Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyệt Quan
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 229
Phí download: 14 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3863 / 50
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 132: Niềm Vui Của Cá
ũi châm run rẩy lẳng lặng tiến đến sát gáy của Dương Lăng. Cao Văn Tâm biết là mũi châm này vừa đâm xuống, Dương Lăng sẽ chỉ hơi cảm thấy tê ngứa giống như bị sợi tóc lướt qua nhè nhẹ, chắc chắn y không phát hiện có điều khác lạ, sau đó trong tình trạng tinh thần mê ảo, y có thể phát khởi dục tính mạnh mẽ. Sau khi đã quyến luyến một đêm xuân phong ngọc lộ, y còn có thể vịn cái cớ nực cười kia để từ chối bản thân mình sao?
Đáng thương cho nữ thần y, từ khi học được châm pháp "Kim Phụng Ngọc Điệp" tổ truyền của Cao Gia, nàng luôn dùng đến để cứu nhân độ thế. Lần phá lệ duy nhất là vì Dương Lăng, nàng đã thi triển tuyệt học làm cho người bình thường biến thành kẻ điên. Bây giờ nàng định phá lệ lần thứ hai muốn từ thiếu nữ biến thành thiếu phụ vẫn là bởi vì y, cũng không biết kiếp trước nàng đã thiếu nợ y bao nhiêu tiền chưa trả.
Thế nhưng lần này... cảm giác tội lỗi thật là nặng, trái tim của nàng đập như ngựa phi, mũi châm đó run lẩy bẩy, nếu cứ như vậy mà cũng có thế châm trúng huyệt đạo thì thật là quái lạ. Ngay lúc đó bỗng nhiên Dương Lăng thở dài nhẹ một hơi. Tuy tiếng thở dài này rất nhẹ nhưng Cao Văn Tâm vừa nghe thấy đã lập tức thu châm vào trong tay áo đánh "soạt" một tiếng, chột dạ hỏi:
- Lão gia... lão gia thở dài gì vậy?
Dương Lăng lại đổ một chút rượu thuốc vào lòng bàn tay, nhè nhẹ xoa bóp cổ chân cho nàng, mỉm cười nói:
- Chân của cô thật là đẹp! Tuy nhiều người là mỹ nữ, thế nhưng đôi chân cũng không bằng một phần vạn của cô. Đôi chân nhỏ nhắn rung động lòng người này nếu như ở... các nước phương Đông hải ngoại thì có thể tiền vào như nước.
Cao Văn Tâm là tiểu thư khuê các gia phong rất nề nếp, lại từng ở ty Giáo Phường cho nên sợ nhất là bị người khác so sánh với kỹ nữ. Nàng nghe vậy không khỏi biến sắc, cắn chặt môi, lúc sau mới cười một tiếng bi thương, sùi sụt:
- Tuy thị tì đã từng ở ty Giáo Phường, nhưng cũng biết tự tôn tự trọng, may mắn được lão gia cứu khỏi hầm lửa. Bằng không, nếu như thị tì bị kẻ khác lăng nhục thì tuyệt đối cũng không chịu sống tạm bợ trên đời nữa, sao lão gia lại dùng việc này để làm nhục thị tì?
Dương Lăng kinh hãi, cuống quít giải thích:
- Cô hiểu lầm rồi, đó là... phong tục tập quán của quốc gia đó không giống với Đại Minh, phơi bày bàn chân đẹp cũng giống như làm thơ vẽ tranh hiện giờ, ồ... Đó là việc có thể kiếm tiền một cách đường đường chính chính, trong lòng ta tuyệt không có ý làm nhục cô.
Làm thơ vẽ tranh để kiếm tiền? Giống như Đường Bá Hổ vẽ tranh xuân cung? Cũng chẳng phải là hạng người thấp hèn dùng để bán sao? Nghe y giải thích như vậy, Cao Văn Tâm càng thêm đau buồn trong lòng, không kiềm được vặn người nằm úp mặt lên đệm khóc rống lên. Dương Lăng không biết nên khóc hay cười, những người thời đại này đều có bệnh gì vậy nhỉ? Khen chân nàng đẹp mà cũng gặp nhiều rắc rối như vậy.
