Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 71
K
hi ta rời núi thiên đài, ta còn đến Thiệu Hưng, nơi sản xuất rượu cổ không chỉ nổi tiếng, nó còn cho ra những tên tuổi lẫy lừng: chính khách, nhà văn, họa sĩ lớn và cả một nữ anh hùng cách mạng. Bây giờ nhà của họ đều là các nhà bảo tàng kỷ niệm. Người ta còn dựng lại ngôi miếu bằng đất nện mà cái nhân vật thấp bé nhất dưới ngòi bút của Lỗ Tấn, A Quy đã được coi là từng sống ở đó. Người ta đã quét nhiều mầu vôi tươi thắm cho nó và trang trí cho nó bằng một biển mang đề từ của một nhà thư pháp nổi tiếng hiện thời. Lúc bị chặt đầu vì tội thổ phỉ, chắc A Quy không thể ngờ sau khi chết ông lại được một uy danh lớn như thế. Ta nhận ra các nhân vật nhỏ nhoi ở cái thị trấn nhỏ này còn khó bảo toàn được tính mạng họ thì nói chi đến liệt sĩ cách mạng Thu Cần ôm lấy sự hưng vong của dân tộc làm trách nhiệm của bản thân.
Nhà cũ của bà treo bức ảnh bà: một bậc tài nữ con nhà thế gia, văn thơ hay, dung nhan đẹp, đài các, tinh anh, tuổi mới ngoài hai mươi. Vậy mà bà đã bị chặt đầu giữa thanh thiên bạch nhật sau khi bị áp giải bêu phố, chân tay xiềng xích.
Đại văn hào Lỗ Tấn đã bỏ cả đời ra để chạy trốn và ẩn nấp. May sao, cuối cùng ông tị nạn ở một tô giới nước ngoài nếu không ông đã chết bệnh hay bị ám sát. Ở đất nước này, đâu cũng chẳng an toàn. Lỗ Tấn đã viết: "Tôi đổ máu tôi cho Hiên Viên". Câu này ta học thuộc lòng khi còn là sinh viên nhưng bây giờ ta không thể không nghi ngờ tính chính đáng của nó. Hiên Viên, là tên người mà theo truyền thuyết là hoàng đế đầu tiên của đất nước này, của tổ quốc này, của dân tộc này. Tại sao tuyệt đối cứ phải rẩy máu của mình ra vì quang vinh của tiên tổ? Đổ máu ra, cái đó có thật lớn lao không? Người ta chỉ có một cái đầu, tại sao cứ phải chặt nó đi cho Hiên Viên kia?
Từ Vị có câu: "Thế gian này, hình hài đều giả, do người nặn nên, nhưng vốn dĩ cái mặt thật thì là tôi sáng tạo", nghĩ ra càng thấy thâm thúy. Nhưng cái hình hài dù giả đi nữa thì không giả tạm không nói cái đó nhưng lẽ nào không để cho người nặn lấy thì không được hay sao? Lại nói, cái bộ mặt vốn dĩ thật kia, thật hay không thật cũng không nói nữa, vấn đề là ở chỗ có thể sáng tạo ra được nó không đây?"
Rút cục cái phố nhỏ vẫn nguyên tất cả tại chỗ như ngày xưa: "Phòng sách phủ đầy cây tầm gửi" của Lỗ Tấn, cái sân con mọc những cây tầm gửi già nho nhỏ, bàn học với những cửa sổ sáng sủa và cái bàn trà không thể chê. Một nơi yên tĩnh như vậy chắc chắn đã giữ cho Lỗ Tấn khỏi điên. Thế gian hẳn không phải làm ra cho con người nhưng dẫu gì con người vẫn cứ phải sống trong đó. Nếu người ta muốn tồn tại và giữ "bộ mặt thật" mẹ sinh ra đời, nếu người ta không muốn bị giết, không muốn bị điên thì người ta chỉ còn có cách chạy trốn. Cái thị trấn nhỏ này cũng không ở lâu được hơn nữa, ta hấp tấp lên đường.
Bên ngoài thành phố có mộ Đại Vũ trong dãy núi Cối Kê, vị quân chủ đầu tiên của triều đại có một phả hệ khả dĩ tin cậy từ thế kỷ 11 trước công nguyên. Ông thống nhất vương quốc, tập hợp các công hầu được ông phong thái ấp và khen thưởng từng người theo công tích chính là tại nơi đây.
Ta băng qua cây cầu đá bắc ngang sông Nhược Gia, dưới chân đồi thông; trước di tích ngôi mộ Đại Vũ, trên bãi đất, người ta phơi lúa mì. Vụ mùa muộn đã được thu hoạch. Nắng thu làm khỏe khoắn con người đang dìm ta ngập vao một trạng thái lơ ma lơ mơ thú vị.
Khi qua cánh cửa vào cái sân im lặng này, một cảm giác cô đơn bóp nghẹt lấy ta. Ta hình dung ra tại đây, cách nay bảy nghìn năm hậu duệ của người Hà Mẫu Độ trồng lúa, nuôi lợn, nặn những hình nhân bằng đất nung như thế nào, hậu duệ của người Lương Trước 1 vạch lên đồ gốm của họ các tín hiệu rỗng và các hoa văn hình học, ta hình dung tổ tiên của dân Bách Việt xăm mình, cắt tóc ngắn với các vật tổ chim chóc đã được Đại Vũ điểm binh ra sao. Sư phụ Phương Phong, người khổng lồ thô lậu, quần áo bằng gai phấp phới quanh người, dây da buộc túm lại, đã đến dự cuộc lễ duyệt bị muộn, Đại Vũ lập tức lệnh vệ sĩ chặt đầu.
