Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Z.28 Đêm Cuối Cùng Của Tử Tội - Chương 4: Vượt Bức Màn Tre
Ánh nắng buổi trưa ở phi trường Đồng Mương làm da mặt Văn Bình rát bỏng. Chàng đã cảm thấy nóng thêm, vì sau hai giờ đồng hồ trên trời cao được hít thở không khí lạnh mát cũa chiếc phi cơ thương mãi tối tân của hãng hàng không Thái.
Chàng uống liên tiếp không biết bao nhiêu ly huýt-ky nữa. Một phần vì suốt đêm qua bị muỗi rệp hoành hành, đâm ra thèm rượu, nhưng phần khác vì mấy cô chiêu đãi viên đẹp một cách chết người, nhứt là cô chiêu đãi chuyên bưng rượu cho khách.
Trời ơi, Văn Bình muốn Nam Cực Tiên Ông nhấc Vọng-các ra khỏi vùng Đông Nam Á, sát nách Sàigòn mà đặt mà đặt sang bên kia Tây bán cầu, để con chim sắt khổng lồ phải bay mãi, bay suốt ngày, bay suốt đêm, để chàng được sống gần mỹ nhân. Các chuyên viên sắc đẹp trên thế giới đều đồng ý đàn bà Thái có cái cổ đẹp nhứt. Văn Bình cứ tưởng bọn đàn ông Tây phương nịnh đầm, song đến khi chiêm ngưỡng cái cổ trắng ngần của cô chiêu đãi chàng mới thấy mạch máu chạy rần rật hai bên thái dương, cuống họng khô lại, uống cạn nước sông Đồng Nai cũng vị tất hết khát.
Nàng cúi xuống ỏn ẻn:
- Mời ông sơi rượu.
Mời ông, mời ông, hai tiếng Anh thánh thót của nàng kỳ diệu làm sao! Chàng bỗng bực mình khi nhớ tới cái áo dài màu xanh da trời, thêu hai con rồng ở cổ của các nữ chiêu đãi hàng không Việt Nam. Đàn bà đẹp có cái cổ, cái vai thì Air Việt Nam lại che kín như bưng. Chàng nhủ thầm chuyến này về Sàigòn phải gởi một bức thơ phản đối lầm lỳ và quyết liệt lên cho ban giám đốc Air Việt Nam, đòi nữ chiêu đãi viên được mặc áo hở cổ, và nếu cần....
Cô chiêu đãi né sang bên:
- Chào ông.
Văn Bình nhoẻn miệng cười. Nàng trạc hăm hai - dĩ nhiên là chưa có chồng - má không cần phấn hồng vẫn tươi như hoa hồng của những khu vườn triệu phú ở Vọng-các. Con mắt lịch lãm của chàng đã khám phá ra một bí mật phi thường: nàng không phải là môn đệ của chủ nghĩa cao su mút, một trong những chủ nghĩa thịnh hành trong nữ giới ở Sàigòn.
Tia nắng xiên khoai của trường bay như quả đấm thôi sơn tống vào đầu Văn Bình. Chàng liếm mép, tỏ vẻ thèm muốn những giọt huýt-ky cuối cùng của người đẹp trên phi cơ, rồi nhún vai, bước xuống cái thang cao ngất ngưởng màu trắng.
Công An. Quan Thuế. Văn Bình rút khăn mặt lau bồ hôi lấm tấm trên trán. Báo hại, trời nóng trên 30 độ mà chàng phải nhốt mình trong bộ téc-gan màu xám, áo lót ni-lông, tất ni-lông, sơ mi dài ni-lông, cả cái mù soa sặc sỡ trong túi cũng ni-lông.
Văn Bình trình thông hành cho nhân viên cảnh sát. Từ lúc từ giả Triệu Dung trèo lên phi cơ ở Tân Sơn Nhứt tới khi đáp xuống phi trường Đồn Mương, chàng chưa có dịp mở sổ thông hành ra coi. Nhân viên công an hỏi chàng:
- Tên ông là gì?
Chết rồi, chàng quên mất tên mà ông Hoàng vừa đặt. Lần này, ông Hoàng biến chàng thành một thương gia Phi Luật Tân. Thái Lan kỵ nhứt nhà báo, và niềm nở đối với nhà giàu từ ngoại quốc tới. Trong vòng 10 năm nay, Thái Lan đã thu hút rất nhiều tư bản nước ngoài, lấy tiền canh tân xứ sở.
Văn Bình nhún vai:
- Nếch-to.
Nếch-to là một trong những tên họ thông dụng ở Phi Luật Tân. Nếch-to gì, chàng không nhớ nữa. Song nhân công công an chỉ hỏi tên lấy lệ. Y dở mấy trang, liếc sơ qua, rồi đóng vào một cái dấu to tướng.
Văn Bình chỉ mất nửa phút trước bàn quan thuế. Chàng không mang theo gì hết: dụng cụ gián điệp, súng lục, bì đạn, chàng đều cất ở nhà. Trong va li vẻn vẹn một bộ áo ngủ, một com lê nhạt, hai cái cà vạt, hai đôi tất, và một đôi giày nhẹ. Một nhân viên vạch phấn lên mặt va li, Văn Bình thở ra, dáng điệu khoan khoái.
Nhìn trong thông hành, chàng suýt phì cười. Tên chàng dài dằng dặc như bộ tóc mây của cô gái Việt đầu thế kỷ. Nếch-to Libêratuximê Phenănđê.
Nếch-to! Chàng sực nhớ tới cuộc thi hoa hậu vừa kết thúc tại Sàigòn. Nhiều người bất mãn vì cái nây quá to của hoa hậu. Nây to với Nếch-to không khác nhau là mấy. Chắc hẳn anh chàng vâng lệnh ông Hoàng đặt tên cho Văn Bình đã ở trong đám người phản đối "nây to" của đệ nhứt giai nhân nước Việt.
Văn Bình cũng không ưa đàn bà "nây to". Đàn bà lý tưởng, theo chàng, phải có cái bụng thót lại, tưởng như không bao giờ đựng cơm, cái ngực phải nhô ra, mổi khi người đẹp rún bước, phải có cử chỉ thật phiến loạn, chứ không được nằm bẹp trong nhà tù cao su mút. Vòng ngực ít nhất phải 95 phân, vòng bụng chỉ được phép từ 50 đến 55 phân là cùng.
Chàng lau bồ hôi lần nữa. Gớm, không biết bồ hôi ở đâu mà ra nhiều thế. Phòng đợi của phi cảng được gắn máy điều hòa khí hậu không làm chàng quên được cái nóng nung người kinh khủng bên ngoài.
Theo chương trình đã định, một nhân viên của Sở đã chờ sẵn ở phi cảng, đưa xe cho chàng về trung tâm thành phố cách xa ba chục cây số. Ông Hoàng không muốn tòa đại sứ Vọng-các dính vào sợ bại lộ. Vả lại, Văn Bình đã biến thành công dân Phi Luật Tân, không còn lý do để sứ quán Việt Nam giúp đỡ nữa.
Tuy nhiên, chàng không thấy ai hết. Đối với chàng, thị trấn Vọng-các không xa lạ, nếu ông Hoàng không bày vẽ chuyện đón tiếp phiền phức, chàng có thể vẫy tắc xi, phóng một mạch về Erawan, khách sạn sang nhứt, tắm rửa, thay quần áo rồi xuống đường uống rượu với những cô gái đa tình.
Một trong các điểm cốt yếu của nghề điệp báo là đúng hẹn. Phải thật đúng, không được sai một giây, chứ đừng đừng nói là một phút. Lệ thường, nhân viên gián điệp không được phép đến sớm, cũng như đến muộn, và chỉ chờ nhau lâu nhứt là năm phút. Văn Bình nhìn chiếc đồng hồ to tướng của nhà ga: chàng đã đợi đúng hai mươi phút.
Hành khách cùng đi chuyến Sàigòn-Vọng-các với chàng đã lên xe đi hết. Loa vi âm đã rền vang tiếng gọi hành khách đi Âu châu của công ty hàng không Lufthansa - một công ty nổi danh trên thế giới nhờ cái mông rất tròn, rất cứng của các nữ chiêu đãi viên tình tứ.
Trời đã xế trưa. Tuy Văn Bình đã ăn sáng khá nhiều ở Tân Sơn Nhứt - sáu quả trứng lập-là, một hộp ba tê gan, cái bánh mì dài ngoằng, ba tách cà phê đen có thể làm tượng đá phải nhảy tuýt, và hai ly huýt-ky uống trộm oai ông Hoàng - cộng với một kilô săng-uých, một thùng rượu trên phi cơ, dạ dày kinh khủng của chàng đã trống rỗng như từ lâu chưa ngửi mùi ẩm thực.
Chàng không dám lại quán ăn, sợ nhân viên (phải gió) của sở không gặp chàng. Bụng đói meo, chàng đành hút thuốc Salem liên tiếp, hết điếu này đến điếu khác. Ác hại cho chàng, hơi thuốc bạc hà lại có tác dụng kích thích cường toan trong bao tử, khiến chàng đói thêm. Để đánh lừa ma đói, chàng bách bộ về phía bày bán cà vạt và đồ bạc, đồi mồi thủ công nghệ Thái. Xứ Thái có 2 đặc điểm: cà vạt và nút áo măng sét. Một đô-la một cái cà vạt lụa tơ tằm của Thái vừa bền, vừa đẹp, thắt hàng năm không bạc màu, không nát. Văn Bình đã dùng một cặp khuy măng sét trên sáu năm không gãy trong khi khuy mạ vàng đắt tiền gấp ba bốn lần của Pháp chỉ nặng tay là hỏng.
Linh tính nghề nghiệp xui chàng quay lưng lại. Chàng thoáng thấy một cái xe hơi đen treo cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Việt, bay phất phới. Xe đậu lại, từ cửa sau bước xuống một người béo mập, da trắng, nét mặt oai vệ, dáng đi hách dịch. Văn Bình giựt mình đánh thót. Khổ quá, ông bự này là đệ nhất bí thư sứ quán. Hơn một lần, hắn đã chạm trán chàng, và chàng đã làm hắn ăn ngủ không yên trong thời gian hắc phục vụ tại Đông Kinh.
Hắn không thương chàng, song rất gờm chàng, vì biết chàng là đại tá điệp báo, và là con hùm xám của ông Hoàng, chỉ phất mấy cái móng tay là cái ghế ngoại giao sơn son thếp vàng của hắn bị ngã sụm, biến thành củi đun bếp. Nghe phong phanh chàng đến, hắn mặc bộ đồ lớn đi đón chàng chăng? Gặp hắn thì chết, hắn sẽ bô lô ba la, giới thiệu lung tung với nhân viên sứ quán để tỏ ta đây quen toàn hung thần, hắn sẽ thuê cho chàng một cái phòng thơm phức, ga trải giường thơm phức, và cô bồi cũng thơm phức từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Hoảng hồn, Văn Bình xách va li lại góc phi cảng, kiếm một cái ghế đông người, ngồi thu hình vào đấy. Sợ chưa được an ninh, chàng phải mua thêm một tờ báo tiếng Thái, di sát cào mắt, giả vờ đọc. Khốn nạn, chàng không biết đọc chữ Thái nên cầm ngược tờ báo, cặp trai gái đang mơn trớn nhau bên cạnh tới độ lâm ly nhứt cũng ngừng tay, nhìn chàng và ré lên cười.
Văn Bình cũng cười theo. Nàng trạc hăm tám, hăm chín, cái tuổi lọc lõi trong tình trường, nếu không có một tá người yêu để hò hẹn ban đêm trong công viên tối om, thì cũng biết kháng chiến trong phòng the cửa đóng im ỉm. Lông mày nàng được nhổ gần hết, còn lại mấy sợi lăn tăn, và nàng đã vẻ bút chì cong veo, khiến đôi mắt ướt trở nên dâm dật lạ thường. Môi nàng rất dầy, đặc điểm của phụ nữ thèm đàn ông, thèm hôn như con người thèm ăn cao lương mỹ vị. Khi nàng cười, Văn Bình thấy hai cái răng chó xinh xắn lộ ra. Nàng không đẹp song có duyên. Nếu không bận việc chàng đã ngồi xích lại, trổ tài gạ gẫm, và chắc chắc đã đánh bại được "cậu" nhân tình hôi sữa.
Eo oi, "cậu" nhân tình là một thiếu niên chưa được mười tám, nét mặt dại khờ, tay chân ngượng ngập, ngồi bên nàng, giống như em út với chị cả. Thế mà cô gái cũng bằng lòng cho hắn giựt toang cúc áo, mặc cho cái đầu bù xù của hắn rúc vào nách, vào ngực. Hành khách đi qua không thèm quan tâm tới. Một cảnh sát viên phì phèo thuốc lá tới gần, gã si tình vội rụt tay lại.
Mãi nhìn cặp tình nhân âu yếm, Văn Bình không lưu ý tới một thiếu nữ Thái cao thon, ngực nở, mông tròn, rún rẩy đi quanh phòng đợi. Nàng phục sức theo lối Tây phương, xiêm áo một màu hồng gợi cảm, may ôm lấy tấm thân đều đặn. Mớ tóc dài man dại của nàng rũ xuống đôi vai tròn, nước da ngăm ngăm, trông như giai nhân của xứ Hạ-uy-cầm.
Đến trước Văn Bình, nàng đứng lại.
Cặp mắt to, đen láy, nhìn chàng soi mói. Nàng nhíu lông mày ra vẻ suy nghĩ, đi quanh một vòng nữa, rồi quay lại, và lần này ghé miệng sát mặt chàng, giọng ngọt ngào:
- Thưa, ông có phải là Nếch-to Libêratuximê Phenănđê không ạ?
Nhân viên của Sở đến đón chàng chăng? Không có lẽ. Ông Hoàng đã dặn kỹ càng: đại diện của Sở tại Vọng-các là đàn ông - đực rựa trăm phần trăm, không phải ái nam, ái nữ - 40 tuổi, mặt vuông, râu quai nón lởm chởm, mắt sáng như điện, sơ mi ngắn màu xanh, quần đen, ở cánh tay trái xâm một thiếu phụ trần truồng, đứng ưỡn ẹo dưới gốc cây xoài.
Văn Bình chăm chú nhìn nàng, như nhìn con hổ lông vằn trong vườn Bách Thú. Không, nàng là đàn bà, không phải đàn ông cải trang, mặt dài trái soan, mũi dọc dừa, cầm chẻ hai, má lúm đồng tiền, cổ tay bắp chuối, đôi vú quả lê….
Tuy da nàng không trắng, màu ngăm ngăm còn quyến rũ hơn da đàn bà Tây phương nhiều. Trông nàng, ai cũng phải khen ngợi sự quân bình khác thường giữa bụng và ngực, nhứt là cặp giò thon thon không thua cặp giò lừng danh thế giới của minh tinh Angie Dickinson, và đôi mắt cá tròn trĩnh, đôi vàn chân đỏ chon chót…. Văn Bình líu lưỡi không trả lời được nữa.
Lúc nãy, máu tức trào lên mặt, chàng định đấm cho thằng cha đại diện Sở một cái gẫy sống mũi, nhưng bây giờ, chàng lại nhũn như con chi chi. Ông Hoàng chơi khăm chàng thật. Nhân viên của Sở là nữ hồ ly, không phải Trư Bát Giới.
- Thưa ông, ông có phải là Nếch-to Libêratuximê Phenănđê không?
Văn Bình gật đầu một cách lịch thiệp. Người đẹp chia bàn tay thon dài, mười ngón như tháp bút ra:
- Hân hạnh được gặp ông. Em là Hêlen.
Nàng nói tiếng Pháp, giọng thánh thót như đầm. Hêlen để bàn tay mềm mại thật lâu trong tay chàng, giọng nũng nịu:
- Xin lỗi ông, Môrít bị bận bất ngờ, nhờ em đến đón ông.
Môrít là tên nhân viên của Sở được lệnh tới sân bay Đồn Mương rước chàng. Bao nhiêu hờn giận tiêu tan trong nháy mắt. Văn Bình quên bẳng đã chờ gần nửa tiếng đồng hồ, và cách đây năm phút, chàng định sửa cho Môrít một trận.
Nàng tranh xách va li song Văn Bình giằng lại. Chàng cười:
- Tôi khỏe hơn cô nhiều.
Nàng ưỡn ngực, đôi tuyết lê dựng thẳng dậy như muốn chọc thủng con nhưng chàng:
- Ông đừng tưởng. Sáng nào em cũng tập luyện gần hai tiếng đồng hồ. Em vừa tốt nghiệp đai đen nhu đạo tuần trước.
Hai người đã ra đến chiếc xe Fiat sơn trắng, đậu chềnh ềnh giữa khoảng đất cấm. Một cảnh sát viên đeo kính cận thị đang lúi húi biên phạt. Hêlen rón rén đến sau lưng y, đập vào vai một cái thật mạnh. Y loạng choạng suýt ngã. Nàng ôm miệng cười một cách ngây thơ.
Người cảnh sát đưa tay xuống bao súng, trong một cử chỉ tự vệ quen thuộc. Nhưng đến khi nhận ra một thiếu nữ đẹp như tiên nga, y buông tay sửng sốt. Hêlen nói liếng thoắng một tràng tiếng Thái:
- Ông không biết tôi là em gái Thủ Tướng à?
Rồi không đợi nhân viên trật tự trả lời, Hêlen trèo lên xe, rú ga phóng một mạch. Vừa ra khỏi phi cảng, nàng suýt đâm vào một công xa chạy ngược chiều. Ngồi bên nàng, Văn Bình thấy hai mắt hoa lên. Phái yếu thường lái ẩu, song lái ẩu như Hêlen chàng mới gặp lần thứ nhứt trong đời.
Đoán được ý nghĩ của chàng, Hêlen nói:
- Ông cười em lái ẩu phải không?
Văn Bình chống chế:
- Không, tôi đang nghĩ tới miệng cười như hoa nở của cô.
Hêlen thích chí cười vang.
Một lát sau, nàng nói:
- Em mất trọn buổi sáng mới tìm ra thứ son đặc biệt này đấy. Ông biết không? Môrít dặn em liên lạc với hãng máy bay xem giờ ông tới, em định đi thật sớm, nhưng loay hoay suốt ba giờ mới sửa soạn xong. Môrít nói rằng ông rất xinh trai, ông rất ghét đàn bà xấu, nên em vất vả quá. Vì ông đấy.
- Hêlen làm gì mà vất vả?
- Trời ơi, phải gỡ tóc này, chải tóc này, đánh kem này, thoa phấn này, tô môi này, chọn áo quần này. Riêng cái khoảng y phục, em mất đúng 65 phút.
Văn Bình hít hà:
- 65 phút.
Nàng trề môi:
- Ông tưởng em đùa sao? Thoạt đầu, em mặc đồ Thái, nhưng ngắm trong gương thấy thô kệch, em phải thay bộ màu vàng. Ra đến xe rồi, nhìn trời nắng to, em sợ màu vàng làm ông chói mắt, em phải ba chân bốn cẳng chạy vào, lấy bộ Tây phương này. Ông bằng lòng không?
Sự vui vẻ hồn nhiên của Hêlen lây qua chàng. Chàng bèn nói đùa:
- Không, tôi thích cô mặc áo tắm kia.
Đang phóng nhanh trên trăm cây số một giờ, đột nhiên nàng thắng gấp lại. Chiếc xe khựng dần rồi đứng giữa đường nhựa. Văn Bình bị xô ngã vào người nàng. Chàng ngất ngây như vừa được hít bạch phiến.
- Em mặc đồ tắm đẹp lắm, ông không biết ư? Để về nhà, em mặc thử ông xem!
Trời! Ngây thơ đến thế là cùng. Văn Bình chưa kịp đáp thì phía sau có tiếng xe hơi phanh đánh đét. Suýt nữa tai nạn xảy ra. Hêlen thò đầu qua cửa xe, nói to với tài xế xe sau:
- Xin lỗi nhé.
Tài xế xe sau là một gã đàn ông râu mép lún phún, trạc năm mươi. Y trợn tròn mắt nhìn nàng không nói được lời nào. Nàng thản nhiên sang số, cho xe chạy nhanh như trước. Văn Bình thở dài:
- Hêlen lái xe như thế này thì có ngày chết.
Hêlen nhún vai:
- Em lái đã 5 năm rồi, ai cũng phải nhường em. Nếu ông không tin, chút nữa sẽ thấy. Qua đèn đỏ, em phóng bừa, cảnh sát sẽ không thổi còi bắt em đâu.
- Tại sao họ sợ cô như thế?
- Sợ là phải, vì nếu bắt em vào bót, họ phải mất thời giờ dỗ cho em nín. Em nổi tiếng khóc dai nhứt trường.
- Cô học trường nào?
- Đại học luật khoa.
- Cô là… gì của Môrít?
Nàng cười to, lộ hàm răng đều dặn và trắng muốt:
- Em ấy à? Em là em ruột Môrít. Môrít thương em lắm, ông biết không?
- Môrít đi đâu?
- Em không biết. Sáng nay, anh ấy lấy xe, nói là đi khỏi thành phố có việc tối cần. Giờ này có lẽ Môrít về rồi. Ơ kìa, sao ông ngồi sát quá! Ông làm em ngạt thở mất.
Văn Bình đã áp hông vào ngực nàng. Sức nặng quyến rũ của bộ ngực cân đối mơn trớn da thịt chàng, khiến chàng quên hết. Một bàn tay chàng đặt trên đùi nàng, làn da ấm truyền vào thần kinh chàng một cảm giác tê mê. Nàng không hất tay chàng ra, song lại nói:
- Sắp đến chỗ quẹo rồi, ông không ngồi xê ra thì cả em lẫn ông ăn bụi đấy.
- Tưởng gì chứ ăn bụi thì tôi sẳn sàng.
- Em khuyên ông. Ông phải lành lặn để tối nay còn đưa em đi ăn và đi nhảy nữa chứ? Vả lại, nếu ông bị thương, anh Môrít sẽ giết em chứ chẳng chơi.
- Môrít dữ lắm à?
- Còn phải nói. Anh ấy trợn mắt một cái là hai ba người có thể mất mạng, hoặc ít ra là bị thương. Có lần Môrít đánh ngã năm tên gian một lúc. Môrít ít nói lắm, song anh ấy thường tâm sự với em. Năm ngoái, em đi xem chiếu bóng với Môrít, vừa ở rạp Sri Krung ra, em có linh tính bị theo sau.
Đàn bà chúng em có linh tính kỳ quặc lắm. Em có cảm giác kẻ đi theo không phải là bọn thanh niên hiếu sắc bám gót để tán tỉnh như mọi lần mà là kẻ thù.
Chắc ông chưa biết Môrít mang luôn trong người một con dao nhỏ xíu, mũi nhọn, thứ dao bằng kền của y sĩ giải phẫu. Môrít dùng dao rất tài, đã rút khỏi vỏ là có người chết. Bọn đi theo gồm ba đứa, Môrít thản nhiên nắm tay em vào một con đường nhỏ gần Bangkapi. Giữa hẻm có một xe hơi đen tắt đèn đậu sẵn. Ba đứa rảo bước tới sau lưng, dí súng bắt Môrít và em lên xe.
Em tưởng Môrít ra tay liền, ngờ đâu lên xe anh ấy mới phản công chớp nhoáng. Xe hơi chật chội, bọn gian không dùng súng được, lưỡi dao của Môrít tha hồ tung hoành. Trong vòng một phút, cả bọn bị Môrít giết chết.
Hêlen bóp kèn inh ỏi, một quân xa chạy ngược chiều suýt đâm sầm vào chiếc Fiat bé nhỏ. Tuy lái ẩu, Hêlen là người bình tĩnh khác thường. Bình tĩnh là đức tính hiếm có của nữ giới, trừ phi là nữ giới trong làng gián điệp.
Khách bộ hành đông nghẹt hai lề đường. Từ các tiệp tạp hóa và quán giải khát, vẳng ra tiếng vi âm rộn rã. Văn Bình nhận ra khu Banglampoo, khu mua bán bình dân của thủ đô Vọng-các. Chàng muốn hỏi Hêlen về hoạt động của Môrít, song lại nín thinh. Môrít là nhân viên ưu tú của ông Hoàng, gây được nhiều thành tích trên đất Thái, nơi gián điệp Bắc Việt hoạt động rất mạnh trong giới kiều bào hải ngoại. Chàng không quen Môrít, không biết tên thật của y là gì, song ông Hoàng dặn chàng có thể tin cậy y để hoàn thành kế hoạch vượt bức màn tre ra Hà Nội.
Hêlen phóng qua một dãy biệt thự trệt xinh xắn quét vôi trắng. Nàng nói:
- Sắp đến nhà rồi đấy. Mời ông xuống xe, đi bộ tới.
Văn Bình sửng sốt:
- Ô kìa, cô không đưa tôi tới khách sạn sao? Tôi đã giữ phòng ở Erawan rồi.
- Ông giàu quá, đại thương gia có khác. Erawan đắt nhứt, những ba trăm tỉ-can một ngày. Giá ông ở khách sạn rẻ hơn, để tiền em mua vé xinê có lợi không? Nhưng thôi, em nói đùa đấy. Môrít dặn em thưa lại với ông là chương trình giờ chót thay đổi. Ông về nhà em. Nếu Môrít nói câu ấy, Văn Bình đã lắc đầu không chịu. Ở ôten vẫn là thói quen bất dịch của chàng mỗi khi công tác nước ngoài. Đi lại tiện lợi, gặp gỡ cũng tiện lợi, ban đêm dẫn ai về phòng cũng tiện lợi. Nhưng Hêlen đề nghị, chàng nhận lời liền. Nằm trên nệm mút, tắm nước nóng pha nước hoa Ba-lê, thở khí hậu mát rợi được điều hòa bằng máy Mỹ tối tân, uống đủ thứ rượu đắt tiền trên thế giới tại lữ quán Erawan sướng thật đấy, song vẫn thua xa căn phòng của Hêlen, dầu nàng bắt chàng ngã lưng trên giường gỗ ọp ẹp, rửa mặt bằng nước sông Mahanát đầy bùn, ngửi mùi bồ hóng, mạng nhện, dầu hôi từ trong bếp thoảng ra và uống nước ngọt lao động.
Hêlen đậu xe lại:
- Ông xuống đi, Môrít dặn em không nên đưa ông đến tận nhà, sợ người ngoài biết. Nhà em ăn thông với hai mặt đường, phía trước là tiệm sách - Môrít là chủ nhà sách - phía sau là nhà ở. Cách đây hai trăm thước, ông thấy hiệu sách mang tên em, Hêlen, mời ông đi thẳng vào. Bên trong không có ai cả, em sẽ đợi ông sau tấm riềm màu xanh ở bên trái, trong cùng.
Động cơ xe hơi rú lên. Hêlen mất dạng trong đám bụi mù. Mùi thơm của nàng vẫn thoang thoảng bên người Văn Bình. Chàng móc thuốc Salem ra hút.
Vọng-các buổi trưa vẫn nóng như lò nướng bánh mì. Bộ téc-gan mới toanh đã ướt sũng bồ hôi, áo sơ-mi dán lấy da thịt, làm Văn Bình khó chịu. Chàng mong mau đến nơi để cởi bỏ quần áo, lau mặt cho tỉnh người, rồi nhắp một ly huýt-ky pha nước đá thật lạnh.
Tiệm sách Hêlen là một ngôi nhà nhỏ, kiến trúc xưa, mặt hàng sơn trắng đã ngã sang màu nước dưa mà chưa được trang trí lại. Tấm bảng Hêlen - hiệu sách viết chữ đỏ trên nền trắng được treo cẩu thả trên cái tủ kiếng duy nhứt, bên trong bày sách bề bộn.
Bước vào, Văn Bình nhận thấy giữa nhà một tủ kiếng dài, hai bên tường là các giá sách bám bụi và phai màu. Môrít mở hiệu sách ở khu không sầm uất nên ít khách tới thăm. Có lẽ Môrít cũng muốn ít người để ý tới.
Mộtthiếu phụ đứng tuổi vén màn cửa đi ra. Văn Bình quay lưng lại, giả vờ coi sách. Thiếu phụ ra ngoài cửa, nhìn tứ phía, đoạn trở vào, nói với chàng:
- Côi-thi-ni.
Tiếng Thái "côi-thi-ni" là đợi ở đây. Văn Bình trả lời:
- Su-oát-di.
Su-oát-di là tiếng chào thông dụng, bất luận sáng chiều, gặp nhau hoặc tạm biệt nhau. Thiếu phụ tủm tỉm cười, đoạn nói một tràng tiếng Thái. Văn Bình chẳng hiểu gì hết, chỉ biết gật đầu cám ơn. Tấm riềm màu xanh run nhè nhẹ.
Chàng ngửi lại mùi thơm kỳ dị của thân thể Hêlen. Không cần hỏi ý kiến thiếu phụ đứng tuổi, Văn Bình tiến nhanh về phía cánh cửa đóng kín. Bỗng nhiên thiếu phụ nắm lấy ve áo chàng, nét mặt dữ tợn. Văn Bình cất bước, thiếu phụ dằng lại, tưởng như muốn xé rách áo chàng.
Sửng sốt, chàng vén riềm lên, đặt bàn tay vào nắm cửa. Thiếu phụ lôi chàng lùi lại. Không hiểu sao, chàng ẩy thiếu phụ ngã xuống rồi mở toang cửa.
Văn Bình vừa ló đầu vào thì bị đánh vào tai khiến óc chàng run lên, đom đóm bay tung tóe trước mắt, tứ chi bải hoải. Miếng đòn thứ hai được giáng trúng vai làm chàng mất thăng bằng và khuỵu xuống. Cánh cửa đóng lại đánh sầm.
o O o
Ông Hoàng bấm nút anh-tét-phôn, gọi:
- Nguyên Hương.
- Dạ. Tiếng Nguyên Hương từ phòng ngoài đáp qua máy.
- Đã có phúc đáp của Hà Nội chưa?
- Thưa rồi.
- Nội dung bức điện đánh ra sao?
- Thưa, bức điện này mang số 0609, truyền đi đúng 10g22, giờ Sàigòn. Nội dung như sau:
"Khẩn điện của tổng giám đốc.
Gởi Z.62.
Tham chiếu 307.
Tiếp mật điện 0609 của tổng giám đốc ngày… tháng….
Hãy chuẩn bị chu đáo để đón Z.28 sẽ tới vào ngày…. Mọi hoạt động tạm thời ngưng lại, dồn tất cả vào việc yểm hộ hoạt động của Z.28. stop.
Thời gian gặp gỡ: buổi tối ngày đến. stop. Nếu không gặp, hãy chậm lại 24 giờ. Giờ gặp là 20 giờ hoặc 22 giờ, giờ địa phương. stop.
Địa điểm: bờ hồ Hoàn Kiếm, trước cửa Bưu Điện, trên ghế đá. stop.
