A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Một Vụ Đánh Cắp Tài Liệu Nguyên Tử - Chương 12: Cuộc Chạy Đua Với Thời Gian
iữa sự ngạc nhiên của cặp vợ chồng vừa thoát hiểm, Văn Bình nhảy ba bậc xuống dưới nhà, chạy như bay ra xe, phóng về Sàigòn.
Một tia sáng vừa lóe lên trong đêm tối. Địch chẳng phải tay vừa! Địch đã biết chàng giấu cái Magwave trong mình thằng Lập. Sau khi bắt thằng Lập, địch biết trước bị theo nên thản nhiên cho xe chạy về đây. Trước đó, cặp vợ chồng công chức lạ lẫm và cô đơn này đã bị trói còng queo trong phòng. Địch mang thằng Lập lên lầu có lẽ để tra khảo nó.
Một lát sau, Văn Bình phanh xe kêu đánh kít trước tiệm nhảy Thiên Đường. Trời đã khuya nhưng vũ trường còn đông khách. Bắt đầu từ phút này, chàng không thể dùng quả đấm sắt bọc nhung được nữa. Nếu chàng không tìm ra nơi giấu thằng Lập nội đêm nay, sáng mai thằng bé tất thành người thiên cổ.
Đèn trong "bít" vẫn giữ cái màu đo đỏ khiêu dâm và huyền ảo như hồi tối chàng đến với Lê Diệp. Chàng chọn một cái bàn nhỏ, ở khuất sau một chậu cây cao ngất, lá xanh rờn. Một tên phổ ky bận vét-tông hồ bột cứng nhắc thắt nơ đen, đầu chải bóng lật, cung kính đến nghiêng mình chào chàng:
- Thưa, quý ngài cần gì?
Văn Bình ngoắt tay:
- Một huýt-ky sếch.
Gã bồi lại quầy rót rượu, đặt trên khay bạc, bưng lại cho chàng, để phiếu trả tiền xuống dưới cái dĩa. Văn Bình cầm phiếu trả tiền, nói với anh phổ ky:
- Đợi một chút để tôi trả tiền.
Gã bồi đứng bên chàng. Nhìn trước ngó sau không thấy ai, chàng móc ví lấy ra một tờ năm trăm, gập tư lại, bỏ vào lòng bàn tay gã bồi:
- Tôi chỉ hỏi anh một điều tầm thường.
- Vâng, xin ngài cứ hỏi.
- Địa chỉ cô Thu Thủy ở đâu?
Gã bồi lắc đầu:
- Cháu chịu thôi. Ông quản lý biết thì rừ đòn.
Văn Bình rút thêm một tờ năm trăm nữa:
- Bằng lòng chưa? Nói đi.
Cặp mắt gã bồi bắt đầu sáng lên một cách dị thường. Y xòe tay ra, cầm lấy hai tờ giấy bạc, miệng nói nhanh:
- Thưa, phòng số 219, bin-đinh Lô-Ti, đường Nguyễn Huệ.
Văn Bình moi thêm một tờ năm trăm nữa, miệng tiếp:
- Còn đây là câu hỏi khác. Ông quản lý có đây không?
- Thưa có, nhưng người lạ không được vào. Muốn vào phải cho anh Ba Tình, vệ sĩ, ngồi ở quầy rượu hay trước.
- Đâu? Ba Tình đâu?
Gã bồi không nhúc nhích, mắt nhìn Văn Bình, đáp:
- Chết, ông đừng thay đổi nét mặt, và đừng hỏi dồn cháu như thế, họ biết thì chết mất xác. Ba Tình là anh chàng cao lêu nghêu, đứng với cô vũ nữ mặc đồ đầm bằng ni-lông mỏng dính kia.
Chàng ngoảnh nhìn về phía quầy rượu. Một tên vặm vỡ, cao một thước bảy lăm, mặc áo rằn ri, bỏ ngoài quần đang tán gẫu với một cô gái mặc xiêm và áo sơ-mi cộc tay, kiểu đầm, bằng thứ hàng màu vàng, mỏng như tờ giấy bóng kính, khiến cận thị đến mấy cũng đọc được gió… phía trong. Văn Bình uống cạn ly huýt-ky đầy ắp, đoạn lững thững lại chỗ Ba Tình. Ở vũ trường mà Ba Tình có cử chỉ xuồng xả như ở trong phòng kín. Y bá vai lôi cổ cô gái hun chùn chụt, trong khi anh bồi cung kính bưng cái khay đứng bên, trên khay để một chai sâm-banh và hai cốc xủi bọt. Thấy anh bồi đứng không nhúc nhích, Ba Tình thuận tay hất cái khay đổ đánh choang xuống đất, cau có:
- Mày ngu hay sao mà không biết mời tao một tiếng?
Anh bồi sợ hãi, vội cúi xuống lượm mảnh cốc vỡ. Ba Tình co giò đạp một cái, anh bồi ngã lộn hai vòng, đâm đầu vào một cái chậu xi-măng, nằm lịm đi. Ba Tình lừ mắt nhìn một người mặc áo sơ-mi cụt đen, lưng cồm cộm, hình như đeo súng sáu, đứng gần đấy. Tên này, như nhận được lệnh ngầm, chạy vội lại phía tên bồi bất tỉnh, xốc nách, lôi vào bên trong. Cuộc ẩu đả diễn ra trong vòng một phút. Quang cảnh lại yên tĩnh như không có gì xảy ra. Mọi người thản nhiên, không biết vì sợ Ba Tình, hay vì đã quen với những cuộc trừng trị thường xuyên ở vũ trường.
Ba Tình vít đầu cô gái xuống hôn môi một chập nữa. Văn Bình chầm chậm đi tới một bên. Đợi Ba Tình quay tay lấy cốc rượu mạnh trên quầy bằng đồng bóng loáng, Văn Bình chặn lại, miệng nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào nhưng chứa một sức mạnh giết người:
- Khoan đã, chú Ba.
Ba Tình rút tay lại, mặt đỏ bừng như người không quen uống rượu vừa nốc xong một góc chai cốt-nhát chính hiệu. Y quát lên:
- Ai cho phép anh gọi ta là chú Ba?
Văn Bình mỉm cười:
- Muốn gây sự hả? Mau đưa ta vào thăm anh quản lý.
Ba Tình tiến thêm một bước về phía Văn Bình, nắm tay khoa lên:
- Muốn vào viếng anh Tư hãy nếm thử quả thôi sơn này đã.
Trái đấm nặng như búa bổ bay vút vào mặt chàng. Văn Bình nhếch mép cười một cách ngạo mạn, se sẽ đưa tay lên gạt. Dáng điệu của chàng khoan thai, nhẹ nhõm mà trái đấm vũ bão của Ba Tình bị gạt bắn sang bên khiến y mất đà, lạng vào quầy rượu. Văn Bình thốt lên một tiếng phê bình rẻ rúng:
- Chú mi có cánh tay yếu như sên thế này, đọ với ta sao nổi?
Ba Tình nghiến răng ken két:
- Mi coi chừng.
Văn Bình làm như không quan tâm tới lời hăm dọa đầy sát khí của Ba Tình, thản nhiên quay mặt về chỗ người giữ quầy rượu gọi một ly huýt-ky. Ba Tình thuận dịp giáng một ngón đòn cực kỳ nguy hiểm vào cổ họng chàng. Nếu là người bình thường thì hai giây máu ở cổ họng sẽ bị đánh dập tức khắc, nhưng Văn Bình đã quen với ngón tấn công sơ đẳng ấy nên đợi bàn tay Ba Tình phóng tới gần sát mới đưa khuỷu tay lên đỡ. Cái khuỷu của Văn Bình là một kỳ công tập luyện. Có lần chàng dùng khuỷu tay đở gẫy được thanh củi tạ to tướng. Chạm phải ống xương như sắt tôi của chàng, bàn tay của Ba Tình bị đau nhói. Ba Tình kêu lên một tiếng. Văn Bình giả bộ giật mình:
- Chú bị đau à?
Ba Tình quật tay trái vào mặt chàng. Văn Bình vẫn dùng khuỷu tay để đỡ. Ba Tình đau buốt thấu xương. Văn Bình không muốn kéo dài cuộc đùa nghịch thêm nữa. Chàng hoành cánh tay phải ra phía trước, một ngọn đòn mạnh phóng ra như bắn. Ba Tình bị đánh trúng vai tả, ngã vật về phía sau. Văn Bình quay ra, đỡ chai rượu mạnh trên tay một phổ ky, nét mặt xanh tái vì sợ hãi. Chàng đợi. Chàng biết sẽ có việc khác thường xảy ra.
Hai phút sau, Ba Tình lồm cồm bò dậy, phủi đất bụi dính vào quần áo, đoạn lủi thủi bước về phía có tấm riềm màu rượu chát: cửa vào phòng riêng của viên quản lý mà y gọi là anh Tư. Uống rượu xong, Văn Bình không để ý đến thái độ kính phục của khách nhảy và gái đẹp chung quanh, từ từ đi tới cánh cửa sổ có tấm riềm. Vén riềm lên, Văn Bình thấy một nắm cửa bằng đồng. Chàng vặn cái nắm, cửa mở, đĩnh đạc bước vào. Bên trong là một căn phòng nhỏ, bầy ghế sa-lông, lót đệm màu hường, sát tường. Phòng đợi. Chàng vặn quả nắm khác. Cửa vẫn mở. Chàng bước vào phòng làm việc của gã quản lý tiệm khiêu vũ Thiên Đường.
Văn Bình đưa mắt nhìn phía trước. Căn phòng bầy biện giản đơn, nhưng gồm toàn đồ đạc tối tân, đắt tiền. Chiếc bàn bằng gỗ quý nổi vân, hình bán nguyệt, đặt chễm chệ giữa phòng. Tư Hàn, quản lý khiêu vũ trường Thiên Đường, nơi hò hẹn của khách ăn chơi hòn ngọc Viễn Đông, ung dung ngồi trong chiếc ghế bành êm ái hút thuốc xì-gà. Trước mặt, trên bàn bề bộn giấy bạc mới tinh, còn một chai sâm-banh "Mum" có quai đỏ, dầm trong thùng nước đá vụn với hai cái cốc bằng pha-lê. Tư Hàn nhe hàm răng bịt vàng óng ánh ra cười với Văn Bình:
- Chào bạn đồng nghiệp.
Văn Bình giật mình:
- Không dám, chào ông.
Tư Hàn chỉ cái ghế phía trước bàn:
- Xin mời quý khách ngồi.
Văn Bình ngồi xuống ghế. Tư Hàn đẩy cốc pha-lê tới trước mặt chàng, mở nút sâm-banh kêu "bụp" một tiếng, đoạn rót cho chàng, miệng đon đả:
- Xin mời ông.
Văn Bình nhìn thẳng vào mặt Tư Hàn:
- Tôi đến đây để nói với ông một câu chuyện, không phải để uống rượu.
Tư Hàn nâng ly ngang mày, cười ngất:
- Chuyện quan trọng à? Ông bạn yên tâm, Tư Hàn cái gì cũng biết. Ông gây sự đánh nhau với thằng Ba Tình trước khi vào đây để đánh lừa tôi chứ gì? Nếu ông bạn còn thắc mắc, tôi xin giải thích thêm: Bạn tới đây chưa rõ tôi có đáng nghi hay không, nên mới đánh thằng Ba Tình, nếu tôi không phải là người trong cuộc thì không sinh sự, không phản ứng lại, nhược bằng tôi là kẻ mà ông muốn tìm thì sẽ đợi ông vào đây dí súng ra bắt, phải không ông?
Văn Bình choáng váng cả người. Chàng không ngờ Tư Hàn lại đọc thấu tâm can chàng. Quả chàng đã nghĩ như Tư Hàn nói! Chàng muốn tạo ra một dịp để thăm dò phản ứng của viên quản lý tiệm khiêu vũ Thiên Đường. Hồi nãy, Đồng Tăng-Gô nói chuyện khá lâu với y trong phòng riêng, nếu y cùng một phía với Phạm Đồng thì việc Văn Bình đánh Ba Tình sẽ làm y chột dạ. Nhưng Tư Hàn không chột dạ. Trái lại, y còn phản công nữa. Văn Bình chôn mình trong ghế bành. Tư Hàn nâng ly, giục:
- Ơ kìa, ông bạn đồng nghiệp, chúng ta cùng cạn ly sâm-banh này chứ? Để chút nữa, chua mất!
Y nói thêm một cách thân mật:
- Mum này là thứ thượng hảo hạng, không phải thứ Mum ông uống ngoài đó đâu.
Tư Hàn cụng ly của Văn Bình:
- Vạn tuế ông Tống Văn Bình!
Văn Bình hết sức kinh ngạc. Tuy vậy, chàng không để lộ ra ngoài mặt. Tư Hàn gật gù:
- Quả là danh bất hư truyền. Nghe danh ông bạn đã lâu, giờ mới được đối diện, thật là vạn hạnh.
Uống một hớp sâm-banh, Văn Bình đáp, giọng bình thản:
- Riêng tôi, cũng thật vạn hạnh.
Tư Hàn mở hộp xì-gà Ha-Van đắt tiền, mời chàng hút. Văn Bình xua tay từ chối:
- Cám ơn, tôi không quen dùng xì-gà.
Chàng đánh diêm, châm một điếu Salem thân mến. Tư Hàn thở khói xì-gà trên trần nhà, nói:
- Nào, bây giờ chúng ta nói tới công việc. Quý ông đến thăm tôi có việc gì?
