Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Nữ Thần Ám Sát - Chương 1: Người Đàn Bà Bí Mật
ừ cổ chí kim, phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, vẫn giữ vai trò quan trọng trong ngành điệp báo. Các cơ quan điệp báo quốc tế như CIA, MI, KGB, RU... thường có ban đặc biệt nữ giới. Gần đây, Smerch tỗ chức Phản gián bí mật của Komitei Gosurdarstvennoi Bezopasnosti sô viết - tiếp tục chính sách mỹ nhân kế mozhnos của Sít ta Lin, đã lập ra một nữ ban ám sát. Bộ truyện sau đây của NTT thuật lại những hành động lạ lùng của nhóm hồ ly tinh ám sát trong Liêu trai Smerch.
L.T.S.
Văn Bình mới ném cà vạt xuống giường, khoát vội cái áo ngủ sặc sỡ rộng thùng thình vào người thì ngoài cửa tiếng chuông reo rè rè. Chàng cau mặt, chắt lưỡi:
- Lại khách.
Từ nửa tháng nay, chàng đã mai danh ẩn tích trong một căn phòng kín đáo ở Tân định với Mộng Kiều. Hai người lặng lẽ dọn đồ ra khỏi đường Võ Tánh, tổ ấm quen thuộc của chàng và Mộng Kiều mà cả Sài gòn hoa lệ đều biết. Chàng đinh ninh che được con mắt tò mò kinh khủng của ông tổng giám đốc, và của hàng chục nữ nhân viên ban Biệt vụ, có cảm tình không nhiều thì ít với chàng.
Hai tuần lễ trôi qua trong hạnh phúc êm đềm. Buổi tối, Mộng Kiều lái xe vào Chợ Lớn mua thức ăn. Suốt ngày, hai người ở lì trong phòng. Nàng dậy chàng đan len và thêu. Dậy mãi mà ngón tay chàng vẫn lóng cóng, nàng quay ra nấu bếp. Nhưng rốt cuột, chàng đổ trứng thì trứng cháy, rô-ti gà thì gà cứng như cục sắt.
Mộng Kiều đành phải bỏ nghề thầy giáo để trở thành học trò. Chàng dậy nàng bắn súng, và nhu đạo tự vệ. Học được một buổi, nàng bỏ luôn. Hai người chỉ còn trò tiêu khiển cuối cùng: tiêu khiển tình ái. Nhưng bạn gái của Mộng Kiều đã mò mẫm ra sào huyệt và kéo tới ồ ạt như nước chảy. Hết người này đến người khác bấm chuông điện (oái oăm cho chàng, vì cái chuông điện của căn phòng bin-đinh cổ lỗ sĩ này kêu rè rè như tiếng ngỗng đực), vào ngồi cả buổi, giả vờ nói chuyện tầm phào, nhưng thật ra là để làm quen với chàng thanh niên bảnh trai.
Sáng mai, Văn Bình định lôi Mộng Kiều đi Thủ Đức, kiếm một xó xỉnh trong làng đại học để trốn bạn.
Reng reng...
Đang pha rượu cốc tay, Mộng Kiều ngẩng đầu lên, buột miệng.
- Lạ nhỉ?
Đã 10 giờ đêm, giờ mà nàng không bao giờ có khách. Nàng cũng không hẹn ai vào giờ này. Nàng tắt máy đánh rượu, chùi tay vào khăn mặt, sửa soạn ra cửa, song vội khựng người.
Nàng chợt nhớ ra chiếc áo mỏng dính trên mình. Hai người sắp đi ngủ nên nàng đã thay quần áo. Nàng có thói quen không mặc gì hết mỗi khi lên giường, như người Tây phương, để thân thể được thoải mái. Dưới đèn, da thịt hồng hồng của nàng hiện ra lồ lộ, bộ ngực nguyên tử căng cứng nhô ra, như muốn phá toang làn vải voan ni-lông.
Xấu hổ, Mộng Kiều vớ cái áo len dài tay. Văn Bình gạt đi:
- Để anh mở cho.
Gió lạnh ngoài hành lang thổi ùa vào. Văn Bình đờ người khi nhận ra khách quí là chàng sếu vườn Lê Diệp của sở Mật vụ, vệ sĩ thân tín số một của ông Hoàng, bạn thân nhất đời và cũng là kẻ thù nhất đời (vì hay phá đám) của chàng.
Văn Bình nhăn nhó:
- Chào anh.
Lê Diệp không cười rí rỏm như thường lệ. Chàng khép cửa, giọng trịnh trọng:
- Không dám, chào anh chị. Ông cụ ra lệnh tìm anh.
- Quái lạ, ông cụ nói rõ là tôi được nghỉ một tháng. Hôm nay mới là ngày thứ 15. Còn những 15 ngày nữa kia mà... Phiền anh về trình lại với ông cụ...
- Lần nào tôi cũng làm trạng sư giùm cho anh và lần nào cũng thua không còn manh giáp. Lần này, thì thua đứt đuôi rồi vì ông Hoàng vừa đi họp với đại viện CIA và MI về, bắt tôi tìm anh ngay.
- Tại sao anh biết tôi ở đây?
- Tôi chẳng hiểu nữa. Ông Hoàng kêu tôi vào phòng, đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ của anh trong khu Tân Ðịnh, yêu cầu anh tới trình diện hỏa tốc. Hỏa tốc A-1.
Hỏa tốc A-1 nghĩa là phải tới lập tức. Nghĩa là ông tổng giám đốc cần bàn với chàng về một việc tối quan trọng. Đối với một lãnh tụ điệp báo cừ khôi như ông Hoàng, thì việc nào cũng tầm thường. Năm thì mười họa, ông mới dùng đến danh từ "quan trọng". Và rất ít khi dùng đến danh từ " tối quan trọng ", đòi chàng tới trình diện theo thể thức hỏa tốc A-1.
Từ nãy đến giờ Mộng Kiều vẫn đứng yên trong góc. Sống với Văn Binh đã lâu, nàng đã quá quen với giờ giấc thất thường và những khắt khe quá đáng, gần như lố bịch và vô lý của nghề điệp báo hành động mà chàng là đứa con cưng. Mặt nàng hơi đượm vẻ buồn, một vẻ buồn man mác, người tinh tế mới nhận ra được. Nàng buồn vì biết chàng sắp phải lên đường. Lên đường đi đâu? Bao giờ mới về? Liệu chàng về được không? Mộng Kiều không thể và không được quyền biết.
Nàng chưa phải là vợ của chàng, cũng chưa phải là người yêu độc nhất của chàng. Chàng yêu nàng rồi đến ở một thời gian, chỉ có thế thôi. Chàng chưa hề nói "yêu nàng nhất đời" mặt dầu đã ngàn lần nàng gục đầu vào vai chàng thề thốt trọn đời sẽ chẳng yêu ai.
Lê Diệp mở tủ, xách ra cái va li nhỏ. Bất cứ ở đâu, Văn Bình đều mang cái va li bất hủ này theo. Tất cả hành trang cần thiết của chàng đã được cất sẵn trong va li, khi cần lên đường chàng khỏi phải thu xếp mất thời giờ. Lê Diệp đã xách cái va li này nhiều lần giùm Văn Bình nên biết rõ chỗ để, thậm chí chàng còn nhớ cả sức nặng của nó nữa.
Nước mắt chạy quanh. Mộng Kiều ôm chầm lấy Văn Bình, giọng cảm động:
- Khi về, anh nhớ lại thăm em trước tiên nhe!
Văn Bình thắt nút cà vạt:
- Dĩ nhiên.
Mộng Kiều hôn chùn chụt vào má chàng:
- Đêm nay, em sẽ đốt hương cầu nguyện cho anh.
- Em cầu nguyện ra sao?
- Cầu nguyện cho anh thuận buồm xuôi gió, suốt đại vô địch. Và nhất là cầu nguyện cho anh không quên em tàn nhẫn.
- Anh có một bài kinh cầu nguyện riêng, em chịu học không?
- Nói đi, em ghi ngay vào giấy.
- Em viết như thế này "Lạy trời, lạy chư thánh thần, hãy hóa phép thần thông, giáng xuống một cơn sét ghê gớm để đánh chết thằng Lê Diệp vì hắn luôn luôn phá đám hạnh phúc của chúng con... "
- Trời ơi, em đâu dám cầu nguyện bậy bạ như vậy.
Lê Diệp xen vào:
- Hừ, anh đừng rủa tôi vô ích. Tôi còn nhiều bạn trên thiên đình, họ sẽ che chở cho tôi. Diêm vương lại có cô con gái rượu mê tôi như điếu đổ. Ông bố định gả nàng cho con trai cưng của Nam Tào nhưng cô con nhất định cự tuyệt. Vì vậy, Nam Tào và Diêm vương xăng tăng với nhau, đầy tôi trên này, không dám cho tôi chết, mặc dầu theo số tôi chỉ sống được 18 tuổi là cùng.