Ám hiệu: nhân viên của Z.62 mặc đồ trắng, tay trái cầm một đôi guốc Huế sơn đỏ, chưa đóng quai, tay phải xách một cái bị màu xanh, đan sợi mắt cáo, bên ngoài có thể nhìn thấy một đôi dép lốp xe hơi. stop. Z.28 mặc áo sơ-mi trắng cụt tay, quần sọt xanh, đi dép lốp xe hơi đen, cặp dưới nách trái một tờ báo Nhân Dân và một tờ Thủ Đô Hà Nội, miệng ngậm nửa điếu thuốc lá không châm lửa. stop.
Nhân viên của Z.62 ngồi đợi trước trên ghế đá. stop. Z.28 đi từ phía đường Hàng Khay cũ tới. stop.
Thấy Z.28, nhân viên của Z.62 đứng dậy, nhấc cái bị lên rồi lại ngồi xuống, Z.28 sẽ tới ngồi bên. stop.
Ám ngữ: nhân viên của Z.62 nói trước: hôm nay trời nóng tới 32 độ.
Z.28 đáp: Đồng chí lầm rồi, hàn thử biểu của tôi chỉ có 27 độ.
Nhân viên của Z.62 nói: Mời đồng chí lên Cầu Gỗ ăn một cốc kem cho vui.
Z.28 đáp: Ăn kem thì còn gì bằng. stop.
Hai người cùng đứng lên đi. Dọc đường nhân viên của Z.62 cần ghi nhớ những lời yêu cầu của Z.28. Tới ga xe điện Bờ Hồ, nhân viên của Z.62 đi qua đường, lên Hàng Đào, còn Z.28 vào tiệm kem xế nhà ga, mười phút sau trở ra.
Lời dặn quan trọng: Z.62 phải huy động nhân viên thân tín bố trí bảo vệ cho Z.28, đến khi rời tiệm kem ở Bờ Hồ mới giải tán. Hãy nghiên cứu chỉ thị này và điện về cho biết ý kiến.
Tổng giám đốc .
HH."
Nguyên Hương ngừng lời; ông Hoàng hỏi:
- Theo ban Chuyên Môn, liệu địch có hy vọng cỏn con nào chộp được bức điện của ta không?
- Thưa, một trăm phần trăm không. Bức điện được di chuyển trọn vẹn trong vòng 3 giây đồng hồ. Máy trắc giác tối tân nhứt mà Nga Sô viện trợ cho Bắc Việt phải mất đúng 60 giây mới có thể khám phá ra nơi giấu điện đài thu nhận.
- Z.62 trả lời ra sao?
- Thưa, Z.62 cho biết xin tuân lệnh. Nội đêm nay, sẽ gởi một bản báo cáo bổ túc về Bôrin.
- Z.28 tới Vọng-các chưa?
- Thưa. Môrít điện về phúc trình Z.28 tới nơi bình yên. Tuy nhiên….
Ông Hoàng nhấc mục kỉnh, để tai gần anh-tét-phôn, sợ nghe không rõ:
- Bị trục trặc phải không?
- Thưa vâng.
- Mang bức điện vào đây.
Ông Hoàng xô đống hồ sơ dầy cộm sang bên và đỡ lấy tờ giấy màu vàng, góc trái phía trên đề hai chữ "tối khẩn".
Đọc xong, ông Hoàng nhăn mặt:
- Rầy rà nhỉ!
Ông tổng giám đốc hít một hơi xì-gà Alhsmbra thơm phức, vẻ mặt đăm chiêu.
Đứng cạnh, Nguyên Hương cũng băn khoăn không kém.
Bỗng ông Hoàng mở choàng đôi mắt lim dim:
- Xin ưu tiên cho tôi tổng hành doanh C.I.A. Đông-Nam-Á ở Vọng-các.
Ông Hoàng đấm nắm tay xương xẩu xuống bàn:
- May là Môrít, không thì hỏng hết.
o O o
Trong lúc bị đánh bất thần, Văn Bình cũng nghĩ đến Môrít.
Chàng biết Môrít là nhân viên tin cậy, không thể nào phản bội. Hêlen chăng? Nếu Hêlen một mặt hai lòng, không lẽ Môrít cho nàng lên sân bay đón chàng? Hay là….
Đối phương vừa tấn công lần thứ ba.
Căn phòng đóng kín cửa nên tối như bưng. Từ ngoài sáng vào, chưa quen với bóng tối, Văn Bình không nhìn thấy gì hết. Đối phương đã ám hại chàng bằng ma-trắc, một loại roi chì, bọc cao su, quất mạnh có thể làm dập xương.
Nhờ dày công tập luyện, nghe tiếng gió vù vù, Văn Bình né được, khiến hai ngọn roi đầu tiên chỉ sớt qua, không làm chàng bị thương nặng.
Tiếng gió lại kêu vù vù. Tuy bị đau choáng váng, muốn té xỉu, Văn Bình vẫn còn nguyên sáng suốt và dõng lực. Nhắm vào chỗ phát ra luồng gió, chàng phóng một ngọn độc cước.
Cái đá của chàng đủ sức phá thủng một tấm cửa lim khóa chặt. Trúng người, nó sẽ làm thủng ruột, nạn nhân thiệt mạng vì nát bao tử, nát gan, nát lá lách.
Văn Bình nghe tiếng "hự" rồi một cây thịt nặng chình chịch bổ chúi vào tường kêu rầm.
Nhanh như chớp, chàng bật đèn điện lên. Một cảnh tượng hỗn độn diễn ra trước mắt. Hêlen bị trói quật cánh khuỷu vào chân giường Hồng Kông bằng đồng đồ sộ, miệng bị vải keo dán kín không kêu la được.
Mặc dầu tứ chi ê ẩm, Văn Bình vẫn thấy thèm muốn bộc phát lên thái dương. Hêlen ngước cặp mắt to và đen láy nhìn chàng, dáng điệu cầu khẩn và thán phục. Song chàng không để ý tới đôi mắt đẹp của nàng.
Chàng nhìn thấp xuống. Có lẽ Hêlen chống cự mãnh liệt trong khi bị trói nên áo nàng rách bươm và trễ xuống thắt lưng. Của báu ngàn vàng được phô bày nguyên vẹn: làn da trắng nõn nà, không một vết thẹo nhỏ, không một nốt ruồi đen, không một vết nhăn cỏn con ở bụng và bắp tay, chàng ngắm mãi hai cái núm hồng hồng và bộ ngực núi lửa lớn gấp rưỡi bộ ngực Diễm Thúy thường được coi là lớn nhất nhì Sàigòn.
Quên cả thực tại, Văn Bình tiến đến, vội vã cởi trói cho nàng. Suýt nữa chàng mất mạng. Mất mạng vì gái. Địch vùng dậy, không biết từ khi nào, trong tay lăm lăm con dao sắc như nước.
Y là một gã đàn ông Thái, nước da bánh mật, bắp thịt cuồn cuộn sau làn áo vải thun chật ních, ngực để hở lông lá đen sì, mỗi cánh tay đều xăm sọ người và hai cái xương chéo. Y nghiến răng đâm vào gáy Văn Bình.
Hêlen hét lớn:
- Nằm xuống.
Câu nói của nàng chỉ lúng búng trong miệng song Văn Bình vẫn nghe rõ.
Văn Bình tung người ra phía trước, cuộn tròn lại trên nền gạch trơn bóng. Lưỡi dao phớt qua vai chàng, mang theo một mảng áo, làm da chàng rớm máu. Chậm một phần trăm tích tắc nữa là khí giới giết người đã nằm gọn trong cuống họng chàng.
Chàng phóng ra ngọn cước thứ hai.
Đối phương chưa phải là kẻ đồng cân đồng lạng với chàng. Bị đá vào cườm tay, y bị văng dao, và ngã lộn mèo xuống đất. Văn Bình bồi thêm một đòn nữa, y nằm thẳng đơ như phiến gỗ không cục cựa.
Việc đầu tiên của Văn Bình là gỡ miếng vải keo dán dính miệng Hêlen.
Chàng giựt tấm keo quá mạnh, nàng kêu lên:
- Đau em quá, anh ơi!
Nàng không gọi chàng bằng "ông" như trước nữa. Cầm lòng không đậu, chàng hôn đại vào đôi môi nàng. Hêlen nhắm nghiền đôi mắt, ú ớ trong cơn sung sướng tràn trề. Một phút sau, nàng trách:
- Hừ, anh lợi dụng tay chân em bị trói để hôn em. Cởi trói mau lên, để em đánh cho một cái về tội làm bậy.
Văn Bình lia lưỡi dao một vòng. Những đoạn giây ni-lông đứt rơi lả tả xuống đất.
Chàng chìa má cho nàng:
- Đây, em đánh anh đi.
Nàng giơ tay toan tát, nhưng không hiểu sao lại ôm chầm lấy chàng, hôn chàng một cách đắm đuối. Bộ ngực căng cứng lồ lộ của nàng đè vào cổ chàng, khiến chàng nghẹt thở trong khoan khoái.
Chợt Hêlen buông chàng ra, kêu lên:
- Chết em rồi, còn bà dì ngoài cửa hiệu nữa.
Nàng chạy vội vào trong thay áo. Vừa khi ấy Môrít xô cửa bước vào, nét mặt lạnh như nước đá.
Văn Bình xốc áo đứng dậy. Môrít nói:
- Chào anh. Tôi là Môrít. Anh đã xem ảnh tôi ở Sàigòn, nên miễn phải trao ám ngữ. Hêlen đâu?
- Nàng ở trong nhà.
- Cả anh và nàng không hề gì chứ?
- Không.
Thiếu phụ đứng tuổi Văn Bình gặp hồi nãy cũng bước vào. Thấy chàng, thiếu phụ nhoẻn miệng cười:
- Gớm, tôi giữ ông lại không kịp. Ông mạnh quá.
Chàng sửng sốt khi nghe thiếu phụ nói tiếng Việt như người Việt.
Môrít khoát tay:
- Anh ngạc nhiên phải không? Chị ấy là người Việt chính cống. Nhân viên của Sở đấy.
- Bà dì của Hêlen hả?
Đang lầm lì, Môrít phá lên cười:
- Hừ, anh lại nghe con quỉ Hêlen rồi. Nó nhận là em ruột tôi phải không?
- Phải.
- Để tôi cho nó ăn bạt tai mới được. Hêlen là nữ nhân viên ban Biệt Vụ.
- Ban Biệt Vụ?
- Phải. Ban Biệt Vụ gồm toàn phụ nữ ấy mà. Nó sang đây với tôi đã sáu tháng nay. Kinh khủng lắm anh ơi, lắm lúc tôi đứt hơi vì nó. Nhà tôi đi vắng, nên tôi chưa giới thiệu với anh được. Nào, chúng ta vào trong nhà.
Hêlen hiện ra trong khung cửa.
Nàng vào phòng, không phải để thay sơ-mi bị rách, mà là thay một bộ xiêm y hoàn toàn mới, màu cá vàng rực rỡ, may thật khít, Văn Bình reo lên:
- Trời, cô Hêlen đẹp quá.
Môrít thở dài:
- Việc ngập đến cổ thế này mà còn khen đàn bà đẹp được, thú thật trên đời chỉ có anh là số một thôi. Nghe danh đã từ lâu, giờ mới gặp, quả thiên hạ đồn không sai.
Hêlen trề môi:
- Anh nói xấu Nếch-to Libêratuximê Phenănđê phải không?
Môrít giơ hai tay lên trời, dáng điệu thất vọng:
- Khiếp, tôi sống gần cô độ một tháng nữa thì tôi chết mất. May mà cô sắp đi rồi.
Hêlen mừng rú:
- Em được đi với Nếch-to ư?
Môrít nói:
- Không phải là Nếch-to mà là Văn Bình, tức Z.28.
Hêlen sửng sốt, ngó Văn Bình trân trân. một phút sau, nàng mới nói được:
- À ra anh là Văn Bình. Chị Nguyên Hương có nói với em nhiều về anh.
Văn Bình cười:
- Cám ơn cô. Nào, chúng ta bắt tay vào việc.
Môrít dựng gã người Thái bất tỉnh dậy, bồi thêm một atêmi vào yết hầu, rồi lôi sềnh sệch vào nhà trong.
Hêlen bấm một cái nút bí mật gắn trong tường. Một cánh cửa mở ra, để lộ miệng hầm đen ngòm.
Ba người bước xuống bực thang trơn như mỡ. Môrít vặn đèn, ánh sáng nê-ông xanh biếc chiếu rõ căn phòng khá rộng, đồ đạc kê hỗn độn, cạnh những thùng tôn lớn, dường như chứa ét-xăng.
Môrít gõ vào một cái thùng:
- Trong thùng không có ét-xăng mà là rượu. Thùng nào cũng đầy ứ. Mỗi thùng đựng hai xác chết.
- Đựng xác chết? Văn Bình hỏi.
- Vâng, xác chết của nhân viên RU, Trung Cộng và Bắc Việt. Dưới hầm này, tôi đã giấu được mười mạng cả thảy. Chắc tướng Grubo không ngờ được tôi ướp xác nhân viên RU trong rượu. Trong vòng một năm nay, nhân viên địch nào léo hánh tới Vọng-các cũng đều bị tôi thủ tiêu một cách êm thắm và cho uống huýt-ky dưới hầm.
Môrít kéo ghế mời Văn Bình ngồi, đoạn nói:
- Gián điệp địch ở đây nhiều lắm, không ít như bên nhà tưởng đâu. Bọn chúng định thịt tôi nhiều lần, song đều bị tôi thịt trước. Tôi biết sớm muộn chúng sẽ vớ được tôi. Nhưng cần gì, anh nhỉ? Làm nghề này, sống chết không còn nghĩa gì nữa.
Tuy mới sang, Hêlen đã giúp tôi được nhiều. Ngoài mặt, Hêlen là nữ sinh viên Luật trường đại học Watpo, dễ dãi với đàn ông và có tư tưởng chính trị tả khuynh.
Hẳn anh đã biết ở Thái có một số sinh viên thân Cộng. Gián điệp RU hoạt động ở đây khá mạnh nhờ Nga Sô có tòa đại sứ. Anh tới đại lộ bắc Sathorn Road là thấy cờ đỏ búa liềm sô viết. Một số điệp viên Bắc Việt đã trà trộn trong hàng vạn Việt kiều ở các tỉnh đông khác.
Hêlen đội lốt nữ sinh viên tả khuynh đã liên lạc được với đầu mối gián điệp của địch. Họ tin nàng lắm. Khổ một nỗi là phản gián Thái lại ghi nàng vào sổ đen.
- Phản gián Thái không biết Hêlen là nhân viên của ta à?
- Không. Tôi đã trình về, ông Hoàng dặn cứ lờ đi, để khi nào cần thiết mới cho họ biết.
- Anh cho Hêlen lên trường bay đón tôi, còn anh lảng vảng bên ngoài, xem nàng bị ai theo, phải không?
Môrít giật mình, thán phục:
- Anh nói trúng phong phóc. Z.28 có khác. Vì kế hoạch đưa anh ra Hà Nội cần được bảo mật triệt để, tôi mới dùng Hêlen để thử lại bài toán, coi phản gián Thái còn nghi ngờ nàng nữa không. Anh còn lạ gì, người Thái rất khôn ngoan và thực tiễn. Bằng chứng là họ đã duy trì được độc lập và không bị trầy vây sứt vẩy qua hai trận thế chiến kinh khủng.
Họ liên lạc ngoại giao với Nga Sô, song lại chống Cộng dữ dội. Họ ủng hộ cuộc chiến tranh của ta, song lại bằng lòng cho Việt kiều hồi hương về Bắc.
Họ cho nhân viên theo dõi Hêlen để khám phá guồng máy hoạt động của phe Cộng ở đây. Lúc anh xách va-li ra khỏi ghi-sê quan thuế, tôi đã chờ sẵn ở ngoài. Lẽ ra Hêlen tới đúng giờ, nàng thay áo, tô môi mãi thành chậm. Chậm thế mà hơn, vì tôi có đủ thời giờ quan sát ở phi cảng.
Anh vừa trèo lên xe với Hêlen thì ở phía sau, một nhân viên mật vụ Thái rút máy ảnh ra chụp. Xong xuôi, y lái xe rượt theo. Tôi đành phải dở trò lục lâm, chận đầu xe y ở dọc đường, đánh y bất tỉnh, đoạt lấy cuộn phim.
Tôi không ngờ một nhân viên khác lại đợi anh trong nhà. Công chuyện đã lỡ dở thế này, tôi tưởng nên bảo thẳng cho họ biết.
- Anh đã liên lạc với họ chưa?
- Chưa. Nhưng tôi đã điện ngay về cho Sở. Vào giờ này, chắc ông Hoàng đã nhờ C.I.A. nói nhỏ với mấy cha nội Phản Gián Thái. Dầu sao, nhà tôi cũng bị lộ rồi, anh không nên lưu lại đây nữa.
- Anh muốn tôi đi đâu?
- Tôi đã gọi dây nói lấy phòng ở Royal Hotel cho anh. Hêlen ở khít phòng anh. Bây giờ anh tới khách sạn nghỉ ngơi chờ tôi. Chừng sáu giờ chiều tôi đến.
- Chừng nào lên đường?
- Chưa rõ. Có thể đêm nay hoặc đêm mai. Sáu giờ, tôi sẽ tin anh biết.
- Còn thằng cha mật vụ bị tôi đánh ngã?
- Anh để tôi phụ trách. Lát nữa, tôi sẽ vứt y xuống đường, đá một cái vào đít, và dặn đừng mò tới nhà tôi nữa. Tôi cũng đi luôn, có lẽ một vài tuần sau, khi anh rời Hà Nội, mới trở về. Người Thái dễ quên lắm, anh đừng sợ họ giận.
Văn Bình cười nụ. Từ nãy đến giờ, Hêlen đặt hai bàn tay mềm mại lên đùi, ngồi yên không nói nửa lời.
Môrít hỏi:
- Hêlen có cần gì không?
Nàng đứng dậy, quắc mắt:
- Hừ, anh nói dối em. Anh bảo là phải ra ngoại ô có việc cần, ngờ đâu bí mật theo dõi em.
Môrít cười:
- Xin lỗi Hêlen. Tôi cận thị nên không nhìn thấy hai người hôn nhau trên xe đâu.
Nàng "hừ" mát:
- Hừ! Cận thị mà ban đêm không cần đeo kiếng anh vẫn thấy rõ đàn bà tắm trần truồng trên sông Chao Phya!
Văn Bình quay lại phía Môrít, giọng vui vẻ:
- Tôi không ngờ anh lại lập được thành tích vẻ vang như thế.
Môrít thở dài:
- Con bé nhớ dai thật! Chuyện xảy ra đã lâu rồi. Đêm đó tôi đi xuồng máy với Hêlen. Trời tối thui, cách đền Wat Aroon một quãng xa, lố nhố trên bờ sông có đàn bà tắm. Không hiểu sao mắt tôi trở nên sáng như đĩa đèn. Tôi tưởng Hêlen kém mắt, ngờ đâu mắt nó cũng sáng như tôi, có lẽ còn sáng hơn nữa. Nó bắt được quả tang tôi đang nhìn.
Văn Bình cười ha hả:
- Thôi, hòa cả làng.
Nhưng Hêlen chưa chịu hòa. Nàng đấm thùm thụp vào lưng Môrít:
- Anh phải thú tội liền. Anh về đã lâu, song chưa vào vì còn bận nhòm qua lỗ khóa phải không?
Văn Bình tái mặt. Môrít gớm thật! Té ra hắn đã chứng kiến cảnh chàng bị thu hồn trước bộ ngực phơi trần của Hêlen, và cảnh hai người ôm nhau hôn hít. Chàng hy vọng Hêlen đoán sai.
Song nàng đã đưa bằng cớ:
- Lúc anh bước vào, em đã khám phá ra liền. Anh vốn hay cười thế mà mặt anh lại lạnh như tiền. Chẳng qua anh sợ em biết anh nhìn trộm, làm ngậu lên, anh phải đóng kịch đứng đắn. Nào, anh còn chối nữa không, để em ra hỏi "bà dì"?
Môrít xua tay:
- Thôi, tôi xin cô.
Văn Bình lắc đầu lia lịa:
- May tôi chưa làm gì. Chứ nếu sàm sở thì chết.
Môrít ngửa mặt lên trần nhà:
- Anh là người có diễm phúc nhất thế gian này. Hêlen không dễ dãi đâu, anh đừng hiểu lầm. Nó gan lì như cóc tía và khắc nghiệt một cách kinh khủng. Cậu nào mó vào giày nó đều ăn bụi tức khắc. Nửa năm trường, nó ở chung nhà mà tôi chưa được hân hạnh vuốt má nó, chứ đừng nói là ghé sát miệng như anh vừa làm hồi nãy.
Hêlen nói:
- Ồ, vì anh sợ em mách với chị. Chị Môrít ghen ghê lắm, anh Z.28 biết không? Nếu Môrít nhănh nhít, em chỉ rỉ tai chị ấy một tiếng là tan xác. Em cũng xin giới thiệu với anh: chị Môrít là một nữ nhân viên cừ khôi của ban Biệt Vụ.
- Chị đi đâu? Văn Bình hỏi.
- Nhà tôi đi Chieng Mai, đêm mai mới về. Thôi, phiệu mãi, lỡ giờ mất rồi. Hêlen, cô dẫn anh Văn Bình ra cửa sau, gọi tắc-xi tới khách sạn.
Văn Bình theo Hêlen đi qua một cái sân rộng thoang thoảng mùi thơm hoa hồng. Mùi hoa đã thơm, mùi da thịt nàng còn thơm hơn. Chàng hỏi:
- Nhân viên Biệt Vụ đều manh tên Quỳnh. Tôi quen Quỳnh Loan, Quỳnh Mai và Quỳnh Như ở Sàigòn. Còn Hêlen tên Việt là gì?
- Em là Quỳnh Ngọc. Thật ra Ngọc cũng chưa phải là tên em, vả lại, anh biết tên thật làm gì hả anh?
- Quỳnh Ngọc, cái tên đẹp quá. Từ nay, tôi không gọi cô là Hêlen nữa, mà là Quỳnh Ngọc.
- Tùy anh. Nhưng xin báo anh biết, Quỳnh Ngọc dữ hơn Hêlen nhiều.
Hai người ra đến cửa hậu. Nàng sửa soạn mở. Văn Bình dồn nàng vào tấm cửa lim, nâng cằm nàng lên. Nàng ngoan ngoãn ngã vào vòng tay rắn chắc của chàng và hôn trả rất lâu, khiến chàng muốn trẹo quai hàm.
Văn Bình luồn tay qua cổ áo rộng của nàng. Quỳnh Ngọc gỡ ra:
- Z.28 tham lam lắm.
Cánh cửa nặng nề mở toang. Ánh nắng xế trưa ùa vào làm Văn Bình nghẹt thở. Chàng vẫy một chiếc tắc-xi, sơn nhiều màu rực rỡ như đồ chơi trẻ con. Ném va-li qua cửa sau, chàng ra lệnh:
- Đại lộ Rajdamnern.
Khách sạn Royal ở cuối đường Rajdamnern. Nghĩ đến lúc được bơi lội trong hồ tắm nước trong xanh giữa một vườn hoa ngoạn mục, Văn Bình cảm thấy yêu đời lạ thường.
Đúng 6 giờ, Môrít gõ cửa phòng, ba ngắn, một dài.
Văn Bình tung chăn ngồi dậy. Quá mệt, chàng ngủ thiếp đi, quên cả giờ hẹn với bạn.
Môrít không ngạc nhiên khi thấy Văn Bình cởi trần, chăn gối ngổn ngang trên giường. Văn Bình vớ lấy cái khăn lông:
- Xin lỗi anh. Tôi vào phòng tắm hai phút thôi.
Môrít đáp:
- Không sao, còn nhiều thì giờ. Anh cứ tắm tự nhiên. Đêm nay, tôi ở lại với anh. À, báo tin anh biết, ông Hoàng đã can thiệp xong xuôi với phản gián Thái rồi.
Huýt sáo miệng một bài ca tuýt thịnh hành, Văn Bình vặn nước. Những tia nước nóng làm thớ thịt chàng thoải mái từ cái hoa sen tối tân đổ xuống như mưa rào. Vừa kỳ cọ, chàng vừa trách thầm. Là điệp viên giàu kinh nghiệm, Môrít dư biết nguyên nhân chàng dậy muộn.
Chuyến bay Sàigòn-Vọng-các mất một giờ rưỡi, không lấy gì làm mệt. Khí trời oi bức thật đấy, song Văn Bình không phải là kẻ nhàn hạ, được ngã lưng là ngủ trả thù. Lý do khiến chàng ngủ quên là Quỳnh Ngọc.
Tới khách sạn, lên phòng, chàng mới rửa xong cái mặt, mở va-li thay đồ ngủ, định trèo lên giường thì Quỳnh Ngọc lò dò tới. Nàng mặc một cái sơ-mi ngắn tay, và đi giép thấp, quai da mạ vàng. Trong bộ y phục giản dị, nàng đẹp trội lên. Thấy chai huýt-ky uống dở trên bàn, nàng rót một ly uống cạn. Văn Bình khen ngợi:
- Hêlen uống rượu tài quá.
Nàng bặm miệng:
- Ai cho phép anh gọi em là Hêlen?
Sực nhớ ra, Văn Bình xin lỗi. Nàng rũ chân, quăng đôi giép xuống đất, nằm dài lên giường, tay dựa vào cái gối tròn. Qua làn vải mỏng, Văn Bình thấy rõ ngực nàng phập phồng. Chàng ngồi xuống bên nàng, quàng tay ra sau lưng. Nàng ẩy ra, song chỉ phản ứng lấy lệ.
Biết trái cây đã chín, Văn Bình đứng dậy kéo riềm che kín cửa sổ. Quỳnh Ngọc nằm quay mặt vào tường. Chàng nghe rõ tiếng tim đập rồn rập của nàng. Hai người lặng lẽ tìm môi nhau. Bàn tay Văn Bình chạm vào làn da mát rợi, khiến toàn thân nàng run lên, như bị cảm. Văn Bình ngây ngất khi nghe tiếng nhạc nhẹ từ xa vọng lại. Trong đời chàng đã yêu nhiều, nhưng ít khi được yêu say đắm, yêu cuồng loạn như trong 60 phút với Quỳnh Ngọc ở Vọng-các.
Nhìn đồng hồ, nàng nói ;
- Chết rồi, đã bốn rưỡi. Nếu Môrít biết em yêu anh thế này, hắn sẽ báo cáo về Sở, em bị triệu hồi lập tức. Lạ quá, ai cũng cho em cương quyết, không ngờ lại mang lụy vì anh. Em về phòng, anh nhá!
Nàng khép cửa, chàng ngủ luôn một giấc.
Tắm rửa xong, Văn Bình mặc bộ com-lê vừa ủi, chải lại mớ tóc phiến loạn, bước ra ngoài. Môrít gật gù:
- Anh đẹp trai thật. Thảo nào Quỳnh Ngọc mê như điếu đổ.
Song mừng rỡ thở dài:
- Con bé ngoan lắm, tôi thương nó như em ruột. Trong công tác ở Hà Nội, phiền anh bảo vệ nó. Anh nó với tôi là bạn cùng lớp. Y làm phi công bị tử nạn trong một vụ ném bom xuống vùng địch. Gia đình không còn ai, y thường dặn tôi chăm sóc em gái, nên sau khi thiệt mạng, tôi xin cho nó gia nhập ban Biệt Vụ. Nó có khiếu tình báo nên được ông Hoàng cất nhắc. Tốt nghiệp ưu hạng khóa huấn luyệt Biệt Vụ, nó làm việc một thời gian ở tổng hành doanh, rồi tôi xin nó qua đây.
Lệ thường, nhân viên gián điệp yêu nhau là điều tối kỵ. Tuy nhiên, tôi mặc cho Quỳnh Ngọc yêu anh vì hai lý do. Thứ nhứt, Quỳnh Ngọc chưa yêu ai bao giờ, gặp anh tại phi trường bị ngay tiếng sét ái tình, nó lại rất cương quyết và bướng bỉnh, đã làm thì Trời đánh không bỏ. Thứ hai, anh là người giàu kinh nghiệm, anh đủ tài khuyên nó rằng trong nghề gián điệp tình yêu ít khi dẫn tới hôn nhân. Vả lại….
Môrít thở dài lần nữa, rồi tiếp:
- Chuyến đi này dữ nhiều, lành ít, tôi không dị đoan, tôi không bi quan tếu, song tôi biết trước sẽ có nhiều nguy hiểm chết người. Song, chết đối với anh và tôi là việc tầm thường, nhưng không hiểu sao lần này tôi lại nao nao trong dạ. Có lẽ vì anh là điệp viên giỏi, tôi hằng mến phục, còn Quỳnh Ngọc là ruột thịt đau sót của tôi.
Văn Bình ngồi im, tay đùa với cái quẹt máy. Lát sau, chàng hỏi:
- Quỳnh Ngọc đi chưa?
Môrít đáp:
- Rồi. Nhờ nó yêu anh tha thiết, nó mới có đủ bình tĩnh thi hành kế hoạch táo bạo đêm nay.
Bỗng, điện thoại trong phòng reo lên.
Áp ống nói vài tai, Môrít biến sắc mặt. Chàng bịt điện thoại, nói riêng với Văn Bình:
- Anh đóng va-li lại, đi ngay với tôi. Thằng cha mật vụ bị anh đánh ngã trong nhà tôi đã chết rồi.
Văn Bình choáng cả người. Mật vụ Thái sẽ không dung tha cho Môrít nữa, mặc dầu họ có cảm tình nồng hậu với ông Hoàng.
Môrít gác ống nói, rút thuốc ra hút:
- Thật là mình bị xui. Tên mật vụ chết vì bị dập lá lách. Không ngờ cái đá của anh lại ghê gớm đến thế. "Bà dì" vừa báo tin tôi biết. Mật vụ Thái đã liên lạc với tòa đại sứ của ta, đòi bắt tôi về tội sát nhân. Do sự điều đình của ông Đại Sứ, họ thỏa thuận cho tôi rời Vọng-các, nếu tôi đến nạp mình.
- Hừ, nạp mình để kế hoạch của ta bại lộ à?
- Tôi cũng nghĩ thế. Bây giờ mình chỉ còn một lối thoát duy nhứt, rút vào bóng tối. Đêm nay anh lên đường, sáng mai, tôi đi Songkhla, cách Vọng-các 900 cây số, sát biên giới Mã Lai, xuống Kuala-Lumpur rồi tìm đường về nước.
- Phiền quá, tôi làm anh mang lụy.
- Hề gì. Tôi chỉ sợ công việc chung không thành thôi. Anh yên tâm, họ bắt tôi không phải dễ.
Văn Bình chưa kịp đáp thì cửa phòng mở toang.
Hai người đàn ông lực lưỡng ập vào.
Trên tay lăm lăm khẩu súng lục bóng loáng.