"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 75
hi qua Thượng Hải, trong phòng chờ nhà ga, những hàng người vô tận xếp trước các quầy vé, ta mua một vé tàu nhanh của một dân thường đi Bắc Kinh trả lại. Một giờ sau, ngồi trong khoang, ta tự cảm thấy hài lòng. Cái thành phố mênh mông, nơi chồng chất hơn mười triệu người dân này không còn chút lý thú nào nữa trong con mắt ta. Ta muốn biết nơi một người chú họ đã sống, ông ấy đã mất trước cả cha ta. Chẳng ai trong hai người đạt tới cái lúc huy hoàng cáo lão.
Rùa và cá sông Ngô Tùng, con sông đen kịt chảy qua thành phố và phả ra mùi hôi thối, đã chết rồi. Ta không tài nào hiểu nổi làm sao người dân Thượng Hải vẫn có thể tiếp tục sống ở đây. Ngay nước máy được xử lý mà vẫn vàng, vẫn sặc mùi vị clo. Con người chắc là chịu đựng dai dẳng hơn tôm cá.
Xưa ta đã đến cửa sông Trường Giang. Ngoài những con tàu viễn dương không sợ han gỉ, bồng bềnh trên sóng lớn vàng vọt, chỉ thấy những bờ bùn lầy phủ đầy lau sậy cùng sóng đánh liên hồi. Phù sa bồi vào đấy không cách gì ngăn chặn được, sẽ tới cái ngày mà tất cả kiểu Trung Quốc sẽ chỉ là sa mạc mênh mông.
Ta nhớ ngày còn bé, nước sông Trường Giang dù nắng hay mưa lúc nào cũng trong. Trên bờ, từ sáng đến tối những người bán hàng mời chào những con cá to tướng đã cắt khúc ra để bán. Nhưng trong chuyến đi này, ta đã qua các bến cảng dọc con sông, ta không còn thấy con cá nào to như thế. Cả những quầy bán cá cũng hiếm rồi. Chỉ còn thấy chúng ở Vạn Huyện, cửa ra của Ba Hẻm Môn Hiệp, cả thành phố được một con đê cao ba bốn mươi mét che chở. Nhưng trong các thúng tre chỉ bày rặt lũ cá con cho mèo thì hợp. Ngày xưa, ta thích ngồi trên ke bờ sông nhìn mọi người ở trên cầu tàu buông câu. Lúc cá ra khior nước, ta ngắm nhìn cuộc vận lộn gay go, hổn hển diễn ra giữa người và vật. Bây giờ hơn mười nghìn người quản việc kế hoạch hóa chỉ trong riêng Sở cải tạo sông Trường Giang; ta đã được một trong những trưởng phòng đón tiếp, trưởng phòng này chịu lệnh của một chi cục hay bộ nào nữa ta không biết. Khi cấp trên đi vắng, ông nói riêng với ta rằng hơn một trăm loài cá nước ngọt đã gần như biến mất.
Và cả ở Vạn Huyện nữa, tàu thủy neo lại một đêm. Thuyền phó đến chuyện gẫu với ta khi ta đang ngắm nhìn ánh đèn thành phố. Ông kể cho ta nghe ông đã nấp trong ca bin hoa tiêu, chứng kiến một cuộc tàn sát trong Cách mạng văn hóa. Dĩ nhiên đây là người bị giết chứ không phải cả. Ba người một, cổ tay trói vào nhau bằng dây thép, rồi bị hất xuống sông bởi những tràng súng máy. Hễ một người trúng đạn là lập tức kéo hai người kia xuống theo, ông đã thấy họ giãy giụa như cá mắc câu, trước khi trôi dạt trên dòng sông như những con chó chết. Đáng lấy làm lạ là người càng bị giết thì càng đông hơn cá, càng bị câu thì hàng hiếm đi. Lẽ ra nên ngược lại thì tốt.
Người và cá có chỗ này giống nhau: vĩ nhân và cá lớn tất cả đều bị làm cho không còn. Đủ thấy thế gian này không phải là dựng nên cho họ.