Văn Bình nói:
- Chuyện gì ông đã biết. Tôi đến đây vì chuyện thằng Lập.
Tư Hàn cười một cách tự tin:
- Ông táo gan thật. Dám vào tận hang hùm. Tuy nhiên, tôi khen ông ở chỗ ông có tài xét đoán. Trước khi trả lời, tôi muốn hỏi ông một câu: tại sao ông biết tôi dính líu tới vụ bắt cóc thằng Lập?
- Bí mật nhà nghề.
- Ông cho theo dõi Đồng Tăng-Gô phải không?
- Phải.
- Ông thua to rồi. Đừng tìm y nữa, mất công toi, ông ạ.
- Tôi biết, tôi biết. Ông không nói, tôi cũng biết. Đồng Tăng-Gô không còn trên cõi đất này nữa đâu mà tìm, phải không ông?
Đến lượt Tư Hàn giật bắn người. Giọng hắn đột nhiên đổi khác:
- Tại sao ông dám quyết rằng Đồng Tăng-Gô đã chết?
- Giản dị lắm. Các ông thừa biết biệt thự ở Phú Lâm bị vây tứ phía mà vẫn cho Phạm Đồng lái xe về Sàigòn. Như vậy không dùng hắn làm mồi còn là gì nữa? Cái bật lửa phát tin, tôi trao cho thằng Lập, các ông vứt lại trong biệt thự để đánh lừa ban Trắc Giác rằng thằng Lập ở luôn ở trong biệt thự trong khi nó đã bị Phạm Đồng cho vào trong xe chở ngang nhiên về Sàigòn.
Tư Hàn cười khẩy:
- Vâng, Đồng Tăng-Gô đã thản nhiên lái qua chỗ ông núp mà ông không biết.
Văn Bình đứng dậy, nghiêng mình chào:
- Các ông thông minh lắm, tôi xin thán phục.
Tư Hàn đáp, giọng nhũn nhặn:
- Ông đừng vội hạ mình. Thú thật với ông, chúng tôi không biết trong mình thằng Lập có giấu máy phát điện. Khi về tới biệt thự Phú Lâm mới biết.
Văn Bình hỏi:
- Thằng Lập bây giờ ở đâu?
Tư Hàn mỉm cười, ngạo mạn:
- Ông nóng nảy quá!
Văn Bình cười gằn:
- Hừ, các anh có giấu mãi được không?
Tư Hàn vẫn tỉnh khô:
- Sao lại không? Đắc lực như Phạm Đồng mà khi lâm sự vẫn hy sinh thì có xá gì những kẻ như ông, phương chi ông là Tống Văn Bình của Sở Mật Vụ nữa.
Văn Bình giả bộ cho tay vào túi áo trong lấy thuốc lá. Một tiếng quát nổi lên sau lưng:
- Bỏ tay ra ngoài áo!
Văn Bình quay lại. Người ra lệnh là Ba Tình. Y chĩa vào giữa bụng chàng một khẩu súng Côn chín ly, nòng cưa ngắn. Tư Hàn phá lên cười:
- Ông Văn Bình lại có thể dở đến mực ấy được ư?
Văn Bình đáp, giọng tức bực:
- Đừng vội tự đắc. Còn nhiều người đợi tôi bên ngoài. Sau mười phút không thấy tôi ra, họ sẽ tấn công vũ trường. Chừng đó rồi hối bất cập.
Tư Hàn hỏi:
- Chà, dọa hay quá ta! Nhưng thôi, bây giờ ông muốn gì?
- Muốn các anh trả thằng Lập cho mẹ nó.
- Thằng Lập ấy à? Ông tưởng chúng tôi cần thằng bé ấy lắm à?
- Sao lại chả cần? Có mồi mới câu được cá chứ? Giờ đây các anh đã đoạt được bản tài liệu bí mật, còn giữ con tin làm gì nữa?
Đó là một câu hỏi cạm bẫy. Quả Tư Hàn mắc lừa dễ dàng. Y đáp:
- Đêm nay, Như Luyến trao tài liệu xong, chúng tôi sẽ trả thằng Lập cho.
Văn Bình khấp khởi mừng thầm. Thế có nghĩa là thằng Lập còn sống. Chàng vẫn có hy vọng cứu nó ra khỏi miệng hùm. Dầu ở hoàn cảnh khó khăn, chàng vẫn dọa già:
- Tôi xin nhắc lại lần nữa, trong mười phút nếu tôi không ra khỏi nơi này sẽ có người ập vào. Thiết tưởng các anh vẫn còn cách cứu vãn nếu chịu nghe điều kiện của tôi.
Tư Hàn cười khà khà:
- Giỏi, đóng kịch giỏi lắm. Quả là danh bất hư truyền, song không ai mắc lừa đâu. Nhưng thôi, anh định đưa ra điều kiện nào?
- Các anh phóng thích thằng Lập và Như Luyến.
- Như Luyến có hề gì đâu?
- Hiện nay chưa hề gì, nhưng chút nữa các anh sẽ bắt nàng.
- Chà, Văn Bình tiên đoán tài lắm! Đáng tiếc anh lại không cùng một tổ chức với bọn tôi.
- Cám ơn lời khen tụng của anh. Thế nào, anh có chấp nhận đề nghị của tôi hay không?
Tư Hàn lắc đầu:
- Chấp thuận sao được vì nếu chúng tôi thả con tin thì các anh vẫn tiếp tục cuộc đuổi bắt
Văn Bình đứng lên, cười ngoại giao:
- Không bằng lòng thì thôi! Chào anh Tư nhé!
Vừa nói chàng vừa khoan thai bước ra cửa. Trong một phút đồng hồ, thái độ thân mật và tự nhiên của chàng làm cho tên cầm súng lơi lỏng. Ra đến gần cửa, Văn Bình tiến nhanh thêm một bước, hoành tay ra phía trước. Bàn tay cầm súng của tên vệ sĩ bị một ngón đòn hiểm ác của Văn Bình đánh lạng sang bên. Văn Bình thò tay vào trong túi định rút súng lần nữa thì có tiếng ôn tồn của Tư Hàn:
- Ồ, ông bạn đồng nghiệp nóng nảy quá! Bỏ tay ra ngoài áo coi nào?
Văn Bình phải tuân theo lệnh Tư Hàn. Y cầm không biết từ bao giờ một khẩu tiểu liên tối tân, họng chĩa về phía chàng. Ra hiệu cho tên vệ sĩ đi ra ngoài. Tư Hàn đổi giọng:
- Một lần nữa anh còn mưu trốn tôi sẽ bắn nát óc.
Văn Bình nhếch mép cười ngạo nghễ:
- Chủ bắn sao anh còn nói tới điều đình?
