I know every book of mine by its smell, and I have but to put my nose between the pages to be reminded of all sorts of things.

George Robert Gissing

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Điệp Vụ Săn Người - Chương 8 chút Lòng Trinh Bạch …
^^^Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
^^^Nguyễn Du (Kiều)
Tỉnh dậy, tôi thấy đang nằm dài trên đi văng. Tôi hé mắt quan sát chung quanh rồi phi thân nhảy xuống đất. Nhưng một giọng nói hiền từ đã rót vào tai tôi, giọng nói người Việt sinh trưởng ở vùng châu thổ sông Cửu long:
-Z.28, tôi đây mà, 62 đây mà.
Dẫu bom nổ trên mái nhà cũng chưa làm tôi kinh ngạc bằng câu nói ấy. Tôi ngoảnh lại nhìn người vừa xưng tên là 62, Z.62. Đó là một thiếu phụ. Tôi mến ông Hoàng bao nhiêu thì tôi mến thiếu phụ này bấy nhiêu. Năm nay bà đã trên lục tuần, kém ông Hoàng 7 tuổi. Tuy đã lục tuần, bà chỉ như người 50.
Tên thật của bà là Huyền Hoa, bí số của bà là Z.62. Bà từng là người vợ chưa hề cưới của ông Hoàng. Tài ba xuất chúng, võ nghệ siêu quần, bà đã điều khiển phân bộ của Sở tại Hà nội một thời gian rồi trở về miền Nam (1) . Tôi đinh ninh bà còn ở Sàigòn vì bà già rồi, lớn tuổi như bà phải bỏ nghề để vui thú điền viên chứ không thể ra nước ngoài hoạt động, phương chi lại hoạt động ở một nước địch nguy hiểm, tại một vị trí nguy hiểm bậc nhất là thành phố Minsk.
Bà Huyền Hoa đang ngồi trên cái ghế đẩu thấp, kê gần đi văng. Nét mặt bà đã đổi khác, hoàn toàn đổi khác. Bà không đeo mặt nạ bằng cao su porotherme. Tuy nhiên, diện mạo đã được cải biến nhờ phẫu thuật thẩm mỹ tài tình. Mặt bà là mặt của bà lão già trên 70, đầy vẻ ngớ ngẩn và lẩm cẩm. Bà đội lốt nữ gia nhân Nga rất khéo. Tuy vậy tôi vẫn nhận ra được những tia mắt độc đáo của bà, những tia mắt đã gặp một lần là suốt đời không thể quên. Tôi nhớ mắt bà vì đó là cặp mắt thông minh như đọc thấu lòng người. Tôi nhớ mắt bà vì con gái duy nhất của bà, Nguyệt Thanh, cũng có cặp mắt tương tự. Nguyệt Thanh được liệt vào hạng giai nhân siêu đẳng, tôi vốn mê đàn bà đẹp nên làm sao quên được cặp mắt của nàng… và của bà Huyền Hoa mẹ nàng .
Tôi dụi mắt. Bà Huyền Hoa cười:
-Đúng là Z.62 đây, anh đừng ngại. Vả lại, tôi tin là anh đã nhận ra tôi.
-Bà vừa đánh tôi ngất?
-Không. Sợ không phải anh nên tôi bắn đạn thuốc mê. Ông Hoàng cho tôi biết là anh có thể sẽ qua đường Minsk.
-Trời ơi, tôi mới quyết định qua đường Minsk cách đây mấy giờ đồng hồ, tại sao ông Hoàng ở Sàigòn lại có thể đoán được tư tưởng của tôi?
-Thú thật với anh, tôi không biết. Tôi cũng vừa đến đây độ 3 tiếng đồng hồ.
-Bà không ở đây?
-Không. Sau khi gặp anh tôi phải lên Mạc tư khoa.
-Nguy hiểm lắm, bà lên sao được?
-Chẳng sao. Z.233 rất có thế lực với KGB (2) . Sau khi Bôrết và Khơrút tử nạn, Z.233 không bị KGB nghi ngờ. Trái lại còn tăng thêm uy tín nữa.
Tôi toát bồ hôi. Z.233 là Vêlana, người đẹp của KGB, và của …Sở sau bức màn sắt. Tôi tưởng nàng đang trốn chui trốn nhủi, không ngờ nàng còn sống và vẫn hoạt động được an toàn. Lẽ ra, nghe nàng còn sống tôi phải mừng rỡ. Sở dĩ tôi toát bồ hôi vì tôi nhớ đến lời nói của nàng trên bãi biển An ba ni trước phút từ biệt. Nàng tin là được an toàn vì có một yếu nhân KGB, giám đốc ban Hành động bao che cho nàng. Dĩ nhiên sự bao che ấy phải được trả công một cách tương xứng bằng thú xác thịt.
Tôi bèn hỏi bà Huyền Hoa, giọng rụt rè:
-Thưa bà, Vêlana còn ở … Mạc tư khoa?
Bà Huyền Hoa mỉm cười:
-Tôi hiểu anh định hỏi gì rồi. Anh muốn hỏi Vêlana đã lấy chồng chưa phải không?
Tôi nuốt nước bọt:
-Phải.
-Tôi cần nói ngay cho anh khỏi thắc mắc. Nàng đã lấy chồng, và như anh biết, chồng nàng làm giám đốc ban Hành động KGB. Dĩ nhiên, nàng lấy chồng để nương tựa. Nàng có hỏi thăm anh.
-Hỏi thăm tôi?
-Phải. Ô kìa, tại sao anh lại ngớ ngẩn như vậy? Làm công việc này thì đàn bà hiến thân cho địch là thường, tôi tưởng anh đã hiểu rõ. Tôi không ngờ sau hàng chục năm vào sinh ra tử, anh vẫn còn si tình như cậu con trai mới lớn.
Tôi cúi đầu nín lặng. Bà Huyền Hoa gần bằng tuổi mẹ tôi, vả lại bà trách móc rất đúng, tôi không thể bào chữa. Có lẽ bà cũng biết tôi buồn nên vội dịu giọng:
-Nàng biết anh đến Mạc tư khoa nhưng không thể đến gặp được. Nàng yêu cầu tôi xin lỗi. Tháng tới nàng sẽ qua Ba Lê với chồng, nàng hẹn anh bên ấy.
Tôi bỗng vui lên như đứa trẻ được mẹ cho tiền ăn kẹo. Đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, bà Huyền Hoa liền trở lại công việc:
-Từ đây qua biên giới Ba lan chắc anh sẽ không gặp trở ngại, tôi đã lo liệu phương tiện đầy đủ. Nếu sợ thì chỉ sợ lúc sắp vượt biên giới.
-Bà cũng biết tin về Kira?
-Không. Vụ này, tình báo Tây Đức ăn mảnh riêng với CIA. Họ chỉ thuê ta làm công nên không cho biết hết chi tiết. Song ta không cần, họ khôn thì ta sẽ ngoan với họ. Tôi không biết gì về Kira, chỉ nghe Vêlana thông báo là anh đã trốn qua thị trấn Minsk. Theo sự thỏa thuận, anh chỉ có nhiệm vụ bắt Faben mang về Tây phương, nhưng còn lộ trình xuất nhập thì họ phải bố trí. Té ra vào phút chót, họ bắt anh xoay sở một mình.
-Vêlana cũng nói cho bà biết như thế?
-Dĩ nhiên. Nàng đóng một vai vô cùng quan trọng trong vụ này tuy chỉ ở hậu trường.
-Thưa bà, tại sao bà lại biết vào phút chót tôi phải xoay sở một mình?
-Do Vêlana thông báo.
-Tại sao Vêlana biết?
-Vì cô gái cùng đi với anh trên xe là nhân viên của nàng.
Hồi nãy, tôi toát bồ hôi vì toàn thân nóng ran trong cơn ghen bừng dậy. Giờ đây, cũng toát bồ hôi nhưng vì lý do khác. Vì sợ. Tôi ngờ vực cô gái kiều diễm cùng đi với tôi là nhân viên hàng hai trung thành với KGB. Tôi định giết nàng trước khi vượt biên giới. May mà tôi chỉ điểm huyệt nhẹ, và chưa thi hành kế hoạch thủ tiêu. Nếu không, tôi đã giết oan một nữ đồng nghiệp.
Thấy tôi đổi sắc mặt, bà Huyền Hoa xua tay:
-Cô gái này là thiếu tá KGB, phục vụ dưới quyền viên giám đốc Hành động, chồng của Vêlana, chứ không phải là nhân viên của ta.
-Nghĩa là trung thành hoàn toàn với KGB?
-Phải. Cô ta có trách nhiệm đi theo anh để xem anh liên lạc với ai ở dọc đường. Vì con đường số 3 …
-Thưa, con đường số 3? Kira dặn tôi dùng con đường số 3 song tôi không biết nó là con đường nào, tôi chỉ biết mỗi con đường qua Minsk đến Lvov gần biên giới.
-Anh không biết cũng phải vì anh không chuyên về xuất nhập. Sở KGB đã khám phá ra hầu hết những con đường xuất nhập điệp báo của Tây phương, song về con đường số 3, con đường do ông Hoàng thiết lập thì cho đến nay, họ lại hoàn toàn mù tịt.
-Thôi, tôi hiểu rồi … KGB đã dùng tôi để phăng ra con đường số 3 của ông Hoàng…
Tôi đang nói bỗng ngừng lại. Bà Huyền Hoa nhìn tôi ra chiều áy náy. Tôi vụt đứng dậy, giọng đầy băn khoăn:
-Bà ơi, tôi chẳng hiểu ất giáp gì cả.
-Hừ, anh chưa hiểu tại sao cô gái KGB không chờ anh qua Minsk lại giả vờ mê man để bắt anh lái xe vào bệnh viện phải không?
Tôi giật nảy người như vừa bị phỏng nước sôi. Ông Hoàng là ma xó, cái gì cũng biết. Bà Huyền Hoa còn hơn ma xó một bực. Bà ngồi trong phòng kín ở Minsk mà biết cô gái KGB giả vờ mê man trên chiếc cam nhông Vôn ga do tôi cầm lái. Tôi trợn tròn mắt nhìn bà. Bà xoa làn da răn reo, mỉm cười:
-Không, tôi vẫn là Z.62, không phải là ma xó như anh tưởng đâu. Tôi được biết như vậy là vì mọi cuộc nói chuyện trên xe anh đều lọt vào tai tôi. Đúng hơn, KGB đã gắn máy ghi âm trong xe. Sở dĩ tôi có thể nghe trộm từ đầu đến cuối là vì Vêlana cho tôi biết tần số. Trung ương KGB biết anh đến Minsk, tôi cũng biết anh đến Minsk. Còn việc cô gái KGB giả vờ mê man để được chở thẳng đến bệnh viện, tôi chưa tìm ra lý do. Nhưng theo linh tính đàn bà, nhất là đàn bà mang hai thứ tóc trên đầu, tôi cho đó là tình yêu. Có lẽ nàng muốn dặn ngầm anh thận trọng. Nàng không dám nói ra lời, phần vì trung thành với KGB, phần vì sợ máy ghi âm. Song nàng cũng không muốn anh chết.
Tôi cảm thấy toàn thân đau nhói. Bà Huyền Hoa đoán đúng. Nàng có cảm tình sâu xa với tôi, vậy mà suýt nữa tôi giết nàng.
Bà Huyền Hoa trải bản địa đồ miền tây Liên sô trên bàn, lấy bút chì vạch một đường thẳng rồi nói:
-Lát nữa, anh sẽ rời Minsk bằng con đường này. Anh có đầy đủ giấy tờ của KGB. Không ai dám chặn anh lại đâu. Đó là tôi nói phòng xa, chứ tôi không tin là họ rượt theo. Vì tôi sẽ lừa họ đi đường khác. Tuy nhiên, chặng đáng lo ngại nhất là dọc biên giới …
-Tại sao?
-Vì KGB đinh ninh anh chưa rời Minsk. Chiếc Vôn ga vẫn đậu nguyên trong sân bệnh viện, dụng cụ trong xe cứ phóng tín hiệu đều đặn nên họ tưởng anh còn ở lại đây. Song tôi nghĩ chỉ lừa họ được vài ba giờ đồng hồ là cùng. Vì trên không phận, phi cơ của họ đang thám thính. Họ sẽ nhìn thấy xe hơi của anh trên đường đi biên giới. Họ đến đây để kiểm soát, đến khi họ biết bị phỉnh gạt, họ vẫn còn kịp thời giờ khóa chặt biên giới. Cách tường bên trái bệnh viện hai trăm thước, tôi đã đậu sẵn một xe ZIL, loại cực mạnh mang bảng số KGB địa phương. Bảng số thật hẳn hòi, không phải số giả đâu nhé. Đó là xe riêng của một nhân vật cap cấp, phụ trách Phản gián. Ngồi trên xe này, anh sẽ vững như bàn thạch. Anh không sợ chủ nhân đòi xe lại vì lẽ dễ hiểu tôi đã giết hắn và nhét xác trong cốp sau. Bây giờ anh đi đi.