Ta rất sợ là ông chú họ xa của ta cũng đã là một trong các người lớn cuối cùng đó. Ta không nói đến những người hiện nay chen nhau thành đám ở các buổi lễ lạt và yến tiệc chính thức. Ta nói những người mà ta tôn kính. Ông chú này là nạn nhân của một lần dùng lầm thuốc. Điều trị bệnh viêm phổi đơn giản, ông đã được người ta đưa vào nhà xác hai giờ sau khi tiêm một mũi kháng sinh. Ta đã nghe nói đến các vụ như thế nhưng không bao giờ ta nghĩ chú ta sẽ chết như thế. Lần cuối cùng ta gặp ông là trong Cách mạng văn hóa, cũng là lần đầu tiên ông nói chuyện chính trị và văn học với một đứa trẻ như ta. Trước kia ông chỉ đùa vui với ta, giọng trầm và hổn hển, ông biết hát Quốc tế ca bằng quốc tế ngữ. Ông bị hen từ lâu, ông nói ông mắc cái bệnh này là do hút quá nhiều thế phẩm của thuốc lá trong chiến tranh. Ngoài mặt trận, khi hết thuốc lá, người ta có thể hút mọi thứ, thí dụ lá bắp cải hai bông khô. Người ta phải tháo gỡ ở trong mọi tình huống.
Ông cũng luôn có một trò làm cho trẻ con vui. Một hôm, ta cãi mẹ, bỏ ăn, để nguội ngắt món xúp thịt gà nấu mì nui mà mẹ múc cho đầy bát. Hai ý chí chọi nhau. Ngày bé ta cũng đã có cái nghiêm trang của người đứng tuổi, như một sợi dây cung căng thẳng, ta không lung lay. Lúc mẹ ta sắp giận, thì chú ta cầm tay ta dẫn ra phố mua kem cho.
Trời đổ mưa rào, nước xối như thác. Chú bỏ đôi bốt lính ra, xắn quần lên và dẫn ta lội bì bõm trong cái cửa hàng mà ta nốc hết hai cái kem to tướng. Từ đấy chưa bao giờ ta còn ăn nhiều kem như thế. Khi chú đưa ta về nhà, mẹ ta đã tươi cười, thấy vẻ chú tội tội, bốt cầm tay. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai mẹ con đã chấm dứt. Ông chú này quả thật có cung cách của một vĩ nhân.
Cha của chú chết vì hút thuốc phiện và mê mải lạc thú đàn bà. Cụ là một nhà tư sản. Thời đó, cụ đã cho chú hàng nghìn nguyên để đi Mỹ học và cấm chú tham gia các hoạt động bí mật của Đảng Cộng sản. Nhưng chú dứt khoát từ chối, trốn đến Giang Tây để dự cuộc kháng chiến chống Nhật, trong Tân Tứ Quân.
Chú thích kể chuyện khi tân Tứ Quân đóng ở nam An Huy, chú đã mua một con báo con của người nông dân và nuôi nó trong một cái lồng giấu dưới gầm giường. Cứ hễ đêm xuống là bản năng thú trở lại, nó không ngừng gầm gừ. Khi quân đội lên đường, chú không nỡ lòng nào giết nó bèn trao nó cho một người.
Thời ấy, cha ta là người chuyện trò chính của chú. Mỗi lần đến thăm, chú đều mang một chai rượu không thể tìm ra nổi ở thị trường rồi đuổi người vệ sĩ, lái xe của chú ra về. Một gói to đùng đủ các loại kẹo của Thượng Hải dành riêng cho ta. Mỗi lần hai người chuyện trò tới sáng, gợi lại tuổi ấu thơ, tuổi thanh xuân, như ta bây giờ mỗi khi tình cờ gặp lại bạn bè cũ. Hai người nói đến cái rét trong căn nhà cổ đầy bim bim của họ, nói đến những nỗi khổ sở cỏn con của họ ví như khi chú ở trường về, chảy máu cam, bẩn cả cổ áo. Chú thấy sợ vừa đi vừa khóc, người ngoài đường cũng như họ hàng xa của chú đều nhìn dửng dưng chú đi qua. Chỉ có bà cụ bán đậu phụ giữ chú lại, đẩy vào trong nhà, chỗ xay đậu nành rồi lấy giấy quyển ra vò vò lại đưa chú nhét mũi.