Y đứng dậy ra vẻ lão gia, hung dữ nói:
- Đừng khóc nữa! Ta chỉ thấy đôi chân tự nhiên của cô tuyệt đẹp, khen ngợi vài câu tận đáy lòng. Cô thanh cao thuần khiết, không ngại lấy cái chết để tỏ lòng, người khác không biết thì thôi chứ ta còn không rõ sao? Sao lại có thể coi thường cô chứ? Thật là...
Cao Văn Tâm vẫn còn đau buồn, nghe thấy Dương Lăng khen nàng thanh cao thuần khiết, một nỗi hổ thẹn bỗng dưng trào dâng từ nơi sâu thẳm của trái tim thiếu nữ: "Sao ta lại như vậy? Nếu dùng cách này để lừa gạt lão gia, sau này lão gia nổi lòng nghi ngờ thì sẽ coi ta là người như thế nào? Những người đàn bà ngoại tình trong tộc đều bị thả rọ trôi sông, ta làm như thế này há chẳng phải là nữ tặc hái hoa, không bằng cả cô ả hạ tiện kia sao?
Không! Ta cần phải tìm Trương Thiên sư, xin hắn đoán vận mệnh cho đại nhân. Dù có thích lão gia đến thế nào chăng nữa cũng cần phải đường đường chính chính, trong trong sạch sạch gả vào nhà họ Dương, không thể dùng loại thủ đoạn đê tiện này."
Dương Lăng thấy tiếng khóc của nàng đã yếu nhưng vẫn chưa dừng hẳn, hai vai y chùng xuống, mặt mày rầu rĩ đổi sang vẻ cầu khẩn, nói:
- Cô nãi nãi của tôi ơi, xin nàng nhỏ nhẹ một chút, người khác nghe thấy lại tưởng ta làm gì nàng!
Lúc này Cao Văn Tâm nằm sấp ở trên giường, chiếc áo khoác công tử kia dính sát vào người nổi bật cặp mông căng tròn chắc nịch. Câu nói "nhỏ nhẹ một chút"(*) vừa mới thoát khỏi miệng Dương Lăng, y đột nhiên nhớ tới cảnh Giang Nam tứ đại tài tử cười dâm đãng: "Quay đầu dặn nhẹ cho em" (*), không khỏi lén ngắm bờ mông vểnh cao của nàng.
(*) nguyên văn: “khinh ta cá”, mời xem lại chương 128
Cao Văn Tâm nghe y mềm giọng cầu xin, tuy trong lòng thất vọng vì y không hề ôm mình, nhưng cũng không dám vì được cưng chiều mà kiêu ngạo. Nàng quay đầu lại định nói chuyện, thì vừa kịp bắt gặp ánh mắt Dương Lăng đang lén lút ngắm nhìn thân thể mình, khuôn mặt ngọc không khỏi ửng đỏ. Dương Lăng thu ánh mắt, phát hiện đang bị người ta bắt gặp tại chỗ, y ngượng ngùng:
- Ta... ta xem... ta xem cổ chân của cô có sưng nhiều lắm không. Cô nghỉ ngơi cho tốt, ta ra ngoài trước, nếu như... nếu như quả thực là không tiện, để ta kêu Mạc Thanh Hà phái hai tì nữ đến chăm sóc cô.
- Đừng...!
Cao Văn Tâm vội vã ngồi dậy, quệt vội vệt nước mắt trên má:
- Ai biết Mạc công công có chủ ý gì, tốt nhất là không để người của hắn đến căn nhà ngang phía tây này, thị tì... thị tì không… không sao cả.
Dương Lăng "ừ" một tiếng, nói:
- Được, vậy cô nghỉ ngơi đi, chút nữa ta kêu người đem bữa tối vào phòng.
Nói rồi y không đợi Cao Văn Tâm trả lời, ỉu xìu xìu tháo chạy ra ngoài.
Cao Văn Tâm đờ đẫn nhìn bức rèm châu ở cửa phòng lay động không ngừng, một lúc sau mới thở dài thất vọng, nàng lấy cây kim châm từ tay áo ra, chầm chậm cắm vào búi tóc. Nghĩ tới ánh mắt nóng bỏng Dương Lăng nhìn mình khi nãy, trong lòng nàng không khỏi vừa mừng vừa ngượng. Phụ nữ vì người mình thích mà điểm trang, nếu như sớm biết y đang nhìn... nhìn mình, thì mình quay đầu lại muộn một chút để y nhìn cho thỏa.
Vừa nghĩ như vậy, Cao Văn Tâm cảm thấy lòng bàn chân được Dương Lăng sờ qua lúc nãy bắt đầu ngứa, một luồng khí nóng từ lòng bàn chân chầm chậm chạy lên tim, đến trái tim cũng bắt đầu ngứa. Bất giác, một nét thẹn thùng đã lặng lẽ phủ lên hàng chân mày, khuôn mặt của nàng…
o O o
Ngày hôm sau, Khâm sai đại nhân Dương Lăng mời đáp lễ danh lưu thân sĩ của Hàng Châu. Dương Lăng làm chủ, Tri phủ Hàng Châu Dương Mạnh Anh và Trấn thủ thái giám Mạc Thanh Hà bồi tiếp, bày tiệc rượu lớn tại "Lư viên" Tây Hồ, tức là một trong Tây Hồ thập cảnh: "Hoa cảng quan ngư".
Ba ông lớn cùng nhau mời khách, thật là thể diện biết bao, thân sĩ danh lưu của Hàng Châu cùng tụ tập lại, đều đáp lại lời mời mà đến. Dương Lăng mặt mày vui vẻ, nâng cốc chúc rượu từng bàn, nghe bọn họ nịnh hót công lao dẹp giặc Oa bảo vệ dân chúng của mình, trong vẻ khiêm tốn còn mang theo dáng vẻ đắc ý lâng lâng. Thỉnh thoảng có người hỏi thăm y về lộ trình, Dương Lăng đều đáp sau khi tuần sát xong Long Sơn Vệ sở thì sẽ lập tức quay về kinh sư, do đó tiến hành bày tiệc cảm tạ sự khoản đãi thịnh tình của thân sĩ Hàng Châu trước.
Đang chúc rượu, đột nhiên Dương Lăng cảm thấy hình như có người đang nháy mắt ra hiệu với mình ở phía đối diện. Dương Lăng nhìn kĩ lại thì thấy đó là Hoàng Chi Ninh - chưởng ban thân vệ tùy thân của mình. Hôm qua hắn đi điều tra đứa trẻ đáng nghi kia, theo dấu đuổi đến một gia đình, dùng chút thủ đoạn nghe ngóng hàng xóm xung quanh, hắn dò xét được gia đình đó đã ở vùng này nhiều đời, phụ thân của đứa bé đó họ Triển, kiếm sống bằng việc dẫn khách du lịch, mẫu thân làm thợ dệt tại hộ dệt của Cao Minh phủ. Đứa trẻ này tuy có khuyết tật nhỏ nhưng lại là hậu duệ duy nhất của nhà họ Triển, cho nên hai vợ chồng đều nuông chiều bé vô cùng.
Vốn Dương Lăng còn ôm mối hy vọng mỏng manh rằng đứa bé đó có lẽ đã được người nhận nuôi sau khi được đưa vào phường dệt Cao phủ, bây giờ đã hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa. Y lập tức ra lệnh cho Hoàng Chưởng ban dẫn người tìm cách điều tra cho rõ những cô nhi mà Mạc phủ đã thu nhận còn ở trong những phường dệt đó hay không?
Vốn đám người Hoàng chưởng ban được đề bạt lên từ thân quân của Dương Lăng và từ trong Xích Hầu doanh. Trước đây bọn họ đã từng học qua các kỹ thuật, phương pháp điều tra từ Liễu Bưu và Dương Nhất Thanh, sau khi trở thành nha sai lại được Ngô Kiệt huấn luyện thêm nên bây giờ đều là cao thủ trong nghề này.
Cho dù Mạc Thanh Hà có thủ đoạn thông thiên đi nữa, nếu như có người thật sự muốn điều tra tung tích của những đứa trẻ kia thì hắn cũng không thể che giấu được mấy chục người còn sống sờ sờ kia, chẳng qua là trước đây không có ai hỏi han gì đến đám cô nhi đó mà thôi. Bây giờ Dương Lăng đã có ý điều tra thì chẳng mất bao công sức, bọn Hoàng Chi Ninh đã lấy được tin tức chuẩn xác, vội vã quay về bẩm báo với Dương Lăng.
Dương Lăng đưa mắt ra hiệu cho hắn, kêu hắn đợi ở trên cây cầu gấp khúc (khúc kiều) gần đó, còn y lại tiếp tục chúc rượu vài bàn. Thấy Mạc công công và Dương Tri phủ đang bị đám người quen biết kéo lại trò chuyện, y liền lặng lẽ đi lại chiếc cầu.