Tôi mở cửa định bước ra song bà Huyền Hoa cản lại:
-Không, anh nên đi lối này.
-Thưa bà, tôi còn mấy người bạn đang chờ ngoài xe.
-Vợ chồng bác học Faben và cô gái thiếu tá mật vụ phải không? Tôi đã lo liệu xong đâu vào đấy rồi.
Tôi thoáng bắt gặp trong mắt bà Huyền Hoa một tia sáng khác thường. Tôi bèn năn nỉ:
-Bà có thể cho tôi một ân huệ được không?
Bà Huyền Hoa nghiêm nét mặt, giọng sang sảng:
-Tôi biết anh định xin ân huệ gì rồi. Anh muốn tha chết cho cô gái KGB phải không? Nếu anh coi nàng quý giá hơn cơ sở của Sở ở Liên sô thì tôi sẵn sàng …
-Thưa bà …
-Anh đừng vật nài, vô ích. Dầu nàng tốt với anh, dẫu nàng tốt với Sở hoặc muốn bỏ KGB để nhập Sở, tôi cũng giết nàng. Anh đã dự những cuộc hành quân du kích tất biết du kích quân không khi nào mang theo tù binh, và ngay cả thương binh của họ nhiều khi cũng bị bỏ rơi. Họ phải giết để bảo toàn bí mật.
Nhân tiện tôi cần nói cho anh rõ là ông Hoàng đã chi tiêu gần 10 triệu đô la, hy sinh 5 nhân viên trung cấp và mất đúng 34 tháng giòng mới thiết lập xong con đường xuất nhập số 3 từ Mạc tư khoa qua Minsk, xuyên qua Ba lan, Đông Đức đến thị trấn Bá linh. Gần đây, Vêlana đã góp bao công của để giữ cho nó được hữu hiệu. 5 tháng trước, vì sự hớ hênh của một nam nhân viên trước mặt đàn bà nên con đường số 3 suýt bị KGB tìm ra. Suýt nữa trạm của ta ở Minsk bị bại lộ. KGB chỉ biết một điệp viên quan trọng của ta ở Minsk làm nghề y tế chứ chưa biết rõ là y sĩ hay điều dưỡng, đàn ông hay đàn bà và tên gì. Anh biết người anh tiếp xúc tại Minsk với bí danh Ivan và mật khẩu "bánh kasagurép" là ai không? Y là tùy phái già của bác sĩ phó giám đốc bệnh viện, trưởng khu phẫu thuật. Sau khi y gặp anh, y sẽ giới thiệu anh với bác sĩ phó giám đốc vì viên bác sĩ này mới là điệp viên thực thụ, đặc trách trạm Minsk. Lão tùy phái chỉ là liên lạc viên. Nếu tôi để y gặp anh, cơ sở sẽ bị lộ, sáng mai phản gián sẽ ập vào bắt y tra tấn, và từ y sẽ phăng ra viên phó giám đốc bệnh viện. Để bảo vệ cơ sở, tôi phải gạt nước mắt giết lão tùy phái. Trong nghề do thám này, quyền lợi của tổ chức phải đặt lên trên hết. Lão tùy phái là đồng nghiệp mà tôi còn phải xuống tay, huống hồ cô bạn gái của anh… Anh Văn Bình, từ hồi gặp anh ở Hà nội đến giờ, con Nguyệt Thanh của tôi đã tiến bộ rất nhiều, nó không còn xúc động một cách hời hợt như trước nữa, vậy mà anh chẳng tiến bộ chút nào (3) …
Tôi lại thở dài:
-Xin lỗi bà.
Bà Huyền Hoa mở cửa hông dẫn tôi sang phòng bên. Dưới ánh đèn đêm nhợt nhạt, tôi thấy một người đàn ông trên ngũ tuần, mái tóc muối tiêu, đeo kính cận thị đang gục đầu trên bàn. Bên cạnh là một ve thuốc nước màu đen đã uống gần cạn. Tôi biết y là tùy phái của bệnh viện Minsk, là đồng nghiệp của tôi. Y đã chết cho nghề nghiệp. Biết đâu sau này, bà Huyền Hoa hoặc tôi cũng sẽ chết thê thảm như y.
Chắc bà Huyền Hoa vừa đánh atémi vào tim làm y bất tỉnh. Tuy đã 60, bà còn đánh nổi những atémi sấm sét, đủ khuất phục bọn vệ sĩ trai tráng. Sau khi lão tùy phái mê man, bà Huyền Hoa đeo găng tay, nhét ve thuốc vào bàn tay y và nâng lên miệng uống. Xong xuôi, bà lau sạch những giọt thuốc vung vãi rồi đặt nạn nhân trên ghế, đầu chúi xuống. Phản gián Sô viết sẽ đến kết luận như sau: nạn nhân sợ bại lộ nên uống thuốc độc quyên sinh.
Thấy tôi tiếp tục thở dài ảo não, bà Huyền Hoa đặt bàn tay răn reo lên vai tôi:
-Anh Văn Bình, lẽ ra người thở dài phải là tôi …
Tôi ngắt lời:
-Vâng, tôi biết lắm.
-Anh lầm. Tôi không muốn nói đến vụ hy sinh của lão tùy phái mà chỉ muốn nói đến anh, đến sự sơ hở nghề nghiệp của anh trước khi anh bước chân vào đây.
Niềm tự ái vùng dậy trong lòng tôi. Trong đời, ít ai dám chê tôi ngu dốt. Ngay cả ông Hoàng cũng lựa lời mỗi khi cần chỉ trích. Nhưng trước lời chỉ trích gần như mắng mỏ của bà Huyền Hoa, tôi lại ngậm tăm. Vì bà nói đúng. Nếu người bắn tôi hồi nãy không phải là bà Hoa, và đó là đạn xi a nuya thì ô hô … Z.28 đã về với đất.
Bà Hoa nói tiếp, giọng ôn tồn:
-Thật ra tôi dùng danh từ "sơ hở nghề nghiệp" hơi quá đáng, anh đừng giận tôi nhé. Anh đã tỏ ra thận trọng bằng cách lách sang bên khi tôi mở cửa (tôi thầm cám ơn bà, vì tôi có lách sang bên đàng hoàng), nhưng tôi vẫn bắn được anh mặc dầu anh thận trọng là vì …
Tôi giật mình:
-Thưa bà, tôi hiểu rồi. Tôi bậy quá … Tôi xin hứa từ nay bỏ cái thói quen lách sang bên trái, núp sau bức tường và ló đôi mắt ra …
Từ nhiều năm nay, tôi vẫn có thói quen bất di bất dịch này mỗi khi gõ cửa nhà lạ. Nghĩa là khi cửa lách cách mở, tôi vụt bước sang bên trái, toàn thân đều trốn sau bức tường, chỉ trừ cái trán và đôi mắt. Bà Huyền Hoa đã biết rõ thói quen của tôi nên sau khi mở cửa chỉ hươi mũi súng thuốc mê sang phải và lảy cò êm ru là đủ triệt hạ được tôi. Cũng may địch không biết tôi có thói quen xuẩn động này …
B à Huyền Hoa lại nói, mỗi tiếng của bà là một gáo nước lạnh dội vào đầu tôi:
-Mến anh lắm tôi mới nói sự thật. Anh thấy không? Anh tưởng không ai biết anh có thói quen ló mặt ra ngoài nhưng rốt cuộc ông Hoàng đã biết, và ghi trong hồ sơ về anh. Nếu ông Hoàng biết, người trong Sở biết thì chắc chắn địch phải biết. Vì vậy, một lần nữa lấy tư cách một đồng nghiệp già, tôi khuyên anh gia tăng thận trọng. Thận trọng đối địch là chuyện dĩ nhiên, nhiều khi còn phải thận trọng cả đối với bạn nữa. Ông Hoàng phái tôi sang đây vì thấy tình báo Tây Đức và Hoa Kỳ có vẻ không hoàn toàn thành thật. Họ ỡm ờ là phải, của đau con sót, họ xuất ra hàng triệu đô la, họ phải thu lại những mối lợi tương xứng.
Bà Huyền Hoa mở một cánh cửa ăn thông ra sân sau của bệnh viện. Bà bảo tôi:
-Anh trèo qua tường, đi một quãng ngắn là thấy chiếc xe hơi. Chào anh, và hẹn gặp lại ở Sàigòn cuối tháng.
Ngoài trời tối om. Những vì sao trên nền mây đen đang hấp háy như buồn ngủ. Thời tiết rét lạnh như thế này đến chị Hằng trên cung Quảng cũng ríu mắt đòi lên giường, huống hồ mấy ngôi sao lẻ loi …
Đường xá vắng tanh. Chiếc ZIL của bà Huyền Hoa đậu lù lù dưới một thân cây lớn, hai người ôm không xuể. Dường như là định lệ nghề nghiệp, xe hơi của nhân viên điệp báo chỉ đậu dưới bóng cây rườm rà, và ở những xó đường nào tối nhất, ít người qua lại nhất. Bà Hoa không phải là chuyên gia xe hơi nên đã gọi lầm tên. Đó không phải xe ZIL mà là xe Zis. Thật ra ZIL hay Zis cũng chẳng khác nhau bao nhiêu, bề dài của nó vẫn là 6th28, bề ngang hơn 2th, nặng gấp đôi xe Hoa Kỳ, động cơ xy lanh gần 6 ngàn phân khối nghĩa là uống xăng như khủng long uống nước. ZIL hay Zis thì mã ngoài của nó cũng đen sì, đồ sộ như xe tăng, tay lái cứng kinh khủng, và tốc độ như … rùa.
Từ sau thế chiến thứ hai, giới lãnh đạo Sô viết muốn xê dịch được tiện nghi và oai vệ nên sai chế tạo kiểu xe Zis. Như thường lệ, bất cứ cái gì vĩ đại ở Liên sô đều do Sít ta lin mà có nên chữ S trong tên xe này là Sít ta lin. Zis Zavod Imeni Staline. Năm 1956 nhà độc tài đỏ bị hạ bệ, người ta đổi tên Zis thành ZIL, chữ L là Likatcheva.
Tôi hơi xìu vì thấy xe Zis, không phải xe ZIL. Đành rằng Zis và ZIL như nhau nhưng xe Zis được sản xuất từ 10 năm trước, các bộ phận về máy và điện của nó đã xộc xệch và cũ kỹ. Tôi mở cửa trước nhìn vào bên trong. Cặp vợ chồng bất đắc dĩ Faben-Lôlô đã ngồi ngay ngắn trên băng sau. Tuy trời tối, tôi cũng nhìn thấy mắt họ nhắm nghiền. Tôi lại nghe cả tiếng ngáy của họ. Faben là đực rựa thì ngáy như kéo gỗ là chuyện có thể chấp nhận được, chứ còn Lôlô … Dầu sao nàng cũng là giai nhân, nếu không thuộc đẳng cấp ngoại lệ thì cũng chưa đến nỗi hạng xoàng. Lẽ ra nàng chỉ được phép ngáy rất nhỏ, đằng này nàng ngáy rừ rừ, rừ rừ như xe cam nhông nặng 20 tấn để máy chạy ra lăng ti, nghĩa là tuy tiếng ngáy rừ rừ mà tai tôi suýt bị điếc.
Tối kị của nữ giới là bệnh ngáy. Đàn bà ngáy cũng như đàn bà … hôi nách, có đẹp như Tây Thi thời xưa, hoặc như Marilin Monroe thời nay thì cũng vô ích. Riêng tôi, tôi sợ nhất đàn bà ngáy. Hồi tôi mới lớn, chưa dấn thân vào cuộc sống ba chìm bảy nổi, tôi từng đem lòng yêu một cô gái có cái miệng đẹp như hoa đào nở trong nắng xuân và thơm như được tẩm mật ong. Mỗi khi gặp nàng, tôi chỉ ngắm cái miệng kỳ quan mà quên cả bản thân và vũ trụ. Cho đến một đêm kia … nhớ nàng quay quắt, tôi đánh bạo trèo qua tường, tốn khá nhiều thịt heo nướng cho con chó giữ vườn mới lọt được vào hàng hiên đối diện phòng ngủ của người đẹp tiên nga. Tôi dệt không biết bao nhiêu mộng đẹp nhưng … hỡi ơi, trong cảnh đêm khuya thanh vắng chỉ nghe tiếng ngáy rừ rừ, rừ rừ. Tôi mở cửa sổ nhìn vào giường thấy nàng nằm một mình, dưới ánh trăng lung linh từ bên ngoài chiếu vào, miệng nàng há hốc, một giòng nước miếng quái ác chảy ra mép, và rừ rừ … rừ, rừ… giai nhân tiếp tục ngáy. Trong chớp mắt, giấc mộng thần tiên của tôi tan biến.
Nàng choàng dậy và nhận ra tôi. Nàng mừng rú và gọi:
-Anh ơi, anh vào đây với em.
Con trai đôi mươi ngày xưa không quá bạo dạn như ngày nay, nhưng tôi là con trai ngoại lệ, phái đẹp chưa mời đã xông xáo vào trận tuyến. Nay được giai nhân cất tiếng oanh vàng thỏ thẻ mời tôi nhập động thiên thai thì còn lạc thú nào bằng. Thế mà tôi vắt giò lên cổ, chạy một mạch, con chó của nàng tưởng trộm rượt theo ngoạm đứt ống quần, cọc rào nhọn hoắt đâm sâu vào da thịt tôi nữa.
Kỷ niệm giai nhân nằm ngáy đêm ấy luôn luôn ám ảnh tâm trí tôi, cho nên khi nghe tiếng ngáy phiến loạn của Lôlô, tôi cảm thấy tay chân bủn rủn. Một phút sau lại thần, tôi mới mở cửa xe, rón rén ngồi xuống trước vô lăng.
Cũng may động cơ xe Zis này thuộc loại già nua nên rống lên như máy xe tăng "Con Cọp" trèo giốc. "Con Cọp" khét tiếng trong đại chiến thứ hai vì tiếng kêu inh tai nhức óc. Tiếng máy xe Zis trùm lấp tiếng ngáy của Lôlô, tôi liếc nhìn kiếng hậu và hai bên xe lần chót rồi nhả chân "côn" phóng thẳng trên con đường rộng hơn xa lộ Biên hòa.
Như bà Huyền Hoa trù liệu, tôi không gặp trở ngại đáng kể ở dọc đường. Bà Hoa không giải thích rõ ràng song tôi cũng hiểu. Liên sô không phải là rạp hát ai muốn ra vào cũng được. Mật vụ KGB cũng không phải là anh chàng ngây điếc. Chẳng qua họ giả vờ ngây điếc. Ván bài quyết định sẽ được đánh tại vùng biên giới. Từ đây đến đó còn 200 cây số đường thẳng, tôi có thể tha hồ hút thuốc lá, uống rượu huýt ky và thả hồn vào cõi mộng…
Nhưng lòng tôi vẫn buồn ray rứt. Tôi nhớ đến cô gái KGB. Chắc nàng đã chết. Bà Huyền Hoa hay ai đã giết nàng? Nàng bị giết bằng cách nào? Nàng được chết ngay hay phải hấp hối lâu hàng giờ vì bà Hoa cần biết một số tin tức của KGB?
Đột nhiên hình bóng kiều diễm của Kira hiện lên, choán hết trí tôi. Giờ này, nàng đang ở đâu? Nằm trong xà lim khám đường Lubiănka hay nằm trong lòng đất? Sau cùng, hình bóng của Kira cũng biến mất. Óc tôi, da thịt tôi, toàn thân tôi đều rung lên một lượt. Tôi chợt nghĩ đến Vêlana …
Đang lái xe, tôi bỗng kêu lên một mình:
-Tức quá đi mất!
Tại sao tôi tức, và tức ai, chính tôi cũng không biết. Vì tôi thét lớn nên ở băng sau Lôlô tỉnh dậy. Nàng hỏi tôi:
-Đây là đâu?
Tôi hơi giật mình:
-Sắp đến biên giới Ba lan.
Nàng dẩu mỏ:
-Anh điểm huyệt cho em mê man phải không? Phải rồi, anh muốn được tự do hú hí với người đẹp Liên sô …
Nhưng khi nhìn quanh không thấy cô gái KGB, nàng vội dịu giọng:
-Lạ nhỉ, người đẹp Liên sô đâu rồi? Nàng bỏ rơi anh rồi phải không?
Tôi nổi đóa:
-Yêu cầu bà ngậm miệng lại.
Nàng phụng phịu ngồi yên trong góc. Faben vẫn ngáy đều đều ngoan ngoãn. Lôlô bỗng ti tỉ khóc. Tôi mặc kệ nàng khóc. Giờ đây tôi ghét nàng hơn lúc nào hết. Có lẽ vì tôi còn nhớ Vêlana và cô gái KGB, nhưng cũng có lẽ vì tiếng ngáy thô bỉ của Lôlô đã làm nguội lạnh những thèm muốn xác thịt trong lòng tôi.
Trời tờ mờ sáng. Brest, thị trấn cuối cùng trước khi vượt biên giới đã hiện ra lù lù trước mặt. Buổi rạng đông trên đất Nga cũng tối mù như những buổi rạng đông mùa rét nhiều sương muối ở miền thượng du Bắc Việt. Gió thổi vào xe như những lưỡi dao nhọn cắt xẻo da thịt, xòe bàn tay phải nhìn kỹ mới thấy rõ ngón. Trời đầy sương như thế này xe hơi phải mở hết đèn pha mới khỏi gặp tai nạn, phương chi con đường dẫn đến biên giới là con đường tôi không quen. Vậy mà tôi không bật đèn, và cũng không giảm tốc độ.
Bắt đầu phóng qua thị trấn, tôi mới bật đèn. Kỳ lạ thay, bọn lính gác ở hai đầu thị trấn không quan tâm đến chiếc Zis của tôi. Sự an toàn này lại làm tôi thấp thỏm thêm. Lực lượng biên phòng Sô viết gồm 300.000 binh sĩ, càng xa Mạc tư khoa bao nhiêu, sự canh gác càng cẩn mật bấy nhiêu. Thời tiết lạnh chỉ là lý do phụ, tôi có cảm tưởng là KGB cố tình mở đường cho tôi đi. Nhưng họ sẽ cho tôi đi đến đâu? Đến đâu thì họ chặn lại?
Bà Huyền Hoa dặn tôi thận trọng khi vượt qua chặng đường gai góc cuối cùng này. Tôi đã nghe lời bà nhưng xe chạy qua Brest, tiếp tục bon bon đến sông Bug tôi cũng chẳng thấy ai. Bảng số KGB chềnh ềnh trên càng xe Zis là bùa hộ mạng chăng? Tôi không tin. Trừ phi một ông bự KGB nào gọi điện thoại cho các trạm canh phòng nhắm mắt cho tôi tẩu thoát. Ngày xưa, Quan vân Trường bỏ Tào về với anh, lộ trình ngắn hơn, màng lưới ngăn chận kém hữu hiệu hơn mà phải "quá ngũ quan trảm lục tướng". Ngày nay tôi phom phom từ Minsk đến lãnh thổ Ba lan lại chẳng cần bắn một phát súng hoặc xử dụng một ca lô ri nào để đánh atémi. Tại sao?
Tôi lái như bay lên cầu. Cây cầu dài này được bắc qua sông Bug. Bọn lính biên phòng Nga ở bên này cầu không thèm hỏi giấy tờ đã đành, cho đến trạm gác Ba lan ở bên kia cầu cũng để cho tôi nhập cảnh tự do mới lạ … Nhưng nghĩ cho cùng thì chẳng có gì là lạ. Xe Zis của tôi mang bảng số nhân vật cao cấp KGB mà ông lớn mật vụ Liên sô ngày nay cũng như đại quan trong triều ở Trung hoa cổ xưa, chặn xe lại thì … ốm đón. Bọn lính Nga đã cho đi thì bọn lính Ba lan đâu dám ngo ngoe. Vả lại, việc kiểm soát giấy tờ dọc biên giới không được áp dụng đối với nhân viên an ninh và quân sự.
Dầu sao tôi đã có thể thở phào ra khi cây chắn bằng sắt được kéo lên và chiếc Zis phóng nhanh vào nội địa Ba lan dưới ánh mặt trời hồng buổi sáng. Ba lan là chư hầu của Liên sô song hầu như không khí có vẻ nhẹ nhõm. Trong số các chư hầu Đông Âu, Ba lan được coi là nước "tự do ", chỉ đứng sau Tiệp khắc.
Có nhiều lý do khiến tôi cảm thấy an toàn hơn trước. Thứ nhất, dân số Ba lan gồm 33 triệu thì khoảng 30 triệu là tín đồ Thiên chúa giáo. Họ bị cưỡng bách theo cộng sản, còn lòng họ lại hướng về tự do. Yếu tố này đã giúp các điệp viên Tây phương hoạt động dễ dàng ở Ba lan. Thứ hai, so sánh với đàn anh KGB, sở Mật vụ Z-2 của Ba lan chỉ là đứa trẻ chập chững học đi. Theo sự sắp xếp bên trong khối minh ước Vạc sô vi mà Ba lan là một thành phần, mật vụ Z-2 chỉ đảm trách do thám các quốc gia thuộc khối Bắc Đại tây dương, cho nên việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng Z-2 nỗ lực hoạt động ở các nước ngoài còn ở trong xứ thì lỏng lẻo và bê bối. Sự bất lực của Z-2 cộng với một hệ thống an ninh rời rạc gồm 45.000 nhân viên khệnh khạng đã giúp những người có kinh nghiệm sau bức màn sắt như tôi vượt qua Ba lan dễ dàng.
Ba lan ở xa nước ta hàng vạn cây số nên nhiều đồng bào không biết. Nếu biết, cũng chỉ biết trên mặt báo, qua sự hiện diện của phái đoàn Ba lan trong Ủy hội Quốc tế, và thái độ thiên vị của phái đoàn này. Thành ra, một số người đã ghét oan Ba lan. Thật ra, nước Ba lan không giống với thái độ của mấy ông trong Ủy hội. Tôi đã qua Ba lan nhiều lần và lần này tôi vẫn cảm thấy bồi hồi như lần viếng thăm thứ nhất…
Các bạn thử ghé qua rồi biết … Người Ba lan có một truyền thống đầy thi vị, truyền thống "nhậu nhẹt". Họ ăn bất kể giờ giấc, ăn thật nhiều, ăn thật ngon, và ăn thật vui. Họ lại không tham ăn, hễ gặp khách là mời cho kỳ được. Lối ăn uống của họ rất thượng lưu, sau bữa ăn, khách khứa đều sắp hàng dài trước một … nữ chủ nhân để cám ơn và để … hôn tay. Chỉ tiếc một điều là nghệ thuật nấu nướng Ba lan còn quá kém cỏi.
Ngược lại, nghệ thuật làm tình của phụ nữ Ba lan thì tuyệt. Có một đêm … Tôi miên man nhớ lại một đêm đầy trăng, một cô gái Ba lan khá đẹp rủ tôi ra cánh đồng vắng để ăn bánh pierô. Xin thưa bánh pierô là một loại ba tê, gồm hai miếng bánh kẹp thịt, nấm, phó mát, rau, hoặc mứt trái cây ngọt lật. Ăn bánh này cũng như ăn hủ tiếu giá sống ở Miền Nam và phở ở Miền Bắc nước ta, nghĩa là dân gian rất khoái. Nhưng rủ trai ra cánh đồng vắng để ăn bánh pierô thì quả hơi lạ.
Người Ba lan cũng như người Tàu thích ăn mỡ nước. Mọi món ăn đều rưới mỡ nóng bỏng lên trên. Bánh pierô cũng vậy, khi ăn người ta rưới mỡ nóng. Vì thế, tôi hiểu rằng người đẹp mời tôi ra cánh đồng vắng chẳng phải để ăn bánh kẹp.
Thưa hải nội chư quân tử! Nàng không mời tôi ra cánh đồng vắng ăn bánh pierô, mà để biến tôi thành cái bánh kẹp pierô. Vâng, tôi không dám nói sai, đêm trăng ấy tôi bị hai cô gái Ba lan kiều diễm nhưng nặng … kí quần thảo đến bở hơi tai, long hết đinh vít đầu gối. Sách của tôi phải được trình kiểm duyệt mới được đem in, cho nên tôi không dám tả chân một cách quá … tả chân. Song dẫu không có bà cụ kiểm duyệt, tôi cũng xấu hổ mà yêu cầu bạn đọc thông cảm.
Bạn đọc hãy cố gắng tưởng tượng ra một cuộc đấu võ, đặc điểm của nó là hai người cùng đánh một người, chỉ đánh bằng một miếng võ và chỉ nhằm đánh một yếu huyệt. Đấu võ một chọi một như vậy chỉ lãnh một hoặc hai đòn là đủ lăn kềnh, phương chi đêm trăng lênh láng trên cánh đồng cỏ êm mượt ấy, tôi phải tả xung hữu đột suốt từ nửa đêm đến sáng bảnh mắt. Vâng, đến sáng bảnh mắt, thiên hạ ùn ùn ra ruộng đối phương mới chịu hưu chiến. Kể ra tôi không đến nỗi xoàng nên khi nổi kèn thu quân, nếu tôi thất điên bát đảo thì hai nữ địch thủ … ái tình cũng phải dựa gốc cây mà thở hồng hộc muốn chết. Thời gian trôi qua, tôi đã học thêm kinh nghiệm, giá hai kẻ thù mặt hoa da phấn ngày xưa xuất hiện ở góc đường, chặn xe lại đòi tái diễn trận đấu nghiêng ngửa, tôi quả quyết sẽ không thủ hòa nữa … mà sẽ thủ thắng để "trả thù dân tộc".
-Ô kìa, anh ơi!
Lôlô vừa cất tiếng gọi tôi. Thái độ của nàng có vẻ hốt hoảng. Tôi hỏi, giọng hơi khó chịu vì nàng đã phá đám giấc mộng nhung gấm của tôi về cặp võ sĩ yêu đương:
-Cái gì mà ngậu sị lên thế?
Nàng nói cuống quít:
-Chặn xe, người ta đang chặn xe mình lại!
Hừ, biết đâu giấc mộng vu sơn đã thành sự thật. Hai cô gái Ba lan ngon lành muốn tiếp đấu trận quyền bất phân thắng phụ. Lôlô quả có tài nhìn xa vì trên con đường thẳng tắp như thước kẻ học trò, cách gần 500 mét phía trước có một chiếc xe hơi đen vừa từ trong lề lái ra chắn ngang. Lôlô la thất thanh:
-Thắng mau, thắng mau đi anh! Quẹo sang đường khác kẻo chết!
Tôi phá lên cười vì chỉ có một con đường. Trừ phi chạy lui, còn quẹo trái, quẹo phải đều không có lối đi. Nhưng tôi không thắng lại cũng không chạy lui mà cứ tiếp tục xả hết tốc độ. Chiếc xe đen hiện rõ ra trước mắt. Lôlô nắm chặt cánh tay tôi, suýt nữa nếu tôi không tinh mắt và phản ứng nhậm lẹ thì vô lăng đã quẹo sang bên, đưa luôn chúng tôi xuống ruộng. Khi đến gần tôi mới đạp chân vào bàn thắng. Xe tôi dừng lại vừa xoẳn, chỉ nhích lên 10 phân tây nữa là cốp xe trước bẹp rúm. Lẽ ra phải sửng sốt trước thái độ phớt tỉnh khó hiểu của tôi, nàng lại phát vào lưng tôi một cái đau điếng, và nói bằng giọng rửng mỡ:
-Anh làm em suýt rụng tim!
Tôi biết là nàng đóng kịch. Nhưng về phần nàng, có lẽ nàng vẫn tưởng tôi là gã đàn ông ngu xuẩn. Tôi nhảy xuống, tài xế của chiếc xe chắn ngang đường mặc sắc phục đại úy quân đội Đông Đức đã dựa lưng vào cốp, điềm nhiên hút thuốc lá. Hắn là người Tây phương, mũi lõ, da trắng, còn rất trẻ chỉ độ 23, 24 tuổi là cùng. Những nếp răn ở đuôi mắt tố cáo hắn có nhiều kinh nghiệm lăn lộn dẫu tuổi đời còn non. Tôi đến bên hắn xổ ra một tràng tiếng Đức. Hắn vứt điếu thuốc xuống đường, dẫm chân lên trên rồi đáp lại, nhưng bằng tiếng Anh. Lôlô ngẩn tò te, hết nhìn tôi lại nhìn gã thanh niên lạ.
Tôi với hắn là người lạ nhưng lại rất quen nhau, và có thể tin cậy nhau vì hai câu nói tầm phào vừa trao đổi là mật khẩu nhận diện. Bà Huyền Hoa cho biết tôi sẽ gặp một sĩ quan Đông Đức chính hiệu trăm phần trăm, và hắn sẽ cung cấp đầy đủ phương tiện cho tôi đi Đông Bá linh được an toàn.
Hắn mời tôi hút thuốc, giọng thân mật:
-Báo hại tôi đang ngủ trong phòng có lò sưởi phải thức dậy từ 3 giờ sáng và lái đến đây chờ anh.
Tôi hỏi hắn:
-Anh nhận được lệnh khi nào?
-Như tôi vừa nói, đúng 3 giờ sáng. Nhưng thôi, anh tò mò làm gì, phiền lắm. Chúng mình như đám bèo trên sông, mỗi phút một thay đổi vị trí, chẳng thân ai và cũng chẳng quyến luyến nơi nào.
Chỉ xe hơi của hắn, một chiếc xe hơi sơn màu mát tích khá sạch sẽ, hắn giải thích:
-Bề ngoài, nó nhỏ xíu và sộc sạch nhưng coi chừng, trên đường trường nó không chịu thua ai đâu.
Thấy tôi dán mắt vào lớp sơn bóng loáng, hắn tủm tỉm cười:
-Anh ngạc nhiên vì thân xe đổi màu phải không? Chẳng qua nó được trang bị một dụng cụ phát khói màu làm nước sơn biến đổi. Màu thật của sơn là mát tích, không trắng hẳn và cũng không vàng hẳn. Khi cần, nói có thể thay sang màu đen và nâu sẫm. Nhiều luồng khói từ ống sáp măng sau xe tỏa ra, kết thành tấm màn khói và tạo ra ảo ảnh thị giác. Riêng bộ phận phun khói ngụy trang này đã trị giá 20.000 đô la Mỹ. Vả lại, cơ quan H.Z.V.D. (4) thiếu gì tiền, phải không anh?
Hồi ở Sàigòn, tôi đã được ông Hoàng nói nhiều đến một phát minh tân kỳ của kỹ nghệ điệp báo điện tử mà giới trong nghề mệnh danh một cách bay bướm là "khói Phù dung". Tùy theo là KGB hoặc CIA sản xuất, "khói Phù dung" mang nhiều hình thể khác nhau, nhưng đại để nó là một dụng cụ không quá cồng kềnh, có thể đem bên mình, gồm nhiều viên thuốc màu, hễ bấm nút thì viên thuốc rớt vào cường toan và bốc thành khói màu đen, trắng, đỏ, vàng hoặc xanh. "Khói Phù dung" được xử dụng vào mục đích ngụy trang. Trong đại chiến thứ hai nó giúp hải quân các phe tham chiến lẩn trốn tàu địch. Tuy nhiên, phải đợi đến sau chiến tranh Cao ly một thời gian nó mới được tối tân hóa để trở thành một dụng cụ gián điệp đắc lực. Tình báo CIA sáng chế một thứ sơn hấp riêng, hễ gặp "khói Phù dung" thì lập tức chuyển màu. Một màu có thể chuyển thành 3, 4 màu khác, và "khói Phù dung" chỉ phun một loại khói trắng.
Máy phun "khói Phù dung" trị giá 20.000 đô la là thường. Ông Hoàng đã sai chế tạo một số dụng cụ phun khói đắt gấp đôi. Tôi đồng ý với gã điệp viên là H.Z.V.D. không thiếu gì tiền. Vì lẽ đó là cơ quan chuyên in bạc giả của Đông Đức. Nhưng tại sao hắn lại nhắc đến H.Z.V.D.?
Tôi chưa kịp hỏi, hắn đã cắt nghĩa:
-Chiếc xe này là của nha H.Z.V.D. tọa lạc ở Lép dít ( Leipzig ). Nó có nhiệm vụ chở giấy bạc đến Ba lan. Công việc đã xong, nó đang lên đường về Đông Đức thì bị tôi chặn lại. Anh có thể lái một mạch đến Đông Bá linh, bảng số của nó còn oai hơn bảng số KGB nữa.
-Nhân viên trên xe gồm cả thảy mấy người?
-Một tài xế và bốn nhân viên võ trang. Nhưng đó là chuyến đi. Còn chuyến về chỉ có một mình anh tài xế. Và tài xế là anh.
-Giấy tờ?
-Phiền anh chờ hai phút.
Hắn lùi lại một bước, nâng cái máy ảnh Polaroid lên ngang mày. Tách một tiếng nhỏ, hắn đã chụp xong bức hình của tôi. Té ra hắn chụp ảnh tôi để dán vào phiếu công tác của tài xế. Tôi đoán già là hắn phải là cộng sự viên lâu năm của H.Z.V.D. nghĩa là có nhiều kinh nghiệm về giấy tờ giả nên từ việc chụp hình, dán hình, và đóng dấu nổi, hắn chỉ hoàn thành trong vòng mấy phút đồng hồ ngắn ngủi. Xong xuôi, hắn ném xấp giấy tờ qua cửa xe vào bên trong và nói:
-Đêm nay, anh sẽ được nhảy đầm mỏi chân ở Tây Bá linh. Thấy anh về, tôi thèm nhỏ giãi.
Tôi hỏi hắn:
-Anh hoạt động ở đây lâu chưa?
Hắn khoát tay:
-Khá lâu.
Lôlô đã dìu Faben xuống xe. Vẻ mặt nửa ngủ nửa thức của lão già bác học trông thật thảm hại. Sung sức tình yêu xác thịt như Lôlô mà đeo lấy khối mỡ bèo nhèo Faben này kể cũng là chuyện lạ. Gã điệp viên da trắng ra lệnh cho Lôlô:
-Mời cô trèo lên.
Lôlô nhăn mặt khi thấy gã điệp viên da trắng chỉ vào cửa sau:
-Lên cửa này ấy à?
-Hừ, ngồi phía sau sướng hơn phía trước nhiều. Vả lại, đây là vấn đề an ninh.
Hắn đút một sợi thép nhỏ vào ổ khóa, lắc trái lắc phải và cái khóa tuột ra. Hắn lấy bá súng lục đập nát vòng si tròn màu đỏ nằm chềnh ềnh trên mép cửa, và xé toạc tờ giấy bên dưới, trên đó có hai chữ ký ngòng ngoèo như con giun. Thì ra H.Z.V.D. đã cẩn thận niêm phong cửa xe bằng dấu xi và chữ ký. Hắn quay lại phân bua với Lôlô:
-Cô thấy chưa? Cửa xe được niêm phong, không ai được phép mở. Từ đây về Bá linh cô tha hồ ngủ không sợ ai quấy rầy.
Lôlô uể oải trèo lên. Trước khi bước vào bên trong nàng còn nguýt tôi một cái. Nhưng không phải nguýt vì giận hờn mà vì thèm muốn. Cơn sốt ái tình đang dâng cao trong lòng nàng.
Gã điệp viên từ tốn đổ xi lỏng vào dấu cũ chờ đông lại, đóng một dấu tròn lên đoạn hắn dán tiếp theo một mảnh giấy vàng tự tay hắn ký. Từ động tác mở khóa đến giả mạo chữ ký niêm phong, hắn đều có cử chỉ khoan thai và quen thuộc chứng tỏ hắn là đàn anh trong nghề. Hắn xoa tay khoan khoái tôi vỗ lưng tôi:
-Chào anh nhá!
Tôi chỉ chiếc Zis to lớn:
-Còn cái của nợ này?
Hắn cười:
-Anh yên tâm. Tôi chỉ cần nửa giờ là làm thịt xong. Họ dùng kiếng lúp tìm từng tấc đất cũng chẳng thấy gì hết.
Hắn lẳng lặng trèo lên xe Zis của tôi, gài số de rồi lái lộn lại về nẻo biên giới.
Chiếc xe sơn màu mát tích của H.Z.V.D. thuộc kiểu Wartburg 353 do Đông Đức chế tạo. Cũng là nước Đức nhưng phía tây thì toàn là công ty xe hơi nổi danh, sản xuất những thần mã tuyệt hảo, ngồi trên xe phóng trăm cây số mà êm như trong xa lông phòng khách với những Mercédès, Porsche, Audi, Volkswagen, NSU, trong khi đó ở phía đông lại chỉ vẻn vẹn một công ty xe hơi duy nhất. Tây Đức sản xuất hàng năm ba triệu chiếc thì Đông Đức lèo tèo 10 vạn chiếc. Và máy lớn nhất của Đông Đức còn nhỏ hơn máy xe Volkswagen …
Tôi nhớm ga nhè nhẹ, thử hộp số rồi lái nhanh vào lề đường. Tôi thở phào sung sướng như gã điệp viên da trắng nói trước. Chiếc 353 này không quá cù lần như tôi tưởng. Chắc động cơ Porsche thứ đặc biệt trên 2.000 phân khối.
Trời đầy mây xám như sắp mưa lớn. Tuy nhiên, đường vẫn khô ráo. Tôi được tự do xả ga, luôn luôn giữ tốc độ 130 cây số giờ, ngay cả trên những quãng đường khúc khuỷu hoặc gồ ghề. Chẳng bao lâu tôi vượt qua sông Vistule vào Vạc sô vi, thủ đô Ba lan trước khi vượt biên giới Tiệp khắc.
Phong trào dân chủ hóa đang lan tràn trên đất Tiệp. Cho dẫu tôi không có bùa phép của H.Z.V.D. cũng có thể lái xe thảnh thơi. Giờ đây, nếu các lãnh tụ điệp báo Đông Đức biết tôi xử dụng xe hơi của H.Z.V.D. họ sẽ sợ toát bồ hôi vì cơ quan này là cơ quan bí mật nhất của họ. Tại Lép dít, tổng hành doanh H.Z.V.D. được đặt ở ven đô, trong nhiều căn nhà xây ngầm dưới đất chứa những máy in, máy làm bản kẽm và thư khố tối tân. Ngoài mặt, nó là xưởng in giấy bạc cho các nước chư hầu cộng sản, nhưng thật ra nó còn phụ trách cả việc cung cấp giấy tờ và bạc giả cho điệp viên cộng sản hoạt động tại phương Tây.
Khi tôi lái qua trạm gác biên giới Tiệp để vào Đông Đức thì trời bắt đầu xế chiều. Sự an toàn dọc đường làm tôi chột dạ. Tôi không tin là đối phương còn để cho tôi an toàn trở về Tây Bá linh. Mật vụ S.S.D. tàn bạo và hữu hiệu không kém mật vụ Sô viết. Từ ngày bức tường bê tông và kẽm gai được xây cất, ngăn thị trấn ra làm đôi, làn sóng bỏ trốn của 17 triệu dân Đông Đức bị ngăn chặn, thì mật vụ S.S.D. có vẻ hả hê chớ không như trước kia phải hoạt động ráo riết mà không cản nổi ngọn trào chọn tự do. Dựa vào thái độ khinh địch này, tôi có thể thoát hiểm ngay trước mũi họ.
Tôi nghênh ngang chạy qua đường Freienwalderstrasse để vào thị trấn Đông Bá linh. Tại số 12 của đường này có một sở đặc biệt mà các điệp viên Tây phương thèm được đến coi. Sở này gọi là H.V.A. chuyên huấn luyện và điều khiển điệp viên hoạt động tại Tây Đức. Khỏi trụ sở H.V.A. một quãng ngắn có một bãi đất trống, bên trên chính quyền Đông Đức đang cho xây cư xá.
Bà Huyền Hoa đã dặn tôi kỹ càng. Thị trấn Bá linh đối với tôi cũng không xa lạ là bao nên không cần mang theo địa đồ, và không cần mở rộng mắt nhìn bảng tên đường, tôi vẫn có thể tìm thấy bãi đất trống. Theo chỉ thị, tôi lái xe vào một tòa nhà cất dở ở bên trái, phía ngoài xà bần, gạch bê tông và gỗ đá chất thành nhiều đống cao như núi.
Trời đã tối hẳn.
Tôi mở cửa sau cho Lôlô và Faben xuống. Suốt một ngày trời ngồi bó gối chắc họ đã bị đọng máu chân. Thời tiết khá lạnh song Lôlô vẫn vươn vai thở một hơi dài rồi hỏi tôi trong khi Faben giữ vẻ mặt lầm lì đáng ghét:
-Đông Bá linh hả?
Tôi gật đầu. Qua bóng tối tôi thấy nàng cười khoái trá:
-Khi nào vượt biên?
Tôi nhìn kim đồng hồ lân tinh trên cổ tay:
-Đúng ba giờ sáng. Sẽ có nhân viên CIA đến dẫn đi.
Lôlô hôn chùn chụt vào má chồng hờ Faben:
-Chúng mình sắp về đến nhà rồi. Sướng chưa anh?
Rồi quay sang tôi:
-Anh tài thật!
Tôi nhún vai:
-Tôi chỉ là bộ phận bé nhỏ bên trong một guồng máy rộng lớn.
Nàng ôm tôi hôn, bất chấp cả ông chồng ghen Faben, miệng khen tíu tít:
-Không, anh giỏi lắm. Bình sinh em chưa được gặp ai giỏi như anh.
Tôi nhớn nhác nhìn tứ phía rồi nói với nàng:
-Phiền cô và ông Faben núp sau bức tường trắng đang xây dở ở bên trái. Tôi phải đem xe đi dấu kẻo mật vụ thấy thì nguy.
Lôlô hỏi:
-Anh giấu ở đâu?
-Cũng quanh quẩn đây thôi. Cô nhớ đứng yên một chỗ, chậm lắm là 5 phút tôi sẽ trở lại.
Mặc cho Lôlô kỳ kèo, tôi vẫn cho xe chạy vào bóng tối. Nhưng đến gần một đống xà bần cao ngất ngưởng, tôi đậu lại bấm nút ở táp lô cho ăn ten tự động trồi lên. Máy thu thanh trong xe giấu sẵn phía sau một máy truyền tin cực mạnh. Tôi ghé miệng vào ống loa vi âm nói trong vòng hai phút đoạn tắt máy, hạ ăn ten xuống.
Tôi bách bộ trở lại bức tường bê tông và thấy Faben ngồi một mình. Hắn ngẩng đầu nhìn tôi song không nói nửa lời. Dường như mắt hắn cảm thấy mệt mỏi và bất lực trong đêm tối. Từ lúc rời Mạc tư khoa đến giờ, hắn luôn luôn giữ thái độ câm lặng. Tôi hỏi hắn:
-Lôlô đâu rồi?
Nàng đã trả lời giùm hắn "em đây "ở sau lưng tôi. Nàng dùng dép thật êm nên tôi không nghe tiếng động. Tôi bảo nàng:
-Chúng mình vào trong này đợi.
"Trong này " là tầng hầm của tòa nhà bốn tầng. Tôi khép cửa hầm cho ánh sáng khỏi lọt ra ngoài rồi bật lửa châm dèn cầy. Ánh nến đỏ chiếu lung linh trên nền tường trần trụi chưa kịp tô xi măng. Lôlô đưa ngón tay lên môi, giọng lo lắng:
-Anh đốt đèn làm gì?
Tôi nhún vai:
-Cho sáng.
-Lính tuần có thể nhìn thấy tia sáng.
-Cũng chẳng sao.
Tôi thấy mặt nàng hơi tái. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đang chớp lia lịa của nàng, gằng giọng:
-Cũng chẳng sao, phải không Lôlô? Vì tôi không thắp đèn cầy họ cũng biết.
Lôlô vội lùi lại, bàn tay phải quờ quạng như muốn lấy vật gì. Tôi cười nhạt:
-Cô định lấy súng hả? Dầu cô rút kịp cũng vô ích vì tôi đã đề phòng. Tôi đã tự ý gỡ mặt nạ tên công dân Bêra hiền lành thì cô cũng nên thú nhận đi. Chừng nào nhân viên KGB sẽ ập vào nhà hầm này?
Lôlô run rẩy:
-Em không biết.
-Hừ … cô không biết, nhưng cô đã biết giờ nhân viên KGB đến đón. Đúng 3 giờ, nghĩa là còn những 5 tiếng đồng hồ nữa. Cô ngu quá, cô đã bị tôi cho vào xiếc. Cô Lôlô yêu quý ơi, tôi sẽ rời chỗ này không phải vào lúc 3 giờ sáng mà là trong vòng 20 phút nữa. Tôi đoán cô sẽ báo cáo với KGB nên nói lỡm là 3 giờ. Ha, ha … gần 3 giờ, họ mới bủa vây, đinh ninh tóm được nhân viên CIA và cả tôi như lấy cá trong rọ, ngờ đâu chúng tôi đã đi trước. Ha, ha …
Tôi đã kiêu ngạo một cách dại dột vì Lôlô lợi dụng thái độ cha chú ngu ngốc của tôi để rút súng. Té ra nàng đeo súng ở bắp đùi, loại súng nhỏ nhưng bắn đạn ghém, trúng đâu là gây thương tích trầm trọng đến đấy, lại dễ trúng vì nòng không giật. Loại súng tí hon này KGB đã chế tạo riêng cho nữ điệp viên hoạt động ở hải ngoại. Bị địch dọa bắn, tôi có thể đoạt súng dễ như bỡn song đó không phải là súng đạn ghém bắn nhanh như máy điện tử của KGB. Và người bắn cũng không phải là điệp viên kinh nghiệm.
Trông cách rút súng và cầm súng của Lôlô, tôi toát bồ hôi hột. Trừ phi nàng trượt chân té ngã (hoặc nàng nổi máu đa tình mà tha chết cho tôi ) tôi mới có hy vọng chuyển bại thành thắng.
Nàng đứng cách tôi 4 thước, họng súng chĩa vào tim tôi. Nàng ra lệnh bằng giọng lạnh lùng pha vẻ du đãng:
-Ông nội, ông còn đợi gì nữa?
Tôi đành giơ tay lên. Nàng phóng chân trái vào người Faben, chồng nàng, đang ngồi trên phiến bê tông. Bị đòn vào xương mỏ ác, lão bác học già lộn nhào xuống đất, và nằm thẳng cẳng. Tôi tiến lại song Lôlô đã quát lớn:
-Đừng giả vờ nhân đạo … Anh định cứu hắn phải không? Anh yên chí lớn, hắn chỉ mê man 10, 15 phút thôi, không chết được đâu.
-Cô là con người tàn nhẫn. Cô quên những phút đầu gối tay ấp rồi ư?
-Cám ơn anh. Anh là người đàn ông tôi thích nhất. Nhưng thích là một chuyện, còn giết lại là chuyện khác. Nói cho đúng, tôi không muốn giết anh, tôi chỉ tuân lệnh trên. Sau khi anh chết, tôi sẽ xin thượng cấp xác anh để tự tay chôn cất.
-Cô đưa tôi về trụ sở mật vụ ư?
-Không. Võ giỏi như anh, áp giải đến trụ sở mật vụ để anh tẩu thoát dọc đường mất à? Vỏ quít dày tất có móng tay nhọn, bồ ạ ( xin thưa, hồi nãy nàng gọi tôi là « ông nội » ). Bồ ngu như con bò ( trời đất! ), bồ xỏ tôi đến 3 giờ mới trốn sang phía tây, nhưng tôi lại khôn hơn và báo cáo yêu cầu xếp tôi đến ngay bây giờ.
-Ngay bây giờ?
-Dĩ nhiên. Anh nghe tiếng xe thắng ken két ở ngoài xa đấy không? Xe của xếp tôi đấy, thành thật xin ngài tha lỗi ( hết « bồ » nàng lại tôn tôi làm « ngài » )…
Vận hên đã đến với tôi trong vòng một phần mười giây đồng hồ. Vâng, bây giờ thuật lại có lẽ hơi …
( thiếu hai trang! )
… hơi, trong chớp mắt toàn thân nàng bắn lên không trung rồi quất ngã xuống nền gạch đá lổm nhổm giữa bầy chuột đen sì kêu chin chít rùng rợn.
Lôlô nằm lăn ra và không cựa quậy nữa. Tôi chạy vội đến chỗ Faben nằm bất tỉnh nhưng mới xốc hắn lên vai, chưa kịp phóng ra cửa hầm thì một tiếng quát quen thuộc vang lên:
-Bỏ xuống. chậm quá rồi Z.28 ạ!
Tôi đinh ninh lừa được KGB, không ngờ kẻ bị lừa lại là tôi vì người có tiếng quát quen thuộc đã gặp tôi tại Mạc tư khoa, đã từng hạ lệnh cho tôi đầu hàng vô điều kiện. Hắn là phó giám đốc KGB Mạc tư khoa. Hắn đã lãnh ba viên đạn của Faben vào thùng nước lèo vĩ đại và nằm kềnh trên vũng máu lênh láng. Nhưng giờ hắn vẫn sống nhăn. Té ra chỉ là tấn kịch. Tôi không phải là diễn viên duy nhất. Tình báo Tây Đức và Hoa Kỳ đóng kịch, KGB đóng kịch. Ông Hoàng và tôi đóng kịch. Đúng là tấn kịch kẻ cắp bà già gặp nhau …
Gã phó giám đốc có bộ mặt đỏ gay dưới ánh nến. Chắc hắn vừa tu hết chai rượu vốt ka. Hắn đã béo quá khổ, nước da đỏ lòm càng làm hắn béo thêm, bụng hắn phưỡn ra như sửa soạn húc vào người tôi. Tôi đã có dịp đấu quyền với hắn. Hắn mập ú như hòn bi ve nhưng khi lâm trận lại di chuyển nhanh nhẹn như con nhái bén. Hắn xử dụng con dao yari Nhật bản nhậm lẹ, uyển chuyển và bén nhạy không kém những võ sư có chân tài ở Đông kinh.
Hắn lắc lư khẩu súng, giọng oang oang:
-Z.28, chuyến này anh đã hết thời. Anh tưởng 3 giờ sáng chúng tôi mới đến phải không? Còn lâu. Tôi giả ngây giả điếc cho anh vượt qua lãnh thổ Liên sô, Ba lan, Tiệp khắc và Đức quốc, nhưng tôi không thể nhắm mắt nhìn anh trở về Tây Bá linh. Giờ đây, anh đã chịu hàng chưa?