Mộng Kiều chắp tay vái:
- Xin anh, anh đừng bổ báng. Em kiêng lắm.
Lê Diệp cười như nắc nẻ:
- Ấy, tại ông Z.28 mang thế lực ra dọa, tôi phải dọa lại chơi, để ông ấy biết rằng tôi không đến nổi cà mèng như ông ấy tưởng.
Văn Bình chép miệng:
- Lạy cả tơi cả nón. Anh gớm thật.
- Nếu gớm, tôi đã không xung phong làm tôi mọi cho anh, anh ở đâu tôi phải đến tận nơi thỉnh triệu. Được rồi, lần sau tôi sẽ trả lại công việc tùy phái bạc bẽo này cho Nguyên Hương. Anh bằng lòng nhé?
- Ôi chao! Trên đời, tôi chưa sợ ai bằng Nguyên Hương.
- Phải. Vì nàng sẽ ăn gỏi anh tức khắc.
Mộng Kiều buột miệng:
- Chung qui cũng tại ông Hoàng...
Văn Bình gật đầu tán thành:
- Em nói đúng. Thủ phạm chính là ông cụ Già lọm khọm như vậy mà chưa chịu chết cho rồi.
Mộng Kiều đưa nóng tay lên miệng suỵt:
- Ấy chết. Nhân viên của Sở ghi âm được thì khốn. Người ta không dám dộng tới anh, nhưng còn em... Cái tính dại mồn, dại miệng của anh chỉ làm khổ em mà thôi.
Lê Diệp hừ một tiếng ngắn rồi nói:
- Tôi cam đoan là không trình lại với ông cụ. Và nếu tôi trình nữa thì ông cụ lại lấy làm thích. Thật vậy, từ hai năm nay, ông cụ cứ cầu Trời, khấn Phật sao cho mau chết.
Văn Bình trợn mắt:
- Anh điên rồi. Hoặc ông Hoàng của anh điên rồi.
Lê Diệp đáp, giọng ráo hoảnh:
- Vâng, thì ông Hoàng và tôi điên vậy. Anh cứ rủa nữa đi, nếu cần anh hãy thuê thầy bùa Cao miên ếm ông Hoàng thật nặng. Ông Hoàng mong chết lắm, vì anh biết không, trong chúc thư, ông cụ đã ghi lại 2 điều quan trọng: thứ nhất, mọi di vật đều tặng lại cho anh, riêng anh mà thôi, thứ hai, anh phải giữ chức phụ tá Tổng giám đốc với Triệu Dung.
- Chịu. Tôi chỉ khoái làm điệp viên hành động.
Mộng Kiều phụng phịu:
- Anh Văn Bình mỗi ngày ăn nói một liều lĩnh. Té ra anh rủa ông cụ chóng chết là để cướp gia tài.
Văn Bình ngửa cổ cười:
- Gia tài ư? Gia tài của ông cụ gàn bát sách này giỏi lắm là được một trăm bạc. E không được một trăm bạc nữa. Em tính, com-lê có độc một bộ may từ thời hồng hoang, cà vạt cũng một, giầy cũng một đôi, a còn sơ mi thì hai chiếc... Nhưng thôi, anh nói đùa đấy... Ông cụ còn phải sống với chúng mình một thời gian dài nữa. Giá Diêm vương giở trò, định bắt ông cụ, anh sẽ xuống tận văn phòng, phỗng luôn cô con gái rượu.
Lê Diệp chỉ ngón tay vào mặt Văn Bình:
- Bị bắt quả tang... Cô Mộng Kiều đã thấy tận mắt, nghe tận tai chưa? Mới đó đã quên liền.
Mộng Kiều nguýt Văn Bình một cái thật dài rồi quay mặt vào tường. Không rõ nàng quay mặt vào tường để tỏ bày sự giận hờn, hay để thúc giục hai người đàn ông nhìn lên bức ảnh toàn thân của nàng, lộng lẫy trong cái khung bằng vàng tây 14 ca-ra.
Bị quần áo che lấp, Mộng Kiều đã đẹp, khác thường, trong ảnh, và trong phục sức đơn giản nhất - một miếng vải bằng hai ngón tay ở trên, và nửa cái mù soa hỉ mũi óng ánh kim tuyến ở dưới - sự khác thường này đã vọt lên mực độ kinh khủng. Thật vậy, ngắm nàng trong bức hình mầu Agfa, chụp đúng nghệ thuật, thì lực sĩ vô địch thế giới về bắp thịt cũng mềm nhũn như bánh phở Thanh trì, thì tượng đá cổ xưa cũng toát bồ hôi, và rợn tóc gáy.
Nhan sắc của nàng có thể ví với trái siêu bom 200 mêgatôn, khi nổ quả đất sẽ tan tành như cám. Mặt nàng, cổ nàng, vái nàng, ngực nàng, bụng nàng, chân nàng, chao ôi, tất cả đều là núi lửa, tất cả đều là men rượu bồ đào.
Nhìn Mộng Kiều rồi nhìn ảnh nàng trên tường, Văn Bình nao nao. Chàng ôm vai nàng. Chỉ chờ đợi có thế, nàng ngã vào vòng tay lực lưỡng của chàng.
Lê Diệp chắt lưỡi, xách va-li xuống cầu thang.
10 phúc sau, Văn Bình mới xuất hiện trên vỉa hè, bên chiếc xe hơi hòm đen dài ngoằng và xấu xí của Lê Diệp đúng hơn của sở Mật vụ. Chàng định lên tiếng pha trò song vội nín bặt. Ở băng sau, chàng thoáng thấy hai gã hộ pháp mặc com-lê đen: vệ sĩ đặc biệt của ông Hoàng.
Họ gật đầu chào chàng. Chàng hỏi Lê Diệp:
- Ô hay, tôi sắp thành cụ tổng giám đốc rồi chăng?
Lê Diệp nhún vai:
- Chẳng biết nữa. Lúc tôi xuống ga-ra, ông cụ cho hai cậu này tháp tùng, mỗi cậu thủ một khẩu tiểu liên tổ bố. Tôi phản đối thì ông cụ xua tay, dặn: không được. Kể từ hôm nay, Văn Bình phải được bảo vệ cẩn mật. Biết tính ông già, tôi không phản đối. Lát nữa, anh thử hỏi xem sao. Riêng tôi, tôi đã ngấy cuộc sống tiền hô, hậu ủng ấy rồi.
Chiếc Citroen cũ mèm dứt khỏi lề đường êm ru, phóng biến vào đêm vắng. Mới gài số một mà bốn bánh xe đã chồm khỏi mặt đường, nếu xả hết ga nó còn chạy nhanh hơn cả Jansen Interceptor, báu vật xe hơi mà Văn Bình vừa sắm, trị giá trên 10 ngàn đô la nữa.
Xe chạy ngòng ngoèo một hồi mới hướng về trung tâm thành phố.
Thấy Lê Diệp không rẽ vào đường Nguyễn Huệ, nơi tọa lạc trụ sở Công ty Điện tử, tổng hành doanh bí mật của ông Hoàng, Văn Bình hỏi, giọng ngạc nhiên:
- Anh lái đi đâu?
Lê Diệp đáp:
- Đi gặp ông cụ.
- Ai chẳng biết là đi gặp ông cụ, nhưng ở đâu mới được chứ? Không lẽ mất mấy trăm triệu xay cất cái pháo đài bê-tông ấy, ông cụ lại dọn nhà đi nơi khác.
- Đúng. Đêm nay, ông cụ chờ anh tại Khánh hội.
- Quái, Sở làm gì có trụ sở an toàn bên Khánh hội?
- Từ mấy tháng nay, anh bù khú với mỹ nhân nên không biết nhiều việc quan trọng. Ông Hoàng gọi anh về là đúng, nếu không chẳng bao lâu nữa anh sẽ hoàn toàn rỉ sét.
- Khổ quá, tôi mới nghỉ xả hơi có nửa tháng với Mộng Kiều.
- Anh lầm rồi. Nửa tháng với cô Mộng Kiều là chuyện sau này. Anh quên bẵng một tháng ở Huế, và 3 tuần lễ ở Long hải nữa.
- Ừ, tôi lú ruột, chẳng còn nhớ gì cả. Trụ sở Khánh hội hoạt động lâu chưa?
- Vừa chẵn 2 tuần. Dạo này, ông cụ thường ngủ đêm ở Khánh hội. Nhân viên đều mù tịt, trừ Triệu Dung, Nguyên Hương và tôi, toàn thể đều đinh ninh ông cụ đóng đô thường trực trên lầu Công ty Điện tử.