Tư Hàn hạ khẩu súng tiểu liên xuống bàn, miệng nói:
- Anh thừa rõ chúng tôi không sợ anh chút nào cả. Ở trong nghề này cái chết xảy ra hàng ngày. Hôm nay anh sa vào tay chúng tôi, dĩ nhiên anh phải chết. Tuy nhiên, nếu giết một anh mà không phá vỡ được cơ sở của ông Hoàng chỉ là công cốc vì mất một anh, hàng chục, hàng trăm nhân viên khác sẽ được đào tạo ra thay thế cho anh. Mục đích của chúng tôi ở đây là lấy cho kỳ được bản tài liệu về công thức prô-péc-gôn, nay sắp lấy đưọc rồi. Tuy mục đích đã đạt nhưng một số người bị lộ, trong số đó có tôi. Tôi sẽ tha Như Luyến và thằng Lập nếu anh thỏa thuận cấp giấy thông hành đặc biệt cho hai người trong chúng tôi rời Sàigòn bằng máy bay. Và xin anh nhớ rằng tài liệu đi bằng đường khác chứ không phải tôi mang theo người đâu.
- Anh đã chắc đâu tôi chấp thuận đề nghị ấy mà rào sau đón trước?
- Tôi biết anh sẽ thỏa thuận. Anh không sợ chết, nhưng anh sợ Như Luyến và thằng Lập bỏ mạng vì anh quá khinh thường. Hối hận này, dầu anh chết nữa cũng theo anh xuống tận suối vàng.
- Tôi sẽ can thiệp với ông Hoàng cho người của anh được rời Sàigòn tự do. Nhưng còn Như Luyến và thằng Lập?
- Tôi sẽ tha trước khi máy bay chở nhân viên của tôi rời Sàigòn.
- Đồng ý. Tôi liên lạc ngay với ông Hoàng để lấy thỏa thuận.
Tư Hàn cười nhạt:
- Cám ơn anh, chúng tôi chưa cần tới bây giờ. Anh sẽ là tù nhân của tôi trong đêm nay.
Văn Bình chưa kịp phản ứng, Ba Tình đã hiện ra sau một cánh cửa bí mật vừa mở. Trong tay Ba Tình lăm lăm một lưỡi dao mỏng dính, sáng loáng. Ba Tình ngoắc tay dao nhủ chàng:
- Đi về phía này.
Không nói một lời, Văn Bình lùi lũi đi theo Ba Tình. Ba Tình nép sang một bên nhường cho chàng đi trước. Tuy tình hình bất lợi, chàng vẫn quyết định cướp lại ưu thế. Tư Hàn xoay cái ghế về phía Văn Bình, nét mặt không dấu được hả hê, Ba Tình là một tay dao tuyệt luân của làng anh chị Bến Nghé từ bao năm nay. Ba Tình dùng dao vừa nhanh vừa ngọt hơn súng sáu nhiều.
Văn Bình bước ra khỏi cửa. Ba Tình đi sau chàng một bước. Chàng chỉ đợi cơ hội vàng ngọc ấy. Mũi dao còn ấn vào lưng, chàng xoay mình lại như trôn ốc và vừa xoay chàng vừa hất lưỡi dao sắc bén sang bên. Khẩu súng trong túi vải đeo dưới nách bay vụt ra nằm gọn trong lòng bàn tay. Trong khi Ba Tình còn mất thăng bằng, phát súng đầu tiên đã nổ chát chúa. Trong trường hợp khác, ngọn súng bá phát bá trúng của chàng đã đưa Ba Tình và Tư Hàn sang bên kia thế giới, nhưng lần này chàng chưa dám coi thường khẩu tiểu liên tối tân của Tư Hàn và ngọn đèn nê-ông sáng xanh, nên phát thứ nhứt, chàng đã trở đầu súng lên ngọn đèn quái ác. Đoàng… Bộp… Phát súng nổ trúng cây đèn vỡ nát làm căn phòng tối om như hũ nút. Chàng chỉ kịp phi thân sang một bên. Tràng tiểu liên nổ ròn rã từ phía ghế bành Tư Hàn ngồi bắn lửa lại phía chàng. Tuy tràng đạn nổ điếc tai, khách nhảy ngoài "bít" nghe thấu vì lẽ gian phòng được lót ni-lông ngăn tiếng động. Văn Bình nằm mọp xuống sàn gạch, nín hơi. Mười giây đồng hồ nặng nề trôi qua. Chàng nghe Ba Tình thở nhè nhẹ bên cạnh. Hơi thở hình như gần lắm vì đây đây thoáng ngửi thấy mùi sâm-banh. Từ phòng Tư Hàn vẳng lại tiếng xô ghế. Chắc Tư Hàn đứng dậy. Không lẽ Tư Hàn ngu đến nỗi xô ghế ầm ỹ, khiến chàng có thể bắn hướng vào.
Một loạt tiểu liên nữa lại nổ và nhắm vào phía trái của chàng, cách nơi chàng nằm độ một thước. Nhờ tia lửa bắn ra, chàng thoáng thấy hình thù đen sì của Ba Tình bò cách chàng một sải tay, lưỡi dao sắc bén còn nguyên trong tay. Trong giây đồng hồ nghiêm trọng ấy, Ba Tình cũng thấy chàng. Văn Bình nhìn rõ cánh tay y giơ lên. Lưỡi dao sắp phóng ra. Mấy giây nữa đây, Tư Hàn sẽ bắn thêm loạt nữa và lần này một thể lại không trúng. Lưỡi dao vèo bay ra. Văn Bình ưỡn người ra phía sau và cùng khi ấy khẩu súng chàng giữ chặt trong tay nhả ra viên đạn đồng. Ba Tình la lớn một tiếng rồi ngã vật ra. Lưỡi dao không trúng Văn Bình cắm phập vào tủ áo phía sau. Tiếp đến loạt đạn thứ ba. Văn Bình đã lăn mình sang chỗ khác. Ở phòng bên, Tư Hàn lẩm bẩm chửi rủa. Cách Văn Bình hai thước. Ba Tình thở hắt ra.
Bốn bề đột nhiên im lặng. Một bầu im lặng báo hiệu cho sự chết. Ba Tình nằm lịm không trối được một câu. Tiếng Tư Hàn vẳng sang:
- Quăng súng hàng đi, không bể óc bây giờ.
Chàng móc túi lấy gói Salem đầy ắp ném sang bên tả. Liền khi đó, Tư Hàn chõ súng máy vào bắn. Văn Bình chỉ cần một viên đạn đặt trúng chỗ để triệt hạ Tư Hàn. Đoàng! Viên đạn bắn trúng yết hầu. Tư Hàn đau nhói như bị kim châm rồi ngã gục dưới chân bàn. Văn Bình bồi thêm phát nữa, đoạn nằm yên nghe lắng. Tiếng rên của Tư Hàn mỗi lúc một nhỏ dần.
Đợi giây lâu không thấy Tư Hàn phản công, Văn Bình nhỏm dậy, lần sang phòng bên. Chàng bật ngọn đèn vách lên. Tư Hàn ngã sấp, ngực đè lên khẩu tiểu liên trong vũng máu đỏ lòm. Văn Bình không cần lục lọi trong phòng Tư Hàn nữa. Chàng thừa biết đây là một trạm của tổ chức R.U.. Định vặn quá nắm cửa trở ra "bít", Văn Bình đột nhiên dừng lại. Chàng sực nhớ đến gã vệ sĩ mặc đồ đen Tư Hàn ra lệnh đứng gác ngoài cửa.
Cánh cửa mở ra, Văn Bình lách sang bên. Tên bận đồ đen bước vào trong tay vẫn còn khẩu súng. Y vào nhanh quá chàng không kịp né. Phát đạn đầu tiên được bắn ra, vèo ngang tai chàng. Phát thứ hai chưa kịp nổ, bàn tay sắt của chàng đả khép lên cườm tay hắn. Chàng vặn một cái mạnh. Xương tay nghe gẫy đánh rắc một tiếng. Y méo miệng, ném súng xuống đất. Bàn tay kia của Văn Bình giáng xuống đầu. Toàn thân run bắn lên như kẻ bị chém đầu, rẫy đành đạch. Đoạn y ngã sóng soài trên mặt đất.
Văn Bình thản nhiên mở cửa bước ra ngoài. Ánh sáng ngoài bít vẫn một màu đỏ quyến rũ và say sưa. Khách chơi đêm vẫn còn đông. Quang cảnh có phần tự nhiên và dâm đãng hơn hồi nãy. Trên mặt bít, số người nhảy thưa thớt. Vũ nữ tụm năm tụm ba với khách chơi bên một núi chai cốc, mặt đỏ gay, cặp môi đầy thèm muốn. Không ai thèm quan tâm tới Văn Bình. Cả lão rót rượu sau quầy cũng vậy. Lão bận nốc một ly sâm-banh đầy ắp. Tên phổ ky lúc nãy ném cho chàng một cái nhìn đầy ý nghĩa. Chắc y tưởng chàng chỉ là kẻ thèm ái tình, chuyên tung giấy bạc mới tinh lên tấm nệm trắng muốt.
Chàng trèo lên xe, vặn máy, lái thẳng về đại lộ Nguyễn Huệ. Binh-đinh Lô Ti là một tòa nhà mới cất cao tám tầng gần thương khẩu. Phía dưới không có chà gác cửa như trong mọi bin-đinh khác. Lên lầu hai, chàng nhìn số phòng rồi rẽ sang bên phải. Tay phải là phòng số lẻ. Thu Thủy ở phòng 219. Hành lang vắng tanh. Chân chàng dẫm trên thảm cao-su nên không nghe tiếng động. Tới buồng Thu Thủy, chàng đứng lại, nghe ngóng. Phòng của nàng vẫn còn ánh đèn. Vào giờ này, Thu Thủy còn làm việc tại vũ trường. Tất ánh đèn này không phải nàng bật lên. Văn Bình đặt chân sát cửa, ẩy nhẹ một cái. Cánh cửa mở ra êm ru.
Phòng của Thu Thủy rất sang trọng. Bàn ghế toàn là đồ gỗ tối tân, thấp lè tè. Ở một góc có cái máy hát âm thanh nổi, thứ đắt tiền nhất. Riềm cửa sổ đều làm bằng tuyn trắng. Văn Bình mở cửa sang phòng bên. Một cái giường ngủ kiểu lớn cho hai người nằm, choáng gần hết nửa diện tích. Đồng Tăng-Gô thường đến nhà Thu Thủy ngủ lại. Chiếc cà-vạt màu cá vàng của y còn vứt lỏng chỏng ở một góc. Góc kia là một cái áo vét-tông. Văn Bình vào buồng tắm. Không thấy gì hết. Đến khi mở tủ đựng quần áo, chàng khám phá ra thi thể Phạm Đồng. Đồng bị dựng đứng trong tủ. Khi chàng mở cửa, xác y đâm bổ ra phía trước.
Y bị giết bằng ngón điểm huyệt tối hiểm nên chết ngay, cổ bầm tím, mặt hơi bạnh ra. Đồng là tay giỏi võ, giết được y bằng võ Nhật chắc phải là tay cao thủ: Kinh Kong hay Nicôlai Kô-băng. Trở ra phòng khách, Văn Bình thấy một cái máy điện thoại màu hồng đặt trên ghế xích-đu. Chàng định gọi về Sở nhưng đột nhiên có tiếng chuông rung. Văn Bình đưa lên tai nghe. Tiếng người đối thoại có vẻ cứng rắn, như người có thói quen ra lệnh:
- Alô, có ai trong phòng số 219 không?
Văn Bình đáp:
- Có tôi.
Người kia hỏi:
- Ông là ai?
Văn Bình cũng hỏi:
- Thế còn ông, ông là ai?
- Tôi là cảnh sát trưởng Quận Nhì. Còn ông?
Văn Bình đáp liều:
- Tôi là anh của cô Thu Thủy.
- May quá! Tôi cứ tưởng cô Thu Thủy không có thân nhân, cô ấy vừa bị tai nạn xe hơi xong. Ở đầu đường Lê Lợi - chợ Bến Thành, mời ông tới ngay.
Đầu kia, máy nói được đặt xuống giá. Văn Bình dở cuốn niên giám điện thoại, tìm số của cảnh sát cuộc Quận Nhì. Một phút sau đã có ông cảnh sát trưởng ở đầu giây. Văn Bình nói:
- Chào ông, tôi là anh của cô Thu Thủy, ông vừa gọi giây nói cho tôi phải không?
Viên cảnh sát trưởng gắt:
- Ông còn đợi đến bao giờ mới tới nữa?
Văn Bình nói:
- Tôi cứ tưởng ai nghịch tinh gọi giây nói.
Viên cảnh sát trưởng vẫn gắt:
- Ai hơi đâu tinh nghịch như thế. Cô Thu Thủy nguy lắm, không khéo vỡ sọ.
- Liệu hề gì không thưa ông?
- Sao ông không tới ngay cứ hỏi mãi. Theo tôi, cô ấy không thể cứu được đâu. Tốt hơn xin ông tới ngay cho.
Viên cảnh sát trưởng buông ống nói xuống. Văn Bình mở toang cửa, chạy ba bước một xuống cầu thang. Chàng lái đến gần chợ Bến Thành, đậu xe cách đám đông chừng trăm thước rồi rảo bước tới. Tuy phố xá đã vắng, tai nạn xe cộ này cũng tập trung được trên chục người đứng bàn tán xung quanh. Dưới ánh đèn vàng quạch, Thu Thủy nằm duỗi dài trên đường nhựa. Máu và chất óc bắn tung tóe khắp nơi. Tiếng xe hơi phanh đánh kít một tiếng. Viên cảnh sát trưởng từ trên xe nhảy xuống:
- Người nhà nạn nhân tới chưa?
