Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Nữ Thần Ám Sát - Chương 4: Hồ Ly Tình Ái
M
ùa đông trôi qua, rồi Tết Nguyên đán. Tết năm ấy cũng lạnh kinh khủng. Toàn thể Sài gòn đều thu mình trong áo len. Đường phố vắng teo, xa lộ Biên hòa buồn hiu như sa mạc.
Rồi mùa xuân tới.
Sài gòn bắc đầu sống lại sau ba tháng run rét. Những cành cây khẳng khiu trên đại lộ Công lý bắt đầu trổ lá non. Thiên hạ bắt đầu ùa nhau ra Vũng Tàu đổi gió.
Mùa xuân đã bỏ đi một cách vội vã như người đàn bà lỡ hẹn với tình nhân trẻ tuổi. Nắng hè phủ đầy thủ đô, bụi bay trắng xóa, những cơn mưa quen thuộc ào ào đổ xuống.
Con chim Z.28 bị cầm tù trong lồng son đã được bốn tháng. Bốn tháng dài đằng đẵng mà ngắn ngủi lạ thường. Dài, vì Văn Bình mất hẳn tự do, không được tự do buổi chiều ra đường Tự do uống rượu, chiêm ngưỡng kho báu thiên hạ, buổi tối vào tiệm nhảy để luyện cặp giò, và ban đêm vào những căn phòng lữ quán gắn máy điều hòa khí hậu để tâm tình cho đến sáng mới chịu chợp mắt.
Song dài mà ngắn, vì bên cạnh chàng có Quỳnh Loan.
Gái một con trông mòn con mắt, Quỳnh Loan có con đẹp hơn Quỳnh Loan thơ ngây bội phần. Những đường cong tóe lửa trên thân thể cân đối của nàng lại tóe lửa mạnh mẽ và khiêu khích hơn bao giờ hết. Mắt nàng trong hơn và đen hơn, dáng đi trưởng thành của nàng uyển chuyển hơn, cử chỉ của nàng quyến rũ hơn.
Không phải là người quen với nếp sống bất di dịch, Văn Bình đâm ra chán ngấy. Nàng hiểu ý chàng nên một mực chiều chuộng. Văn Bình chưa dám xé rào vì ông Hoàng đã ra lệnh rõ rệt. Tuy nhiên, lý do khiến chàng tạm thời ngoan ngoãn là vì đứa con chung của chàng với Quỳnh Loan.
Văn Hoàng giống cha như đúc. Mới một tuổi mà nó đã có luồng mắt cương nghị, pha vẻ lẳng lơ, cái miệng cười thu hồn đàn bà. Mới một tuổi mà nó đã biết đi cứng cát, và suốt ngày múa may, lăn lộn, như thể đang luyện võ thuật. Mới một tuổi mà nó đã đứng đắn, không khóc oa oa đòi sữa, cũng như không sống ỷ lại vào cha mẹ.
Sự hiện diện của đứa con trai đầu lòng thông minh và khôi ngô cũng làm Văn Bình đứng đắn hơn lên. Để khuây khỏa, chàng nô đùa với nó, hoặc bồng nó lên sân thượng nhìn mây bay lửng lơ trên trời hoặc nhìn đoàn xe dài ngoằng lượn khúc trên đường nhựa quanh co phía dưới.
Cho đến ngày giông tố xảy ra.
Kẻ gieo giông tố là Nguyệt Hằng, nữ nhân viên cự phách của cơ quan ám sát tối mật Smerch, lá bài tháu cáy của trung tướng H.
Nguyệt Hằng đã tới Sài gòn. Nàng gây ra giông tố song chưa xuất đầu lộ diện. Nàng đợi ông Hoàng ra tay trước.
Và ông Hoàng đã ra tay. Theo lệnh ông tổng giám đốc, một ban mới trong sở Mật vụ lao đầu vào vòng chiến.
Ban Đảo vụ.
Tối hôm ấy, trời trong không một gợn mây. Gió mát hiu hiu thổi vào thành phố ướt dẫm bồ hôi, sau 12 giờ đồng hồ nóng như lửa đốt. Mọi chiếc xe hơi đắt tiền nhất điều được lái ra khỏi ga ra, và phóng lên xa lộ Biên hòa.
Một trong những báu vật cơ khí này là chiếc Jensen Interceptor, hơn sáu ngàn phân phối lòng máy, do Hoa kỳ chế tạo, Anh quốc đóng vỏ ngoài, tốc lực 225 cây số một giờ.
Thủ đô Sài gòn chỉ có một chiếc Jensen độc nhất sơn màu trắng, bọc nệm đỏ, số tự động. Chủ nhân của nó là Tống Văn Bình, Z.28 của sở Mật vụ, chơi xe mỗi năm mỗi thay không thua ông hoàng Rainier xứ Mônacô, mặc dầu về sản nghiệp tư chư có miếng đất cắm dùi, trương mục ngân hàng không có một xu.
Sau một thời gian nằm khàn trong ga-ra riêng của Sở, theo lệnh ông Hoàng, chiếc Jensen được mang ra dùng từ hơn tuần nay. Như thường lệ, nó đậu ở đâu là thiên hạ bâu đen đến đấy. Thiên hạ ở đây là thiếu nhi hiếu kỳ, nhưng phần đông còn là đàn ông thèm thuồng, và nhất là con gái chưa chồng, hoặc có chồng nghèo mà thích sang trọng. Đứng cạnh chiếc Jensen, người bình tĩnh nhất Sài gòn cũng nóng mặt, tưởng tượng như được một bàn tay tuyệt diệu vuốt ve, song chỉ được vuốt ve nửa chừng rồi thôi, để lại trên da thịt và trong ngũ giác một sự tiếc nuối chưa thỏa mãn.
Chiều chưa tắt nắng thì chiếc Jensen thấp lè tè, đệm ngồi toàn bằng da thật đỏ ối, bên ngoài kền sáng loáng, đã nghêng ngang trên đường phố Sài gòn.
Chủ nhân mặc sơ mi dét kiểu Mỹ, cổ đính khuy tròn. Màu sơ mi vàng nhạt nổi bật, trên nền da trắng đỏ, chứng tỏ y là người trí thức song ưa vận động ngoài trời. Trông bắp thịt cuồn cuộn, xương cổ tay tròn trịa, đôi vai thuôn thuôn, khuôn mặt dài cương nghị điểm cặp mắt sáng quắc, và cái miệng cười lôi cuốn, đàn ông khó tính cũng mê say, huống hồ đàn bà và là đàn bà phòng không gối chiếc, đàn bà ở xứ có ít đàn ông vì đàn ông không sinh đắc địa, hoặc đàn ông đã đi lính hết.
Đúng theo chương trình đã định – chương trình của ông Hoàng mà y phải thi hành không được sai một chi tiết, hoặc chậm một phút – chủ nhân đậu xe trên lề đường Tự do. Y không dừng lại bên dưới Quốc hội, mà là đối diện đại lữ quán Continental, gần lối vào rạp chiếu bóng Eden.
Khóa xe xong xuôi, y bách bộ lại nhà hàng Pagode.
Giờ này, thủ đô thanh lịch đã tề tựu đông đủ. Nhất là chiều thứ bẩy. Và là chiều thứ bẩy đầu tháng. Nếu y không khôn ngoan, gọi điện thoại trước thì chờ đến tối mịt cũng chưa có ghế trống. Vả lại, ông tổng giám đốc chỉ cho phép y tạt qua một lát, uống cạn ly huýt-ky, hút hai điếu thuốc Salem rồi trở ra xe hơi, mặc dầu y rất khoái ngồi thật lâu, để rửa mắt cho thỏa thích, bõ nhiều tháng thở bụi trên cao nguyên và cấm cung trong trại huấn luyện bí mật.
Chỉ thị của ông tổng giám đốc được ghi rõ ràng trên tờ giấy màu vàng, đánh máy IBM, giòng đôi: mục đích công tác là phơi mặt ra cho thiên hạ thấy, phơi mặt ra càng nhiều càng tốt, và phơi mặt ra theo những giờ giấc nhất định.
"Phơi mặt ra", y không hiểu sao ông Hoàng lại dùng cái danh từ thô lỗ này ba lần trong một câu ngắn ngủi. Vì ngược lại, trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện đào vụ, y toàn nghe những lời hoa mỹ. Có lẽ ông Hoàng sợ y quên. Vì dầu sao y chỉ mới là nhân viên trong ban XX, nghĩa là nhân viên tập sự.
Lần thứ nhất trong đời được ông tổng giám đốc đích thân tiếp kiến, y run run đứng không vững, và khi được mời ngồi xuống ghế, y vẫn còn lính quýnh, miệng lại lúng búng như ngậm hột thị.
Giọng nhân từ, ông Hoàng bảo y:
- Ngồi xuống, đại tá đứng làm gì mỏi chân.
Y chưa bao giờ đeo lon binh nhì nữa, chứ đừng nói là đại tá, một chức cao vòi vọi trong quân đội. Nhưng ông Hoàng nói rõ mồn một, y không nghe lầm được. Nghĩa là ông Hoàng muốn y đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ, với cuộc đời chân chỉ hạt bột của một sinh viên năm thứ nhất công chính, chán ngấy nghề kỹ sư cạo giấy, coi thợ làm cầu cống, nên đệ đơn xin gia nhập ngành an ninh chìm.
Ông Hoàng lại nói:
- À, tên đại tá là gì nhỉ? Đúng rồi, tên là Văn Bình, Tống Văn Bình, bí hiệu Z.28. Phải không, đại tá?
Y ngập ngừng:
- Thưa ông tổng giám đốc, vâng.
- Đại tá thích uống rượu chát phải không?
- Không. Cái thú nhất đời của tôi là uống huýt-ky. Huýt-ky thứ chính hiệu, nhập cảng từ miền bắc Anh quốc. Và uống vô hồi kỳ trân, càng uống càng tỉnh táo như sáo sậu.
- Hà, hà... thế còn thú nào nữa? Chẳng hạn thú hút xì-gà? Xì-gà Ha-van hay xì-gà Ma-ni?
- Thưa, Z.28 ghét xì-gà đệ nhất. Chỉ chuyên môn hút thuốc lá. Và thuốc nào cũng ghét như nhau. Ngoại trừ thuốc Salem thơm mùi bạc hà, thứ đặc biệt do Sở đặt tại Hoa kỳ.
- Xe hơi?
- Thưa, xe hơi thì toàn loại đua. Hồi xưa, Z.28 dùng Dauphine mui trần.
- Lộn rồi.
- Xin lỗi ông, đó là xe Floride.
- Ừ, anh nên thận trọng hơn nữa. Xe Dauphine 2 cửa, mui trần thì gọi là Floride. Nhưng xe của Z.28 tuy là Floride nhưng không phải là Floride, vì mua tại Mỹ.
- Vâng, đó là xe Caravelle. Loại Floride bán qua Hoa kỳ được đổi tên là Caravelle.
- Giỏi. Z.28 là vua xe đua, ham xe đua không kém rượu huýt-ky, không được quyền lầm lẫn.
- Thưa, sau ngày dùng chiếc Caravelle, tôi thích loại nhiều mã lực hơn nên sắm Porsche. Mercédès 190SL, trước khi chuyển sang chiếc Jensen.
- Tại sao lại bán xe Porsche?
- Vì máy xe ở phía sau, bị đâm ở Cấp nát bấy. Chiếc Mercédès chỉ xài được 3 tháng rồi đổi chủ vì khi ấy bên Đức mới có loại Mercédès tân kỳ hơn, 220SE.
- Bây giờ đến xe Jensen. Vì sao Văn Bình mua Jensen?
- Thưa, nhân một chuyến công tác tại Ý.
- Được. Cuộc hạch hỏi đã tạm đủ. Tôi chỉ cần anh trả lời một câu nữa mà thôi. Quan niệm của Z.28 về tình yêu ra sao?
- Yêu lung tung, gặp ai cũng yêu. Song không yêu ai được lâu. Sở đoản số một của Z.28 là đàn bà đẹp. Vừa rồi, vì nhăng nhít với bà Như Luyến vợ góa của bác sĩ Túc Lăng, mà suýt mất mạng trong một cuộc phục kích của Smerch tại Sài gòn.
- Smerch, anh vừa nhắc đến Smerch... Anh đã hiểu rõ Smerch chưa?
- Thưa, Smerch là cơ quan ám sát bí mật nhất, ghê gớm nhất, và tàn nhẫn nhất thế giới.
- Chính thế. Và ngày nay anh là con mồi mà tôi dâng trên khay bạc cho Smerch. Có thể họ bắt anh. Có thể họ giết anh. Điều này tôi không thể đoán trước được. Bây giờ, tôi cần anh xác nhận lại lần cuối. Mặc dầu anh đã cam kết, trước mặt tôi phút này, anh có trọn quyền hủy bỏ lời cam kết, mà danh dự anh không bị xâm phạm, mà Sở và tôi không hề có mặc cảm với anh trong tương lai.
Anh bằng lòng đóng nốt vai trò không?
- Bằng lòng. Tôi là người chỉ nói một lần.
- Anh rất đáng khen. Tôi hy vọng anh sẽ trở về lành lặn và nó chuyện với tôi nhiều lần nữa. Theo kế hoạch, anh sẽ xuất đầu lộ diện trên khắp các ngả đường Sài gòn, với ý định cho đối phương để ý và theo dõi. Theo nguyên tắc tình báo sơ đẳng, xuất hiện vào giờ giấc nhất định là tối kỵ. Nhưng Z.28 lại khác. Hắn vẫn biết như vậy là khờ khạo, là dọn đường cho địch nã đạn vào tim, mà hắn vẫn lao đầu vào.
Anh hiểu chưa? Z.28 là một điệp viên tự ái, tự ái một cách kinh khủng, tự ái đến mức xuẩn động. Hễ nơi nào nguy hiểm thì hắn đùng đùng chạy tới, nguy hiểm nhiều chừng nào hắn càng thích thú chừng ấy. Biết địch bố trí sát hại hắn, hắn lại trêu ngươi. Anh lái xe trong giờ giấc nhất định là để lỡm nhân viên Smerch. Tôi tin là họ sẽ hành động thần tốc. Nghĩa là anh ló mặt ra là họ thanh toán tức khắc.
Giới điều khiển điệp báo trên thế giới có 2 thói quen: hoặc là lừa nhân viên đến chỗ chết, hoặc là báo trước cho nhân viên biết. Tùy hoàn cảnh, một trong hai phương pháp này được dùng. Lừa nhân viên đến chỗ chết là phương pháp tàn nhẫn, không thích hợp với các quốc gia tự do, tuy nhiên, nói như vậy không phải là bào giờ cũng dùng phương pháp thứ hai. Trong quá khứ, hơn một lần nhân viên của tôi đã thiệt mạng thê thảm. Miễn cưỡng tôi phải giấu diếm sự thật...
Nhưng còn trong trường hợp này... trường hợp của anh, tôi không có điều gì cần giấu diếm. Anh được quyền biết hết. Còn thắc mắc điểm nào, anh cứ hỏi, tôi sẵn sàng giải thích.
- Thưa, tôi hoàn toàn đặt lòng tin nơi ông.
- Cám ơn anh. Trong vòng 4 tháng nay, nửa tá nhân viên của Sở đã bị hạ sát. Trong số này, phân nửa là nhân viên mang số Z, nghĩa là nhân viên chính thức được coi là quý báu của Sở, tuyển nạp một ngàn nhân viên may ra mới gạn lọc được một hoặc hai là cùng. Đào tạo một sĩ quan chuyên nghiệp cho quân đội đã khó đào tạo điệp viên Z. còn khó hơn nhiều. Tính đổ đồng một nhân viên XX muốn trở thành Z. phải tiêu tốn của Sở 15 ngàn đô-la, tức là 2 triệu đồng, chưa kể tiền lương, tiền phụ cấp công tác, tiều phụ cấp nguy hiểm, tiền bảo hiểm nhân mạng... Vị chi là 10 triệu đồng một nhân viên trong vòng 3 năm.
Mất một nhân viên Z. ta mất toi 10 triệu bạc. Song vấn đề tiền chỉ là hột bụi, so với thiệt hại tinh thần và thiệt hại kỹ thuật. Những nhân viên có trình độ như Z.28 trên thế giới chỉ có 3, 4 người là cùng. GRU, KGB, và Quốc tế Tình báo Sở Trung cộng sẵn sàng trả hai, ba triệu đô-la trở lên cho ai giết được Z.28. Bắt sống thì số tiền thưởng được tăng lên gấp đôi, hoặc gấp ba. Nếu cần họ có thể trả tới 10 triệu đô-la.
Lấy đồng đô-la để đánh giá con người là điều vạn bất đắc dĩ, sỡ dĩ tôi nhắc tới là để anh có đủ yếu tố nhận thức được tầm quan trọng của công tác...
Nói cách khác, Smerch sẽ không ngần ngại trước mọi khó khăn, miễn hồ loại trừ được Z.28. Trong thời gian thụ huấn, anh đã tỏ ra xuất sắc. Hầu hết giảng viên đều cho anh điểm ưu, đó là điều vinh hạnh cho anh và điều đáng mừng cho tôi. Tôi chỉ mong sao nah cố gắng giữ gìn tính mạng vẹn toàn...
Địch đã áp dụng mỹ nhân kế nhiều lần và đã thất bại. Có thể địch sẽ áp dụng lần nữa. Song địch chỉ áp dụng mỹ nhân kế nếu muốn bắt sống, hoặc giả đã có sẵn một tổ chức đại qui mô. Nhược bằng địch muốn rảnh nợ thì chỉ cần mai phục và hạ sát... Về võ nghệ, anh chưa thể sánh với Z.28 thật thụ, nhưng ít ra anh cũng đủ tự vệ hữu hiệu. Còn về tác xạ... tôi đọc trong báo cáo thấy anh rút súng hơi chậm. Chậm một phần trăm giây đồng hồ đủ chết rồi, bởi vậy từ lúc bắt tay vào việc anh phải gia tăng thận trọng. Phải quan sát tứ phía kỹ càng trước khi lên xe. Lái xe phải luôn luôn nhìn kính hậu trước vô-lăng và kính hậu gắn hai bên vè...