Cách nay hai nghìn năm, Tư Mã Thiên đã đích thân tới đây điều tra để viết tập Sử ký hoành tráng. Ông xúc phạm Hoàng đế, nếu ông giữ được thủ cấp thì mất bộ phận sinh dục.
Trên mái tòa nhà chính, giữa hai con sóng, một tấm gương tròn hắt lại ánh nắng chói lóa. Trong gian sảnh tối của ngôi miếu, người ta mới dựng một pho tượng Đại Vũ, vẻ nhân từ diễn tả ở tượng có phần nào theo ước lệ. Trái lại, chín búa rìu để sau ông, tượng trưng cho hành động bình định chín châu của ông mới có ý nghĩa hơn.
Thục bản ký nói: "Vũ nguyên quán huyện Văn Sơn, Quang Nhu, sinh tại Thạch Nữu". Ta vừa vặn từ đó đến đây, bây giờ chỗ ấy là nơi sinh sống của người Khương ở Văn Xuyên. Cũng là sào huyệt của gấu trúc. Mà Đại Vũ thì lại đẻ ra từ bụng một con gấu, Sơn Hải Kinh có thể chứng thực điều đó.
Người ta cứ nói ông có công trị thủy, nạo thông sông Hoàng Hà, ta nghi ngờ sự thật này. Ta cho rằng ông từ thượng lưu sông Mân (nguồn ban đầu sông Trường Giang và đến nay vẫn là chủ đạo, có thể tham khảo sách Thủy kinh chú), men theo Trường Giang, qua Tam Hiệp, bắc đánh núi Tích Thạch, Nam đánh các nước công cộng, đông đánh núi Vân Vũ, con đường chinh chiến một lèo đánh thắng tới bờ Đông Hải. Lúc ấy tại nước Thanh Khâu của hồ ly tinh chín đuôi, sau đổi thành Cối Kê, dưới chân núi Đồ Sơn Thanh Thúy, gặp một mỹ nữ hết sức mê hồn, trong khi hai bên hợp hoan ông đã lộ ra nguyên hình là gấu. Cô gái trinh này cả sợ không yên, Đại Vũ thánh thần không thể không sốt ruột, đuổi theo trèo lên, lớn tiếng quát: "Giạng!" thế nên mới sinh ra vị thái tử đầu tiên kế vị đế vương của con người ở cái thế gian này. Trong mắt vợ ông, Đại Vũ là một đầu gấu, trong miệng chúng nhân thì là thần, dưới bút các sử gia thì đế vương, người viết tiểu thuyết lại có thể viết ông là kẻ giết người khác để thực hiện ý chí của mình. Còn cái truyền thuyết hồng thủy mà ông trị thì như một người nước ngoài gợi ý, đó là sự hồi tưởng đến vỡ nước ối mà thôi.
Trong mộ Đại Vũ, mọi di tích xác thực đều đã biến mất. Chỉ còn lại tấm bia lớn đối diện với tòa miếu chính phủ vài chữ viết hình con nòng nọc mà chưa một chuyên gia nào có thể đọc ra. Ta quan sát kỹ lưỡng chúng, đào nát óc rồi thình lình thế là ta ngộ, ta phát hiện ra rằng người ta có thể diễn giải chúng theo cách sau đây: lịch sử là một bí ẩn
hoặc: lịch sử chỉ là sự dối trá
hoặc: lịch sử chỉ là chuyện ba láp
hoặc: lịch sử là lời dự báo.
hoặc nữa: lịch sử là một quả chua chát.
người ta còn có thể nói: lịch sử rắn chắc như sát
hay nữa: lịch sử là một cục bột nhào
và thậm chí: lịch sử là tấm khâm liệm
và nếu đi xa hơn nữa: lịch sử là liều thuốc cho đổ mồ hôi
và xa nữa, lịch sử giống như thần linh vấp phải tường, thất bại,
và cũng theo cách đẩy xa như thế, lịch sử là những vật trang sức cũ kỹ xinh xẻo.
thậm chí, lịch sử là sự thực hiện của lý tính
lại thậm chí cả: lịch sử là kinh nghiệm
cho tới: lịch sử chuỗi hạt ngọc đứt dời
cho cả tới: lịch sử là một chuỗi nhân duyên
hoặc: lịch sử là so sánh
hoặc: lịch sử là trạng thái tâm thần
lại như: lịch sử là lịch sử
và lịch sử chẳng phải là cái gì hết
cũng như: lịch sử chỉ là một tiếng than dài
ôi lịch sử, ôi lịch sử, ôi lịch sử, lịch sử
tóm lại, lịch sử có thể hiểu nó như thế nào cũng được, và cái ấy mới thật sự là một phát kiến vĩ đại.
--------------------------------
1 Hà Mẫu Độ (bến Sông Mẹ) và Lương Trước là hai di chỉ đá mới ở Triết Giang Trung Quốc.