- Tại Sao?
- Ám sát.
- Ai ám sát.
- Smerch.
- Ai bị ám sát?
- Không biết. Việc này ở ngoài phạm vi của tôi. Vả lại, tôi mới từ miền tây về, chân ướt chân ráo, chẳng thạo tin tức hơn anh là bao. Trong 10 phút nữa, anh sẽ giáp mặt ông cụ rồi tha hồ mà lục vấn.
- Ừ thì thôi. Dạo này anh ăn phải đũa của Nguyên Hương nên chuyên môn nói lát gừng, câu nào cũng đau xé ruột.
- Nguyên Hương xuất ngoại từ tuần nay. Anh là người thân nhất mà không hay tin thì lạ thật.
- Xuất ngoại? Nguyên Hương đi đâu? Tại sao anh không báo cho tôi biết?
- Nàng qua Pháp. Sang Ba lê để thương lượng với đại diện Phòng Nhì. Tôi không báo cho anh biết được vì lẽ giản dị tôi đi vắng. Như anh đã biết, tôi bận công tác ở miền tây.
- Trời đất ơi, phen này tôi còn mặt mũi nào gặp lại Nguyên Hương nữa.
- Thôi, đừng đóng kích nữa, ông Z.28. Ngoài mặt thì buồn như đưa đám ma nhưng trong lòng thì vui hơn hội nữa.
Văn Bình lặng thinh. Lời nói của bạn có phần nào đúng. Tuy đúng, chàng vẫn giận. Chàng la cà với phụ nữ, không phải vì bạc tình với Nguyên Hương. Nàng là một phần của đời chàng. Tuy nhiên, chàng không thích nghe ai chỉ trích tính la cà này. Vì chàng sẽ suy nghĩ, lương tâm sẽ cắn rứt.
Xe hơi bon bon trên đường Trịnh Minh Thế rồi quẹo phải, vào một hẻm tối om. Xa xa, vọng lại tiếng còi tầu thủy.
Đột nhiên, Văn Bình hỏi:
- Ai thay, anh biết không?
Lê Diệp giật mình:
- Ai thay ai?
- Nguyên Hương. Nàng qua Ba lê, ai tạm thời làm bí thư cho ông Hoàng?
- Có lẽ Quỳnh Loan.
- Quỳnh Loan, tham vụ văn hóa tại sứ quán của ta ở Vạn tượng ấy à?
- Phải. Con bé đáo để nhất Sở, và kinh khủng nhất Sở. Nhốt được danh tài điệp báo Z.28 vào xà lim công an một đêm không phải tay xoàng.
Lê Diệp vừa gợi lại một kỷ niệm chua cay nhưng rí rỏm. Mờ mắt vì nhan sắc của Quỳnh Loan. Văn Bình đã bị nàng toa tập với Nguyên Hương, lừa rủ chàng đi chơi, hò hẹn mây mưa, để rồi bố trí cho chàng vào bót cảnh sát làm bạn với muỗi và rệp. Một thời gian sau, chàng lên Lào, điều tra về vụ thùng độc dược bị đánh cắp (1) , và gặp lại Quỳnh Loan.
Tuy được Nguyên Hương gửi gắm tha thiết, Quỳnh Loan vẫn không chế ngự được sự vùng dậy thục mang của con tim. Và nàng yêu Văn Bình, sau nhiều đêm tự xét lương tâm. Nàng đã hiến tinh thần và thể xác cho chàng. Lần đầu trong đời, nàng gần gũi đàn ông. Sau cuộc chung chăn gối ngắn ngủi, hai người từ biệt nhau: chàng về Sài gòn, nàng ở lại Vạn tượng.
15 tháng trời trôi qua từ buổi cọ sát lạ lùng của người trinh nữ với chàng thanh niên hồ hải. Chàng không nhận được thư từ cũng như tin tức về nàng.
Bỗng nàng tái hiện. Tái hiện như làn chớp xẹt giữa đêm giông mù mịt.
Lê Diệp hãm ga xăng, miệng nói:
- Tuân lệnh ông cụ, Triệu Dung đánh khẩn điện gọi Quỳnh Loan về. À, tại sao anh thừ người ra như vậy? Sợ ăn đòn hội chợ phải không? Ai thấy anh được đàn bà đẹp theo cả đống cũng tưởng anh sung sướng nhất trần gian, chỉ có tôi mới thấy anh khổ.
- Không.
- Tôi hỏi gì đâu mà anh trả lời không.
- Thế à! Tôi quen miệng, đáp bừa. Đến chưa?
Văn Bình mong chóng gặp ông tổng giám đốc để khỏi phải nghe chuyện về Quỳnh Loan. Quỳnh Loan, Quỳnh Loan... chàng thấy trước mắt hàng chục hình bóng của nàng, chàng nghe bên tai hàng chục tiếng gọi nàng, ở đâu chàng cũng thấy nàng, ở đâu chàng cũng nghe thiên hạ gọi nàng. Đầu chàng bỗng nhức như búa bổ. Nếu Lê Diệp không ngồi bên, ở băng sau không có hai tủ gương bằng thịt ngồi chồm chỗm, vẻ mặt lì lợm, thì Văn Bình đã gục xuống ghế, mắt nhắm nghiền để tránh nhìn thực tại phũ phàng và đau đớn.
Đến trước cổng một biệt thự trệt khá rộng, Lê Diệp dừng xe. Tuy chung quanh không có ánh đèn, Lê Diệp cũng không mở pha hoặc bóp kèn, hoặc ấn chuông điện, cửa cổng bằng sắt vẫn mở ra cho xe hơi từ từ chạy vào vườn. Sự kiện này chứng tỏ rằng trụ sở Khánh hội của ông tổng giám đốc được canh phòng bằng dụng cụ điện tử. Con mắt điện tử ở trong biệt thự "nhìn thấy" Lê Diệp đã ra lệnh cho cửa cổng tự động mở ra và đóng lại.
Xe chạy được một trăm thước thì đậu lại bên bậc cấp. Trời vẫn tối mò.
Quang cảnh tiêu sơ và ảm đạm khiến Văn Bình liên tưởng lại trụ sở Tân sơn nhất, một trong những tổng hành doanh bí mật đầu tiên của sở Mật vụ. Ở đây không có những cái ghế sắt tróc sơn bị vứt lỏng chỏng trên nền cỏ phiến loạn, không có cái hồ nước đen bẩn và đặt xịt như hắc in, không có những mái ngói và tường gạch rêu xanh, tưởng như chạm vào là nát bấy, tuy nhiên, Văn Bình vẫn thấy quen thuộc, thân mật như đã tới thăm nhiều lần, như khu vườn ở đây chính là khu vườn của trụ sợ Tân sơn nhất.
Văn Bình bùi ngùi nghĩ đến những tiện nghi khoa học tân tiến và lộng lẫy trong tòa bin-đinh cao ngất gần bờ sông Sài gòn. Có lần ông Hoàng cho chàng biết là trụ sở đường Nguyễn Huệ có thể chịu được bom nguyên tử: trong trường hợp thủ đô bị oanh tạc bằng nguyên tử, thì nhà hầm của Công ty điện tử vẫn tồn tại, bên dưới có đủ điện, nước, dưỡng khí, thực phẩm, thuốc men cho mấy trăm người trong thời gian 12 tháng.
Phải là một việc tối quan trọng ông Hoàng mới rời trụ sở Nguyễn Huệ để qua Khánh Hội. Phải là một việc tối quan trọng ông Hoàng mới bố trí chu đáo và hùng hậu để đưa chàng về gặp. Bỗng nhiên, chàng đâm ra sốt ruột, mong cánh cửa mở ra ngay.
Lê Diệp xô cửa gỗ bước vào.
Cánh cửa nghiến ken két trên bản lề hoen rỉ. Đế giầy Văn Bình dính vào nền gạch, chứng tỏ căn nhà này bỏ hoang, hoặc không được chăm nom nên rêu xanh phủ đầy.
Hai gã vệ sĩ ở lại bên ngoài. Lê Diệp kéo Văn Bình vào gian phòng bên trái:
- Ông cụ kinh khủng thật. Không ai có thể ngờ được đây là trụ sở điệp báo. Vô tuyến truyền hình bằng hồng ngoại tuyến quan sát suốt ngày đêm, ai đi qua biệt thự, và nhất là ai lẻn vào, đều bị chụp hình, đưa lên phòng an ninh. Tuy nhiên, đây là trụ sở phụ nên ông Hoàng chỉ cho xây cất lại nhà hầm. Bê-tông cốt sắt dầy gần ba thước, nghĩa là không thua hầm trú ẩn bom nguyên tử của Mỹ tại Ngũ giác đài... Nhưng thôi, chúng mình đến rồi.
Như căn phòng có ma, đột nhiên một ánh chớp lóe lên, rồi dưới đất nứt ra một lỗ vuông: cánh cửa xuống hầm vừa dạt sang bên.
Nhà hầm mang một vẻ thiết trí độc đáo: bậc thang được lót thảm ni-lông hãm thanh, tường bê-tông đều sơn nhiều mầu sặc sỡ như trong tổng hành doanh CIA tại Langley, đèn điện đều giấu trong tường, bàn ghế được chôn cứng trên nền nhà. Qua một cánh cửa nữa, Văn Bình vào tới văn phòng của ông Hoàng.
Khác thường lệ, ông tổng giám đốc không ngồi trước bàn giấy, chúi mũi vào đống hồ sơ cao ngất như núi. Lần này ông đứng sững giữa phòng, căn phòng trống trơn, chỉ gồm một cái bàn sắt vuông, bên trên không có gì hết, và hai cái ghế bất động.
Khác thường lệ, ông tổng giám đốc cũng không bận rộn với điếu xì-gà Ha-van bất hủ. Cách đây không lâu, ông đại sứ Việt Nam tại Hoa thịnh đốn đã mầy mò mua biếu ông Hoàng một hòm xì-gà Cuba thượng hạng, điếu nào cũng lớn, dài như xi-gà của cố Thủ tướng Sớt-sin. Loại xi-gà này rất hợp với thú hút của ông Hoàng, nên ông càng nghiện nặng thêm. Từ thuở biết ông Hoàng đến giờ, ít khi Văn Bình thấy ông thọc tay túi quần, và luôn luôn tay ông phải nâng niu điếu thuốc tri kỷ.
Đêm nay, ông Hoàng thọc tay túi quần.
Đêm nay, ông Hoàng không hút xi-gà.
Hai sự kiện đáng kể này làm Văn Bình chột dạ. Thoạt vào, chàng định nhăn mặt, cười khẩy một tiếng để phản đối thói quen phá đám của ông Hoàng, nhưng bây giờ chàng không dám nữa. Chàng bỗng thương ông Hoàng, trọng ông Hoàng hơn bao giờ hết. Ông tổng giám đốc là tất cả, còn điệp viên Z.28 chỉ là hạt bụi vô nghĩa.
Thấy chàng, ông Hoàng bước rảo lại, chìa bàn tay răn reo, giọng run run (ô kìa, tại sao ông Hoàng lại xúc động mạnh mẽ):
- Anh Z.28.
Văn Bình cười:
- Thưa, được tin ông gọi, tôi đến liền. Trụ sở Khánh hội này buồn quá!
- Mời anh sang đây là dụng ý của tôi. Anh không thể tới tòa nhà đường Nguyễn Huệ kể từ ngày hôm nay. Vì lý do rất giản dị: tại trụ sở Trung ương của ta đã có mặt nhân viên của địch.
- Thưa, họ trà trộn vào hàng ngũ ta là chuyện thường, chẳng có gì đáng ngại cả. Vả lại, Smerch, KGB, GRU đều biết tên, biết mặt tôi. Tôi đến hoặc không đến gặp ông, họ cũng vẫn biết tôi là cộng sự viên thân cận của ông.
- Sự thật không hẳn như vậy. Sở dĩ tôi không muốn anh đến đại lộ Nguyễn Huệ là vì địch đang rình rập để ám sát anh.
- Từ 5 năm nay, định mưu toan ám sát tôi gần 50 lần rồi, và ngày nay tôi vẫn còn sống.
- Trước khác, giờ khác. Anh còn nhớ thơ Xuân Diệu không? Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai... Anh còn sống vì nhân viên địch kém cỏi, anh lại gặp may mắn lạ thường. Lần này, địch xử dụng những nhân viên cừ khôi, chuyên môn về ám sát. Mặc khác, chiến dịch ám sát này được máy tính điện tử bố trí, hàng ngàn chi tiết đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, khiến cho sự may mắn không thể còn nữa.
- Ông tin nơi tôi. Bao giờ tôi cũng thận trọng. Địch giết được tôi cũng trầy vi, tróc vẩy. Ít ra tôi cũng hạ được một tiểu đội của địch rồi mới chịu gục ngã.
- Lời nói của anh rất khảng khái, song đó là cái khảng khái của anh hùng cá nhân, khảng khái của quân tử tàu. Trầy vi, tróc vẩy là điều địch không cần, miễn hồ loại trừ được anh là đủ. Cần hy sinh hàng vạn nhân viên đổi lấy anh, họ cũng chấp nhận. Trước khi chết, anh phải bắn gục được hết nhân viên Smerch, KGB và GRU thì may ra tôi mới cho phép anh liều mạng.
- Họ có hàng vạn nhân viên... Tôi bắn hạ họ một lúc sao được!
- Dưới mắt tôi, cũng như theo sự nhận xét của trung ương CIA, và MI, anh là điệp viên quí báu nhất của điệp báo đồng minh. Lâu ngày không gặp anh, cho nên hôm nay tôi cần cho anh biết một vài tin tức quan trọng: đầu tiên là tin tức về cô Nguyên Hương.
Văn Bình nhanh nhẩu (nhưng khốn thay lại là nhanh nhẩu đoảng):
- Thưa, tôi biết rồi. Hương đang ở Ba Lê.
Ông Hoàng nheo mắt sau kính cận thị:
- Ở Ba Lê? Ai nói với anh là Nguyên Hương đang ở Ba Lê?
- Thưa, Lê Diệp. Lê Diệp nói là nàng sang Pháp để thương nghị với nhân vật lãnh đạo Phòng Nhì.
Ông Hoàng đưa hai tay lên trời, bộ điệu thiểu não:
- Chết rồi... Z.28 ngày nay không còn là Z.28 ba tháng trước nữa. Nhân viên của Sở báo cáo với tôi rất đúng. Trí phán đoán tinh tế của anh đã hoàn toàn rỉ sét. Nếu anh không thức đêm quanh năm, không xúc miệng buổi sáng bằng một chai huýt-ky, không phí sức mỗi ngày cả chục lần, chắc chắn anh đã biết là bạn anh nói dối.
- Nói dối?
- Phải. Chuyện này bịa trăm phần trăm. Nó được đặt ra để phỉnh phờ nhân viên hạ cấp của ta và tay sai của địch. Không những anh không phản đối Lê Diệp, anh lại còn mụ người tới độ không hề nghi ngờ lời nói của bạn anh nữa. Z.28, anh biện hộ đi... Anh vốn là trạng sư hùng hồn nhất trong làng điệp báo thế giới. Tôi sẵn sàng nghe.
- Thưa ông, trong phút bối rối, tôi không kịp nghĩ ngợi.
- Làm nghề điệp báo hành động, không khi nào được phép bối rối. Đôi khi muốn nghĩ ngợi cũng không có thời giờ nữa. Trên trời, phi công bắn nhau, húc máy bay vào nhau nhanh như chớp xẹt, không có thời giờ nghĩ ngợi, trực giác, giác quan thứ sáu, siêu giác đã nghĩ ngợi trước cho họ. Siêu giác này chỉ nẩy nở trong cơ thể điệp viên lỗi lạc, khỏe mạnh và sáng suốt về cả phần hồn lẩn phần xác. Xưa nay, anh là người có siêu giác vô cùng tinh tế. Tinh tế đến nỗi nhiều phen tôi phải lắc đầu, tưởng anh có con mắt thông thiên, hoặc có tài đọc được gan ruột thiên hạ. Điêp viên tầm thường có thể bối rối, có thể lầm lẫn, riêng anh, anh không thể bối rối, không thể lầm lẫn.
Nguyên Hương là trưởng phòng bí thư của tôi. Trường phòng bí thư, nghĩa là một phần quan trọng của tôi, một phần quan trọng của đầu não điệp báo quốc gia, một phần quan trọng trong guồng máy điệp báo của thế giới tự do. Hầu hết điệp vụ tối hệ đều qua tay Nguyên Hương. Bắt được nàng, địch lợi bằng đào được mỏ vàng trị giá ngàn triệu đô-la... Tin tức trong đầu nàng khai thác cả năm chưa hết. Cơ sở của ta sẽ sụp đổ, màng lưới hành động của đồng minh sẽ thành dã tràng xe cát sau bao năm lao tâm khổ trí, với bao nhiêu tiền của, bồ hôi, và xương máu đổ vào... Thử hỏi anh, nếu anh là tôi, anh có phái Nguyên Hương sang Pháp không? Nhất là Ba lê ngày nay khác Ba lê 10 năm trước... nhân viên của địch đầy ứ, đường lối của Phòng Nhì đối với chúng ta như sừng với đuôi. Z.28, anh nghĩ sao? Anh có cử cộng sự viên thân tín của anh sang Ba lê nữa không?
