn bị túm như thường... Mới có mấy ngày mà mình bị mất khá nhiều điệp viên hữu hiệu... Nào là Nguyễn Đoàn, Đỗ Hộ, Trần Tính, rồi mới đây là chị Khánh Diễm... Rồi còn hai thanh niên bị hy sinh tại bờ Hồ Hoàn Kiếm...
- Họ can đảm thật, anh nhỉ?
- Chính tôi là người chỉ huy họ đôi khi cũng ngạc nhiên, huống hồ là anh. Đỗ Hội và Trần Tính ở nhà sách Tiến Bộ biết bị bủa vây bốn mặt mà vẫn liều ở lại. Hai người ở Bờ Hồ mới thật can trường...
- Khi họ vụt xe qua, xả súng bắn Nguyễn Đoàn tôi biết ngay là người của anh. Đó là lễ tất nhiên của nghề nghiệp. Anh sợ Đoàn khai ư?
- Không hẳn sợ, vì Đoàn là người gan lì. Chết thì chết, anh ta sẽ không hé răng. Tôi chủ trương hạ sát Đoàn là để giải thoát anh ấy khỏi sự tra tấn tàn bạo của địch, và ngăn địch dùng hóa chất bắt Đoàn cung khai. Hai người nhận thi hành lệnh này cũng biết chắc không thoát chết...
Con đò đã ghé sát bờ bên kia. Lắng nghe động tĩnh một lát, Triệu Dung mới cột đò vào cọc tre, rồi trèo lên đường nhựa. Đi bộ được chừng trăm thước, Văn Bình lại thấy một chiếc Meduza, giống hệt như cái hồi nãy ở Gia Lâm, không những giống từ nưóc sơn, từ bề ngoài, mà còn giống cả số xe. Văn Bình thầm khen tài bố trí và óc tháo vát của Triệu Dung.
Chạy vòng độ 5 phút, xe của bác sỉ Dung đậu xuống một quãng đường vắng gần đường Quan Thánh. Dung ngồi trên xe, còn Văn Bình mở cửa xuống.
Như cái bóng ma, chàng núp dưới các lùm cây rậm rì, rồi lẻn vào bin đinh của Tú Trâm. Vòng lưới của địch đã mở rộng, từ lúc Bilatốp (giả hiệu) và Tú Trâm lên xe đi Hải Phòng. Chàng đã bỏ chiếc mũ dạ, và bộ âu phục đắt tiền của Bilatốp để mặc lại bộ đồ cố vấn "con trời".
Hai phút sau, chàng lên đến từng gác của Tú Trâm. Việc trước nhất của chàng là tặng cho bọn nghe trộm một bài học.
Văn Bình đã biết địch nối dây điện thoại và máy ghi âm từ phòng Tú Trâm sang phòng bên. Phòng này của một chuyên viên sô viết tạm thời đi vắng. Chàng cầm nắm cửa vặn thử. Kinh ngạc xiết bao, cử không khóa mà chỉ khép hờ. Đèn trong phòng cũng không tắt mà lại bật sáng. Khi rời bin đinh, chàng còn nhớ rõ phòng này không có ánh điện...
Trước mắt chàng một cảnh tượng chàng không bao giờ ngờ tới đang diễn ra...
Điều chàng thấy trước tiên là một xác người sóng sượt trên nền gạch hoa màu vàng. Vì gạch màu vàng nên chàng thấy ngay vũng máu đỏ lòm. Nạn nhân nằm sấp trên gạch, hai chân duỗi ra, trên lưng còn nguyên chuôi dao khá dài. Nghiên cứu cách nằm của nạn nhân chàng biết hắn bị giết trong khi cúi lom khom trên đống băng nhựa, gói ghém đồ đoàn chuẩn bị về.
Một sợi giây màu đen, chắc là dây ăn thông với trụ sở Phản gián bị cắt đứt lòng thòng bên cửa sổ, cái máy ghi âm Sony 521 của Nhật đăt trên đất bị bẹp rúm, bên trên không còn cuộn băng nhựa nào.
Văn Bình rờ máy: chàng cảm thấy bỏng tay. Chi tiết này chứng tỏ án mạng vừa xảy ra. Nhân viên công an đang lúi húi trước máy thì hung thủ ập vào, phóng dao vào lưng, chết không kịp kêu cứu.
Chàng lặng người một giây. Hung thủ là ai? Không lẽ công an lại giết công an? Phong Trào Yêu nước không dính dáng tới, vì bác sĩ Triệu Dung đã thảo luận kỹ lưỡng với chàng, và trong kế hoạch hành động không có khoản hạ sát nào.
Một tia chớp lóe trong óc Văn Bình. Chàng chợt nhớ đến Bilatốp được giao cho Phan Hòa canh gác. Một cảm giác rờn rợn đè chặn cuống họng Văn Bình khi chàng xô cửa vào căn phòng quen thuộc còn thơm mùi nước hoa, mùi da thịt Tú Trâm.
Bilatốp đã biến đâu mất.
Chàng đã trói Bilatốp bằng cuộn băng nhựa đặc biệt. Nghệ thuật trói người của chàng đã tới mức tinh vi, trừ phi đối phương biến cách tàng hình, biến ra con muỗi mới có hy vọng gỡ được vòng dây.
Trên nệm, chỗ Bilatốp bị trói nằm còng queo còn nguyên vết trũng. Phan Hòa cũng mất tích. Nhìn quanh phòng, Văn Bình không nhận thấy vết tích của một cuộc xung đột.
Đồ lót mình mỏng dính màu hồng của Tú Trâm vẫn còn bừa bãi trên ghế. Chai vốt ka mới uống non nửa vẫn còn nguyên trên bàn đêm, với hai cái ly pha lê trong suốt.
Văn Bình mở cửa buồng tắm.
Phan Hòa ngã gục trong góc, đầu gập xuống ngực. Mặt Hòa tím bầm, cái mặt của kẻ bị nghẹt thở bất thần. Một bàn tay giỏi nhu đạo đã chẹn yết hầu Phan Hòa, đưa chàng sang thế giới bên kia trước khi chàng kịp kháng cự.
Mắt Hòa trừng trừng nhìn chàng, như muốn biểu lộ sự kinh ngạc và uất ức. Hòa không phải là điệp viên tập sự. Tốt nghiệp lớp huấn luyện trung cấp của nhân viên hậu địch. Về võ thuật đã giật được cấp đai đen đệ nhất.
Kẻ giết Phan Hòa phải là kẻ đồng cân đồng lạng với Văn Bình. Song về mưu lược, tạm thời y giỏi hơn chàng. Bilatốp không cánh mà bay, Phan Hòa thiệt mạng, công việc lại quay về khởi điểm, về con số dêrô đau thương.
Văn Bình lẩm bẩm như người mất hồn:
- Hừ, vỏ quít dày, móng tay nhọn...