Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 70
ói sao đây trước cảnh tuyết của Công Hiền 1! Những bông tuyết rơi trong một yên bình tuyệt đối, im lặng trong không-im lặng.
Một giấc mơ.
Một cầu gỗ trên sông, một lều cô quạnh bên nước, mi nhận ra dấu vết của con người nhưng cảm giác cô đơn sâu sắc vẫn chế ngự.
Đó là một giấc mơ đông cứng, cái bóng tối không thể chạm tới ở ranh giới của mộng, chỉ thoáng cảm nhận thấy mà thôi.
Một bức thủy mặc. Ông luôn sử dụng một bút lông rất tòe, đẩy cảm hứng đi sâu đi xa mãi. Ông cao thủ trong việc điều khiển bút và mực. Tranh của ông bắt hồn người và cái đó có được là nhờ mỗi chi tiết đều hiện ra minh bạch trước mắt người xem. Ông là một họa sĩ thực thụ, không chỉ là một văn nhân vẽ tranh.
Đặc điểm thanh đạm, trang nhã của cái đã được nhất tề gọi là "hội họa văn nhân" thường chỉ gắn với nghĩa mà không có họa, ta chịu không nổi các cuộn tranh vẽ bằng bút phá điệu bộ.
Mi nói tới các họa sĩ cố làm ra thanh tao, chơi bố cục bằng bút lông và bóng hình bằng mực, do đó để mất đi cái thần, cái hồn của tự nhiên. Có thể bắt chước được kỹ thuật này nhưng cái thần cái hồn của tự nhiên nó là đến từ cuộc sống, nó tồn tại cùng với núi, sông, cây, cỏ. Cái đẹp trong tranh Công Hiền là ở cái thần, cái hồn của tự nhiên không thể định nghĩa cũng không thể bắt chước, cái đẹp ấy nó tỏa sáng ra từ tranh ông. Có thể học Trịnh Bản Kiều 2, không học được Công Hiền.
Bát Đại Sơn nhân 3 cũng không bắt chước được. Người ta có thể bắt chước những đại bằng mở trợn mắt lên vì giận dữ của ông nhưng không bắt chước được ấn tượng cô quạnh mang mang toát ra từ các con vịt, các hoa sen của ông.
Cái hay nhất ở Bát Đại là tranh sơn thủy. Còn tác phẩm diễn đạt sự chán chường thế sự và trần tục chỉ là những tác phẩm nhỏ nhoi của ông.
Người ta lấy cái chán đời, ghét thế tục để tỏ mình thanh cao thì e cái thanh cao ấy sẽ rơi vào khuôn sáo thông tục; lấy cái tầm thường đi chống lại cái tầm thường thì chỉ bằng cứ tầm thường không che đậy.
Trịnh Bản Kiều bị người đời làm ra biến chất đi như thế. Cái thanh tao của ông trở thành cái trang sức của người khi không đắc ý, mấy cành tre trúc đã bị vẽ lạm, trở thành trò thù tạc bút mực tầm thường nhất hạng.
Cái không chịu được hơn cả là thứ "hồ đồ hiếm khi có được" - nan đắc hồ đồ, cứ nghĩ thật sự mình hồ đồ thì hồ đồ có gì là khó?; không nghĩ hồ đồ làm bộ hồ đồ rồi lại ra sức tỏ sự thông minh.
Ông là một tài tử thảm hại, Bát Đại là một kẻ điên.
Đầu là vờ điên sau điên thật. Thành tựu nghệ thuật của ông do chỗ điên thật mà có chứ không phải vờ điên.
Hoặc là nói thế gian này không nhận chịu được nữa lý trí khỏe mạnh, lý trí bèn điên; thế nên mới rơi phải vào cái thế gian khỏe mạnh.
Đến cuối đời; Từ Vị 4 cũng điên như thế, thế nên mới đi giết chết vợ mình.
Hoặc chi bằng nói vợ ông đã giết ông.
Nói như thế nghe như tàn nhẫn, nhưng không chịu được thế tục, ông chỉ còn có thể điên thôi.
Trái lại, người không điên là Công Hiền. Vượt lên trên thế tục, chẳng muốn đối chọi lại thế tục, thế nên ông mới giữ vững được bản tính riêng.
Ông căn bản không nghĩ chống lại cái hồ đồ bằng cái được gọi là lý trí, ông đã rút rất xa sang một bên, ngập chìm vào trong cõi mộng sáng láng.
Đó cũng là một cách tự vệ, căn bản ông không đoái tới chuyện đó, thế nên ông mới giữ trọn được nhân cách mình.
Ông không phải một ẩn sĩ, cũng không quay đến với tôn giáo, chẳng Phật chẳng Đạo, dựa vào nửa mẫu ruộng rau và dăm lớp học ông mở mà có cái ăn qua ngày, không lấy họa ra nịnh đời hay ghét đời, họa của ông đều là ở trong cái vô ngôn.
Tranh của ông không cần đến đề từ, bản thân họa đã để cho thấy dấu ấn của lòng dạ ông.
Mi và ta có thể làm được tới cái đó không?
Ông đã làm được tới đấy như bức tranh vẽ cảnh tuyết này.
Mi có thể chứng nhận tranh ấy là chắc chắn của ông không?
Điều ấy lẽ nào là quan trọng nhỉ? Mi nghĩ là ông thì đó là ông.
Còn nếu không?
Vậy thì không phải ông.
Nói cách khác, mi, ta, chúng ta chẳng qua cho là đã từng gặp ông.
Vậy thì đó là ông.
--------------------------------
1 Họa sĩ sống vào 1660-1700.
2 Còn gọ là Trịnh Kiết, sống từ 1663-1765.
3 Sống vào những năm 1625-1705.
4 Họa sĩ có bút pháp phóng túng, đam mê, 1529-1593.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn