Số lần đọc/download: 9981 / 102
Cập nhật: 2014-11-20 13:49:29 +0700
Hồi 88 - Sống Chết Đều Bởi Số
Q
ua hôm sau, bà Tôn quả nhiên thấy bà Hồ cho mụ mối tới nhà. Lúc trước, Hàm Phương tiểu thư thấy nhà họ Cố đến cầu hôn, cứ tưởng rằng chàng họ Cố bất quá chỉ là anh chàng khố đũi áo nâu, quê mùa dốt nát nên mới cự tuyệt.
Nhưng lần này nàng thấy chàng rõ là một vị công tử đàng hoàng, hơn thế nữa còn đẹp trai, đa tình, thì hỏi sao nàng không ưng thuận. Một điều nữa khiến nàng coi như là đã có duyên tiền định, khi nhớ lại lúc hai người ôm cứng nhau ở dưới sông, da thịt đã gắn sát vào nhau hồi lâu rồi.
Trong tâm khảm, nàng đinh ninh rằng kiếp này duyên này coi như đã giao phó cho chàng. Nàng đem chuyện này hỏi nhỏ cô em thì cô em Thục Phương cũng bằng lòng cùng nàng lấy chàng họ Cố.
Thế là hai chị em nguyện ý cùng lấy một chồng. Hàm Phương bèn đem ý đó của mình và em thì thầm với mẹ. Thấy con đã bằng lòng, bà Tôn bèn cho mụ mối về báo cho bà Hồ biết.
Bà Hồ thấy bà Tôn đã bằng lòng hứa gả mà lại gả cả hai cô, vẻ mừng hiện ra nét mặt. Chàng Cố Thiếu Xuân lúc này có lẽ là người sung sướng hơn ai hết. Bởi thế bệnh chàng tự nhiên biến khỏi như có phép lạ. Bà Hồ thấy con đã khỏe mạnh như thường bèn chọn ngày định việc cấu hôn cho con.
Không ngờ ông tạo trớ trêu, mấy khi chuyện vui được trọn vẹn đâu. Một ngày trước hôm định việc cầu hôn, Cố Thiếu Xuân bỗng nhận được một phong thư của cha gởi từ kinh thành về nói ông đã định việc hôn nhân cho chàng tại Bắc Kinh rồi.
Ông thân bên nhà gái cũng làm quan ở kinh và đôi bên đã ước hẹn hôn lễ sẽ cử hành nội trong năm.
Cố Thiếu Xuân được tin này chẳng khác nào gáo nước lạnh dội lên đầu, miệng há hốc mà chẳng nói được lời nào. Chàng chỉ còn biết khóc suốt cả đêm đó. Qua ngày hôm sau, chàng bệnh nằm liệt giường liệt chiếu như cũ.
Bà Hồ thấy vậy trong lòng đau đớn lắm. Bà dùng lời ngon ngọt dỗ dành an ủi. Mặt khác bà cho mụ mối qua nhà bà Tôn từ hôn. Hai chị em Hàm Phương được tin này, trái lại không khóc lóc, không nói năng gì cả.
Hai nàng đã thủ thỉ với nhau quyết ở vậy không thèm lấy chồng nữa. Gia đình hai nàng vốn giàu có, lại không có con trai, cả cơ nghiệp đồ sộ đó đều do hai nàng nắm giữ cả.
Nhưng Cố Thiếu Xuân không thể thản nhiên được. Lòng chàng vừa buồn sầu vừa nóng nảy đến không nén nổi. Hồi đó đã vào lúc mùa hè nóng nực. Thiếu Xuân đưa cái giường của chàng ở thư phòng đến bên cạnh cửa sổ để có thể thấy được hình bóng người yêu trên lầu trang phía bên kia, ngay cả lúc chàng đi nằm nữa.