Xe Jensen được lắp kính riêng, có năng lực cản đạn. Đạn tiểu liên trở xuống sẽ chẳng làm gì được anh. Trừ phi địch bắn đại liên, song tôi không tin Smerch có đạn liên, hoặc dám dùng đại liên giữa thủ đô Sài gòn. Xe hơi lại được gắn máy điều hòa khí hậu, anh nên luôn luôn lên kính kín mít. Tiếc là không kịp, nếu không nhân viên chuyên muôn đã lắp mắt thần CMS cho anh.
- CMS?
- Phải, đó là một dụng cụ điện tử tinh vi vừa được phát minh. Nó chỉ lớn bằng hộp bánh bích qui có thể đeo dưới táp-lô xe hơi, song tác dụng rất quan trọng. Bằng một ống kính nhỏ xíu, giấu kín dưới gầm xe, hoặc gắn vào kính chiếu hậu, nó có thể nhìn thấy mọi vật phía sau trong khi xe chạy. Nó có trí nhớ vô cùng minh mẫn, xe hơi nào rượt theo sau đều bị nó nhận ra, không bao giờ làm lẫn.
Ban đêm mắt thần cũng sáng như ban ngày. Nó còn có thể nhìn xuyên qua sương mù. Khi nào biết chắc là xe bị đối phương bám sát, mắt thần bèn reo một hồi chuông báo động. Không có mắt thần CMS, công việc của anh sẽ khó khăn hơn nhiều. Anh muốn yêu cầu tôi điều gì đặc biệt không?
- Thưa có. Tôi chưa có vợ con nên không sợ gánh nặng gia đình. Cho dẫu tôi hy sinh cho công tác thì cũng chẳng ai biết. Xin ông yên tâm.
Nói đoạn, y cúi chào ông tổng giám đốc rồi lững thững ra xe. Ngồi trong chiếc Jensen, y có cảm tưởng như ban đêm cũng chói lòa ánh sáng. Càng phóng nhanh, xe hơi càng êm. Tốc độ phi thường làm tâm hồn y lâng lâng. Y lái lung tung khắp thành phố, la cà khắp chốn mua vui.
Song việc chờ đợi vẫn chưa xảy ra.
Ngoài những người đàn bà nở nang và dâm đãng nhìn chiếc Jensen bằng cặp mắt thèm thuồng, y chưa gặp bóng dáng nào khả nghi. Quang cảnh chung quanh bình tĩnh đến nỗi y đâm ra hoài nghi sự tính toán thường được coi là sáng suốt của ông tổng giám đốc.
Theo kế hoạch, y chỉ uống một ly huýt-ky, hút xong hai điếu Salem quen thuộc rồi đứng dậy.
Y là Văn Bình, mà Văn Bình là kẻ ăn chơi đế vương nên y ném xuống bàn tờ giấy 500 không lấy lại tiền thối.
Chiếc Jensen vẫn nằm nguyên ở chỗ cũ. Y huýt sáo miện, rút chìa khóa, sửa soạn mở cửa.
Chợt y thấy một cô gái tuyệt đẹp, mặc mini-jupe đang dán mắt vào lớp sơn trắng bóng loáng. Y mỉm cười với nàng. Nàng mỉm cười lại, giọng chứa đầy ao ước:
- Xe ông đẹp quá. Đẹp nhất Sài gòn.
Y nhún vai:
- Cô cũng đẹp. Đẹp nhất Sài gòn.
- Nhưng tôi chưa bằng một phần mười cái xe của ông. Từ nhỏ đến lớn, tôi thầm mơ cơ hội được ngồi trên xe đua, phóng ra ngoại ô để hưởng hơi gió mà chưa đạt.
- Ồ, tưởng gì... Cô muốn đi đâu?
Cô gái reo lên:
- Ông bằng lòng à? Trời ơi, vậy còn gì bằng... Đi xa lộ giờ này thì thật thần tiên.
Nếu cô gái không gạ gẫm, y cũng mở cửa mời lên và lái lên xa lộ biên hòa. Lên xa lộ, chứ vượt giải Trường sơn, lái ra Huế nữa, y cũng sẵn sàng.
Phương chi ông Hoàng đã dặn dò hắn rành rẽ. Ông Hoàng lưu ý tới kế mỹ nhân, một kế xưa như trái đất dùng đi dùng lại hàng triệu lần mà anh hùng cái thế vẫn đút đầu vào bẫy một cách ngây thơ và dại dột. Theo lệnh ông Hoàng, trong trường hợp đối phương dùng mồi gái đẹp, y phải đóng kịch si tình, rồi mở rộng con mắt, chờ đợi. Đối phương dùng mồi gái đẹp, nghĩa là muốn bắt sống, không giết. Trong khi y lái xe rời thành phố, chắc chắn những bóng đen vô hình của Sở Mật vụ sẽ bám sát sau lưng.
Ông tổng giám đốc không dặn dò, y cũng biết. Y không còn là nhân viên hạng bét, miệng đầy hơi sữa nữa. Nghĩ vậy, y phá lên cười. Tiếng cười đắc thắng của gã đàn ông tự ti trùm láp cả tiếng rú của chiếc Jensen vô địch đường trường.
Cô gái giật mình:
- Anh cười gì thế?
Y nheo một mắt:
- Tôi cũng chẳng hiểu nữa.
Giọng cô gái trầm hẳn:
- Nghe giọng cười của anh, em sợ quá.
- Sợ ai?
Gã đàn ông nín lặng. Cô gái lạ mặt cũng nín lặng. Chiếc Jensen băng băng ra khỏi cầu Phan Thanh Giản. Xa lộ tráng nhựa thênh thang trước mắt.
Trời đã tối hẳn. Xa xa, đèn nê-ông trên cầu xa lộ đã bật sáng, vẽ một con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo trên nền mây tím sẫm. Gió mát thổi vù vù, làm tóc cô gái bay tạt vào miệng, vào mũi, vào mắt gã đàn ông. Mùi tóc thơm thơm, pha lẫn hương thơm hăng hắc của đồng cỏ bên đường làm y bàng hoàng trong giây phút.
Suýt nữa, y quên nhiệm vụ. Ông tổng giám đốc đã nhấn mạnh từng chữ một:
- Thận trọng, thận trọng và thận trọng... anh nhớ chưa? Nhân viên của Sở sẽ rượt theo anh, nhưng tính mạng anh hoàn toàn trong tay anh. Có thể trong một giây đồng hồ sơ ý, anh sẽ bị dí súng vào màng tang và lảy cò. Trong khi lái xe, anh hãy để ý nhìn người ngồi bên. Một cử chỉ khả nghi, như bàn tay bỏ vào xắc, như liếc vào kính chiếu hậu, có thể làm anh mất mạng oan uổng.
Y rợn người như vừa thấy ma. Dầu y đã được huấn luyện đầy đủ để đối phó với mọi hoàn cảnh bất ngờ, y vẫn sợ. Y lại sợ hơn bao giờ hết.
Đột nhiên, y thèm sống. Y cảm thấy lao đầu vào cuộc phiêu lưu mênh mông này là xuẩn động. Tính gan dạ cố hữu của gã đàn ông hăng say với cuộc sống hiểm nghèo vụt biến đâu mất, nhường chổ cho những cảm nghĩ cầu an và ủy mị.
Quay về... y phải quay về Sài gòn, gõ cửa văn phòng tổng giám đốc, xin ông Hoàng đề cử người khác tiếp tục trò ú tim này với địch. Đến phút này, y mới biết chưa thể so sánh với Văn Bình. Thà rằng đứng trước thần Chết, trổ tài ba và mưu mẹo để thoát thân, chứ như thế này, không biết thần Chết ở đâu, thần Chết xuất hiện dưới hình thức nào, y sẽ phải đứng tim mà chết.
Khi ấy, cô gái ngồi thu hình vào góc, không xán lại gần vô-lăng, dùng bàn tay vuốt ve gã đàn ông như hồi nãy nữa. Nếu đọc được gan ruột của nàng, y sẽ thấy là nàng cũng sợ. Nàng cũng sợ một cách vu vơ, nhưng thấm thía.
Bỗng nàng buột miệng:
- Anh ơi...
Nàng muốn nói tiếp song một ma lực đã chặn nghẹt cổ họng. Như đánh hơi thấy nguy hiểm chết người, gã đàn ông mắm môi, đạp thắng. Chiếc Jensen đang phóng gần 150 cây số một giờ lao sang bên trái, rồi trán sang bên phải, dưới áp lực của bàn thắng đĩa cực mạnh. Hoảng hốt, gã đàn ông vội xuống số 3.
Nhưng định mạng không cho phép y lưu lại trên cõi thế này nữa.
Y khám phá ra thần Chết thì đã muộn. Quá muộn... Không phép lạ nào của loài người có thể cứu sống y nữa.
Vì thần Chết đã ra tay bằng một tiếng nổ. Tiếng nổ long trời lở đất.
Tiếng nổ từ ví tay của cô gái phát ra. Thỏi son của nàng chứa bên dưới một chất nổ kinh khủng. 10 gờ-gam chất nổ này có tác dụng bằng 10 kilô lát-tích.
Chiếc Jensen bất kham đã dừng lại một cách ngoan ngoãn. Nhưng chỉ dừng lại để rồi biến thành một đống sắt méo mó, và một đám cháy đỏ ối.
Gã đàn ông và cô gái tan xác trong chớp mắt. Cả hai bị chết mà không biết tại sao mình chết. Cô gái đáng thương hơn gã đàn ông nhiều vì không biết thỏi son là ngòi nổ. Người ta đã lén bỏ vào ví da của nàng. Người ta thuê tiền nàng, nói là nàng quyến rũ gã đàn ông xinh trai, chủ nhân của báu vật xe hơi Jensen Interceptor.
Nàng hỏi "quyến rũ để làm gì" thì người ta đáp:
- Rõ khờ khạo như mán rừng xuống chợ... Vợ hắn muốn ly dị để đi với người khác. Hắn cũng vậy, hắn mong được sớm ra tòa. Song phải có cớ mới bỏ nhau được. Vợ hắn sẵn sàng bỏ ra hai trăm ngàn đồng. Hai trăm ngàn đồng để mua một cuốc xe hơi từ Sài gòn lên xa lộ Biên hòa, chưa đầy nữa giờ là giá đắt nhất thế giới. Giá tôi là đàn bà thì năm ngàn bạc tôi cũng vồ lấy, huống hồ hai trăm ngàn...
Em đi nhảy, mòn hàng chục đôi giày, rách hàng chục cái áo, tiêu thụ hàng trăm hộp kem phấn, vị tất để dành được hai trăm ngàn. Thế nào, bằng lòng chưa?
Dĩ nhiên nàng bằng lòng. Công việc xong xuôi, nàng sẽ về Sài gòn lãnh tiền.
Song nàng đã chết thảm thương gần đường rẽ vào cư xá đại học Thủ Đức.
Một phút sau tai nạn, xa lộ đã bị nghẹt cứng. Hai chiếc xe Hoa kỳ sơn xanh, gắn đèn đỏ tròn trên mui, của cảnh sát xa lộ, túc trực gần tân cảng rú kèn phóng tới.
Nhưng một nhóm người khác đã có mặt tại chỗ trước cảnh sát. Họ gồm ba người. Một người ngồi lại trên xe, một chiếc Citroen đen sì, tróc sơn, song chạy nhanh không kém chiếc Jensen Interceptor. Hai người nhảy xuống chạy vội xuống ruộng.
Họ lắc đầu khi thấy hai nạn nhân cụt đầu, cụt chân nằm gác lên nhau trong xe giữa đống lửa đỏ ối. Nghe tiếng còi cảnh sát cấp cứu, họ rút lui lên xe Citroen. Tài xế lặng lẽ lái về Sài gòn.
Nhóm người này là nhân viên đặc biệt của ông Hoàng. Dọc đường, một người gọi vô tuyến về văn phòng tổng giám đốc.
- Alô, toán lưu động TS xin báo cáo... Chúng tôi đến không kịp...
Máy vô tuyến vọng ra tiếng khàn khàn nghiêm nghị:
- Không kịp ra sao?
- Thưa, họ chết rồi. Xe Jensen bị nổ tung.
- Còn người đàn bà?
- Cũng chết.
Cách xa lộ 5 cây số, ông Hoàng đang ngồi trầm ngâm trong văn phòng bí mật ở Khánh hội. Nghe hết, ông quay lại thở dài với Nguyên Hương:
- Đáng tiếc. Tôi không muốn hắn chết.
Ông đứng dậy, hai bàn tay xoa vào nhau:
- Cô xem lại chúc thư của hắn. Hắn muốn gì, cô sẽ cố gắng thỏa mãn.
Nguyên Hương mở cửa định ra ngoài thì ông Hoàng gọi giật lại:
- À, còn chuyện này nữa. Bắt đầu ngày mai, cô có thể dọn văn phòng về trụ sở công ty điện tử Nguyễn Huệ, không phải ẩn thân nữa. Cô liên lạc ngay với Z.28, dặn anh ta lại trình diện tôi. Thời gian nghỉ ngơi đã chấm dứt.
- Thưa, còn Quỳnh Loan?
- Cũng vậy.
- Thưa, liệu đối phương đình chỉ chiến dịch ám sát Z.28 chưa?
- Tôi chưa thể trả lời dứt khoát. Việc này còn tùy thuộc nhiều yếu tố căn bản. Nếu họ đinh ninh người lái xe Jensen bị giết trên xa lộ là Văn Bình thì họ sẽ đình chỉ hoạt động. Nhược bằng...
Ngừng một phút như để lấy giọng, ông Hoàng nói tiếp:
- Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng mạnh mẽ là chúng ta đã thành công. Cô hãy đích thân theo dõi đợt hai của kế hoạch.
Nguyên Hương nhẩn nha đưa cầu bút chì lên môi:
- Thưa, về việc liên lạc với báo chí?
Ông Hoàng gật đầu:
- Phải.
- Tôi sẽ gọi ngay cho nhân viên của ta ở Việt tấn xã.
- Không được. Ban Chuyên môn đề nghị với tôi nên dùng Việt tấn xã để loan truyền tin tức Z.28 bị giết, nhưng tôi cảm thấy bất lợi. Việt tấn xã là cơ quan thông tin bán chánh thức. Chúng ta nên nhờ người ngoài, tiện hơn. Tiện nhất là một cơ quan thông tấn ngoại quốc nào đó, thường được nổi tiếng là khách quan, và chuyên xía vào những tin tức mật.
- Vâng. Tôi sẽ nhờ hãng Reuter.
- Phạm Liệu phải không? Cô nói với hắn rằng tôi rất bằng lòng. Sang tháng, hắn đưa vợ qua Nhật để sửa mũi. Nghe nói mũi vợ hắn là nguyên nhân làm cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Tuần tới, hắn sẽ có ba ngàn đô la để trong trương mục của hắn ở Đông kinh. Hỏi hắn, nếu ba ngàn còn thiếu, tôi sẽ chuyển ngân thêm.
- Thưa vâng.
Công việc đã xong. Ông Hoàng nhìn đồng hồ (không phải đồng hồ tay mà là đồng hồ quả lắc cổ lỗ xĩ treo trên tường, như muốn pha trò với những dụng cụ điện tử trong phòng), rồi gật gù:
- Hừ, còn sớm chán.
Nguyên Hương lặng thinh.
Nàng không muốn cho ông Hoàng biết là đồng hồ đã chết máy từ ba ngày nay. Đồng hồ này là một trong những kỷ vật của cuộc đời hồ hải mà ông già con giữ lại. Bà Maria, vợ ông, đã sắm nó ở Ba lê, một ngày trước khi thiệt mạng. Về nước, ông mang nó theo, luôn luôn treo ngay ngắn trước mặt. Vì nó quá cũ nên mỗi khi hỏng Nguyên Hương phải chạy đôn, chạy đáo mới tìm được bộ phận mới để thay thế. Bận việc, nàng đã quên bẵng.
Không hiểu sao từ ít lâu nay, ông Hoàng thường nhắc đến bà Maria. Nguyên Hương sợ rằng ông chẳng còn sống bao lâu nữa. Có lẽ đó là những phút tình cảm riêng tây cuối cùng của ông.
Nàng ngồi im như pho tượng trước bàn giấy đầy hồ sơ. Bỗng dưng hai giòng nước mắt từ từ lăn trên gò má.
o O o
Kế hoạch của ông Hoàng đã được thi hành đúng với dự tính. Phóng viên Phạm Liệu của hãng thông tấn Reuter hấp tấp làm tin, điện về Luân đôn.
Sáng hôm sau, tin này được tường thuật trong bài phát thanh hồi 6g45 của đài bá âm BBC, phần Việt ngữ. Vì đó là tin trọng đại, ngàn năm một thuở, nên đài BBC đã kèm thêm một đoạn bình luận.
Đại để đài BBC loan tin như sau:
"Theo tin điện của phái viên Reuter thường trực tại Sài gòn, thì một vụ ám sát vô cùng quan trọng vừa xảy ra, hồi tối hôm qua, cách thủ đô Nam Việt 5 cây số.
Nạn nhân là một yếu nhân tình báo Nam Việt dường như là đại tá hiện dịch, biệt phái sang sở Mật vụ, một cơ quan bí mật tuyệt đối mà lãnh tụ là một ông già, thường được gọi là ông Hoàng.
Vì các ông sở Nam Việt đóng cửa, lại là đêm chủ nhựt nên phái viên Reuter chưa thể xin giới hữu trách xác nhận danh tánh nạn nhân và chi tiết của vụ ám sát.
Theo phái viên Reuter, thì nhân vật tình báo hữu danh này đã thiệt mạng trong một vụ bom nổ. Một trái bom kỳ lạ đã nổ trong xe hơi riêng của ông, trong khi ông đang lái xe trên xa lộ với một người bạn gái. Người đàn bà này cũng thiệt mạng."