Một cảnh sát viên đáp:
- Thưa chưa.
Chiếc xe cấp cứu đã đậu sát Thu Thủy. Một người bận áo choàng trắng, ngực đeo ống nghe, quỳ xuống một bên. Một phút sau, người đó đứng dậy, đưa tay lên trời:
- Xong rồi.
Viên cảnh sát trưởng hỏi:
- Chết rồi, thưa bác sĩ?
Viên bác sĩ trả lời:
- Vâng, chết rồi.
Văn Bình đi lảng ra xa. Hy vọng cuối cùng của chàng đã tan ra mây khói. Chàng không còn đầu mói nào để tìm thằng Lập và bản tài liệu nguyên tử nữa. Chàng lái xe hơi chạy ngược về đường Tự Do, tuy nhiên trong trí chưa quyết định di đâu. Nếu chàng đến sớm chút nữa biết đâu chẳng được nghe một lời trối trăng quan trọng của Thu Thủy. U già bị thương phải vào bệnh viện, Lê Diệp, cộng tác viên số một của chàng bị bắt trong khi sơ ý cùng với thằng Lập, rồi mai kia Như Luyến, Phạm Đồng, Thu Thủy bị giết, một giây không may kéo dài ra trước mắt chàng. Đêm nay không tìm ra manh mối, chàng không còn hy vọng nào nữa. Sực nghĩ tới u già, chàng liền lái xe tới bệnh viện Đồn Đất. Giờ này bệnh viện đã khóa cửa. Chàng dự định đậu xe ở một quãng vắng rồi leo tường vào. Chàng cần hỏi thêm u già một vài chi tiết quan trọng. Kinh ngạc xiết bao khi chàng thấy cổng bệnh viện mở rộng, có xe cảnh sát án ngữ. Thấy chàng tới, một cảnh sát viên đeo súng sáu bước ra hỏi:
- Ông đi đâu? Đã khuya rồi, ông còn đến bệnh viện có việc gì?
Để khỏi mất thời giờ, chàng xuất trình thẻ chức vụ, yêu cầu gặp viên chỉ huy. Người cảnh sát đứng nghiêm chào chàng và nói:
- Xin trung tá tha lỗi. Sở dĩ có chuyện hỏi giấy tờ vì mới xảy ra một vụ ám sát trong bệnh viện.
Văn Bình giật mình, hỏi dồn:
- Đâu, ám sát ra sao?
Vừa lúc đó, viên chỉ huy tới. Biết chức vụ Văn Bình, người đó lễ phép mời chàng vào trong phòng gác, rồi nói:
- Một vụ ám sát táo bạo vừa xảy ra. Nạn nhân là bà Ngọc, người mà quý Sở dặn phải chăm nom chu đáo.
Văn Bình không đáp, lặng lẽ theo người này tới buồng u già Ngọc. Trong phòng, nhân viên nhà hình, nhà đo và ban điều tra tư pháp của Công An tề tựu đông đủ. Văn Bình thầm phục sự nhậm lẹ của công an. Gặp một nhân viên quen, Văn Bình bắt tay chào. Người ấy chỉ vũng máu ở giữa phòng, nói với chàng:
- Nửa giờ trước, bà Ngọc còn nằm trong phòng này. Theo lệnh trung ương, chúng tôi đã canh phòng cẩn mật, tuy hết sức tế nhị, không cho địch biết. Lính gác ngoài hành lang nghe tiếng động trong phòng nên chạy ngay vào. À, tôi tưởng cần nói rõ có ba người gác cả thảy. Một người gác ở cửa sổ nhìn ra sân, người thứ hai ở hành lang, còn người thứ ba đi lưu động. Người gác bên ngoài đợi quá năm phút không thấy bạn liền mở cửa vào thì bị đánh vào gáy bất tỉnh nhân sự. Bà Ngọc tuy còn yếu đã chống cự kịch liệt. Cái đèn đêm bị kéo xuống đất, chén đựng thuốc vỡ tan. Ngoài vũng máu do vết thương của người lính, còn vài vũng con nữa, chắc bà cũng bị kẻ gian dùng dao đâm vào người.
- Bọn gian đông không?
- Thưa, không biết, nhưng chắc từ ba người trở lên.
- Chúng ra vào bằng cách nào?
- Chúng hành động xong, ra bằng cửa sau, lên xe Hồng Thập Tự của bệnh viện, đường hoàng lái xe ra cổng trước.
- Xác người lính bị giết còn ở đây không?
- Thưa, còn, để ngoài hành lang. Ông muốn xem lại các vết thương không?
Văn Bình gạt đi:
- Thôi, không cần. Còn người lính bị đánh ngất?
- Thưa, đã chở về bót trung ương lấy khẩu cung.
Người lính này là cái móc còn lại duy nhất đối với chàng. Xe chạy khỏi ngã tư đèn đỏ Hai Bà Trưng. Bỗng như có tiếng chuông điện reo lên trong óc, chàng bồi hồi giật mình. Chàng sực nhớ tới việc Lê Diệp bị bắt. Một điều nhỏ mọn nhưng thập phần quan trọng là Lê Diệp bị bắt trong mình còn cái Magwave mà chàng lấy lại trong ví da Như Luyến.
Một hy vọng cỏn con nhóm lên trong lòng Văn Bình, chàng vội lái xe về phòng thường trực của Ban Đo-Góc. Sau mấy phút tìm tòi, quả chàng đoán không sai: chiếc Magwave của Lê Diệp đang chạy. Nghĩa là chàng có thể tìm ra nơi Lê Diệp bị giam. Nghĩa là Lê Diệp không phải sơ ý bị bắt. Lê Diệp đã tự mang mình ra làm con chuột bạch hy sinh cho Văn Bình khám phá sào huyệt chính của địch.
Bên cạnh chàng, Ban Đo-Góc đương hối hả làm việc. Việc tìm tòi được tập trung vào một khu hình tam giác cách Sàigòn 20 cây số quá Trung Tâm Nguyên Tử Thủ Đức. Văn Bình trèo lên xe díp của Ban Đo-Góc lái về cầu Bình Lợi. Sương muối phủ kín con đường rải nhựa. Chàng tắt đèn pha, lấy trong thùng xe ra một cái ống kính kỳ lạ đeo lên mắt. Đó là cái máy sni-péc-cốp (1) . Máy này phát ra tia hồng ngoại (2) chọc thủng màn tối.