Dụng ý của chàng là như vậy, nhưng bà mẹ Hồ thị đâu có hiểu. Bà chỉ biết chiều theo ý cậu con trai cưng. Nằm tại nơi đây được vài hôm, Cố Thiếu Xuân nhìn sang lầu trang bên kia thấy cửa đóng suốt ngày im ỉm. Chàng tưởng rằng chị em Hàm Phương tiểu thư cũng bệnh như mình. Thật đáng thương cho cả đời người chỉ cách có một con sông mà không có cách gì trò chuyện được với nhau. Chàng nhớ đến người yêu mà lòng tê tái, nhiều đêm thức trắng chẳng chợp mắt.
Có một hôm, vào nửa đêm, Cố Thiếu Xuân đang nằm trên giường trằn trọc xoay qua xoay lại không ngủ được, bỗng có tiếng gõ cửa cành cạch. Chàng gượng dậy, nhẹ bước ra mở cửa. Một hình bóng mỹ nhân sừng sững đứng trước mặt chàng dưới ánh trăng. Chàng nhìn kỹ và nhận ra là Hàm Phương.
Chàng mừng quá rồi như không tự chủ được nữa, chàng nhảy chồm ra, giơ hai tay ôm choàng lấy nàng, miệng run run cảm động nói:
- Anh nhớ em đến chết mất thôi.
Người con gái vội giơ tay đẩy Thiếu Xuân ra, thì thầm:
- Em không phải Hàm Phương đâu? Em là Thục Phương đó. Chị em nhớ anh quá lắm! Anh chạy mau sang thăm chị một tí.
Cố Thiếu Xuân nhìn thấy chiếc thuyền của Thục Phương cặp ngay bên bờ sông, bèn chẳng còn để ý đến mình bệnh mình đau nữa, vội nắm lấy tay Thục Phương bước xuống thuyền.
Khi thuyền đã qua bờ bên kia, chàng thấy Hàm Phương đang đứng chờ sẵn. Thế là cả ba cùng sánh vai ngồi trên phiến đá rộng trò chuyện với nhau. Một hàng liễu rủ bóng thướt tha che kín cả chỗ họ ngồi, thành thử không một ai thấy mà biết được, ba người trò chuyện mãi tới canh năm mới trở về phòng.
Thế rồi từ đó cứ mỗi đêm, trên phiến đá bên sông, người ta thấy phảng phất bóng ba người kề vai ngồi dưới ánh trăng ngà. Chỉ mãi tới lúc gió sớm nổi lên, trăng tàn bến vắng, ba cái bóng lại mới chia tay ai về phòng nấy.
Mùa hè qua mùa thu tới, gió heo may bắt đầu thổi, hơi lạnh đã thấm vào thịt. Thục Phương cảm thấy lạnh không chịu nổi bèn nghĩ ra một cách: Nàng bảo Thiếu Xuân chú ý cứ đến khi nào mẹ nàng đã an giấc thì nàng sẽ treo một chiếc đèn lồng đỏ ở trước lầu để báo hiệu. Và lúc đó chàng cứ việc chèo thuyền sang, hai nàng sẽ đón vào nhà.
Nàng cũng không quên căn dặn chàng là hễ không thấy đèn thì chớ có sang. Thiếu Xuân đã được ám hiệu, đêm hôm đó chèo thuyền sang lẻn vào lầu trang, quả là hương vị của tình yêu ngọt ngào không bút nào tả xiết.
Việc tư tình qua lại này thấm thoắt được nửa năm thì bỗng một đại hoạ xảy ra. Hai chị em Hàm Phương đêm đêm treo chiếc đèn đỏ rồi kề vai ngồi tại hiên lầu nhìn qua phía bờ bên kia. Nhưng rồi hôm đó hai chị em nàng đang ngồi đợi bỗng một mũi tên độc bay vụt tới, chỉ một mũi tên thôi mà đâm suốt thái dương huyệt của hai nàng.
Mũi tên độc này vốn thuộc loại "thấy máu đóng hầu" nghĩa là bắn trúng không kêu la gì được: một loại tiễn thường dùng vào việc ám sát. Trúng mũi tên hai chị em Hàm Phương ngã quay xuống sàn lầu chết luôn, không kêu la được một tiếng.
Cố Thiếu Xuân đêm đó thấy lồng đèn liền chèo thuyền sang, nhưng chẳng thấy hai chị em Hàm Phương ra mở cửa.
Tứ bề vắng lặng. Chàng cố ngồi đợi. Nhưng đợi mãi tới sáng mai vẫn chẳng thấy người yêu ra mở cửa? Xuân lòng nghi hoặc, không muốn bỏ đi.
Trời sáng hẳn. Con a đầu chạy lên lầu thấy hai chị em Hàm Phương đã chết cả, vội tri hô lên. Bà Tôn nghe kêu giật mình nhảy lên lầu xông vào phòng con gái. Bà ôm lấy thây con khóc rống lên, người như điên loạn.
Thiếu Xuân ngồi ngoài cửa, nghe tiếng khóc, biết có chuyện chẳng lành, chẳng quản nếp tẻ gì, tông cửa nhảy vào rồi cũng gục xuống thây hai chị em Hàm Phương khóc đến chết đi sống lại.
Bà Tôn thấy cảnh tượng khó coi bèn bảo người kéo Thiếu Xuân dậy, một mặt làm đơn báo quan. Quan huyện Giang Đô thấy vụ án không đầu mối, bèn đích thân tới khám nghiệm.
Ông thấy Thiếu Xuân hình tích có vẻ khả nghi bèn cho người dẫn về nha môn thẩm vấn.
Cố Thiếu Xuân thấy người yêu đã chết, hận rằng mình không được chết theo cho nên khi quan huyện Giang Đô thẩm vấn, Xuân bèn nhận khai ngay là chính mình đã giết.
Nhưng đến khi hỏi tại sao mà giết thì chàng chẳng biết khai ra sao. Bà Hồ thị thấy con mình bị quan huyện bắt đi, vội đem ngàn lạng bạc đút lót cho bọn nha lại, mặt khác viết thư gởi thẳng lên kinh cho quan ông cấp báo.
Quan ông Cố Đại Xuân được tin như sét đánh ngang tai, vội rời Bắc Kinh, đi gấp đường tới Dương Châu lập cáo trạng dâng lên Càn Long hoàng đế cứu con. Hồi này hoàng đế đã từ Hàng Châu trở lại Dương Châu. Ngài nhận được cáo trạng bèn bảo tri phủ Dương Châu đem phóng thích Cố Thiếu Xuân.
Nhưng phía bên kia, bà Tôn thấy vậy đâu có chịu. Bà liền mang đơn kêu oan, trẩy thuyền vội tới Dương Châu đầu cáo.
Càn Long hoàng đế trả lại tờ cáo trạng, một mặt an ủi bà và phàn nàn thay cho hai cô con gái bà chết uống phí, mặt khác sai tri phủ Dương Châu đứng ra làm lễ ngự tế để ma chay và siêu sinh tịnh độ cho hai nàng.
Một việc quan trọng nhất mà mọi người chờ đợi đó là lệnh truy nã hung thủ, nhưng tuyệt nhiên hoàng đế không đả động tới Bọn quan địa phương đứng trước cái án giết người kỳ quái này, vò đầu bứt tóc hết tháng này qua năm nọ cũng đều chịu, không rõ được lấy một mảy may.
Ít lâu sau, khi Càn Long hoàng đế đã về kinh rồi, người ta bỗng thấy hai người con gái tuyệt đẹp ăn vận hết sức lộng lẫy tới thăm bà Tôn. Hai nàng tự giới thiệu là hai chị em chị tên gọi là Thanh Hà, em gọi Giáng Hà.
Thanh Hà và Giáng Hà đã từng được Càn Long hoàng đế sủng hạnh và khi rời khỏi Hàng Châu, ngài có dặn hai chị em nhà này thắp đèn lồng đỏ trước lầu để đợi ngài hồi giá tới Dương Châu sẽ cho người tới đón về kinh.
Nhà hai nàng ở cạnh cầu Trạng Nguyên. Lầu trang cũng sát ngay bờ sông, phía dưới cũng có một cây dương liễu y như ở nhà bà Tôn. Trước lầu trang cũng có treo một chiếc đèn lồng đỏ, cho nên Càn Long hoàng đế đã nhận lầm nhà này ra nhà kia mà giết bậy. Chủ tâm của Càn Long hoàng đế là giết hai chị em Thanh Hà chớ đâu ngờ lại giết lầm hai chị em nhà họ Tôn. Nguyên uỷ vụ án này là thế, hai chị em Thanh Hà đã đoán ra. Nhưng lý do tại sao Càn Long hoàng đế lại muốn bắn chết hai nàng thì chính ngay Thanh Hà đã để bao đêm ngày suy nghĩ mà vẫn không ra.
Nguyên do chỉ vì Tiểu Mai đâm chết Uông Giang Long nên từ đó Càn Long hoàng đế nơm nớp lo ngại, nghĩ rằng hai chị em Thanh Hà cũng lại có ý hành thích mình. Ngài không dám lưu luyến đắm đuối, vội cho hai chị em nàng về.
Câu nói của ngài bảo đem hai nàng lai kinh ngày nọ, chỉ là lời nói đãi bôi cho qua mà thôi. Lúc đầu ngài không có ý giết hai chị em nàng, nhưng về sau, bỗng lại nghĩ nếu không đem hai người về kinh, sợ rằng họ oán hận mà nói tung hết những điều bí mật trong thuyền ra thì phiền. Sở dĩ có chuyện sợ đầu sợ đuôi này chỉ là tại trong những đêm ân ái mặn nồng, ngài đã đem khá nhiều điều bí mật trong thâm cung ra kể làm quà cho hai nàng nghe rồi. Ngài sợ rằng hai nàng không được vừa lòng sẽ nói toạc cả ra, chi bằng giết quách đi là xong. Đó là kế giết người bịt miệng. Nghĩ vậy nên khi hồi loan tới Dương Châu, ngài bèn sai một tên thị vệ ngầm đem tên độc bắn chết hai chị em nhà này. Không ngờ hai chị em Hàm Phương vì mật ước với Cố Thiếu Xuân, cũng đốt đèn đỏ trước lầu nên tên thi vệ nhận lầm ra nhà của hai chị em Thanh Hà mà bắn chết cả đôi.
Hai chị em Thanh Hà nghe vụ án mạng, đoán biết chủ ý của Càn Long hoàng đế là muốn giết mình, nên vội bỏ chiếc đèn lồng treo trước lầu đi, rồi trốn biệt trong một căn nhà của người bà con khác. Đợi lúc hoàng đế đã hồi loan về tới kinh rồi, hai nàng mới dám thò cổ ra ngoài rồi tới thăm bà Tôn.
Bà Tôn nghe hai chị em Thanh Hà kể lại cả một câu chuyện ly kỳ rùng rợn, vừa thương tâm vừa sợ hãi. Bà chỉ biết gác vụ án này, không dám nói tới nữa. Nhưng Cố Thiếu Xuân lại không chịu phụ lòng. Chàng đón linh cữu hai chị em Hàm Phương về nhà ma chay trọng thể rồi đem chôn cất tại khu mộ tổ, coi như là nguyên phối (vợ cả).
Người vợ Bắc Kinh lấy sau này chàng chỉ coi như là vợ kế. Chàng còn đón cả bà Tôn về nhà phụng sự không khác gì cha mẹ mình. Chỉ vì một ý nghĩ nghi ngại của Càn Long hoàng đế mà hai gia đình Tôn, Cố phải chịu cảnh nhà tan người chết, gây ra biết bao chuyện đoạn trường, thật đáng thương thay.