Hai giờ sau bản tin đặc biệt của đài BBC, phóng viên Phạm Liệu chuyển đi một bức điện khác, nội dung như sau:
"Tiếp theo vụ ám sát hồi hôm, chúng tôi được biết thêm nạn nhân dường như là đại tá Văn Bình, bí hiệu Z.28. Đại tá Văn Bình được coi như là điệp viên tài ba và đắc lực nhất Nam Việt, và nhất cả Đông nam á. Các lãnh tụ điệp báo tây phương đều đồng thanh nhìn nhận đại tá Văn Bình là một trong 4, 5 điệp viên cừ khôi còn sống trên thế giới.
Chúng tôi nói là "dường như" vì nhà hữu trách điệp báo ở Sài gòn không chịu tuyên bố gì hết. Tưởng cần nói rõ thêm rằng trong quá khứ, điệp báo Nam Việt thường giữ thái độ kín miệng. Tuy nhiên, nguồn tin của chúng tôi rất chính xác. Vả lại, một nhân vật thân cận với ông Hoàng, lãnh tụ điệp báo Nam Việt, không cải chính tin này."
Bức điện của Phạm Liệu là một trái bom tin tức, tiếp theo trái bom nổ trên xa lộ Biên hòa.
Các hãng thông tấn quốc tế ở Sài gòn vội vàng trích đăng, và phái nhân viên tới phỏng vấn những nhân vật điều khiển chính quyền.
2 giờ chiều. Phạm Liệu đánh bức điện thứ ba:
"Phát ngôn viên thường lệ của ông Hoàng cho biết là thượng cấp cấm không được tuyên bố. Vụ ám sát này là một sự thất bại ghê gớm cho tình báo Nam Việt. Dường như chủ mưu là KGB.
Sở công an gọi điện thoại đến trụ sở Reuter ở Sài gòn, yêu cầu Phạm Liệu, phóng viên phụ tá người Việt, đình chỉ loạt tin về vụ ám sát. Giám đốc trụ sở Reuter hỏi lý do thì họ trả lời là theo lệnh trên".
3 giờ chiều.
Tình hình vụt trở nên nghiêm trọng. Các nhựt báo Việt ngữ bày bán la liệt trên lề đường, với hàng tít to tướng loan tin của Reuter. Nhiều báo lại dặm thêm mắm muối cho vụ ám sát thêm huyền bí. Những điều định giấu diếm đã được quyền thứ tự phô bày ra trước thanh thiên bạch nhật.
4 giờ chiều. Phạm Liệu đánh bức điện thứ tư về Luân đôn, với nhiều chi tiết giật gân. Nhưng bức điện này đã được chặn lại. Hãng thông tấn phản đối với nhà hữu trách. Sau cùng, bức điện được chuyển đi. Trái bom tin tức đã biến thành trái bom quân sự và chánh trị quốc tế.
7 giờ tối.
Một cuộc họp báo khẩn cấp được triệu tập, gồm 200 phóng viên trong và ngoài nước tham dự. Một phóng viên đã tường thuật lại cuộc họp báo này bằng lời lẽ như sau:
"Cơ quan an ninh Nam Việt đã cực lực đính chánh những nguồn tin do một hãng thông tấn ngoại quốc tung ra, theo đó một nhân viên cao cấp vừa bị ám sát trên xa lộ biên hòa".
Phát ngôn nhân của phủ Thủ tướng tuyên bố trong một cuộc họp báo đặc biệt rằng nạn nhân của vụ bom nổ chỉ là một viên chức trung cấp, tòng sự tại một cơ quan an ninh trung ương. Cuộc điều tra đang được tiến hành ráo riết.
Theo tin tức được xác nhận, nạn nhân đã bị hạ sát vì tình. Phát ngôn nhân đã yêu cầu báo chí phối kiểm tin tức với cơ quan liên hệ trước khi công cố, hầu khỏi làm hoang mang dư luận.
Một số phóng viên đặt câu hỏi nhưng phát ngôn nhân không chịu trả lời. Ông cho biết là chỉ có nhiệm vụ đọc bản thông cáo báo chí đã được thảo sẵn, ngoài ra ông chưa nhận được chi tiết nào khác. Được hỏi nạn nhân có phải là đại tá Văn Bình, Z.28 hay không, thì ông lắc đầu nói "tôi không biết, yêu cầu hỏi thẳng bên Công an".
Trước khi chấm dứt cuộc họp báo, phát ngôn nhân tuyên bố rằng ở Sài gòn không có lãnh tụ điệp báo nào tên là ông Hoàng, nếu có, thì chắc là cụ đốc tờ Hoàng, công cán ủy viên kỹ thuật của phủ Thủ tướng. Cụ Hoàng là một ông già gày ốm, chuyên về nghiên cứu, suốt đời chưa bao giờ nhìn thấy khẩu súng, chứ đừng nói là điều khiển một guồng máy gián điệp và phản gián điệp nữa.
Ông Hoàng, đại lãnh tụ mật vụ, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng trong thế kỷ 20. Còn người được gọi là Z.28 cũng chỉ là tưởng tượng. Phát ngôn nhân nói rằng ông rất lấy làm vinh vự nếu Việt nam có được một cán bộ cừ khôi như Z.28, nhưng ông lại tiếc là một người như vậy không thể nào có được.
Các phóng viên xúm lại hỏi tới tấp, phát ngôn nhân cười và nói:
- Tôi bảo là không mà các bạn cứ đoán quyết là có. Các bạn không tin thì tôi đành chịu. Xin các bạn thông cảm. Vì dầu sao tôi chỉ là phát ngôn nhân, tôi không có đủ thẩm quyền.
Một phóng viên nói lớn:
- Vậy, ông giới thiệu chúng tôi tới nhân vật có đủ thẩm quyền.
Phát ngôn nhân ngần ngừ một phút, rồi đáp, giọng vui vẻ:
- Vâng, tôi xin lãnh tôn ý.
Các phóng viên đều im lặng, trịng trọng nghe, đinh ninh sắp được dẫn tới một lãnh tụ cao cấp an ninh. Nhưng phát ngôn nhân lại nói:
- Xin các bạn liên lạc với số điện thoại 97.078.
- Hỏi ai?
- Chỉ có một người độc nhất làm việc trong văn phòng từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng. Người ấy sẽ cung cấp cho các bạn biết mọi chi tiết bí hiểm nhất về ngành điệp báo.
Cuộc họp báo kết thúc vào lúc 8 giờ tối. Phát ngôn nhân an ninh trèo lên xe rồi, các phóng viên lúi húi mở niên giám điện thoại ra dò số mới ngã ngửa người.
Thì ra 97.078 là số điện thoại riêng của Người thứ Tám, tiểu thuyết gia gián điệp, cha đẻ loại sách về điệp viên Z.28, về con người mà phát ngôn nhân chánh quyền cực lực cải chính là có thật. Phát ngôn nhân đã cố tình lỡm các nhà báo.
Theo dư luận chung, cuộc họp báo kể trên chỉ là một hành động vụng về giấu đầu hở đuôi vô ích. Hầu hết các hãng thông tấn ngoại quốc đã biết rõ nội vụ. Người ta không hiểu tại sao chánh quyền lại cố gắng che đậy những điều không còn được coi là bí mật nữa.
Đây không phải lần đầu chánh quyền tỏ ra bối rối trước những tai nạn bất thường xảy ra cho sở Mật vụ. Vì trên giấy tờ, Sở này không hề có, mặc dầu trên thực tế, đó là một trong những cơ quan điệp báo rộng lớn nhất và lợi hại nhất châu Á, với chừng 5.000 nhân viên tại trung ương và 50.000 nhân viên nam nữ khác, rải rác trên khắp thế giới, nhất là sau bức màn sắt, và tại vùng Thái bình dương.
Cách đây 9 tháng, sở KGB sô viết đã ấn hành một cuốn bạch thư, tiết lộ khá đầy đủ về sở Mật vụ Nam việt. Cuốc bạch thư được gửi tận tay các hội viên Liên hiệp quốc, và trích đăng trên báo Sự Thật ở Mạc tư khoa. Báo Nhân dân ở Hà nội cũng phiên dịch và đăng tải.
Theo cuốc bạch thư thì điều khiển sở Mật vụ Nam việt là ông già trạc thất tuần, bề ngoài trông như tư chức lẩm cẩm, đần độn, hiền hậu, chất phác, tên là ông Hoàng, thật ra là một tay cừ khôi về điệp báo. Cuốc bạch thư đã in kèm chân dung của ông Hoàng. Tuy nhiên, người ta có cảm tưởng rằng bức hình này được chụp từ lâu, và chụp trong khoảng xa 300 thước bằng ống ảnh khuếch đại nên không sắc nét. Nhân vật trong ảnh có vẻ rất trẻ, độ 50 tuổi là cùng. Căn cứ vào tuổi tác hiện nay là 70, người ta có thể phỏng đoán rằng bức hình do KGB phổ biến được chụp cách đây khoảng hai chục năm.
Cuốc bạch thư không biết thêm chi tiết nào về ông Hoàng. Ngược lại, nhiều chi tiết cụ thể đã được công bố về bộ tham mưu thân cận của ông.
Theo KGB, ông Hoàng có dưới trướng 3 điệp viên xuất xắc: Văn Bình, Lê Diệp, và Triệu Dung. Triệu Dung là người văn võ toàn tài, đúng đắn, sâu sắc, nên được coi là linh hôn cửa bộ tam đa này, và có nhiều hy vọng được cử thay thế ông Hoàng ở chức vụ tổng giám đốc một mai ông từ trần. Dường như ông Hoàng đã để lại chúc thư, cử Triệu Dung thay thế.
Lê Diệp giữ chức trưởng đoàn vệ sĩ, thân thể gầy nhẳng, song sức khỏe phi thường. Y có thể dùng ngoại công đập vỡ một bức tường 10, loại tường phải dùng búa tạ mới phá nổi. Tài ném dao của y được liệt vào hạng độc nhất vô nhị.
Điệp viên hào hoa nhất trong bọn là Tống Văn Bình, Z.28. Cuộn bạch thư dành đúng 30 trang để nói về Văn Bình. Theo KGB, Văn Bình là điệp viên kỳ dị và đắc lực nhất từ đông sang tây, cũng như từ cổ chí kim. Về võ thuật, y đứng một mình một chiếu. Về mưu lược, y khôn ngoan không kém mưu sĩ thời Tam quốc. Về may mắn, y lại luôn luôn thoát chết. Đàn bà đối với y chỉ là trò chơi. Y thay người yêu như thay áo lót mình, thế mà đàn bà lại không coi y là gã Sở khanh.
Trái lại, họ đua nhau bám riết lấy y. Trong số người yêu, dường như y có cảm tình đặc biệt với Nguyên Hương, nữ bí thư trưởng của ông Hoàng.
Nguyên Hương là một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, kiến thức uyên bác, trình độ văn bằng đại học, tốt nghiệp nhiều lớp huấn luyện kỹ thuật điệp báo tây phương.
Theo KGB thì Văn Bình Z.28 là kẻ thù không đội trời chung của hòa bình và an ninh thế giới. Cuốc bạch thư không giải thích rõ ràng tại sao Z.28 lại nguy hiểm như vậy, song theo dư luận của các quan sát viên thạo tin, thì trong vòng 10 năm qua Z.28 đã hạ sát cả trăm điệp viên ưu tú của phe nghịch, và phá vỡ cả chục kế hoạch, làm KGB, GRU, Smerch, Quốc tế Tình báo sở và Trung ương cục tổn phí hàng mấy trăm triệu đô-la.
Cuốn bạch thư đã in hình Triệu Dung, Lê Diệp, Nguyên Hương và Văn Bình. Riêng Văn Bình đã được hân hạnh đăng 6 tấm hình mọi kiểu, đứng, ngồi, nằm, nghiêng, chạy, và lái xe hơi. Ngoài ra còn có hình một tòa nhà cổ gần phi trường Tân sơn nhất, Sài gòn, mà KGB quả quyết là trụ sở trung ương của ông Hoàng.
Tài liệu của KGB đã gây tiếng vang rầm rộ trên khắp thế giới. Nhà cầm quyền Nam Việt không hé môi xác nhận hay phủ nhận. Tuy nhiên, 24 giờ đồng hồ sau khi bạch thư được công bố tại Nữu ước Công an Sài gòn do chuẩn tướng Miên điều khiển đã mời các đại diện báo chí tới ăn sáng tại tư thất.
Hàng tháng, chuẩn tướng Miên thường mời báo chí dùng điểm tâm hoặc uống rượu nghe nhạc vì ông còn trẻ, tính tình lại hòa hoa và bình dân, thích gần gũi nhà văn, nhà báo.
Trong bữa ăn, một ký giả gợi đến bạch thư của KGB. Chuẩn tướng Miên liền hỏi:
- Bạn tin tôi hay tin họ?
Ký giả này đáp một cách khôn ngoan:
- Dĩ nhiên là tin chuẩn tướng. Nhưng ít ra chúng tôi cũng phải căn cứ vào chứng cớ xác thật mới có thể thuyết phục cho công luận tin được.
Chuẩn tướng Miên lập tức xô ghế đứng dậy:
- Nói tóm lại, các bạn đòi chứng kiến tận mắt. Vậy chúng ta cùng đi.
Mọi người nhao nhao:
- Đi đâu?
Chuẩn tướng Miên đáp:
- Tùy các bạn. Tôi không muốn đưa lộ trình ra trước, sợ các bạn lại cho là xếp đặt.
- Nếu không có gì trở ngại, xin chuẩn tướng dẫn chúng tôi lên Tân sơn nhất.
Lên đến nơi, các ký giả đều bị một phen tẽn tò. Cuốn bạnh thư của KGB nói rằng tòa nhà gần sân bay là trụ sở trung ương của ông Hoàng, bên trong có hàng trăm nhân viên hoạt động văn phòng, phụ trách an ninh và điều khiển máy móc điện tử tối tân, ngoài tra còn có hai phòng thí nghiệm võ khí, hóa chất và hơi ngạt giết người ghê gớm nữa. Nhưng phái đoàn báo chí không thấy gì hết.
Tòa nhà được bao bọc một hàng rào gạch cao hơn đầu người, bên trên chằng giây kẽm gai, truyền điện. Vào nhà chỉ có một con đường trải đá sỏi trắng, tứ phía cỏ dại mọc um tùm, rêu xanh che gần kín tường, mái nhà đã chuyển sang màu đen.
Các ký giả hỏi tại sao tường rào lại truyền điện thì chuẩn tướng Miên đáp:
- Họ sẽ trả lời.
"Họ" là một nhóm kỹ sư đầu hoa râm, đeo kính trắng, áo quần chải chuốt, vẻ mặt trang nghiêm. Nghe nói đây là trụ sở mật vụ, họ đều ré lên cười và mời phái đoàn vào thăm bên trong.
Sở dĩ biệt thự truyền điện vì sợ người ngoài đột nhập. Biệt thự này là phòng thí nghiệm đặc biệt của Công ty Điện tử Việt nam, một hãng mới thành lập, chuyên bán dụng cụ điện tử, và nhất là chuyên sưu tầm, nghiên cứu phát minh dụng cụ điện tử, áp dụng vào thương mãi và kỹ nghệ. Phòng thí nghiệm chứa cất một số dụng cụ chưa cầu chứng tại tòa, nên ban giám đốc phải tăng cường bảo vệ. Nếu bị mất trộm, công ty sẽ thiệt hại hàng trăm triệu bạc. Hàng rào được truyền điện, trong nhà có chó bẹt-giê vì thế.
Mọi căn phòng trong biệt thự đều được trang trí gọn ghẽ và khoa học. Phái đoàn thấy nhiều máy móc, song toàn là máy móc kỹ nghệ. Họ không hề thấy võ khí kinh khủng, hơi ngạt quái đản, hoặc đoàn vệ sĩ trang bị súng bắn thuốc mê và đạn xi-a-nuya như KGB tố cáo.
Sau một giờ đồng hồ quan sát tường tận, phái đoàn báo chí ra về, và không ngớt xin lỗi các viên kỹ sư của công ty, cũng như chuẩn tướng Miên.
Mặc dầu các ký giả không thấy vì khả nghi, họ vẫn chưa chịu tin hoàn toàn. Tuy nhiên, họ không thể nói là cuộc thăm viếng đã được bố trí từ trước.
Hầu hết ký giả trong và ngoài nước đều nghe nói đến ông Hoàng và đại tá Văn Bình. Hai ký giả Việt ngữ đã đích thân gặp gỡ và trò chuyện với Văn Bình trong quá khứ.
Vụ ám sát bằng bom trên xa lộ đã đánh thức dậy mối ngờ vực thường trực của báo chí. Song một lần nữa, họ vẫn không có đầy đủ phương tiện để đào sâu vào sự thật.
o O o
Sự thật động trời này, còn một thời gian dài nữa, ông Hoàng mới chịu cho công luận biết. Chẳng qua ông muốn lỡm KGB và lỡm luôn nhà báo. Công ty Điện tử đặt trụ sở ở đại lộ Nguyễn Huệ mới đúng là trụ sở trung ương của sở Mật vụ. Nhưng trừ một số ít người, không ai biết rõ những bí mật bên trong bin-đinh Nguyễn Huệ.
Biệt thự gần trường bay cũng là trụ sở của ông Hoàng. Song hầu hết cơ sở đều xây ngầm dưới đất. Hầu hết nhân viên của phòng thí nghiệm điện tử cũng đều lãnh lương sở Mật vụ.
Ông Hoàng đã dùng xác chết trên xa lộ để đánh lừa gián điệp địch. Guồng máy thông tin quốc tế đã vô tình làm công không cho ông già đa mưu.
Tuy nhiên, ông vẫn chưa yên tâm hoàn toàn. Smerch gồm những con cáo già xảo quyệt nhất nhì thế giới. Ông cần bố trí chặt chẽ thêm nữa. Thi hài nạn nhân được chở về bệnh viện Đồn Đất.
24 giờ đồng hồ sau khi tai nạn xảy ra và báo chí trên thế giới đã loan tin trên trang nhất, xác người đàn bà được thân quyến tới nhận về mai táng.
Nhưng còn xác người đàn ông mang tên Văn Bình, Z.28...
Bệnh viện Đồn Đất là một cơ sở xã hội do người Pháp quản nhiệm, không liên hệ đến chánh phủ Sài gòn. Nghĩa là không mảy may dính dáng tới sở Mật vụ của ông Hoàng. Nhà xác lại nhìn ra một con đường vắng, cửa mở toang hoác ngày đêm, ai vào cũng được.
Một khi Sở Mật vụ đã không nhìn nhận gã đàn ông Z.28 thì không thể mang xác chết về quàn tại dưỡng đường riêng của Sở. Nhưng cũng không thể để lâu ở nhà thương Grall, xuất nhập tự do. Bắt buộc địch phải cho nhân viên lẻn vào nhà xác để chụp hình và lấy dấu tay xác chết.
Dấu tay Văn Bình được cất kỹ như vàng trong thư khố đặc biệt của các sở gián điệp trên thế giới. Họ chỉ cần in lại trên giấy láng, nhìn sơ qua bằng kính lúp là nhận được ngay.
Đúng là dấu tay Z.28. Ông Hoàng đã phát minh ra một phương pháp giả dấu tay kỳ lạ. Xác chết bị cháy xém gần hết, song ông Hoàng đã giữ lại ba ngón tay, và trên mỗi ngón ông cho in dấu tay của Văn Bình.
Kế hoạch của ông Hoàng được thực hiện hoàn hảo, không sót một chi tiết.
Đối phương đã bị lừa.
Giờ đây, ông Hoàng và Văn Bình có thể ăn no, ngủ kỹ. Hôm ấy, ông Hoàng gọi Văn Bình tới.
Gần nửa đêm, giờ giới nghiêm sắp bắt đầu, Văn Bình mới lò dò đến tổng hành doanh trong xe hơi đen sì, sọc sạch, và lùn tịt của chàng sếu vườn của Lê Diệp.
Như thường lệ, ông Hoàng ngồi đợi bên đống hồ sơ cao như núi, và đĩa đựng tàn xì-gà Ha-van cũng cao như núi. Vẻ mặt ông tổng giám đốc ít đăm chiêu hơn mọi ngày.
Không đợi Văn Bình yên vị, ông Hoàng nói luôn một hơi:
- Mấy tháng trước, tôi yêu cầu anh sống ẩn thân một thời gian, chờ thời cơ thuận tiện. Thời cơ này đã tới. Tôi mời anh đến đêm nay để giao việc.
Văn Bình múa tay, giọng nôn nóng gần như bực bội:
- Vâng, ông giao ngay đi, tôi ngứa ngáy và mệt quá rồi. Ăn với nằm, chẳng làm gì hết, tôi đã biến thành anh khách trú, tay chân vụng về, trí óc tối om như đêm ba mươi. Thưa ông, đây là lần đầu và cũng lần cuối, trong tương lai xin ông đừng hành hạ tôi, giam hãm tôi như thế này nữa. Tôi sẽ điên mất.
Dường như từ nhiều tháng nay Văn Bình là cái lò so bị ép dẹp xuống, bây giờ mới được bật mạnh lên. Chàng tuôn ra thao thao bất tuyệt như thác nước Niagara. Chàng không dám ngưng nói, sợ quên những điều chất chứa trong lòng, và nhất là sợ kính nể ông tổng giám đốc mà không phun hết.
Ông Hoàng vẫn lắng nghe một cách bình thản, mắt ông lim dim sau cặp kiếng cận thị quen thuộc. Vẻ mặt ông trở nên già nua và tội nghiệp hơn bao giờ hết.
Xả hơi xong, Văn Bình cảm thấy hối hận.
Chàng đã tỏ ra quá tàn nhẫn với ông Hoàng. Dường như sau mỗi lần bị chàng soi móc, gắt gỏng, phiền trách, ông lại già thêm. Lần chàng bỏ Sở lên Vạn tượng làm nhà tu, ông Hoàng không còn sợ tóc đen nào trên đầu nữa.
Hết điều uất ức cần nói, Văn Bình đành ngừng lại. Ông Hoàng gỡ mục kỉnh, giọng bâng khuâng.
- Tôi hy vọng đây không phải là lần đầu và lần cuối như anh nói. Coi anh như ruột thịt, tôi thường cho anh biết những việc quan trọng. Hôm nay, tôi muốn anh biết thêm một việc khác. Kể ra, việc này chỉ có tính cách cá nhân, nhưng vì có liên quan tới Sở, và liên quan đến anh... Bắt đầu từ sáng mai, tôi sẽ không ở đây nữa.
Văn Bình bàng hoàng:
- Ông đi đâu? Ông giận tôi ư? Tại sao ông giận tôi?
Giọng ông tổng giám đốc vẫn không thay đổi:
- Tôi không phải là người dễ buồn và dễ giận. Mọi hành động của tôi đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi nói vậy để chứng tỏ rằng tôi không giận anh. Từ ngày được anh hợp tác đến nay, tôi chưa hề biết giận. Sở dĩ tôi phải ra đi vì căn bệnh của tôi vừa tái phát... Y sĩ của Sở bắt buộc tôi phải vào bệnh viện để chụp hình quang tuyến. Hẳn anh đã biết dạ dầy tôi rất yếu... Dường như, gan tôi bị đau.
Văn Bình buột miệng:
- Trời ơi!
Lòng Văn Bình buồn vô hạn. Trong vòng hai năm ngắn ngủi, chàng đã mất luôn ba người bạn. Họ đều đau gan, đều chết về bệnh gan. Chết về chứng bệnh không y sĩ nào, không thứ thuốc nào trên trái đất nhỏ hẹp này cứu chữa nổi.
Bệnh ung thư.
Đột nhiên bệnh nhân ốm còm cõi, da dẻ vàng ệch. Chụp hình quang tuyến X, người ta thấy một ung nhọt lờ mờ ở gan. Ung nhọt này lớn dần, lớn dần, xâm lấn lục phủ, ngũ tạng. Bệnh nhân đau đớn cực độ, phải dùng chất ma túy để khỏi phải rên xiết.
Rồi một ngày kia, trong cơn đau đớn ghê gớm, bệnh nhân nằm lịm luôn, không bao giờ dậy nữa.
Ông Hoàng đã lớn tuổi. Cũng như mọi người, ông Hoàng phải già rồi phải chết, tre già măng mọc, người già nằm xuống để cho lớp trẻ tiến lên.
Song Văn Bình lại muốn ông Hoàng sống mãi. Chàng không sợ chết. Cái chết đối với chàng cũng giản dị và thông thường như cử chỉ cố hữu của mọi người khi sửa soạn hút thuốc lá. Trước khi châm lửa, người ta không thể đập đầu thuốc nhiều lần vào mặt cứng cho điếu thuốc se lại, rồi mới trịnh trọng đốt cho đều. Tuy nhiên, nhiều khi nghĩ đến ông tổng giám đốc gần đất, xa trời, chàng lại sợ chết hơn bao giờ hết.
Sợ cho ông Hoàng, hay sợ cho bản thân chàng, Văn Bình cũng không biết nữa.
Ông Hoàng nhìn chàng, mơ màng:
- Dạo này, thiên hạ thường mắc bệnh ung thư gan. Y sĩ rất lo ngại nếu bệnh nhân lần này là tôi. Vì trong vòng 10 tháng qua, dưỡng đường của Sở đã điều trị hai bệnh nhân ung thư gan. Và như anh đã biết, cả hai đều chết sau gần nữa năm liệt giường.
Dĩ nhiên, cũng như tôi, anh không muốn tôi đau ung thư gan. Vì đó là chứng bệnh nan y. Nhưng anh ơi, anh và tôi đều là con người, có sống có chết, chúng ta đều sống trong sự sai phái của Thượng đế. Con người ai cũng tin ở Thượng đế. Người mác xít không tin có Chúa Giê su, đức Phật Thích ca, đấng Tiên tri Ma hô mét ở nơi công cộng, song mỗi khi về phòng riêng, hoặc nằm trên giường bệnh, họ lại tin Thượng đế hơn chúng ta nữa.
Riêng nghề điệp báo lại là nghề tin Thượng đế hơn mọi nghề nào khác trên trái đất.
Nhiều lần anh và tôi đã sửa soạn trước từng chi tiết bé nhỏ, nhưng rốt cuộc vẫn trật lất hàng trăm cây số. Anh còn nhớ vụ Lê Tùng không? (1) Trước khi ra lệnh cho Lê Tùng đóng trò khổ nhục kế, tôi đã mất gần một năm trường nghiên cứu. Anh không lạ gì vì chính anh cũng đã thức với tôi hàng chục đêm đến rạng đông trong văn phòng.
Như thường lệ, ban chuyên môn nghiên cứu vấn đề dưới mọi khía cạnh. Tổng cộng là 50 giả thiết được đưa ra. Và sau hai tháng bàn bạc, chúng ta chỉ giữ lại 8 kế hoạch.
8 kế hoạch này đề cập tới mọi hậu quả có thể xảy ra cho Lê Tùng. Chúng ta đã nghĩ đến trường hợp Lê Tùng có thể bại lộ, hoặc thiệt mạng.
Song chúng ta chưa bao giờ tiên liệu giả thiết Lê Tùng tự sát. Chúng ta cũng chưa bao giờ tiên liệu là Huệ Lan bị chết vào phút cuối cùng vì sảy chân gã xuống hố sâu đầy nước, chạm chông nhọn tẩm thuốc độc.
Thế mà Huệ Lan đã chết bất ngờ. Lê Tùng dùng súng bắn vào miệng quyên sinh giữa lúc phi cơ xuất nhập của Sở liều lĩnh đáp xuống bãi đất trong lằn mưa đạn dữ dội của địch. Chúng ta đã mất một máy bay và hai phi công.
Để chuốc lấy cái chết của Lê Tùng. Anh thấy chưa? Nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định... Giá tôi chết, thì cũng là định mạng, như Lê Tùng vậy. Vả lại, tôi đã già rồi.
Sáng mai, tôi sẽ vào bệnh viện, tạm cắt đứt với Sở một thời gian. Từ lâu, lăn lóc với anh chị em trong Sở, đây là lần đầu tôi nghĩ hè, nên tôi cảm thấy buồn bã và nhớ nhung. Hơn ai hết, anh đã biết tôi là người giàu tình cảm.
Lẽ ra, tôi kết hôn với bà Huyền Hoa. Bà Hoa, điều khiển tổ chức của chúng ta ở Hà nội (2) , mẹ của cô Nguyệt Thanh. Cũng vì định mạng mà vợ tôi là người phương Tay. Vợ tôi cũng vì định mạng mà chết giữa thời xuân sắc. Giờ đây, tôi sống độc thân, chỉ còn anh và một số cộng sự viên gần gũi khác.
Anh phải lên đường ra nước ngoài, không thể ở lại điều khiển guồng máy trung ương. Nên tôi quyết định giao cho Triệu Dung. Dung thua anh ở nhiều điểm, nhưng hơn anh ở điểm chín chắn. Bà Hoa vừa điện cho biết sẽ về nội tuần nay. Có bà Hoa, Triệu Dung và Nguyên Hương ở Sài gòn, tôi có thể bớt lo ngại.
- Ông đi đâu?
- Tôi muốn vào dưỡng đường của Sở, nhưng y sĩ không đồng ý. Có lẽ tôi phải đáp máy bay qua Clark. Trong căn cứ Phi luật tân này, có nhiều tiện nghi tân tiến hơn (3) . Nếu là ung thư thường, không thuộc chứng phi mã, thì tôi có hy vọng bình phục. Nhưng dầu được bình phục nữa, tôi cũng không thể tiếp tục làm việc liên miên như lâu nay nữa.
Anh ráng thành công chuyến này. Đó là món quà chữa bệnh cho tôi.
- Thưa, tôi cùng đi với ông sang Clark, đợi ông khám xong rồi lên đường được không?
- Không được. Vì thật ra tôi cũng chưa rõ anh đi đâu, bao giờ anh đi, đi với ai, đi với phương tiện nào nữa.
- Tại sao vậy?
- Vì, như anh đã hiểu, công tác này do CIA và MI-6 hợp lực với Sở. Phần kế hoạch do họ hoàn toàn đảm nhiệm. Chúng ta chỉ cung cấp nhân sự cần thiết. Sở đang hụt tiền muốn đứt hơi: họ bằng lòng đài thọ cho Sở một triệu đô la nếu công việc thành tựu.
- Thưa, tổng quát công việc ra sao?
- Anh sẽ vượt bức màn sắt, đội lốt một yếu nhân Bắc Việt, vào điện Cẩm linh.
- Để lấy tài liệu?
- Phải. Xong xuôi, anh sẽ đáp tàu ngầm ở Hắc hải trở về. Ta đã bố trí xong màn đầu, màn đánh lừa địch. Smerch đinh ninh là anh đã nằm yên dưới hai thước đất, anh sẽ tha hồ vùng vẫy.
- Thưa, tôi sợ Smerch không khù khờ đâu.
- Tôi cũng nghĩ như anh. Làm nghề này, chúng ta nên luôn luôn ngờ vực. Song cho đến phút này, tôi có cảm tưởng là địch đã bị phỉnh gạt hoàn toàn.
- Vắng ông, chúng ta sẽ thua mất.
- Anh đừng nói bậy.
Chuông điện thoại reo.
Ông Hoàng cầm máy lên nghe. Mặt ông vụt sáng ngời:
- Thế à? Cô nói với họ rằng phía chúng ta đã chuẩn bị xong. Văn Bình xuất đầu lộ diện được rồi.
Ông quay lại Văn Bình:
- Anh sửa soạn thì vừa. Trong một tuần nữa, anh sẽ lên đường. Anh nên tạt qua ban chuyên môn, hỏi xem thể thức cải trang ra sao. Trong thời gian ở Sài gòn, anh cần cải trang cho chu toàn. Tôi sẽ sang Phi luật tân với Quỳnh Loan.
Văn Bình thở phào ra. Gánh nặng ngàn cân đè trên buồng phổi vừa được rút ra.
Hiểu ý chàng, ông Hoàng nói:
- Giam giữ anh quá lâu trong nhà tù gia đình với đàn bà kèm riết một bên, tôi thấy tội nghiệp. Tôi mang Quỳnh Loan đi cho anh rảnh chân vài ba ngày. Thế nào, thằng nhỏ chịu chơi không?
Mặt Văn Bình đỏ gay:
- Thưa, tháng trước nó lên sởi, tuần rồi lại ho suốt ngày đêm. Tôi lo quá cứ tưởng là ho gà. Nhưng bây giờ thì khỏi rồi.
Ông tổng giám đốc cười nụ:
- Tôi cứ tưởng anh không biết nuôi trẻ con. Té ra tôi lầm, mọi người đều lầm. Anh còn giỏi hơn đàn ông chân chỉ nữa. Sáng mai, nhân viên của Sở sẽ đến nhà, mang nó vào ký nhi viện của Sở. Họ sẽ chăm sóc nó giùm anh. Anh và cô Quỳnh Loan ra sao?
Văn Bình đáp:
- Nàng không đặt điều kiện nào cả. Nàng vẫn sống với tôi như thường lệ. Có lẽ nàng không nuôi hy vọng thành hôn với tôi.
Ông Hoàng khoát tay:
- Quỳnh Loan rất muốn làm vợ anh. Song tôi thẳng thắn bác bỏ. Tôi đã nói trước nếu cô ta chịu để cho anh hoàn toàn tự do thì mới cho phép hai người sống chung một thời gian, và cô ta đã chấp thuận. Cháu Văn Hoàng sẽ là con của Sở. Tôi đứng ra đỡ đầu, vì vậy nó mang tên tôi. Tôi đã khẩn khoản yêu cầu Quỳnh Loan giữ gìn để khỏi thụ thai lần nữa. Tôi rất bằng lòng vì cô ấy đã tuân lệnh.
Lời nói của ông Hoàng như mũi dao xỉa vào tim Văn Bình. Chàng không dè Quỳnh Loan đã hy sinh tất cả cho chàng. Chàng cũng không dè ông Hoàng đã lo liệu hết. Lo liệu công tác, lo liệu tiền nong, lo liệu ăn uống cho chàng, ông lại lo liệu cả tình yêu cho chàng nữa.
Chàng có cảm tưởng chỉ là đứa trẻ con sống nhờ vào sự chăm chút cần mẫn của mẹ. Giờ đây mẹ đi xa, bỏ đứa trẻ ở nhà, xoay xở một mình trước hàng trăm, hàng ngàn khó khăn phức tạp.
Ông tổng giám đốc đứng dậy.
Bên ngoài, đường sá bắt đầu vắng lặng. Một vài chiếc xe hơi về chậm trong giờ giới nghiêm, mở đèn sáng rực, phóng bán mạng như găng-tơ bị săn đuổi trên màn bạc.
Khi ấy, Văn Bình cũng đang bị săn đuổi. Kẻ săn đuổi chàng không phải là nhân viên địch, đội mũ kết tùm lum, mặc âu phục đen, đi giày đế kếp, đeo kính mát to tướng, ngón tay đút trong túi quần, hườm sẵn trên cò súng, sẵn sàng nhả đạn 9 li.
Mà kẻ săn đuổi chàng là đàn bà.
Là hồ ly tinh Nguyệt Hằng.
Chú thích
1. Tấn bi kịch Lê Tùng được tường thuật trong "Bản án Tử hình", đã xuất bản.2. Câu chuyện về bà Huyền Hoa và Nguyệt Thanh được nhắc lại trong "Đêm cuối cùng của tử tội", đã xuất bản.
3. Clark Field, căn cứ của Mỹ tại Phi luật tân.