We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 208
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 22739 / 122
Cập nhật: 2015-10-14 21:37:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Z.28 Đêm Cuối Cùng Của Tử Tội - Chương 1: Chiếc Ghế Điện
ồ hôi ướt đầm, Bôrin giật mình tỉnh dậy. Suốt đêm không ngủ, mãi đến gần sáng mới chợp được mắt thì cơn ác mộng hiện ra. Y mơ thấy đắm tàu trên một giòng sông đen kịt như hắc ín, những con thuồng luồng nhầy nhụa, kinh tởm, đua nhau róc rỉa thân thể của y. Đột nhiên, một rặng núi to lớn, đá nhọn chĩa ra tua tủa, chạy xô tới, sấm sét nổ đùng đùng, tia lửa bắn ra, quyện lấy người y, đốt cháy như cây đuốc tẩm xăng.
Bôrin thét lên một tiếng hãi hùng. Theo thói quen, y đưa tay trái lên xem giờ: nơi y thường đeo chiếc đồng hồ vàng 10 ca-ra nạm hạt soàn óng ánh, chỉ còn lại một vết dài trắng bệch, nổi bật trên nền da nâu sẫm. Bôrin sực nhớ y đang ở trong khám, trong khu tử hình lạnh lẽo và ghê rợn của nhà lao Sing Sing, gần bến tàu Nữu ước. Từ ngày bị giam trong khu tử hình, đợi ngày lên ghế điện, y mất hẳn ý niệm về thời gian. Ngọn đèn vàng ệch treo ngoài hành lang được bật ngày đêm, lúc nào mí mặt cũng nặng chĩu song y không tài nào ngủ nổi.
Có tiếng chân người và khóa cửa rỏn rẻng. Một người gác đẩy cái xe nhỏ chở thức ăn nóng hổi tới. Nhìn tách cà phê bốc khói nghi ngút, Bôrin lẩm bẩm: sáng rồi.
Rồi y thở dài, một giọt nước mắt lăn trên gò má xương xẩu. Sáng rồi! Còn mấy giờ nữa, Bôrin sẽ bị dẫn lên ghế điện. Trưa qua, y được đưa tới "phòng đợi" này, một xà-lim nhỏ, tường bằng thép sơn những màu mát mắt. Bôrin bỗng thèm được trở lại căn phòng số 13, nơi y bị giam cầm gần sáu tháng trường. Cũng như các xà-lim khác trong khu tử hình, phòng 13 sâu 3 th 60, rộng 2 th 70, trần quét vôi xanh nhạt, chân tường cẩn gạch nâu, đồ đạc gồm một cái giường xinh xắn trắng muốt, cái chậu rửa mặt, cái bàn nhỏ trên có mấy cái ly bằng giấy, một xấp giấy và một cái bút chì.
Con số 13 làm Bôrin liên tưởng tới văn phòng chỉ huy trung ương tại Mạc Tư Khoa. Tổng hành doanh Smerch cũng ở nhà số 13. (1) Phòng bí mật nhất ở lầu hai cũng sơn mầu xanh ôliu như trần xà-lim Sing Sing, khác một điều là nền nhà được lót thảm len sặc sỡ đắt tiền, và ở góc phòng có một cái bàn vĩ đại bằng gỗ quí, lợp nhung đỏ, bên cạnh là tám cái ghế da, một cái bàn dài dùng cho các phiên họp, và bốn bức ảnh khung mạ vàng treo ngay ngắn trên tường. Đó là văn phòng đại tướng G. (2) người cầm đầu Smerch.
Bôrin là nhân viên Smerch. 18 tháng trước, y được gọi tới tổng hành doanh. Tướng G. - người có lông mày sâu róm, mắt cú vọ, đầu cạo nhẵn thín như hòn bi - chăm chú nhìn y rồi nói, giọng lạnh lùng:
- Thiếu tá Bôrin, tôi rất hài lòng về những tiến bộ của anh trong thời gian huấn luyện đặc biệt tại Kuchino (3) . Ngày mai, anh sẽ lên đường sang Mỹ, anh không còn là thiếu tá Bôrin nữa mà là trung sĩ Bôrin, làm tài xế cho tùy viên không quân tại sứ quán Liên Bang Sô Viết. Nếu công tác tôi giao cho anh được hoàn thành, anh sẽ được vinh thăng đại tá.
Bôrin đứng nghiêm chào tướng G. Một tuần sau, Bôrin trở thành bác tài ngây ngô trong sứ quán tại Hoa Thịnh Đốn. Nhiệm vụ của Bôrin được thu vỏn vẹn vào trong một giòng chữ đánh máy: tìm mọi cách để biết những người Việt nào làm việc tại tổng hành doanh tình báo Mỹ C.I.A. và họ đã bí mật liên lạc với ai ở Hà Nội để lấy tài liệu. Bôrin có đủ khả năng để làm việc này, vì y nói tiếng Việt rất giỏi. Điều đó không lạ, cha y người Nga, mẹ là người Việt. Là thủy thủ trên một chiếc tàu buôn Sô Viết, đi lại trên biển Nam Hải, cha y cũng là nhân viên do thám cho Smerch. Trong thời gian hoạt động tại Hà Nội, cha y ăn ở với một thiếu phụ Việt rồi đẻ ra y. Sau thế chiến, gia đình Bôrin về nước, y trở thành công dân Nga. Lớn lên, y gia nhập Smerch và tòng sự trong ban Việt Vụ, ban chuyên về các vấn đề Việt Nam.
Sau nhiều ngày dò xét khôn ngoan, y phăng ra tung tích một người Việt, nhân viên C.I.A. Một đêm tối trời, Bôrin mò đến nhà riêng, một căn nhà lầu kín đáo ở ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, Bôrin dùng tiền bạc và lời đường mật dụ dỗ. Người ấy nhận lời. Trong buổi gặp gỡ để trao tài liệu đầu tiên, diễn ra tại một công viên tối om, Bôrin cùng đi với viên tùy viên không quân. Bôrin không ngờ mắc mưu công an FBI: nhận tài liệu xong, y vào một hộp đêm gần đấy để chuyển cho người tùy viên không quân thì bị công an ập vào bắt. Y lính quýnh chưa định xử trí ra sao thì đèn điện vụt tắt. Tiếng súng nổ ròn. Đèn bật lên, một cảnh sát viện bận đồng phục nằm chết trong vũng máu. Ai bắn, Bôrin không biết. Người tùy viên không quân đã biến mất. Công an đổ riết cho Bôrin là hung thủ mặc dầu y không bắn. Y khai trước tòa y không mang súng trong mình, song quan tòa không tin. Và y bị kết án tử hình. Bôrin còn nhớ rõ mồn một những giòng chữ đen ghi trong án lệnh:
"Nay ra lệnh cho các viên chức khám đường Sing Sing thi hành bản án này đối với Anáttát Bôrin, đúng theo luật định. Anáttát Bôrin phải bị hành quyết trong khám đường..."
Tử tội Bôrin thở dài áo não. Là nhân viên Smerch, y thừa hiểu chánh phủ Liên Sô không bao giờ giơ ngón tay trỏ lên bảo vệ cho y. Đó là luật hành nghề. Song Bôrin vẫn hy vọng. Từ mấy năm nay, nhiều phạm nhân gián điệp đã được trao đổi gữa Nga và Mỹ. Bôrin hy vọng tướng G. sẽ nhấc máy điện thoại có ghi hình chữ V. Ch. (4) màu trắng lên, gọi cho điện Cẩm Linh yêu cầu bộ Ngoại Giao can thiệp cho y. Trong thời gian bị giam giữ, Bôrin đã gặp phó lãnh sự Sô Viết hai lần, lần nào y cũng được nghe những lời hớa đầy hy vọng.
Nhưng rồi Bôrin được giải về Sing Sing. Chiếc xe bít bùng chở tử tội trên xa lộ, dọc giòng sông Hớtsơn (5) hùng vĩ. Mùi nước sông thơm thơm bay vào mũi Bôrin. Bên tay, y nghe thoang thoáng tiếng ầm ầm của con tàu chạy vào thị trấn Nữu ước. Y muốn trốn, song chân bị xiềng, tay xích chặt vào một công an viên, nét mặt lì lợm. Trên băng trước là người tài xế và hai công an viên khác, võ trang súng máy.
Một tòa nhà màu xám hiện ra: khám đường Sing Sing. Bôrin bàng hoàng khi thấy căn nhà hai tầng bằng gạch in rõ trên nền trời buổi sáng, nơi hành quyết tử tội. Xe dừng, y bước vào một căn phòng vuông sặc mùi thuốc sát trùng. Trên tường treo một cái đồng hồ quả lắc màu trắng to tướng. Đó là lần cuối trong đời Bôrin được nhìn thầy đồng hồ. Y lãnh thẻ bài 7613 - trời, con số 13 của định mạng - rồi cởi bỏ quần ảo cho hai người gác và một y sĩ khám xét. Lỗ tai, lỗ mũi, hậu môn, đều bị nắn bóp. Y sĩ dùng đèn bấm cực mạnh soi vào lổ tai. Người gác chải đầu Bôrin bằng cái lược riêng. Mọi đồ vật đều bị giữ lại, kể cả thư từ, hoặc một que diêm, vì đã có tử tội nuốt diêm tự vận.
Bôrin được dẫn qua một khu vườn hoa thơm nhè nhẹ, cỏ cắt xanh rờn, tới một hàng rào sắt. Y nhìn trời lần chót, và thở lần chót khi trời trong Iành. Y bước vào khám tử hình: những cửa thép dầy nặngnề, những hành lang vắng tănh. Y đếm được tám cửa sắt. Những cửa này dẫn vào ba khu xà lim tử hình. Hai người mặc sơ mi trắng cụt tay hiện ra.
Bôrin lại cởi quần áo lần nữa. Một tiếng chuông reo lên rền rĩ, một cánh cửa mở ra. Bôrin bị đẩy vào một "nhà tắm", phía trên có những vòi nước và hoa sen kếch sù. Cửa đóng, nước ấm tuôn xuống rào rào. Phía sau cửa kính, một giọng nói cất lên:
- 7613, kỳ cọ nhanh lên.
Tự nhiên, căn phòng sực nức một mùi khó chịu. Làn da của Bôrin đau buốt như bi trầy trụa dưới bong bóng xà bông. Vòi nước bị cắt. Một người gác bẻ quặt tay Bôrin ra sau lưng, người thứ hai dùng khăn lông màu lục chà sát da thịt y thật mạnh đến nỗi y tưởng như tóe máu. Đó là sự tiếp đón đặc biệt của khám tử hình: tội nhân bị kỳ cọ bằng hóa chất để cạo bỏ mọi chất độc - nếu có - được dính vào da. Xong xuôi, Bôrin được lãnh một đôi giầy không giây, quần y cũng không có giây lưng.
Cửa sắt lại mở, Bôrin vào xà lim số 13. Y được đọc sách nhưng sách đã bị tháo rời ra từng tờ. Y có thể hút thuốc, nhưng người gác đứng ngoài song sắt châm diêm cho y. Đã hết đâu, một cái chậu lớn đầy nước xà bông được bưng đến, y lại cởi bỏ quần áo, giặt dũ trước sự chứng kiến của giám thi. Việc giặt dũ là biện pháp cuối cùng để tẩy bỏ chất độc lẫn trong quần áo. Giặt xong, phơi quần áo lên, giám thị mới ra ngoài, vì sợ tử tội uống nước xà bông quyên sinh.
Nghĩ tới đó, Bôrin lại thở dài. Y không ngờ mới hăm mấy tuổi đầu đã phải lìa đời một cách thảm thương.
- 7613. Bữa ăn đặc biệt hôm nay anh dùng gì?
Bôrin giật mình đánh thót. Bữa ăn đặc biệt!
Bữa ăn trước khi lên ghế điện. Y ngồi im, hai mắt lờ đờ phóng vào khoảng không. Biết ăn gì đây? Người gác buông ra một tiếng:
- Tôm chiên, xà lách, rượu vang đỏ, xì gà Ha van nhé?
Bôrin rùng mình như bị cảm lạnh. Thực đơn của người gác vừa đánh thức trong lòng y một kỷ niệm êm đềm. Vợ y - một thiếu nữ Việt y gặp tại Mạc tư khoa trong trường đại học âm nhạc đã ăn tôm chiên, xà lách và uống rượu vang đỏ với y trong đêm vợ chồng xa nhau, chồng đi Mỹ, vợ về quê ở Hà Nội. Nước mắt đầm đìa hai má, Bôrin nhớ tới người đàn bà mảnh khảnh, lông mày thanh như vẽ, hàm răng đều trắng muốt. Tên nàng là Lệ. Vương Lệ. Nàng không biết y là nhân viên gián điệp Smerch. Đêm qua Bôrin viết thư cho vợ. Viết xong, y xé đi vì y không muốn làm nàng bị liên lụy. Trong một phút phẫn nộ, Bôrin chỉ trích thái độ bạc bẽo của nhà cầm quyền Sô Viết. Họ đã đưa y vào chỗ chết một cách tàn nhẫn.
Người gác đưa thức ăn vào thấy Bôrin gục đầu vào hai tay bèn lặng lẽ đi ra. Bên ngoài, nhân viên khám đường đang lặng lẽ sửa soạn cuộc hành quyết. Linh mục đã ngồi ở phòng đợi, tay đặt lên cuốn thánh kinh. Người thợ điện đeo cà-vạt đen đi vào phòng ghế điện. Y đứng lặng một phút, ngắm chiếc ghế ba chân, trông hao hao như ghế nha y. Khi tử tội ngồi vào, ghế sẽ ngã về phía sau, những sợi giây do to lớn sẽ cột tay chân y lại. Con dao điện được kéo lên, hai ngàn vôn. Năm giây sau, điện hạ xuống một ngàn vôn. Năm giây nữa, xuống năm trăm vôn. Trong sáu phút, tử tội chỉ còn lại cái xác không hồn.
Trong xà-lim, Bôrin cũng đang nghĩ tới lúc bị trói vào ghế. Chết bằng điện có lẽ sướng hơn chết bằng hơi ngạt, mấy viên độc dược xi-a-nuy được bỏ vào thùng át-xít trong phòng đóng kín. Có lẽ còn hơn cả chết treo, bước 13 bậc, đút đầu vào thòng lọng, thạp gỗ bị giựt tụt xuống, cổ mắc tòn teng trong giây thừng ni lông, xương cổ vỡ nát, lưỡi lè ra màu tím gớm ghiếc. Tuy nhiên, nếu máy điện riêng của nhà lao bị hỏng, phải dùng điện cao thế ngoài đường trên 2.600 vôn, Bôrin sẽ có thể bị cháy đen như thịt nướng trên than hồng.
Bôrin lấy khăn mặt lau bồ hôi. Y từ chối không tiếp linh mục. Tâm trí y đang nghĩ tới một người. Người đó là phó lãnh sự Sô Viết.
Cửa xà-lim mở toang. Bốn người lực lưỡng tiến vào, sơ mi trắng, giày ban màu xanh, đế bọc chì, khi hữu sự có thể biến thành khí giới đắc lực. Giám thị trưởng nói với Bôrin:
- 7613. Đến giờ rồi.
Bôrin đứng dậy, mắt y hoa lên. Y cố trấn tĩnh để khỏi ngã xuống. Hai người xốc nách y dìu ra phòng ghế điện. Nhìn thấy ghế, y nhắm nghiền mắt lại. Trong hai phút nữa, tử thần sẽ đến cướp y. Biết không còn hy vọng nữa, y bặm môi lại, cố nén khóc òa lên. Dầu sao y cũng là thiếu tá của sở gián điệp Smerch.
Bôrin liến nhìn mọi người. Một mùi khét đặc biệt từ phòng ghế điện xông vào mũi tử tội. Đột nhiên, có tiếng chân người chạy rầm rập. Một viên giám thị hớt hãi mở toang cánh cửa sắt ngoài hành lang, kêu to:
- Thong thả.
Bôrin giật mình. Da mặt y đang xanh mét trở nên hồng hào. Văn phòng thống đốc vừa gọi giây nói tới. Hú vía! Cuộc hành quyết được hoản lại. Hai nhân viên FBI tiến đến gần Bôrin:
- Chào ông. Ông có phải là Bôrin không?
Dĩ nhiên, tử tội không là Bôrin còn ai nữa? Bôrin sững sờ trước câu hỏi bất thần
- Mời ông đi theo chúng tôi, xe hơi đang chờ ngoài cửa.
Bôrin hỏi, giọng yếu ớt:
- Đi đâu?
- Đi tới tòa đại sứ Sô Viết.
Bôrin khựng người một giây. Rồi như cây gỗ, y ngã lăn xuống đất bất tĩnh.
Bên ngoài, trời trong không một gợn mây.
o O o
Hăm bốn giờ trước khi Bôrin bị đưa sang phòng hành quyết, một hội nghị quan trọng diễn ra tại số 13, đường Stretenska Ulitsa, Mạc-tư-khoa, dưới quyền chủ tọa của đại tướng G. Ngoài tướng G. ra còn có hai tướng lãnh khác, đại diện cho công an KGB và sở tình báo RUMID của bộ Ngoại Giao.
Phiên họp kéo dài trong một tiếng đồng hồ. Mọi người đều nói nhỏ, dường như sợ lọt âm thanh xuống con đường phía dưới vắng tanh, đầy binh sĩ võ trang đứng gác. Cử tọa lục tục ra về, tướng G. ở lại một mình trong văn phòng, ưỡn ngực đầy huy chương, tay xoa lên đầu nhẵn thín. Cửa kẹt mở, một sĩ quan phụ tá tiến vào chờ lệnh. Tướng G. hất hàm:
- Mang hồ sơ Bôrin lên đây.
Tướng G. châm lửa, rít một hơi thuốc Vônga (6) thơm phức. Đoạn ngồi xuống bàn, uống một ly nước lạnh, giở cái bìa màu vàng trên góc có một ngôi sao đỏ và hai chữ S.S. (7) ra coi. Bên trong có một xấp ảnh và một hồ sơ đánh máy chữ đen chi chít. Tướng G. ngắm tấm hình toàn thân của thiếu tá Bôrin. Đó là một thanh niên cao thước bẩy, gầy guộc, xương lưỡng quyền nhô lên, yết hầu lộ ra ngoài, mắt sâu trũng, lông mày thưa, tóc ngắn, ngón tay dài tháp bút. Bức hình chụp Bôrin đứng bên một sạp báo ở Nữu-ước.
Tướng G. Nhún vai đọc hồ sơ:
"Bôrin sinh ngày 13-7-1940 tại Hà Nội, Bắc Việt. Đã theo học trường đại học Lênin và Kuchinô. Gia nhập Smerch ngày 4-9-1960, tòng sự tại ban Việt Vụ. Vợ là Vương Lệ, người Việt, hiện làm việc tại bộ Ngoại Giao nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bôrin thành hôn với Vương Lệ ngày 2-2-1960 tại Mạc-tư-khoa. Tuy đã gia nhập đảng Cộng Sản và lập nhiều thành tích tốt đẹp, Vương Lệ vẫn chưa đoạn tuyệt được với quá khứ tiểu tư sản do liên hệ gia đình để lại. Cũng vì lý do này. Sở đã đưa Vương Lệ về Hà Nội, sống xa chồng, trong khi Bôrin công tác tại Hoa Kỳ."
Chắc lưỡi ra vẻ chán nản, tướng G. mở qua trang khác. Đó là bản báo cáo của ban Y khoa đặc biệt. Bản báo cáo về Bôrin như sau: "Tuân lệnh đại tướng, Bôrin đã được giải phẫu ngày 8-11-1963. Cuộc giải phẩu đã thành công, tuy nhiên thỉnh thoảng y bị nhức đầu và khi nào xúc cảm mạnh thì ngất đi. Đại để những biến chứng nhỏ này không làm phương hại tới sức khỏe của Bôrin, và địch không thể biết được. Sau khi dưỡng bệnh một tháng tại Hắc Hải, y được đưa về Kichinô, theo lớp huấn luyện cấp tốc. Trước ngày qua Mỹ, y đã có một sức khỏe hoàn toàn."
Tướng G. Hít một hơi thuốc Vônga nữa rồi lẩm nhẩm đọc bức điện báo do đại sứ Sô Viết từ Hoa Thịnh Đốn đánh về hồi đêm:
"... Vâng lệnh bộ Ngoại Giao, tôi đã đích thân tới gặp ngoại trưởng Mỹ Rớt (8) . Rớt phải qua Ba-lê và Luân Đôn nên mặc dầu tôi hối thúc nhiều lần, mãi đến hai tuần sau tôi mới được gặp Rớt. Vì sự đình hoãn này, công việc điều đình phải bị chậm trễ. Mở đầu câu chuyện, tôi nói với Rớt về sự giao hảo ngày một tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết. Rớt lấy làm vui sướng. Nhưng đến khi tôi đề cập tới vụ Bôrin thì Rớt sa sầm nét mặt. Ông ta cho biết tuy giữa hai quốc gia có sự thông cảm, việc xét lại bản án của Bôrin rất khó khăn, vì lẽ tòa án ở Mỹ là cơ quan biệt lập, không tuân theo lệnh Hành Pháp.
"Tôi mỉm cười đáp lại là nếu tòa án Mỹ biệt lập thì sao Gubít-sép (9) bị xử 15 năm tù mà bộ Ngoại Giao Mỹ lại can thiệp cho miễn nghị và hồi hương, tại sao Aben (10) bị 30 năm tù mà lại được đem đổi với Paoớt (11) . Ngoại trưởng Rớt ngồi im một lát rồi trả lời là vụ Bôrin ở ngoài quyền hạn của ông, ông còn phải trình lên tổng thống Dônsơn. Tôi nói là ngày hành hình Bôrin đã tới, tôi cần biết dứt khoát quyết định của chính phủ Mỹ.
"Ba giờ sau, tôi được mời gấp tới bộ Ngoại Giao. Ông Rớt cho biết là tổng thống Dônsơn đồng ý vì không muốn làm mất lòng chính phủ Liên Sô. Tuy nhiên, điều kiện đưa ra lại quá nặng nề. Ông Rớt nói rằng Bôrin sẽ được ân xá và hồi hương với điều kiện là 5 người Mỹ bị cầm tù ở Bắc Việt phải được trả tự do, ngoài ra về phí tổn, Liên Sô phải trả một triệu đô la.
"Tôi tỏ sự bất mãn trước điều kiện quá khắc nghiệt của chính phủ Mỹ, thì ông Rớt nói: - Tôi chỉ có nhiệm vụ chuyển tới ông quyết định của tổng thống Dônsơn sau phiên họp của Hội Đồng Nội Các. Nói đoạn, ông Rớt cáo từ, viện cớ phải đi dự một phiên nhóm quan trọng của bộ.
"Tôi xin đính sau đây bản tường thuật tỉ mỉ về hai cuộc tiếp xúc với ông Rớt. Tôi cũng xin trình chính phủ nên xét lại vụ Bôrin, vì tôi thiển nghĩ Bôrin chỉ là một sĩ quan trung cấp, không mấy quan trọng. Trong khi hành sự, y lại phạm một lỗi lầm không tha thứ được, đó là hốt hoảng rút súng hạ sát nhân viên FBI. Tôi xin đề nghị bác bỏ những điều kiện quá đáng của chính phủ Mỹ."
Tướng G. ném bức điện sang bên, cười khinh miệt:
- Hừ, đồ ngu như bò.
Chợt nhớ ra, tướng G. lẩm bẩm một mình:
- Hắn ngu cũng phải. Vì hắn có biết quái gì về Bôrin. Đặt điều kiện phóng thích năm người, và nộp một triệu đô la, chứ gấp mười lần như vậy ta cũng nhận.
Tướng G. ấn nút, ra lệnh cho bí thư:
- Đánh gấp một mật điện cho đại sứ của ta ở Hoa-thịnh-đốn. Nói là chính phủ hoàn toàn chấp nhận các điều kiện của ngoại trưởng Rớt. Nội ngày nay, năm người Mỹ sẽ được thả. Một triệu đô la sẽ được chuyển tới sứ quán Mỹ ở Mạc Tư Khoa.
Tướng G. cười khà, ra vẻ thõa mãn. Chợt nhìn đồng hồ, tướng G. hỏi bí thư:
- Nguyễn Văn Kỉnh đến chưa?
Bí thư, một sĩ quan nét mặt khắc khổ, cung kính đáp:
- Thưa đại tướng, ông ta ngồi đợi đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi.
Tướng G. khoác tay:
- Đưa y lên đây.
Nguyễn Văn Kỉnh là đại sứ Bắc Việt tại Mạc Tư Khoa. Y bước nhẹ lên tấm thảm len sặc sỡ, sợ kinh động bầu không khí trang trọng của tổng hành doanh Smerch. Trên bức tường, bức ảnh tướng Sêrốp, bộ trưởng An Ninh, nhìn y bằng con mắt tóe lửa. Y cúi đầu chào tướng G. Không cần bắt tay, tướng G. nói một hơi:
- Tôi gọi đồng chí tới đây để cho đồng chí biết rằng Smerch rất bất mãn về sự ấu trĩ của nền tình báo Bắc Việt. Trong vòng ba tháng qua, hai nhân viên bị bại lộ ở Hồng Kông, ba cơ sở lớn ở Nam Việt bị phá vỡ một cách thảm hại.
Nhìn giữa hai mắt đại sứ Bắc Việt, tướng G. hỏi, gay gắt:
- Vụ mất tài liệu đi đến đâu rồi?
Nguyễn văn Kỉnh rụt rè:
- Thưa đại tướng.... tài liệu trong bộ Ngoại Giao vẫn bị mất và Phản Gián Hà Nội chưa tìm được đầu mối.
Tướng G. Nghiêm nét mặt:
- Tôi sẽ tìm cách cứu các đồng chí một lần nữa. Đồng chí hãy báo ngay cho thủ tướng Phạm Văn Đồng biết một phái đoàn Smerch sắp đi Hà Nội cùng với Bôrin.
Mắt Nguyễn Văn Kỉnh sáng lên:
- Thưa, thiếu tá Bôrin bị kết án tử hình và giam tại Sing Sing.
Tướng G. đập tay xuống bàn:
- Phải, Bôrin. Bôrin là ân nhân của các đồng chí.
Tướng G. lặng lẽ châm thuốc Vônga. Cửa phòng được khép lại nhè nhẹ. Chuông điện thoại reo lên. Đầu giây có tiếng nói chắc nịch:
- Đây là tướng Sêrốp. Yêu cầu đồng chí G. tới văn phòng tôi ngay để thảo luận về vụ Bôrin.
Gác điện thoại xuống, tướng G. vỗ vào đùi đánh đét, dáng điệu hể hả:
- C.I.A., lão Hoàng, ngày tận số của bọn mi đã tới.
Chú thích
1. Smerch là Smiert Spionam (tử hình đối với gián điệp), cơ sở sát nhân ghê gớm của gián điệp Sô Viết, đóng tổng hành doanh tại số 13, đường Stretenska Ulitsa. Mạc Tư Khoa, có 40.000 nhân viên nam nữ hoạt động khắp thế giới.
2. Đó là tướng Grubozaboyschikoc. Tướng Grubo hiện vẫn là tổng giám đốc Smerch.
3. Tức là Kuchino, trường huấn luyện do thám thâm nhập, ở vùng phụ cận thủ đô Nga Sô, Mạc Tư Khoa.
4. V. Ch. Là Vysokochastoty, điện thoại siêu tần số. Mạc Tư Khoa có chừng năm chục máy điện thoại siêu tần, liên lạc giữa các viên chức cao cấp, mọi điện đàm đều được thâu thanh, song không ai nghe trộm được.
5. Hudson.
6. Moskwa-Volga, một thứ thuốc lá thơm của Nga Sô.
7. S.S. là viết tắt của danh từ Sovershennoz Sekrelno, tức là tối mật.
8. Dean Rush.
9. Tức Valentin Gubishev, nhân viên Sô Viết tại Liên Hiệp Quốc, bị bắt quả tang nhận tài liệu mật của Judith Coplon, nhân tình người Mỹ.
10. Tức đại tá Abel, trùm do thám Sô Viết tại Mỹ.
11. Tức đại úy không quân Gary Powers, lái chiếc U-2 thám thính bị bắn rơi trên đất Nga, bị lên án 10 năm tù, sau được đổi với đại tá Abel.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28