Đình, đài, lầu, các, hoa cỏ trong Lư viên sum suê, hoa tươi chập chờn khắp nơi, các khóm Mẫu đơn quý báu như "Quý phi túy tửu", "Kiều dung tam biến" nở ra những bông hoa tươi to bằng bát cơm, tỏa ra mùi hương thoang thoảng. Nước ở dưới cây cầu trong như gương, cá chép vảy vàng đông nghìn nghịt, chỉ cần có người bước tới, lập tức từ bốn phương tám hướng chen nhau đến, ào ào nhảy ra khỏi mặt nước, con này nhảy lên, con khác rơi xuống, giống như có người đang giặt một tấm vải hồng trên mặt nước.
Dương Lăng bước lên trên cầu, dựa vào lan can nhìn xuống nước, dáng vẻ tựa như say rượu cần nghỉ ngơi một lúc. Hoàng Chưởng ban cũng rất tinh tế, hắn giả bộ đi đến đỡ lấy y, sau đó nói nhỏ:
- Đại nhân! Theo điều tra của ti chức, Mạc công công trấn thủ Giang Nam đã năm năm. Nghe nói ba năm trước, sau khi hắn cưới đệ nhất danh kĩ của "Xuân vũ Hạnh hoa lâu" làm vợ, nghe theo sự khuyên nhủ của vợ đã làm nhiều việc thiện, xây đường đắp cầu, xây lán phát chẩn, còn thu nhận cô nhi đưa đến các phường dệt để làm thuê. Tính cho tới bây giờ, cộng thêm đứa trẻ vừa rồi thì đã thu nhận ba mươi lăm em rồi.
Dương Lăng gật đầu, hỏi:
- Bây giờ đám trẻ đó còn làm thuê tại các hộ dệt kia không?
Hoàng Chưởng ban lắc đầu, nhẹ giọng đáp:
- Tất cả đều không thấy nữa!
Dương Lăng giật mình, quay đầu lại, hỏi vội:
- Người đi đâu?
Hoàng chưởng ban báo cáo:
- Ti chức nghe ngóng tình hình của một đứa trẻ, đóng giả làm cậu họ xa của đứa trẻ đó từ Hiệp Bắc đến thăm nom, đến hộ dệt kia hỏi thăm. Theo như hộ dệt đó nói, đứa trẻ đó đến chưa đầy một tháng thì được người khác mua mất. Bởi vì đám trẻ đó chưa bán thân cho hộ dệt, hộ dệt đó sợ ti chức kiện bọn họ lừa gạt buôn người, liền nói số bạc đó chỉ là tiền ăn ở trong thời gian thu nhận đứa trẻ. Một phú thương Tô Châu vừa ý đứa trẻ đó, nói nó thông minh lanh lợi nên đưa về phủ làm bộc đồng, so ra còn tốt hơn việc mưu sinh tại hộ dệt nhiều.
Ty chức sợ rằng chỉ dùng kiểu thân phận này sẽ làm người khác hoài nghi, lại dùng các thủ đoạn mua chuộc để hỏi thăm các hộ dệt khác. Vô cùng kỳ lạ là đám trẻ đó ở chưa đầy một tháng thì đều bị người khác mua mất, càng kỳ lạ hơn nữa là người mua chỉ là một người, tên gọi là Lý Quý.
- Lý Quý? Cái tên này nghe quen quen...
Nghĩ ngợi một hồi, bỗng nhiên Dương Lăng nhớ tới tên Lý Quý đã gặp ở Hàn Sơn tự tại Tô Châu, không khỏi nảy lòng nghi ngờ. Gia tài của Lý Quý hàng vạn, tôi tớ hơn nghìn, gã muốn mua vài bé cô nhi cũng chẳng có gì là lạ, nhưng đáng nghi là tại sao lại trùng hợp như vậy, những đứa trẻ Mạc Thanh Hà nhận nuôi đều bị gã mua tất, hơn nữa tất cả đều là trong vòng một tháng. Gã kiếm tiền chủ yếu từ cho vay nặng lãi và kinh doanh đất đai, không có liên quan gì đến nghề dệt vải, dù cho mỗi tháng đều đến Hàng Châu một lần, nhưng cũng chẳng có lý do gì mà lần nào cũng đến các hộ dệt thu thập đám cô nhi không người chú ý kia.
Hơn nữa..., hôm đó thấy gã vô cùng kính sợ Mạc công công. Gã dùng lương thực để cho vay, dùng đất để siết nợ, nếu muốn phát tài thì đương nhiên phải chịu sự quản lý của Mạc Thanh Hà, cho nên bợ đỡ nịnh nọt hắn cũng không có gì là lạ. Nhưng nếu như vì gã muốn lấy lòng Mạc Thanh Hà nên mới thu nhận đám cô nhi do Mạc Thanh Hà thu nuôi thì cũng không có lý nào mà đã ba năm rồi vẫn còn chưa báo cho Mạc Thanh Hà biết!
Lại liên tưởng đến việc cố ý dùng cô nhi giả để giải thích lòng dạ mình của Mạc Thanh Hà, trong lòng Dương Lăng không khỏi chấn động, một ý nghĩ nảy nên: "Bất kể trong này có điều cổ quái gì, chắc chắn là Mạc Thanh Hà đã biết chuyện này từ lâu. Hơn nữa hắn cũng không dám để cho ta biết chuyện này, cho nên trên đường quay về hắn mới vội vã sai người tìm một em bé giả làm cô nhi trong hộ dệt. Chẳng trách sau khi về đến thành, chính hắn chủ động đề xuất mời ta đi xem xét tình hình dệt vải ở Tô Châu...”
Nghĩ đến đây, Dương Lăng lại hỏi Hoàng Chưởng ban:
- Tai mắt của chúng ta đã giăng đến Tô Châu chưa?
Hoàng Chưởng ban tự hào đáp:
- Bẩm đại nhân, mạng lưới tình báo của chúng ta phát triển nhanh chóng vô cùng. Ngài vừa xuống Giang Nam, thì Vu đương đầu liền lấy Giang Nam làm trọng điểm phát triển, hiện giờ mấy thành lớn ở Giang Nam đều đã có người của chúng ta đóng ở đấy.
Dương Lăng nghe vậy trong lòng rất vui mừng, y suy nghĩ một lát rồi cười lạnh:
- Được, lập tức tra xét tên Lý Quý kia! Không những điều tra tung tích của những đứa trẻ kia, mà còn cần phải điều tra lai lịch của Lý Quý. Chỉ trong thời gian vài năm ngắn ngủi mà tiền tài và quyền thế của gã đã đuổi kịp Ngô Tề Uyên - người giầu nhất đất Ngô có cả trăm năm lịch sử - xem ra có điều khả nghi.
Phần lớn các hào phú địa phương đều cấu kết với quan phủ, Ngô gia cũng không ngoại lệ. Nhưng tiền tài và quyền thế của Lý Quý bây giờ còn chưa sánh được với họ Ngô, mà hôm đó gã đã dám vô lễ như thế với Ngô Tề Uyên, chắc chắn sau lưng gã có chỗ dựa còn lớn mạnh hơn của Ngô gia. Cho nên ngươi cần phải cẩn thận khi điều tra gã, có bất kì tin tức gì đều phải lập tức báo cho ta biết.
Hoàng Chưởng ban gật đầu tuân lệnh. Đúng lúc này Mạc Thanh Hà mỉm cười bước đến, hỏi:
- Dương đại nhân, có phải ngài đã say?
Dương Lăng khoát tay ra hiệu Hoàng Chưởng ban rời khỏi, sau đó "ha ha" cười nói với Mạc công công - người làm cho y càng lúc càng không thể đoán được lòng dạ:
- Quả nhiên Hoa Cảng Quan Ngư đẹp hết chỗ nói. Lúc nãy bản quan uống rượu hơi vội, nay đã nghỉ ngơi được một lát, bây giờ cũng cảm thấy đở hơn rồi.
Mạc Thanh Hà nhìn lướt qua, thấy tên sai nha đỡ Dương Lăng lúc nãy đã lùi xuống nhưng không rời khỏi, vẫn đứng ở đầu cầu, hình như là tùy tùng phụ trách bảo vệ Dương Lăng. Nét nghi ngờ trong mắt lúc này mới tan biến, hắn vui vẻ đến bên Dương Lăng, vung tay rải một vốc thức ăn cá xuống nước. Đầu cá nhấp nhô, giống như một cơn sóng hồng dâng lên, đám cá đó chen nhau đến một chút nước cũng không nhìn thấy, nếu như thò tay vớt thì cũng có thể dễ dàng bắt được vài con cá chép.