- Thưa không. Tôi không ngờ lại chậm hiểu như vậy.
- Anh rất đáng khen. Đáng khen vì đã kịp thời nhận chân khuyết điểm để khắc phục. Nguyên Hương bằng xương, bằng thịt không lên đường qua Âu châu, nhưng nếu nhân viên của địch núp tại Tân sơn nhất và Orly tuần trước sẽ thấy Nguyên Hương rời Sài gòn trên chuyến phi cơ thương mãi Air-France phản lực và đáp xuống Ba lê sáng hôm sau.
- Nghĩa là?
- Nghĩa là Nguyên Hương vẫn ở Sài gòn, chẳng đi đâu hết. Đúng vậy, Nguyên Hương đang ở đây, dưới hầm trụ sở Khánh hội, tiếp tục làm việc với tôi, trong vòng bí mật tuyệt đối. Tôi thường rời Nguyễn Huệ qua Khánh hội là vì thế.
Còn Nguyên Hương hiện có mặt tại Ba lê, trong trụ sở trung ương của Phòng Nhì là Nguyên Hương giả, giả song giống như thật. Một trong những mục đích của chuyến công tác này là để thử lại đáp số bài toán do Smerch đặt ra: đó là thử lại xem Smerch có bố trí một cuộc tổng ám sát các nhân viên đầu não của tình báo Nam Việt không? Và đến chiều nay, tôi có thể trả lời dứt khoát là "có". Trong quá khứ, họ tìm cách ám sát ta, nhưng chưa ám sát khoa học toàn diện, chưa ám sát đại qui mô, chưa xử dụng máy móc nghiên cứu và hoặt động điện tử tân tiến nhất, đắc lực nhất.
Trước kế hoạch mới của Smerch, ta phải áp dụng biện pháp thích nghi: thứ nhất, thành lập một ban mới, ban Đảo vụ, bí hiệu K-54. Ban này chuyên tìm kiếm và đào tạo những nhân viên có khuôn mặt, và thân hình giống anh, giống tôi, giống Lê Diệp, giống Nguyên Hương, tóm lại, giống các nhân vật cao cấp của Sở. Tiếng Pháp, là ban đào tạo Sosie. Từ sau đại chiến thứ hai, KGB đã lập ban Sosie. Chúng ta nghĩ đến vấn đề này hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Ông Hoàng ngưng nói, luồng mắt xa xăm. Đoạn, ông rút tay ra khỏi túi quần, giọng chắc nịch:
- Bây giờ đến tin tức quan trọng thứ hai. Một cuộc gặp gỡ vừa diễn ra tại 100 hải lý, ngoài khơi Vũng Tàu, trên tiềm thủy đĩnh Nguyên tử Skipjack của hải quân Hoa kỳ. Tham dự mật nghị này có ông phó Tổng giám đốc CIA, đô đốc Tổng giám đốc MI, và tôi. Chúng tôi đã bàn bạc nhiều chuyện quan trọng, và quan trọng nhất là một kế hoạch sắp được thực hiện phía sau bức màn sắc.
Điệp vụ này rất nguy hiểm. CIA và MI đều đồng thanh đề nghị anh đứng ra điều khiển. Phí anh, không nhân viên nào trong thế giới tự do có thể thành công. Đó là vinh dự lớn lao cho chúng ta. Theo kế hoạch, trong vòng từ 3 đến 6 tháng nữa, anh mới phải bắt tay vào việc, hiện nay đang là giai đoạn chuẩn bị.
Anh cần sống để hoạt động cho nhân loại, và đặc biết là cho kế hoạch chung của CIA, MI và của ta. Địch lại đang tìm mọi cách ám sát anh. Nên tôi đã quyết định gọi anh tới đây để bố trí công tác bảo vệ. Trước khi đi sâu vào chi tiết, tôi muốn nhấn mạnh một điều: ấy là anh vẫn cẩu thả, có lẽ còn cẩu thả hơn trước nhiều lắm.
- Thưa ông, có lẽ nhân viên của Sở phúc trình thiên lệch. Tôi luôn luôn tuân theo chỉ thị an ninh do ông vạch ra.
- Chẳng hạn?
- Thưa ông, tôi không còn là nhân viên tập sự XX nữa. Trong số nhân viên Z. Tôi có thể tự hào là xuất sắc.
- Không bao giờ tôi coi thường tài năng của anh. Đúng ra, trên thế giới, anh là một trong các điệp viên lỗi lạc nhất. Tuy nhiên, nhân vô thập toàn, con người không phải là thần thánh nên lầm lẫn, sơ hở là thường. Vì anh là phần tử ưu tú, tôi càng có trách nhiệm phải bảo vệ anh từng giây, từng phút. Dĩ nhiên, anh sẽ bất bình. Anh không muốn trở thành cậu bé, ngày đêm phải bám sát bà vú. Song tôi không còn cách nào hơn nữa. Yêu cầu anh đặt quyền lợi của Sở lên trên, tạm quên tự ái bản thân, và trả lời những câu hỏi tò mò hầu như quá đáng của tôi. Nào, ta bắt đầu từ nếp sống hàng ngày: mấy giờ anh lên giường ngủ?
- Thưa, thường thường từ 2 đến 3 giờ sáng.
- Không được. Thức khuya, rất hại sức khỏe. Muộn nhất là 11 giờ, anh phải ngủ. 11 giờ là nhân nhượng lắm rồi, võ sĩ vô địch trước ngày thượng đài phải lên giường từ 7 giờ tối. Đoàn cầu Việt Nam chân ướt chân ráo đến Hồng kông dự giải vô địch phải vào phòng đúng 8 giờ tối, 8 giờ sáng mới được trở dậy.
- Thưa ông...
- Tôi biết anh định nói gì rồi. Phải, anh vốn có sức khỏe bằng sắt, nắng mưa, mệt nhọc không thấm vào đâu, nhưng việc bắt anh ngủ sớm còn nhắm một mục đích khác: thay đổi toàn diện giờ giấc sinh hoạt cố hữu của anh, hầu đối phương bị lạc hướng.
Việc uống huýt-ky và hút thuốc Salem cũng vậy: từ nay cho đến ngày nhận công tác, anh chỉ được phép uống huýt-ky ở nhà, ra đường, vào tiệm, tham dự tiếp tân thì chọn thứ rượu khác. Như cô-nhắc chẳng hạng.
- Cô nhắc là món tôi ghét nhất.
- Ghét hay yêu không phải là từ ngữ của nghề điệp báo. Nhiều khi, ghét mà vẫn phải yêu, yêu mà vẫn phải ghét. Anh nên học uống cô-nhắc đi thì vừa, vì trong tương lai anh phải đóng vai trò một nhà triệu phú mê cô-nhắc hơn là thi sĩ Tản Đà mê thơ nữa.
Riêng về vấn đề thuốc lá, tôi đã lo liệu xong rồi.
- Trời, thà chết tôi không thể nhịn thuốc Salem.
- Tôi không bắt anh nhịn Salem, nhưng chỉ bắt anh hút loại Salem do Sở chế tạo. Đúng ra, tôi đã nhờ hãng Reynolds bên Hoa kỳ cuộn một loại Salem đặc biệt cho anh. Nghĩa là ruột thuốc lá Salem mà vỏ ngoài là thứ khác. Trong phòng tôi cón sẵn một thùng, trên một ngàn gói. Anh tiêu thụ đến đâu, tôi sẽ cung cấp cho anh đến đấy.
- Tôi có cảm tưởng đang bị ông biến thành con người khác.
- Cũng gần như thế. Về áo quần, thợ may của Sở đã cắt xong 5 bộ khác. Toàn là hàng thường, hàng térylène Anh quốc. Kể ra, térylène là hàng âu phục đắt nhất ở đây, gần hai ngàn một thước, nhưng đối với vét-tông anh vẫn mặc chỉ là trứng chọi đá. Ở Việt nam, chưa ai dám tung 100 ngàn đồng để may một bộ com-lê như anh. Ở Việt Nam, cũng chưa ai dám sắm sơ-mi lụa thượng hạng Ý đại lợi như anh. Nếu tôi không lầm, mỗi cái gần 50 đô la. Tất cả những đồ xa xỉ đế vương này phải cất bỏ hết.
- Vâng.
- Giờ đến chuyện khác. Chuyện xe hơi.
- Vâng, tôi xin giử chiếc Jansen Interceptor vào ga-ra của Sở. Nể ông lắm tôi mới chịu tạm biệt chiếc xe đua quí giá này đấy.