Hai người cùng nói đến ngôi nhà cũ, ngôi nhà mà cụ của ta bị điên đã phóng hỏa nhưng người trong gia đình cứu được. Một cô gái sống cạnh ngôi nhà ấy đã tự tử vì tình. Hai hôm trước, cô ở cửa hàng vải đi ra, cắp một miếng vải hoa. Người ta ngỡ cô chuẩn bị đám cưới, nhưng hai ngày sau, cô đã tự tử, nuốt những cây kim, mặc chiếc áo dài may bằng thứ vải hoa nọ.
Quấn tròn trong chăn, ta nghe hai người chuyện trò, mê hoặc, không muốn ngủ. Ta thấy chú hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác dù mắc bệnh hen. Vào những lúc sôi nổi nhất của câu chuyện chú đi đi lại lại trong phòng, bước những bước dài. Chú chỉ ao ước một điều: giải ngũ để viết.
Lần cuối cùng ta đi Thượng Hải thăm chú, thấy chú cầm trong tay một bình xịt dùng cho những khi ho dữ dội. Ta hỏi chú đã viết quyển sách của chú chưa. Chưa, may thế, nếu không thì chú đã chẳng còn trong cõi đời này rồi. Đây là lần duy nhất chú không coi ta là một đứa trẻ. Chú dặn ta cẩn thận: thời nay không còn là để viết văn học đâu, cũng chẳng nên làm chính trị gì. Theo chú, khi bị cuốn vào chính trị là người ta có cơ mất khôn mà không biết, chẳng còn hiểu mình sẽ đặt chân vào đâu. Ta nói rõ cho chú hay là ta cũng không thể theo đuổi việc học hành ở đại học nữa. Thế thì kìa, cháu cứ việc làm người quan sát. Chú bảo bây giờ chú cũng đang quan sát. Trước Cách mạng văn hóa, vào lúc cuộc vận động chống phái hữu đang tiến hành dữ dội trên các báo, khi mà mọi người đang chết đói chú đã bị điều tra. Chú bèn bắt đầu quan sát, đứng ra lề, và từ ấy, chú bị theo dõi, kiểm soát. Không có lạ nếu thời đó cha ta cắt đứt mọi quan hệ với chú. Chú chỉ bảo cha ta rằng chú đi thị sát ở một xó góc biển chân trời ngoài đảo Hải Nam với tất cả đồ lề quan sự của chú. Lúc ấy không thể đoán được những câu này có giấu một thông điệp bí mật.
Từ lúc ấy ngay lần về, trên tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải ta bắt đầu quan sát: những chiến sĩ chịu trách nhiệm cái gọi là "tiến công bằng lời lẽ, tự về bằng vũ khí", văn công vũ vệ, dáo trong tay, mũ cành liễu trên đầu, băng vải đỏ nơi cánh tay, đứng xếp hàng cửa toa. Một hành khách sửa soạn xuống đã bị giục quay trở lại. Theo sau người này họ ập vào. Người này hét ầm lên kêu cứu nhưng không ai dám ho he. Ta thấy họ kéo người ấy ra ngoài vây kín lấy và đánh cho một trận. Rồi đoàn tàu chuyển bánh, ta không biết tình cảnh người kia sau đó ra sao nữa.