Qua Thủ Đức, chàng dừng xe lại. Tia điện do máy Magwave của Lê Diệp phát ra đã dừng lại ở khu này. Ban Đo-Góc tính toán một lát nữa. Sau cùng, chàng tìm ra địa điểm: một cái trại khá rộng bên trái. Đậu xe ngoài đường, chàng men ruộng đi thẳng tới trại. Bốn bề vắng teo. Bỗng chàng nhận ra một tiếng động khác lạ. Tai chàng rất thính, nên chàng ít khi lầm lẫn. Chàng đứng sững, nín thở, lắng tai nghe. Đó là tiếng giầy dẫm lên lá khô nghe lào xào. Đúng là có người đi tới. Chàng không phải đợi mất thời giờ. Một tia đèn bấm lóe xuống đất: người lạ mặt chiếu đèn xuống ruộng tìm đường. Cách một quãng ngắn lại có tia đèn bấm. Người lạ mặt tiến ra đường cái. Bỏ ý định vào trại, chàng rảo bước theo người lạ mặt, tuy nhiên đi rất nhẹ nhàng, cốt không tạo ra tiếng động khả nghi.
Người lạ mặt đi tới một cây cổ thụ cành lá xum xuê, cách mặt đường độ ba chục thước. Dưới ánh đèn bấm của người lạ mặt, Văn Bình giật mình. Dưới cây cổ thụ một chiếc xe hơi đen xì nằm lù lù. Văn Bình định thần nhìn kỹ. Người lạ mặt mở cửa xe. Đèn trong xe bật sáng mấy giây đồng hồ. Y rập mình làm đôi chui vào trong, ngồi trước tay lái. Mấy giây đồng hồ quý báu này đủ giúp Văn Bình nhận diện được người lạ mặt. Đó là một người đàn ông cao lớn. Dáng đi này, chàng không tài nào quên được. Hồi nãy trong biệt thự của nhà bàc học Đoàn Trung, y đeo mặt nạ: Kinh Kong.
Cửa xe đóng sầm. Tiếng đề-ma-rơ ngọt sớt, động cơ chạy êm ru. Đợi Kô-băng ra tới đường nhựa chạy về Sàigòn, chàng mới tiến lại xe díp, vặn lái rượt theo. Chàng không còn lo cho số phận Lê Diệp và thằng Lập nữa. Đeo cặp kính sni-péc-cốp lên mắt, chàng sả ga xăng chạy một mạch về Sàigòn.
Xe Kô-băng chỉ vặn đèn nhỏ nên chạy không nhanh. Xe Văn Bình điềm nhiên chạy sau một quãng ngắn. Qua cầu Bình Lợi. Qua khu rừng cao-su đen um gần trạm xăng ngã tư Xóm Gà, Gia Định. Kô-băng chạy thẳng qua rạp chiếu bóng Gia Định nhưng không rẽ sang trái xuống Sàigòn. Chạy được một quãng, vượt qua biệt thự buồn thiu của Như Luyến, Kô-băng tắt máy gần nghĩa địa bên đường Chi Lăng. Văn Bình nhanh tay lái xe vào lề, tắt máy, cất đôi kính sni-péc-cốp xuống nệm xe. Chàng thấy Kô-băng trèo tường vào nghĩa địa. Chàng liền chọn một khu tối om thót lên, nhảy nhẹ nhàng vào trong. Văn Bình thoáng thấy Kô-băng rảo bước về góc nghĩa trang. Ánh điện ngoài đường không đủ xua đuổi bóng tối dầy đặc trong nghĩa trang nên tuy cách Văn Bình không bao xa, nhưng Kô-băng không thể thấy chàng. Những ngôi mộ xây cao biến thành bức tường kiên cố che khuất Văn Bình.
Nhiều lần vào nghĩa địa này thăm cô bạn gái ngoại quốc đã bỏ chàng sang thế giới bên kia giữa lúc cảm tình nồng nàn, Văn Bình đã quen với lối đi trong bóng tối. Chàng không dẫm lên đường trải đá dăm sợ gây ra tiếng kêu lạo xạo. Nhẹ nhàng, chàng đặt chân lên nệm cỏ xanh. Kô-băng dừng chân trước một ngôi mộ mới xây, cao ngất, quét vôi trắng xóa. Cách Kô-băng ba thước, Văn Bình ngồi thụp xuống. Chàng thấy Kô-băng bấm đèn bin, hình như để tìm một dấu hiệu. Một tiếng động từ phía cổng nghĩa trang vọng lại làm chàng nín hơi nghe. Một tiếng động đặc biệt mà chàng không thể nào lầm lẫn được. Đó là tiếng giầy nện trên đường trải đá.
Lờ mờ trong bóng tối xen lẫn màu trắng của người ngôi mộ mới xây, chàng bắt gặp hình dáng quen thuộc của Như Luyến. Nàng đi có vẻ vội vàng. Đến góc nghĩa trang, nàng dừng lại, rút đèn bấm trong xắc tay ra quét một vệt sáng dài phía trước. Một tiếng chim cú nổi lên. Bầu không khí đột nhiên đượm mùi ghê rợn. Văn Bình có cảm giác như tiếng cú từ dưới mồ phát ra để dọa Như Luyến. Một tiếng chim cú nữa. Tiếng chim cú của Kô-băng. Nhận ra chỗ Kô-băng, Như Luyến vội vã tiến tới. Văn Bình bò sát nền cỏ ướt đẫm sương đêm, lại gần sát ngôi mộ mà hai người nói chuyện. Chàng nghe Kô-băng nói:
- Chào bà, bà đến đúng hẹn quá.
Như Luyến đáp, giọng còn vương hằn học:
- Vâng, chào ông. Ông muốn gì, nói đi?
Tiếng Kô-băng:
- Tài liệu đâu? Bà đưa cho tôi.
Như Luyến cười lớn cái cười ghê rợn làm Văn Bình dựng tóc gáy. Chàng không biết nàng cười để che giấu sợ hãi hay để tỏ khinh mạn. Nàng nói:
- Ông cho tôi là trẻ con đấy phỏng?
Kô-băng có vẻ ngạc nhiên:
- Bà lầm đấy chứ?
Như Luyến dằn từng tiếng một:
- Ông dặn tôi đến đây để điều đình, có phải để ra điều kiện cho tôi đâu?
Câu sau nàng nói quá to. Văn Bình có cảm tưởng như tiếng nói lanh lảnh của nàng dội vào nấm mộ cẩm thạch, vang rân trong nghĩa trang vắng vẻ. Biết giây phút quyết liệt sắp tới, Văn Bình bò lại gần thêm nữa. Kô-băng đáp:
- Chết, bà nói sẽ chứ. Người ta nghe được thì hỏng cả.
- Đêm hôm thế này, ai mò ra đây làm gì mà ông sợ.
- Cẩn thận vẫn hơn, thưa bà. Tôi xin hỏi lại bà, bà có mang tài liệu trong mình đấy không?
Văn Bình rướn người về phía trước. Đây là giờ phút quan trọng nhất. Nếu Như Luyến mang tài liệu theo tất số nàng đã tận. Dầu muốn dầu không, Kô-băng sẽ giết nàng cho phi tang. Văn Bình coi lại lưỡi dao sắc lẻm giấu trong cái tất ở cổ chân. Cách xa mấy thước, chàng có thể phóng dao cứu Như Luyến bất cứ lúc nào. Như Luyến trả lời, giọng ráo hoảnh:
- Lúc nãy tôi đã nói rồi, ông quên sao? Tôi không phải là trẻ con để ông đánh lừa lúc nào cũng được. Tôi chỉ bàng lòng trao tài liệu cho ông một khi tôi biết đích xác con tôi không mệnh hệ gì. Ngược lại….