- Tôi biết. Tôi biết. Anh mua mất bao nhiêu tiền?
- Thưa, 13 000 mỹ kim.
- Hừ, anh lại định giấu tôi. Cô Katy gửi về tặng anh. Jansen Interceptor là loại xe dành cho xa lộ bên Mỹ, một trăm cây số ăn hơn 40 lít xăng, tốc độ hơn 300 cây số một giờ, không thích hợp với xứ ta, nhất là không thích hợp với nghề điệp báo. Cách đây 2 năm, anh lái chiếc Isso-Griffo, tôi đã lo hết máu mặt rồi, bây giờ anh lại đa mang cái của nợ cơ khí này nữa. Kể từ hôm nay, tôi đổi xe mới cho anh.
- Thưa...
- Tôi không có xe đua xì-gà. Mà chỉ có xe hòm đen cũ mèn Citroen, nhưng ít ra cũng chạy được từ 160 đến 220 cây số. Tuy nhiên, vì phương diện an ninh và bảo mật, anh chỉ được xử dụng xe Citroen thường, 11 mã lực. Vì tôi không thể cấp xe tốt làm địch để ý tới anh.
Văn Bình giơ hai tai lên trời, để tỏ bày sự thất vọng:
- Sao ông không bắt tôi đi xe Honda cho rồi!
Mặt ông tổng giám đốc vẫn lạnh như tiền:
- Kể ra, dùng Honda tiện hơn xe hơi. Đường Sài gòn chật chội, xe hai bánh len lỏi dễ dàng, địch muốn ám sát cũng khó. Chắc anh còn nhớ một vài vụ vừa xảy ra: quân khủng bố chỉ cần đứng đợi ở góc đường, lợi dụng cảnh kẹt xe, thong thả tiến lại, kề súng vào cửa, thản nhiên lảy cò. Dĩ nhiên, địch giết anh chẳng dễ nào. Nhưng biết đâu đấy... Một ngày kia, anh uống nhiều rượu, lại ngồi xe với bạn gái, tay chân anh không còn nhanh nhẹn nữa.
- Tôi van ông. Còn hình phạt nào nữa, xin ông cho tôi chịu luôn một thể.
- Sở mới tậu được một tầng lầu khang trang ở góc đường Ngô Đức Kế. Trong cái bin-đinh vừa cất xong, tần thứ 10, tầng cao nhất. Các tầng bên dưới là lữ quán, mình không dính dáng tới. Có thang máy riêng, ra vào anh có thể khóa lại.
- Nghĩa là tôi phải dọn về đấy.
- Phải. Anh dọn về ngay bây giờ.
- Có ai cùng ở với tôi không?
- Hai vệ sĩ túc trực ngày đêm. Anh không được cho ai biết địa chỉ này. Mộng Kiều và các cô bạn khác của anh phải tưởng là anh xuất ngoại vắng một thời gian.
- Trời đất thánh thần ơi, bắt tôi chừa huýt ky, hút Salem giả mạo, mặc quần áo quê mùa, lái xe bò ì ạch vẫn còn chưa đủ, ông còn bắt tôi ở tù nữa.
- Người ham chơi như anh cần ở tù một thời gian để phục hồi sức khỏe. Hàng ngày, y sĩ riêng của tôi sẽ đến thăm anh, và chích thuốc khỏe.
- Thưa ông, dạo này tôi tăng thêm 5 kí thịt vì ăn toàn đồ bổ. Nếu được y sĩ chiếu cố, chỉ độ một tháng nữa là tôi sẽ thành đô vật Nhật bản.
- Ừ, anh nên béo hơn trước.
- Béo xấu lắm. Vả lại, béo làm cho tay chân chậm chạp, lâm sự rất nguy hiểm.
- Tôi cần anh mập mạp để đóng đúng vai trò mới, còn xấu hay đẹp là việc chỉ liên quan riêng đến đàn bà, mà như anh đã thấy, tôi là giám đốc điệp báo, không phải là đàn bà. Mập làm hoạt động chậm chạp thì anh chịu khó tập dượt cho nhanh nhẹn. Từng sống ở Nhật, chắc anh đã tỉ thí với những võ sĩ nặng trên một tạ mà nhanh nhẹn như nhái bén.
Văn Bình chép miệng:
- Phục vụ dưới quyền ông đã lâu, chưa lần nào tôi bị trói buộc vào nhiều điều kiện nhiều khê và gay go như lần này.
Ông Hoàng rút cặp kính dày cộm ra khỏi mắt:
- Chẳng có gì lạ cả. Vì đây là một điệp vụ quan trọng. Xe hơi đang chờ anh ngoài sân. Tuần sau, tôi sẽ gặp anh lại. Trong thời gian một tuần nghỉ ngơi, anh không nên đi đâu. Nếu cần, thì đi ban đêm, và chỉ đi trong trường hợp bất khả kháng. Chào anh.
Văn Bình lùi lũi ra ngoài. Chàng quên chào lại ông tổng giám đốc. Đó là một cách biểu lộ sự bất bình của chàng. Tuy nhiên, ông Hoàng không quan tâm tới. Ông còn bận nghĩ đến điệp vụ quan trọng khác.
Bên ngoài mưa rơi lất phất.
Giờ này được hú hí trong phòng với giai nhân thì tuyệt.... Chàng cau mặt khi nhớ lại thực tế phũ phàng. Lê Diệp lẳng lặng nhìn Văn Bình trèo lên xe, đóng cửa một cách bực bội. Lại vẫn hai tủ gương đầy thịt trong chiếc Citroen sọc sạch, nếu chàng là chủ nhân thì đã bán cho hàng sắt vụn ở Chợ lớn.
Cả hai đều ngậm hột thị. Từ lúc Văn Bình lên xe đến khi xe về đến đầu đường Trịnh Minh Thế, họ vẫn không nói với nhau hoặc với chàng một lời. Dường như họ là tượng gỗ.
Văn Bình gợi chuyện trước:
- Các anh tên gì?
Gã ngồi bên bắt đầu nhếch mép:
- Ông cụ dặn chúng tôi tiết kiệm nước bọt đến mức tối đa. Xin anh đừng hỏi vô ích.
Văn Bình trợn mắt:
- Ít nhất cũng phải biết tên để gọi cho dễ. Nếu không, tôi đặt tên xấu thì đừng trách.
Cả hai tiếp tục ngồi im. Văn Bình to tiếng:
- Coi chừng... Tôi sẽ cho một anh ăn bụi.
Gã tài xế cười gằn:
- Chúng tôi với anh là đồng nghiệp, anh lại là đồng nghiệp đàn anh, giỏi võ hơn, cao cấp hơn. Có giỏi thì anh đọ sức với ông tổng giám đốc, bọn tôi chỉ là muỗi tép. Song le, nói để anh rõ, chúng tôi có súng thuốc mê, cô Quỳnh Loan cho phép được dùng trong trường hợp anh định bỏ trốn. Tưởng anh cần biết rằng loại súng này rất hiệu nghiệm, đụng nhẹ là thuốc mê phọt ra, con voi nặng hai tấn cũng quay lơ trong vòng 3 giây đồng hồ, còn tác động nhanh hơn xi-a-nuya nữa.
Văn Bình sửng sốt:
- Cô Quỳnh Loan ra lệnh?
- Đích thị. Lệnh cô Loan nghiêm lắm.
Văn Bình không đáp, ngồi dựa vào góc. Tài sắc vẹn toàn như Quỳnh Loan, chàng không dám đùa bỡn. Chàng càng không dám đùa bỡn vì nàng đã hy sinh thể xác và linh hồn cho chàng tại Vạn tượng. Ông Hoàng đã khôn ngoan dùng nàng để ràng buộc chàng.
Trong khoảng khắc, xe hơi đã tới đường Ngô Đức Kế và đậu lại. Gã vệ sĩ ngồi bên nhảy xuống nhìn vòng tròn. Khi biết chắc tứ phía không có ai khả nghi, hắn mới mở của cho chàng.
Ít khi Văn Bình đi xe có người lái và người mở cửa. Vinh dự này thường dành cho viên chức cao cấp. Với cấp bực đại tá tình báo, chàng có quyền dùng xe riêng, tài xế riêng, và vệ sĩ riêng, nhưng không hiểu sao chàng lại cảm thấy chức vụ chàng còn quá nhỏ bé, không xứng đáng được tiền hô hậu ủng.
Bước xuống xe, Văn Bình mất hẳn vẻ nhanh nhẹn cố hữu. Sự chăm chút thận trọng của ông tổng giám đốc làm chàng già hẳn đi.
Gã vệ sĩ mở cửa hông bằng chìa khóa riêng. Loại khóa Yale kiên cố bậc nhất thế giới.
Cửa mở ra thì đèn bên trong cũng tự động bật sáng. Lại mở khóa thang máy. Gã vệ sĩ nhường Văn Bình vào trước. Chàng thấy dễ chịu vì thang máy được điều hòa khí hậu.
Tầng lầu thứ bảy được trang trí như đại lữ quán Caravelle, có lẽ còn lộng lẫy và tân tiến hơn nữa. Tường được lót đá cẩm thạch vàng Ý đại lợi, nền nhà trải thảm len Ba tư, trên trần lủng lẳng những bộ đèn bát giác chế tạo tại Tây Đức. Cửa đều bằng kính dầy của Pháp, súng bắn không thủng. Không khí mát rợi như mùa thu ở Đà lạt.
Văn Bình được mời vào phòng khách: một căn phòng rộng thênh thang đèn thắp mờ mờ giữa những cây kè và cây chuối lùn tịt màu xanh êm ái, và những bình hoa lê đơn, hoa hồng, hoa thược dược, đặt trên những xích đông nhỏ xíu bằng sắt mạ kền sáng loáng.
Văn Bình ném vét-tông xuống đi-văng, giọng uể oải:
- Buồn ngủ rồi... đêm nay hai anh ngủ đâu?
Gã tài xế đáp:
- Ở đây.
Văn Bình nhìn nhớn nhác quanh phòng:
- Khổ quá, các anh quên rượu... Thiếu huýt ky, tôi có thể phát điên lên được.
Gã tài xế xoa tay, trịnh trọng:
- Tưởng gì... cô Quỳnh Loan đã sai người mang sẵn hai két Johnny Walker, nhãn đen. Trong tủ lạnh, thức ăn lúc nào cũng đầy ứ.
- Điện thoại ở đâu?
- Cô Quỳnh Loan ra lệnh cắt điện thoại từ sáng nay rồi. Cần việc gì, tôi sẽ liên lạc với tổng hành doanh bằng walkie-talkie.
Văn Bình thẫn thờ mở vô tuyến truyền hình. Tiếng xè xè nổi lên, tràn ngập gian phòng rồi màn ảnh lóe sáng một màu trắng xóa. Chàng sực nhớ là giờ này đài vô tuyến đã nghỉ.
Buồn bã, chàng cho tay vào túi lấy gói Salem. Ngón tay chàng chạm phải một ống tròn nhỏ xíu. Mặt chàng bỗng tươi hẳn. Những viên thuốc vàng trong ống tròn này có thể giúp chàng thoát khỏi xà-lim thần tiên của ông Hoàng đêm nay.
Chàng giả vờ vào phòng ngủ thay quần áo, nhưng thật ra để dốc ống thuốc vào tay. Còn hai viên... hai viên cuối cùng.
Rượu huýt-ky gợn sóng lăn tăn trên ba cục đá vuông vắn và trắng muốt. Chàng nâng ly lên miệng. Uống xong, chàng mời:
- Sao hai anh không làm một ly cho vui.
Gã vệ sĩ lắc đầu:
- Lệnh trên không cho chúng tôi uống rượu.
Văn Bình hừ một tiếng :
- Rõ lắm chuyện. Làm một vài ngụm đã chết ai chưa? Nam vô tửu như kỳ vô phong, không uống rượu là dại.
Chàng rót một ly đưa tận tay hắn. Dáng điệu ung dung, chàng bưng ly thứ nhì cho gã tài xế. Cả hai lừ mắt nhìn nhau như để hội ý, rồi cùng uống một hơi.
Văn Bình đứng dậy đốt thuốc Salem. Loại thuốc mê đặc biệt này tác động trong vòng 30 giây đồng hồ.
Gã vệ sĩ bưng mặt, lắp bắp:
- Nhức đầu quá...
Gã tài xế dựa lưng vào ghế rồi từ từ nhắm mắt lại. Văn Bình mỉm cười khoác vét-tông vào người. Chàng ra thang máy, sửa soạn bấm nút, song sau một giây đồng hồ suy nghĩ lại quay vào. Có thể ông Hoàng đã đặt nhân viên canh chừng bên dưới.
Cảm thấy cồm cộm dưới nách, Văn Bình bỗng nhớ đến khẩu súng Luger quen thuộc. Hồi nãy, ông Hoàng đã rút khẩu súng và bao da trong hộc bàn ra, đưa cho chàng, giọng lo lắng:
- Tôi biết anh không thích đeo súng, nhưng bắt đầu từ hôm nay anh nên chịu khó nghe lời tôi. Ban Chuyên môn đã lau chùi nòng súng kỹ lưỡng, mỗi viên đạn đều được xem xét bằng kính hiển vi, và đặc biệt là bao da đã được đánh xi nhẵn bóng, anh đụng vào là khẩu súng tuột ngay xuống tay.
Lâu lắm, Văn Bình không đeo súng. Hoạt động tại Sài gòn, chàng thích dùng hai bàn tay. Ngay cả những khi vật lộn với Tử thần trong lòng địch, chàng cũng ghét khí giới cồng kềnh. Nhưng đêm nay chàng không thể gác ngoài tai lời dặn của ông Hoàng...
Chàng tắt hết đèn, mở cửa sổ nhìn ra sân sau. Nhanh như chim én, chàng vọt ra ngoài, bám ống máng, tuột xuống.
Sau nhiều ngày nghỉ xả hơi, tay chân lười cử động nên Văn Bình mỏi rừ. Lệ thường, chàng leo trèo ống máng nhẹ nhàng, nhưng đêm nay chàng lại có cảm tưởng là tòa nhà cao mấy chục từng với những ống máng dài vô tận.
Quả ông tổng giám đốc phê bình đúng. Mới dùng sức trong 5 phút ngắn ngủi mà Văn Bình phải ngồi bệt trên bậc cấp, và thở phì phò. Đàn bà và những đêm thức trắng đã làm suy mòn sức khỏe Hạng võ của điệp viên Z.28.
Đột nhiên, chàng nảy ra ý định trở lên phòng. Trong quá khứ, chàng đã trái lệnh ông Hoàng nhiều lần, và ông Hoàng đã bỏ qua cho chàng. Song lần này chàng đi quá trớn. Tuy nhiên, chàng không ngán ông tổng giám đốc bằng Quỳnh Loan.
Nhưng tư tưởng hiền hòa ấy chỉ vụt sáng rồi tắt ngúm trong óc Văn Bình. Chàng có cái hẹn quan trọng, và chàng không thể lỡ hẹn. Trong thời gian chung sống với Mộng Kiều, chàng đã vắng nhà hai đêm, và mỗi đêm lừa cho nàng ngủ vùi với viên thuốc mê đặc biệt.
Mỗi đêm, chàng lén đến phòng riêng của Như Luyến (2) , vợ ly dị của bác học nguyên tử Đoàn Trung. Vì tai tiếng, Như Luyến không dám gặp chàng công khai. Mặt khác, vì công việc nàng chỉ có thể có mặt tại Sài gòn nửa tháng một lần. Sau khi đoạn tình với Đoàn Trung, nàng xuất ngoại ít lâu rồi trở về Đà lạt, phục vụ trong Nguyên tử lực cuộc.
Về nhan sắc, Như Luyến trội hơn nhiều người đàn bà đã đi qua đời Văn Bình. Song chàng yêu nàng, không hẳn chỉ vì nàng đẹp trên mức trung bình. Chàng yêu nàng vì vẻ đoan trang lôi cuốn, vì kiến thức lạ lùng của nàng, và nhất là mối tình giữa hai người có giá trị ngang trái cấm.
Văn Bình rảo bước ra đại lộ Nguyễn Huệ.
Mưa vẫn bay lất phất.
Chàng vẫy xích-lô máy, trèo lên, ra hiệu cho tài xế chạy về phía bắc thành Phố. Như thường lệ, mỗi khi ở Đà lạt về, Như Luyến ngụ trong một căn phòng dành cho chuyên gia cao cấp của phủ Thủ tướng ở đường Yên đổ.
Giờ này, nàng đang chờ chàng.
Huýt sáo miệng, chàng đậu xích-lô máy tại ngã tư Trương Minh Giảng rồi bách bộ lại. Chàng đã thuộc làu lối ra vào nên chỉ trong loáng mắt đã nhảy qua tường - một bức tường thấp một thước rưởi - rồi vòng cửa sau lên lầu hai.
Đến trước phòng Như Luyến, chàng hơi ngạc nhiên vì đèn còn sáng. Nàng đã dặn chàng là tắt hết đèn để cho mọi người không để ý. Lẽ ra chàng gõ cửa hoặc cất tiếng gọi. Không hiểu sao chàng lại tra chìa khóa vào ổ, mở cửa bước vào vội vàng.
Sự nhanh nhẹn kỳ ảo của hơn 10 năm tập luyện võ công đã cứu chàng khỏi bị trọng thương trong đường tơ, kẽ tóc. Cánh cửa gỗ tếch vừa mở ra thì Văn Bình nghe vù một tiếng.
Tiếng vù này rất nhẹ nhàng, người không thính tai, và không quen thuộc với thanh âm võ khí, không tài nào nhận ra được. Khi ấy, óc chàng không kịp suy nghĩ nữa. Gân cốt chàng như tuân theo một mệnh lệnh siêu phàm tức khắc chuyển động, xô chàng ngã xuống đất, cuộn tròn như khúc dồi trước khi lăn vào chân tường.
Tiếp sau tiếng vù là tiếng phập.
Tiếng của vật nhỏ và nhọn cắm vào cửa gỗ.
Trong một phần vi phân của giây đồng hồ, Văn Bình thoáng thấy một bóng đen núp sau tủ gương, trên tay còn lăm lăm khẩu súng lục, nòng dài lêu nghêu. Chỉ nhìn khẩu súng, chàng đã biết đối phương là ai. Loại súng bắn tên này là sản phẩm đặc biệt của Smerch, cơ quan Phản gián sô viết, chuyên ám sát các nhân vật nổi tiếng trên thế giới.
Cách đây không lâu, ông Hoàng gọi chàng vào văn phòng, cho coi loại súng bắn tên của Smerch. Nó nhỏ như khẩu 6,35 mà phụ nữ thường dùng, song nòng dài gấp đôi, có khi gấp ba. Mỗi xạc-giơ chứa 3 mũi tên, bắn mũi này thì mũi khác tự động nhảy lên nòng như đạn thường.
Tên này chỉ nhỏ bằng cây kim gút, nhưng được chế bằng thép riêng tại Đông Đức nên cứng lạ thường, có thể xuyên qua những chướng ngại vật dầy nhất mà đạn bắn không thủng. Khẩu súng bắn tên rất dễ xử dụng, con nít lên 5 bắn cũng trúng đích ngon lành vì nó không giật. Trong đường kính 5 thước, mũi tên có thể xuyên qua thân thể nạn nhân và vọt ra ngoài, không để lại vết máu, thậm chí phải quan sát kỹ lưỡng mới tìm thấy cái lỗ tí xíu ngoài da.
Nếu đầu tên được phết độc dược thì nạn nhân sẽ chết tức khắc. Đầu tên lại có thể chứa một cái túi tròn, khi bắn ra, một thứ thuốc mê cực mạnh tỏa đầy, làm nạn nhân bất tỉnh trong nháy mắt.
Biết rõ tác dụng kinh hồn của súng bắn tên, Văn Bình không dám khinh thường. Chàng chồm dậy thì mũi thứ hai vèo tới. Nghĩa là địch chỉ còn mũi thứ ba, mũi cuối cùng.
Đối phương nhả đạn một cách bình tĩnh và lì lợm, tuy nhiên Văn Bình lại bình tĩnh và lì lợm hơn nên cả hai phát đều trật ra ngoài. Trong khi ấy Văn Bình đã núp được sau ghế sô-pha.
Địch từ từ tiến lại.
Hắn là một thanh niên trạc 20, cao lớn, thân thể gầy guộc, xương yết hầu và lưỡng quyền nhô lên nhọn hoắt, da mặt xanh tái, môi thâm sì, tóc húi cao, tay dài như tay khỉ, mắt một mí ti hí nhưng sáng quắc.
Hắn còn cách chàng ba thước.
Văn Bình cúi thấp xuống, chuẩn bị nhảy tránh. Ngón tay xù xì của địch đặt vào cò súng.
Thì biến cố xảy ra.
Biến cố xảy ra do sự nhanh trí của Như Luyến. Nàng bị trói giật cách khuỷu vào ghế, dựa lưng vào bàn trang điểm, miệng bị nhét giẻ cứng ngắc, tóc xõa xuống vai, vẻ mặt sợ hãi cực độ.
Nàng vùng vẫy, xô cái ghế xuống đất, đụng vào chân gã thanh niên nhân viên Smerch. Hắn lạng người về phía trước, miệng súng tụt xuống. Cơ hội hãn hữu đã tới với Văn Bình.
Chàng tung hai chân lên. Thế song cước tuyệt hảo của chàng đã đảo lộn tình thế một cách êm thấm. Khẩu súng bắn tên ghê gớm rớt xuống nền gác, gã nhân viên Smerch bị hất vào cái bàn trang điểm, làm cái bàn ngã lỏng chỏng.
Văn Bình phi thân lại, kết thúc tấn bi kịch bằng một phát atémi xuông xẻ như dao chém vào bơ. Đối phương cựa quậy một phút đồng hồ rồi nằm lịm.
Nụ cười nở rộng trên môi, Văn Bình ôm lấy Như Luyến, quên bẵng nàng đang bị trói còng queo vào ghế sắt. Trước mặt, chung quanh chẳng thấy, chẳng nghe gì nữa hết. Chàng chỉ thấy khuôn mặt đẹp như hoa của Như Luyến, nhà nữ bác học nguyên tử góa bụa. Chàng chỉ nghe được hơi thở thao thức và thơm ngát của nàng.
Chàng cúi xuống hôn nàng đắm đuối.
Trong giây phút say mê, chàng không biết đến họng súng đang chực sẵn phía sau.
Cũng họng súng bắn tên.
Họng súng quái ác của Smerch sô viết.
Lần này thì chàng hết hy vọng vì đối phương đứng cách 4 thước. Đối phương lại tỏ ra lão luyện với luồng mắt sáng như dao cạo, và miệng súng vừa tầm, không cao, không thấp, không cứng cáp, cũng không rung rung. Tư thế cầm súng này phải là kết quả của một công trình luyện tập chính xác và kiên nhẫn.
Thấy ngón tay của địch từ từ bóp cò, Văn Bình tái mặt. Trong khoảng cách này, chàng không thể trổ tài quăng mình hoặc đá hai chân để cướp súng. Trước khi chàng có cử chỉ khả nghi, địch đã nhả đạn. Nghĩa là chàng chỉ còn giải pháp độc nhất: nhắm mắt lại chờ chết.
Vĩnh biệt cõi sống đầy giai nhân và rượu huýt ky là điều đáng tiếc, nhưng thà ra đi bây giờ còn hơn. Nhiều người đàn bà không được chàng yêu đã cầu nguyện cho chàng chóng chết để hình ảnh chàng sống mãi trong tâm khảm của họ.
Bụp...
Phát súng bắn qua nòng dài kêu êm tai như thể được lọc bằng ống cao su hãm thanh.
Văn Bình lãnh viên đạn vào giữa trán. Chàng thấy cháy bỏng trên mặt, báo hiệu viên đạn xuyên vào óc. Song chàng không thấy đau đớn.
Chàng ngã nhào xuống đất.
Gã nhân viên thứ nhì của Smerch rút trong người ra một cái túi ni-lông đặc biệt màu đen, tuy rất mỏng và không nhìn thấu qua được. Hắn luồn miệng túi vào đầu Văn Bình rồi kéo xuống. Một phút sau, khối thịt lực lưỡng của điệp viên Z.28 đã nằm gọn trong túi.
Vẻ mặt hớn hở như đứa trẻ được thầy giáo khen thưởng, gã nhân viên Smerch buộc miệng túi lại bằng giây dù, rồi kiêng lên vai.
Trước khi quay ra, hắn không quên nhìn quanh phòng một vòng. Thấy Như Luyến nằm còng queo trên đất, miệng vẫn ú ớ vì đống giẻ bẩn thỉu, hắn suy nghĩ một phút, ra vẻ bối rối.
Với túi ni-lông nặng chĩu một bên vai, hắn cất khẩu súng thuốc mê vào túi, móc khẩu Luger đeo dưới nách ra. Sau khi xem xét bì đạn, hắn nhắm Như Luyến, sửa soạn bóp cò.
Đoàng...
Khói súng xanh um và khét lẹt.
Một tiếng kêu cất lên.
Song người trúng đạn không phải là Như Luyến mà là gã điệp viên Smerch.
Thần Vệ nữ hiện ra ở gưỡng cửa.
Nàng là Quỳnh Loan, nhân viên ban Biệt vụ của ông Hoàng, người yêu lạ lùng nhất của Văn Bình Z.28.
Chú thích
1. Xin bạn đọc Bà Chúa Thuốc Độc đã xuất bản.2. Cậu truyện Như Luyến và Văn Bình đã được thuật lại trong "Một vụ đánh cắp tài liệu nguyên tử". Người thứ Tám, đã xuất bản cuối năm 1965.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28