Thời ấy mọi thành phố ta qua đều điên loạn. Các công trình của con người, tường, nhà máy, cột điện cao thế, tháp nước, tất cả đều phủ đầy khẩu hiểu thề bảo vệ đến chết, đả đảo, đập nát, huyết chiến tới cùng. Suốt dọc đường sắt, loa phóng thanh trong các toa xe phát đi những bài hát chiến đấu lẫn vào tiếng còi tàu ầm ĩ. Ở ga Minh Quang, phía bắc Trường Giang, có trời mới biết được làm sao có cái tên gọi này - Ánh sáng tỏ tường, lại vẫn còn được giữ lại, người tị nạn chen chúc nhau dọc hai bên đường sắt. Tàu không mở cửa nữa, người ta bèn bò chui vào qua cửa sổ, lèn chặt trong các khoang như cá hộp. Người ở trên xe ra sức giữ cho cửa sổ đóng chặt. Thế là cách nhau một tấm kính, cùng là dân tỵ nạn bây giờ hóa thành thù địch của nhau. Tấm kính này kỳ lạ, khi cách ngăn con người, nó làm cho các khuôn mặt méo đi, đầy giận dữ và thù hận.
Tàu bắt đầu chạy trong tiếng động nhức tai nhức óc, tiếng mưa sỏi đá và những tràng sấm chửi rủa, tiếng đấm đánh, tiếng kính vỡ, thật đúng là cảnh địa ngục, sở dĩ như thế là bởi lẽ người ta đều đang đinh ninh mình chịu đau khổ như thế này là để bảo vệ chân lý.
Và vẫn ở thời kỳ ấy, vẫn trên tuyến đường sắt ấy, ta đã thấy thân một người đàn bà trẻ tuổi trần truồng, bị bánh xe lửa chặt khúc ra như một con cá bị lưỡi dao bén cắt ra vậy. Đoàn tàu rung lên rầm rầm và rúc còi, kim loại, kính ken két nghiến trong một tiếng bục xé chói tai. Người ta có thể nói là một trận động đất. Những năm tháng đó mọi cái đều kỳ lạ. Tựa như trời và người cảm ứng với nhau và đất hóa điên không ngừng rùng rùng chuyển động.
Xô đi chừng trăm, hai trăm mét, con tàu mới đột ngột dừng lại. Nhân viên, thành viên an ninh và hành khách xuống xe. Cỏ mọc ở đá rải đường bị những mẩu thịt người vấy vào. Một mùi máu tanh thối tẩm đẫm không khí, máu người có một mùi gắt hơn máu cá. Trên bờ ta luy đường sắt một thân thể mũm mĩm của phụ nữ, không đầu, không chân, không tay. Máu đã chảy kiệt, thân người đàn bà này trắng bệch, nhẵn hơn một khối cẩm thạch. Cái xác thân khỏe đẹp của đàn bà trẻ này vẫn còn giữ những dấu tích của sự sống và khêu dậy ham muốn. Một ông già trong số hành khách đã đi kiếm một mảnh vải mắc vào một cành cây để đậy vào bụng dưới của tấm thân cụt què. Người lái tàu lau mồ hôi bằng chiếc mũ lưỡi trai, giải thích tuyệt vọng rằng anh đã rúc còi như thế nào khi thấy người đàn bà đi ở giữa đường sắt. Chị không tránh. Anh đi chậm lại nhưng không thể phanh quá mạnh vì hành khách trên tàu và anh đã nhìn thấy tàu đè lên chị ta. Phút cuối cùng chị toan tránh, nhưng... Chị ta muốn tự tử, rõ ràng là tìm cái chết, có phải một sinh viên bị đẩy xuống nông thôn không? Hay là nông dân? Chị ta chưa có con bao giờ, chắc rồi không phải nói. Hành khách tranh luận với nhau. Chị ta chắc không muốn chết, nếu không tại sao đến lúc cuối cùng lại nhảy ra? Chết lại dễ như thế ư? Cũng phải là ác mới chết được như thế! Có thể chị ta mải nghĩ. Đâu có như thể đi đường bộ ban ngày ban mặt, đằng này là đoàn tàu từ phía trước lao đến phía chị ta mà! Trừ phi chị ta điếc, chị ta thật lòng muốn chết, chết còn hơn sống. Người nói câu này vội bỏ đi ngay.
Ta chỉ có chiến đấu để sống sót, không, ta không chiến đấu cho cái gì cả, ta chỉ tự vệ mà thôi. Ta không có lòng can đảm của người đàn bà này, ta chưa tới bước tuyệt vọng như thế, ta còn yêu say đắm thế gian này, ta vẫn chưa sống đủ.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn