Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 68
M
i tiếp tục leo núi. Mỗi lần mi đến gần đỉnh, kiệt sức, mi lại nghĩ đây là lần cuối cùng. Đến đích rồi, khi cơn kích động của mi đã lắng đôi chút, mi lại không hài lòng. Cái mệt của mi càng mất đi thì sự bất thỏa của mi lại càng lớn, khi mi ngắm nhìn dãy núi uốn lượn ra tít tắp mù khơi thì ham muốn leo trèo lại xâm chiếm mi. Những núi mi đã leo không còn tí lý thú nào nữa nhưng mi đinh ninh rằng quả núi sau quả núi này khắc sẽ có những cái tân kỳ mi chưa từng nhìn thấy, chờ khi đã lên đến đỉnh của nó, thì lại chẳng có cái thần dị mà mi mong đợi nào sất cả, nhất loạt chỉ gặp gió cô đơn.
Theo cùng năm tháng, mi thích nghi với cô đơn, leo núi trở thành một thứ bệnh mạn tính. Mi hoàn toàn biết rằng mi sẽ chẳng tìm thấy cái gì hết, mi chỉ bị sự mù quáng của mình thúc đẩy và mi không ngừng leo. Dĩ nhiên trong cái quá trình ấy, mi cần đến một vài an ủi, mi tự ru mi bằng những huyễn hoặc của mi, mi tạo ra những thần thoại cho chính mi.
Mi kể rằng dưới một vách núi dựng đứng, mi đã nhìn thấy một cái hang gần như bị các tảng đá chồng chất bịt kín hoàn toàn. Mi đã ngỡ đó là nhà của Lão Thạch, một vị thần mà các truyền thuyết của dân tộc Khương nói đến.
Mi kể rằng ông ngồi trên một ván giường mốc rêu mà khi mi chạm vào thì rơi vụn ra như bụi. Mọi đổ nát đều ẩm ướt vì không khí kín bưng của cái hang. Một con suối chảy trước cửa ra vào và bất cứ chỗ nào người ta đặt chân vào thì rêu đều đã phủ kín cả.
Người ông dựa vào vách đá, khô như một cành cây chết, mặt với hai hố mắt sâu quay vào mi. Khẩu súng được phù phép của ông treo trên một cành cây cắm vào một khe nứt vách đá, trên đầu ông. Ông chỉ việc giơ tay ra là nắm được lấy cây súng không hề mang một vết han gỉ nào. Nó vẫn còn những vệt mỡ gấu đen sì phủ lên.
Ông lão hỏi mi:
- Mày đến làm gì?
- Cháu đến gặp ông.
Mi cố tỏ ra lễ phép mặc dù sự kinh hoàng đang thít chặt lấy mi. Ông lão không phải là một ông già, giống như một đứa trẻ tai quái, không hiểu lẽ đời. Mi làm bộ cung kính là đủ rồi. Mi biết rõ ông lão có thể giết mi bằng cây súng nếu ông lão cáu lên bởi nếu làm cho ông ta sợ. Đối lại với hai hố mắt sâu hoắm, mi không dám giương mắt lên, sợ ông lão nghĩ mi nhòm ngó cây súng.
- Đến gặp ta làm gì?
Mi không thể nói mi đến để làm cái gì.
- Đã lâu không có ai đến đây, ông càu nhàu, tiếng nói như đi ra từ một hang động. Cầu treo dẫn đến đây mục hoàn toàn rồi phải không?
Mi giải thích rằng mi lên đây bằng lối đáy vực, ở chỗ con sông Minh chảy.
- Tất cả chúng mày đã quên tao rồi hả?
- Không, mi vội nói, dân núi biết ông cả, ông là Ông Lão Thạch. Đêm khuya tàn rượu họ nói đến ông nhưng họ không dám đến gặp ông.
Mi muốn nói với ông rằng với mi thì là sự tò mò chứ không phải lòng dũng cảm đẩy mi đến đây khi nghe dân núi nói đến ông, nhưng mi không tiện giải thích như thế với ông. Vì mi đã tìm thấy bằng chứng của truyền thuyết thì bây giờ đã nhìn thấy ông, mi phải tranh thủ cơ hội nói thêm cái gì.
- Từ đây đến núi Côn Lôn có xa không, thưa ông?
Tại sao mi lại hỏi núi Côn Lôn? Đó là núi tổ tiên, nơi Tây Vương Mẫu sống. Bà được thể hiện trên các viên gạch màu tìm thấy trong các ngôi mộ đời Hán bằng hình người đầu hổ, mình người và đuôi báo. Các viên gạch nặng trịch đời Hán là hiện thực quá đi rồi.
- A, cứ đi thẳng thì tới Côn Lôn.
Ông nói thế như thể ông chỉ nhà vệ sinh hay một rạp chiếu bóng. Mi đã được trang bị lòng dũng cảm để hỏi nữa:
- Nhưng đi thẳng mãi bao xa?
- Thẳng mãi...
Chờ ông nói tiếp, mi liếc một cái vào hai hố mắt rỗng không của ông. Miệng móm mém của ông hai lần mở ra lại khép lại. Không thể biết ông đã nói gì chưa hay là ông sắp nói.
Mi đã muốn chạy ngang qua ông, nhưng sợ ông thình lình nổi giận, mi bèn cứ nhìn ông, làm ra vẻ khúm núm, tựa như nghe ông chỉ bảo vậy. Nhưng ông không chỉ thị, căn bản không có chỉ thị. Mi cảm thấy các cơ mặt mi đang quá căng trong bất động, mi bèn thả chùng hai khóe mép xuống, đổi ra vẻ vui thích. Nhưng mi vẫn không thấy phản ứng gì ở ông. Thế là mi bèn dịch một chân cho ngả trọng tâm rồi đi lên nhè nhẹ không thể nhận thấy. Mi đến gần hai hố mắt sâu hoắm của ông, các con ngươi của ông nhìn trừng trừng như giả, có lẽ đây chỉ là một xác ướp.
Những xác chết được bảo tồn hoàn hảo của các ngôi mộ Sở ở Giang Lăng và Tây Hán ở Mã Vương Đồi mà ta từng thấy chắc chắn là cũng như ông đây, ngồi rồi chết.
Mi lại gần từng bước mà không dám sờ vào ông, sợ chỉ khẽ một cử chỉ đã đủ làm cho ông ngã. Mi giơ tay để lấy khẩu súng đầy vết mỡ gấu treo ở sau lưng ông. Ai hay mi vừa chạm vào nòng súng, nó liền vụn tơi ra thành bụi. Mi vội tháo chạy, chẳng bận lòng muốn biết liệu mi có đi đến Tây Vương Mẫu nữa hay không.
Trên đầu mi vang lên một tiếng sấm, trời biểu lộ cơn giận dữ! Các thiên binh thiên tướng dùng trùy bằng xương thú dữ đánh vào trống cái làm bằng da trâu Đông Hải.
Chín nghìn chín trăm chín mươi chín con dơi trắng chập chờn bay trong hang thốt ra những tiếng chói tai, đánh thức dậy các thần núi. Những khối đá lớn rời ra khỏi đỉnh, kéo theo một vụ truồi lở bạt ngàn giống như một đoàn kỵ binh lao xuống dốc trong một đám mây bụi.
Ô, ô! Thình lình trên trời hiện ra chín mặt trời. Những người đàn ông với năm xương sườn, những người đàn bà với mười bảy sợi thần kinh đnag bắt đầu khua vào các trống phách và bấu dứt các dây đàn, không ngừng hát, kêu lên và gào rú.
Lúc đó hồn mi lìa bỏ mi và mi chỉ còn thấy vô vàn cóc nhái, há hốc mồm quay lên trời như một đám đông những người bé nhỏ bị chặt mất đầu, tay chĩa lên trời kêu to lên trong niềm tuyệt vọng. Trả lại đầu cho tôi! Trả lại đầu cho tôi! Trả lại đầu cho tôi! Trả lại cho tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Đầu tôi đâu, trả lại! Đầu tôi, trả lại! Đầu tôi, trả đi! Trả lại tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Trả lại cho tôi đầu tôi! Trả tôi lại đầu của tôi! Đầu, trả lại cho chúng tôi cho chúng tôi! Đến trả lại đầu chúng tôi!... Tôi trả lại...