Mạc Thanh Hà không kềm được than thở:
- Cá đã từng bị mắc câu thì sẽ không dễ bị lừa, nhưng cá nuôi trong ao, chỉ biết sự nuôi dưỡng của con người, hoàn toàn không hề cảnh giác với con người. Ở nơi giống như thiên đường này mà cởi trần bắt cá sẽ làm hỏng mất phong cảnh; bằng không hạ quan gần như muốn xuống dưới đó bắt vài con để nhắm rượu rồi.
Dương Lăng mỉm cười:
- Người chết vì tiền, chim chết vì mồi, đám cá bị trói buộc trong ao này rồi, thực ra muốn chạy cũng không chạy thoát được. Đã là như vậy, chi bằng tự vui với mình; suy nghĩ cho lắm lại là tự tìm phiền não.
Vừa nghe câu "người chết vì tiền, chim chết vì mồi", nụ cười trên mặt Mạc Thanh Hà không khỏi đông cứng lại. Vốn hắn đang định vung tay rải một vốc thức ăn cho cá, cánh tay hơi khựng lại, phần lớn thức ăn rơi thẳng xuống mặt cầu.
Dương Lăng nhìn thấy tất, nhưng vẫn ung dung thản nhiên nhìn đám cá đang vội bơi đến kia, dường như cảm khái vô cùng, nói tiếp:
- Đời người một kiếp, cỏ cây một mùa, không tính những năm tháng trẻ tuổi và thời gian xế chiều, thời gian dùng để ăn chơi đàng điếm, hưởng thụ vinh hoa còn có được bao nhiêu? Cho nên mới nói: “Đời người khi đắc ý thì cần phải vui sướng hết mình!”
Mạc Thanh vui mừng vô cùng, hắn cười vui vẻ tán thành:
- Lời nói của đại nhân làm thức tỉnh người trong mộng, ti chức thọ giáo rồi. Nghe nói đại nhân đi Long Sơn vệ xong thì sẽ quay ngược về kinh ngay; ti chức vốn định chuẩn bị một chút thổ sản để đại nhân mang về kinh, nhưng nghe nói đại nhân đã mua một ít rồi, trong nhất thời ty chức cũng không biết mua gì nữa. Một chút lễ mọn này xin đại nhân vui lòng nhận cho, dọc đường nếu đại nhân thấy thích thứ gì thì mua thứ đó, coi như là chút tâm ý của ti chức.
Dương Lăng đón lấy, thấy đó là một xấp ngân phiếu dầy cộm, đều là giấy bạc có hạn ngạch cao nhất – một vạn lượng bạc trắng. Y không khỏi cả kinh, đây là một hậu lễ rất to lớn, những đồ vật cao nhã mà đám thân sĩ danh lưu tặng cho, nhiều nhất cũng chỉ hơn vạn lượng, không bằng số lẻ của hắn biếu mình.
Lễ vật trọng hậu như vậy, nếu như trước ngày hôm nay thì Dương Lăng không dám nhận, nhưng lúc này y lại thản nhiên nhận lấy, vội vội vàng vàng đút vào trong tay áo, mặt mày hớn hở:
- Chuyến đi Giang Nam lần này, bản quan thấy Mạc đại nhân là người thanh khiết nhất trong ba vị Trấn Thủ, vì quốc gia thu thuế, không tiếc sức mình cúc cung tận tụy, bản đốc vô cùng hài lòng. Bản đốc trấn thủ Kinh sư, còn ở các địa phương khác phải nhờ cậy vào các vị trấn thủ. Giang Nam là vựa thóc của thiên hạ, là vùng đất trù phú giầu có và đông đúc, về sau còn phải nhờ vả đại nhân rất nhiều.
Những ngày này Mạc Thanh Hà cũng chẳng hề nhàn rỗi. Hắn đã nắm được thông tin về việc Nội Xưởng mở một con đường riêng, dùng vận chuyển đường biển, đường bộ để khai thác tiền tài, tin tức; nay thế lực Nội xưởng đã trải khắp khắp thiên hạ. Qua trận chiến Hải Ninh, hắn còn tận mắt thấy được sự lợi hại của Nội Xưởng và năng lực của Dương Lăng nên trong lòng đã quyết ý trung thành, cống hiến sức lực cho Dương Lăng, từ giờ sẽ đi theo hẳn Dương Lăng.
Chỉ là tất cả các quan lại giám sát việc thuế khóa trong cả nước, không có ai là không tham ô, có khác biệt cũng chẳng qua là tham ô nhiều hay ít mà thôi. Dương Lăng vừa mới rời khỏi Kinh sư thì hắn đã nghe ngóng được lúc trước Dương Lăng là thị độc của Thái tử, mỗi ngày đều đi bộ vào cung, làm quan cũng rất thanh liêm, sau này dân chúng kinh sư lại lan truyền rằng Dương Lăng vì dân chúng mà bị rơi vào tử lao, cho nên trong lòng hắn luôn kiêng dè Dương Lăng.
Dương Lăng vừa mới đến Giang Nam thì hắn thấy y mang theo một thuyền đầy hàng lậu, việc này đã khiến cho hắn rất đỗi kinh ngạc; sau đó lại thấy Dương Lăng thu nhận lễ vật, thu mua đặc sản Giang Nam, hình tượng Dương Lăng trong lòng hắn bị đảo lộn hoàn toàn. Hôm nay lại nghe thấy những lời kiến giải về tận hưởng lạc thú trước mắt này, hắn lập tức dâng hậu lễ chuẩn bị từ trước lên nhằm bày tỏ lòng trung thành.
Vừa nghe thấy lời nói có ý lôi kéo này của Dương Lăng, Mạc Thanh Hà lập tức lộ nụ cười, nói:
- Đại nhân quá khen! Ti chức đã ngưỡng mộ uy danh của đại nhân từ lâu, bây giờ lại là thuộc hạ của đại nhân, tự nhiên ti chức sẽ tận hết toàn lực, tận trung vì nước, đem sức lực phục vụ đại nhân, mong đại nhân cất nhắc nhiều hơn.
Dương Lăng cười "ha ha", vỗ nhẹ vào vai hắn, bóng gió:
- Điều này tất nhiên rồi! Chỉ cần Mạc công công đối đãi thành thật với Dương Lăng ta, vậy thì... Chỉ cần có Dương mỗ ta thì không thể thiếu Mạc công công ngài được.
Mạc Thanh Hà được y vỗ vai, thoáng chốc người đã nhẹ như bông, hắn cười nịnh:
- Đại nhân yên tâm! Đại nhân phong nhã hào hoa, tiền đồ tựa gấm, ti chức cam lòng làm lính hầu cho đại nhân, từ bây giờ cùng đại nhân vui buồn có nhau, phúc họa cùng chịu.
Hắn chỉ cá chép ở trong nước, nói tiếp:
- Hôm nay nói chuyện gan ruột với đại nhân, ti chức nhìn lại đám cá bơi lội trong nước này cũng cảm thấy khác biệt so với trước. Người khác cảm thấy con cá này ngu dại, thì ra bọn chúng mới thật sự hiểu ý vị của nhân sinh. Ha ha, ta không phải cá, sao biết được niềm vui của cá.
Dương Lăng mỉm cười tiếp lời:
- Ngài không phải tôi, sao biết được niềm vui của tôi?
Hai người cùng nhìn nhau, đồng loạt cất tiếng cười to...
Chú thích:
[1] Nguyên văn "Quan Ngư Chi Nhạc"
Xuất phát từ điển cố: “Bác không phải cá, sao biết được niềm vui của cá?”
Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào.
Trang Tử nói: “Cá ra chơi thong thả, đó là niềm vui của cá.”
Huệ Tử hỏi: “Bác không phải cá, sao biết được niềm vui của cá?”
Trang Tử hỏi lại: “Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết niềm vui của cá?”
Huệ Tử đáp: “Tôi không phải bác nên không biết bác đã đành. Nhưng bác vốn không phải cá, thì hẳn là bác không biết được niềm vui của cá.”
Trang Tử nói: “Xin nói lại từ đầu. Bác hỏi tôi sao biết được niềm vui của cá, thế là bác đã biết tôi biết rồi mà hỏi tôi. Tôi thì biết điều đó ở trên sông Hào nầy.”
Ngược Về Thời Minh Ngược Về Thời Minh - Nguyệt Quan