Tôi lặng thinh quan sát chiến trường. Gả phó giám đốc đã xuống hết bậc thang. Bọn nhân viên KGB lố nhố theo sau. Tôi đếm được cả thảy 10 tên. Trừ viên phó giám đốc cầm súng lăm lăm, toàn thể đều tay không. Chúng đinh ninh bắt sống được tôi. Vả lại, bên ngoài tòa nhà đang còn một vòng vây kiên cố khác. Đây là đất cộng sản, tôi có pháp thuật hóa thành con muỗi (hoặc ít ra thành con chuột lắt) mới hy vọng trốn thoát.
Bọn mật vụ Sô viết chia làm haí cánh, mỗi cánh 5 tên, xếp hàng một thành hình vòng cung, khép dần khép dần quanh tôi. Tôi vẫn đứng yên, mắt không chớp. Gã phó giám đốc KGB hô:
-Đứng lại.
Bọn thuộc viên đứng lại răm rắp như thể người máy tuân lệnh của tổng đài điện tử. Tên nào cũng khuỳnh tay chống nạnh. Đối với người Việt, tôi thuộc loại « sếu vườn » ( xin lỗi « sếu vườn » Lê Diệp ) nhưng ở giữa đám mật vụ KGB này, tôi bị tuột xuống hạng lùn. Vì tên thấp nhất trong bọn cũng xấp xỉ 180 phân bề cao. Và tên nhẹ nhất trong bọn cũng xấp xỉ 100 kí lô xương thịt.
Gã phó giám đốc dõng dạc:
-Tôi cho anh 60 giây để suy nghĩ. Nếu anh chịu đầu hàng, không kháng cự, tôi sẽ ra lệnh cho còng tay, giải về trụ sở. Bằng không, tôi sẽ lấy số đông đàn áp số ít. Anh rất giỏi võ, nhưng thân cô thế cô anh vẫn bại như thường. Nếu anh hạ được 10 thuộc viên của tôi, tôi sẽ gọi 10 thuộc viên khác vào đây, tiếp tục quần thảo với anh. Tôi có cả thảy 100 thuộc viên cao to và thông thạo võ nghệ. Đề phòng anh có sức địch trăm người, tôi đã cho hai chiến xa túc trực ngoài đường, đại bác của nó chỉ ho một tiếng là anh tan như xác cám.
Tôi thở dài:
-Vâng, tôi xin hàng.
Hai tên khổng lồ tiến lại, định bẻ quặt tay tôi ra sau lưng để còng. Tưởng như chúng đụng vào là bàn tay tôi bẹp nát nhưng không hiểu sao cả hai đều vận hết sức, phồng má, trợn mang, mắt gần tóe máu tươi mà tôi vẫn đứng trơ trơ như bức tượng được vặn đinh vít xuống nền nhà. Chẳng qua chúng chỉ có bộ mã hùng hổ, còn chân khí trong người chúng chỉ nhẹ như bông nên không lay chuyển được tôi. Tôi mỉm cười nhìn gã phó giám đốc KGB. Hắn quát ầm lên:
-Đồ ăn hại. Tụi bay lôi nó lại đây cho tao.
Hai tên nữa, rồi bốn tên nữa khệnh khạng bước lại. Nhưng cả 6 tên đổ bồ hôi, miệng thở phì phò trong khi tôi vẫn nhởn nhơ. Tôi gồng tay xô bạt cả bọn vào nhau, đứa này ngã chận trên đứa kia. Gã phó giám đốc ra lệnh ồm ồm:
-Giần cho nó một trận.
Toàn thể 10 nhân viên đô vật ùa vào người tôi. Phải tứ diện thụ địch, tôi không lo đối phó mà lại tủm tỉm cười. Tôi cười vì thái độ của gã phó giám đốc KGB đã gián tiếp báo tin là địch không giết tôi, ít ra là trong lúc này. Nếu địch còn cho tôi sống, tôi vẫn hy vọng phá vỡ vòng vây. Tôi đạp hai tên gần nhất ngã lăn cù rồi nhảy lùi lại, lớn tiếng nói với gã phó giám đốc:
-Anh không rửa cái nhục đấu dao ở Mạc tư khoa ư?
Hắn chưa kịp đáp thì tôi đã cho ba tên khổng lồ khác đo ván. Vị chi trong vòng một phút đồng hồ, 5 tên đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Kể ra bọn chúng không đến nỗi xoàng, chẳng qua vì chúng chưa đáng mặt đối thủ của tôi, huống hồ tôi đánh toàn đòn độc, phát atémi nào tôi cũng vận hết sức và nhắm vào yếu huyệt.
Gã phó giám đốc KGB hạ thấp miệng súng. Đoàng, đoàng, hai phút nổ liên tiếp. Hắn định bắn tôi què chân nhưng không ngờ cả hai viên đạn 9 li lại cắm vào đùi thuộc viên của hắn. Hai nạn nhân khuỵu xuống. Trong phòng chỉ còn lại 3 tên. Gã phó giám đốc chạy sang bên trái tôi, phen này tôi khó có hy vọng thoát nạn vì hắn chỉ cách tôi ba thước, nhưng một lần nữa ông Trời lại thương tôi. Faben, lão bác học đần độn và khó tính, đã chồm dậy húc vào mông hắn. Hắn tông đầu xuống đất, khẩu súng văng khỏi tay. Trong khi ấy, tôi đã thanh toán xong 3 tên mật vụ cuối cùng.
Giờ đây tôi mới nhận ra gã phó giám đốc không đi giày. Người Tây phương không đi giày là chuyện lạ. Ngoài trời lại rét kinh khủng. Lớp da non ở gan bàn chân chạm vào đống sỏi có thể làm đau buốt tận óc. Tại sao hắn không đi giày?
Khi hắn tung bàn chân đá vào mạng mỡ tôi, tôi mới tìm ra lý do. Hồi ở Mạc tư khoa, hắn đã thi thố nghệ thuật yari jutsu và shuri ken jutsu, nghĩa là nghệ thuật đấu đoản đao và phóng phi đao của nhu đạo, song đã bị tôi khuất phục. Hắn bèn tuột giày để đánh môn võ si lét vì hắn nghĩ rằng Z.28 am tường nhiều bộ môn nhưng không am tường võ si lét.
Nói về võ nghệ, nhiều khi người ngoại cuộc tưởng là hoang đường, song trên thực tế lại chẳng hoang đường chút nào. Chẳng hạn khi nói về đấu dao, người ta có định kiến là chỉ có thể đấu dao bằng tay, nhưng võ sĩ si lét lại đấu dao bằng chân. Vâng, đấu bằng chân, với con dao si lét kẹp giữa hai ngón chân.
Con dao si lét và nghệ thuật đánh dao bằng ngón chân xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 14 tại tỉnh Atjeh, thuộc đảo Sumatra, Nam dương. Nó chỉ dài chừng 2 tấc tây, lưỡi nó hơi cong, mũi nó nhọn hoắt, bản nó phình ra và có rãnh để có sức xuyên phá và cho máu chảy ra ngoài. Đặc điểm của nó là cái cán, cán nó không được gọt theo hình thẳng như mọi cán dao khác mà là gọt theo hình cong, trông như cái tẩu hút thuốc lá. Cán dao được tiện trong sừng trâu nước, loài trâu sống lâu năm trong rừng rậm có cặp sừng đen, búa đập không vỡ. Tục truyền sừng trâu còn có mãnh lực huyền bí hễ thấy thịt người là xấn tới như thể có mũi biết đánh hơi. Nhờ mãnh lực đánh hơi này, dao si lét ít khi đâm trệch mục phiêu. Hễ đâm vào ngực là nó phập giữa tim, vì tim là nơi tập trung nhiều máu nhất trong cơ thể.
Trong thế kỷ 16, đảo Sumatra bị đặt dưới nền đô hộ Hòa lan. Chế độ thuộc địa vô cùng hà khắc đã gây ra ngọn trào phẫn nộ trong dân chúng bản xứ và người Atjeh vùng dậy dùng phương tiện hạn chế và nhỏ bé của mình để kháng chiến chống xâm lăng. Họ thiếu thép tốt nên chỉ có thể chế tạo đoản đao. Loại đoản đao này trở thành dụng cụ vô ích đối với gươm dài hoặc lưỡi lê cắm đầu súng. Vì vậy, người Atjeh sản xuất dao si lét, tuy ngắn mà thành dài hơn gươm và lưỡi lê vì được đánh ba chân.
Từ năm 1955 đến năm 1957, môn si lét lại được xử dụng một lần nữa tại đảo Sumatra trong cuộc nội loạn của bộ lạc Atjeh chống lại chính phủ trung ương của cựu tổng thống Sukarno. Hồi ấy, một số sĩ quan điệp báo Liên sô giữ chức cố vấn cộng khai và bí mật bên cạnh tổng thống Sukarno. Cuộc dấy loạn bị dẹp tan nhưng GRU đã học được một môn võ độc đáo đem về nước truyền lại cho điệp viên. Môn đánh dao si lét được đưa vào chương trình huấn luyện của điệp viên GRU và KGB Sô viết sau năm 1960. Môn này rất thích hợp với người Nga vì võ sămbô của họ chuyên dùng chân tay, và chân thường dùng nhiều hơn tay. Võ sămbô gồm nhiều thế đá lợi hại có thể lấn át cả nhu đạo và cước quyền Trung quốc. KGB phối hợp môn đá của sămbô với môn si lét của người Nam dương thành một trường phái cước độc đáo.
Gã phó giám đốc KGB đứng tréo chân, vẻ kiêu ngạo hiện rõ trên gương mặt. Hắn chắc mẩm sẽ làm thịt được tôi. Trên thực tế, nhiều điệp viên Tây phương đã mất mạng về môn si lét. Điệp viên Sô viết dấu dao nơi bắp chân, khi cần họ bố trí cho lưỡi dao tuột xuống bàn chân và phóng ra. Có khi họ còn chế lưỡi si lét mỏng tanh, đặt dưới gót giày, chỉ cử động nhẹ là mũi dao phóng ra.
Tôi nhận thấy mỗi bàn chân của hắn đều có một con dao si lét. Xử dụng được một con đã mất nhiều công phu tập luyện, gã phó giám đốc KGB phải là võ sĩ cừ khôi về đoản đao mới quặp được hai con ở ngón chân cùng một lúc. Đối với tôi, môn đánh dao Nam dương này không phải là một nghệ thuật mới lạ, tuy nhiên tôi phải thú thật là chưa được lãnh hội hết tinh túy của nó.
Muốn giỏi phải tập từ nhỏ, trẻ con ở Atjeh lên 5, lên 6 tuổi đã được các bậc cha anh dạy quặp que tre vào ngón chân. Quặp cho que tre không rớt ra ngoài là chuyện khó, quặp que tre mà đi hoặc chạy còn khó gấp bội. Trẻ con Atjeh phải quặp que tre trong ngón chân từ nhà đến trường, và khi ngồi học, sau giờ học ra chợ nô đùa chúng cũng không được rời bỏ. Dần dà, ngón chân trở nên vừa mềm vừa cứng, mềm để quấn tròn quanh que tre, và cứng để giữ cho que tre khỏi tuột. Sau một vài năm tập luyện như vậy, đứa trẻ đã biến ngón chân thành gọng kềm, người lạ muốn rứt que tre ra phải vận toàn lực.
Kể ra tôi cũng có thể quặp dao si lét một cách cứng chắc như dân bộ lạc Atjeh, nhưng vì trong thời gian qua tôi ham du hí nên chỉ học bữa đực bữa cái, mặt khác, muốn học phải cởi giày, cởi tất, đi chân không nên tôi sinh ra trễ nãi, lười biếng. Kết quả là khi đối diện gã phó giám đốc KGB, tôi cảm thấy hơi lúng túng.
Hắn cười sằng sặc như người bị cù lét khi thấy tôi co chân nhảy lùi lại. Hắn phóng luôn hai chân ra. Mũi si lét rất nhọn, có thể xuyên qua xương. Nếu nó được tẩm thuốc độc thì chỉ sướt qua da thịt là tôi đủ mất mạng. Vì vậy tôi phải thận trọng tuyệt đối.
Hắn đá thêm cái nữa, tôi lại phi thân tránh đòn. Hắn tiếp tục cười ngạo mạn:
-Sợ hả, đại tá Z.28!
Tôi nhìn hắn không chớp mắt. Tôi không dám trả lời vì cần tập trung chân khí, chờ cơ hội phản công. Giờ đây tôi chỉ có thể né tránh nhưng tôi không thể né tránh được mãi vì trong một vài phút nữa 10 tên thuộc khổng lồ của hắn sẽ tỉnh dậy. Rồi còn Lôlô, còn bọn nhân viên KGB đang túc trực bên ngoài.
Hắn từ từ tiến lại, tôi từ từ lùi về phía sau. Hắn thét lên một tiếng lớn, bàn chân phải của hắn đã tràn tới. Tôi đành nằm lăn xuống đất.
Vừa khi ấy, một loạt tiếng nổ ấm ấm nổi lên làm nhà hầm chuyển động dữ dội. May cho tôi đang nằm dài nên thoát nạn. Sức ép từ cửa hầm bung vào mạnh như nhiều trận cuồng phong chập lại thổi gã phó giám đốc bạt vào tường. Những tiếng nổ kinh thiên động địa vẫn tiếp tục đập vào tai tôi, mọi ngọn đèn cầy đều đua nhau tắt phụt.
Tôi nghe tiếng Faben gọi thất thanh:
-Trốn nhanh lên, đại tá!
Tôi vọt như tên bắn về phía cửa hầm. Nhưng tôi chưa kịp băng ra ngoài thì bị húc vào người. Tiếng nổ đã ngừng, thay vào đó là đám lửa cháy ở phía trên. Ánh lửa chiếu xuống hầm giúp tôi quan sát được trận địa, kẻ vừa húc tôi là tên thuộc viên to con nhất của gã phó giám đốc KGB. Tôi hạ bàn tay xuống cái gáy nung núc mỡ của hắn. Hắn lăn lông lốc xuống hầm. Gã phó giám đốc oang oang:
-Z.28, mày chạy đi đâu cho thoát?
Hắn hươi chân đá vào bụng tôi. Hắn ở vị trí thấp hơn nên ngọn cước quặp dao si lét trở nên ngón đòn vô ích. Tôi gạt chân từ tả sang hữu, quét vào mê huyệt nai qua của hắn bên trên mắt cá độ một phân. Tôi nghe một tiếng "chát" khô khan rồi gã phó giám đốc lộn đầu xuống đống thịt lổm nhổm của bọn thuộc viên và bầy chuột cống phiến loạn.
Tôi vừa ló đầu khỏi hầm thì nghe tiếng súng nổ ran. Tôi không nhìn thấy ai bắn. Tôi cũng không có thời giờ ẩn núp nữa. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy miết.
Đúng theo chỉ thị, tôi quẹo sang trái, chạy qua một bức tường cao ngất ngưởng và một công viên đang xây dở. Một chiếc xe hơi nổ máy sẵn đang chờ tôi.
Đêm ấy, tôi vượt qua Tây Bá linh an toàn. Vì điều kiện an ninh, tôi không thể thuật lại tôi trống sang Tây phương bằng con đường nào. Tuy nhiên,, để khỏi phật lòng bạn đọc ái mộ, tôi xin nói rằng tôi không chui qua hầm mặc dầu gián điệp Tây phương có nhiều đường hầm bí mật. Tôi đi thẳng từ khu vực phía đông sang phía tây bằng xe hơi. Sở dĩ nhân viên mật vụ cộng sản không chặn lại vì tôi có bùa phép đặc biệt.
Cùng đi với tôi có cả lão già cù lần Faben. Tôi tưởng hắn cù lần, té ra khi động dụng hắn lại chẳng cù lần chút nào. Nếu hắn không can thiệp có lẽ tôi đã bỏ xác dưới hầm. Nhưng từ khi ấy trở đi, cũng như từ Mạc tư khoa đến Bá linh, hắn trở lại bộ mặt lầm lì đáng ghét.
Sở dĩ tôi còn ngồi đây kể chuyện hầu quí vị là nhờ sự bố trí đầy đủ của bà Côrin. Tôi gọi vô tuyến báo tin cho bà, và bà cho người chờ tôi bên ngoài tòa nhà đổ. Tôi sửa soạn lên đường thì bị Lôlô rút súng áp đảo, rồi tôi phải đối phó trối chết với bọn KGB. Nhân viên của bà Côrin đã dùng súng bắn mìn muỗi phá sập hai bức tường sau khi biết tôi bị vây khốn. Mìn muỗi có lân tinh nên gây ra đám cháy. Nhưng điều đáng nói nhất là những âm thanh kỳ lạ của mìn muỗi. Khẩu súng bắn mìn muỗi chỉ lớn bằng khẩu súng UZI của Do thái nghĩa là dài khoảng nửa thước, trông hao hao như tiểu liên song không có báng. Mỗi lần súng bắn được một viên mìn, và mìn có sức công phá ghê gớm, xô đổ bức tường bê tông như chơi, lại có sức nóng làm kim khí cũng chảy thành nước, và nhất là phát ra hàng chục tiếng nổ ầm ầm, mỗi tiếng nổ to không kém vụ nổ 50 kí lát tích. Loạt tiếng nổ trời long đất lở này đã làm nhân viên KGB rối loạn hàng ngũ.
Tôi sang đến phía tây thì trời đã gần sáng. Tuy vậy tôi vẫn tưởng như mới chập tối vì đèn đuốc thắp sáng như sao sa. Trước cửa hộp đêm, xe hơi nối đuôi nhau thườn thượt. Các cô em phục sức hở hang -mặc dầu thời tiết không nóng chút nào- cười ruồi với đàn ông tứ chiếng trên vỉa hè. Như kẻ chết đi sống lại, tôi giục tài xế phóng nhanh hơn nữa.
Bà Côrin đợi tôi trong một bin đinh sang trọng. Văn phòng của bà ở lầu 15. Tôi được dẫn vào thang máy riêng, có vệ sĩ đi kèm. Miệng bà cười tươi khi tôi bước vào. Tôi định nhăn mặt tuôn ra một tràng văn chương phản đối. Dọc đường tôi đã sắp xếp đầy đủ. Tôi sẽ phản đối tình báo Tây Đức và Hoa Kỳ là thiếu thành thật nhưng nghĩ đến thái độ thiếu thành thật thường xuyên của ông Hoàng đối với bạn điệp báo đồng minh, tôi đành lặng thinh. Tôi bắt tay chào bà một cách nhạt nhẽo song bà lại nồng nhiệt và vồ vập hơn bao giờ hết. Bà mời tôi ngồi rồi nói luôn một hơi:
-Nhân danh tình báo đồng minh, tôi thành thật cảm ơn anh. Cảm ơn, vì nhờ anh mọi việc đã được chu toàn, đúng theo kế hoạch. Cảm ơn, cũng vì anh có tinh thần "kính lão đắc thọ "đối với tôi. Tôi đinh ninh khi gặp tôi, anh sẽ nặng lời cho nên tôi rất ngạc nhiên và thán phục trước thái độ bình tĩnh, chịu đựng cao thượng của anh. Vâng, chúng tôi đã thiếu thành thật với anh ngay từ buổi đầu nhưng xin anh thông cảm … chẳng qua vì hoàn cảnh bắt buộc …
-Lôlô là nhân viên KGB từ bao giờ?
-Chúng tôi không biết rõ. Chắc đã từ lâu. Faben mê nàng một cách mù quáng nên bị nàng lôi vào xiếc. Nàng lừa cho Faben đến thị trấn Bá linh rồi bắt cóc sang Liên sô. Khi ấy chúng tôi chưa khám phá ra bộ mặt thật của nàng. Sau này, nhờ một cuộc điều tra tỉ mỉ và khôn khéo, chúng tôi mới biết. Chúng tôi mới tương kế tựu kế để đánh lừa KGB.
-Và tôi bị dùng làm con mồi …
-Thật ra, chúng tôi không muốn dùng anh nhưng sau nhiều ngày bàn luận, cân nhắc, chúng tôi nhận thấy nếu không dùng anh thì không phỉnh gạt được địch. Vì có anh địch mới cho là vụ đánh tháo Faben có tính cách vô cùng quan trọng.
-Nghĩa là trước ngày tôi sang Nga, địch đã biết Bêra là Z.28?
-Phải. Chúng tôi bố trí gặp anh tại Ấn độ rồi đưa anh qua Nữu ước, đáp phi cơ đi Thổ nhĩ kỳ, qua thật nhiều chặng trung gian nhằm mục đích báo cho họ biết. Vì không giấu gì anh, trong số những người tiếp xúc với anh từ Ấn độ sang Liên sô đã có điệp viên hàng hai. Địch phăng ra anh song chưa bắt hoặc giết vì lẽ họ cần mượn tay anh để phăng ra con đường xuất nhập số 3. Họ nghĩ rằng đến Đông Bá linh, họ chôn anh cũng chưa muộn. Và họ đã huy động một lực lượng hùng hậu tại Đông Bá linh, nhưng thất bại vì anh tài giỏi hơn họ, và chúng ta cũng chuẩn bị khôn ngoan hơn họ.
Bà Côrin đứng dậy bắt tay tôi từ biệt song tôi rụt lại, và nhìn vào giữa mắt bà:
-Thưa bà, nhiệm vụ của tôi là đưa Faben về Tây phương, và tôi không thành công. Tại sao bà lại khen ngợi?
Bà Côrin hơi đổi sắc mặt song lại cười được ngay:
-Anh gớm thật, tôi định giấu mà giấu không nổi. Phải, người đàn ông cùng về với anh không phải là Faben. Chúng tôi cử anh đi cốt để bắn tin cho KGB biết quả thật chúng tôi cần giải thoát Faben. Qua sự hiện diện của anh, KGB sẽ suy luận là Faben rất quý báu, không thể cho xổng chuồng. Sự thật là giá trị của hắn đã hết, chúng tôi không tha thiết đến hắn nữa mà chỉ muốn đưa một điệp viên quan trọng từ sau bức màn sắt về. Điệp viên này giữ một chức vụ cao cấp ở trung ương KGB, dung mạo hao hao giống Faben. Y xung phong đội lốt Faben đi tới Đông Bá linh, KGB phăng ra vai trò nhị trùng của y thì đã muộn. Nhưng …
Miệng cười của bà Côrin trở nên rí rỏm:
-Tôi đã nói thật, giờ đây anh cũng phải nói thật. Tại sao anh biết hắn là Faben giả?
Tôi cũng cười:
-Thưa bà, khi bà đưa bức ảnh Faben cho tôi xem, và đói lại ngay, tôi đã bắt đầu nghi ngờ. Lẽ nào một nhân vật khoa học lừng lẫy như Faben mà tình báo Tây Đức lại không có hình rõ nét để phải dùng ảnh cũ mờ? Mặt khác, ngay từ Nữu ước tôi đã nghi ngờ Lôlô là nhân viên KGB. Sự dễ dãi quá độ của KGB ở Mạc tư khoa đã xác nhận mối thắc mắc của tôi là đúng. Trên đường từ Mạc tư khoa ra biên giới, tôi điểm huyệt cho họ ngất xỉu, và thưa bà .. tôi đã có dịp quan sát những đặc điểm trên thân thể họ. Faben là nhà bác học trói gà không chặt, phải không bà? Vậy mà hắn đã dùng một thế nhu đạo cừ khôi giải vây cho tôi tại Đông Bá linh …
-Anh xứng đáng là điệp viên số một của đồng minh. Tôi nhờ anh chuyển lời thăm hỏi ông Hoàng. Đồng thời cũng phiền anh thưa giùm lại về tiền nong, chúng tôi không được dư dật lắm. Nói riêng với anh, chúng tôi đang cần rất nhiều tiền để chuộc Kira.
Tôi giật bắn người:
-Kira còn sống?
-Phải, nàng vẫn còn sống, và bị giam ở Lubiănka. Nếu ông Hoàng đòi tiền, chúng tôi sẽ không thể cứu được nàng.
Máu anh hùng sôi lên sùng sục trong người, tôi hăm hở đề nghị:
-Tôi có thể giúp được gì không?
Bà Côrin thở dài:
-Tôi biết anh có lòng thương Kira nhưng chỉ sợ ông Hoàng không chịu nghe anh thôi.
-Bà đừng ngại. Từ trước đến nay, tôi chưa hề xin ân huệ nào với ông Hoàng. Nếu bà không tin, tôi xin gọi điện thoại ngay cho ông Hoàng.
-Liệu ông Hoàng có chấp thuận cho chúng tôi trả 3 triệu đô la ngay tại đây cho anh không?
-Bà trả tiền cho tôi làm gì?
-Để anh hoàn lại cho chúng tôi chuộc mạng Kira. Họ đòi những 5 triệu đô la. Nhờ 3 triệu của anh, chúng tôi chỉ cần xoay thêm 2 triệu.
Tôi không suy nghĩ thêm phút nào nữa. Bà Côrin chìa tờ nhận tiền, tôi hăng hái ký ngay vào.
Lòng vui như mở hội, tôi rời Tây Bá linh. Trước khi lên đường tôi không quên dặn bà Côrin chừng nào Kira được trả tự do thì gửi điện cho tôi biết. Dầu ngày tận thế sắp đến, tôi cũng trèo lên chuyến máy bay sớm nhất để đi thăm nàng.