- Thằng Lập không việc gì cả, thưa bà.
- Ông hứa là một chuyện, tôi tin lại là chuyện khác.
- Bà không được quyền nói như vậy. Tính mạng của bà từ phút này ở trong tay tôi. Tôi muốn giết bà phỏng khó gì?
- Nếu ông muốn, mời ông ra tay.
Giọng Kô-băng có vẻ gay gắt:
- Bà báo cho bọn Mật Vụ biết rồi phải không?
Như Luyến thản nhiên:
- Không, không bao giờ.
Kô-băng cưòi nham hiểm:
- Vả lại, bà có báo cho chúng nữa cũng không đáng ngại. Vào giờ này, bọn chúng đã nằm yên dưới sông Sàigòn rồi. Chắc bà không biết tên trùm Mật Vụ Tống Văn Bình đã cho người bao vây chỗ tôi giữ con bà… Thằng ấy đã sa lưới của tôi. Bà làm nội ứng cho chúng hay không tôi không cần biết, tuy nhiên, bà hãy coi chừng, tôi không dung tha những kẻ một dạ hai lòng đâu.
Như Luyến cười gằn:
- Tôi cũng vậy. Chính các ông mới một dạ hai lòng. Ông đã hẹn không đụng tới gia đình tôi thế mà sau đó chính ông đã bắt cóc thằng Lập.
- Nghĩa là bà đã báo cho Mật Vụ biết?
- Phải, trước kia, tôi đã báo cho họ.
Kô-băng nghiến răng ken két:
- Thảo nào. Được rồi, mi sẽ chết.
Như Luyến cười một cách thách thức:
- Tôi cấm ông không được ăn nói thô bỉ. Trước kia, tôi cho Mật Vụ biết, nhưng từ ngày họ dùng con tôi làm mồi nhử các ông, tôi đã bỏ họ. Tôi đã ghét các ông, tôi đã hận họ. Bây giờ tôi chỉ muốn các ông trả con tôi lại, thế thôi. Ông có chịu trả không?
- Bà phải đưa tài liệu làm bằng trước.
- Đến chết tôi cũng không chịu.
- Tôi sẽ giết bà ngay bây giờ.
- Đấy, ông giết đi.
Một phút im lặng. Văn Bình có cảm giác như nghe rõ tiếng trống ngực của Kô-băng và Như Luyến. Nàng đã tới lúc liều mạng.
Như Luyến giục:
- Ơ kìa, ông còn trù trừ gì nữa?
Kô-băng nói, giọng chán nản:
- Thật ra tôi đâu muốn giết bà và bắt con bà. Vì bà báo cho Mật Vụ biết, tôi phải đề phòng đấy thôi. Thằng Lập con bà, tôi giữ cách đây hai chục cây số.
- Nó có được ăn uống tử tế không? Nó khóc nhiều không?
- Bà khỏi lo. Nó ngủ như khúc gỗ và ăn khỏe lắm.
- Ông đừng nói dối tôi. Từ thuở nó sinh ra tới giờ, nó chưa xa tôi phút nào. Không có tôi, nó không ăn, không ngủ được đâu.
Kô-băng nín thinh. Như Luyến tiếp:
- Tôi muốn giáp mặt thằng Lập trước khi trao tài liệu.
- Không thể được. Tôi chỉ có thể cho bà nói chuyện bằng điện thoại.
Như Luyến chối phắt:
- Tôi nhất định không chịu. Tôi chỉ bằng lòng trao tài liệu cho ông, nếu ông đưa tôi tới chỗ giam nó.
Lại một phút im lặng nữa. Trước sự cương quyết của Như Luyến, Kô-băng đành nhượng bộ. Y nói:
- Được, tôi sẽ đưa bà tới chỗ giữ thằng Lập. Tới đó, bà sẽ cho tôi biết chỗ cất tài liệu, tôi sẽ thân chinh đi lấy. Nếu bà nói đúng, tôi sẽ trở lại thả bà ra, nhược bằng….
- Nếu ông lại lừa tôi như lần trước thì sao? Tôi buộc ông khi đi lấy tài liệu không được giam mẹ con tôi lại. Có thế tôi mới chịu. Tôi chỉ bằng lòng cho ông để một người ở lại với chúng tôi đợi ông về mà thôi. Trong túi tôi có một khẩu súng. Tôi sẽ dùng súng này để bảo vệ con tôi. Nếu ông chịu điều kiện ấy, rôi sẽ đi với ông, bằng không, xin ông cứ việc giết, tôi không thiết.
Rốt cuộc Kô-băng bằng lòng. Vả lại, không bằng lòng không được vì Như Luyến nhất định không nhượng bộ. Kô-băng ra hiệu cho nàng ra trước và dặn nàng trèo lên chiếc Pờ-Dô đậu bên lề. Nhanh như chớp, Văn Bình nhỏm dậy, mò qua con đường đá dăm, đứng lên, đi vòng qua giẫy mộ mới, tiến tới bức tường hông của nghĩa địa.
Chiếc xe của chàng chạy êm ru. Chàng đeo kính sni-péc-cốp vào mắt, rồi sang số, chạy một mạch tới cầu Rạch Lăng. Chàng mắm môi nhận ga xăng vì phía sau chiếc Pờ-Dô của Kô-băng phóng mạnh như gió. Đồng hồ tay của chàng chỉ đúng 3 giờ 55 phút. Vào mùa này, bình minh rất sớm. Chàng lái xe vào đường hẻm, giấu dưới bụi găng um tùm, đoạn hối hả băng đồng về phía cái trại giữa đồng không mông quạnh. Vừa đi, chàng vừa soát lại những dụng cụ trong mình. Dưới bắp chân, lưỡi dao vẫn nằm nguyên. Mấy ngày nay, chàng chưa có dịp dùng dao. Khẩu súng quen thuộc mới thay bì đạn chín ly tòn ten trong túi vải dưới nách. Cái ma trắc, bạn đồng hành của chàng trong nhiều phen vào sanh ra tử cũng được giấu gọn trong ống vét-tông. Chàng vẫn còn cái gi-lê đạn bắn không thủng trong mình. Đủ lắm rồi. Giờ đây, Văn Bình chỉ còn thiếu một cái. Đó là thiếu sự đe dọa của thần Chết. Thì đây, thần Chết đã tới. Tới bằng một bóng đen câm lì từ phía sau nhảy vụt vào cổ Văn Bình.
Chú thích
1. Tức là máy sniperscope.
2. Rayon infra-rouge.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28