Và câu chuyện được chấm dứt ở đây.
o O o
Thưa quý vị độc giả! Viết xong truyện này, tôi đưa cho Người Thứ Tám coi lại. Đọc đến đoạn cuối, y chẳng nói chẳng rằng vứt tập giấy đánh máy vào góc tường rồi làm mặt giận, đánh diêm hút thuốc lá. Tôi năn nỉ mãi y mới gằn giọng:
-Hừ, anh định đánh lừa cả tôi nữa ư? Câu chuyện chưa thể chấm dứt ở Bá linh. Chắc chắn đang còn đoạn quan trọng nhất mà anh cố giấu. Đúng rồi, anh sợ tôi cười nên mới tìm cách ỡm ờ, nửa nạc nửa mỡ. Này, tôi bảo anh biết, anh phỉnh phờ tôi thì dễ, chứ phỉnh phờ độc giả rất khó. Thế nào, về đến Sàigòn, anh bị ông Hoàng cạo sát ván phải không?
Tôi đành thở dài, và đầu hàng vô điều kiện. Vâng, tôi cố tình quên mất một đoạn. Quả như Người Thứ Tám nói, tôi đã viết xong lại xé bỏ vì đoạn này làm tôi mất ăn mất ngủ cả tuần lễ. Đi vào phòng nào trong trụ sở ở Sàigòn cũng bị các nữ đồng nghiệp ê ê xấu mặt một cách kinh khủng. Mở đầu giòng chữ tự thú, tôi xin nhắc lại hai câu Kiều:
^^^Thân lươn bao quản lấm đầu,
^^^Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
Phải, từ nay về sau, tôi xin chừa. Chừa nổi máu anh hùng ( ngu dại ), chừa ra vẻ hào hoa mã thượng ( ngu dại ) ...
Như mọi lần, trước khi về Sàigòn, tôi còn tạt qua các thủ đô dạ lạc trên đường bay để du hí. Từ châu Âu về Việt Nam chỉ mất mấy chục giờ đồng hồ phi cơ mà chuyến ấy tôi mất đúng hai tuần lễ. Hai tuần lễ là do ông Hoàng gọi gấp, nếu không phải hai tháng. Chắc ông Hoàng sai đi đâu có việc cần nên chân ướt chân ráo mới đáp xuống Tân sơn nhất chưa kịp rửa mặt, cạo râu, đem quà cáp biếu các cô bạn gái dễ thương, tôi phải chạy vèo về Sở.
Thấy tôi, ông Hoàng bật dậy như lò so. Ông không hỏi han tôi, cũng như mời tôi hút Salem và uống huýt ky, theo thói quen từ chục năm nay, mà lại rút trong tập hồ sơ mở rộng trên bàn ra một tấm ảnh lớn rồi chìa cho tôi coi, giọng ông nhẹ nhàng nhưng xoắn vào tim tôi như mũi dao si lét của viên phó giám đốc KGB tại Mạc tư khoa:
-Ai đây?
Đến lượt tôi xây xẩm mặt mày. Chết tôi rồi, tình báo Tây Đức kiện tôi ti toe với nữ nhân viên của họ đây. Tuy vậy, tôi vẫn cố giữ vẻ bình thản:
-Thưa ông, đây là nữ nhân viên của bà Côrin đeo cà vạt ám hiệu gặp tôi tại Ấn độ.
Ông Hoàng dí bức hình sát mắt tôi như thể ông sợ tôi mắc bệnh cận thị nặng:
-Có đúng là người con gái đeo cà vạt ấy không?
Trời đất ơi, tôi vốn có trí nhớ kinh khủng, gặp ai một lần là không bao giờ quên. Nếu là đàn bà đẹp thì tôi càng không thể quên được. Tấm thân uốn éo, cái miệng ngon lành ấy, tôi quên sao nổi, hả ông Hoàng? Tôi bèn gật đầu lia lịa. Ông Hoàng thở dài não nuột:
-Hừ, họ xỏ mình ... Cô gái này là nhân viên KGB.
Tôi khựng người:
-Nhân viên KGB ư? Có lẽ ông lầm. Nàng cùng đi với bà Côrin, nàng là ...
-Tôi hy vọng bị lầm, nhưng Vêlana không lầm. Vêlana gửi về cho tôi một tập ảnh nữ nhân viên KGB trà trộn trong hàng ngũ tình báo Tây phương. Cô gái trong hình này là Kờ lốt, hiện hoạt động dưới quyền thiếu phụ tóc bạc mà anh gọi là bà Côrin.
-Bà Côrin biết biết Kờ lốt làm cho KGB không?
-Biết. Nhưng bà không nói với ta. Hừ ... họ ác thật. Họ dùng Kờ lốt làm giao liên khác nào bảo thẳng cho KGB biết kẻ đội lốt Bêra là anh. Nhận được tấm hình của Kờ lốt, tôi phái ngay bà Huyền Hoa sang Liên sô, vậy mà anh vẫn bị lôi vào xiếc như thường. Chẳng qua vì bệnh mê gái mà ra cả.
Sực nhớ đến Kira, tôi vội hỏi:
-Thưa, Kira cũng là ...
Ông Hoàng lại thở dài:
-Để tôi cắt nghĩa anh nghe. Kira là người đàn bà có thật bằng xương bằng thịt hẳn hòi, song Kira anh gặp tại Ấn độ chỉ là Kira giả. Kira thực thụ là vợ hờ của viên đệ nhị tham vụ sứ quán Ấn ở Mạc tư khoa. Nàng ăn lương của tình báo Tây Đức nhưng ló mòi phản bội nên họ mượn tay anh để KGB giết nàng. Nàng về Ấn thăm nhà, và cũng lên khu đền Kônarắc, song nàng không gặp anh mà là gặp người khác. Tình báo Tây Đức lừa anh lên đền Kônarắc là để Kờ lốt báo tin cho KGB. Kira trở về Mạc tư khoa, và bị bắt. Nàng đã hợp tác hàng hai với KGB nên cung khai thật tình, nhưng KGB tưởng nàng nói láo, vì theo lời Kờ lốt, Kira có nhiệm vụ giúp anh xuất nhập bằng con đường số 3. Kết quả KGB phải loại trừ Kira và gài một nữ nhân viên giả làm người thân tín của Kira để đi theo anh. Gớm thật, gớm thật ... họ vừa đoạt được Faben vừa diệt được nhân viên phản thùng, lại vừa xoay được một món tiền.
Tôi hoảng hồn trước câu nói của ông Hoàng. Gã đàn ông cù lần ấy là Faben ư? Thì ông Hoàng đã nói:
-Thôi, anh đừng băn khoăn nữa, họ đã cho anh uống nước đường và anh đã bội thực. Gã đàn ông cùng đi với anh về Bá linh chính là Faben, chứ không phải nhân viên KGB kiêm nhân viên tình báo Tây Đức đâu. Dại ôi là dại ...
Tôi đứng im thin thít. Tôi đã "kính lão đắc thọ "một cách ngu muội. Dẫu bà Côrin là phụ nữ lớn tuổi, tôi cũng sẽ bẻ cổ chết tươi nếu bà ta hiện ra trước mặt tôi.
Từ xưa đến nay, tôi bị lừa đã nhiều nhưng chưa lần nào bị lừa thảm hại như lần này.
Ông Hoàng rút ra một tấm hình khác. Nhìn vào, tôi thấy một người đàn bà khá đẹp. Ông Hoàng hất hàm:
-Kira phải không?
Tôi lắc đầu:
-Không.
-Không là đúng, vì người trong hình này mới là vợ viên tham vụ ngoại giao Ấn độ. Còn đây?
Ông Hoàng cho tôi chiêm ngưỡng tấm hình thứ ba. Kira, đúng là Kira. Trời ơi, trong ảnh nàng chưa đẹp bằng ở ngoài song không hiểu sao tôi nhìn ảnh mà lại có cảm tưởng là nàng đang đứng trong phòng, hương thơm da thịt nàng tỏa ra ngây ngất. Tôi nuốt nước miếng:
-Vâng, thưa ông, người này mới thật là...
Ông Hoàng ném bức ảnh màu vào đống hồ sơ, giọng ngao ngán:
-Nàng mới thật là Kira của anh phải không?
-Thưa... thưa ...
-Còn thưa với gửi gì nữa? Bây giờ anh đã chừa chưa?
-Thưa ông, chừa ... gì ạ?
Ông tổng giám đốc nhăn nhó:
-Hừ ... chừa cái bệnh mê gái rởm chứ còn bắt anh chừa gì nữa?
Tôi thở ra đánh sượt:
-Vâng, tôi xin chừa, nhưng ...
Tôi định mượn tiếng " nhưng " để bào chữa vì trong thâm tâm tôi nghĩ rằng nếu ông Hoàng còn trẻ như tôi và có số ... đèo bòng như tôi, thì chỉ gặp một giai nhân đẹp bằng một phần mười của Kira cũng bị hút dính như kim khí gặp từ thạch.
Song ông Hoàng đã đổi ra vẻ mặt tươi cười:
-Thôi, chuyện qua rồi, nhắc lại thêm bực mình. Tôi muốn anh chừa, nhưng tôi chắc đến ngày hai tay buông xuôi anh cũng không chừa nổi. Coi chừng đấy ... không khéo bị lụy vì đàn bà thì khốn. Hạn số năm nay của anh rất xấu, nếu anh không có sao tốt hóa giải thì vị tất còn về đến Sàigòn.
Nghe ông Hoàng luận tử vi, tôi giật mình. Mấy ông thầy tướng bảo tôi có số gần giống Lã Bố đời Tam quốc. Họ Lã là tướng vô địch trăm người, ba anh em Lưu, Quan, Truơng vây đánh bở hơi tai mà vẫn tỉnh bơ. Họ Lã lại có khuôn mặt đẹp trai số một thời ấy. Hạn của tôi năm nay gặp Phá, Kiếp, Kình, Đà hội hợp như Lã Bố khi bị mất mạng vì giai nhân Điêu Thuyền, nhưng tôi may phước không có mệnh an tại Mão, Thiên tướng tọa thủ, và gặp Sinh Vượng, Hồng, Đào, Tả Hữu, Quyền, Xương như Lã Bố, nếu không ...
Ông Hoàng lại khoát tay:
-Lại đang nghĩ đến tử vi phải không? Đúng lắm, không sai chút nào đâu.
Ông tổng giám đốc sửa soạn đánh trống lảng. Tôi vội hỏi:
-Thưa ông, thiếu phụ đội lốt Kira mà tôi gặp tại Kônarắc tên thật là gì?
Ông Hoàng nhún đôi vai gầy:
-Côrin.
Tôi sửng sốt:
-Thưa, còn bà già tóc bạc?
-Bà này không phải là Côrin, mà là phụ tá của Côrin.
-Thưa, Côrin hiện ở đâu? Nếu ông cho phép, tôi quyết đi ngay bây giờ, quyết bắt nàng về đây để hỏi tội.
-Không được đâu, đại tá Z.28, vì Côrin hiện là phó tổng giám đốc tình báo Tây Đức, đặc trách ban Hành động hải ngoại. Chung quanh nàng có cả trăm vệ sĩ và dụng cụ canh phòng điện tử. Nàng rất giỏi võ, về tác xạ nàng không thua anh đâu. Anh đụng phải nàng mà còn đủ xương thịt trở về là may mắn lắm rồi. Đó là bài học cho anh ...
Ông Hoàng cúi đầu xuống bàn giấy. Tôi cũng cúi đầu như cậu học trò không thuộc bài vừa bị phạt "công sinh". Tôi trở ra phòng nữ bí thư Nguyên Hương, thờ thẫn và bàng hoàng. Tôi đắng họng khi nghe giọng ngâm thơ châm chọc của nàng:
^^^Thân lươn bao quản lấm đầu,
^^^Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa...
NGƯỜI THỨ TÁM
viết theo lời tự thuật của Văn Bình, Z.28
Chú thích
1. xin đọc tiểu sử bà Huyền Hoa trong "Đêm cuối cùng của tử tội " và "Nữ thần ám sát".
2. xin đọc Z.233 tức Vêlana và mối tình của nàng với Văn Bình trong "Bóng ma trên Công trường Đỏ". Cuốn truyện này đã xuất bản.
3. hồi ấy Nguyệt Thanh con gái của bà Huyền Hoa, yêu Văn Bình. Xin đọc "Đêm cuối cùng của tử tội " đã xuất bản cuối năm 1967.
4. H.Z.V.D là những chữ tắt của Hilfzentrum fur Volksdokumenten, tức là Trung tâm Sưu tầm Tài liệu Nhân dân, một ngành quan trọng trong sở Điệp báo cộng sản Đông Đức chuyên chế tạo đồ giả. Ban H.Z.V.D. này bắt nguồn từ D.Z.II (Dokumentenzetrum ) Trung tâm Sưu tầm Tài liệu số 2 của đô đốc Canaris thuộc mật vụ Gestapo, Đức quốc xã. Sĩ quan phụ trách D.Z. II là Jantchevich. Y bị Nga bắt năm 1945 khi Đức bại trận, và Nga đã đặt y trở lại guồng máy chế tạo đồ giả của cộng sản Đông Đức.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28